- Bích Nham Lục Giải Đề
- Tắc 01 - Tắc 03
- Tắc 04 - Tắc 06
- Tắc 07 - Tắc 09
- Tắc 10 - Tắc 12
- Tắc 13 - Tắc 16
- Tắc 17 - Tắc 19
- Tắc 20 - Tắc 22
- Tắc 23 - Tắc 25
- Tắc 26- Tắc 30
- Tắc 31 - Tắc 34
- Tắc 35 - Tắc 38
- Tắc 39 - Tắc 43
- Tắc 44 - Tắc 48
- Tắc 49 - Tắc 52
- Tắc 53 - Tắc 56
- Tắc 57 - Tắc 62
- Tắc 63 - Tắc 67
- Tắc 68 - Tắc 72
- Tắc 73 - Tắc 76
- Tắc 77 - Tắc 81
- Tắc 82 - Tắc 85
- Tắc 86 - Tắc 90
- Tắc 91 - Tắc 95
- Tắc 96 - Tắc 98
- Tắc 99 - Tắc 100
Tác giả:Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980
TẮC 53
BÁ TRƯỢNG CON NGỖNG
LỜI DẪN: Khắp cõi chẳng giấu, toàn cơ riêng bày, chạm đến không kẹt, rõ ràng có cơ xuất thân. Dưới câu không riêng, mỗi mỗi có ý giết người. Hãy nói cổ nhân cứu kính nhằm chỗ nào thôi hết, thử cử xem?
CÔNG ÁN: Mã Tổ cùng Bá Trượng dạo vườn, thấy bầy vịt trời bay qua. Mã Tổ hỏi: Là cái gì? Bá Trượng thưa: Bầy vịt trời. Mã Tổ hỏi: Đi đâu rồi? Bá Trượng thưa: Bay qua rồi. Mã Tổ liền nắm lỗ mũi Bá Trượng vặn mạnh. Bá Trượng đau quá la lên. Mã Tổ bảo: Đâu từng bay qua.
GIẢI THÍCH: Chánh nhãn xem ra, lại là Bá Trượng đủ chánh nhân. Mã Tổ không gió dậy sóng. Các ông cần cùng Phật, Tổ làm thầy tham lấy Bá Trượng, cần tự cứu chẳng xong tham lấy Mã Tổ. Xem cổ nhân trong mười hai giờ chưa từng chẳng ở trong ấy. Bá Trượng xuất gia từ thuở bé, học tập giới định tuệ, gặp lúc Mã Tổ xiển hóa ở Nam Xương tận tâm nương đỗ, hai mươi năm làm Thị giả, cho đến tái tham dưới tiếng hét mới được đại ngộ. Hiện nay có người nói: Vốn không chỗ ngộ, làm cái cửa ngộ, dựng lập việc này. Nếu kiến giải thế ấy, như trùng trong thân sư tử ăn thịt sư tử. Đâu chẳng thấy cổ nhân nói: Nguồn chẳng sâu thì dòng không dài, trí chẳng lớn thì thấy chẳng xa. Nếu hiểu là dựng lập thì Phật pháp đâu đến ngày nay. Xem Mã Tổ cùng Bá Trượng đi dạo vườn thấy bầy vịt trời bay qua, Mã Tổ đâu không biết vịt trời, tại sao lại hỏi thế ấy? Hãy nói ý Ngài rơi tại chỗ nào? Bá Trượng chỉ biết chạy theo sau. Mã Tổ nắm lỗ mũi Sư vặn mạnh, Bá Trượng chịu đau không nổi la lên. Mã Tổ bảo: Đâu từng bay qua. Bá Trượng liền tỉnh. Ngày nay có người hiểu lầm, vừa hỏi đến liền la lên, buồn cười nhảy chẳng ra. Hàng Tông sư vì người phải chỉ dạy cho thấy tột. Nếu họ chưa hiểu, chẳng nệ chạm bén đứt tay, chỉ cốt dạy họ rõ được việc này. Vì thế nói, hội thì giữa đường thọ dụng, chẳng hội thì thế đế lưu bố. Mã Tổ đương thời, nếu chẳng nắm đứng thì chỉ thành thế đế lưu bố. Phải là thấy cảnh gặp duyên xoay trở, dạy trở về chính mình, trong mười hai giờ không chỗ khiếm khuyết, gọi đó là tánh địa minh bạch. Nếu chỉ nương cỏ gá cây, nhận cái trước lừa sau ngựa, có dùng vào chỗ gì? Xem Mã Tổ, Bá Trượng dụng thế ấy, tuy giống như sáng tỏ tinh lanh, mà chẳng ở chỗ sáng tỏ tinh lanh. Bá Trượng chịu đau không nổi la lên, nếu thấy thế ấy thì khắp cõi chẳng giấu, mỗi mỗi hiện thành. Vì thế nói, một chỗ thấu thì ngàn chỗ muôn chỗ đồng thời thấu. Hôm sau, Mã Tổ lên toà, chúng vừa tụ họp, Bá Trượng ra cuốn chiếu. Mã Tổ xuống tòa về phương trượng, hỏi Bá Trượng: Ta vừa lên tòa chưa nói pháp, vì sao ông lại cuốn chiếu? Bá Trượng thưa: Hôm qua bị Hòa thượng nắm lỗ mũi đau. Mã Tổ hỏi: Hôm qua ông nhằm chỗ nào lưu tâm? Bá Trượng thưa: Ngày nay lỗ mũi lại chẳng đau. Mã Tổ bảo: Ông biết sâu việc ngày nay. Bá Trượng làm lễ, trở về liêu thị giả khóc. Đồng sự thị giả hỏi: Ông khóc cái gì? Bá Trượng nói: Huynh đến hỏi Hòa thượng. Thị giả đến hỏi Mã Tổ. Mã Tổ bảo: Ông hỏi lấy y xem? Thị giả lại về liêu hỏi Bá Trượng. Bá Trượng cười hả hả! Thị giả nói: Ông vừa rồi khóc, giờ đây tại sao lại cười? Bá Trượng nói: Tôi vừa rồi khóc, giờ đây cười. Xem Sư sau khi ngộ lăn trùng trục ngăn chặn chẳng đứng, tự nhiên linh hoạt. Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG:
Dã áp tử
Tri hà hứ
Mã Tổ kiến lai tương cộng ngữ
Thoại tận sơn vân hải nguyệt tình
Y tiền bất hội hoàn phi khứ.
Dục phi khứ
Khước bả trụ
Đạo! Đạo!
DỊCH:
Con vịt trời
Biết là mấy
Mã Tổ thấy rồi cùng nhau nói
Nói tột biển trăng mây núi lòng
Như xưa chẳng hội lại bay mất.
Muốn bay mất
Lại nắm đứng
Nói! Nói!
GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu ngay đầu liền tụng “con vịt trời, biết là mấy”, hãy nói có nhiều ít? “Mã Tổ thấy rồi cùng nhau nói”, tụng này Mã Tổ hỏi Bá Trượng “là cái gì”, Bá Trượng đáp “bầy vịt trời”. “Nói tột biển trăng mây núi lòng” là tụng hỏi Bá Trượng “đi đâu rồi”. Mã Tổ vì Sư ý chỉ tự nhiên thoát thể. Bá Trượng như trước chẳng hội, lại nói “bay qua rồi”. Hai lớp lầm qua. Hai câu “muốn bay mất, lại nắm đứng”, Tuyết Đậu cứ bản án kết tội. Lại nói “nói! nói!” đây là chỗ Tuyết Đậu chuyển thân. Hãy nói, nói cái gì? Nếu la đau là lầm. Nếu chẳng la đau, lại làm sao hội? Tuy nhiên, Tuyết Đậu tụng thật khéo, song cũng nhảy không khỏi.
TẮC 54
VÂN MÔN LẠI XÒE NGỬA HAI TAY
LỜI DẪN: Thoát khỏi sanh tử, xoay lăn cơ quan, thảnh thơi cắt sắt chặt đinh, tùy chỗ che trời che đất. Hãy nói là chỗ hành lý của người nào, thử cử xem?
CÔNG ÁN: Vân Môn hỏi Tăng: Vừa rời chỗ nào? Tăng thưa: Tây Thiền. Vân Môn hỏi: Gần đây Tây Thiền có ngôn cú gì? Tăng liền xòe ngửa hai bàn tay. Vân Môn đánh một tát. Tăng thưa: Thoại đầu của con còn. Vân Môn lại xòe ngửa hai bàn tay. Tăng không nói được. Vân Môn liền đánh.
GIẢI THÍCH: Vân Môn hỏi vị Tăng vừa rời chỗ nào, Tăng thưa Tây Thiền. Cái này là đương diện thoại, giống như điện chớp. Vân Môn hỏi gần đây có ngôn cú gì, cũng chỉ là thuyết thoại bình thường. Vị Tăng này quả thật là bậc tác gia, lại lật ngược để nghiệm Vân Môn, liền xòe ngửa hai bàn tay. Nếu là người tầm thường gặp phải cái nghiệm này, liền thấy tay chân rối loạn. Vân Môn có cơ chọi đá nháng lửa, làn điện chớp, liền đánh một tát. Tăng nói đánh tức là phải, làm gì được thoại đầu của con. Vị Tăng này có chỗ chuyển thân. Vì thế, Vân Môn buông ra xòe ngửa hai bàn tay. Vị Tăng không nói được. Vân Môn liền đánh. Xem Vân Môn tự là tác gia, đi một bước biết chỗ rơi một bước, khéo xem trước lại giỏi ngó sau, chẳng mất đường lối. Vị Tăng này chỉ khéo xem trước, chẳng giỏi ngó sau.
TỤNG:
Hổ đầu hổ vĩ nhất thời thâu
Lẫm lẫm oai phong tứ bách châu
Khước vấn bất tri hà thái hiểm
Sư vân: phóng quá nhất trước.
DỊCH:
Đầu cọp đuôi cọp một lúc thâu
Lẫm lẫm oai phong bốn trăm châu
Lại hỏi tại sao mà quá hiểm
Sư rằng phóng qua một nước.
GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu tụng thoại này rất dễ hiểu, đại ý chỉ tụng cơ phong của Vân Môn. Vì thế nói: “Đầu cọp đuôi cọp một lúc thâu”. Cổ nhân nói: Chận đầu cọp thâu đuôi cọp, câu thứ nhất rõ tông chỉ. Tuyết Đậu chỉ căn cứ bản án kết tội, thích Vân Môn giỏi chận đầu cọp lại khéo nắm đuôi cọp. Vị Tăng xòe ngửa hai tay, Vân Môn liền đánh là chận đầu cọp. Vân Môn xòe ngửa hai tay, Tăng không nói được, liền đánh là nắm đuôi cọp. Đầu đuôi đồng thâu, mắt như sao băng, tự nhiên như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện xẹt. Liền được “lẫm lẫm oai phong bốn trăm châu”, khiến cho cả thế giới gió thổi vèo vèo. “Lại hỏi tại sao mà quá hiểm”, quả là có chỗ hiểm. Tuyết Đậu nói “phóng qua một nước”. Hãy nói hiện nay khi chẳng phóng qua lại là sao? Người cả đại địa thảy nên ăn gậy. Hàng Thiền hòa tử ngày nay đều nói: “Đợi khi Vân Môn xòe ngửa hai tay, cũng là trả lại cho ông ta bổn phận thảo liệu.” Giống thì cũng giống, phải thì chưa phải. Vân Môn không thể chỉ thế ấy bảo ông thôi, vẫn còn có việc khác.
TẮC 55
ĐẠO NGÔ ĐẾN NHÀ CÚNG ĐIẾU
LỜI DẪN: Ẩn mật toàn chân, đương đầu nhận chứng, giẫm trên nước để chuyển vật, ngay đó thừa đương, nhằm trong chọi đá nháng lửa, làn điện chớp, ngồi dứt lầm lẫn. Ở chỗ chận đầu cọp nắm đuôi cọp, vách đứng ngàn nhẫn thì gác lại, phóng một đường, lại có chỗ vì người hay không, thử cử xem?
CÔNG ÁN: Đạo Ngô cùng Tiệm Nguyên đến nhà Phật tử cúng điếu. Tiệm Nguyên vỗ quan tài nói: Sanh ư? Tử ư? Đạo Ngô nói: Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói. Tiệm Nguyên hỏi: Vì sao chẳng nói? Đạo Ngô đáp: Chẳng nói chẳng nói. Hai thầy trò về đến giữa đường, Tiệm Nguyên thưa: Hòa thượng mau vì con nói, nếu chẳng nói đánh Hòa thượng. Đạo Ngô nói: Đánh thì mặc đánh, nói tức chẳng nói. Tiệm Nguyên liền đánh. Sau Đạo Ngô tịch, Tiệm Nguyên đến Thạch Sương thuật lại lời trước. Thạch Sương nói: Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói. Tiệm Nguyên hỏi: Vì sao chẳng nói? Thạch Sương nói: Chẳng nói chẳng nói. Tiệm Nguyên ngay lời nói liền có tỉnh. Một hôm, Tiệm Nguyên cầm cái mai ở trên pháp đường đi từ đông qua tây, từ tây qua đông. Thạch Sương hỏi: Làm gì? Tiệm Nguyên nói: Tìm linh cốt tiên sư. Thạch Sương bảo: Nước dâng lênh láng, sóng dậy ngập trời, tìm cái gì là linh cốt tiên sư? (Tuyết Đậu trước ngữ: Trời xanh! Trời xanh!) Tiệm Nguyên nói: Nên khéo gắng sức. (Thái Nguyên Phù nói: Linh cốt tiên sư vẫn còn.)
GIẢI THÍCH: Đạo Ngô cùng Tiệm Nguyên đến nhà Phật tử cúng điếu. Tiệm Nguyên vỗ quan tài nói: Sanh ư? Tử ư? Đạo Ngô nói: Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói. Nếu nhằm dưới câu nhập được, dưới lời biết trở về, chỉ chỗ này là then chốt thấu thoát sanh tử. Nếu không được thế, thường thường đối diện lầm qua. Xem cổ nhân đi đứng nằm ngồi chẳng ngại lấy việc này làm niệm. Vừa đến nhà người điếu tang, Tiệm Nguyên liền vỗ quan tài nói: Sanh ư? Tử ư? Đạo Ngô chẳng dời một mảy tơ, đáp rằng: Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói. Tiệm Nguyên đối diện lầm qua chạy theo ngữ cú, hỏi “vì sao chẳng nói”, Đạo Ngô nói “chẳng nói chẳng nói”. Đạo Ngô đáng gọi là lòng son mảnh mảnh, đem lầm đến lầm. Tiệm Nguyên vẫn chẳng tỉnh, về đến giữa đường lại nói Hòa thượng nên mau vì con nói, nếu không nói đánh Hòa thượng. Kẻ này biết gì tốt xấu, nên nói tâm tốt chẳng được báo tốt. Đạo Ngô như trước tâm lão bà tha thiết, nói với y: Đánh thì mặc đánh, nói tức chẳng nói. Tiệm Nguyên liền đánh. Tuy nhiên như thế, lại là kia thắng một nước. Đạo Ngô vì kia máu tuôn giọt giọt thế ấy mà Tiệm Nguyên vẫn chẳng lãnh hội. Đạo Ngô bị y đánh, liền nói với y: Ông hãy đi, e trong viện, Tri sự dò biết việc này sẽ gây họa cho ông. Thầm bảo Tiệm Nguyên đi, Đạo Ngô thật rất mực từ bi.
Sau Tiệm Nguyên đến một viện nhỏ, nghe cư sĩ tụng phẩm Phổ Môn: “nên dùng thân Tỳ-kheo được độ, liền hiện thân Tỳ-kheo mà vì thuyết pháp…”, bỗng nhiên đại ngộ. Sư nói: Khi xưa ta lầm trách tiên sư, đâu biết việc này chẳng ở trên ngôn cú. Người xưa nói: Bậc đại nhân không lường, bị ngữ mạch xoay đi. Có nhóm người tình giải nói: Đạo Ngô bảo chẳng nói chẳng nói, tức là nói rồi vậy, gọi là đánh lưng thì nhào lộn, khiến người dò tìm chẳng được. Nếu hiểu thế ấy làm sao bình ổn. Nếu người chân đạp đất thật thì chẳng cách một mảy tơ. Như chuyện thất hiền nữ đi dạo rừng Thi-đà, có vị chỉ tử thi hỏi: Tử thi tại đấy, người ở chỗ nào? Chị cả đáp: Làm gì? Làm gì? Cả chúng nghe đều chứng vô sanh pháp nhẫn. Thử nói có bao nhiêu cái, ngàn cái muôn cái chỉ là một cái. Sau Tiệm Nguyên đến Thạch Sương thuật lại việc trước. Thạch Sương như xưa nói: Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói. Tiệm Nguyên hỏi: Vì sao chẳng nói? Thạch Sương bảo: Chẳng nói chẳng nói. Tiệm Nguyên liền ngộ. Hôm khác, Tiệm Nguyên cầm cái mai ở trước pháp đường đi từ đông qua tây, từ tây qua đông, ý muốn trình kiến giải của mình. Thạch Sương hỏi: Làm gì? Tiệm Nguyên nói: Tìm linh cốt tiên sư. Thạch Sương liền cắt đứt gót chân y nói: Ta trong ấy, nước dâng lênh láng, sóng dậy ngập trời, tìm cái gì là linh cốt tiên sư? Tiệm Nguyên đã tìm linh cốt tiên sư, tại sao Thạch Sương lại nói thế ấy? Đến trong đây là chỗ sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói, ngay lời này tiến được mới biết từ thủy chí chung toàn cơ thọ dụng. Nếu ông khởi đạo lý suy nghĩ tìm hiểu tức là khó thấy. Tiệm Nguyên nói: Nên khéo gắng sức. Xem Sư sau khi ngộ, nói được tự nhiên kỳ đặc. Mảnh xương trên đảnh của Đạo Ngô như màu vàng, khi đánh liền phát ra tiếng đồng. Tuyết Đậu trước ngữ: “trời xanh! trời xanh!” ý tại hai bên. Thái Nguyên Phù nói “linh cốt tiên sư vẫn còn”, tự nhiên nói được ổn đáng.
Đoạn văn này đồng thời đưa ra một bên. Hãy nói thế nào là chỗ tỉnh yếu? Thế nào là chỗ gắng sức? Đâu chẳng nghe nói: Một chỗ thấu, ngàn chỗ muôn chỗ đồng thời thấu. Nếu nhằm chỗ “chẳng nói chẳng nói” thấu được, là ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ. Nếu thấu chẳng được, phải tự tham tự ngộ, chẳng nên dễ dàng qua ngày, đáng quí thay ngày tháng! Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG:
Thố mã hữu giác
Ngưu dương vô giác
Tuyệt hào tuyệt ly
Như sơn như nhạc
Huỳnh kim linh cốt kim du tại
Bạch lãng thao thiên hà xứ trước.
Vô xứ trước
Chích lý Tây qui tằng thất khước.
DỊCH:
Thỏ ngựa có sừng
Trâu dê không sừng
Bặt lông bặt sợi
Như núi như non
Linh cốt vàng ròng nay vẫn còn
Sóng dậy ngập trời chỗ nào đến.
Không chỗ đến
Chiếc dép về Tây từng lạc mất.
GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu riêng hội chú cước, Sư là con cháu Vân Môn, phàm trong một câu đủ ba câu tôi luyện, nhằm chỗ khó nói nói phá, nhằm chỗ vạch chẳng ra vạch ra. Nhằm thẳng chỗ khẩn yếu kia tụng ra “thỏ ngựa có sừng, trâu dê không sừng”. Hãy nói thỏ ngựa vì sao có sừng? trâu dê vì sao không sừng? Nếu thấy được lời trước, mới biết Tuyết Đậu có chỗ vì người. Có người hiểu lầm nói: Chẳng nói là nói, không câu là có câu, thỏ ngựa không sừng lại nói có sừng, trâu dê có sừng lại nói không sừng. Thế thật là không dính dáng. Đâu chẳng biết cổ nhân thiên biến vạn hóa, hiện thần thông như thế, chỉ vì đả phá cái hang quỉ tinh linh này của ông. Nếu thấu được chẳng tiêu một chữ liễu. “Thỏ ngựa có sừng, trâu dê không sừng, bặt lông bặt sợi như núi như non”, bốn câu này như viên ma-ni bảo châu, Tuyết Đậu nhả ra trọn vẹn trước mặt ông. Phần sau chỉ là căn cứ bản án kết tội. “Linh cốt vàng ròng nay vẫn còn, sóng dậy ngập trời chỗ nào đến”, đây là tụng lời của Thạch Sương và Thái Nguyên Phù, vì cớ sao không chỗ đến? “Chiếc dép về Tây từng lạc mất”, rùa linh lê đuôi, đây là chỗ Tuyết Đậu chuyển thân vì người. Cổ nhân nói: Kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Đã là mất đi một đóm lửa kia, vì sao lại đua nhau tranh?
TẮC 56
KHÂM SƠN MỘT MŨI PHÁ CỔNG
LỜI DẪN: Chư Phật chẳng từng ra đời, cũng không một pháp cho người. Tổ sư chẳng từng Tây sang, chưa bao giờ lấy tâm truyền trao. Chính vì thời nhân chẳng liễu, hướng ngoài tìm cầu, trọn chẳng biết dưới gót chân chính mình có một đoạn đại sự nhân duyên, ngàn thánh dò tìm cũng chẳng được. Chỉ là hiện nay thấy chẳng thấy, nghe chẳng nghe, nói chẳng nói, biết chẳng biết, từ chỗ nào được? Nếu chưa hay thấu triệt, hãy nhằm trong hang sắn bìm hội lấy, thử cử xem?
CÔNG ÁN: Thiền khách Lương Toại hỏi Khâm Sơn: Khi một mũi tên phá ba cổng thì thế nào? Khâm Sơn bảo: Dẫn ông chủ trong ba cổng ra xem? Lương nói: Thế ấy thì biết lỗi ắt cải. Khâm Sơn bảo: Lại đợi khi nào? Lương nói: Tên tốt bắn chẳng đến đích. Liền ra đi. Khâm Sơn gọi: Xà-lê lại đây! Lương xoay đầu. Khâm Sơn nắm đứng nói: Một mũi phá ba cổng hãy gác lại, thử vì Khâm Sơn bắn tên xem? Lương suy nghĩ, Khâm Sơn đánh bảy gậy, nói: Hãy cho gã này nghi ba mươi năm.
GIẢI THÍCH: Thiền khách Lương Toại cũng thật là một viên chiến tướng, nhằm trong tay Khâm Sơn xoay trái lộn phải, khiến rơi roi rớt dây, rốt sau đáng tiếc cung gãy tên mất. Tuy nhiên như thế, tướng quân họ Lý tự có tiếng khen, chẳng được phong hầu cũng là nhàn. Công án này một ra một vào, một bắt một thả, đương cơ thấy mặt đề, thấy mặt đương cơ nhanh, trọn chẳng rơi nơi có không được mất, gọi là huyền cơ, nhìn qua thấy có chút ít lực lượng, liền có chỗ sẩy chân. Vị Tăng này cũng là hàng Thiền tăng anh linh, đặt câu hỏi quả là kinh quần. Khâm Sơn là bậc Tông sư tác gia, liền biết chỗ rơi của câu hỏi. Câu hỏi “khi một mũi tên thấu ba cổng thì thế nào”, ý Khâm Sơn trả lời, ông bắn được hãy gác qua, thử dẫn ông chủ trong ba cổng ra xem? Lương nói “thế ấy thì biết lỗi ắt cải”, quả thật kỳ đặc. Khâm Sơn bảo: Lại đợi khi nào? Xem kia đối đáp thế ấy, chỗ hỏi của Khâm Sơn không có chút ít thiếu trống. Sau Thiền khách Lương lại nói: “tên tốt bắn chẳng đến đích”, phủi áo ra đi. Khâm Sơn vừa thấy y nói thế ấy, liền gọi: Xà-lê lại đây! Thiền khách Lương quả nhiên nắm chẳng đứng, xoay đầu lại. Khâm Sơn nắm đứng nói: Một mũi thấu ba cổng gác lại, hãy vì Khâm Sơn bắn tên xem? Lương suy nghĩ, Khâm Sơn đánh bảy gậy, theo sau cho y một câu chú “hãy cho gã này nghi ba mươi năm”. Hiện nay một số Thiền hòa tử trọn bảo: Vì sao chẳng đánh tám gậy hay sáu gậy, chỉ đánh bảy gậy? Kia bảo “thử vì Khâm Sơn bắn tên xem”, liền đánh. Thế là giống thì cũng giống, phải thì chưa phải. Công án này phải trong hông ngực chẳng chứa tí xíu đạo lý so sánh, vượt ngoài ngôn ngữ, mới có một câu phá ba cổng và có chỗ bắn tên. Nếu còn phải và quấy thì dò tìm chẳng được. Vị Tăng khi ấy nếu là hảo hán, Khâm Sơn cũng bị nguy hiểm, đã không thể hành lệnh này, chẳng khỏi đảo hành. Hãy nói ông chủ trong cổng cứu kính là người nào? Xem Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG:
Dữ quân phóng xuất quan trung chủ
Phóng tiễn chi đồ mạc mãng lỗ
Thủ cá nhãn hề nhĩ tất lung
Xả cá nhĩ hề mục song cổ.
Khả lân nhất phốc phá tam quan
Đích đích phân minh tiễn hậu lô.
Quân bất kiến
Huyền Sa hữu ngôn hề
Đại trượng phu tiên thiên vi tâm Tổ.
DỊCH:
Chủ nhân trong cổng vì anh dẫn
Những kẻ bắn tên chớ sơ hở
Giữ con mắt chừ tai điếc rồi
Bỏ lỗ tai chừ hai mắt tối.
Đáng thương một mũi phá tam quan
Quả thật đường sau tên quá rõ.
Anh chẳng thấy
Huyền Sa có lời chừ
Đại trượng phu tiên thiên là tâm Tổ.
GIẢI TỤNG: Bài tụng này có mấy câu rút trong bài tụng Qui Tông. Ngày xưa Qui Tông nhân làm bài tụng nên lấy hiệu là Qui Tông. Trong tông môn gọi đó là nói lên tông chỉ. Sau này Đồng An nghe chuyện bảo: Lương Công khéo bắn tên mà không hay trúng đích. Có vị Tăng hỏi: Thế nào được trúng đích? Đồng An bảo: Chủ trong cổng là người nào? Sau có vị Tăng thuật lại cho Khâm Sơn, Khâm Sơn nói: Lương Công thế ấy vẫn chưa khỏi được miệng Khâm Sơn. Tuy nhiên như thế, Đồng An chẳng phải hảo tâm. Tuyết Đậu nói “chủ nhân trong cổng vì anh dẫn”. Mở mắt cũng đúng nhắm mắt cũng đúng, có hình không hình thảy đều chặt làm ba khúc. Câu “những kẻ bắn tên chớ sơ hở”, nếu bắn tên giỏi thì chẳng sơ hở, nếu bắn tên dở thì bắn là sơ hở. Hai câu “giữ con mắt chừ tai điếc rồi, bỏ lỗ tai chừ hai mắt tối”, hãy nói giữ con mắt vì sao lỗ tai điếc? bỏ lỗ tai vì sao hai mắt tối? Lời này phải không giữ bỏ mới hay thấu được, nếu có giữ bỏ thì khó thấy. Hai câu “đáng thương một mũi phá tam quan, quả thật đường sau tên quá rõ”: Khi Thiền khách Lương hỏi thế nào một mũi phá ba cổng, Khâm Sơn bảo dẫn ông chủ trong cổng ra xem, cho đến rốt sau công án của Đồng An thảy là đường sau của tên. Cứu kính phải thế nào? “Anh chẳng thấy, Huyền Sa có lời chừ, đại trượng phu tiên thiên là tâm Tổ.” Bình thường cho tâm là cực tắc của Tổ tông. Trong đây tại sao trước khi trời đất chưa sanh vẫn cho là Tổ của tâm này? Nếu biết rõ cái thời tiết này mới rõ được ông chủ trong cổng. “Quả thật đường sau tên quá rõ”, nếu cần trúng đích sau mũi tên rõ ràng có đường. Hãy nói thế nào là đường sau mũi tên? Phải tự đem hết tinh thái mới được. Câu “đại trượng phu tiên thiên là tâm Tổ”, Huyền Sa thường lấy câu này dạy chúng, đây là trong tụng Qui Tông. Tuyết Đậu lầm dùng cho là lời của Huyền Sa. Hiện nay người tham học cho tâm này là Tổ tông, dù tham đến đức Phật Di-lặc ra đời cũng chưa hội. Nếu là kẻ đại trượng phu tâm vẫn là con cháu. Trời đất chưa phân đã là đầu thứ hai. Hãy nói chính khi ấy, làm sao là trước trời đất?