Sau bài giảng cuối cùng của Ngài về Lamrim Yeshe Nyingpo, [Orgyen Tobgyal] Rinpoche[1] đã trình bày ngắn gọn về Nyingtik Yabzhi. Yangthang Rinpoche[2] sắp đến Lerab Ling để ban các quán đỉnh Nyingtik; vì thế, Sogyal Rinpoche thiết tha mong mỏi đệ tử của Ngài hiểu rõ hơn điều mà họ sắp thọ nhận.
Phật Pháp có thể được chia thành hai thừa (Kinh và Mật) hay chín thừa. Theo cách phân chia thành chín thừa, Nyingtik Yabzhi là “đỉnh của tất cả các thừa, tinh túy của toàn bộ Kinh điển và Mật điển, cấp độ cao nhất của những đạo và địa …”. Hãy để tôi giải thích lý do.
Chín thừa là: con đường Thanh Văn, Duyên Giác Phật và Bồ Tát của sự rèn luyện; các Mật điển bên ngoài của Kriya, Charya và Yoga; Mahayoga và Anuyoga, cả hai đều nằm trong những Mật điển Nyingma; và vượt qua tất cả, đỉnh của mọi thừa, cấp độ cao nhất của giáo lý – Atiyoga. Như kinh văn có nói:
‘Mahayoga sinh khởi giống như thân;
Anuyoga hoàn thiện giống như tim;
Còn Atiyoga Đại Viên Mãn như máu tim’.
Những miêu tả chi tiết về Atiyoga, tức Đại Viên Mãn, nói đến sáu triệu bốn trăm nghìn Mật điển, thứ có thể được thâu nhiếp thành ba kiểu giáo lý: Tâm, Hư Không và Chỉ Dẫn Cốt Tủy. Tâm yếu của tất cả ba bộ này là phần Chỉ Dẫn Cốt Tủy; Nyingtik Yabzhi là giáo lý chính yếu của phần này.
VIMA NYINGTIK
Nyingtik Yabzhi có thể được dịch thành bốn (Zhi) phần (Ya) của giáo lý Tâm Yếu (Nyingtik). Phần đầu tiên được gọi là Vima Nyingtik.
Giáo lý Vima Nyingtik ban đầu được Phật nguyên thủy Phổ Hiền trao truyền cho Đức Kim Cương Tát Đỏa. Sau đó, Kim Cương Tát Đỏa ban sáu triệu bốn trăm nghìn Mật điển Dzogpa Chenpo, trong một khoảnh khắc, cho Trì Minh Garab Dorje, vị đạt giải thoát ngay khi nghe chúng, không giống như những kẻ cần đạt được các cấp độ khác nhau theo từng bước.
Garab Dorje, vị được biết đến là “bậc thầy Dzogpa Chenpo” bởi Ngài là vị đạo sư con người đầu tiên của Dzogchen, đã giảng dạy những giáo lý này cho Manjushrimitra [Văn Thù Hữu]. Đệ tử của Manjushrimitra là Shri Singha, vị mà các đệ tử chính là Jnanasutra và Vimalamitra [Vô Cấu Hữu]. Manjushrimitra, Shri Singha, Jnanasutra và Vimalamitra là bốn Trì Minh đã thọ trao truyền qua truyền thừa dấu hiệu. Ở điểm này, tôi cần nói về cuộc đời của chư vị, nhưng tôi không nghĩ điều đó là cần thiết bởi tôi chắc chắn các bạn đều biết về chư vị.
Tôn giả Vô Cấu Hữu giống như ngọc báu vương miện của năm trăm học giả vĩ đại xứ Ấn Độ. Khi Ngài thọ nhận quán đỉnh Dzogchen về sự diễn tả của giác tính (Rigpe Tsalwang), Ngài thành tựu thân cầu vồng của đại chuyển di và vượt khỏi sinh – tử ngay trong đời đó. Ngài vẫn sống trong thân kim cương trên Ngũ Đài Sơn ở Trung Quốc. Vima Nyingtik giống như tim hay sinh lực của Ngài, kho tàng vĩ đại nhất của Ngài.
Giáo lý Vima Nyingtik được Tôn giả Vô Cấu Hữu trao truyền ở Tây Tạng. Vua Pháp Trisong Deutsen đã thỉnh mời Tôn giả, cúng dường Ngài rất nhiều vàng, dựa trên lời khuyên mang tính tiên tri của thượng thư Nyang Tingdzin Zangpo, vị có thể thấy toàn bộ tam giới của sự tồn tại bằng mắt trần. Ở Tây Tạng, Tôn giả Vô Cấu Hữu đã giảng dạy những chỉ dẫn về Vima Nyingtik cho một vài đệ tử được lựa chọn, chẳng hạn Vua Trisong Deutsen và Nyang Tingdzin Zangpo. Nyang Tingdzin Zangpo đã thực hành những chỉ dẫn Vima Nyingtik trong một hang động trên đồi Chakpori phía trên Lhasa. Kết quả là, Ngài hiển bày thân ánh sáng thoát khỏi mọi uẩn.
Giáo lý Vima Nyingtik đã được viết lại và các bản văn được chia thành hai phần để trao truyền riêng. Theo thời gian, Ngài Nyang Tingdzin Zangpo bí mật trao truyền chúng cho hai đệ tử chính yếu. Một bộ giáo lý được giấu ở đầu của một cột trụ trong chùa Tashi Pal. Một trăm năm sau khi Nyang Tindzin Zangpo hiển bày thân ánh sáng, một hóa hiện của Tôn giả Vô Cấu Hữu – Neten Dangma Lhungyal xuất hiện là vị lấy lại kho tàng từ cột trụ và thọ nhận trao truyền truyền thừa cho các bản văn.
Ở đây, chúng ta không cần đi quá sâu vào những chi tiết. Bạn cần đơn giản biết rằng những giáo lý này đã được trao truyền qua những đạo sư được lựa chọn kỹ lưỡng cho đến khi chúng đến với Đấng Toàn Tri Vĩ Đại Longchenpa[3]. Ngài thọ chúng từ đạo sư tôn kính Kumaraja. Tất cả những đấng vĩ đại đã trao truyền truyền thừa đó đều đã đạt thân cầu vồng.
Nyingtik Yabzhi là một tuyển tập gồm nhiều bản văn khác nhau. Nó chứa đựng lịch sử về chư đạo sư truyền thừa, các bản văn quán đỉnh, nghi quỹ chư Tôn an bình – phẫn nộ, chỉ dẫn cốt tủy giải thích cách thực hành Dzogchen và nhiều chỉ dẫn cụ thể liên quan khác. Ví dụ, có một trăm mười chín chỉ dẫn cốt tủy trong tuyển tập này.
LAMA YANGTIK
Vima Nyingtik giống như mẹ còn Lama Yangtik như con. Vima Nyingtik chứa đựng những những giáo lý mà Tôn giả Vô Cấu Hữu trao truyền. Lama Yangtik chứa đựng các trước tác của Pháp Vương Toàn Tri Longchenpa, trong đó, Ngài thu thập tất cả những chỉ dẫn cốt tủy được chôn giấu trong Vima Nyingtik, làm sáng tỏ bất cứ điều gì còn chưa rõ ràng.
Như thế, Ngài đã biên soạn một quyển nữa, được biết đến là ‘Như Ý Bảo Châu – Lama Yangtik’. Nó bao gồm bốn quán đỉnh (tỉ mỉ, đơn giản, cực kỳ đơn giản và hoàn toàn đơn giản), những chỉ dẫn cốt tủy liên quan và sự giao phó hoàn mãn về chư vị bảo vệ giáo lý.
Hai bộ giáo lý này, Vima Nyingtik của Tôn giả Vô Cấu Hữu và Lama Yangtik của Tôn giả Longchenpa, được gọi là ‘Vima Nyingtik mẹ và con’.
KHANDRO NYINGTIK
Đạo sư, người thọ nhận quán đỉnh về sự diễn tả giác tính từ Ngài Shri Singha, vị vượt khỏi sinh và tử, và đã phát nguyện trụ lại cho đến khi luân hồi hoàn toàn chẳng còn hữu tình chúng sinh, là Guru Rinpoche. Mặc dù đạo sư vĩ đại giữ trong tâm trí tuệ của Ngài toàn bộ những chỉ dẫn Dzogchen mà Ngài thọ từ Đức Shri Singha, ngoài một vài chỉ dẫn cốt tủy, không ai từng chứng kiến Ngài giảng Dzogchen ở Tây Tạng.
Khi Guru Rinpoche đang sống ở Samye Chimphu, con gái của Vua Trisong Deutsen, Công chúa Pema Sal, đột ngột qua đời khi mới tám tuổi. Đức vua quá đỗi đau buồn, đã đưa thi thể cô ấy đến chỗ Guru Rinpoche, khẩn nài Ngài hồi sinh Công chúa. Guru Rinpoche vẽ chủng tự Nri màu đỏ trên tim cô và đặt một bông hoa đỏ trên đầu cô. Ngài tụng ‘Dzah Hung Nri Dzah” và triệu thỉnh thần thức cô ấy trở về thân thể. Sau đó, Ngài ban cho cô ấy toàn bộ quán đỉnh và chỉ dẫn về Khandro Nyingtik, dẫn dắt cô ấy đến con đường giải thoát thù thắng.
Tôn giả Longchenpa cũng đã thọ nhận toàn bộ truyền thừa giáo lý này, điều mà Guru Rinpoche ban đầu ban cho Công chúa Pema Sal. Sau Ngài Longchen Rabjam, chúng tiếp tục được trao truyền đến những đạo sư như Khenpo Ngakchung[4], vị mà giống như Tôn giả Longchenpa, là một hóa hiện của Công chúa Pema Sal.
Một thời gian sau khi Công chúa sống lại, Khandro Yeshe Tsogyal cúng dường Mandala thân đại lạc lên Guru Rinpoche trong động Tsokhang Kyil Yangdzong ở Zhoto Tidro[5], thỉnh cầu Ngài ban quán đỉnh và chỉ dẫn của Dzogpa Chenpo. Guru Rinpoche đã ban cho Bà toàn bộ Khandro Nyingtik, như thể đổ đầy ắp một chiếc bình. 600000 Không Hành Nữ cũng có mặt và thọ nhận trao truyền.
Như thế, Guru Rinpoche đã ban trao truyền Khandro Nyingtik vào hai dịp tách biệt này. Giáo lý sau đó được chôn giấu như là Terma để những hóa hiện tuần tự của Công chúa Pema Sal phát lộ. Về sau, Terton Pema Ledrel Tsal, một trong những tiền thân của Tôn giả Longchenpa, đã lấy ra cuộn kinh vàng của Terma mà từ đó, Ngài giải mã và viết lại những phần chính và phụ của Khandro Nyingtik. Tuy nhiên Tendrel [duyên khởi] cho sự phát lộ vẫn chưa hoàn toàn hoàn hảo và khi Ngài viên tịch, Terma vẫn chưa được phát lộ hoàn toàn. Vì thế, trước khi qua đời, Ngài Pema Ledrel Tsal trao cuộn kinh vàng cho các đệ tử và bảo họ rằng Ngài sẽ nhanh chóng trở lại để hoàn thành việc giải mã Terma. Vị tái sinh của Ngài là Longchen Rabjam. Đấng Toàn Tri đã nhận được cuộn kinh vàng và nhờ sức mạnh của lòng bi mẫn, nguyện và kết nối nghiệp quá khứ, Ngài khai mở phần còn lại của những giáo lý Khandro Nyingtik. Tôn giả Longchenpa đã trao truyền Khandro Nyingtik bốn lần ở Gangri Tokar và những nơi khác.
KHANDRO YANGTIK
Tôn giả Longchenpa lại thu thập tinh túy của Khandro Nyingtik vào trong Khandro Yangtik. ‘Khandro Nyingtik mẹ và con’ và ‘Vima Nyingtik mẹ và con’ là bốn phần Tâm Yếu hay ‘Nyingtik Yabzhi’.
ZABMO YANGTIK
Bên cạnh đó, Tôn giả Longchenpa thu thập lại những điểm then chốt sâu xa của cả Vima Nyingtik và Khandro Nyingtik vào một tuyển tập khác, thứ rất tương đồng về các quán đỉnh và giáo lý, được biết đến là Zabmo Yangtik. Năm tuyển tập giáo lý này tạo thành điều mà chúng ta gọi là Nyingtik Yabzhi, thứ bao gồm hơn ba trăm bản văn. Đấng Toàn Tri Vĩ Đại Longchenpa nói rằng khi Ngài không còn hiện diện trên thế gian, chúng ta cần tham vấn Zabmo Yangtik, bởi nó chân thành thu thập và giữ gìn tất cả chỉ dẫn cốt tủy.
Mỗi môn đồ của giáo lý Nyingma đều xem những giáo lý này là thù thắng – là đỉnh cao của mọi tri kiến, tinh túy của toàn bộ Kinh điển và Mật điển và v.v. Nói ngắn gọn, là vô cùng sâu xa.
Nguồn Anh ngữ: https://all-otr.org/vajrayana/75-the-nyingtik-yabshi-a-concise-presentation.
Gyurme Avertin chuyển dịch Tạng-Anh; Philip Philipou hiệu đính.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Orgyen Tobgyal Rinpoche, tham khảo phần Phụ Lục trong bài Hoạt Động Kính Ái (https://thuvienhoasen.org/p38a34386/3/hoat-dong-kinh-ai).
[2] Về Yangthang Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a34423/tieu-su-van-tat-domang-yangthang-rinpoche-1929-2016-.
[3] Về Tôn giả Longchenpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a37301/2/cau-chuyen-cuoc-doi-ton-gia-longchenpa.
[4] Về Khenpo Ngakchung, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a36220/tieu-su-van-tat-khenchen-ngawang-palzangpo.
[5] bzho stod ti sgro. Một tổ hợp hang động tọa lạc ở Drikung, trung tâm Tây Tạng.