Thư Viện Hoa Sen

Vài suy nghĩ về Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX (Cao Văn Thức)

02/09/20202:57 CH(Xem: 2450)
Vài suy nghĩ về Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX (Cao Văn Thức)
VĂN HÓA PHẬT GIÁO
SỐ 351 SỐ VU LAN 01-09-2020

Vài suy nghĩ về Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX (Cao Văn Thức)

Đầu năm 1908, ở Quảng Nam bùng phát phong trào xin giảm sưu thuế, sử cũ thường gọi là phong trào “xin xâu”, của đa số nông dân nghèo. Phong trào xuất phát từ Quảng Nam rồi dần lan rộng ra mười tỉnh ở Trung Kỳ. Thực sự hốt hoảng trước sức mạnh lan tỏa của phong trào, chính quyền thực dân Pháp vội vàng dùng quân đội đàn áp khốc liệt; nhiều nhân sĩ trí thức Nho học lãnh đạo phong trào bị xử tử, tù đày. Phong trào xin giảm sưu lớn mạnh như vậy là kết quả của cuộc vận động Duy Tân từ năm 1905 đến 1908 do các nhà nho yêu nước tiến bộ như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện… khởi xướng.

Phong trào Duy Tân là một phong trào đấu tranh ôn hòa, công khai với phương châm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” nhằm mục đích làm cho dân giàu, nước mạnh để tiến đến giành độc lập dân tộc về sau. Vùng đất Quảng Nam nơi khởi phát của phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ là do hội tụ những yếu tố chủ yếu như sau:

1.Sự thất bại sớm của phong trào Cần Vương ở Quảng Nam Sau cuộc phản công quân Pháp của phe chủ chiến ở kinh đô Huế vào đêm 5-7-1885 bị thất bại, vua Hàm Nghi với sự phò tá của Tôn Thất Thuyết đã chạy ra Tân Sở ở vùng rừng núi Cam Lộ (Quảng Trị), để tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài. Tại đây ngày 13-7-1885, nhà vua đã ban bố dụ Cần Vương, kêu gọi nhân dân khắp nơi nổi dậy chống giặc cứu nước. Ở các địa phương, người dân sôi nổi tham gia kháng chiến dưới sự lãnh đạo của các quan chức, thân hào, sĩ phu Nho học.

Tại Quảng Nam, Nghĩa hội Cần Vương được thành lập do Chánh sơn phòng sứ là Tiến sĩ Trần Văn Dư lãnh đạo. Cuối năm 1885, Trần Văn Dư bị người Pháp giết hại thì Hồng lô tự khanh là Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lên thay. Nghĩa quân đã đánh thắng mấy trận, gây cho quân Pháp một số tổn thất. Nửa đầu năm 1887, quân Pháp và quân Nam triều của vua Đồng Khánh do Nguyễn Thân chỉ huy đã liên tiếp tổ chức những cuộc tấn công lớn vào các căn cứ của nghĩa quân. Do lực lượng và vũ khí quá chênh lệch, nghĩa quân bị thiệt hại nặng nề phải rút lui lên vùng núi sâu. Quân Pháp và Nam triều siết chặt vòng vây, nghĩa quân lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn vì thiếu lương thực, vũ khí… Trước nguy cơ bị tiêu diệt, thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu đã ra hàng Pháp, nhận hết trách nhiệm để cứu sinh mạng của nghĩa quân; ông bị người Pháp tử hình ở Huế vào tháng 10- 1887. Mất thủ lĩnh, Nghĩa hội Cần Vương Quảng Nam tan rã.

Như vậy, Nghĩa hội Cần Vương ở Quảng Nam chỉ tồn tại được hai năm (1885-1887), một khoảng thời gian khá ngắn ngủi nếu so với một số cuộc khởi nghĩa ở các địa phương khác như: khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng ở Hương Khê, Hà Tĩnh (1885-1896); khởi nghĩa Hùng Lĩnh của Tống Duy Tân ở Quảng Xương, Thanh Hóa (1886- 1892), khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên (1883-1892), khởi nghĩa Thanh Sơn của Đốc Ngữ (Nguyễn Đức Ngữ) ở Hòa Bình (1885- 1892)…. Nhưng mặt khác, sự thất bại sớm của Cần Vương Quảng Nam cũng lại là một sự may mắn, vì do đó vùng đất Quảng Nam chấm dứt chiến tranh sớm hơn các nơi khác, có thời gian để phục hồi sự thiệt hại do cuộc chiến gây ra. Chính việc sớm ổn định đời sống xã hội và phát triển kinh tế như vậy đã tạo tiền đề cho Quảng Nam trở thành nơi khởi điểm của phong trào Duy Tân về sau.

2. Vùng đất mới, tư duy thoáng, dễ dàng tiếp thu tư tưởng tiến bộ Quảng Nam là một vùng đất mới hình thành từ thế kỷ XV. Năm 1402, Hồ Quý Ly đưa quân vào vùng đất của người Chiêm Thành ở phía Nam đèo Hải Vân, chia vùng đất này thành 4 châu gọi là Thăng Châu, Hóa Châu, Tư Châu, Nghĩa Châu và đặt chức quan An Phủ Sứ để cai quản. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem quân vào chiếm đến địa điểm đèo Cù Mông, Phú Yên ngày nay. Nhà vua cho thành lập thêm đạo Thừa tuyên Quảng Nam gồm có ba phủ là Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn (ngày nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Địa danh Quảng Nam bắt đầu xuất hiện từ thời điểm đó.

blankĐầu thế kỷ XIX, sau khi tiêu diệt vương triều Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn, vua Gia Long chia đất nước thành 23 trấn và 4 doanh trực thuộc đất kinh kỳ là Quảng Đức, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam. Năm 1831, vua Minh Mạng cho chia trấn và doanh thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên (tỉnh trực thuộc kinh đô). Quảng Nam chính thức trở thành một tỉnh bắt đầu từ thời gian đó.

Quảng Nam có đô thị Hội An là thương cảng, trung tâm thương mại lớn thời bấy giờ. Đô thị Hội An được hình thành vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI, thuộc vùng đất Đàng Trong dưới quyền cai quản của chúa Nguyễn. Để tồn tạiđủ sức chống nhau với họ Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn ra sức phát triển kinh tế, đặc biệt mở rộng ngoại thương, vì vậy Hội An trở thành một thương cảng sầm uất trong khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Sang đầu thế kỷ XX, với việc người Pháp xây dựng thành phố Đà Nẵng, Hội An không còn vai trò là thương cảng trọng yếu trong khu vực, nhưng hoạt động giao thương vẫn phát triển và đồng thời đô thị này trở thành lỵ sở, trung tâm hành chính của

Là vùng đất mới, có thương cảng lớn giao thương rộng rãi với thế giới bên ngoài, Quảng Nam có điều kiện tạo nên những con ngườitâm lý năng độngtư duy cởi mở, sẵn sàng đón nhận những yếu tố mới từ bên ngoài đưa vào, tránh được sự thủ cựu cực đoan như một số vùng đất xưa ở miền ngoài. Vì vậy, đầu thế kỷ XX, những trào lưu tư tưởng tiến bộ từ bên ngoài đã truyền bá và được con người ở đây nhanh chóng đón nhận.

Những con người cấp tiến được sinh ra từ vùng đất mới. Từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, vùng đất Quảng Nam đã sinh ra được những sĩ phu Nho học có tư duy cấp tiến theo xu thế của của thời đại văn minh trên thế giới lúc bấy giờ.

Ở thế kỷ XIX, trong số những vị đại thần cấp tiến, có xu hướng canh tân của triều Nguyễn, có một số nhân vật quê ở Quảng Nam. Trong các thập niên 60, 70, dưới thời vua Tự Đức, trước sự biến động dữ dội của lịch sử thế giới cận đại, các cường quốc công nghiệp phương Tây lần lượt xâm chiếm lãnh thổ của các quốc gia nông nghiệp yếu kém, lạc hậu ở phương Đông để làm thuộc địa. Lúc bấy giờ, một số nhà khoa bảng Quảng Nam đang giữ những trọng trách của triều đình, có dịp đi công cán nước ngoài nên có điều kiện quan sát được sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật của phương Tây; vốn sẵn có tư duy cởi mở của cư dân vùng đất mới nên họ không có định kiến với nền văn minh xa lạ, ngược lại họ nhận thức rất rõ là cần phải canh tân để đất nước phát triển, ngăn chặn được nguy cơ xâm lược của các cường quốc phương Tây. Tiêu biểu nhất cho những nhân vật cấp tiến ở đất Quảng Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX là Phạm Phú Thứ và Lê Đĩnh.

Phạm Phú Thứ (1821-1882), quê ở làng Đông Bàn (Điện Trung, Điện Bàn), đỗ tiến sĩ năm 1843, làm quan đến chức Thượng thư; ông được cử làm Phó sứ trong phái đoàn triều đình cử sang Pháp, Tây Ban Nha năm 1863 để xin chuộc lại ba tỉnh Đông Nam Kỳ. Về nước, Phạm Phú Thứ viết tác phẩm Tây hành nhật ký (Nhật ký đi Tây) dâng lên vua Tự Đức, trong sách ông ghi lại đầy đủ các chi tiết về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… của chính quyền và người dân phương Tây mà ông đã có dịp quan sát qua chuyến công cán. Phạm Phú Thứ còn cho khắc in một số sách kỹ thuật phổ thông của các cường quốc phương Tây, đã được các học giả Trung Hoa dịch từ Anh ngữ ra Hán văn, để phổ biến trong dân chúng như: Bác vật tân biên (sách viết về khoa học kỹ thuật), Khai môi yếu pháp (Phương pháp khai mỏ), Hàng hải kim châm (hướng dẫn đi biển), Vạn quốc công pháp (phương pháp giao thiệp quốc tế)…

Lê Đĩnh (1847-1920), quê ở làng Đông Mỹ (Điện Trung, Điện Bàn), đỗ cử nhân năm 1870, làm quan đến chức Tổng đốc; ông từng được cử làm Chánh sứ trong phái đoàn triều đình sang Hương Cảng (Hongkong) năm 1881, sau đó lại có dịp đi công cán ở nhiều quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Mianma, Singapore…). Từ sự quan sát thực tế qua những dịp ra nước ngoài, Lê Đĩnh đã gửi tấu trình lên vua Tự Đức đề nghị canh tân trên các lĩnh vực, đặc biệt nhấn mạnh vào lĩnh vực ngoại thương, để thu về ngoại tệ sử dụng cho việc xây dựng đất nước.

Đầu thế kỷ XX, xuất hiện những nhân vật nho sĩ cấp tiến ở Quảng Nam mà tiêu biểu nhất là Phan Châu Trinh. Vào thời gian này, phong trào Cần Vương đã hoàn toàn chấm dứt với sự thất bại của đường lối đấu tranh bạo động vũ trang theo ý thức hệ phong kiến; các nhà nho yêu nước, tiến bộ đã tìm tòi một con đường cứu nước mới, phù hợp với xu thế của thời đại và người đi tiên phong chính là Phan Châu Trinh (1872-1926), quê ở làng Tây Lộc (Tam Lộc, Phú Ninh). Ông thi đỗ phó bảng, làm quan ở Huế một thời gian ngắn rồi từ chức về quê, ông cùng các nhà nho tiến bộ ở Quảng Nam khởi xướng phong trào Duy Tân. Đó là một phong trào hoạt động công khai, ôn hòa với phương châm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Phan Châu Trinh là nhân vật tiêu biểu cho tư duy cởi mở, thông thoáng, tính cách năng động của con người xứ Quảng. Tuổi thiếu niên ông từng theo cha tham gia phong trào Cần Vương, nhận thấy sự lỗi thời, bế tắc của phương pháp đấu tranh vũ trang theo ý thức hệ phong kiến nên đã đoạn tuyệt với khuynh hướng này, tìm đọc Tân thư để tìm con đường đấu tranh mới phù hợp với xu thế của thời đại văn minh.

Phong trào Duy Tân phát khởi từ năm 1905 từ Quảng Nam rồi lan rộng ra các tỉnh Trung Kỳ. Buổi đầu, phong trào Duy Tân với xu hướng hoạt động ôn hòa, công khai nhằm “khai dân trí” có vẻ yếu thế hơn so với Duy Tân hội của Phan Bội Châu là một tổ chức bí mật chủ trương đấu tranh chống Pháp bằng hình thức bạo động vũ trang. Ngày đó đại đa số dân chúng mù chữ và một số ít người được đi học là khóa sinh, tú tài, cử nhân… nhưng cũng kém hiểu biết về thế giới đương đại, vì vậy hầu như đại đa số đều mang một tâm lý đơn giản và dựa dẫm là mong ngóng Phan Bội Châu mang quân đội và vũ khí mà ông cầu viện được của Nhật Bản về đánh đuổi Pháp, giải phóng đất nước trong nay mai. Trong khi đó, đối với đại đa số dân chúng thì chủ trương đấu tranh công khai của phái Duy Tân do Phan Châu Trinh đề xướng vẫn còn xa lạ. Buổi đầu, những nhà nho cấp tiến đến các làng xã diễn thuyết về dân quyền, dân chủ nhưng kết quả đạt được rất hạn chế; vì do thiếu hiểu biết nên mọi người chẳng hiểu là các ông nhà nho này nói gì. Trước đây họ thấy các ông mở miệng ra là Khổng Mạnh, Nghiêu, Thuấn, Vũ… còn bây giờ nghe các ông nói những ngôn từ lạ hoắc như dân sinh, dân chủ, dân quyền, tư hữu… nên họ chả hiểu gì cả. Người Việt ta thời xã hội quân chủ có tâm lý sùng bái những người đỗ đạt khoa bảng, vì vậy khi các ông Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh… tập hợp dân làng xã để diễn thuyết thì dân chúng tụ tập đến nghe do nể trọng các ông là những tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, chứ họ kém hiểu biết nên thực tâm chẳng ưa thích gì những thuyết lý mà họ cho là viển vông, xa lắc ở nước Tây, nước Mỹ nào đó.

Trước thực trạng dân trí thấp kém như vậy, các nhà nho tiến bộ đã rất kiên quyết, từng bước nâng cao dân trí bằng việc mở trường lớp dạy chữ Quốc ngữ, Pháp vănkiến thức phổ thông hiện đại của Tây Âu. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại qua nhiều năm tháng mới mong đạt được kết quả, như Phan Châu Trinh đã từng ví von công việc “khai dân trí” rất công phuthời gian lâu dài giống như sự tích “Ngu Công dời núi” của Tàu thuở xưa. Trải qua ba năm hoạt động tích cực của phong trào Duy Tân (1905-1908), trình độ dân trí của người dân ở các địa phương Trung Kỳ dần dần được nâng cao, sự hiểu biết về dân quyền, dân chủ qua những buổi diễn thuyết của các nhà nho cũng thấm sâu vào trí não người dân. Và phong trào xin giảm sưu thuế diễn ra ở 10 tỉnh Trung Kỳ là kết quả sau ba năm vận động Duy Tân của các nhà nho tiến bộ.

Thực dân Pháp từ lâu đã lo sợ sự ảnh hưởng của phong trào Duy Tân, chúng tìm mọi cách gây khó dễ, ngăn cản sự hoạt động của phong trào. Tuy vậy, phong trào vẫn tiến triển vì sự khôn khéo của các nhà nho lãnh đạo như Phan Châu Trinh đã đưa ra chiêu bài là “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” (Dựa vào người Pháp để cầu sự tiến bộ) hoặc khi lập hội buôn, trường học họ đều làm đơn xin phép chính quyền hẳn hoi để chúng không có cớ đàn áp. Bọn thực dân thống trị đành bấm bụng chờ thời, nhân vụ xin xâu xảy ra ở Quảng Nam rồi lan rộng khắp Trung Kỳ, chúng lấy cớ là do các nhà nho xúi giục dân nổi loạn nên tổ chức đàn áp, hủy diệt cơ sở của phong trào Duy Tân. Nhiều nhà nho yêu nước tham gia phong trào Duy Tân bị chính quyền thực dân xử tử như Trần Quý Cáp, Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Hàng Chi, Ông Ích Đường… hoặc bị đày ra Côn Đảo như Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh

Thúc Kháng, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân, Dương Thưởng…

Phong trào Duy Tân xuất phát từ Quảng Nam rồi lan tỏa ra các tỉnh miền Trung, là một cuộc duy tân với mục đích nâng cao dân trí và phát triển kinh tế, từ đó chấn hưng dân khí để mưu cầu công cuộc đấu tranh giành độc lập lâu dài về sau. Đó là một con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại văn minh, nhưng rất tiếc là do chính sách thống trị cực đoan của thực dân Pháp nên công cuộc duy tân đầu thế kỷ XX đành dang dở. Tuy vậy, phong trào Duy Tân phát khởi ở Quảng Nam cũng để lại được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho hiện nay.

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: