- ● 26/10/92 – 01/11/92
- ● 29/11/92 - 05/12/92
- ● 28/03/93 - 03/04/93
- ● 27/04/93 - 03/05/93
- ● 20/10/93 - 26/10/93
- ● 19/11/93 - 25/11/93
- ● Khai Thị Tại Thủ Đức
- ● 18/12/93 - 24/12/93
- ● 14/07/94 - 20/07/94
- ● 12/08/94 - 18/08/94
- ● 11/09/94 - 17/09/94
- ● 10/10/94 - 16/10/94
- ● 06/01/95 - 12/01/95
- ● 15/02/95 - 21/02/95
- ● 06/03/95 - 12/03/95
- ● 05/04/95 - 11/04/95
- ● 15/05/95 – 21/05/95
- ● 03/06/95 - 09/06/95
- ● 27/01/96 - 02/02/96
- ● 24/05/96 - 30/05/96
- ● 25/05/97 - 28/05/97
- ● 16/05/97 - 20/05/97
- ● 14/06/97 - 20/06/97
- ● 24/06/97 - 28/07/97
- ● 14/08/97 - 20/08/97
- ● 19/03/99 - 25/03/99
- ● 15/05/99 - 21/05/99
- ● 1995 - 1999 Khai Thị Tại Mỹ Quốc
QUYỂN HẠ
(Từ năm 1992-1999)
Hòa Thượng Thích Duy Lực
Nhà xuất bản Tôn Giáo – Hà Nội 2001
9.
14/07/94 - 20/07/94 tại Chùa Từ Ân Q. 11
Hỏi: Theo Tịnh Độ có 9 phẩm, tùy theo sự tu chứng của mỗi người đi về từng phẩm, còn theo Tổ Sư Thiền phải đi đến kiến tánh thành Phật, nhưng nếu trong thòi mạt pháp, chúng con không thể kiến tánh ngay trong kiếp này thì sẽ đi về đâu? Và nợ cơm áo của Đàn tín thí làm sao trả?
Đáp: Đối với vấn đề đi về đâu. Phật tánh khắp mọi nơi, khắp không gian thời gian, chẳng có chỗ sanh khởi và cuối cùng, ấy mới là bất sanh bất diệt của Phật tánh, nếu có chỗ về thì chẳng phải Phật tánh. Như Tịnh Độ nói “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”, vô sanh là chẳng có sự sanh khởi, hễ có sanh tức có bắt đầu, có sanh tức có diệt, vẫn còn trong sinh tử luân hồi. Nên người chứng ngộ nói “ngộ pháp vô sanh”, đã vô sanh thì đi về đâu? Do chấp thật có sanh nên mới có tử, mới nói là có chỗ về, nên cứ ở trong sinh tử luân hồi mãi.
Hỏi: Con muốn xuất gia, nên tìm đọc quyển lịch nói về năm xuất gia xem có thuận lợi hay không, trong đó có chỉ dẫn cả ngày giờ xuống tóc, đọc xong khiến con do dự, và năm nay con gặp năm súc sanh, năm tới gặp năm ngạ qủy, tuy nhiên người tu hành không cần xem xét những vấn đề này, nhưng vì con tuổi già sức yếu, không biết có vượt qua những khảo đảo và bệnh hoạn không?
Đáp: Người viết cuốn sách này đã gieo tội địa ngục, vì không biết Phật pháp, dùng pháp mê tín hại người, gọi là cuồng vọng thuyết pháp, tạo tội địa ngục. Phật tánh của mọi người đều đầy đủ, mặc dầu nay là chúng sinh, nhưng đã thành Phật, những gì bà nói đều là pháp mê tín, xuất gia là vì muốn liễu thoát sinh tử luân hồi, chứ đâu phải vì cái khác mà phải sợ đến tướng số.
Nay nhiều người xuất gia, ở chùa hưởng sự cúng dường của Phật tử mười phương nhưng vẫn còn lo cho gia đình, như đám giỗ ông bà cha mẹ cũng do Phật tử cúng dường, đã xuất gia thì không có nhà, nay lợi dụng sự xuất gia, nhờ Phật tử giúp đỡ cho gia đình, lo cho con cháu, ấy là hư tiêu tín thí, là tội địa ngục, sau này từ địa ngục ra, còn phải làm trâu ngựa, trả nợ thí chủ, hại còn nhiều hơn ích, chẳng thà không xuất gia còn không gây tội nặng như thế. Cho nên tôi thường khuyên ai muốn xuất gia phải là người quyết tử, không biết gia đình con cháu mới được, nếu không chẳng thà tu tại gia tốt hơn.
Hỏi: Tâm mình trong sạch, tại sao lại ham dính bụi?
Đáp: Sắc thanh hương vị thuộc tiền trần, trần là bụi, khiến dơ mình, tại sao lại cứ muốn dính bụi? Ví như tấm gương vốn sáng, chiếu soi rõ mặt mũi, hễ dính đầy bụi thì mất tác dụng chiếu soi, nay muốn cho không dính bụi, nên phải tham thoại đầu. Tại sao? Sở dĩ dính bụi là do sự biết: Biết sắc đẹp thì ham, biết sự khen ngợi của người khác thì mừng … Nay tham thiền dùng cái không biết để tu, thấy sắc chẳng biết xấu hay đẹp, nghe tiếng cũng chẳng biết khen hay chê thì đâu dính bụi? Nên phải dùng cái không biết để cho không dính bụi. Hễ không dính bụi thì ánh sáng gương được hiện, người nam đến thì hiện tướng nam, nữ đến hiện tướng nữ, rõ ràng chiếu soi.
Hỏi: Phiền não của con rất sâu đậm, con chẳng thể phá tan được, kính xin Sư phụ khai thị.
Đáp: Kinh nói “Trực tâm là đạo tràng”, nay tôi hỏi cô, mà tôi hỏi cái nào thì cô trả lời cái nấy, phải dùng tâm ngay thẳng để trả lời.
- Cô nói phiền não sâu đậm, vậy cô phải biết phiền não của cô sanh khởi từ chỗ nào?
- Dạ thưa sanh khởi từ lửa sân.
- Vậy lửa sân sanh khởi từ chỗ nào?
- Dạ thưa nó có đủ thứ …
- Tôi chỉ hỏi cô nó sanh khởi từ chỗ nào, trong thân của cô thì cô phải biết nó sanh khởi từ đâu chứ! Ví như trong túi tôi có tiền, người ta hỏi tôi “Trong túi ông có tiền không?”
Tôi nói “có”.
Hỏi “Có bao nhiêu?”
Tôi nói “Có mười ngàn”.
- Đồ của mình thì mình phải biết, cô nói phiền não của cô mà cô lại không biết nó sanh khởi từ đâu?
- Dạ thưa vì việc gia đình của con, việc gì nó cũng dồn tới …
- Thân cô đâu phải của gia đình? Cho dù là cha mẹ cô thì cũng là thân của người khác, đâu phải của cô? Ví như bây giờ cô đang đói, cha mẹ cô có thể ăn no giùm cô được không? Anh em có thể ăn no giùm cô được không? Cha mẹ anh em khác hơn thân của cô mà! Bây giờ phiền não đó đâu phải là cha mẹ hay anh em sanh ra? Làm sao nói là gia đình được?
- Dạ, cũng như con cháu của con nó không nghe lời …
- Con cháu đâu phải thân cô? Nay tôi nói cho cô biết, phiền não đó chẳng phải của cô, tại cô suy nghĩ phiền não nên mới thành phiền não. Cái suy nghĩ đó tức là biết, do bộ óc suy nghĩ cho cái này cái kia là phiền não, nhưng sự thật bộ óc vốn trong sạch chẳng có phiền não, phiền não là ở ngoài bộ óc của cô. Nếu cô không suy nghĩ đến những phiền não đó thì phiền não đâu dính mắc? Bây giờ cô thì không biết có bộ óc, nhưng cô cũng biết cô suy nghĩ, thì năng suy nghĩ đó là bộ óc, sở suy nghĩ là phiền não. Năng thì chẳng sở, sở chẳng phải năng, năng suy nghĩ đó mới là của cô, sở suy nghĩ chẳng phải của cô. Cho nên phiền não chẳng phải của cô, tại cô suy nghĩ rồi lấy cái đó cho là của cô. Do cô tự mình không biết được nguồn gốc suy nghĩ đó, bản thể suy nghĩ đó, nay tôi đem những việc trước mắt có thể thí dụ cho cô được rõ:
Hai chân của cô là năng đi, con đường có gai gốc cứt sinh, là sở đi của hai chân, cũng như tâm là năng suy nghĩ, phiền não là sở suy nghĩ của cô; cái năng suy nghĩ vốn chẳng có phiền não, cũng như hai chân vốn chẳng dính cứt sình, con đường có gai gốc cứt sình đó chẳng dính dáng với hai chân, tại hai chân ham dẫm lên con đường cứt sình mới bị dính mắc, rồi cho cứt sình đó là của cô, vậy có được không?
Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường bằng phẳng, nhưng mình không chịu đi, cứ ham đi trên đường gai gốc cứt sình, rồi nói: “Con đường đó dơ quá khiến tôi bị dính mắc cứt sình”. Lại nói: “Cứt sình đó của tôi!” Phải vậy không? Cho nên, cô nói “bị phiền não sâu đậm” là không đúng, đó ở ngoài tâm cô. Bây giờ cô chỉ tham thiền, không biết tới những cái đó, tức không suy nghĩ thì chẳng bị phiền não chướng ngại!
Hỏi: Trong kinh dạy “người tu hành phải phát Bồ đề tâm, nếu không thì như cày ruộng mà không gieo giống”. Kính bạch Sư phụ, Bồ đề tâm này có tương đương với Từ bi tâm không? Chúng con phải phát Bồ đề tâm để tu hành không?
Đáp: Bây giờ tôi hỏi bà: Bà nói Bồ đề tâm, vậy Bồ đề tâm là cái gì?
- Dạ con chưa được rõ lắm.
- Bà nghe vị giảng sư giảng “Phải phát Bồ đề tâm” mà bà không hiểu thì phải hỏi vị giảng sư ấy, nếu không thì làm sao phát tâm?
- Vậy kính xin Sư phụ giảng cho con được rõ.
- Hai chữ Bồ đề là tiếng Ấn Độ, nghĩa là giác ngộ, cũng có người dịch là “Đạo”, tức đạo giác ngộ. Vậy giác ngộ cái gì? Giác ngộ cuối cùng gọi là “vô sở đắc”. Tại sao? Vì trong tâm sẵn đủ thần thông trí huệ, khắp không gian thời gian, chẳng thiếu sót chút nào, nên chẳng cần đắc nữa. Nếu còn có sở đắc thì chẳng phải Bồ đề tâm. Cho nên, phát tâm Bồ đề tức phát tâm vô sở đắc. Đó cũng là tại sao trong mười điều kiện thực hành tham Tổ Sư Thiền, điều trước tiên là “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”, thì tâm này là tâm Bồ đề.
Chư Tổ có câu “Phiền não tức tức Bồ đề”. Tại sao? Vì vô sở đắc thì làm sao đắc phiền não? Đắc sự hạnh phúc sung sướng còn không có, huống là phiền não? Không có phiền não tức Bồ đề, chẳng những phiền não tức Bồ đề, tất cả đều là Bồ đề, vì vô sở đắc vậy.
Hỏi: Trong lúc con dự Thiền thất, có hai buổi con bị rơi vào tình trạng như sau: Gần cuối giờ tọa thiền, đang tham con ngủ thiếp đi lúc nào không hay nhưng vẫn ôm câu thoại đầu, khi thức tỉnh thấy thầy đang dẫn chúng đi hương, Xin Sư phụ chỉ ra chỗ sai của con để con sửa, hầu tránh tình trạng đi sai một bước cách xa ngàn dặm.
Đáp: Bây giờ biết đúng cũng là sai, biết không đúng cũng là sai, biết mình tinh tấn cũng là sai, biết không tinh tấn cũng là sai, vì tham thiền là dùng sự không biết để tu, nay có một niệm biết tức chẳng phải tham thoại đầu, có sự biết là trái với nghi tình, nên không thể cho là đúng hay sai.
Nay đang tập tham tất nhiên còn có sự biết, đến khi tới thoại đầu rồi tất cả đều không biết. Mục đích của chúng ta là muốn đến chỗ đó, nên phải tập giữ cái không biết để tu, mà cái không biết này khác hơn cái không biết của ngủ mê, khác hơn cái không biết của người tâm thần, người khờ ngốc, vì những cái không biết kể trên không có tánh ham biết. Con người thì tánh ham biết, khi giữ cái không biết để tu, đụng với tánh ham biết mới khởi lên thành nghi tình, mới gọi là tham thiền.
Hỏi: Để phá tan phiền não vọng tưởng trong lúc tham thoại đầu, con nhớ sáu câu kệ của Ngài Lục Tổ: “Tà đến phiền não tới, chánh đến phiền não trừ. Tà chánh đều chẳng tranh chấp, thanh tịnh đến cùng tột. Hễ bỏ tâm chấp quấy, phiền não tự tan rã”. Nhưng lúc vọng tưởng đến, con có thể tạm ngưng thoại đầu trong giây lát để áp dụng sáu câu này không?
Đáp: Không cần. Sáu câu này của Lục Tổ dạy là muốn chúng ta giữ được nghi tình, hễ giữ được nghi tình là đã thực hành sáu câu này rồi. Nói tà đến là vọng tưởng, chánh đến là nghi tình, đến cuối cùng nghi tình bùng nổ thì tà chánh đều hết, lúc đó mới tới cùng tột. Nay chưa tới cùng tột, giữ được cái chánh tức nghi tình thì vọng tưởng nổi chẳng được tức tà không đến.
Lúc mới tập tham, vọng tưởng cứ nổi lên hoài, lúc vọng tưởng nổi lên thì nghi tình ngưng, đề khởi nghi tình thì vọng tưởng ngưng, vọng tưởng với nghi tình đánh nhau, có khi vọng tưởng thắng thì nghi tình mất, khi nghi tình thắng thì vọng tưởng mất, tập dần dần đến khi nghi tình thắng hoàn toàn, vọng tưởng nổi lên không được, chỉ còn cái chánh. Khi nghi tình bùng nổ, thì tà chánh đều sạch, lúc đó mới là thanh tịnh đến cùng tột. Chỉ cần giữ câu thoại đầu tham tới mãi, chứ không cần niệm sáu câu này.
Hỏi: Thế nào là Vô Môn Quan?
Đáp: Vô môn quan là công án của Thiền Tông: Vô môn là không có cửa, Quan là cửa ải, ví như bốn bề là vách tường, chẳng có cửa mà ra vào được, là thấu Vô Môn Quan. Thiền Tông gọi Vô môn quan tức khán thoại đầu và tham thoại đầu, từ chỗ không cửa mà thấu qua được tức là kiến tánh.
Hỏi: Nói thân cận Thiện tri thức, mục đích chỉ vì cầu pháp cầu trí huệ, vậy tại sao Đức Phật trong Kinh Kim Cang nói “Ta ở nơi Phật Nhiên Đăng, chẳng có thật đắc pháp A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”? Như thế chẳng phải đánh mất mục tiêu cầu pháp cầu trí huệ sao?
Đáp: Phải biết tại sao Đức Phật nói như thế? Câu nói này chỉ có người kiến tánh rồi mới có thể nói, vì người đã kiến tánh tất cả thông trí huệ đều sẵn đủ, không lọt vào có không. Nếu còn kiến lấp một pháp nào, nói CÓ là thật có; nói KHÔNG là thật không, ấy là bớt, vì muốn phá chấp có và không của chúng sinh, nên không có kiến lập. Đây cũng chính là sự khác nhau giữa Phật Giáo và các tôn giáo khác; các tôn giáo đều kiến lập chơn lý, Phật Giáo thì không. Vì Phật tánh sẵn có này đã là chơn lý rồi, nếu còn kiến lập tức thành hai chơn lý, hễ có hai chơn lý tức chẳng phải chơn lý rồi.
Hỏi: Đức Phật đã kiến tánh, nói như thế thì được, nhưng đối với hàng phàm phu chúng tôi, có phải nên cầu mới đắc?
Đáp: Nếu cầu đắc thì không có nhân quả, phải không?
Hỏi: Vậy thì đâu cần thân cận Thiện tri thức nữa?
Đáp: Nếu nói không cần cũng không được, nếu chẳng luyện bỏ tạp chất vàng thì vàng thiệt đâu thể hiện ra? Cho nên, chẳng phải là cần hay không cần, đó tùy thuộc vào căn cơ trình độ của mỗi người, nên mới có tám mươi bốn ngàn pháp môn.
Hỏi: Thế nào là lọt vào vô ký không?
Đáp: Bây giờ chúng ta tham thiền phải chú trọng nghi tình, có nghi tình mới gọi là tham thiền, nhưng vì mới tập tham, vọng tưởng cứ nổi lên hoài, vọng tưởng nổi lên thì nghi tình mất, nghi tình nổi lên thì vọng tưởng mất, có vọng tưởng có nghi tình hai chữ cứ xen lẫn nhau. Tham được một thời gian, vọng tưởng bớt mà nghi tình cũng không nổi lên, tức không có vọng tưởng cũng không có nghi tình, gọi là lọt vào vô ký không. Hễ lọt vào vô ký thì chẳng thể kiến tánh, nên phải mau mau đề khởi thoại đầu để có nghi tình lại. Vì nghi là nhân, ngộ là quả, không có nhân thì không có quả, nên người tham thiền phải luôn giữ được nghi tình.
Hỏi: Có một vị hành giả tự mình ăn chay nhưng lại bán đồ mặn, vậy có bị nhân quả không?
Đáp: Dĩ nhiên là bị nhân quả, hễ khởi tâm động niệm đều có nhân quả, huống là làm! Ví dụ: Cha mẹ vì sợ nhân quả nên ăn chay, lại thương con đi mua thịt cho con ăn, ấy là phải chịu nhân quả, thịt thì con ăn, nợ thì cha mẹ chịu.
Hỏi: Phật pháp và thế gian là một hay hai?
Đáp: Phật pháp cũng là thế gian pháp, vì thế gian pháp cũng là tâm, Phật pháp cũng là tâm. Tâm cũng như đất, chẳng cái gì rời khỏi đất mà sanh trưởng cả, nên nói là tâm địa. Người thế gian cũng phải sống trên mặt đất, nhà cửa cây cối cũng phải ở trên mặt đất, mà mặt đất thì ở trên tâm chứ phải ở ngoài. Phật nói “Nhất thiết duy tâm tạo”, nếu thế gian ở ngoài Phật pháp thì chẳng phải nhất thiết rồi.
Hỏi: Thiền sư Bác Sơn nói: Dù cho bát cảnh thay nhau hiện trước mắt cũng chẳng màng đến”, vậy thế nào là bát cảnh?
Đáp: Bát cảnh cũng là bát phong, tức là Được, Mất, Khen, Chê, Vinh, Nhục, Khổ, Vui. Ý nói là đối với tất cả những tình cảnh tốt xấu đều không bị ảnh hưởng, gọi là bát phong thổi chẳng động.
Trong Thiền Tông có một công án: Ông Tô Đông Pha là một nhà văn nổi tiếng đời nhà Tống Trung Quốc, đồng thời cũng là một vị có tu hành, chơi thân với Thiền sư Phật Ấn, một vị Thiền sư đã kiến tánh. Tô Đông Pha thường hỏi pháp với Thiền sư, lúc đó hai người ở cách nhau bởi con sông Trường Giang.
Một hôm, Tô Đông Pha viết một lá thư cho Thiền sư, nói rằng ông đã tu đến bát phong thổi chẳng động. Thiền sư nhận được thư, hạ bút phê trên đó hai chữ “địt, địt” (trung tiện, cũng có nghĩa là nói bậy) và gởi trả lại cho Tô Đông Pha.
Khi nhận được thư, Tô Đông Pha, rất giận, nói: “Tôi chỉ trình công phu, sao lại sỉ nhục tôi như thế!” Liền qua sông trách vấn Thiền sư. Thiền sư nói: “Chẳng phải trong thư ông nói là bát phong thổi chẳng động ư? Sao lại bị hai cái địt đó thổi qua sông vậy!”
Tôi thấy nhiều hành giả tham thiền cũng có tình trạng như thế, tự mình khoe công phu đắc lực, sự thật thì không phải.
Hỏi: Tồ Sư Thiền là dùng cái không biết để tu đến khi bùng vỡ sự không biết, nhưng Như Lai Thiền là dùng sự biết để tu, làm sao lại có thể đạt đến chỗ khối nghi tình tan rã?
Đáp: Như Lai Thiền sùng sự biết để tu, biết bao nhiêu mới tu bấy nhiêu. Ví dụ Giáo môn thuộc Như Lai Thiền, ở Trung Quốc, gồm bốn tông: Thiên Thai, Hiền Thủ, Tam Luận, Duy Thức. Nay trong Phật học viện cũng còn dạy Duy Thức, nhưng Duy Thức Quán Thiền lại chẳng có ai tu.
Ở Việt Nam, còn pháp Chỉ Quán thiền của tông Thiên Thai, gồm tam chỉ tam quán, gọi là Không, Giả, Trung. Người tu chỉ ngưng nghỉ quán xét, ban đầu quán Giả, ví như quán cái tách này không thật, cái bàn này không thật, cho là giả, quán đến cuối cùng thì giả cũng phải thật giả, lại quán Không, đến cuối cùng thì Không cũng chẳng phải thật không. Chẳng phải thật giả, chẳng phải thật không, là cái gì? Phải quán Trung, cũng như Không với Giả là hai đầu, Trung là ở giữa. Hai đầu đã không thành lập thì ở giữa làm sao thành? Vậy chẳng phải giả, chẳng phải không, chẳng phải trung, là cái gì? Từ đó mới pháp lên nghi tình như tham thiền vậy.
CHỈ là ngưng nghỉ, có ba cấp:
1/ Hệ duyên chỉ: Tâm mình như con khỉ chẳng chịu ngưng nghỉ, nay đem buộc lại ở dưới rốn không cho phan duyên, gọi là Hệ duyên chỉ.
2/ Tiến thêm một bước, gọi là Tùy duyên chỉ, ví như ham thích cái này, nay không còn ham thích nữa; ghét cái này từ nay không ghét nữa, tùy duyên ngưng nghỉ là chỉ.
3/ Cuối cùng phán xét ba thứ Không, Giả, Trung đều chẳng phải, vậy là cái gì? Phát khởi nghi tình, gọi là Thể chơn chỉ. Thể là thể cứu, thể cứu thật, sau cùng phát nghi rồi đến ngộ.
Ví như người tu Tịnh Độ muốn sanh cõi Cực Lạc, vì tin tham thiền không nổi, nên chỉ tu pháp Tịnh Độ tới Bất Thối Địa, tức không lui sụt, đến cõi Cực Lạc rồi do Phật A Di Đà dạy tham Thiền, phát nghi rồi đến ngộ.
Pháp môn nào cũng vậy, cuối cùng là từ nghi đến ngộ, cuối cùng cũng thành Phật, nhưng phải trải qua con đường xa hơn, còn tham Tổ Sư Thiền là pháp thiền trực tiếp, thẳng tắp hơn.
Hỏi: Con xem Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật có dùng phương tiện phá lục căn và lục trần không thật. Lục căn và lục trần sanh ra lục thức, căn và trần không thật thì thức cũng không thật, vậy tại sao Đức Phật không pháp luôn một thể, mà phải dùng đủ thứ thí dụ chứng tỏ lục thức chẳng thật?
Đáp: Thức là sự phân biệt của bộ não, phàm tất cả do bộ não nhận thức được đều không thật. Trong Kinh Lăng Già giảng về Duy Thức để phá sự chấp của các tôn giáo khác, các tôn giáo khác giảng kinh cũng dùng danh từ và giải nghĩa giống như Phật, khiến nhiều người hiểu lầm. Mặc dầu lời của Phật và lời của các tôn giáo khác giống nhau, nhưng nếu xem xét kỹ thì khác. Tại sao? Vì họ có sở trụ còn Phật thì vô trụ.
Tất cả danh từ lục căn, lục trần, lục thức … đều có số lượng, trong kinh gọi là tự tâm hiện lượng. Nếu hiện ra số lượng thì chẳng phải chơn tâm, vì chơn tâm của mình tức Phật tánh, vốn chẳng hình tướng số lượng. Nay dù có trí huệ cao nhất, số lượng cao nhất cũng là vọng, cũng gọi là tự tâm hiện lượng. Trong kinh nói “Nếu ngộ được tự tâm hiện lượng tức giải thoát”. Trong Kinh Lăng Nghiêm cũng có giải thích, nhưng kỹ càng nhất là Kinh Lăng Già.
Hỏi: Tu theo tông chỉ của Tịnh Độ và tông chỉ của Thiền tông đưa đến kết quả như thế nào?
Đáp: Tông chỉ của Tịnh Độ, của Thiền Tông, kể cả của các tông các phái trong Phật Giáo, mục đích đều như nhau, cũng là muốn thành Phật. Thành Phật không phải trở thành một vị thần linh, mà là giác ngộ, ở trong chiêm bao thức tỉnh thì khổ trong chiêm bao tự dứt, vì giác ngộ mới giải thoát tất cả khổ, đạt đến tự do tự tại, cho nên nói là thành Phật, kỳ thật Phật đã thành sẵn, Kinh Viên Giác nói “Tất cả chúng sinh đều đã thành Phật” (Sư phụ thí dụ quặng vàng, lược qua).
Tất cả pháp môn cuối cùng chỉ là hiện ra Phật tánh, thật ra nói Phật tánh là tâm. Tại sao nói Phật tánh? Vì chữ Phật nghĩa là giác ngộ, tâm này có tánh giác ngộ, nên gọi Phật tánh; nếu không có tánh giác ngộ thì chẳng thể thành Phật.
Nói đến chữ TÂM thì tất cả đều là tâm, “vạn pháp duy tâm”, “tất cả do tâm tạo”, vũ trụ vạn vật, địa, thủy, hỏa, phong v.v... đều bao gồm trong đó, chẳng cái nào thiếu sót, cho nên nói tất cả thế gian đều là Phật pháp; Lục Tổ nói “Phật pháp tại thế gian, chẳng lìa thế gian giác”, cái tách này, bình này, kể cả cái thân này đều từ diệu tâm sanh ra. Bây giờ chúng sinh chấp cái thân này là ta, còn cái tách, cái bình chẳng phải ta, nếu theo Phật pháp thì tất cả đều là ta, bởi vì tất cả đều từ tâm sanh ra, thì đâu có cái nào ở ngoài tâm? Nên nói đều là tự kỷ. Nếu tất cả đều là tự kỷ, thì mặc dầu nói là ta, nhưng đã phá được ngã chấp, chẳng còn tương đối, nên nói là đồng thể bi, tất cả đồng một bản thể (tâm).
Thế thì Tịnh Độ cũng là tâm, Thiền cũng là tâm, những người tu Tịnh Độ không biết nên chấp cái thật cái thân này.
Nếu nói cho đúng thì Phật Giáo chẳng phải là một tôn giáo, hai chữ Tôn Giáo là do người Nhật đặt ra, tất cả các tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo … chú trọng về tín ngưỡng, phải tin vào Giáo chủ, nên thuộc về tôn giáo, còn Phật Giáo thì khác, Phật Thích Ca nói “Tất cả chúng sinh đều là Phật”, đều bằng với Phật.
Vì tâm chẳng có hình tướng số lượng, bộ não chẳng thể nhận biết, nhưng sự dụng thì rõ ràng, ví như cái thân này, cái tách này, cái bàn này, ghế này … đều là dụng của tâm, vũ trụ vạn vật đều là dụng của tâm, nên Đức Phật nói “Nhất thiết duy tâm tạo”. Nhưng nhà khoa học thì không tin, chỉ tin vào vật chất, nói tâm này cũng do vật chất sinh ra. Ngài Nguyệt Khê trong Đại Thừa Tuyệt Đối Luận có một biểu đồ nói về bốn thừa: Tiểu thừa nói về Duy vật, Trung thừa nói về duy tâm, Đại thừa nói tâm vật hợp một, Tối thượng thừa thì vô sở trụ, nói chẳng phải tâm, chẳng phải vật, tức chẳng phân biệt tâm khác với vật, là phi tâm phi vật, chẳng phải có hai.
Ví như mấy mươi cây đèn trong một phòng, đèn lớn ánh sáng mạnh, đèn nhỏ ánh sáng yếu, đèn dù khác nhau nhưng ánh sáng chẳng phải có hai; năm cây đèn cũng chỉ một ánh sáng, một triệu cây đèn cũng chỉ một ánh sáng. Lại nữa, những người khoa học thì biết rõ ánh sáng cùng khắp hư không, đã cùng khắp thì sự tương đối tự nhiên tiêu diệt, chẳng còn tương đối nữa.
Theo Phật pháp, nguồn gốc của tương đối là hữu và vô, hữu là, vô là không. Tất cả chúng sinh đều do chấp ngã mới gây ra đủ thứ khổ và phiền não, tức chấp thân này là ta, bây giờ thành lập có ta tức hữu ngã, được không? Ví dụ thân ta là một trong những cây đèn, muốn thành lập hữu ngã thì phải chỉ ra ánh sáng đèn nào thuộc về của ta, quí vị có ai chỉ ra được không? Ánh sáng đèn cùng khắp chánh điện này, có ai chỉ ra được ánh sáng nào là của ta? Không được. Tại sao? Vì ánh sáng đèn nào cũng cùng khắp, dù lớn hay nhỏ, bao nhiêu triệu cây đèn cũng cùng một ánh sáng, chẳng sức mạnh nào chia thành hai ánh sáng được.
Thế thì nói không có ta, tức vô ngã, được không? Muốn thành lập vô ngã, quí vị phải chỉ ra chỗ nào không có ánh sáng đèn của ta? Chỗ nào cũng cùng khắp, vậy muốn thành lập nghĩa vô ngã cũng không được, vì chẳng thể chỉ ra.
Mặc dầu chẳng thể chỉ, nhưng không phải là không có những cây đèn khác biệt, ví như một trăm cây đèn vẫn là một trăm cây, đèn lớn vẫn phát ra ánh sáng mạnh hơn, đèn nhỏ vẫn phát ra ánh sáng yếu hơn, chứ chẳng phải tương đối tiêu diệt rồi ánh sáng và đèn cũng tiêu diệt luôn. Cho nên, tất cả chúng sinh dù cùng một Phật tánh, cùng một tâm, nhưng mỗi mỗi chúng sinh vẫn là khác nhau, cũng như tất cả đèn cùng chung một ánh sáng mà mỗi mỗi đèn vẫn khác nhau vậy. Nếu chúng ta sanh khởi tâm chấp thì có cái này cái kia, muôn ngàn sai biệt; có Tịnh Độ, Thiền Tông, Thiên Thai, Hiền Thủ, Duy Thuúc, Tam Luận … đủ thứ tông phái, cho đến tà ma tà đạo, thế gian công thương kỹ nghệ … nhưng công thương kỹ nghệ, tà ma tà đạo, tông phái này tông phái kia đều là một tâm chứ chẳng phải hai tâm. Do đó, nói Phật Giáo chẳng phải tôn giáo, vì tất cả gồm trong đó. Nếu hiểu được tất cả đều ở trong tâm, chẳng phải ở ngoài thì khỏi cần phân biệt Tịnh Độ, và Thiền, sở dĩ có phân biệt vì có tâm chấp vậy.
Nay người đời nhìn Phật Giáo như là một tôn giáo, vì thấy giáo đồ mê tín, cho rằng Phật Giáo là một tôn giáo mê tín. Sự thật thì giáo lý của Phật Giáo là chánh tín, là phá mê tín, nhưng vì Phật Giáo đồ không hiểu, trong Thiền Tông có nói: “Ấy chẳng lỗi tại đệ tử, là lỗi tại người Thầy”, tại tu sĩ tự mình mê tín rồi dạy Phật tử cũng mê tín theo.
Tại sao nói chánh tín là phá mê tín? Như Bát Nhã Tâm Kinh, các chùa ngày thường đều tụng mấy lần, tụng thì tụng, mà trong cuộc sống hằng ngày thì nghịch với Kinh. Trong Kinh nói “Vô lục căn, lục trần, lục thức, vô lão tử … cho đến vô Khổ Tập Diệt Đạo, vô trí diệc vô đắc”, vô lão tử là không có già chết, cái đó cón thuộc phạm vi Giáo môn chứ chưa phải thiền môn, người ta còn tin không nổi! Nếu muốn phổ biến cho những người thì phải dạy người ta mê tín, đó mới dễ tin và phổ biến được nhiều, vì những người mê tín rất dễ dàng đem gia tài đi cúng, họ cho rằng càng cúng nhiều càng được phước nhiều, còn dạy người chánh tín thì tất nhiên khó tin rồi. Chỉ có những người đã phát tâm tu giải thoát, kiếp trước đã tu, đã gieo trồng thiện căn rồi, kiếp này mới có lòng tin chơn thật. Kinh Kim Cang nói: “Phát lòng tin trong sạch, chẳng phải chỉ kiếp trước nơi một Phật hai Phật gieo trồng thiện căn, mà là vô lượng vô biên hằng sa chư Phật gieo trồng thiện căn”, mới được lòng tin trong sạch như hiện nay vậy. Có lòng tin chắc chắn, sự tu mới chắc chắn, giải thoát mới chắc chắn.
Nhiều người đã phát tâm tu, ấy là nhiều kiếp đã gieo trồng thiện căn, mới có nhân duyên đến dự Thiền thất, đến nghe tôi giảng về pháp chánh tín. Tôi không bao giờ giảng về mê tín, người cúng dường chánh tín không mong đợi phước báo và cúng dường vô điều kiện, không đòi hỏi tôi tụng kinh cầu an cầu siêu, cũng không cần biết phước báo đó sẽ lớn như thế nào.
Tôi đến giảng tại các Phật học viện, mặc dầu tôi chuyên hoằng Tổ Sư Thiền, nhưng người ta hỏi về Tịnh Độ thì tôi giải đáp về Tịnh Độ, hỏi về Thiền giải đáp thiền, cho đến các pháp môn khác. Ai thích tu pháp môn nào thì tôi dạy pháp môn đó, chứ chẳng phải bắt buộc mọi người phải tu Tổ Sư Thiền.
Hỏi: Trong chùa có nuôi chó mèo, con mèo không chịu ăn chay, vậy có thể mua cá cho nó ăn không?
Đáp: Người nào mua cá cho mèo ăn thì người đó trả nợ giùm cho con mèo.
Hỏi: Vậy nếu con mèo bị chết đói thì chúng con có phải chịu tội nhân quả không?
Đáp: Trong giới Bồ tát cấm nuôi mèo, tại sao? Vì nó sát sanh, nay muốn nuôi con mèo để nó bắt buộc là gián tiếp sát sanh, còn phải trả nợ mạng nữa.
Hỏi: Những vật thực cúng vong, người tu không ăn được, tại sao?
Đáp: Tôi thì có ăn, người ta cho tôi, tôi ăn hết.
Hỏi: Tại sao lúc nhập Hạ, buổi trưa ăn cơm quá đường thường cúng súc sanh, và đọc câu “Đại bàng kim xí điểu, khoáng giả quỉ thần chúng” là như thế nào?
Đáp: Đó gọi là thí thực, nhưng nếu nói biến một hạt gạo thành bảy, bảy biến thành bốn mươi chín, cứ biến hoài bằng biến thực chơn ngôn ấy phải có sức biến, nếu không có sức biến trở thành lừa gạt, vì có mấy hạt cơm thì làm sao đủ cho người ta ăn no? Hễ biến được thì bao nhiêu cũng đủ, dẫu biến cho con người ăn cũng được nữa.
Hỏi: Vậy phải là người kiến tánh rồi mới biến được?
Đáp: Không phải, người ấy phải trì giới trong sạch, phải có sức tu và tâm lực mạnh mới biến được, vì nhất thiết duy tâm tạo. Cho nên, nếu là người không đủ sức biến tức thành lừa gạt.
Hỏi: Nhân quả và nghiệp lực có giống nhau không?
Đáp: Nghiệp do nhân quả mới có, gọi là nghiệp nhân nghiệp quả; hễ nói lên một niệm thiện thì tạo nghiệp thiện được thiện quả, nổi một niệm ác là tạo ác nghiệp bị ác quả. Có nghiệp nhân mới có nghiệp quả, nay chúng ta chưa kiến tánh, vẫn phải theo nghiệp xoay chuyển: nổi niệm lên cũng là nghiệp, theo niệm đi làm cũng là nghiệp, nếu không có nghiệp thì không có luân hồi.
Hỏi: chúng sinh trong vòng tam giới chưa được giải thoát, các Bồ tát và A la hán đã giải thoát rồi, vậy cảnh giới của những vị này đang trụ xứ khác hay không khác?
Đáp: Bây giờ không lo cho mình tu giải thoát mà lo cho các bậc Thánh, cảnh giới của những bậc này đâu cần mình lo! Dẫu cho lo cũng đâu biết được? Công phu của mình đến chỗ nào mới biết đến chỗ đó, Bồ tát chứng quả Sơ địa muốn biết về Nhị địa cũng không được, chứng quả Nhị địa rồi muốn biết cảnh giới Tam địa cũng không được. Bậc Bồ tát đã cao hơn A la hán, Bích Chi Phật còn không thể biết, huống là chưa chứng ư! Biết có lợi ích gì? Muốn biết thì phải tu.
Hỏi: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn có câu “Hữu tình lai hạ chủng, gieo nhân quả ắt thành, vô tình diệc vô chủng, vô tánh diệc vô sanh”. Vậy thế nào là vô tánh diệc vô sanh?
Đáp: Bài kệ này là kệ truyền Pháp của Ngũ Tổ truyền cho Lục Tổ: Hữu tình mới có thể gieo giống, tức tu thành Phật, có nhân địa mới được sanh, còn vô tình thiền không phải hạt giống Phật, chẳng thể thành Phật.
Hỏi: Vậy tại sao trong Tam tạng giáo điển lại nói: “Hữu tình vô tình đồng viên chủng trí?”
Đáp: Nếu không phân biệt thì hữu tình và vô tình đều là do tâm tạo, nhưng hữu tình mới có tâm, vô tình thì chẳng tâm; có tâm đã thành Phật, vô tình vô tâm, lấy gì để thành Phật? Nó chỉ sanh trưởng theo công thức mà thôi. Cũng có người nói: Cây cỏ cũng có sinh mạng, như lấy dao chặt cũng ra mủ như con người ra máu vậy; giết hữu tình là sát sanh, đốn cây chặt cỏ cũng là sát sanh, phải không?
Không phải, hai chữ Bồ tát tức Bồ đề Tát đõa, dịch là giác hữu tình. Bồ tát chỉ có thể giác ngộ hữu tình, không thể giác ngộ cho vô tình, vì vô tình không có tâm giác ngộ, nên chẳng thành Phật.
Hỏi: Vậy xin Sư phụ khai thị lại hai câu cuối của bài kệ.
Đáp: Thật ra sinh tử đã không có sự bắt đầu tức là vô tánh cũng vô sanh, đã nói vô thỉ vô sanh thì tánh bắt đầu từ đâu, sanh bắt đầu từ đâu? Nếu có sanh ắt phải có sự bắt đầu. Nên người chứng ngộ gọi là ngộ pháp vô sanh, chứng vô sanh pháp nhẫn.
Hỏi: Thế thì hai câu sau với hai câu trước cho thấy hai thái cực khác nhau?
Đáp: Do có tâm chấp thật mới thành khác. Nói “hữu tình lai hạ chủng” chẳng phải là thật, “vô tình diệc vô chủng” cũng chẳng phải là thật, đều là vô tánh vô sanh. Nếu hữu tình lai hạ chủng là thật có chủng để sanh thì làm sao nói là vô tánh diệc vô sanh? Vì có sự bắt đầu có sự sanh khởi rồi! Có sanh có chủng với vô sanh vô chủng chẳng khác, cũng như nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao đều là chiêm bao. Nhất thiết duy tâm tạo: hữu tình lai hạ chủng là tâm tạo, vô tình diệc vô chủng cũng là tâm tạo thì chẳng thật, chẳng thật thì không có tánh, nên nói vô tánh diệc vô sanh, đâu có mâu thuẫn?
Hỏi: Người tu hành chỉ thọ bữa cơm Ngọ, có lợi ích gì trong việc tu hành?
Đáp: Trong mười giới của Sa di có một điều là không ăn phi thời. Quá giờ Ngọ cho đến rạng sáng hôm sau thuộc phi thời, uống thì được, những thực phẩm phải nhai thì không được dùng. Đó có hai nguyên do: Một là sau khi ăn no ngồi thiền rất khó, hai là buổi chiều nếu còn ăn thì người tại gia phải lo tiếp một bữa cơm nữa. Theo phong tục ở Thái Lan, người xuất gia nào cũng phải đi khất thực, kể cả ông vua xuất gia cũng vậy. Người tại gia muốn cúng dường bao nhiêu phần thì chuẩn bị bao nhiêu xuất, sáng sớm đem dọn ra trước cửa, đợi các vị Tu sĩ đi qua, cúng dường xong mới dẹp bàn. Các vị tăng nhận được phần ăn sẽ chia làm hai: bữa sáng một nữa và bữa trưa một nữa, hễ quá giờ Ngọ là không ăn.
Cho nên ở Thái Lan, không được đi mua đồ ăn vào buổi chiều, mọi người sẽ cho là phá giới, mặc dầu phần ăn đó là chuẩn bị cho ngày mai cũng không được. Những Tu sĩ người Hoa không trì Ngọ, khi dùng bữa chiều phải đóng cửa lại ăn lén, sợ người Thái Lan thình lình bắt gặp cho là không giữ giới.
Hỏi: Vấn đề trì Ngọ ở Việt Nam như thế nào? Chúng con nếu không ăn tối không đủ sức kinh hành.
Đáp: Việt Nam thuộc xứ nóng còn dễ, Trung Quốc là xứ lạnh, mùa đông thường lạnh đến chịu không thấu, ở chùa Cao Mân vào mùa đông lại thường đả luôn mười thất, liên tiếp 70 ngày, theo giới luật là phải trì Ngọ, Ngài Lai Quả thấy mấy vị Tăng trẻ lúc bào hương không đủ nhiệt năng để chống lại rét lạnh, ảnh hưởng đến sự tu, nên Ngài cho buổi chiều dùng cháo, ấy cũng là phương tiện giúp cho tu giải thoát.
Nếu theo giới luật ấy là phá giới, nhưng sở dĩ trì Ngọ là vì sự tu đến giải thoát, mà không trì Ngọ cũng vì là sự tu đến giải thoát, chứ không phải phá giới. Tất cả những giới luật chướng ngại đến sự tham thiền Ngài Lai Quả đều bãi bỏ, ấy là vì sự tu chứ chẳng phải phá giới. Đức Phật cũng có nói “Tùy theo phương tiện có thể sửa đổi”.
Ví như ở Ấn Độ, tu sĩ đi làm ruộng là phá giới, còn ở Trung Quốc thì phong tục lại khác, tu sĩ đi xin ăn thì người đời cho là “con mọt gạo”, còn tu sĩ đi trồng trọt mới được khen ngợi. Cho nên, ở Ấn Độ làm ruộng là phá giới, ở Trung Quốc làm ruộng là trì giới. Sở dĩ Đức Phật chế định Giá giới là vì muốn Phật pháp được hoằng dương nơi thế gian, nếu người thế gian không chịu thì làm sao hoằng dương? Thế nên Phật pháp đến bất cứ nơi nào trên thế gian đều được hoan nghinh, vì theo giới luật của Phật Giáo: Nếu ai phạm luật của nhà nước, tức phạm giới luật nhà Phật.
Hỏi: Ni chúng chỉ được xuất gia một lần, nếu có những vị đã ra đời rồi trở lại chùa, Thầy cho xuất gia thọ giới lại nữa, vậy có nhân quả gì không?
Đáp: Tức là xuất gia hai lần. Nếu vị bổn sư biết mà vẫn tiến hành thì vị bổn sư đó phải chịu nhân quả.
Hỏi: Nếu người đó dù ra đời nhưng vẫn còn độc thân, không có lập gia đình?
Đáp: Đó là ý của người bổn sư chứ không phải theo đúng nhà Phật, thì bổn sư đó phải chịu nhân quả.
Hỏi: Thế nào là làm cho thân Phật chảy máu?
Đáp: Đốt kinh Phật, phá hủy tượng Phật là làm cho thân Phật chảy máu.
Hỏi: Thế nào là phá Hòa hợp Tăng?
Đáp: Phá Hòa hợp Tăng là tội lớn. Chữ Tăng là tiếng Ấn Độ, dịch là hòa hợp chúng, theo qui định phải từ bốn vị Tỳ kheo trở lên mới gọi là Tăng. Nếu dùng những hình thức như thị phi hai đầu, khiến Tăng đoàn bị tan rã, ấy là phá hòa hợp Tăng, phỉ báng Tăng đoàn.
Hỏi: Thế nào là giết A xà lê?
Đáp: A xà Lê là tiếng Ấn Độ, dịch là thân giáo sư. Ví như đi thọ giới, vị giáo thọ sư gọi là Giáo thọ A xa lê, người dạy về Yết ma gọi là Yết ma A xà lê. Tu sĩ giết hại người thường cũng còn phạm tội Ba la di, nếu giết hại A xà lê thì tội càng nặng hơn.
Hỏi: Nếu như tình cờ đốt hết nguyên một ổ kiến thì chúng con cũng phải đầu thai thành từng con kiến một để trả nợ sao? Vì con nghĩ con người lớn hơn con kiến mà!
Đáp: Phải, vì nó cũng là chúng sinh, cũng có Phật tánh, sau này cũng sẽ thành Phật. chúng sinh bình đẳng, chẳng phải vấn đề lớn hay nhỏ, ví như con voi tuy lớn như thế, cũng chỉ là một sinh mạng.
Hỏi: Con cái khó dạy khiến bậc cha mẹ luôn phải lo lắng phiền não, vậy có phải là nghiệp quả kiếp trước hay kiếp này không? Làm sao tiêu trừ nghiệp chướng?
Đáp: Tâm của chúng ta vốn chẳng nghiệp chướng, ấy là bởi do mình suy nghĩ nên trở thành nghiệp chướng của mình. Cái tâm năng suy nghĩ vốn chẳng có nghiệp, nghiệp là sở suy nghĩ của tâm, nếu tâm chẳng suy nghĩ thì không có nghiệp chướng. Nay chúng ta tham thiền là không cho tâm suy nghĩ, chỉ cần giữ được nghi tình không biết, nghiệp chướng chẳng cần diệt, tự nó sẽ tiêu trừ.
Hỏi: Con tham thiền không chú ý câu thoại đầu, có bị tẩu hỏa nhập ma không?
Đáp: Tẩu hỏa nhập ma phải có nhân do: Có sở cầu, có sở đắc, có sở sợ thì có thể tẩu hỏa nhập ma, còn đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiền là vô sở cầu, vô sở đắc, sô sở sợ, tức đã phá được ngã chấp thì ma nhập ở chỗ nào? Tham không đúng chỉ là không có công hiệu thôi.
Hỏi: Trước khi tham Tổ Sư Thiền và dự Thiền thất thì con ăn mặn, vậy có tội gì không?
Đáp: Ăn mặn là nhân quả, có tu Tổ Sư Thiền hay không tu Tổ Sư Thiền thì ăn một cục thịt vẫn phải trả một cục thịt, giết một mạng phải trả một mạng, chứ không dính dáng với Tổ Sư Thiền.
Hỏi: Ý con muốn hỏi là trong thời gian dự Thiền thất, phải ăn chay đúng bảy ngày không?
Đáp: Mục đích tham dự Thiền thất là muốn đạt đến kiến tánh thành Phật, giải thoát tất cả khổ, chẳng dính dáng đến mấy vấn đề trên.
Hỏi: Con nghĩ rằng nếu căn cứ trên vấn đề nhân quả, mà người tu hành chỉ chú trọng tu phước không tu huệ, thì A la hán còn ôm bát không. Lại nữa, nữa, trong lịch sử Thiền tông có những vị Tổ sau khi kiến tánh rồi còn thiếu duyên về hoằng pháp lợi sanh, phải ở ẩn không ra hoằng pháp. Đức Phật cũng nói “Nều người thường tạo phước hữu lậu, khi chứng quả phước hữu lậu sẽ trở thành phước vô lậu”, sao Sư phụ lại nói không dính dáng với Tổ Sư Thiền?
Đáp: Mục đích tu Tổ Sư Thiền là muốn phát hiện bản tâm của mình, khi bản tâm hiện lên gọi là kiến tánh thành Phật, tất cả năng lực đều sẵn đủ, chứ chẳng phải do tu phước, tu huệ mới thành.
Thiền Tông tạm gác qua, này nói về Giáo môn: Bát Nhã Tâm Kinh nói “Vô trí diệc vô đắc”, bài này mỗi chùa hàng ngày đều tụng trên ba lần “Tu phước, tu huệ” chỉ là lời phương tiện để lừa gạt chúng sinh cho ham thích sự tu, cũng như Thiền Tông nói “Lấy lá cây vàng gạt con nít khóc” mà thôi!
Những gì ông hỏi đều là phương tiện đối với người có bệnh chấp nặng, còn Thiền Tông thì khác, vì đó là pháp Thiền trực tiếp, để cho những người tin được ít phí sức, mau đạt đến tự do tự tại, tự làm chủ cho mình. Người tu phước tu huệ dẫu cho thành công cũng chẳng thể giải thoát, vì ngã chấp còn quá nặng; hễ ngã chấp còn, dù tu thành cũng chỉ thành ta ma ngoại đạo. Trong Phật pháp bất cứ Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa, căn bản đều phải phá ngã cháp, nay dùng ngã chấp để dạy người, dẫu cho mọi người nghe theo, đâu có ích lợi gì?
Hỏi: Nếu những người không đủ lòng tin đối với Tổ Sư Thiền thì sao?
Đáp: Nếu họ theo ta ma thì thành tà ma, theo ngoại đạo thành ngoại đạo, mà tu theo Tịnh Độ cũng được, tu theo các tông phái của Giáo môn cũng được, đâu nhất thiết phải bắt buộc theo Tổ Sư Thiền!
Hỏi: Trong cuốn Thiền Thất Khai Thị lục, Ngài Lai Quả dạy rằng trong quá trình dụng công có ba trạng thái xảy ra: “cực lạ, cực quen và phi phàm phi thánh” là như thế nào?
Đáp: Vọng tưởng đã quen từ lâu đời, nghi tình thì lạ; nghi tình quen được một ngày thì vọng tưởng lạ đi một ngày, đến khi nghi tình quen thuộc hết thì vọng tưởng không còn, lúc đó là đến thoại đầu, tức sắp kiến tánh.
Hỏi: Lúc dụng công ở Thiền đường, ví dụ khi tọa hương, nghi tình được mười phần thì khi mở mắt chỉ còn năm, đứng dậy đi kinh hành còn lại hai, về đến nhà chỉ còn một, và đôi khi mất tiêu luôn?
Đáp: Vì công phu còn lạ, còn dùng tâm phân biệt, còn có sự biết chứ không phải là tâm không biết. Bây giờ bất cứ biết có năm phần mười phần, cho dù biết có 100% cũng không được, đều là biết, thoại đầu là chưa nổi niệm biết, chưa có niệm nào hết mới là tham thiền, cứ dùng cái biết để tham thì chẳng phải tham thiền, chỉ là niệm câu thoại, tham thoại vĩ mà thôi.
Hỏi: Vậy khi dụng cộng ở Thiền đường là có Long Thần Hộ pháp, hay từ lực của Sư phụ?
Đáp: Tôi đã nói là “Giữ nghi tình không biết”, nay cứ muốn tìm hiểu, muốn biết, là nghịch với nghi tình rồi. Nếu chỉ dùng sự không biết để tu thì chỗ nào cũng như nhau, đã không biết thì chỗ náo nhiệt cũng không biết, chỗ vắng lặng cũng không biết.
Hỏi: Con là người ăn chay, nhưng ở nhà nấu cơm cho con chán ăn thì con có dùng mỡ để làm đồ ăn. Tối đến, con chiêm bao thấy Phật Bà nói với con rằng “Hãy giữ mười hai giới cấm”. Theo con biết, cư sĩ chỉ có ngũ giới, vậy là thế nào?
Đáp: Tại người có tà kiến nên mới thấy Phật Bà, Phật Bà là gì? Trong đạo Phật không có Phật Bà, nay thấy có Phật Bà tức có tà kiến mới thấy, vì đó là tà nên khác hơn ngũ giới của cư sĩ, Sa di cũng chỉ có mười giới, tại gia làm sao có mười hai giới!
Hỏi: Kính bạch Sư phụ, còn vừa hỏi câu thoại, vừa nhìn chỗ không biết đó, càng nhìn càng hỏi càng thắc mắc, công phu như vậy có đúng không?
Đáp: Nếu công phu thật sự như vậy, giữ được nghi tình như vậy là đúng.
Hỏi: Con vừa tham thiền vừa xem kinh sách của Sư phụ để tăng trưởng lòng tin tự tâm, được không?
Đáp: Khi tin tự tâm chưa đầy đủ thì phải người, nếu tin tự tâm 100% thì không cần xem kinh sách, và nếu tin tự tâm 100% cũng chẳng còn hứng thú để xem nữa.
Hỏi: Người tham thiền vừa đề lên câu thoại đầu là nghi tình nổi lên liền, hay là tham một thời gian sau nghi tình mới nổi lên?
Đáp: Ấy là tùy theo mỗi người, có người lúc đầu chỉ là niệm câu thoại, tức tham thoại vĩ, có người vừa đề câu thoại thì có thắc mắc, tức có nghi tình nổi lên; cũng có người tham một thời gian rồi thình lình nghi tình bị ngưng lại một hai ngày. Ngài Lai Quả cũng có kinh nghiệm này, nhưng không sao.
Hỏi: Con tham câu “Sanh từ đâu đến, chết đi về đâu?” tự hỏi thầm câu thoại, muốn biết nơi đi về khi chết nhưng không biết được nên thắc mắc, con dùng tâm nhìn chăm chăm cái thắc mắc như mèo rình bắt chuột, muốn soi thủng cái cản trở không cho mình biết. Khi cái thắc mắc đó lặng hết, con lại thầm hỏi nữa, công phu như thế có đúng không?
Đáp: Đúng một phần nào. Tại cứ dùng cái biết để so sánh, chẳng giữ cái không biết, mà cứ so sánh cho mình như thế này, thế kia. Bây giờ tham thiền cứ nhìn chỗ không biết và hỏi câu thoại để kích thích sự không biết đó, đừng dùng ý thức cho là cái gì cả.
Hỏi: Sư phụ dạy phải vô sở trụ, nhưng chúng con nghe pháp của Sư phụ nói đến đâu thiền trụ đến đó, trụ hoài chẳng bỏ được, vậy phải làm sao?
Đáp: Cũng là do cái ngã. do muốn đắc muốn cầu, còn sợ, tức chưa thực hành chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ” và chưa tin tự tâm, hoặc tin tự tâm chưa đầy đủ, nên còn muốn tìm kiếm ở ngoài.
Hỏi: Niết bàn của Tiểu thừa có phải tới vô thỉ vô minh không?
Đáp: Phải.
Hỏi: Tại sao ở nơi vô thỉ vô minh lại sanh ra nhất niệm vô minh?
Đáp: Vô thỉ vô minh bị kích thích nổi lên một niệm, gọi là nhất niệm vô minh, Tiểu thừa dẹp được nhất niệm vô minh thì trở lại vô thỉ vô minh. Nếu không phá được vô thỉ vô minh, cứ trở đi trở lại, hễ bị kích thích lại nổi lên nhất niệm vô minh, dẹp được nhất niệm vô minh lại trở về vô thỉ vô minh. Trong Đạo giáo Trung Quốc nói “Vô cực” tức vô thỉ vô minh, nói từ vô cực nổi lên một niệm gọi là Thái cực, từ Thái cực sanh Lưỡng nghi tức âm dương. Triết học Phương Đông và Triết học Phương Tây thì dùng ý thức suy nghĩ đến vô thỉ vô minh, còn Triết học Phương Đông như Lão Tử, Trang Tử dùng sự tu, có kinh nghiệm trực tiếp chứ chẳng phải dùng suy luận để đến vô thỉ vô minh, nên hơn Triết học Phương tây, nhưng cho chỗ đó là cuối cùng tức là Niết bàn.
Hỏi: Vậy từ chỗ nào kích thích để nổi lên nhất niệm vô minh?
Đáp: thấy cái đẹp liền nổi lên niệm ham thích, biết cái xấu liền nổi niệm chê bai, ấy là kích thích. Mắt thấy tai nghe đều có kích thích, ngửi, nếm, xúc đều có kích thích, tức lục căn tiếp xúc lục trần đều có kích thích, tai thì muốn nghe lời khen ngợi chứ không muốn nghe tiếng chửi mắng chê bai, hễ gặp người chửi mắng liền tức giận, đó là kích thích.
Hỏi: Vậy tập khí từ đâu ra?
Đáp: Tập khí tức thói quen: Ví như xưa kia chưa có đèn điện, mọi người quen dùng đèn dầu, nay đã quen dùng đèn điện, thỉnh thoảng cúp điện một buổi liền thấy bực bội, ấy là tập khí khiến thành kích thích. Bây giờ chúng ta tu là muốn dứt hết tất cả tập khí.
Hỏi: Con tham câu “Sanh tử từ đâu đến, chết đi về đâu?” con nhìn vào chỗ không biết, chăm chăm như mèo rình bắt chuột, công phu như thế phải không?
Đáp: Phải thì phải, nhưng không cần nổi niệm biết như mèo rình chuột.
Hỏi: Người hành giả tham Tổ Sư Thiền có được chư Thiên hoặc ai đó hộ trì không?
Đáp: Trong các Kinh đều nói đến Long thiên Hộ pháp, những người chơn tu chánh pháp đều được Long thiên Hộ pháp ủng hộ, chứ không phải chỉ có người tham thiền.
Hỏi: Trong cuốn Nghiên Cứu Kinh Lăng Già của Thiền sư Suzuki nói: “Bồ tát muốn thành Phật phải nhờ Phật gia trì” như vậy có đúng không?
Đáp: Không đúng, vì Suzuki là dùng tri giải, dùng kiến thức của ý thức. Suzuki có trước tác cuốn Thiền luận, chỉ hai chữ “Thiền Luận” đã không đúng rồi. Tổ Sư Thiền không thể luận, có luận thì chẳng phải Tổ Sư Thiền. Ngã chấp của ông ấy còn quá nặng, tại sao biết? Nếu là người thật sự kiến tánh thì không cần người biết, không muốn người ta biết, còn Suzuki lại đi khắp thiên hạ để khoe tài, đem những lời nói của Phật Thích Ca đã bỏ vào thùng rác, lượm lên lên cho là quí báu để đi khoe khoang, cho những lời đó không phải của Phật Thích Ca mà là của y. Tuy ngã chấp rất nặng, nhưng vì ông ấy giải thích công án rất có lý, nên giới trí thức rất khâm phục, cho ông ấy là đệ nhất Thiền sư trên thế giới.
Hỏi: Hồi hướng là gì? Phóng sanh rồi đem công đức hồi hướng cho người khác được không? Gia trì luật là gì? Và Phật gia trì cho ai? Bằng cách nào?
Đáp: Thập Hồi hướng là của Giáo môn, dùng để phá ngã chấp, thời nay đệ tử của Tam bảo lại mượn hai chữ Hồi hướng để tăng cường ngã chấp, cho làm việc lành đó là của tôi, tôi muốn hồi hướng cho ai cũng được: người này là thân nhân của tôi nên tôi hồi hướng; người kia tốt với tôi nên tôi hồi hướng … tức tăng thêm ngã chấp, ấy là nghịch với ý của Phật, còn Đức Phật dạy về Thập Hồi hướng là để phá hết ngã chấp rồi lên lên Sơ Địa.
Về sự phóng sanh: Phóng sanh tự nhiên sẽ được phước đức, sau này những con thú đó sẽ báo ơn lại, chứ không cần hồi hướng. Bố thí cũng vậy, nay người ta muốn phóng sanh, đi mua xong đem về chùa, tụng kinh tụng chú rồi mới thả, mấy trăm con chim nhốt chặt trong lồng, đến khi tụng kinh xong muốn phóng thì chết hết một số. Lại nữa, có người sợ đến ngày phóng sanh không có chim, phải đi đặt trước, tức mượn người ta bắt, bắt xong rồi thả, cho nên đó không đúng với ý nghĩa phóng sanh. Phóng sanh là khi gặp ở ngoài đường liền mua liền thả, hoặc chỉ cần niệm Phật hay đọc tam qui y, không cần niệm chú, vì dù nó có nghe cũng đâu biết là gì?
Còn nói đến gia trì: không thể gia trì được. Nếu Phật có thể gia trì cho mình thì không có nhân quả, tức là không trồng bí mà xin Phật gia trì cho mình được quả bí, không nhân mà được quả. Lại nữa, như trồng đậu mà xin gia trì được quả bí, ấy là không đúng nhân quả. Làm thiện được phước quả, làm ác bị khổ quả, bây giờ làm ác rồi xin Phật gia trì cho phước quả sao? Cho nên, nếu gia trì được là không có nhân quả.
Tất cả đều do tâm mình tự tạo, chứ chẳng thể do người khác tạo cho mình, nên tôi thường dùng ăn cơm để thí dụ: Ai ăn nấy no, cha mẹ dù thương con thế nào cũng không thể ăn no giùm con, con dù hiếu thảo đến đâu cũng không thể ăn no giùm cha mẹ.