Vài suy nghĩ khi đọc bài “Jayarava phê bình Thích Nhất Hạnh đã biến đổi Tâm Kinh”

13/11/20174:22 SA(Xem: 12634)
Vài suy nghĩ khi đọc bài “Jayarava phê bình Thích Nhất Hạnh đã biến đổi Tâm Kinh”

VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC BÀI
“JAYARAVA PHÊ BÌNH THÍCH NHẤT HẠNH ĐÃ BIẾN ĐỔI TÂM KINH”
Nguyễn Minh Tiến

Dẫn nhập

bat nha tam kinh 2
Nói một cách chính xác thì đây là vài suy nghĩ của riêng tôi về Tâm kinh Bát-nhã, nhưng đặt tiêu đề như trên là vì chúng được dẫn khởi từ bài tiểu luận của Jayarava mang tựa đề “Thich Nhat Hanh's Changes to The Heart Sutra”; mà sở dĩ tôi buộc phải đọc kỹ bài của Jayarava để có những suy nghĩ trình bày dưới đây, thì lại là duyên khởi từ bản dịch có tên “Jayarava phê bình Thích Nhất Hạnh đã biến đổi Tâm Kinh”

Việc giải thích dài dòng như trên là để xác định trước với quý độc giả rằng tôi viết bài này từ góc nhìn của một người Phật tử nghĩ về Tâm kinh, cho nên tất yếu sẽ có phần nào đó khác với góc nhìn của một nhà nghiên cứu hay học giả. Từ sự khác biệt đó, nếu quý độc giả tiếp cận bài viết này từ góc độ thuần túy học thuật, sẽ có một số điểm cần cân nhắc kỹ để quyết định về tính thuyết phục của chúng, nhưng nếu tiếp cận từ góc độ của một người Phật tử giống như tôi, thì chắc chắn sẽ có nhiều sự đồng cảm hơn. Có thể nói ngắn gọn, bài viết này của tôi mang nhiều tính chủ quan của người viết hơn là một bài khảo cứu thuần túy khách quan, và tôi hy vọng việc báo trước điều đó với quý độc giả sẽ giúp tránh đi những tranh biện không cần thiết về mặt học thuật. Những suy nghĩ của tôi có thể đúng hoặc sai, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự phán xét của mỗi độc giả, nhưng điều chắc chắn là không ai có thể áp đặt suy nghĩ hay quan điểm của riêng mình lên người khác. Và do đó, mong rằng quý độc giả khi bỏ thời gian đọc bài viết này sẽ hoàn toàn tỉnh táo trong việc tự mình đưa ra quyết định đánh giá cuối cùng mà không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố tác động nào từ người khác. 

Mặc dù vậy, cũng xin nói thêm rằng tôi hoàn toàn không viện dẫn yếu tố chủ quan để tùy tiện đưa ra những suy nghĩ, nhận xét này. Là người Phật tử, chúng ta nên tâm niệm những điều mà đức Phật đã dạy trong kinh Kalama: “Đừng tin một điều gì chỉ vì nghe báo cáo, đừng tin vì nghe theo truyền thuyết hay truyền thống; đừng tin vì theo kinh điển truyền tụng hay lý luận suy diễn, hoặc vì diễn giải tương tự, hoặc vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; đừng tin vì phù hợp với định kiến; đừng tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, đừng tin vì vị sa-môn nói ra điều đó là bậc đạo sư của mình.” Dựa trên lời dạy đó, để thuyết phục người khác tin vào nhận xét hay quan điểm của mình thì điều tất yếu trước tiên phải là đưa ra được những luận cứ khách quan và hợp lý. Đó là những gì tôi sẽ cố gắng tuân theo trong bài viết này. Vì thế, tôi vẫn tin chắc một điều là người đọc sẽ luôn có sự phán xét tỉnh táosáng suốt mà không phụ thuộc vào sự tác động vô tình hay cố ý thiếu khách quan từ người viết. 

Và dạo đầu như thế cũng đã khá dài dòng (cho dù theo tôi là cần thiết), tôi xin bắt đầu trình bày những suy nghĩ của mình.

1. Về bản Việt dịch 

Bản Việt dịch được đăng tải lần đầu tiên trên Thư Viện Hoa Sen có quá nhiều sai sót nghiêm trọng, làm biến đổi nội dung thực sự của nguyên tác. Rất may là sau khi đọc lại thì dịch giả đã sáng suốt hơn nên có nhiều chỉnh sửa và cáo lỗi cùng độc giả, loại bỏ được những lỗi nghiêm trọng nhất ra khỏi bản dịch (tuy vẫn còn một số lỗi nhỏ). 

Nhưng thật không may là hàng loạt trang mạng khác đã đăng tải lại “nguyên xi” phiên bản ban đầu, nên sự thậtchúng ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của nó, cũng như số lượng độc giả đã tiếp cận – chỉ riêng tại Thư Viện Hoa Sen đã có hơn 40.000 lượt xem, chưa tính đến số người đọc ở rất nhiều các trang mạng khác. 

Trong thực tế, những sai lệch trong bản dịch có thể góp phần tác động sai lệch vào những độc giả thiếu tỉnh giác. Hy vọng TVHS và dịch giả sẽ tích cực thông báo việc thay đổi nội dung bản dịch đến với những trang mạng đã đăng tải bản dịch đầu tiên và khuyến khích họ cập nhật, cũng như độc giả cần hiểu được điều này khi nhận ra sự khác biệt ở những bản dịch có nhiều sai sót đã đăng tải trước đây.

Đây cũng là lý do tôi phải thực hiện việc chuyển dịch bài viết của Jayarava. Dù vậy, những gì tôi nêu ra dưới đây không dựa vào bản Việt dịch mà sẽ trực tiếp phân tích từ nguyên bản Anh ngữ, nhưng sẽ có phần Việt dịch ngay bên dưới để độc giả tiện theo dõi.

2. Sơ lược về bài viết của Jayarava

Tác giả gọi bài viết của mình là “essay” thay vì “article”, hàm ý đây là một khảo luận nghiêm túc chứ không chỉ là một bài viết bày tỏ quan điểm. Và những gì tác giả thể hiện qua bài viết hầu hết là xứng đáng để được đánh giá như thế, nghĩa là đảm bảo các phẩm chất như nghiêm túc, chặt chẽ, có phân tích chi ly và dựa vào kết quả phân tích để đưa ra kết luận

Trước khi đi vào phân tích và phê phán bản dịch Anh ngữ của thầy Nhất Hạnh, tác giả đã dạo đầu bằng cách chỉ trích chung chung hầu hết các bản dịch Anh ngữ của Tâm kinh trong thời hiện đại. Ông viết:

"A lot of new translations are motivated by vanity or a desire to establish one's credentials as a "Zen master". They add nothing to our knowledge of the text and make no contribution to the field of literature either. They are usually the worst kind of Buddhist Hybrid English.”

(Rất nhiều bản dịch mới [của Tâm kinh] được thúc đẩy bởi sự kiêu mạn hoặc ý muốn xác lập uy tín của mình như một "thiền sư". Những bản dịch này không giúp ích gì thêm cho kiến thức của chúng ta về Tâm kinh và cũng không đóng góp gì cho lĩnh vực văn học. Chúng thường là một kiểu “Anh ngữ hỗn chủng Phật giáo” tệ hại nhất.)

Và trên bối cảnh được dựng lên như thế, tác giả đi vào phân tích phê phán những chi tiết sai sót trong bản dịch Anh ngữ của thầy Nhất Hạnh. Jayarava đặc biệt tỏ ra khá cẩn trọng và phân tích chi tiết, sử dụng dữ kiện hợp lý cũng như có những kết luận khách quan. Vì thế, có thể xem đây là một trong những bài khảo luận có nhiều giá trị tham khảo khi nghiên cứu về Tâm kinh

Tuy nhiên, điều tôi thực sự quan tâm không phải là những nội dung phê phán của ông, cho dù có một số những nhận xét của ông cũng trùng hợp với bài viết của tôi với tiêu đề “Có nên dịch lại Tâm kinh hay không” đã đăng tải trước đây từ tháng 11 năm 2014, nghĩa là khoảng 3 tháng sau khi thầy Nhất Hạnh công bố bản dịch Tâm kinh mới. Điều tôi quan tâm và muốn đề cập đến trong bài viết này chính là những quan điểm của ông về Tâm kinh mà có những điểm tôi hoàn toàn không tán thành.

3. Quan điểm của Jayarava thể hiện qua bài viết

Tâm điểm của bài viết là về sự thay đổi văn bản Tâm kinh của thầy Nhất Hạnh như đã nêu ngay trong tiêu đề bài viết, cho thấy tác giả chú ý nhiều nhất đến sự kiện này. Điều này cũng được thể hiện ở một đoạn trong bài viết:

“I find it fascinating that TNH feels he is able to change the text to resolve this conflict. It is by far the most interesting detail across the whole the modern fascination with this text that I know of, and perhaps the only one worth writing about.”

(Với tôi, điều hết sức thú vị là TNH tự thấy ông ta có thể thay đổi Kinh văn để giải quyết điểm mâu thuẫn này. Đây rõ ràngchi tiết thú vị nhất trong tất cả những điều thú vị về Tâm kinh ở thời hiện đại mà tôi được biết, và có lẽ là điều duy nhất đáng chọn làm chủ đề để viết.)

Jayarava đã dành phần lớn nội dung bài viết để vạch ra rất nhiều sai sót trong một đoạn ngắn bản dịch Anh ngữ của thầy Nhất Hạnh, bao gồm việc dịch sai ý nghĩa nguyên tác, thêm thắt nhiều từ ngữ vô ích, kém cỏi về ngữ pháp tiếng Anh... Riêng về sự thay đổi Tâm kinh của thầy Nhất Hạnh. Khi đề cập đến điều này lần đầu tiên trong bài, ông viết:

“While it is radical of TNH to admit finding a mistake in a Buddhist text, his response is an anticlimax. He characterises the problem as an imperfect recording of the text by some ancient "patriarch", and in response changes the wording of the text so that the problem simply disappears. TNH appears to believe he has insight into the intended meaning and the ability to correct the wording to convey this.”

(Trong khi việc phát hiện và thừa nhận sai lầm trong Kinh điển của TNH là một sự cầu tiến, thì cách giải quyết của ông đối với việc này lại là một kết cục đáng thất vọng. Ông mô tả bất ổn như là một sự ghi chép bản kinh “không đủ khéo léo” bởi một “tổ sư” nào đó trước đây, và để giải quyết điều ấy ông thay đổi từ ngữ trong bản kinh sao cho bất ổn đó hoàn toàn mất đi. TNH tỏ ra tin rằng ông ta có đủ tuệ giác sâu sắc về ý nghĩa [bản kinh] muốn nói và khả năng hiệu đính từ ngữ để truyền đạt ý nghĩa này.)

Qua đoạn văn này, có thể thấy Jayarava tán thành việc nêu ra “bất ổn” trong Tâm kinh của thầy Nhất Hạnh. Trong thực tế, ông cũng tự nhận là mình đã độc lập phát hiện sự “mâu thuẫn” trong Tâm kinh, nhưng chỉ mới gần đây. Do đó, ông cũng bày tỏ sự tôn trọng đối với phát hiện của thầy Nhất Hạnh. Trong một đoạn khác, ông viết: “So all credit to TNH.” (Như vậy, phát hiện này được xem là của TNH.)

Nhưng điều mà Jayarava phê phán là cách làm của thầy Nhất Hạnh sau khi đã phát hiện bất ổn, mà ông cho là một “kết cục đáng thất vọng” (anticlimax). Đó là việc việc thầy sửa đổi văn bản Tâm kinh để giải quyết chỗ mà thầy cho là “không khéo léo”của "vị tổ sư đã biên tập". Bản thân tôi tán thành với quan điểm phê phán này, vì việc thay đổi một bản văn cổ, nhất là khi đó là một bản Kinh văn, có nghĩa là đã thuộc về giá trị của cả cộng đồng Phật giáo, thì không thể chỉ đơn thuần dựa trên sự suy diễn và phán định của một người, bất kể người đó là ai. Trong bài viết “Có nên dịch lại Tâm kinh hay không?” tôi cũng đã nêu lên quan điểm này và còn khẳng định việc một dịch giả hoàn toàn không có quyền thay đổi nguyên tác, bởi vì như vậy sẽ không còn là dịch nữa mà là đang tạo ra một văn bản mới. 

Khi tôi chủ động liên lạc với Jayarava để trao đổi thêm về bài viết này, trong một email gửi cho tôi ông nói rõ hơn: 

“He did not submit his work to a journal for peer review, as I might. He just announced that he had changed the Heart Sutra. Like a king.”

(Ông ấy không công khai ý kiến của mình lên một tạp chí nào đó để có sự phán xét kỹ lưỡng giống như tôi vẫn làm. Ông chỉ công bố rằng mình đã thay đổi Tâm kinh, thế là xong. Giống như một ông vua.)

Lần tiếp theo trong bài viết, Jayarava đề cập đến việc “sửa kinh” sau khi đã chỉ ra nhiều sai lầm trong bản dịch. Ông viết:

“TNH gets around this by changing the text so that it now says that the skandhas are not separate entities. This is by no means bad doctrine from a Mahāyānist point of view, but it is also not what the text says. So TNH's "translation" is something that he has made up to solve an apparent problem (a post hoc rationalisation).”

(TNH giải quyết mâu thuẫn bằng cách thay đổi kinh văn để đoạn kinh này trở thành là: “các skandha không có mặt như những thực tại riêng biệt”. Theo quan điểm Đại thừa thì câu kinh sửa lại này tuy hoàn toàn không phải là tà kiến nhưng cũng không phải là những gì mà Tâm kinh muốn nói. Vì vậy, “bản dịch” của TNH là những gì do ông tạo ra để giải quyết một bất ổn hiển nhiên - một sự lý giải theo đuôi vấn đề.)

“Lý giải theo đuôi vấn đề” (post hoc rationalisation) là cách diễn đạttác giả sử dụng để chỉ cho một lập luận gượng ép, cố tình đưa ra để hợp lý hóa cho một vấn đề đã có trước đó. Thay vì căn cứ trên những dữ kiệnlập luận khách quan để đi đến kết luận thì tiến trình này đi ngược lại bằng cách chấp nhận một vấn đề rồi mới tìm giải pháp để hợp lý hóa vấn đề ấy. Và cách hợp lý hóa của thầy Nhất Hạnh ở đây là tùy tiện sửa lại Kinh văn.

Về phương diện học thuật, Jayarava đã trích dẫn văn bản Sanskrit để chỉ ra rằng sự suy diễn mà thầy Nhất Hạnh dựa vào để chỉnh sửa Kinh văn là một suy diễn không đúng. Do đó, kết quả chỉnh sửa này hoàn toàn không phải là ý nghĩaTâm kinh muốn nói. Phân tích thêm về sự “mâu thuẫn” của Tâm kinh, Jayarava dẫn văn bản Sanskrit:

"What the Sanskrit text says is Tasmāc chāriputra śūnyatāyām na rūpam... i.e. "Therefore, Śāriputra, in emptiness there is no form, etc" or "with respect to emptiness there is no form". The Sanskrit word for "emptiness" (śūnyatā) is in the locative plural case (śūnyatāyām) and can be read either as "in emptiness" or "with respect to emptiness". In either case it is saying that there is no relationship between form and emptiness, whereas the earlier line states that the two are identical. A flat contradiction.”

(Bản Sanskrit chép là Tasmāc chāriputra śūnyatāyām na rūpam... nghĩa là "Vì vậy, Śāriputra, trong tánh Không không có sắc, v.v.." hoặc "đối với tánh Không không có sắc". Từ Sanskrit của “tánh Không" (śūnyatā) sử dụng vị trí cách, số nhiều (śūnyatāyām) và có thể được hiểu là "trong tánh Không" hoặc "đối với tánh Không". Cả hai cách hiểu này đều nói lên rằng không có mối quan hệ nào giữa “sắc” và “không”, trong khi câu kinh trước đó lại nói rằng “sắc” và “không" là như nhau. Một sự mâu thuẫn hoàn toàn.)

Tuy nhiên, theo lập luận của Jayarava thì vấn đề không phải là xóa bỏ đi mâu thuẫn trong Tâm kinh, mà là cần nêu rõ để mọi người đều biết, và qua việc phát hiện mâu thuẫn này sẽ hé lộ một sự thật lịch sử đã từng diễn ra trong quá khứ: một khuynh hướng chỉnh sửa Kinh văn của trường phái Đại thừa:

“As it happens the problem in the Heart Sutra seems to be the result of an historic shift in emphasis in Mahāyānism that was inexpertly interpolated into existing texts some time in the early centuries of the Common Era (at least by 179 CE when Lokakṣema translated Pañcaviṃśati). Thus the conflict is also important as a signpost to changing Buddhist values and attitudes. Again, it is only by acknowledging the mistake and allowing it to stand that insights into the history of ideas in Buddhism come into focus.”

(Theo như thực tế đã diễn ra thì sai lệch trong Tâm kinh dường như là kết quả của một chuyển đổi lịch sử trong sự nhấn mạnh của Đại thừa, dẫn đến sự thêm thắt một cách thô thiển vào các bản kinh văn đương thời, vào khoảng những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Tây lịch (sớm nhất là vào năm 179, khi Lokakṣema dịch Pañcaviṃsati). Như vậy, mâu thuẫn này cũng quan trọng như là một dấu mốc cho thấy sự thay đổi các giáo nghĩa trong Phật giáothái độ quan điểm. Một lần nữa, chỉ thông qua việc thừa nhận sai lầm này và cho phéptồn tại mà những hiểu biết về lịch sử các tư tưởng Phật giáo mới được chú ý đến.)

Có thể tóm tắt ngắn gọn các quan điểm về Tâm kinh của Jayarava - không đề cập đến những điểm phê phán bản dịch của thầy Nhất Hạnh - trong bài này như sau:

1. Tâm kinhmâu thuẫn, nhưng việc thầy Nhất Hạnh tự ý sửa lại Kinh văn là không đúng và nội dung sửa chữa cũng không đúng. 

2. Tâm kinh đã từng bị sửa chữa, và chính sự sửa chữa này dẫn đến có mâu thuẫn trong kinh văn.

Đó là những quan điểm rõ ràng nhất trong bài viết của Jayarava mà tôi quan tâm, bởi vì ít nhất thì chúng cũng chưa hoàn toàn thuyết phục nếu chỉ dựa vào những gì tác giả bài viết đã nêu ra.

4. Những quan điểm chưa thuyết phục

a. Tâm kinhmâu thuẫn hay không?

Jayarava xác định rằng bất ổn của Tâm kinh chính là sự mâu thuẫn trong hai câu kinh nằm gần nhau. Ông lập luận rằng, khi nói “trong tánh Không không có hình sắc” (in emptiness there is no form) hoặc “đối với tánh Không không có hình sắc” (with respect to emptiness) thì có nghĩa là không có mối quan hệ nào giữa “sắc” với “không” cả, nhưng câu kinh trước đó lại nói rằng “sắc tức là không, không tức là sắc”. Và ông kết luận, đây là một sự mâu thuẫn hoàn toàn(A flat contradiction.)

Lập luận của Jayarava là hợp lý, nhưng chỉ hợp lý khi ta nhìn vấn đề từ góc độ ngôn ngữ hoặc lý luận thông thường. Tâm kinh không phải một bản văn thông thường. Đây là một văn bản tôn giáo, viết ra cho những người có đủ niềm tincăn bản giáo lý về tôn giáo đó, cụ thể ở đây là các Phật tử theo Phật giáo Đại thừa. Điều Tâm kinh muốn nói không phải là so sánh các khái niệm “sắc”, “không” và “tánh Không” để chỉ ra các mối quan hệ giữa chúng với nhau theo ý nghĩa thông thường. Điều Tâm kinh muốn nói ở đây là thông qua các khái niệm được sử dụng để mô tả một ý nghĩa, một trạng thái vượt ngoài các khái niệm đó. 

Tôi sẽ không lạm bàn về ý nghĩa thực sự của Tâm kinh qua sự lãnh hội của người Phật tử, bởi vì điều đó tùy thuộc vào công phu tu tập của mỗi người và trong lãnh vực này sẽ có nhiều bậc thầy vượt trội hơn tôi để có đủ thẩm quyền giảng giải. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh ở đây hai phạm trù ý nghĩa hoàn toàn khác nhau nhưng Jayarava đã không phân biệt rõ. Ông đem những lý luận thuần túy về mặt ngữ nghĩa để chỉ ra rằng Tâm kinhmâu thuẫn, trong khi sự diễn đạt của Tâm kinh lại cần phải được tiếp nhận, lãnh hội từ một phạm trù khác, như một nỗ lực sử dụng chính ngôn ngữ để phá vỡ lớp vỏ bọc khái niệm bao quanh ngôn ngữ.

Kinh điển Đại thừavô số những “mâu thuẫn” như thế này nếu dựa trên lập luận của Jayarava. Chẳng hạn, ngay từ phần mở đầu kinh Kim Cang đã có đoạn: 

“Đối với tất cả các loài chúng sinh: hoặc sinh từ bào thai, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh nơi ẩm thấp, hoặc do biến hóa sinh ra, hoặc có sắc, hoặc không có sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, ta đều độ cho nhập vào Vô dư Niết-bàn. Như vậy diệt độ vô số chúng sinh, nhưng thật khôngchúng sinh nào được diệt độ.”

Hóa độ cho tất cả chúng sinh đủ các chủng loại đều được nhập Niết-bàn, nhưng lại nói là không có chúng sinh nào được diệt độ. Như vậy chẳng phải là mâu thuẫn sao? Và những mâu thuẫn tương tự có thể tìm thấy ở rất nhiều đoạn khác trong kinh Kim Cang, nhưng rõ ràng từ xưa nay chưa một người nào thọ trì, tu tập theo bản kinh này lại cho đó là mâu thuẫn. Ngược lại, chính những cách diễn đạt “mâu thuẫn” này đã khai mở cho không biết bao nhiêu tâm thức, giúp người tu tập buông xả vô số phiền nãotrực nhận được những gì thực sự là bản chất hay ý nghĩa rốt ráo của đời sống.
Như vậy, để trả lời câu hỏi “Tâm kinh có mâu thuẫn hay không?” trước hết phải xác định việc người đặt câu hỏi đang tiếp cận vấn đề từ góc độ nào. Nếu từ cách nhận hiểu theo quy ước thông thường thì đó gọi là mâu thuẫn, nhưng nếu nhận hiểu theo nghĩa rộng của ngôn ngữ như một phương tiện truyền đạt tư tưởng thì sự phá vỡ quy ước thông thường chính là biện pháp đang được kinh văn sử dụng. Và như vậy, đó hoàn toàn không phải sự mâu thuẫn.



b. Tâm kinh có từng bị sửa đổi hay không?

Trước hết cần phải giới hạn phạm vi câu hỏi này trong vấn đề được Jayarava nêu ra, chứ không phải là toàn bộ tiến trình truyền thừa của Tâm kinh. Đơn giản chỉ là vì nếu mở rộng vấn đề như thế sẽ không ai có đủ thẩm quyềndữ kiện để xác định chắc chắn cả.

Vấn đề được Jayarava nêu ra như sau: "I employed a method developed by Jan Nattier and Nobuyoshi Yamabe, which was to track the quotation back into the source texts of the Heart Sutra, i.e. the Prajñāpāramitā texts. And in doing so I discovered that someone in ancient times had tampered with the text of the Pañcaviṃśatisāhastikā or 25,000 text. In the Aṣṭasāhasrikā or 8000 text, the line is:

(Tôi đã sử dụng một phương pháp do Jan Nattier và Nobuyoshi Yamabe phát triển, đó là lần dò ngược lại từ các trích dẫn đến các văn bản gốc của Tâm kinh, tức là các bản kinh Prajñāpāramitā. Khi làm như vậy, tôi phát hiện ra rằng có một ai đó trong thời xa xưa đã thay đổi văn bản Pañcaviṃśāsāhastikā tức Nhị vạn ngũ thiên tụng. Trong bản Aṣṭasāhasrikā tức Bát thiên tụng, có dòng này:) na hi anyā sā māyā anyat tad rūpam | rūpam eva māyā | māyaiva rūpam | 
Illusion is not one thing and form another. Form is only illusion. Illusion is only form.

(Huyễn ảo và hình thái không phải hai điều khác biệt. Hình thái là huyễn ảo. Huyễn ảo là hình thái.) Như vậy, trong quá trình khảo sát ông cho rằng có ai đó xưa kia đã sửa đổi nội dung của bộ Nhị vạn ngũ thiên Bát-nhã tụng. Jayarava so sánh và cho rằng câu kinh bị sửa đổi này tương tự với câu kinh trong Bát-nhã Tâm kinh, chỉ khác nhau ở chữ māyā được đổi thành śūnyatā. Có thể tóm tắt quy trình phát hiện của Jayarava như sau:

- Có một câu kinh tương tự (nhưng có khác biệt) trong Bát thiên Bát-nhã tụng và Nhị vạn ngũ thiên Bát-nhã tụng. Như vậy, có ai đó xưa kia đã sửa đổi Nhị vạn ngũ thiên Bát-nhã tụng làm cho nó khác với Bát thiên Bát-nhã tụng.

- Tâm kinh Bát-nhã được dựa trên Nhị vạn ngũ thiên Bát-nhã tụng, do đó đã sao chép sai lầm này.

Bằng cách lập luận rằng chữ māyā hợp lý hơn hoặc không có lỗi ngữ pháp, ông cho rằng việc sửa chữ này thành śūnyatā tạo ra một lỗi ngữ pháp thô thiển

“The problem is that the editor who substituted śūnyatā for māyā made a grammatical blunder.” 

(Vấn đề là người biên tập khi dùng chữ śūnyatā để thay thế cho chữ māyā đã tạo ra một lỗi ngữ pháp thô thiển.)

Và theo ông thì đây là một sự mâu thuẫnxưa nay chưa ai phát hiện, chỉ đến ngày nay mới có thầy Nhất Hạnh và ông phát hiện ra, cho dù ông đã đi sau thầy vài năm:

“... there is a flat and unambiguous contradiction in the Heart Sutra that has long gone unnoticed, but which TNH has noticed. I also noticed it, but he beat me to it by a couple of years, so all credit to him.”

(... có một sự mâu thuẫn hoàn toàn và rõ rệt trong Tâm kinh mà từ lâu không ai nhận thấy, nhưng TNH đã nhận thấy. Tôi cũng nhận thấy, nhưng ông ta hơn tôi vì đã công bố trước vài năm, do đó phát hiện này thuộc về ông ta.)

Tâm kinhmâu thuẫn hay không thì chúng ta đã bàn đến trong phần trước. Ở đây tôi muốn phân tích thêm vài luận điểm của Jayarava.

Khi so sánh Nhị vạn ngũ thiên Bát-nhã tụng và Bát thiên Bát-nhã tụng, ông phát hiện sự khác biệt. Tuy nhiên, có hai điểm ông không nói rõ. 

Thứ nhất, tuy hai bản văn này có khác biệt, nhưng căn cứ vào đâu để xác định Nhị vạn ngũ thiên Bát-nhã tụng (Pañcaviṃśatisāhastikā) là bản văn bị sửa mà không phải là Bát thiên Bát-nhã tụng (Aṣṭasāhasrikā)? Hay nói khác đi, liệu có phải chữ māyā bị sửa thành śūnyatā hay là ngược lại? Rất có thể Jayarava có căn cứ để xác định điều này, nhưng ít nhất là ông đã không nêu ra căn cứ đó trong bài viết để độc giả có thể thẩm định. Và khi chưa có những căn cứ xác định rõ ràng thì việc kết luận bản kinh nào đã bị sửa vẫn còn chưa thuyết phục. Trong trường hợp ông dựa vào ngữ nghĩa để xác định rằng chữ māyā là hợp lý hơn thì với một quan điểm ngược lại về ngữ nghĩa, cũng sẽ đưa đến kết quả ngược lại.

Thứ hai, liệu hai câu kinh khác biệt này có thuộc về cùng một ngữ cảnh, cùng một đoạn kinh hay không? Bởi vì chỉ khi nêu rõ điều này thì mới có thể đi đến kết luận là một trong hai câu đã bị sửa đổi. Trong trường hợp chúng thuộc về những ngữ cảnh, những đoạn kinh văn khác nhau (cho dù có thể gần nghĩa nhau) thì vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận.

Khi chuyển dịch kinh Đại Bát Niết-bàn, tôi đã gặp một số vấn đề về văn bản tương tự. Trong bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm (T374) có câu: “如來常身猶如畫石。- Như Lai thường thân do như hoạch thạch.” (Thân Như Lai thường còn như hình khắc trên đá.)

Về ý nghĩa, câu này có bất ổn vì không phù hợp với giáo nghĩa Đại thừa. Sự so sánh ý nghĩa thường tồn của thân Như Lai với “hình khắc trên đá” là một so sánh khập khiễng và vô nghĩa. Khi khảo sát bản dịch Đại Bát Nê-hoàn kinh của ngài Pháp Hiển (T376), tôi tìm thấy một câu kinh tương tự trong cùng một ngữ cảnh, cùng một đoạn văn với ý nghĩa hoàn toàn tương tự. Câu kinh này viết là: “如來法身真實常住,非磨滅法,我意諦信猶如畫石。” (Như Lai pháp thân chân thật thường trụ, phi ma diệt pháp, ngã ý đế tín do như hoạch thạch.) Nghĩa là: “Pháp thân Như Lai chân thật thường trụ, không phải pháp hoại diệt, lòng con đã tin chắc điều đó như khắc sâu vào đá.”

Ngoài những khác biệt nhỏ như pháp thân thay cho thường thân, bản T376 còn có thêm các chữ: 真實常住,非磨滅法,我意諦信 (...chân thật thường trụ, phi ma diệt pháp, ngã ý đế tín...). Khi thêm các chữ này vào văn cảnh của bản T374 thì chúng ta có được một câu kinh với ý nghĩa trọn vẹnhoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Đại thừa.

Như vậy, trước khi đi đến kết luận là bản T374 bị thiếu chữ, tôi đã phải thực hiện thao tác so sánh toàn bộ ngữ cảnh, toàn bộ các đoạn kinh văn có chứa những câu kinh được so sánh, để thấy rằng chúng được chuyển dịch từ cùng một đoạn Phạn văn. Chỉ sau khi kết luận được điều này thì ý nghĩa sau đó mới có giá trị thuyết phục. Có thể Jayarava cũng đã làm các thao tác so sánh tương tự, nhưng ít nhất ông đã không đề cập sơ lược kết quả so sánh đó trong bài viết này. Và nếu không có sự chứng minh rằng những câu kinh của hai văn bản so sánh là cùng một ngữ cảnh, cùng một đoạn kinh văn giống nhau, thì kết luận ở đây chưa đủ thuyết phục.

Một điều khó hiểu là Jayarava cho rằng khi người biên tập chỉnh sửa chữ māyā thành śūnyatā đã tạo ra một lỗi ngữ pháp thô thiển (The problem is that the editor who substituted śūnyatā for māyā made a grammatical blunder), nhưng ông lại không giải thích gì về lỗi ngữ pháp này để người đọc được hiểu, giống như ông đã giải thích về ý nghĩa ngữ pháp của chữ śūnyatāyām trong một đoạn trước đó.

Mặt khác, nếu Jayarava căn cứ vào ngữ nghĩa để cho rằng chữ śūnyatā (emptiness - tánh không) đã được đưa vào để thay thế chữ trước đó lẽ ra phải là māyā (illusion - huyễn ảo) thì cần phải xét đến cả văn cảnh trước và sau đó. Đoạn kinh văn này là khúc chiết nhưng vô cùng mạch lạc, vì trước đó đã nói “soi thấy năm uẩn đều không” (照見五蘊皆空- chiếu kiến ngũ uẩn giai không), nên câu tiếp theo “sắc tức là không, không tức là sắc” (色即是空, 空即是色- sắc tức thị không, không tức thị sắc) chỉ là phần diễn giải mở đầu để tiếp theo đó là các uẩn còn lại gồm thọ, tưởng, hành và thức cũng đều như vậy (亦復如是 – diệc phục như thị). Cho nên, nếu ta thay “không” ở đây bằng “huyễn ảo” thì sự thay thế này cũng phải được áp dụng cho cả đoạn kinh trước đó và sau đó. Và như vậy, trích dẫn từ bản văn Sanskrit lẽ ra phải gồm đủ các đoạn nói về năm uẩn chứ không chỉ riêng một câu nói về sắc uẩn như Jayarava đã nêu ra.

Trở lại với vấn đề “lỗi ngữ pháp” (grammatical blunder, bad grammar) mà Jayarava nhiều lần nêu ra, độc giả không thể không phát sinh nghi vấn là vì sao một lỗi được đánh giá là “thô thiển” (blunder) dẫn đến sự mâu thuẫn trong Kinh văn như thế mà có thể tồn tại qua hàng chục thế kỷ không ai nhận ra (that has long gone unnoticed)? Chúng ta có thể tạm thời chưa nói đến rất nhiều bậc long tượng của Phật giáo đã từng xuất hiện trong suốt thời gian đó, mà có lẽ không ai trong số họ là không tiếp cận với Tâm kinh ngay từ lúc mới bước vào chùa. Chỉ riêng trong số những người đã dịch Tâm kinh, hãy xét đến hai vị nổi bật là Cưu-ma-la-thập và Huyền Trang. Bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập (T223 – nhưng trong bài viết của Jayarava ghi nhầm là T233) là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật Kinh (摩訶般若波羅蜜經) gồm 27 quyển, nội dung Tâm kinh được tìm thấy trong quyển 1 và cũng được tách riêng thành một bản kinh độc lập với tên Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật Đại Minh Chú Kinh (摩訶般若波羅蜜大明咒經 – T250), khi so sánh với bản dịch của ngài Huyền Trang (T251) tuy có khác nhau ở nhiều điểm nhưng riêng ở câu “sắc tức thị không, không tức thị sắc” là giống hệt nhau. Như vậy, nếu có sự bỏ sót sai lầm trong Phạn bản thì cả hai vị này đều đã mắc phải. Tuy nhiên, với tri thứcđạo hạnh của cả hai vị, điều này thật khó có thể tin được, trừ phi có thể đưa ra được những minh chứng thuyết phục. Cần lưu ý, cả hai đại dịch giả này đều được ghi nhậnam tường, thông thạo cả Phạn văn và Hán văn. Ngài Huyền Trang thậm chí đã từng trực tiếp tranh biện và khuất phục các luận sư người Ấn Độ.

Cũng cần nói rõ thêm là phương thức tiến hành dịch thuật của ngài Huyền Trang hết sức quy củ và khoa học. Với sự ủng hộ tích cực từ vua Đường Cao Tông, ngài luôn được sự trợ giúp của nhiều vị cao tăng, học giả đương thời, và quy trình dịch thuật có bao gồm cả việc kiểm chứng Phạn bản do ngài Huyền Mô phụ trách. Dưới đây là một trích đoạn từ sách Khai Nguyên Thích Giáo Lục (開元釋教錄) sẽ cho thấy rõ điều này: 

遂召證義大德諳解大小乘經論為時輩所推者一十一人至。即京弘福寺沙門靈閏。沙門文備 。羅漢寺沙門慧貴。實際寺沙門明琰。寶昌寺沙門法祥。靜法寺沙門普賢。法海寺沙門神昉。廓州法講寺沙門道深。汴州演覺寺沙門玄忠。蒲州普救寺沙門神泰。綿州振響寺沙門敬明等。
綴文大德九人至。即京普光寺沙門拪玄。弘福寺沙門明濬。會昌寺沙門辯機。終南山豐德寺沙門道宣。簡州福聚寺沙門靖邁。蒲州普救寺沙門行友。棲巖寺沙門道卓。豳州昭仁寺沙門慧立。洛州天宮寺沙門玄則 等。
字學大德一人至。即京大總持寺沙門玄應。
證梵語梵文大德一人至。即京大興善寺沙門玄謨。

“[Vua Đường Cao Tông] lại triệu thỉnh các vị đại đức tinh thông am hiểu kinh luận Đại, Tiểu thừa được [chư tăng] suy cử đến chứng nghĩa, gồm 11 vị. Đó là các vị Sa-môn Linh Nhuận, Sa-môn Văn Bị ở chùa Hoằng Phúc tại kinh đô, Sa-môn Tuệ Quý ở chùa La Hán, Sa-môn Minh Diễm ở chùa Thật Tế, Sa-môn Pháp Tường ở chùa Bảo Xương, Sa-môn Phổ Hiền ở chùa Tĩnh Pháp, Sa-môn Thần Phưởng ở chùa Pháp Hải, Sa-môn Đạo Thâm ở chùa Pháp Giảng thuộc Khuyếch Châu, Sa-môn Huyền Trung ở chùa Diễn Giác thuộc Biện Châu, Sa-môn Thần Thái ở chùa Phổ Cứu thuộc Bồ Châu, Sa-môn Kính Minh ở chùa Chấn Hưởng thuộc Miên Châu. 

“Lại có 9 vị đại đức lo việc chỉnh lý văn cú. Đó là các vị Sa-môn Thiên Huyền ở chùa Phổ Quang tại kinh đô, Sa-môn Minh Tuấn ở chùa Hoằng Phúc, Sa-môn Biện Cơ ở chùa Hội Xương, Sa-môn Đạo Tuyên ở chùa Phong Đức núi Chung Nam, Sa-môn Tĩnh Mại ở chùa Phúc Tụ thuộc Giản Châu, Sa-môn Hành Hữu ở chùa Phổ Cứu thuộc Bồ Châu, Sa-môn Đạo Trác ở chùa Thê Nham, Sa-môn Tuệ Lập ở chùa Chiêu Nhân thuộc Bân Châu, Sa-môn Huyền Tắc ở chùa Thiên Cung thuộc Lạc Châu. 

“Lại có một vị đại đức chuyên về văn tự học là Sa-môn Huyền Ứng ở chùa Đại Tổng Trì tại kinh đô. 

“Lại có một vị đại đức kiểm chứng về Phạn văn là Sa-môn Huyền Mô ở chùa Đại Hưng Thiện tại kinh đô.” 

Với tất cả những gì nêu trên, việc có một "lỗi ngữ pháp thô thiển" dẫn đến sai lệch ý nghĩa kinh văn mà bị bỏ sót không nhận ra thì quả là điều hết sức khó tin.

Ngoài ra, cho dù ngài Cưu-ma-la-thập là một dịch giả tiền bối so với ngài Huyền Trang, nhưng việc Jayarava cho rằng bản dịch của ngài Huyền Trang (T251) phản ánh lại trật tự trong bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập (T223) (The order in T251 reflects the order in the source text T223, Kumārajīva's translation of the Pañcaviṃśatisāhasrikā-prajñāpāramitā-sūtra...) chỉ là một sự võ đoán, bởi chúng ta đều biết là ngài Huyền Trang đã trực tiếp mang Phạn bản từ Ấn Độ về Trung Hoa để chuyển dịch, nên bản dịch của ngài phải là một công trình độc lập, có thể tham khảo các bản trước đó nhưng không thể phụ thuộc.

Một điểm cần lưu ý nữa là trong khi cho rằng chữ śūnyatā (emptiness - không) trong câu “sắc tức thị không, không tức thị sắc” là một sự sai lệch do bị sửa đổi, Jayarava lại dành cả một đoạn văn dài để giải thích cách hiểu của ông về chữ “không” trong câu tiếp theo“thị cố không trung” (therefore in emptiness - cho nên trong tánh Không). Ông viết:

“Contra TNH I take the second phrase with śūnyatāyām to be a reference to śūnyatāvihāra or śūnyatāsamādhi, i.e. a (meditative) state of emptiness, described in the Pāḷi Suttas (MN 121, 122) as one in which no experiences arise. The skandhas are the processes by which experience arises. In the state of emptiness these processes seem to be suspended. In emptiness, therefore, there is literally no rūpa, no vedanā, no saṃjñā, no saṃskāra, and no vijñāna. There's no paradox here. It is a simple description of a meditative state.”

(Ngược lại với TNH, tôi cho rằng mệnh đề thứ hai với từ śūnyatāyām (Tánh không) là để tham chiếu đến śūnyatāvihāra (Không định) hoặc śūnyatāsamādhi (Không tam-muội), nghĩa là “một trạng thái không” (trong thiền định), được mô tả trong kinh điển Pāḷi (Trung Bộ, MN:121, 122) như là một trạng thái không có kinh nghiệm nào sinh khởi. Các skandha (uẩn) là những tiến trình mà theo đó kinh nghiệm được sinh khởi. Trong trạng thái không, các tiến trình này dường như bị ngăn dứt. Do đó, trong Tánh không, theo đúng nghĩa là không có rūpa (sắc), không có vedanā (thọ), không có saṃjñā (tưởng), không có saṃskāra (hành), và không có vijñāna (thức). Không có nghịch lý ở đây. Chỉ đơn giản là một mô tả về trạng thái thiền định.)

Đây là điều khá mâu thuẫn, vì nếu chúng ta thử thay thế chữ “không” (śūnyatā - emptiness) trong đoạn kinh văn trước đó bằng chữ “huyễn ảo” (māyā - illusion) như lập luận của Jayarava đưa ra, thì đoạn văn tiếp theo này - với chữ tánh Không được chính ông thừa nhậngiải thích - sẽ là hoàn toàn lạc lõng, không liền mạch.

Tóm lại, luận cứ của Jayarava về việc Tâm kinh đã bị sửa đổi cũng như cách lập luận về những ý nghĩa sửa đổi trong Kinh văn là hoàn toàn chưa thuyết phục.

5. Kết luận

Trong khi tỏ ra hết sức chặt chẽ và chi ly trong việc phê phán những sai lầm ở bản dịch Tâm kinh sang Anh ngữ của thầy Nhất Hạnh, Jayarava lại không đưa ra đủ các luận cứ thuyết phục để chứng minh cho những quan điểm của ông về Tâm kinh. Sự lúng túng của ông có thể xuất phát từ cách tiếp cận Tâm kinh như một nhà nghiên cứu ngữ nghĩa hơn là một Phật tử hay hành giả Phật giáo, do đó đã không chấp nhận được những cách diễn đạt không theo quy ước thông thường trong văn bản Tâm kinh.

Ngoài ra, khi đọc lại một cách tổng quát toàn bài viết, tôi còn có cảm giác là dường như Jayarava cũng tự biết về những luận cứ thiếu thuyết phục của mình, nên ông đã đưa ra thêm nhiều luận cứ bổ sung khác để cố làm vững hơn quan điểm của mình, chỉ tiếc rằng những luận cứ đó cũng mơ hồ không kém. Chẳng hạn, ông viết: 

“We know that the text has been edited in the past. I've given links to examples of this.”

(Chúng ta biết rằng Tâm kinh đã bị chỉnh sửa trong quá khứ. Tôi đã từng đưa ra các liên kết với những ví dụ cho điều này.)

Chúng ta không biết được ông đã từng đưa ra các ví dụ nào, nhưng trong khuôn khổ bài viết này thì luận cứ này hoàn toàn không giúp tăng thêm thuyết phục cho quan điểm “Tâm kinh bị sửa đổi”. Hoặc như trong đoạn này:

“... not only is each Sanskrit manuscript uniquely different from all the others... ..., but the three versions of the short text Heart Sutra in the Chinese Tripiṭaka are also different from each other in non-trivial ways...” 

(...không chỉ là mỗi thủ bản Sanskrit đều khác biệt so với tất cả những bản khác... ..., mà cả ba phiên bản của Tâm kinh lược bản trong Hán tạng cũng khác nhau theo cách đáng kể...)

Bản thân tôi đã đọc qua và so sánh các bản dịch Tâm kinh khác nhau trong Hán tạng, bao gồm các bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập, ngài Bát-nhã (cùng dịch với Lợi Ngôn), ngài Trí Huệ Luân, ngài Pháp Thành (bản Đôn Hoàng) và ngài Huyền Trang. Như vậy cả thảy là 5 bản dịch khác nhau, và tôi có nhận xét hoàn toàn ngược lại, là các bản dịch này giống nhau một cách đáng kể nếu chỉ xét trên phương diện ý nghĩa. Lấy ví dụ, câu kinh được xem như “tâm điểm” của Tâm kinh là “sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc” đã được dịch hoàn toàn giống nhau ở cả 4 bản, chỉ riêng bản của ngài Trí Huệ Luân diễn đạt khác một chút ở vế sau thành “thị sắc tức không, thị không tức sắc” (是色即空,是空即色), có thể nói khác biệt như vậy là hoàn toàn không đáng kể

Từ góc độ một người Phật tử, tôi hoàn toàn có thể gạt bỏ đi mọi nghi vấn về văn bản hay nguồn gốc hình thành Tâm kinh như Jayarava đã nêu ra, để chỉ đơn thuần tiếp cận với Tâm kinh thông qua những câu chữ hiện có. Và bằng cách đó, đối với tôi thì Tâm kinh, qua bản dịch của ngài Huyền Trang, là một văn bản cực kỳ hoàn chỉnh, súc tích và mạch lạc, với từng câu chữ cũng như ý nghĩa được diễn đạt theo cách không thể thay đổi theo bất kỳ cách nào hay hơn được nữa. Thực tế đứng vững của bản dịch này qua 14 thế kỷ cũng đã đủ để nói lên sự thật ấy.


Bài liên quan:
-Tâm Kinh Tuệ Giác Qua Bờ (Thích Nhất Hạnh)
-Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ (Bản gốc Làng Mai)
-Có Nên Dịch Lại Tâm Kinh Hay Không (Nguyễn Minh Tiến)
-Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (Quảng Minh dịch) 
-Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (nhiều dịch giả)
-Dẫn Vào Tâm Kinh Bát-nhã (Thích Tuệ Sỹ)
-Bản Lai Vô Nhất Vật…(Nguyên Giác)
-Suy Nghĩ Từ Bát Nhã Tâm Kinh (Nguyên Giác)
-Jayarava phê bình Thích Nhất Hạnh đã biến đổi Tâm Kinh (Bản dịch Việt của Phước Nguyên)

-Vài suy nghĩ khi đọc bài “Jayarava phê bình Thích Nhất Hạnh đã biến đổi Tâm Kinh” (Nguyễn Minh Tiến)
-Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Lược Giải (Thích Duy Lực)
-Vài nhận xét về vấn đề dịch lại Tâm Kinh của thầy Nhất Hạnh (Lê Tự Hỷ)
-Về Các Bài Phê Bình Bản Dịch Mới Tâm Kinh Của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (Trịnh Đình Hỷ)
-Vài Nhận Xét Về “ Về Các Bài Phê Bình Bản Dịch Mới Tâm Kinh Của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh Của Bác Sĩ Trịnh Đình Hỷ » (Lê Tự Hỷ)

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.