- Lời Dẫn
- Phần Mở Đầu: Ly Dục Tịch Tĩnh
- Chương 01: Thức Tâm Đạt Bổn
- Chương 02: Ngộ Vô Vi Pháp
- Chương 03: Hiện Hạnh Sa Môn
- Chương 04: Con Đường Thiện Ác
- Chương 05: Làm Mới Thân Tâm
- Chương 06 - 08: Tu Hạnh Nhẫn Nhục
- Chương 09: Bác Học Đa Văn
- Chương 10- 11: Tùy Hỷ Và Cúng Dường
- Chương 12: Vượt Qua Khó Khăn
- Chương 13: Tịnh Tâm Thủ Chí
- Chương 14 – 15: Hành Đạo Thủ Chân
- Chương 16: Xả Ly Ái Dục
- Chương 17: Thắp Sáng Trí Tuệ
- Chương 18: Siêu Việt Nhị Biên
- Chương 19 - 20: Tam Pháp Ấn
- Chương 21 - 22: Tham Đắm Các Dục
- Chương 23 - 25: Họa Hại Của Ái Dục
- Chương 26: Quán Chiếu Sự Thọ Dụng
- Chương 27: Trôi Vào Biển Giải Thoát
- Chương 28: Thận Trọng Với Ý Thức
- Chương 29: Phong Cách Sa Môn
- Chương 30: Đoạn Các Duyên Sinh Khởi Ái Dục
- Chương 31 - 32: Đoạn Gốc Rễ Sinh Khởi Ái Dục
- Chương 33: Mặc Giáp Tinh Tấn
- Chương 34: Con Đường Trung Đạo
- Chương 35: Thanh Lọc Thân Tâm
- Chương 36: Hạnh Phúc Con Đường Tâm Linh
- Chương 37: Thân Cận Bên Phật
- Chương 38: Người Hiểu Đạo
- Chương 39: Nhất Vị Pháp
- Chương 40: Thân Tâm Nhất Như
- Chương 41: Nỗi Sợ Tử Sinh
- Chương 42: Nhìn Bằng Đôi Mắt Phật
- Tổng Kết / Phụ Lục Hán Văn
KINH BỐN MƯƠI
HAI CHƯƠNG
Thích Phước
Tịnh Giảng Giải
CHƯƠNG X - CHƯƠNG XI
TÙY HỶ VÀ CÚNG
DƯỜNG
Thưa đại chúng,
Hôm nay chúng ta
sẽ đi vào hai chương mười và mười một. Tùy Hỷ Cúng Dường và Bố Thí sẽ là tên
chung cho hai chương kinh nầy:
A. CHÁNH VĂN.
CHƯƠNG X.
Phật ngôn: “Đỗ nhân thi đạo, trợ chi hoan hỷ, đắc phước thậm đại. Sa Môn vấn viết: Thử phước tận hồ? Phật ngôn: Thí như nhất cự chi hỏa, sổ thiên bách nhân các dĩ cự lai phân thủ, thục thực trừ minh. Thử cự như cố. Phước diệc như chi.”
Đức Đức Phật dạy: “Thấy người thực hành bố thí, hoan hỷ giúp đỡ thì được phước rất lớn.” Có vị Sa môn hỏi Phật: “Phước nầy có hết không?” Phật đáp: “Ví như lửa của ngọn đuốc vài trăm nghìn người đem đuốc đến mồi lửa về để nấu ăn hay để thắp sáng, lửa ngọn đuốc nầy vẫn như cũ. Phước của người hoan hỷ hỗ trợ cho người thực hành bố thí cũng vậy.”
CHƯƠNG XI.
Phật ngôn: “Phạn ác nhân bách, bất như phạn nhất thiện nhân. Phạn thiện nhân thiên, bất như phạn nhất trì ngũ giới giả. Phạn trì ngũ giới giả vạn, bất như phạn nhất Tu Đà Hoàn. Phạn bách vạn Tu Đà Hoàn, bất như phạn nhất Tư Đà Hàm. Phạn thiên vạn Tư Đà Hàm, bất như phạn nhất A Na Hàm. Phạn nhất ức A Na Hàm, bất như phạn nhất A La Hán. Phạn thập ức A La Hán, bất như phạn nhất Bích Chi Phật. Phạn bách ức Bích Chi Phật, bất như phạn nhất tam thế chư Phật. Phạn thiên ức tam thế chư Phật, bất như phạn nhất vô niệm vô trụ vô tu vô chứng chi giả.”
Đức Phật dạy: “Cho một trăm người ác ăn không bằng cho một người thiện ăn. Cho một nghìn người thiện ăn không bằng cho một người thọ ngũ giới ăn. Cho một vạn người thọ ngũ giới ăn, không bằng cho một vị Tu Đà Hoàn ăn. Cho mười vạn vị Tu Đà Hoàn ăn, không bằng cho một vị Tư Đà Hàm ăn. Cho một nghìn vị Tư Đà Hàm ăn, không bằng cho một vị A Na Hàm ăn. Cho một ức vị A Na Hàm ăn, không bằng cho một vị A La Hán ăn. Cho mười ức vị A La Hán ăn, không bằng cho một vị Bích Chi Phật ăn. Cho một trăm ức vị Bích Chi Phật ăn, không bằng cho một vị Phật ăn. Và cho một nghìn ức vị Phật ba đời ăn, không bằng cho một vị vô niệm, vô trụ, vô tu vô chứng ăn.”
B. ĐẠI Ý.
Đại ý của hai chương kinh nầy Phật dạy: Phước của sự tùy hỷ, cúng dường vô lượng và phước của công đức hữu lậu tuy lớn nhưng thành tựu giải thoát mới tột cùng siêu việt hơn.
C. NỘI DUNG.
Hai bài kinh nầy đều có những từ của bốn quả Thanh văn: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán.
1. Bốn quả thánh và con đường thiền.
Ngày xưa trong Phật giáo nguyên thủy chưa hề có danh từ Bồ Tát, và những đệ tử của Đức Thế Tôn chứng quả cao nhất là quả A La Hán; đôi khi người ta cũng gọi Đức Thế Tôn là bậc Đại A La Hán. Cho đến khi Phật giáo phát triển khoảng năm, bảy trăm năm về sau, thời Ngài Long Thọ danh từ Bồ Tát mới mang được nội hàm như hiện tại. Tất nhiên sau thời kỳ Phật giáo phân ra thành nhiều bộ phái người ta mới triển khai và suy tôn danh từ Bồ Tát. Những người tu lúc bấy giờ nâng danh từ Bồ Tát lên xem như địa vị, phẩm chất chứng đắc của vị Bồ Tát cao hơn, rộng hơn và tâm lượng mênh mông hơn quả vị A La Hán. Do vậy, chúng ta nên lưu ý, đừng để bị kinh văn Hán tạng lừa bịp rồi xem thường quả A La Hán là Tiểu Thừa, trong khi ngày xưa Đức Thế Tôn cũng được gọi là Đại A La Hán mà thôi.
– Tu Đà Hoàn là nhập lưu, là vào dòng chảy, cũng còn gọi là đắc được Pháp nhãn tịnh tức là đang trên con đường bước vào dòng Thánh. Pháp nhãn tịnh đại biểu cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chứ không phải chỉ cho con mắt thôi. Người đắc pháp nhãn tịnh là người không còn chạy ra ngoài nữa, mà quay trở lại nhận được ngay nơi mình bản thể không sinh không diệt. Ngôn ngữ nhà Thiền gọi là những con người thấy được Tánh.
Nếu chúng ta nhìn qua lăng kính nhà Thiền thì kiến tánh ngộ đạo, kiến tánh khởi tu, hay kiến tánh thành Phật rất gần nhau. Kiến tánh khởi tu là nói đến những vị Tu Đà Hoàn nầy. Chúng ta có thói quen hay nghĩ khi tu là phải đi vào những tự viện, khoác pháp phục mang hình thức tu sĩ mới thực tập được những pháp môn của Phật dạy. Nếu ta quan niệm chuyện tu chỉ dành cho người xuất gia thôi người tại gia không có phần, điều nầy không đúng. Ngày xưa, chỉ trong một thời pháp của Đức Thế Tôn những người cư sĩ nghe pháp có khi trong một thời họ liền đắc được Pháp nhãn tịnh. Tức là nghe Đức Thế Tôn dạy ngũ uẩn vốn vô thường, vô ngã quay lại nhìn được cái không sinh không diệt nơi tự thân, họ mở được con mắt pháp, bắt đầu từ đó trôi vào dòng Thánh. Cho nên cư gia Phật tử cũng như tu sĩ đều có phần.
Điều quan trọng là chúng ta làm thế nào để quay về, nhận được mà thôi. Khi đã mở được cánh cửa đi vào quả vị đầu tiên Tu Đà Hoàn thì ba nấc thang kế tiếp không còn gì khó khăn.
– Tư Đà Hàm là Nhất lai, hàm nghĩa ra khỏi nơi nầy đến một nơi khác. Ví như rời nhân gian sinh vào Thiên giới, và từ Thiên giới sinh lại nhân gian. Do vì năng lực đoạn trừ các tầng hoặc nghiệp sâu cạn và mau chậm khác nhau nên còn bảy lần sinh tử đến đi trong cõi dục.
– A Na Hàm còn gọi là Bất lai. Đây là quả vị thứ ba của Tứ Thánh quả. Do vì đã dứt sạch tu hoặc, tuy kiến hoặc vẫn còn nhưng không sinh lại cõi dục nên gọi bất lai hay “bất hoàn quả.”
– A La Hán hàm nghĩa là: Ứng cúng, Ứng chân. Sát tặc, Bất sanh, Vô sanh. Vô học. Chân nhân. Đây là Thánh quả cao tột của người tu cộng thông của hai truyền thống Nguyên thỉ và Phát triển. Dĩ nhiên các nhà Phật học giải thích khá nhiêu khê, chúng ta chưa cần đi vào tầng chữ nghĩa. Hãy biết một điều A La Hán là người chứng nghiệm quả vô sinh, không còn sinh trở lại nữa. Ngay thân sinh tử đời nầy ta sống miên mật và liên tục với cái thể không sinh không diệt, tức luôn sống với khả năng nhận biết mà không đánh mất hoặc đồng hóa mình vào cái bị biết tức có khả năng chấm dứt phiền não, lậu hoặc, tử sinh ba cõi và ngay nơi hình hài ngũ uẩn nầy chứng quả vô sinh.
Hai chữ vô sinh nầy bao gồm hai nghĩa:
– Ngay trong một đời chấm dứt thân sinh tử, không còn tái sinh lại. Chứng nhập được Niết Bàn.
– Ngay trong sát na hiện tiền lúc nào tâm cũng an trú trong trạng thái vô niệm, bất động chứ không phải là tâm lúc nào cũng lao xao sinh diệt, đến đi.
Cho nên nếu thành đạt được con đường nầy thì thất lai, nhất lai chỉ là những chặng đường tiến khác nhau của tâm thức để đạt mức cuối cùng A La Hán.
Các vị đệ tử ngày xưa của Đức Phật có vị tuy còn rất trẻ vẫn thành đạt quả A La Hán như Ngài La Hầu La hay Sa di Hiền Trí chỉ có bảy tuổi.
Tuy phân ra bốn chặng đường tiến của quả tu nhưng thực tế chỉ cần bước vào quả Dự Lưu tức mở được con mắt pháp đi vào dòng chảy Thánh thì con đường tu mở ra mênh mông, chúng ta hẳn sẽ trôi dần vào biển pháp tánh.
2.Tâm hành ganh tị.
Thưa đại chúng, câu Kinh chương mười Đức Phật dạy: “Thấy người thực hành bố thí, hoan hỷ giúp đỡ thì được phước rất lớn.”
Tâm lý con người dễ khởi ganh tị khi thấy có người nào hơn mình, dù điều nổi bật, dù điều hơn đó đương nhiên có sẵn nơi người kia như dễ thương hơn, dịu dàng hơn, và thành công hơn. Tại sao? Bởi vì ta được nuôi lớn lên, được dạy dỗ, được trưởng thành từ cái chất của sự ganh tị nầy. Ngay từ bé ta đã được tập tành nuôi dưỡng, được bố mẹ và môi trường xã hội dạy cho điều nầy nên nó đã trở thành tính cách bẩm sinh của mình, và cứ nhiều đời như vậy đặc tính nầy ngày càng dày lên trong tâm thức chúng ta.
Mình có thể phát khởi lòng trắc ẩn khi thấy ai ốm đau, bất hạnh nhưng thấy ai mà dễ thương, tài giỏi, thành công tuy bên ngoài ta tỏ vẻ nể phục nhưng trong lòng rất khó chịu và sinh tâm ganh tị. Điều nầy được biểu hiện ra rất nhiều mặt từ suy nghĩ, lời nói, việc làm. Chỉ nghe người nói một câu, chỉ thoáng nhìn bằng ánh mắt là có thể nhận biết tâm ganh tị đang có mặt trong ta, trong người. Cho nên Phật dạy phước của người tùy hỷ lớn bằng phước của người cúng dường.
Người bố thí cúng dường bằng đồng tiền kiếm được do mồ hôi nước mắt, do công khó đem ra cúng dường nên được phước. Nhưng chúng ta không cúng dường đồng nào, không tốn giọt mồ hôi nào cả mà chỉ khởi tâm vui theo, hoan hỷ theo người làm việc thiện là đã được phước bằng người ta rồi. Có vô lý không? Vậy tại sao chúng ta không thể phát tâm vui, phát tâm lành ủng hộ những người làm phước thiện?
Ví như trong chúng có một em nào hết lòng ham tu lẽ ra thì chúng ta phải thương quí, yểm trợ nhưng đôi khi chúng ta khó chịu. Nó cũng làm cực nhọc như mình, nó cũng theo chúng sinh hoạt những thời khóa đầy đủ nhưng nếu thấy nó lén đến góc nào đó đọc học, tọa thiền thêm nữa coi chừng bị những sư chị, sư anh la rầy chứ không phải được thương.
Nếu chúng ta đã từng muốn dìm những người em của mình khi cảm thấy sự dễ thương, thông minh, học hành cần mẫn, tài năng của các em và những ưu điểm kia sẽ lấy hết đi tình thương của Thầy từ lâu nay đã dành cho ta; rồi ta làm đủ cách để các em không thể vươn lên được. Chắc hẳn trong tương lai, khi làm thầy lớn, làm Hóa chủ một phương, ta không ngần ngại gì loại trừ những bằng hữu, nhận chìm những tài năng trẻ đang lên. Trong khi tài năng và trí tuệ của người trẻ là nguồn tài nguyên vô cùng cần thiết cho bất cứ mọi lãnh vực dù Đạo hay đời. Ấy vậy mà đối với người tu chúng ta, chúng ta không biết trân quí.
Sự ganh tị là những thói thường phát sinh trong mọi sinh hoạt từ tổ chức đến cá nhân của con người trong xã hội. Từ phạm vi nhỏ của một dòng tu, một tự viện cho đến phạm vi lớn hơn như của giáo hội. Đây là một hiện thực có mặt trong tự viện Đạo Phật và cũng đang có mặt trong tổ chức Phật Giáo chúng ta. Dĩ nhiên trường giang có mặt từ nguồn nước nhỏ. Sự ganh tị có mặt trong từng trái tim cá nhân người tu làm nên tình trạng hiện tại, và nguồn nhân quả nầy sẽ chảy bất tận đến tương lai.
Thế nên chưa làm được điều luôn phát tâm tùy hỷ với mọi thiện hạnh, mọi sự thành công của bao người; tối thiểu khi có những ý niệm phê bình, chê trách buộc tội hay lên án người sinh khởi trong ta, ta hãy nhìn lại điều nầy có mặt từ tâm ganh tị của mình hay từ vấn đề gì phát sinh đây.
Chúng ta đều biết ganh tị là một thói rất xấu nhưng không phải dễ loại trừ vì điều nầy đã được thấm đẫm, nuôi dưỡng từ hồi còn nhỏ. Xã hội, gia đình, nhà trường đã dạy cho ta tính chất ganh tị nầy và người ta tính trung bình những gì con người đã học trong thời gian từ một đến bảy tuổi là năm mươi phần trăm vốn liếng cho cuộc sống đời người. Từ bảy tuổi cho đến lớn chúng ta tiếp thu năm mươi phần trăm còn lại.
Những gì hấp thụ được từ bé khoảng năm mươi phần trăm, đó là vốn liếng chúng ta cưu mang suốt đời khó gột rửa vô cùng. Tính chất ganh tị nầy có mặt trong ta thường trực từ lúc bé thơ cho nên tuy sống trong đạo tu tập biết tâm ganh tị nhỏ hẹp, thắt chặt lòng mình nhưng chúng ta vẫn giữ khó rời bỏ là như vậy.
Nếu không cẩn trọng, không nhìn lại mình khi nó phát khởi đôi lúc không nhận diện được nó là tâm ganh tị, và đem những mỹ từ để che chắn cho tâm ganh tị nầy. Ý thức của ta có ngàn vạn sự khôn ngoan, xảo trá tinh tế để che lấp thói ganh tị trong tâm của chúng ta. Khi tu tập hãy thông minh khéo quay nhìn lại mình, nếu có một chút đắng cay trong tâm thức hãy nhìn rõ điều nầy được sinh khởi từ đâu. Nó thể hiện và hình thành tâm ganh tị, thành sầu thương, thành tủi hờn... và đôi khi mặc cảm nữa. Đó chỉ là một mặt rất nhỏ trong ngàn vạn mặt tiêu cực của lòng chúng ta đã được hóa trang, và đó cũng là loại hiện khởi của tâm ganh tị.
Chúng ta thấy ai bằng thì cố gắng cho hơn, khi đã được hơn thì sinh tâm kiêu ngạo, thấy mình thua thì mặc cảm, ganh ghét. Mặc cảm phát sinh do đã vận dụng ý thức từ quá khứ để đối chiếu với lời nói, việc làm, cách hành xử của những người chung quanh.
Nếu không cần so sánh chúng ta với một ai, mà ta là ta tức khắc chúng ta loại trừ một lần sạch nhẵn tâm thức mặc cảm, thua kém hay tự tôn.
Hãy nhìn thiên nhiên đất trời, cây cỏ hạnh phúc hơn con người chúng ta nhiều. Loài cây lớn đứng kiêu hùng vươn cành, vươn lá, ra hoa. Những loài cây hoang nhỏ tí mọc lẫn trong cỏ cũng trổ hoa tươi cười trong nắng trong gió và vẫn an nhiên đứng hạnh phúc dưới thấp. Nếu có ai hỏi nó, sao mi bé quá mà mi cũng ra hoa làm gì? Hoa sẽ mỉm cười đáp, ta ra hoa là ra hoa vậy thôi, không để làm gì cả, không để phô trương, không để kiêu ngạo, không để tự ái, không để mặc cảm, buồn tủi gì về thân phận bé nhỏ nầy.
Điều không may mắn là đời sống của chúng ta được đặt vào trong xã hội nầy, luôn sống trong tình huống phải phấn đấu với người để nuôi dưỡng bản ngã.
Trong học đường thì phải so sánh với bằng hữu để xem mức độ tiến của chúng ta, trong gia cũng phải đối chiếu với các anh chị em để biết giữa mình và anh chị em mình được thương yêu, đối xử như thế nào. Rồi vào đạo tu học, chúng ta cũng đối chiếu, so sánh với tăng thân, sư anh, sư chị mức độ thành đạt của ta, mức độ ta được thầy thương yêu ra sao, nhiều ít...
Trong cuộc sống tu tập nếu không khéo, chúng ta sẽ bị vùi dập trong tâm thức so sánh ganh tị, kiêu ngạo, mặc cảm không thể trưởng thành tâm linh được. Trưởng thành trong đời sống tâm linh là chúng ta tự vươn vai đứng lên bằng đôi chân, trên hai chân mình. Không cần nhìn quanh để đối chiếu, không cần cầu cạnh, không cần được lòng ai. Ta là ta thế thôi, và an nhiên tĩnh tại trong cuộc đời, an nhiên tĩnh tại trong cuộc sống tu học.
Con người ta đôi khi khổ sở không vì nghèo, mà khổ vì nhìn qua bên cạnh, nhìn ra ngoài để so sánh, đối chiếu nên không thể nào có hạnh phúc. Trong quá trình tu tập, chúng ta hãy quay lại nhận diện tâm thức mình thật cẩn trọng. Có nhận diện được tự thân cẩn trọng thì con đường thực tập của chúng ta mới tiến bộ và mỗi một ngày chúng ta mới trưởng thành. Nếu không chúng ta cứ sống cho qua ngày đoạn tháng và cuộc đời chúng ta ở trong tay người khác.
3. Hạnh phúc phát sinh khi tâm tùy hỷ.
Tâm tùy hỷ nầy mình làm cho sinh khởi không hao tốn tiền bạc gì cả. Thấy người ta làm việc thiện mình khởi niềm vui, cùng vui với người. Khi chia xẻ niềm vui với người kia thì niềm vui của người làm việc thiện không vì lý do chia xẻ mà bị giảm thiểu, đôi khi lại càng tăng trưởng thêm.
Khi phát niềm vui theo việc lành của người khác, chúng ta loại trừ được bản chất tiêu cực nơi tâm mình. Khi chúng ta khen người khác một lời, lòng khởi niềm vui tức khắc tâm ta nở rộ. Nếu không làm được điều nầy, tâm chúng ta vốn là mảnh đất hoang sẽ sinh trưởng hạt giống của sự so sánh, ganh tị hoặc kiêu ngạo, mặc cảm. Cho nên nhìn người mà không phát khởi được niềm vui tức ý thức thì thầm phán đoán sinh khởi ngay. Vì thế người tu thông minh hãy chủ động và tạo niềm vui cho chính mình. Chúng ta chưa làm được gì nhiều, mỗi ngày phải làm sao cho niềm vui tràn đầy tâm thức, và chính niềm vui nầy có khả năng nuôi thân. Thức ăn chỉ nuôi dưỡng một phần, nhưng niềm vui của tâm là yếu tố quan trọng dựng dậy thân nầy thoát khỏi bệnh khổ, bất an. Chúng ta nuôi lớn niềm vui trong tâm thì cuộc sống chúng ta rất giàu có. Cùng một chuỗi thời gian dài ba trăm sáu mươi lăm ngày như nhau nhưng nếu khờ dại chúng ta để cho những ngày vui trở thành gió bão sầu muộn, ngược lại nếu thông minh thì mỗi ngày là một bình minh rực rỡ, tươi hồng.
Hãy nuôi dưỡng chúng ta bằng sự tùy hỷ, để bất cứ những gì trước mắt ta đều có thể cho ta niềm vui. Tất cả đều có sự khả ái và dễ thương của nó. Đôi mắt chúng ta nếu được nuôi dưỡng từ tâm lành bên trong thì nhìn đâu cũng thấy niềm vui, sự tùy hỷ và đáng yêu. Dù sống bất cứ nơi đâu, môi trường chung quanh nào cũng đều trở thành an lạc và hạnh phúc.
Chúng ta cần thực tập để tùy hỷ những thiện hạnh của người khác. Nó làm cho lòng mình nhẹ và thênh thang. Đôi khi có những bất như ý đến, nhưng nếu thông minh chúng ta hãy làm cho tất cả những thử thách, khó khăn đều trở thành nhẹ tênh và hạnh phúc đến với chúng ta càng ngày càng lớn hơn.
Thưa đại chúng, chuyện sau đây kể về một con dê bị rớt xuống giếng khô, không thể nào trèo lên được và cũng không ai cứu nó lên. Người ta quyết định lấp giếng lại, vì nếu để nó chết dần thì tội. Họ nghĩ ra cách là xúc đất đổ vào cho dê chết cho nhanh, giảm bớt sự hành hạ nó và cũng bớt hôi thối. Thế là người ta thay nhau xúc đất đổ xuống để chôn sống nó và lấp giếng; một hồi sau nhìn xuống họ ngạc nhiên thấy con dê vẫn còn sống, nó đứng lên cao hơn. Tức khi một xúc đất đổ lên lưng, nó lắc người cho đất rơi xuống leo đứng lên trên; vô tình người ta muốn chôn sống nó thì nó càng lúc càng lên cao, cuối cùng giếng đầy đất nó an nhiên bước ra nhẹ nhàng, thong dong. Câu chuyện rất dễ thương, rất hay và đầy ý nghĩa của cuộc sống.
Trong đời sống thường cũng như đời sống đạo, có biết bao nhiêu thử thách, sóng gió đến với chúng ta, nhất là với người tu thử thách đến càng nhiều hơn người đời. Nhưng mỗi thử thách, bất trắc đến là mỗi vá đất đổ lên lưng, để cho chúng ta nếu thông minh khéo lắc người cho vá đất kia trở thành viên gạch lót đường nâng chúng ta lên cao. Đó là cách sống, là cách ứng xử thông minh tuyệt vời nhất.
Có thể sống trong chúng ta bị xem thường, không được thương yêu, bị ngàn điều khó khăn, không ai hiểu, không ai yểm trợ nhưng chúng ta hãy nhìn bằng đôi mắt tùy hỷ, hãy trân trọng tất cả những khó khăn của người gửi đến cho mình. Hãy đón nhận, cám ơn để làm giàu có cuộc đời mình, nâng mình lên cao. Làm được điều nầy, phước lành ta lớn vô cùng. Phước và trí sẽ thành tựu trên bước đường tùy hỷ nầy.
Tóm lại, chúng ta chỉ cần có tâm tùy hỷ, vui với niềm vui của người khác, loại trừ chất tiêu cực thì tâm thức mình tự nhiên vắng mặt sân hận, vô minh và trí tuệ nở hoa. Cho nên phước trí cùng có mặt với những người có tâm tùy hỷ, tâm thương yêu và tâm độ lượng.
Chúng ta hãy đọc tiếp vào chính văn chương kinh thứ mười một.
Đức Phật dạy: “Cho một trăm người ác ăn, không bằng cho một người thiện ăn. Cho một nghìn người thiện ăn, không bằng cho người thọ ngũ giới ăn. Cho một vạn người thọ ngũ giới ăn, không bằng cho một vị Tu Đà Hoàn ăn. Cho mười vạn vị Tu Đà Hoàn ăn, không bằng cho một vị Tư Đà Hàm ăn. Cho một nghìn vị Tư Đà Hàm ăn, không bằng cho một vị A Na Hàm ăn. Cho một ức vị A Na Hàm ăn, không bằng cho một vị A La Hán ăn. Cho mười ức vị A La Hán ăn, không bằng cho một vị Bích Chi Phật ăn. Cho một trăm ức vị Bích Chi Phật ăn không bằng cho một vị Phật ba đời ăn. Cho một nghìn vị Phật ba đời ăn, không bằng cho một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng ăn.”
Thưa quí vị, công đức hữu lậu tuy lớn, nhưng thành tựu giải thoát mới là tột cùng của sự tu tập là đại ý của chương nầy. Và sau đây chúng ta lần lượt đi vào nội dung Kinh.
4. Loại trừ tâm ganh tị.
Thưa đại chúng, như tôi đã từng chia xẻ; từ trong thâm sâu chúng ta đều có chất ganh tị và tâm thức ganh tị là bản chất tự hữu của con người. Chúng ta gọi nó là tự hữu vì từ lúc còn bé cho đến bây giờ chúng ta đã được dạy và nuôi dưỡng tính chất nầy. Từ gia đình đến trường học, ra ngoài xã hội rồi bước vào môi trường tôn giáo chúng ta đều được dạy phải luôn luôn vượt thoát thân phận con người để vươn cao hơn, phải vượt thắng để đạt cho được mục tiêu phía trước. Cho nên chúng ta luôn bất mãn và không bao giờ hài lòng với những gì mình đang có, chỉ có mục đích, điều nhắm đến mới là quan trọng. Tự bản thân của những điều nầy tạo thành chất ganh tị trong nội tâm chúng ta và bên cạnh sự ganh tị, sự bất an và căng thẳng cùng có mặt.
Ganh tị là một tâm hành được lập trình được cài sẵn trong tâm thức chúng ta; nó là tính chất ngoại tại do tự con người chuốc lấy và bảo trì để luôn sống trong ganh tị rồi cũng chết trong ganh tị. Cả một đời người nếu chưa biết tu thì chúng ta mãi ganh đua, chạy vạy để so sánh, đối chiếu, lúc nào cũng thấy đẹp hơn, xấu hơn, giàu hơn, sang hơn, giỏi hơn... và tâm thức nầy đeo mang suốt kiếp cho nên chúng ta khốn khổ vô cùng cho đến cuối đời tàn hơi vẫn chưa thỏa lòng với những gì đang có.
Người đang ở trong pháp môn của Phật tu tập, phải luôn quay nhìn lại mình. Điều quan trọng làm cho ta tiến bộ trong tu học là mỗi khi nói một lời chia xẻ gì với người, hoặc muốn giúp người... chúng ta hãy nhìn kỹ lại động cơ của vấn đề muốn chia xẻ, muốn nói có phải được xuất phát từ lòng thương yêu, hay là có mặt từ bản chất của lòng ganh tị bên trong thúc đẩy. Nên ta cần cẩn trọng trong từng lời nói, từng việc làm, từng ý nghĩ của mình về người khác. Nếu chúng ta làm được điều nầy là cả một sự tiến bộ lớn lao trong vấn đề tu tập, là phương pháp làm cho ta tự hồi phục đồng thời làm cho tâm Bồ Đề mỗi ngày mỗi lớn.
Trên con đường tu, ngày càng lớn lên trong đạo vị trí có thể càng cao, đôi lúc chúng ta trở thành kẻ luôn đề phòng, lo sợ người khác dành đi chỗ đứng, địa vị, dành đi sự thương yêu kính trọng của Phật tử đối với mình. Cho nên điều cần phải lưu tâm là vị thế càng lớn ta phải luôn luôn nhìn lại mình càng kỷ hơn. Bao giờ mà tự trong thâm sâu chất liệu khiêm tốn vẫn như những ngày mới bước vào đạo thì chúng ta thành công. Nếu mỗi ngày bản ngã chúng ta càng lớn vì cho mình đã là Đại Đức, Thượng Tọa hay Hòa Thượng... ta khó chịu với sự vô lễ của người dù chỉ một chút nhỏ thôi rồi để tâm trừng trị thì biết tâm Bồ Đề đã chấp cánh bay cao.
Tâm ganh tị là bản chất rất thâm sâu của con người cho nên Đức Thế Tôn đã dạy và khích lệ chúng ta khi thấy ai làm những thiện hạnh bố thí, cúng dường chỉ cần vui với niềm vui người đang làm, chúng ta đã có đầy đủ công đức như người kia vậy. Có thể chúng ta sẽ thấy vấn đề nầy rất vô lý. Nhưng không, vì khởi tâm lành vui theo với niềm vui của người khác hay tán trợ một ai làm thiện hạnh rất là khó; khó hơn khi chính chúng ta bỏ tiền, bỏ công sức ra để giúp. Tại sao? Bởi khi chúng ta bỏ tiền của, công sức ra cúng dường, bố thí chúng ta nghĩ mình là người ban ơn, người kia là người thọ nhận, mang ơn và điều nầy làm tăng trưởng nơi ta niềm tự hào, kiêu ngạo, làm tăng trưởng bản ngã. Nhưng nếu chúng ta đứng ngoài không làm gì chỉ nhìn người ta cúng dường mà khởi niềm vui, đâu có gì làm lớn bản ngã của mình cho nên khó hơn vô cùng.
Trong những trang kinh điển Đại thừa, hay trong mọi pháp hành của nhà Phật luôn có ý khuyến khích ta hãy mở rộng tâm tùy hỷ và hạnh tùy hỷ rất là quan trọng.
5. Phước lành của sự tùy hỷ.
Hãy nhớ hạnh phúc phát sinh từ niệm tùy hỷ. Trong cuộc sống chúng ta có thể làm cho những giây phút của đời sống đong đầy hạnh phúc, nếu không làm được điều nầy thì khi nhìn những việc mà ta tiếp xúc sẽ trở thành khó chịu. Ví dụ như thấy niềm vui em bé rộn ràng, trong tâm khởi lên ý khó chịu tức khắc mọi thứ đều theo sự khó chịu lớn lên, mở rộng, đi xa. Từ ý niệm khó chịu nhỏ xíu khi nhìn đứa bé nô đùa, nghịch phá một cách bình thường, chúng ta sẽ sinh tâm bực bội là tại sao bố mẹ không dạy bảo cho nó đàng hoàng, để nó ít quậy phá và lễ độ với khách hơn. Nếu cũng việc ấy mà ngay giây phút đầu tiên chúng ta khởi trong tâm niềm vui và ý niệm tùy hỷ: “Ồ, sao đứa bé năng động, thông minh, nghịch ngợm dễ thương quá!” tức khắc hạnh phúc có mặt trong trái tim ta.
Khi chúng ta có niệm tùy thuận, vui theo với cung cách hành xử cùng ngôn ngữ thiện lành của người khác, nhìn sâu vào việc làm tốt đẹp của họ chúng ta sẽ chia xẻ và thông cảm với họ rất dễ dàng. Hay nói một cách khác khi chúng ta có trái tim mở rộng, có lòng thương yêu và tùy hỷ đối với người bạn tu của mình thì không có việc gì của người kia làm cho mình phải khó chịu. Những gì chúng ta ban tặng cho người, niềm vui của mình tùy hỷ với người, lời nói của mình tùy thuận vào việc lành với người điều đem lại quà tặng đầu tiên cho chúng ta là hạnh phúc và sự an lạc.
Phước và trí cũng thành tựu từ hạnh tùy hỷ, ví dụ phước hữu lậu cạn cợt đời thường và điều này thường xảy ra: như khi có một người bạn đồng song ở chung phòng là một thầy có duyên lớn với chúng sinh cho nên rất nhiều người thương quí. Phật tử, thiền sinh hay đem tứ sự vật phẩm đến cúng dường. Vị thầy tuy cùng ở với mình nhưng thí chủ chỉ biết đến vị ấy thôi và nếu chúng ta khởi tâm ganh tị; mỗi lần thấy bóng dáng một ai lân la đến thăm, đem quà đến dâng tặng thầy kia mình cảm thấy khó chịu, và vụng về tỏ lộ sự khó chịu ra mặt. Tâm thức không tùy hỷ nầy lần đầu tiên khi gặp phải người ta cảm nhận ngay, và lần sau họ rất sợ khi phải gặp ta. Nếu có cúng dường cho vị thầy đó họ cũng thực hiện một cách kín đáo, tế nhị không để chúng ta biết, như vậy là chúng ta không thừa hưởng được phước cạn hữu lậu.
Trong trường hợp nầy chúng ta có tu tập hạnh tùy hỷ, mở rộng lòng ra chào đón; người ta khen bạn mình một câu mình khen thêm một câu, có gì làm thất lợi cho ta đâu, không vì lý do khen thêm bạn mình một câu mà mình bị thua thiệt. Chúng ta khen có nghĩa là chúng ta tán trợ, tùy hỷ tức khắc người Phật tử kia sẽ hoan hỷ, không cảm thấy ngại ngùng tiếp xúc với bạn mình, và dĩ nhiên vừa không làm mất tín tâm Phật tử mà tự thân ta cũng hưởng lây được phước hữu lậu của người bạn đồng tu.
Chắc chắn, hạnh tùy hỷ nầy đem đến cho ta phước lành rất kỳ lạ, ta không cần giỏi như thầy kia, không cần có phước như thầy kia, không cần làm gì cả chỉ cần tùy hỷ thôi là ta đã thừa hưởng được phước hữu lậu của người kia rồi.
Chỉ ở bình diện cạn thôi, khi có tâm tùy hỷ thì phước hữu lậu đã có mặt.
6. Trí tuệ phát sinh từ tâm thức thênh thang rộng mở.
Thưa đại chúng, tâm thức chúng ta rộng mở, yêu thương lớn bao nhiêu thì năng lực trí tuệ phát triển mênh mang bấy nhiêu. Tâm thức mà bị đóng kín, chất đầy, trì nặng bởi những ganh tị, thù ghét, giận hờn, cay cú sẽ không có không gian cho trí tuệ phát sinh, không có không gian cho chúng ta học một câu kinh, một lời kệ nói gì đến việc phát triển trí tuệ.
Cho nên chúng ta có hạnh tùy hỷ trong tâm thức thì phước hữu lậu và trí hữu sư cùng có mặt ngay tức khắc. Hạnh tùy hỷ tự thân nó cũng đem đến hai điều lợi ích thiết thực là phước và trí cho chúng ta.
Các vị thầy từ quá khứ cũng như hiện tại làm được công trình hoằng pháp, độ sinh rộng lớn đều là những bậc có tâm yêu thương bao la như biển, đức tùy hỷ như không gian. Chúng ta chưa bao giờ nghe một bậc thầy lớn nào bài xích bất cứ ai, chưa bao giờ thấy một bậc thầy lớn nào trái tim họ nhỏ hẹp chỉ thương đôi ba người. Trái tim yêu thương mênh mông của họ dung chứa đủ mọi loại người, mọi truyền thống tôn giáo, cũng như mọi cấp độ tâm thức chúng sinh. Trong tâm thức các bậc thầy chưa bao giờ nẩy sinh niềm thù ghét của sự ganh tị. Đức tùy hỷ của các vị luôn tùy thuận với những việc làm, những thiện hạnh của người khác, với các bạn đồng tu...
Chúng ta đang trên con đường tu học, đang đi theo bước chân của các vị Đạo sư, những bậc thầy đầy đủ phước trí nên điều quan trọng là chúng ta hãy nhìn lòng mình từng giây, từng phút tránh không để cho tâm nẩy mầm niềm ganh tị, ghen ghét sai sử lời nói việc làm, hành động của chúng ta.
Để thực tập được thương yêu và tùy hỷ, chúng ta không cần tốn công sức, của tiền gì hết bởi vì lòng yêu thương, tùy hỷ đã có mặt trong trái tim ta, là dòng suối mật ngọt luôn tuôn tràn. Ta chỉ cần vui theo, hoan hỷ theo những thiện hạnh mà người khác làm tức khắc thành tựu hạnh tùy hỷ. Tất cả đều là tự phát đã sẵn có trong ta, chỉ những gì chúng ta tìm kiếm bên ngoài mới khó cho nên hai hạnh thương yêu và tùy hỷ nầy chúng ta đều thực tập được dễ dàng. Và sự thực tập càng lớn thì chân trời giải thoát sẽ lớn theo, đồng thời công trình hoằng pháp độ sinh, đạo hạnh của mình cũng theo nền tảng nầy lớn mạnh hơn.
7. Hữu lậu và vô lậu.
Thưa đại chúng, trong chương kinh nầy Đức Phật vận dụng bậc thang giá trị của sự cúng dường. Từ thấp lên cao, từ ác đến thiện và tầng mức giá trị nầy cứ leo từ từ lên mãi cho đến đỉnh cao tuyệt vời nhất là cúng dường cho một ngàn ức vị Phật cũng không bằng cúng dường cho một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng ăn.
Câu hỏi đầu tiên đến với chúng ta vị nầy là ai mà giá trị lớn hơn một ngàn ức vị Phật và làm sao tìm được người vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng trong cuộc đời nầy.
Địa vị tôn quí nhất trong nhân gian theo lời Phật dạy là bậc giác ngộ có đủ thập hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc... nhưng bây giờ trong văn học Kinh Bốn Mươi Hai Chương là văn học có mặt đầu tiên trong dòng văn học Hán tạng lại bảo rằng vị tôn quí nhất thế gian là Đức Thế Tôn không bằng vị “vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng.” Đây là nghi vấn thứ nhất dành cho chúng ta. Trước khi đi vào nghi vấn nầy, chúng ta cần phân biệt sự khác nhau của hữu lậu và vô lậu.
– Thế nào là hữu lậu?
Lậu là mưa dột, rớt, là chảy nước, thấm ướt, thâm nhập làm hư hoại Thánh nghiệp. Và chúng ta có hai loại phước: phước hữu lậu, phước vô lậu.
Những gì sinh ra từ hữu lậu đều đặt căn bản trên ý niệm hay hữu niệm; từ ý niệm sinh khởi nghiệp thức và từ nghiệp thức hình thành nhân quả. Từ gốc của hữu niệm, từ gốc của ý thức sẽ đưa đến kết quả là sinh diệt nên gọi là hữu lậu. Những gì được sinh ra từ ý thức đều bị ý thức sinh diệt làm thay đổi, không trường tồn, có thể đổi chiều, đổi dạng và biến mất.
Trong kinh Phật thường ví dụ phước hữu lậu như tên bắn lên thật cao, nhưng cho dù cao bao nhiêu khi mà lực đẩy của mũi tên đã hết, tên sẽ lao xuống cắm vào lòng đất càng sâu bấy nhiêu.
Phước hữu lậu cho chúng ta trong đời sống hiện tại những thành đạt lợi danh, những sung túc về vật chất... nhưng vốn sinh ra từ ý thức sinh diệt nên có lúc sẽ chấm dứt. Khi phước không còn dù chúng ta đang ở cõi trời cũng phải rơi xuống trần gian, đôi khi còn bị đọa lạc không được làm người. Cho nên phước hữu lậu vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn không thể vượt thoát được tử sinh.
Đức Thế Tôn nâng bậc thang giá trị cúng một trăm người ác không bằng một người thiện để chứng minh cho chúng ta biết một điều dù có tốn công sức tạo phước hữu lậu bao nhiêu, cuối cùng cũng bị rớt vào vòng nghiệp thức, nhân quả sinh diệt vô thường, sẽ trở đi trở lại trong cõi nhân gian nầy. Người tu chúng ta phải làm thế nào để cắt đứt được dòng chảy sinh tử luân hồi.
Con người sinh ra trong cuộc đời nầy bắt đầu những bước tập tành đầu tiên rất nhỏ như học lật, học bò, học đủ thứ... cho đến học ganh tị, học yêu thương... và không may mắn người ta đi vào đời bị xoay tròn trong cuộc tử sinh, loanh quanh chết đi rồi trở lại. Bài học nầy tuy đã học muôn vạn lần trong kiếp quá khứ vậy mà ta vẫn quên, vẫn chưa thuộc.
Nếu chúng ta tạo công đức lớn để mong kiếp sau trở lại trong nhân gian nầy, sinh ra làm người cao quí, sang giàu, danh vọng đôi lúc không phải là điều phước vì phước nầy sẽ gieo rắc đại họa cho tương lai, chúng ta sẽ bị chìm vào trong vòng xoáy của nghiệp lực thế trần khó có cơ hội giác ngộ để tu tập. Một đời người tu chỉ làm phước lực cho nhiều để kiếp sau trở lại có phước hữu lậu lớn là một đại họa. Cho nên Đức Thế Tôn dùng dẫn dụ nầy dạy cho chúng ta biết dù phước hữu lậu có như hà sa, có làm được vị Thiên Đế trên cõi trời cũng chỉ là điều nhạt nhẽo, vô vị trong đời tu không đáng cho chúng ta ham thích.
– Thế nào là vô lậu?
Nếu nền của hữu lậu được sinh từ hữu niệm thì nền vô lậu sinh từ vô niệm. Hữu niệm sinh ra nghiệp thức, nhưng vô niệm thì đoạn nghiệp và siêu việt nhân quả, cuối cùng thành tựu vô sanh. Như khi giúp đỡ người, ý thức của ta gắn chặt vào điều chúng ta giúp đỡ, ghi nhớ không những trong trí mà còn cụ thể nó trên giấy tờ ta gọi đó là hữu niệm. Nếu giúp người bằng tâm thức rất thênh thang không cần nhớ, không nghĩ cũng không bận tâm người ta còn nhớ ơn mình hay không, chỉ biết đem hết trái tim, lòng thương yêu của mình thấy người trong giai đoạn khó khăn nên chúng ta giúp gọi là vô niệm.
Hữu niệm dẫn dắt ta đến tình trạng khi ta gặp lại người ta đã từng giúp, điều đầu tiên có mặt trong ý thức là những ký ức về sự giúp đỡ hiện lại như một cuộn phim. Chúng ta bắt đầu đối chiếu, nhận diện so sánh người kia nhờ mình mới có sự nghiệp, nay gặp lại mình tỏ ra lạnh nhạt, tức khắc sinh khởi những tâm hành ghen ghét, buồn phiền, cay đắng trong lòng.
Trong khi giúp đỡ người với trạng thái vô niệm, tâm của chúng ta như nước mênh mông và những điều chúng ta giúp đỡ chỉ như lấy cây viết lên mặt nước mà chơi, không lưu lại một chút gì, dấu ấn gì trong tâm thức. Làm gì cho người xong xóa sạch không cần nhớ, sự thương yêu giúp đỡ đó xuất phát từ tâm vô niệm, không lưu lại gì gọi là đoạn nghiệp: không vướng mắc vào nghiệp ác và nghiệp lành.
Nếu một ngày nào gặp lại người mà chúng ta đã từng giúp đỡ, họ còn nhớ đến săn đón chào mời thì tốt, còn không chúng ta cũng đã quên không có gì để lưu tâm, buồn phiền cho nên ta gọi việc làm từ tâm vô niệm sạch hết nghiệp, và vì sạch hết nghiệp nên siêu việt thiện ác, siêu việt nhân quả.
Tuy nhân và quả có đến nhưng với người vô niệm thì lâng lâng như mây bay không mảy may gì dính đến vui, buồn, tốt, xấu gọi là siêu việt thiện ác. Khi con người đạt đến trạng thái tâm thức như thế là đạt đến vô sinh. Vô sinh ở cấp độ cạn là khi ta đã thi ân, nhưng đối với người thọ ân không sinh khởi bất cứ một tâm niệm gì cả thì đây chính là phước vô lậu.
Phước vô lậu là một dạng của tâm thức tu tập chánh niệm. Trong từng sát na sống với chánh niệm là làm điều gì ý thức được điều ta làm, luôn mời được sự nhận biết có mặt trong từng giây phút mà không phải đánh mất trạng thái nhận biết việc đang làm thì được gọi là sống trong chánh niệm. Và mọi việc làm đều ở trong trạng thái của vô lậu vì ngay lúc ta sống được như thế là đoạn sạch hết tất cả những nghiệp thức thiện ác, phải quấy, tốt xấu của ba cõi, sáu đường. Chúng ta chỉ cần dừng lại, mời sự nhận biết soi sáng trên từng tâm hành tức khắc đoạn dứt sinh tử, tức khắc từng sát na thở vào, thở ra chúng ta đang huân tập, đang tu phước vô lậu. Hay gọi cách khác là vô lậu nghiệp.
Vô lậu là nhân thành tựu được quả vô sinh. Vô sinh là tên gọi tổng quát chỉ cho vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng của nội dung đoạn Kinh Bốn Mươi Hai Chương nầy.
8. “Vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng.”
Là những ngôn từ mang sắc thái triết lý Lão Trang mà các bậc thầy đã mượn để chuyển dịch Kinh văn Phạn ra Hán ngữ, đưa ra thâm ý của kinh. Những văn bản đầu dịch thuật trước đời Dao Tần đến đời Đường và sau nầy trong văn học Thiền tông qua các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đến cận đại đều bàng bạc những từ “vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng” nầy. Ngôn ngữ của kinh điển và thâm nghĩa của giáo lý đạo Phật đều mượn hầu hết ngôn từ nầy để giải minh những khái niệm rất trừu tượng của triết học Ấn Độ và trong văn học nhà Thiền những từ nầy đặc biệt được trọng dụng.
Vô niệm là không có một niệm tưởng nào, ý thức lăng xăng nào sinh khởi. Chúng ta thường lầm lẫn với tâm không ngơ, chìm lặng vào khoảng không mờ mịt vô ký. Đó là lạc vào biên kiến, không phải là vô niệm của nhà Phật hay của Thiền tông muốn nói.
Vô niệm của nhà Phật là sạch hết những ý thức lăng xăng, phù động, những tiếng độc thoại hay đối thoại của ý thức lầm thầm. Nhưng sự nhận biết tỉnh sáng luôn có mặt và tồn tại. Sự nhận biết không ngôn ngữ, không lời nhưng nó nhận biết rõ những gì đang lang thang, đang diễn hành trong tâm thức chúng ta. Nếu không có sự nhận biết trong tâm thức tức chúng ta đang chìm trong hang tối mịt mờ của vô minh, của vô ký.
Cho nên phải có sự nhận biết rỡ ràng ngay nơi đây và giờ phút nầy; như thế gọi là người đang sống trong chánh niệm, đang sống với vô niệm, đang sống trong tâm Phật bản nhiên chiếu sáng thường tại của chính mình. Và sống được với trạng thái vô niệm tỉnh sáng nầy là sống trong Niết Bàn hiện tiền, an trú trong lạc pháp hiện tiền hay nói cách khác là đang an trú trong sự nhận biết mà không để ý thức chạy ra đồng hóa với cái bị biết. Cái bị biết là những gì chúng ta nhìn thấy, (như vui buồn, bất an...) còn sự nhận biết chính là mình nên chúng ta không thấy, tưởng như nó không có mặt, nhưng khi vui buồn hiện khởi ta tức khắc nhận biết ngay.
Chúng ta nếu thông minh hồi phục sự sống chánh niệm lại, luôn an trú trong trạng thái tâm nhận biết vô ngôn, nhận diện được từng trạng thái tâm hành sinh diệt đang có mặt; bấy giờ chúng ta là thể vô sinh, bất diệt đang chiếu kiến, đang soi sáng những tâm hành bên ngoài. Khi liễu tri và đủ niềm tin rằng vô niệm là tự thể không sinh, không diệt của mình vốn chiếu sáng và hiện tiền trong bất cứ phút giây nào, chỉ cần hồi phục lại là có, tức khắc chúng ta nhận được điều vô niệm cũng chính là “vô trụ.”
Khi sống với vô niệm hiện tiền chúng ta sẽ thấy tâm không dính vào bất cứ gì thì đó là vô trụ. Như thế có gì gọi là tu nếu chúng ta làm được việc nầy. Ta cứ nghĩ. Tu là phải kềm chế, sửa đổi, chuyển hóa, có việc để làm, nhưng với cách an trú tâm như vậy chúng ta đâu có gì để làm. Chỉ có một điều khi vật gì đến trước mắt chúng ta nhìn biết, quan sát mà không dính với nó. Bất cứ tâm hành gì khởi lên ta nhận diện đơn thuần về sự có mặt, đến, đi của nó mà không làm gì thêm. Đó gọi là không tu, là “vô tu.”
Chúng ta sinh ra trong đời nầy, đều có khả năng nhận biết giống nhau. Một người có tri thức nhiều do vì đã được sống nhiều năm trong trường lớp, học đường cho nên khi nhìn thấy một đóa hồng thì diễn dịch ngàn vạn điều, khởi ý thức thì thầm một tràng dài về nó. Đó là trí tuệ hữu sư nhận biết. Nhưng với một người không học thì khi nhìn chỉ nhận biết đơn giản đó là bông hồng thế thôi.
Đây là điều rất là khác biệt giữa trình độ nhận biết bằng ý thức, bằng suy nghiệm và sự nhận biết mà không suy nghĩ, không diễn dịch.
Ví dụ anh là kiến trúc sư, khi nhìn một ngôi nhà tự nhiên với khả năng kiến trúc anh biết ngay về cấu trúc của nó, không gian dài rộng bao nhiêu... nhưng đối với người không học tuy có nhìn thấy như anh nhưng chỉ nhận biết đơn thuần mà không diễn dịch gì cả. Cho nên sự khác biệt giữa ý thức diễn dịch khác nhau nhưng cái nhìn, cái nhận biết thì đồng đẳng như nhau.
Sự nhận biết sáng ngời, rạng rỡ vô niệm đồng đẳng cho người ngu cũng như kẻ trí, già cũng như trẻ, giàu cũng như nghèo, người ốm như người mập. Đó là khả năng giác ngộ tự hữu chúng ta vốn có nhưng chúng ta quên nên có gì đâu để gọi là “đắc” là “chứng.”Thế nên, ở đây lời Kinh gọi vị ấy là: “Vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng” là như vậy.
Thưa quí vị, chúng ta đã chia xẻ từ cấp độ cạn thế nào là hữu lậu cho đến vô lậu, và cũng nắm được gì là hữu lậu, gì là vô lậu ở cấp độ thâm sâu.
Chúng ta nên nhớ Đức Phật là bậc phước trí toàn vẹn. Người tu chúng ta nắm được lý nhưng không bao giờ được rời sự. Nắm được “lý” là nhận chân được tự thể vô niệm, tự thể Phật không sinh, không diệt của mình thì đối với “sự” có thể không cần làm gì cả.
Tuy nhiên trên con đường tu, phước hữu lậu có công năng rất kỳ diệu là chuyên chở biết bao điều kiện tốt lành giúp chúng ta thành tựu con đường tu một cách vững vàng. Chưa bao giờ có một người tu không có phước hữu lậu mà đi trọn con đường tu. Phước hữu lậu tuy được làm bằng ý thức sinh diệt nhưng ý thức sinh diệt nầy có công năng lớn lao là làm nền tảng căn bản xây dựng môi trường tu học để chúng ta trau giồi và thăng tiến đời sống hạnh phúc tâm linh.
Cá cần nước như thế nào cũng như chúng ta cần điều kiện, môi trường sống của tăng thân như vậy. Môi trường ta sống, tăng thân ta tu học yên lành, hài hòa, thương yêu đều được đặt trên nền tảng phước hữu lậu. Cho nên ngộ được lý bất sinh bất diệt của tự tâm, chúng ta vẫn phải tu sự; thực hành tất cả pháp lành, những thiện hạnh để gầy dựng nền tảng hữu lậu cho đời sống tu tập của chúng ta.