Truyện Ngắn Phật Giáo
Tâm Không - Vĩnh Hữu
KHÔNG NÓI ƠN NGHĨA
Trời vừa sáng, anh Long đã vội trèo lên xích lô đạp đến bệnh viện…
Khuya hôm qua, lúc cả thành phố đã chìm vào giấc ngủ, trên đường đạp xe trở về nhà, anh đã tình cờ phát hiện rồi cứu một nạn nhân bất tỉnh mê man bên vệ đường với một vết thương trên trán khiến cho máu ra thật nhiều. Nạn nhân là một người đàn ông trung niên, ăn mặc rất tươm tất sạch sẽ, nhưng nồng nặc mùi men. Lục trong túi quần nạn nhân, anh Long thấy một chiếc ví da dầy cộp, bên trong đầy những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn, có cả tiền đô-la tươi và giấy tờ tuỳ thân… Do trời đã khuya khoắc, anh chỉ kịp lo chở nạn nhân đi cấp cứu, không thể đến báo tin ngay cho thân nhân người bị nạn, vì xem dò địa chỉ ghi trong giấy chứng minh thư anh thấy ở quá cách xa, phải đến năm cây số, mà lúc ấy thì anh đã rã rời tứ chi sau một ngày lao động cực nhọc.
Anh Long cất kỹ chiếc ví, định bụng sáng sớm mai sẽ vào bệnh viện trao trả lại cho nạn nhân đầy đủ. Khuya hôm qua, anh đã chờ cho đến khi bác sĩ báo cho hay kết quả sơ cứu nạn nhân, biết nạn nhân thoát được hung hiểm, anh mới yên tâm trở về nhà. Giờ thì anh vào thẳng bệnh viện…
Bước vào phòng, anh Long ngạc nhiên khi thấy một người hàng xóm quen biết của mình đang ngồi túc trực bên giường của nạn nhân mà anh đã cứu khuya hôm qua. Người hàng xóm cũng ngạc nhiên khi thấy anh. Anh Long hỏi khẽ: “Anh Trung… anh là gì của anh này?”. Người hàng xóm tên Trung cũng nói khe khẽ: “Bạn thân. Tôi được bệnh viện báo tin cho biết mới sáng nay, vội vào đây, nói chuyện được ít câu thì anh ta đã ngủ. Anh ta say quá, bị bạn bè ép uống ruợu trong buổi tiệc họp mặt nhân ngày Nhà Báo 21-6, trên đường về thì té xe, xe bị ai cuỗm mất rồi, nhưng… chuyện ấy tính sau!”. Anh Long bước gần đến sat bên giường, nhìn kỹ gương mặt bệnh nhân, hỏi: “Có đỡ nhiều hơn không?”.
Anh Trung gật đầu: “Nghe y tá nói, hồi mờ sáng anh ta có tỉnh giấc và báo cho bệnh viện biết địa chỉ nhà tôi. Anh ta không có người thân nào ở thành phố này, họ đều ở trong miền Tây Nam Bộ và một số đã định cư nước ngoài xa xôi cả… Có phải anh đã chở anh ta vào đây không?”. Anh Long gật nhẹ, rồi trao chiếc ví của nạn nhân cho anh Trung. Anh Trung mở xem qua bên trong, thấy giấy tờ và tiền bạc còn nguyên, thì ngẩn ngơ, suy tư một hồi lâu mới hỏi: “Rõ ràng là một nhân duyên đưa đẩy cho anh gặp mà cứu anh ta, cứu lấy chính người đã từng là ân nhân của anh đó, anh có biết không?”. Người phu xích lô rùng mình, sửng sốt: “Sao? Anh ta… anh ta… là ân nhân của tôi đó sao?”.
Gật đầu một cái thật mạnh, anh Trung phẩy tay: “Chính anh ta. Người đã giúp anh tiền để mua chiếc xích lô năm ngoái, và cũng chính anh ta giúp đỡ gia đình anh mấy đợt tiền trong lúc ngặt nghèo, bệnh hoạn. Tiền phụ cấp hằng tháng cho mấy đứa con của anh đi học cũng là của anh ta hỗ trợ cho đó!”. Hai người lặng im. Khoảnh khắc yên tĩnh dành cho cơn rúng động nội tâm. Anh Long chưa hết bàng hoàng, lại nghe giọng trầm trầm của anh Trung cất lên: “Không phải chỉ gia đình anh là được anh ta giúp đỡ đâu, mà còn rất nhiều gia đình neo đơn bần cùng khác nữa. Nhất là những gia đình nghèo có con cái hiếu thảo và ham học, như gia đình của anh chẳng hạn…”.
Anh phu xích lô nghèo kinh ngạc, hỏi nhỏ: “Anh ta là một… tỉ phú phải không?”. “Không. Anh ta chỉ đơn thuần là một nhà báo, nhà báo không thẻ!”. Há hốc mồm, anh Long hỏi lại: “Nhà báo không thẻ?”. Anh Long giải thích: “Nghĩa là một người cầm bút viết báo, nhưng không có… thẻ nhà báo. Một cách gọi khác về những cộng tác viên báo chí. Tuy chỉ là một cộng tác viên, nhưng trong làng báo nước nhà ai cũng biết tên tuổi của anh ta, vì anh ta có bút lực rất sung mãn, lại đa năng…”. Anh Long vẫn chưa qua hết cơn kinh ngạc: “Nếu là nhà báo đơn thuần thì làm gì giàu có và hào phóng đến mức như vậy?”. Anh Trung hạ giọng xuống: “Đó là điểm đặc biệt của anh ta. Anh ta vẫn cầm bút sáng tác bình thường, viết đủ thể loại và vẽ cả tranh minh họa và biếm họa, yêu nghề và quý trọng nghề, sống bằng tiền nhuận bút, bằng đồng tiền chân chính do chính mình làm ra.
Nói xong rồi, anh Long quay mặt đi nơi khác, không cần nhìn thử thái độ của người đang nằm trên giường. Người phu xích lô nghèo đã quay mặt đi nơi khác chỉ vì cố để giấu hai hàng nước mắt của mình đã không được phép mà tuôn rơi...