Truyền Thừa Barway Dorje Và Truyền Thừa Barom Kagyu (Phần 2)

31/10/20213:49 SA(Xem: 3059)
Truyền Thừa Barway Dorje Và Truyền Thừa Barom Kagyu (Phần 2)
TRUYỀN THỪA BARWAY DORJE VÀ TRUYỀN THỪA BAROM KAGYU (Phần 2)
Bardor Tulku Rinpoche[1] giảng ở Arizona tháng 1/2010
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

blank Nhìn chung, chúng ta có thể nói rằng có hai phần trong truyền thừa Barom Kagyu: truyền thừa truyền miệng dài và truyền thừa ngắn của linh kiến sâu xa. Truyền thừa dài là điều vốn được thọ nhận bởi Pháp chủ Sonam Zangpo. Ngài Sonam Zangpo là một trong hai đệ tử chính yếu của đạo sư của Ngài, vị trì giữ Barom Kagyu, người được gọi là Marmo Sonam Dondrup và cũng là vị đã thành lập trụ xứ tu sĩ ban đầu tại Kyodrak Utse. Đức Marmo Sonam Dondrup có hai đệ tử chính, những vị được gọi là đệ tử như mặt trờimặt trăng. Đó là Pháp chủ Sonam Zangpo, vị đã dành cả đời để thực hành tại Tu viện Kyodrak và Pháp chủ Trungmase Lodro Rinchen, vị thành lập Tu viện Surmang. Vì thế, về một mặt nào đó, cả hai Tu viện Kagyu vô cùng quan trọng này là kết quả của truyền thừa truyền miệng dài của Barom Kagyu. Những Tu viện này được thành lập từ 700-800 năm trước và kể từ đó, chúng vẫn tiếp tục trong truyền thống được làm phong phú bởi các linh kiến của Đức Barway Dorje.

Những giáo lý Barom Kagyu, giống như giáo lý của tất cả bốn phần chính và tám phụ của Kagyu, là giáo lý Đại Thủ Ấn được ban bởi Tổ Gampopa. Tất cả những giáo lý này vốn đến từ Tổ Gampopa; vì thế, chúng ta có thể xem bốn phần chính và tám phụ giống như bốn người con và tám cháu trong một gia đình. Mỗi truyền thừa này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và nhiều truyền thừa rất nổi tiếng. Barom Kagyu vẫn tồn tại; tất cả bốn phần chính vẫn còn; và tám nhánh [phụ] cũng vậy. Trong đó, nhiều truyền thừa rất nổi tiếng với các bạn. Karma Kagyu là một trong bốn phần chính; Drikung Kagyu và Drukpa Kagyu là hai trong tám phần phụ và nổi tiếng khắp thế giới. Tất cả về cơ bản đều giống nhau bởi điều mà các truyền thừa này tập trung vào, điều mà các truyền thừa trao truyền là Đại Thủ Ấn của Tổ Gampopa. Đây là điều được giảng dạy bởi Kim Cương Trì và v.v. và trong trường hợp của Barom Kagyu, nó được truyền xuống từ Kim Cương Trì, qua truyền thống Kagyu, đến Ngài Marmo Sonam Dondrup và v.v. Vô số thành tựu giả đã xuất hiện nhờ những thực hành Đại Thủ Ấn được giảng dạy bởi Tổ Gampopa này.

Hai quyển giáo lý hư huyễn được tìm thấy trong Tuyển Tập Trước Tác của Đức Barway Dorje liên quan đến truyền thừa Đại Thủ Ấn. Chín quyển giáo lý Terma (kho tàng) liên quan đến truyền thống vĩ đại khác – Đại Viên Mãn (Dzogchen). Trong chín quyển này có nhiều thực hành khác nhau, điều đã được sử dụng và vẫn tiếp tục được sử dụng bởi các hành giả để đạt thành tựu thù thắng. Đức Barway Dorje đã trao truyền những giáo lý này cho các đệ tử của Ngài, những vị thỉnh cầu chúng và khi họ thực hành những giáo lý này, nhiều vị đã hiển bày các dấu hiệu thành tựu. Ví dụ, khi Ngài Kagyu Tashi từ Tu viện Kyodrak thực hành nghi quỹ Khechari Trắng (Kim Cương Du Già Nữ Trắng) đến hoàn thiện, trong nhận thức của kẻ khác, thân Ngài bắt đầu chuyển thành thân của Kim Cương Du Già Nữ. Tiêu chuẩn của thực hành, điều vẫn được duy trì trong truyền thừa của Đức Barway Dorje tại Tu viện Raktrul, được công nhận rộng khắp là thuộc nhóm cao nhất. Có hai đạo sư nhập thất hiện đang sống tại Tu viện Raktrul; họ và những vị tương đương được công nhận khắp Tây Tạng là có được một trong những sự rèn luyện tốt nhất có thể.

Đức Phật dạy rằng những giáo lý của Ngài bao gồm hai điều và chỉ hai điều – giáo lý của sự trao truyền và giáo lý của sự chứng ngộ. Ngài nói rằng chúng tạo thành toàn bộ giáo lý của Ngài và chúng được duy trì lần lượt nhờ nghiên cứuthực hành. Trong hai điều này, khía cạnh của Phật Pháp, điều thực sự đem đến kết quả dự định, rốt ráo là điều mà chúng ta gọi là Giáo Pháp của sự chứng ngộ, sự thực hành thực sự. Nó đặt nền tảng ở sự nghiên cứu các kinh văn – và điều này quan trọng và ý nghĩa – nhưng mục đích của nghiên cứu là chuẩn bị tâm cho sự thực hành, để nhờ thực hành, người ta có thể chứng ngộ bản tính của tâm họ. Nhờ làm vậy, họ đạt giải thoát và sau đấy, giải thoát chúng sinh khác nhờ lòng bi mẫn. Nói cách khác, để ai đó có thể đưa chúng sinh khác đến giải thoát, bản thân họ cần phải tự mình đạt được sự giải thoát đó rồi. Khi ai đó đã nhận rahoàn toàn phát lộ bản tính tâm, họ có thể khuấy động sự chứng ngộ đó trong chúng sinh khác; họ có thể trao nó cho chúng sinh khác bởi họ có nó để trao.

Có hai so sánh truyền thống về điều này. Một là về ngọn lửa được truyền từ một cây nến đã được đốt sang cây nến chưa. Để điều này xảy ra, trước hết, cây nến phải được đốt rồi, nếu không, nó không thể đốt cây thứ hai. Khi lửa được truyền sang cây nến thứ hai, cây nến đầu vẫn được đốt; nó không mất đi ngọn lửa. So sánh thứ hai là về chiếc khuôn mà người ta dùng để làm Tsatsa đất sét. Nếu khuôn hoàn hảo và được làm chuẩn xác thì dù bạn làm bao nhiêu Tsatsa bằng một chiếc khuôn đó, chúng sẽ đều tốt; chúng sẽ đều hoàn hảo. Nhưng nếu khuôn kém, mọi Tsatsa từ đó sẽ đều kém.

Giống như vậy, trước tiên, người ta phải giải phóng tâm mình nhờ sự chứng ngộ bản tính và sau đó, nhờ lòng bi mẫn, đưa chúng sinh khác đến giải thoát. Do đó, trong khi cả hai khía cạnh – Phật Pháp của sự trao truyền và của sự chứng ngộ – đều quan trọng, chính Giáo Pháp của sự chứng ngộ mới đem đến kết quả cuối cùng.

Barom Kagyu không nổi tiếng ở phương Tây nhưng điều này không có nghĩa là nó không phổ biếnTây Tạng. Theo truyền thống, Barom Kagyu chủ yếu tập trung vào thực hành thiền định miên mật. Ở miền Đông Tây Tạng, chỉ riêng Tu viện Kyodrak, đã có chín trung tâm nhập thất ba năm về những giáo lý Barom Kagyu. Năm trong số đó dành cho nam và bốn cho nữ. Một trung tâm thứ mười – trung tâm mới cho nữ – vừa mới được mở. Trung tâm nhập thất mới cho nữ giới chủ yếu tập trung vào Khechari Trắng (Kim Cương Du Già Nữ Trắng). Một trung tâm nhập thất thứ mười một cũng đang được thiết lập liên hệ với Tu viện Kyodrak tại Đỉnh Kyodrak (Kyodrak Utse). Nó được thiết kế để trở thành điều mà chúng ta gọi là trung tâm nhập thất ba năm cho những vị đã tốt nghiệp. Để gia nhập trung tâm đó, ứng cử viên phải tiến hành ít nhất hai hay ba khóa nhập thất ba năm và đạt được cấp bậc của một đạo sư nhập thất. Mười ba cá nhân như vậy sẽ được lựa chọn và họ sẽ tiến hành khóa nhập thất cho những vị đã tốt nghiệp này. Số lượng này dựa trên mười ba đệ tử thành tựu của Pháp chủ Sonam Zangpo, những vị đã tiến hành nhập thất trong hang động ở Kyodrak Utse và vì kết nối cát tường đó, mười ba đạo sư nhập thất này sẽ tham gia vào trung tâm nhập thất thứ mười một.

Tất cả các trung tâm nhập thất này đều liên hệ với một Tu việnTu viện Kyodrak. Tu viện gốc của Tổ Gampopa giờ cũng có một trung tâm nhập thất ba năm về Barom Kagyu; trụ xứ gốc của Barom Kagyu ở miền Bắc Tây Tạng cũng vậy. Ở cả hai nơi này, năm khóa nhập thất đã được hoàn thành. Mỗi khóa nhập thất ba năm này đã tạo ra khoảng bốn mươi đến năm mươi vị. Kết nối giữa hệ thống thực hành Barom Kagyu và thánh địa của Đức Milarepa (tòa tháp được Milarepa xây dựng cho Darmadode, con trai của Tổ Marpa) cũng đang tăng trưởng. Cũng có một khu thực hành cho Barom Kagyu tại đó. Bên cạnh đó, có ba mươi lăm Tu viện nhánh khác, điều cũng là một phần của Barom Kagyu. Hầu hết đều có trung tâm nhập thất ba năm và tất cả đều thực hành truyền thống Barom Kagyu theo truyền thừa linh kiến của Terchen Barway Dorje. Vì thế, như Đức Phật từng nói, nếu chúng ta được cho là đạt chứng ngộ nhờ thực hành thì Barom Kagyu cũng đang không quá tệ; chúng ta không phải kém nhất trong các môn đồ của Đức Phật.

Nhưng điều này hiển nhiên khiến người ta băn khoăn tại sao không ai ở phương Tây từng nghe nói về Barom Kagyu cho đến nay.  Và đây là chỗ mà tôi phải nói rằng phần ba hoa đã chấm dứt, bởi nếu bạn truy vấn xem lỗi của ai khi không ai từng nghe nói về Barom Kagyu, tôi phải nói rằng đó là lỗi của tôi. Tại sao lại là lỗi của tôi? Nó là lỗi của tôi bởi tôi là cội nguồn của Barom Kagyu và vì thế, đó là trách nhiệm của tôi. Do đó, chính là lỗi của tôi khi không ai từng nghe nói về nó.

Các bạn có thể băn khoăn tại sao tôi chẳng bao giờ nói về Barom Kagyu. Bổn Sư của tôi là Đức Gyalwang Karmapa thứ Mười sáu – Rangjung Rigpe Dorje và bởi lòng sùng mộ lớn lao với Ngài và niềm tin lớn lao với Ngài trong hơn ba mươi sáu năm, tôi chỉ nghĩ về việc phụng sự giáo lý của Ngài, hoạt động của Ngài và truyền thừa đặc biệt của Ngài. Vì lòng sùng mộ với Bổn Sư, tôi chẳng bao giờ nhắc đến Barom Kagyu dù chỉ bằng tên. Không phải là tôi không quan tâm đến Barom Kagyu hay tôi không biết về Barom Kagyu. Chỉ là điều đầu tiên và hơn hết luôn là lòng sùng mộ với Bổn Sư. Ví dụ, một lời cầu nguyện mà tôi viết nói rằng tôi sẵn lòng vứt bỏ ngay cả động mạch chủ, thứ mà sinh mạng tôi phụ thuộc, như tôi làm với ngọn cỏ khi phụng sự Bổn Sư của tôi. Tôi đã cảm thấy như vậy khi viết điều đó và tôi vẫn cảm thấy vậy hôm nay. Lòng sùng mộ của tôi với Bổn Sư, Đức Gyalwang Karmapa, không đổi.

Tôi nhắc đến điều này bởi vài người có thể nói rằng Bardor Rinpoche đã tách rời Bổn Sư; Ngài giờ đã bỏ đi. Điều đấy không đúng. Chiều sâu của mối quan hệ của tôi với Đức Gyalwang Karmapa và đặc biệt là Đức Gyalwang Karmapa thứ Mười sáu, sẽ hiện rành rành với bạn khi bạn đọc Ánh Sáng Bình Minh, tiểu sử của Ngài Barway Dorje thứ Hai, điều cuối cùng sẽ được chuyển dịch. Trong bản văn đó có ghi lại những cuộc trò chuyện giữa Đức Gyalwang Karmapa thứ Mười sáu và Ngài Barway Dorje thứ Hai. Trong một cuộc trò chuyện, Đức Karmapa thứ Mười sáu – Rangjung Rigpe Dorje nói với Ngài Barway Dorje thứ Hai, “Từ nay trở đi, tâm con và tâm Ta luôn luôn và mãi mãi bất khả phân và chẳng thể tách rời”. Đấy không phải là một trích dẫn sai; nó là trích dẫn được chứng nhận và xác thực. Và khi Đức Karmapa nói điều này với tiền thân của tôi, Ngài rất chân thành.

Trong một cuộc trò chuyện của chính tôi với Đức Karmapa thứ Mười sáu, khi Ngài hỏi, “Mối liên hệ của chúng ta sẽ ra sao trong tương lai?”. Tôi thưa với Ngài, “Trong mười một thế hệ, gia đình con vẫn chỉ nương tựa Ngài là đạo sư cho những lời cầu nguyện lúc khó khăn, những lời cầu nguyện cho người đã khuất và v.v. Trong đời trước của con, như Ngài nhớ rõ, con hoàn toàn nương tựa Ngài và chỉ Ngài mà thôi. Vì thế, con sẽ tiếp tục chỉ nương tựa Ngài trong đời này và các đời tương lai. Con không cần bất kỳ ai khác. Không có ai tốt hơn cả. Con không cần ai tốt hơn. Con không cần đạo sư nào khác”. Tôi chẳng có nghi ngờ gì về điều này. Tôi hiểu con đường của mình và tôi hiểu số mệnh của mình. Tôi không lo lắng gì về mối quan hệ của tôi với Bổn Sư nhưng tôi nhắc đến điều này bởi ngày nay, có nhiều tin đồn và lời bàn tán. Người ta nói đủ mọi chuyện. Tôi khuyên bạn, nếu bạn muốn thực hành Giáo Pháp một cách thanh tịnhchân thành, đừng nghe những lời bàn tántin đồn. Tất cả những gì bạn cần là thệ nguyện thanh tịnh, trung thực và mối quan hệ với Bổn Sư đặc biệt của riêng bạn.

Nếu bạn có thể nhận ra Bổn Sư là Kim Cương Trì thì bạn sẽ thọ nhận, thông qua Bổn Sư của bạn, sự gia trì của Kim Cương Trì. Nếu bạn nhận ra Bổn Sư là hiện thân của tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại và tương lai, bạn sẽ thọ nhận sự gia trì của tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu bạn nhận ra Bổn Sư là hiện thân của tất cả chư Phật và Bồ Tát cùng tất cả chư Bổn tôn, bạn sẽ thọ nhận tất cả sự gia trìthành tựu của chư vị. Không có nghi ngờ, nhờ lòng sùng mộ như vậy, nhờ sự tin tưởng như vậy, bạn sẽ đạt được Pháp thânlợi lạc của bản thân. Nhưng nếu bạn nghi ngờ, nếu bạn bị ảnh hưởng bởi lời bàn tántin đồn thì các chướng ngại sẽ khởi lên trong cuộc đời và trong sự hành trì của bạn. Mức độ niềm tin của bạn, mức độ lòng sùng mộ của bạn chẳng đặc biệt ảnh hưởng đến Bổn Sư, nhưng nó sẽ tác động đến bạn. Điều xảy ra với đạo sư phụ thuộc vào hành động của chính Ngài.

Tôi vô cùng quan tâm đến tất cả các bạn và điều đấy nghĩa là, trong nhiều chuyện khác nữa, tôi hy vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ với tất cả các bạn theo mọi cách; rằng tất cả các bạn sẽ đạt được sự giải thoát cuối cùng khỏi luân hồi; rằng tất cả các bạn sẽ đạt trạng thái chứng ngộ mà chư thành tựu giả Kagyu trong quá khứ đã minh họa. Và với chính thái độ này – ý định này – mà tôi đã học hỏi từ đạo sư của tôi, bởi đó đã là và cũng vẫn là [thái độ] của Ngài. Vì thế, tôi thúc giục các bạn – bởi đây là ý định của tôi, đây là lý do tôi vô cùng quan tâm – tôi thúc giục các bạn không lạc lối. Tự thân Giáo Pháp thì thanh tịnh. Nó thanh tịnh trong mọi hình tướng. Điều đấy không có nghĩa là chỉ Giáo Pháp của Karma Kagyu, mà cả Giáo Pháp của Barom Kagyu và các truyền thống khác. Nhưng trong khi Giáo Pháp thì thanh tịnhbất biến, chúng ta lại đang sống trong thời kỳ suy đồi.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ tăm tối về tâm linh. Một trong những dấu hiệu của điều này là Giáo Pháp đang bị dùng sai bởi những người chưa giác ngộ. Những người dùng sai Giáo Pháp không thể thay đổi Giáo Pháp nhưng họ có thể bóp méo cách trình bày của nó. Dĩ nhiên, Giáo Pháp không phải là một người; nó là chân lý. Và chân lý là điều đúng đắn; chuyện đó sẽ không đổi. Ví dụ, Đức Phật đã dạy cách Ngài du hành con đường và đạt giác ngộ. Dựa trên sự giác ngộ của bản thân Ngài, Ngài trao tấm bản đồ dẫn dắt từ nơi chúng ta bắt đầu [con đường] đến trạng thái giác ngộ hoàn hảo. Tuy nhiên, khi giải mã lại bản đồ đó, bao gói lại bản đồ đó, một số xuyên tạc nó; một số tạo ra bản đồ dẫn dắt sai, thứ giữ những người dựa vào chúng bằng cách dẫn họ trong những vòng bất tận. Tuy nhiên, nếu chúng taniềm tin chân chínhthệ nguyện Samaya thanh tịnh, chúng ta vẫn sẽ tìm được đường. Mặt khác, nếu chúng ta thiếu niềm tin, thậm chí nếu chúng ta gặp được một đạo sư tâm linh chân chính và nhận được tấm bản đồ chuẩn xác, chúng ta sẽ chẳng thể đi theo. Ai đó không có niềm tin giống như hạt giống bị đốt cháy. Nếu bạn gieo một hạt giống bị đốt cháy, ngay cả trong đất màu mỡ nhất, nó cũng chẳng mọc lên. Chúng ta cần trưởng thành. Chúng ta cần giảm các phiền não. Chúng ta cần đạt giải thoát. Đây là ý định của chúng ta; đây là lý do chúng ta bước vào con đường. Chúng ta chia sẻ ý định này với tất cả đạo sư chân chính. Ý định của chư vị cũng vậy – rằng chúng ta trưởng thành, phiền não giảm và chúng ta đạt giải thoát. Điều quan trọng là chúng ta thỉnh thoảng nhắc nhở bản thân lý do chúng ta đang làm điều này, về điều mà chúng ta đang thực sự cố gắng làm.

[Từ một bài giảng mà Bardor Tulku Rinpoche ban ở Arizona vào tháng 1/2010. Lama Yeshe Gyamtso chuyển dịch Anh ngữ; Liz Summers chép lại và Basia Coulter biên tập.]

 

Nguồn Anh ngữ: https://www.kunzang.org/treasure-lineage/barway-dorje-barom-kagyu-ii/.

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.