- Lời Dẫn
- Phần Mở Đầu: Ly Dục Tịch Tĩnh
- Chương 01: Thức Tâm Đạt Bổn
- Chương 02: Ngộ Vô Vi Pháp
- Chương 03: Hiện Hạnh Sa Môn
- Chương 04: Con Đường Thiện Ác
- Chương 05: Làm Mới Thân Tâm
- Chương 06 - 08: Tu Hạnh Nhẫn Nhục
- Chương 09: Bác Học Đa Văn
- Chương 10- 11: Tùy Hỷ Và Cúng Dường
- Chương 12: Vượt Qua Khó Khăn
- Chương 13: Tịnh Tâm Thủ Chí
- Chương 14 – 15: Hành Đạo Thủ Chân
- Chương 16: Xả Ly Ái Dục
- Chương 17: Thắp Sáng Trí Tuệ
- Chương 18: Siêu Việt Nhị Biên
- Chương 19 - 20: Tam Pháp Ấn
- Chương 21 - 22: Tham Đắm Các Dục
- Chương 23 - 25: Họa Hại Của Ái Dục
- Chương 26: Quán Chiếu Sự Thọ Dụng
- Chương 27: Trôi Vào Biển Giải Thoát
- Chương 28: Thận Trọng Với Ý Thức
- Chương 29: Phong Cách Sa Môn
- Chương 30: Đoạn Các Duyên Sinh Khởi Ái Dục
- Chương 31 - 32: Đoạn Gốc Rễ Sinh Khởi Ái Dục
- Chương 33: Mặc Giáp Tinh Tấn
- Chương 34: Con Đường Trung Đạo
- Chương 35: Thanh Lọc Thân Tâm
- Chương 36: Hạnh Phúc Con Đường Tâm Linh
- Chương 37: Thân Cận Bên Phật
- Chương 38: Người Hiểu Đạo
- Chương 39: Nhất Vị Pháp
- Chương 40: Thân Tâm Nhất Như
- Chương 41: Nỗi Sợ Tử Sinh
- Chương 42: Nhìn Bằng Đôi Mắt Phật
- Tổng Kết / Phụ Lục Hán Văn
KINH
BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Thích Phước Tịnh Giảng Giải
CHƯƠNG IV
CON ĐƯỜNG THIỆN
ÁC
Thưa đại chúng,
Chương thứ tư Đức
Phật dạy:
A. CHÁNH VĂN.
Phật ngôn: “Chúng sanh dĩ thập sự vi thiện, diệc dĩ thập sự vi ác. Hà đẳng vi thập? Thân tam, khẩu tứ, ý tam. Thân tam giả: sát, đạo, dâm. Khẩu tứ giả: lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ. Ý tam giả: tật, khuể, si.”
Như thị thập sự, bất thuận Thánh Đạo, danh Thập Ác Hạnh. Thị ác nhược chỉ, danh Thập Thiện Hạnh nhĩ.”
Đức Phật dạy: “Chúng sanh lấy mười việc để làm thiện, và cũng lấy mười việc nầy để làm ác. Thế nào gọi là mười việc? Mười việc là thân có ba, miệng có bốn, ý có ba. Ba điều của thân một là sát sanh, hai trộm cắp, ba là dâm dục. Bốn của miệng là nói hai lưỡi, nói dối, nói lời hung dữ, và nói lời thêu dệt. Ý có ba là tham lam, hờn giận và si mê. Mười việc như thế không thuận Thánh đạo gọi là mười hành vi ác, mười hành vi ác nầy nếu dứt thì gọi là mười hành vi thiện.”
B. ĐẠI Ý.
Đại ý đoạn Kinh nầy nói dến mười thiện hạnh là con đường dẫn đến Thánh quả, và mười nghiệp nầy nếu làm ác cũng là con đường dẫn ta đi vào ác đạo, luân hồi.
C. NỘI DUNG.
Ở đây có những ngôn từ mà chúng ta cần lưu ý như nghiệp quả, luân hồi, thánh đạo. Nên biết rằng, trên con đường tu học không đơn giản như ta nghĩ, nếu kho từ ngữ của chúng ta giàu có thì đó là phương tiện để đi vào giáo lý đạo Phật rất dễ dàng; ở mức độ cạn sẽ làm lợi ích cho tự thân, thứ đến là giúp cho người khác. Nếu không thì rất khó để có thể giải thích những từ ngữ mà chúng ta thường xử dụng rất nhiều như từ nghiệp quả chẳng hạn, và từ nầy cũng liên hệ đến hai chữ luân hồi, tái sinh trong ba đường ác đạo.
Giáo lý đạo Phật xác nhận con người chúng ta vốn Vô ngã. Tự thân ngũ uẩn nầy không có gì gọi là Ngã, vậy mà lại cho rằng những hành xử, suy tư của chúng ta tạo thành dòng nghiệp và có khả năng lưu chuyển, luân hồi; đời nầy ác nghiệp đã gây không chấm dứt khi hình hài nầy mất, dòng nghiệp ác ấy sẽ đẩy chúng ta tái sinh để thọ quả do mình gây ra.
Vô ngã tức là không có Ngã làm chủ thể ở bên trong, vậy cái gì dẫn dắt dòng sinh mệnh của mình chấm dứt ở đời nầy, rồi sinh ra đời khác để nhận quả báo đã từng gây ra? Như thế, gọi Vô ngã là con người chết ở hình hài này rồi thần thức lang thang tìm sinh lại kiếp khác để chịu luân hồi là hợp lý ư?
Đây là một vấn đề rất dễ đưa đến sự nghi ngờ nơi lòng tin con người và gây ít nhiều thắc mắc. Nếu không nắm vững, giải thích không khéo chúng ta dễ lạc vào ngoại đạo.
Ngoại đạo chủ trương có cái Ngã trường tồn, dù hình hài mất đi nhưng linh hồn vẫn tồn tại. Linh hồn nầy đi qua trong nhiều kiếp trong luân hồi; sinh làm người, sinh làm thú... cho nên hai điều nầy rất gần nhau.
Từ linh hồn bất diệt, trường tồn của ngoại đạo đến giáo lý gây nghiệp thọ quả lên xuống, qua lại trong ba cõi, sáu đường rất dễ dàng cho ta bị nhầm lẫn giữa chánh pháp của Phật và con đường ngoại đạo. Sai lầm trong giải thích sẽ đưa đến cho người học Phật không phân định được và hiểu lầm Phật giáo. Hai điều nầy cần phải được giản trạch cho rõ thế nào là giáo lý Vô Ngã của đạo Phật, thế nào là hữu ngã của tôn giáo khác. Đây là vấn đề khó khăn trong đạo Phật mà người tu chúng ta phải chịu khó tư duy. Những danh từ nầy tuy gần gũi, rất quen thuộc nhưng thật sự khó giải thích, chúng ta đừng xem thường. Chẳng hạn như từ Thánh đạo là câu nói trên đầu môi rất thông dụng, nhưng khi cần giải thích thì chúng ta không biết làm sao để giải thích.
Và luân hồi được những nhà Phật học bằng cái nhìn lệch lạc đã khai triển Phật giáo giống như Bà La Môn giáo. Nếu chúng ta không khéo vận dụng, không thông minh trình bày, giải thích rõ ràng thì văn hóa Tây phương khó có thể chấp nhận.
Những vấn đề như các vị Lạt Ma tái sinh trong truyền thống Mật Thừa, hiện thời người ta có thể chấp nhận ở một góc độ nào đó, tuy nhiên khoa học vẫn đang thăm dò và chưa xác tín điều nầy. Nó là một vấn đề đang tranh luận, và luân hồi vẫn là vấn đề còn tồn nghi.
Chúng ta sẽ gặp lại vấn đề nghiệp quả dẫn dắt chúng sanh luân hồi nhiều kiếp, nhưng tự thân con người và dòng nghiệp thức vẫn Vô Ngã như tinh thần giáo lý đạo Phật dạy ở các chương sau.
Thưa đại chúng, đề tài con đường thiện ác đưa đến Thánh quả hay nghiệp báo, luân hồi sẽ lần lượt đi vào bốn phần sau đây:
1. Sự phát sinh
của mười nghiệp.
2. Khoảng cách
giữa thiện và ác.
3. Khả năng rửa
sạch tội.
4. Tự thể tâm vốn
không tội phước.
1. Sự phát sinh của mười nghiệp.
Mười nghiệp chia thành ba nhóm, cạn và sâu khác nhau.
Thân có ba điều là dâm dục, sát sanh, trộm cắp. Miệng có bốn loại sai lầm thường phạm phải là lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ. (nói hai lưỡi, nói lời hung ác, nói dối và nói thêu dệt). Ý có ba là tham, sân, si. Nếu qui kết lại hai phần của thân và miệng thì phần thâm sâu là ý nghiệp chủ trì. Mọi tội của thân miệng gây nên đều có tham, sân, si làm chủ, và ba phần nầy đều nằm trong ý thức.
Ví dụ như sát sanh hại mạng là do niệm tức giận, do lòng sân si, ham muốn gây nên, do tâm u tối làm cho ta phạm lỗi lầm nầy. Ba anh chàng nầy là chủ động cho sát, chủ động cho trộm cắp, và chủ động cho cả dâm dục. Khi chúng ta nói dối, nói hai lưỡi, nói hung dữ, mắng nhiếc người, và dùng lời thêu dệt để lừa bịp người; tất cả những sai lầm do miệng gây nên đều từ động cơ của ý. Tức là động cơ của tham lam, hờn giận và si mê. Tuy nhiên, với người cư sĩ phật tử thì nghiệp dâm dục nơi thân sẽ đổi lại là nghiệp tà dâm do vì pháp chế của họ khác biệt.
Thông thường, tự thân nghiệp sát nếu không có ý cọng vào thì không thành nghiệp sát sanh. Trong kinh Pháp Cú, có một vị trưởng lão mù về thăm Đức Thế Tôn, trong lúc chờ đợi để gặp Ngài, ông ở ngoài Tịnh xá. Đêm hôm ấy trời mưa rất lớn nhưng như thường lệ ông vẫn đi thiền hành, và trên con đường đi ông dẫm chết vô số côn trùng bò lên đầy trên mặt đất vì ông không thấy. Các vị tỳ kheo trẻ rất phiền muộn nghĩ ông thầy già nầy lúc sáng mắt không chịu tu, để đến già khi không còn thấy đường lại tinh tấn thiền hành dẫm chết nhiều chúng sinh như vậy. Các vị lên trình Đức Thế Tôn tình trạng phạm tội sát sanh của vị thầy già. Thế Tôn bảo: “Vị A La Hán kia mù mắt, hơn nữa tâm ông không khởi ác niệm nên không hề bị vướng vào nghiệp sát sanh, và có tội”.
Từ câu chuyện nầy và nhiều chuyện khác trong Kinh cũng như luật thế gian; khi ngộ sát, phạm sát tức không có ý thức mình tham gia vào tội phạm thì được giảm khinh và vô tội. Ở trong đạo, điều quan trọng là ý căn làm nền tảng cho tác nghiệp của thân và miệng.
Thưa đại chúng, pháp chế của nhà Phật cũng đặt căn bản trên sát, đạo, dâm, vọng, tửu tức sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu. Tuy nhiên giới thứ tư nằm trong bốn phần của miệng, và giới thứ năm hỗ trợ để giữ trọn thánh giới. Đó là năm giới căn bản của người cư sĩ tại gia.
Mười giới Sa di cũng đặt căn bản trên thập nghiệp. Hai trăm năm mươi giới tỳ kheo, và ba trăm bốn mươi tám giới tỳ kheo ni cũng đặt trên nền tảng nầy. Thập thiện nghiệp đạo tức mười con đường thiện hạnh làm nền cho mọi giới pháp. Phật chế định mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh của Bồ Tát cũng đặt căn bản trên mười con đường nầy.
Hãy nhìn ra bên ngoài đời sống nhân gian đến đời sống chúng ta bên trong tu viện. Mười con đường nầy là nền tảng xây dựng hạnh phúc không những cho người tu trong đạo, mà còn cho những phật tử đồng thời cũng là nền tảng cho luật pháp và đạo đức thế gian.
Một cơ chế chính trị mà tự do, nền văn minh cao thì luật pháp quốc gia đó đều đặt căn bản trên thập thiện nghiệp nầy rất rõ ràng. Đặc tính của mười việc thiện, ác nầy là thước đo hạnh phúc hay bất hạnh của con người, và là căn bản cho tất cả nền văn minh xã hội. Mười thiện nghiệp tặng cho mỗi con người một không gian tự do, không ai xâm phạm đến ai, và không gây khổ đau cho người khác.
Hạnh phúc hay khổ đau, Niết Bàn hay giải thoát, phàm hay Thánh đều đặt trên mười điều nầy.
2. Khoảng cách giữa thiện và ác.
Chúng ta đừng tưởng nói một lời ác, hoặc làm một việc mất lòng người mới tạo thành nghiệp. Khoảng cách giữa thiện và ác rất gần. Chỉ cần một sát na phóng tâm là tạo nghiệp. Nếu là người tu thực sự ta hãy cẩn trọng vì chỉ trong ý nghĩ vừa khởi là đã thành nghiệp rồi.
Khi chúng ta nhìn một người nào mà khởi lên ác tâm, lập tức đã gây dấu ấn trong tâm ta. Một niệm nghi ngờ khó chịu với một người nào, chúng ta có thể quên, nó chìm đâu đó nhưng điều kỳ lạ là không bao giờ mất. Nó sẽ có cơ hội trở lại. Giống như khi ta gieo một hạt mầm vào ruộng, nó nằm yên đợi chờ đến cơ hội thứ hai tái hiện lại và tái hiện sẽ mạnh hơn.
Người ta có câu: “Rong đóng nọc cầu nhìn lâu cũng đẹp.” Ta thấy rong đóng nọc cầu, nước chảy vẩn vơ có gì đâu mà đẹp. Nhưng nếu nhìn một hồi thì cũng có thể cảm xúc làm nên bài thơ, và câu nói đó được vận dụng để nói tình trạng những người tu không khéo đề phòng tâm.
Nhìn thấy người nào nếu chúng ta khởi ý nói lầm thầm một câu thôi, câu nói nầy không mất trong tâm thức ta, nó sẽ có dịp hiện lại. Lần sau phục hồi chúng ta nói hai câu, lần tới nói nhiều hơn và cứ như vậy theo cấp số nhân. Như thế khoảng cách từ một sát na phóng tâm đi tới tạo nghiệp không xa.
Chúng ta nên nhớ, càng tu tâm có ít nhiều thanh tịnh, trong sáng thì sự phóng tâm tác nghiệp rất nhanh so với người thế gian. Nghiệp quả của người tu đến nhanh hơn người đời. Tại sao? Vì tâm thức người tu đã lắng, đã thanh lọc nên khá trong. Giống như mặt gương đã được lau nhiều lần, đã sạch nên khi chúng ta vẽ một nét gì vào thì đường vẽ hiện ra rất rõ. Tâm ít xao động, đã được tinh lọc, đã làm cho yên lắng nếu có điều gì gieo vào không lấy ra được thì sự tái hiện mạnh hơn, rõ nét hơn. Cho nên người tu khi càng vươn lên cao, những bước đi càng phải cẩn trọng.
Người xưa bảo: “Mỗi ngày trong công phu thực tập giống như chúng ta đang đi trên băng mỏng, ở dưới là nước, không khéo băng vỡ ta chìm trong lòng hồ.” Hãy cẩn thận từng niệm một, chỉ cần một niệm phóng tâm chúng ta cứ lao theo là dấu ấn sẽ hằn sâu rõ trong tâm thức. Chỉ cần một sát na phóng tâm khởi niệm là mở cửa địa ngục. Nếu ý niệm khởi lên tức khổ đau, phiền não, lo lắng có mặt; ngàn vạn điều tập trung vào tâm thức làm mình bất an và điều nầy rất dễ phát sinh.
Khi một niệm khởi lên chúng ta thấy có ta, có mình. Có cái nầy là của ta, cái kia là của ta, những bên ngoài là vật sở hữu của ta, suy nghĩ nầy là ta... và một dọc dài giá trị trong cuộc đời liền tức khắc có mặt. Một niệm khởi lên thôi là lập thành một tràng dài của ba cõi, sáu đường, là con đường sinh tử đã trải ra và chúng ta cứ quanh quẩn trên con đường nầy mãi.
Ví dụ chúng ta vướng mắc vào một người bạn mà ta thương yêu, và càng thương yêu bao nhiêu thì càng bất an, lo sợ bấy nhiêu. Lúc ta có ý niệm nghi ngờ về người kia, không quản lý được người kia là ta đã bất an rồi, và nỗi niềm bất an nầy ngày càng dày tùy theo mức độ mà ta vướng mắc nhiều hay ít.
Nếu ta ngao ngán, muốn loại trừ, muốn quay lưng lại với con người kia, thì ta lại bắt đầu đi tìm một đối tượng khác, mới lạ để thương yêu, để gá vào thì cũng chỉ tạo thêm một nỗi bất an mới của tâm thức chứ không thể dừng lại được. Đây là con đường rất quen của ý thức, chúng ta nên cẩn thận.
Chỉ một niệm phóng tâm tức một niệm khởi thì phiền não dấy lên, nhưng cũng cùng một niệm đó nếu chúng ta quay trở lại nhận diện được đây là niệm khởi tức khắc những ý niệm trở thành đối tượng. Khi thấy tất cả ý niệm dù còn, dù mất cũng chỉ là bên ngoài không dính gì đến mình; ngay giây phút nầy ta vượt khỏi ba cõi, sáu đường. “Chỉ một niệm chiếu soi, siêu nhiên ngoài ba cõi”, (thơ Thầy Giác Thanh) và khoảng cách giữa thiện, ác chỉ bằng một đường tơ kẽ tóc.
Ở mức độ cạn, chúng ta khởi nghiệp ở ý và dừng được ở ý mà không làm thêm ở miệng, ở thân; ví như chúng ta định nói nặng lời một người nào nhưng rồi mình dùng ý niệm khác nghĩ rằng mình nói nặng người ta một câu chắc họ khổ đau rất là tội nghiệp, chắc gì họ chịu thua cho nên mình dừng ngay ở đây; như thế có nghĩa là mình chỉ chận ý nghĩ thôi. Đó là cách chận ác nghiệp ở tầng cạn.
Ở mức độ sâu hơn là ta chận ý thức. Khi có một khởi niệm của tâm thức chúng ta hồi phục lại, qui chiếu lại, nhìn thấy mình là khả năng nhận diện được khởi niệm thì đó là chận ở tận nguồn của ác và thiện.
Một ý niệm mong manh ban đầu khi đã sinh khởi thành dòng chảy, nó sẽ trở thành trường giang cuồn cuộn ta không thể cắt đứt được. Một ý niệm ban đầu như thương ghét, giận hờn có mặt mà ta nhìn được nó, như người bố lẳng lặng nhìn đứa con đang rong chơi trong nhà, mặc tình cho nó tha hồ chạy nhảy, không áp đặt, không chạy theo trách mắng gì tức chúng ta làm được việc hồi phục lại chủ quyền, nắm được tâm thể bất sinh, bất diệt của mình, loại trừ được tất cả những ác nghiệp của ba đường. Nếu không nó lớn mạnh chúng ta sẽ khó loại trừ vô cùng.
Thông thường chúng ta rất yếu trong vấn đề hồi phục tâm và tu tập thiện nghiệp. Chúng ta đợi cho đến khi hình thành ý thức rồi mới chuyển hóa, mới tu thì rất muộn. Ví dụ khi ta đã khởi lòng ham muốn về điều nầy, điều kia, rồi mới khởi thêm ý niệm dập tắt sự ham muốn; dụng công tu tập như vậy là ta chỉ dồn nén chúng, tự mình tạo thêm sức mạnh cho chúng và không sớm thì muộn sẽ bùng lên nơi tâm thức thành hai xung lực đối kháng nhau khó chế ngự. Rất mệt.
Hay khi khởi ý niệm ghét người nào, sau đó mới khởi thêm ý niệm không nên ghét. Tu là không thể ghét ai được, phải đặt mình vào hoàn cảnh người để hiểu, để thương... Như vậy chúng ta luôn chạy theo đuôi của từng niệm khởi, của từng niệm sinh và diệt. Cho nên cách nhẹ nhàng nhất để chúng ta hóa giải được thiện, ác cùng một lúc, hay hóa giải cái ác là khi ý thức khởi một niệm ác chúng ta hãy nhìn nó, hãy nhận biết sự có mặt của nó và để cho niệm ác chu du trong vùng trời tâm thức mà đừng đồng hóa mình vào. Cách nầy rất là tuyệt vời, không hao phí năng lượng, không cần đánh phá. Bằng cách nầy, mọi niệm bất tịnh đều bị loại trừ. Đây là cách dụng công mà chúng ta có thể “Trong một niệm chiếu soi, siêu nhiên ngoài ba cõi.”
3. Khả năng rửa sạch tội.
Thời Đức Phật còn tại thế, theo truyền thống Bà La Môn mỗi năm tín đồ của họ phải đi tắm sông Hằng ít nhất một lần. Họ có quan niệm nước sông Hằng rất linh thiêng, dòng sông chảy từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn xuống nên có khả năng tẩy sạch những tội lỗi của con người. Ai ở trên đời mà không tắm nước sông Hằng một hai lần là những người tội lỗi ngập đầu không có cách gì siêu thoát được. Điều nầy đã được một môn đệ đem ra hỏi Đức Thế Tôn: “Bạch Đức Thế Tôn, vấn đề ngoại đạo đặt ra có hiệu quả không, và có phải như thế không”? Đức Phật trả lời: “Nếu nói ai tắm nước sông Hằng mà hết tội thì những con cá đâu có tội, nó ở dưới sông Hằng quanh năm ấy mà.”
Thưa đại chúng, tội và nghiệp ác muốn rửa sạch không phải là do chúng ta làm gì ở bên ngoài thân mà là vấn đề tẩy sạch từ tâm thức. Khi tâm thức được gột rửa, tẩy trừ thì những nghiệp thức của nhiều đời cũng đồng thời dứt bặt.
Ngày xưa, có một vị thiền khách đến hỏi Ngài Triệu Châu: “Thưa thầy, có địa ngục, thiên đường không?” Ngài Triệu Châu trả lời: “Không.” “Có tội phước không?” “Không.” Và vị thiền khách đến hỏi một vị sư khác. Vị sư trả lời có. Vị thiền khách kia rất ngạc nhiên nói: “Bạch Hòa thượng, con hỏi Ngài Triệu Châu, Ngài nói không, sao con hỏi thầy, thầy nói có thiên đường, địa ngục. Vị sư thứ hai liền hỏi: “Triệu Châu có gia đình không vậy?” “Dạ không, Ngài là người tu độc thân”. Ông hỏi thêm: “Thế ông có gia đình không vậy.” “Dạ thưa có, con có vợ, có con.” “Thế thì phải rồi, Triệu Châu nói không tội, không phước, không thiên đường, địa ngục thì được, chứ ông không thể nói như Ngài Triệu Châu.”
Chúng ta thấy câu chuyện ở đây như một truyện đùa, nhưng bản chất của những câu trả lời rất sâu sắc. Khi ta an trú trong thể vô niệm, không còn ta, không còn người, không còn mình, không còn hoàn cảnh... không quá khứ, vị lai và cả hiện tại, lúc bấy giờ không còn địa ngục, không thiên đường, không tội phước. Nhưng khi tâm ta còn nghĩ quá khứ, còn nghĩ tương lai, còn ý niệm, cái ngã còn có mặt tức ba cõi, sáu đường lồng lộng chưa bao giờ triệt tiêu được.
Mỗi khi chúng ta nhìn ai, gặp ai là có bóng dáng quá khứ chen vào liền. Hai con người gặp nhau bằng bề dày quá khứ của mình, và cả hai gặp nhau bằng hai quá khứ, chứ không phải bằng hiện tại gặp nhau. Chúng ta thường chỉ tiếp xúc bằng quá khứ, bằng kỷ niệm mà chúng ta có về người đó; chúng ta chưa bao giờ tiếp xúc với mặt thật của ai trên hành tinh nầy nên chúng ta chỉ đứng ở cửa của Tích môn. Trên bình diện Tích môn là chúng ta đang ở trong thế gian sinh diệt nầy; có đến đi, mất còn, có tạo nghiệp và quả báo.
Khi nào ta nhìn ai mà không có bóng dáng quá khứ của người kia chen vào, những kỷ niệm, ký ức, của con người kia không lùa về, nhìn mà tâm trong sáng tĩnh lặng thì ta đang ở trong Bản môn. Lặn vào bình diện Bản môn thì không hề có nghiệp quả, luân hồi, báo ứng, tái sanh gì cả.
Nhìn những ngọn sóng trên mặt biển cuồn cuộn và mỗi lượn sóng thì có vào ra, lên xuống, biến mất của chu kỳ sinh diệt. Nhưng nếu ta nhìn nước thì nước vẫn là nước, không hề có chuyện sống chết, vào ra, lên xuống bao giờ. Bình diện Tích môn là hiện tượng trên mặt biển, bình diện Bản môn là ngay nơi hiện tượng ta thấy được đại dương.
Ngày xưa, các bậc A La Hán cũng ở trên sinh diệt, nhưng các Ngài sống trong Bản môn. Và Tích môn hay Bản môn chỉ là những danh từ, trên thực tế nó không rời nhau bao giờ và nó cùng có mặt trên thân sinh diệt nầy. Cảm thọ vui buồn là Tích môn, nếu chúng ta nhận biết được sự vui buồn và luôn an trú trong sự “nhận biết vô ngôn, tĩnh tại hiện tiền” thì ta đang an trú nơi Bản môn. Hai điều nầy không hề rời nhau. Nếu thông minh, khi vui buồn vừa có mặt ta nhận diện được những cảm thọ vui buồn sinh diệt đang có mặt. Lúc ấy tuy Tích môn đang hiện diện đồng thời ta vẫn đang ở trong thể Bản môn. Trạng thái tâm nhận biết nầy vốn không có ý niệm, không ngôn ngữ, nó có mặt bất cứ lúc nào. Nó là trạng thái bản môn vô sinh bất diệt và chúng ta rửa sạch tội là chúng ta lặn vào trong trạng thái đó. Ngày xưa khi các vị thiền sư ngộ rồi tức nhận ra được tự thể tâm gọi là người đang sống trong Bản môn.
4. Tự thể tâm vốn không có tội phước.
Tự thể tâm vốn không có tội phước, nhưng khi quá khứ đã dệt nên nghiệp của thân thì đã thành tội phước.
Khi chúng ta thấy mình là khả năng nhận biết tức chúng ta đang an trụ trong Bản môn, có nghĩa là đang sống với tự thể tâm thanh tịnh vốn không tội phước gì cả. Sống được như vậy thì dù cho hình hài nầy có chịu nghiệp quá khứ như bị bệnh hoạn, đọa đầy, bức bách, tù tội hoặc bị giết chết chúng ta cũng không có gì phải sợ hãi.
Đã có thân thì
phải thọ nhận nghiệp của quá khứ. Tuy thân nầy do nghiệp quá khứ mà có mặt,
nhưng ngay khi nghiệp quá khứ đang hiện thành ta vẫn có thể sống được với Bản môn.
Trong lúc thân hình còn sinh diệt nếu chúng ta an trụ được trong Bản môn thì sự
sinh diệt mất còn, bệnh hoạn, ốm đau, nghiệp thức của thân vẫn không hề dính gì
với tự thể tâm.
Trong Tam Quốc Chí
ngày xưa, có chuyện Quan Vân Trường khi bị một mũi tên độc ở cánh tay liền cho
người mời Hoa Đà (một thần y của thời đại) tới. Hoa Đà thưa: “Tôi có thể trị
được vết thương của Ngài với điều kiện là Ngài bằng lòng để tôi cho người trói
Ngài lại vì tôi sẽ dùng dao mổ thịt cạo xương, bởi chất độc đã thấm vào xương.”
“Ồ, tưởng gì chứ điều đó có gì là nghiêm trọng, khỏi cần phải trói ta.” “Nếu
không trói khi tôi mổ Ngài vùng vẫy làm sao tôi cạo xương Ngài được.” Quan Vân
Trường bảo: “Ngươi hãy sai dọn cho ta một tiệc rượu.”
Trong khi Hoa Đà vừa mổ, vừa cạo Quan Vân Trường vẫn nghiễm nhiên nhắm rượu, đánh cờ. Sau khi mổ xong, Quan Vân Trường cười nói: “Thật là thầy thuốc hay, làm xong ta nghe rất nhẹ.”
Thưa đại chúng, trường hợp của Quan Vân Trường là một võ tướng xông pha ngoài trận địa, đã từng vào ra trong lửa đạn, cận kề với sống chết nên khi ông tiếp xúc với sự đau đớn của hình hài thể xác thì đâu có gì là quan trọng. Trong khi có những người xem hình hài, thân mạng mình rất quan trọng. Đôi khi chỉ một chấn thương nhẹ, một xây xát nhỏ cũng làm cho họ lo sợ, hoảng hốt vì không đủ can đảm, và ý chí không đủ mạnh.
Cũng là con người, cùng một trí thức, cùng một cái nhìn như nhau nhưng tùy theo trình độ tâm thức, ý chí, nhận thức từ bên trong đã làm nên khả năng đối phó với những thăng trầm, đau khổ, buồn vui của cuộc đời đến với mình khác nhau, và cũng từ nhận thức bên trong cho chúng ta khả năng mạnh hoặc yếu của ý chí.
Hãy tưởng tượng một điều khi ta chìm vào trong giấc mơ, ta thật sự hoảng sợ khi thấy mình bị rượt đuổi và nỗi sợ sẽ lớn vô cùng khi thấy mình không còn lối thoát, nhưng nếu giật mình tỉnh giấc tất cả những sợ hãi tan biến mất mà không cần làm gì thêm.
Cũng như thế, khi ta đang ở trong bình diện Tích môn ta thấy vật chất, của cải và người thân nầy là của tôi, vui buồn nầy là của tôi, lo sợ nầy là của tôi... mà không thấy cái gì khác. Nếu ta lặn sâu qua khỏi bình diện nầy, nhận ra được thân nầy và tất cả những khởi niệm có mặt như những lượn sóng của tự thể tâm không sinh, không diệt tức khắc những lo sợ về thân, về hoàn cảnh... tự nhiên rơi rụng như khi ta tỉnh giấc mơ.
Bao giờ chúng ta vững niềm tin vào tự thể tâm tức khắc bấy giờ tội, nghiệp của nhiều đời được rửa sạch, không cần qua thời gian. “Đàn chỉ viên thành bát vạn môn.”, “khảy móng tay là hà sa công đức lập tức đầy đủ.” Và chỉ cần một khảy móng tay trở về tự thể tâm không sinh, không diệt thì bao nhiêu nghiệp thức lâu đời của A Tỳ Địa Ngục rũ sạch một lần, không có gì dính vào chúng ta được.