- Chương I. CHÁNH KIẾN – Giới thiệu
- Chương II. RÈN LUYỆN CÁ NHÂN – Giới thiệu 63
- Chương III. ĐỐI TRỊ SÂN HẬN - Giới thiệu
- Chương IV. CHÁNH NGỮ
- Chương V. TÌNH BẠN TỐT ĐẸP – Giới thiệu
- Chương VI. LỢI LẠC CHO MÌNH và LỢI LẠC CHO NGƯỜI KHÁC - Giới thiệu
- Chương VII. CỘNG ĐỒNG THÀNH LẬP CÓ CHỦ ĐÍCH - Giới thiệu
- Chương VIII. TRANH CHẤP
- Chương IX. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
- Chương X. THIẾT LẬP MỘT XÃ HỘI CÔNG BẰNG
- LỜI KẾT
9 - CHIA RẼ TĂNG ĐOÀN/ PHÁ HÒA HỢP TĂNG
Tôn giả Upāli (Ưu-ba-li) đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên, và bạch rằng :
- Bạch Thế Tôn, nghe nói rằng: ‘Phá hòa hợp Tăng, phá hòa hợp Tăng.’ Bạch Thế Tôn như thế nào là phá hòa hợp Tăng ?
- Này Upāli, ở đây, (1) các Tỷ-kheo thuyết giảng những điều không phải là Chánh pháp (/phi pháp) là Chánh pháp. (2) và Chánh pháp là phi pháp . (3) Họ giải thích những điều không phải Giới luật ( /phi luật ) là Giới luật (4) và Giới luật là phi luật. (5) Họ giải thích những điều Như Lai không nói và tuyên thuyết như là những điều Như Lai đã nói và tuyên thuyết, và (6) những điều Như Lai đã nói và tuyên thuyết là không phải do Như Lai nói và tuyên thuyết. (7) Họ giải thích những điều Như Lai không hành trì là những điều Như Lai đã hành trì, và (8) những điều Như Lai đã hành trì là những điều Như Lai không hành trì. (9) Họ giải thích những điều Như Lai không qui định là những điều Như Lai đã qui định, và (10) những điều Như Lai đã qui định là những điều không phải do Như Lai qui định.
Dựa trên mười cơ sở này họ rút lui và tách riêng ra khỏi Tăng đoàn. Họ thực hành các luật lệ riêng và tụng đọc Giới bổn Pātimokkha khác biệt. Này Upāli,
chính bằng cách này nên có sự phá hoà hợp Tăng.
- Bạch Thế Tôn, được nghe nói rằng: ‘Hòa hợp Tăng, hòa hợp Tăng.’ Bạch Thế Tôn như thế nào là hòa hợp Tăng ?
- Này Upāli, ở đây, (1) các Tỷ-kheo thuyết giảng những điều phi pháp là không phải Chánh pháp. (2) và Chánh pháp là Chánh pháp . (3) Họ giải thích những điều không phải Giới luật (/phi luật ) là không phải Giới luật (4) và Giới luật là Giới luật. (5) Họ giải thích những điều Như Lai không nói và tuyên thuyết như là những điều Như Lai không nói và tuyên thuyết, và (6) những điều Như Lai đã nói và tuyên thuyết là những điều Như Lai đã nói và tuyên thuyết. (7) Họ giải thích những điều Như Lai không hành trì là những điều Như Lai không hành trì, và (8) những điều Như Lai đã hành trì là những điều Như Lai đã hành trì. (9) Họ giải thích những điều Như Lai không qui định là những điều Như Lai không qui định, và (10) những điều Như Lai đã qui định là những điều Như Lai đã qui định.
Dựa trên mười cơ sở này họ không rút lui và tách riêng ra khỏi Tăng đoàn. Họ không thực hành các luật lệ riêng hoặc tụng đọc Giới bổn Pātimokkha riêng. Này Upāli, chính bằng cách này nên có sự hoà hợp Tăng.
Vào dịp khác, Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên, và bạch rằng :
- Bạch Thế Tôn, khi một người phá hoại một Tăng đoàn hòa hợp, điều ấy đem đến quả báo gì ?
- Người ấy tạo tội ác kéo dài một kiếp.
- Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là tội ác kéo dài một kiếp ?
- Người ấy bị hành hạ trong địa ngục trọn một kiếp.
Kẻ phá hòa hợp Tăng bị rơi vào đoạ xứ
Bị rơi vào địa ngục, và ở đó trọn một kiếp.
Ưa thích gây chia rẽ, an nhiên trong phi-Pháp
Kẻ ấy không được an ổn xa lìa mọi hệ lụy.
Sau khi đã phá hòa hợp Tăng,
Kẻ ấy bị hành hạ trong địa ngục trọn một kiếp.
Rồi Tôn giả Ānanda hỏi tiếp :
- Bạch Thế Tôn, khi một người hòa giải một Tăng đoàn bị phân hóa, điều ấy đem đến quả báo gì ?
- Người ấy tạo được công đức siêu phàm.
- Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là công đức siêu phàm ?
- Này Ānanda , người ấy được sống hoan hỷ trên Thiên giới trọn một kiếp.
Vui thay hòa hợp trong Tăng đoàn,
Và những người sống trong hòa hợp hỗ trợ nhau,
Vui thích trong hòa hợp, an trú trong Chánh pháp,
Người ấy được an ổn xa lìa mọi hệ luỵ
Sau khi đem lại hòa hợp cho Tăng đoàn,
Người ấy hoan hỷ trên Thiên giới trọn một kiếp.
( Tăng Chi BK IV, Ch X, (IV): 35-40, tr338-342 )