Chương 36: Hạnh Phúc Con Đường Tâm Linh

13/06/201012:00 SA(Xem: 13740)
Chương 36: Hạnh Phúc Con Đường Tâm Linh

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG 
Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG XXXVI
HẠNH PHÚC CON ĐƯỜNG TÂM LINH

Thưa đại chúng,
Chúng ta sẽ đi vào chương ba mươi sáu có tên là Hạnh Phúc Của Con Đường Tâm Linh.

A. CHÁNH VĂN.

Phật ngôn: “Nhân ly ác đạo, đắc vi nhân nan. Ký đắc vi nhân, khử nữ tức nam nan. Ký đắc vi nam, lục căn hoàn cụ nan. Lục căn ký cụ, sanh trung quốc nan. Ký sanh trung quốc, trị Phật thế nan. Ký trị Phật thế, ngộ đạo giả nan. Ký đắc ngộ đạo, hưng tín tâm nan. Ký hưng tín tâm, phát bồ đề tâm nan. Ký phát bồ đề tâm, vô tu vô chứng nan.”

Đức Phật dạy: “Kẻ rời bỏ ác đạo được làm người là khó. Làm được thân người mà bỏ được thân nữ, làm được thân nam là khó. Làm được thân nam rồi mà sáu giác quan đầy đủ là khó. Sáu giác quan đủ rồi mà sinh sống ở nơi văn minh là khó. Sinh sống ở nơi vùng văn minh rồi mà gặp được Phật là khó. Gặp được Phật rồi mà ngộ Đạo là khó. Ngộ Đạo rồi mà khởi được niềm tin là khó. Khởi được niềm tin rồi mà phát tâm Bồ Đề là khó. Phát tâm Bồ Đề rồi mà đạt đến vô tu vô chứng là khó.”

B. ĐẠI Ý.

Bài kinh nầy Phật dạy “chúng ta phải vượt qua các khó khăn để thành tựu quả giải thoát và hãy cảm nhận được điều kiện hạnh phúc có mặt quanh ta và trong ta.”

Thưa quý vị, chúng ta hãy dùng những điều khó này quay nhìn lại bản thân mình để cảm nhận niềm hạnh phúc đang có mặt trong đời tu của chúng ta.

C. NỘI DUNG.

1. Có được thân người không dễ.

Bước vào nội dung chúng ta sẽ thấy chương Kinh ba mươi sáu nầy có ý nghĩa trùng hợp với chương mười hai có hai mươi điều khó. Và chương mười một nói đến cấp độ cúng dường, những phước đức của người cúng dường; từ người thọ giới tới người xuất gia cho đến người chứng quả. Và cuối cùng công đức lành nhất của người cúng dường là được cúng dường một đạo nhân vô niệm vô trụ, vô tu vô chứng. Chương nầy cũng trùng ý với chương thứ hai ở từ “vô niệm, vô tác, vô tu, vô chứng.”

Tôi trích dẫn những điều trùng lập trên để quý vị ghi nhận một điều quan trọng là quả vị Giác ngộ, quả vị Bồ Đề đối với văn học Kinh Bốn Mươi Hai Chương thì quả vị đó vẫn bị coi nhẹ hơn một bậc so với vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng.

Thường khi đọc những bài sám chúng ta hay bắt gặp câu: “Tam đồ bát nạn câu ly khổ.”có nghĩa là vượt thoát được ba đường khổ và tám nạn. Ba đường là Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh. Tám nạn là tám chướng ngại làm con người không thể đến với đạo.

Chướng ngại đầu là: “Nhân ly ác đạo đắc vi nhân nan.” Chúng ta rời được con đường của súc sinh, của ngạ quỷ, khổ não địa ngục để được thân người cực kỳ khó khăn. Mỗi kiếp sống đi qua chúng ta may mắn không nhớ những kiếp quá khứ đã từng làm những loại động vật rất bé mọn. May mắn là vì quên được khổ đau, thù hận quá khứ cho nên khi sanh lại tâm thức chúng ta có cơ hội làm mới lại ngay từ đầu. Nhưng có một điều không thuận lợichúng ta quên khổ đau của nhiều kiếp tử sinh, nên kiếp này lại buông thả, không thấy được làm người là điều tuyệt vời rồi phung phí một đời người trong cuộc sống nổi trôi rất uổng.

Nếu chúng ta không khéo tu, không những kiếp tương lai rớt vào những loài động vật thấp, mà còn không biết cơ hội nào mình mới có được thân người để phát tâm lành tu tập. Trăm năm của nhân gian chỉ trong thoáng chốc, đời người mong manh cho nên các vị hãy quán chiếu con đường dài tử sinh. Đôi khi chỉ cần nhận thức một cái khó đầu tiên này là chúng ta đã phát tâm dũng mãnh để tu.

Chúng ta hãy nhớ lời Kinh “được làm người là khó” để trân quý mạng sống của mình, và hãy thử nhìn lại xem đã làm được gì cho chính mình trong suốt kiếp người này. Khi chúng ta tự đặt lên câu hỏi thì đã biết thương mình như thế nào và chắc hẳn sẽ làm được nhiều điều ích lợi cho đời sống của chính ta. Nếu không làm được lợi ích gì cho tự thân thì tối thiểu chúng ta cũng không nỡ vung vãi những đau khổ lên bao nhiêu người chung quanh cùng là thân phận sinh tử chìm nổi như nhau.

2. Thuận lợi của thân nam.

“Ký đắc vi nhân khứ nữ tức nam nan.” Đọc câu này lên chúng ta thấy văn học ngày xưa rất kỳ thị nữ giới.

Trong văn hóa Đông phương hay Tây phương có những vùng văn hóa mẫu hệ thì sự kỳ thị nữ giới không có mặt hay nếu có cũng rất ít. Tính kỳ thị này được phát nguồn từ nền văn hóa du mục ở phương bắc Trung Hoa. Trong văn học của đạo Phật nhất là Bắc tạng tức là văn học Hán tạng tính kỳ thị rất cao. Khi nền văn minh Trung Hoa hình thành, cộng đồng cư dân du mục phương Bắc tràn về phương Nam, tuy đã giảm bớt tính kỳ thị, nhưng quyền chủ động của văn hóa du mục vẫn còn đậm nét trên mọi lĩnh vực. Do vậy, nên khi kinh sách đạo Phật được chuyển dịch đi ngang qua dòng văn hóa Trung Hoa tính kỳ thị nầy thấm vào rất rõ. Vì vậy, văn bản kinh điển có nêu lên điều nầy cũng là lẽ tự nhiên.

Những nhà động vật học khi khảo sát khả năng và hạn chế của giới tính họ đều có một kết luận chung rằng: Những sinh vật đực sức chịu đựng không cao, tuổi thọ ngắn và những sinh vật đực dường như sự thương yêu con rất ít, trong khi loài động vật cái sức sống bền bỉ, tuổi thọ cao, nặng tình cảm và luôn có trách nhiệm nuôi dưỡng lo lắng cho con cái. Từ đặc tính chung của loài động vật cho người ta thấy rằng đời sống của con người trên nhân gian đều cùng một nguyên tắc như vậy.

Trong đời sống gia đình ngay từ bên trong đã có sự khác biệt và mâu thuẫn về tâm lý. Nam giới thường đến với phái nữ bằng sắc dục, trong khi nữ giới thì thiên trọng về tình cảm. Tự trong sâu thẳm của tâm lý hai phái nam nữ tâm lý đã có sự xung khắc tiềm phục từ ban đầu nhưng người ta không nhận ra vì sức hút của năng lượng ái dục.

Đối với người đàn bà họ có thể bỏ chồng rất dễ dàng nhưng bỏ con không dễ. Khảo sát về hiện tượng sinh lý, tâm lý điều nầy đều đúng, vì đứa con là tác phẩm của người đàn bà, được sinh ra từ người đàn bà. Đứa con là máu thịt của họ, là sợi dây gắn liền với họ. Cho nên tự thân giới tính đã có một hạn chế rất lớn cho con đường tâm linh của nữ giới. Hạn chế nầy làm cho người đàn bà không thể cắt bỏ một lần tất cả để đi thẳng tắt vào đời sống tâm linh.

Nữ giới bước vào đường tu thường đặt nặng tình cảm, niềm tin vào vị thầy và có đặc tính nương tựa tình cảm. Thế nên khi vị thầy có điều gì sai phạm,vụng về làm đổ vỡ niềm tin thì cũng đổ vỡ luôn lý tưởng tu của họ. Trong khi phái nam tình cảm gắn bó của họ đối với thầy rất nhẹ, thầy không tu được là chuyện của thầy còn đường tu của ta, ta cứ đi. Tuy nhiên, có mặt thuận lợi cho phái nữ để tu là tâm thức người nữ mẫn cảm hơn nam. Niềm tin của họ sâu chắc khi khởi phát nên khi gặp được chánh pháp, gặp vị thầy giỏi thì niềm tin họ tuyệt đối không bị lay động. Vì vậy trên con đường tâm linh họ ít bỏ cuộc. Một ưu điểm nữa của nữ giới là từ cấu trúc cơ thể và tâm lý giỏi chịu đựng, nặng cảm tính, trực giác bén nhạy, nhưng không suy lý viển vông và khả năng thụ động đón nhận rộng mở hơn nam, nên khi tu tập Thiền định tâm thức họ dễ lóng lặng hơn, dễ đạt được định hơn.

Tuy hạn chế vấn đề giới tính nhưng nếu nhìn vào lịch sử đạo Phật trong quá khứ lúc Đức Thế Tôn tại tiền thì rất nhiều vị Tỳ Kheo Ni chứng thánh quả A La Hán. Về trí tuệ thần thông, dũng lực các vị Ty Kheo Ni có thừa.

Trực giác bén nhạy và thiên trọng về tình cảm là hai yếu điểm của nữ giới. Hơn nữa cấu trúc cơ thể người nữ vốn sinh ra để làm mẹ nên từ bản chất mềm dịu đó họ rất nhạy cảm với điều kiện thời tiết, tình cảm. Và những bất thường trong tình cảm của người nữ, nếu khéo khắc phục được tức vượt được hạn chế của giới tính.

Thưa quí vị, chúng ta cũng không nên dị ứng với ngôn ngữ trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương nầy xử dụng: “Phải có được thân nam.” Ta vẫn cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi được làm thân người và cũng thấy hạnh phúc vô cùng khi làm người nữ. Nếu tâm Bồ Đề chúng ta mạnh thì trong hình hài nào, điều kiện nào cũng tu được cả. Chúng ta nên có con mắt trạch pháp để học văn học Kinh, nếu không thì sẽ nuôi lớn mặc cảm tự ti và tham vọng trong trái tim mình. Và khi những tâm hành ấy có mặt thì không thể thấy hạnh phúc được dù ở trong bất cứ hình thể nào, hoàn cảnh nào.

3. Phước lành của sáu căn nguyên vẹn.

– “Được làm thân nam mà sáu căn đầy đủ.”

Một hình hài mà cấu trúc không hoàn thiện thì điều phát sinh tất nhiên là tâm lý chúng ta cũng tật bệnh. Nếu đạo Phật có thể chọn người để tu mà giữ được giới dâm trọn vẹn thì cho những người không phải nam, không phải nữ đi tu chắc chắn là họ không phạm giới dâm. Thế nhưng trong Pháp chế của nhà Phật không bao giờ cho phép nhận những người không hoàn thiện như vậy. Hoặc anh phải là nam hoàn toàn hay phải là nữ hoàn toàn mới được vào tu.

Trong pháp quy thọ Tỳ kheo có nhiều câu khảo hạch của giới sư để loại bỏ những người cơ thể sinh lý không hoàn thiện. Nếu cơ thể có một khuyết tật đương nhiên người ấy không được thọ Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo ni giới. Đây là pháp chế tuyển Tăng của Đức Thế Tôn. Dĩ nhiên những khuyết tật hay bất thường về sinh lý dễ dẫn dắt đến bất thường và phức tạp của tâm lý.

Trong đạo Phật ở bình diện cạn thì niềm tintín ngưỡng cho phép thu nhận mọi thành phần nhưng ở bình diện cao hơn, để thành tựu được con đường tâm linh đòi hỏi con người phải đầy đủ trí tuệ. Không có trí tuệ không thể tu được. Nếu thân sinh lý không cân bằng, tâm lý sẽ không ổn định rất khó để điều phục và tịnh hóa.

Trong một đoàn thể Tăng già tu tập hài hòa như thế nầy người tâm thức bất thường và bệnh hoạn đi vào thì không thể đem hạnh phúc cho mình, cho đại chúng được. Đôi khi có những trường hợp hình hài tuy đẹp đẽ nhưng thương tật tâm hồn. Và điều này chúng ta thấy đã phát sinh ra nhiều hỗn loạn trên hành tinh này. Ví thử một người đã lập gia đình có bốn năm người con nhưng đến một lúc nào đó họ không thích làm nam nữa mà thích làm nữ và ngược lại. Những điều làm nên những tật bệnh tâm hồn này cũng thường có mặt trong một hình hài nam hoặc nữ rất hoàn thiện. Có những người sáu căn đầy đủ, hình hài đẹp đẽ nhưng bị thương tích từ bên trong tâm thức do hai điều tạo thành là thức ăn và tình cảm của gia đình nuôi dưỡng. Đây là những điều khá phức tạp đang thách thức nhiều giới nghiên cứu của xã hội Âu, Mỹ hiện tại.

4. Có được điều kiện tốt lành.

– Có được thân nam sáu căn đầy đủ và sinh trưởng ở vùng trung tâm văn hóa.

Ngày xưa người ta hay nghĩ là sinh ở Trung Quốctrung tâm văn hóa nhưng thực tế không phải vậy. Mỗi quốc gia đều có nền văn hóa khác và một trung tâm văn hóa khác nhau. Ví dụ như văn hóa nước Việt Nam, ngày xưa Hà Nội là thủ đô và trở thành trung tâm văn hóa, cho nên phía Bắc Hà Nội người ta gọi là Kinh Bắc, sau Kinh đô được dời về Huế thì Huế là trung tâm văn hóa.

Tại sao sinh ra những nơi nầy gọi là những người có phước? Bởi vì đời sống của những người phố thị trình độ tri thức, cách hành xử mọi đều cao hơn đời sống của miền quê rất xa. Chẳng hạn như chúng ta nghe người Hà Nội nói chuyện dù họ không giàu sang, quý phái gì nhưng khả năng ăn nói, ngôn ngữ họ xử dụng, cách hành xử của họ rất lịch thiệp...

Chúng ta không có duyên lành, không sống trong những vùng được xem là trung tâm văn hóa, không tiếp xúc được với sự phát triển văn hóa thì đời sống không cách gì nâng cấp lên được. Và sẽ thấy sự thiệt thòi tất yếu khi ở trong những vùng thiếu điều kiện văn minh, văn hóa chậm phát triển nên gọi là có phước khi sinh ra ở những nơi thuộc trung tâm văn hóa.

Dĩ nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt khi nhìn lại những vị thầy sinh ra ở những vùng rất quê vậy mà phước duyên lớn, ông thoát được những điều kiện khó khăn ở nơi đó để trở thành tài giỏi, đạo hạnh và rất nổi danh. Cho nên sự thiệt thòi nhiều lúc không phát sinh từ điều kiện sinh trưởng mà từ trái tim chúng ta, từ phước nghiệp gieo trồng.

Trái lại, những người được sinh trưởng trong những nền văn minhđiều kiện phát triển tri thức, văn hóa cao mà họ lại cố chấp, trái tim họ đóng cứng lại không vươn lên được. Chúng ta hãy nhìn lại để cảm thấy rất hạnh phúc là đã được sinh ra trong điều kiện hoàn hảo, tiếp cận và nếm được hương vị của pháp.

5. Gặp được Phật pháp.

– “Trị Phật thế nan”: sinh ra đời gặp được Phật là khó.

“Sinh bất phùng thời.”, chúng ta hay dùng câu này để than thân trách phận là sinh ra không gặp Phật có mặt ở đời như trường hợp Ngài Huyền Trang đến Bồ Đề Đạo Tràng đảnh lễ cây Bồ Đề. Ngài khóc than: “Khi Thế Tôn ra đời con còn trầm luân trong cõi luân hồi, Thế Tôn nhập Niết Bàn thì con mới có mặt trên nhân gian. Hôm nay con đảnh lễ cây Bồ Đề nhưng buồn làm sao tự thương thân mình không gặp được Phật.”

Thưa quý vị, có những người sinh ra cùng thời với Phật mà không nếm được hương vị pháp của Đức Thế Tôn. Họ xa lánh, thù ghét Phật vô cùng. Đến bây giờ ánh sáng chánh pháp cũng không phải là không có mặt vậy mà vẫn có người không ưa gì đạo Phật, không ưa gì chánh pháp.

Nếu có người sinh cùng thời với Phật nhưng không gặp được Phật thì cũng có trường hợp sinh cách Phật rất xa nhưng vẫn gặp Phật, điều này có thể xảy ra nếu chúng ta gặp duyên lành.

Chúng ta ngày hôm nay tuy không sinh cùng thời với Phật nhưng may mắn gặp được Phật pháp; phát tâm lành học hỏi tu tập, nếm được hương vị chánh pháp, là chúng ta đã gặp được Phật. Đó là điều mình phải nhìn lại đời sống tự thân đang hạnh phúc mà trân quý sự tu học.

6. “Ngộ Đạo giả nan.”: gặp đạo rất khó.

Gặp Đạo ở đây có nghĩa là gặp được chánh pháp hay gặp Phật phápphát nguyện tu học.

Thưa, chúng ta có duyên rất lớn mới gặp được Tam Bảo. Có thể chúng ta gặp được Thầy và phấn đấu khổ nhọc để được xuất gia; rồi vào chùa nhưng chưa chắc chúng ta gặp được chánh pháp, gặp được vị thầy dạy mình học, mình tu để mở được con mắt pháp của chính ta.

Nếu chúng ta vào chùa, vào một tự viện mà thầy ta chỉ lo kiếm tiền xây chùa, đúc tượng làm việc xã hội thì một năm, hai năm sống trong môi trường đó tâm thức chúng ta từ từ bị nhuộm chất hướng ngoại. Chúng ta không còn khả năng quay lại, không có thì giờ “hồi quang phản chiếu” lại chính mình; để học, để tu. Thế nên gặp Phật pháp ở đây là gặp được con đường tâm linh, gặp được bậc Đạo sư tức là bậc Thiện trí thức dìu dắt, hướng dẫn chúng ta đạt thẳng vào tâm Phật bất động. Ngộ đạo đúng nghĩa ấy là người thể ngộ được tâm; từ dùng của thiền tông là “Kiến tánh.”

Khi đã có duyên may gặp Phật pháp để tu học, chúng ta phải phát nguyện làm hai điều: thứ nhất là học Phật pháp, và đừng bằng lòng với những gì chúng ta đã gặt hái được. Gia tài Phật pháp học không bao giờ hết, dòng sông chảy mà không có nhánh sông đổ vào tiếp nước liên tục thì dòng sông sẽ cạn. Nếu chỉ ôm vào một pháp môn tu cho là đủ, không cần học gì thêm thì chúng tatội phạm của đạo Phật. Chúng ta không học thêm là tự mình đóng kín cánh cửa tri thức. Tự mình không lợi ích, và không đóng góp cho dòng chảy Phật pháp sống còn.

Nếu khả năng học ta đã tự có thì chúng ta phải đào xới vùng đất tri thức của tự thân, tìm tòi, khai phá làm cho Phật pháp có mặt và chảy qua những thế hệ khác. Dĩ nhiên, vấn đề học hỏi chữ nghĩa chỉ là bước đầu, điều quan trọng là chúng ta phải thực tập thế nào để Phật pháp thấm vào thân tâm của mình, xương tủy của mình.

7. “Gặp được Đạo, phát khởi tín tâm là khó.”

Thông thường chúng ta đều nghĩ những người xuất gia rồi thì suốt đời họ có niềm tin chắc thật vào Tam Bảo, nhiều khi không phải vậy. Đôi khi có những cư sĩ niềm tin Phật pháp của họ rất mạnh, trong khi có những Thầy, Cô phát triển vấn đề học Phật rất cao, nhiều văn bằng, học vị... nhưng niềm tin của họ vào Tam Bảo không đủ sâu. Cho nên chúng ta phải thường quay lại nhìn vào niềm tin của chính mình và thử hỏi lòng xem đủ chắc thật chưa? Chúng ta có thể giảng giải Phật pháp rất hay, lý luận rất giỏi nhưng cái gốc là niềm tin nơi Phật chúng ta chưa đủ sâu. Tin tưởng vào năng lực của Đức Phật, các vị Bồ Tát đôi khi không phải dễ, huống hồ quay về bên trong phát khởi niềm tin chính nơi tâm mình có chất Phật, là Phật điều nầy cực kỳ khó. Niềm tin nầy là một điều khó phát sinh vô cùng nơi tâm thức của chúng ta nhưng lại dễ vỡ vô cùng khi chúng ta tiếp xúc với những điều bất như ý.

Đối với cư sĩ Phật tử, dạy dỗ hướng dẫn làm khởi phát niềm tintrách nhiệm ở nơi người tu chúng ta. Nếu tự ta niềm tin sâu dày vào Tam Bảo chưa có mặt thì ta không thể kích phát được điều ấy nơi người. Hậu quả sẽ đến là làm thất vọng, đổ vỡ niềm tin nơi bao người đến với ta.

Thưa đại chúng, tâm thức chúng ta có khuynh hướng chạy ra bên ngoài, điều gì hướng ra bên ngoài, làm gì bên ngoài chúng ta làm rất dễ. Nhưng khi quay lại bên trong để tu, để chuyển hóa tâm thức sao thấy xa vời vợi. Chúng ta thấy chẳng có gì hứng thú, chẳng có gì thay đổi khác thường, không thấy có gì là thành đạt để tự hào, kiêu hãnh nên chúng ta khó đi vào công phu nội quán. Và phát khởi tín tâm đối với Tam Bảo bên ngoài đã khó nên phát khởi tín tâm với chính năng lượng bên trong ta, tin rằng tâm nầy là Phật càng khó hơn vạn lần.

8. “Khởi được tín tâm, phát Bồ Đề tâmthành tựu Thánh hạnh vô tu, vô chứng.”

Con đường thực tập chánh niệm chính là con đường chúng ta đang quay trở về với tâm Bồ Đề bản nhiên. An trú nơi sát na hiện tiền có nghĩa là không còn có ý niệm ta, người loại trừ bản ngã. Tất cả những con đường của Bồ Tát hạnh đều có chung một điểm là loại trừ bản ngã. Kinh văn A Hàm có một câu Phật dạy rằng: “A Nan! Như Lai nhiều kiếp tu không quán”.Văn học Đại thừaKim cang thừa cũng giảng giải: “Bồ đề tâm, Đại bi tâm, Đại nguyện lực đều phát sinh từ thành tựu không quán.” Do vậy, tu tập, quán chiếu thành tựu vô ngã là điều sâu xa tột cùng và cực kỳ khó khăn của con đường tâm linh.

Thưa đại chúng,

Từ chương Kinh ba mươi sáu Đức Phật dạy về các điều khó, chúng ta hãy nhìn lại tự thân để thấy mình là những người hạnh phúc nhất.

Ta đã có được thân người, có được sáu căn đầy đủ, có được duyên may xuất gia, có được duyên may lớn hơn nữa là gặp được chánh pháp, nắm được pháp môn để hành trì cùng những điều kiện thuận lợi đang trải ra chung quanh, dưới chân quí vị, bên trong quí vị.

Chỉ có một điều duy nhất còn lại chúng ta phải làm là phát tâm dũng mãnh tu tập, bằng không ta thả trôi cuộc đời lềnh bềnh kiếp nầy hứa hẹn đến kiếp khác, trôi lăn mãi trong tử sinh không biết bao giờ mới về được đến nhà, như hai câu thơ của Ngài Trần Thái Tông nhắn nhủ:

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật mộ hương quan vạn lý trình.
Phong trần thất thểu làm thân khách,
Muôn dặm xa quê cuộc viễn trình.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57132)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.