Phẩm 10 Phước Đức Cúng Dường

30/06/20173:20 SA(Xem: 6890)
Phẩm 10 Phước Đức Cúng Dường
KINH ĐẠI BI
Tam tạng pháp sư Na Liên Đề Da Xá, người nước Thiên-trúc, dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung quốcvào thời Cao-Tề (Bắc-Tề, 550-577). Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn, 
tại Canada, năm 2016.

Phẩm 10

PHƯỚC ĐỨC CÚNG DƯỜNG

 

 

Lúc bấy giờ đức Phật lại bảo tôn giả A Nan:

“Thầy nên biết rằng, bất cứ người nào, dù chỉ gieo trồng chút ít căn lành, nhưng đừng bao giờ cho đó là việc làm vô ích! Một người, dù chỉ một lần phát sinh niềm tin, Như Lai nói rằng, người ấy sẽ tiến đến tận cùng đạo quả niết-bàn. Trong ý nghĩa đó, Như Lai sẽ nói thí dụ để các thiện nam tín nữ có được lòng tin thanh tịnh.

“Này A Nan! Ví như người câu cá, vì muốn có cá nên đã mắc mồi vào lưỡi câu, rồi thả xuống ao cho cá ăn. Khi con cá đã cắn mồi, ngay lúc ấy, tuy nó đang còn ở trong ao, nhưng chẳng bao lâu sau đó nó sẽ bị đem ra khỏi ao; vì sao vậy? Vì con cá ấy đã bị lưỡi câu móc chặt rồi! Con cá ấy, tuy ngay lúc đó nó ở dưới nước, nhưng nên biết rằng, nó chắc chắn phải ở trên bờ ao; vì sao vậy? Vì sợi dây câu kia đã được cột vào một gốc cây trên bờ ao, người câu cá vừa nhìn thấy thì biết ngay là con cá đã cắn mồi, bèn kéo sợi dây câu lên bờ, lấy con cá ra để dùng theo ý muốn.

“Như thế đó, này A Nan! Tất cả chúng sinh phát khởi lòng kính tín nơi chư Phật, trồng các căn lành, tu hạnh cúng dường, cho đến trong tâm phát được một niềm tin; tuy còn bị các nghiệp ác đã tạo ngăn che, phải đọa vào địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sinh, và các chốn đau khổ khác, nhưng nếu gặp lúc có đức Phật Thế Tôn ra đời, Ngài dùng Phật nhãn quán sát, thấy các chúng sinh đang tu tập hoặc Bồ-tát thừa, hoặc Duyên-giác thừa, hoặc Thanh-văn thừa; các chúng sinh này thì gieo trồng căn lành, các chúng sinh kia thì dứt mất căn lành, có các chúng sinh căn lành thấp kém, có các chúng sinh căn lành thắng tấn; lại có các chúng sinh gieo chủng tử nơi đất thánh hiền, cho đến một lần phát tâm cúng dường nơi phước điền Phật. Do căn lành này, đức Phật Thế Tôn dùng Phật nhãn quán sát thấy người ấy đã phát tâm thù thắng, bèn cứu vớt thoát khỏi chốn địa-ngục, đặt lên bờ niết-bàn, rồi khiến cho người ấy nhớ lại mình vốn đã trồng căn lành nơi đức Phật đó, ở thế giới đó, vào lúc đó. Người ấy nhớ lại rồi, bèn bạch rằng: [Vâng, đúng như vậy, bạch đức Thế Tôn!] Đức Phật kia bảo người ấy: [Này thiện nam tử! Ông nhờ căn lành này mà được phước báo lớn, được lợi ích lớn. Ông đã trồng căn lành bằng cách tu hạnh cúng dường chư Phật. Này thiện nam tử! Như thế là ông đã đem căn lành gửi gấm nơi chư Phật, và sự gửi gấm ấy không bao giờ bị mất; dù có trải qua thời gian lâu dài đến trăm ngàn ức na-do-tha(70) kiếp, thì với căn lành kia, chắc chắn ông sẽ tiến đến tận cùng đạo quả niết-bàn.]

“Này A Nan! Trở lại thí dụ trên, con cá là dụ cho kẻ phàm phu, ao nước là dụ cho biển sinh tử, lưỡi câu là dụ cho chút ít căn lành đã gieo trồng nơi chư Phật, sợi dây câu là dụ cho bốn pháp thu phục, người câu cá là dụ cho chư Phật, tùy ý sử dụng con cá là dụ cho chư Phật đặt chúng sinh trên bờ giải thoát niết-bàn. Này A Nan! Sự việc diễn tiến tuần tự như thế đó. Thầy nên biết rõ, nếu cúng dường vào phước điền Phật, thì căn lành ấy, dù trải qua thời gian lâu dài, trọn không bao giờ hao mất, chắc chắn sẽ tiến đến tận cùng đạo quả niết-bàn!

“Này A Nan! Như Lai lại nói một thí dụ khác, để thấy rằng, nếu cúng dường nơi phước điền Phật, sẽ đạt được niết-bàn đệ nhất, niết-bàn rốt ráo. Này A Nan! Nếu có người yêu thích thế gian, họ sẽ làm các việc thế gian để mong cầu quả báo thế gian; đó là lẽ đương nhiên. Nhưng, nếu họ tu hạnh cúng dường chư Phật mà lại đem căn lành ấy hồi hướng về các cõi lành trời và người; hoặc có người gieo trồng căn lành nơi chư Phật, rồi nói rằng: ‘Với căn lành này, tôi nguyện đời đời không vào niết-bàn.’ Này A Nan! Cả hai trường hợp trên đều không thể có, vì sao vậy? Này A Nan! Chư Phật là phước điền vô thượng. Thửa ruộng đó không có thứ gì dơ bẩn, không có cỏ dại, không có gai gốc, không có ham muốn, không có lỗi lầm, hoàn toàn thanh tịnh. Trong thửa ruộng như thế thì chỉ cần gieo một hạt giống phước đức, trồng một chút ít căn lành là có thể sinh trưởng; nhưng, nếu đem gieo trồng nơi các loại ruộng khác thì không thể sinh trưởng được.

“Có thể gieo trồng căn lành nơi ba loại bồ-đề: Đó là bồ-đề Vô-thượng, bồ-đề Duyên-giác và bồ-đề Thanh-văn. Căn lành được gieo trồng nơi ba loại bồ-đề đó thì không bao giờ bị tiêu mất. Do tâm cúng dường mà sinh lòng kính tin, làm nhân duyên tăng thượng để đến cõi lành, nhuần pháp thanh tịnh, và chắc chắn sẽ nhập vào cảnh giới niết-bàn.

“Này A Nan! Ví như ông trưởng giả làm ruộng, ông cày đất cho tơi và làm cho thật sạch sẽ, không còn các thứ gai gốc, cỏ dại, gạch đá, lại bón phân tốt cho đất được nhuận; còn hạt giống thì ông đựng trong đồ đựng quí giá, không để cho chúng bị hư mục. Đến khi thời tiết thích hợp, ông đem hạt giống gieo xuống ruộng, tưới nước, săn sóc cẩn thận. Này A Nan! Nếu ông trưởng giả kia đã để hết tâm lực chuẩn bị ruộng đất kĩ càng như thế, rồi thỉnh thoảng ra thăm ruộng, ông đứng trên bờ ruộng nói với hạt giống ở dưới ruộng rằng: [Này các hạt giống! Chúng mày không được làm hạt giống, không được mọc mầm, không được lớn lên! Ta không cầu lợi lộc, cũng không cầu quả báo!] Này A Nan! Ý thầy thế nào? Ông trưởng giả làm ruộng kia có thể bảo hạt giống đừng làm hạt giống, đừng mọc mầm, được không?”

Tôn giả A Nan bạch Phật:

“Bạch đức Thế Tôn! Ông trưởng giả kia không thể nói như vậy được, vì chắc chắn hạt giống sẽ mọc mầm, không thể nào không kết hạt.”

Đức Phật dạy:

“Đúng vậy, đúng vậy, này A Nan! Nếu có người rất ham thích quả báo sinh tử trong ba cõi, nhưng lại gieo trồng căn lành nơi phước điền Phật mà nói rằng: [Với căn lành này, xin nguyện cho tôi không đạt được đạo quả niết-bàn.] Này A Nan! Người ấy không đạt được đạo quả niết-bàn, không thể nào có lẽ đó. Này A Nan! Người ấy tuy không mong cầu niết-bàn, nhưng đã trồng căn lành nơi chư Phật, thì Như Lai nói, người ấy chắc chắn sẽ tiến đến tận cùng đạo quả niết-bàn; dù có người chỉ một lần sinh khởi tâm kính tín đối với chư Phật, thì với căn lành đó, người ấy cũng chắc chắn sẽ đạt được niết-bàn rốt ráo.

“Này A Nan! Trong đời vị lai sẽ có một vị vua của một nước ở biên địa. Ông tuy không hiểu gì về công đứcchánh pháp của chư Phật, nhưng khi trông thấy tinh xáhình tượng của Phật thì liền sinh tâm kính tín. Này A Nan! Như Lai đã từng thọ sinh trong năm nẻo đường để tu tập hạnh Bồ-tát, và có lúc đã dùng bốn pháp thu phụcbố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, để nhiếp phục vị vua biên địa kia. Bởi vậy, khi được thấy tinh xáhình tượng của Như Lai thì ông liền sinh tâm kính tín; và do căn lành này, chắc chắn ông sẽ đạt được niết-bàn rốt ráo. Này A Nan! Vị vua biên địa kia có quần thần, có các vương tử và đại thần phụ tá, có thân thích cốt nhục và các bạn bè; sau khi Như Lai diệt độ, tất cả những vị đó trông thấy tinh xáhình tượng của Như Lai, tuy không hiểu gì về công đứcchánh pháp của chư Phật, nhưng nhờ đã có chút ít căn lành đời trước, liền sinh tâm kính tín. Trong thời kì Như Lai tu tập hạnh Bồ-tát, Như Lai cũng đã từng dùng bốn pháp thu phục mà nhiếp phục những vị đó; và do được căn lành này gia trì, chắc chắn họ sẽ đạt được niết-bàn rốt ráo.

“Này A Nan! Như Lai suốt thời gian lâu dài thương xót chúng sinh, luôn dùng bốn pháp thu phục để nhiếp hóa, dùng giáo pháp của chư Phật để nuôi dưỡng.

“Này A Nan! Thầy hãy xem đó! Khi Như Lai đi trên đường, chỗ nào đất nhô cao thì khiến cho thấp xuống, chỗ nào trũng thấp thì khiến cho cao lên, thấp cao đều bằng phẳng; và khi Như Lai đi qua khỏi những chỗ ấy rồi, thì các thế đất thấp cao liền trở lại như cũ. Tất cả cây cối đều nghiêng mình hướng về Như Lai, các vị thần cây đều cúi đầu lễ bái; và khi Như Lai đi qua khỏi rồi thì cây cối liền đứng thẳng lại như cũ. Những gò đống hầm hố, những chỗ ô uế hôi hám, những lùm bụi gai gốc, gạch ngói ngổn ngang, tất cả đều được làm cho bằng phẳng, sạch sẽ, thanh tịnh, trang nghiêm, lại có hương thơm xông ngào ngạt, các loại hoa đủ màu rực rỡ trải khắp mặt đất; Như Lai bước trên đó mà đi qua.

“Này A Nan! Thầy hãy xem đó! Như Lai vốn tu tập các công đức lành, cho nên trên đường đi, không có chúng sinh nào mà không cúi đầu lễ bái; đến như các vật vô tình như đất đai, sườn núi, cây cối, dược thảo, ở nơi Như Lai đi qua, không có thứ gì là không nghiêng mình; vì sao vậy? Này A Nan! Trong thời kì Như Lai tu hành hạnh Bồ-tát, đối với chư vị sư trưởng, Như Lai lúc nào cũng nghiêng mình lễ bái; đối với cha mẹ thì Như Lai tôn trọng hàng đầu, và lúc nào cũng nghiêng mình lễ bái; đối với các hàng kì lão tôn túc, trung niên, thiếu niên, thân thích, bạn bè, Như Lai đều nghiêng mình cung kính; đối với chư Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, các bậc thiện tri thức, cả đến các hàng ngoại đạo, các tiên nhân chứng năm thần thông, các hàng sa-môn, bà-la-môn, tất cả những bậc như thế đều xứng đáng thọ nhận sự cúng dường, không có ai mà Như Lai không nghiêng mình khiêm cung kính lễ. Do phước báo của các nghiệp lành đó mà Như Lai chứng quả Vô-thượng Bồ-đề, Như Lai đã thành Phật; và ở những nơi Như Lai đi qua, tất cả các sự vật, hữu tình và vô tình, đều cúi đầu, nghiêng mình lễ bái. Này A Nan! Như Lai đã từng chí thành đem các tài sản quí báu, thanh tịnh, tự tay cúng dường các bậc sư trưởng, và bố thí cho các chúng sinh khác; do phước báo đó mà khi Như Lai đi đường thì mặt đất bằng phẳng, sạch sẽ, không có bùn lầy, không có gạch đá. Này A Nan! Trong đời quá khứ xa xưa, nơi những con đường  mà chư Phật, Bồ-tát, thiện tri thức, Duyên-giác, Thanh-văn, và chư tiên ngoại đạo thường đi qua, Như Lai từng quét dọn sạch sẽ, không có bùn dơ; Như Lai cũng quét dọn và trang hoàng phòng xá cho các ngài. Dù đi dù đứng nơi các tinh xá của chư Phật, Như Lai thường đem tâm từ, tâm bình đẳng, tâm không cao thấp, tâm không khúc khuỷu, tâm thanh tịnh để quét dọn, làm cho tinh xá lúc nào cũng sạch sẽ. Trong tất cả mọi thời gian, Như Lai thường cầu đạo quả Vô-thượng Bồ-đề, là vì tất cả chúng sinh, vì thương xót tất cả chúng sinh, vì làm cho chúng sinh an lạc, vì đem lại lợi ích an lạc cho các hàng trời, người.

“Này A Nan! Công đức về thân nghiệp của Như Lai rất thù thắng, khó biết, không có ngằn mé. Này A Nan! Như Lai muốn nói đầy đủ ý nghĩa này để các thiện nam tín nữ phát khởi lòng kính tin sâu xa đối với Như Lai. Này A Nan! Núi chúa Tu-di cao khỏi mặt biển tám vạn bốn ngàn do-tuần, phần chìm trong biển cũng sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần. Này A Nan! Khi Như Lai diệt độ, ngọn núi chúa cao lớn kiên cố ấy không thể nào không nghiêng mình, huống chi những núi đen, cây cối, cỏ hoa khác mà không nghiêng mình, thì không có lẽ đó. Này A Nan! Ngoài ngọn núi chúa Tu-di kiên cố ấy, còn có núi Thiết-vi cao mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, cũng cứng chắc như kim cương, khi Như Lai nhập niết-bàn, những núi ấy đều nghiêng mình kính lễ; nếu chúng muốn tránh xa, không nghiêng mình kính lễ, thì không có lẽ đó. Vì sao vậy? Này A Nan! Trong thời kì Như Lai tu hành hạnh Bồ-tát, tất cả chúng sinh làm sự nghiệp gì, Như Lai đều không xa lánh. Các chúng sinh căm giận, trái nghịch nhau, Như Lai làm cho họ hòa hợp; trước kia họ bất hòa, nay Như Lai khiến cho hòa hợp. Như Lai làm cho họ an trú vững chắc trong tâm từ, tâm lân mẫn, thật đầy đủ, không bị hủy hoại. Này A Nan! Do căn lành đó mà Như Lai có được thân không thể hủy hoại, và cũng khiến cho quyến thuộc được kiên cố, không thể hủy hoại. Này A Nan! Quyến thuộc kiên cố của Như Lai ở đây là giáo pháp không thể hủy hoại, đó là: bốn lĩnh vực quán niệm, bốn sự cần mẫn, bốn phép như ý, năm khả năng, năm sức mạnh, bảy yếu tố giác ngộ, và tám nguyên tắc hành động chân chánh. Này A Nan! Ba mươi bảy phẩm trợ đạo này là đại quyến thuộc của Như Lai, chư Phật và các hàng Duyên-giác, Thanh-văn đều an trú trong đó; tất cả các chúng trời, người trong thế gian đều không thể làm cho hủy hoại được. Vì sao vậy? Này A Nan! Do giáo pháp này mà khi Như Lai nhập niết-bàn, tất cả mọi loài trong thế gian, từ chư thiên, Phạm vương, ma vương, sa-môn, bà-la-môn, người, a-tu-la, cho đến núi Tu-di, núi Thiết-vi, đại địa, cây cỏ, vân vân, không có loài nào là không nghiêng mình hướng về Như Lai, thì còn ai mang tâm hủy hoại? Nếu có kẻ muốn hủy hoại, đó là điều không thể có được. Vì sao vậy? Này A Nan! Thân của Như Lai không thể hủy hoại, xá-lợi của Như Lai cũng không thể hủy hoại. Này A Nan! Như Lai thương xót tất cả chúng sinh, vì bản nguyện cho nên làm cho xá-lợi này phân nhỏ như hạt cải, khiến cho Phật pháp lưu bố càng thêm rộng rãi. Này A Nan! Trong thời kì tu hành hạnh Bồ-tát, Như Lai đã từng phát nguyện như vầy: [Khi tôi đã thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, sau khi tôi nhập niết-bàn, nguyện cho xá-lợi của tôi được lưu bố rộng rãi.] Này A Nan! Vì bản nguyện đó, cho nên sau khi Như Lai diệt độ, xá-lợi của Như Lai sẽ được lưu bố rộng rãi. Các chúng sinh thấy Như Lai nhập niết-bàn thì chứng được thánh quả, cho nên, vì thương xót các chúng sinh kia mà Như Lai khiến cho xá-lợi này phân nhỏ như hạt cải. Này A Nan! Như Lai là bậc Chánh Biến Tri, khi thời khắc nhập niết-bàn đã đến, vì thương xót chúng sinh trong thế gian, liền nhập tam-muội, phân xá-lợi này nhỏ như hạt cải, mà thân Như Lai không bị đau đớn; tất cả xương cốt đều phân tán nhỏ như hạt cải, mà Như Lai không bị đau đớn. Như Lai thương xótnhiếp thọ các chúng sinh kia, và cả các chúng sinh trong đời vị lai, khiến cho họ được an ổn ở các đường lành. Họ tôn trọng nghinh tiếp, khiêm hạ cúng dường xá-lợi; dùng các thứ hương hoa, y phục, phướn lọng, âm nhạc để trang nghiêm cúng dường. Như Lai nói rằng, tất cả các chúng sinh đó chắc chắn sẽ tiến đến tận cùng đạo quả niết-bàn.

“Này A Nan! Sau khi Như Lai diệt độ một trăm năm, ở thành Ba-li-phất, sẽ có vị quốc vương tên A Du Ca,(71) thuộc dòng họ Khổng-tước, rất kính tin Như Lai, chuyên dùng giáo pháp để trị đời, cho lưu bố rộng rãi xá-lợi của Như Lai. Nhà vua sẽ kiến lập tám vạn bốn ngàn ngôi tháp để thờ xá-lợi của Như Lai. Này A Nan, thầy chớ nên lo buồn! Xá-lợi của Như Lai sẽ được lưu bố rộng rãi trong các hàng trời, người. Này A Nan! Hoặc có người hiện tại cúng dường Như Lai; hoặc có người, sau khi Như Lai diệt độ, cúng dường xá-lợi nhỏ như hạt cải của Như Lai; hoặc có người nằm mộng thấy tinh xá của Phật mà sinh tâm kính tín, Như Lai nói rằng, những người này, do căn lành ấy, sẽ chứng nhập cảnh giới niết-bàn rốt ráo.

“Này A Nan! Chư Phật ra đời trong đời vị lai đều xưng danh hiệu và khen ngợi công đức của Như Lai, cũng giống như Như Lai lâu nay từng khen ngợi công đức của chư Phật trong đời quá khứ.

“Này A Nan! Khi Như Lai nói pháp, các chúng sinh đều xa lìa trần cấu, chứng được pháp nhãn. Này A Nan! Các chúng sinh kia, trong thời kì Như Lai tu hành hạnh Bồ-tát, đều đã được thành thục trước rồi.

“Này A Nan! Nếu cúng dường nơi phước điền Tăng và chư Tăng trong bốn phương, công đức dù có thể cùng tận; nhưng cúng dường nơi phước điền Bích-chi Phật thì công đức không thể cùng tận, và cúng dường nơi phước điền Phật, công đức lại càng không thể cùng tận.

“Lại nữa, này A Nan! Như trước đây Như Lai đã từng nói, công đức cúng dường nơi bất cứ loại phước điền nào, đều chắc chắn sẽ đưa đến đạo quả niết-bàn rốt ráo. Này A Nan! Hoặc hiện thời cúng dường cho Như Lai, hoặc sau khi Như Lai diệt độ sẽ cúng dường xá-lợi của Như Lai, này A Nan, nếu có người nhớ nghĩ tới Như Lai, dù chỉ đem một bông hoa rải trên hư không, Như Lai dùng Phật trí thấy rõ, căn lành của người kia thật không thể lường, không thể nói hết được. Này A Nan! Người kia trồng căn lành, với tâm nhớ nghĩ tới Như Lai, dù chỉ dùng một bông hoa rải lên hư không, hết kiếp này lại bôn ba lưu chuyển, từ đầu đến cuối không thể biết được số kiếp; trong thời gian lưu chuyển đó, dù đã chỉ rải một bông hoa cúng dường Như Lai, phước báo của người đó không thể nói cho cùng được. Người đó có thể làm Phạm Thiên Vương, Thích Thiên Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, nhưng vì căn lành kia không thể cùng tận, cho nên người đó chắc chắn đạt đến cảnh giới niết-bàn rốt ráo. Vì sao vậy? Này A Nan! Người ấy cúng dường chư Phật đại thần thông một bông hoa như thế, thì có được lợi ích rộng lớn, phước báo vô lượng, công đức tích tụ lớn lao không có ngằn mé, không thể suy lường, chắc chắn sẽ đạt đến cảnh giới niết-bàn. Này A Nan! Người tạo được công đức ở nơi chư Phật thì được phước báo không ngằn mé, không thể suy lường; dù chỉ một lần phát tâm nhớ nghĩ tới Phật và sinh lòng kính tin, Như Lai nói rằng, người đó phạm hạnh rốt ráo, an ổn rốt ráo, tận cùng rốt ráo. Vì vậy cho nên, này A Nan, nếu có vị thiện nam hay tín nữ nào muốn cầu làm các vị chúa tể tự tại của thế gian như Phạm Thiên Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc trời Tứ-vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa-lạc, trời Tha-hóa-tự-tại(72) cùng các thiên chúng khác, và các bộ chúng rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, người, không phải người, thì nên như thế mà tôn trọng cung kính cúng dường chư Phật Thế Tôn; nếu muốn mong cầu các địa vị Thanh-văn, Duyên-giác, hay Vô-thượng Bồ-đề, vị thiện nam hay tín nữ ấy cũng nên như thế mà tôn trọng cung kính cúng dường.

“Này A Nan! Trong đời quá khứ, khi Như Lai cầu đạo Vô-thượng Bồ-đề, đối với vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha chư Phật, Như Lai đã từng tôn trọng cung kính cúng dường, nào là y phục, các thức ăn uống, giường chiếu, thuốc thang; nào là các loại tràng hoa, hương xoa, hương bột, hương chiên đàn trầm thủy, phướn lọng quí báu. Sau khi Phật diệt độ, Như Lai lại kiến lập tháp miếu, dùng các thứ hương, hoa, kĩ nhạc, tôn trọng cung kính cúng dường. Như thế là vì Như Lai thương xót chúng sinh trong thế gian, đem lại lợi ích an lạc cho các hàng trời, người, những người chưa được độ thì khiến cho được độ, những người chưa giải thoát thì khiến cho được giải thoát, những người chưa an ổn thì khiến cho được an ổn, những người chưa đạt được niết-bàn thì khiến cho đạt được niết-bàn.

“Này A Nan! Như Lai đã từng dâng năm cành hoa ưu-ba-la cúng dường đức Phật Nhiên Đăng, và nhờ đó mà Như Lai chứng ngộ được vô-sinh pháp-nhẫn. Căn lành thì ít như thế, mà phước báo đâu phải là nhỏ! Như Lai do dâng năm cành hoa cúng dường đức Phật Nhiên Đăng và chút ít căn lành khác mà được phước báo lớn lao như thế nào, này A Nan, thầy muốn biết không?”

Tôn giả A Nan bạch Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Chúng con muốn nghe. Bạch đức Thế Tôn! Bây giờ thật đúng lúc. Cúi xin đức Thế Tôn chỉ dạy, đức Thế Tôn đã trồng chút ít căn lành nơi đức Phật Nhiên Đăng mà được phước báo như thế nào?”

Lúc ấy, đức Phật duỗi cánh tay phải sắc vàng ra, dùng ngón tay út phóng ra mùi thơm của hoa trời ưu-ba-la, xông khắp ba ngàn đại thiên thế giới chư Phật, tỏa khắp trăm ức chỗ nơi có mặt trời mặt trăng đang vận hành. Ở giữa các hàng trời, người và a-tu-la, đức Phật hiện bày sự việc diệu kì chưa từng có này. Đức Phật đã trồng chút ít căn lành nơi chư Phật và có được phước báo như thế nào, Ngài đều hiện bày đầy đủ, không hư dối, không thiếu sót. Lúc bấy giờ, đức Phật nói kệ rằng:

“Chư Phật thật không thể nghĩ bàn!

Giáo pháp của Như Lai cũng vậy.

Nếu tin điều không thể nghĩ bàn

Sẽ được phước không thể nghĩ bàn.

Một  người trải qua vô lượng kiếp,

Bố thí cho tất cả chúng sinh

tư tưởng hay không tư tưởng;

Một người trải qua vô lượng kiếp,

Cúng dường tất cả Phật Bích-chi,

Các bậc vô lậu A-la-hán;

Một người cúng dường Phật tại thế,

Hoặc Phật sau khi nhập niết-bàn,

Mặc dù chỉ với một chắp tay,

Phước báo này hơn hai người trước!

Giới luật của Phật không khiếm khuyết,

Trong chánh định tâm được tự tại,

Phật nhãn không gì không thấy rõ,

Thấu suốt diệu pháp không nghi hoặc.

Ở nơi chư Phật tu tâm từ,

Ngày hoặc đêm dùng chút thời gian,

Cúng dường chư Phật phước vô lượng,

Trong ba cõi không gì so sánh.

Trải kiếp tăng-kì(73) trong quá khứ,

Như Lai nơi đạo tràng chư Phật,

Từng làm ánh sáng cho trời, người,

Tu các nghiệp lành không kể số,

Nên trong thời gian dài lưu chuyển,

Hưởng thọ phước báo không cùng tận.

Do phước báo đó làm nhân duyên,

Như Lai chứng thành bậc Chánh Giác.

Như Laithương xót chúng sinh,

Đời đời thường tu hạnh cúng dường,

Vô lượng trăm ngàn ức chư Phật.

Phật không thọ kí cho Như Lai.

Đức Thế Tôn trên hết trời, người,

Biết Như Lai căn lành chưa đủ,

tu thiện, không được thọ kí.

Như Lai vẫn trì chí kiên nhẫn,

Gặp lúc Phật Nhiên Đăng ra đời,

Liền cúng năm cành ưu-ba-la,

Tóc trải bùn thỉnh Phật đi qua,

Được chứng nhập vô-sinh pháp-nhẫn.

Đức Đạo Sư đứng trên hư không,

Thọ kí cho Như Lai, nói rằng:

[Đời sau trải kiếp a-tăng-kì,

Ông sẽ thành Phật, hiệu Thích Ca.]

Từ đó đến nay trong lưu chuyển,

Như Lai tu vô lượng nghiệp lành,

Chịu khổ cực vì thương chúng sinh,

Và vì cầu Vô-thượng Bồ-đề.

Vì thấy thế gian chỉ có khổ,

Như Lai thương xót thường bố thí,

Phước đức đó thật vô hạn lượng,

Chư Phật có nói cũng không hết!

Khi Như Lai tu hạnh Bồ-tát,

Ngày đêm thường hướng về chư Phật,

Xưng niệm danh hiệu để cúng dường,

Vô lượng ức kiếp, không kể số,

Một, hai, ba, bốn, năm, đến mười,

Hai mươi, ba mươi…, cứ xưng danh.

Vì thương chúng sinhtu hành,

Thường cúng dường chư Phật tối thắng.

Như Lai cũng tu hành khổ hạnh,

Từng nhẫn chịu vô luợng khổ sở,

Đời đời không bỏ tâm bồ-đề,

Tất cả chư Phật không sánh được.

Khi Như Lai lưu chuyển sinh tử,

Đã từng bỏ vạn ức đầu mình,

Bỏ quốc độ, vương vị quí báu,

Chỉ vì cầu được nghe giáo pháp.

Như Lai tâm cầu pháp vô thượng,

Niềm vui thâm sâu khó diễn tả,

Bố thí, trì giớinhẫn nhục,

Tinh tấn, chứng ngộ quả Bồ-đề.

Thế lực chư Phật không nghĩ bàn,

Được kiến lập từ các công đức.

Bậc nói chánh pháp không nghĩ bàn,

Cũng hiển bày Bồ-đề thắng diệu.

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.