Thư Viện Hoa Sen

Phẩm 9 Căn Lành

30/06/20173:20 SA(Xem: 5810)
Phẩm 9 Căn Lành
KINH ĐẠI BI
Tam tạng pháp sư Na Liên Đề Da Xá, người nước Thiên-trúc, dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung quốcvào thời Cao-Tề (Bắc-Tề, 550-577). Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn, 
tại Canada, năm 2016.

Phẩm 9

CĂN LÀNH

 

 

Lúc bấy giờ đức Phật lại bảo tôn giả A Nan:

“Nếu có người phát tâm kính tin đối với chư Phật, thì căn lành đó không bao giờ tiêu mất; huống chi lại còn gieo trồng nhiều căn lành khác! Này A Nan! Để hiểu rõ ý nghĩa này, Như Lai sẽ nói một thí dụ. Người trí nghe thí dụ này sẽ thông hiểu dễ dàng.

“Này A Nan! Ví như có người đem sợi lông cắt ra làm trăm mảnh, rồi đem một mảy lông ấy nhúng lấy một giọt nước, đem tới nói với Như Lai rằng: [Thưa Ngài Cồ Đàm! Tôi xin gửi giọt nước này cho Ngài. Xin Ngài đừng làm cho nó tăng thêm hay giảm bớt; cũng đừng để cho gió thổi hay ánh nắng mặt trời làm cho nó khô đi; không để cho chim thú uống hết; cũng không để cho thứ nước nào khác trộn lẫn vào. Xin Ngài dùng đồ đựng để đựng nó mà không để dưới đất.] Bấy giờ Như Lai nhận sự gửi gấm của người kia, đặt giọt nước ấy vào trong sông Hằng, không để cho nó trôi vào bờ, cũng không để cho các vật khác đụng chạm vào nó. Như thế, giọt nước ấy ở giữa dòng sông, và cứ theo dòng sông mà trôi đi, không trôi ngược trở về, không bị các vật khác ngăn cản, không bị chim thú uống hết. Giọt nước ấy vẫn nguyên như cũ, không tăng thêm cũng không giảm bớt, cùng với dòng nước lớn của sông Hằng, dần dần ra biển cả. Giả sử người gửi giọt nước kia sống lâu một kiếp, và Như Lai cũng trụ thế một kiếp; đến ngày cuối cùng của kiếp ấy, người kia đến chỗ Như Lai hỏi rằng: [Thưa Ngài Cồ Đàm! Tôi vốn có gửi cho Ngài một giọt nước nhỏ, nay giọt nước ấy còn không?] Này A Nan! Lúc bấy giờ Như Lai biết rõ giọt nước ấy vẫn còn ở ngoài biển cả. Như Lai cũng biết rõ nơi chốn của giọt nước ấy; nó vẫn y nguyên như cũ, không tăng thêm mà cũng không giảm bớt, không bị trộn lẫn với các thứ nước khác; Như Lai bèn lấy giọt nước ấy giao lại cho người kia. Này A Nan! Như Lai là bậc Chánh Biến Tri như thế đó, có thần thônguy lực lớn. Như Lai là bậc đại trí thanh tịnh, thấy biết không lường và không ngăn ngại. Những sự việc như vậy Như lai đều thấy biết rõ ràng, không có gì ngăn che được! Trong số những người nhận sự gửi gấm, thì Như Lai là người tối tôn tối thắng. Nếu đem đến gửi cho Phật một giọt nước rất nhỏ như thế, mà trải qua một thời gian lâu dài, vẫn không bị hao mất. Này A Nan, ý nghĩa đó thầy nên biết! Mảy lông nhỏ nói ở trên là dụ cho tâm ý thức; sông Hằng là dụ cho dòng sinh tử; một giọt nước nhỏ là dụ cho một lần phát tâm gieo trồng căn lành rất nhỏ; biển cả là dụ cho Phật Như Lai Chánh Biến Tri; người gửi giọt nước là dụ cho những người bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, vân vân, có lòng tin thanh tịnh; trụ thế một kiếp là dụ cho Như Lai nhận giọt nước gửi kia mãi mãi không để cho hao mất, cũng như người gửi giọt nước kia trong thời gian lâu dài mà giọt nước ấy không hao tổn một mảy may.

“Như thế đó, này A Nan! Nếu có người phát khởi lòng tin nơi chư Phật thì căn lành ấy không bao giờ tiêu mất, huống chi còn gieo trồng nhiều căn lành thắng diệu khác nữa! Như Lai nói: Người ấy chắc chắn sẽ đạt được niết-bàn, sẽ tiến đến tận cùng đạo quả niết-bàn! Này A Nan! Nếu lại có người đối trước Như Lai, phát khởi tâm kính tin, nhưng do những nghiệp bất thiện khác mà phải đọa vào các chốn địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sinh; đó là vì, người ấy vốn đã tự tạo nghiệp ác thì phải tự thọ nhận quả báo xấu. Lúc bấy giờ, nếu có đức Phật Thế Tôn đại từ bi ra đời, dùng trí vô ngại quán sát, biết rõ người ấy vốn đã trồng căn lành, chỉ vì đã tạo những nghiệp bất thiện khác mà phải đọa địa-ngục. Đức Phật kia biết rõ như thế, bèn cứu vớt người ấy thoát khỏi địa-ngục, đem đặt ở một nơi an ổn, không có điều gì làm cho sợ sệt; lại khiến cho người ấy nhớ lại việc thiện mà người ấy đã làm trong quá khứ. Ngài dạy rằng: [Này thiện nam tử! Ông hãy nhớ lại căn lành ông đã gieo trồng trong đời quá khứ! Ông đã trồng căn lành đó vào lúc đó, nơi đức Phật đó, ở thế giới đó…] Người ấy nương nơi uy lực của Phật, liền nhớ lại việc xưa, bạch Phật rằng: [Vâng, đúng như thế, bạch đức Thế Tôn!] Đức Phật kia lại dạy: [Này thiện nam tử! Thuở xưa ông đã trồng căn lành đó nơi đức Phật đó. Dù căn lành đó ít ỏi, nhưng không bao giờ hao mất. Nhờ căn lành đó ông sẽ được lợi ích: dứt hết mọi đau khổ, được mọi điều an vui. Này thiện nam tử! Nơi đây là cảnh giới Phật. Ông đã bao đời ở trong cảnh giới tối tăm, từ vô thỉ đến nay cứ mãi lưu chuyển trong vòng sinh tử; nhưng ông đã trồng chút ít căn lành nơi chư Phật, thì căn lành đó không bao giờ hao mất.] Ví như vị vương tử hay vị đại thần, đến trước tội nhân đang bị giam cầm trong lao ngục, dạy dỗ phải trái khiến cho họ biết lỗi mà cải hối, rồi thả họ ra. Như thế đó, này A Nan! Người kia vốn đã trồng căn lành nơi Như Lai, giả sử do các nghiệp ác khác đã tạo mà phải đọa vào địa-ngục; lúc bấy giờ, nếu có đức Phật Thế Tôn đại từ bi ra đời, người ấy do căn lành vốn có gia trì, liền được đức Phật kia thấy biết rõ ràng, bèn cứu vớt người ấy thoát khỏi chốn địa-ngục, đặt người ấy trên bờ niết-bàn thanh lương, không có điều gì làm cho sợ sệt, rồi khiến người ấy nhớ lại việc xưa, dạy rằng: [Này thiện nam tử! Ông hãy nhớ lại, vì ông vốn đã trồng căn lành trong quá khứ, mà hôm nay ông hưởng được phước báo như vậy.] Người ấy liền bạch Phật rằng: [Vâng, đúng như thế, bạch đức Thế Tôn! Con nhờ uy lực của đức Thế Tôn gia hộ nên đã nhớ lại được việc ấy.]

 

 

 

 

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: