Chương 42: Nhìn Bằng Đôi Mắt Phật

13/06/201012:00 SA(Xem: 16096)
Chương 42: Nhìn Bằng Đôi Mắt Phật

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG 
Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG XLII 
NHÌN BẰNG ĐÔI MẮT PHẬT

Thưa đại chúng,
“Nhìn Bằng Đôi Mắt Phật” là chủ đề cuối cùng của văn bản Kinh nầy.
Đây là những câu cực kỳ hay của Kinh Bốn Mươi Hai Chương. Đức Thế Tôn dạy cho ta cái nhìn về hai lãnh vực, pháp thế gianxuất thế gian. Nếu có được một phần của cái nhìn này thì chúng ta sẽ an lạc suốt một đời tu.

A. CHÁNH VĂN.

Phật ngôn: “Ngô thị vương hầu chi vị như quá khích trần. Thị kim ngọc chi bảo như ngõa lịch. Thị hoàn tố chi phục như tệ bạch. Thị đại thiên giới như nhất ha tử. Thị A Nậu trì thủy như đồ túc du. Thị phương tiện môn như hóa bảo tụ. Thị vô thượng thừa như mộng kim bạch. Thị Phật Đạo như nhãn tiền hoa. Thị thiền định như Tu Di trụ. Thị Niết Bàn như trú tịch ngụ. Thị đảo chánh như lục long vũ. Thị bình đẳng như Nhất chân địa. Thị hưng hóa như tứ thời mộc.”

Tôi đọc phần dịch nghĩa nói về cái nhìn của Như Lai về pháp thế gian như sau: “Ta nhìn địa vị công hầu khanh tướng như bụi bay qua khe cửa. Ta xem vàng ngọc châu báu như ngói gạch. Ta xem y phục tơ lụa như giẻ rách. Xem đại thiên thế giới như hạt cải. Xem nước A Nậu trì thủy như giọt dầu xoa chân.”

Và đây là cái nhìn về pháp xuất thế gian: “Ta xem cửa phương tiện như báu vật hóa hiện. Xem quả vô thượng như mộng thấy vàng lụa. Xem quả vị Phật như hoa đốm trước mắt. Xem thiền định như núi Tu di. Xem Niết Bàn giống như ngày đêm thức giấc. Xem phải quấy như sáu con rồng múa. Xem pháp bình đẳng như nhất chân địa. Xem sự thịnh suy như cây bốn mùa.”

B. ĐẠI Ý.

Đại ý bài nầy Đức Thế Tôn dạy chúng ta khi nhìn vạn pháp phải nhìn bằng đôi mắt Phật. Chữ vạn pháp chỉ ra hai thể loại. Một là pháp thế gian, hai là pháp xuất thế gian.

Chúng ta lưu ý sẽ thấy ở đây mười ba cái nhìn của Đức Phật, chỉ có hai câu thứ chín và mười hai là xác định còn toàn bộ đều phủ định. Trong đây có hai chữ “khích trần” là bụi bay qua khe cửa, và ví dụ nầy được đức Phật nói trong Kinh Lăng Nghiêm. Từ “đại thiên sa giới” chỉ cho số lượng hành tinh rất nhiều gồm có đại thiên, trung thiên, và tiểu thiên.

Trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương ta thấy nhiều từ Đức Phật xử dụng có nguồn gốc từ văn học Bà La Môn (Vệ Đà) để giải thích thế giới quan, nhân sinh quan và làm cho giáo lý phù hợp với căn cơ đương đại.

“A Nậu trì thủy” trì có nghĩa là ao hồ. Hồ A Nậu là một trong những hồ lớn nhất thời đó nằm ở Nam Thiệm Bộ Châu.

“Lục long vũ”õ là sáu con rồng múa.

“Nhất chân địa” là nhất chân pháp giới. Nhất tâm pháp giới chỉ cho bản thể uyên nguyên sinh ra vạn hữu, là suối nguồn đầu tiên sinh ra không gian, thời gian cũng có nghĩa là Phật của chính mình, bản thể bất sinh bất diệt của tự tâm.

“Hưng hóa” là sự đổi thay, vươn lên.

“Tu Di sơn trụ” tên một ngọn núi được lấy trong văn học Vệ Đà. Tu Di Sơn còn có tên là Diệu Cao Sơn hay Diệu Cao Phong. Núi nầy có rất nhiều châu báu ngọc ngà...

C. NỘI DUNG.

Thưa quí vị, nội dung của đoạn kinh này chia ra ba chủ đề lớn. Thứ nhất là hai cánh cửa nghe và nhìn đối với đạo. Thứ hai là nhìn các pháp bằng mắt Phật. Thứ ba là cái nhìn của hành giả trên tiến trình tu.

1. Nghe và nhìn trong đạo.

Chúng ta có từ “Thị” ở đây có nghĩa là nhìn, là thấy. Trong đạo cũng như trong thế gian,“thị” có rất nhiều nghĩa, được dùng thay đổi tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh. Tuy chưa phải người tu nhưng trong nhân gian cũng có cái hiểu rất linh động, chung nhất. Khi nhìn ra ngoài thì xác định là nhìn, nhưng khi để diễn tả một điều gì cảm nhận ở bên trong nhiều khi đó là nghe, là ngửi, là nhận biết, họ cũng hay sử dụng từ “thấy” chỉ cho những cảm nhận của ý thức. Do vậy, mỗi chữ không nhất định là một nghĩa như nhau.

Sau đây tôi chia xẻ những khái niệm về nghe và nhìn.

– Nhìn và nghe trong nhân gian tạo thành vạn nỗi đắng cay trong đời sống con người. Nếu khéo một chút thì từ “nghe và nhìn” này tạo cho ta hạnh phúc an lạc, nếu vụng về thì nó gieo khổ lụy cho chúng ta; và nhân gian thường nhìn, nghe bằng tri giác sai lầm. Dĩ nhiên, với người không tu tập mà nghe và nhìn sai lầm thì còn tha thứ được, nhưng nếu người tu mà có cái nhìn và nghe sai lầm thì gây đổ vỡ, chướng ngại cho việc tu trong nội bộ rất lớn.

Ở mức độ cạn nhất thì cái nhìn được biểu hiện từ bên trong tâm thức. Ví dụ nhiều khi chúng ta nghĩ luyện tập được cái nhìn qua con mắt của mình nhưng thưa rất khó, phải tập từ bên trong tâm thức. Người mà có định lực tự nhiên có cái nhìn trầm tĩnh, an định. Người có tâm hồn trong sáng thì cái nhìn tinh anh như trẻ thơ. Hai điều nghe và nhìn này có khi chúng ta luyện tập cả đời người cũng chưa thành tựu. Những người mà tâm thức xao động bất an, chắc hẳn họ không thể nào làm cho con mắt nhìn vững chãi.

Tôi muốn nói cùng quí vị về sự vụng về của người tu là đôi mắt. Người ta dễ cảm nhận nhất là đôi mắt thèm khát tiền, thèm khát tình. Hai điều này thường được biểu lộ trong ánh mắt của tâm hồn còn đầy ái nhiễm. Người có kinh nghiệm họ sẽ nhìn ra ngay.

Trong thế giới người tu hành, khi có những vướng mắc về tình cảm nhiều lúc chúng ta đổi thừa tại người ta, nhưng thực sự chính là do mình.

Ví dụ như khi có người nào thương ta, chúng ta không thể đổ thừa người đó mà nên nhận trách nhiệm về mình. Tại mình chất ái dục còn nhiều nên người ta mới thương.

Tôi có biết những vị xuất gia, Thầy rất dễ thương, xử sự rất thân tình với người nhưng chưa hề có một chuyện vướng mắc tình cảm nào phát sinh nơi ông cả. Người ta thấy nơi Thầy là cả khối tinh sạch, sáng ngời và nhìn vào Thầy người ta khởi tâm quí trọng chứ không dám thương và không dám nghĩ tới những chuyện vẩn vơ.

Chúng ta cũng vậy, nếu tâm thức sạch nghiệp ái thì như bàn tay không thương tích, chúng ta có thể nhúng nó vào trong thuốc độc mà chất độc không thấm vào da. Cho nên luyện đôi mắt làm cho cái nhìn thành “thuấn mục” có nghĩa là “rất đẹp” phải luyện từ bên trong, từ trái tim. Trái tim chúng ta sạch hết nghiệp thức ái dục thì tự nhiên cái nhìn của chúng ta rất trong và lặng. Bên trong mà có năng lượng của định thì cái nhìn của chúng ta định tĩnh. Định và Tuệ có mặt cùng lúc thì cái nhìn sẽ trong sáng đẹp đẽ. Cho nên hai cánh cửa rất quan trọng trong Kinh nói đến là “nhìn và nghe.”

2. Tập nhìn từ bên trong.

Người tu chúng ta từ hai cánh của nhìn và nghe để đi vào Đạo, cũng từ nhìn và nghe mà đi vào con đường hoằng hóa độ sinh.

Trong Kinh Lăng Nghiêm có câu: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn, dục đắc tam ma đề, đương tùng văn trung nhập.”: Giáo lý mầu nhiệm nhất trong quốc độ này là từ nơi cái nghe làm cho thanh tịnh tâm thức. Muốn chứng đắc được chánh định thì phải từ cái nghe mà đi vào.

Thưa quí vị chúng ta biết rằng vấn đề nhìn và nghe ở thế gian đã gây ra bao nỗi khổ đau, hiểu lầm, nghi kỵ và những bất hạnh trong đời sống. Do vậy, người tu tập mà không khéo luyện được tâm thì từ cái nhìn, nghe của mình đủ tố cáo sự thất bại của đời sống tu hành.

Ở cấp độ xử thế đối nhân nếu ta là một vị Thầy có uy tín, chùa to Phật lớn nhưng cách nói năng hành xử, cách nghe nhìn của ta còn vẫn đục người có kinh nghiệm thấy ra họ đủ lánh xa. Và nếu ta khéo vận dụng thủ thuật thù tiếp lịch sự cũng có thể làm cho người ta đến với mình nhưng sẽ không bền, và sớm muộn gì cũng phát giác điều tàng ẩn ở bên trong tâm thức của ta, họ đổ vỡ niềm tinsự nghiệp làm đạo của mình tan nát. Muốn làm đạo bền vững trong nhân gian chúng ta phải luyện từ bên trong tâm để có cái nhìn, cái nghe trở thành trong sáng thì con đường làm đạo mới vững bền được.

Ở cấp độ tu, các vị Thiền sư thường khai triển hai cửa này để đưa chúng ta vào đạo. Trong một ngày, qua sự tiếp cận với các sinh hoạt chúng ta xử dụng hai cánh cửa nghe và nhìn nhiều nhất so với các giác quan khác. Đó là hai giác quan đầu tiên của lục căn đi vào tâm thức chúng ta rất dễ, và nó cũng dẫn dắt tâm chúng ta bước lạc ra bên ngoài nhiều nhất.

Chúng tathói quen nghe thì bị dẫn dắt, bị đắm chìm trong tiếng, thấy thì bị dẫn dắt, chìm đắm trong sắc màu. Điều này trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Thế Tôn đã dùng những ví dụ nghe có tiếng cùng không tiếng là chuyện bên ngoài. Điều chúng ta phải làm cho được là mời gọi tánh nghe, tánh thấy luôn có mặt. Hay nói cho dễ hiểu là ta hãy mời sự nhận biết của tâm Phật sáng chói luôn hiển hiện thì đó là chúng ta đang tu Lăng Nghiêm Tam Muội, đang an trú trong định bất động của mười phương chư Phật.

3. Mở cánh cửa vào.

Bây giờ chúng ta thử đi vào phần đầu của chương Kinh bốn mươi hai. Và chỉ cần học được vài câu trong đoạn Kinh này như: “Thị vương hầu tri vị như quá khích trần, thị kim ngọc chi bảo như ngõa lịch”, cũng đủ làm một ông Tăng, làm một Ni Cô phẩm chất cao khiết tỏa sáng và làm cho đạo pháp hưng thịnh.

Chương Kinh này rất thâm thúy, sâu sắc, quí vị học thuộc để làm cho những điều nầy trở thành tính cách của mình. Đây là nền tảng để có cái nhìn về pháp thế gian và pháp xuất thế gian.

Thông thường chương Kinh cuối bao giờ cũng quan trọng, và trong những văn bản Kinh chương cuối mang đặc tính tổng kết của bộ Kinh.

Có hai phần quan trọng trong mỗi bộ Kinh. Phần đầu được xem như phẩm đầu mang tính cách tổng quát, giới thiệu nội dung của bộ Kinh. Phần cuối là kết thúc bộ Kinh. Những người chú giảng ngày xưa họ phân định ra đây là phần lưu thông, phần đức Phật kêu các vị Bồ Tát lại phó chúc, làm thế nào để bảo trì để phổ biến, đó là tinh thần văn học kinh.

Tuy nhiên có vài điều trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương rất là khác biệt vì Kinh này không phải là Kinh bộ như văn học Phật giáo Nguyên Thủy hay Đại Thừa. Nên chương bốn mươi hai nầy không mang tính cách lưu thông. Đức Phật không dặn dò phải phổ biến gì cả mà nó được tổng kết cái nhìn của Đức Phật đối với vạn pháp. Do vậy, chúng ta có tên của chương kinh này là “Nhìn Bằng Đôi Mắt Phật.”

Thưa quí vị, tôi xin ôn lại chữ quan trọng của bài Kinh nầy là chữ “Thị” mà chúng ta đã chia xẻ lần trước. Thị nghĩa là xem, tuy nhiên chữ “Thị” nơi đây không phải là nhìn ở bên ngoài mà là nội quán. Là nhìn bằng con mắt quán chiếu bên trong.

Hai cánh cửa chúng ta đi vào đạo cũng như đi vào đời, đi vào Niết Bàn cũng như đi vào phiền não là “nhìn và nghe.” Chúng ta nghe như thế nào đó mà lòng đầy phiền não, và nghe như thế nào đó mà làm cho mình an lạc. Cũng như thế; nhìn mà lòng đầy phiền não, nhìn mà lòng giải thoát thảnh thơi. Tất cả cũng từ cái nghe và cái nhìn.

Trong đời sống bình thường nếu chúng ta là người có tâm hồn thoáng đãng, có trái tim đầy nhân ái thì khi mọi chuyện phiền não, khổ đau đến mình chuyển hóa rất dễ vì chúng ta nhìn bằng mắt thương yêu, nghe bằng sự cảm thông. Có những lời nói làm cho chúng ta khó chịu nhưng vì lòng từ bi nên mình là giòng suối mát ngọt tưới lên dập tắt ngọn lửa phiền não của đối tượng nói với mình, đó là cách tu cạn nhất trong đời sống.

Sâu hơn chúng ta học Phật pháp để có thể chuyển hóa tâm thức mình bằng con đường nghe, và giáo lý mầu nhiệm của Đức Thế Tôn truyền đạt tới tâm ta cũng bằng con đường nghe đi vào.

Và cấp độ cao nhất của nghe để đi vào Đạo là khi nghe nhưng không chạy ra ngoài chìm mất vào âm thanh, mà biết quay vào bên trong nhận được chúng ta có cái nghe tĩnh tại thường hằng vốn vô sinh. Từ cái nghe trở về nguồn cội của tâm, đạt đến tâm Phật của chính mình đó là tầng thâm sâu nhất.

Cái thấy cũng vậy, thông thường chúng ta thấy chỉ biết một điều là nhận ra sự có mặt của sắc màu bên ngoài, và từ cái thấy hướng ngoại như vậy chúng ta để cho ý thức bồng bềnh nổi trôi nghĩ suy. Khi ý thức mình sinh khởi, có nghĩa là tất cả vui buồn của cảm thọ sẽ phát sinh trong trái tim mình.

Nếu người tu chúng ta thông minh thì từ cái thấy mình quay về an trú tâm ngay nơi sự nhận biết lúc chưa có tiếng thì thầm độc thoại, đối thoại của ý thức sinh khởi thì gọi là người thiền tập giỏi. Cũng từ nơi đó chúng ta đột nhập thẳng vào trái tim của Đạo. Từ đó mở bung cánh cửa Thiền đi vào vùng trời tâm giải thoát của chính mình, an trú trong tâm Phật bất sinh của mình ở cấp độ cạn, cấp độ sâu đều từ con đường nầy cả.

4. Hãy nhìn vào nhân gian bằng mắt Phật.

Nhìn vào nhân gian là nhìn vào thế pháp: “Ta xem địa vị vương hầu như bụi bay qua khe hở. Ta xem vàng ngọc quý giá như ngói gạch. Ta xem y phục, tơ lụa như giẻ rách. Ta xem đại thiên thế giới như hạt cải. Ta nhìn nước hồ A Nậu như giọt dầu xoa chân.” Ba câu đầu là nhìn về nhân giới hai câu cuối là nhìn về ngoại giới.

Sang, quí là những điều mơ ước muôn thuở của con người. Khi chúng ta chưa có địa vị, chưa có danh vọng trong cuộc đời thì được nổi danh, có chức vị là một mơ ước rất lớn. Hai thứ nầy nó có sức hút rất mạnh nhưng khi đã có danh vị rồi thì vô cùng phiền não.

Chưa cần làm minh tinh màn bạc nổi tiếng, chỉ cần làm một ông thầy tu giỏi có chút danh được nhiều người thương quí, ai cũng tiếp xử đầy kính trọng thì điều đầu tiên là chúng ta không có thì giờ tu tập. Ngày nào người cũng đến thăm, hay gọi điện thoại nói mười lăm phút thôi nhưng cứ nhiều người như vậy thì đâu còn thì giờ cho ta tu.

Lúc mới vào chùa chúng ta mong được thầy thương, bạn quí nhưng nếu thầy thương quá thì cũng khổ. Lúc nào thầy cũng gọi lên trình diện thì rất khốn đốn cho mình chứ không sung sướng gì. Cho nên từ cạn vào sâu, địa vị càng cao càng làm cho mình phiền muộn trong đời sống, không có gì lý thú cả.

Có những điều vô lý và phù du trong niềm mơ ước của chúng ta. Khi chưa được thì ta ham muốn, theo đuổi miệt mài như danh vọng, địa vị, tiền của, tình yêu thương... nhưng khi đạt được rồi thì tất cả đều nhạt nhẽo, chóng tàn và trôi qua rất nhanh. Một nhà văn đã nói: “Công danh địa vị như cái niền Kim cô của Tôn Hành Giả, lúc chưa đội được thì thèm muốn, đến khi đội lên đầu xong thì nó bóp thắt lại khốn khổ đau nhức vô cùng nhưng gỡ ra không được.”

Chúng ta đi theo con đường tâm linh mà xem trọng vật chất phù hoa thì không thể tiến xa được. Không có gì kỳ cục bằng người tu mà tham tiền, thích se sua theo lối sống của thế nhân. Nếu Đức Phật không có những pháp chế cấm những điều này, thì tự nhiên phẩm chất người tu cũng bắt chúng ta xa lìa đời sống phù phiếm, giả tạm.

Có một nguyên tắc chung là những người thiên trọng đời sống vật chất thì sẽ nhẹ về đời sống tinh thần, và trình độ trí thức người ta càng lên cao thì đời sống vật chất càng nhẹ. Đó là tri thức nhân gian.

Nếu ta tu tập phát triển được tuệ giác thì những điều này không có gì quan trọng. Tuy chưa chứng nghiệm những gì sâu sắc trong đạo, chỉ cần một chút tuệ giác lập tức những thứ phù hoa nầy được xả ly rất dễ.

Những người thực tu có đời sống tâm linh cao, khi đến gần họ chúng ta thấy họ rất khiêm tốn, họ muốn dạy chúng ta điều gì có khi chúng ta không biết, họ dạy rất nhẹ nhàng, không lộ rõ cho ta thấy được trình độ hiểu biết của họ. Thánh nhân ngày xưa sống thanh đạm, giản dị như một người dốt. Trí tuệ càng cao thì ngôn ngữ của họ càng chất trực, không hoa mỹ cầu kỳ.

Ở đây câu Kinh: “Ta xem đại thiên sa giới như một hạt cải” chúng ta có thể hiểu rằng; Thành tựu tuệ giác thì chúng ta cũng có cái nhìn như Đức Phật. Dù thế giới mênh mông bao la thì cũng chỉ bé nhỏ như hạt cải và những cái lớn vô cùng nó nằm trong những cái rất nhỏ. Ngày xưa điều này cực kỳ khó hiểu, nhưng bây giờ thì người ta bắt đầu hiểu được là thế giới này đan xen trùng trùng như vậy. Nếu nhìn hạt bụi dưới kính hiển vi và khám phá rõ về nó thì chúng ta biết được rõ ràng tường tận cấu trúc của hành tinh. Nếu chúng ta biết một tế bào thật chính xác thì sẽ biết được cấu trúc của con người. Khoa học rọi ánh sáng vào giáo lý đạo Phật để thấy đạo Phật và khoa học càng ngày càng đến gần qua cái nhìn tuệ giác của Đức Phật. Nếu người ta nhìn hạt cải tường tận thì nó có mặt từ một vẫn thạch, cách nay nhiều triệu năm trước đáp xuống tinh cầu này và trong nó có chứa hà sa thế giới.

Thưa quí vị, bước đầu của người học Đạo nếu chúng ta không có con mắt nhìn về nhân thế với các tầng quán chiếu và biểu đạt như vậy thì tu càng lâu chúng ta càng dễ đi lạc. Đã có những trường hợp quí thầy càng tu càng lạc nẻo. Mới tu thì tâm Bồ Đề phát rất mạnh, niềm khao khát đến với con đường tâm linh như gió bão, nhưng tu ít lâu điều này bị bỏ quênđi vào nẻo thành tựu tiền, thành tựu danh. Đi lạc vào nẻo này quí Thầy tự mình làm cháy mất tín tâm của mình và cũng làm cho Phật tửniềm tin kính Tam Bảo chán nản và sợ đạo Phật. Cho nên điều này gây tai họa vô cùng cho thế giới người tu chúng ta. Chúng ta phải thực tập quán chiếu các pháp như điều Phật dạy để biết loại trừ sự hư hỏng tâm thức ngay từ gốc.

5. Thử thực tập xả ly.

Để làm được bước cạn của người tu chúng ta phải thực tập xả ly. Xả ly dễ nhất là xả ly của cải vật chất chung quanh. Điều dễ nhất này chúng ta chưa làm được thì chúng ta không thể nào xả ly được bản ngã, tình cảm và nhất là xả ly những sinh diệt tâm thức quậy phá chúng ta.

một lần nhà vua rước Quốc sư Huệ Trung từ núi Bạch Nhai về triều đình, nhà vua hỏi: “Thưa, bốn mươi năm trên núi Bạch nhai Ngài chứng được quả vị gì?” Huệ Trung xứng đáng là vị thầy của Hoàng Đế, ông chỉ lên trời nói: “Mây trắng trên trời do ai đóng đinh mà dính trên không gian vậy?” Nhà vua trả lời: “Không có ai đóng cả, nó tự vậy thôi.” Quốc sư nói: “Ta cũng thế, ta không có quả để chứng, ta là người bình thường, là một ông tăng trên xó núi thảnh thơi thôi, ta không bị buộc vào gì cả.”

Chúng ta thực tập xả ly ở mức độ cạn là xem nhẹ vật chất của thế gian, đi vào chùa tu chúng ta làm thêm một điều nữa là xem nhẹ địa vị lợi danh trong đạo. Chúng ta hãy sống một đời sống của ông Tăng bình thường vô danh trong chốn Già lam. Không cần gì cả. Từ chiều cạn cho đến chiều sâu tâm thức chúng ta xả ly được thì mới có thể làm đạo được, nếu không chỉ một miếng mồi bé nhỏ của trần gian cũng làm chúng ta mất Đạo. Người tu hãy nhìn vào nhân gian bằng đôi mắt Phật như thế.

6.“Ta xem cửa phương tiện như vật hóa hiện...”

Thưa đại chúng cửa phương tiện hay phương tiện môn là một trong “Thập độ” của Bồ Tát Đạo. Chúng ta đã biết sáu độ là các pháp hành của Bồ Tát, nhưng trong văn học Hoa Nghiêm ngoài sáu độ có thêm bốn độ nữa chứ không phải chỉ có sáu độ. Con đường tu của các vị Bồ Tát nhập thế là vận dụng các điều kiện của nhân gian để làm Đạo.

Ngày xưa các thầy độc cư thiền tịnh nhưng đến thời Phật giáo phát triển thì các thầy bước vào đời lập chùa độ tăng, phiên dịch kinh điển. Và nếu rộng hơn thì có thể làm ông nhà giàu, vị Quốc vương để yểm trợ đạo. Tất cả đều là cửa phương tiện. Tôi đọc lên quí vị cùng nghe những câu tán Quan Thế Âm sau đây:

Phù thử thủy dã năng phương, năng viên, 
ủy khúc tùy hình...
Hạo hạo hề diệu nguyên mạc trắc.
Thao thao hề linh phái nan cùng.
Bích giản tàng long, hàn đàm tẩm nguyệt.
Hoặc tại quân vương, long bút hạ tán tác ân ba.
Hoặc tại Bồ Tát liễu chi đầu sái chi Cam Lộ.

“Nước trong bình có thể vuông, tròn tùy theo đồ chứa... Mênh mông chừ nguồn linh khôn tận. Bát ngát chừ dòng nhiệm khôn cùng. Khe biếc rồng ẩn, đầm lạnh trăng soi. Hoặc ở nơi ngọn bút đấng quân vương, ban ân trạch cho khắp thần dân. Hoặc ở đầu cành liễu đức Bồ Tát rưới Cam Lộ đến mọi miền nhân thế.”

Lời tán nầy mở ra cho ta thấy các vị Bồ Tát mở rộng cửa phương tiện trên con đường độ sinh đến vô cùng. Xử dụng mọi hình thức, mọi điều kiện thuận nghịch... để ban vui cứu khổ và kích phát Bồ Đề tâm cho tất cả loài hữu tình. Thế nhưng với Đức Phật thì “Thị phương tiện môn như hóa bảo tụ”: Ta xem cửa phương tiện như vật báu hóa hiện.

Thông thường với chúng ta thì chùa mình phải thật lớn, phải khang trang. Phật tử tín đồ phải ngày càng nhiều, giáo hội nầy là duy nhất, đạo Phật mình đang theo đây phải bất diệt... Nhưng nếu nhìn bằng con mắt Bồ Tát thì tất cả cánh cửa phương tiện này đều chỉ để làm đạo mà thôi. Và nhìn bằng con mắt Phật thì rõ ràng mọi phương tiện đều hư phù như vật báu hóa hiện, chỉ tạm hiện hữu trong phút chốc cho vui. Bản chất của nó vốn không thật.

Từ cái nhìn của Đức Thế Tôn đối với con đường độ sinh chỉ là phương tiện vì người, chúng ta hãy qui chiếu cách thức đạo Phật đến với người Tây phương để thấy bao điều cần làm mới lại.

Điều làm mới đầu tiên là nên mang tuệ giác Đạo Phật tặng cho người Tây phương mà không hề khởi ý niệm muốn họ theo Đạo Phật. Chúng ta đủ thông minh để làm thế nào lồng được giáo lý đạo Phật vào tâm thức người dân bản xứ mới quan trọng chứ không phải bằng hình thức. Và nên lưu ý khi làm đạo ở vùng đất Tây Phương nầy ta phải biết họ không mặn nồng với tôn giáo. Hình ảnh người tu đôi lúc làm họ dị ứng. Quá khứ tôn giáo của họ đã xây dựng quyền hành cho người lãnh đạo tôn giáo rất lớn và họ đã mất niềm tin với cách hành xử của người lãnh đạo tinh thần. Do vậy chúng ta phải thay đổi, làm mới sinh hoạt hình thức của tôn giáo mình để đáp ứng nhu cầu tâm thức của con người thời đại mới thì chúng ta mới làm đạo ở nơi đây được.

Tóm lại, cánh cửa phương tiện mở ra độ sinh phải linh động được xem nhưcủa cải, vàng bạc do nhà thuật sĩ làm phép cho nó xuất hiện, nên chúng ta đừng chấp chặt vào bất cứ phương tiện nào. Người tu chúng ta nhìn vào con đường thực tập cho thật kỹ; như các pháp thiền của các dòng tu cũng chỉ là phương tiện mà không phải thực pháp. Điều quan trọng là nắm được cái hồn của sự thực tập mà mọi hình thức chỉ là phương tiện. Làm được như thế là chúng ta loại trừ được sự chấp trước vào công phu thực tập của mình. Biết nắm lấy pháp hành căn bản thực tập, mục đích làm cho tâm chúng ta an lạc nhẹ nhàng, đó là cách của người tu giỏi. Nếu để mình kẹt vào cánh cửa phương tiện, chấp chặt vào cách thực tập duy nhất thì khó cho ta vươn lên tiến đạo.

7. Nhìn các pháp xuất thế gian.

“Xem quả vô thượng như mộng thấy vàng lụa.” lời Kinh nầy cho ta cái nhìn vào pháp Vô Thượng Thừa, quả Niết Bàn hay chứng nghiệm Đạo quả nó không phải ở bên ngoài mà nó tự có sẵn trong ta. Như hạnh phúc niềm vui là ta tự có. Ví như vàng thực sự không có trong quặng thì dù cho con người có giỏi bao nhiêu, luyện lọc cách gì cũng không kiếm ra được. Cho nên không có gì bên ngoài để chúng ta chạy đi tìm cầu chứng nghiệm. Đều cần chứng nghiệmquay về tâm thức của chúng ta, Phật pháp nằm ngay trong hình hài của chúng ta và người thực tập giỏi là người biết quay về.

Thưa đại chúng, Thiền nhân nhìn vào pháp xuất thế thì nào là cửa phương tiện độ sinh, nào là pháp Thượng thừa, nào là chúng nghiệm Phật đạo. Bằng cái nhìn thông đạt thì thấy đó chỉ là hoa đốm trước mắt. Dĩ nhiên, bước đầu ta phải thực tập quán chiếu mọi pháp thế gian đều hư ảo để chuyển hóa tâm. Chúng ta chưa có thể phát sinh trí tuệ thì hãy nương vào cái nhìn của Đức Thế Tôn dạy để có cái nhìn như Ngài, và giúp cho mình khơi mở tâm thức.

Nguồn của sự an lạc, niềm vui hoặc giải thoát, Niết Bàn cũng bắt đầu bằng sự nhận thức của chúng ta. Nhận thức chúng ta chuyển thì bên ngoài chuyển theo. Nếu mình có tâm từ thì mọi điều đến với mắt mình đều trở thành đối tượng cho chúng ta rải lòng từ. Niềm vui hạnh phúc đến từ bên trong trái tim đầy thương yêu của chúng ta. Con đường tu dù xa bao nhiêu nhưng nếu chúng ta biết chuyển hóa nhận thức của mình, chính là chúng ta đang đi vào con đường Thánh.

Chúng ta hãy đọc tiếp vào đoạn cái nhìn của Đức Phật về các pháp xuất thế gian.“Ta xem quả Vô thượng như mộng thấy vàng lụa, xem quả vị Phật như hoa đốm trước mắt, xem Thiền định như núi Tu Di, xem Niết Bàn như ngày đêm thức giấc, xem phải quấy như sáu con rồng múa, xem pháp bình đẳng như Nhất Chân địa, xem sự thịnh suy như cây bốn mùa.”

Đầu tiên Đức Phật nhìn quả vị Ngài chứng như giấc mộng thấy được vàng bạc, xem quả vị Phật Ngài đã thành tựu do trải qua hà sa kiếp tu khổ hạnh giống như hoa đốm trước mắt, và xem trạng thái Niết Bàn Ngài chứng nghiệm giống như người ta tỉnh giấc ngủ...

Ngay trong đoạn cái nhìn phủ định của Đức Thế Tôn chúng ta thấy có hai điều xác định là Ngài nhìn những pháp môn Thiền định như núi Tu Di và nhìn pháp bình đẳng như Nhất Chân Địa, nhưng Nhất Chân địa là gì? Ấy là khi tâm ta an tịnh trong trạng thái vô niệm thì đạt đến trạng thái Nhất Nhân Địa.

Thưa đại chúng, chỉ trong một đoạn ngắn đây thể hiện rõ hai đặc tính phủ định và xác định. Hãy đi vào tầng xác định ở mức độ cạn, ví dụ năm nền tảng làm thành sức mạnh cho sự thực tập Thiền quán là Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Chúng ta thấy trong ngũ lực thì Tín đứng đầu; do đây xác định pháp môn chắc thật và khởi phát niềm tin kiên cố để hành giả tiến trên con đường tu.

Chúng ta đến với bất cứ vị thầy nào mà niềm tin của chúng ta không đặt vào vị thầy, chúng ta không tu được. Trong tâm thức có niệm khinh thường, không nghe lời dạy, không tuân thủ thực tập, không sống hài hòa trong tập thể Già lam thì chúng ta bị loại. Cho nên niềm tinbước đầu rất quan trọng.

Khi đã bước được những bước dài trong đạo, đã liễu đạt tự tâm, chứng nghiệm trạng thái vô ngã thì mới nói đến phủ định pháp Niết Bàn. Nhưng trước khi phủ định con đường thực chứng, chúng ta hãy quay về nhìn vào trong; có nghĩa là ta quán chiếu mọi pháp trong nhân gian sinh diệt, vô thường đều là phù hoa bọt bóng. Tự thân ngũ uẩn nầy cũng vậy. Rồi từ pháp quán vô thường, vô ngã ta quay lại để nhận ra được tự tánh vô sinh diệt của chính mình và chứng được tự thể vô niệm. Sống được với tự thể tâm vô niệm mới hưng khởi Đại Bi Tâm để lòng thương yêu mở rộng, khi ấy mới vận vô duyên từ, bình đẳng độ sinh. Bấy giờ mắt lành nhìn vạn loại không thấy có kẻ ghét người thương, kẻ sang, người hèn, nam nữ gì cả. Hành xử như Đức Thế Tôn mỗi ban mai rải tâm từ thấm nhuần đại địa. Nếu chúng ta không an trú trong tự thể tâm vô niệm này thì trong bước độ sinh chúng ta không thể hiện được Tâm Đại Bi.

Văn học Đại thừa khai triển rằng: chứng nghiệm được “Trí bất đắc hữu vô.” Là thành tựu tuệ giác “nhất thiết pháp không” của Bát Nhã mới hưng khởi được Tâm Đại Bi.

Và sau đây là đoạn cuối của bài kệ trong Kinh Lăng Già mà tôi muốn chia xẻ:

Nhất thiếtNiết Bàn.
Vô hữu Niết Bàn Phật.
Vô hữu Phật Niết Bàn.
Viễn ly giác sở giác.
Nhược hữu nhược vô hữu.
Thị nhất thiết câu ly.
Mâu Ni tịch tĩnh quán.
Thị tắc viễn ly sanh.
Thị danh vi bất thủ.
Kim thế hậu thế tịnh.

Tạm dịch:

Tất cả không Niết bàn.
Không Niết Bàn của Phật.
Không có Phật Niết Bàn.
Xa lìa giác sở giác.
Hoặc có hoặc không có.
Cả hai đều xa lìa.
Quán Mâu Ni tịch tĩnh.
Thế là xa lìa sanh.
Ấy gọi là chẳng thủ.
Đời nầy đời sau tịnh.

“Không có gì gọi là Niết Bàn. Không có Niết bàn Phật, Không có Đức Phật chứng nghiệm Niết Bàn.”

Phủ nhận toàn bộ, phủ nhận trạng thái Niết Bàn chứng đắc, phủ nhận luôn con người chứng nghiệm trạng thái Niết Bàn. Xa lìa cả người giác ngộ lẫn quả vị giác ngộ. Có và không cả hai đều xả ly, an trú nơi pháp quán Mâu Ni tịch tĩnh thì xa lìa được tất cả pháp sinh diệt. Đó là người không chấp thủ nơi pháp thì đời nầy, đời sau đều được an lạc.”

Đoạn kệ phủ định này trùng lập với câu Đức Thế Tôn nhìn “Pháp Vô thượng thừa như mộng, xem Phật đạo như hoa đốm, xem Niết Bàn như ngày đêm, xem pháp bình đẳng như Nhất Chân Địa.” Và chúng ta thử hỏi tại sao có phủ định như thế này?

Đức Thế Tôn cần khổ từ bao nhiêu kiếp tu Bồ Tát đạo. Ngài từng thí thân cho cọp đói, róc xương thịt trả hiếu cho mẹ cha, gieo mình trên lửa để cúng dường các vị tiên nhân... và Ngài còn nói đại địa này nếu cắm một cây kim xuống bất cứ nơi nào đều có xương thịt ta hành Bồ Tát đạo để thành tựu quả Niết Bàn. Niềm đam mê tu tập lớn như thế, hy sinh hà sa thân để chứng nghiệm Niết Bàn, vậy mà khi chứng nghiệm được Niết Bàn rồi, thì Ngài lại bảo không có Niết Bàn, không có người chứng quả Niết Bàn?

8. Xác quyết niềm tin.

Thưa đại chúng, trước khi muốn hiểu được thâm nghĩa của tầng phủ định ta hãy đi vào tầng nghĩa cạn của tầng xác định. Hành giả sơ phát tâm tu muốn thành đạt con đường tâm linh, điều quan trọng nhất là phải xác quyết niềm tin kiên định, nuôi dưỡng tâm Bồ Đề ngày mỗi lớn và làm cho niềm đam mê tu tập rực cháy mới có thể đi trọn trên con đường tu. Do vậy trước khi chúng ta muốn trở thành người xả ly bản ngã, chúng ta phải có bản ngã. Ta phải thành đạt điều này điều kia, rồi mới bước đến giai đoạn loại bỏ tất cả thành đạt ra một bên. Cho nên sự xác định đầu tiên là yếu tố niềm tin rất cần thiết cho tiến trình tu của chúng ta.

Trên con đường Bồ Tát đạo cũng thế, địa vị đầu tiên trong năm mươi hai quả vị thì Tín cũng đứng đầu gồm có: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giácDiệu giác.

Bước đầu để làm một vị cưtu học Phật pháp cũng phải có niềm tin bất hoại như câu chuyện kể về ông Cấp Cô Độc. Ông là người đã cúng dường cho Đức Thế Tôn tất cả tài sản, nhưng đến ngày thất bại trong công việc doanh thương đến khánh kiệt, trở thành nghèo đói. Vậy mà ông vẫn để dành cúng dường đức Phật một bát cháo chua nhỏ mỗi ngày.

Trước cổng nhà ông có một con quỷ Dạ Xoa trú ẩn từ lâu, khi thấy Tăng đoàn của Phật không đến khất thực tại nhà ông nữa, nó bèn dùng mưu mẹo dụ dỗ ông bằng một kho tàng đầy vàng bạc, châu báu với một điều kiện là khi ông lấy được kho tàng, trở thành giàu có thì phải quay lưng lại không làm đệ tử của Đức Phật nữa. Ông liền điểm mặt quỷ Dạ Xoa: “Ngươi không được xúc phạm Đức Thế Tôn, ta dù nghèo có rớt xuống tám tầng địa ngục thì ta vẫn là đệ tử của Đức Phật.” Và ông không cho nó ở trước vòm cổng nhà ông nữa. Con quỷ đến cầu xin Tứ Thiên Vương năn nỉ giúp nhưng vẫn không được chấp thuận cho ở lại chỗ cũ. Mãi tới khi quỷ dạ xoa bằng lòng sám hối trước Đức Phật những lời hắn từng xúc phạm, ông mới cho trú lại vòm cổng trước nhà.

Câu chuyện cho chúng ta thấy niềm tin của Cấp Cô Độc vào Tam Bảoniềm tin bất hoại như kim cương.

Niềm tin của cư sĩ khi đã phát tâm đối với Tam Bảo còn như vậy, thì người tu chúng ta cũng phải như thế. Nếu khôngniềm tin vững chắc vào tâm Bồ Đề của mình thì chúng ta không thể tiến đạo, không thể tin chúng ta có khả năng thành Phật. Do vậy, nhu yếu đầu tiên là hãy xác định niềm tin, và hầu hết các pháp môn tu theo giáo lý đạo Phật đều xác định niềm tin nầy. Nó là điều kiện để người nhân gian thành đạt địa vị, thành đạt công danh, sự nghiệp. Đối với đạo niềm tin là nền tảng căn bản của đời tu chúng ta, nếu khôngniềm tin thì ta không thể bước vào quả vị Phật.

9. Viên mãn Phật quả bằng con đường thiền định.

Thưa quí vị, khi đã an trụ trong tầng xác định vững chãi rồi, chúng ta mới bước vào tầng phủ định. Phủ định không phải tính cách của người đi qua sông rồi bội ân với người lái đò đã đưa mình qua được bên kia bờ. Chúng ta bỏ lại con đò, bỏ lại người lái đò để hướng cuộc đời mình đến nẻo xa hơntính cách phải có của hành giả.

Niềm tri ân của chúng ta đối với vị Thầy dạy chúng ta học bài học vỡ lòng không phải không có, nhưng không có nghĩa là mình phải dính chặt vào Thầy không dám bước lên những cấp cao hơn. Niềm hiếu kính với vị Thầy đầu đời rất lớn nhưng không phải là một mực tôn sùng Thầy để không mở mắt nhìn ra nơi đâu cả. Nếu như thế, chúng ta sẽ chết chìm trong quả vị chứng được ở mức độ còn rất cạn vì cho rằng đã đủ, không muốn rời bỏ, không còn muốn vươn lên. Trong khi giáo lý Đức Phật dạy chúng ta trên con đường tu hãy như người lột bỏ bẹ chuối, lột đến bao giờ không còn gì để lột nữa mới thôi. Với con đường dài tu tập chúng ta phải loại trừ rất nhiều chặng đường thành đạt mới mong bước vào quả vị cuối cùngPhật quả.

Trong kinh Lăng Già có những câu Ngài Đại Huệ tán thán Đức Thế Tôn như sau:

Thế gian ly sinh diệt,
Do như hư không hoa,
Trí bất đắc hữu vô,
Nhi hưng Đại Bi Tâm.

Tạm dịch:

Lìa sanh diệt thế gian,
Như hoa đốm hư không,
Trí chẳng thấy hữu, vô
khởi tâm Đại Bi.

Chúng ta nhìn các pháp sinh diệt thế gian như hoa đốm giữa hư khôngthành tựu trí bất động, xả ly các chấp trước có và không, chứng nghiệm tự tánh Bát Nhãkhởi tâm Đại Bi.

Những điều gì nhận biết ở mặt cạn, những điều gì thành đạt ở bên ngoài thì gọi là được, là đắc và tất cả đều là pháp hữu vi. Trong khi chứng nghiệm trạng thái Niết Bàn là quay vào bên trong với cái mình đã tự có thì không thể gọi là được, là đắc gì cả.

Quay vào tầng thâm sâu hơn, trả tâm về bản thểtrở về nguồn cội, trở về tự tánh thanh tịnh của nó cho nên tất cả những câu phủ định của Đức Thế Tôn là loại trừ tất cả những gì Ngài đã thành đạt, kể cả quả Niết Bàn Vô Thượng.

Thưa, không có con đường nào thành đạt tự tâm, chứng nghiệm pháp thân Phật của chính ta bằng con đường Thiền định. Dù chúng tatu Pháp môn gì: Mật, Tịnh, Pháp tướng, Pháp tánh... đều phải đi vào con đường Thiền định.

Pháp cạn nhất là pháp học của chúng ta. Trong khi học chữ nghĩa, văn tự, kinh kệ mắt chúng ta để ở đây nhưng ý thức đang rong ruổi ngoài đường chắc chắn chúng ta không học thuộc được một câu kinh, huống nữa trên con đường tu. Và điều quan trọng nhất Đức Thế Tôn đã xác định là tất cả mọi con đường dẫn vào quả vị Niết Bàn đều đi bằng con đường Thiền Định.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57137)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.