PHÁP BẢO ĐÀN KINH
Minh Trực
Thiền Sư Việt dịch
Đại Sư tên là Huệ Năng, thân phụ của ngài họ Lư, húy danh Hạnh Thao, thân mẫu của ngài là Lý Thị.
Ngài sanh vào đời nhà Đường, niên hiệu Trinh Quán, năm thứ mười hai, nhằm năm Mậu Tuất, tháng hai, ngày mồng tám, giờ tí.
Lúc sanh ngài, có một đạo hào quang chiếu lên hư không, lại có mùi thơm xông khắp cả nhà.
Trời vừa rực sáng, có hai vị tăng lạ mặt đến xin viếng, và gọi thân phụ ngài mà nói rằng: “Nhơn có đứa nhỏ sanh hồi đêm qua, nên chúng tôi đến đặt tên giùm. Nên đặt trên chữ Huệ, dưới chữ Năng.”
Thân phụ ngài hỏi: “Sao gọi là Huệ Năng? “
Một thầy tăng đáp: “ Huệ là đem pháp huệ mà thí cho chúng sanh. Năng nghĩa là làm được việc Phật.”
Nói rồi hai vị tăng liền đi ra, chẳng biết đi xứ nào.
Đại sư khi lọt lòng mẹ, không bú sữa, ban đêm có thần nhân rưới nước cam lồ cho ngài.
Khi Ngài Huệ Năng được ba tuổi thì Thân phụ từ trần, an táng ở cạnh vườn.
Thân mẫu giữ tiết nuôi con. Lớn lên, Ngài Huệ Năng bán củi đổi gạo nuôi mẹ.
Đến lớn, hai mươi bốn tuổi, ngài nhờ nghe kinh mà ngộ đạo. Ngài đến viếng Đức Huỳnh Mai Ngũ Tổ mà cầu ấn khả (cầu chứng minh chỗ sở đắc của mình- nd).
Ngũ Tổ xem Đại Sư, nhận ngài có tài đức xứng đáng, nên phú chúc y pháp và dạy ngài nối ngôi Tổ Sư. Lúc ấy, nhằm đời Đường Cao Tông, ngươn niên Long Sóc, năm Tân Dậu.
Ngài qua phương Nam ẩn dật mười sáu năm, đến ngày mồng tám tháng giêng, năm Bính Tý, đời Đường Cao Tông, ngươn niên Nghi Phụng, gặp Ấn Tông Pháp Sư, khi ấy (Pháp Sư-nd) mới hiểu rõ cái tông chỉ của Đại Sư. Đến ngày rằm tháng ấy, Ấn Tông Pháp Sư nhóm hết tứ chúng (Tì khưu, Tì Khưu ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di-nd) mà xuống tóc cho Đại Sư, rồi qua mồng tám tháng hai, lại nhóm hết các vị danh đức mà truyền thọ Cụ Túc Giới (250 giới của Tì Khưu-nd) cho ngài.
Trí Quang Luật
Sư ở Tây Kinh làm Thọ Giới Sư
Huệ Tịnh Luật Sư ở
Tô Châu làm Yết Ma
Thông Ứng Luật Sư
ở Kinh Châu làm Giáo Thọ
Kỳ Đà La Luật Sư ở
Trung Thiên Trước thuyết giới.
Mật Đa Tam Tạng ở
Tây Thiên Trước chứng giới
Nguyên cái giới
đàn này do sư Câu Na Bạt Đà La Tam Tạng ở triều nhà Tống, đứng ra sáng lập, và
có dựng bia ghi lời sấm truyền rằng: “ Sau sẽ có một vị Bồ Tát xác phàm thọ giới
tại chỗ này.”
Đến đời Lương Võ Đế, ngươn niên Thiên Giám, lại có Sư Trí Dược Tam Tạng từ Tây Thiên Trước ngồi thuyền vượt biển sang Trung Quốc, đem một gốc cây Bồ Đề ở Tây Thiên Trước trồng nơi bờ ranh của Giới Đàn ấy, và cũng đặt bia ghi lời dự ngôn như vầy: “ Sau này, một trăm bảy mươi năm, sẽ có một vị Bồ Tát xác phàm khai diễn pháp thượng thừa ở dưới cội cây này, cứu độ vô số chúng sanh, ấy là vị Pháp chủ truyền thọ tâm ấn của Phật.”
Thật quả như lời sấm truyền. Đại Sư đã đến chỗ này mà thế phát và thọ giới, và chỉ bày cái Đơn Truyền Pháp Chỉ (Tâm Pháp-nd) cho tứ chúng vậy.
Qua năm sau, nhằm mùa xuân, Đại Sư từ giả đại chúng mà về chùa Bửu Lâm. Khi ấy, Sư Ấn Tông cùng các vị tăng, người tục, có trên một ngàn người, đến đưa Ngài thẳng đến xứ Tào Khê.
Lúc ấy, có Thông Ứng Luật Sư ở Kinh Châu, cùng các vị học giả kể có một trăm người, đều theo ở với Đại Sư.
Khi Ngài đến chùa Bửu Lâm tại Tào Khê, thấy chùa chật hẹp, không đủ dung nạp đồ chúng, thì có ý muốn mở rộng ra.
Đại Sư đến viếng một người trong xóm là Trần Á Tiên mà nói rằng: “ Lão tăng đến đây muốn cầu thí chủ cho một khoảng đất vừa đủ trải tấm tọa cụ (manh vải để trải ngồi-nd) được chăng? “
Trần Á Tiên nói: “Tấm tọa cụ của Hòa Thượng rộng là bao lớn?”
Tổ Sư lấy tấm tọa cụ chỉ cho Trần Á Tiên xem. Trần Á Tiên thưa: “ Được”. Tổ Sư liền lấy tọa cụ phóng ra, bao trùm hết bốn cảnh Tào Khê, lại có bốn vị Thiên Vương hiện thân ngồi trấn bốn hướng. Nay tại cảnh chùa có núi Thiên Vương và nhơn chuyện này mà đặt ra tên núi ấy.
Trần Á Tiên nói: “Tôi biết pháp lực của Hòa Thượng thật là quảng đại, nhưng vì phần mộ của cao tổ tôi đều nằm trong khoảnh đất này, ngày sau nếu có cất tháp, xin giữ lại các phần mộ, còn giai dư tôi hỉ cúng hết, để làm ngôi Bửu Phường vĩnh viễn. Lại chỗ đất này là mạch núi Sanh Long và non Bạch Tượng, vậy chỉ nên bình thiên, chẳng nên bình địa (Chổ thấp cất cao, chổ cao cất thấp, chẳng nên đục đá, e hư mạch núi-nd)
Sau chùa kinh dinh kiến trúc, nhứt nhứt đều làm theo lời thỉnh cầu của Trần Á Tiên.
Mỗi lần Đại Sư đi dạo trong cảnh chùa, gặp chỗ nào nước non xinh đẹp, ngài dừng chân ngồi nghỉ, nên mấy chỗ ấy thành ra các Nhàn Tịnh Cảnh, cộng là mười ba chỗ. Nay kêu là Hoa Quả Viện, cả thảy đều phụ thuộc về chùa Bửu Lâm.
Nguyên nơi Đạo Tràng Bửu Lâm, khi trước cũng có Sư Trí Dược Tam Tạng ở Tây Thiên Trước, từ Nam Hải qua cửa Tào Khê, lấy tay bụm nước uống, nghe mùi thơm ngọt, thì lấy làm lạ, liền kêu môn nhơn bảo rằng: “Nước nơi đây không khác gì nước bên Tây Thiên Trước, trên nguồn khe chắc có thắng địa, lập Nhàn Tịnh Cảnh được.”
Sư lần theo dòng nước lên tới nguồn khe, nhìn bốn phương non nước xây vòng, đầu non châu giụm, xinh đẹp lạ lùng...Sư khen rằng:” Cảnh núi này rõ ràng giống như cảnh núi Bửu Lâm ở Tây Thiên trước.”
Sư kêu dân làng Tào Hầu mà bảo rằng: “Nơi núi này nên lập một cảnh chùa, sau đây một trăm bảy mươi năm, sẽ có một vị Vô Thượng Pháp Bửu (chỉ Đức Huệ Năng-nd) diễn hóa tại chỗ này, số người đắc đạo nhiều như cây rừng, vậy nên đặt hiệu chùa là Bửu Lâm (Rừng báu-nd)”
Thuở ấy, có một vị quan Mục Chủ tỉnh Thiều Châu, tên Hầu Kỉnh Trung, lấy những lời ấy làm biểu dâng cho vua, vua nhận lời xin, lại ban cho một tấm biểu hiệu là Bửu Lâm. Thế mới thành một cảnh chùa Phật. Ấy là một ngôi chùa có trước hết ở đời nhà Lương, niên hiệu Thiên Giám, năm thứ ba.
Trước điện chùa có một sở đìa (ao-nd), trong đó có một con rồng thường trồi lên hụp xuống, làm diêu động các cây rừng.
Một ngày kia, rồng hiện hình rất lớn, làm cho sóng nổi, nước trào, mây mù tối mịt. Các môn đồ đều kinh hãi.
Đại Sư nạt rằng: “Ngươi có thể hiện hình lớn, mà không thể hiện hình nhỏ được. Nếu ngươi là thần long thì biến hóa được, nhỏ biến ra lớn, lớn biến ra nhỏ.”
Rồng ấy thoạt nhiên hụp xuống, giây lâu lại hiện ra mình nhỏ, nhảy khỏi mặt đìa.
Tổ sư mở bình bát, nói thách rằng:” Chắc ngươi không dám chun vô bình bát của lão tăng?”
Rồng hâm hỡ nhảy tới trước mặt, Tổ Sư lấy bình bát thâu vào. Rồng hết phương vùng vẫy.
Tổ Sư đem bình bát về chùa, thuyết pháp cho rồng nghe. Rồng liền cởi lốt mà đi mất. Bộ xương này dài đến bảy tấc, đầu đuôi, sừng cẳng, đều có đủ, để lưu truyền tại chùa. Sau Đại Sư lấy đá lấp cái đìa ấy.
Nay trước điện chùa, phía tả, có cái tháp bằng sắt dựng nơi đó. (Lời chú: Đến niên hiệu Chí Chánh, năm Kỷ Mão, chùa bị nạn binh hỏa, bộ xương rồng ấy thất lạc nơi nào chẳng rõ).
Đời nhà Đường, Thích Pháp Hải soạn
Đức Lục Tổ có một viên đá trừ yêu, khắc tám chữ: "Long sóc nguyên niên Lư cư sĩ chi." Đá ấy trước để tại Đông Thiền Viện Huỳnh Mai; Đến đời Minh, niên hiệu Gia Tịnh, có người sĩ-hoạn ở Việt Trung tới Huỳnh Mai thỉnh về Tào Khê, nay vẫn còn.
Quan Hữu thừa Vương Duy ở đời Đường, cầu Thầy Thần Hội làm bài kỷ niệm Tổ Sư: "Lục Tổ sống chung với bọn lao động suốt 16 năm, gặp dịp Thầy Ấn Tông giảng kinh, mới xuống tóc."
Quan Thứ Sử Liễu Tông Nguyên làm bia kỷ niệm Tổ Sư: "Lục Tổ vâng chịu tín y, rồi ẩn dật ở Nam Hải, trọn 16 năm; Nhận thấy thời cơ hành đạo đã đến, mới về Tào Khê, làm Thầy người."
Quan Thừa Tướng là Trương Thương Anh làm bài kỷ niệm Ngũ Tổ: "Ngũ Tổ dạy đạo ở Đông Thiền Viện Huỳnh Mai, vì muốn tiện bề phụng dưỡng mẹ già, nên khi gặp thời cơ, niên hiệu Long Sóc đầu tiên, truyền y pháp lại cho Lục Tổ, rồi giải tán đại chúng, cất cốc ở núi Đông Sơn, địa chủ là Phùng Mậu tình nguyện cúng núi ấy cho Ngũ Tổ làm đạo tràng."
Tham chiếu theo các lý do kể trên mà xét định, Đức Lục Tổ đến Huỳnh Mai, lãnh thọ y pháp của Đức Ngũ Tổ, rồi từ niên hiệu Long Sóc đầu tiên, năm Tân Dậu, qua đến niên hiệu Nghi Phụng, năm Bính Tý, trọn mười sáu năm, Đức Lục Tổ mới đến chùa Pháp Tánh xuống tóc.
(Phụ chính
từ bản dịch của HT TTQ)
Phụ chú về bản dịch của HT Thích Minh Trực.
Trong tất cả các bản dịch về Pháp Bảo Đàn Kinh, tôi chuộng nhất là bản dịch của HT Thích Minh Trực, thế nhưng khi đọc và tra cứu thêm từ các bản dịch khác, tôi cảm nhận rằng bản dịch của HT TMT chỉ được gần hoàn chỉnh, nên tôi liền dùng ngay bản dịch của HT Thích Từ Quang (có Hán Văn phụ kèm) để tu bổ và làm cho bản dịch của HT sát cận với ý kinh.
Theo nguyên tắc, trong việc dịch văn sách, người dịch phải theo sát nghĩa của nguyên văn, và chỉ được tạo lập các văn từ nếu như ngôn ngữ được chuyễn dịch không tương ưng. Lại nữa, trong bài dịch, HT quá từ bi nên lại để lại quá nhiều phụ chú Hán Văn cho người xưa (thiên về Nho giáo và mạnh về Hán Văn) làm cho người thời nay đọc kinh bị trở ngại trong dòng tư tưởng, hoặc HT vì thương các người sơ cơ, phải phụ chú các câu của Tổ, nhưng vì làm thế mà làm cho nghĩa sâu thành cạn. Có bài kệ của Tổ được HT phiên dịch làm cho câu văn xuông đẹp, nhưng lại mắc lỗi là làm cho câu kệ tối nghĩa hay lại đi xa hơn là làm hoán đổi kinh kệ của Tổ. Đã hơn gần 18 năm, tôi rất bối rối không biết mình phải làm sao cho phải vì tự biết mình không có đủ tài đức. Nhưng rồi, vì Chánh Pháp, vì Phật Đạo của các người đi sau mà tôi tha thiết mà tu bổ và sửa chửa các tì vết của ngọc báu trên. Mong oai linh Chư Phật Tổ chứng minh và HT TMT chứng nhận tấm lòng tha thiết và thành tâm vì Phật Pháp mà tôi phải làm việc ấy.
Thế nên, tuy tôi ráng theo sát bản kinh của ngài và lượt bỏ các khoãng dư và không để vào các lời phụ chú của người (trong ấy có xen lẫn tiếng Pháp), mà dùng tất cả các chữ Việt thay ngay các danh từ Hán Việt (như dùng danh từ “Mặt Trời Mặt Trăng” mà thay thế cho các chữ “Mặt Nhật Mặt Nguyệt”, hay thay cả một đoạn văn như “Nhẫn lên gọi là pháp Sám Hối Không Tướng” bằng “lời sám hối kể trên gọi là Sám Hối Không Tướng” cho lời văn rõ ràng hơn, nhưng có đoạn tôi phải bắt buộc phải loại bỏ hoàn toàn các lời phụ chú hoặc thay đổi hết cả các phụ chú của HT TMT.
Thí dụ như
Trong Phẩm Nghi
Vấn, lúc Lục Tổ nói bài Vô Tướng Kệ, có đoạn
Hán Văn là
“Tâm bình hà lao trì giới”
HT MT dịch “Lòng
bình đẳng đâu cần giữ giới"
HT TQ dịch “Tâm
bình chẳng đợi giữ giới.”
Trong kinh cũng có
nói Tổ Sư đã thọ 250 Tỳ Khưu Cụ Túc Giới, vì thế đoạn dịch ấy, theo thiển
kiến của tôi chưa được chuẩn nên tôi theo nghĩa và văn của HT TMT nhưng dùng lời
của HT TTQ mà tu bổ rằng:
“Lòng Bình Đẳng đâu đợi giữ giới”
Có nghĩa là đâu phải lúc mình vào chùa tu rồi mới giữ giới, mà ngay bây giờ giữ lòng bình đẳng thì đã đồng với giữ giới rồi.
Hay trong phẩm Tự
tự (Hành trạng và do lai của Ngài Lục Tổ), đến khúc
“Huệ Năng nầy liền hiểu ý Tổ Sư, đến canh ba vào thất. Ngũ Tổ lấy áo ca sa đắp cho ta, chẳng cho ai thấy, rồi nói kinh Kim Cang cho ta nghe, đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Có nghĩa là: Không nên trụ vào chỗ nào mà sanh tâm mình “
HT MT phụ chú ngay sau đó (Để cái tâm trống không, chẳng trụ vào đâu cả)
Tôi cảm thấy hay hơn là không phụ chú gì cả vì nếu làm như thế thì tự nhiên lại ngay đó mà lấy nghĩa thâm diệu đó làm cho thành cạn và làm sai ý Tổ, vì ngay trong phẩm Bát Nhã, Tổ đã quở việc làm ấy. Thế nên, tôi phải bỏ ngay câu đó và thay vào đoạn chú này để không phụ ý từ bi của HT TMT, nhưng theo sát ý Tổ hơn:
( Phải thật đúng y như lời, như lúc tiếp vật, xúc chạm, tâm mình vẫn như như không nhiễm, không chấp, không thủ, không xả, không không, cũng không phải là không không. Phải biết, ngoài Bổn Tâm, không còn sanh tâm chi khác. Trên cảnh không sanh tâm, hết cảnh tâm không diệt - Ndm)
Hay trong đoạn khác, kinh nói:
“Phàm người thấy tánh, khi nghe pháp rồi thì phải thấy liền. Nếu được như thế, thì dầu hươi đao ra trận cũng đặng thấy tánh.”
HT TMT phụ chú (Người lợi căn, dẩu gặp cảnh nguy nan gấp rút, bao giờ cũng thấy tánh mình)
Tôi cảm thấy lời phụ chú ấy không làm sáng tỏ thêm ý chính của văn, nên thay vào lời này
(Người lợi căn, dẩu gặp cảnh nguy nan gấp rút, cũng không bao giờ mất tâm, hay sanh tâm chi khác. Dẫu ở Thiên Đường hay Địa Ngục, dẫu cảnh thuận hay nghịch, Bổn tâm vẫn như như, không thêm, không bớt- nđm)
Trong kinh lại có nói:
“Ngày kế, Ngũ Tổ lén đến chỗ phòng giã gạo, thấy Huệ Năng này mang đá nơi lưng mà giã gạo (Bởi mình gầy ốm, nên phải mang thêm đá cho đủ nặng, mới đạp nổi cái chày- nd) Ngài nói rằng: “Người cầu Đạo, vì pháp quên thân, phải như thế sao !” Ngài mới hỏi : “ Gạo trắng chưa ?” Huệ Năng nầy đáp : “Gạo trắng đã lâu, chỉ còn thiếu sàng.”
HT TMT phụ chú (Ý nói đã thấy tánh, chỉ còn đợi truyền Pháp)
Do được lời chỉ dẩn của Bổn Sư, tôi được giảng ý chỉ ấy tường tận, nên thay lời phụ chú ấy như sau ( Khi đã minh tâm kiến tánh thì cái gì làm hay nghĩ đều là pháp. Sàng ở đây là tâm ấn, là phương tiện, như cờ tiết việt, búa lệnh, dấu ấn trên giấy tờ, cho chúng sinh và tất cả các vị Hộ Pháp nay biết rõ, và đồng được sự hộ niệm của chư Phật mười phương chứng minh cho vị này là đại diện cho chúng ta, nói như Chư Phật nói, nghĩ như Chư Phật nghĩ, làm như Chư Phật làm, nơi cõi này hoá độ chúng sinh - ndm)
Trong phẩm Sám Hối, HT TMT dịch bài kệ như sau
(Bản dịch của HTTMT)
Người mê muội
phước cầu, Đạo phế
Tu phước điền, dối
kể Đạo mầu
Thí cúng nhiều,
phước được trùng thâu
Nhưng ba ác tâm
đầu sanh mãi
Tưởng tu phước,
tội trừ ác cải,
Sau phước lành,
tội lại còn sanh
Ngó trong tâm gốc
lỗi trừ thanh
Tự tánh phải chơn
thành sám hối
Pháp sám hối đại
thừa lãnh hội
Cải tà quy chánh
tội không sanh
Học Đạo thường xem
tánh tịnh thanh
Tức cùng Phật cũng
thành nhứt loại
Pháp Đốn Giáo, Tổ
ta truyền dạy
Nguyện chúng đồng
đặng thấy tâm nguyên
Pháp thân nay mong
đặng thấy liền
Lìa Pháp tướng,
tâm điền trong lặng
Gắng thấy tánh
đừng lòng sao lãng
Niệm sau lìa đời
hẳn phế vong
Hiểu đại thừa,
thấy đặng tánh thông
Phải cung kính hết
lòng cầu học
Khi so với bản chánh thì quá khác nghĩa (Ví như câu "Niệm sau lìa đời hẳn phế vong", tự nó trở thành tối nghĩa, còn nếu ngắt câu đi bằng dấu phẩy mà không đúng chỗ thì hỏng:
1. Niệm sau
lìa, đời hẳn phế vong
2. Niệm sau lìa
đời, hẳn phế vong
3. Niệm, sau lìa
đời, hẳn phế vong
Dù câu số 1 được coi như là gần sát nhất, nhưng khi tra với nguyên văn:
Hậu niệm hốt tuyệt, nhất thế hưu
Thì thấy khác ý và văn rất nhiều. Cho nên, tôi phải thay vào bằng bài kệ của HT Thích Từ Quang
(Bản dịch của HT Thích Từ Quang)
Người mê
tu phước chẳng hành đạo
Chỉ nói tu phước
ấy là đạo
Bố thí cúng dường,
phước vô cùng
Ba ác trong tâm
gốc còn tạo
Tưởng rằng tu
phước, tội được tiêu
Đời sau được
phước, nhưng còn tội
Chỉ trừ tội-nghiệp
ở nội tâm
Mới thật tự tánh
chơn sám hối
Bỏ tà làm chánh là
không tội
Học đạo, hằng xem
ở tự tánh
Các Phật cùng ta
đồng một loại
Tổ xưa chỉ truyền
Đốn Pháp này
Nguyện cho chúng
sanh đồng thấy tánh
Nếu muốn về sau thấy
pháp thân
Lìa các pháp
tướng, rửa lòng sạch
Gắng công tự thấy,
chớ thờ ơ
Dứt tuyệt niệm
sau, một đời rảnh
Ngộ được Đại Thừa,
thấy tự tánh
Chấp tay cung kính
chí tâm cầu
Lại nữa, ngài Lục Tổ và Ngũ Tổ luôn dạy người tâm phải khiêm nhượng, và cách sống, lời nói, và hành động của các vị cũng như thế. Tuy nhiên, trong lúc dịch, HT TMT luôn để lối xưng hô của các vị Tổ đối với các vị khác là "ngươi"; Đó là cách xưng hô của kẻ có quyền thế khinh miệt kẻ dưới mình. Trái lại, trong khi giảng dạy, Lục Tổ luôn gọi đại chúng là "Chư Thiện Tri Thức", nên chữ "ngươi" này dịch từ Hán ngữ "Nị" là trái nghịch. Tôi thay hết bằng chữ "Ông" hết trong các phẩm..
Thí dụ: Trong phẩm Đốn Tiệm, phần Chí Hoàng
HT TMT dịch:
Sư rằng: "Ta nghe nói thầy của ngươi dạy pháp Giới Định Huệ cho các học giả, nhưng chưa rõ thầy ngươi nói cái hạnh tướng của Giới Định Huệ như thế nào. Hãy nói lại cho ta nghe."
Chí Thành bạch: "Tú Đại Sư nói: Các điều dữ chớ làm, gọi là giới. Các điều lành vâng làm, gọi là Huệ. Giữ ý mình trong sạch, gọi là Định. Thầy tôi nói như vậy, chưa rõ Hòa Thượng dùng pháp nào mà dạy người?"
Sư nói: "Nếu ta nói có pháp dạy người, tức là nói dối với ngươi. Ta chỉ tùy phương tiện mà giải thoát cho người. Phương tiện ấy giả gọi là Tam Muội. Cứ như chỗ thầy ngươi nói về môn Giới Định Huệ thiệt không thể nghĩ bàn được. Chỗ ta nói về Giới Định Huệ lại khác."
Tôi thay lại:
Sư rằng: "Ta nghe nói thầy của ông dạy pháp Giới Định Huệ cho các học giả, nhưng chưa rõ thầy ông nói cái hạnh tướng của Giới Định Huệ như thế nào. Hãy nói lại cho ta nghe."
Chí Thành bạch: "Tú Đại Sư nói: Các điều dữ chớ làm, gọi là giới. Các điều lành vâng làm, gọi là Huệ. Giữ ý mình trong sạch, gọi là Định. Thầy tôi nói như vậy, chưa rõ Hòa Thượng dùng pháp nào mà dạy người?"
Sư nói: "Nếu ta nói có pháp dạy người, tức là nói dối với ông. Ta chỉ tùy phương tiện mà giải thoát cho người. Phương tiện ấy giả gọi là Tam Muội. Cứ như chỗ thầy ông nói về môn Giới Định Huệ thiệt không thể nghĩ bàn được. Chỗ ta nói về Giới Định Huệ lại khác."
-
Tôi chỉ sơ lượt vài điểm cho người đọc được biết lý do, nguyên nhân, tại sao quyển Pháp Bảo Đàn Kinh của HT Thích Minh Trực lại khác trong này, và căn cứ vào đâu, và dùng sách nào để tu bổ Kinh Pháp Bảo Đàn này. Vì Đạo Pháp, và là một người ưa chuộng đọc các sách kinh sử, tôi chỉ mong đóng góp vào việc hoàn chỉnh quyển Pháp Bảo Đàn Kinh này theo thật sát với Đạo Tối Thượng Thừa, và theo sát với tinh thần dịch thuật. HT TMT và HT TTQ đã làm việc khó nhất, nên tôi chẳng có công gì trong việc này. Thế nhưng làm sao tránh khỏi các việc sơ xuất khi còn năm uẩn bao bọc, nên mong các vị Đại Đức, Thượng Tọa, Thiền Sư, và các học giả thương tình giúp ý kiến thêm cho câu văn thêm được hoàn chỉnh. Ơn trọng.
Ngày 19 tháng 9 năm 2002