HOA KỲ GIẢI MẬT
HỒ SƠ VIỆT NAM 1963
DỊCH VÀ GHI NHẬN:
TÂM DIỆU, TRÍ TÁNH & NGUYÊN GIÁC
NHÀ XUẤT BẢN ANANDA VIET FOUNDATION
GHI NHẬN: Mỹ loan báo kế hoạch rút 1,000 lính về Hoa Kỳ. Cho chính phủ VN biết sẽ cắt giảm viện trợ, nhưng không công bố ra công chúng. Các tướng lên kế hoạch đảo chánh, vì tình hình Miền Nam suy sụp nhanh chóng. Cảnh sát bắt bớ liên tục các nơi nghi ngờ, kể cả cơ sở Công Giáo. Tra tấn là bình thường. Có tin Nhu sẽ tổ chức biểu tình, thừa cơ cho tay chân xông vào Tòa Đại sứ Mỹ, sẽ ám sát Đại sứ Lodge. TT Kennedy muốn Lodge về Mỹ để họp trực tiếp trong hai hay ba ngày, vì cần nghe trực tiếp. Sinh viên liên tục bị bố ráp, bắt giam, các Phật tử hoạt động khó khăn. Lodge thất vọng vì chính phủ Diệm không muốn hòa giải với PG để thực thi 5 điểm Thông Cáo Chung. Lòng dân bất mãn. Mỹ nhận ra chính phủ Diệm lập ra các nhóm sinh viên cò mồi để theo dõi, gài bắt các sinh viên tranh đấu. Từ khi bị giảm viện trợ, chính phủ Diệm giảm lương công chức, ra nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng. Giá vàng, bột, sữa… tăng. Phái đoàn LHQ tới điều tra về đàn áp tôn giáo tại VN. Chính phủ Diệm có vài dấu hiệu làm hòa: thả một số Phật Tử và sinh viên, mở cửa một phần đại học, nhưng ra dấu sẽ không gỡ bỏ Đạo dụ 10. Nhu lên báo Times of Vietnam tố “CIA xúi giục tự thiêu, cho nên dân VN đang bất mãn đối với chính phủ Mỹ,” nêu nghi ngờ rằng Mỹ sẽ rút khỏi VN hệt như Mỹ đã rút khỏi Lào, và nghi ngờ phái đoàn LHQ là bàn tay CIA mưu tính hại chế độ Diệm. VC tấn công mạnh hơn, VNCH lui quân ở nhiều chiến trường. Đại Tá Nguyễn Khương (Bộ Tổng Tham Mưu VNCH) báo động: VC có thể toàn thắng vào năm 1964. Các tướng bàn tính đảo chánh. CIA nhận được nhiều tin mâu thuẫn về nhiều nhóm âm mưu đảo chánh. Tướng Đôn cho Conein, người bạn của Đôn từ hai thập niên, biết là sẽ đảo chánh, vì nếu duy trì chế độ Diệm là VC sẽ toàn thắng. Đôn nói đảo chánh là chuyện riêng của người VN, xin Mỹ đừng ngăn cản, nhưng đảo chánh xong thì muốn Mỹ yểm trợ cuộc chiến chống VC. Conein nói Mỹ không thể cam kết, nhưng xin báo trước 2 ngày trước khi đảo chánh. Tình hình vẫn biểu tình, bắt bớ, trong khi tổng cộng đã có tới 7 nhà sư tự thiêu. Diệm mời Lodge đi một ngày tới Đà Lạt, cuộc nói chuyện nhiều giờ đồng hồ không tới đâu: Diệm không muốn gỡ bỏ Đạo dụ 10, trong khi chụp mũ các nhà sư là VC nằm vùng hoặc bị kích động. Một phái đoàn dân biểu Mỹ (do DB Zablocki lãnh đạo) thăm VN, về Mỹ kết luận: chế độ Diệm tham nhũng, tàn ác với dân, nhưng thái độ cứng rắn như thế sẽ chiến thắng VC. Đại sứ Lodge chuẩn bị bay về Mỹ họp. Tướng Đôn nói, chuyện đảo chánh là của VN, xin Mỹ đừng phá. Lodge hứa, Mỹ sẽ không can thiệp. TT Kennedy do dự, yêu cầu Lodge hãy ngăn cản các tướng đảo chánh nếu thấy nhiều phần đảo chánh sẽ thất bại. Ngày 30/10/1963, Tướng Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi điện văn về Washington, nói không tin Tướng Đôn, cho biết không nên có giải pháp đảo chánh vì Mỹ cần người chống Cộng cực đoan như Diệm, đề nghị chọn giải pháp áp lực buộc Diệm đổi chính sách, phải hòa giải với PG để gỡ rối khủng hoảng, lấy lại lòng tin dân chúng. Nói chuyện với Conein, Tướng Dương Văn Minh nói có 3 cách đảo chánh, dễ nhất là ám sát Nhu và Cẩn, giữ TT Diệm làm vị trí nghi lễ. Cũng ngày 30/10, Tướng Harkins gửi thêm điện văn thứ nhì về TT Kennedy, nói các tướng đảo chánh sẽ thất bại vì thiếu quân đưa về SG tấn công. CAS nhận ra có 11 nhóm bất đồng chính kiến có âm mưu đảo chánh, và bây giờ hình như kết hợp thành 2 nhóm khác nhau để đảo chánh. Đảo chánh bùng nổ. Thay vì báo trước 2 ngày hay nhiều giờ như đã hứa, Tướng Đôn báo cho Mỹ biết chỉ 4 phút đồng hồ trước khi khai hỏa. Đảo chánh thành công. Dân chúng tràn ra đường, vui mừng lễ hội nhiều ngày.
.
Ngày 1/10/1963. Từ Sài Gòn. Bản ghi nhớ của Tướng Taylor (Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ). Nội dung: Ghé thăm, từ biệt Tướng Dương Văn Minh hôm 1/10/1963. Hiện diện trong buổi nói chuyện từ biệt cũng có Đại Tá Raymond Jones, MACV. Tóm lược như sau.
Tướng Minh quan ngại sâu sắc về tình hình VN, nhận thấy còn nhiều khó khăn trong chương trình quân sự. Không có đủ hiểu biết, cảm thông giữa người dân và các chiến binh nơi chiến trường. Có trách nhiệm chia rẽ giữa các tư lệnh quân sự và các viên chức tỉnh. Về tình hình Phật Giáo, Tướng Minh xem vấn đề căn bản là một cuộc giao chiến tranh đặc quyền giữa Phật Tử và Giáo dân Thiên Chúa Giáo. Nhiều quan chức tỉnh ưu đãi Công Giáo với nhiều hình thức, cho phép kiểm soát giao dịch thương mại, du lịch và tương tự. Không co cản trở gì về chuyện tu hành trong Phật Giáo, nhưng có những cá nhân bị bỏ tù vì cúng tiền cho các chùa. Tướng Minh cảm thấy vấn đề Phật Giáo này vẫn chưa xảy ra trong quân đội nhưng Minh luôn luôn lo sợ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Các sinh viên biểu tình là phản ánh sự phẫn nộ của các bậc ba mẹ đối với nhiều hình thức bất công đầy khắp trong chính phủ trung ương. Có một vài tư tưởng cộng sản ló ra phía sau các cuộc biểu tình, nhưng căn bản nguyên do là vì bất công xảy ra khắp nơi trong xã hội thành thị. Tướng Minh không có giải pháp nào cho hiện tượng ông đang nhận thấy. Minh hiểu về sự khó khăn của Hoa Kỳ khi vận dụng chương trình viện trợ để ảnh hưởng chính phủ Diệm. Nhưng Minh cảm thấy, tình hình sẽ bi thảm nếu làm chậm hoạt động quân sự bằng cách cắt giảm viện trợ. Minh không thấy phía đối lập của chính phủ hiện nay có thể động viên được sự hỗ trợ quốc tế và nội địa.
.
Ngày 1/10/1963. Bản ghi nhớ từ Hilsman (Phụ tá Ngoại Trưởng về Viễn Đông Sự Vụ) gửi Quyền Ngoại Trưởng Hoa Kỳ. Nội dung: về các đề nghị chính trị tại Hội Đồng Khoáng Đại Liên Hiệp Quốc (HĐKĐ/LHQ) về Việt Nam. Có thể là trong khi HĐKĐ/LHQ cứu xét về nghị quyết của Tích Lan về tình hình nhân quyền tại VN, một số khuyến cáo chính trị về VN có thể đưa ra từ các phái đoàn khác. Nếu bất kỳ đề nghị chính thức nào đưa ra, thì hãy chuyển về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để xin chỉ thị.
Những khuyến cáo có thể tiên đoán từ các phái đoàn khác và cách trả lời của phái đoàn Mỹ nên như sau:
1. Rút quân lực Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Câu trả lời dự kiến từ phái đoàn Hoa Kỳ: Như Tổng Thống Kennedy đã nói trong tháng 12/1961, "Hoa Kỳ, cũng như Việt Nam Cộng Hòa, vẫn tận lực đi tìm hòa bình và mục tiêu chính của chúng tôi là giúp người dân Nam VN giữ gìn độc lập. Nếu nhà cầm quyền CS ở Bắc VN ngừng chiến dịch hủy diệt VNCH, biện pháp chúng tôi chọn là hỗ trợ quốc phòng Nam VN sẽ không còn cần thiết nữa." Do vậy, nếu chế độ CS Hà Nội ngừng tấn công và kích động nổi loạn chống VNCH, Hoa Kỳ có thể quân ra khỏi VN.
2. Trung lập hóa Nam VN.
Câu trả lời dự kiến từ phái đoàn Hoa Kỳ: Trung lập hóa riêng Nam VN sẽ mở đường cho CS sớm chiếm gọn cả khu vực. Không có trợ giúp ngoại viện, quân đội Nam VN không thể chống đỡ trước quân lực đông đảo của chế độ CS từ Bắc VN. Thêm nữa, chế độ Hà Nội hiện nay đã lập mạng lưới du kích rộng lớn tại Nam VN và có thể bất cứ khi nào lật đổ chính phủ trung lập Nam VN. Nếu có thảo luận về trung lập hóa VN, chỉ có thể thảo luận về trung lập hóa toàn bộ 2 miền VN, khi CS Bắc Việt chấp nhận từ bỏ quyền lực chính trị và kiểm soát trong khu vực của họ.
3. Tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam.
Câu trả lời dự kiến từ phái đoàn Hoa Kỳ: Chúng tôi ủng hộ lập trường của chính phủ VNCH rằng tổng tuyển cử có thể thực hiện chỉ khi có bảo đảm thực sự rằng các cử tri miền Bắc VN sẽ không bị cưỡng bách.
--- Phần ghi chú ghi rằng hôm 1/10/1963, bản sơ thảo nghị quyết Tích Lan đã được hiệu đính trong thương thuyết không chính thức. Trong nghị quyết, Hội Đồng Khoáng Đại (LHQ) bày tỏ quan ngại "với các vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của đại đa số người dân" tại Nam VN. Đoạn văn thứ nhì trong nghị quyết ghi là đòi hỏi từ Tổng Thư Ký LHQ: "Hãy truyền đạt nghị quyết này tới nhà cầm quyền Nam VN, để tham khảo với họ để làm giảm nhẹ tình hình, để các bước thích nghi hồi phục lại nhân quyền cho người dân Nam VN, và để thông báo cho Hội Đồng Khoáng Đại (LHQ) về các diễn tiến liên hệ."
.
Ngày 1/10/1963. 8:37 p.m. Từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gửi phái bộ Hoa Kỳ ở LHQ. Ký tên Rusk. Đại sứ Bửu Hội đã ghé thăm Hilsman hôm 30/9/1963. Nói chuyện chủ yếu về tình hình nội bộ VN và quan hệ Mỹ-Việt. Hilsman đưa ra các điểm sau đây. Bửu Hội sau đó thông báo đã tức khắc báo cáo bằng điện văn về TT Diệm.
1. Dư luận tại Hoa Kỳ trước kia và bây giờ sâu sắc bị ảnh hưởng bởi các vụ đàn áp các nhóm tôn giáo và sinh viên, và đó là những điều không hiểu nổi đối với công chúng Mỹ như gánh nặng lớn phải chịu khi đứng cùng chiến tuyến với Nam VN trong cuộc chiến chống CS.
2. Như Tổng Thống [Kennedy] đã nói, Nam VN cần có hỗ trợ chính trị rộng rãi để chiến thắng và do vậy nên thay đổi chính sách, và có lẽ là thay đổi cả nhân sự. Chính sách Hoa Kỳ như TT Kennedy đã nói trước giờ về Nam VN là: Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực chiến thắng cuộc chiến; và chống lại những gì ngăn trở nó.
3. Dù đúng hay sai, hình ảnh hiện nay của chính phủ VN là tệ hại, và các bước tích cực cần thực hiện để thay đổi. Chính phủ Nam VN nên bày tỏ thái độ hòa giải, hành vi chụp mũ các nhà sư Phật Giáo là Cộng sản không phải là câu trả lời. Câu trả lời nằm ở nơi trả tự do cho các nhà sư và sinh viên. TT Diệm nên đưa thêm nhân tài vào một nội các mở rộng và trẻ trung hóa.
Trong phần trả lời, Bửu Hội nói rằng phần tôn giáo trong cuộc khủng hoảng đã có từ trước khi xảy ra trận tấn công các chùa ngày 20/8/1963. Khủng hoảng chính trị bao trùm, và các nhà sư đã nới rộng lập trường và chính phủ phải đàn áp. Trong cương vị Phật Tử và là người theo chủ nghĩa nhân đạo, Bửu Hội bày tỏ rất tiếc về các trận tấn công vào chùa. Bửu Hội lần cuối ở Sài Gòn là trong tháng 8/1963, không thương thuyết nổi về khủng hoảng Phật Giáo, nhưng thành công trong việc thuyết phục mẹ của ông (một vị ni sư) là xin mẹ đừng tự thiêu. Bửu Hội nói ưa thích làm việc trong cương vị đại diện cho VN hiện nay, mặc dù trong lòng vẫn thấy chống đối mạnh mẽ nhiều phương diện của chế độ. Chúng ta [Bộ Ngoại Giao Mỹ] không biết ở mức độ nào Bửu Hội có trọn lòng tin từ Diệm và Nhu không, mặc dù chúng ta tin rằng họ xem ông như quá hữu dụng và nòng cốt tới mức không thể để mất Bửu Hội.
.
Ngày 2/10/1963. Bản ghi nhớ của Bộ Trưởng Quốc Phòng trình Tổng Thống Kennedy; báo cáo của phái đoàn McNamara-Taylor. Sau một ngày ở Honolulu để sửa soạn bản báo cáo, McNamara và Taylor trở về thủ đô Washington DC và trình các quan sát và khuyến nghị của họ trong buổi họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia vào buổi sáng. Bản báo cáo dài trình bày các quan điểm từ cả quân sự và dân sự. Nói xác nhận cuộc chiến đang diễn tiến tốt, nhưng cảnh báo về nỗi hiểm nguy tàng ẩn trong hỗn loạn chính trị hiện nay và để nghị phải áp lực vào TT Diệm để buộc thay đổi. Nhìn một cách quân sự, bản báo cáo kêu gọi chính phủ Nam VN tăng nỗ lực, đặc biệt ở vùng Miền Tây trong các chiến dịch càn quét và chiếm giữ, và củng cố chương trình ấp chiến lược. Báo cáo cũng đề nghị loan báo kế hoạch rút 1,000 quân nhân Mỹ về Hoa Kỳ vào cuối năm. Để tạo áp lực chính trị vào Diệm để có sự cải tổ cẩn thiết, đề nghị treo viện trợ có lựa chọn, kết thúc hỗ trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt vì đơn vị này trách nhiệm tấn công các chùa, và tiếp tục chính sách lạnh nhạt với chế độ Diệm. Bản báo cáo khuyến cáo là đừng đảo chánh, trừ phi thấy được và hỗ trợ được một lãnh đạo thay thế. Các khuyến cáo được TT Kennedy chấp thuận.
Bản thông cáo báo chí Bạch Ốc. Một bản văn sau buổi họp được phổ biến bởi McNamara và Taylor trong đó lập lại quyết tâm của Mỹ trong cuộc chiến chống VC, loan báo kế hoạch sẽ rút 1,000 lính Mỹ về và tách rời Hoa Kỳ ra khỏi chính sách đàn áp của TT Diệm. Tuy nhiên, thông cáo báo chí không nói gì về ngưng viện trợ.
.
Ngày 3/10/1963. Từ Washington. Bản ghi nhớ từ Sullivan (Phụ tá Đặc biệt của Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao về Chính Trị) gửi Hilsman (Phụ Tá Ngoại Trưởng về Viễn Đông). Mục tiêu tận cùng của Hoa kỳ tại VN không trùng hợp với mục tiêu của Diệm-Nhu. Chúng ta muốn đánh bại VC để miền Nam VN có thể là một quốc gia tự do. Nhưng họ (Diệm-Nhu) muốn đánh bại VC để Việt Nam có thể trở thành một chính thể toàn trị độc tài, mà theo lời Nhu sẽ "thách thức người CS ngay trên đất của họ bằng chính phương pháp của họ." Tôi tin nỗ lực như thế sẽ thất bại và sẽ dẫn tới chiến thắng của CS tại Nam VN. Do vậy, vấn đề không phải là chúng ta có thể chiến thắng với chế độ này hay không, mà là chúng ta có muốn chế độ này hưởng lợi ích của chiến thắng đó cho mục đích trái nghịch với mục tiêu của chúng ta và cũng trái nghịch với quyền lợi của Hoa Kỳ. Sự kiện đang xảy ra là Nhu đang lợi dụng 2 yếu tố quyền lực chính yếu để làm ra nhà nước toàn trị của Nhu. Thứ nhất, là giới ưu tú Việt Nam --- họ là người trí thức, giới tư sản, thành phần lãnh đạo đang là giai cấp lãnh đạo quân sự, bộ máy công quyền và cộng đồng kinh doanh thương mại của người Việt Nam --- thứ hai, là sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Nhu sẽ tước quyền lực của thành phần thứ nhất bằng cách giải thể khi Nhu cảm thấy Nhu đã đạt thành công đủ trong cuộc chiến chống lại VC và các tầng lớp nông dân. Nhu sẽ trục xuất thành phần thứ nhì [người Mỹ] bằng một thương lượng với Bắc VN khi Nhu cảm thấy đã có phương tiện thích nghi để tiếp tục nắm quyền mà không cần trợ giúp của Mỹ. Do vậy, vào thời điểm này, tình thế chúng ta tương đương với giới ưu tú đang bất mãn [tại VN] và mục tiêu tối hậu của họ [giới ưu tú bất mãn] gần như trùng hợp với mục tiêu của chúng ta hơn là mục tiêu của chế độ Diệm-Nhu. Do vậy, tôi kết luận rằng quyền lợi của Hoa Kỳ có cùng một chính nghĩa với họ [trí thức VN] để lật đổ chế độ hiện nay.
.
Ngày 3/10/1963. Điện văn từ CSIA Sài Gòn gửi về trung ương. Vào ngày 2/10/1963, Trung Tá Conein tình cờ gặp Tướng Trần Văn Đôn ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Đôn nói trước đó Đôn tìm liên lạc với Conein. Đôn yêu cầu Conein tới Nha Trang vào đêm 2/10/1963 để nói chuyện riêng. Đôn trả lời không chắc. Nhưng rồi Conein tới Nha Trang để nói chuyện với Đôn theo chấp thuận của Đại biện Trueheart.
Chỉ thị của Trueheart cho Conein là không khuyến khích cũng không bài bác bất kỳ suy nghĩ hay hành động nào về một cuộc đảo chánh, chủ yếu nhằm lấy thông tin và không nói là chính phủ Mỹ cam kết vào bất kỳ hành động nào. Conein gặp Đôn ở Nha Trang vào đêm 2/10/1963 khoảng 1 giờ đồng hồ. Không có ai khác có mặt khi 2 người nói chuyện. Đôn nói các điểm sau:
--- Tướng Dương Văn Minh muốn gặp Conein để nói chuyện riêng. Buổi gặp Minh sẽ là lúc 08:00 giờ ngày 5/10/1963 tại Bộ Tổng Tham Mưu, Sài Gòn. Vào giờ đó, Conein sẽ mặc quân phục tới văn phòng của Đôn. Đề tài nói chuyện sẽ lấy cớ là có thể dời bản doanh Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ. (Ghi nhận: Đó là đề tài lấy cớ gợi ý bởi Tướng Đôn. Phòng CAS Sài Gòn sẽ không thảo luận đề tài như thế, bởi vì chuyện này hoàn toàn trong thẩm quyền MCAV.) Conein sẽ nói chuyện riêng với Minh. Tướng Tôn Thất Đính đã nhận ra rằng Đính đã bị lợi dụng để làm trò ngu ngốc trong cương vị Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô và do vậy "có thể về phe với chúng tôi," theo lời Đôn. Tướng Kim và Tướng Chiểu đã được giao chức văn phòng dưới quyền Tướng Đôn ở Bộ Tổng Tham Mưu. Các tướng (không nêu cụ thể tên các tướng) đã yêu cầu TT Diệm bổ nhiệm họ vào các chức Bộ Trưởng Quốc Phòng, Bộ Trưởng Nội An, Bộ Trưởng Giáo Dục, Bộ Trưởng Công Dân Vụ, và Tư Lệnh Cảnh Sát Sài Gòn/Chợ Lớn. Thêm nữa, các tướng yêu cầu TT Diệm bổ nhiệm một tướng vào chức vụ Đô Trưởng Sài Gòn Chợ Lớn để bảo đảm an ninh khu vực. Các tướng nghĩ rằng TT Diệm không có ý định bổ nhiệm các chức theo yêu cầu như thế. Conein hỏi thêm chi tiết từ Đôn, nhưng Đôn từ chối và nói, "Ông phải nói chuyện với Minh." Tuy nhiên, Đôn nói, rằng các tướng "bây giờ đã có một kế hoạch." Đôn lộ ra xúc động khi nói câu vừa rồi. Đôn cũng nói rằng hai ngày trước buổi họp báo đầu tiên của Tướng Đính (ngày 29/8/1963), một người Việt trong trang phục dân sự đã tới thăm Ngô Đình Nhu, nói rằng người Mỹ đang móc nối nhiều người Việt nhằm khuyến khích đảo chánh. Do vậy Nhu đã gọi Đôn và cho Đôn xem danh sách tên các người Mỹ trong âm mưu đảo chánh đó. Đôn nói, tên Conein không có trên danh sách đó. Đại sứ đã chấp thuận cho Conein tới gặp Đôn và Minh vào ngày 5/10/1963.
.
Ngày 4/10/1963. 9:03 p.m. Gửi từ Washington. Từ BNG gửi Tòa Đại sứ Mỹ ở VN. Ký tên Ball. Về bản tin của phóng viên Halberstam trên báo New York Times hôm nay viết rằng ông (Lodge) "hẳn là sẽ hạnh phúc hơn với người Trưởng phòng CIA Saigon mới" và kể lại một số chi tiết cho là có xung khắc nhau giữa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và CIA về người Trưởng phòng CIA Sài Gòn vừa rời Việt Nam. Bài báo nói rằng Đại sứ Lodge nói với cấp trên rằng Lodge muốn có Trưởng phòng CIA mới, và CIA chống lại gay gắt... bây giờ được tin là có xung khắc từ Lodge chống lại Tướng Harkins.
Bài báo gây quan ngại tại Washington, vì chúng ta đã có nỗ lực nghiêm túc chung với phái đoàn McNamara-Taylor để đạt được sự thống nhất thực sự bên trong chính phủ Mỹ. Dĩ nhiên, tôi biết rằng Sài Gòn là ổ tin đồn, và kiểu nói như thế này thì khó mà kiểm soát. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ báo cho ông biết chuyện báo chí nơi đây để giúp ông có các biện pháp giữ kín tin tức mà nếu lộ ra thì có thể làm nguy hại cho việc chúng ta muốn làm.
--- Nơi phần ghi chú của điện văn ghi rằng John Richardson (Trưởng phòng CIA Sài Gòn) đã thuyên chuyển ra ngoài Việt Nam hôm 5/10/1963. Tổng Thống Kennedy trả lời một câu hỏi trong buổi họp báo ngày 9/10/1963 về bài báo nói rằng có phải có chuyện CIA hoạt động độc lập tại VN hay không, đã đáp rằng CIA hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Giám Đốc CIA trong hợp tác với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và theo đúng chỉ thị của Tổng Thống Kennedy. Trong khi đó, theo Tướng Taylor, trong sách "Swords and Plowshares" nơi trang 300, ghi rằng "Richardson đã trở thành người không làm cho Lodge hoan hỷ vì các lý do mà tôi không có thể đánh giá, nhưng như dường vì lợi ích của mọi phía đã phải thuyên chuyển Richardson ra nơi khác." Trong tác phẩm "To Move a Nation" nơi trang 515, Hilsman nhận định rằng thuyên chuyển Richardson ra khỏi VN là yêu cầu của Đại sứ Lodge, nhưng được xem là một dấu hiệu gửi tới người Việt Nam chứ không phải chuyện xung khắc cá nhân gì.
Ngày 5/10/1963. Từ Sài Gòn. Gửi từ CIA Sài Gòn về trung ương. Trung Tá Conein đã gặp Tướng Dương Văn Minh tại bản doanh của Tướng Minh trên đường Lê Văn Duyệt trong một giờ và mười phút sáng ngày 5/10/1963. Buổi họp là do Tướng Minh khởi động, và đã được Đại sứ Lodge chuẩn thuận cho Conein tới gặp. Không có người thứ ba nào hiện diện. Nói chuyện bằng tiếng Pháp.
Tướng Minh nói rằng ông cần biết lập trường chính phủ Mỹ về việc thay đổi chính phủ tại VN trong tương lai rất gần. Tướng Minh thêm rằng các tướng nhìn thấy tình hình suy sụp nhanh chóng và cần phải thay chính phủ gấp, nếu không thì Việt Cộng sẽ chiến thắng vì chính phủ VN đã mất lòng dân tệ hại. Tướng Minh kể tên các tướng tham dự với Minh trong kế hoạch đảo chánh là: Tướng Trần Văn Đôn, Tướng Trần Thiện Khiêm, Tướng Lê Văn Kim (LND: điện văn ghi nhầm là "Tướng Trần Văn Kim".). Tướng Minh nói rõ rằng Minh không mong đợi cụ thể sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho một nỗ lực đối với chính bản thân Minh và các tướng để thay đổi chính phủ, nhưng Minh nói Minh cần sự bảo đảm của Hoa Kỳ rằng chính phủ Mỹ sẽ không phá kế hoạch này. Tướng Minh cũng nói rằng bản thân Minh không có tham vọng chính trị, và các tướng khác cũng như thế, ngoại trừ, có lẽ, Minh nói trong khi cười, là Tướng Tôn Thất Đính. Tướng Minh nói mục tiêu duy nhất của Minh là để chiến thắng cuộc chiến. Minh nhấn mạnh rằng để được như thế, cần có sự tiếp tục viện trợ kinh tế và quân sự Hoa Kỳ ở mức tương đương hiện nay (Minh nói, mức viện trợ cho cuộc chiến đang là: một triệu rưỡi đôla/ngày).
Tướng Minh nêu ra 3 kế hoạch có thể dùng tới:
--- a. Ám sát Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn, và giữ Ngô Đình Diệm trong chính phủ. Tướng Minh nói đây là cách dễ thực hiện nhất.
--- b. Dùng nhiều đơn vị bao vây Sài Gòn, đặc biệt là đơn vị ở Bến Cát. (Bình luận trong điện văn: Sư đoàn 5 chỉ huy bởi Tướng Đính.) (LND: Conein nhớ nhầm tên người khi viết điện văn, vì Tư Lệnh Sư Đoàn 5 là Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu.)
--- c. Giao tranh trực tiếp giữa các đơn vị đảo chánh và tung thành tại Sài gòn, chia thành phố Sài Gòn từng mảng và quân đảo chánh sẽ đánh chiếm từng đường phố. Tướng Minh nói Diệm và Nhu có thể dựa vào sự trung thành của 5,500 quân lính trong Sài Gòn.
.
Conein trả lời Tướng Minh rằng ông không thể trả lời cụ thể, vì chính sách Mỹ là không can thiệp, cũng như Conein không thể giúp lời khuyên nào về kế hoạch. Conein cũng thêm rằng Cobein không thể khuyên rằng kế hoạch nào tốt nhất trong 3 kế hoạch trên. Tướng Minh giải thích rằng những người nguy hiểm nhất tại Nam VN là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Trọng Hiếu. Minh nói rằng Hiếu trước kia là cán bộ CS và bây giờ vẫn là thân Cộng. Khi Conein nhắc rằng trước kia Minh từng xem Đại Tá Tung là một trong những người nguy hiểm hơn, Tướng Minh nói, "Nếu tôi loại bỏ được Nhu, Cẩn và Hiếu, Đại Tá Tung sẽ quỳ xuống trước mặt tôi." Tướng Minh cũng nói là Minh lo ngại vai trò của Tướng Trần Thiện Khiêm có thể đã đóng vai hai mặt trong tháng 8/1963. Tướng Minh hỏi bản sao các hồ sơ trước đây đã trao cho Tướng Khiêm (kế hoạch về Trại Long Thành và kho vũ khí ở trại này) chuyển sang cho Tướng Minh trực tiếp để so sánh với các văn bản mà Khiêm chuyển sang cho Minh mà được nói là từ CAS. Minh nói thêm rằng môt trong các lý do phải hành động nhanh chóng vì nhiều cấp chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội bên phía đảo chánh phải lập kế hoạch riêng cho đơn vị mà các kế hoạch riêng này có thể bị hủy bỏ và như thế là một thảm họa. Tướng Minh có vẻ hiểu vị trí của Conein là không thể nhận định lúc này, nhưng yêu cầu Conein gặp lại Tướng Minh về kế hoạch cụ thể mà Minh hy vọng sẽ thực hiện. Không định ngày cho buổi họp kế tiếp. Conein cũng không cam kết gì về việc trả lời.
.
Ngày 5/10/1963. Từ Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gửi về BNG Mỹ. Từ Lodge, chỉ để Ngoại Trưởng Rusk đọc. Xin chuyển sang Giám Đốc Tình Báo John McCone. Về buổi họp Minh-Conein. Trong khi cả Tướng Harkins và tôi (Lodge) đều không tin nhiều vào Tướng Minh, chúng tôi cần chỉ thị về việc này. Khuyến nghị của tôi, mà Tướng Harkins cũng đồng ý, là Conein trong buổi gặp Minh kế tiếp nên:
-- (1) Bảo đảm với Minh rằng Mỹ không cản trở kế hoạch của Minh; (2) Đề nghị xem kế hoạch của Minh, không phải kế hoạch ám sát; (3) Bảo đảm với Minh là viện trợ Mỹ sẽ vẫn giúp Việt Nam dưới một chính phủ được lòng dân và sẽ chiến thắng CS. Hãy nêu quan điểm chúng ta là chính phủ đó nên có các lãnh đạo dân sự tài năng nắm giữ các chức vụ quan trọng. (Conein nên hỏi Minh đưa ra chi tiết về những gì Minh suy nghĩ về thành phần chính phủ tương lai.)
Tôi đề nghị các điểm trên nên được thảo luận với Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara và Tướng Taylor, những người đã gặp Minh trong chuyến thăm VN mới đây.
.
Ngày 5/10/1963. Điện văn từ Bundy (Phụ tá Đặc biệt của Tổng Thống về An ninh Quốc gia) gửi Lodge (Đại sứ Mỹ tại VN). Tổng Thống chấp thuận đề nghị của ông rằng không nên đưa ra khích lệ nào đối với một cuộc đảo chánh. Tuy nhiên, nên có nỗ lực bí mật và khẩn cấp để nhận diện ra và xây dựng mối dây liên lạc với những người có thể sẽ là lãnh đạo tương lai khi nó xuất hiện. Điều chủ yếu là nỗ lực [nhận diện các lãnh đạo tương lai] này phải rất mực bí mật, có thể bị chối bỏ hoàn toàn, và tách rời hoàn toàn ra khỏi các phân tích chính trị bình thường và ra khỏi các bản báo cáo và các hoạt động của người Mỹ tại VN. Chúng tôi lập lại rằng, nỗ lực này không nhằm khuyến khích một cuộc đảo chánh, nhưng chỉ là giữ vị trí quan sát và sẵn sàng. Nhằm mục đích tạo ra sự dễ dàng chối bỏ [sự liên hệ với cuộc đảo chánh] đề nghị ông (Lodge) và chỉ riêng ông đưa ra chỉ thị này bằng lời nói tới Quyền Trưởng Phòng CIA Sài Gòn, và người Quyền Trưởng Phòng đó trong chuyện này chỉ liên lạc riêng với ông thôi. Tất cả các điện văn về đề tài này gửi về thủ đô Washington nên qua kênh này của tôi.
.
Ngày 5/10/1963. 5:39 p.m. Từ BNG gửi Tòa Đại sứ Mỹ ở VN. Ký tên Rusk. Chỉ để riêng Đại sứ Lodge đọc. Sau đây là chỉ thị từ buổi họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ sau khi thảo luận về bản báo cáo của McNamara/Taylor cùng với những gì ông (Lodge) đã trình lên trong mấy tuần qua. Các chỉ thị này đã được Tổng Thống Kennedy chấp thuận. Bất cứ khi nào cần thiết, ông có thể nói với chính phủ VN rằng ông hành động theo chỉ thị của TT Kennedy như được khuyến cáo của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ... Nơi đây lược bỏ các chi tiết về viện trợ và quân sự, sẽ tóm tắt như sau.
--- Tiếp tục đời sống đại học bình thường. Nên kêu gọi chính phủ VN trả tự do cho các sinh viên còn bị giam, mở cửa các trường đại học bình thường trở lại. Nên đề nghị TT Diệm nói chuyện với các viện trưởng và ban giảng huấn Đại Học Sài Gòn để giúp bình thường hóa đời sống đại học. Bởi vì sinh viên lo sợ bị bắt và nghiêng về xuống đường, do vậy dẫn tới phản ứng mạnh từ cảnh sát, trong đó có các trường hợp bắt bí mật, tra tấn, đánh đập, vv. Do vậy, nên đề nghị TT Diệm khi nói chuyện nên tập trung vào các vấn đề cốt lõi. Tương tự cũng làm như thế với Đại Học Huế, kể cả tái phục hồi các viên chức đại học bị sa thải. Trong cả 2 đại học, ít nhất có vài người trong ban giảng huấn hoặc đã từ chức, hoặc bị sa thải, hoặc bị bỏ tù đều nên được phục chức như cũ.
--- Kêu gọi TT Diệm nên có các nhượng bộ cụ thể với Phật Tử. Những người còn trong tù nên được làm thủ tục trả tự do khẩn cấp ở mức có thể. Nên sửa chữa các chùa đã bị thiệt hại bằng ngân sách chính phủ. Giáo hội PG do chính phủ bảo trợ có tên là “Union Committee for Pure Buddhism” (LND: không rõ tên tiếng Việt là gì, có thể dịch là "Liên Ủy Ban Phật Giáo Thuần Túy") nên mở rộng và các lãnh đạo Phật Giáo đại diện chân thực nên được trao các chức vụ có trách nhiệm. Quốc Hội nên xóa bỏ các đạo luật từ chối vị trí bình đẳng của Phật Giáo.
--- Khởi động lại chương trình cải cách ruộng đất. Chương trình này ban đầu đã giúp TT Diệm thành công, nhưng đã bị ngưng lại. Chương trình nên tái hoạt động và sẽ thu hút ủng hộ từ nông thôn cho chính phủ, và sẽ cải thiện hình ảnh đối với quốc tế.
--- Nhấn mạnh trở lại các phương diện chính trị của chương trình ấp chiến lược. Cần nỗ lực kiếm thêm ủng hộ từ nông dân xuyên qua việc trả tiền công khi họ làm việc cho ấp và các dịch vụ khác, và xóa bỏ tham nhũng từ các cán bộ địa phương. Thêm nữa, đặc biệt ở Miền Tây, khi tái thiết kế chương trình nên tránh việc ép một khối dân số dọn nhà không cần thiết, và hãy tăng các chương trình kinh tế và xã hội để được ủng hộ từ nông dân.
--- Kỹ thuật cảnh sát. Chính phủ VN nên từ bỏ các kỹ thuật đang áp dụng trong việc kiểm soát xuyên qua sợ hãi, như bắt người nửa đêm, tra tấn tàn bạo (kể cả phụ nữ) và từ bỏ các kỹ thuật cảnh-sát-khủng-bố đang làm tăng thêm bất mãn và bất ổn.
--- Các quyền tự do dân sự nên tái lập. Nên ngừng bắt giam tùy tiện, và khi bắt người nên nhanh chóng làm thủ tục ra một phiên tòa công bằng, hoặc là trả tự do sớm. Tự do tôn giáo nên thực hiện như Hiến Pháp bảo đảm. Tụ tập nơi công cộng nên được cho phép và kiểm soát chỉ để bảo đảm an toàn cho sinh mạng và tài sản của người dân.
--- Làm đẹp hình ảnh chính phủ VN. Chính phủ nên mở rộng, mời thêm nhiều người được tôn kính, trong đó có một số trong VN chưa từng tham dự trong chính phủ và một số, như Vũ Văn Mẫu, đã rời chức vụ. Nên chỉ ra rằng những cá nhân được kính trọng này sẽ không tham chính hay không về VN trừ phi có thay đổi, như những điều đã nói ở trên để thuyết phục họ rằng chính phủ VN thực sự đã từ bỏ khuynh hướng chỉnh phủ độc tài toàn trị. Khi họ chấp nhận chức vụ trong chính phủ hay trở về VN sẽ là chứng cớ đầy thuyết phục cho dân chúng tin rằng các thay đổi lớn đã được thành tâm thực hiện.
--- Thay đổi nhân sự. Các "cải cách" mô tả trên sẽ ảnh hưởng rất ít nếu không có một quyết định biểu tượng lớn lao để thuyết phục dân VN tin rằng cải cách có thực. Một cách thực dụng, chuyện này chỉ có thể thành tựu bằng cách giảm ảnh hưởng của ông bà Nhu -- hai người, dù đúng hay không, đã trở thành biểu tượng của độc tài toàn trị. Vai trò tương lai của ông bà Nhu trong chính phủ có tầm quan trọng lớn. Thời điểm này chưa có thể nói là Nhu phải bị gỡ vĩnh viễn ra khỏi chính phủ hay không, hay chỉ là nên hạn chế quyền lực. Dù thế nào đi nữa, cũng phải có cách tìm ra để hạn chế hoạt động của Nhu và để biểu tượng hóa hạn chế này là yêu cầu Nhu vắng mặt trong trung tâm quyền lực tại Sài Gòn. Thêm nữa, hạn chế tương tự nên áp dụng với một số cá nhân, như Đại Tá Tung, người hầu như sát cánh với Nhu và với guồng máy độc tài đó.
--- Các bản tuyên bố của TT Diệm trước Quốc Hội sẽ tạo ra một không khí mới cho chính phủ bằng cách chỉ ra các bước cần thực hiện để lấy lòng dân trở lại, và là lời kêu gọi động viên toàn bộ cho nỗ lực ở cả viên chức và dân thường.
--- Đề nghị tránh chuyện báo chí tấn công chia rẽ, thí dụ như báo [quốc doanh] Times of Viet-Nam viết bài tấn công CIA, vân vân.
--- Đề nghị ngưng các tuyên bố nơi công chúng xuyên tạc nỗ lực của Mỹ và vai trò của chiến binh và dân sự Mỹ tại VN.
--- Kêu gọi ngưng các vụ bí mật bôi nhọ Hoa Kỳ và làm nhiều cá nhân người Mỹ không muốn ủng hộ cho các chương trình, thí dụ như "các bản tin sai sự thực" của lính VNCH và các tin đồn về sự nguy hiểm thể chất đối với các gia đình người Mỹ và các nhân sự khác.
--- Tuyên truyền của chính phủ VN nên thực hiện trong một cách để quốc tế ủng hộ cho các chương trình kinh tế, xã hội của VN.
.
Ngày 6/10/1963. 8 p.m. Từ Tòa Đại sứ gửi về BNG Hoa Kỳ. Ký tên Lodge. Gửi tới Bundy (Cố vấn An Ninh Quốc Gia). Tôi sẽ giữ rất kín công việc của mình, không để lộ cho báo chí biết --- một chính sách mà tôi tin sâu sắc. Tôi sẽ đích thân kiểm soát những người có thể biết về các điện văn tương lai, hạn chế số người liên hệ, chỉ để cho những người cần biết mới đọc. Dĩ nhiên, Harkins, Brent và Smith sẽ phải kiểm soát chính văn phòng của họ và tôi sẽ cảnh giác họ. Thực sự điều mong muốn nhất là trực diện cái chính phủ VN này bằng hành động, chứ không phải bằng lời nói, vì lời nói chẳng làm ai nhúc nhích, và tôi sẽ chắc chắn chấp nhận rằng những điều kín tiếng này sẽ làm cho các phóng viên bất mãn.
Tôi muốn giải thích vài chuyện về tình hình báo chí. Một vài cơ quan [Hoa Kỳ] nơi đây có quan hệ báo chí tốt hơn các cơ quan khác. Thí dụ, CAS (Phòng CIA Sài Gòn), nơi không nên có quan hệ báo chí chút nào, thì lại tệ hại nhất, và điều này gây ra câu hỏi có phải văn phòng này có được tổ chức thích đáng hay không. Nhưng một tình thế đã khởi dậy rồi, nghi ngờ đã sinh khởi trong vài sự kiện, nên cần chú ý nơi đây. Các phóng viên nơi đây có vô số cách để lấy tin trong thành phố này, nơi có hàng ngàn người Mỹ bép xép. Thí dụ, mới đêm qua, phóng viên Sheehan của thông tấn UPI đã điện thoại cho nhiều viên chức trong Tòa Đại sứ về chuyện ra đi của Trưởng Phòng CAS Sài Gòn và chẳng ai trả lời gì cả. Vào lúc tôi viết điện văn này (trưa Sài Gòn, giờ Sài Gòn) tôi không biết gì đang có trên báo Mỹ. Nhưng tôi dám đánh cá rằng Sheehan đã tìm thấy có ai đó báo tin cho Sheehan và chuyện Trưởng Phòng CAS Sài Gòn rời khỏi VN lại in trên các trang báo ở Mỹ. Một chuyện chắc chắn là: các phóng viên nơi đây mỗi ngày sẽ phải viết một điều gì đó. Nếu chính phủ Mỹ không lộ tin gì cả, các phóng viên cũng sẽ phải viết gì đó. Tôi ước mơ, tôi nghĩ rằng, Tướng Harkins và USOM sẽ tổ chức các chương trình kinh tế xã hội ở nông thôn VN. Nhưng tôi tin rằng điều đó sẽ tạo ra một câu chuyện thích nghi cho báo chí, và họ rồi sẽ chạy theo săn tin cho một bài viết xuất sắc. Ghi chú của điện văn ghi rằng: Thông tấn UPI (United Press International) loan tin trong ngày 7/10/1963 rằng John Richardson đã bị gọi về Mỹ và rằng "các nguồn thạo tin" cho biết Richardson sẽ không quay trở lại Sài Gòn.
.
Ngày 7/10/1963. 7 p.m. Điện văn từ Tòa Đại sứ gửi về BNG. Ký tên Lodge. Chúng ta đã thảo luận về giải pháp "hạn chế vai trò của ông bà Nhu" như dường là không thực tế, vì nhiều lý do sau.
Hiện nay thấy rõ rằng Hoa Kỳ cung cấp vũ khí, huấn luyện và tiền để Nhu có lực lượng quân sự riêng, gồm những người được tuyển chọn cẩn trọng, lý thuyết dầy đặc và lương cao. Với độ lớn mạnh của lực lượng của Nhu, có vẻ như ưu thế còn hơn một lực lượng quân đội bình thường. Vì những lý do gì không hiểu nổi, chúng ta có vẻ đã làm ra mọi thứ này mà không có điều kiện ràng buộc hiệu qủa nào về việc sử dụng lực lượng này. Duy nhất sức mạnh áp lực của chúng ta sẽ là cắt giảm ngân sách viện trợ, nhưng khó tin là sẽ có hiệu quả.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên người Ý Gambino cho tuần báo tiếng Ý Espresso dự kiến sẽ xuất bản tại Italy vào Thứ Năm (có kèm bản dịch tiếng Anh nơi đây) trong đó Nhu nói rằng Nhu có thể và sẽ song hành với người Mỹ. Nhu chỉ muốn vài phi đội trực thăng và tiền. Nhưng Nhu không muốn quân nhân Mỹ có mặt, những người Nhu nói là không có khả năng đánh trận chống du kích. Ngay cả Lực Lượng Đặc Biệt do Kennedy lập ra cũng không đáng giá gì. Nhu muốn Việt Nam như kiểu Mỹ đối xử với Yugoslavia --- cho họ tiền nhưng không tìm cách ảnh hưởng hệ thống chính quyền của họ. Nhu nói, Nhu và TT Diệm chống lại việc người Mỹ can thiệp đông đảo, ngay cả vào "thời điểm nguy hiẻm nhất, tức là lúc đó, mùa đông của 1961-1962". Cuộc chiến không có thể chiến thắng với người Mỹ bởi vì họ là một trở ngại đối với cuộc chuyển hóa cách mạng của xã hội, một điều kiện tiên quyết của chiến thắng. Rồi Nhu lại nói: "Nếu người Mỹ gián đoạn sự giúp đỡ của họ, sau cùng thì đó có thể không phải là một điều tệ hại."
Nhu nói rằng nếu cha vợ của Nhu, ông cựu Đại sứ Trần Văn Chương, vào "tới Sài Gòn, tôi sẽ chặt đầu ông ta. Tôi sẽ treo xác ông ta ngay giữa một quảng trường và để xác lủng lẳng nơi đó. Vợ tôi sẽ nối dây thòng lọng, bởi vì vợ tôi tự hào là một người Việt Nam và là một người yêu nước."
Trong vài ngày qua, Bộ Trưởng Công Dân Vụ Hiếu nói với một trong vài nguồn tin rất thân cận của tôi (rất ít, chỉ vài người): "Chúng ta không cần người Mỹ nữa, ngay cả trên lĩnh vực kinh tế, vì chúng ta có thể giải quyết vấn đề kinh tế của chúng ta với chính tài nguyên của chúng ta." Hiện nay chúng ta đang cho ngưng viện trợ chương trình nhập cảng hàng hóa "Commodity Import Program" có thể cho chính phủ VN một cơ hội để quyết định xem Hiếu nói có đúng không.
Diệm trong thông điệp trước Quốc Hội hôm nay, nói về chiến thắng sắp tới chống lại VC, nói rằng nó sẽ "cho thấy rằng các nước nhỏ trong thế giới Phi liên kết rằng họ cũng có thể chiến thắng cuộc chiến du kích CS." Ông cũng chỉ tới Liên Hiệp Đại Biểu Quốc Hội Thế Giới (nơi bà Nhu dự hội nghị) như là nơi Việt Nam, trên trường quốc tế, đóng một vai trò đáng kể.
Các chuyện trên làm tôi kết luận rằng chúng ta không thể gỡ bỏ ông bà Nhu bằng phương tiện bất bạo động. Tôi cũng kết luận rằng chúng ta không thể giả thiết rằng Diệm và Nhu có cùng mục đích như chúng ta. Rõ ràng, Nhu muốn viện trợ của chúng ta, nhưng không muốn chúng ta hiện diện, mà, trong mắt nhìn của Nhu, chúng ta dùng như một cớ để can thiệp vào hệ thống nội bộ chính quyền của họ. Đẩy chúng ta ra ngoài, Nhu lý luận, và Nhu có thể tự do làm điều Nhu muốn như Tito làm. Và Nhu ảnh hưởng lớn với Diệm.
Như thế, sẽ khó mà thấy một tương lai tốt đẹp cho quan hệ Mỹ-VNCH. Tôi nói như thế bởi vì điều duy nhất mà Hoa Kỳ thực sự muốn là gỡ bỏ, hay là hạn chế, ông bà Nhu, bây giờ thì hỏng rồi. Tôi tin rằng Diệm và Nhu xem việc Hoa Kỳ áp lực cho những chuyện như gỡ bỏ ông bà Nhu, hay trả tự do cho sinh viên mà họ tuyệt đối đang giữ lập trường không nhượng bộ, và rằng chúng ta nên xem xét một yêu cầu để rút lui như một khả thể lớn hơn. Khởi đầu của việc rút khỏi VN có thể sẽ khởi động cho một cuộc đảo chánh.
.
Ngày 7/10/1963. Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa tân cử bắt đầu khóa họp. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đọc thông điệp trước Quốc Hội, chủ yếu nói về tiến bộ trong thời gian ông cầm quyền, làm giảm nhẹ tầm khủng hoảng chính trị và chỉ nhắc sơ về vai trò viện trợ Hoa Kỳ. Bà Nhu tới thăm Hoa Kỳ từ Châu Âu trong chuyến đi dài 3 tuần lễ nhằm tuyên truyền, tung ra những lời cay đắng chỉ trích Hoa Kỳ và vị trí của Mỹ tại VN.
.
Ngày 8/10/1963. Bản ghi nhớ từ Dutton (Phụ Tá Ngoại Trưởng về Quan Hệ Quốc Hội) trình lên Ngoại Trưởng. Ký tên Fred Dutton. Nội dung: Khóa họp của Ủy Ban Đối Ngoại (Thượng Viện) với Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara. Sau đây là những câu hỏi chính yếu nêu lên từ các thành viên trong Ủy Ban Đối Ngoại (Foreign Relations Committee) của thượng Viện nêu lên với Bộ Trưởng McNamara và Tướng Taylor vào sáng Thứ Ba (8/10/1963).
1. Những dị biệt, nếu có, giữa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và CIA về chính sách tại Nam Việt Nam? McNamara cho biết không có dị biệt lớn lao nào. Ông bị chất vấn dài dòng về CIA và rồi ông nói rằng ông nghĩ những câu hỏi này nên do John McCone [Giám Đốc CIA] trả lời; tuy nhiên, cùng lúc, ông nói rằng trong khi CIA thực hiện nhiệm vụ như chỉ thị từ chính phủ Mỹ, ông nghĩ các công tác quá rộng (hoạt động, trong bản chất) và rằng điều đó bây giờ đang được điều chỉnh.
Ông đã quan sát rằng cũng không có dị biệt lớn giữa Diệm và Nhu, mặc dù Diệm được nhìn như khuôn mặt công chúng và Nhu như người hoạt động thực, trong khi không có ai kiểm soát được bà Nhu.
[Thượng nghị sĩ] Hickenlooper hỏi là có dị biệt nào không giữa Lodge và Richardson (LND: Richardson là cựu Trưởng phòng CIA Sài Gòn, vừa bị thuyên chuyển về Mỹ), và nếu có, có gì mâu thuẫn giữa Ngoại Trưởng Rusk và John McCone? McNamara nói rằng ông không phải là người ở trong vị trí tốt nhất để trả lời câu hỏi đó. Hickenlooper đặt câu hỏi đó là dựa vào một bản tin mà ông nói đọc thấy ghi rằng Bộ Ngoại Giao Mỹ và CIA không đồng ý với nhau và phải lên tới Bạch Ốc để giải quyết. (LND: Phần ghi chú điện văn ghi rằng bài báo ngày 2/10/1963 của phóng viên Richard Stearns trên báo “Daily News” có nhiều phần không chính xác, và TNS Hickenlooper nêu lên nhiều câu hỏi và được McNamara trả lời từng điểm.)
2. Hickenlooper dựa vào các nhầm lẫn trong bài báo nhan đề "‘Arrogant’ CIA Disobeys Orders in Viet Nam" ngày 2/10/1963 của phóng viên Richard Stearns trên báo “Washington Daily News” để nêu lên nhiều câu hỏi và được McNamara trả lời từng điểm.
3. Thượng nghị sĩ Morse đưa ra một loạt câu hỏi để tìm hiểu lý do vì sao Hoa Kỳ phần lớn tham dự cuộc chiến đơn độc và không tìm được trợ giúp từ các quốc gia khác.
4. Các Thượng nghị sĩ Morse, Carlson, Church và Gore, tất cả đều hầu như chỉ trích chính sách Mỹ tại Nam VN, hỏi rằng có hay không một giải pháp khác thay cho chính phủ VN hiện nay, và có phải ý kiến McNamara rằng cuộc chiến chống Cộng có thể vẫn hiệu quả bất kề những đàn áp người dân và các khó khăn chính trị đang diễn ra. McNamara tìm cách trình bày lại các câu hỏi đó trên khung có phải rằng chính phủ Diệm là hiệu quả nhất mà chúng ta có thể có trong hoàn cảnh hiện nay hay không.
5. Thượng nghị sĩ Fulbright muốn biết rằng - nhiều hơn, hay ít hơn, hay cùng số lượng viện trợ sẽ cần cho Nam VN trong tương lai?
6. Fulbright muốn biết người Pháp đang làm gì tại Nam VN?
7. Fulbright muốn biết bức điện văn của Hilsman (LND: ngày 24/8/1963 do Hilsman gửi cho Lodge, nói rằng Tướng Đôn cho biết chính Cố vấn Nhu là người chủ mưu và chủ động chuyện tấn công hàng loạt chùa, và Hilsman nói chính phủ Mỹ phải ép Diệm gỡ bỏ Nhu ra khỏi chính phủ) được thảo luận trong giới báo chí có phải đã được Bộ Quốc Phòng thông qua, và nếu chưa, tại sao không? Ông [Fulbright] cũng muốn nghe các lời bình luận về điện văn đó.
8. Hỏi về mức độ chính xác với một bản tin nói rằng Mỹ đã cắt viện trợ đối với đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt phụ trách cuộc tấn công các chùa, cũng như giảm viện trợ đối với hàng nhập cảng vào Nam VN và cho các mục tiêu khác.
9. Thượng nghị sĩ Gore đưa ra nhiều câu hỏi về sự lượng định tình hình tại Nam VN chủ yếu là quân sự hay chính trị, và nếu là chính trị thì căn bản nào để các viên chức Quốc Phòng Mỹ tái đánh giá chính sách Mỹ trong khu vực.
Ghi nhận tổng quát về buổi họp: Các Thượng nghị sĩ Hickenlooper và Lausche bảo vệ quan điểm của McNamara và Taylor rằng Hoa Kỳ đang chiến thắng tại Nam VN, bất kể chính phủ Diệm đang đàn áp người dân. Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ Morse, Church, Gore và Carlson chỉ trích nặng nề quan điểm đó. Trong khi các Thượng nghị sĩ Fulbright, Aiken, Mansfield và Long không nói ra quan điểm của họ. Ủy ban này dự định sẽ nghe điều trần từ John McCone về Nam VN vào Thứ Sáu.
.
Ngày 9/10/1963. 11 a.m. Từ Tòa Đại sứ gửi về Bộ Ngoại Giao. Ký tên Lodge. Một nguồn tin rất khả tín nói với tôi rằng khoảng 3 tuần trước, vào giờ rạng sáng, cảnh sát xông vào một cơ sở Công Giáo và bắt đi 3 phụ nữ, giam vào một nơi kiểu như nhà tù. Tại nơi này, các phụ nữ không bị thương tích. Nhưng họ nhìn thấy nhiều nam tù nhân, những người đó đang bị tra tấn, một số bị đấm đá, một số bị dí điện giựt vào dương vật. Mỗi ngày, các phụ nữ trẻ bị "tẩy não" trong hình thức các bài giảng về "Chủ nghĩa Nhân Vị." Sau hai tuần lễ, họ được trả về nơi cư trú cũ, nhưng cứ mỗi ba ngày, họ phải trở lại nhà tù này để nghe một bài giảng.
--- Ghi nhận: Chuyện này y hệt như áp dụng một kỹ thuật chính hiệu Cộng sản vì cái tà giáo "nhân vị" của Cố vấn Nhu. Chuyện này trông như là cái mà Nhu gọi là "cách mạng" (điều Nhu muốn) khi so sánh với cái mà Nhu gọi là "cải cách" kiểu Mỹ (mà Nhu ghét).
.
Ngày 9/10/1963. Điện văn CIA gửi Đại sứ Mỹ tại VN (Lodge). Chỉ để Đại sứ đọc. Nội dung: Về Phòng tình báo CAS Sài Gòn.
Chúng tôi có những suy nghĩ sau đây sau khi tham khảo với Tổng Thống Kennedy. Trong khi chúng ta không muốn khởi động để gây ra một cuộc đảo chánh, chúng ta cũng muốn để thấy ra ấn tượng rằng Hoa Kỳ sẽ không ngăn cản một cuộc thay đổi chính phủ nào, cũng không từ chối viện trợ quân sự và kinh tế đối với chính phủ mới, nếu chính phủ mới có vẻ như có khả năng làm tăng hiệu quả của nỗ lực quân sự, bảo đảm được lòng dân ủng hộ để chiến thắng cuộc chiến, và tăng quan hệ làm việc với Hoa Kỳ. Chúng ta muốn được thông báo về những gì đang được suy tính, nhưng chúng ta phải tránh bị lôi kéo vào vị trí xét duyệt hay cố vấn về các kế hoạch hoạt động hay bất kỳ hành động nào khác, mà các việc này có thể làm cho Hoa Kỳ bị xem là quá thân cận với một kế hoạch đảo chánh. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đón nhận các thông tin có thể giúp chúng ta đánh giá về cá tính của bất kỳ lãnh đạo khác nào xuất hiện trong tương lai.
Về vấn đề cụ thể của Tướng Minh, ông [Lodge] nên xem xét nghiêm túc xem rằng người liên lạc ở vị trí hiện nay là người này không có thể trình bày rõ ràng kế hoạch của Tướng Minh ở bất kỳ mức độ nghiêm túc nào. Để cho các viên chức trách nhiệm xem xét vấn đề của Tướng Minh, người liên lạc sẽ phải có thông tin chi tiết trong đó cho thấy rõ kế hoạch của Tướng Minh đưa tới viễn ảnh thành công cao độ. Hiện nay, người liên lạc không thấy có viễn ảnh [thành công] nào như thế trong các thông tin được cho biết. Ông cũng nên xem xét với Quyền Trưởng Phòng [CIA Sài Gòn] xem là có muốn hay không để bảo vệ an ninh và khả năng chối bỏ [liên hệ] trong trường hợp này [với Tướng Minh], cũng như các phương pháp tương tự với những người khác, xem là các sắp xếp thích nghi có thể làm đối với những người liên lạc theo sau bởi những người được đưa vào, đặc biệt là những người từ ngoài VN. Xin nhớ rằng đây là những thông tin rất nhạy cảm, chỉ để đọc trong những người cấp rất cao tại Bạch Ốc, Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng và CIA.
.
Ngày 10/10/1963. 5 p.m. Điện văn từ Tòa Đại sứ gửi về BNG Hoa Kỳ. Ký tên Lodge. Gửi tới Rusk và Harriman. [Nội dung (bổ túc theo phần ghi chú): Về các điện văn CAS gửi trong ngày 9/10/1963, trong đó các viên chức CIA Sài Gòn cảnh báo dè dặt vì có tin Nhu đã ra lệnh tổ chức một cuộc biểu tình của sinh viên trước Tòa Đại sứ Mỹ trong đó Nhu lên kế hoạch sử dụng 100 mật vụ sẽ tấn công vào Tòa Đại sứ, ám sát Đại sứ Lodge và các viên chức khác, và sẽ đốt khu vực văn phòng chính. Nguồn tin CIA cho biết Nhu sợ là không kềm chế được Lodge và bày tỏ ước muốn "xóa sổ" Lodge.]
Từ ngày tôi tới đây, trung bình mỗi 10 ngày là có 1 tin đồn về ám sát tôi như thế, và chúng tôi đều gạt qua một bên. Nhưng tin đồn trong 2 điện văn trên khả tín đủ để phải lập kế hoạch giữa Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dựa trên 2 điểm chính:
.
a. Nếu tôi bị ám sát trong cách mô tả trong các điện văn đó, thấy rõ thủ phạm chính sẽ là chính phủ VN, bất kể họ có muốn che giấu thế nào, bởi vì họ sẽ kích động đám đông và sẽ không cho cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ chúng tôi, mà họ có đầy đủ năng lực bảo vệ trong khi họ có lực lượng cảnh sát đông dày đặc tại Sài Gòn. Do vậy, điều này sẽ tự động gây rạn nứt quan hệ ngoại giao và có nghĩa rằng sự hợp tác hiện nay trong sự hiện diện của Mỹ nơi đây sẽ là sai lầm. Điều này sẽ có hậu quả tệ hại cho tất cả người Mỹ tại VN, nghĩa là phải xét tới lệnh di tản người Mỹ và phải có kế hoạch ứng phó cho tình hình này.
b. Nếu tôi bị ám sát, một tình thế mới sẽ tạo ra và có thể cho chúng ta một cơ hội tiến hành hiệu quả một cuộc thay đổi chính phủ bằng các phương pháp mà đang bị bác bỏ bởi dư luận Hoa Kỳ và thế giới, nhưng lúc đó sẽ trở thành chấp nhận được. Nên có kế hoạch sẵn do Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tính trước.
.
Đối với Diệm và Nhu, ngay cả nghĩ tới ám sát tôi thì quá là ngu không tin nổi, tới mức một người suy nghĩ hợp lý sẽ bác bỏ. Nhưng Nhu hiển nhiên là vui sướng khi thực hiện các trận bố ráp vào các chùa hồi mùa hè vừa qua, và được kể là bực dọc với tôi vì tôi đã khuyên Nhu nên rời VN một thời gian. Thêm nữa, còn có tin Nhu đang hút thuốc phiện [nên có ảo tưởng]. Với tất cả những lý do này, những phụ tá của tôi nơi đây, kinh nghiệm của họ nơi đây nhiều hơn tôi xa, nghĩ rằng chuyện ám sát có thể là một khả thể thực sự. Không cần nói, điều này tới không ngạc nhiên, như tôi đã hình dung ra khả thể này khi tôi chấp nhận việc này [chấp nhận làm đại sứ ở VN].
Tôi dự kiến sẽ ra lệnh đóng cổng Tòa Đại sứ khi bắt đầu có đám đông, và sẽ ra lệnh cho lính Thủy Quân Lục Chiến bảo vệ nếu lựu đạn cay từ trong ra để ngăn cản đám đông, không cho phá sập cổng vào. Nếu đám đông tìm cách vào khu vực Tòa Đại sứ bằng cách dựng thang qua cổng hay qua lới đi từ tòa nhà Trung Hoa kế bên hông để nhảy tới các ban-công bên ngoài, chúng tôi sẽ đẩy ngược các thang và cũng ném lựu đạn cay tiếp Tôi dự định phản đối tức khắc chính phủ VN, hoặc qua điện thoại, hoặc qua MACV. Nhưng tôi dự định không nổ súng. Bây giờ, tôi đang tham khảo sát với MACV. Tôi đã chỉ thị cho Quyền Trưởng Phòng CAS Sài Gòn (cơ quan tình báo Mỹ ở SG) phải ra lệnh cho điệp viên nơi đây nói với nguồn tin rằng nếu chính phủ VN mở chiến dịch như thế, người Mỹ sẽ trả đũa tức khắc và mạnh mẽ tới mức không thể mô tả. Nguồn tin sẽ được mời xem các hồ sơ cũ về TQLC Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương trong thời Thế Chiến 2 và người đó phải tự hỏi chân thực rằng có phải chính phủ VN ước muốn lãnh một trận đánh trả đũa kinh hoàng và dữ dội.
.
Ngày 11/10/1963. Bản ghi nhớ Hành động An ninh Quốc gia số 263. Từ Washington. Ký tên McGeorge Bundy (Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ). Gửi tới: Ngoại Trưởng, Bộ Trưởng Quốc Phòng, Tham mưu trưởng Liên quân. Đề tài: Nam Việt Nam.
Trong một buổi họp vào ngày 5/10/1963, Tổng Thống [Kennedy] đã xem xét các đề nghị trong bản báo cáo của Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara và Tướng Taylor về chuyến đi khảo sát của hai vị tại Nam VN. Tổng Thống đã chấp thuận các khuyến cáo quân sự trong bản báo cáo, nhưng chỉ thị rằng không có loan báo chính thức đưa ra về việc thực hiện các kế hoạch để sẽ rút 1,000 chiến binh Mỹ về Hoa Kỳ vào cuối năm 1963. Sau khi thảo luận về các khuyến nghị còn lại trong bản báo cáo, Tổng Thống đã chấp thuận một chỉ thị cho Đại sứ Lodge như đã gửi trong điện văn Bộ Ngoại Giao Mỹ gửi tới Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn ngày 5/10/1963 lúc 5:39 p.m.
.
Ngày 14/10/1963. 9:43 p.m. Từ BNG gửi tới Tòa Đại sứ Mỹ ở VN. Ký tên Rusk. Chỉ để Đại sứ Lodge đọc. Gửi từ Tổng Thống Kennedy. Tình hình cần phải có hợp tác chặt chẽ giữa ông [Lodge] và thủ đô Washington. Ảnh hưởng tăng dần từ việc tạm ngưng CIP (LND: CIP là Commercial Import Program, chương trình viện trợ kinh tế của Mỹ giúp VN) có nghĩa là chúng ta cần phải đánh giá tình hình liên tục để sẵn sàng điều chỉnh, trong bất kỳ chiều hướng nào tùy vào phản ứng của chính phủ VN. Nhưng cũng cần có thời gian để làm việc cho mỗi lập trường mới nơi đây, và tùy theo đó, điều quan trọng đối với tôi là có một cảm nhận thường trực từ đánh giá riêng của ông về tình hình. Tôi sẽ hài lòng để có một đánh giá như thế hiện nay, trong thời gian đã qua từ khi McNamara về Mỹ với bản báo cấp cập nhật về quan điểm của ông, và tôi nghĩ sẽ là có lợi nếu ông có thể gửi các bản báo cáo cá nhân ít nhất là hàng mỗi tuần để tôi theo dõi. Như dường với tôi thì các vấn đề trọng tâm vẫn chưa được trả lời cụ thể:
1. Chúng ta đang thắng hay thua trong cuộc chiến từng ngày với Việt Cộng?
2. Chính phủ VN có đang đáp ứng ở bất kỳ điểm nào đối với ngưỡng chúng ta đặt ra để cải thiện ở (a) chiến sự chống VC, (b) diễn tiến chính trị nội bộ, và (c) các hành động ảnh hưởng tới quan hệ với người dân Mỹ và chính phủ Mỹ?
3. Cái gì là chứng cớ cho thấy sức mạnh đang tăng hay đang yếu đi về tính hiệu quả của chính phủ VN trong quan hệ với chính người dân VN?
4. Và cụ thể hơn, ảnh hưởng nào chúng ta có được từ hành động của chúng ta theo Điện văn ngày 5/10/1963 lúc 5:39 p.m. giờ, và những thay đổi theo chiều hướng nào mà ông nghĩ là nên khuyến cáo?
Những câu hỏi trên không có ý định làm ông mệt mỏi thêm, nhưng chỉ là để trợ giúp ông trong các bản báo cáo và khuyến cáo bằng cách chỉ định về cái khung của vấn đề được nhìn từ đây.
McGeorge Bundy (Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ) có nhắc tới một tin nhắn từ ông và trong khi hiện nay Bundy không có kế hoạch công du ngoài Hoa Kỳ, tôi sẽ hoan hỷ yêu cầu Bundy làm một chuyến đi hoàn toàn không chính thức trong tương lai gần nếu ông thấy là quan trọng.
--- Ghi chú của Điện văn có ghi rằng không tìm thấy bản văn nào Lodge nêu đề nghị Bundy tới thăm VN. Nhưng trong điện văn 706 gửi từ Sài Gòn ngày 15/10/1963, Lodge cảm ơn Tổng Thống Kennedy vì Tổng Thống có ý sẵn sàng gửi Bundy thăm Việt Nam. Lodge viết: "[Tôi] sẽ không nêu vấn đề này lên nếu tôi không có một đề nghị mà tôi nghĩ là có vài ý tưởng mới, và các ý tưởng này có thể thay đổi tình hình nơi đây cho tốt hơn. Chuyện này [các ý tưởng này] không có thể ghi trong một điện văn hay một lá thư, và đòi hỏi cho tôi có một cuộc đối thoại với Rusk và/hay Harriman và/hay Bundy." Rồi Lodge đề nghị bay tới Washington trong một ngày.
Sau đó, Điện văn 583 gửi tới Sài Gòn ngày 18/10/1963, trả lời đề nghị của Lodge như sau: "Tổng Thống và Ngoại Trưởng đồng ý rằng một chuyến đi ngắn của ông tới Washington vào cuối tháng 10/1963 sẽ có lợi. Như dường với chúng tôi như thế sẽ tốt hơn là gửi các phái đoàn tới gặp ông. Đề nghị [ông về Wahington] hai hay ba ngày có thể tốt hơn một ngày, bởi vì đừng có mong là có một ấn tượng ghé thăm vội vã mà xong. Sự tham khảo bình thường của Đại sứ Lodge với các trách nhiệm lớn lao như dường là vị trí thích hợp hơn."
.
Ngày 14/10/1963. Bản báo cáo tình báo của CIA. Nội dung: Đánh giá tình hình tại chỗ cho tới ngày 12/10/1963. Đây là bản văn đánh giá tình hình hiện nay. Không phải bản văn đánh giá chính thức của cơ quan hay bất kỳ thành phần nào của cơ quan. Bản văn đưa ra các quan sát và diễn dịch của các nhân viên dựa vào thông tin họ có được vào lúc bản văn này viết. Bản văn đánh giá được viết để dùng nội bộ như một hướng dẫn đối với môi trường hoạt động, nhận định này đưa ra với niềm tin rằng bản văn có thể sẽ hữu dụng đối với các cơ quan khác trong việc đánh giá tình hình cho mục đích riêng của cơ quan đó.
Yếu tố chế ngự chính yếu trong tuần lễ kết thúc vào ngày 12/10/1963 là mạch chảy ngầm mạnh mẽ các căng thẳng trong quan hệ giữa chính phủ Mỹ và chính phủ VN, trong khi chế độ Diệm suy tính và đánh giá ảnh hưởng chính sách của Tổng Thống Kennedy về Nam VN, và các bản văn đưa ra từ Tổng Thống Kennedy và các viên chức Mỹ khác. Đánh giá qua các bài viết trên báo Times of Vietnam, chế độ Diệm viết rằng họ có ấn tượng nhất về các phương diện tiêu cực từ chính sách của TT Kennedy, tức là, nói về sự nghiêm trọng kéo dài của tình hình chính trị tại Nam VN. Báo Times of Vietnam giải thích về các bản văn [của TT Kennedy và các viên chức Mỹ khác] như là quyết tâm của Mỹ muốn lật đổ chế độ Diệm nếu chế độ không nhượng bộ áp lực Mỹ để cải cách.
Cách báo Times of Vietnam viết về các diễn tiến mới đây cho thấy ấn tượng không nhầm lẫn rằng hai người Diệm/Nhu kết hợp lại sẵn sàng để đương đầu trong một cuộc chiến lâu dài và hao mòn với Hoa Kỳ, chống lại áp lực cải cách, tìm cách làm tắt tiếng các áp lực bằng cách lợi dụng bất kỳ dị biệt nào có thể phát sinh giữa các nhà làm chính sách Hoa Kỳ, và tìm cách bác bỏ các lựa chọn khác của Mỹ bằng cách theo dõi chặt chẽ các nhà bất đồng chính kiến hay các phần tử có thể sẽ trở nên các nhà hoạt động bất đồng chính kiến tại Sài Gòn.
Cộng đồng các viên chức Mỹ cũng đang bị theo dõi sát bởi Cảnh sát VN, và các thành phần an ninh khác; trong khi có tin rằng nhóm hành động đặc biệt của Dương Văn Hiếu (Giám Đốc Nha Cảnh Sát Đặc Biệt) đang lập các hồ sơ hình sự nhắm vào một số viên chức Mỹ. Có tin ghi lời nói của Diệm nói với một lãnh tụ chính trị miền Trung VN rằng trong khi Diệm ưa thích nhiều chương trình, những chương trình này có thể được tiếp tục, thì các viên chức Việt Nam có trách nhiệm phải cực kỳ cẩn trọng trong quan hệ với người Mỹ. Điểm nhức nhối nhất trong tất cả các bản tin cho thấy một khả thể rằng chế độ Diệm có thể gây ra một cuộc biểu tình "tự phát" chống lại Tòa Đại sứ Mỹ, có thể dẫn tới cao điểm là việc xông vào đập phá và/hoặc ám sát các viên chức quan trọng, kể cả Đại sứ Henry Cabot Lodge, Jr. Các bản tin tình báo này khó lượng định, nguồn của các bản tin này lại không minh bạch, và có thể rằng các bản tin này là do chế độ Diệm phóng ra như một kỹ thuật chiến tranh tâm lý, nhắm hù dọa Mỹ và để làm cho Mỹ cứ lạng quạng. Trần Quốc Bửu (Tổng Giám Độc Nghiệp Đoàn Lao Động VN) nói rằng các tin đồn về chuyện Tòa Đại sứ Mỹ sắp bị tấn công đã lưu hành từ nhiều tuần nay. Bửu có vẻ như không tin các tin đồn này. Tuy nhiên, người ta tin rằng sẽ là một sai lầm nếu bác bỏ hoàn toàn khả thể của các tin đồn đó.
Mặt khác, những người đối lập với chế độ, bao gồm một phần lớn của thành phần ưu tú của thành thị Sài Gòn cả trong và ngoài chính phủ, có vẻ như không vui về, và trong vài trường hợp là coi thường, đối với thất bại của Hoa Kỳ trong việc phản ứng đối với cái mà họ gọi là hành vi khiêu khích cao độ từ phía chế độ Diệm. Các thành phần này cũng đang xuống tinh thần vì bầu không khí sợ hãi và bất định bao trùm họ bởi các vòng kiểm soát an ninh nặng nề và bởi các vụ bắt giam nhiều thêm. Trong những người mới bị bắt gần đây có Phó Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Đàm Sỹ Hiến; Người anh (hay em) của Trung Tá Bùi Kiến Tín, bác sĩ của Tổng Thống Diệm; và Đại úy Đinh Thạch Bích, phụ tá của Tướng Văn Thành Cao, đại biểu chính phủ của các tỉnh phía Đông Nam. Có tin Cảnh Sát Đặc Biệt đã bắt 130 sinh viên trong khu vực Sài Gòn trong một đợt bố ráp bất ngờ trong đêm 7/10/1963.
Trong khi đó, các bản tin cho thấy chế độ đã dùng thời gian giam cầm các sinh viên --- những người trước đó đã bị bắt rồi sau đó lại thả để "nhồi sọ" họ và để tuyển các lãnh đạo của (LND: có lẽ dịch là: Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam (National Union of Students) mà các bản tin nói rằng Ngô Đình Nhu đang trong tiến trình tổ chức. (Ghi nhận từ bản doanh CIA: sự nối kết giữa tổ chức mới National Union of Students và tổ chức đương hữu National Union of Students (Tong Hoi Sinh Vien Viet Nam) đang được kiểm lại kỹ hơn.) Việc thành lập một tổ chức sinh viên bề ngoài là ngoài-chính-phủ để theo dõi các hoạt động sinh viên và để thâu tóm hay làm cho thành trung lập chứ không để cho sinh hoạt như các nhóm sinh viên chân thực là một hành động điển hình của chế độ Diệm, nhưng nó vẫn bị lộ diện, bất kể là, với tình hình hiện nay của các sinh viên, nó sẽ thành công trong việc dập tắt hay chuyển hướng các cảm xúc chống chế độ và bất mãn của nó. Các bản tin khác cho thấy rằng nhiều nhóm sinh viên đang tiếp tục lên kế hoạch hoạt động chống chế độ, và rằng một khuynh hướng đang tìm liên kết giữa các nhóm tới giờ còn dị biệt đang khởi sự tiếp cận nhau.
Không có trường hợp nhà sư nào tự thiêu kể từ vụ tự thiêu ở Central Market Place (Chợ Bến Thành?) vào ngày 5/10/1963; tuy nhiên, nhà sư Thích Trí Quang, người đang tỵ nạn trong Tòa Đại sứ Mỹ, đã nói với các viên chức Tòa Đại sứ Mỹ rằng ông tiên đoán sẽ có nhiều thêm. Lãnh đạo của Ủy ban Liên phái Thứ cấp (nguyên văn: Secondary Intersect Committee) được cho là đã lui vào bí mật sau các vụ cảnh sát tấn công chùa, có lẽ đã bị phân tán thê thảm; một bản tin khác nói rằng truyền thông giữa các nhóm Phật Tử đã trở nên rất khó khăn, nếu không phải là bất khả, vì các biện pháp an ninh dày đặc của chế độ. Việc tổ chức các trường hợp nhà sư tiếp tục tự thiêu, hoặc là bởi các đơn vị nhỏ hơn của các lãnh đạo Ủy ban Liên phái, hoặc là tự thiêu đột phát của các cá nhân Phật Tử, có lẽ là một trong vài động thái khả thi vẫn còn mở ngỏ đối với các Phật Tử bất đồng chính kiến.
Chúng tôi nhận được nhiều bản tin xác nhận dấu hiệu chính phủ VN đang thắt lưng buộc bụng. Nhiều nguồn tin tại Sài Gòn bây giờ cho biết chính phủ VN đang giảm lương công chức. Một viên chức lãnh sự tại Huế báo cáo về việc tương tự như thế đang áp dụng ở đó. Chính sách này có thể cho thấy đó là cách chính phủ VN phản ứng đối với việc chính phủ Mỹ cắt giảm viện trợ. Một khả thể kém hơn, nhưng người ta không nên không nghĩ tới, rằng Ngô Đình Nhu đang tâp dần cho các công chức để tới lúc sẽ hoàn toàn cắt đứt mọi chuyện với Hoa Kỳ, khởi sự như thế sẽ là từ chính phủ Diệm.
Chưa nhận được nhiều thông tin về tiến độ của cuộc đối thoại giữa các tướng lãnh và Diệm-Nhu về việc trao một số chức vụ Bộ Trưởng cho các tướng, hay là các yêu cầu khác đưa ra là từ các tướng. Một chỉ dấu có thể rằng Diệm và Nhu có thể đang họp với một số thành công trong việc chinh phục các tướng, hay ít nhất là để kéo dài thời gian, là chuyện Tướng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Trần Thiện Khiêm tiếp đón lạnh nhạt một viên chức Mỹ. Khiêm chưa có lập trường gì về đảo chánh, và có thể rằng Khiêm được thuyết phục rằng quyền lợi của Khiêm là phải đi cùng phe với Nhu. Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, một người tự nhận là đang âm mưu đảo chánh, mới đây nói với một nhà quan sát Hoa kỳ rằng Khiêm nói với Thảo rằng việc tổ chức một cú đảo chánh đã khó hơn là do bản tuyên bố chính sách của Mỹ ngày 2/10/1963, mà Khiêm diễn dịch như là Mỹ đã chịu nhượng bộ cho Diệm và Nhu. Khiêm cũng được kể là đã nói rằng người Việt không bận tâm chuyện ai thắng cuộc chiến, và dân chỉ muốn hòa bình thôi. Thảo đã nêu giả thuyết rằng quyết tâm của các tướng để ảnh hưởng một cú đảo chánh cũng có thể đã bị dẹp bỏ khi có tin Diệm hứa là sẽ bổ nhiệm các tướng vào chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng, Nội An và Công Dân Vụ.
Phần cuối bản báo cáo nói về bố trí các sư đoàn ở 4 quân khu.
.
Ngày 16/10/1963. 7 p.m. Từ Tòa Đại sứ Mỹ ở VN gửi về BNG Hoa Kỳ. Ký tên Lodge. Xin chuyển trực tiếp tới Bạch Ốc, để Tổng Thống đọc. Điện văn này là khởi đầu các bản báo cáo hàng tuần để Tổng Thống đọc, theo chỉ thị đã nêu ra.
--- Câu hỏi: Chúng ta đang thắng hay thua trong chiến sự hàng ngày với Việt Cộng? Trả lời: Có vẻ, như tôi thấy, chúng ta như dường đang làm nhiều hơn sức của mình. Trông có vẻ như đây là một cuộc chiến lâu dài, âm ỉ khói, với các phương diện chính trị và quân sự đan vào nhau, mỗi phương diện đều cứng rắn trong một kiểu riêng. Sự hiện diện của chúng ta tại VN là một ảnh hưởng đang ổn định tại Việt Nam và tại Đông Nam Á Châu; nó cũng giúp chính phủ Ngô Đình Diệm không bị lật đổ, điều tất nhiên sẽ xảy ra nếu chúng ta không có mặt ở đây. Nhưng người Mỹ không thể làm người dân VN ưa thích chính phủ Diệm, và sự căm ghét chính phủ Diệm có thể tận cùng dẫn tới sự nghiêm trọng đầy sát khí đối với chiến binh quân đội, với thành quả quân đội, và với việc giữ gìn thành quả mà quân đội đạt được bằng cách hoạt động trong một chương trình kinh tế và xã hội thực sự hiệu quả trong các ấp chiến lược.
--- Câu hỏi: Chính phủ VN đã đáp ứng ở điểm nào đối với ba phương diện cần cải thiện trong (a) chiến sự chống VC, (b) phát triển chính trị nội bộ và (c) hành động ảnh hưởng tới quan hệ với dân Mỹ và chính phủ Mỹ? Trả lời: Về phương diện (a) Tướng Harkins đã báo cáo một sự chuyển đổi khu vực tác chiến cho các đơn vị. Còn về (b) và (c), có lẽ còn quá sớm để kết luận rằng chính phủ VN sẽ không làm các hành động tích cực, nhưng bây giờ họ lại đang làm trái nghịch với những gì chúng ta muốn nhìn thấy họ làm.
--- Câu hỏi: Có chứng cớ nào cho thấy có sự mạnh hơn hay yếu hơn về tính hiệu quả của chính phủ VN trong quan hệ đối với chính người dân của họ? Trả lời: Chứng cớ cho thấy rằng chính phủ VN có một vài sức mạnh mà một chính phủ độc tài cảnh sát có, cho tới khi nào cảnh sát vẫn còn mạnh và nương tựa được và chính phủ tiếp tục kiểm soát cảnh sát. Rõ ràng Việt Nam có một lực lượng [cảnh sát] như thế và chính phủ VN rõ ràng kiểm soát lực lượng này. Nhưng VN không thực sự là một nhà nước cảnh sát mạnh mẽ toàn trị (kiểu như "gia đình nhà Ngô" muốn tạo ra chế độ toàn trị như thế) bởi vì, không như Đức quốc xã của Hitler, nhà nước này không hiệu lực và đang gặp Việt Cộng là một đối thủ khéo tổ chức, trải rộng và hoạt động ngầm mạnh mẽ và luôn luôn kích động bởi sự căm thù gay gắt. Và các con số [du kích] không bao giờ biến mất. Việt Nam đã có một kiểu chiến tranh trên đất nước của họ trong hơn hai mươi năm, và người dân có vẻ lo lắng hơn bao giờ hết nếu bị bỏ rơi đơn độc. Tại nông thôn VN, nơi 85% người dân VN cư ngụ, như Graham Greene viết, "Họ muốn có đủ lúa gạo; họ không muốn bị bắn trúng; họ muốn ngày nào cũng hệt như ngày khác." Người ta nói dân VN có khả năng bạo động dữ dội khi hữu sự, nhưng không có dấu hiệu đó vào lúc này.
--- Câu hỏi: Và cụ thể hơn, hiệu quả nào chúng ta đang có từ hành động của chúng ta theo Điện Văn 534 (LND: điện văn ngày 5/10/1963, lúc 5:39 p.m., trong đó trừng phạt chính phủ Diệm vì đã đàn áp Phật Tử và sinh viên bằng cách treo viện trợ kinh tế CIP [Commodity Import Program] và một số biện pháp khác, trong đó có việc ngưng viện trợ Lực lượng Đặc biệt của Đại tá Tung vì đơn vị này đã tấn công các chùa VN đêm 20/8/1963) và ông [Lodge] nghĩ là có nên điều chỉnh các biện pháp đó về hướng nào? Trả lời: Cho tới giờ, chúng ta có vẻ như không thấy hiệu quả nào trong các hành động chúng ta thực hiện theo điện văn đó, nhưng chúng tôi đã không mong đợi có hiệu quả sớm được. Hành động chủ yếu theo chương trình đó là ghìm lại việc nhập cảng thương mại [vào VN]. Một số doanh nhân địa phương lo ngại, nhưng việc chúng ta ghìm lại không làm cho TT Diệm yêu cầu tôi phải làm gì, ngay cả cho dù Thuần đã nói với tôi rằng Diệm cũng lo lắng. Một cách thẳng thắn, tôi không mong đợi Diệm sẽ nói với tôi về chuyện đó, bởi vì kiểu đa nghi của Diệm là, nếu Diệm yêu cầu tôi làm điều gì cho Diệm, tôi sẽ yêu cầu Diệm là đã sẵn sàng làm điều gì cho Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, Diệm có thể lấy từ dự trữ ngoại hối để đáp ứng chi phí quân đội trong vài tháng, và, theo tôi tính, đó là điều Diệm nên làm. Nếu quân đội không được Diệm quý trọng, thì làm sao Diệm có thể mong đợi điều đó có ý nghĩa lớn lao gì với chúng ta? Nhưng tôi chống lại việc tiếp tục ngưng nhập cảng hàng thương mại tới một mức, nơi một cuộc khủng hoảng kinh tế khai sinh và có thể dẫn tới một trận bùng nổ trong quần chúng. Điều đó có thể sẽ cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn Cộng Sản tới chiến thắng không thể đảo ngược.
.
Ngày 18/10/1963. 4 p.m. Từ Tòa Đại sứ Mỹ ở VN gửi về BNG. Ký tên Lodge. Tôi (Lodge) đã yêu cầu Tướng Richard G. Stilwell (Phụ tá Trưởng Phòng J-3 MACV) và (xóa vài chữ) tới gặp Phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng VN Nguyễn Đình Thuần. Để giải thích về đoạn 9 trong Điện văn 534, và đoạn 3 trong Điện văn 570.
(LND: Đoạn 9 trong Điện văn 534 [ngày 5/10/1963] là chỉ thị của Tổng Thống Kennedy trừng phạt Lực lượng Đặc biệt của Đại tá Tung vì đã tấn công, đập phá chùa, bắt giam và tra tấn hàng trăm tăng ni và cư sĩ. Sẽ ngưng viện trợ LLĐB cho tới khi đơn vị này đưa về dưới quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH để đưa ra chiến trường, không dùng trong nội đô Sài Gòn để đàn áp dân nữa. Đơn vị LLĐB này là cánh tay mặt của Cố vấn Nhu.
Đoạn 3 trong Điện văn 570 [ngày 12/10/1963], do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và CIA yêu cầu Đại sứ Lodge đòi hỏi thuyên chuyển hầu hết các hoạt động dân quân dưới quyền Đại tá Tung. Những quân nhân nào không được thuyên chuyển sẽ được xét duyệt bởi CIA và MACV để có thể sẽ thuyên chuyển được. Tất cả các đơn vị sẽ được lãnh lương, chỉ trừ các đơn vị LLĐB còn đóng trong Sài Gòn nằm ngoài thẩm quyền của Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH. Lý do là không muốn tiền viện trợ của Mỹ trả lương cho những người lính đàn áp các nhà sư và sinh viên.)
.
Tướng Stilwell và (xóa vài chữ) đã gặp Thuần tại Dinh Gia Long theo hẹn vào sáng ngày 17/10/1965. Buổi họp kéo dài khoảng 45 phút. Tướng Stilwell mở đầu cuộc nói chuyện bằng cách nói rằng ông mới đây đã du hành cùng với Quyền Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH Tướng Trần Văn Đôn tới thăm nhiều bộ chỉ huy khắp VN và mục đích các chuyến đi này là để bảo đảm rắng tất cả các đơn vị đều ra sức cho nỗ lực chiến tranh. Tướng Stilwell thêm rằng, trong tinh thần đó, buổi họp này đã được yêu cầu gặp Thuần.
Thuần nói tức khắc, "Quý vị tới để nói chuyện về Lực lượng Đặc biệt." Tướng Stilwell và (xóa vài chữ) giải thích về cơ cấu và sự hỗ trợ của các đơn vị Lực lượng Đặc biệt trong khu vực Sài Gòn. Hiện thời có 10 đại đội LLĐB, trong đó 7 đại đội là chiến binh quân lực VNCH và được viện trợ Hoa Kỳ giúp chi phí, còn 3 đại đội là dân sự (vài chữ bị xóa bỏ). Kế tiếp, (vài chữ bị xóa bỏ) nói rằng ông được chỉ thị để nói với Thuần rằng nếu các đại đội dân sự LLĐB không đưa về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH để ra chiến trường, thì tất cả chi phí hỗ trợ các đại đội này sẽ bị ngưng. Tướng Stilwell thêm rằng việc ngừng viện trợ này áp dụng cho các đơn vị do viện trợ Mỹ tài trợ, nhưng cũng sẽ được phản ánh trong dài hạn, theo các điều kiện cụ thể, bằng một mức giảm tương đương đối với 7 đại đội trong tổng ngân sách do chương trình MAP (quản trị viện trợ) tài trợ. Điều này được giải thích kỹ lưỡng rằng mục đích cắt giảm này là muốn đưa các đơn vị này ra hỗ trợ cho cuộc chiến dưới sự kiểm soát của ông [Thuần].
Thuần như dường hiểu chuyện này đầy đủ và đã lập lại hiểu biết của Thuần rằng (xóa vài chữ) sự viện trợ cho Lực lượng Đặc biệt sẽ ngưng, trừ phi Lực lượng Đặc biệt VN được đưa vào Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH và phải ra chiến trường.
Thuần cũng được thông báo thêm rằng tiền lương các đơn vị thám sát rừng núi (mountain scouts) và lực lượng biên phòng (border surveillance) sẽ chi trả qua hệ thống và ngân sách Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ, vì các chương trình này sẽ không còn được chi trả trực tiếp cho Đại tá Tung. Thuần được bảo đảm rằng việc chuyển các khoản tiền sẽ xuyên qua bàn tay của các sĩ quan người Việt, không phải qua người Mỹ, nhưng chính các các cấp chỉ huy Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ làm việc với các sĩ quan người Việt tương nhiệm tại các tỉnh sẽ trực tiếp giám sát việc tiêu xài các ngân sách viện trợ này. Thuần thắc mắc về số tiền các ngân sách liên hệ và như dường ngạc nhiên vì độ lớn của chúng.
Thuần được thông báo rằng chính phủ Mỹ không dự tính công bố bất kỳ bước chuyển biến này, và nếu chuyện này lộ ra công chúng và nếu Tòa Đại sứ được hỏi tới, thì chúng tôi [Đại sứ] sẽ trả lời rằng việc này thực hiện vì chúng tôi không thể hỗ trợ cho các đơn vị không trực tiếp tham chiến. Thuần cũng được thông báo rằng chuyện này cũng sẽ được thông báo trực tiếp tới Đại tá Tung. Thuần đồng ý và nói rằng Thuần sẽ thảo luận chuyện này tức khắc với Tổng Thống Diệm.
.
Ngày 18/10/1963. Viết từ Washington. Thư của Donald M. Wilson (Quyền Giám Đốc Sở Thông Tin Hoa Kỳ) gửi John Mecklin (Cố vấn về Công chúng tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở VN). (LND: USIA là Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Hoa Kỳ, nhưng USIS là Phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn.)
John thân kính: Tôi hy vọng tôi không quá đỗi bi quan, nhưng các ngày tương lai rất gần lại trông khá là đen tối cho Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn (USIS). Bản ghi chú của bạn (Mecklin) gửi tới Đại sứ Lodge nói về viễn ảnh có thể cắt giảm các chức vụ về thông tin quần chúng thì không làm tôi bình tâm được. Tương tự là sự kiện các chuyện tấn công nhắm vào USIS vẫn tiếp tục không chỉ từ báo Times of Vietnam (LBD: báo của Ngô Đình Nhu) nhưng bây giờ cũng bị tấn công từ các báo tiếng Việt địa phương.
Tôi có một ý nghĩ về tình hình này, mà có lẽ là bất công, nhưng tôi cần phải nói ra cho ông biết. Bởi vì áp lực trên USIS có thể bao gồm cả áp lực cá nhân nhắm vào ông với cái kiểu mà ông đã và đang trải qua, ông phải cực kỳ cẩn trọng trong các tuần lễ sắp tới, không để chút nào sơ xuất. Tôi thấy là ông phải rất là cẩn trọng trong quan hệ với các phóng viên người Việt và người Mỹ nhằm không cho chính phủ VN chút cơ hội nào 'quyền cước' nhắm vào ông.
Tôi tin chắc là ông đã nghĩ tới chuyện này rồi. Tôi cũng giả sử rằng nếu chính phủ VN quyết định cắt bỏ USIS và cũng cắt bỏ ông luôn, thì điều ông làm sẽ chẳng gây ra bao nhiêu dị biệt. Nhưng trong trường hợp họ chưa quyết định và còn dao động, chắc chắn điều quan trọng là chúng ta không để cho họ kiếm được bất kỳ lý cớ để hành động.
Ed (LND: Edward R. Murrow, một nhà truyền thông nổi tiếng từ CBS đươc mời vào làm cho USIA) đang thực sự làm việc rất tốt về mức độ các hoạt động của anh ta. Tôi đã thăm, gặp anh ta nhiều ngày trước, và chúng tôi có một buổi nói chuyện tốt. Tinh thần và lòng can đảm của anh ta rất mực đúng kiểu Murrow tuyệt vời. Chúng tôi đã nói chuyện về VN và anh ta nhờ tôi gửi bạn lời thăm hỏi nồng ấm.
Kính thư
Donald M. Wilson (chữ ký được đánh máy)
.
Ngày 18/10/1963. Viết từ Washington. Bản ghi nhớ từ Neubert (Phụ tá Đặc biệt của Phòng Viễn Đông Sự Vụ) gửi Hilsman (Phụ Tá Ngoại Trưởng về Viễn Đông Sự Vụ). Nội dung: chính sách về VN.
Mặc dù tôi (Neubert) biết chắc rằng tôi không nói cho ông (Hilsman) nghe gì mới hôm nay, tôi nghĩ cũng cần nêu vài chứng cớ rằng chúng ta đang đi vào một thời kỳ khó khăn trong việc duy trì sự kết nối liên tục và đà tiến trong chính sách của chúng ta đối với chính phủ VN. Tất cả các cơ quan Hoa Kỳ bây giờ đều đồng ý về một chính sách tăng áp lực vào chính phủ VN để đạt được: 1) tiếp tục đà chiến thắng trong nỗ lực chiến tranh, 2) cải thiện sự hỗ trợ quần chúng đối với chính phủ VN, và 3) cải thiện quan hệ giữa chính phủ Mỹ và chính phủ VN. Cùng lúc, chúng ta phải công nhận rằng các mục tiêu này có sự tương thích lớn, và không nhất thiết là đạt được bằng các phương tiện có thể có cho chúng ta. Thêm nữa, bất kể những dị biệt khi hợp nhất, quan tâm của Bộ Ngoại Giao, CIA, và Bộ Quốc Phòng nhất thiết là khác nhau.
Như tôi nhìn thấy, thấy rõ rằng vấn đề nghiêm túc đầu tiên chúng ta gặp nơi đây, ở Washington, khi chúng ta nỗ lực theo đuổi một chính sách thực sự không làm vui một ai đang khởi dậy với CIA. John McCone đã nói khá dài, và với nhiệt tâm, vào ngày trước ngày hôm qua (16/10/1963) trước Nhóm Đặc Biệt (C1) về quan điểm rằng chúng ta sắp có "một cú bùng nổ" tại Việt Nam trong tương lai rất gần. Tôi không biết chắc những gì McCone có trong đầu, nhưng tôi hình dung rằng McCone đang nói về một cảm giác sâu thẳm quen thuộc của ông ta. Như chúng ta biết, những trực giác tiên cảm đó hằn là một cái gì đôi khi đúng (dàn phi đạn Soviet ở Cuba) và đôi khi là cái gì sai (Cộng sản Trung Quốc đại tấn công Ấn Độ), nhưng tôi cũng nghĩ rằng có cái gì nhiều hơn trong quan điểm của ông ta. Tôi nghi ngờ rằng McCone quan ngại một cách chính đáng về những gì chúng ta có thể tiếp tục nỗ lực chiến sự thành công (nơi đó, cơ quan của McCone [CIA] sẽ liên hệ rất sâu) trong khi cùng lúc, chúng ta đang ghìm lại viện trợ kinh tế nhằm khuyến khích một tình trạng bất định chính trị trong chính phủ VN. Nhận định của bản báo cáo McNamara/Taylor về bao lâu thì chính phủ VN cảm thấy phải thay đổi vì áp lực kinh tế là khoảng 2 tới 4 tháng. (LND: Chính phủ Mỹ đang ngưng viện trợ kinh tế để áp lực chính phủ Diệm phải có thay đổi chính sách, như trả tự do các nhà sư và sinh viên bị bắt trong các cuộc biều tình, tu sửa các chùa bị đập phá trong đợt cảnh sát tấn công chùa, gỡ bỏ Đạo dụ 10, mời trí thức độc lập tham dự chính phủ, gỡ bỏ ông bà Nhu ra khỏi chính phủ...). McCone có thể đang lý luận rằng ảnh hưởng cao điểm của căng thẳng kinh tế - chính trị sẽ làm vài chuyện xảy ra trong thời gian ngắn sắp tới. Như một giả thuyết xa hơn, tôi có thể nói rằng McCone có thể nghĩ rằng diễn tiến của một tình thế bùng nổ thì không có vẻ gì làm lạc đạn về phía lợi ích chúng ta -- nói lạc đạn hại cho chúng ta là nói rằng một chính phủ thay thế có thể hữu dụng và chấp nhận được thì không có vẻ gì sẽ xuất hiện, và rằng VC sẽ trong vị trí tốt nhất để lợi dụng các hỗn loạn xảy ra.
[Một đoạn văn, gồm 15 dòng, và chữ viết tay nơi lề giấy còn bị xóa, chưa giải mật.]
Tóm lại, tôi tin rằng chúng ta có thể mong đợi McCone bây giờ sẽ lý luận rằng hậu quả của diễn tiến hiện nay của chúng ta sẽ bất lợi cùng cực, và rằng do vậy chúng ta nên nhanh chóng trở lại về chính sách đối với VN trước tháng 8/1963 vừa qua.
Tôi không thấy dấu hiệu nào Bộ Quốc Phòng có kết luận tương tự. Tuy nhiên, về trách nhiệm quân sự đối với cuộc chiến, tôi sẽ ngạc nhiên nếu họ không có ấn tượng đối với cách lý luận mà tôi dự kiến McCone sẽ đưa ra.
Tôi kết luận rằng chúng ta có thể đang nhanh chóng có thêm khó khăn trong việc thúc đẩy mọi người liên hệ phải sống với sự hỗn loạn mà chúng ta ít nhất đã đoán trước là sẽ có khi theo đuổi chính sách hiện nay. Trừ phi chúng ta có thể bác bỏ lý luận rằng hướng đi hiện nay về "một cú bùng nổ," chúng ta sẽ phải khẳng định với niềm tin rằng cú bùng bổ đó sẽ có lợi cho chúng ta. Có lẽ tất cả những gì chúng ta hy vọng bây giờ là chờ đợi cho tới khi Lodge quay về đây để tham khảo. Có thể rằng cái mà ông ta có trong đầu là vài suy nghĩ tích cực về cách mà trong đó chúng ta có thể, thực sự, bảo đảm rằng bất kỳ "cú nổ lớn" nào cũng là có lợi cho chúng ta.
.
Ngày 18/10/1963. Viết từ Washington. Bản ghi nhớ từ Kattenburg (Giám Đốc Nhóm Làm Việc về VN -- Director of the Vietnam Working Group) gửi Hilsman (Phụ Tá Ngoại Trưởng về Viễn Đông Sự V ụ). Nội dung: Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói về só lượng quân nhân Hoa kỳ tại VN và quyết định rút 1,000 chiến binh về trong tháng 11 sắp tới.
VẤN ĐỀ: Bộ Quốc Phòng đã thông báo cho Bộ Ngoại Giao về lệnh rút 1,000 lính Mỹ ra khỏi VN vào tháng 11/1963. Như thế, vào ngày 30/10/1963 chiến binh Mỹ tại VN sẽ là 16,730 người.
THẢO LUẬN: Đây sẽ là lần đầu tiên Bộ Quốc Phòng chính thức công bố tổng số quân nhân Hoa Kỳ tại Nam VN, mặc dù các viên chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ, kể cả Tổng Thống Kennedy và Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, đã đưa ra các tuyên bố hay trả lời phỏng vấn trong đó con số là gần 15,000 chiến binh. Do vậy, bản văn này sẽ là con số chính thức, nhiều hơn hay ít hơn so với các thông tin đưa ra mấy tháng qua. Việc công bố số lượng quân nhân Mỹ tại VN, cùng lúc với lệnh rút 1,000 lính về Mỹ, dựa trên suy đoán về số lượng quân nhân Mỹ tại VN nên có sau khi thông báo rút 1,000 lính về Mỹ. Do vậy Bộ Quốc Phòng công bố các con số thực để giới báo chí truyền thông có thể dùng tới.
Từ một quan điểm chính sách, việc Bộ Quốc Phòng công bố số liệu có thể dẫn tới phức tạp gây ra từ Ủy Ban Kiểm Soát Quốc Tế (International Control Commission, viết tắt ICC). Theo Hiệp Định Geneva 1954, Hoa Kỳ không được phép có hơn 888 cố vấn quân sự tại Nam VN. Vào lúc Hoa Kỳ bắt đầu triển khai các chiến dịch quân sự tại Nam VN vào mùa thu 1961, quyết định là tránh trực tiếp vấn đề này, số lượng quân nhân Mỹ tăng dần mà không phổ biến các con số công khai và chính thức. Dĩ nhiên, các tuyên bố từ Tổng Thống và Bộ Trưởng Quốc Phòng cho công chúng biết về số lượng quân nhân Mỹ tại VN cho thấy chúng ta đã đưa quân vào nhiều hơn con số cho phép của Hiệp Định Geneva. Tuy nhiên, thông báo chính thức của Bộ Quốc Phòng Mỹ có thể buộc cơ quan ICC tại Sài Gòn phải cáo buộc Mỹ đã vi phạm Hiệp Định Geneva và sẽ kêu gọi Mỹ rút toàn bộ quân nhân nhiều hơn con số 888 quân nhân theo Hiệp Định cho phép.
Nếu ICC có hành động như thế đối với Mỹ, chúng ta có thể nói công khai rằng, như ICC đã nói chính thức trong bản Báo Cáo Đặc Biệt Tháng 6/1962 rằng chính phủ Bắc VN có tội đưa quân xâm chiếm Nam VN, và rằng quân đội Mỹ đóng tại Nam VN là trực tiếp yêu cầu từ chính phủ VNCH từ tháng 12/1961, trong đó chính phủ Nam VN thực hiện quyền tự vệ. Khi nào quân Bắc Việt không còn xâm lấn Nam VN, sẽ không còn cần tới quân lực Hoa Kỳ nhiều như thế tại Nam VN.
Dù phản ứng thế nào, chúng ta phải tiên đoán rằng tuyên truyền Bắc Việt sẽ lấy bản công bố số quân Hoa Kỳ ở Nam VN như là vi phạm Hiệp Định Geneva. Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận về lời nói của Thủ Tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng vào tháng 6/1963 với De la Boissiere (viên chức Pháp trong Delegue Generale, đã về hưu) tại Hà Nội rằng quân lực Mỹ tại Nam VN là khoảng 25,000-30,000 và con số này sẽ tăng. Cũng có thể Bắc Việt sẽ không chụp lấy lời ICC lên án Hoa Kỳ.
Đề nghị: Đề nghị rằng bản văn Bộ Quốc Phòng được chấp thuận phổ biến và chúng ta phải sẵn sàng, nếu ICC kết án Hoa Kỳ vi phạm Hiệp Định Geneva, để trả lời thích nghi như trên.
.
Ngày 19/10/1963. 1 p.m. Từ Tòa Đại sứ gửi về Bộ Ngoại Giao. Viết từ Sài Gòn. Ký tên Lodge. Sau đây là bản lượng định từ Nhóm Công Tác Sài Gòn (TF Saigon) về việc Hoa Kỳ áp lực chính phủ VN.
Tổng quát. Tới giờ, chưa thấy dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy hành động của Hoa Kỳ có hiệu quả bất lợi cho nỗ lực chiến tranh dù là về quân sự hay về kinh tế. Người dân miền quê phần lớn không biết về các diễn tiến mới đây trong quan hệ giữa 2 chính phủ Việt-Mỹ, hay là nếu có biết cũng không cảm thấy các diễn biến ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ. (LND: Mỹ tạm ngưng viện trợ kinh tế để yêu cầu chính phủ Diệm từ bỏ chính sách đàn áp Phật Tử, sinh viên và trí thức đối lập...) Trong giới trí thức thành thị, bầu không khí chung về bất ổn và bất mãn phổ biến tràn ngập dưới bề mặt. Phản ứng tâm lý quan trọng nhất có thể hiểu được là ở cộng đồng kinh doanh (các doanh gia Mỹ, Việt, Hoa, và ngoại kiều khác) trong khu vực Sài Gòn và Chợ Lớn. Chúng tôi nhận nhiều bản tin cho thấy doanh nhân lo ngại về việc tạm ngưng chương trình viện trợ hàng hóa, và ảnh hưởng của nó trên cấu trúc giá và lo lắng về những cắt giảm khác về viện trợ Mỹ. Giá vàng tăng vọt. Các doanh nhân khác tìm cách đổi tiền đồng số lượng lớn ở mức 120 đồng lấy 1 đôla Mỹ, hay là tìm các khoản đầu tư sinh lợi hơn. Hàng hóa và những trao đổi liên hệ chủ yếu ảnh hưởng là đường, bột, sữa đặc, và xi măng. Trong khi các bản tin vẫn mâu thuẫn nhau, nỗi lo về cộng đồng doanh nghiệp, và một mức độ nào với công chúng, đã tất nhiên in sâu trong vài ngày qua.
Phản ứng của chính phủ VN đối với biện pháp [treo viện trợ kinh tế] của Mỹ thì tiếp tục ẩn kín. Chúng tôi nghe những tin đồn, có lẽ là chính thức từ nhà nước tung ra, về kế hoạch xông vào tấn công Tòa Đại sứ Mỹ và cơ quan USIS. Báo Times of Vietnam tiếp tục ngôn ngữ hỗ trợ mạnh mẽ chính sách của chính phủ VN và tấn công các phần tử trong các viên chức Mỹ bị cho là chống lại chính phủ Diệm bằng các phương tiện công khai và bí mật. Các bản tin từ nhiều nguồn cho thấy chính phủ Diệm hiện đang lên kế hoạch thắt lưng buộc bụng.
Kinh tế. Giá hàng nhập cảng chính yếu trong tuần đã tăng. Quan trọng nhất là sữa đặc có đường (tăng tới 10%, tùy nhãn hiệu), bột lúa mì (33%), và xi măng (30%, cũng như các sản phẩm hóa học, một số sản phẩm sắt và thép, và các hàng nhập cảng linh tinh nữa. (Người dịch lược bỏ nhiều chi tiết về tình hình giá hàng chợ, hàng nhập cảng...) Nhìn chung, ảnh hưởng vào chính phủ VN về áp lực kinh tế tới giờ chưa có kết quả để buộc TT Diệm phải gặp Đại sứ Lodge, mặc dù Thuần đã nói với Đại sứ rằng Diệm lo lắng. Cần thêm thời gian nữa để áp lực lộ ra hiệu quả và áp lực nên tiếp tục cho tới khi nào kinh tế không còn bình thường nữa. Không có dấu hiệu cho thấy Diệm/Nhu sẽ lùi lại trong tình hình áp lực tiếp diễn này.
Viện trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt VN. Thuần và Tướng Đôn đã đích thân khuyên vào ngày 17/10/1963 rằng viện trợ của MAP (cơ quan quản trị về viện trợ) và /hay hỗ trợ của CIA giành cho các đại đội Biệt Kích VNCH (RVNAF Airborne Ranger, có thể dịch là Biệt Kích Dù?), các đại đội Biệt Kích Dân Sự (Civilian Airborne Ranger, có thể dịch là Thám Báo, chuyên về nhảy toán?) và các đại đội Phòng Vệ Dân Sự (Civil Guard), hiện thời nằm dưới kiểm soát của Lực Lượng Đặc Biệt VN (do Đại Tá Tung chỉ huy), sẽ bị ngưng viện trợ trừ phi các đơn vị này đưa vào dưới quyền của Tham Mưu Trưởng Liên Quân và đưa ra tác chiến. Lá thư của COMUSMACV (viết tắt của nhóm chữ "Commander, U.S. Military Assistance Command, Vietnam": Tư Lệnh Quân Viện Hoa Kỳ tại VN) gửi Tổng Thống Diệm ngày 18/10/1963 đã trình TT Diệm rõ ràng như thế. Đại Tá Tung sẽ được đích thân thông báo khi Tung trở về Sài Gòn.
Quân sự. (Người viết lược bỏ các chi tiết phối trí quân đội, tập trung chuyển trọng tâm quân sự về vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.)
Chính trị. Một cách tổng quát, không thấy có diễn tiến tốt đẹp nào trên các biện pháp chúng ta muốn thấy trong lĩnh vực chính trị. Diệm/Nhu đã phản ứng chống lại áp lực Hoa Kỳ bằng cách ghì chống sâu hơn và đã phản ứng với cách riêng của họ. Khi mở lại đời sống đại học bình thường, Viện Đại Học Huế đã mở lại, chỉ trừ Đại Học Y Khoa thì dự kiến mở lại tuần này; tuy nhiên, sinh viên vào học trở lại chỉ khoảng 60-70% và không khí chung trong Đại Học vẫn u ám. Không có thông tin chắc chắn khi nào Viện Đại Học Sài Gòn mở cửa lại. Có vẻ rằng chính phủ VN đang tìm cách lượng định xem sinh viên có thực sự vào học trở lại đông đủ để cho vẻ ngoài bình thường hay không.
Lập trường tổng quát của chính phủ VN về Phật Giáo là, vấn đề Phật Giáo đã giải quyết xong. Trong khi hơn 100 nhà sư và Phật Tử mới đây được thả ra từ nhà tù Huế, nhiều người vẫn còn bị giam trong đó có 2 nhà sư lãnh đạo, hai vị này chỉ huy cuộc thương thuyết để có bản Thông Cáo Chung ký ngày 16/6/1963, và một cư sĩ cao cấp. Các hành động như thế của chính phủ VN tới giờ có thể được diễn dịch như là giải quyết xong vấn đề Phật Giáo, chứ không phải là thỏa hiệp với Phật Giáo. Thêm nữa, một vài dấu hiệu cho thấy chính phủ Diệm sẽ không nhanh chóng gỡ bỏ hay sửa đổi Đạo Dụ 10 (Decree Law 10). Trong khi đó, các tín đồ Phật Giáo tránh tới các chùa vì lo sợ mật vụ nhà nước trả thù. Nhìn chung, chính phủ VN tin rằng bất kỳ một nhượng bộ nào với Phật Tử dưới áp lực của Mỹ được suy diễn bởi các lãnh đạo PG như là yếu kém, và nhượng bộ thêm sẽ không thể có và là tự làm cho thất bại...
Chính phủ VN không từ bỏ biện pháp cảnh sát tàn bạo, và không cho thấy ý định đó trong tương lai gần. Ban đêm vào nhà bắt người vẫn tiếp diễn, nhưng có giảm bớt. Tương tự, chính phủ VN không cho hồi phục các quyền tự do dân sự. Ngược lại, các hành động tới giờ như dường nhắm là cho những người có thể suy nghĩ đối lập trong giới trí thức thấy rằng họ không có thể dựa vào các quyền tự do dân sự đang bị nắm giữ trong tay các cơ quan an ninh của chế độ.
Về chuyện làm đẹp lại hình ảnh chế độ bằng cách mở rộng chính phủ, vv; không có hành động cụ thể nào được thực hiện. Các tin đồn cứ nói rằng Diệm sẽ loan báo thay đổi nội các và sắp xếp lại một số chức năng công quyền. Tuy nhiên, nếu chuyện đó xảy ra, cũng chỉ là hình thức trình diễn, vì thấy rõ rằng Diệm sẽ không làm gì có thể làm suy yếu quyền lực và sự đoàn kết gia tộc của nhà Ngô. Trong khi chế độ vẫn có thể thay đổi nội các chỉ để trình diễn, chúng tôi không thấy dấu hiệu nào làm giảm ảnh hưởng của ông bà Nhu trong tương lai. Thực tế đang diễn ra là, sự quấy nhiễu người Mỹ xuyên qua các bài báo tấn công, sự bắt giam các nhân viên địa phương của Tòa Đại sứ và USOM và sự đông lạnh tổng quát về mối liên lạc bình thường giữa người Mỹ và tương nhiệm người Việt cho thấy nhà Ngô vẫn tin rằng họ đang nắm những lá bài mạnh để chơi. Vào thời điểm này, không thấy viễn ảnh nào để hy vọng rằng TT Diệm sẽ tuyên bố trước Quốc Hội về thay đổi nội các chính phủ.
Về quan hệ giữa hai chính phủ Mỹ-Việt. Không thấy cải thiện nào trong chiến dịch của chính phủ VN dùng truyền thông báo chí tấn công các hoạt động của CIA, USIS, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, vân vân. Khuynh hướng mới đây là đổ lỗi cho chính phủ Mỹ, thay vì tấn công riêng một cơ quan cụ thể. Trong khi chiến dịch [báo của Nhu tấn công Mỹ] có tăng và giảm, mũi dùi tấn công chính là kình với chính sách của Mỹ theo cách chính phủ VN diễn dịch.
Chính phủ VN có vẻ như tập trung vào đoạn văn của Bạch Ốc trong ngày 3/10/1963 về sự nghiêm trọng của tình hình chính trị như một dấu hiệu Hoa Kỳ sẽ tăng áp lực để thay đổi chính trị mà họ không chấp nhận. Chúng tôi tin áp lực của Hoa Kỳ sẽ đẩy Diệm/Nhu chới với, và buộc họ đo lường sức mạnh quyết tâm của Mỹ; tuy nhiên, còn quá sớm để nói về kết quả tận cùng và về các chỉ dấu có ý nghĩa của một sự thay đổi thái độ có thể xuất hiện vào lúc nào đó.
.
Ngày 19/10/1963. 2 p.m. Từ Tòa Đại sứ gửi về Bộ Ngoại Giao. Viết từ Sài Gòn. Ký tên Lodge. Bộ Trưởng Thuần kéo tôi ra nói chuyện từ một buổi tiếp tân đêm Thứ Sáu 18/10/1963. Khi chúng tôi ngồi cùng một phía (LND: để không ai khác nghe lén), Thuần nói: "Tổng Thống [Diệm] muốn tôi hỏi ông [Lodge] rằng Hoa Kỳ đã có bất kỳ quyết định nào vế tiếp tục nhập cảng hàng thương mại chưa?" (LND: Mỹ đã tạm ngưng viện trợ kinh tế để buộc chính phủ Diệm trả tự do cho các nhà sư và sinh viên bị bắt trong các cuộc biểu tình và tôn trọng 5 điểm nguyện vọng của Phật Giáo, và phải cải tổ chính phủ...)
Thuần tiếp tục, với một nụ cười thoải mái trên khuôn mặt: "Và tôi nói với Tổng Thống rằng tôi tin là họ [Hoa Kỳ] chưa quyết định gì [về tiếp tục viện trợ]. Có đúng không?"
Sau khi tôi nói rằng theo tôi biết thì chưa có quyết định nào từ phía Hoa Kỳ, Thuần nói, cũng với nụ cười rộng cả khuôn mặt: "Đó là điều tôi nghĩ và tôi đã nói với Tổng Thống [Diệm]. Tôi sẽ nói với Tổng Thống rằng đó là điều ông [Lodge] nghĩ như thế."
Sau vài câu nói về đời thường, tôi nói rằng tôi có hy vọng lớn rằng sẽ tới lúc khi tôi có thể cho thấy qua hành động của tôi cảm xúc mạnh mẽ về tình thân mà tôi đã có cho Việt Nam. Thuần nói: "Tôi có niềm tin rằng tất cả những chuyện này sẽ trôi qua để nhiệm vụ đại sứ của ông sẽ là một thành công lớn. Tôi không biết cách nào hay khi nào, nhưng tôi nghĩ nó sẽ tới sớm."
Rồi Thuần hỏi, rằng tôi nghĩ gì về các lời bà Nhu tuyên bố trong chuyến đi quốc tế của bà. Trước khi tôi có cơ hội trả lời, Thuần nói: "Tại sao bà Nhu phải nói những thứ như khi bà nói rằng tất cả những người chung quanh Tổng Thống Kennedy đều là màu hồng (pink)?"
(LND: chữ pink là màu hồng, nằm giữa hai màu đỏ và trắng. Mang nhiều ẩn nghĩa trong tiếng lóng, dùng khác nhau trong nhiều lĩnh vực, từ tôn giáo, tình yêu, chính trị... Khi dùng trong chính trị, màu "hồng" gần màu "đỏ" có ý ám chỉ, nhẹ là thiên tả, và nặng là thân Cộng.)
Tôi nói rằng tôi không biết, nhưng một thứ tôi biết chắc rằng trong một đất nước như Hoa Kỳ, nơi dư luận dân chúng mang sức mạnh và được tôn trọng, chuyện đó sẽ rất nghiêm trọng khi hai người ở vị trí thế lực như ông Nhu và bà Nhu liên tục tự gây tiếng xấu. Do lý do đó, tôi đã cố vấn rằng họ nên vắng mặt một thời gian và chỉ đơn giản là giữ im lặng. Chứng cớ thấy rõ rằng họ không nghe lời tôi cố vấn, nhưng tôi cảm thấy rất rõ ràng rằng lời cố vấn của tôi rất là tốt.
.
Ngày 21/10/1963. Bản ghi nhớ từ Michael V. Forrestal (Hội Đồng An Ninh Quốc Gia) gửi Bundy (Phụ tá Đặc biệt của Tổng Thống về An ninh Quốc Gia). Nội dung: Cuộc phỏng vấn của Ngô Đình Nhu trên báo Times of Vietnam.
Tôi có đính kèm trong bản ghi nhớ về cuộc phỏng vấn Cố vấn Nhu in trên báo của chính phủ VN hôm Thứ Bảy. Hiển nhiên là [Nhu] nói với chúng ta, và tôi nghĩ Tổng Thống [Kennedy] sẽ quan tâm.
Tôi sẽ ghi nhận rằng tôi đã đánh dấu một đoạn trong trang 2, nơi Nhu tìm cách đẩy trách nhiệm sang cho chúng ta về chuyện phái đoàn Liên Hiệp Quốc có nên gặp nhà sư Thích Trí Quang hay không. Một bức điện văn đã gửi tới Tòa Đại sứ nói với họ rằng chúng ta muốn trái nghịch lại.
(LND: Câu vừa dịch "A cable has gone out to the Embassy telling them that we want the reverse to happen" có nghĩa rất mơ hồ. Phải đọc bài văn đính kèm dưới đây về lời Cố vấn Nhu nói mới hiểu. Vào ngày 12/10/1963, LHQ loan báo đưa một phái đoàn gồm các đại biểu thường trực của Afghanistan, Tích Lan, Costa Rica, Dahomey, Morocco, và Nepal và đại sứ của Brazil tại Canada sẽ bay tới Nam VN để điều tra về quan hệ giữa chính phủ VN và cộng đồng PGVN.)
Phái đoàn LHQ sẽ tới vào Thứ Tư 23/10/1963, và sẽ ở lại VN khoảng 2 tuần lễ. Câu hỏi đưa lên rằng chúng ta có muốn Đại sứ Lodge ở đó trong suốt 2 tuần lễ, nếu như thế Lodge sẽ không về được Washington cho tới cuối tuần lễ ngày 4 tới 9/11/1963. Tôi có ý muốn rằng Lodge về Washington quan trọng hơn vì chúng ta muốn nghe Lodge nói về ảnh hưởng chính trị của việc chúng ta cắt viện trợ. Nếu Lodge rời Sài Gòn vào Thứ Tư sắp tới (ngày 30/10/1963), Lodge sẽ có mặt ở đây với chúng ta vào cuối tuần lễ đó hay là ngày cuối tuần, và sẽ phải có mặt một tuần lễ ở Sài Gòn trong khi phái đoàn LHQ còn ở VN. Tôi sẽ gửi một điện văn từ Bộ Ngoại Giao để khuyến cáo với Lodge về lịch trình.
.
Sau đây là bài báo đính kèm. Ghi lại từ cuộc phỏng vấn Ngô Đình Nhu trên báo Times of Vietnam.
Saigon, ngày 19/10/1963.
Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu nói hôm Thứ Năm 17/10/1963 rằng người Việt đã mất niềm tin vào chính phủ Mỹ. Cố vấn Nhu nói như thế trong cuộc phỏng vấn với các phóng viên quốc tế tới thăm. Nhu nói Nhu không hiểu vì sao Mỹ đã "khởi động một tiến trình tách rời vào thời điểm chúng ta đang chiến thắng. Người dân nơi đây thắc mắc về những gì Mỹ đang làm. Có một bầu không khí không tin nhau. Người dân đã mất niềm tin vào người Mỹ."
Nhu nói: "Cho dù dưới chính phủ này hay dưới chính phủ khác, niềm tin giữa người dân VN và chính phủ Mỹ đã mất rồi."
Nhu nói rằng các lãnh tụ Phật Giáo bị bắt giam khai rằng khoảng "nửa tá" viên chức tình báo Hoa Kỳ và các nhan viên các cơ quan dân sự Hoa Kỳ tại VN đã thúc giục họ dàn dựng một cú đảo chánh và kích động Phật Tử tự thiêu. "Một số các nhà sư Phật Giáo bị giam đã khai rằng vài viên chức CIA khuyến khích họ. Những lời khai đó không có thể là sai. Các vị sư kể tên một nửa tá viên chức CIA cùng với vài nhân viên dân sự của chính phủ Mỹ tại đây. Vài người trong số này còn ở đây. Vài người đã rời VN. Suốt ngày và đêm họ thúc giục các nhà sư dàn dựng đảo chánh chống lại chính phủ," theo lời Cố vấn Nhu nói với các phóng viên.
Nhu nói Nhu không thể hiểu tại sao các viên chức CIA này liên hệ vào vấn đề Phật Giáo bởi vì Nhu và các viên chức CIA trước đó đã làm việc với nhau tuyệt vời trong cái nhiều người gọi là "chương trình thắng lợi" --- chương trình ấp chiến lược --- và rằng chính McCone trước đó đã hiểu về nhu cầu và ý nghĩa chương trình đó. Nhu nói, "Tôi không biết là họ có nhận các chỉ thị nào từ cấp rất cao hay không, nhưng tôi phải nói rằng cho tới khi vấn đề Phật Giáo bùng phát, CIA đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cho chương trình thắng lợi này thành công."
Được hỏi tại sao các viên chức CIA chống lại Nhu, Cố vấn Nhu nói, "Tôi không biết. Có thể họ được lệnh như thế, trái với cả ý chí và phán đoán của họ." Nhu nhấn mạnh, các điệp viên này không phải từ quân đội [Mỹ].
Nhu nói với các phóng viên: "Niềm tin đã có giữa Việt và Mỹ bây giờ không còn nữa. Điều này cũng đúng với quan hệ giữa Mỹ và toàn bộ thế giới chưa phát triển. Với chúng tôi tại VN, sẽ rất khó để lên đồi một lần nữa (hiển nhiên là chỉ cho khả thể về cải thiện quan hệ Mỹ-Việt trong tương lai). Chính phủ VN sẽ cần nhiều khôn ngoan để hồi phục từ những gì đã làm trong mấy tháng qua. Tôi không thấy chính sách Mỹ nào ở giai đoạn này."
Cố vấn Nhu nhắc tới các trở ngại như là "toàn bộ mới hỗn loạn này tại Việt Nam" và nói dư luận người dân Mỹ có vẻ như đang cần "các con dê tế thần" từ Nhu và CIA.
Nhu chỉ ra trong cuộc phỏng vấn rằng việc cắt nhiều viện trợ Mỹ cho Việt Nam đột ngột sẽ gây ra hậu quả tai hại cho kinh tế VN cũng như nỗ lực chiến tranh, đặc biệt nếu cắt như thế được quyết định đơn phương. Nhu nói, "Với tôi, viện trợ nên được giảm từ từ và theo thỏa hiệp giữa 2 chính phủ. Đây là điều được mong đợi vì viện trợ Hoa Kỳ cho chúng tôi là những gì không thể kéo dài mãi mãi."
Bất kỳ cắt giảm đột ngột viện trợ nào đều đưa chính phủ VN vào vị trí buộc phải thực hiện các thay đổi sâu sắc và quyết liệt, đưa ra biện pháp mạnh hơn để nhanh chóng phát triển kinh tế, giảm các đặc quyền, và đề cao thêm công bằng xã hội, theo lời Nhu. Chính sách quyết liệt đó sẽ liên hệ tới thay đổi mọi thứ, theo lời Nhu.
Nhu nói Nhu không hiểu vì sao, vì viện trợ Mỹ thường phê chuẩn ngân sách trước mà không cần Quốc Hội [Mỹ] chấp thuận, bây giờ lại phải chờ Quốc Hội chấp thuận các ngân sách đó. Nhu nói, "Có 2 ảnh hưởng chính tới giờ này. Thứ nhất, là buộc chính phủ VN dùng tới dự trữ ngoại hối, và thứ nhì là dẫn tới thị trường chợ đen và hậu quả kèm theo. Như thế dẫn tới đầu độc tình hình, và hiển nhiên mang ảnh hưởng xấu tới nỗ lực chiến tranh..."
Bây giờ, nếu vì lý do này hay lý do kia, viện trợ bị giảm, chúng tôi sẽ phải làm những gì người Cộng sản đã làm, Cố vấn Nhu cũng nhắc tới giải pháp của Algeria, nơi chính phủ nước này quốc hữu hóa các kỹ nghệ chính yếu. Nhu nói, Nhu tin rằng hệ thống viện trợ Mỹ nơi đây nên thay đổi theo hình thức cho vay/thuê, và rồi chính phủ VN sẽ hoàn trả Hoa Kỳ các thiết bị quân sự và các thiết yếu khác. "Nó (chương trình cho vay/thuê) sẽ giữ gìn tư cách của chúng tôi và làm cho chúng tôi thêm ý thức về trách nhiệm của chúng tôi."
Nhu thêm: "Một ưu điểm khác sẽ là Hoa Kỳ sẽ không chịu trách nhiệm đạo đức về tình hình." Nhu cũng nói rằng Mỹ đã rút quân khỏi nước Lào, gây kinh hoàng cho các thành phần quốc gia Việt Nam và thuyết phục họ hợp tác với chính phủ để chống lại người CS. Nhu nói, "Tôi không nghĩ chính sách Mỹ là rút khỏi Việt Nam như đã rút khỏi Lào, nhưng tôi dò ra có sự dao động."
Được hỏi rằng chính phủ VN có hay không, sẽ phản đối việc phái đoàn LHQ nói chuyện riêng với các nhà sư đang tỵ nạn trong tòa đại sứ Mỹ, Cố vấn Nhu trả lời rằng trước tiên, đó sẽ là trách nhiệm của Tòa Đại sứ Mỹ. "Trách nhiệm đó nằm về phía Mỹ, trách nhiệm đó chúng tôi không muốn Hoa Kỳ đẩy sang chúng tôi. Chúng tôi muốn chính phủ Mỹ nhận toàn bộ trách nhiệm chuyện này," theo lời Nhu.
Được hỏi nếu chính phủ VN đưa ra chứng cớ liên hệ của CIA trong vấn đề Phật Giáo cho phái đoàn LHQ, Nhu nói chính phủ VN sẽ làm mọi thứ có thể để tránh "giặt áo quần dơ" giữa Mỹ và VN ra công chúng, trừ phi chính phủ Mỹ quyết định giết chúng tôi xuyên qua vai trò trung gian của phái đoàn LHQ này."
Ghi chú: Chưa thấy bài báo này đọc trên đài phát thanh Sài Gòn, cũng như trên báo Việt ngữ ở Sài Gòn.
.
Ngày 22/10/1963. Ghi chú. Vào ngày 22/10/1963, Thomas L. Hughes (Giám Đốc Phòng Tình Báo và Nghiên Cứu) gửi tới Ngoại Trưởng Rusk bàn văn nghiên cứu, ký số RFE-90, nhan đề "Thống kê về nỗ lực chiến tranh tại Nam VN cho thấy khuynh hướng bất lợi." Tóm lược như sau.
Thống kê về loạn quân tại Nam VN, mặc dù các số liệu không hoàn toàn khả tín và cũng không hoàn toàn đầy đủ các phương diện đo lường, cho thấy một hướng xoay chuyển bất lợi trên chiến trường. Kể từ tháng 7/1963, khuynh hướng về số liệu thiệt hại của VC -- về số du kích thương vong, vũ khí bị tịch thu và về chiêu hồi -- đã giảm dần, trong khi số liệu về các trường hợp VC tấn công vũ trang và các sự kiện khác lại tăng lên. So sánh với các thời kỳ trước đó cho thấy vị trí quân sự của chính phủ VN có thể đã lùi lại tới mức đã chiếm được ở mức khoảng 6 tháng tới 1 năm trước đây. Cùng lúc, ngay cả nếu không có vấn đề Phật Giáo và khủng hoảng về chính phủ, có thể rằng chính phủ Diệm sẽ không có khả năng duy trì đà ưu thắng vốn đã có của các thời kỳ trước đây, khi phía VC tăng tốc tấn công.
Lyndon Johnson, trong sách "The Vantage Point", trang 62, đã viết rằng vào tháng 12/1963, Johnson đã đọc "một bản xét duyệt tình hình quân sự đưa ra bởi các nhà phân tích tình báo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Bản báo cáo kết luận rằng nỗ lực quân sự đang suy giảm trong nhiều cách quan trọng trong nhiều tháng." Có vẻ rằng Johnson nói tới bản văn nghiên cứu mang ký số RFE-90.
.
Ngày 22/10/1963. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Jones (Tùy viên Quân sự Sứ quán Mỹ tại VN) gửi tới Phụ Tá Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, Phòng Tình Báo. Bản văn gốc không ghi giờ chuyển điện văn.
Vào đêm 20/10/1963. Trung tá Lục quân Hoa Kỳ, mức độ khả tín cao, được tìm liên lạc từ 2 người Việt quen từ lâu, và một người thứ ba là Đại Tá Nguyễn Khương. Khương hiện thời không giữ chức cụ thể gì, đang làm việc trong Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội VNCH. Khương hỏi nguồn tin (tức là: Trung tá Lục quân Mỹ) có tin vào một số bản tin/bản báo cáo quân sự Hoa Kỳ rằng VC sẽ bị đánh bại vào năm 1965? Thêm nữa, nguồn tin này có bao giờ thắc mắc vì sao các đơn vị quân đội VNCH không nương đà thắng để tấn công thêm, để hạ sát thêm VC? Khương nói rằng quân lực VNCH có trang bị tốt, kiến thức tốt và năng lực để chiến thắng, nhưng không muốn thắng và sẽ không chiến thắng chừng nào chính phủ hiện nay còn nắm quyền. Khương thêm, nếu cứ đà này không đổi, thì VC sẽ chiến thắng vào năm 1964, vì VC bây giờ ở giai đoạn 3 rồi (đổi từ cấp đại đội lên cấp tiểu đoàn) và đang xây dựng cho giai đoạn 4 (VC tăng cường vũ khí nặng/pháo binh để chuyển thánh cấp sư đoàn và tấn công dứt điểm).
Kế tiếp, Khương nói tới điểm chính: một nhóm sĩ quan đang kiểm soát một lực lượng đủ mạnh đang sẵn sàng tung ra cú đảo chánh để lật đổ chính phủ Diệm. Khương nói sơ lược về cách họ có thể ám sát Diệm gần như là dễ dàng, thay thế những kẻ tham nhũng/bất tài trong số các viên chức quân sự, nội các và cấp tỉnh, tiến hành cuộc chiến chống VC, mời những người tỵ nạn chính trị từ Mỹ/Pháp về VN, và thiết lập chính phủ mới. Trong khi nhóm này sợ Diệm, họ đặc biệt là sợ Nhu, người họ xem là chắc chắn sẽ nối ngôi của Diệm và sẽ tìm cách thống nhất hai miền Nam-Bắc VN xuyên qua giải pháp trung lập.
Ý thức rằng sinh mạng những người cùng nhóm sẽ hy sinh nếu âm mưu lộ ra, Khương nói rằng có 4 tướng lãnh VNCH và ít nhất 6 Đại tá tham dự. Một phần danh sách là: Tướng Dương Văn Minh, Tướng Lê Văn Nghiêm, Tướng Lê Văn Kim, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu (Tư Lệnh Sư Đoàn 5), Đại Tá Phạm Văn Đổng (Tổng Thanh Tra Vùng 3 Chiến Thuật), và Đại Tá Khương.
Khương muốn tìm bảo đảm để phía Hoa Kỳ sẽ công nhận và hỗ trợ nhóm âm mưu đảo chánh này. Nếu kế hoạch đảo chánh không chấp nhận được, giải pháp thay thế sẽ là thiết lập một đài phát thanh tại một quốc gia Châu Á thân Mỹ, như Thái Lan, Đại Hàn, Philippines, từ đó một phong trào chống chính phủ Diệm có thể được tiến hành.
Ghi chú: Nguồn tin trong quá khứ hoàn toàn khả tín và có năng lực cao. Nguồn tin này ngạc nhiên khi được chọn làm người liên lạc [giữa nhóm đảo chánh và chính phủ Mỹ]; tuy nhiên, người này giỏi tiếng Pháp, có thể tiếp cận được mà khó bị lộ [vì mật vụ theo dõi], và vì người này tiếp cận với các viên chức Mỹ cao cấp --- đó là các lý do có thể là hợp lý. Phòng CAS (tình báo Mỹ ở Sài Gòn) nói rằng Đại Tá Khương có liên hệ làm việc với nhiều nhóm đảo chánh trước kia.
Ngày 23/10/1963. 5 p.m. Từ Tòa Đại sứ gửi về BNG. Ký tên Lodge. Xin chuyển trực tiếp lên Tổng Thống Kennedy. Bản báo cáo hàng tuần, trong tuần lễ kết thúc vào Thứ Tư 23/10/1963.
Câu hỏi 1: Chúng ta đang thắng hay thua trong cuộc chiến hàng ngày với Việt Cộng?
Trả lời: A. Có vẻ như không có thay đổi lớn nào trong tuần qua nơi các chiến sự hàng ngày. Nhưng trả lời cặn kẽ câu hỏi này cần phải làm bản đối chiếu đa diện và thường là mâu thuẫn trên các sự kiện quân sự, chính trị, xã hội và kinh tế --- mà bất kỳ phương diện nào trong đó cũng có thể được dùng để chứng minh gần như bất cứ chuyện gì.
B. Để làm bản đối chiếu được/mất, chữ "chiến thắng" trước tiên cần định nghĩa. Làm sao chúng at biết khi chúng ta đã thắng? Định nghĩa của tôi là: một tình trạng trong đó các số lượng lớn Việt Cộng ra đầu hàng (như đã xảy ra ở Mã Lai) và những Việt Cộng khác chỉ đơn giản là không hoạt động nữa. Rồi tất cả thành phần còn lại chỉ là bạo động rải rác mà lực lượng cảnh sát bình thường có thể đối phó.
C. Tình hình này sẽ tới được, khi, theo chữ của Mao Trạch Đông, sẽ không còn hồ nước bao dung nào mà cá [Việt Cộng] có thể bơi được. Trong tình hình người dân không còn yêu thích VC, dân không muốn thấy VC gần họ, dân không cho VC thực phẩm hay thông tin nữa.
D. Người dân sẽ cảm thấy như thế, ban đầu, bởi vì nông dân cảm thấy an toàn và không bị bắn vào người; và rồi bởi vì chính phủ không đàn áp dân với thuế nặng và lao động cưỡng bách; bởi vì người dân kiếm sống no đủ; bởi vì người dân nghĩ rằng ấp chiến lược của họ là nơi tốt để sống, với đủ thực phẩm, với một ngôi trường, với một y viện, với những khởi đầu của nền dân chủ địa phương; bởi vì người dân có thể học cách kiểm soát chuột và sâu rầy và cách nuôi heo; bởi vì người dân câu cá tốt hơn.
E. Các yếu tố ưu thắng để mang các diễn tiến trên tới là:
F. Đầu tiên và trước nhất là công tác của quân nhân Mỹ và Việt không chỉ là hy vọng cho chiến thắng tương lai, nhưng là hôm nay phải là một trở ngại khổng lồ đối với toàn bộ những nơi Việt Cộng đang xâm chiếm. Kết quả này đang đạt được ở mức thiệt hại ít hơn nhiều so với trường hợp nếu chúng ta hoạt động đơn độc, kiểu như người Pháp đã làm trước kia. Chúng ta cũng đang làm nhiều chương trình kinh tế và xã hội dài hạn, mà sẽ có giá trị lâu dài. Khái niệm ấp chiến lược cũng có tính xây dựng. Trong khi nhiều ấp kém tiêu chuẩn, đã có một số ấp rất tốt về mọi tiêu chuẩn, tức là, chúng không chỉ là các trại vũ trang nhỏ, nơi người dân được cơ hội để tự vệ, nhưng là các cộng đồng chân thực nơi xây dựng con người toàn diện và cũng sẽ là nguồn nương tựa được cho các yểm trợ quân sự từ ngoài. Phó Tổng Thống Thơ nói chỉ có khoảng 15 tới 20 ấp chiến lược toàn diện là tốt trong vùng phía Nam Sài Gòn. Chúng ta hãy hy vọng như thế là thấp. Cuối cùng, cũng có thể nói rằng lúa gạo từ nông thôn đang đưa vào thành thị đều đặn.
G. Những yếu tố bất lợi:
H. Sau cùng, là nỗ lực bình định, không thể xem là thành công, khi nào người ta không có thể lái xe đi nhiều nơi trong lãnh thổ VN như đã có thể lái xe đi hồi 2 năm về trước, và bây giờ thì tiếng súng vẫn còn có thể nghe rõ từ Sài Gòn. Rồi thì, không có chuyện ra đầu hàng tập thể; ngược lại, Việt Cộng luôn luôn tăng cường sức mạnh, và sự kiện là, được ước tín là đông hơn hồi 2 năm về trước, cho dù thường được nói là có 24,000 Việt Cộng bị hạ sát trong thời kỳ đó. Lòng căm thù chính phủ Diệm tiếp tục thúc đẩy thanh niên gia nhập Việt Cộng. Và lòng căm thù này chắc chắn là có ảnh hưởng tai hại tới quân đội VNCH. Thực tế, đã có dấu hiệu hiện cho thấy có sự suy yếu trong quân đội VNCH về sức mạnh, nhiệt tâm và hoạt động. Các tin đồn kiểu như các tướng lãnh được mua chuộc bằng tiền và xe sang trọng, phần nhiều thấy có chứng cớ như thế, là khả tín. Sau cùng, bản phúc trình của Tiểu Ban Miền Tây trong Ủy Ban về Cải Cách Các Tỉnh (Delta Subcommittee of the Committee on Province Rehabilitation), trong đó bao gồm các đại diện của các cơ quan MAAG, MACV, USOM, USIS, CAS, và Tòa Đại Sứ, ghi ngày 14/10/1963, cụ thể ghi rằng : tình hình Miền Tây Nam Bộ nghiêm trọng; điều đó gây ra nỗi lo ngại; rằng trong khi phía chúng ta tài nguyên quân dụng phong phú, lại không có tiến bộ nào hài lòng, nhưng chính là phía Việt Cộng đang thắng thế.
I. Do vậy, nếu không có thay đổi chính phủ, có vẻ như rằng lòng căm thù chính phủ sẽ tăng. Thêm nữa, việc kiểm soát chính trị đương hữu với các phối trí quân sự, điều này ngăn cản việc tận dụng tối đa quân lực VNCH, sẽ còn thấy tiếp diễn nữa. Do vậy, khi nói về chuyện đánh bại Việt Cộng, thời gian không đứng về phía chúng ta, khi nào chính phủ còn do Cố vấn Nhu chỉ huy trong cách mà Nhu đang làm hiện nay.
J. Tất cả những chuyện này có thể thay đổi nhanh chóng. Nhưng tình hình hiện nay buộc tôi phải nói rằng trong cuộc chiến với VC, chúng ta ngay lúc này không làm gì nhiều hơn là lo phòng thủ.
K. Chúng ta đã làm và đang làm những việc lớn lao tại VN, và đang thay đổi đất nước này, một cách căn bản là tốt hơn. Nơi tuyến đầu là sự lãnh đạo thông minh, can đảm và quên mình của quân lực Hoa Kỳ, rất là quả quyết và thực dụng, và là nằm trong truyền thống Hoa Kỳ xuất sắc nhất. Như công tác xã hội và kinh tế xuất sắc của USOM. Chúng ta, bởi tất cả những phương tiện này, đang đưa ra một công cụ mà nếu chính phủ VN sử dụng chính đáng thì sẽ mang tới chiến thắng. Nhưng hiện nay, quan tâm chủ yếu của chính phủ VN là bảo vệ cơ cấu quyền lực nội bộ như dường lớn hơn là quan tâm về tìm chiến thắng đối với Việt Cộng. Và Việt Cộng đang phát triển mạnh hơn.
Câu hỏi 2: Chính phủ VN đáp ứng thế nào về 3 phương diện cần cải thiện trong (a) chiến sự đối với VC, (b) củng cố chính trị nội bộ và (c) hành động ảnh hưởng quan hệ với người dân và chính phủ Hoa Kỳ?
Trả Lời: A. Về trường hợp (a), Tướng Harkins báo cáo rằng, không có trường hợp nào mà chính phủ VN chống lại các cải tiến đề nghị. Về (b) thì không có cải tiến nào trong chính trị nội bộ trong tuần qua. Chính phủ VN đã bố ráp an ninh rộng lớn, bắt các lãnh đạo sinh viên để ngăn ngừa biểu tình trong thời gian phái đoàn LHQ tới thăm giám sát. Tất cả chứng cớ tới giờ cho thấy có sự tập trung nỗ lực của chính phủ VN nhằm hù dọa các nhân chứng có thể bất lợi, và ngăn cản họ ra trước phái đoàn, và giữ cho phái đoàn bận rộn trên một chuyến đi lòng vòng ngắm cảnh. (LND: nguyên văn là "to keep delegation busy on a cook’s tour" -- theo tự điển collinsdictionary.com, chữ "cook's tour" theo văn phong Hoa Kỳ là dùng để giễu cợt, nghĩa là "any guided sightseeing or inspection tour [a humorous usage].") Quan tâm lớn về phái đoàn LHQ trong giới trí thức VN đi cùng với niềm tin phổ biến rằng chính phủ VN không cho phái đoàn tự do hoạt động. Chính phủ VN đã phản ứng mạnh mẽ chống lại phương pháp của tôi về phái đoàn LHQ để gặp nhà sư Trí Quang. Các tin đồn thêm nhiều về biểu tình sinh viên sẽ có, cũng như tin đồn về sẽ thêm tự thiêu trong khi phái đoàn tới thăm, và tin đồn sẽ thêm các trận tấn công từ chính phủ VN nhắm vào Tòa Đại Sứ Mỹ và Phòng Thông Tin Hoa Kỳ USIS.
B. Nhưng tôi tin chắc rằng hành động chúng ta theo chỉ thị cắt viện trợ kinh tế đang có hiệu quả. Một điểm này, Thuần nói với tôi là Diệm lo lắng, và Diệm bảo Thuần hỏi tôi [Lodge] hôm 19/10/1963 xem Washington có quyết định nào về nhập cảng hàng thương mại chưa. Rồi thì, các nhà quan sát kinh nghiệm tin rằng hành động chúng ta đang tạo ra một tình thế dễ dàng cho một cuộc đảo chánh. Mặc dù tôi chưa thấy có ai trông có vẻ như muốn thực hiện mấy chuyện này, Tướng Đôn nói rằng Đôn có ấn tượng về chuyện ngưng nhập cảng thương mại và nói hành động của chúng ta đối với Đại Tá Tung là "một trong những điều tốt nhất" mà chúng ta đã làm. (xem Ghi chú của Điện văn)
C. Dù tôi không thể chứng minh, tôi tin hành động của chúng ta đang làm Diệm-Nhu cẩn thận hơn về các biện pháp đàn áp, ít nhất là không lộ liễu. Tôi cũng tin hành động chúng ta theo chỉ thị trên là lần đầu tiên Hoa Kỳ áp lực buộc chính phủ VN phải có trách nhiệm đạo đức, mà chắc chắn là chính phủ VN sẽ sụp đổ nếu không nhờ chúng ta. Điều này được hiểu, được biết ơn và được gây ra chú ý.
D. Suy nghĩ của tôi bây giờ là chúng ta nên tiếp tục với việc treo viện trợ kinh tế ít nhất là cho tới khi bà Nhu hoàn tất chuyến đi hải ngoại, và ít nhất cho tới khi chính phủ VN nhúng sâu vào quỹ dự trữ ngoại hối. Chúng ta nên ngừng lại vào thời điểm cơ nguy xảy ra khủng hoảng kinh tế, điều có thể dẫn tới một cuộc bùng phát của người dân.
--- Ghi chú: Theo điện văn 1896 của CIA gửi ngày 23/10/1963 từ Sài Gòn, Tướng Đôn liên lạc với Conein vào ngày 23/10/1963 để thông báo rằng ủy ban đảo chánh của các tướng dự định lợi dụng sự hiện diện các đơn vị tại Sài Gòn trong ngày lễ 26/10 để sẽ đảo chánh trong tuần lễ này. Đôn lo ngại về cuộc nói chuyện Đôn nói với Harkins ngày 22/10/1963. Harkins đã tỏ ý bất đồng với kế hoạch các tướng bởi vì một thành viên trong văn phòng Đôn, là Đại tá Khương, đã liên lạc với một sĩ quan Hoa Kỳ ở MACV và hỏi xin yểm trợ đảo chánh và xin công nhận chính phủ mới. Harkins trước đó đã nói với Đôn rằng lúc này không nên đảo chánh vì cuộc chiến chống VC đang diễn tiến tốt đẹp. Làm cho tình hình tệ thêm, Đôn nói rằng TT Diệm đã nhắc đến cách tiếp cận của Khương và đã cho nới xa thêm nhiệm vụ của 2 sư đoàn bên ngoài khu vực Sài Gòn. Các lãnh tụ đảo chánh đã lên kế hoạch dựa vào các đơn vị này yểm trợ cho cuộc đảo chánh ở Sài Gòn. Đôn đã rầy Khương, và nói với Conein rằng Khương sẽ bị ủy ban đảo chánh kỷ luật. Conein yêu cầu Đôn đưa ra chứng cớ rằng có một ủy ban đảo chánh đang hiện hữu. Đôn hứa sẽ đưa xem kế hoạch về sắp xếp nhân sự chính trị cho Đại sứ Lodge xem vào ngày 24/10/1963. Cuộc nói chuyện giữa Đôn và Harkins là ngày 22/10/1963, trong một bữa tiệc ở Tòa Đại sứ Anh quốc; cũng tại nơi này là buổi gặp giữa Conein và Đôn vào ngày 23/10/1963.
.
Ngày 23/10/1963. 7 p.m. Tòa Đại sứ gửi về BNG. Ký tên Lodge.
1. Theo phương pháp đã định, Richard Stilwell và (xóa vài chữ) tới gặp Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt VN, tại bản doanh của Tung ở Sài Gòn vào chiều ngày 21/10/1963. Gần như suốt buổi họp, Thiếu Tá Lê Quang Triệu, em trai của Tung và là Chánh Văn Phòng Lực Lượng Đặc Biệt VN, đều có mặt. Mục đích buổi họp giải thích cho Tung là gần như cách đã nói với Bộ Trưởng Thuần. Tung nói là không biết gì về buổi tiếp cận trước đó với Bộ Trưởng Thuần và cũng không biết gì về lá thư nói về đề tài này mà Tướng Harkins đã gửi tới TT Diệm.
2. Đại Tá Tung phản ứng mạnh về điều nói rằng LLĐB sẽ không còn được Mỹ tài trợ trừ phi đưa về sự kiểm soát trực tiếp và hiệu quả của Bộ Tổng Tham Mưu. Tung nói LLĐB hiện nay đã nằm dưới sự kiểm soát đó và rằng Tung đang làm việc dưới kiểm soát của Bộ Tổng Tham Mưu về tất cả những chuyển động của tất cả các đại đội của Tung. Điều đó được chỉ ra là chưa như ý được; rằng chính phủ Mỹ muốn có sự hợp nhất quyền lực để LLĐB nằm dưới kiểm soát trực tiếp của Bộ Tổng Tham Mưu nhằm tăng tối đa hiệu quả cho cuộc chiến. Có một chút gay gắt, Đại Tá Tung nói rằng trong khi có một số chức năng tình báo của các chiến binh mà Tung báo cáo trực tiếp lên Tổng Thống Diệm và Cố vấn Nhu, còn thì tất cả việc khác của LLĐB của Tung là nằm dưới lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu.
3. Đại Tá Tung hỏi là cùng sự kiểm soát này có áp dụng cho đơn vị dân sự chiến đấu Nhảy Toán (Airborne Ranger) hay là các đại đội Dân Vệ (xóa vài chữ). Tung nói cần phân biệt giữa các lực lượng quân sự và dân quân, rằng trong khi lực lượng dân quân nằm dưới sự kiểm soát tổng quát của Bộ Tổng Tham Mưu, chúng được dùng trong một cách linh động hơn như đã được đồng ý (xóa vài chữ) từ thuở ban đầu.
4. (Xóa vài chữ) lập lại rằng các đại đội dân sự Nhảy Toán không có thể được yểm trợ trừ phi là đưa về sự kiểm soát của Bộ Tổng Tham Mưu. Nổi giận, Tung trả lời rằng nếu (xóa một dòng) thì Tung sẽ giải tán các đại đội này. Khi được hỏi là Tung có thể làm như tự quyền Tung hay không, Tung thú nhận rằng Tung sẽ phải xin lệnh từ TT Diệm để làm như thế. Tung được hỏi là Tung có muốn giải thể các đơn vị dân sự Nhảy Toán thay vì đưa vào sự kiểm soát của Quân Lực VNCH. Tướng Stilwell nói rằng trong chương trình MAP (Management Assistance Program - Quản lý Viện trợ) vẫn còn chỗ cho thêm 3 đại đội Lực Lượng Đặc Biệt và có thể những đại đội dân sự Nhảy Toán này có thể được chuyển thành các đơn vị quân lực VNCH. Thái độ dịu lại, Đại Tá Tung nói rằng có thể tuyển vào quân lực VNCH nếu các dân sự tác chiến kia đồng ý. Tung cũng nói rằng các đại đội dân sự tác chiến cũng như các đại đội Biệt Kích của quân lực VNCH đều nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Tổng Tham Mưu.
5. Sau một hồi nói chuyện thêm, Tung được nhắc rằng Tướng Stilwell và (xóa vài chữ) làm việc theo chỉ thị của chính phủ Mỹ, rằng nếu có sự ngộ nhận nào về quyền kiểm soát các đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt, thì đó là chuyện Tổng Thống Diệm nên nói với Đại sứ Lodge. Điều này sau đó được lặp lại, và hẳn là Tung hiểu là đưa về để Bộ Tổng Tham Mưu kiểm soát không phải chuyện để thương lượng.
6. Tung cũng được nói rằng tài trợ cho các đơn vị thám báo rừng núi (mountain scout) và biên phòng (border surveillance) đã chuyển giao (xóa bỏ một dòng) sang cho MACV. Tướng Stilwell nói rằng, do vậy, tiền lương sẽ thực hiện xuyên qua cơ chế MACV/Lực Lượng Đặc Biệt và rằng ông sẽ sắp xếp một buổi họpc hung giữa nhân viên của ông và nhânv iên của Đại Tá Tung. Tung có vẻ chấp nhận điều này một cách hài lòng.
7. Tiền lương cho các dân sự Nhảy Toán (civilian Airborne Rangers) bây giờ sẽ ngưng cho tới khi có chứng cớ cho thấy họ nằm trong sự kiểm soát của Bộ Tổng Tham Mưu.
.
Ngày 23/10/1963. Ghi nhận [của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ]. Trong điện văn CIA gửi từ Sài Gòn ngày 23/10/1963, Đại sứ Lodge báo cáo rằng ông trước đó đã nói với Harkins vào buổi chiều ngày 23/10 về thái độ của chính phủ Hoa Kỳ đối với chuyện đảo chánh chống lại TT Diệm. Harkins xác nhận rằng trong cuộc nói chuyện của Harkins với Tướng Đôn vào ngày 22/10/1963 ông đã cảnh giác Đôn về cách Đại Tá Khương tới gặp một sĩ quan trong đơn vị MACV của ông. Theo Lodge, Harkins nói rằng mục đích Harkins cảnh giác Đôn là để tránh các sĩ quan VNCH tìm tới nói chuyện với các sĩ quan Mỹ về vấn đề chính trị. Lodge nói rằng Lodge nhắc Harkins về hướng dẫn do Washington đưa ra về chuyện đảo chánh. Harkins trả lời, theo Lodge, rằng Harkins hiểu bản hướng dẫn rằng Hoa Kỳ không muốn khuyến khích bất kỳ cuộc đảo chánh nào. Lodge trả lời như sau: "Tôi giải thích rằng trong khi sự thật là, chính phủ Mỹ không muốn kích động ra một cuộc đảo chánh, chúng ta có chỉ thị từ các cấp cao nhất là, không ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào về thay đổi chính phủ, mà sự thay đổi này hứa hẹn sẽ tăng tính hiệu quả trong nỗ lực chiến tranh, bảo đảm sự ủng hộ của quần chúng để đi tới chiến thắng trong cuộc chiến, và cải thiện quan hệ làm việc với Hoa Kỳ... Tướng Harkins bày tỏ hối tiếc nếu ông trước đó đã vô ý làm hỗn loạn bất kỳ sự sắp xếp tinh tế nào đang diễn tiến và thêm rằng ông sẽ thông báo Thướng Đôn rằng lời ông nói hôm 22/10/1963 không hề là quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ."
Tướng Đôn quan ngại về các dấu hiệu dị biệt về kế hoạch đảo chánh mà Đôn nhận được từ Harkins và Conein. Đôn đã thu xếp gặp Conein vào đêm 23/10/1963 và trong cuộc thảo luận đã bày tỏ nỗi lo của Đôn với Conein. Đôn nói rằng lời nói của Harkins bài bác về cuộc đảo chánh trong buổi nói chuyện ngày 22/10/1963 như dường trái nghịch với ước muốn của Conein cần biết thêm về kế hoạch của ủy ban đảo chánh. Conein bảo đảm với Đôn rằng lời nói của Harkins chỉ là vô ý và thực sự là trái nghịch với bản hướng dẫn từ Tổng Thống Kennedy gửi từ Washington. Conein hỏi một lần nữa về kế hoạch chi tiết của cuộc đảo chánh.
Ngày 24/10/1963. Tổng Thống Diệm mởi hai vợ chồng Đại sứ Lodge thăm Đà Lạt, để sẽ cùng ngụ ở tư dinh của TT Diệm ngày Chủ Nhật 27/10/1963. Lodge hài lòng nhận lời. Conein gặp Đôn vào buổi sáng, Đôn nói cuộc đảo chánh sẽ trước ngày 2/11/1963 và hứa sẽ gặp Conein sau đó trong ngày để cho biết chi tiết kế hoạch đảo chánh. Vào đêm, Đôn nói với Conein rằng ủy ban đảo chánh bỏ phiếu, quyết định không tiết lộ kế hoạch vì cần giữ bí mật. Nhưng Đôn hứa sẽ cho Conein xem kế hoạch đảo chánh để cho Lodge biết hai ngày trước khi đảo chánh. Phái đoàn LHQ tìm hiểu sự kiện tới Sài Gòn, bắt đầu điều tra.
.
Ngày 24/10/1963. Gửi từ Sài Gòn. Điện văn từ CIA Sài Gòn gửi về trung ương. Bản sao gửi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Bản gốc không ghi giờ gửi đi, nhưng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận lúc 3:23 a.m. giờ sáng.
Tin khả vấn 1.
1. Một nguồn tin rất tin cậy đã báo cáo sẽ có đảo chánh được chỉ huy bởi Trung Tá Phạm Ngọc Thảo. Dự định kế hoạch đảo chánh ban đầu là 13:00 giờ trưa ngày 24/10/1963, nhưng Thiếu Tá Nguyễn Văn Tư, Tư Lệnh Trung Đoàn 8, người chỉ huy 5 tiểu đoàn tác chiến không thể tìm được phương tiện di chuyển, và bây giờ đang sử dụng xe vận tải và xe buýt. Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do Ngô Quang Trưởng chỉ huy tại Sài Gòn sẽ tham dự nhưng không có đạn, bây giờ đang được cung cấp đạn. Mục tiêu là tấn công Dinh Gia Long để lật đổ TT Diệm. Đại Tá Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, và Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5, hứa sẽ trung lập. Khang cho biết có thể sẽ ủng hộ đảo chánh sau. Trong trường hợp đợt tấn công ban đầu thất bại, các quân nhân sẽ lui lại. Không Quân do Trung Tấ Nguyễn Cao Kỳ sẽ dội bom Dinh Gia Long sau đợt chiến binh tấn công kế tiếp. Luật sư Nguyễn Hữu Dương (LND: Nguyen Huu Duong = có thể là Nguyễn Hữu Đường?) sẽ nắm Bộ Công Dân Vụ, Bộ Thông Tin và đài phát thanh Radio Vietnam (Đài Phát Thanh Việt Nam?) với 500 sinh viên cùng với một phần trong lực lượng của Tư. Sau đợt tấn công đầu tiên, nhóm đảo chánh sẽ phát thanh từ đài Radio Vietnam hay là từ đài phát thanh phụ tại Bộ Công Dân, nếu cần thiết.
2. Nguồn tin (tức là, người cho tin về CIA Sài Gòn) đang làm việc một cách không vui với Dương và lo sợ sự chuẩn bị chưa đầy đủ và đảo chánh có thể sẽ tan vỡ. (xem Ghi chú cuối điện văn)
3. Cơ quan CIA Sài Gòn tin rằng lực lượng như trên không đủ để [đảo chánh] thành công nhưng có thể khởi động thêm các đơn vị khác. Cũng có thể rằng, nguồn tin không biết đầy đủ về các đơn vị quân sự tham gia đảo chánh trong khu nguồn này nói là không có thiết giáp tham dự, trong khi Thảo và Huỳnh Văn Lang đã từng nói thiết giáp sẽ là chủ lực trong kế hoạch đảo chánh của họ.
4. Đại sứ Lodge đã được thông báo.
--- Ghi chú. Trong Tin khả vấn 2 gửi từ Sài Gòn, cơ quan [CIA Sài Gòn] báo cáo rằng cơ quan trước đó đã liên lạc với Phạm Ngọc Thảo lúc 3 giờ chiều giờ địa phương tại nhà Thảo. Thảo nói không biết gì về cuộc đảo chánh dự định cho ngày hôm đó hay cho vài ngày kế tiếp. Trong Tin khả vấn 3, cơ quan báo cáo rằng Nguyễn Cao Kỳ vẫn còn đang uống bia với các sĩ quan Hoa Kỳ vào lúc 3 giờ chiều giờ địa phương của ngày 24/10/1963. Các diễn tiến này và các kiểm chứng khác từ cơ quan CIA Station đưa ra kết luận trong Tin khả vấn 4 gửi từ Sài Gòn, cho biết hoặc là bản báo cáo ban đầu về cuộc đảo chánh là sai, hoặc là cuộc đảo chánh được được hoãn hay hủy bỏ.
.
Ngày 24/10/1963. Viết từ Washington. Điện văn từ Bundy (Phụ tá Đặc biệt của Tổng Thống về An Ninh Quốc Gia) gửi Lodge (Đại sứ Hoa Kỳ tại VN) và Harkins (Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại VN, MACV).
[LND: Hai điện văn chưa giải mật] và điện văn Tin khả vấn ông mới gửi vừa qua được xem như ở mức độ cao nhất. Chúng tôi muốn tái xác nhận về các chỉ thị. Chuyện liên lạc giữa Đôn và Conein làm cho chúng tôi quan tâm. Chuyện Đôn nhắc (1) về một chỉ thị của Tổng Thống Diệm và về một buổi gặp gỡ sẽ thu xếp với Đại sứ Lodge, mà [buổi gặp đó] không có cơ sở gì hết, (2) về việc thiếu thông tin về sự hỗ trợ thực sự của Đôn, và (3) về việc thiếu chứng cớ rằng khả năng thực sự cho hành động [đảo chánh] đã được khai triển, tất cả làm cho chúng tôi thắc mắc, có phải là đang có cơ nguy Nhu đang giăng bẫy xuyên qua việc Đôn tìm tới Conein.
Chúng tôi thắc mắc rằng có khôn ngoan hay không nếu Conein tiếp tục nói chuyện với Đôn, bởi vì không chỉ là cơ nguy phá hủy sự hữu dụng của ông ta [Conein], nhưng cũng có thể lôi kéo ông [Lodge] và Tướng Harkins vào trong một vận hành rồi sẽ khó mà chối [LND: chối là không liên hệ tới đảo chánh]. Có thể thu xếp một hệ thống liên lạc an toàn hơn với Tướng Đôn và với người khác trong quân đội VNCH, có lẽ là xuyên qua những đại diện khác. Chúng tôi cảm thấy mạnh mẽ rằng ông [Lodge] và Tướng Harkins nên đứng rời ra khỏi bất kỳ liên hệ không thiết yếu nào trong vấn đề này. Phòng CAS sẽ có những khuyến cáo kỹ thuật khác. Chúng tôi cũng khẩn cấp cần sự lượng định cá nhân của ông [Lodge] về tình trạng của Đôn, về nhóm mà Đôn đại diện và về bất cứ kế hoạch nào mà họ có thể có trong tương lai. Xem xét tất cả những yếu tố này, như dường khôn ngoan là giữ gìn kiểm soát chặt chẽ về các buổi gặp gỡ giữa Đôn và Conein.
.
Ngày 24/10/1963. 10:30 a.m. Tại Washington. Bản ghi nhớ về cuộc nói chuyện điện thoại giữa Harriman (Thứ Trưởng Ngoại Giao về chính trị) và Michael V. Forrestal (Hội Đồng An Ninh Quốc Gia).
(LND: Về cách xưng hô, các viên chức Bộ Ngoại Giao gọi W. Averell Harriman là Thống Đốc, cho dù Harriman đang giữ chức Thứ Trưởng Ngoại Giao. Vì Harriman từng là Thống Đốc bang New York từ 1/1/1955 tới 31/12/1958. Cú điện thoại này ban đầu là nói về Dân Biểu Clement J. Zablocki, người đã chỉ huy một phái đoàn nghiên cứu đặc biệt đi tới Đông Nam Á; phái đoàn gồm nhiều dân biểu trong Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, đi thăm các nước Lào, Mã Lai và Việt Nam các ngày 3 tới 19/10/1963. Trong phái đoàn có các Dân biểu Harris B. McDowell, Jr., Ronald Brooks Cameron, William T Murphy, William S. Broomfield, I Irving Whalley, Vernon W. Thomson, và Peter H.B. Frelinghuysen.)
.
Thống Đốc Harriman đã điện thoại cho Forrestal về Zablocki (Z). Forrestal (F) nói rằng Zablocki không được nghe gì về chính sách [mới của Hoa Kỳ đối với VN]. Forrestal nói chính sách Mỹ được công bố một ngày sau khi quyết định. Thống Đốc nói ông không biết gì về việc ghìm lại viện trợ đối với các đơn vị. Forrestal nói rằng việc đó chỉ thực hiện một ngày trước ngày hôm qua. Thống Đốc nói rằng chuyện đó chỉ lên báo chí một ngày trước hôm qua, nhưng chính sách đã thỏa thuận từ lâu rồi. Thống Đốc nói rằng ông không than phiền gì về các lệnh trước đó, nhưng ông phải có một đèn xanh để nói với ông ta một cách chính xác... Forrestal nói ông nghĩ rằng ông nên được cập nhật tin tức vì bây giờ ông ta đang ở Washington. Thống Đốc nói về bản tường trình mà Z sẽ đưa ra. Forrestal nói, ông hy vọng ông sẽ viết về cách mà cuộc chiến đang diễn tiến. Những chuyện khác thì tế nhị nhất. Tìm cách cải thiện các chính sách và nhân sự của chính phủ đó. Hy vọng ông ta sẽ không nói bất cứ thứ gì trong bản tường trình mà sẽ làm cho chuyện khó khăn hơn cho chúng ta. Một chuyện sẽ gây khó khăn đó là sẽ có một sự tẩy trắng cho chế độ [VN]. Forrestal nói rằng chuyện có thể dịu dàng chỉ ra cho Z thấy rằng Mỹ tạm ngưng viện trợ VN là điều đã được thực hiện từ hồi tháng 8/1963, khi ngừng chương trình nhập cảng hàng hóa; chuyện này chỉ mới công khai cho công chúng biết không trễ hơn ngày đầu của tháng 9/1963. Forrestal nghĩ rằng Z đã biết chuyện này trước khi ông bay đi.
Về các quân nhân, F. nói rằng đây lại là chuyện khác. Thống Đốc nói Z rất là lo lắng về chuyện cắt giảm viện trợ đối với quân nhân có thể ảnh hưởng tới nỗ lực chiến tranh. Thống Đốc nói, ông không biết là hôm nay ông có thể nói chuyện với Z hay không; vì hôm nay ông [Thống Đốc] sẽ có bữa ăn trưa, chiều thì buổi họp về chiến tranh, và rời thành phố vào buổi sáng. F hỏi rằng có thể ai đó sẽ làm chuyện đó [thay Harriman]. Thống Đốc nói có lẽ Roger có thể [thay ông để nói với Z] và ông nói ông sẽ nói với Roger chuyện này. Thống Đốc nói ông cũng lo ngại về việc làm của Harkins. Ông muốn nói với Forrestal và Bundy về chuyện này tuần sau. F nói rằng đang tìm cách gửi ra 2 thông điệp sáng nay. Thống Đốc nói, chúng ta nên sắp xếp ngay ngắn trước khi Lodge tới [thủ đô Washington].
--- Ghi chú. Vào ngày 22/10/1963. Robert J. McCloskey, Phó Giám Đốc Phòng Thông Tin, đọc đoạn văn sau với báo chí: "Chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo chính phủ VN rằng viện trợ Hoa Kỳ sẽ không còn cung cấp cho các phần tử trong Lực Lượng Đặc Biệt VN nào mà không hoạt động cho chiến sự, hay là không tham gia các chương trình huấn luyện liên hệ. Hành động [ngưng viện trợ] này là phù hợp với lời tuyên bố của Tổng Thống Kennedy vào ngày 12/9/1963 rằng 'Những gì giúp chiến thắng cuộc chiến, chúng ta sẽ yểm trợ. Những gì làm trở ngại cho nỗ lực chiến tranh, chúng ta sẽ chống lại."
.
Ngày 24/10/1963. 2:46 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi Taylor (Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân).
Ngày hôm qua, tôi [Harkins] nói chuyện với Bộ Trường Thuần về các đề tài đã có trong lá thư của ông [Taylor] gửi lên Tổng Thống Kennedy và đã hỏi Thuần rằng có tin gì lạ hay không. Thuần nói, Thuần sẽ báo cáo đều đặn khi có những gì thay đổi. Tôi gợi ý rằng tôi nên gặp trực tiếp Tổng Thống Diệm để thảo luận về một vài việc. Thuần đồng ý, nhưng nói là để tuần tới, bởi vì còn bận chuẩn bị tiếp đón phái đoàn LHQ và thực hiện ngày lễ lớn 26/10/1963. Tôi đang tiếp tục công việc tại các tỉnh Miền Tây. Sáng nay mới ở tỉnh Vĩnh Long, và cũng tới thăm Sư Đoàn 9.
Ngày hôm qua cũng tới thăm tỉnh tân lập Hậu Nghĩa, phía đông bắc Sài Gòn. Rất ấn tượng với Tỉnh Trưởng và nhóm cố vấn Hoa Kỳ. Họ có một thái độ tuyệt vời trong việc đối phó với một chiến khu cũ của VC. Nhìn càc viên chức trẻ làm việc sẽ tự động phấn chấn tinh thần tại nơi gần như ngày nào cũng có VC bắn phá.
Đề tài mới. Tôi vừa đọc điện văn CIA gửi từ Sài Gòn về Washington ngày 23/10/1963 (LND: trong điện văn đó, kể chuyện Đôn gặp Conein, nói về Khương, Harkins...). Và tôi có thảo luận với Đại sứ Lodge sau khi điện văn đó gửi đi. Lodge nói rằng cách tôi nói với Đôn đã can thiệp vào chỉ thị của Tổng Thống đối với các kế hoạch đảo chánh. Tôi không cảm thấy tôi có can thiệp gì. Trong hai tuần qua, có 2 sĩ quan khác trong các đơn vị cố vấn tại Sài Gòn đã được Khương tìm tới hỏi rằng Mỹ sẽ ủng hộ đảo chánh hay không. Khương không thảo luận chi tiết về bất k2y kế hoạch nào. Khi các sĩ quan Hoa Kỳ này tìm tôi để xin chỉ thị, tôi nói họ là hãy thông báo Đại Tá Khương rằng quân lực Mỹ có mặt ở VN để cố vấn và hỗ trợ người dân và chính phủ VN trong cuộc chiến chống chủ nghĩa CS và tình hình sẽ tốt nếu Đại Tá Khương hướng nỗ lực theo chiều hướng như thế. Tôi chưa bao giờ gặp Khương. Tôi đã gặp Đôn nhiều lần mới đây và không lần nào nghe Đôn nói với tôi về kế hoạch đảo chánh. Thực sự tất cả những gì tôi và Đôn nói chuyện là về tăng nỗ lực cuộc chiến, về các ý kiến đưa các lời khuyến cáo của ông [Lodge] tới TT Diệm, và về các đề mục mà tôi sẽ viết trong một lá thư khác gửi TT Diệm để tiếp tục khai triển các ý tưởng giúp cho cuộc chiến. Tôi đã nói với Đôn về chuyện Khương tới gặp 2 cố vấn Hoa Kỳ [để nói về đảo chánh]. Đôn ngạc nhiên và bảo tôi rằng Đôn nghĩ Đôn đã chận đứng mọi chuyện đó rồi. Mục đích của tôi trong chuyện này là có thể tránh để các cố vấn Hoa Kỳ không bị phân tâm về các chuyện không nằm trong nhiệm vụ của họ, và những chuyện chỉ làm họ chia trí trong các nỗ lực trong cương vị cố vấn.
Điện văn nêu trên là dấu hiệu đầu tiên đối với tôi từ khi ông tới thăm rằng các tướng lại bắt đầu tiến hành kế hoạch của họ. Mặc dù tôi không tìm cách ngăn cản đảo chánh, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn kỹ hơn vào các giải pháp đề nghị của nhóm này xem họ có nghĩ là họ sẽ có thể làm tăng hiệu quả của nỗ lực chiến tranh. Có quá nhiều nhóm đảo chánh đang gây ra các lời đồn ồn ào. Trừ phi các phần tử của tất cả được liên kết, tôi lo sợ sẽ có một nỗ lực liên tục làm gây rối bất kỳ sự kiểm soát nào trong một khoảng thời gian, và điều này với tôi sẽ can thiệp vào nỗ lực chiến tranh. Đại sứ đã xem [điện văn tôi đang viết này] rồi.
.
Ngày 24/10/1963. 6:55 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi Taylor (Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân).
Tướng Đôn yêu cầu gặp tôi (Harkins) lần nữa chiều nay. Đôn muốn thảo luận thêm về Đại Tá Khương. Tôi nói không có gì thảo luận thêm đâu. Tôi nói với Đôn rằng tôi sẽ không bàn chuyện đảo chánh gì, vì đó không phải chuyện tôi dính tới, dù là tôi có nghe nhiều tin đồn về các cuộc đảo chánh. Đôn đồng ý. Đôn nói, Đôn đã gửi Đại Tá Khương về Đà Lạt để nghỉ ngơi với gia đình Khương.
--- Trong điện văn ngày 25/10/1963 - 8:45 a.m., Tướng Taylor viết cho Harkins: "Việc ông không dính gì tới các cuộc thảo luận về đảo chánh là phải lẽ, và ông nên tiếp tục tránh bất kỳ liên hệ nào."
.
Ngày 25/10/1963. Ghi chú của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Theo một điện văn CIA từ Sài Gòn ngày 25/10/1963, Conein và Đôn gặp nhau vào ban đêm của ngày 24/10/1963. Đôn nói rằng Đôn bây giờ không thể trao cho Lodge xem kế hoạch của ủy ban đảo chánh về các sắp xếp chính trị như Đôn hứa trước đó. Bởi vì ủy ban đảo chánh chống lại việc tiết lộ, vì lý do an toàn, nhưng Đôn tiếp, ủy ban sẵn sàng cho Lodge xem kế hoạch tất cả kế hoạch, cả quân sự lẫn chính trị, 2 ngày trước khi cuộc đảo chánh xảy ra. Conein nhắc Đôn rằng chính phủ Mỹ không có thể cam kết với các lãnh tụ đảo chánh cho tới khi nghiên cứu về kế hoạch của họ chi tiết. Đôn trả lời rằng đảo chánh dự định không trễ hơn ngày 2/11/1963, và lần nữa cam kết sẽ thông báo biết trước 2 ngày. Đôn bảo đảm với Conein rằng chính phủ mới của VN sẽ là dân sự, sẽ là các tù nhân chính trị không-cộng-sản được cứu ra, sẽ cho phép bầu cử trung thực, và sẽ cho phép tự do tôn giáo hoàn toàn. Đôn nói, tân chính phủ sẽ ủng hộ Tây Phương, nhưng sẽ không phải là tay sai của Hoa Kỳ.
.
Ngày 25/10/1963. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Đại sứ Lodge gửi Bundy (Phụ tá Đặc biệt của TT Kennedy về An ninh Quốc gia).
Bây giờ thiếu các thông tin về kế hoạch đảo chánh của các tướng. Nhưng lời hứa của Tướng Đôn sẽ thông báo 2 ngày trước khi họ tiến hành đảo chánh sẽ làm sáng tỏ các nghi ngờ còn lại. Các viên chức tình báo đều dè dặt, cẩn trọng thực hiện chỉ thị của tôi. Đích thân tôi chấp thuận mỗi buổi họp giữa Tướng Đôn và Conein, và Conein là người thi hành lệnh của tôi trong mỗi trường hợp cụ thể. Tôi có cùng một quan tâm với ông [Bundy] về chuyện Conein liên lạc chuyện này, nhưng không tìm ai thay thế Conein lúc này được để liên lạc với các tướng. Trong khi đó, như ông biến, Conein là bạn có giao tình từ 18 năm qua với Tướng Đôn, và Đôn đã bày tỏ rất là do dự khi làm việc với ai khác. Tôi không tin là một người Mỹ nào khác có liên lạc gần với các tướng sẽ là có lợi. Tuy nhiên, chúng ta đang cứu xét tín khả thi của một kế hoạch để đưa thêm một viên chức ra làm liên lạc giữa Conein và Tướng Đôn chỉ để truyền thông qua lại. Viên chức này sẽ hoàn toàn không biết bất kỳ chi tiết nào về các hoạt động đảo chánh trước kia hay bầy giờ, và cũng sẽ chỉ như thế thôi. Về lời nhận định của Tướng Harkins đối với Tướng Đôn trong đó Đôn nói tới đề nghị gặp tôi [Lodge], điều này có thể là vì các tướng quan ngại về lập trường chúng ta. Nếu đây là một khiêu khích, chính phủ VN có thể dàn dựng bất kỳ những tương tự như thế. Tuy nhiên, vì cẩn trọng, tôi dĩ nhiên là từ chối gặp Tướng Đôn. Tôi cảm thấy chắc rằng sự do dự của các tướng về việc cung cấp cho Hoa Kỳ đầy đủ chi tiết về kế hoạch của họ lúc này, là vì họ tự thấy cần tự giữ an toàn, và vì họ cần bảo đảm rằng trong cộng đồng người Mỹ đông đúc ở Sài Gòn, kế hoạch [đảo chánh] của họ sẽ không bị tiết lộ sớm.
Chứng cớ tốt nhất đã có hiện nay đối với Tòa Đại sứ, mà tôi cho ông xem thì không đầy đủ như ông muốn, là Tướng Đôn và nhiều tướng khác liên hệ với Đôn thì nghiêm túc muốn đảo chánh. Tôi không tin đây là một cú khiêu khích của Ngô Đình Nhu, mặc dù chúng tôi sẽ tiếp tục lượng định kế hoạch kia ở mức có thể. [LND: Bundy nghi, có thể Tướng Đôn nói về đảo chánh là bẫy khiêu khích của Cố vấn Nhu gài thử ý Tòa Đại sứ Mỹ.] Trong trường hợp cú đảo chánh hủy bỏ, hay trong trường hợp Nhu dàn dựng kế khiêu khích, tôn tin liên hệ của chúng ta tới giờ xuyên qua Conein vẫn còn trong vòng có thể chối được. Phòng CAS đã toàn hảo sắp xếp để tôi có thể chối bỏ Conein bất kỳ lúc nào nếu vì lợi ích quốc gia Hoa Kỳ. Tôi hoan hỷ đọc thấy ông tái xác nhận chỉ thị. Rằng điều quan trọng là chúng at không ngăn cản một cú đảo chánh, mà chúng ta cũng không ở trong vị trí, nơi chúng ta không biết chuyện gì đang xảy ra.
Chúng ta sẽ không ngăn cản một cú đảo chánh vì hai lý do. Thứ nhất, như dường ít nhất rằng, chính phủ kế tiếp của VN [hậu đảo chánh] sẽ không vấp ngã nhiều như chính phủ hiện nay. Thứ nhì, sẽ cực kỳ kém khôn ngoan về dài han cho chúng ta khi tạt nước lạnh vào các nỗ lực đảo chánh, đặc biệt khi chúng mới ở giai đoạn ban đầu. Chúng ta sẽ nhớ rằng đây là cách duy nhất trong đó người dân VN có thể có cơ hội thay đổi chính phủ. Bất cứ khi nào chúng ta ngăn cản một cuộc đảo chánh, như chúng ta đã làm trong quá khứ, là chúng ta lại gây ra những hận thù kéo dài rất lâu, là chúng ta lại thủ vai trách nhiệm giữ những kẻ đương nhiệm trong chính phủ, và một cách tổng quát chúng ta lại tự đưa vào vị trí phán đoán những chuyện của VN. Ý định của Tướng Đôn về việc xóa bỏ kỳ thị tôn giáo trong chính phủ tương lai là đáng khen ngợi và tôi ca ngợi ước muốn của Đôn sẽ không làm "một tay sai" cho Hoa Kỳ. Nhưng tôi không nghĩ lời hứa của Đôn về một cuộc bầu cử dân chủ là thực tế. Đất nước này đơn giản là chưa sẵn sàng cho thủ tục đó. Tôi muốn thêm 2 điều kiện. Thứ nhất, rằng sẽ không có thanh trừng hàng loạt nhân sự trong chính phủ. Những cá nhân nào đáng bị trừng phạt thì có thể dùng tiến trình pháp lý đối phó về sau. Rồi tôi muốn đề nghị một nội các chính phủ bao dung một khối lớn. Điều này có thể là không thực dụng, nhưng tôi đang nghĩ về một chính phủ có thể sẽ có thêm nhà sư Trí Quang và chắc chắn là nên bao gồm những người như Bửu, lãnh tụ lao động.
.
Ngày 25/10/1963. 9:54 p.m. Từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gửi Tòa Đại sứ Mỹ ở VN. Ký tên Ball. Rất mực cần thiết là chính phủ VN nên tiếp đón phái đoàn LHQ trong cung cách sẽ bảo đàm rằng bản phúc trình họ viết, các cuộc thảo luận của LHQ và quyết định LHQ sẽ có lợi càng nhiều càng tốt cho chính phủ VNCH. Phương pháp này đối với phái đoàn nên là cho họ gặp tất cả những người họ muốn gặp. Cũng có nghĩa rằng chính phủ VN nên tránh nêu vấn đề với phái đoàn hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp mà [những vấn đề này] được xem như đưa thành viên phái đoàn LHQ đối phó với các vấn đề chính trị liên hệ VN như thống nhất 2 miền bằng bầu cử, trung lập hóa, vân vân. Trong khi phái đoàn LHQ đang có mặt ở VN, chính phủ VN nên có những bước như trả tự do cho các Phật Tử và sinh viên còn bị giam, mở lại tất cả các trường còn đóng cửa và họp Quốc Hội VNCH để gỡ bỏ Đạo Dụ 10.
Các lời tuyên bố chống Mỹ nói lên từ các quan chức VNCH (như Nhu) và các bài báo mạ lỵ Mỹ trong báo quốc doanh Times of Viet-Nam đang đầu độc bầu không khí giữa Mỹ và VN, và làm cho sự hợp tác giữa 2 chính phủ ngày cành khó duy trì. Điều này đặc biệt đúng trong sự kiện rằng chính phủ Mỹ cực kỳ cẩn trọng trong các tháng vừa qua để tránh các lời bình luận về chính phủ VN.
.
Ngày 26/10/1963. Viết từ Sài Gòn. Thư của Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi Đại sứ Lodge. Nội dung: Tôi ngày càng quan ngại về hoạt động của VC trên lãnh thổ Cam Bốt. Vũ khí nặng và phức tạp chế tạo từ Liên Xô và Trung Quốc đang nhiều hơn đưa vào Miền Tây và các nơi khác tại Nam VN. Mìn, lựu đạn và các chất nổ khác đang dùng trong chiến tranh ở Nam VN đầy những vật liệu mang vào VN từ Cam Bốt. Các cuộc thẩm vấn tù binh cho thấy nhiều chi tiết về các hoạt động và vận chuyển nhân sự VN qua lại giữa Cam Bốt và Nam VN. Ủy ban Quan sát ở Washington mới đây tái xác nhận tất cả chuyện này vào ngày 17/10/1963, nói rằng nhiều chứng cớ cho thấy rõ VC đang dùng lãnh thổ Cam Bốt như căn cứ cho các chiến dịch, nơi ẩn trú và hậu cần. Tôi cảm thấy cần nỗ lực mới để kiểm soát và có thể là hủy diệt các hoạt động của VC tại Cam Bốt là cần thiết. Điều này sẽ chận đứng nguồn xâm nhập và dẹp bỏ các căn cứ của VC tại Cam Bốt. Không làm như thế sẽ kéo dài cuộc chiến tại lãnh thổ VNCH. Tiếp theo, Harkins đề nghị nhiều hoạt động quân sự.
.
Ngày 26/10/1963. Lễ Quốc Khánh VNCH. TT Diệm duyệt binh trong cuộc diễn hành Lễ Quốc Khánh. Đại sứ Lodge và các viên chức ngoại giao khác tham dự trong buổi lễ. Cuộc đảo chánh của các tướng ban đầu là chọn ngày lễ này để thực hiện.
.
Ngày 27/10/1963. TT Diệm và Đại sứ Lodge gặp nhau. Như kế hoạch, Lodge thăm Đà Lạt với TT Diệm và nói chuyện trọn ngày, nhưng không có bao nhiêu kết quả. Diệm vẫn than phiền về Mỹ, và bất cứ khi nào Lodge hỏi rằng Diệm dự tính làm gì về các yêu cầu cụ thể của Mỹ, Diệm thay đổi đề tài. Có một lúc, Diệm yêu cầu Mỹ tiếp tục chương trình nhập cảng thương mại của viện trợ kinh tế. Lodge hỏi rằng Diệm sẽ làm gì đối với yêu cầu của Mỹ. Diệm lại đổi đề tài. Cảm giác của Lodge là, Hoa Kỳ không còn có thể làm việc với Diệm nữa. Tự thiêu tiếp tục. Nhà sư thứ 7 vừa tự thiêu.
.
Ngày 28/10/1963. 18 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Tòa Đại sứ Mỹ ở VN gửi về BNG Hoa Kỳ. Ký tên Lodge. Chỉ để Ngoại Trưởng Rusk đọc.
Hôm Thứ Hai 28/10/1963, sau buổi ăn trưa về năng lượng nguyên tử, Thuần nói với tôi [Lodge] về hôm tôi gặp TT Diệm, rằng Thuần đã thu xếp để Diệm gặp và nói chuyện với tôi. Thuần nói rằng Diệm trước đó đã cho nghiên cứu kỹ lưỡng về những bước họ có thể thực hiện nếu không có viện trợ của chúng ta, và tất cả đều kết luận rằng, không có viện trợ của chúng ta, họ không thể tiếp tục được. Tôi nói với Thuần rằng sau một cuộc nói chuyện dài dòng và không vui, trong đó không một ý tưởng cụ thể nào của tôi được chấp thuận, tôi cuối cùng mới hỏi Diệm là, nếu Diệm có thể nghĩ về một việc nào đó mà Diệm có thể thực hiện, mà Diệm sẽ sẵn lòng thực hiện và có thể tái trấn an được dư luận công chúng Mỹ. Diệm nói là không điều gì [Diệm muốn làm cả]. Khi Thuần hỏi rằng tôi muốn Diệm làm điều gì, tôi nói rằng tôi có thể trình bày bằng những việc như trả tự do cho các tù nhân (Phật Tử và sinh viên); mở cửa lại trường học; xóa bỏ các yếu tố kỳ thị tôn giáo trong Đạo Dụ 10; và không che giấu gì đối với Ủy ban Liên Hiệp Quốc, như thế để đưa VN ra ánh sáng tốt đẹp trước dư luận thế giới. Tôi nói xung khắc giữa VN và Hoa Kỳ có một phần lớn là quan hệ công chúng. Chúng ta là một chính phủ mà dư luận công chúng cực kỳ quan trọng. Tôi nhận thức rằng họ đã quen với một chính phủ độc tài toàn trị; dù vậy, hai chính phủ dị biệt như thế nên có thể làm việc chung với nhau về một số vấn đề cụ thể. Tôi đã hy vọng chúng ta có thể dìm các dị biệt một thời gian, đó là lý do vì sao tôi đã khuyên rằng ông bà Nhu nên vắng mặt trên chính trường một thời gian. Thuần lúc đó nói: Vâng, tôi phải nói rằng ông đã không đòi hỏi nhiều lắm. Thuần thêm: Dĩ nhiên, Tổng Thống Diệm phải cứu vãn thể diện. Tôi nói rằng không có ai, ngay cả là những người Mỹ, ưa thích bị đưa vào vị trí phải ủng hộ các hành vi độc tài toàn trị, mà hoàn toàn trái nghịch với cách chúng at suy nghĩ. Thuần hỏi tôi rằng Thuần có thể nói hay không với Diệm rằng nếu không có vài bước từ chính phủ VN để hòa giải với Phật Giáo, Thuần cảm thấy chắc rằng thái độ của người Mỹ sẽ cứng rắn hơn. Tôi nói rằng tôi muốn nói rằng, nếu không có vài bước hòa dịu của chính phủ VN, Thuần có thể thấy không thay đổi gì trong thái độ Hoa Kỳ hiện nay. Cuộc nói chuyện kết thúc, với Thuần nói rằng cuộc nói chuyện của tôi với TT Diệm chỉ "có lẽ là một khởi đầu."
.
Ngày 28/10/1963. 9 p.m. Viết từ Sài Gòn. Từ Tòa Đại sứ gửi về BNG. Ký tên Lodge. Nội dung: Báo cáo về ngày tôi [Lodge] đi với TT Diệm, Chủ Nhật 27/10/1963.
Chúng tôi rời Sài Gòn tới Phước Long, từ đây bay khoảng 20 phút bằng trực thăng tới đồn điền Dao Nghia Plantation Center, nơi đây chúng tôi ăn trưa. Rồi chúng tôi bay trên tỉnh Quảng Đúc để tới Đà Lạt. Diệm trông rất thoải mái, mô tả những công trình cải thiện làm được. Diệm liên tục nói, "Tôi đã làm cái này" và "Tôi đã làm cái kia". Diệm có vẻ quan tâm về nông nghiệp và về phát triển đất nước. Khi chúng tôi trên trực thăng, vì tiếng ồn, Diệm liên tục viết trên một xấp giấy lớn mô tả những gì chúng tôi đang nhìn thấy. Diệm rất là dễ được ưa chuộng. Người ta cảm thấy rằng Diệm là một người tốt, dễ mến, đang sống một cuộc đời tốt lành trong ánh sáng riêng của ông ta, nhưng cũng là người cảm thấy rằng Diệm là một người bị cắt đứt ra khỏi hiện tại, người cứ mãi sống trong quá khứ, người thực sự lạnh nhạt với dân chúng như thế và là người ngoan cố tới mức không thể tin nổi.
Sau khi rời Sài Gòn, TT Diệm nhắc sự kiện rằng có một lúc cơ quan UNESCO dự định xây một đại học khác tại VN. Điều này cho tôi cơ hội để nói về Ủy ban LHQ [đang ở VN tìm hiểu về vấn đề đán áp Phật Giáo]. Tôi hỏi Diệm rằng Diệm đã gặp phái đoàn LHQ chưa. Diệm nói rằng đã gặp. Tôi nói rằng tôi có biết rõ về 2 thành viên trong phái đoàn, và biết một thành viên khác một chút. Tôi tin chắc rằng có ít nhất một người trong phái đoàn LHQ sẽ yêu cầu tôi cho ông ta nói chuyện với nhà sư Trí Quang. Tôi nói rằng câu trả lời của tôi sẽ là tôi sẽ không cho bất kỳ ai gặp nhà sư Trí Quang mà không có yêu cầu của chính phủ VN, nhưng tôi mạnh mẽ khuyên Diệm rằng hãy cho phép họ gặp, vì như thế sẽ giúp VN trong diễn đàn LHQ nếu Ủy ban có thể nói rằng Diệm không hề ngăn cản họ gặp hay nói chuyện với bất kỳ ai mà họ muốn gặp. TT Diệm không nói gì, nhưng trông như là bị khiêu khích. Sau khi ngưng một chặp, Diệm nói rằng Diệm tin là tôi biết rằng nhà sư Trí Quang đã có liên lạc với thế giới bên ngoài và rằng nhà sư này đã ném một số giấy tờ từ cửa sổ ra ngoài đường phố. (LND: nhà sư Trí Quang lúc đó đang tỵ nạn trong Tòa Đại sứ Mỹ.) Tôi nói điều đó khó mà tin được, bởi vì không hề có cửa sổ nào trong căn phòng nhà sư Trí Quang đang ở, và ngay cả nếu nhà sư này đi dọc theo phòng triển lãm để tới phòng vệ sinh, thì nhà sư Trí Quang vẫn không gần đường phố tí nào.
Sau một bữa ăn tối kiểu Việt Nam thượng hạng, Diệm đột nhiên ngưng nói về các sự kiện quá khứ và nói, trong một giọng khá là kiêu căng, rằng Diệm muốn biết là chúng ta [chính phủ Mỹ] có sẽ tạm treo các khoản viện trợ nhập cảng thương mại, hay là chúng ta sẽ ngừng lại. Diệm nói trong kiểu như dường là một chuyện lạnh nhạt với Diệm. Tôi mới đem vấn đề ra nói. Tôi nói là tôi không biết, nhưng hỏi rằng Diệm có ý định làm gì nếu chính sách của chúng ta thay đổi. Rằng Diệm sẽ mở cửa trường học lại không, rằng Diệm sẽ trả tự do cho các Phật Tử và các sinh viên còn trong tù hay không, rằng Diệm có muốn xóa bỏ các đặc tính kỳ thị tôn giáo trong Đạo Dụ 10 hay không? Diệm nói rằng các trường học đang từ từ mở cửa lại, rằng tất cả các trường ở Huế đều mở cửa lại rồi, rằng Phật Tử đang được thả ra tù, và rằng thay đổi Đạo Dụ 10 là chuyện rất phức tạp và sẽ tùy theo Quốc Hội mà Diệm không có thẩm quyền.
Tiếp theo, Diệm tấn công các hoạt động Hoa Kỳ tại VN. Diệm nói đặc biệt về một người Mỹ (xóa một vài chữ) mà người này đã nói với một số người trong chính phủ VN về lời hăm dọa ám sát tôi [Lodge] và rằng Hạm Đội 7 sẽ tới nếu chuyện như thế xảy ra. Diệm nói rằng các tài liệu Cộng sản cũng đã được tìm thấy trong đó có nói về một cú đảo chánh vào ngày 23 và 24/10/1963 và cũng liên hệ tới Hạm Đội 7 Hoa Kỳ. Diệm nói rằng câu chuyện ám sát đã khiến đầu tôi ngộ độc, rằng bất kỳ ai biết Diệm rõ đều biết rằng an toàn của tôi là quan tâm cốt tủy của Diệm. Tôi nói, tôi hoàn toàn tự tin rằng Diệm không muốn tôi bị ám sát, nhưng mấy tin đồn đó cứ liên tục đưa tới tôi. Tôi cũng chỉ ra rằng không có chuyện đảo chánh nào trong ngày 23 và 24/10/1963. Diệm nói rằng Mecklin, Giám Đốc USIS, đang in các truyền đơn chống chính phủ VN và trao các thiết bị cho những người đối lập của chính phủ VN để họ có thể in truyền đơn và rằng CIA đang ra sức chống chính phủ VN. Tôi nói hãy cho tôi chứng cớ các việc làm không chính đáng của bất kỳ nhân viên nào của chính phủ Mỹ và tôi sẽ buộc người đó rời VN. Lúc đó, Diệm mới nói rằng chúng ta phải tiến hành cuộc chiến chống CS.
Tôi nói, tôi đồng ý nhưng chúng ta phải xem xét dư luận dân Mỹ; chúng tôi muốn được xem như đối tác ngang hàng; chúng tôi không muốn VN là một vệ tinh của chúng tôi; chúng tôi cũng không muốn là vệ tinh của VN. Chúng tôi không muốn bị đưa vào vị trí cực kỳ xấu hổ khi phải nhắm mắt bỏ lơ các hành vi độc tài trái nghịch với truyền thống và lý tưởng của chúng tôi. Rồi lập lại mấy lần, tôi hỏi Diệm: Tổng Thống có ý định làm gì cho chúng tôi? Câu trà lời Diệm lặp lại nhiều lần là, hoặc ngó trống không, hoặc đổi đề tài, hoặc là nói câu tiếng Pháp: “je ne vais pas servir” (Tôi sẽ không phục vụ) mà câu này chẳng có nghĩa gì. Diệm hẳn là có ý muốn nói chữ “ceder” thay vì chữ “servir” như thế câu trên sẽ có nghĩa là “I will not give in” (Tôi sẽ không nhượng bộ). Diệm cảnh cáo rằng dân tộc VN là một dân tộc kỳ lạ và có thể làm những chuyện kỳ dị nếu họ nổi giận. Tôi nói rằng nhiều chuyện đã xảy ra và đã làm khó chúng tôi. Chúng tôi đọc báo thấy có chuyện các phóng viên bị đánh bầm dập (như đã xảy ra ngày 5/10/1963); rồi chuyện 2 nhà sư tự thiêu; chuyện trẻ em bị bắt đưa vào các nơi tập trung và chở đi bằng xe vận tải Hoa Kỳ. Diệm nói, các phóng viên không nên vào trung tâm các cuộc biểu tình, nơi họ có thể đoán là họ sẽ bị đánh. Tôi nói, Tổng Thống sẽ không tới nơi đâu được tại Hoa Kỳ bằng cách đánh đập các phóng viên. Diệm nói, Diệm sẽ không nhượng bộ. Tôi nói, ngài muốn chúng tôi làm điều gì cho ngài, nhưng ngài có thể làm gì cho chúng tôi? Chúng tôi là một chính phủ của dư luận quần chúng. Dư luận quần chúng rất là quan trọng tới nổi tôi nghĩ rằng nếu nghị quyết của Thượng nghị sĩ Church đưa ra bỏ phiếu thì sẽ có rất nhiều phiếu chống lại chính phủ VN. Tôi hài lòng rằng đã thu xếp được quyết định về viện trợ cho VN là tùy vào hành động của TT Diệm. Nhưng tự Tổng Thống không có thể kình chống lại dư luận công chúng hoàn toàn bất lợi như thế, và tai tiếng xấu từ VN có thể sẽ gây ra rất là khó khăn cho Tổng Thống [Diệm].
Diệm nói báo chí Mỹ đầy những lời nói dối. Rồi Diệm chuyển đề tài và nói về sự không thích nghi khi Hoa Kỳ cho phép cựu Đại sứ Trần Văn Chương (thân phụ bà Nhu) nói chuyện trước công chúng. Tôi nói, tại Hoa Kỳ, quyền tự do ngôn luận được tôn trọng và bất kỳ ai cũng có thể nói bất kỳ những gì họ muốn nói. Diệm nói có một cách hành xử là không nên để cho một cựu Đại sứ tấn công quê hương ông ta tại một quốc gia mà ông từng là Đại sứ. Điều đó là cái gì mà Việt Nam không thể tưởng tượng nổi. Rồi Diệm nói về Cố vấn Nhu, người mà Diệm nói là quá tốt và quá trầm lặng, rất hòa giải và rất thỏa hiệp. Tôi nói rằng tôi sẽ không tranh luận chuyện này, và có thể rằng ông Nhu đã bị đối xử bất công trên mặt báo thế giới, nhưng một sự kiện là một sự kiện, và sự kiện là ông Nhu và bà Nhu có tai tiếng cực kỳ xấu. Đó là lý do tại sao tôi khuyên nên có một thời gian cho cả 2 người im lặng. Điều vẫn còn rất khó cho tôi hiểu là tại sao bà Nhu cảm thấy bà phải nói quá nhiều. Diệm nói rằng bà Nhu có hơn 100 lời mời [nói chuyện]. Tôi nói, vâng, nhưng không phải lời mời từ chính phủ Mỹ. Diệm nói báo chí không in những gì bà Nhu nói, và rằng toàn bộ dàn hòa tấu những lời nói dối là từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tôi nói, chính phủ Mỹ không kiểm soát báo chí tại Mỹ, vì báo chí căn bản là thương mại và tự do. Khi có những gì nhạy cảm cho bản tin, báo Mỹ liền loan tin liền, vì nếu không thì sẽ không còn là tờ báo nữa. Tôi nói cách để ngưng tai tiếng là bà Nhu hãy ngưng nói. Diệm nói rằng cô trưởng nữ của Đại sứ Trần Văn Chương tại Washington đang "hành xử y hệt như một cô gái điếm" và rằng cô này "gây xì căng đan ở Georgetown" và "ngay cả nhảy lên chỉ trích các linh mục." Nghe thế, tôi không bình luận.
Tôi hơi ngạc nhiên khi Diệm nói về báo Times of Vietnam (mà tôi chưa nói tới) và nói rằng Diệm nhận ra rằng có lẽ báo này viết một chút không chính xác về sự ra đi của Rufus Phillips mà Diệm hiểu là dựa vào sự kiện thân phụ của Phillips bệnh. Tôi nói tôi không biết chắc là thân phụ của Phillips bệnh, nhưng tôi cũng nói rằng báo Times of Vietnam liên tục phỉ báng mạ lỵ chính phủ Mỹ, in những bản tin hoàn toàn sai sự thực, như bản tin về ngày hôm kia rằng [Tòa Đại sứ?] cho phép một phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ và Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara thăm nhà sư Trí Quang; không có chuyện nào như thế là đúng. Nhưng nơi đây, một lần nữa, Diệm không bao giờ thú nhận về lời tôi nói về các bản tin và bài viết sai sự thực của báo Times of Vietnam về chính phủ Mỹ.
Kết thúc cuộc nói chuyện, Diệm nói với một tiếng thở dài rằng Diệm nhận ra Diệm có một sai lầm lớn khi để một khoảng cách như thế ở Washington, nghĩa là nếu Diệm có một kiểu Đại sứ khác [không phải Đại sứ Chương], thì báo chí [Mỹ] và các chính khách [Mỹ] đã có thể được tuyên truyền để VN không phải bị dư luận bất lợi như thế. Khi thấy cuộc nói chuyện đã xong, tôi nói: Kính thưa Tổng Thống, tất cả những đề nghị tôi đã đưa ra, ngài đều bác bỏ. Thực sự ngài không thể làm một điều gì đó để gây dư luận thuận lợi cho chính phủ Hoa Kỳ sao. Và cũng y hệt như cách trả lời cũ, Diệm ngó tôi bằng cái nhìn trống không và đổi đề tài.
Mặc dù cuộc nói chuyện dông dài và không vui, giọng nói đều kềm chế và lịch sự. Tôi nghĩ rằng tôi đã thuyết phục được Diệm một điểm: rằng tình hình dư luận dân Mỹ rất là tệ hại từ điềm nhìn của Diệm. Đối với một người đã bị cắt lìa khỏi thực tế như Diệm, đó là điểm thấy được. Có lẽ cuộc nói chuyện sẽ cho Diệm vài điều suy nghĩ và có lẽ cuộc nói chuyện là bước khởi đầu. Nhưng nó không cho hy vọng là sẽ có gì thay đổi. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ nên quyết định những gì là hành động thích nghi từ chính phủ VN mà dựa vào đó để tiếp tục nhập cảng viện trợ thương mại. Thuần nghĩ rằng chúng ta sẽ nghe Diệm nói lần nữa.
--- Trong phần ghi chú của điện văn, có nói rằng trong khi tường trình về việc tự thiêu của một nhà sư ở vòng tròn phía trước Chợ Sài Gòn (LND: Saigon Market, có lẽ là Chợ Bến Thành), có 3 phóng viên Mỹ --- John Starkey và Grant Wolfhill của hãng tin NBC và David Halberstam của báo New York Times --- đã bị cảnh sát thường phục VN đánh bầm dập khi ngăn cản, không cho họ chụp hình cuộc tư thiêu ngày 5/10/1963.
.
Ngày 28/10/1963. Viết từ Washington. Bản ghi nhớ để lưu, của Tướng V.H. Krulak (Phụ tá Đặc biệt của Tổng Tham Mưu Trưởng về Chống Nổi Loạn và Hoạt Động Đặc Biệt - USMC). Nội dung: viếng thăm Dân biểu Liên bang Zablocki.
Theo chỉ thị của Tướng Taylor, tôi (Krulak) viếng thăm Dân biểu Liên bang Zablocki để nói về chuyến thăm VN của DB này. DB này nói quan điểm của ông sẽ được viết ra, nhưng trước khi viết bản báo cáo, ông sẽ hài lòng tóm tắt lại bằng lời nói, và tôi tóm tắt như sau.
DB Zablocki nói rằng phái đoàn dân cử của ông gồm nhiều người đã rời Hoa Kỳ với thành kiến rằng chế độ Diệm cần phải bị xóa xổ, trong khi nhiều người khác tới VN với tâm thức cởi mở. Tất cả về Mỹ, sau ba ngày rưỡi ở VN, với vài nhận định cụ thể rằng: Diệm -- với tất cả những sai lầm, độc tài, tham nhũng và bạo ác--- nhưng đang chiến thắng, bền vững. Hiện thời không thấy ai có thể thay thế Diệm, ít nhất là chưa có ai có thể bảo đảm có sự cải tiến, do vậy nếu Hoa Kỳ giúp những người âm mưu đảo chánh, như có vẻ như hồi tháng 8/1963, sẽ có hại. Các phóng viên Mỹ viết những khía cạnh tệ hại là nghề nghiệp của họ. Họ [phóng viên] giàu cảm xúc, kiêu căng, thiếu khách quan và thiếu thông tin. DB Zablocki ngờ vực về khả năng thành công của việc Hoa Kỳ ngưng viện trợ nhập cảng thương mại, điều mà ông lo sợ sẽ làm mất lòng tin từ người dân thường, lại làm tăng lạm phát và ảnh hưởng bất lợi cho cuộc chiến. Cùng lúc, DB Zablocki hoàn toàn đồng thuận với việc treo viện trợ đối với Lực Lượng Đặc Biệt VN. Zablocki có ấn tượng tốt với Đại sứ Lodge; tin rằng Lodge đang giải quyết công việc khó khăn nhất với sự chân thành, quyết tâm và kiên cường. Tương tự, Zablocki có ấn tượng tốt với Tướng Harkins và phương pháp năng động để chiến thắng cuộc chiến. Nhưng Zablocki nói bất lợi về Trueheart và Mecklin, vì khuynh hướng chủ bại và vì họ có thái độ chống TT Diệm, nhưng Zablocki không giải thích vì sao có lượng định như thế trong thời gian ở VN quá ngắn ngủi. Zablocki tin rằng tăng cường các chiến dịch quân sự chống lại quân Bắc VN là điều cốt tủy để dứt điểm sớm cuộc chiến; rằng các gợi ý ngưng bắn từ Hồ Chí Minh nên xem là dấu hiệu để có thêm áp lực nhắm vào ông Hồ.
Phái đoàn Zablocki đã tới thăm Miền Tây, và theo lời ông, thì có ấn tượng thuận lợi vì tinh thần và nhiệt tâm của quân lực Hoa Kỳ và VN nơi đó. Vài người đã nói với ông về các yếu kém chiến thuật của Tướng Cao (LND: có lẽ, nơi đây nói về tướng Huỳnh Văn Cao, không phải tướng Cao Văn Viên), mà Zablocki kể lại một cách chính xác. Zablocki cũng quan sát rằng trong khi chúng ta thiếu kiên nhẫn để thấy cuộc chiến ở Miền Tây kết thúc, thì không nên mất cái nhìn rằng cả quân Pháp lẫn quân lực VNCH cũng chưa bao giờ có thể hiện diện vững vàng ở Miền Tây Nam Bộ; rằng điều này thực sự là khó vậy. Cuối cuộc nói chuyện, trong đó hầu hết là Zablocki nói thì tôi ghi nhận rằng Zablocki không nhắc gì tới vấn đề Phật Giáo. Lúc đó Zablocki nói mô tả đó như một vấn đề chính trị, nói rằng thực ra tại Hoa Kỳ cũng có rất nhiều kỳ thị tôn giáo y hệt như ở Việt Nam, và so sánh số lượng các giáo dân Thiên Chúa La Mã trong tầng lớp cao cấp của chính phủ Mỹ với tình hình tại Việt Nam. Tôi đã hỏi Zablocki rằng có thể cho Bộ Trưởng McNamara và Tướng Taylor có một bản sao trước khi Zablocki phổ biến bản phúc trình hay không. Zablocki chấp nhận, nhưng tránh nói khi nào bản phúc trình hoàn tất. Theo lời một trong các thư ký của Zablocki, tôi nghĩ rằng họ sẽ hoàn tất phúc trình vào cuối tuần này.
.
Ngày 28/10/1963. 6:57 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Đại sứ Lodge gửi về BNG.
Tại sân bay vào lúc 7 giờ sáng Thứ Hai, các viên chức chính phủ VN tụ họp để từ biệt Tổng Thống Diệm, người trước đó đã đón tôi [Lodge] đi theo chuyến đi. Tướng Đôn gặp tôi, tách khỏi đám đông, hỏi là Conein có thẩm quyền nói chuyện thay mặt tôi hay không. Tôi nói, Conein có quyền nói thay mặt tôi. Đôn nói rằng mọi chuyện làm sẽ hoàn toàn là chuyện của người Việt Nam, chỉ yêu cầu Hoa Kỳ không ngăn cản mà cũng không khởi động một cuộc đảo chánh. Tôi nói rằng tôi đồng ý; rằng Mỹ không muốn có vệ tinh và chúng ta sẽ không ngăn cản họ. Tôi hỏi chừng bao giờ thì họ khởi động. Đôn nói, chưa sẵn sàng. Nhưng Đôn thêm: quân đội VN đã mất đà tiến (tiếng Pháp "allant", thật ra là chữ đồng âm “élan” mới đúng), chúng tôi phải chiến thắng trước khi người Mỹ quý vị rời khỏi VN. Đôn nói, chúng tôi không thể làm như thế với chính phủ này, do vậy cần có một chính phủ mới để chúng ta có thể chiến thắng cuộc chiến [chống Cộng]. Tôi nói hãy cho tôi thông tin và hãy cho tôi xem kế hoạch của quý ông. Trừ phi ông [Ngoại Trưởng Rusk] không đồng ý, vì an ninh tối đa, tôi đề nghị hạn chế các điện văn về đề tài này chỉ riêng gửi tôi và viên chức CIA Sài Gòn.
.
Ngày 29/10/1963. 2:54 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Đại sứ Lodge gửi về BNG Hoa Kỳ.
Theo Tướng Đôn đề nghị, Đại Tá Conein đã tới gặp Tướng Đôn vào hôm 28/10/1963 (nhiều chữ bị xóa bỏ, chưa giải mật).
Đôn nói rằng Đôn trước đó đã nói với Đại sứ Lodge và rằng Lodge đã xác nhận Conein có quyền thay mặt Lodge. Đôn nhấn mạnh rằng Đôn đã nói với Đại sứ Lodge rằng Đôn và nhóm đảo chánh không có tham vọng chính trị, rằng ước muốn duy nhất của họ là chiến thắng cuộc chiến chống VC và tái lập uy tín của VN và quân lực VNCH. Đôn nói rằng cách duy nhất để chiến thắng trước khi người Mỹ rời VN vào năm 1965 là thay đổi chính phủ Diệm. Đôn nói Đôn cũng như các thành viên trong ủy ban đảo chánh của các tướng hoàn toàn tin vào con người Conein. Đôn nói Đôn và các tướng muốn làm mọi cách để không cho người Mỹ liên hệ tới cuộc đảo chánh. Đôn nhấn mạnh rằng những người Mỹ khác nên ngưng bàn chuyện các Đại Tá và các Thiếu Tá và các kế hoạch đảo chánh vì như thế, người Mỹ sẽ tự liên hệ tới cuộc đảo chánh bất kể các tướng không muốn người Mỹ nào dính vào. Conein hỏi cụ thể chi tiết. Đôn trả lời rằng Đôn công nhận Conein là người liên lạc thích nghi từ phía Mỹ và người Mỹ nên công nhận Đôn như người liên lạc thích nghi từ phía Việt Nam. Tất cả những liên lạc khác về chuyện đảo chánh giữa người Mỹ và Việt nên ngừng. Đôn sẽ không nói thêm chi tiết.
Conein nói với Đôn rằng Đại sứ Lodge sẽ có chuyến đi ngắn về Hoa Kỳ vào ngày 31/10/1963, rằng điều quan trọng cho cả phía Mỹ và Việt về vấn đề này nếu Đại sứ Lodge có một kế hoạch đảo chánh của các tướng trước khi Đại sứ Lodge lên đường. Đôn lập lại rằng Đại sứ Lodge sẽ có kế hoạch trước khi đảo chánh bùng nổ, nhưng khi được nhắc về lời cam kết trước kia là Đại sứ Lodge sẽ được thông báo 48 giờ trước khi đảo chánh, Đôn mới nói có lẽ sẽ chỉ tiết lộ kế hoạch 4 tiếng đồng hồ trước khi đảo chánh. Đôn hỏi Conein rằng mấy giờ vào ngày 31/10 Đại sứ Lodge sẽ lên đường. Đôn thêm rằng Đôn hy vọng Đại sứ Lodge sẽ không đổi lịch trình, vì hễ thay đổi là sẽ gây nghi ngờ. Đôn không nói gì về 48 giờ kế tiếp và rằng nếu có một lý do tốt đẹp để Đại sứ Lodge đổi lịch trình, thì Đại sứ sẽ được thông báo kịp thời để có quyết định riêng. Đôn thêm rằng Đôn vào sáng ngày 29/10/1963 sẽ tới gặp Tướng Đỗ Cao Trí và Tướng Nguyễn Khánh, với cớ là đi để trao huy chương. Thực sự, Đôn sẽ nói chuyện với Trí và Khánh về việc chung kết kế hoạch. Đôn yêu cầu Conein nên ở nhà từ đêm Thứ Tư 30/10/1963 trở đi.
Conein nhắc Đôn về trước đó có nói về Trung Tá Phạm Ngọc Thảo. Đôn nói có biết về Thảo, nhưng nhóm các tướng không tin vào Thảo. Đôn thêm rằng Thảo là đàn em thân tín của Ngô Đình Thục và Ngô Đình Nhu, do vây Thảo bị nghi ngờ từ Đại Tá Đỗ Mậu, người phụ trách về An Ninh Quân Đội. Đôn thêm rằng ngay cả Tướng Khánh cũng bị TT Diệm nghi ngờ là không hoàn toàn trung thành.
Tướng Đôn được hỏi về sự tham dự của Tướng Tôn Thất Đính trong kế hoạch đảo chánh. Đôn lập lại rằng Đính không tham dự trong kế hoạch, rằng Đính bị Ngô Đình Nhu nghi ngờ, mà Nhu và Đính từng tranh cãi nhau trong khi Đính là Tư Lệnh Biệt Khu thủ Đô Sài Gòn. Đôn lập lại rằng Tướng Đính liên tục bị người của ủy ban đảo chánh bám sát, và những người này được lệnh sẽ ám sát Đính nếu Đính lộ bất kỳ dấu hiệu nào có thể làm hỏng cuộc đảo chánh.
Đôn được hỏi thêm chi tiết về các đơn vị tham dự đảo chánh. Đôn nói Đôn không có nhiệm vụ cụ thể trong ủy ban đảo chánh và do vậy Đôn không thể trả lời chính xác. Đôn nói sơ lược nhiệm vụ Đôn là người liên lạc với người Mỹ, với các tướng khác và với các tư lệnh sư đoàn. Tướng Lê Văn Kim là người kế hoạch về chính trị, còn kế hoạch quân sự trong tay các tướng khác (nhận định trong điện văn: hiểu là chính tướng Dương Văn Minh).
Các đơn vị tham dự đảo chánh mà Đôn biết là có: A. một nửa Lữ Đoàn Nhảy Dù (Đôn không biết rõ các đơn vị nào); B. 2 tiểu đoàn TQLC (không rõ đơn vị). Đại Tá Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh TQLC, lo sợ cho gia đình, và sẽ chỉ huy toàn bộ TQLC tham dự đảo chánh nếu Khang được bảo đảm về an ninh của gia đình nếu bản thân Khang bị giết. C. Toàn bộ Không lực VNCH, ngoại trừ Tư Lệnh là Đại Tá Nguyễn Hữu Hiền. D. Vài đơn vị Phòng Vệ Phủ Tổng Thống với ít nhất 4 xe tăng. E. Toàn bộ Sư Đoàn 5. F. Sư Đoàn 9 (nhận định: hiện đang ở Miền Tây) sau khi đảo chánh khởi sự. G. Toàn bộ Sư Đoàn 21. H. Phân nửa Sư Đoàn 23 (chưa rõ các đơn vị tham gia).
Tướng Đôn nói là Đôn không biết về lập trường của Sư Đoàn 7 và cũng không biết có hay không sự tham dự nào của Hải quân hay Lực Lượng Đặc Biệt. Đôn nói, Trung Đoàn 135 không tham gia. Đôn nói có thể rằng Cảnh sát Dã chiến và vài đơn vị Cảnhs át Quốc gia tại Sài Gòn có thể tham gia sau khi đảo chánh bắt đầu. Đôn không nói ý kiến gì về các Trung Đoàn 46 và 48. Đôn nhấn mạnh rằng Đôn không thực hiện kế hoạch quân sự. Đôn nói rằng Tướng Trần Thiện Khiêm đang bị theo dõi sát vì bị TT Diệm nghi ngờ.
Các chi tiết thêm được Đôn cho biết là: A. Tổng hành dinh cuộc đảo chánh sẽ đặt ở Bộ Tổng Tham Mưu. Nơi này được chọn vì gần bản doanh Lực Lượng Đặc Biệt và sân bay Tân Sơn Nhứt. B. Các tướng biết rằng có 2 đường hầm ngầm dưới đất để thoát ra khỏi Dinh Gia Long. Các hầm ngầm này dẫn ra nghĩa trang ở góc Phùng Khắc Khoan và Phan Thanh Giản, và tại Sở Thú. Hai hầm ngầm này trước kia là một phần ống cống, nhưng rồi chế biến lại thành đường hầm thoát thân. C. Khi khởi đầu cuộc đảo chánh, các phương tiện truyền thông và điện thoại sẽ bị cắt đứt.
Khi kết luận, Tướng Đôn nói rằng Đôn sẽ liên lạc lại trong vòng 48 giờ, qua đường dây liên lạc với Conein. Đôn yêu cầu rằng Đại sứ Lodge đừng cảnh giác gì đối với cộng đồng người Mỹ, đặc biệt là đừng có dặn người Mỹ dự trữ lương thực vì như thế là tức khắc cảnh giác chính phủ VN. (Một câu rưỡi tiếp theo bị xóa, chưa giải mật.)
--- Phần Ghi chú dưới điện văn ghi rằng, Tướng Đôn về sau có kể lại buổi nói chuyện này với Conein trong sách nhan đề "Our Endless War" các trang 98-99, Đôn ghi rằng Conein "đề nghị đưa chúng tôi tiền và vũ khí, nhưng tôi từ chối, nói rằng chúng tôi cần duy nhất là lòng can đảm và quyết tâm, mà chúng tôi thì có dư thừa."
Phần Ghi chú cũng ghi rằng bản báo cáo của thượng viện Hoa Kỳ nhan đề "Select Committee to Study Government Operations, Alleged Assassination Plots Involving Foreign Leaders" nơi trang 222, nói rằng vài ngày sau thì Conein đã trao 3 triệu đồng VN (= $42,000 Mỹ kim) đưa một phụ tá của Tướng Đôn vào sáng ngày 1/11/1963 để mua lương thực cho quân đảo chánh và trả tiền tử tuất cho các quân nhân tử vong trong cuộc đảo chánh.
.
Ngày 29/10/1963. 18:40 p.m. Viết từ Sài Gòn. Từ Đại sứ Lodge gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tôi đã duyệt qua các sức mạnh lực lượng để xem về cơ hội thành công của cuộc đảo chánh. A. Tướng Đôn chưa đưa ra đầy đủ chi tiết về các đơn vị quân sự tham gia đảo chánh, cũng như thành phần hoạt động chính trị và tâm lý chiến. Có lẽ một phần là các tướng do dự, không muốn lộ ra nhiều chi tiết vào lúc này. B. Tình hình Tướng Đính tham dự đảo chánh là một biến số có độ dao động lớn. Các tướng ý thức về điều này và Đôn nói đã cho người bám sát 24 giờ/ngày để theo dõi Tướng Đính để sẽ làm tê liệt tướng này khi tướng này gây trở ngại. C. Về khả thể một cuộc đảo chánh khác của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo thì các tướng có vẻ biết rất rõ, và chúng ta cũng không tin Thảo không có lực lượng để làm như thế. D. Biết là có một số nhà hoạt động đối lập tham dự, trong đó có Bùi Diễm, người đã nói là ông là người liên lạc giữa Tướng Kim và các lãnh đạo dân sự, có lẽ là Đặng Văn Sung và Phan Huy Quát. Về mặt tiêu cực, như thế kế hoạch đảo chánh đã có nhiều người biết; về mặt tích cực, nó cho thấy sự cần thiết phải có dân sự tham gia, và rằng Đôn từng nói là những người chủ mưu đảo chánh không có ý định lập một chính phủ quân sự. Trần Trung Dung có thể sẽ tham dự, bất kể Dung từng bác bỏ, như thế cho thấy ý định các tướng muốn lập chính phủ dân sự, trong một khung nối tiếp Hiến Pháp. E. Tôi ái ngại về chuyện Đại Tá Nguyễn Khương tìm cách tiếp cận các sĩ quan Mỹ mà không được sự cho phép của các tướng chủ mưu đảo chánh. Nên ghi nhận rằng vai trò Khương rất mơ hồ trong các âm mưu đảo chánh hồi tháng 8/1963. Đôn đã nói rằng các tướng chủ mưu đảo chánh, sẽ kỷ luật Khương và sẽ đưa Khương ra ngoài các diễn biến chủ lực của đảo chánh. F. Như dường bầu không khí chuẩn bị đảo chánh sẽ làm giảm yếu tố bất ngờ cần thiết để cho đảo chánh thành công. Tuy nhiên, bầu không khí như sắp đảo chánh trong nhiều tháng qua đã làm giảm yếu tố cảnh giác để đối phó đảo chánh. Chúng tôi có một vài thông tin cho biết các phần tử tác chiến chống đảo chánh đã được hối lộ. Yếu tố rằng các tướng âm mưu đảo chánh vẫn giữ quyền lực quân sự cho thấy họ có kiến thức và có khả năng để điều quân theo ý họ.
Các yếu tố khác nên được ghi nhận là: A. Cho tới bây giờ, các tướng không nói là muốn hay là có ý nương dựa vào sự yểm trợ hay các hành động của chúng ta để giúp các tướng đảo chánh thành công. Ngược lại, các tướng liên tục lập đi lập lại rằng họ muốn Mỹ liên hệ càng ít càng tốt. B. Mặc dù chúng ta biết rõ về chiều sâu bất mãn của Phật Tử và sinh viên, và biết rõ về sự bất ổn và ngay cả khả năng hoạt động của họ bị hạn chế, chúng ta không biết về bất kỳ kế hoạch nào để vận dụng các yếu tố này, và dĩ nhiên không thể đo lường các hành động đột khởi mà các nhóm này (Phật Tử và sinh viên) có thể liên hệ đảo chánh. C. Hành động của chúng ta trong việc ngưng viện trợ trong chương trình nhập cảng thương mại và việc cắt giảm viện trợ đối với một số đơn vị cùa Đại Tá Tung đã giúp tạo ra bầu không khí đảo chánh và một vài chỉ dấu suy giảm kinh tế, như sự dao động trị giá đồng bạc VN, sự biến mất vàng trên thị trường, và sự tăng giá một số mặt hàng tiêu thụ. D. Làm ơn ghi nhận rằng Tướng Đôn không muốn tôi đổi ngày lên phi trường bay về Washington. Chúng ta đang duyệt lại toàn bộ tình hình vào đêm Thứ Tư để xem là sự thay đổi ngày tôi lên đường có thích nghi không.
Vào lúc này, phải hiểu hoàn toàn rõ ràng rằng chúng ta không đang sắp xếp cuộc đảo chánh. Tóm lại, quan hệ của chúng ta tới bây giờ là: rằng chúng ta sẽ không ngăn cản một cuộc đảo chánh; rằng chúng ta sẽ quan sát và ghi nhận; và rằng tình thân nhiều năm của Conein với Đôn có thể là một sự giúp đỡ tốt. Mặc dù tới giờ không có yêu cầu nào từ các tướng xin giúp đỡ vật liệu hay tài chánh, chúng ta phải đoán có thể tương lai sẽ có yêu cầu.
Tóm lại, có vẻ rằng một cuộc đảo chánh do các tướng chủ mưu sẽ tất yếu xảy ra; rằng cho dù đảo chánh thành công hay thất bại, chính phủ Hoa Kỳ phải sẵn sàng chấp nhận sự kiện rằng chúng ta sẽ bị đổ lỗi, cho dù là bị quy chụp sai trái; và sau cùng, không có hành động tích cực nào từ phía chính phủ Hoa Kỳ có thể ngăn cản cuộc đảo chánh này, trừ phi là thông báo cho Diệm và Nhu -- và nếu chúng ta bội tín như thế thì chúng ta sẽ hứng chịu một nỗi ô nhục lớn. Cũng nên ghi nhận rằng Đôn đã nói là sẽ chỉ thông báo cho chúng ta biết trước 4 tiếng đồng hồ [về thời điểm đảo chánh]. Như thế, khi tôi được biết về thời điểm đảo chánh, thì sẽ không có thì giờ cho tôi và ngài [Ngoại Trưởng] thảo luận gì nữa. Như thế nghĩa là, chính phủ Hoa Kỳ thực sự không ảnh hưởng gì được về cuộc đảo chánh.
.
Ngày 29/10/1963. 6:30 p.m. Viết từ Sài Gòn.Từ Đại sứ Lodge gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Vào ngày 14/10/1963, Bùi Diễm, một nhà đối lập thuộc Đảng Đại Việt, nói với (xóa vài chữ) rằng ông (Diễm) lạc quan vào lúc này bởi vì các bạn trong giới quân sự của ông đang tiến hành kế hoạch để đảo chánh chế độ TT Diệm. Vào ngày 28/10/1963, Bùi Diễm nói với (xóa vài chữ) rằng các tướng đang lên kế hoạch đảo chánh đã giữ rất bí mật về kế hoạch, và vì bất kỳ sơ hở nào lộ ra đều sẽ dẫn tới tai họa cho tất cả các gia đình liên hệ. Khi được (xóa vài chữ) hỏi rằng với ai mà người này nên hay không nên nói chuyện, Bùi Diễm nói Diễm biết rằng Conein có vị trí liên hệ chính yếu phía người Mỹ, và Diễm hỏi là có thể tin cậy Conein hay không? Trả lời, xác nhận tin cậy. Bùi Diễm nói rằng Diễm cần liên lạc với Conein trong tương lai như một mối nối thay thế giữa Conein và các tướng nếu các dây liên lạc đương hữu bị gián đoạn.
Bùi Diễm nói Diễm thường liên lạc với Tướng Kim và rằng Kim có suy nghĩ chính trị bén nhạy nhất trong các tướng. Diễm nói Kim và Tướng Dương Văn Minh suy nghĩ gần như nhau về vai trò dân sự trong một chính phủ hậu đảo chánh, rằng các tướng khác được đưa vào là vì vị trí quân sự, như các tướng Đôn và Chiểu, nhưng trong các cuộc nói chuyện giữa giới quân sự, họ tránh nói tên các dân sự cụ thể để không lộ ra nghi ngờ. Bùi Diễm nói, phía dân sự không có vấn đề nghiêm trọng, rắng giới lãnh đạo dân sự có thể giải quyết không khó khăn, khi thời điểm tới. Bùi Diễm cũng nói rằng Diễm đã có những liên lạc khẩn cấp với Bác sĩ Phan Huy Quát, người có việc tuần này xuống khu vực Cần Thơ và rằng Quát có thể trở về Sài Gòn khi được thông báo khẩn cấp, nếu cần. Diễm thêm rằng Quát sẽ có mặt cuối tuần này ở Sài Gòn, và rằng Diễm đang đóng vai trò liên lạc giữa các tướng và Quát.
.
Ngày 29/10/1963. 18:39 p.m. Viết từ Sài Gòn. Tử Đại sứ Lodge gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Vào đêm 25/10/1963, cựu Phụ Tá Bộ Quốc Phòng Trần Trung Dung nói với một viên chức CAS rằng Dung có biết các tướng dự định đảo chánh trong vòng 10 ngày tới. Lãnh đạo cuộc đảo chánh sẽ là các Tướng Đôn, Minh; và Dung cũng biết rằng Tướng Lê Văn Kim cũng sẽ trong hàng lãnh đạo. Dung nói các tướng dự định sẽ gỡ bỏ hoàn toàn gia đình nhà Ngô ra khỏi quyền lực. Dung nói rằng theo Dung biết, các tướng chưa tiếp cận với các nhà lãnh đạo dân sự. Dung cũng bày tỏ quan ngại về khả năng và ý định của các tướng. Dung nói Dung nhìn các tướng đa số trình độ kém, chỉ trừ 3 tướng Dung đánh giá cao là: Dương Văn Minh, Lê Văn Kim và Phạm Xuân Chiểu. Dung sợ rằng các tướng sẽ thành lập kiểu chính phủ quân phiệt, và mặc dù chế độ Diệm cần phải lật đổ, Dung nghĩ rằng các tướng thiếu kinh nghiệm chính trị điều hành chính phủ.
Dung nói cá nhân Dung ưa giải pháp nối tiếp Hiến Pháp như giải pháp lâm thời. Dung ghi nhận Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ đáp ứng nhiều đòi hỏi: Thơ là người Miền Nam, một kiểu trái nghịch với Diệm và Nhu, không tham vọng quyền lực, thể hiện được thẩm quyền và trách nhiệm, không xung khắc với giới quân sự, và quan trọng nhất, là linh động và sẽ không chống lại việc thay đổi Hiến Pháp để lập thêm chức vụ Thủ Tướng. Dung nói lựa chọn tốt kế tiếp là Phan Huy Quát, người Miền Trung, có khả năng kết hợp các phần tử lãnh đạo dân sự, trong sạch, khả năng điều hành và quản trị hành chánh, chấp nhận được với các tướng và cũng sẽ thẻ hiện được quyền lực. Nếu Thơ là Tổng Thống, Quát là Thủ Tướng, với nội các mạnh mẽ cần thiết để tìm được ủng hộ, với giới lãnh đạo thấp hơn nên là giới trẻ năng động. Dung đặc biệt nói rằng chức Nội vụ nên là Trần Văn Lý, và 3 người Phan Quang Đán, Trần Văn Tuyên, Phan Khắc Sửu nên là Bộ Trưởng: Đán hay Sửu nên giữ chức Bộ Xã Hội và Văn Hóa, Đản hay Sửu nên giữ Bộ Công Dân Vụ, Tuyên nên là Bộ Thông Tin. Chỉ có 3 người lưu vong đáng mời vào chính phủ: Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Hữu Châu, và Nguyễn Tôn Hoàn nên giữ Bộ Thanh Niên. Những người lưu vong Dung không hài lòng là Phạm Huy Cơ và Hoàng Cơ Thụy.
Dung nói Dung sẽ không từ chối phục vụ tân chính phủ, nhưng cần tránh ngờ vực, và sự kiện rằng Dung kết hôn với cháu gái của Tổng Thống Ngô Đình Diệm có thể sẽ bất lợi cho tân chính phủ. Dung đã từ chức [Thứ Trưởng] và từ đó đã tránh xa gia đình nhà Ngô. Nói chuyện trong đêm hôm đó, Dung chỉ trích nhiều hơn về Diệm, Nhu, bà Nhu, và toàn bộ những người thân tín của gia tộc Ngô. Nhiều lần Dung nói về một nền "đệ nhị Cộng Hòa."
Tuy Dung nói là Dung không liên hệ, nhưng có thể rằng Dung có liên hệ với kế hoạch đảo chánh từ phía dân sự. Nhận định này dựa vào sự kiện: Dung ban đầu nói rằng 2 tướng Đôn và Minh lên kế hoạch đảo chánh, rồi như dường không rõ về tướng Kim, cùng với sự kiện Dung nói có 3 tướng có khả năng và trình độ là Minh, Kim, Chiểu; tuy Dung nói là phía dân sự chưa được nhóm đảo chánh tiếp cận, nhưng sau đó Dung lại nói về nhiều người dân sự có khả năng lãnh đạo. Mặt khác, không có gì Dung nói chứng minh là Dung bản thân liên hệ hay được mời tiếp cận, đặc biệt là Dung nói theo một chuỗi thuận lý của cuộc thảo luận và tiến trình lượng định nhân sự.
.
Ngày 29/10/1963. Viết từ Washington. Bản văn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Các vấn đề chuẩn bị cho buổi họp ngày 29/10/1963.
1. Đại sứ Lodge có nên tiến hành kế hoạch bay về Hoa Kỳ? Đề nghị: Nên bay về. Trừ phi cuộc đảo chánh xảy ra trước khi Lodge lên đường. Nếu không, chính phủ VN có thể cảm thấy có gì bất thường.
2. Các viên chức Hoa Kỳ khác tại Sài gòn có nên biết trước về cuộc đảo chánh để họ có thể hành động trong khi Lodge vắng mặt? Đề nghị: (a) Trueheart, hiện thời là Phó Đại sứ, lúc đó sẽ phụ trách xử lý và do vậy là đại diện Hoa Kỳ cao cấp tại VN. (b) Tướng Harkins, sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người Mỹ tại VN. (c) Quyền Trưởng Phòng CAS Sài Gòn (vài chữ bị xóa) hiện thời đã biết về cuộc đảo chánh (LND: CAS là tên khác của CIA).
3. Hoa Kỳ có nên ngăn cản cuộc đảo chánh của các tướng lãnh? Đề nghị: Hoa Kỳ có thể không được thông tin về kế hoạch đảo chánh 4 tiếng đồng hồ trước khi họ bắt đầu tiến hành, do vậy sẽ không có thì giờ cho một quyết định của hoa Kỳ. Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không tin Hoa Kỳ trong giai đoạn cuối này nên tìm cách ngăn cản đảo chánh vì các lý do sau: (a) Đại sứ Lodge đã nhiều lần nói với nhóm đảo chánh, hoặc trực tiếp, hoặc xuyên qua Conein, rằng Hoa Kỳ sẽ không ngăn cản đảo chánh. (b) Đây là cơ hội tốt nhất của một cuộc đảo chánh thành công mà chúng ta có thể có. (c) Bất kỳ nỗ lực ngăn cản nào bây giờ sẽ để lại một di sản cay đắng và bất tín từ phía các tướng đối với Hoa Kỳ. (d) Dĩ nhiên, trong khi có những rủi ro lớn liên hệ tới một cuộc đảo chánh và không thể bảo đảm là đảo chánh thành công, bất kỳ hành động nào khác hay không hành động gì khác đều sẽ có rủi ro tương đương hay nhiều hơn.
4. Các đơn vị quân sự Hoa Kỳ ở Biển Đông và ở Okinawa có nên di quân tới cùng vị trí sẵn sàng như từng làm như thế hồi tháng 8/1963 hay không? Đề nghị: Sẽ hội ý với Lodge. Có thể cần phải dùng quân lực Hoa Kỳ ngoài VN để bảo vệ sinh mạng dân Mỹ trong khi di tản. Mặt khác, chuyển động của quân lực Mỹ có thể làm chính phủ VN nghi ngờ vì chính phủ VN đã biết chúng ta đã di quân hồi tháng 8/1963. Di quân cũng cho thấy Mỹ biết trước về chuyện đảo chánh.
5. Các hành động khác có thể thực hiện vì an toàn nhân sự Hoa Kỳ tại VN? Đề nghị: Không hành động nào khác cần thiết hay khả thi. Duyệt lại kế hoạch di tản cho thấy kế hoạch di tản đã sẵn sàng, nhưng vẫn có thể bị cản trở từ bất kỳ chính phủ bất thân thiện nào khác.
6. Có hành động nào khác chúng ta nên thực hiện, nếu được yêu cầu bởi phía này hay phía kia sau khi cuộc đảo chánh bắt đầu? Đề nghị: Bởi vì chúng ta đã nói với nhóm đảo chánh rằng chúng ta sẽ không ngăn cản một cuộc đảo chánh, chúng ta nên từ chối bất kỳ yêu cầu nào từ phía chính phủ Diệm xin hỗ trợ. Chúng tôi ngờ vực về chuyện nhóm đảo chánh xin yểm trợ bởi vì Tướng Đôn đã nói rằng nhóm đảo chánh muốn tránh sự liên hệ của người Mỹ, và muốn cuộc đảo chánh là hoàn toàn với người Việt Nam. Nếu nhóm đảo chánh xin hỗ trợ, chúng ta sẵn sàng giúp nếu các nhân sự tại hiện trường lúc đó khuyến nghị.
7. Sự quân bình lực lượng của cuộc đảo chánh ra sao? Trả lời: Tình hình chưa rõ, vì có nhiều khoảng trống trong các thông tin chúng ta có về sự quân bình lực lượng [giữa quân đảo chánh và quân trung thành]. Lodge giải thích rằng các thông tin được giữ kín vì họ sợ bị lộ. Tuy nhiên, dựa trên các thông tin đã biết về lực lượng đảo chánh, nhóm đảo chánh có vẻ như, ít nhất đã thấy đông quân hơn. Và vì, các đơn vị khác không nhất thiết sẽ chống lại nhóm đảo chánh, cho nên nhóm đảo chánh có thể lôi cuốn thêm nhiều hơn từ các đơn vị khác.
8. Khi đảo chánh bùng nổ, chúng ta nên có lập trường nào tức khắc sau đó? Đề nghị: Chúng ta tuyên bố, ở cả nơi đây [Washington] và nơi kia [VN, Châu Á], rằng chúng ta đang quan sát kỹ lưỡng các diễn tiến. Nếu được hỏi rằng chúng ta có biết trước [đảo chánh] hay không, chúng ta phải trả lời rằng chúng ta không biết trước. Nếu được hỏi là chúng ta có tiếp tục công nhận chính phủ Diệm, chúng ta nên trả lời rằng chưa có hành động nào đưa ra về vấn đề này lúc đó. Nếu được hỏi là chúng ta sẽ tiếp tục viện trợ chính phủ Diệm hay không, chúng ta nên trả lời rằng chúng ta tiếp tục ủng hộ người dân Việt Nam trong nỗ lực chiến thắng kẻ thù CS và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong việc này, chúng ta ước mong người dân VN hoàn toàn thành công.
.
Ngày 29/10/1963. 4:20 p.m. Bản ghi nhớ về buổi họp với Tổng Thống Kennedy. Người viết bản ghi nhớ: Bromley Smith. Nội dung: Việt Nam. Tham dự buổi họp: Phó Tổng Thống, Ngoại Trưởng Rusk, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Bộ Trưởng Tư Pháp, Giám Đốc McCone, Tướng Taylor, Tướng Krulak, Thứ Trưởng Ngoại Giao Harriman, Alexis Johnson, William Bundy, Helms, Mendenhall (viên chức Bộ Ngoại Giao), Colby (viên chức CIA), Bundy, Forrestal, và Bromley Smith.
Colby (CIA) trình bày về tình hình hiện nay của lực lượng đảo chánh. Ông ước tính rằng quân số quân đảo chánh và quân trung thành với Diệm bằng nhau, khoảng 9,800 chiến binh mỗi bên, với khoảng 18,000 chiến binh được xem là đứng giữa. Colby dùng một bản đồ minh họa. TT Kennedy hỏi về những gì mà TT Diệm rút kinh nghiệm được từ cuộc đảo chánh thất bại năm 1960. Colby trả lời rằng Diệm bây giờ đã truyền thông tốt hơn với các đơn vị quân sự ngoài Sài Gòn. Do vậy, TT Diệm có thể gọi quân trung thành vào Sài Gòn nhanh chóng để chống lại quân đảo chánh. Cuộc đảo chánh 1960 thất bại vì quân đóng ngoài Sài Gòn vẫn trung thành, tiến vào đánh bại các đơn vị đang bay vây Dinh Tổng Thống. McGeorge Bundy hỏi rằng Đại sứ Lodge có nên trở về Washington bây giờ không, và ghi nhận rằng một số viên chức hiện diện trong buổi họp cảm thấy là Lodge nên ở lại Sài gòn lúc này.
Ngoại Trưởng Rusk nói rằng chúng ta phải giả thuyết rằng Diệm và Nhu đều nghe các tin đồn về đảo chánh; do vậy câu hỏi phía Hoa Kỳ là cuộc đảo chánh này có hy vọng thành công hay không để phía Mỹ quyết định giữ im lặng; thêm nữa, Hoa Kỳ có nên nói với các tướng rằng hành động của họ có thể gây ra một cuộc nội chiến từ hậu quả lật đổ chính phủ Diệm, và "Chúng ta có nên nói với các tướng rằng chúng ta sẽ chỉ ủng hộ họ nếu cuộc đảo chánh ngắn ngủi và không đổ máu? Nếu giao chiến giữa 2 phía xảy ra, mỗi bên đều sẽ xin Hoa kỳ giúp đỡ. Nếu chúng ta ủng hộ Diệm, chúng ta sẽ gây gián đoạn nỗ lực chiến tranh vì chúng ta sẽ chống lại các tướng, mà các tướng bây giờ đang chỉ huy cuộc chiến chống VC. Nếu chúng ta ủng hộ các tướng, thì chúng ta sẽ phải bảo đảm rằng họ thành công trong việc lật đổ chính phủ Diệm. Đại sứ Lodge đã được tướng Đôn yêu cầu giữ đúng lịch trình lên đường, vậy thì Lodge nên bay về như dự định. Chúng ta bây giờ chỉ có ít thông tin. Chúng ta cần 48 giờ biết trườc, chứ không phải chỉ biết 4 tiếng đồng hồ trước khi đảo chánh tiến hành. Chúng ta không nên tin vào bất kỳ ai, kể cả tướng Đôn. Chúng ta nên dè dặt cảnh giác các tướng rằng họ phải nắm vững tình hình trước khi họ khai hỏa đảo chánh. Chúng ta nên nói họ rằng chúng ta không muốn có cuộc nội chiến dài ở Nam VN."
TT Kennedy đồng ý rằng Đại sứ Lodge nên rời Sài gòn để về Washington đúng như lịch trình. TT Kennedy nghĩ rằng các tướng đảo chánh nên nói chuyện với Tướng Harkins. TT Kennedy nói cơ hội hiện nay bất lợi cho cuộc đảo chánh. Kennedy đề nghị Tướng Harkins nên chỉ huy các hoạt động Hoa Kỳ tại Sài Gòn khi Đại sứ Lodge vắng mặt. Nếu Đại sứ Lodge hoãn chuyến đi, Diệm sẽ biết rằng Hoa Kỳ biết về kế hoạch đảo chánh. Tình hình sẽ tốt, nếu đảo chánh xảy ra khi Đại sứ Lodge không có mặt ở VN. Về quân bình lực lượng đang có giữa quân đảo chánh và quân trung thành, TT Kennedy nói rằng như thế luôn luôn là tốt, khi đảo chánh xảy ra, vì sau đó cuộc đảo chánh sẽ lôi kéo thêm nhiều ủng hộ, như ở Nam Hàn.
Tướng Taylor cảnh giác rằng đừng nhìn tình hình VN như một trận đấu bóng bầu dục, vì sự thành công của một cuộc đảo chánh chỉ dựa trên vài người và vài người này quan trọng hơn là tổng số chiến binh.
TT Kennedy hỏi rằng chúng ta nên tìm xem vài người quan trọng này là ai.
Bộ Trưởng McNamara hỏi rằng ai trong số các viên chức Mỹ tại Sài Gòn giữ trách nhiệm khi đảo chánh xảy ra. Ông đề nghị nên là Phó Đại sứ Trueheart, quyền Trưởng Phòng CIA (xóa vài chữ, để ẩn danh), và Tướng Harkins nên lập thành một nhóm sẽ (a) cùng nhau quyết định xem nên yêu cầu Conein nên nói gì và làm gì và (b) nghe tất cả những gì Conein báo cáo. Nếu bất kỳ ai trong nhóm 3 người này không đồng ý, hãy tức thì gửi báo cáo về Washington. Tướng Harkins có thể không biết những gì Tòa Đại sứ và CIA đang làm gì. Trueheart nên lãnh đạo nhân sự Hoa Kỳ tại VN cho tới khi đảo chánh bùng nổ. Lúc đó, Tướng Harkins sẽ chỉ huy tất cả nhân sự Hoa Kỳ, trong khi Trueheart trở thành cố vấn chính trị.
Giám Đốc McCone không đồng ý lập nhóm 3 người ở Sài Gòn. Ông nói tốt hơn là hãy để CIA định hướng thay vì tham dự nhóm 3 người quyết định.
Bộ Trưởng Tư Pháp nói rằng ông chưa đọc toàn bộ các bản báo cáo, nhưng ý kiến ông là tình hình tại VN không giống với tình hình ở Iraq hay ở một quốc gia Nam Mỹ Châu nơi một cuộc đảo chánh có thể dứt điểm nhanh chóng. Tình hình bây giờ ở VN không khác hồi 4 tháng trước, khi các tướng không có thể thực hiện đảo chánh. Ủng hộ một cuộc đảo chánh là đưa tương lai VN, và thực sự là đưa toàn bộ Đông Nam Á, vào tay một người, mà bây giờ chúng ta chưa biết người này là ai. Diệm sẽ không bỏ chạy và cũng sẽ không từ chức. Đảo chánh mà thất bại là gây rủi ro vô cùng. Các bản báo cáo chúng ta có thì rất mỏng và các thông tin về lực lượng mà các tướng cho biết lại quá ít. Chúng ta có quyền biết những gì các tướng đang lên kế hoạch. Chúng ta không thể đi nửa chừng. Nếu đảo chánh thất bại, Diệm sẽ yêu cầu chúng ta rời VN. Nếu chúng ta gửi bản điện văn như đã sơ thảo cho Lodge hôm nay, nghĩa là đọc như là chúng ta ủng hộ cuộc đảo chánh và chỉ muốn biết thêm thông tin. "Quan điểm của tôi có vẻ như là quan điểm thiểu số."
Ngoại Trưởng Rusk trả lời rằng nếu chúng ta nói chúng ta không ủng hộ đảo chánh, thì các tướng đang âm mưu đảo chánh sẽ chống lại chúng ta, và nỗ lực chiến tranh sẽ giảm mau chóng.
Tướng Taylor nói đồng ý với Bộ Trưởng Tư Pháp. Khi Tổng Thống hỏi cụ thể, Tướng Taylor nói rằng ngay cả khi cuộc đảo chánh thành công, nỗ lực chiến tranh cũng sẽ chậm lại vì tân chính phủ trung ương sẽ chưa đủ kinh nghiệm. thêm nữa, tất cả các Tỉnh Trưởng do Diệm bổ nhiệm có lẽ sẽ bị tân chính phủ thay thế.
Giám Đốc McCone nói ông đồng ý với Tướng Taylor. Đảo chánh thất bại sẽ là một thảm họa, và đảo chánh thành công cũng sẽ có ảnh hưởng bất lợi cho nỗ lực chiến tranh.
TT Kennedy hỏi Tướng Taylor vì sao tất cả Tỉnh Trưởng sẽ bị thay thế. Tướng Taylor đáp rằng họ được Diệm bổ nhiệm, họ trung thành với Diệm, do vậy họ sẽ không được các tướng lật đổ Diệm tin cậy.
Ngoại Trưởng Rusk nói câu hỏi quan trọng là, các tướng đảo chánh có sẽ thành công nhanh chóng không. Ông cảm thấy về đường dài, nếu chính phủ Diệm tiếp tục cầm quyền, nỗ lực chiến tranh sẽ xuống dốc.
Harriman nói, rõ ràng là tại Việt Nam, dân ngày càng chống lại Diệm. Chúng ta không thể tiên đoán rằng các tướng có thể lật đổ nổi chính phủ Diệm hay không, nhưng Diệm không thể đưa Miền Nam VN tới chiến thắng VC được. Với thời gian qua đi, mục tiêu chúng ta tại VN sẽ ngày càng khó thành tựu trong khi Diệm nắm quyền kiểm soát.
TT Kennedy nói rằng có vẻ như lực lượng quân sự hai phía đảo chánh và trung thành quân bình nhau. Nếu như thế, bất kỳ nỗ lực nào để dàn dựng một cuộc đảo chánh đều tức cười. Nếu Lodge đồng ý với quan điểm này, thì chúng ta nên chỉ thị cho Lodge bảo là đừng nên đảo chánh nữa.
McGeorge Bundy nói rằng diễn biến bất hạnh nhất sẽ là cuộc nội chiến kéo dài 3 ngày ở Sài Gòn. Thời gian còn lại cho chúng ta chỉ thị cho Lodge thì rất ngắn. Nếu một phi cơ quân sự gửi tới [Sài Gòn] để đón Lodge, thì Lodge sẽ có thể ở lâu hơn tại VN trong những ngày bất định trước mắt.
Bộ Trưởng McNamara nói rằng chúng ta nên để tùy cho Đại sứ Lodge là khi nào Lodge sẽ rời Sài Gòn để về Washington. Nhận định về bản sơ thảo điện văn, ông nói ông nghĩ là Lodge sẽ đọc nó như là thay đổi các dấu hiệu. Lodge bây giờ tin rằng Lodge sẽ không ngăn cản một cuộc đảo chánh. Nhưng bản sơ thảo điện văn chỉ thị Lodge phải nhờ tới Tướng Harkins giúp đỡ, điều này sẽ khó khăn bởi vì Lodge trước giờ vẫn không cho Tướng Harkins biết về diễn tiến đảo chánh của các tướng. Đại sứ Lodge sẽ được cho một lựa chọn là hoãn chuyến về Washington, nếu Lodge muốn.
TT Kennedy hỏi rằng chỉ thị hiện nay của Lodge là gì. Trả lời câu này, Ngoại Trưởng Rusk đọc một đoạn trong điện văn ngày 5/10/1963, nội dung chỉ thị là Hoa Kỳ không ủng hộ và cũng không ngăn cản một cuộc đảo chánh.
.
Ngày 29/10/1963. 18 p.m. Viết từ Washington. Bản ghi nhớ về một buổi họp với Tổng Thống Kennedy. Người viết bản ghi nhớ: Bromley Smith. Nội dung: Việt Nam.
Những người tham dự: Ngoại Trưởng Rusk, Bộ Trưởng McNamara, Tướng Krulak, Thứ Trưởng Ngoại Giao Harriman, Phụ Tá ngoại Trưởng Hilsman, Alexis Johnson, William Bundy, Mendenhall (Bộ Ngoại Giao), McGeorge Bundy, Forrestal, Bromley Smith.
Một bản điện văn hiệu đính sẽ gửi cho Đại sứ Lodge được đưa cho những người dự buổi họp đọc. Tổng Thống Kennedy nhận định rằng ông không quan tâm về hình thức chính phủ sau đảo chánh, nhưng quan tâm về quân bình lực lượng giữa quân đảo chánh và quân trung thành.
Bộ Trưởng McNamara đồng ý, và yêu cầu rằng bản sơ thảo điện văn cần nhất mạnh là sẽ chống lại tình hình có thể dẫn tới viễn ảnh giao chiến lớn giữa quân đảo chánh và quân trung thành với TT Diệm.
TT Kennedy nói rằng cần có chứng cớ từ phía đảo chánh cho thấy họ có thể lật đổ chính phủ Diệm và không gây ra tình thế quân bình lực lượng. Hoa Kỳ có thể có cách khuyến khích dẹp bỏ cuộc đảo chánh bằng những cách khác, mà không cần thông báo cho chính phủ Diệm về âm mưu của các tướng. Điều chúng ta nói với các tướng âm mưu có thể là chủ yếu "gần như là" tiết lộ kế hoạch của các tướng cho Diệm. Nên xóa bỏ đoạn văn nói về một chính phủ sau đảo chánh. Nên nói với Đại sứ Lodge rằng từ nơi đây, chúng ta có thể thấy một thảm họa có thể xảy ra và rằng nếu các tướng đảo chánh không thể chiến thắng thì không nên tiến hành. Lodge cảm thấy rằng cuộc đảo chánh y hệt như một tảng đá lăn xuống đồi không thể ngăn cản. Nếu như thế, thì không ai có thể nói rằng chúng ta chịu trách nhiệm cuộc đảo chánh, bất kể chúng ta làm gì.
Khi duyệt lại yêu cầu cần có một bản lượng định tình hình đảo chánh, TT Kennedy yêu cầu rằng chúng ta phải nói rõ với Lodge về các nỗi nghi ngờ về sức mạnh quân sự của các tướng, và yêu cầu Lodge hỏi các tướng là họ dự định đối phó với tình hình ra sao khi sức mạnh quân sự của họ yếu kém hơn quân trung thành với chế độ Diệm.
TT Kennedy lập lại ý kiến rằng Lodge nên nói với các tướng rằng họ phải chứng minh họ sẽ đảo chánh thành công, hay là, trong ý chúng tôi, sẽ là sai lầm nếu tiến hành đảo chánh. Nếu chúng ta tính sai, chúng ta có thể mất toàn bộ vị trí của chúng ta tại Đông Nam Á chỉ trong một đêm. TT Kennedy nói, đồng ý rằng Lodge nên trở về Washington bằng phi cơ quân sự, còn thời điểm bay thì tùy ý Lodge.
.
Ngày 29/10/1963. 7:22 p.m. Viết từ Washington. Điện văn từ McGeorge Bundy (Phụ tá Đặc biệt của Tổng Thống về An ninh Quốc gia) gửi Đại sứ Lodge.
Ông nên thảo luận tức khắc với Tướng Harkins về các trách nhiệm và những việc phải làm, trong trường hợp xảy ra đảo chánh sau khi ông rời Việt Nam. Họ đã cho thấy hình ảnh về cuộc đảo chánh hiện ra rõ hơn, và cũng cho thấy cơ hội hành động dù là có hay không có sự đồng ý của chúng ta bây giờ; do vậy chúng ta nên khẩn cấp sửa soạn thái độ của chúng ta và các kế hoạch ứng phó khi hữu sự. Chúng tôi ghi nhận đặc biệt về chuyện Tướng Đôn thắc mắc về ngày giờ ông [Lodge] bay về Washington, và về lời Đôn yêu cầu Conein túc trực sẵn sàng từ đêm Thứ Tư 30/10/1963 trở đi, nghĩa là họ có thể đảo chánh sớm là Thứ Năm.
Thái độ của chúng ta đối với nhóm đảo chánh vẫn có thể có ảnh hưởng quyết định vào quyết định của họ. Chúng tôi tin rằng những gì chúng ta nói với nhóm đảo chánh có thể làm họ trì hoãn đảo chánh, và rằng cách duy nhất làm ngưng cuộc đảo chánh không nhất thiết là chúng ta phản bội và bán đứng nhóm đảo chánh cho Diệm. Do vậy, chúng tôi cần khẩn cấp kết hợp làm một bản lượng định lực lượng với Harkins và CAS (kể cả các nhận định riêng của họ, nếu họ muốn). Chúng ta quan ngại rằng sự bố trí lực lượng tại Sài Gòn cho thấy xấp xỉ là tương đương hỏa lực, nghĩa là có thể dẫn tới cuộc giao chiến kéo dài nghiêm trọng và thậm chí đảo chánh sẽ thất bại. Do vậy, chúng ta phải có bảo đảm rõ ràng là có sự ưu thắng hỏa lực từ các đơn vị đảo chánh.
Khi ông đã có bản lượng định về quân bình lực lượng quân sự, chúng ta nên nói với Đôn, dù là Đôn sẽ cho chúng ta biết trước 4 tiếng đồng hồ hay 48 tiếng đồng hồ trước khi họ khai hỏa rằng chúng ta (a) hoặc tiếp tục chính sách không biết gì trước, (b) hoặc tích cực khuyến khích đảo chánh, (c) hoặc đề nghị dẹp bỏ đảo chánh.
Trong bất kỳ trường hợp nào, Conein nên tìm bất kỳ cơ hội nào sớm nhất để nói với Đôn rằng chúng ta không thấy viễn ảnh rõ ràng về một kết quả nhanh chóng. Cuộc nói chuyện này sẽ gợi chú ý vào các đơn vị quân sự ở Sài Gòn bề ngoài vẫn còn trung thành với Diệm và nêu vấn đề nghiêm túc để nhóm đảo chánh phải tìm cách giải quyết.
Từ điểm nhìn hoạt động, chúng tôi cũng quan ngại sâu sắc về chuyện Đôn là phát ngôn nhân duy nhất của nhóm đảo chánh và có khả thể rằng Đôn chưa chắc đáng tin cậy. Chúng ta cần vài chứng cớ cho thấy có hay không rằng Tướng Dương Văn Minh và các tướng khác có thể trực tiếp hay toàn lực tham dự đảo chánh. Về lời Đôn nói Đôn không "phụ trách vẽ ra kế hoạch quân sự" thì, Conein nên nói với Đôn rằng chúng ta cần biết rõ hơn về tình hình quân sự phía đảo chánh và rằng Minh có thể truyền thông dễ dàng nhất và tự nhiên nhất với Stilwell hay không? Chúng tôi công nhận rằng tránh cho MACV liên lạc và liên lạc thì phải ở mức tối thiểu, nhưng chúng tôi tin rằng Stilwell thích nghi hơn Conein trong những trường hợp này.
(LND: Tướng Joseph Warren Stilwell Jr. lúc đó là Tư Lệnh đơn vị cố vấn Hoa Kỳ có tên là United States Army Support Group, Vietnam. Trong khi lúc đó Conein là Trung Tá tình báo của CIA. Có lẽ chính phủ Mỹ đang nghi ngờ Conein vì tình thân với Tướng Đôn sẽ không thấy cuộc đảo chánh có thể thất bại, vì chủ động là Tướng Minh chưa thấy lộ ra tâm ý gì.)
Sự phức tạp nêu lên câu hỏi rằng ông [Lodge] có nên giữ lịch trình ngày Thứ Năm hay không. Ông và các nhân sự Hoa Kỳ không nên làm gì để lộ cho thấy rằng Hoa Kỳ biết trước sẽ có đảo chánh. Tuy nhiên, Bộ Quốc Phòng đang gửi một phi cơ quân sự có trang bị giường sẽ tới Sài Gòn vào Thứ Năm và có thể chở ông về đây trễ là chiều Thứ Bảy, kịp thời để ông có mặt ở Washington vào Chủ Nhật. Ông có thể giải thích chuyện [phi cơ] này như một tiện nghi và rằng chuyện ông về Washington cũng là tiện nghi tương tự. Một lợi thế nữa là, phi cơ đó có thể đưa ông từ bất cứ nơi nào trên đường bay về lại [Sài Gòn] nếu cần. Để giảm thời gian di chuyển, ông nên dùng phi cơ này, nhưng chúng tôi công nhận rằng việc ông hoãn chuyến đi có thể có rủi ro lớn hơn rằng cá nhân ông có vẻ như có liên hệ [đảo chánh] nếu bất ngờ đảo chánh xảy ra. Tuy nhiên, ông có thêm 2 ngày ở Sài Gòn là một lợi thế lớn hơn rủi ro này, và chúng tôi để cho ông tùy ý chọn giờ cho chiếc phi cơ cất cánh.
Cho dù ông có bay về Thứ Năm hay trễ hơn, điều chủ yếu trước khi ông bay đi là nên có tham khảo đầy đủ với Harkins và CAS và cần sắp xếp minh bạch để ứng phó (a) hoạt động bình thường, (b) tiếp tục liên lạc với nhóm đảo chánh, (c) hành động trong trường hợp cú đảo chánh bùng nổ. Chúng tôi nghĩ rằng ông muốn trao cho Trueheart vị trí chỉ huy các việc liên hệ tới người Mỹ trong tình hình bình thường, nhưng thẩm quyền cao nhất sau khi ông bay đi thì nên hiểu là tướng Harkins cần tham dự để giám sát tất cả các liên lạc với nhóm đảo chánh, và khi đảo chánh xảy ra thì Harkins sẽ chỉ huy toàn bộ hoạt động của người Mỹ tại VN và là đại diện trực tiếp của Tổng Thống Kennedy, trong khi Trueheart sẽ giữ vị trí như POLAD (Cố vấn Chính trị -- Political Adviser).
Nếu cuộc đảo chánh bùng nổ, vấn đề bảo vệ sinh mạng công dân Mỹ tức khắc khởi dậy. Chúng ta có thể đưa một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến vào Sài Gòn bằng phi cơ từ Okinawa trong vòng 24 giờ đồng hồ, nếu sân bay Tân Sơn Nhứt khả dụng. Chúng tôi đang trao các chỉ thị cho CINCPAC (Tư lệnh Quân lực Mỹ Thái Bình Dương) để sắp xếp một thứ tự động binh một tiểu đoàn TQLC đổ bộ vào vùng biển tiếp giáp Nam VN để sẵn sàng tiếp cận Sài Gòn trong vòng 24 giờ.
Chúng tôi đang xem xét các vấn đề hậu đảo chánh nơi đây và cần lời khuyến cáo tức khắc của ông về lập trường Hoa Kỳ nên giữ ngay sau khi đảo chánh khởi sự, đặc biệt là lời khuyên về cách đối phó với những lời xin giúp đỡ từ phía này hay phía kia (của nhóm đảo chánh, hay của chính phủ Diệm). Cũng yêu cầu ông đưa ra khuyến cáo về cách ứng phó hành động nếu cuộc đảo chánh (a) thành công, (b) thất bại, (c) chưa phân thắng bại.
Chúng tôi lập lại rằng gánh nặng chứng cớ từ phía đảo chánh cần cho thấy quân số đông và hỏa lực mạnh để thành công nhanh chóng; nếu không, chúng ta nên khuyên họ hãy từ bỏ kế hoạch đảo chánh, vì hễ tính sai là sẽ gây nguy hiểm cho vị trí Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.
.
Ngày 29/10/2021. 9:21 p.m. Viết từ Washington. Điện văn từ CIA gửi tới văn phòng CIA Sài Gòn.
Nơi đây là những thông tin mà các tướng không nắm rõ về các lực lượng tại khu vực Sài Gòn, cho thấy viễn ảnh sẽ có giao chiến kéo dài, mà chúng ta muốn tránh, hay ngay cả sẽ dẫn tới cuộc đảo chánh thất bại. Chúng tôi không nói về tương quan số liệu, nhưng cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố quan trọng về các đơn vị chủ lực, yếu tố bất ngờ, quyết tâm, vị trí đóng quân, hỏa lực, vân vân. Văn phòng nên duyệt các phân tích về các đơn vị sau đây, và các phần tử trong các đơn vị, xem về tầm quan trọng và ước tính của văn phòng về vai trò các đơn vị có thể chọn lấy trong cuộc đảo chánh do các tướng khởi động:
Lực Lượng Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Hai đơn vị, tổng cộng 2500 chiến binh, 15 xe thiết giáp loại chở 12 chiến binh gần Dinh, được cho là trung thành, mặc dù Tướng Đôn nói rằng một đại đội và cả Thảo và Tuyến nói rằng đã có sự bất mãn trong các đơn vị này.
Lữ Đoàn Nhảy Dù. Sáu đơn vị, tổng cộng 4800 chiến binh. Hai đơn vị ở khu vực Biên Hòa. Bốn đơn vị còn lại đóng ở Cap Mil District (LND: không rõ là quận hay huyện nào, nhưng có lẽ ở ven đô; cũng có thể dịch là Bộ Chỉ Huy Hành Quân Hỗn Hợp nếu là viết tắt chữ: Combined Action Program Military District), đặc biệt là ở Tân Sơn Nhứt. Đôn nói phân nửa Lữ Đoàn sẽ theo đảo chánh, trong khi Tuyến nói các tiểu đoàn 1, 5, 6 và 8 là sẽ đảo chánh. Nhiều sĩ quan bất mãn, nhưng các bản tin trái nghịch cho thấy họ trung thành với Đại Tá Viên.
Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Có 4 đơn vị, tổng cộng 4500 chiến binh. Tiểu đoàn 1 và 3 ở Sài Gòn. Tiểu đoàn 2 và 4 đóng ở Quân Khu 4. Các bản tin cho thấy có 2 hay 3 tiểu đoàn bất mãn chính phủ nhưng không xác định rõ. Không khó để thấy rằng Tư Lệnh là Đại Tá Khang hay các cấp chỉ huy khác sẵn lòng tham gia đảo chánh.
Thiết Đoàn 1 chủ yếu đóng ở Sài Gòn và phía bắc Sài Gòn. Nhiều xe tăng, xe bọc sắt và xe vận tải quân sự. Tư Lệnh trong quá khứ được nói là thân với Diệm, nhưng vài tin gần đây cho thấy có bất mãn từ người chỉ huy này và nhiều sĩ quan cấp chỉ huy khác trong đơn vị.Tuy nhiên, chúng tôi đoán rằng đơn vị đó sẽ về phía trung thành khi xảy ra đảo chánh. Thiết Đoàn 2 đóng ở Mỹ Tho. Vài dấu hiệu cho thấy có thể ủng hộ đảo chánh, nhưng các bản tin gần đây nêu ra ngờ vực.
Lực Lượng Đặc Biệt. 1200 chiến binh, phần lớn ở khu vực Sài Gòn, tất cả đều trung thành với Diệm.
Cảnh Sát. Cảnh sát đồng phục là 4500 người. Không có thể ước đoán cụ thể, nhưng không được xem là yếu tố quyết định. Cảnh sát dã chiến 800 người. Cũng không có tin cụ thể, nhưng giả thiết là trung thành với Diệm.
Sư Đoàn 5. Đóng ở Biên Hòa và phía bắc. 9200 chiến binh. Phần lớn không rõ lập trường, mặc dù các bản tin gần đây nói là các đơn vị nhỏ hơn có khuynh hướng sẽ theo các tướng, và Đôn nói là toàn bộ sư đoàn sẽ về phe đảo chánh.
Sư Đoàn 7. Đóng ở Mỹ Tho. 9200 chiến binh. Chúng tôi đoán, Tư Lệnh là Đại Tá Đạm sẽ theo phía đảo chánh, nhưng không có thông tin chắc chắn.
Không Quân. Có lẽ, khả nghi đối với nỗ lực đảo chánh, nhưng lại không phải yếu tố quyết định đối với đảo chánh.
Các đơn vị khác trong khu vực Sài Gòn, như Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, quân cảnh, dân vệ, địa phương quân, nhân sự kỹ thuật và hành chánh, vân vân, nhưng không phải là yếu tố quyết định trong tình thế đảo chánh.
Tóm lại, đối chiếu lực lượng cho thấy Phủ Tổng Thống nắm chắc các đơn vị Lực Lượng Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, Lực Lượng Đặc Biệt, với một vài đơn vị từ TQLC, Nhảy Dù, Thiết Giáp. Phía đảo chánh ước tính có vài đơn vị từ Nhảy Dù, TQLC, Thiết Giáp, Không Quân và vài đơn vị ngoài Sài Gòn không có vai trò trực tiếp.
Khi tính thêm yếu tố vận chuyển quân đội, xăng dầu, đạn dược và bất kỳ cơ chế kiểm soát vào của chính phủ VN đối với các đơn vị trên cần được xem xét trong liên hệ với sự trung thành của từng đơn vị và khả năng ảnh hưởng một cuộc đảo chánh ở Sài Gòn.
Yêu cầu các cơ quan MACV và MAAG tham khảo như trên, và trình Đại sứ xem bản phân tích này.
.
Ngày 30/10/1963. 11:55 a.m. Viết từ Sài Gòn. Từ Đại sứ Lodge gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Vào ngày 28/10/1963, Trần Quốc Bửu nói với một viên chức CAS rằng tổ chức CVTC (LND: CVTC = Liên đoàn Công nhân Cơ đốc = Confédération Vietnamienne du Travail Chrétien) và toàn dân Việt Nam sẽ sẵn sàng hỗ trợ một cuộc chính phủ quân sự do quân đội đưa lên. Họ sẽ ủng hộ ngay cả một chính phủ cứng rắn hơn chế độ hiện nay, khi nào chính phủ vẫn giữ sự lương thiện và đi theo một chính sách hợp lý. Các tổ chức đối lập sẽ chấp nhận một chính phủ như thế, cũng đặc biệt vì các nhóm như thế thiếu tổ chức và số lượng. Tổ chức CVTC sẽ không xin hiện diện trong chính phủ, nhưng sẽ có sức mạnh riêng, bởi vì đây là tổ chức độc lập duy nhất (không kể các tổ chức Phật Giáo) có số đông hội viên và kỷ luật. Bửu thêm rằng chìa khóa đối với bất kỳ thay đổi chính quyền nào hiện nay là quân sự. Có lẽ không có gì xảy ra cho tới khi quân đội hành động; rồi tất cả các thành phần dân chúng sẽ tức khắc hưởng ứng theo chính nghĩa, và chế độ hiện nay sẽ sụp đổ nhanh chóng.
.
Ngày 30/10/1963. 9 a.m. Từ Tòa Đại sứ gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Ký tên Lodge. Nơi đây là vài ý tưởng để nghiên cứu và có thể sẽ là đề tài thảo luận khi tôi có mặt ở Washington trong những điều kiện mà Hoa Kỳ có thể tiếp tục viện trợ hàng nhập cảng vào VN.
Chúng ta nên quyết định rằng chúng ta sẽ không cho chính phủ VN một tờ chi phiếu khống và rằng trong tương lai, tất cả viện trợ sẽ trao tặng, thí dụ, trên căn bản theo tam cá nguyệt để trong mọi thời gian chúng ta có thể có một vài kiểm soát. Chúng ta cũng nên nói rõ rằng chúng ta sẽ không trả lại số lượng bị mất vì ngưng viện trợ. Nếu chúng ta quyết định tiếp tục viện trợ khi họ đề nghị làm một số việc gì theo điều kiện chúng ta, tôi sẽ hy vọng rằng những chuyện nay phải bàn tận căn gốc. Thí dụ, tôi xem chuyện thay đổi nội các không có giá trị gì. Đó là một trong những điển hình của một biện pháp trình diễn bề ngoài.
Một vài bước có thể có ý nghĩa nên là như sau: (a) Đưa Ngô Đình Nhu vào nội các chính phủ hay vào chức vụ nào Nhu có thể bị quan sát và bị kiểm soát dễ dàng. (b) Trả tự do cho các tù nhân, cả Phật Tử và sinh viên. (c). Mở cửa lại tất cả các trường học. (d) Xóa bỏ các điều khoản kỳ thị tôn giáo trong Đạo Dụ 10. (e) Nới lỏng kiểm duyệt báo chí để cung cấp nơi an toàn cho các ý kiến phi truyền thống. (f) Ngưng bố ráp, vây bắt những người đối lập để có thể có một vài đối lập trung thành. Nói chung, để dân bớt sợ hãi. (g) Cho Quốc Hội hoạt động tốt hơn bằng cách đưa các Bộ Trưởng trong nội các ra để Quốc Hội chất vấn. (h) Cho phép các nghiệp đoàn lao động hoạt động trong các tỉnh. (i) Để cho phái đoàn LHQ gặp bất kỳ ai và bất cứ gì họ muốn.
Tôi không nghĩ ra cách nào để thực hiện kế hoạch như trên hay là nghĩ ra cách chống lại sự trì trệ và tránh né. Chúng ta cũng có thể gặp một tình thế trong đó họ từ chối làm bất cứ những gì, và rồi chúng ta phải xét tới chuyện có thể phải tiếp tục viện trợ. Trường hợp đó, tôi sẽ tới gặp Diệm, nói với Diệm rằng chúng ta sẽ tiếp tục chi trả một số khoản trong một thời gian hạn chế và đọc cho Diệm nghe một bản văn mà tôi sẽ để [bản văn đó] lại với Diệm có thể với những dòng chữ này:
"Kính thưa Tổng Thống, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp chi trả một số hàng nhập cảng thương mại trong một thời gian hạn chế.
"Ngài nên biết rằng chúng tôi đã ngưng chi trả các khoản này, một phần vì phản đối phương pháp nhà nước cảnh sát áp dụng tại VN chống các lãnh đạo Phật Giáo, các sinh viên và ngay cả chống lại người Mỹ. Dư luận công chúng cũng quan ngại rằng các lời tuyên bố trước công chúng của bà Nhu và của những người khác rõ ràng là bày tỏ quan điểm của chính phủ VN. Những chuyện này đã làm suy yếu sự ủng hộ của dư luận công chúng Mỹ đối với việc Hoa Kỳ giúp VN. Trong hệ thống chính quyền của chúng tôi, ngay cả Tổng Thống của chúng tôi cũng không thể đi ngược sức mạnh của dư luận công chúng.
"Chúng tôi bây giờ kết luận rằng trong khi nhiều việc xảy ra đã làm lay động niềm tin Hoa Kỳ, vẫn còn có niềm tin rằng chính phủ VN, làm việc cùng với nhân dân và quân đội, và rời bỏ bất kỳ những quan ngại quá đáng nào về thời lượng chính phủ này, sẽ tập trung toàn lực toàn tâm để chiến thắng cuộc chiến chống Việt Cộng.
"Nhưng sự chơn thực buộc chúng tôi phải nói rằng chớ có đưa chúng tôi một lần nữa trở lại vị trí bảo trợ cho sự tàn bạo và những hành vi độc tài toàn trị đang trực tiếp chống lại truyền thống và phong tục của chúng tôi."
Hy vọng rằng Bộ Ngoại Giao sẽ nghiên cứu xem biện pháp nào thích nghi hơn hay kém, mà công chúng có thể quan sát và thấy rằng các biện pháp đó được thực thi.
--- Trong phần Ghi chú, Bộ Ngoại Giao ghi thêm rằng trong điện văn 820 gửi từ Sài Gòn ngày 30/10/1963, Đại sứ Lodge ghi thêm biện pháp đề nghị: "Mục tiêu quan trọng nhất cho chính phủ VN là một chương trình hiệu quả để đại đa số nông dân VN có quyền làm chủ ruộng đất. Không biện pháp đơn độc nào khác có thể làm nhiều hơn để người nông dân cảm thấy họ có một phần sở hữu trên đất nước của họ, và do vậy nông dân sẽ cung cấp thông tin và lương thực cho chính phủ VN. Biện pháp này có thể thêm hiệu ứng chính trị và tâm lý để đưa toàn bộ nỗ lực chiến tranh vượt lên hàng đầu."
Ngày 30/10/1963. 4 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Tướng Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi về Tướng Taylor (Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ). Tôi (Harkins) ngạc nhiên khi đọc điện văn CINCPAC 0-300040Z4 (LND: từ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương - CINCPAC: Commander in Chief, Pacific) khi thấy Tướng Đôn nói là đảo chánh sẽ không trễ hơn ngày 2 tháng 11/1963. Vì Tướng Đôn từng nói rằng ủy ban đảo chánh sẽ không công bố chi tiết đảo chánh, và Đại sứ Lodge sẽ được [Tướng Đôn] tiết lộ về kế hoạch đảo chánh 2 ngày trước giờ khai hỏa. Tôi cũng không được Đại sứ Lodge nói gì về chuyện Đại sứ nhận được kế hoạch như thế. Tôi đã nói chuyện với Đại sứ Lodge hôm qua khi tôi trở về từ Bangkok (Thái Lan) và Lodge không nói gì thêm. Lodge đã đồng ý thông báo toàn bộ cho tôi nếu có bất cứ tin gì mới. Vào chiều mai thì Đại sứ Lodge sẽ bay về Washington. Nếu đảo chánh xảy ra trước ngày 2/11 thì Lodge khó mà có được thông báo trước hai ngày [như Đôn hứa].
Một điều tôi khám phá ra, rằng Đôn hoặc là đang nói dối, hoặc là đang chơi đứng giữa hai đầu. Những gì Tướng Đôn nói với tôi thì hoàn toàn trái nghịch với những gì Đôn nói với Đại Tá Conein. Đôn nói với Conein rằng đảo chánh sẽ xảy ra trước ngày 2/11/1963. Đôn nói với tôi Đôn không lên kế hoạch đảo chánh nào. Tôi đã ngồi với Tướng Đôn và Tướng Dương Văn Minh trong 2 giờ đồng hồ trong buổi diễn binh hôm Thứ Bảy qua. Không ai nhắc gì tới một cuộc đảo chánh...
Đại sứ Lodge và tôi hiện đang liên lạc với nhau, nhưng truyền thông giữa chúng tôi có hiệu quả hay không thì là chuyện khác. Tôi xin nói rằng phương pháp làm việc của Đại sứ Lodge khác hoàn toàn với Đại sứ Nolting, khi nói về các thông tin quân sự...
Tôi không chống việc thay đổi chính phủ, nhưng tôi lúc này nghiêng về giải pháp thay đổi cách cầm quyền thay vì thay đổi hoàn toàn các nhân sự. Tôi không thấy một danh sách nhân sự nào đề ra từ bất kỳ nhóm đảo chánh nào. Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn kỹ hơn vào bất kỳ danh sách nào đề ra trước khi chúng ta đưa ra bất kỳ quyết định nào. Trong những người tôi biết nơi đây, tôi không thấy ai có cá tính hơn Diệm, ít nhất là tinh thần chống Cộng. Có lẽ các áp lực chúng ta đưa ra sẽ làm Diệm và Nhu phải thay đổi. Điều này, dù vậy, chưa thấy. Cho tới giờ, họ chưa thay đổi. Tôi đang quan sát kỹ càng và sẽ báo cáo khi tôi nghĩ là họ sẽ thay đổi. Tôi muốn đề nghị rằng chúng ta đừng thay ngựa quá sớm. Sau hết, đúng hay sai, chúng ta đã hỗ trợ Diệm trong 8 năm dài gian nan. Tôi thấy như dường là không thích hợp khi chúng ta đưa Diệm xuống, đá vòng vòng, và rồi từ bỏ ông ta. Hoa Kỳ đã là người Mẹ bề trên và là người Cha linh hướng của Diệm kể từ khi Diệm nhậm chức, và Diệm đã dựa vào chúng ta nặng nề. Lãnh đạo của các quốc gia kém phát triển khác sẽ nhìn tiêu cực vào sự giúp đỡ của chúng ta để sẽ tin rằng cùng một số phận như thế có thể đang chờ đợi họ.
.
Ngày 30/10/1963. 6:30 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Đại sứ Lodge gửi Bộ Ngoại Giao. Chúng ta phải ước tính tốt nhất ở mức có thể về cơ hội thành công của cuộc đảo chánh, nhưng đừng nghĩ rằng chúng ta có sức mạnh để trì hoãn hay khuyến khích dẹp bỏ đảo chánh. Đôn đã nói rõ nhiều lần rằng đây là chuyện của người Việt với nhau. Một cách lý thuyết, chúng ta có thể trao những thông tin chúng ta có được về âm mưu đảo chánh sang cho Diệm một cách bí mật, và như thế hiển nhiên là cuộc đảo chánh sẽ bị chận đứng và chúng ta sẽ mang tiếng phản bội. Một cách thực dụng, tôi muốn nói rằng chúng ta có rất ít ảnh hưởng trên một vấn đề cốt tủy của Việt Nam. Thêm nữa, bán đứng như thế sẽ làm rơi đầu nhiều tướng lãnh, những ủng hộ viên dân sự của họ và nhiều sĩ quan cấp thấp hơn, nghĩa là hy sinh một phần quan trọng của giới lãnh đạo quân sự và dân sự đang cần chỉ huy cuộc chiến chống Cộng tới một kết cục thành công. Sau những nỗ lực của chúng ta không ngăn chận ý định đảo chánh, chúng ta đã có thể đổi khả thể thay đổi chính phủ VN để có sự tốt đẹp hơn. Diệm và Nhu tới giờ vẫn bộc lộ ý định không muốn thay đổi các phương pháp truyền thống kiểm soát bằng cảnh sát hay là có những hành động nào có thể làm suy yếu vị trí quyền lực hay sự đoàn kết của gia đình nhà Ngô. Họ vẫn như thế, bất kể áp lực nặng nề từ chúng ta. Nếu chúng ta thành công trong nỗ lực ngăn cản cuộc đảo chánh này, điều mà chúng tôi ngờ vực, đó là vì ước tính vững chắc của chúng ta rằng các sĩ quan trẻ, các nhóm nhỏ quân sự, sẽ có một hành động phá hoại nhằm gây ra hỗn loạn thích hợp với mục tiêu của VC.
Trong khi chúng tôi cố gắng ước tính sơ lược tình hình trong điện văn này, thời gian không cho phép khảo sát kỹ về chuyện này với Tướng Harkins. Cái nhìn tổng quát của tôi là Hoa Kỳ đang tìm cách đưa đất nước thời trung cổ này vào thế kỷ 20, và rằng chúng ta đã có tiến bộ lớn về quân sự và kinh tế, nhưng để chiến thắng, chúng ta cũng phải đưa họ vào thế kỷ 20 một cách chính trị, và điều đó chỉ có thể làm được bằng cách, hoặc là thay đổi triệt để thái độ của chính phủ hiện nay, hoặc là bởi một chính phủ khác. Vấn đề Việt Cộng chỉ một phần là quân sự, nhưng cũng một phần là chính trị và tâm lý.
Tôi tin rằng chúng ta nên tiếp tục vị trí hiện nay là không dính tay vào, nhưng chỉ quan sát và đòi hỏi biết thêm thông tin. Phòng CAS (tình báo Mỹ ở Sài Gòn) đã phân tích hai lực lượng dự kiến đảo chánh và trung thành, và họ ước tính rằng các tướng có lẽ nhìn thấy cơ hội khá là sít sao, và cũng tiên đoán rằng một khi họ khai hỏa, không chỉ là các đơn vị đã cam kết tham gia, mà các đơn vị đứng ngoài khác cũng sẽ vào giúp đảo chánh. Nếu họ không thể tiến hành như thế, phải nghi ngờ rằng các lãnh đạo quân sự khác khó làm được như thế một cách thành công. Có thể hiểu vì sao các tướng không muốn tiết lộ chi tiết kế hoạch của họ vì sợ lộ ra cho chính phủ Diệm.
Chúng tôi hy vọng rằng Conein sẽ gặp Đôn vào đêm 30/10/1963 hay là sáng sớm ngày 31/10/1963. Chúng tôi đồng ý rằng chúng ta nên tiếp tục đòi biết thêm chi tiết, và hỏi Đôn về ước tính của Đôn về sức mạnh quân sự của hai phía đảo chánh và trung thành. Tuy nhiên chúng tôi không tin rằng chúng ta nên lộ ra bất kỳ dấu hiệu nào muốn tự chúng ta bước vào can thiệp, hay là lộ ra ấn tượng rằng chúng ta do dự về chuyện của người Việt Nam khởi động. Xin ghi thêm rằng phòng CAS Saigon đã hiệu đính bản ước tính, ghi thêm 2 trung đoàn của Sư Đoàn 7 vào lực lượng sẽ tham gia đảo chánh.
Chúng tôi nghĩ rằng sẽ không khôn ngoan nếu yêu cầu Tướng Dương Văn Minh tiết lộ kế hoạch đảo chánh cho Tướng Stilwell. Người Việt vẫn tin rằng có một vài phần tử trong quân lực Hoa Kỳ làm lộ tin ra cho chính phủ VN. Tôi không ngờ vực rằng đây là một niềm nghi ngờ bất công, nhưng sự kiện là sự nghi ngờ đó hiện hữu và không ích lợi gì phải giả vờ là không có.
Tôi cảm ơn Bộ đã cung cấp một phi cơ quân sự có giường cho tôi. Tôi dự định nói với hãng hàng không Pan American rằng một chiếc phản lực đã được đưa cho tôi sử dụng và do vậy tôi không cần dịch vụ của họ nữa. Chuyện này hiển nhiên sẽ bị lộ ra cho báo chí và chính phủ VN có thể nghiên cứu chuyện này với một chút nghi ngờ. Tôi sẽ trả lời bất kỳ ai thắc mắc rằng tôi hài lòng về sự chăm sóc này, và hiển nhiên là để cung cấp tiện nghi và tiết kiệm thì giờ cho tôi. Để trấn an các nghi ngờ đó, tôi sẽ đề nghị cung cấp chỗ ngồi [trên phi cơ đó] cho MACV dùng cho trường hợp nào cần về Mỹ khẩn cấp, vân vân, và xem chuyện này như một kiểu bình thường có thể. Tôi muốn giữ vài lời bình luận về thời gian tôi lên phi cơ cho tới khi có thểm thông tin, hy vọng là ngày mai.
Như dường là không hợp lý để đưa một viên chức quân sự phụ trách một vấn đề rất chính trị như chuyện đảo chánh. Thực sự, tôi muốn nói rằng làm như thế nghĩa là khai tử mọi hy vọng về đảo chánh nơi đây. Tôi nói như thế không vì hiềm khích cá nhân chút nào, bởi vì Tướng Harkins là một tướng lãnh tuyệt vời và là một bạn cũ của tôi, người mà tôi tin cậy ủy thác mọi thứ tôi có. Tôi tin rằng Tòa Đại Sứ và MACV có thể làm mọi hoạt động bình thường trong khi Phòng CAS có thể tiếp tục liên lạc với những người đảo chánh, và chúng ta phải làm mọi cách tốt nhất có thể sau khi cuộc đảo chánh khởi động. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng chính phủ VN không hoàn toàn dở trong việc nghe ngóng, và do vậy mọi bước hành động đều cần dè dặt ở mức tối đa có thể. Dĩ nhiên, tôi sẽ liên lạc với các lực lượng này chỉ khi cực kỳ cần thiết, bởi vì hy vọng của tôi trùng hợp với hy vọng của các tướng lãnh VN rằng chuyện này sẽ hoàn toàn là vấn đề riêng của người Việt.
Chúng tôi tiên đoán rằng nếu cuộc đảo chánh không thực hiện thần tốc được, chính phủ VN sẽ yêu cầu tôi hay Tướng Harkins sử dụng ảnh hưởng của chúng ta để dẹp bỏ cuộc đảo chánh. Tôi tin rằng trách nhiệm của chúng ta nên là, ảnh hưởng của chúng ta không thể ưu thắng hơn của một Tổng Thống, người cũng là Tổng Tư Lệnh Tối Cao, và nếu ông ta không thể dẹp bỏ [cuộc đảo chánh] thì chúng ta chắc chắn không có thể làm như thế và nếu làm thế chúng ta sẽ gây nguy hiểm cho sinh mạng người Mỹ trong khi can thiệp vào chuyện của người Việt Nam. Chính phủ VN có thể xin phi cơ. Trực thăng, để di tản một số nhân vật quan trọng, sẽ được nghiên cứu kỹ, nhưng chúng ta sẽ không cam kết giúp phi cơ và phi công giữa các lằn đạn giao chiến của quân hai bên. Chúng ta sẽ nói rằng chúng ta sẵn sàng hành động trong khi có ngưng bắn giữa hai phía để di tản một số nhân vật. Tôi tin là sẽ có vấn đề chúnh trị tức khắc khi tìm cách đưa các nhân vật này sang một nước láng giềng khác và có lẽ tốt nhất là đưa họ vào Saigon [Saipan?] nơi không có báo chí, truyền thông, vân vân, như thế sẽ cho chúng ta một số thoải mái. (LND: Hình như trong bản điện văn gốc, Lodge ghi là "Saigon" rồi Bộ Ngoại Giao khi lưu hồ sơ ghi chú thành [Saipan?], một đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ.) Nếu các viên chức cao cấp VN và gia đình họ xin tỵ nạn trong Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ hay các cơ sở Hoa Kỳ khác, chúng ta sẽ, có lẽ, phải cho họ quyền đó, vì trước đó chúng ta cũng đã làm như thế với nhà sư Trí Quang. Như thế sẽ rắc rối về sau, nhưng hy vọng là tân chính phủ sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề này. Một cách tự nhiên, tỵ nạn sẽ được cấp cho họ cùng một căn bản như các Phật Tử, tức là, trú ẩn trong Tòa Đại Sứ hay cơ sở khác của chúng ta.
Theo yêu cầu của các tướng, họ có thể sẽ cần một khoản tiền vào giây phút cuối để có thể mua chuộc thành phần chống đối. Để các khoản tiền này có thể chuyển giao một cách riêng biệt thích nghi, tôi tin chúng ta nên giúp, với điều kiện chúng ta tin rằng cuộc đảo chánh được tổ chức hiệu qủa để có cơ hội thành công tốt. Nếu họ đảo chánh thành công, họ sẽ xin được công nhận và xin bảo đảm rằng viện trợ quân sự và kinh tế sẽ tiếp tục như mức thường lệ. Chúng ta nên sẵn sàng để làm các văn bản này, nêu minh bạch lập trường chúng ta như Tổng Thống [Kennedy] đã nói rằng muốn tiếp tục cuộc chiến chống Cộng tới chiến thắng cuối cùng. Đài VOA có thể là một phương tiện quan trọng để loan truyền các thông điệp này. Nếu cuộc đảo chánh thất bại, chúng ta sẽ phải nhặt lại các mảnh vỡ. Chúng ta đã có một cam kết với các tướng từ hồi tháng 8/1963 là sẽ giúp di tản gia đình của họ. Chúng ta sẽ có gắng giữ lời hứa đó nếu điều kiện cho phép. Người Mỹ sẽ bị tố cáo là đồng lõa, và sẽ có thể có vài hành động chống lại một số cá nhân cụ thể mà chúng ta nên tiên đoán và phải ứng biến ở mức tốt nhất có thể. Nếu cuộc đảo chánh dẫn tới giao chiến kéo dài, ngang ngửa, chúng ta có thể đề nghị giúp giải quyết vấn đề dựa trên lợi ích cho cuộc chiến chống VC. Điều này có thể có vài lợi ích vì sẽ có nhượng bộ từ chính phủ VN. Chúng ta một cách tự nhiên sẽ bị chỉ trích từ cả 2 phía, trong cương vị người trung gian. Tuy nhiên sự chỉ trích đó sẽ đỡ khó chịu hơn là một sự bế tắc có thể mở cửa cho VC. Chúng tôi xem sự bế tắc như thế là khả thể ít có thể xảy ra nhất trong 3 kịch bản.
Tôi không biết phải tìm chứng cớ nào đưa ra nữa, hơn là sự kiện rằng những người này đang sửa soạn hy sinh thân mạng của họ và rằng họ không muốn gì riêng cho họ. Nếu tôi là một thẩm phán về bản tính con người, tôi nghĩ khuôn mặt của Tướng Đôn bày tỏ sự trung thực và quyết tâm vào buổi sáng mà tôi đã nói chuyện với Đôn. Rất đồng ý rằng, hễ tính toán sai là sẽ có thể nguy hiểm cho vị trí chúng ta tại Đông Nam Á. Chúng ta cũng gặp rủi ro rất lớn nếu không làm gì hết. Nếu chúng tôi nhận thấy rằng cuộc đảo chánh sẽ thất bại, dĩ nhiên chúng tôi sẽ làm mọi thức có thể để ngăn chận nó.
Tướng Harkins đã đọc điện văn tôi viết này và không đồng ý.
.
Ngày 30/10/1963. 6:30 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Đại sứ Lodge gửi về BNG.
Trong cuộc nói chuyện với một viên chức CAS vào đêm 29/10/1963, Bác sĩ Đặng Văn Sung, một lãnh tụ đối lập và là đồng minh chính trị của Bác sĩ Phan Huy Quát, nói rằng trong nhiều tháng qua, ông đã làm việc tích cực để kết hợp nhiều nhóm khác nhau vào một khối chính trị. Các nhóm này gồm có Mặt trận Dân chủ hóa của Sung, các thành phần Đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đảng Duy Dân và giáo phái PG Hòa Hảo. Sung nói rằng bất kể trước giờ khó hình thành một mặt trận chung, Sung đã có các bước tiến bộ để kết hợp các nhóm này bởi vì bầu không khí hiện nay đang thuận lợi. Sung nói rằng trong cương vị đại diện các nhóm trên, Sung đã liên lạc với các sĩ quan cao cấp xuyên qua một trung gian. Mục đích liên lạc là để có các khuyến cáo chính trị cho các sĩ quan cao cấp trong trường hợp thay đổi chế độ. Theo lời Sung, phản ứng từ phía các tướng là thuận lợi, dù chưa có quyết định cuối cùng nào về chi tiết cho hình thức và cấu trúc tân chính phủ hậu đảo chánh. Sung nói rằng suy nghĩ của Sung và của các sĩ quan gồm nhiều chương trình ngắn hạn và dài hạn. Ngay sau khi đảo chánh, giả sử thực hiện bởi các tướng lãnh, một chính phủ chuyển tiếp sẽ hình thành với một tướng, có lẽ Tướng Dương Văn Minh, trong cương vị Tổng Thống. Một dân sự, có lẽ Trần Văn Đỗ, sẽ là Phó Tổng Thống. Sung nói ông tin rằng một tướng sẽ được bổ nhiệm là Bộ Trưởng Quốc Phòng, nhưng các dân sự sẽ nắm tất cả các bộ khác, lúc đó có lẽ giảm số lượng bộ để tăng hiệu năng. Sung và các bạn tin rằng có dư thừa các chính khách cả trong và ngoài Việt Nam sẽ làm cho cần thiết có kiểm soát quân sự trong chính phủ chuyển tiếp.
Sung nói đặc điểm của tân chính phủ sẽ là một cơ quan giống như lập pháp gọi là Nhóm Cố vấn. Cơ quan này có quyền khuyến cáo và phê bình, nhưng không vượt quyền quyết định của bên hành pháp. Nhóm Cố vấn sẽ gồm 25 tới 30 người. Có 10 thành viên được chọn bởi sự tham vấn giữa tân chính phủ và các nhân sự chính trị và các lãnh tụ khác. Nhóm 10 người đầu tiên sẽ bao gồm, thêm vào một số nhân vật đối lập hiện nay, các đại diện giới lao động, các tôn giáo khác nhau, vân vân. Nhóm 10 người đầu tiên đó sẽ chọn 15 hay 20 người khác từ đại diện các vùng khác nhau của Nam VN và bao gồm các sắc tộc thiểu số và các giáo phái khác nhau.
Sung nói sau thời gian chuyển tiếp là 6 tháng tới một năm, một Quốc Hội mới sẽ được bầu lên qua tuyển cử tự do và số lượng chỉ khoảng 50 đại biểu quốc hội. Sung nói rằng khi liên lạc với các tướng, đều đồng ý rằng khó mà giữ số lượng đại biểu quốc hội như hiện nay, và sao cho họ là các đại biểu năng động và khả năng; nhấn mạnh sẽ là phẩm chất chứ không phải tất cả các vùng nhỏ tại VN đều có đại biểu. Nhóm cố vấn chuyển tiếp sẽ có mục tiêu chính là sửa soạn cho một Quốc Hội bầu lên hiệu quả và dân chủ. Sung thêm rằng dự kiến một Quốc Hội hiệu năng và một đảng đối lập chân chánh sẽ dẫn tới giải thể nhiều đảng đối lập hiện nay (Đại Việt, VNQDĐ, Duy Dân, vv.) mà Sung nói là lỗi thời và vô dụng.
Sung nói mục tiêu dài hạn của chính phủ mới sẽ là một chiến thắng quân sự, và các cải tổ về kinh tế, xã hội, chính trị để dẫn tới dân chủ, trong khi các mục tiêu ngắn hạn có thể là cần thiết độc tài. Sung nhắc nói xóa sổ Saigon Press (rồi thay thế bằng một cơ quan thông tấn có trách nhiệm) và sự xóa sổ hệ thống tòa án hiện nay mà Sung gọi là cánh tay chính trị của Diệm và Nhu. Sung muốn có Mỹ hỗ trợ và cố vấn trong việc lên kế hoạch và thực hiện các chương trình ngắn hạn và dài hạn của tân chính phủ. Về hình thức Hoa Kỳ hỗ trợ và cố vấn, Sung nói rằng Sung đang làm việc tích cực với nhiều thành phần sinh viên tại Sài Gòn, từ đó giới lãnh đạo tương lai sẽ xuất hiện. Trong những ngày căng thẳng Phật Giáo, một ủy ban bí mật của các trường trung học bao gồm 21 thành viên đại diện cho khoảng 40 trường trung học công và tư đã được hình thành. Có 7 nhân vật cộng sản trong ủy ban này. Sung nói Sung được các học sinh khác hỏi về cách đối phó với các nhân vật cộng sản đó, nhưng trong bầu không khí hiện nay thì cực kỳ khó để cung cấp lời khuyên và hỗ trợ hiệu quả. Sung nói là Sung không biết thời điểm cuộc đảo chánh sắp tới, và do dự nói về các biện pháp để ảnh hưởng tới cuộc thay đổi chính phủ. Sung nói Sung và các bạn không tham dự vào phương diện "phá hủy" của bất kỳ thay đổi nào, nhưng sẽ góp sức để đưa đất nước vào lại đúng đường, khi có sự thay đổi chế độ.
.
Ngày 30/10/1963. Viết từ Washington. Bản ghi nhớ từ Kattenburg (Giám Đốc Nhóm Làm Việc Về VN) gửi tới Hilsman (Phụ Tá Ngoại Trưởng về Viễn Đông Sự Vụ). Nội dung: Những gì chúng ta biết về kế hoạch đảo chánh, phương pháp và nhân sự.
Chúng ta thực sự không biết gì về phương pháp của các tướng và các đồng minh dân sự của họ dự định sử dụng. Trở về cuộc nói chuyện của Conein với Tướng Minh ngày 5/10/1963, dự kiến có thể có 3 kế hoạch như sau:
a) ám sát Nhu và Cẩn, giữ Diệm trong chính phủ -- Tướng Minh nói đây là kế hoạch dễ nhất để thực hiện;
b) bao vây Sài Gòn bằng nhiều đơn vị quân sự;
c) chạm súng trực tiếp giữa các lực lượng đảo chánh và lực lượng trung thành tại Sài Gòn, chia thành phố thành các khu vực và đánh chiếm từng khu phố.
Minh cũng nói trong buổi nói chuyện đó rằng Minh sẽ phải loại bỏ Nhu, Cẩn và Hiếu, như thế sẽ buộc Đại Tá Tung quỳ gối trước mặt Minh. Và rồi bây giờ thì đã có thêm vài thông tin gián tiếp nói về ám sát và tiêu diệt toàn bộ gia đình nhà Ngô.
Kế hoạch đảo chánh. Đôn trước đây đã hứa với Conein rằng ủy ban đảo chánh đã đồng ý rằng kế hoạch quân sự và chính trị sẽ chuyển tới cho Đại sứ Lodge biết hai ngày trước khi khai hỏa (cuộc nói chuyện đêm 24/10/1963), nhưng khi nói chuyện với Conein hôm 28/10/1963, Đôn nói có thể sẽ chỉ cho biết 4 tiếng đồng hồ trước thôi. Đôn hỏi kỹ Conein về giờ nào trong ngày 31/10/1963 Đại sứ Lodge sẽ lên đường [về Mỹ]. Về người soạn kế hoạch đảo chánh, Đôn nói với Conein rằng Đôn là người liên lạc với người Mỹ, các tướng khác nhau và các tư lệnh sư đoàn. Tướng Kim là người soạn kế hoạch chính trị, trong khi soạn kế hoạch quân sự thì trong tay các tướng khác (có lẽ, chính Tướng Dương Văn Minh).
Nhân sự lãnh đạo cuộc đảo chánh.
A. Quân sự. Vào ngày 5/10/1963, Tướng Dương Văn Minh thông báo Conein rằng "trong các tướng tham dự với Minh trong kế hoạch này là: Tướng Đôn, Tướng Khiêm và Tướng Kim." Trong cuộc nói chuyện ngày 25/10/1963, Conein nghe từ Tướng Đôn rằng ủy ban đảo chánh bao gồm Đôn và các tướng Minh, Chiểu và Kim. (Ghi chú: Tướng Khiêm nơi đây đã bị loại ra và thay bằng Tướng Chiểu người chúng ta biết từ lâu là Chiểu bất mãn. Trong cuộc nói chuyện ngày 28/10/1963, Đôn nói với Conein rằng Tướng Khiêm đang bị theo dõi vì bị Tổng Thống Diệm nghi ngờ.) Lần nữa, vào ngày 28/10/1963, Đôn nói với Conein rằng Tướng Khánh đang hợp tác, nhưng không phải là thành viên trong ủy ban đảo chánh; Khánh sẽ "không muốn đưa quân khu của Khánh vào giao chiến." Đôn cũng nói tương tự với các tướng Trí và Đính. Trong cuộc nói chuyện ngày 28/10/1963, Đôn nói với Conein rằng Đôn sẽ đi vào sáng ngày 29/10 tới gặp các tướng Trí và Khánh để hoàn tất kế hoạch. Đôn dè dặt không tin Trung Tá Thảo, người Đôn nói là các tướng nghi ngờ.
B. Dân sự. Rõ ràng là một số dân sự và người đối lập có biết về kế hoạch đảo chánh của các tướng lãnh, mặc dù không biết nhiều chi tiết. Các dân sự này phần lớn là lãnh tụ của tổ chức Đại Việt Quốc Dân thời chống Pháp, chống Cộng, và chống Diệm. Trong đó, chú ý có Bùi Diễm, trong giới lãnh đạo trẻ và năng đông của Đại Việt; Đặng Văn Sung và Phạm Huy Quát, các lãnh tụ lâu năm của Đại Việt; và Trần Trung Dung, Bộ Trưởng Quốc Phòng của Diệm từ 1955 tới 11/1960. Trong một cuộc nói chuyện giữa Dung và một viên chức CAS, Dung nói Dung hình dung một chính phủ lãnh đạo bởi Phó Tổng Thống Thơ, với Quát làm Thủ Tướng. Dung nói rõ các nhân vật sau cho các ghế Bộ Trưởng: Trần Văn Lý (cựu Thủ Hiến Miền Trung); Phan Quang Đán (nhà đối lập lâu năm, có nhiều năm tại Hoa Kỳ); Trần Văn Tuyên (cựu cố vấn chính trị của Cao Đài); và Phạm Khắc Sửu, một nhà đối lập Đại Việt nổi tiếng ở Sài Gòn. Dung cũng nhắc tới 3 người lưu vong đáng cứu xét, trong đó có Nguyễn Hữu Châu và Nguyễn Tôn Hoàn.
Các đơn vị quân sự tham dự: Ông sẽ nhận được bản văn khác cho đề tài này.
Chương trình chính trị. Bây giờ chỉ mới nghe về chương trình chính trị trong cuộc nói chuyện của Đôn với Conein hôm 24/10/1963, trong đó Đôn nói rằng: a) chính phủ kế tiếp sẽ là dân sự; b) Sẽ trả tự do càng sớm càng tốt các tù nhân chính trị không-Cộng-sản và sẽ tổ chức bầu cử trung thực, và sẽ bao dung cho sự hoạt động của các đảng đối lập; c) sẽ hoàn toàn có tự do tôn giáo; và d) sẽ ủng hộ thế giới phương Tây, nhưng sẽ không là chư hầu của Mỹ, để "dẫn cuộc chiến chống VC tới kết cục chiến thắng, trong khi nhận sự giúp đỡ của Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ."
.
Ngày 30/10/1963. 5 p.m. Viết từ Sài Gòn. Từ Tòa Đại sứ gửi về BNG. Ký tên Lodge. Chuyển trực tiếp tới Tổng Thống Kennedy. Không gửi tới nơi khác. Nơi đây là bản báo cáo hàng tuần, tuần lễ kết thúc vào ngày Thứ Tư 30/10/1963.
Câu hỏi 1: Chúng ta đang thắng hay thua, tính theo hàng ngày, trong cuộc chiến chống VC?
Trả lời: Không có thay đổi lớn về tình hình quân sự trong suốt tuần qua. Sự kiện đáng ghi nhận nhất đối với tôi, trực tiếp, là lời tiết lộ có tính tối mật từ Tướng Đôn, hiện nay là Quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân, rằng Đôn không nghĩ là cuộc chiến có thể thắng được với chính phủ Diệm như hiện nay, trước khi người Mỹ ra đi, và chắc chắn là sau đó là không thể thắng VC nổi. Tôi tiếp tục nghĩ rằng chúng ta có thể và phải tiếp tục chiến dịch giữ đất và giữ dân như hiện nay, nhưng sẽ phải là cái gì khác hơn với những gì chính phủ VN đang làm hiện nay về chính trị và tâm lý chiến để có chiến thắng thực sự.
Câu hỏi 2: Có phải chính phủ VN đang đáp ứng yêu cầu chúng ta là phải cải tiến 3 lĩnh vực: (a) chiến dịch quân sự chống lại VC, (b) mở rộng chính trị nội bộ, và (c) hành động chinh phục dư luận, cả chính phủ và người dân, Hoa Kỳ?
Trả lời: Về (a), không thay đổi lớn. Không đáp ứng cụ thể nào chúng ta nhận được từ phía chính phủ VN về các lĩnh vực quân sự mà chúng ta đã nói là cần cải tiến. Về (b), không thay đổi lớn nào. Về (c), Không thay đổi lớn.
Câu hỏi 3: Có chứng cớ nào cho thấy có sự mạnh hơn hay yếu hơn về tính hiệu quả của chính phủ VN trong tương giao quan hệ với chính người dân VN?
Trả lời: Một bản báo cáo từ người Quyền Lãnh Sự tại Huế dẫn ra trường hợp một phụ nữ Việt Nam, Hiệu trưởng của một trường giành riêng cho nữ sinh tại Huế, người này vẫn còn bị giam trong tù chỉ vì tội duy nhất là viết một lá thư gửi Tổng Thống "gần như là xin thay đổi trong chính phủ" và bản văn này ký tên chung với ban giảng huấn trường. Lá thư kêu gọi Tổng Thống Diệm dùng thẩm quyền lãnh đạo để giải quyết vấn đề Phật Giáo và bác bỏ các hành động đàn áp của các quan chức cấp thấp. Viên chức Lãnh sự Hoa Kỳ của chúng ta mới đem chuyện này nói với chính quyền địa phương, thì được nói rằng hễ bà Hiệu Trưởng "tự thú tội" xong thì sẽ được đưa ra trước tòa quân sự. Hồi cuối tuần vừa qua, người nữ Hiệu Trưởng này được thả ra, nhưng người ta tin rằng bà được thả vì liên hệ tới chuyến thăm của phái đoàn LHQ và có giả thuyết rằng sau khi phái đoàn LHQ rời Việt Nam thì bà Hiệu Trưởng sẽ có chuyện nữa. Không có lý do nào để nghĩ rằng trường hợp này có cái gì dị thường. Cũng có tin ghi nhận về nhiều sĩ quan Lục quân bị yêu cầu lập danh sách những người nào trong đơn vị của họ mà có các hành động bị xem là không phù hợp với chính sách nhà nước.
Câu hỏi 4: Và cụ thể hơn, phản ứng nào từ phía chính phủ VN đối với chúng ta, và chúng ta có cần thay đổi chút nào về hướng tiếp cận với chính phủ VN?
Trả lời: Chúng ta bắt đầu thấy một vài ảnh hưởng, nhưng không bao nhiêu cụ thể. Diệm mời tôi ở một ngày Chủ Nhật với ông và nêu lên đề tài ngưng nhập cảng mặt hàng tiêu dùng mà, tôi hy vọng, là khởi đầu của một cuộc đối thoại. Thuần sau đó nói rằng có lẽ đó là khúc dạo đầu của TT Diệm. Nhưng nhập cảng hàng thương mại và ngừng viện trợ đối với Đại Tá Tung có vẻ như gây ấn tượng với chính phủ VN nhiều hơn là chúng ta cứ nói hoài. Có lẽ họ sẽ đề ra vài bước để họ thực hiện nhằm trao đổi việc tiếp tục viện trợ, mặc dù tôi nghi ngờ rằng họ sẽ nhượng bộ nhiều. Bất cứ những gì họ hứa làm, thế rồi lại trì hoãn và sẽ rất khó mà chứng thực những việc đó. Khi chúng ta quyết định rằng đã tới lúc chúng ta tiếp tục viện trợ, thì có lẽ tôi nên được trao quyền làm một bản văn gửi Diệm để giải thích rằng chính sách của chính phủ VN gây nhiều khó khăn cho chúng ta tiếp tục viện trợ, nhưng, mặc dù niềm tin Hoa Kỳ đã suy yếu, chúng ta đã kết luận rằng họ có ý chiến thắng cuộc chiến; rằng chúng ta sẽ tiếp tục viện trợ một số lĩnh vực trong những thời gian cố định đều đặn.
Các phản ứng khác nhận thấy như sau:
a. Tiến sĩ Herbert K. Walther của phòng giáo dục USOM, người có lẽ gặp nhiều giáo sư và sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ viên chức nào trong các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nơi đây, báo cáo rằng một vài giáo sư hay sinh viên đã khen ngợi quyết định Hoa Kỳ ngưng viện trợ cho Việt Nam. Tất cả những người liên lạc của Walther đều nói họ hoan hỷ vì quyết định của Hoa Kỳ tạm ngưng viện trợ, và họ nói lẽ ra Mỹ phải làm như thế sớm hơn để áp lực Diệm.
b. Tướng Đôn bày tỏ sự hài lòng rằng lực lượng của Đại Tá Tung đã được đặt dưới quyền Bộ Tổng Tham Mưu. Đôn cũng quan ngại về đồng bạc mất giá.
c. Phó Tổng Thống Thơ hỏi một người tới thăm rằng tôi [Lodge] có đủ mạnh mẽ để đứng vững trong tình thế hiện nay. Khi được nghe rằng tôi vững vàng, Thơ đáp là tốt vậy.
d. Trên thị trường chợ búa, giá hàng nhập cảng tăng đều với tình hình chính phủ VN kiểm soát bột và sữa đặc có đường, trong khi số lượng bán sỉ không còn đủ nữa. Thị trường tiền tệ tiếp tục dao động. Vàng mới tăng giá 50% thế rồi sụt giá 12% bởi vì có một số lượng lớn vàng nhập lậu từ Hồng Kông tuần qua. Các tin đồn về hành động của chính phủ VN đều đặn đưa ra, nhưng không thấy gì xảy ra. Toàn cảnh cho thấy có hoang mang trong giới doanh nhân và công chức. Vài biểu hiện bất mãn đã lên tiếng từ các công đoàn. Các viên chức chính phủ VN cũng quan ngại về giá hàng chợ, cộng thêm tin đồn sẽ giảm lương và vật giá tăng vì phải mua thức ăn trưa vì áp dụng giờ làm việc mới. Tôi biết là có đủ sữa cho tới tháng 12/1963 hay tháng 1/1964. Tôi dự định đưa lượng sữa này ra khi cần thiết để bảo đảm có số lượng bình thường cho dân tiêu thụ. Cuối cùng, chính phủ VN có vẻ như đã có một khởi đầu tốt với phái đoàn LHQ. Tới giờ, họ cho phái đoàn gặp mọi người, kể cả các Phật Tử đang bị giam giữ.
.
Ngày 30/10/1963. 7 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Tướng Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi về Tướng Taylor (Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ).
Khi tôi nói tuần trước rằng tôi không muốn có đảo chánh ở VN, tôi đã không nhận ra là tôi đã lỡ nhịp với thực tại. Thực sự, Đại sứ Lodge đã đồng ý thông báo cho tôi mọi diễn tiến ở VN. Do vậy tôi hơi shock khi Đại sứ Lodge gọi tôi hôm nay về chỉ thị từ Washington. Tôi không biết rằng trước đó đã có liên lạc giữa Đôn và Conein. Tôi thực sự không nhận ra về tính tất yếu kế hoạch đảo chánh của Đôn. Vì chúng ta không biết về kế hoạch đó, tôi không có thể nói là kế hoạch tốt ra sao. Đối với tôi, như dường Đôn đã lấy danh sách các đơn vị ra rồi chỉ định các đơn vị sẽ được sử dụng. Về cách mà các Sư Đoàn 21, 9, 7, 23 và 5 có thể yểm trợ tức khắc cho một nỗ lực ở Sài Gòn thì khó mà hình dung được.
(LND: Tướng Harkins muốn nói rằng các sư đoàn này có căn cứ xa Sài Gòn, khó đưa về dùng cho đảo chánh, và nếu đưa về thì sẽ trống nhiều chỗ cho VC vào.)
Nếu các sư đoàn này được đưa vào khu vực [thủ đô để đảo chánh], thì VC sẽ lợi dụng liền và tôi không thể đoán là cần bao lâu để đưa quân chính phủ tái chiếm các nơi bỏ ngõ cho VC chiếm. Nếu Đôn dự định chỉ dùng các đơn vị quân đội địa phương, thì nỗ lực [đảo chánh] sẽ thất bại.
Tôi đọc điện văn của Đại sứ hôm nay trả lời cho sự không đồng ý của tôi rằng chúng ta nên có thêm thông tin. Cho dù Đôn nói cuộc đảo chánh thuần túy là người Việt, Hoa Kỳ cũng sẽ liên hệ dù chúng ta thích hay không thích. Tôi cảm thấy chúng ta nên đồng ý đảo chánh chỉ với một điều chắc chắn: Điều này hoặc tiếp tục giúp đỡ Diệm cho tới khi chúng ta cạn hết tất cả các biện pháp áp lực. Uy tín của Hoa Kỳ thực sự liên hệ cách này hay cách kia, và nói phải được gìn giữ ở mọi giá.
.
Ngày 30/10/1963. 12:25 p.m. Bản ghi nhớ về cuộc nói chuyện điện thoại giữa Harriman (Thứ Trưởng Ngoại Giao về Chính Trị) và Bundy (Phụ tá Đặc biệt của Tổng Thống về An Ninh Quốc Gia). Người chép lại cuộc nói chuyện điện thoại là Dolores P Perruso, nhân viên trong văn phòng của Harriman.
Harriman nói rằng Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara không hài lòng vì Tướng Harkins không được hỏi ý về các lượng định quân sự. Harriman nói rằng các đánh giá của Harkins không chính xác tí nào. Harriman nói Bundy nên ghi nhớ trong tâm [rằng Harkins không chính xác] khi liên hệ những gì Harkins nói. Harriman nói rằng Harriman nghi ngờ khả năng của ban tham mưu của Tướng Harkins. Harriman nói rằng Harriman nghĩ rằng Trueheart đã thực hiện các công việc rất tuyệt vời.
Ngày 30/10/1963. 5:49 p.m. Viết từ Washington. Điện văn từ Bundy (Phụ tá Đặc biệt của Tổng Thống về An ninh Quốc gia) gửi Đại sứ Lodge.
Chúng tôi không chấp nhận như một căn bản cho chính sách Mỹ rằng chúng ta không có sức mạnh để trì hoãn hay bác bỏ một cuộc đảo chánh. Ông đã viết rằng nếu ông tin rằng đảo chánh sẽ thất bại, ông sẽ làm mọi chuyện để ngăn cản lại. Chúng tôi tin rằng dựa trên cùng căn bản này, ông nên có hành động thuyết phục các lãnh tụ đảo chánh hãy ngưng lại hay trì hoãn bất kỳ chiến dịch nào mà, trong sự phán đoán tốt nhất của ông, không nắm chắc phần thắng. Chúng ta chưa bao giờ cứu xét tới chuyện phản bội các tướng lãnh để bênh vực Diệm, và nhân sự liên hệ của chúng ta đã bác bỏ chuyện như thế. Chúng tôi nhận ra sự nguy hiểm khi lộ ra vẻ như mình là con tin cho các tướng, nhưng chúng tôi tin rằng vị trí chúng ta nên cứng rắn càng nhiều càng tốt, do vậy chúng ta không thể tự hạn chế mình vào trường hợp được ông ám chỉ là chỉ có sự thất bại nào đó mới cần can thiệp. Chúng tôi tin rằng tiêu chuẩn của ông về sự can thiệp nên nói như trên.
Do vậy, nếu ông kết luận rằng không có nhiều phần sẽ thắng, ông nên nêu nghi ngờ với các tướng để thuyết phục họ tạm hoãn cho tới khi có cơ hội tốt hơn để đảo chánh thành công. Khi thông báo như thế, ông nên dùng sức mạnh những lời khuyên tốt nhất của Mỹ và công khai bác bỏ bất kỳ sự ám chỉ nào là chúng ta chống lại nỗ lực của các tướng chỉ vì chúng ta thiên vị cho chính phủ Diệm. Chúng ta nên nhớ rằng các tướng đã diễn dịch vai trò Hoa Kỳ trong cuộc đảo chánh 1960 [bất thành], và nhân sự của ông nên phân biệt rõ ràng giữa lời khuyên chân thành và mạnh mẽ trong cương vị bạn, và đối với bất kỳ chống đối nào đối với mục tiêu của họ. Chúng ta tiếp tục lượng định theo sát từng phút về viễn ảnh [thành công hay không]. Chúng ta muốn tiếp tục trao đổi các lượng định mới nhất về đề tài này.
Để làm sáng tỏ, chúng tôi lặp lại ước muốn của chúng ta như sau. a) Trong khi ông còn ở Sài Gòn, ông là Tư Lệnh chỉ huy các hoạt động của người Mỹ tại VN trong mọi trường hợp và chỉ thị duy nhất của chúng tôi là, chúng tôi biết chắc rằng sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho Harkins trong mọi giai đoạn và sử dụng lời khuyên từ cả Harkins và (xóa vài chữ) trong việc đưa ra hướng dẫn đối với những người liên lạc và sự lượng định. Chúng tôi vẫn quan ngại rằng cả Conein và các nguồn tin khác chưa có thông tin sáng tỏ về sự bố trí lực lượng và mức độ quyết tâm đảo chánh của các tướng. b) Khi ông rời Sài Gòn và trước khi xảy ra cú đảo chánh, Trueheart sẽ là Tư lệnh các hoạt động của người Mỹ tại VN. Trong trường hợp đó, chúng tôi muốn tất cả chỉ thị đối với Conein sẽ được thực hiện trong sự tham khảo với Harkins và (xóa vài chữ) để cả 3 người biết những gì được nói cho Conein. Bất kỳ bất đồng ý nào giữa 3 người về các chỉ thị đó nên được báo cáo về Washington và giữ lại chờ quyết định của chúng tôi, khi thời gian cho phép. c) Nếu ông đã rời VN và cú đảo chánh xảy ra, chúng tôi tin rằng đó là tình hình khẩn cấp, chờ ông trở về [Sài Gòn], rằng hướng đi của các viên chức Mỹ tại VN cần được cẩn trọng giữ trong các viên chức cao cấp nhất có kinh nghiệm về các quyết định quân sự, và viên chức đó theo chúng tôi nên là Harkins. Chúng tôi không có ý định là chuyện thay đổi trách nhiệm cuối cùng này lộ ra công khai dù là ở cách nào, và Harkins dĩ nhiên sẽ được hướng dẫn theo các chỉ thị của chúng tôi.
Trong trường hợp xảy ra đảo chánh: a) chính phủ Mỹ sẽ bác bỏ lời yêu cầu can thiệp trực tiếp từ phía nào, và phi cơ do Mỹ kiểm soát và các tài nguyên khác sẽ không đưa vào giữa các cuộc giao chiến hay là để hỗ trợ dù là phía đảo chánh hay phía trung thành với chính phủ, mà không có sự cho phép của Washington. b) Trường hợp giao chiến ngang ngửa, Hoa Kỳ có thể đồng ý thực hiện vài hành động được cả 2 phía đồng ý, như chở đi các nhân vật quan trọng hay chuyển thông tin. Tuy nhiên, khi làm như thế, chính phủ Mỹ sẽ tránh áp lực từ cả 2 phía. Không có lợi gì cho chính phủ Mỹ khi lộ ra vẻ như là công cụ của chính quyền đương hữu hay công cụ của phía đảo chánh. c) Trường hợp đảo chánh thất bại hay sắp thất bại, Hoa Kỳ có thể cho tỵ nạn đối với những người trách nhiệm liên hệ. Chúng tôi tin rằng làm như thế sẽ có lợi cho chúng ta và có lợi cho những người xin tỵ nạn khi họ tìm được bảo vệ trong các tòa đại sứ khác và của chúng ta. d) Nhưng một khi cuộc đảo chánh dưới sự lãnh đạo có trách nhiệm tiến hành, và trong các hạn chế này, vì quyền lợi chính phủ Hoa Kỳ, đảo chánh đó cần được thành công.
Vi ông sắp về Hoa Kỳ, ông nên tránh bình luận trước công chúng và giữ được im lặng thì tốt. Và nếu có thể, ông nên để ngỏ giờ chính xác của chuyến bay. Rất là bất lợi khi ông vắng mặt ở Sài Gòn nếu như đây là một tuần lễ quyết định, và nếu có thể tránh được, chúng tôi không muốn thấy ông dính chặt vào một giờ cố định phải lên phi cơ.
.
Ngày 31/10/1963. 5:40 p.m. Viết từ Sài Gòn. Đại sứ Lodge gửi về Bộ Ngoại Giao. Phân tích về các nhóm bất đồng chính kiến, trong đó có vẻ một số nhóm đang kết hợp sau lưng các tướng lãnh. Chúng tôi (Lodge) đang biết các phần tử bất đồng chính kiến như sau:
a) Nhóm Trần Kim Tuyến, kết hợp cả quân sự, dân sự, các nhà hoạt động Phật Giáo và các nhóm sinh viên học sinh. Tổ chức rộng lớn, tự chia ra nhiều phần.
b) Trung Tá Phạm Ngọc Thảo và Huỳnh Văn Lang. Nhóm này có hỗ trợ từ quân nhân, có một phần nhóm này có ảnh hưởng trên nhóm Trần Kim Tuyến.
c) Nhóm sĩ quan Miền Trung, có vẻ như là một phần sẽ tham dự trong cuộc đảo chánh sắp tới của các tướng, lãnh đạo bởi Tướng Lê Văn Nghiêm, với các Tướng Phạm Xuân Chiểu, Lê Văn Kim, Trần Văn Minh, Nguyễn Ngọc Lễ, và Dương Văn Minh như một phần của thượng tầng. Nhóm này song hành với một nhóm gồm các sĩ quan gốc Miền Bắc (do Tướng Chiểu chỉ huy) và Miền Nam (do Tướng Kim chỉ huy). Không rõ về hướng hoạt động, nhưng có vài đơn vị hỗ trợ được nhận ra.
d) Đảng Mặt Trận Thống Nhất, được mô tả bởi "Bui Thngt [sic] Long Hy" (Người dịch không rõ là ai, xin ghi nguyên văn trong ngoặc kép), được tổ chức thành các chi bộ 3 người gồm giới trí thức, mục tiêu lật đổ chế độ Diệm. Nhóm này có lẽ là một phần trong nhóm Trần Kim Tuyến.
e) Các phần tử Đại Việt, đại diện là Bùi Diễm, làm việc với các tướng. Cuộc nói chuyện với Đặng Văn Sung và Trần Trung Dung cho thấy họ biết rất nhiều, và chúng tôi nghi ngờ rằng nhóm này là những người tham dự.
f) Việt Nam Quốc Dân Đảng thuộc nhóm Nguyễn Văn Lực, người từ ban đầu đã có liên lạc và hứa ủng hộ nhóm Trần Kim Tuyến, và nhóm Thảo/Lang đang tìm cách lợi dụng nhóm này.
g) Chúng tôi có nhiều bản tin cho thấy các Đại Tá, và các sĩ quan cấp thấp, đặc biệt là từ Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp, đang thảo luận về một cuộc đảo chánh trong sức riêng của họ.
h) Nhóm của Thiếu Tá Nguyễn Văn Bích, người giữ chức vụ DCO (LND: không rõ viết tắt chức vụ gì) của Sư Đoàn 23, được chúng tôi chú ý xuyên qua Du Phước Long của Phòng Liên Lạc Báo Chí. Vì liên hệ của Long cho thấy có thể nhóm này là một phần của nhóm Trần Kim Tuyến. Các lời nói khác của Long cũng cho thấy nhóm này có thể là phần tử của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
i) Nhóm Nguyễn Hữu Dương, một luật sư công quyền, có nhiều liên lạc ở cả giới quân sự và dân sự. Nhóm này làm việc song song với nhóm Tự Do, cả hai nhóm đều có nhiều liên hệ với giới sinh viên học sinh. Nhóm của Dương và nhóm Tự Do là độc lập, và liên hệ với nhóm Trần Kim Tuyến.
j) Nhóm các tướng lãnh, chỉ huy do Dương Văn Minh, với Trần Văn Đôn làm phát ngôn nhân và Lê Văn Kim là tổ chức chính trị. Hầu hết các nhóm trên bây giờ đều có liên hệ với nhóm này.
k) Tổ chức của Phạm Huy Cơ có tên là Territorial Action Committee (Ủy Ban Hành Động Lãnh Thổ?) có kế hoạch lật đổ chế độ Diệm, hoạt động tích cực về tâm lý chiến, có vài tổ chức dân sự; không thấy rõ là có quân sự hỗ trợ hay không, cũng không cho thấy một vận hành đảo chánh nào.
Nhìn chung về các nhóm trên, chúng tôi cảm thấy hầu hết hoạt động bây giờ tập trung vào 2 phía, một phía là nhóm của Thảo/Lang, và phía kia là nhóm các tướng lãnh. Cả hai nhóm đều dùng chung một số đơn vị quân sự, nhưng phía các tướng có vẻ mạnh hơn và tổ chức rộng hơn. Nếu nhóm Thảo/Lang tiến hành đảo chánh trước, họ phải hy vọng những nhóm đối lập sẽ trở cờ theo họ, cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị quân sự mà sự trung thành họ không biết chắc, hay là phải cần một hành động thần tốc để xóa sổ gia đình nhà Ngô. Ngay cả nếu thành công, cũng không chắc họ sẽ thực hiện được chương trình chính trị của họ. Chúng tôi tin rằng nếu nhóm các tướng tiến hành đảo chánh trước, sức mạnh sẽ về nhóm này và nhóm Thảo/Lang sẽ bị buộc hỗ trợ cho những người và những nhóm không hoàn toàn là họ chủ động. Các tướng từ khởi đầu đã không có ý định muốn kết hợp với nhóm Thảo, vì họ không tin Thảo, nhưng sẵn sàng sử dụng Thảo.
.
Ngày 31/10/1963. Theo lịch trình là phải về họp và thảo luận tình hình, nhưng Đại sứ Lodge hoãn bay về Mỹ vì không khí căng thẳng và có vẻ như cuộc đảo chánh sắp tiến hành.
.
Ngày 1/11/1963. 10:00 a.m. Đại sứ Lodge và Đô Đốc Harry Felt (Tư lệnh Quân Lực Mỹ Thái Bình Dương) tới thăm Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đô Đốc Felt đang thăm VN. TT Diệm lặp lại nhiều điểm đã nói với McNamara một tháng trước đó. Cuối buổi họp, Diệm kéo Lodge sang một bên, nói rằng Diệm đã sẵn sàng nói về những gì Hoa Kỳ muốn Diệm làm. Sau buổi họp, Đô Đốc Felt rời Sài Gòn.
.
Ngày 1/11/1963. Viết từ Sài Gòn. Từ Tòa Đại sứ gửi về BNG. Ký tên Lodge. Đô Đốc Felt, Bộ Trưởng Martin, người thông ngôn tòa đại sứ và tôi gặp Tổng Thống Diệm từ 10 giờ sáng cho tới 11:15 giờ hôm nay. Sau đó, tôi một mình nói chuyện với TT Diệm trong 20 phút. Diệm khởi đầu bằng độc thoại về những gì tương tự trong cuộc nói chuyện ngày 29/9/1963 với McNamara, Taylor, Harkins và chính tôi (Lodge).
TT Diệm thêm vài điều sau: a) Các viên chức CIA cấp thấp đang đầu độc bầu không khí bằng cách loan tin đồn về các cuộc đảo chánh chống Diệm. Nói rằng một viên chức đó, tên Hodges gần đây nói với một vài viên chức VN rằng chính phủ VN dự định biểu tình tấn công tòa đại sứ Mỹ. Hodges nhận xét rằng nếu chuyện đó xảy ra, Hạm Đội 7 Hoa Kỳ sẽ phản ứng liền, và vân vân. Diệm nói rằng Hodges rõ ràng biết nhiều về chuyện đó hơn là Diệm biết, nhưng thêm rằng kẻ thù sẽ lợi dụng các tin đồn đó. Diệm nói có 2 cán bộ Việt Cộng bị giết ở phía Nam Sài Gòn hôm 23/10/1063, trong người có kế hoạch lợi dụng bất kỳ nỗ lực đảo chánh nào để chiếm Sài Gòn. b) Kế hoạch Mỹ ghìm viện trợ sẽ làm hại nỗ lực chiến tranh, sẽ gây ra khó khăn đặc biệt cho binh sĩ và các Thanh Niên Tình Nguyện không được trả lương tại các Ấp Chiến Lược. Diêm dự định các biện pháp bảo vệ họ về mặt kinh tế càng nhiều càng tốt. Diệm than thở việc ngưng viện trợ bột mì và đặc biệt là sữa. c) Chính phủ Mỹ hoàn toàn sai trong việc treo tài trợ Lực Lượng Đặc Biệt. Các lực lượng này không độc lập, nhưng chính phủ Mỹ như dường cho là như thế, nhưng là trực tiếp dưới quyền Bộ Tham Mưu Quân Lực VNCH, nơi trước đó ra lệnh họ tấn công các chùa vào ngày 21/8/1963 sau khi các sĩ quan cao cấp quân lực VNCH thống nhất nói với Diệm là cần hành động như thế. Diệm cũng nói thêm một cách sai lầm rằng chính phủ Mỹ có ấn tượng sai về sự độc lập của Lực Lượng Đặc Biệt bởi vì phương pháp tác chiến đặc biệt thường liên hệ với các sư đoàn bình thường hay các đơn vị biên phòng. (Hết điện văn)
.
Ngày 1/11/1963. 2:24 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi về Blake (Giám Đốc Sở An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ).
Lúc 13:45 giờ, Tướng Đôn điện thoại cho Tướng Stilwell, J-3 (của MACV) và nói rõ rằng tất cả các tướng đã cùng với Đôn có mặt ở Bộ Tổng Tham Mưu và đang tiến hành cuộc đảo chánh. Stilwell hỏi có phải thời gian ngay lúc đó là đảo chánh, Đôn trả lời đúng vậy. Đôn yêu cầu thông báo ngay với tôi (Tướng Harkins). Tôi thông báo cho Đại sứ Lodge lúc 14:00 giờ. Lodge cũng vừa nhận được tin rằng một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đã chiếm PTT (Tổng Đài Bưu Điện). Các viên chức CAS báo cáo một số đơn vị không rõ đã chiếm xong Tổng Nha Cảnh Sát. Một số đơn vị (có lẽ Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù) đang trên đường từ phi trường vào Sài Gòn. Có tin đang giao chiến ở Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt kế bên Bộ Tổng Tham Mưu. Đại sứ và tôi đả ra lệnh cho AFRS (Đài Phát Thanh Quân Đội Hoa Kỳ) loan tin cảnh giác tới tất cả người Mỹ hãy tránh ra đường phố vì có biến động dân sự. Nhiều đơn vị quân đội di chuyển sáng nay. Tất cả chi tiết sẽ báo cáo sau. (Hết)
.
Ngày 1/11/1963. Lúc nửa đêm rạng sáng, các sĩ quan chỉ huy đảo chánh có mặt ở Bộ Tổng Tham Mưu. Ủy ban Đảo chánh triệu tập buổi họp tất cả các sĩ quan cao cấp tại Bộ Tổng Tham Mưu, chỉ trừ Tướng Đính và Tướng Cao. Họ được thông báo về cuộc đảo chánh, và yêu cầu ủng hộ. Tất cả ủng hộ, chỉ trừ Đại Tá Tung. Lời cam kết ủng hộ đảo chánh được thu băng ghi âm. Tung bị bắt giữ, sau đó bị bắn chết. Một viên chức CAS (tình báo Hoa Kỳ) được mời tới Bộ Tổng Tham Mưu và giữ điện thoại liên lạc với Tòa Đại sứ Mỹ trong suốt cuộc đảo chánh.
Lúc 1:45 p.m. Tướng Đôn thông báo cho Tướng Stillwell, yêu cầu thông báo Tướng Harkins về cuộc đảo chánh.
Lúc 2:00 p.m. Chiếm một số cơ sở chính yếu trong Sài Gòn, trong đó có Bưu điện, Tổng Nha Cảnh Sát, các đài phát thanh, phi trường, bộ chỉ huy Hải quân, vân vân. Quân đảo chánh cũng tấn công vào Dinh Tổng Thống và các cơ sở trong Lực Lượng Phòng Vệ Phủ Tỏng Thống, ngăn chận các lối từ ngoài vào thủ đô.
.
Ngày 1/11/1963. 3 p.m. Viết từ Sài Gòn. Từ Tòa Đại sứ gửi về Bộ Ngoại Giao. Ký tên Lodge. Diễn biến chính lúc 15:00 giờ như sau.
Tướng Đôn xác nhận đảo chánh đang tiến hành. Một đơn vị quân đảo chánh, có lẽ TQLC, đã chiếm Trung tâm viễn thông của Bộ Nội Vụ. Có bắn rải rác trên đường phố. Đại Tá Tung, Tử Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt VN, có tin đã bị bắt và đã bị thúc giục đưa ra lệnh ngưng bắn cho LLĐB. Quân Phòng Vệ Phủ Tổng Thống đang bố trí, đóng quanh Dinh Tổng Thống, nhưng không nghe tiếng súng nơi này. Bộ Trưởng Thuần, Bộ Trưởng Kinh Tế Thanh, Bộ Trưởng Tài Chánh Lương đều đang ở căn chung cư của Đại sứ Italy. Có 103 xe vận tải chở lính vào Sài Gòn, qua cầu từ Biên Hòa. Đại Tá Tung, Giám Đốc Cảnh Sát, Tư Lệnh Không Quân, Tư Lệnh Dân Vệ, tất cả đều bị bắt ở Bộ Tổng Tham Mưu. Có tin Tư Lệnh Hải Quân bị giết sáng nay. Các tướng đảo chánh tìm cách chuyển vào Dinh bản tối hậu thư tới Tổng Thống Diệm bảo đảm có lối an toàn ra hải ngoại cho hai anh em Diệm và Nhu nếu hai vị này đầu hàng trong vòng một giờ đồng hồ. Nhưng không chuyển vào được. Tướng Đôn nói Đôn sẽ đưa bản tuyên cáo về đảo chánh lên đài phát thanh trong vòng một giờ đồng hồ. Tuyên bố tình hình xám, và tất cả những người Mỹ được khuyến cáo qua đài phát thanh AFRS là phải ở trong nhà.
--- Ghi chú của Bộ Ngoại Giao khi biên tập hồ sơ. Theo các cuộc phỏng vấn với Lucien Conein vào ngày 11/10/1984 và với những người khác vào ngày 14/4/1984, Nhu đã có những nỗ lực để cứu vãn. Vào cuối tháng 10/1963, Nhu có nghe về một âm mưu đảo chánh, "rằng các con voi đang chạy tàn phá trong rừng và vài con đang tới gần Nhu." Nhu kết luận rằng cách duy nhất để xoay chuyển tình hình là cho Mỹ thấy rằng Diệm và Nhu là "những người duy nhất cứu được Việt Nam." Nhu thu xếp với Tướng Đính, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, để dàn dựng một cuộc nổi dậy giả mạo của VC tại Sài Gòn. Trong kế hoạch sẽ có thủ đoạn ám sát các viên chức Hoa Kỳ chính yếu. Rồi Nhu dự định đưa các đơn vị quân đội "trung thành" từ thẩm quyền của Đính để đàn áp cuộc nổi loạn, hồi phục trật tự, và cứu VN. Nhưng Đính trước đó đã về phía các tướng đảo chánh và Đính nói với các tướng về kế hoạch của Nhu. Như Conein mô tả, các tướng đã thừa cơ thuận ý Nhu để mượn giả mà làm thật. Khi đảo chánh mới bắt đầu, Nhu cứ tưởng đó là cú nổi loạn giả mạo dàn dựng mà Nhu đã bàn với Đính. (Hết điện văn)
.
Ngày 1/11/1963. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Phòng CIA Sài Gòn gửi về Blake (Giám Đốc An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ). Conein báo cáo từ Bộ Tổng Tham Mưu của các tướng lãnh, nói rằng các tướng không thảo luận với Tổng Thống Diệm. Hoặc là có, hay không, và rồi ngưng cuộc điện đàm. Conein quan sát thấy 4 phi cơ tác chiến AD-6 với bom đạn bay ở độ cao 10,000 ft (hơn 3 cây số) trên bầu trời Sài Gòn vào lúc 15:15 giờ chiều. Giao chiến lớn, cả xe tăng và súng nhỏ, và có lẽ cả đạn pháo binh gần Dinh Tổng Thống lúc 15:30 giờ chiều trở đi. Conein báo cáo từ Bộ Tổng Tham Mưu của các tướng lãnh, rằng nghe tiếng phát thanh qua sóng radio từ Dinh Tổng Thống tới Quân Khu 1 và Quân Khu 2, và tới Sư Đoàn 21. Các bản tin trên sóng radio này nói là có đảo chánh ở Sài Gòn, nhưng tất cả loạn quân đã bị bắt. Từ Tòa Đại sứ có thể nghe tiếng súng giao chiến. Có thể xác nhận rằng không hề có chuyện loạn quân nào bị bắt. Vào lúc 15:35 giờ, nghe có tiếng súng đại bác 105 bắn gần Dinh. (Hết điện văn)
Ngày 1/11/1963. 4 p.m. Viết từ Sài gòn. Điện văn từ Tòa Đại sứ gửi về BNG. Ký tên Lodge. Các tướng từ chối nói trực tiếp với Tổng Thống Phủ về tối hậu thư. Họ yêu cầu Tòa Đại sứ Hoa Kỳ chuyển tới Tổng Thống Diệm, Chúng tôi đã yêu cầu Quyền Khâm Sứ Tòa Thánh Vatican để chuyển thông điệp vào Dinh Tổng Thống. Trong khi đó, các cuộc bộ chiến diễn ra, và không quân tấn công vào Dinh Tổng Thống. (Hết điện văn)
.
Lúc 4:00 p.m. Giao chiến tại Dinh Tổng Thống và căn cứ của quân phòng vệ. Không liên lạc được Tướng Đính, Diệm và Nhu mới nhận thấy đảo chánh là có thực và nghiêm trọng. Kế tiếp các tướng kêu gọi hai anh em Diệm và Nhu đầu hàng. Hai người từ chối.
Lúc 4:30 p.m. Các tướng lên đài phát thanh, loan báo đảo chánh và yêu cầu hai anh em Diệm và Nhu từ chức. Cùng lúc, Diệm điện thoại cho Lodge. Diệm hỏi Lodge là lập trường của Mỹ phía nào. Lodge trả lời rằng Mỹ chưa thể có một quan điểm. Lodge bày tỏ quan ngại về an toàn cho Diệm, và cuộc nói chuyện ngưng lúc đó.
.
Ngày 1/11/1963. 6 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Tòa Đại sứ gửi về BNG. Ký tên Lodge. Vào lúc 4:30 giờ chiều, một cú điện thoại từ Tổng Thống Diệm và sau đây là cuộc nói chuyện.
Diệm: Một số đơn vị nổi loạn và tôi muốn biết: Thái độ của Mỹ?
Lodge: Tôi không cảm thấy có đủ thông tin để có thể nói với ngài. Tôi nghe tiếng súng, nhưng tôi không nắm hết các sự kiện. Thêm nữa, vào lúc 4:30 giờ sáng ở thủ đô Hoa Kỳ bây giờ, và chính phủ Mỹ không thể có một quan điểm.
Diệm: Nhưng ông phải có vài ý tổng quát. Sau cùng, tôi là Tổng Thống. Tôi đã cố gắng làm nhiệm vụ của tôi. Tôi muốn làm bây giờ những gì bổn phận và lương tâm tôi đòi hỏi. Tôi tin bổn phận trên hết.
Lodge: Ngài chắc chắn đã làm bổn phận của ngài. Như tôi đã nói với ngài chỉ mới sáng nay, tôi ngưỡng mộ sự can đảm và đóng góp lớn của ngài cho đất nước của ngài. Không ai có thể tước đoạt những gì ngài đã làm. Bây giờ tôi lo ngại về an toàn bản thân ngài. Tôi nghe tin rằng những người đảo chánh hiện nay muốn đưa ngài và em ngài ra khỏi Việt Nam nếu ngài từ chức. Ngài có nghe điều này?
Diệm: Không. (Và ngừng một chút.) Ông có số điện thoại tôi đó.
Lodge: Vâng. Nếu tôi có thể làm bất cứ điều gì để giúp ngài an toàn bản thân, xin gọi tôi.
Diệm: Tôi đang tìm cách tái lập trật tự. (Hết điện văn)
.
Lúc 5:00 p.m. Các tướng một lần nữa, kêu gọi Diệm đầu hàng. Tất cả các tướng đều lên tiếng kêu gọi. Đại Tá Tung bị đưa lên nói điện thoại, nói với Diệm rằng Tung đã bị bắt. Sau đó, Tung bị đưa ra ngoài và bắn chết. Diệm và Nhu bây giờ kinh hoảng, gọi tất cả các tư lệnh đơn vị, nhưng không ai trung thành nữa. Bên ngoài Dinh Tổng Thống, tiếng súng giao chiến tiếp tục.
.
Ngày 1/11/1963. 5 p.m. Viết từ Sài Gòn. Từ CIA Sài Gòn gửi về Blake (Giám Đốc An Ninh Quốc Gia). Conein từ Bộ Tổng Tham Mưu báo cáo Tướng Dương Văn Minh dùng điện thoại gọi Tổng Thống Diệm, nhưng không gặp Diệm, và Minh nói với Nhu. Tất cả các Tướng, thêm vào các tướng có mặt đã kể trên, Tướng Là, Tướng Tám, Tướng Oai, và Tướng Ngọc. Thêm nữa, Đại Tá Lam của Dân Vệ, Đại Tá Khang của Thủy Quân Lục Chiến và Đại Tá Khương cũng nói chuyện với Nhu qua điện thoại. Thêm nữa, Đại Tá Tung bị dí súng nói qua điện thoại rằng Tung đang bị bắt. Tư Lệnh Không Quân không nói. Conein tin rằng người này đã bị thủ tiêu. Minh nói với Nhu rằng nếu Tổng Thống Diệm và Nhu không từ chức, không tự đầu hàng trong vòng 5 phút đồng hồ, Dinh Tổng Thống sẽ bị dội bom dữ dội. Rồi, Tướng Minh gác điện thoại.
--- Ghi chú viết: Trong điện văn kế tiếp có ghi: "Conein báo cáo từ Bộ Tổng Tham Mưu rằng Tướng Dương Văn Minh một lần nữa điện thoại Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và Diệm gác máy lúc 17:15 giờ. Minh ra lệnh dội bom Dinh Tổng Thống. Điều này có vẻ trái với bản tin trên đài phát thanh rằng TT Diệm đã từ chức loan đi lúc 17:10 giờ."
.
Ngày 1/11/1963. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ CIA Sài Gòn gửi về Blake (Giám Đốc An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ).
Conein báo cáo từ Bộ Tổng Tham Mưu của các tướng, rằng có một nhóm chính khách dân sự, khuynh hướng thân Tây phương và chống Cộng đang có mặt ở Bộ Tổng Tham Mưu. Các vị dân sự này sẽ chỉ huy chính phủ dân sự tương lai. Trong chính phủ mới, sẽ không có quân nhân giữ chức vụ cao. Các tướng hy vọng chuyển giao sang chính phủ dân sự trong vòng 2 tới 3 ngày. Các tướng đã ghi âm bản Tuyên cáo dùng cho làn sóng phát thanh, và đã chiếm xong các Đài Phát Thanh VN. Tuy nhiên, một điểm chuyển sóng bị nổ, nên phát thanh bản Tuyên cáo trì hoãn. Có mặt ở Bộ Tổng Tham Mưu là Tướng Dương Văn Minh (Minh Lớn), Tướng Minh (Nhỏ), và các tướng Khiêm, Kim, Lễ, và Chiểu. Các tướng nói Tướng Khánh và Tướng Trí cũng ủng hộ đảo chánh. Các tướng nói Biên Hòa và Mỹ Tho đã vào thay quân đảo chánh. Nghe có tiếng giao chiến lớn gần Tòa Đại Sứ. Có giao chiến giữa phi cơ chiến đấu và tàu chiến trên sông. (Hết điện văn)
.
Ngày 1/11/1963. 6:53 p.m. Điện văn từ CIA Sài Gòn gửi về Blake (Giám Đốc An Ninh Quốc Gia). Từ nguồn khả tín tại Bộ Tổng Tham Mưu ghi lời Tướng Dương Văn Minh: Giây phút quyết định tới, quân sĩ tiến vào Dinh Gia Long, dự kiến chiếm xong lúc 19:00 giờ. Họ sẵn sàng tác chiến. Các tướng hy vọng chính phủ mới sẽ sớm được công nhận từ chính phủ Mỹ và các nước Tây Phương. Quân nhân sẽ không giữ mãi quyền lực. Tướng Minh lặp lại điều đó nhiều lần. Sẽ chuyển giao chính phủ sang dân sự trong hai hay ba ngày nếu có thể, và sẽ tận lực để chính phủ dân sự kiểm soát hoàn toàn trong vòng một tuần lễ. Khi đảo chánh hoàn tất, có thể là vào đêm 1/11/1963, các tướng sẽ tới Tòa Đại sứ Mỹ và mời nhà sư Thích Trí Quang tham dự tân chính phủ. Họ sẽ không ép buộc bất cứ gì với nhà sư Thích Trí Quang. Nhà sư sẽ được tự do lựa chọn tham dự hay không. (Hết điện văn)
.
Ngày 1/11/1963. 10:50 a.m. Viết từ Washington. Điện văn từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gửi Tòa Đại sứ tại VN. Ký tên Rusk.
Nếu đảo chánh thành công, vấn đề công nhận tân chính phủ sẽ là khẩn cấp. Dĩ nhiên, ông sẽ hành xử trong phong cách bạn hữu và hợp tác nhưng thời điểm khi chúng tôi loan báo công nhân chính thức có thể bị hoãn trong thời gian ngắn. Bởi vì đảo chánh hoàn toàn là người Việt với nhau, các tướng nên hiểu rằng sự công nhận sớm và sai lạc của Hoa Kỳ có thể bị quy chụp nhãn hiệu là do Hoa Kỳ thúc giục và vận dụng. Bởi vì các tướng dự định lập chính phủ trong vòng 2 hay 3 ngày, sự công nhận chính thức tốt hơn là nền chờ lúc đó. Về chuyện nhà sư Trí Quang, lúc đó dĩ nhiên là tự do đi đâu, hay làm gì là tùy nhà sư. Tuy nhiên, trong những cuộc nói chuyện với các viên chức sứ quán, quan điểm chống Thiên Chúa Giáo của nhà sư Trí Quang làm chúng tôi có một chút không thoải mái. Để quân bình, chúng tôi có hướng tin vào ý định của nhóm đảo chánh muốn mời nhà sư Trí Quang làm cố vấn Phật Giáo cho tân chính phủ, như thế hợp lý hơn là mời nhà sư giữ chức Bộ Trưởng hay chức nào có thẩm quyền. Trao cho nhà sư trách nhiệm cụ thể hạn chế đối với Phật Tử sẽ có 2 ưu thế theo chúng tôi thấy: (a) làm an tâm được các Phật Tử; và (b) không làm sợ hãi các giáo dân Thiên Chúa Giáo hay các nhóm khác. Cùng lúc, vị trí cố vấn của nhà sư Trí Quang trong tân chính phủ sẽ giúp được các tướng qua tài năng của nhà sư mà không gây thành kiến bộ phái nào đối với tân chính phủ. Vậy thì chuyến bay về Washington của ông (Lodge) tạm hoãn rồi vậy.
--- Ghi chú 1. Vào lúc 10 a.m., Tổng Thống Kennedy đã họp với các cố vấn chính: Rusk, McNamara, McCone, Robert Kennedy, Taylor, Harriman, Hilsman, McGeorge Bundy, Robert Manning, Colby, Krulak, Forrestal, và Kline. Nhiều người đã thức gần như trọn đêm khi có tin đảo chánh. Trong khi đó, TT Kennedy rời buổi họp để dự Thánh Lễ All Saints Mass tại nhà thờ Holy Trinity Church từ 10:55 tới 11:29 a.m. Trong thời gian Kennedy đi lễ nhà thờ, buổi họp vẫn diễn tiến. Sau đó Kennedy trở lại tiếp tục tham dự buổi họp, cho tới 12:15 p.m.
Về sau, trong sách "Swords and Plowshares" của Taylor, trang 301, và sách "To Move a Nation" của Hilsman, trang 519, kể lại rằng họ bị đánh thức lúc rạng sáng ngày 1/11/1963 để theo dõi tình hình đảo chánh. Taylor ghi rằng, theo Taylor nhớ, Kennedy được tin Diệm chết trong buổi họp trên, nhưng sự thực là được tin đó trong buổi họp lúc 9:35-10:05 a.m. giờ của ngày 2/11/1963.
Ghi chú 2. Một điện văn gửi từ Lodge về Rusk qua kênh CIA ngày 1/11/1963, nhận lúc 7:55 a.m. cho biết các tướng dự định tới Tòa Đại sứ khi đảo chánh xong, Lodge sẽ đích thân chào đón các tướng, và Lodge đề nghị các tướng đón nhà sư Trí Quang bên ngoài Tòa Đại sứ.
Ghi chú 3. Conein báo cáo từ Bộ Tổng Tham Mưu rằng các tướng muốn mời nhà sư Trí Quang làm cố vấn Phật Giáo để biểu tượng hóa quyền tự do tôn giáo. (Hết điện văn)
.
Ngày 1/11/1963. 12:01 p.m. Viết từ Washington. Bản ghi nhớ cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa Ngoại Trưởng Rusk và Thượng nghị sĩ J. William Fulbright.
Thượng nghị sĩ gọi lại, và Ngoại Trưởng nói trông tình hình thì cuộc đảo chánh sẽ thành công. Nhóm đảo chánh dự tính trong 2 hay 3 ngày sẽ trao lại cho chính phủ dân sự. Ngoại Trưởng nói có lẽ Phó Tổng Thống [Nguyễn Ngọc Thơ] sẽ lên Tổng Thống. Chuyện này không phải là kình chống giữa dân sự với quân sự. Ngoại Trưởng nói Bộ Ngoại Giao đã nghe đồn nhiều về đảo chánh nhưng không có chi tiết. Sự liên hệ của Hoa Kỳ với nhóm đảo chánh thực sự là tối thiểu. Thượng nghị sĩ Fulbright hỏi Ngoại Trưởng có muốn hay không ra trình bày trước Ủy ban Thượng Viện. Ngoại Trưởng nói là có thể ra trình bày vào chiều nay hay sáng mai. Nhưng nếu ra trình bày vào đầu tuần tới thì sẽ có nhiều thông tin hơn. Thượng nghị sĩ F nói ông không khuyến cáo như thế. Ngoại Trưởng nói bản thân ông hay viên chức khác sẽ ra trình bày trước ủy ban. Ghi chú cho biết: Thượng nghị sĩ Fulbright là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện.(Hết điện văn)
.
Ngày 1/11/1963. 12:04 p.m. Viết từ Washington. Điện văn từ Bộ Ngoại Giao gửi Tòa Đại sứ tại VN. Ký tên Rusk. Nếu đảo chánh thành công, sự chấp thuận và cảm thông về mục tiêu đảo chánh nơi đây sẽ tăng nhiều, nếu các tướng và các đồng minh dân sự tiếp tục nêu lên mạnh mẽ và công khai kết luận được phúc trình trong một trong các bản tin phát thanh của họ rằng Nhu đang cò kè thương lượng với người Cộng sản để phản bội chính nghĩa chống Cộng. Giá trị cao của lý luận này nên được nhấn mạnh với họ trong cơ hội sớm nhất. Ghi chú cho biết: Lodge trả lời bộ Ngoại Giao rằng "điểm đó đã được trình bày với các tướng lãnh." (Hết điện văn)
.
Ngày 1/11/1963. 6:25 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi về Taylor (Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ). Riêng từ Tướng Harkins gửi tới Tướng Taylor và Đô Đốc Felt. Đề tài: đảo chánh.
Thay vì được thông báo về cuộc đảo chánh trước 2 ngày hay 4 giờ đồng hồ như đã hứa, chúng tôi được thông báo trước chỉ khoảng 4 phút đồng hồ. Tôi trở về từ sân bay, khi đi cùng Tướng Đôn và những người khác, chúng tôi nói lời từ biệt Đô Đốc Felt, rồi ăn trưa, và rời trở về văn phòng. Tướng Stilwell bước vào văn phòng khoảng 13:45 giờ, và nói ông vừa nhận cú điện thoại từ Tướng Đôn nói rằng các tướng đã quyết định tiến hành và thông báo Tướng Harkins và các bạn Hoa Kỳ. Tướng Stilwell hỏi khi nào sẽ đảo chánh. Tướng Đôn nói, đảo chánh tức khắc rồi. Vào lúc đó, có tiếng súng bắn gần bản doanh Lực Lượng Đặc Biệt gần Tân Sơn Nhứt. Hiển nhiên là quân sĩ VNCH đang vào trong bản doanh LLĐB với nỗ lực bắt Đại Tá Tung.
Bây giờ là 17:00 giờ, và trong buổi chiều có tiếng súng bắn vào vài chiếc phi cơ; những phi cơ này có vẻ dội bom không hiệu quả nếu dội bom vào Dinh Tổng Thống. Thực sự, họ lại thả bom lạc vào khu Embassy Marine House (Nhà TQLC của Tòa Đại sứ) nhưng thấy là không ai bị thương.
Tôi vừa nói chuyện với Đại sứ Lodge. Lodge nói Tướng Minh và Đôn đang tìm cách liên lạc với Tổng Thống Diệm và yêu cầu Diệm từ chức và Đôn và Minh hứa sẽ để Diệm và Nhu an toàn ra lưu vong nếu họ từ chức. Giây phút này khó mà nói về tương quan lực lượng hai bên. Có tin Tư lệnh Hải Quân, Đại Tá Quyền, bị giết sáng nay. Quân Nhảy Dù vào chiếm Bộ Tư lệnh Hải Quân. Quân đảo chánh đã chiếm toàn bộ các cơ sở viễn thông và rồi có đơn vị nào đã chiếm bản doanh Cảnh Sát. Tư Lệnh Không Quân, Tư lệnh Nhảy Dù, Tư lệnh TQLC, Tư Lệnh Dân Vệ, Tư Lệnh Cảnh Sát và Đại Tá Tung đều bị bắt giam tại Tân Sơn Nhứt. Đó là tin chưa kiểm chứng.
Vào lúc này, có tin Dinh Tổng Thống bị bao vây với lệnh chờ tấn công, khi cần thiết. Cho tới khi chuyện này êm, tôi yêu cầu không ai nên tới Việt Nam lúc này. Chúng ta không biết bên quân sự sẽ đưa lãnh tụ dân sự nào lên. Nhà của Tướng Stilwell, kế bên Dinh cũ, đã bị bắn trúng vài viên đạn trong khi quân đảo chánh tiến về phía Dinh Gia Long. Betty (LND: vợ Tướng Harkins) nói rằng có tiếng súng gần nhà tôi, cho dù không phải là súng bắn trực tiếp vào nhà. Có tiếng súng phòng không đang bắn dòn dã từ mái một căn nhà bên kia đường.
Đôn sáng nay nói với Đô Đốc Felt và tôi rằng Đôn sẽ đưa 2 tiểu đoàn Nhảy Dù tới Tây Ninh. Hóa ra là Đôn đưa các đơn vị này vào Sài Gòn. Bây giờ có vẻ như là có 2 tiểu đoàn Nhảy Dù, 2 tiểu đoàn TQLC, 2 tiểu đoàn Bộ Binh tại Sài Gòn trong khi có tin một tiểu đoàn Nhảy Dù và tiểu đoàn Bộ Binh khác đang tới từ trại huấn luyện ở Vũng Tàu.
Tôi đã chỉ thị tất cả quân nhân Hoa Kỳ không được ra đường phố và không được đứng về phía nào. Tôi cũng chỉ thị rằng việc chính yếu bây giờ là quan sát xem quân VC có nổi dậy không. Tôi bảo đảm là họ sẽ thừa cơ này để khủng bố trong và ngoài thành phố. Tất cả cảnh sát bây giờ đã bị tước vũ khí, trong khi dân chúng ùa ra khắp đường phố. Ngoài ra, mọi chuyện khác thì yên tĩnh. Tất cả tôi có thể nói rằng, không bao giờ có khoảnh khắc nào nhạt nhẽo nơi đây, tại Sài Gòn. Cẩn trọng.
Tái Bút. Tất cả bây giờ yên tĩnh. Có vài tiếng nổ lớn. Nghe như tiếng súng đại bác từ xe tăng bắn ra. Ồ thế đấy. (Hết điện văn)
.
Ngày 1/11/1963. Lúc 8:00 p.m. Hai anh em Diệm và Nhu trốn ra khỏi Dinh. Khoảng chặp tối, có lẽ lúc 8 giờ tối. Hai anh em thoát ra khỏi Dinh xuyên qua một trong các đường hầm bí mật được xây cho các trường hợp khẩn cấp như thế. Một người bạn Trung Hoa đón họ, đưa về một nơi ẩn trốn trong Chợ Lớn. Nơi đó, họ ở một đêm, trong khi giữ liên lạc điện thoại với Dinh. Lúc 9:00 p.m. Dinh Gia Long bị bắn vào bằng đạn pháo binh và đại bác xe tăng, giao chiến cả đêm.
.
Ngày 1/11/1963. 6:53 p.m. Viết từ Washington. Điện văn từ Bộ Ngoại Giao gửi Tòa Đại sứ Mỹ tại VN. Ký tên Rusk.
Danh sách sơ khởi chính phủ lâm thời có vẻ hợp lẽ trong tỷ lệ dân sự - quân sự. Hy vọng phần danh sách còn lại cũng sẽ nghe hợp lý như thế. Chìa khóa để có phản ứng thuận lợi từ thế giới và quan trọng nhất là phản ứng từ dư luận Quốc hội và người dân Hoa Kỳ đối với cuộc đảo chánh sẽ tùy thuộc chủ yếu là từ các bản tuyên bố và hành động của các tướng lãnh cho tới việc thực thi. Chúng tôi nhận thấy rằng ông ý thức rõ về phương diện này mà chúng ta gặp nơi đây [tại Mỹ] và xuyên qua sự cố vấn ông có thể giúp các tướng lãnh có các bước đi hợp lý. Chúng ta công nhận rằng đây là vấn đề của người Việt, và các tướng có vẻ biết họ muốn làm gì và có thể không tìm lời cố vấn từ ông, và có thể [hỏi lời cố vấn] khi hoàn cảnh yêu cầu. Tuy nhiên, sau đây là góp ý, hy vọng các tướng giữ gìn trong tâm: 1) Giữ quyết tâm thực hiện cuộc chiến với sức mạnh mới. 2) Trả thù tối thiểu. 3) Mởi lối an toàn cho gia đình [nhà Ngô] lưu vong. 4) Đối xử nhân đạo với người bị bắt. 5) Kiểm duyệt tối thiểu, vừa cả phương pháp và thời gian. 6) Thiết quân luật ở thời gian tối thiểu. 7) Công bố sẽ vẫn giữ gìn các cam kết quốc tế đã có của VNCH, và sẵn sàng duy trì quan hệ quốc tế với các nước thân thiện với VNCH.
--- Ghi chú. Danh sách sơ lược chính phủ lâm thời VNCH theo điện văn ngày 2/11/1963 lúc 2:50 a.m. giờ, giờ Sài Gòn, cho biết nguồn tin khả tín từ Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH nói rằng sau đây là nhân sự của chính phủ lâm thời sẽ nắm quyền từ 3 tới 5 tháng:
. Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ.
. Phó Thủ Tướng: Phan Huy Quát và Trần Văn Lý.
. Bộ Trưởng Quốc Phòng và Tham Mưu Trưởng Quân Lực: Tướng Trần Văn Đôn.
. Bộ Trưởng Nội Vụ: Tướng Tôn Thất Đính.
. Bộ Trưởng Thông Tin: Tướng Trần Tử Oai.
. Bộ Trưởng Thanh Niên và Giáo Dục: Tướng Trần Văn Minh.
. Bộ Trưởng Ngoại Giao: Vũ Văn Mẫu.
. Bộ TRưởng Công Dân Vụ: Trần Lê Quang.
. Đại sứ VN tại Hoa Kỳ: Trần Văn Chương.
. Các bộ trưởng Tài Chánh, Kinh Tế, Nông Nghiệp, Tư Pháp và Y Tế đang còn được chọn, nhưng sẽ đều là dân sự.
Phó Tổng Thống Thơ đã liên lạc với các tướng. Sẽ không có Tổng Thống trong chính phủ lâm thời, bởi vì các tướng cho rằng chức Tổng Thống sẽ là bầu phiếu từ tuyển cử, nhưng Thủ Tướng là chức do bổ nhiệm. Sau 3 tới 5 tháng, sẽ tổ chức bầu cử tự do để bầu lên Tổng Thống. Tướng Dương Văn Minh nhiều lần nói ông không muốn chức vụ nào hết. Cùng nguồn tin cho biết, Tướng Đính bây giờ đang ở Dinh Tổng Thống, nói chuyện với người Tiểu Đoàn Trưởng đã gia nhập Quân Phòng Vệ Tổng Thống Phủ. Chính phủ lâm thời sẽ tuyên bố mục tiêu chính yếu sẽ là thực hiện cuộc chiến chống lại VC. (Hết điện văn)
.
Ngày 2/11/1963. Lúc 3:30 a.m. Tấn công Dinh Gia Long bắt đầu. Xe tăng và bộ binh tấn công vào Dinh. Lúc 6:20 a.m. Tổng Thống Diệm điện thoại các tướng, nói muốn đầu hàng. TT Diệm gọi Tướng Đôn từ nơi ẩn trốn ở Chợ Lớn, nhưng không nói rõ nơi ẩn trốn. Lúc 6:30 a.m. Dinh Tổng Thống thất thủ. Nhận thấy tình hình tuyệt vọng, TT Diệm ra lệnh cho lính phòng vệ Phủ Tổng Thống ngừng bắn. Đại Tá Thảo, chỉ huy đơn vị tấn công, biết về nơi ẩn trốn của TT Diệm, và với sự cho phép của Bộ Tổng Tham Mưu đã lên đường tới tìm bắt hai anh em Diệm-Nhu. Lúc 6: 45 a.m. Diệm và Nhu trốn thoát lần nữa. Tới căn nhà ở Chợ Lớn, Thảo gọi về Bộ TTM và có tin là hai anh em đã trốn tới một nhà thờ Thiên Chúa Giáo gần đó. Lúc 6:50 a.m. Bắt được hai anh em Diệm-Nhu. Diệm gọi Tướng Đôn và đầu hàng, lần này là vô điều kiện. Hai anh em Diệm-Nhu sau đó bị giết trong một xe thiết giáp trên đường xe này về Bộ Tổng Tham Mưu. Buổi chiều, Phó Tổng Thống Thơ được tham khảo, họp với ủy ban đảo chánh về thành phần chính phủ lâm thời mà ông sẽ lãnh đạo.
.
Ngày 1/11/1963. 8:47 p.m. Viết từ Washington. Điện văn từ Bộ Ngoại Giao gửi Tòa Đại sứ tại VN. Ký tên Rusk.
Vào lúc 9:15 giờ sáng mai, giờ thủ đô Hoa Kỳ, Tổng Thống Kennedy xét duyệt lập trường và khẩn cấp xin ông góp ý cho buổi họp đó. Suy nghĩ sơ khởi của chúng tôi là, nếu khuynh hướng hiện nay tiếp tục, chúng ta nên xúc tiến công nhận và hỗ trợ cuộc đảo chánh, nhưng làm như thế cần có sự hợp lý cẩn trọng để không gặp nguy hiểm là sẽ bị so sánh sai lầm với tình hình Châu Mỹ Latinh. Chúng tôi nghĩ rằng nên nhấn mạnh sai lầm của chính phủ Diệm trong việc đàn áp, không còn được công chúng hỗ trợ, không điều hành cuộc chiến chống Cộng hiệu quả nữa, thậm chí lại lộ ra ước muốn thương lượng với kẻ thù. Ngược lại, chúng ta dự kiến sẽ có sự ủng hộ rộng rãi cho toàn bộ các lãnh đạo quân lực VNCH, cũng như cho nhiều lãnh đạo dân sự uy tín, dự kiến kết thúc đàn áp, hồi phục lại một chính phủ hợp hiến. Trong mục tiêu cuối cùng này, chúng tôi tin vị trí của Thơ rất quan trọng, và hy vọng nói sẽ được nhấn mạnh nơi đây.
--- Phần Ghi chú cho biết thêm. Theo điện văn gửi ngày 2/11/1963 lúc 6:42 a.m. giờ Sài Gòn, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận được ngày 1/11/1963 lúc 6:05 p.m., một phần viết như sau: "Vào lúc 06:20 giờ, ngày 2/11/1963, Tổng Thống Diệm trực tiếp điện thoại, gọi Tướng Đôn tại Bộ Tổng Tham Mưu, đề nghị sẽ đầu hàng với danh dự. Diệm nói rằng Diệm và Nhu muốn được đưa đi an toàn tới phi trường và bay đi từ đó, nơi đến không nói rõ. Các đứa con của Nhu không có mặt trong Dinh. Tướng Minh chấp nhận yêu cầu đó, và muốn thu xếp ngưng bắn tại Dinh Gia Long, nơi giao chiến lớn vẫn tiếp diễn."
Tuy nhiên, điện văn MACV gửi ngày 2/11/1963 lúc 6:53 a.m. giờ Sài Gòn, nhận tại Bộ Ngoại Giao lúc 6:07 p.m. giờ thủ đô Hoa Kỳ, cho biết Diệm-Nhu đã bị bắt vào lúc 6:40 a.m. giờ Sài Gòn. (Hết điện văn)
.
Ngày 2/11/1963. Giữa trưa. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Tòa Đại sứ gửi về BNG. Ký tên Lodge.
Đồng ý, chúng ta nên ủng hộ và công nhận. Chúng ta nên tiếp tục viện trợ hàng nhập cảng thương mại, nhưng theo định kỳ và lựa chọn mà không công bố ra quần chúng, để tránh sự xuất hiện các chi phiếu khống (blank check) hay là trả toàn bộ (pay-off). Chúng ta không nên là nước đầu tiên công nhận tân chính phủ, mà các Đại sứ quán thân thiện khác công nhận trước rồi mình mới công nhận theo. Dĩ nhiên, chúng ta nên lộ ra dấu hiệu hài lòng cho các tân lãnh đạo nhìn thấy.
Nên nhấn mạnh hiện tượng cuộc đảo chánh này được dân ủng hộ nồng nhiệt. Hôm nay, nhìn thấy tất cả người Việt đều có nụ cười tươi trên khuôn mặt. Người ta kể cho tôi (Lodge) nghe rằng đường phố đang tưng bừng vượt hơn cả các lẽ hội Tết đầu năm. Các nhân viên người Việt trong khu vực nhà ở của Tòa Đại Sứ, những người tôi biết rất rõ, lộ rõ vui mừng trên khuôn mặt của họ hôm nay. Khi tôi lái xe tới văn phòng với một lá cờ Mỹ rất nhỏ đang bay, hai bên lề đường bừng lên những tràng hoan hô, người ta bắt tay nhau, vẫy chào nhau. Các xe tăng đậu nơi các góc phố được dân đem các tràng hoa tới trao tặng, và các chiến binh hiển nhiên là được dân chúng hoan hô tưng bừng. Tại một quảng trường, nơi có pho tượng Hai Bà Trưng được tạc theo khuôn mặt Bà Nhu, các thanh niên đang bận rộn dùng các đèn xì để cắt pho tượng nơi chân tượng và quấn dây cáp vào cổ để kéo tượng ngã xuống. (Hết điện văn)
.
Ngày 2/11/1963. 2:50 a.m. Viết từ Washington. Điện văn từ BNG gửi Đại sứ Mỹ tại VN. Ký tên Rusk.
Gửi Lodge. Được tin Diệm và Nhu tự sát, dư luận nơi đây và nhiều nơi trên thế giới chấn động. Các tướng phải bảo vệ uy tín của họ qua hành động. Cần phải xem lại xem có phải cái chết của 2 anh em Diệm-Nhu là tự sát, hay là vì bạo lực. Tốt nhất, về 2 cái chết này cần xác minh qua một tổ chức không thiên vị, như thành viên một tổ chức LHQ hay các viên chức ngoại giao kèm với báo cáo của bác sĩ về cái chết.
--- Ghi chú cho biết, một điện văn từ CIA Sài Gòn gửi ngày 2/11/1963, nhận tại Bộ Ngoại Giao lúc 12:24 a.m. giờ ngày 2/11/1963, ghi rằng: "Ước tính bây giờ là Diệm và Nhu đã chết. Bản tin trên đài phát thanh nói họ tự sát bằng thuốc độc. Các viên chức CIA Sài Gòn được các đối tác người Việt cho biết rằng vụ tự sát xảy ra trên đường xe chở về Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng không thể xác minh là bằng cách nào hay khi nào. Hai xác bây giờ đã về Bộ Tổng Tham Mưu trong xe bọc sắt hay là trong tòa nhà rồi. Bây giờ sẽ tìm xem họ chết cách nào, và thi thể đang ở đâu." (Hết điện văn)
.
Ngày 2/11/1963. 6 a.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Hoa Kỳ. Tóm lược tình hình.
A. Dấu hiệu đảo chánh thành công.
Tất cả các tư lệnh quân khu và sư đoàn đã tuyên bố toàn lực ủng hộ Ủy Ban Tướng Lãnh. Quân đảo chánh kiểm soát tất cả các cơ quan truyền thông lớn tại Sài Gòn. Không có giao chiến hay bất ổn ở bất cứ nơi đâu tại Nam VN bên ngoài khu vực Sài Gòn. Người dân tại Sài Gòn và Chợ Lớn không có vấn đề gì với quân đảo chánh. Chỉ còn giao chiến nhỏ trong khu vực doanh trại Phòng Vệ Phủ Tổng Thống và quanh Dinh Gia Long. Có thêm nhiều nhân vật dân sự lên đài phát thanh tuyên bố ủng hộ. Không có tin gì về bất kỳ đơn vị quân lực VNCH nào tới củng cố quân phòng vệ Dinh Gia Long hay cản trở quân đảo chánh.
B. Tình hình trật tự công cộng
Dân chúng ở trong nhà, dè dặt tôn trọng lệnh giới nghiêm. Không có tin gì về cướp bóc, hôi của. Chỉ thấy vài cảnh sát đồng phục ngoài phố. Nhiều cảnh sát đã thay đồng phục và rời các trạm cảnh sát. Tất cả tiện nghi điện nước hoạt động không gián đoạn, kể từ khi đảo chánh xảy ra.
C. Các đơn vị và nhân sự ủng hộ đảo chánh.
Như đã nói trên, tất cả các tư lệnh quân khu và sư đoàn đều tuyên bố ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Điều này không phải chứng cớ rằng tất cả các đơn vị ở quân khu và sư đoàn đều tham dự đảo chánh. Sau đây là các đơn vị (qua đài phát thanh, qua bản tuyên bố ở Bộ Tổng Tham Mưu và/hay qua các tin gửi từ các cố vấn) ủng hộ đảo chánh:
Không Quân VN (dưới quyền Đại Tá Hiền);
Hải Quân VN (dưới quyền Tư Lệnh Cang, cựu Tư Lệnh Giang Thuyền);
Lực Lượng Đặc Biệt (dưới quyền Trung Tá Triệu);
Các sĩ quan cao cấp (trừ Tướng Là) của CMD (LND: không rõ CMD là binh chủng nào);
Lữ Đoàn Nhảy Dù (dưới quyền Đại Tá Viên);
Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (dưới quyền Trung Tá Khang);
Tuy nhiên, nên nhớ rằng quân đảo chánh kiểm soát đài phát thanh, và không thể tức khắc kiểm chứng các tuyên bố trên đài.
.
Sau đây là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng theo Đài Phát Thanh Sài Gòn (sẽ ghi nguyên văn các chữ không rõ nghĩa; nơi đây xin ghi chú vài chữ: BG là Brigadier general, tức Chuẩn Tướng; MG là Major General, tức Thiếu Tướng):
MG Dương Văn Minh, Chủ Tịch
MG Trần Văn Đôn
MG Nguyễn Ngọc Lễ
MG Trần Văn Minh
BG Lê Văn Nghiêm (former CG, I Corps)
BG Nguyễn Giác Ngộ (former Dir, Guerilla Warfare)
BG Mai Hữu Xuân (CG, Quang Tng Gr)
BG Trần Thiện Khiêm (C/S JGS)
BG Nguyễn Văn Là (CG, Cmd)
BG Phan So Chiếu (Don’s deputy during martial law)
BG Lê Văn Kim (Office, Natl Defense)
BG Tôn Thất Đính (CG III Corps)
BG Trang Ngọc Tâm (Inspector, Strat Ham)
BG Trần Thiếu Oai (Dir, Psy War)
Đại Tá Đỗ Mậu (Chief, Mil Security Directorate and now Political Advisor to Committee)
Đại Tá Nguyễn Khương (C/S, Army Cmd)
Trung Tá Nguyễn Văn Thiện (Chief, Armor Cmd)
Trung Tá Lê Nguyên Khang (CO, Marine Bde)
Đại Tá Dương Ngọc Lắm (Director, CG/SDC)
Trung Tá Phạm Văn Thuyên (UNK)
Trung Tá Đỗ Ngọc Nhâm (Chief of Material)
Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Thiết (Provost Marshal)
.
Đài Phát Thanh cũng loan tin ủng hộ đảo chánh là các sĩ quan sau đây:
Đại Tá Nguyễn Hữu Hiền (CO, VNAF)
Đại Tá Cao Văn Viên (CO, Airborne)
Trần Văn To (Police Commissioner)
Trung Tá Lê Quang Triệu (reported new Special Forces Cmdr)
Thiếu Tá Tư (Chief Binh Duong Province and CO 8th Regt)
Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần (Quốc Phòng)
Bộ Trưởng Nguyễn Lương (Tài Chánh)
Bộ Trưởng Hoàng Tất Thành (Kinh Tế) Minister Tran Le Quang (Nông Nghiệp)
(Thuần, Lương, Thành tới ngụ ở Tòa Đại Sứ Ý kế MACV).
D. Cơ nguy với công dân Hoa Kỳ chỉ hạn chế từ giao chiến giữa quân đảo chánh và quân phòng thủ Dinh Tổng Thống ở Sài Gòn.
E. Phản ứng của Việt Cộng đối với đảo chánh. Tiêu cực vào lúc này. Đây chỉ mới là cái nhìn sơ khởi thôi.
F. Còn quá sớm để lượng định ảnh hưởng của các hoạt động quân sự của quân lực VNCH trong cuộc chiến chống VC. Hiển nhiên, quân tham dự đảo chánh tại Sài Gòn không có thể tham dự chiến trường chống VC cho tới khi đảo chánh hoàn tất. Tuy nhiên, số lượng quân đưa về đảo chánh không đông; bên cạnh là quân trừ bị, chỉ có quân Sư Đoàn 5 là chuyển về.
G. Các bước thành lập tân chính phủ.
Tướng Dương Văn Minh chỉ định Nguyễn Ngọc Thơ làm Tổng Thống Lâm Thời. Chưa rõ Thơ đang ở đâu. (Hết điện văn)
Ngày 2/11/1963. 8 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Tòa Đại sứ gửi về BNG. Ký tên Lodge.
1) Một nguồn rất khả tín kể chuyện sau đây về cái chết của Diệm và Nhu. Họ rời Dinh vào đêm Thứ Sáu 1/11/1963, cùng đi là doanh nhân người Hoa (người này tổ chức Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa trong Chợ Lớn, khu Phố Tàu lớn ở Sài Gòn). Người này tham dự công việc đoàn thể này không phải vì tin tưởng gì, nhưng là để tránh rắc rối cho cộng đồng người Hoa. Người Hoa này đưa Diệm và Nhu tới một ngôi nhà câu lạc bộ nơi người này làm chủ; họ tới đó lúc 9 giờ tối. Diệm và Nhu, xuyên qua doanh nhân người Hoa này, yêu cầu Tòa Đại Sứ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) cho họ tỵ nạn, nhưng không thành công. Sau khi ở đêm trong nhà câu lạc bộ, vào lúc 8 giờ sáng, họ tới nhà thờ. Khoảng 10 phút sau, một số quân sĩ tới bắt họ đi, buộc vào một quân xa trong đó họ bị khóa lại. Nguồn tin không biết những gì xảy ra sau đó -- không rõ họ sống, hay bị giết, hay tự sát.
2) Lương, Bộ Trưởng Tài Chánh trong chính phủ Diệm, cùng với Thuần và Thành (cựu Bộ Trưởng Kinh Tế), buổi chiều Thứ Bảy ở tại bản doanh của các tướng lãnh. Tướng Dương Văn Minh nói với Lương rằng Diệm và Nhu bị tìm thấy trong một nhà thờ ở Chợ Lớn lúc 8 giờ sáng nay (Thứ Bảy) và bị khóa trong một quân xa. Do một sự vô ý, có một khẩu súng bên trong quân xa này. Chính từ khẩu súng đó, theo lời Tướng Minh, họ dùng để tự sát.
3) Các phiên bản khác nghe được từ các nguồn CAS Sài Gòn:
A. Thêm một tường trình, Đại Tá Phạm Ngọc Thảo nói vào lúc 11:30 giờ ngày 2/11/1963 rằng Thảo, cùng với đơn vị của Thảo, tiến vào Dinh Gia Long rạng sáng nhằm hộ tống Diệm và Nhu về Bộ Tổng Tham Mưu, sau khi họ đồng ý đầu hàng vô điều kiện. Sau khi lục soát, mới biết Diệm và Nhu không ở Dinh Gia Long và đã không có mặt ở đó nhiều giờ đồng hồ. Thảo trở về Bộ Tổng Tham Mưu báo cáo. Sau đó mới kiểm soát các căn biệt thự ở vùng Sài Gòn/Chợ Lớn được dùng bởi gia đình nhà Ngô. Một đơn vị đặc biệt, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tướng Mai Hữu Xuân, nhận ra Diệm và Nhu tại căn biệt thự trên đường Phùng Hưng, Chợ Lớn. Xuân trở về Bộ Tổng Tham Mưu với thi thể của Diệm và Nhu. Không biết thực sự nguyên do hai người chết.
B. Một nguồn tin CAS khác, cho biết Trung Úy Nguyễn Ngọc Linh, Phụ tá Đặc biệt của Tướng Nguyễn Khánh (Tư Lệnh Quân Khu 2) lúc đó Khánh cũng có mặt ở Sài Gòn, kể rằng Linh trực tiếp nhìn thấy lúc 13:30 giờ ngày 2/11/1963 thi thể của Diệm và Nhu tại Bộ Tổng Tham Mưu, và không thể nào nhầm lẫn được. Linh nói rằng rõ ràng là Diệm và Nhu đã bị giết, nếu không trực tiếp bởi Xuân thì ít nhất là do từ lệnh của Xuân. Trong khi các thông tin trên vẫn cần xác minh, nên nhớ rằng tình hình hiện nay tại Sài Gòn được tạo ra để gây ra bất kỳ giả thuyết nào về Diệm và Nhu. Theo lời Thảo và Linh, Diệm và Nhu có thể còn duy trì đường dây điện thoại từ căn biệt thự Chợ Lớn trong suốt thời gian đảo chánh, bởi vì đường dây này chạy từ Dinh Gia Long tới Thủ Đức, và từ Thủ Đức tới căn biệt thự Chợ Lớn.
C. Một bản tin CAS khác cho biết, theo một nguồn khả tín tại Bộ Tổng Tham Mưu, được kể bởi các Tướng Minh Lớn (Dương Văn Minh) và Minh Nhỏ (Trần Văn Minh) và các sĩ quan khác rằng Diệm và Nhu trốn ra khỏi Dinh Gia Long một chút sau 07:00 giờ ngày 2/11/1963 bằng đường hầm thứ ba, mà đường hầm này các tướng không biết. Diệm và Nhu rời đường hầm và rồi đi tới Nhà Thờ Công Giáo Trung Hoa Don Thanh (LND: có lẽ Nhà Thờ Cha Tam? nguyên văn là "Don Thanh Chinese Catholic Church") ở Chợ Lớn, nơi đây họ uống thuốc độc. Diệm và Nhu được tìm thấy ở nhà thờ này lúc 10:30 giờ sau đó. Nguồn tin thường khả tín này được đề nghị cho cơ hội nhìn thi thể Diệm và Nhu, nhưng nguồn này từ chối. Nguồn CAS nói là có ẩn tượng mạnh rằng Diệm và Nhu đã chết, xác đặt ở Bộ Tổng Tham Mưu.
D. Sau cùng, một viên chức CAS khác được thông báo từ Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH rằng Tổng Thống Diệm và Cố Vân Nhu và một nhân viên trong phủ Tổng Thống đi theo đã bị bắt, và bị giết bởi các quân nhân dưới quyền của Tướng Mai Hữu Xuân tại nhà thờ trong Chợ Quán, Chợ Lớn. Cùng bị bắt với họ là Đại Úy Đỗ Hải, cháu của Đỗ Mậu, Tư lệnh An Ninh Quân Đội. (LND: có lẽ là Đỗ Thọ, không phải Đỗ Hải?)
--- Phần Ghi chú của điện văn này (bổ túc nhiều năm sau, khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ soạn taì liệu này để lưu trữ) ghi rằng trong sách của Tướng Trần Văn Đôn, nhan đề "Our Endless War" nơi các trang 110-113, nói rằng trách nhiệm về cái chết của Diệm và Nhu là nơi Tướng Dương Văn Minh. (Hết điện văn)
.
Ngày 2/11/1963. Ghi chú Biên tập (của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ).
Vào ngày 2/11/1963, Tổng Thống Kennedy tổ chức một buổi họp không-ghi-hồ-sơ tại Bạch Ốc, với các cố vấn chính về Việt Nam từ 9:35 tới 10:05 a.m. Những người tham dự trong buổi họp với TT Kennedy có Rusk, McNamara, McCone, Robert Kennedy, Taylor, Harriman, Hilsman, Henry L. T. Koren, Donald Wilson, và John S. Gleason. (ghi lại, theo Sổ Làm Việc của TT Kennedy, Thư viện Kennedy Library). Taylor kể lại rằng buổi họp khởi đầu với số mệnh của Diệm và Nhu chưa rõ, nhưng rồi Michael Forrestal cầm tới một phó bản điện văn, trong đó ghi rằng Diệm và Nhu đã chết, và bị cho là đã tự sát.
Taylor kể lại phản ứng của Tổng Thống Kennedy như sau: "Kennedy nhảy chồm trên cả hai chân, phóng ra khỏi phòng với vẻ mặt chấn động và kinh ngạc mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy trước đó. Kennedy đã luôn luôn nói rằng đối xử nặng nhất đối với Diệm chỉ nên là lưu vong, và Kennedy được làm cho tin rằng thay đổi chính phủ tại VN có thể thực hiện không đổ máu." (Taylor, tác phẩm "Swords and Plowshares," trang 301)
Arthur Schlesinger kể lại rằng ông đã gặp Kennedy "chẳng bao lâu sau khi nghe tin Diệm và Nhu chết." Schlesinger xác nhận ấn tượng của Taylor rằng Kennedy trông "nghiêm trang, rung động" và trông trầm cảm hơn cả khi Kennedy được tin về cuộc xâm chiếm Vịnh Con Heo. Theo lời Schlesinger, Kennedy nghi ngờ rằng anh em nhà Ngô trong cương vị giáo dân Công Giáo sẽ không tự sát và Kennedy cảm thấy rằng, sau 20 năm hoạt động, cuộc đời của Diệm không nên kết thúc như thế. (Schlesinger, tác phẩm "Thousand Days," các trang 997-998)
Sau đó trong cùng ngày, Tổng Thống Kennedy tổ chức buổi họp khác về VN, với hầu hết những người trên, cũng họp không-ghi-hồ-sơ từ 4:30 tới 5:35 p.m. (ghi lại, theo Sổ Làm Việc của TT Kennedy, Thư viện Kennedy Library). (Hết bản văn)
.
Ngày 2/11/1963. 10:42 a.m. Điện văn từ Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi về Taylor (Tham Mưu Trưởng Liên Quân).
Chế độ Diệm đã sụp đổ. Tổng Thống Diệm và Cố Vấn Nhu đang bị các tướng bắt giữ ở nơi chưa rõ. Chúng tôi tính thời gian Dinh Gia Long đầu hàng là 020600H. Hỏa lực quân tấn công mạnh quá. Diệm vẫn cứng rắn tới cùng. Khi Tướng Đính nói chuyện với TT Diệm qua điện thoại lúc 0600H, Diệm còn đòi quân đảo chánh tức khắc đầu hàng. Trong buổi tối ngày 1/11/1963, quân đảo chánh chiếm từng khu trong doanh trại của quân phòng vệ Phủ Tổng Thống, bắt nhiều tù binh, đưa quân vào sát, bao vây Dinh (ước tính khoảng 1000 quân nhân và 4 xe thiết giáp). Thấy rõ là trận tấn công lớn sẽ thực hiện nửa khuya. Súng lớn bắt đầu tấn công lúc 0400. Chưa ước tính thương vong được, nhưng tôi tin là thiệt hại nhẹ. Có ít nhất 5 xe tăng bị bắn trúng, bốc cháy bên ngoài Dinh. Không có tin gì về thiệt hại cho công dân Mỹ.
Tướng Đính, phụ tá là Đại Tá Có, và Đại Tá Thiệu (Tư Lệnh Sư Đoàn 5) là các chỉ huy chính của chiến dịch đảo chánh. Đích thân Thiệu chỉ huy lực lượng lớn nhất tấn công Dinh Gia Long, hỗ trợ bởi Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến và một số đơn vị của Trung Đoàn 11. Đã nghe loan tin thăng cấp tức khắc cho Có và Thiệu lên cấp Chuẩn Tướng.
Nhân sự tham dự chính phủ lâm thời trông có vẻ hợp lý, vào ban đầu này. Thơ là lựa chọn hợp lý cho tới khi có một người mạnh mẽ hơn xuất hiện. Tôi sẽ yêu cầu các tướng phải giữ ý định của họ, càng sớm càng tốt, là các chức Bộ Trưởng nên trao cho dân sự. Dĩ nhiên, không có mặt Tướng Dương Văn Minh trong nội các sẽ tốt. Công việc lớn hiện nay, và là quan tâm toàn bộ của tôi và người của tôi, là muốn tân chính phủ VN tức khắc tập trung vào chiến tranh chống Cộng.
.
Ngày 2/11/1963. 5:49 p.m. Viết từ Washington. Điện văn từ Bộ Ngoại Giao gửi tất cả các cấp ngoại giao. Dự kiến Hoa Kỳ sẽ công nhận chính phủ mới ở Sài Gòn vào đầu tuần tới. Tất cả các cơ quan ngoại giao, đặc biệt là phía Tây Bán Cầu, nên sửa soạn giải thích đầy đủ về quyết định này, và về sự di biệt rõ ràng giữa căn bản của quyết định này và sự chống đối của chính phủ Mỹ đối với các cuộc đảo chánh quân sự chống lại các nhà nước dân chủ nơi khác.
Các yếu tố dị biệt là: Chế độ Diệm đã trở thành công cụ của thẩm quyền toàn trị của một gia đình. Chế độ Diệm bị chống đối sâu sắc không chỉ từ đa số dân chúng, mà ngày càng bị chống từ chính các quan chức cao cấp, dân sự và quân sự. Chế độ Diệm ngày càng bất lực trong cuộc chiến chống quân Cộng sản nổi dậy và xâm nhập.
Ngược lại, các điểm sau đây cần được nói về tân chính phủ: Chính phủ mới này đang nhanh chóng đảo ngược guồng máy đàn áp của chế độ cũ, và có chứng cớ là được đại đa số dân chúng ủng hộ. Tân chính phủ cho biết trong tương lai gần sẽ chuyển giao quyền lực chính trị cho chính phủ do dân bầu lên. Chính phủ mới đang động viên toàn quốc để tập trung vào cuộc chiến chống Cộng. Chính phủ mới này, với cái chết của Tổng Thống Diệm, có vị kế nhiệm hợp hiến là Phó Tổng Thống Thơ. (Để quý vị biết: Thơ có vẻ như sẽ giữ chức Thủ Tướng, nhưng vị trí chính xác vẫn chưa chắc chắn.)
.
Ngày 2/11/1963. 6:31 p.m. Viết từ Washington. Điện văn từ Bundy (Phụ tá Đặc biệt của Tổng Thống về an ninh quốc gia) gửi Đại sứ Lodge.
Cái chết của Diệm và Nhu, bất kể những thất bại của họ, đã gây chấn động nơi đây và có nỗi nguy hiểm rằng vị trí và uy tín của chính phủ mới tại VN có thể thiệt hại lớn nếu sự quy lỗi ám sát họ là theo lệnh của một hay nhiều thành viên cao cấp của chính phủ sắp tới. Chứng cớ hiện có thì không rõ ràng và mâu thuẫn nhau, nhưng nói đơn giản là tự sát thì hiển nhiên không kết thúc vấn đề được. Chúng tôi tin rằng chính phủ mới sẽ có lợi khi giải thích đầy đủ, và nếu cái chết không phải là tự sát, thì hãy nhấn mạnh với chứng cớ rõ ràng tất cả những hoàn cảnh nhầm lẫn. Họ không nên giữ ảo tưởng rằng ám sát chính trị dễ dàng được chấp nhận nơi đây.
.
Ngày 2/11/1963. 6:36 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi về Tham Mưu Trưởng Liên Quân.
A. Các dấu hiệu thành công của đảo chánh. 1) Mục tiêu ban đầu của nhóm đảo chánh đã thành công. Không còn chống đối nữa. Quân đội kiểm soát hoàn toàn công quyền. 2) Cái chết của Tổng thống và Cố vấn, và việc bắt giam Cẩn sẽ gỡ bỏ biểu tượng chống đối mà những người ủng hộ chế độ cũ có thể dựa vào. 3) Nhìn các biểu hiện bên ngoài, dân chúng ủng hộ nồng nhiệt quân lực VNCH và chính phủ mới do quân lực đưa lên. Dân chúng tưng bừng lễ hội; dân chúng rủ nhau mang thức ăn tới trao tặng các chiến binh ngoài phố.
B. Trật tự công cộng. 1) Vào giờ buổi sáng, dân chúng tự phát lũ lượt đi tuần hành, tưng bừng. Bây giờ, giữa buổi chiều, lặng lẽ hơn nhưng đường phố lại đông hơn. Dĩ nhiên, hôm nay Thứ Bảy và là ngày lễ. (Lễ Chiến sĩ Trận vong của VN) 2) Có một số chuyện phá phách, hôi của, nhưng chỉ nhắm vào một số nơi. Ngoài Dinh, mục tiêu là các cơ sở của ông bà Nhu (trụ sở báo Times of Vietnam; các tiệm sách; cơ sở thương mại; bản doanh Phong Trào Liên Đới Phụ Nữ); tư dinh của Bộ Trưởng Hiếu (Bộ Công Dân Vụ), Lương (Bộ Nội Vụ), và Trinh (Bộ Giáo Dục); và nhà của lãnh đạo Thanh Niên Cộng Hòa. Trong tất cả những hoạt động cho xã hội, các nhóm sinh viên đều đi đầu. 3) Có một vài cảnh sát mặc thường phục, nhiều người bỏ đồng phục và rời việc làm hôm qua; những người còn làm nhiện vụ thì không can thiệp vào đám đông. Các quân nhân nhanh chóng giữ trật tự cho các đám đông; Quân Cảnh và một số quân nhân tới đóng ở các địa điểm quan trọng trên phố, giữ tình hình trong cung cách thoải mái, hiệu quả. Các Tướng Minh, Đôn, Đính đích thân ra các địa điểm có chuyện rắc rối để chỉ huy. Lập lại đơn vị cảnh sát bây giờ phải là việc ưu tiên. 4) Tất cả tiện ích công cộng đều bình thường hoạt động. 5) Thiết quân luật toàn quốc.
C. Nhân sự
Các lãnh đạo mới, theo thông báo là: Tướng Dương Văn Minh, Tham Mưu Trưởng Liên Quân; Tướng Trần Văn Đôn, Bộ Trưởng Quốc Phòng; Tướng Mai Hữu Xuân, Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia; Đỗ Khắc Mai, thăng cấp lên Đại Tá, và là Tư Lệnh Không Quân.
Thăng cấp: Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và là Bộ Trưởng Nội Vụ, thăng cấp Thiếu Tướng. Hiện là Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô.
Thăng lên chức Chuẩn Tướng: Do Mai, Chief MSS; Có, hiện là Địa phương quân, Sư Đoàn 7; Nguyễn Văn Thiệu, hiện là Tư Lệnh Sư Đoàn 5; Phát, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 2.
Chuẩn Tướng Nghiêm, cựu Tư Lệnh Quân Đoàn 1, nhận chức Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt.
D. Cơ nguy với công dân Mỹ. Không có báo cáo nào về thương vong về phía người Mỹ do hậu quả đảo chánh. Quan hệ giữ quân lực Hoa Kỳ và VN tiếp tục tuyệt vời. Ghi nhận là người dân bình thường có thái độ thân thiện với người Mỹ hơn. Vẫn giữ tình hình Màu Vàng, sẽ nới ra tình hình Màu Xám ngày mai.
E. Phản ứng của Việt Cộng với đảo chánh. Không thể chứng minh có sự nối kết trực tiếp là lợi dụng đảo chánh, nhưng thấy VC tấn công khác thường ở Vĩnh Long. Vào ban sáng ngày hôm nay, khoảng hơn 200 VC tấn công 6 Ấp Chiến Lược. VC được mô tả là mặc đồng phục màu xanh da trời. Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân đã xua đuổi, truy lùng khoảng 300 VC ở khu vực Hố Bò, tỉnh Bình Dương. Không có chứng cớ VC tham dự trong các hỗn loạn nhỏ ở Sài Gòn.
F. Ảnh hưởng các sự kiện ở Sài Gòn đối với quân lực VNCH và các chiến dịch chống Cộng. Một cách dễ hiểu, vì toàn quốc quan tâm về đảo chánh kết hợp với ngày lễ lớn, nên nhịp điệu các chiến dịch càn quét VC chậm lại đáng kể. Sẽ cần tới nhiều ngày để tái tập trung vào chiến sự chống VC.
G. Các bước để hình thành chính phủ mới. Các lãnh đạo cuộc đảo chánh đang biểu lộ quyết tâm duy trì trật tự và cùng lúc tìm cách chuyển bầu không khí vui mừng của dân chúng thành một sự ủng hộ chính trị lâu dài. Sáng nay, các Tướng Minh và Đôn đi ra chào hỏi, trực tiếp bắt tay dân chúng đang tưng bừng lễ hội ngoài phố. (Hết điện văn)
.
Ngày 3/11/1963. 10:43 a.m. Từ CIA Sài Gòn gửi về Blake (Giám Đốc Sở An Ninh Quốc Gia). Một doanh nhân trẻ Sài Gòn, người thỉnh thoảng cung cấp tin, cho thấy một số hình chụp sáng ngày 3/11/1963 trong đó cho thấy Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Như nằm giữa vũng máu, trông như bị bắn nhiều phát đạn, nằm chết trên sàn một xe thiết giáp với tay bị trói phía sau. Nguồn tin nói các hình này do chính nhiếp ảnh gia trong lực lượng đảo chánh chụp và trao cho. Nguồn tin không nói tên nhiếp ảnh gia. Các tấm ảnh này được khảo sát bởi quyền Trưởng Phòng CAS Sài Gòn và một viên chức thâm niên trong ngành. Cả hai đồng ý rằng đó là hình thực. Nguồn tin nói các hình này chụp lúc 10:00 giờ sáng ngày 2/11/1963 gần Dinh Gia Long. Nguồn tin nói thêm rằng theo anh này biết thì Diệm và Nhu theo đường hầm ra thoát Dinh Gia Long và được Cao Xuân Vỹ lái xe chở vào một nhà thờ ở Chợ Lớn, nơi họ bị bắt. Vỹ từ đó đã biến mất. Nguồn tin kể rằng cả hai thi thể được đề nghị trao cho vợ của cựu Thứ Trưởng Quốc Phòng Trần Trung Dung, cháu gái của Diệm, Bà Dung, gần như hốt hoảng, từ chối nhận các thi thể. Các hình này bây giờ đang gạ bán cho các phóng viên quốc tế ở Sài Gòn. CAS bây giờ không có phó ảnh nào, nhưng sẽ có trong ngày 3 hay ngày 4/11/1963. (Hết điện văn)
.
Ngày 3/11/1963. 7 p.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Tòa Đại sứ Mỹ ở VN gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Ký tên Lodge.
Tướng Đôn và Tướng Kim tới thăm lúc 3 giờ chiều. (Họ giải thích rằng Tướng Dương Văn Minh bận trong một buổi họp với Phó Tổng Thống Thơ.) Sau khi tôi chúc mừng việc họ làm thành công và tôi đề nghị giúp đỡ, nếu họ yêu cầu, tôi có vài câu hỏi.
--- Tôi hỏi có phải họ dự định đưa ra một bản tuyên bố trong đó họ sẽ nói họ không trách nhiệm về chuyện hạ sát Diệm và Nhu. Họ nói không nghĩ tới việc đưa ra bản tuyên bố như thế, nhưng hiển nhiên đồng ý rằng họ nên làm sáng tỏ rằng họ trước đó đã đề nghị Tổng Thống Diệm lối đi an toàn ra khỏi VN nếu Diệm từ chức; rằng họ rất bất đồng với hành vi ám sát; rằng ám sát không hề do từ lệnh của họ mà là trái với ước muốn của họ và là, một cách bất hạnh, một chuyện xảy ra trong cú đảo chánh khi lệnh không thể được bảo đảm tôn trong ở mọi nơi. Tôi bảo đảm rằng ám sát không do lệnh của họ. Việc chôn cất và tang lễ Diệm và Nhu sẽ là vấn đề gia đình. Thi thể sẽ đặt trong hầm ở nghĩa trang nơi đây và sẽ được đưa về hầm mộ gia đình ở Huế về sau.
--- Tôi hỏi rằng họ có khái niệm nào về quan hệ giữa chính phủ Mỹ và chính phủ VN. Đôn nói với nụ cười tươi, "Chắc chắn và chúng tôi muốn khởi đầu nhận sữa và bột để bán tự do tức khắc, và dĩ nhiên, tái lập viện trợ kinh tế." (Để biết: Tôi hy vọng chuyện này có thể làm ngay tức khắc.) Đôn nói rằng vì các lý do tâm lý, họ dự định gỡ tức khắc những hạn chế về bán sữa ở các tiệm cà phê, vân vân, mà gần đây chế độ Diệm áp dụng.
--- Tôi hỏi kiểu chính phủ nào quý vị dự định có --- một ủy ban quân sự hay chính phủ nối tiếp, hay cái gì. Tướng Kim, người nói hầu hết trong cuộc nói chuyện, nói rằng 3 giải pháp đã tới nhóm đảo chánh. Thứ nhất, là quân quản; thứ nhì, là chính phủ với đa số là quân sự; và thứ ba, là một chính phủ trong đó ảnh hưởng quân đội rất ít. Và loại hình thứ 3 là kiểu chính phủ mà họ muốn. Trong đó, có một ủy ban quân sự với Chủ Tịch là Tướng Minh. Sẽ có một Thủ Tướng và rồi tới nội các gồm khoảng 15 bộ trưởng, trong đó 4 hay 5 sẽ do quân nhân nắm giữ. Thơ sẽ là Thủ Tướng. Khi tôi hỏi tại sao không tạo vị thế hơn cho Thơ giữ chức vụ Tổng Thống, thay vì chức Thủ Tướng, họ nói chức Tổng Thống đã được để riêng cho Tướng Minh trong cương vị Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. chức vụ đứng đầu có tính nghi lễ. Họ nói họ sẵn lòng gọi Thơ là Chủ Tịch Hội Đồng Chính Phủ như kiểu Pháp, thay vì chức Thủ Tướng. Tôi không thấy có nhiều lợi thế trong đó. Họ nói đây chỉ là chính phủ lâm thời, sẽ kéo dài 6 tháng và có thể dài hơn, nhưng không thể quá 2 năm. Họ sẽ có một Hiến Pháp lâm thời, và bản Hiến Pháp hiện nay đã bị treo lại. Họ như dường đã quyết định hoàn toàn rằng đó là cách họ đã làm như thế.
--- Tôi hỏi làm thế nào các tướng đoàn kết và chiến thắng cuộc chiến? Điều này như dường làm cả 2 xúc động. Họ nói họ đã chia rẽ từ lâu, và biết từ kinh nghiệm cay đắng chia rẽ là thiệt hại. Tướng Minh bây giờ là lãnh đạo. Họ sẽ làm mọi thứ có thể để đoàn kết. Quân đội cần nhiều đạo đức tích cực hơn trước giờ. Ngay cả Nhu cũng đã nói quân đội đã không có nhiều sức năng động cần có, và Nhu là kẻ chịu trách nhiệm đã làm chia rẽ. Họ sẽ nỗ lực đoàn kết. Đôn nói Đôn bây giờ là Phó Chủ Tịch Ủy Ban và Khiêm là Đệ Nhị Phó Chủ Tịch.
--- Tôi hỏi về lối đi an toàn cho các con của Nhu và cho các thành viên gia đình nhà Ngô ra hải ngoại. Tướng Đôn nói Đôn sẽ trực tiếp phụ trách chuyện này. Họ đã dự định bắt các con của Nhu tại VN, cả thảy là 3 con, và trước đó đã ở Đà Lạt khi đảo chánh xảy ra, và trao lại cho bà Dung, cháu gái của bà Nhu. Họ bây giờ đang ở Phan Rang. Tôi đề nghị là khi mọi chuyện sẵn sàng và các đứa trẻ đã sẵn sàng đi, thì nên loan báo cho báo chí truyền thông. Họ nói như thế là ý kiến tốt, mặc dù đã không nghĩ tới chuyện này.
--- Tôi hỏi họ về những người trước đó đã bị bắt và các bộ trưởng trước --- xem họ có được đối xử nhân đạo hay không. Họ nói không bắt vị bộ trưởng nào cả. Thực sự, họ không biết rằng có bộ trưởng nào đã bị bắt hay không. Tôi nói về ông Thiệp, người nổi tiếng trong giới đại biểu quốc hội quốc tế và đã bị bắt đêm qua, và vợ ông Thiệp đang kinh hoảng. Tướng Kim ghi tên người bị bắt và nói sẽ xem vấn đề này. Tất cả họ sẽ được đối xử nhân đạo.
--- Rồi tôi hỏi về nhà sư Trí Quang. Họ nói, dĩ nhiên là nhà sư này sẽ an toàn. Vì họ chủ trương hoàn toàn tự do tôn giáo, họ không muốn nhà sư này bước ra khỏi Tòa Đại Sứ lặng lẽ mà không có một nghi lễ nào cho nhà sư. Cuối buổi họp, tôi mời họ tới tầng 2 để gặp nhà sư Trí Quang và sau một hội ý tham khảo dài, bấy giờ quyết định rằng nhà sư Trí Quang sẽ đi bộ lặng lẽ ra khỏi tòa đại sứ vào ngày mai, và nếu họ muốn có một nghi lễ cho nhà sư, họ có thể thực hiện nơi khác, không nên làm phía trước tòa đại sứ. Kim nói rằng trong đầu họ đã quyết định rằng nhà sư Trí Quang phải là một ủy viên trong Hội Đồng Cố Vấn, và cơ chế này sẽ cố vấn cho Tướng Minh.
--- Tôi hỏi về chuyện trả thù và thanh trừng, và bày tỏ hy vọng sẽ không có chuyện thanh trừng hàng loạt, nhưng sẽ là xét từng cá nhân trong từng trường hợp cụ thể. Họ nói rằng, ngoại trừ những kẻ bất tài, họ muốn tất cả mọi người dưới cấp Bộ Trưởng hãy ở lại với chính phủ mới, và thực sự họ muốn có nội các của Ngô Đình Diệm, hầu hết trong nội các, hãy ở lại trong chức vụ cũ để bảo đảm có sự nối tiếp. Tôi hỏi về việc gỡ bỏ giới nghiêm và cho mở lại vũ trường. Họ nói có thể mở vũ trường tức khắc, nhưng họ sẽ giữ giới nghiêm thêm 2 ngày. Họ nói Ủy Ban Liên Hiệp Quốc, cùng với Bửu Hội, sẽ rời VN hôm nay. Tôi nói tôi muốn xin một visa xuất cảnh cho bà Gregory để bà có thể rời VN (xóa một dòng). Họ nói họ sẽ vui lòng cung cấp giấy tờ ra đi đó. Về kiểm duyệt báo chí, Tướng Kim nói trong một buổi họp báo hôm qua rằng sẽ không có kiểm duyệt, nhưng rồi sẽ có một chút càng ít càng tốt, và rằng ông muốn giải quyết bất kỳ khó khăn nào, và hy vọng họ điện thoại tới ông nếu có bất cứ chuyện gì không phải. Tới giờ ông chưa nhận được cú điện thoại nào. Ông cũng yêu cầu tôi trực tiếp điện thoại cho ông nếu tôi nghe về bất kỳ khó khăn nào ở điểm này.
--- Họ nói họ tôn trọng tất cả các cam kết quốc tế, và tôi nói rằng việc công nhận tân chính phủ sẽ tới sớm. Đôn hỏi tôi nghĩ sao về Thuần, mà bây giờ ở đâu thì Đôn chưa biết rõ. Tôi khen ngợi Thuần: có tư cách, thông minh, hiểu biết nhiều nước khác. Đôn nói Đại sứ Chương (thân phụ của bà Nhu) muốn về lại VN và tham gia chính phủ, nhưng họ không muốn bà Chương về lại VN. Họ rất là thẳng thắn, và trả lời tất cả các câu hỏi, và chúng tôi giải quyết nhiều chuyện chỉ trong 15 phút còn nhiều hơn là gặp [TT Diệm] trong Dinh Gia Long trong suốt 4 giờ đồng hồ. Họ cũng nói lời cảm ơn tôi đã không cản trở [đảo chánh], đã không giao nộp nhà sư Trí Quang cho chính phủ Diệm, và cho thái độ tổng quát của tôi; và rõ ràng là việc ghìm giữ hàng nhập cảng thương mại có một ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Họ nói cuộc đảo chánh tổ chức mà không có một mẩu giấy nào lưu giữ, Tất cả giấy đều đốt hết, mọi chuyện đều phải dùng trí nhớ học thuộc lòng. (Hết điện văn)
.
Ngày 3/11/1963. 2:56 p.m. Viết từ Washington. Điện văn từ Bộ Ngoại Giao gửi Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại VN. Ký tên Rusk. Nhiều diễn tiến sau cú đảo chánh gây ra quan ngại nghiêm túc nơi đây. Đề nghị ông gặp Tướng Dương Văn Minh để thào luận các điểm sau.
Các bản tin về cái chết của Diệm và Nhu (bị bắn và bị đâm) đăng trên báo chí gây nên xúc động nơi đây. Khi hình ảnh các thi thể tới Mỹ, ảnh hưởng sẽ còn tệ hơn. Hãy có bản văn làm sáng tỏ để phổ biến. Ông nên giải thích đầy đủ rằng đã tìm cách thu xếp để có lối đi an toàn và có cách tiếp đón an toàn cho Diệm và Nhu ra khỏi Dinh Gia Long. Chúng tôi không nghĩ nên có bất kỳ gợi ý nào rằng đây là một kiểu mà ông phải mong đợi trong một cuộc đảo chánh. Ngược lại, các tướng nên nhấn mạnh những nỗ lực mà chúng tôi hiểu là họ đã cố gắng để ngăn cản kết quả này.
Bà Nhu đã đưa ra một bản văn dài, cay đắng để quy trách nhiệm Mỹ tổ chức đảo chánh, dùng các chữ như "phản bội thô bạo", "phản quốc" và "tội ác dơ bẩn." Bản văn và phản ứng đối với cái chết của Diệm/Nhu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm sự an toàn cho các con của Nhu. Chúng tôi tin vào ý định mà Đôn đã bày tỏ với ông về các đứa trẻ và các thành viên khác trong gia đình nhà Ngô sẽ được đưa đi. Đối xử tử tế với các đứa trẻ sẽ đặc biệt là hữu ích trong bối cảnh cái chết của thân phụ các đứa trẻ. Thay mặt bà Nhu, Marguerite Higgins đã liên lạc với Hilsman. Bà Nhu yêu cầu đưa các con của bà tới Rome. Đề nghị ông thu xếp việc vận chuyển này. Hãy dùng phi cơ quân sự, nếu cần thiết.
Rất quan ngại khi đọc tin về bắt giam Trần Quốc Bửu và Nguyễn Phương Thiệp. Chúng tôi xem ở tầm quan trọng cao nhất là chế độ mới hãy tức khắc trả tự do cho họ, và tránh các hành vi tương lai nhắm vào các cá nhân không mang tội hình sự nào. Đề nghị ông chỉ ra các diễn tiến nên ở mức tối thiểu về mặt quân sự để thu hút cảm tình quốc tế. Thiệp nổi tiếng trong Quốc Hội Hoa Kỳ và Bửu được đánh giá cao bởi các phong trào lao động quốc tế và Hoa Kỳ.
Để Biết. Nên giải thích cho chính phủ mới biết rằng vấn đề dư luận quốc tế cần nghiêm túc chinh phục trước khi loan báo công khai về tiếp tục viện trợ. Không phải ý định chúng tôi là dùng việc tiếp tục viện trợ như áp lực vào các tướng, nhưng ông nên nhấn mạnh tầm quan trọng của các hành động tức khắc để bảo đảm chinh phục dư luận quốc tế. Công chúng nơi đây sẽ không hiểu việc tiếp tục viện trợ trước khi làm sáng tỏ các điểm này. Hết Để Biết. (Hết điện văn)
.
Ngày 4/11/1963. 1:05 a.m. Viết từ Sài Gòn. Điện văn từ Harkins (Tư Lệnh MACV) gửi về Tổng Tham Mưu Trưởng. Tóm lược tình hình Nam Việt Nam.
A. Các dấu hiệu của đảo chánh thành công. Trong 24 giờ qua, tình hình khắp nước, không thấy có chống đối lực lượng đảo chánh. Các tướng hoàn toàn kiểm soát tình hình. Dân chúng Sài Gòn vẫn biểu hiện vui mừng, tưng bừng. Có tin chính phủ mới đang xóa bỏ guồng máy bí mật của Đảng Cần Lao. Bên cạnh tin đồn tử vong của Đại Tá Tung và em trai là Triệu, chúng tôi nghe duy nhất là có một vài sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt bị bắt. Tướng Cao rời chức vụ chỉ huy, nhưng không rõ vì lý do không tin cậy về chính trị hay kém khả năng quân sự. Cuộc đảo chánh được ủng hộ nồng nhiệt và tham dự tích cực từ các lãnh tụ dân sự uy tín và các định chế.
Các tướng có vẻ lo ngại chân thực về khả thể hành vi chống đảo chánh; và do vậy xem 48 giờ tới là quan trọng chủ yếu. Nếu có hành vi chống đảo chánh, có thể sẽ là Thanh Niên Cộng Hòa, hay một vài phần tử Lực Lượng Đặc Biệt, hay một vài phần tử Đảng Cần Lao. Chúng tôi nghĩ nhiều phần sẽ không có chống đối mức độ lớn, tuy nhiên vẫn có thể có hành vi khủng bố.
B. Trật tự công cộng. Đường phố và các quảng trường hôm nay nhìn thấy dân chúng đầy sinh động, thoải mái, tươi vui. Không nghe tin gì về hôi của hay cướp bóc đối với những người liên hệ gia đình nhà Ngô hay chế độ. Tướng Đôn kêu gọi dân chúng giữ trật tự, vẫn giữ nhiều quân lính đóng nhiều nơi trong thủ đô để giữ trật tự. Không thấy dân chúng sợ hiện diện của lính, ngược lại biểu lộ an tâm. Tướng Đôn nói rằng lực lượng cảnh sát Sài Gòn đã được tái lập với sức mạnh gần như trước đảo chánh; do vậy, đã thấy nhiều cảnh sát đứng giữ trật tự. Tướng Đôn bày tỏ tin cậy cao đối với Tướng Xuân (Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia), người có kinh nghiệm làm cảnh sát trước khi chuyển qua làm sĩ quan quân đội. Tiện ích công cộng tiếp tục, không gián đoạn.
.
Ngày 4/11/1963. 8 a.m. Viết từ Washington. Bản ghi nhớ về buổi họp thường nhật ở Bạch Ốc. Bundy chủ tọa buổi họp. Sau khi bàn về các vấn đề khác, mới tập trung về chủ đề VN.
Bundy nói rằng chúng ta nên công nhận chính phủ mới trong một hay hai ngày tới. Bundy nói nhiều quốc gia Châu Mỹ Latinh cũng yêu cầu Mỹ công nhận, do vậy phải chỉ ra khác biệt giữa việc công nhận chính phủ Sài Gòn khác với các nước khác ở Châu Mỹ Latinh. Cooper (của CIA) đề nghị bây giờ là thời điểm tốt để nêu rõ chính sách Hoa Kỳ khi công nhận một chính phủ. Bundy nói phương pháp để công nhận một chính phủ sẽ thay đổi tùy hoàn cảnh.
Schlesinger nói chúng ta phải công nhận rằng chính sách công nhận của Mỹ đối với Châu Mỹ Latinh khác với chính sách Hoa Kỳ tại các nơi khác ở thế giới vì trách nhiệm đặc biệt của Hoa Kỳ. Ông thú nhận rằng sự nhấn mạnh mới đây về sự hợp hiến của các chính phủ ở Châu Mỹ Latinh có thể bị nguy hiểm vì sự công nhận Hoa Kỳ giành cho cuộc đảo chánh ở Việt Nam và cố gắng vẽ ra sự dị biệt giữa tình hình Viễn Đông và Mỹ La Tinh. Bundy nói rằng ông cảm thông với phương pháp của Schlesinger, nhưng như thế có vẻ như, nếu chúng ta thích ai, thì nói họ làm hợp hiến, và nếu chúng ta không thích ai, thì nói họ vi hiến. Sau một hồi thảo luận, như dường có đồng thuận rằng 2 phương diện để công nhận nên là (1) một chính phủ hữu hiệu, và (2) một chính phủ được dân chúng ủng hộ. Phương pháp này tránh phương pháp pháp lý nghiêm ngặt và cũng tránh tập trung chính sách Hoa Kỳ dựa vào tính hợp hiến và hợp pháp.
Bundy nói ông không có ý định đưa ra các tuyên bố minh bạch như trên, nhưng ông nghĩ có thể là ý kiến tốt để Tổng Thống Kennedy có buổi họp báo tuần này để giải thích về thái độ Hoa Kỳ đối với đảo chánh tại VN, và trong tiến trình họp báo, sẽ vạch ra minh bạch giữa các cuộc nổi dậy quân sự. Ông yêu cầu Gordon Chase liệt kê tổng hợp các bản văn trước đây của Tổng Thống về sự công nhận [một chính phủ].
Một điểm đặc biệt cho tầm quan trọng của cuộc đảo chánh là được lòng dân ủng hộ. Bundy và những người khác có ấn tượng tốt với sự kiện người dân Sài Gòn tràn ra phố, choàng vòng hoa lên các xe tăng và trông chân thực vi mừng với đảo chánh. Trái ngược hình ảnh đó là các cuộc đảo chánh quân sự ở Mỹ Latinh, Bundy nói rằng các tướng Châu Mỹ Latinh rồi sẽ sắp xếp để có kiểu lòng dân ủng hộ như thế. Bundy nói nửa như đùa, nhưng nghiêm túc ghi nhận rằng yếu tố lòng dân là quan trọng. Với cái đầu đa nghi của tôi, tôi thắc mắc không rõ sự ủng hộ nồng nhiệt trên đường phố Sài Gòn là tự nhiên hay là sắp xếp.
Cuộc thảo luận chuyển qua yếu tố quyết định dẫn tới đảo chánh. Khi nói chuyện về công nhận, Bundy nói có lẽ chúng ta nên có chính sách biểu lộ sự ủng hộ nhiều chính phủ không chỉ bằng sự công nhận, nhưng bằng thiện chí cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự. Nói về hiệu quả của viện trợ như thế, Bundy nhận định rằng cắt chương trình viện trợ hàng hóa tại VN có lẽ là yếu tố quyết định đưa tới đảo chánh lúc này. Forrestal nói là đồng ý. Hansen (Phòng Ngân Sách) đưa ra cái nhìn khác, nói rằng áp lực lời nói Mỹ đưa ra cũng có vài hiệu lực, và có lẽ là điều quan trọng nhất mà Hoa Kỳ đã làm. Thảo luận sau đó nói về cắt viện trợ đối với Lực Lượng Đặc Biệt và cắt chương trình hỗ trợ hàng hóa là 2 yếu tố chính phủ Mỹ gắn liền hành động với lời nói. Điểm quan trọng mà Hansen nói thì không rõ, nhưng tôi nghĩ có lẽ là từ cương vị người giữ ngân sách, ông này không muốn thấy các chương trình viện trợ bị vân dụng trong tất cả các cuộc khủng hoảng.
Bundy nói về chuyện thảm sát anh em Diệm-Nhu, và nói chứng cớ cho thấy họ bị ám sát. Bundy nói có vài tấm hình sẽ bị phổ biến công khai, cho thấy anh em Diệm-Nhu nằm trong vũng máu với hai tay trói ra phía sau lưng. Bundy nói đó không phải là cách để tự sát, và ân hận rằng sao các lãnh đạo đảo chánh vẫn cứ nói đó là tự sát.
Với chính phủ mới của VN, Bundy và Forrestal đồng ý rằng có lẽ một chính phủ lâm thời được ưa thích hơn là trải qua chịu đựng một chính phủ nhiều tháng qua, tuy hợp hiến hơn nhưng lại kém hiệu quả.