Thư Viện Hoa Sen

Một thời làm điệu (Thích Trung Định)

02/09/20202:54 CH(Xem: 2070)
Một thời làm điệu (Thích Trung Định)
VĂN HÓA PHẬT GIÁO
SỐ 351 SỐ VU LAN 01-09-2020

Một thời làm điệu
(Thích Trung Định)

Ngày còn làm điệu, tôi cứ ngây ngất nhìn quý thầy đắp chiếc y màu vàng, có từng mảnh vải vuông vắn như từng thửa ruộng để làm lễ mà ao ước. Cứ mỗi lần như thế tôi lại bấm đốt ngón tay xem còn bao lâu nữa tôi mới được cái diễm phúc khoác y màu vàng đó. Chắc lúc ấy tôi vui lắm, hạnh phúc biết chừng nào khi thấy các bà bổn đạo trầm trồ ngợi khen mình khoác chiếc y màu vàng giải thoát, để biết rằng mình đã trưởng thành trong đạo.

Thế rồi, năm tháng trôi qua, tất cả đã lùi dần về dĩ vãng. Tôi lớn lên theo thời gian, mang theo nhiều hoài bão khác. Ngày nay, nhớ lại quãng đời làm điệu mà tôi cảm thấy nuối tiếc. Quãng thời gian ấy sao mà có nhiều kỉ niệm dễ thương quá. Những kỉ niệm với đầy tình đạo trong cảnh thiền môn, hằng ngày chỉ biết tụng kinh, quét lá, xách nước, nhổ cỏ và nhiều lúc cũng tinh vui nghịch ngợm, một khoảng thời gian thật bình yên, thật êm đềm. Nhiều lúc tôi thầm nguyện Đức Phật biến tôi thành một chú tiểu như năm xưa. Tôi thật sự nhớ những ngày đó, trân quý những khoảnh khắc ngây ngô thơ dại đó, tôi muốn níu kéo thời gian quay trở lại, để tận hưởng giây phút êm đềm thần tiên ấy. Tôi không muốn làm lớn gì hết, chỉ muốn làm một chú tiểu hồn nhiên vô tư, luôn có những ước mơ nho nhỏ, an lạc giải thoát trong ánh hào quang của mười phương chư Phật.

Chùa Từ Ân nơi tôi xuất gia nằm trong một ngôi làng dọc theo dòng sông Hương. Nước sông trong xanh mát, hiền hòa chảy vào lòng đất từ bao đời. Sông uốn lượn, hòa mình trong thiên nhiên tuyệt đẹp như bức tranh thủy mặc. Hai bên bờ những bãi ngô non óng ả như dải lụa đào chạy dọc theo làn nước. Trong khuôn viên chùa có nhiều cây ăn trái. Đặc biệt nhất là cây dâu, hằng năm cứ vào mùa hè, trái ra trĩu cành, từng chùm treo đỏ mọng như chuỗi đèn lồng, mùi vị vừa ngọt lại vừa chua. Lũ điệu chúng tôi thích lắm. Vào những buổi trưa khi Ôn và quý Thầy đi ngủ hết là lúc chúng tôi bắt đầu “làm việc”, đến khi quý Thầy trở ra hỏi dâu mô hết rồi? Tụi tôi lí nhí nhìn nhau. Dạ! Dâu rụng hết! Rụng chỗ mô! Rụng vô trong bụng mấy điệu phải không? Thế là bị bại lộ. Nhưng quý Thầy không la rầy, có lẽ quý Thầy cũng thừa hiểu mấy điệu rồi mà. Quanh chùa có nhiều loại hoa, đến mùa hoa nở, hương hoa thoảng đưa theo gió lan tỏa trong không gian. Những đêm trăng sáng lũ điệu chúng tôi rủ nhau đi kinh hành trước sân chùa, hít thở bầu không khí trong lành mát dịu, ngắm nhìn dòng Hương giang lững lờ trôi, nhìn những chiếc thuyền khách về muộn lờ mờ trong ánh trăng xuyên qua làn nước, in bóng trên dòng sông xanh thẳm. Chỉ cần một tiếng khua của mái chèo cũng đủ làm sóng gợn lao xao, như muốn chao nghiêng ánh trăng trong đáy nước, rồi ánh trăng xuyên qua khe lá quyện lẫn mùi hương của hoa, rung rinh của lá, xào xạc âm thanh trong lớp không gian nhiệm mầu nơi cửa Phật.

Làng tôi ở rất xa, trong làng chỉ có một ngôi chùa nhỏ dành cho Khuôn hội và Gia đình Phật tử sinh hoạt. Hằng năm chỉ có một vài lần quý Thầy về dự lễ, mỗi lần như thế chúng tôi cứ ngắm nhìn hình ảnh thanh thoát của quý Thầy hoài, dường như có một năng lượng an lành tỏa ra từ nơi đó. Một ánh mắt, một nụ cười thật an lành, và chỉ cần một cái xoa đầu nhè nhẹ cũng đã làm cho tôi cảm thấy sung sướng vô cùng. Thế rồi hội ngộ duyên lành, tôi đã được xuất gia làm điệu. Đây là một điều hạnh phúc nhất của đời tôi.

Ban đầu không biết làm “điệu” là làm cái gì? Tôi cứ thắc mắc hoài, mỗi lần tôi làm điều gì đó sai thì quý Thầy hay quở “Điệu hạnh chi lạ!”. Điệu thì phải có hạnh chứ! À té ra điệu là hạnh, hay quá! Cao quý quá! Hạnh cũng là hành, là thực hành lễ phép, lễ độ, khiêm hạ, khiêm cung, là sửa đổi tâm tánh hành động của mình cho có oai nghi tế hạnh. Bởi vì ở ngoài đời mới vào chùa tu, tâm tánh còn thô tháo, cho nên phải hành điệu, phải sửa đổi dần dần. Tôi nghĩ nếu một người ở đời, mà người đó có lễ phép, có dịu hiền chi đi nữa, e cũng không bằng cái hạnh của một người làm điệu đúng đắn. Thế mới biết việc giáo dục ở chùa là rất cao quý, rất nghiêm túc. Dần dần tôi được bày vẽ bởi các sư anh tu trước để điều chỉnh lại mình trong tứ oai nghi đi,đứng,nằm,ngồi, cách chắp tay thưa bạch. Ban đầu thì có phần hơi lúng túng, nhưng sau một thời gian thì quen, và cảm thấy những công việc đó thật là hay và ý nghĩa. Nhìn mấy điệu mặc bộ đồ nâu với lọn tóc vắt ngang lên trán hình chữ “nhơn” trông dễ thương lạ lùng. Ai cũng vui tươi hồn nhiên, với đôi mắt sáng, nụ cười trẻ, tất cả đều tỏa ra một năng lượng dồi dào tràn đầy sức sống đạo. Và chính những điều ấy đã hoàn toàn chinh phục được tâm hồn tôi.

Công việc đầu tiên của tôi là quét sân và nhổ cỏ. Mọi người thường nói rằng: “Sãi ở chùa thì quét lá đa”. Chùa tôi không có lá đa để quét, mà toàn là lá khế và lá mít. Mùa thu lá rụng đầy sân, quét hoài cũng không hết. Thế là lũ điệu chúng tôi tìm một phương kế thật hay, trước khi quét rác thì lấy sào đập hết lá già trên cây để quét luôn một thể, hôm sau đỡ quét. Thế nhưng hôm sau lá vẫn rụng và tôi vẫn cứ quét. Bất chợt tôi nhớ lại bài kệ quét rác mà quý Thầy thường đọc cho tôi nghe:

Cần tảo già lam địa Thời thời phước huệ sanh…
Tạm dịch là: “Siêng năng quét lá vườn chùa, cho hoa trí tuệ ngày ngày bừng soi”.

À thì ra quét rác cũng có một đạo lý, quét rác cũng là tu. Từ đó công việc quét rác không còn làm phiền tôi nữa. Mỗi lần nhổ cỏ mấy điệu thường nhắc nhau, nhổ cỏ như nhổ bớt phiền não trong tâm mình, để cho hạt giống bồ-đề ra hoa kết trái. Và mỗi lần nghe thỉnh chuông chúng tôi phải dừng lại, dừng lại mọi ý nghĩ của mình để nghe tiếng chuông ngân, thu nhiếp tâm mình vào chánh niệm. Tiếng chuông cảnh tỉnh để mình tự lắng lòngnghelạichínhmình,“phảnvăntựkỷ”,vàniệm thầm bài kệ:

Văn chung thanh, phiền não khinh, Trí huệ trưởng, bồ-đề sanh…


Nghĩa là: Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ, trí huệ lớn, bô-đề sanh.

Như vậy, rõ ràng mọi sinh hoạt của thiền môn đều là trợ duyên cho sự tu tập, trợ duyên cho sự dẹp trừ phiền nãotăng trưởng tuệ giác bồ-đề. Đó cũng là sự nghiệp của người tu hành “Duy tuệ thị nghiệp”.

Dần dần tôi bắt đầu học cuốn luật tiểu, nhất là học Tỳ-ni để áp dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Rồi đến học hai thời khóa tụng, khó thuộc nhất là chú Lăng-nghiêm. Người ta nói rằng: “Đi lính thì sợ cửaải,vàosãithìsợLăng-nghiêm”.Cụaảilànơidiễn ra chiến tranh chết chóc, cho nên đi lính ai cũng sợ đến đó. Còn Lăng-nghiêm là mật ngữ của Phật, nó có tính khúc chiết, âm vận trắc, nên khó học thuộc lòng. Tôi phải cố gắng hết sức, tranh thủ mọi thời gian để học, cố mà học cho thuộc để khi dò kinh khỏi bị ăn đòn, hay quỳ hương. Thế là lu bu việc học cả ngày lẫn đêm quên cả nhớ nhà. Phải rồi, nhớ nhà! Có khi nhớ khủng khiếp, nhất là những lúc trời mưa. Mưa Huế! Mưa dầm mưa dề, mưa ào ạt, xào xạc trên mái ngói. Mưa Huế! Thường hay đến như thế vào giấc ngủ nửa đêm, nửa ồn ào đánh thức, nửa vỗ về nỗi nhớ. Ai ngủ say thì chỉ cần trở mình là nghe êm ấm trong giấc ngủ, còn ai thao thức thì ôm mưa vào lòng mà nhớ nhà triền miên. Mỗi lần nỗi nhớ nhà trào dâng, tôi lại nhủ thầm sao mình

cứ bịn rịn thế. Người xuất gia là bậc đại trượng phu kia mà. Còn nhớ mãi ngày làm lễ thế phát xuất gia trên chánh điện, quỳ trước bàn thờ Tam bảo, sư phụ và quý thầy làm lễ cạo đầu cho tôi. Nhát dao thứ nhất, nguyện đoạn hết thảy các điều ác; nhát dao thứ hai nguyện tu hết thảy điều thiện; nhát dao thứ ba thề nguyện độ hết thảy chúng sanh. Nhìn những lọn tóc trên đầu từ từ rơi xuống như đang rũ bỏ mọi ưu tư phiền não của cuộc đời để thong dong tự tại bước vào nẻo đạo giải thoát. Âm vang trợ niệm trầm bổng vang lên:

Thiện tai đại trượng phu Năng liễu thế vô thường Khí tục thú nê-hoàn
Hy hữu nan tư nghị

Hủy hình thủ khí tiết
Cát ái từ sở thân
Xuất gia hoằng Phật đạo Thệ độ nhất thế nhân.

Tôi ý thức rõ ràng từng lời của bài tụng. Nó vừa hay vừa có ý nghĩa cao quý. Một cảm xúc mạnh trào dâng lên trong tôi. Từ đó tôi chính thức trở thành một chú tiểu, bắt đầu thực hành nếp sống quy củ của thiền môn. Việc ăn mặc ngủ không quá đầy đủ mà bỏ quên công việc tu tập. Quả thật ban đầu tôi cũng thấy khó chịu, nhất là đói bụng và buồn ngủ. Vì ăn không được no nên thèm ăn, và đôi lúc sinh tật ăn vụng. Điệu thì ăn vụng hết phải nói. Nhưng mỗi lần sau bữa ăn, điệu mô lảng vảng sau nhà ăn là xui to. Ít nhất cũng bị “giáo huấn” một bài, hay bị phạt quỳ một cây hương. Có lần mấy điệu bị phạt quỳ trước bàn thờ Tổ, lúc vắng mặt quý Thầy, mỗi điệu thi hành mỗi kiểu. Điệu thì dùng miệng thổi, thổi cho hương cháy thật nhanh. Điệu thì bóc lớp hương ở phía dưới, quý thầy đâu có biết. Còn chuyện ngủ gục là khỏi phải nói, thèm ngủ quá là thèm! Đôi lúc lên chánh điện làm lễ rồi mà vẫn buồn ngủ. Gối vẫn quỳ, tay vẫn chắp, miệng vẫn tụng hẳn hoi mà ngủ gục vẫn cứ ngủ.

Chùa tôi như thường lệ ba giờ rưỡi là thỉnh chuông sáng, bốn giờ là bắt đầu thời khóa tụng kinh khuya. Mỗi khi thỉnh chuông tụi điệu chúng tôi lồm cồm ngồi dậy. Cứ ngồi dậy là được chứ đừng nằm. Quý thầy thường dạy mấy điệu nghe chuông mà còn nằm ngủkiếp sau thành rắn đó.

Văn chung ngọa bất khởi Hộ pháp thiện thần sân Hiện tại duyên quả bạc Hậu thế thọ xà thân.

(Nghe chuông nằm không dậy, Hộ pháp thiện thần nổi sân, Hiện tại phước quả mỏng, Đời sau mang thân rắn). Nhiều lúc ngủ quên, bỗng nghe tiếng chuông là lo sợ lắm, sợ mình không gắng siêng năng mà tu, không diệt trừ được cơn hôn trầm, nhỡ kiếp sau làm rắn thì sao. Tôi sợ làm thân rắn lắm, vì rắn cứ lì bì, lì bì hoài, không được tỉnh táo. Hay như ốc sên ngủ một giấc là cả 500 năm, mỗi khi thấy ai ngủ là quý Thầy gọi: “Ốc ơi! Dậy đi ngủ chi mà ngủ dữ rứa”. Chưa nói chi kiếp sau lâu xa mà hiện tại ai bị hôn trầm thùy miên chi phối nhiều thì không được tỉnh táo, dã dượi cả thân lẫn tâm và luôn mỏi mệt.

Vài tháng sau tôi bắt đầu quen dần nếp sống ấy. Việc ăn, ngủ thiếu không còn quấy rầy tôi nữa. Khi ấy tôi nhận ra rằng, nếp sống Tam thường bất túc vẫn có một triết lí thật hay: “Ăn ít một tí thì sẽ thấy rõ sựhạnhphúccủacáiăn;ngủ ít một tí thì sẽ thấy rõ sự hạnh phúc của giấc ngủ; mặc đơn giản thì sẽ thấy rõ sự hạnh phúc của cái mặc”. Nếp sống ấy đã đem đến cho tôi thật nhiều an lạc. Chúng tôi luôn ý thức rằng tất cả vật dụng trong chùa đều là công sức mồ hôi của đàn-na thí chủ cả. Nếu ăn nhiều, xài nhiều mà không lo tu thì mắc nợ thí chủ. Vì thí chủ trợ duyên cho mình tu thì phải tu thật sự. Do đó mọi quy tắc trong nhà chùa là nhằm đào tạo con người từ thấp hèn trở thành cao thượng, thay đổi nếp sống bình phàm trở nên thánh thiện. Đó là những tác nhân tốt giúp cho chúng tôi lớn dần lên trong đạo.

Trong kinh Hiền ngu, Đức Phật dạy có bốn điều chớ nên Kinh thường, đó là: Hoàng tử nhỏ, rắn độc nhỏ, đốm lửa nhỏ và chú tiểu nhỏ. Bởi vì hoàng tử nhỏ tương lai sẽ làm vua một nước, rắn độc nhỏ có thể cắn chết người, đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy rừng và chú tiểu nhỏ tu hành tương lai sẽ thành Phật. Do vậy tôi càng trân quý cuộc đời hành điệu của tôi; quãng thời gian ấy cho tôi nhiều kỉ niệm bình yên và nhân tố trưởng dưỡng đạo tâm cho tương lai tu hành của mình được thành tựu.

Năm tháng dần qua đi, cuốn trôi cuộc đời làm điệu của tôi về quá khứ. Ước mơ thuở nhỏ ấy nay đã thành hiện thực, cái ước mơ khoác chiếc y vàng đã đến. Nhưng tôi chẳng thể nào quên thời làm điệu. Chính quãng thời gian ấy đã cho tôi một chất liệu cao quý, đã huấn luyện bồ-đề tâm của chúng tôi để tiếp bước vững vàng trên con đường xuất gia học đạo. Vì thế, là người xuất gia, chúng ta hãy trân quý và giữ gìn, đừng bao giờ đánh mất bồ-đề tâm, tức là đừng đánh mất cái sơ phát tâm ban đầu của mình.

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: