Tắc 20 - Tắc 22

25/11/201012:00 SA(Xem: 12162)
Tắc 20 - Tắc 22

BÍCH NHAM LỤC
Tác giả:Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980

TẮC 20

THÚY VI THIỀN BẢN

LỜI DẪN: Bồi non đắp núi va tường chạm vách, dừng tư ngưng cơ một trường khổ quật. Hoặc có kẻ hay lật nghiêng bể cả, đạp ngã Tu-di, hét tan mây trắng, đập nát hư không, liền đó nhằm một cơ một cảnh, ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ, không có chỗ cho ông ghé bên. Hãy nói từ trước đến nay người nào từng làm thế ấy, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Long Nha hỏi Thúy Vi: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang? Thúy Vi bảo: Đem thiền bản lại cho ta. Long Nha đem thiền bản lại cho Thúy Vi. Thúy Vi nhận liền đánh. Long Nha nói: Đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Long Nha lại đến hỏi Lâm Tế: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang? Lâm Tế bảo: Đem bồ đoàn lại cho ta. Long Nha lấy bồ đoàn đem lại cho Lâm Tế. Lâm Tế nhận, liền đánh. Long Nha nói: Đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang.

GIẢI THÍCH: Hòa thượng Chi ở Thúy Nham nói: Đương thời như thế, thời nay Thiền tăng trong da lại có máu chăng? Thiền sư Hiệt ở Qui Sơn nói: Thúy Vi, Lâm Tế đáng gọi là bổn phận Tông sư, Long Nha là bậc vạch cỏ xem gió, chẳng ngại làm mô phạm cho người sau. Sau khi Long Nha trụ viện, có vị Tăng hỏi: Đương thời Hòa thượng chấp nhận hai vị tôn túc chăng? Long Nha đáp: Nhận tức nhận, chỉ là không có ý Tổ sư Tây sang. Long Nha xem trước ngó sau hợp bệnh cho thuốc. Đại Qui ắt không thế, đợi y hỏi đương thời Hòa thượng lại chấp nhận hai vị tôn túc chăng, rõ chẳng rõ cũng mặc, nhằm ngay xương sống đánh, chẳng những đỡ vững Thúy Vi, Lâm Tế, cũng chẳng cô phụ người hỏi. Thiền sư Thông ở Thạch Môn nói: Long Nha không người tát được, vẫn đáng bị Thiền tăng móc một con mắt. Tuyết Đậu nói: Lâm Tế, Thúy Vi chỉ biết nắm đứng, chẳng biết buông ra, nếu tôi đương thời làm Long Nha, đợi Sư đòi bồ đoàn, thiền bản, nắm đưa lên liền ném ngay mặt. Thiền sư Giới ở núi Ngũ Tổ nói: Hòa thượng được mặt dài thế ấy. Hoặc nói: Tổ sư bị đất dính đầu. Thiền sư Tân ở Hoàng Long nói: Long Nha đoạt trâu của kẻ cày, cướp cơm của người đói, đã sáng thì sáng vậy, nhân sao lại không có ý Tổ sư Tây sang? Hiểu chăng? Đầu gậy có mắt sáng như nhật, cần biết vàng ròng trong lửa xem. Đại phàm kích dương yếu diệu, đề xướng tông thừa, nhằm dưới cơ thứ nhất rõ được, khả dĩ ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ. Nếu do dự thì rơi vào cơ thứ hai. Hai ông già này tuy nhiên đánh gió đập mưa kinh thiên động địa, vẫn chẳng từng đánh được kẻ mắt sáng. Người xưa tham thiền quá nhiều cay đắng, lập chí khí trượng phu, vượt qua sông núi, tham kiến tôn túc.

Long Nha trước tham Thúy Vi, Lâm Tế, sau tham Đức Sơn hỏi: Học nhân cầm kiếm Mạc Da toan lấy đầu Thầy thì thế nào? Đức Sơn đưa đầu nói: Đây! Long Nha nói: Đầu Thầy rơi! Đức Sơn cười chúm chím rồi thôi. Kế đến Động Sơn, Động Sơn hỏi: Vừa rời chỗ nào? Long Nha thưa: Đức Sơn. Động Sơn hỏi: Đức Sơn có ngôn cú gì? Long Nha thuật lại việc trước. Động Sơn hỏi: Ông ấy nói gì? Long Nha thưa: Thầy không nói. Động Sơn bảo: Chớ bảo không nói, thử đem cái đầu Đức Sơn rơi trình Lão tăng xem? Long Nha nơi đây có tỉnh, bèn thắp hương trông xa về Đức Sơn lễ bái sám hối. Đức Sơn nghe, nói: Lão già Động Sơn không biết tốt xấu, kẻ này chết đã lâu rồi, cứu được dùng vào chỗ nào? Mặc y gánh đầu Lão tăng chạy quanh trong thiên hạ.

Long Nha căn tánh thông minh, mang một bụng thiền đi hành cước, thẳng đến Trường An yết kiến Thúy Vi, hỏi: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang? Thúy Vi bảo: Đem thiền bản lại cho ta. Long Nha lấy thiền bản đem lại cho Thúy Vi. Thúy Vi nhận, liền đánh. Long Nha nói: Đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Lại đến hỏi Lâm Tế: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang. Lâm Tế bảo: Đem bồ đoàn lại cho ta. Long Nha đem bồ đoàn lại, Lâm Tế nhận, liền đánh. Long Nha nói: Đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Sư đặt câu hỏi, cốt yếu thấy được lão già ngồi trên giường gỗ, cũng cốt sáng được một đoạn đại sự của chính mình. Đáng gọi là bày lời chẳng rỗng, phát cơ chẳng rối, xuất phát từ chỗ thực hành công phu. Như Ngũ Duệ đến tham vấn Thạch Đầu tự ước hẹn: nếu một lời khế hợp thì ở, chẳng hợp thì đi. Thạch Đầu ngồi trên tòa, Ngũ Duệ phủi áo ra đi, Thạch Đầu biết là pháp khí, liền buông lời chỉ dạy. Ngũ Duệ không lãnh hội được yếu chỉ, cáo từ ra đi. Ra đến cửa, Thạch Đầu gọi: Xà-lê! Ngũ Duệ xoay lại nhìn. Thạch Đầu bảo: Từ sanh đến tử chỉ là cái này, xoay đầu chuyển não lại chớ tìm riêng. Ngũ Duệ ngay lời nói đó đại ngộ. Ma Cốc cầm tích trượng đến Chương Kỉnh nhiễu giường thiền ba vòng, chống tích trượng một cái, đứng thẳng. Chương Kỉnh nói: Phải! Phải! Lại đến Nam Tuyền làm như trước, nhiễu giường thiền chống tích trượng đứng thẳng. Nam Tuyền nói: Chẳng phải! Chẳng phải! Đây là sức gió chuyển trọn thành bại hoại. Ma Cốc hỏi: Chương Kỉnh nói phải, vì sao Hòa thượng nói chẳng phải? Nam Tuyền nói: Chương Kỉnh tức phải, ông chẳng phải. Cổ nhân chẳng ngại, cốt đề trì thấu thoát một việc này. Người nay vừa hỏi đến toàn không có đôi chút công phu, ngày nay chỉ thế ấy, ngày mai cũng chỉ thế ấy. Nếu ông chỉ thế ấy, tột mé vị lai cũng chưa có ngày liễu ngộ, cần phải phấn phát tinh thần mới có đôi phần tương ưng. Ông xem Long Nha phát ra một câu hỏi: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang? Thúy Vi nói: Đem thiền bản lại cho ta. Long Nha đem thiền bản lại, Thúy Vi nhận, liền đánh. Long Nha khi ấy lấy thiền bản lại, há chẳng biết Thúy Vi muốn đánh Sư, cũng chẳng được nói Sư chẳng hội, vì sao lại đem thiền bản lại cho Thúy Vi? Hãy nói khi đương cơ thừa đương được phải làm sao? Sư chẳng nhắm đến chỗ nước sống dùng, tự vào trong nước chết làm kế sống, một bề làm chủ tể, nói đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Sư lại chạy sang Hà Bắc tham Lâm Tế, vẫn hỏi câu như trước. Lâm Tế bảo: Đem bồ đoàn lại cho ta. Sư đem bồ đoàn lại, Lâm Tế nhận liền đánh. Sư nói: Đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Thử nói hai vị tôn túc không đồng pháp từ, vì sao chỗ đáp lại giống nhau, chỗ dụng cũng một loại? Nếu biết, cổ nhân thố lộ một câu một lời đều là mẫu mực. Sau Sư trụ viện, có vị Tăng hỏi: Đương thời Hòa thượng thấy hai vị tôn túcthừa nhận hay chẳng thừa nhận? Long Nha nói: Thừa nhận thì thừa nhận, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Trong bùn lầy có gai, buông ra cho người đã rơi vào cơ thứ hai. Lão già này nắm được đứng, chỉ được làm đồ đệ trong tông Tào Động. Nếu là đồ đệ Lâm Tế, Đức Sơn phải biết riêng có chỗ sanh nhai. Nếu là Sơn tăng thì không thế, nói với y: Nhận thì chưa nhận, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Chẳng thấy Tăng hỏi Đại Mai: Thế nào là ý Tổ sư Tây sang? Đại Mai đáp: Tây sang không có ý. Diêm Quan nghe, nói: Một cái quan tài hai cái tử thi. Huyền Sa nghe, nói: Diêm Quan là bậc tác gia. Tuyết Đậu nói: Ba cái cũng có. Chỉ như vị Tăng này hỏi ý Tổ sư Tây sang, lại nói với y Tây sang không ý. Nếu ông hiểu như thế, sẽ rơi trong vô sự. Vì thế nói cần tham câu sống, chớ tham câu chết. Câu sống tiến được đến vĩnh kiếp chẳng quên, câu chết tiến được tự cứu chưa xong. Long Nha nói thế ấy hẳn là toàn thiện. Cổ nhân nói : Nối được nhau cũng rất khó. Cổ nhân một lời một câu thốt ra đều làm mẫu mực, trước sau soi nhau, có quyền có thật, có chiếu có dụng, khách chủ rõ ràng, lẫn xoay ngang dọc. Nếu cần biện chỗ thân thiết, Long Nha tuy chẳng lầm tông thừa, đâu ngờ rơi vào mé thứ hai. Đương thời hai vị tôn túc đòi thiền bản, bồ đoàn, Long Nha chẳng phải không biết ý kia, song cần dùng được việc trong hông ngực của mình. Tuy nhiên như thế, quả là dùng được quá tuyệt. Long Nha hỏi thế ấy, hai vị tôn túc đáp thế ấy, vì sao lại không có ý Tổ sư Tây sang? Trong này phải biết riêng có chỗ kỳ đặc. Tuyết Đậu niêm ra cho người xem:

TỤNG:

Long Nha sơn lý long vô nhãn
Tử thủy hà tằng chấn cổ phong
Thiền bản bồ đoàn bất năng dụng
Chỉ ưng phân phó dữ Lô Công.

DỊCH:

Trong núi Long Nha rồng không mắt
Nước chết đâu từng chấn cổ phong
Thiền bản bồ đoàn không thể dụng
Chỉ nên phân phó lão Lô Công.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu cứ khoản kết án, Sư tuy tụng như thế, hãy nói ý ở chỗ nào? Chỗ nào là không mắt? Chỗ nào là trong nước chết? Đến trong đây phải là người có biến thông mới được. Vì thế nói: Đầm trong chẳng cho rồng to cuộn và nước chết đâu từng có rồng to. Đâu chẳng thấy nói: Nước chết chẳng chứa rồng. Nếu là rồng sống phải đến chỗ nước dậy mênh mông sóng to ngập trời. Ở đây nói Long Nha chạy vào chỗ nước chết bị người đánh, Sư lại nói đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang, chuốc lấy Tuyết Đậu nói “nước chết đâu từng chấn cổ phong”. Tuy nhiên như thế, thử nói Tuyết Đậu phù trì Sư hay làm giảm uy quang Sư? Nhiều người hiểu lầm nói: Vì sao chỉ nên phân phó lão Lô Công? Đâu chẳng biết Long Nha phân phó cho người. Phàm tham thỉnh phải nhằm trên cơ biện biệt mới thấy được chỗ cổ nhân thấy nhau. Câu “thiền bản bồ đoàn không thể dụng”, Thúy Vi bảo đem thiền bản lại cho ta, Long Nha đem thiền bản lại, há chẳng phải trong nước chết làm kế sống? Rõ ràng tặng rồng xanh, chỉ vì Sư không biết cỡi, là không thể dụng vậy. Câu “chỉ nên phân phó lão Lô Công”, thường thường gọi là Lục Tổ, chẳng phải vậy. Chẳng từng phân phó cho người, nếu nói phân phó cho người, cần dụng đánh người, lại thành cái gì? Xưa Tuyết Đậu tự gọi là Lô Công. Sư đề “Hối Tích Tự Di” rằng:

TỤNG:

Đồ họa đương niên ái Động đình
Ba tâm thất thập nhị phong thanh
Nhi kim cao ngọa tư tiền sự
Thiêm đắc Lô Công ỷ thạch bình.

DỊCH:

Bức vẽ năm kia thích Động đình
Bảy mươi tuổi lẻ thích non xanh
Như nay nằm thẳng suy việc trước
Thêm được Lô Công tựa thạch bình.

Tuyết Đậu muốn chạy trên đầu Long Nha, lại sợ e người hiểu lầm. Vì thế riêng tụng cốt cắt hết nghi giải cho người. Tuyết Đậu lại niêm: “cái lão này cũng chưa được dứt bặt”, lại làm một bài tụng:

TỤNG:

Lô Công phó liễu diệc hà bằng
Tọa ỷ hưu tương kế Tổ đăng
Kham đối mộ vân qui vị hiệp
Viễn sơn vô hạn bích tằng tằng.

DỊCH:

Lô Công giao phó gì làm bằng
Ngồi tựa thôi đem nối Tổ đăng
Cam đối mây chiều về chưa hiệp
Núi xa vô hạn vách từng từng.

Câu “Lô Công giao phó gì làm bằng” tức là có bằng cứ gì. Cần phải nhằm thẳng trong đây hiểu thế ấy, chớ ôm cây đợi thỏ, trước đầu lâu một lúc đập tan, không có một điểm ở trong ngực, buông sạch trơn thong dong, lại đâu cần phải có bằng cứ. Hoặc ngồi hoặc tựa chẳng mất làm Phật pháp đạo lý. Vì thế nói: Ngồi tựa thôi đem nối Tổ đăng. Tuyết Đậu một lúc niêm xong, Sư có chỗ chuyển thân. Rốt sau tự bày tin tức có đôi chỗ đẹp, nói “cam đối mây chiều về chưa hiệp”. Hãy nói ý Tuyết Đậu ở chỗ nào? Mây chiều về khi muốn hiệp mà chưa hiệp, ông nói thế nào? “Núi xa vô hạn vách từng từng”, như trước nhảy vào trong hang quỉ. Đến trong đây, được mất phải quấy đồng thời ngồi dứt, sạch trơn thong dong mới được đôi phần. “Núi xa vô hạn vách từng từng”, thử nói là cảnh giới Văn-thù, là cảnh giới Phổ Hiền, là cảnh giới Quan Âm? Đến đây là trên phần việc của người nào?

TẮC 21

TRÍ MÔN HOA SEN LÁ SEN

LỜI DẪN: Dựng pháp tràng lập tông chỉ, trên gấm thêm hoa. Lột dây dàm, tháo yên cương là thời tiết thái bình. Hoặc là biện được câu cách ngoại nêu một rõ ba, bằng chưa như thế, như trước lắng nghe xử phân.

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Trí Môn: Khi hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào? Trí Môn đáp: Hoa sen. Tăng hỏi: Sau khi ra khỏi nước thì thế nào? Trí Môn đáp: Lá sen.

GIẢI THÍCH: Trí Môn nếu là ứng cơ tiếp vật, còn xa đôi phần. Nếu là cắt đứt các dòng thì ngàn dặm muôn dặm. Hãy nói, hoa sen ra khỏi nước cùng chưa ra khỏi nước, là một là hai? Nếu thế ấy thấy được, hứa ông có chỗ vào. Tuy nhiên như thế, nếu nói là một thì lẫn lộn Phật tánh, lộn xộn Chân như. Nếu nói là hai thì tâm cảnh chưa quên, lạc trên đường tri giải, chạy biết bao giờ dừng. Thử nói ý cổ nhân thế nào? Kỳ thật không có nhiều việc. Vì thế Đầu Tử nói: “Ông chỉ chớ kẹt danh ngôn số cú, nếu rõ các việc tự nhiên chẳng kẹt, tức không có nhiều vị thứ chẳng đồng, ông nhiếp tất cả pháp, tất cả pháp nhiếp ông chẳng được, vốn không được mất, mộng huyễn danh mục nhiều như thế, không nên gắng gượng vì nó an lập danh tự, dối gạt các ông được chăng? Vì các ông hỏi nên có nói, nếu các ông chẳng hỏi, bảo tôi nhằm các ông nói cái gì? Chính được tất cả việc đều do các ông đem được đến, trọn chẳng can gì việc của ta.” Cổ nhân nói: Muốn biết nghĩa Phật tánh, phải xem thời tiết nhân duyên. Vân Môn nhắc việc Tăng hỏi Linh Vân: Khi Phật chưa ra đời thì thế nào? Linh Vân dựng đứng cây phất tử. Tăng hỏi: Sau khi ra đời thì thế nào? Linh Vân cũng dựng đứng cây phất tử. Vân Môn nói: Đầu trước đánh được, đầu sau đánh chẳng được. Lại nói: Chẳng nói ra đời cùng chẳng ra đời, chỗ nào có thời tiết y hỏi: Cổ nhân một hỏi một đáp, hợp thời hợp tiết, không có nhiều việc. Nếu ông tìm lời theo câu, trọn không giao thiệp. Nếu ông trong lời nói thấu được lời nói, trong ý thấu được ý, trong cơ thấu được cơ, buông đi khiến được thảnh thơi, mới thấy chỗ đáp thoại của Trí Môn. Những câu hỏi: Khi Phật chưa ra đời thì thế nào? Khi Ngưu Đầu chưa thấy Tứ Tổ thì thế nào? Khi lẫn lộn trong đá hỗn độn chưa phân thì thế nào? Khi cha mẹ chưa sanh thì thế nào? Vân Môn nói: Từ xưa đến nay chỉ là một đoạn sự, không phải không quấy, không được không mất, không sanh cùng chưa sanh. Cổ nhân đến trong ấy tung một đường, có ra có vào. Nếu là người chưa liễu thì sờ rào mò vách, nương cỏ gá cây. Hoặc dạy y buông sạch đi, hoặc đánh cho y chạy vào rừng hoang rậm rạp mênh mang. Nếu là người được suốt mười hai giờ chẳng gá nương một vật, tuy chẳng gá nương một vật, mà bày một cơ một cảnh làm sao mò tìm? Ông Tăng này hỏi: Khi hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào? Trí Môn đáp: Hoa sen. Đó chỉ là ngăn hỏi. Một câu đáp này quả là kỳ đặc. Các nơi đều gọi là lời điên đảo, trong ấy như thế. Nham Đầu nói: Thường quí trước khi chưa mở miệng, vẫn còn so sánh đôi phần. Cổ nhân chỗ bày cơ đã là ló đuôi rồi. Hiện nay, học giả chẳng hiểu ý cổ nhân, chỉ cần lý luận, đã ra khỏi nước cùng chưa ra khỏi nước, có dính dáng chút nào? Có vị Tăng hỏi Trí Môn: Thế nào là Bát-nhã thể? Trí Môn đáp: Con trai ngậm trăng sáng. Tăng hỏi: Thế nào là Bát-nhã dụng? Trí Môn đáp: Con thỏ mang thai. Xem Sư đối đáp như thế, người khắp thiên hạ thảo luận về ngữ mạch của Sư chẳng được. Hoặc có người hỏi Giáp Sơn: Khi hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào? Giáp Sơn đáp: Cột cái, lồng đèn. Hãy nói cùng hoa sen là đồng là khác? Tăng hỏi: Sau khi ra khỏi nước thì thế nào? Đáp: Đầu gậy khêu nhật nguyệt, dưới chân sình rất sâu. Ông thử nói phải hay chẳng phải? Chớ lầm nhận trái cân bàn (một tiêu chuẩn cố định). Tuyết Đậu quá ư từ bi đập phá tình giải người, tụng ra:

TỤNG:

Liên hoa hà diệp báo quân tri
Xuất thủy hà như vị xuất thì
Giang Bắc, Giang Nam vấn Vương lão
Nhất hồ nghi liễu nhất hồ nghi.

DỊCH:

Hoa sen lá sen bảo anh tri
Khỏi nước sao bằng chưa khỏi thì
Giang Bắc, Giang Nam hỏi Vương lão
Một hồ nghi lại một hồ nghi.

GIẢI TỤNG: Trí Môn vốn là người đất Chiết, thường vào đất Xuyên tham vấn Hương Lâm, đã thấu triệt, trở về trụ trì chùa Trí Môn ở Tùy Châu. Tuyết Đậu là đích tử của Sư, thấy được chỗ cùng huyền cực diệu, nên nói: “Hoa sen lá sen bảo anh tri, khỏi nước sao bằng chưa khỏi thì.” Trong đây cốt người ngay đó bèn hội. Sơn tăng nói: Khi chưa ra khỏi nước thế nào? “Cột cái, lồng đèn.” Sau khi ra khỏi nước thế nào? “Đầu gậy khêu nhật nguyệt, dưới chân sình rất sâu.” Ông chớ lầm nhận trái cân bàn (một tiêu chuẩn cố định). Hiện nay, người gặm ngôn cú có chừng bao nhiêu? Ông nói khi chưa ra khỏi nước là thời tiết gì? Khi ra khỏi nước là thời tiết gì? Nếu nhằm trong đây thấy được, bảo ông thân thấy Trí Môn. Tuyết Đậu nói: Nếu ông chẳng thấy thì đến “Giang Bắc, Giang Nam hỏi Vương lão”. Ý Tuyết Đậu nói ông chỉ quản đến Giang Bắc, Giang Nam, hỏi tôn túc ra khỏi nước cùng chưa ra khỏi nước. Giang Nam thêm hai câu, Giang Bắc thêm hai câu, một lớp thêm một lớp, lần lượt sanh nghi. Thử nói đến bao giờ được hết nghi? Như con chồn hoang đa nghi, đi trên khối băng lắng nghe tiếng nước, nếu chẳng có tiếng mới dám qua sông. Người tham học nếu “một hồ nghi lại một hồ nghi”, đến khi nào được bình ổn?

TẮC 22

TUYẾT PHONG CON RẮN TO

LỜI DẪN: Lớn không gì ngoài, nhỏ bằng lân hư, bắt thả chẳng phải ai, cuộn lại buông ra tại ta. Nếu muốn gỡ niêm mở trói, cần phải lấp dấu nuốt tiếng, người người ngồi đoạn yếu tân, mỗi mỗi vách đứng ngàn nhẫn. Hãy nói là cảnh giới của người nào, thử nêu xem?

CÔNG ÁN: Tuyết Phong dạy chúng: Núi Nam có con rắn to, cả thảy các ông cần phải khéo xem. Trường Khánh nói: Ngày nay trong nhà có người tan thân mất mạng. Có vị Tăng kể lại cho Huyền Sa nghe, Huyền Sa nói: Phải là Lăng huynh mới được, tuy nhiên như thế, tôi thì chẳng vậy. Tăng hỏi: Hòa thượng thế nào? Huyền Sa đáp: Dùng núi Nam làm gì? Vân Môn lấy cây gậy ném trước Tuyết Phong làm thế sợ.

GIẢI THÍCH: Nếu ông an ổn mặc tình an ổn, nếu ông đập phá mặc tình đập phá. Tuyết Phong cùng Nham Đầu, Khâm Sơn là bạn đồng hành, ba phen đến Đầu Tử, chín lần lên Động Sơn, sau tham Đức Sơn mới đập bể thùng sơn. Một hôm, Sư hối thúc Nham Đầu đi tìm Khâm Sơn, đến quán trọ tại Ngao Sơn gặp trở tuyết. Nham Đầu mỗi ngày chỉ ngủ khò, Tuyết Phong một bề tọa thiền. Nham Đầu nạt: Ngủ đi! Mỗi ngày ngồi trên giường giống như thổ địa trông bảy thôn, ngày sau ma mị nam nữ nhà người. Tuyết Phong tự chỉ trong ngực nói: Tôi trong ấy chưa ổn, chẳng dám tự dối. Nham Đầu bảo: Tôi tưởng ông về sau lên ngọn cô phong cất chiếc am cỏ truyền bá đại giáo, sao vẫn còn nói lời này. Tuyết Phong nói: Tôi thật chưa ổn. Nham Đầu bảo: Nếu ông thật như thế, cứ chỗ thấy của ông mỗi mỗi thông qua, chỗ phải tôi chứng minh cho ông, chỗ chẳng phải tôi dẹp bỏ. Tuyết Phong bèn thuật lại: Khi thấy Diêm Quan thượng đường nói về nghĩa sắc không liền được chỗ vào. Nham Đầu bảo: Cái này ba mươi năm tối kỵ nhắc lại. Tuyết Phong kể tiếp: Thấy bài tụng qua cầu của Động Sơn liền được chỗ vào. Nham Đầu bảo: Nếu thế ấy tự cứu chẳng xong. Tuyết Phong kể: Sau đến Đức Sơn hỏi “việc trong Tông thừa về trước, con có phần chăng”, Đức Sơn đánh một gậy, hỏi cái gì? Khi ấy tôi như thùng lủng đáy. Nham Đầu nạt bảo: Ông chẳng nghe nói “từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà”? Tuyết Phong hỏi: Sau này thế nào mới phải? Nham Đầu bảo: Ngày sau nếu muốn truyền bá đại giáo thì mỗi mỗi phải từ hông ngực mình lưu xuất, mai kia sẽ cùng ta che trời che đất đi. Tuyết Phong ngay lời này đại ngộ, lễ bái, đứng dậy kêu liên hồi: Ngày nay mới thành đạo ở Ngao Sơn. Sau Sư trở về xứ Mân ở núi Tượng Cốt tự làm kệ lưu lại:

TỤNG:

Nhân sanh thúc hốt tạm tu du
Phù thế na năng đắc cửu cư
Xuất lãnh tài đăng tam thập nhị
Nhập Mân tảo thị tứ tuần dư.
Tha phi bất dụng tần tần cử
Kỷ quá ưng tu triền triền trừ
Phụng báo mãn triều chu tử quí
Diêm vương bất phạ bội kim ngư.

DỊCH:

Kiếp người nhanh chóng tợ phù du
Cõi tạm ai từng được ở lâu
Ba chục thêm hai vừa xuất lãnh
Bốn mươi tuổi lẻ trở về Mân.
Kia sai chẳng thiết thường thường nhắc
Mình quấy cần nên gấp gấp trừ
Kính bảo cả triều hàng sang quí
Diêm vương chẳng sợ mũ kim ngư.

thượng đường dạy chúng: Mỗi mỗi che trời che đất, lại chẳng nói huyền nói diệu, cũng chẳng nói tâm nói tánh, đột nhiên bỗng hiện, như đống lửa lớn, gần nó bị cháy cả mặt mày, như kiếm Thái A vừa hươi thì tan thân mất mạng. Nếu là trầm ngâm suy nghĩ thì chẳng dính dáng. Bá Trượng hỏi Hoàng Bá: Ở đâu đến? Hoàng Bá thưa: Nhổ nấm dưới núi Đại Hùng đến. Bá Trượng hỏi: Thấy cọp chăng? Hoàng Bá liền làm tiếng cọp rống. Bá Trượng cầm búa ra bộ chặt. Hoàng Bá vỗ Bá Trượng một cái. Bá Trượng lẩm bẩm cười. Bá Trượng về, lên tòa bảo chúng: Núi Đại Hùng có con cọp, cả thảy các ông phải khéo xem, ngày nay chính Lão tăng bị cắn một cái.

Triệu Châu thấy Tăng liền hỏi: Từng đến đây chưa? Tăng thưa: Từng đến. Hoặc: Chẳng từng đến. Triệu Châu đều đáp bằng câu: Uống trà đi. Viện chủ thưa: Hòa thượng bình thường hỏi Tăng từng đến với chẳng từng đến, thảy bảo uống trà đi là ý chỉ thế nào? Triệu Châu gọi: Viện chủ! Viện chủ ứng thanh: Dạ! Triệu Châu bảo: Uống trà đi.

Tử Hồ ở dưới cửa có làm tấm bia, trên tấm bia viết: Tử Hồ có một con chó, trên đầu người, giữa lưng người, dưới chân người, suy nghĩ ắt tan thân mất mạng. Hoặc có Tăng đến vừa xem, Sư liền kêu: Coi chừng chó! Tăng xoay đầu lại, Sư trở về phương trượng.

Chính như Tuyết Phong nói: Núi Nam có một con rắn to, tất cả các ông cần phải khéo xem. Ngay lúc này ông làm sao đáp được? Chẳng bắt chước theo vết trước, mời thử đáp xem? Đến trong ấy cần phải hiểu câu cách ngoại mới được, tất cả công án ngữ ngôn nhắc lại liền biết chỗ rơi. Xem Sư dạy chúng thế ấy, chẳng cùng ông nói hạnh nói giải, lại đem tình thức đo lường được chăng? Là con cháu trong nhà Sư, tự nhiên nói khế hợp. Vì thế, cổ nhân nói: Nương lời phải hiểu tông, chớ tự lập qui củ. Lời phải có cách ngoại, câu cần phải thấu quan. Nếu là lời chẳng lìa hang ổ thì rơi trong biển độc. Tuyết Phong dạy chúng thế ấy, đáng gọi là lời nói vô vị, bít lấp miệng người. Trường Khánh, Huyền Sa đều là người ở trong nhà đó, mới hiểu được nói thoại của Sư. Tuyết Phong nói núi Nam có một con rắn to, các ông biết chỗ rơi chăng? Đến trong đó phải đủ con mắt thông phương mới được. Đâu chẳng thấy Chơn Tịnh tụng:

TỤNG:

Đả cổ lộng tỳ bà
Tương phùng lưỡng hội gia
Vân Môn năng xướng hòa
Trường Khánh giải tùy da
Cổ khúc vô âm vận
Nam Sơn niết tỷ xà
Hà nhân tri thử ý
Đoan đích thị Huyền Sa.

DỊCH:

Đánh trống khảy tỳ bà
Gặp nhau hai nhà hiểu
Vân Môn khéo xướng hòa
Trường Khánh giỏi theo a.
Nhạc xưa không âm vận
Rắn to ở núi Nam
Người nào biết ý đó
Quả thậtHuyền Sa.

Trường Khánh đáp như thế là ý thế nào? Đến trong ấy phải nhanh như chọi đá nháng lửa, như làn điện chớp, mới có thể chụp được. Nếu còn mảy tơ sợi tóc bỏ chẳng dứt thì chụp kia chẳng được. Đáng tiếc nhiều người nhằm dưới lời nói của Trường Khánh sanh tình giải, nói: Trong nhà vừa có người nghe liền tan thân mất mạng. Hoặc nói: Vốn không có một việc cỏn con, trên chỗ bình thường ban ngày. Nói loại thoại này cho người nghi, người nghe Sư nói “núi Nam có một con rắn to” liền khởi nghi. Nếu hiểu thế ấy nào có giao thiệp, chỉ trên ngôn ngữ ông ta mà làm kế sống. Đã chẳng hiểu thế, phải hiểu thế nào? Sau này có vị Tăng thuật lại cho Huyền Sa, Huyền Sa nói: Phải là Lăng huynh mới được, tuy nhiên như thế, tôi thì chẳng vậy. Tăng hỏi Hòa thượng thì thế nào, Huyền Sa đáp: Dùng núi Nam làm gì? Chỉ xem trong lời nói của Huyền Sa liền có chỗ xuất thân. Bèn nói dùng núi Nam làm gì, nếu chẳng phải là Huyền Sa thật khó mà đáp được. Như Tuyết Phong nói: núi Nam có một con rắn to, hãy nói nó ở chỗ nào? Đến trong đây phải là người hướng thượng mới hiểu được lời nói này. Cổ nhân nói: Tạ Tam Lang trên thuyền thả câu, chẳng thích núi Nam con rắn to. Đến lượt Vân Môn lấy cây gậy ném trước mặt Tuyết Phong, ra bộ sợ. Vân Môn có tài giỡn rắn, chẳng chạm mũi nhọn, bên sáng đánh được, bên tối cũng đánh được. Sư bình thường vì người như múa kiếm Thái A, có khi phi đến trên mày mắt của người, có khi phi đến ngoài ba ngàn dặm lấy đầu người. Vân Môn ném cây gậy ra bộ sợ, vả lại chẳng phải đùa tinh hồn, đâu không phải Sư tan thân mất mạng sao? Bậc tác gia Tông sư chẳng ở trên một lời một câu mà làm kế sống. Tuyết Đậu vì thích Vân Môn khế chứng được ý Tuyết Phong, nên tụng:

TỤNG:

Tượng Cốt nham cao nhân bất đáo
Đáo giả tu thị lộng xà thủ
Lăng Sư, Bị Sư bất nại hà
Tán thân thất mạng hữu đa thiểu?
Thiều Dương tri, trùng bác thảo
Nam Bắc Đông Tây vô xứ thảo
Hốt nhiên đột xuất trú trượng đầu
Phao đối Tuyết Phong đại trương khẩu
Đại trương khẩu hề đồng thiểm điện
Dịch khởi mi mao hoàn bất kiến
Như kim tàng tại Nhũ Phong tiền
Lai giả nhất nhất khán phương tiện.

DỊCH:

Tượng Cốt núi cao người chẳng đến
Người đến phải là tay đùa rắn
Sư Lăng, Sư Bị chẳng làm gì
Tan thân mất mạng có nhiều ít?
Thiều Dương biết, lại vạch cỏ
Nam Bắc Đông Tây không chỗ xét
Bỗng nhiên đột xuất cây gậy này
Ném trước Tuyết Phong miệng há hốc
Miệng há hốc chừ đồng điện chớp
Vén hết lông mày lại chẳng thấy
Hiện nay ẩn tại ngọn Nhũ Phong
Người đến mỗi mỗi xem phương tiện.

Tuyết Đậu to tiếng quát: Xem dưới chân!

GIẢI TỤNG: Hai câu “Tượng Cốt núi cao người chẳng đến, người đến phải là tay đùa rắn”, dưới núi Tuyết Phong có núi Tượng Cốt. Tuyết Phong cơ phong cao vót ít có người đến được chỗ Sư. Tuyết Đậu là người trong nhà Sư, lông cánh tương tợ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, phải là tác giả thông phương mới cùng chứng minh nhau. Chỉ con rắn to này thật khó đùa, phải là tay khéo đùa mới được. Nếu chẳng phải là tay khéo đùa, sẽ bị rắn cắn. Ngũ Tổ tiên sư nói: Con rắn to này, phải là tay tài khéo mới khỏi bị rắn cắn, gần đầu nó độ bảy tấc (0,28m), ấn một cái đứng khựng, bèn cùng Lão tăng nắm tay đồng đi. Trường Khánh, Huyền Sa có tay khéo này. Tuyết Đậu nói: “Sư Lăng, Sư Bị chẳng làm gì.” Câu này nhiều người nói: Trường Khánh, Huyền Sa chẳng làm gì, vì thế Tuyết Đậu riêng khen Vân Môn. Quả là không dính dáng. Đâu chẳng biết trong ba người cơ không được mất, chỉ có thân sơ mà thôi. Thử hỏi quí vị chỗ nào là chỗ Sư Lăng, Sư Bị chẳng làm gì? Câu “tan thân mất mạng có nhiều ít” là Trường Khánh nói “ngày nay trong nhà có nhiều người tan thân mất mạng”. Đến trong ấy phải là tay đùa rắn, cẩn thận mới được. Tuyết Đậu xuất thân trong dòng Vân Môn, cho nên bác hết, riêng để một mình Vân Môn, nói “Thiều Dương biết, lại vạch cỏ”, bởi vì Vân Môn biết chỗ rơi của Tuyết Phong, nói “núi Nam có một con rắn to”, vì thế “lại vạch cỏ”. Tuyết Đậu tụng đến trong đây lại có chỗ diệu, nói “Đông Tây Nam Bắc không chỗ xét”. Ông nói ở chỗ nào? “Bỗng nhiên đột xuất cây gậy này”, xưa nay chỉ là trong ấy. Ông chớ nên nhằm trên cây gậy làm kế sống. Vân Môn lấy cây gậy ném trước mặt Tuyết Phong, làm thế sợ. Vân Môn dùng cây gậy làm cái dụng con rắn to. Có khi Vân Môn nói: “Cây gậy hóa làm rồng nuốt hết càn khôn, núi sông đất liền chỗ nào còn?” Chỉ một cây gậy, có khi làm rồng, có khi làm rắn. Vì sao như thế? Đến trong đó mới biết cổ nhân nói: “Tâm theo muôn cảnh chuyển, chỗ chuyển thật u vi.” Hai câu “ném trước Tuyết Phong miệng há hốc, miệng há hốc chừ đồng điện chớp”, Tuyết Đậu có dư tài, đưa con rắn độc của Vân Môn ra, nói “miệng há hốc chừ đồng điện chớp”. Ông vừa nghĩ nghị liền tan thân mất mạng. “Vén hết lông mày lại chẳng thấy”, nhằm chỗ nào đi? Tuyết Đậu tụng xong phải đến chỗ sống vì người, đem con rắn của Tuyết Phong tự nắm tự đùa, chẳng ngại sống chết, lâm thời cần thấy chăng? - Nói “hiện nay ẩn tại ngọn Nhũ Phong”, Nhũ Phong là tên núi Tuyết Đậu. Tuyết Đậu có tụng: “Cửa đá bốn bên nhìn trời hẹp, vắng tanh chẳng thấy mây trắng bay.” Trường Khánh, Huyền Sa, Vân Môn đùa xong mà chẳng thấy. Lại nói: “Hiện nay ẩn tại ngọn Nhũ Phong, người đến mỗi mỗi xem phương tiện.” Tuyết Đậu vẫn kẹt chút ít. Không nói liền dùng, lại to tiếng quát: “Xem dưới chân!” Từ trước đến nay có nhiều người niêm lộng, hãy nói lại từng chạm đến người, chẳng từng chạm đến người? Sư liền đánh.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.