- Lược Dẫn
- Cuốn 1
- Phẩm 1: Mở Đầu
- Phẩm 2: Phương Tiện
- Cuốn 2
- Phẩm 3: Ví Dụ
- Phẩm 4: Tin Hiểu
- Cuốn 3
- Phẩm 5: Cây Cỏ
- Phẩm 6: Thọ Ký
- Phẩm 7: Tương Quan Xa Xưa
- Cuốn 4
- Phẩm 8: Năm Trăm Đệ Tử Tiếp Nhận Thọ Ký
- Phẩm 9: Thọ Ký Cho Các Vị Tu Học Tiếp Tục Và Tu Học Hoàn Tất
- Phẩm 10: Người Diễn Giảng Pháp Hoa
- Phẩm 11: Bảo Tháp Xuất Hiện
- Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13: Kính Giữ Pháp Hoa
- Cuốn 5
- Phẩm 14: Sống Yên Vui
- Phẩm 15: Từ Đất Xuất Hiện
- Phẩm 16: Sự Sống Lâu Của Đức Thế Tôn
- Phẩm 17: Phân Tích Thành Quả
- Cuốn 6
- Phẩm 18: Thành Quả Tùy Hỷ
- Phẩm 19: Thành Quả Của Người Diễn Giảng Pháp Hoa
- Phẩm 20: Bồ Tát Thường Bất Khinh
- Phẩm 21: Sức Thần Của Đức Thế Tôn
- Phẩm 22: Giao Phó Trọng Trách
- Phẩm 23: Việc Cũ Của Bồ Tát Dược Vương
- Cuốn 7
- Phẩm 24: Bồ Tát Diệu Âm
- Phẩm 25: Quan Âm Đại Sĩ : Vị Toàn Diện
- Phẩm 26: Tổng Trì Minh Chú
- Phẩm 27: Việc Cũ Của Diệu Trang Nghiêm Vương
- Phẩm 28: Sự Khuyến Khích Của Bồ Tát Phổ Hiền
- Phần Sao Lục
- Phẩm Phổ Hiền
- Toát Yếu Pháp Hoa
KINH PHÁP HOA
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN - Trí Quang dịch
Phẩm 9:
Thọ ký cho các vị tu học tiếp
tục
và tu học hoàn tất
Lúc ấy các tôn giả A nan Đà và La hầu La đều nghĩ, chúng ta tự xét nếu được đức Thế Tôn trao cho lời ghi thành tựu tuệ giác vô thượng thì thích thú biết bao. Các tôn giả ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Thế Tôn, đầu mặt lạy ngang chân ngài và cùng thưa, bạch đức Thế Tôn, trong việc thọ ký chúng con cũng đáng có phần, chỉ có đức Thế Tôn là đấng chúng con nương tựa. Chúng con được thế giới này, kể cả chư thiên, nhân loại và tu la, ai cũng biết đến. Họ biết A nan Đà con đây thường làm thị giả của đức Thế Tôn, coi giữ kho tàng chánh pháp của ngài; còn La hầu La con đây là con trai của đức Thế Tôn khi ngài chưa xuất gia. Nếu đức Thế Tôn trao cho chúng con lời ghi thành tựu tuệ giác vô thượng, thì ước nguyện của chúng con đã đạt mà ước vọng của các chúng cũng thỏa. Bấy giờ hai ngàn vị đệ tử thanh văn của đức Thế Tôn mà sự tu học đang tiếp tục hay đã hoàn tất, cũng đều đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, vai bên phải trần pháp y, cùng đến trước đức Thế Tôn, chuyên chú mà chắp tay chiêm ngưỡng, cùng biểu lộ sự ước nguyện như ước nguyện của các tôn giả A nan Đà và La hầu La, rồi đứng cách một khoảng.
Khi ấy đức Thế Tôn bảo tôn giả A nan Đà, trong thì vị lai, tôn giả sẽ được thành Phật với danh hiệu Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, đủ mười đức hiệu. Tôn giả sẽ phụng sự sáu mươi hai ức chư Phật, coi giữ kho tàng chánh pháp của các ngài, sau đó thực hiện tuệ giác vô thượng, giáo hóa bồ tát nhiều bằng nhiều ức hằng sa, làm cho thành thục tuệ giác vô thượng. Quốc độ tên là Ngọn cờ siêu việt thường dựng cao lên, toàn cõi trong sạch, đất bằng lưu ly. Thời kỳ tên là Âm thanh tinh túy vang dội khắp cả. Sơn hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai sống lâu vô số thời kỳ vô số, giả sử có ai tính kể trong ngàn vạn ức thời kỳ vô số cũng không biết được. Giáo pháp nguyên chất tồn tại thế giới gấp đôi thì gian sống lâu, giáo pháp tương tự tồn tại thế giới gấp đôi giáo pháp nguyên chất. A nan Đà, Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai được nhiều ức hằng sa chư Phật ở khắp mười phương cùng nhau ca tụng tán dương thành quả của ngài.
Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
(1) Như Lai ngày nay
nói giữa chư Tăng,
rằng A nan Đà
người giữ chánh pháp,
tương lai phụng sự
chư vị Phật đà,
rồi thành một bậc
Biết đúng và khắp.
(2) Bậc ấy tên là
Sơn Hải Tuệ Vương.
Quốc độ trong sạch
và có tên là
Ngọn cờ Siêu việt
thường dựng cao lên.
(3) Ngài giáo hóa cho
chư vị bồ tát
số lượng nhiều bằng
cát của sông Hằng.
Uy đức ngài có
vô cùng lớn lao,
danh tiếng vang động
khắp cả mười phương.
(4) Vì thương chúng sinh,
ngài sống vô lượng.
Giáo pháp nguyên chất
gấp đôi sống lâu,
giáo pháp tương tự
gấp đôi nguyên chất.
(5) Hằng hà sa số
vô lượng chúng sinh
ở trong giáo pháp
của đức Phật ấy
gieo trồng nhân tố
tuệ giác Phật đà.
Bấy giờ trong đại hội, bồ tát mới phát tâm có tám ngàn vị cùng nghĩ rằng, đến như chư vị đại bồ tát mà chúng ta cũng không nghe thấy được thọ ký như vầy, vì nguyên nhân nào mà chư vị thanh văn lại được phán quyết như vậy? Đức Thế Tôn biết ý nghĩ ấy của các vị bồ tát mới phát tâm nên bảo, chư thiện nam tử, Như Lai cùng với tôn giả A nan Đà, và các vị đồng hàng với tôn giả ấy, đã từng ở nơi đức Không Vương Như Lai, đồng thời phát ra tâm chí mong cầu tuệ giác vô thượng. Nhưng tôn giả A nan Đà thường thích đa văn, còn Như Lai thường siêng tinh tiến, nên Như Lai thành tựu tuệ giác vô thượng mà tôn giả A nan Đà coi giữ kho tàng chánh pháp của Như Lai. Tôn giả ấy cũng coi giữ kho tàng chánh pháp của chư Phật vị lai, giáo hóa tác thành chư vị bồ tát. Bản nguyện tôn giả ấy là như vậy nên được thọ ký như trên.
Tôn giả A nan Đà đối diện đức Thế Tôn, đích thân nghe được lời ghi nhận của ngài trao cho, nghe được sự huy hoàng của quốc độ tương lai của mình, thì ước nguyện thỏa mãn, lòng rất hoan hỷ, được sự chưa từng có, tức khắc nhớ được kho tàng chánh pháp của nhiều ức chư Phật quá khứ, thông suốt vô ngại như thể hiện tại mới nghe, lại nhớ được cả bản nguyện của mình. Tôn giả thưa đức Thế Tôn với lời chỉnh cú sau đây.
(6) Thế Tôn quả thực
cực kỳ hiếm có:
làm con nhớ lại
kho tàng chánh pháp
của vô số Phật
thuộc thì quá khứ,
tựa như mới nghe
trong ngày hôm nay.
(7) Nay con không còn
nghi hoặc gì nữa;
đứng vững ở trong
tuệ giác Phật đà,
phương tiện mà làm
một vị thị giả
để được coi giữ
chánh pháp chư Phật.
Khi ấy đức Thế Tôn bảo tôn giả La hầu La, trong thì vị lai, tôn giả sẽ được thành Phật với danh hiệu Đạp Thất Bảo Hoa Như Lai, đủ mười đức hiệu. Tôn giả sẽ phụng sự chư Phật bằng số vi trần của mười thế giới và, y như đời này, tôn giả thường làm trưởng tử của các ngài. Sự huy hoàng của quốc độ, số lượng thời kỳ của sự sống lâu, đệ tử được giáo hóa, giáo pháp nguyên chất và tương tự, tất cả điều này của đức Đạp Thất Bảo Hoa Như Lai đều giống như của đức Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, không khác gì cả. Tôn giả cũng sẽ làm trưởng tử của ngài, và qua thì gian ấy rồi sẽ được tuệ giác vô thượng. Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
(8) Thì gian Như Lai
còn làm thái tử
thì La Hầu La
là vị trưởng tử,
Như Lai thành Phật
thì La Hầu La
tiếp nhận chánh pháp
mà làm pháp tử.
(9) Trong thì vị lai
tôn giả gặp được
vô số ức Phật,
cũng làm trưởng tử
chuyên tâm mà cầu
tuệ giác Phật đà.
(10) Hạnh nguyện kín đáo
của La Hầu La,
chỉ có Như Lai
mới thấu hiểu được,
thị hiện mà làm
trưởng tử Như Lai
là để khải thị
cho bao chúng sinh.
(11) La Hầu La đây
có vô số lượng
vạn ức công đức
không thể tính kể.
Tôn giả sống trong
chánh pháp Như Lai
để cầu đạt được
tuệ giác vô thượng.
Đức Thế Tôn lại thấy hai ngàn vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất tâm ý của họ mềm dịu, vắng lặng, trong suốt, chuyên chú nhìn ngài, nên ngài bảo tôn giả A nan Đà, tôn giả thấy hai ngàn vị còn học và học xong này chăng? Con thấy, bạch đức Thế Tôn. A nan Đà, các vị này sẽ phụng sự chư Phật nhiều bằng vi trần của năm chục thế giới, cung kính, tôn trọng, coi giữ kho tàng chánh pháp của các ngài, và cuối cùng thì đồng thời thành Phật ở khắp mười phương quốc độ, với danh hiệu đồng nhất là Bảo Tướng Như Lai, đủ mười đức hiệu. Lại cùng sống lâu một thời kỳ. Sự tráng lệ của quốc độ, chúng thanh văn và chúng bồ tát, giáo pháp nguyên chất và tương tự, tất cả cũng đồng đẳng. Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
(12) Hai ngàn thanh văn
trước Như Lai đây,
Như Lai phán quyết
vị lai thành Phật.
(13) Chư Phật Như Lai
mà các vị ấy
sẽ được phụng sự
thì như vi trần
mà Như Lai đã
so sánh ở trên.
Các vị coi giữ
kho tàng chánh pháp
của chư Phật ấy,
và rồi cuối cùng
được thành một bậc
Biết đúng và khắp.
(14) Tại các quốc độ
khắp cả mười phương,
tất cả các vị
đồng một danh hiệu,
đồng thời cùng ngồi
nơi bồ đề tràng,
để cùng thành tựu
tuệ giác vôthượng.
(15-Danh hiệu Bảo Tướng,
16) quốc độ, đệ tử,
giáo pháp nguyên chất,
giáo pháp tương tự,
tất cả điều này
đồng đẳng không khác.
Lại cũng đồng đẳng
sử dụng thần lực
giáo hóa cứu độ
mười phương chúng sinh,
danh tiếng vang dội
lan tràn khắp cả,
và rồi dần dần
cùng lúc nhập diệt.
Bấy giờ hai ngàn vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất nghe đức Thế Tôn thọ ký cho như vậy, ai cũng hoan hỷ, phấn chấn, cùng nói lời chỉnh cú sau đây.
(17-Thưa đức Thế Tôn,
18) Ánh sáng đèn tuệ!
Chúng con nghe được
tiếng ngài thọ ký,
tâm thức chúng con
tràn ngập hoan hỷ,
y như được rưới
với nước cam lộ.