Bởi [Bồ Tát] Địa Tạng sở hữu sức mạnh và những lời nguyện chẳng thể nghĩ bàn, nếu bất kỳ ai khi nghe được danh hiệu Ngài tôn kính Ngài theo bất kỳ cách nào, chẳng hạn tụng danh hiệu Ngài, tán thán Ngài, kính lễ Ngài, đỉnh lễ Ngài, dâng các cúng dường lên Ngài bằng hoa, hương và đèn, người này sẽ tái sinh trong cõi trời Tam Thập Tam một trăm lần và không bao giờ đọa vào ba cõi thấp, tức địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
– Khenpo Sodargye
BÀI GIẢNG THỨ HAI – 13/07/2020
HÃY TIN TƯỞNG THỰC HÀNH ĐỊA TẠNG
Kinh Địa Tạng là một kinh văn thù thắng với gia trì vĩ đại. Chúng ta có thể thoáng thấy sức mạnh tuyệt vời của Kinh từ vô vàn câu chuyện được ghi lại trong Phật giáo Trung Quốc. Những câu chuyện này kể về rất nhiều người Trung Quốc trong quá khứ, những vị được [Bồ Tát] Địa Tạng gia trì và nhận được lợi lạc chẳng thể nghĩ bàn nhờ nghiên cứu và tụng Kinh này. Tôi sẽ kể một vài trong số những câu chuyện này trong các bài giảng để chúng ta có thể vun bồi niềm tin sâu sắc hơn với gia trì thù thắng của Kinh. Giống như khi giảng Kinh Kim Cương, tôi đã trình bày nhiều câu chuyện về sự linh ứng để các bạn phát khởi xác quyết vững chắc về sức mạnh của giáo lý tính Không (Sunyata). Tôi cũng đã dịch những câu chuyện Địa Tạng này sang Tạng ngữ trong lúc dịch Kinh Địa Tạng. Bởi có quá nhiều, tôi chỉ lựa chọn một số câu chuyện thú vị để dịch.
Khi chúng ta đang cố gắng tìm hiểu một kinh văn, chỉ nghe giảng là chưa đủ. Chúng ta cần tham khảo các luận giải càng nhiều càng tốt để làm sâu sắc sự hiểu. Nếu chúng ta không chú tâm lắng nghe trong Pháp hội, và không ôn tập hay phát triển bài giảng bằng cách đọc những tài liệu liên quan sau đó, chúng ta chỉ đang gieo hạt giống thiện lành trong tâm, nhưng có thể không được thêm bất kỳ lợi lạc nào. Trong lúc nghiên cứu, chúng ta cần duy trì niềm yêu thích thiết tha với giáo lý. Sự nhiệt tình như vậy rất quan trọng bởi không có nó, chúng ta sẽ không thể chia sẻ giáo lý này với người khác và dùng nó để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh trong tương lai.
Nếu muốn làm lợi lạc hữu tình chúng sinh bằng Kinh Địa Tạng trong tương lai, chúng ta trước tiên cần phát triển lòng sùng mộ và nhiệt tình mạnh mẽ với Kinh này. Yêu thích thứ gì đó là một cách diễn tả trong bối cảnh thế gian, chẳng hạn yêu thích nghệ thuật, khoa học, Phật giáo, nhân vật lịch sử hay Địa Tạng và Quán Thế Âm. Trong bối cảnh Phật giáo, niềm yêu thích như vậy được gọi là niềm tin và lòng sùng mộ, một yếu tố không thể thiếu với mọi hành giả Giáo Pháp. Tuy nhiên, niềm tin với Giáo Pháp liên quan đến nghiệp của người ta trong các đời quá khứ cũng như nỗ lực trong nghiên cứu và thực hành Giáo Pháp trong đời hiện tại. Lấy ví dụ, mức độ bi mẫn của chúng ta với hữu tình chúng sinh và mức độ yêu kính chư Phật và Bồ Tát một phần là nhờ sự rèn luyện Phật giáo mà chúng ta thọ nhận trong đời này và một phần là bởi những kết nối trước kia với Giáo Pháp cũng như thiện và bất thiện nghiệp mà chúng ta tích lũy trong quá khứ. Những vị có kết nối thiện lành với Giáo Pháp trong các đời quá khứ sẽ có niềm tin và lòng sùng mộ với mọi thực hành Pháp.
Như tôi đã nhắc đến hôm trước, tôi không có khẩu truyền cho Kinh Địa Tạng mà nương tựa vào sự gia trì đặc biệt của Địa Tạng được kế thừa từ Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche, tôi đã phát triển niềm tin mạnh mẽ với mọi thực hành Địa Tạng, bao gồm cả Kinh này. Nếu bạn lắng nghe giáo lý với niềm tin mạnh mẽ, bạn cũng sẽ thọ nhận gia trì đặc biệt này và như thế, có thể đạt được sự hiểu sâu sắc hơn và lòng kính trọng cao hơn với Kinh này. Kết quả là, chia sẻ giáo lý và truyền bá thực hành này sẽ trở thành điều gì đó rất tự nhiên và dễ dàng và bạn sẽ trở nên lão luyện hơn trong việc truyền đạt nó. Dù sao, nếu hoàn cảnh cho phép, chúng ta cần cố gắng làm lợi lạc mọi hữu tình chúng sinh bằng thực hành Địa Tạng càng thường xuyên càng tốt.
HÃY BÁO ĐÁP LÒNG TỪ CỦA CHA MẸ BẠN
Chúng ta biết rằng Kinh Địa Tạng là một Kinh điển mà Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết để báo đáp lòng từ của mẹ Ngài. Đức Phật cũng thuyết một Kinh để báo đáp lòng từ của cha với tựa đề Cha Con Gặp Gỡ, điều được nói dưới dạng những cuộc đối thoại tại Ca Tỳ La Vệ sau khi Đức Phật đạt giác ngộ. Trong Phật giáo Trung Hoa, Kinh Địa Tạng vì thế được ca ngợi như một Kinh điển về lòng hiếu thảo với cha mẹ. Chư đạo sư và hành giả vĩ đại trong quá khứ thường tụng đọc, nghiên cứu hay giảng dạy Kinh này như một cách để đền đáp lòng từ ái của cha mẹ và mọi hữu tình chúng sinh, những vị đã từng là cha mẹ họ trong đời quá khứ. Giống như vậy, bằng cách phát khởi niềm tin với Kinh này, tụng đọc, nghiên cứu hay truyền bá, chúng ta cũng có thể báo đáp lòng từ của cha mẹ, những vị đã đưa chúng ta đến thế gian này và nuôi dưỡng chúng ta, điều mà chúng ta cần vô cùng biết ơn.
Trong Kinh Khó Khăn Báo Đáp Lòng Từ Của Cha Mẹ có nói rằng dẫn dắt cha mẹ tiến hành năm thiện hạnh là cách tốt nhất để đền đáp lòng từ. Năm thiện hạnh này là: (1) phát khởi niềm tin với Giáo Pháp, (2) trì giữ giới luật, (3) tuân theo Giáo Pháp, (4) thực hành bố thí và (5) trưởng dưỡng trí tuệ. Không giống với cách thức thế tục thông thường để làm hài lòng cha mẹ khi họ già đi bằng cách cung cấp một ngôi nhà đầy đủ với con cháu và của cải, cách thức của Phật giáo để báo đáp tình yêu thương và lòng từ ái của cha mẹ chúng ta là làm lợi lạc họ về mặt tâm linh trong đời này và mọi đời tương lai, mặc dù điều đó có thể không rành rành ngay lập tức.
Là những tu sĩ dành phần lớn cuộc đời trong Tu viện, chúng ta có lẽ chẳng thể ở bên cha mẹ khi họ về già và sức khỏe yếu đi. Cư sĩ Phật tử, những vị bận rộn nghiên cứu và thực hành, có thể cũng không dành đủ thời gian bên cha mẹ. Thế nhưng, chừng nào chúng ta thành tâm hồi hướng công đức cho cha mẹ và dẫn dắt họ dần dần hướng về Giáo Pháp, ví dụ bằng cách khuyến khích họ tụng Kinh Địa Tạng dù chỉ một lần, chúng ta thực sự đang báo đáp lòng từ của họ theo cách tốt nhất.
Trong lúc dịch Kinh này, mặc dù tôi không viết lại trong phần kết của bản dịch Tạng ngữ, tôi xem đó là một cách để đền đáp lòng từ ái sâu xa của cha mẹ tôi. Tôi vẫn giữ ý định đó khi giảng Kinh này. Giống như vậy, bất kể bạn hiện tại đang nghe hay sẽ tụng Kinh này trong tương lai, bạn cần phát nguyện hồi hướng công đức cho cha mẹ trong chính đời này cũng như mọi hữu tình chúng sinh, những vị từng là cha mẹ của bạn trong đời quá khứ, mong ước họ đạt được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Mặc dù mong ước như vậy sẽ không đem đến lợi lạc hữu hình cho cha mẹ bạn ngay lập tức và họ có lẽ sẽ hài lòng hơn nếu bạn cho họ tiền, những kết quả cuối cùng của nó trong đời tương lai của họ thực sự tuyệt diệu.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC GIỮ MÔI TRƯỜNG SẠCH SẼ
Sự Trang Nghiêm Của Cõi Trời Tam Thập Tam
Thính chúng khác biệt rất nhiều tùy thuộc vào địa điểm nơi Đức Phật dạy một Kinh. Một số Kinh được thuyết giảng trong cõi người; vì thế, tập hội ở đó có nhiều con người. Một số được giảng trong những cung điện của Long Vương; vì thế, đa số là Naga. Một số được dạy trong cõi trời, ví dụ, việc giảng dạy Kinh Địa Tạng đã diễn ra ở cõi trời Tam Thập Tam, nơi mà một ít A La Hán con người đã tham dự và đa số thính chúng là chư thiên từ sáu cõi trời của Dục giới, mười bảy cõi trời của Sắc giới và bốn kiểu phạm vi nhận thức của Vô Sắc giới. Cũng có vô số Bồ Tát, chư Naga, quỷ và thần đến Pháp hội từ mọi thế giới khác nhau. Chuyện đó giống như khi một Pháp Sư ban giáo lý ở phương Đông hay phương Tây, đa số thính chúng phải là người địa phương trong khi cũng có một số người đến từ những nơi khác bởi họ kết nối sâu sắc với vị đạo sư này.
Bởi những vị tham dự [Pháp hội] Kinh Địa Tạng này đông đảo chẳng thể nghĩ bàn, một số người có thể băn khoăn liệu cõi trời Tam Thập Tam có thể chứa số lượng chúng sinh lớn đến vậy? Thực sự, chúng ta không cần phải lo lắng chuyện này. Trong Kinh Duy Ma Cật có miêu tả rằng căn phòng nhỏ của ông lão Duy Ma Cật có thể chứa đến tám nghìn Bồ Tát, năm trăm Thanh Văn và hàng trăm vị thiên; vì thế, việc cõi trời Tam Thập Tam chứa số lượng chúng sinh đông đảo cũng không phải vấn đề.
Theo A Tỳ Đạt Ma Câu Xá hay Kho Tàng Như Ý của Tôn giả Longchenpa, cõi trời Tam Thập Tam vô cùng hùng vĩ, nơi mà toàn bộ thế giới bao gồm những cung điện, vườn cây, suối nước cũng như con đường đều tự nhiên hiển bày nhờ công đức của chư thiên. Khi tìm hiểu thêm về cõi trời Tam Thập Tam, chúng ta có thể thấy sự khác biệt to lớn giữa cõi trời và cõi người. Cõi người ngập tràn những thứ bẩn thỉu và bất kể hiện tại nó có vẻ trông đẹp đẽ đến đâu, gần như chắc chắn nó sẽ suy tàn và trở nên không dễ chịu một ngày nào đó.
Khi tôi đi thị giả Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche đến phương Tây và Đông Nam Á trong những chuyến hoằng pháp vào thập niên 90, chúng tôi ngưỡng mộ vẻ hiện đại và đẹp đẽ của những nơi như New York hay Tokyo, cảm thấy chúng như thiên đường trên thế gian. Bây giờ, môi trường tổng quan của nhiều nơi trong số này không còn đẹp đẽ và sạch sẽ như xưa, minh chứng rằng mọi thứ nhân tạo đều vô thường, như giấc mơ, ảo giác, bong bóng và ảo ảnh.
Môi Trường Bên Trong & Bên Ngoài Đều Quan Trọng Như Nhau
Sự xuống cấp của môi trường ở một số nơi chắc chắn liên quan đến việc họ thiếu sự quản lý thích hợp. Ở đây, tại Larung Gar, để tạo ra môi trường tốt hơn cho mọi hành giả Pháp, chúng ta cần làm việc cùng nhau và cải thiện về mặt quản lý môi trường, làm đẹp cảnh quan, vệ sinh và hệ thống vệ sinh. Rốt cuộc, Larung Gar cũng không phải một cõi trời hay Tịnh Độ Cực Lạc, nơi mà mọi thứ xuất hiện tự nhiên theo cách thức thanh tịnh và oai hùng. Mặc dù nhìn chung, mọi chuyện đã tốt hơn trước kia rất nhiều, vẫn có khả năng cải thiện. Trong buổi gặp gỡ với chư vị Khenpo và Khenmo hôm nay, chúng tôi đã đồng ý rằng cần có một tổ vệ sinh của Tăng đoàn Trung Hoa tại chỗ, chịu trách nhiệm cho toàn bộ môi trường. Larung Gar được nhiều người xem như một thành phố Phật giáo và chúng ta cần quản lý nơi này một cách thích hợp để khiến nó xứng với tên gọi.
Tôi sẽ liệt kê ba khu vực làm ví dụ, nơi cần được cải thiện. Đầu tiên là cải thiện việc triển khai bảng chỉ dẫn thích hợp. Các biển chỉ dẫn đến những nơi như nhà hàng, khách sạn, sảnh thờ, cửa hàng và bệnh viện chưa phù hợp và đủ rõ ràng. Khi tôi viếng thăm một trong những nơi này lần trước, tôi gần như vấp ngã trước ngưỡng cửa phía trước đến hai lần. Tôi cũng không phải một người lóng ngóng nhưng nếu tôi còn thấy khó bước qua cửa, hãy tưởng tượng những vị lớn tuổi hơn và và ít linh hoạt hơn thì khả năng bị ngã sẽ tăng thêm bao nhiêu. Vì thế, tại những nơi không bằng phẳng và dễ trơn trượt, những biển báo thích hợp cần được đặt bằng cả tiếng Tạng và tiếng Trung.
Thiết kế biển báo, bao gồm màu sắc và hình dạng được sử dụng, và địa điểm nơi đặt chúng cần được xem xét kỹ. Đừng rải chúng khắp nơi. Ở nhiều thành phố phát triển, bạn sẽ nhận ra rằng biển báo luôn được đặt ở nơi cần chúng nhất và dễ thấy. Bởi có nhiều cư dân ở đây và ngày càng nhiều khách du lịch và du khách cũng viếng thăm, chúng ta cần nỗ lực nhiều thêm về những chi tiết như vậy để đảm bảo rằng chúng ta có thể khiến mọi chuyện thuận tiện, thoải mái và an toàn hơn với họ.
Thứ hai, hãy cố gắng khiến khu vực bên ngoài và vùng xung quanh căn nhà nhỏ của bạn sạch sẽ, gọn gàng và trang nghiêm hơn. Tôi nhận ra rằng một số hành giả trang hoàng bên trong nhà rất đẹp, nhưng sân và vùng xung quanh lại khá bừa bộn. Điều này không thích hợp bởi ngày nay, người ta rất nhấn mạnh vào vẻ bề ngoài, thứ thường đại diện cho hình ảnh của một người hay một nơi. Kho Tàng Lời Khuyên Tốt Lành của Sakya Pandita nói rằng:
Vị mà bên trong có mọi phẩm tính tốt đẹp,
Nhưng bên ngoài lại nhếch nhác bị tất cả khinh thường.
Tôi tin rằng nhiều người các bạn, những hành giả ở đây, có đầy đủ công đức của ba sự rèn luyện cao hơn về giới, định và tuệ. Tuy nhiên, nếu vẻ bề ngoài của bạn lôi thôi hay nhà nhỏ của bạn lại treo đủ thứ lộn xộn, người ta có thể sẽ xem thường bởi vẻ bề ngoài dẫu cho bạn sắp thành tựu thân cầu vồng.
Điều tương tự cũng đúng với sảnh thờ và phòng học, nơi mà chúng ta cũng cần giữ gìn sạch sẽ và gọn gàng. Năm ngoái, tôi cố tình đến một vài phòng học của chư Tăng và Ni. Một số phòng học chứa đầy những chồng thiếu trật tự, hoa và đèn dầu ở chỗ này – chỗ kia, một đống lộn xộn chẳng có chút cảm giác mỹ học nào. Trong khi đó, một số phòng học trông rất sạch sẽ và trang nghiêm với Thangka và tượng Phật được sắp xếp thích hợp. Trong Lời Vàng Của Thầy Tôi, khi giải thích bảy nhánh cúng dường, Patrul Rinpoche nói rằng mặc dù chư Phật và Bồ Tát không có quan niệm về sạch hay bẩn, bất kể chúng ta dâng cúng dường gì, ví dụ như bảy bát nước, chúng ta cần dâng cúng thật đẹp đẽ, sạch sẽ và làm hài lòng, bởi khi làm thế, chúng ta sẽ tích lũy công đức bao la.
Thứ ba, vỉa hè là dành cho người đi bộ. Giống như trong những thành phố, các con đường tại Larung Gar có vỉa hè với một làn dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, không giống những vỉa hè không bị cản trở trong thành phố, những thùng đựng chất thải lớn được đặt tùy tiện và máy kéo cũng như xe hơi được đậu ở chỗ này hay chỗ khác trên vỉa hè, khiến cho cả người có thị lực tốt và người khiếm thị đều chẳng thể đi qua. Đấy là lý do hôm trước tôi nói với ban quản lý trang thiết bị rằng họ cần quản lý nơi này một cách thích hợp, tức là tìm ra hay xây dựng những nơi đặt những thùng đựng chất thải này.
Phục Vụ Cộng Đồng Đem Đến Kết Quả Tích Cực
Mặc dù Larung Gar chỉ là một trung tâm Phật giáo, không phải một thành phố thật sự, nó vẫn cần có môi trường đẹp đẽ và sạch sẽ. Dù sống ở đâu, chúng ta không những cần chịu trách nhiệm cho hành vi của bản thân mà còn cả môi trường của toàn bộ cộng đồng. Tôi tin rằng những phẩm tính bên trong và trí tuệ của các bạn cao hơn của nhiều người khác bởi các bạn đã dành hầu hết thời gian để lắng nghe, quán chiếu và thiền định về Giáo Pháp. Nhưng các bạn vẫn cần chịu trách nhiệm và cố gắng tạo ra môi trường tốt đẹp hơn cho Larung Gar, chẳng hạn trồng cây và hoa ở trong và quanh sân của bạn.
Trong Kinh Tán Thán Những Phẩm Tính Cao Quý Của Tăng Đoàn có nói rằng cúng dường Tăng đoàn và khiến chư vị hoan hỷ sẽ tạo ra công đức chẳng thể nghĩ bàn. Trái lại, nếu chúng ta gây ra sự bất tiện cho Tăng đoàn hay làm ô nhiễm môi trường nơi chư vị sống, kết quả tiêu cực cũng thật to lớn. Ví dụ, khi một số người sửa nhà, họ tùy tiện chất rác thải xây dựng trên đường hay ném chúng vào thùng đựng rác thải công cộng; đây không chỉ là một hành động làm ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí tài sản của Tăng đoàn bởi những người làm vệ sinh ở đây được Tăng đoàn thuê bằng ngân quỹ của Tăng đoàn. Chúng ta sẽ tích lũy ác nghiệp ghê gớm nếu sử dụng những nguồn lực của Tăng đoàn để giải quyết chuyện cá nhân. Bởi đây là chuyện cá nhân, người ta cần thuê ô tô hay máy kéo vứt bỏ vật liệu phế thải ở đúng nơi quy định.
Trong khi tận hưởng sự phục vụ của Tăng đoàn, chúng ta cần cung cấp sự phục vụ đáp lại Tăng đoàn, điều sẽ tích lũy công đức lớn lao cho bản thân. Hiện nay, tại mỗi Pháp hội ở Larung Gar này, chư vị Lama và Jomo Tây Tạng đang cung cấp những bữa ăn cho toàn bộ Tăng đoàn và đa số chúng ta chẳng nghĩ gì đến những bữa ăn. Cứ xem đó là chuyện đương nhiên và mong chờ mọi thứ được cung cấp và rằng chúng ta đáng được người khác phục vụ là điều không đúng, như được giải thích trong Nhập Trung Đạo, khi mà một cái ngã ngoại đạo được định nghĩa là kẻ chỉ trải qua những hưởng lạc và thoát khỏi mọi hoạt động.
Vì thế, mọi người, đặc biệt là những vị có thẩm quyền, cần nghiêm túc xem xét cách mà họ có thể phục vụ Tăng đoàn. Nếu họ đã được bầu vào vị trí lãnh đạo nhưng lại chẳng làm gì mà chỉ chỉ trích lỗi lầm của người khác, họ sẽ là kiểu lãnh đạo được miêu tả trong Kho Tàng Lời Khuyên Tốt Lành của Sakya Pandita:
Khi được chỉ định vào một vị trí cao,
Người ta chẳng biết phải làm gì.
Mặc dù họ có mắt để nhìn kẻ khác,
Gương cần thiết để nhìn chính mình.
Ở đây, tôi đang dùng Larung Gar như một ví dụ. Sự thật là bất kể sống ở đâu, chúng ta cần trở thành một phần của cộng đồng địa phương và hành động để cung cấp sự thoải mái và đem đến lợi lạc cho cộng đồng. Theo cách này, chúng ta sẽ dễ dàng được người khác chấp nhận và sống hạnh phúc với họ. Nếu không thể đóng góp hay cung cấp bất kỳ thay đổi tích cực nào, chúng ta ít nhất cũng không nên đem đến tổn hại. Nếu không, nếu chúng ta chỉ tận hưởng việc người khác phục vụ mà không đem lại bất kỳ lợi lạc nào cho họ để đáp lại, và thậm chí tệ hơn, gây rắc rối cho họ, thì chúng ta cuối cùng sẽ chẳng hạnh phúc. Hãy giữ điều này trong tâm.
NGÀI SIKSANANDA VÀ PHẬT GIÁO Ở TÂN CƯƠNG
Như đã nhắc đến trong thời khóa trước, Kinh Địa Tạng được chuyển dịch bởi dịch giả lỗi lạc Siksananda, vị đến từ Vương quốc Khotan, ngày nay là thị trấn ốc đảo ở Tân Cương, Trung Quốc. Tương tự với thứ mà Ngài Kumarajiva [Cưu Ma La Thập] để lại trong xá lợi, lưỡi của Ngài Siksananda vẫn còn nguyên vẹn sau lễ trà tỳ, điều được xem là bằng chứng rằng mọi bản dịch kinh văn Phật giáo của Ngài đều chính xác và tao nhã.
Mặc dù những ghi chép lịch sử về Ngài Siksananda rất hiếm, điều có thể chắc chắn là Ngài đã sống vào thời kỳ mà Phật giáo đang phát triển và Ngài đã dịch nhiều kinh văn vô cùng được trân trọng, bao gồm Kinh Hoa Nghiêm 80 quyển. Nhiều Kinh điển Đại thừa cực kỳ quý báu, chẳng hạn Bát Nhã Ba La Mật Kinh đã được đem đến Trung Quốc trong giai đoạn đó bởi những dịch giả vĩ đại như Ngài Siksananda.
Ngài Siksananda có thể được xem là một “Lotsawa Hóa hiện” vĩ đại, điều nghĩa là một dịch giả có những đóng góp phi phàm cho Phật giáo trong Phật giáo Tây Tạng. Chư đạo sư Tây Tạng trước kia thường kính lễ chư học giả và dịch giả trước khi thuyết giảng. Khenpo Depa và nhiều Khenpo khác cùng thời với Ngài thường nhớ về lòng từ của chư vị Lotsawa vĩ đại trong lúc thuyết giảng – cách mà những Lotsawa này tìm kiếm những bản kinh văn Giáo Pháp ở Ấn Độ rồi sau đó, dịch chúng sang Tạng ngữ.
Theo những ghi chép lịch sử, Phật giáo từng thịnh hành ở các vương quốc trong vùng Tân Cương, chẳng hạn Vương quốc Khotan và Vương quốc Kucha [Cưu Tư]. Trong Phật Quốc Ký của Pháp Sư Pháp Hiển, vị đạo sư Phật giáo nổi tiếng dưới Triều Đông Tấn vào thế kỷ 4, người đã du hành đến Ấn Độ để cầu Pháp, có ghi lại rằng có hàng vạn tu sĩ ở Vương quốc Khotan khi Ngài viếng thăm nơi đó. Trên khắp đất nước, nhà cửa của dân chúng trông như những ngôi sao tách biệt, và mỗi nhà lại có một bảo tháp nhỏ phía trước cửa. Bảo tháp nhỏ nhất có thể cao hai mươi cubit[1] hoặc hơn, trong đó, người Khotan làm những căn phòng cho chư Tăng du hành từ mọi nơi với bất kỳ vật dụng nào mà họ cần.
Khung cảnh Khotan khi ấy rất tương đồng với vùng Tây Tạng, nơi mà từ thời cổ xưa cho đến nay, có một thói quen chung là mỗi hộ đều có phòng thờ mà trong đó, những đại diện của Tam Bảo – tượng Phật, bản văn Giáo Pháp và bảo tháp Phật giáo – được thiết lập. Mặc dù ngày nay, rất ít người thuộc thế hệ trẻ hơn đang tuân theo, đa số người Tạng vẫn giữ truyền thống này.
Tuy nhiên, với việc những vương quốc Hồi giáo xâm lăng Tân Cương bắt đầu vào khoảng thế kỷ 9 dưới Triều Tống, Phật giáo bắt đầu dần dần suy giảm và cuối cùng, sau vài trăm năm, toàn bộ các vùng đều bị Hồi giáo hóa và Phật giáo hoàn toàn biến mất dưới Triều Minh vào thế kỷ 16.
Là Phật tử, chúng ta cần biết về lịch sử này. Biết về lịch sử không có nghĩa là chúng ta cần đánh nhau với ai đó. Điều đó nghĩa là chúng ta cần phát triển nhận thức về điều đang diễn ra hay sắp diễn ra, thay vì cứ đui mù và thờ ơ, chẳng làm gì cho đến khi nguy hiểm xảy đến với mình. Hiểu rằng mọi hữu tình chúng sinh đều từng là cha mẹ chúng ta trong các đời quá khứ, môn đồ Phật giáo thực hành lòng từ và bi với tất cả. Thế nhưng, một số người có thể cho rằng Phật tử không thể đáp lại, do đó, ẩu thả gây xung đột với Phật giáo chỉ để theo đuổi tư lợi.
Xuyên suốt lịch sử, có nhiều bạo chúa đã phát động chiến tranh vì lợi riêng, chẳng bận tâm đến sự an lành của dân thường. Điều này cũng đúng với một số lãnh đạo tôn giáo. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là cuộc Thập Tự Chinh, một chuỗi những thánh chiến giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo, diễn ra trong khoảng hai trăm năm. Chiến tranh là bạo lực và là cội nguồn của khổ đau ghê gớm; thế nhưng Thập Tự Chinh lại được gọi là thánh chiến và những vị lãnh đạo khởi xướng chúng thuyết giảng cho binh lính rằng cách tốt nhất để phụng sự Chúa và nhận được vinh quang vĩnh cửa là thề hiến dâng mạng sống để phục vụ trong cuộc thánh chiến.
Ngày nay có các nhóm cực đoan, người làm những hành vi khủng khiếp dưới danh nghĩa của tôn giáo để đạt được mục tiêu của họ. Đây là thứ khiến cho chính trị thần quyền trở thành điều gì đó đáng sợ ở nhiều quốc ga. Dưới nền chính trị thần quyền, những kẻ cực đoan có thể sử dụng vỏ bọc tôn giáo để đạt được tham vọng chính trị của mình. Ví dụ về những cá nhân làm hại vô số người vô tội dưới danh nghĩa tôn giáo có thể được tìm thấy xuyên suốt lịch sử. Trong khi họ có thể bào chữa hành động gây hại dưới danh nghĩa của tình yêu thương và nhân từ, thực sự, họ bị thúc đẩy bởi tư lợi. Thấy tác động gây hại mà tôn giáo đem đến cho nhân loại, việc nhiều người ngày nay lựa chọn không theo tôn giáo và một số thậm chí còn ghét cay ghét đắng tôn giáo là chuyện có thể hiểu được.
Bất kể người ta có gọi nó là gì, một cuộc thánh chiến hay chỉ là chiến tranh, chẳng điều gì có thể bào chữa cho những cái chết mà nó gây ra. Và bất kể bao nhiêu vòng hoa tang được dâng lên, những cái chết như vậy không thể được tôn vinh. Tuy nhiên, trong Phật giáo, mọi cuộc chiến tranh đều được tiến hành khi sử dụng thanh kiếm của lòng bi mẫn để cắt đứt gốc rễ vô minh. Như Tứ Bách Kệ Tụng Trung Đạo có nói:
Những kẻ điều phục thấy cảm xúc phiền não
Là kẻ thù, chứ không phải người có chúng.
Không một chúng sinh nào bị Phật Thích Ca Mâu Ni xem là kẻ thù. Những kẻ thù thật sự trong Phật giáo mà hành giả Giáo Pháp chống lại là 84000 kiểu phiền não trong tâm hữu tình chúng sinh, chứ không phải hữu tình chúng sinh, những vị bị phiền não này trói buộc. Những hình tướng phẫn nộ của chư Phật và Bồ Tát cũng như các Pháp khí và vũ khí dữ tợn trong tay chư vị chỉ là biểu tượng cho sự tiêu trừ bóng tối vô minh trong tâm của mọi hữu tình chúng sinh, chứ không phải để gây tổn hại thật sự cho bất kỳ hữu tình chúng sinh nào.
Hãy Phát Triển Niềm Tin Có Lý Trí Với Phật Giáo
Là môn đồ Phật giáo, chúng ta cần hiểu được tính độc đáo và thù thắng của giáo lý Phật. Có hàng nghìn tôn giáo trên thế giới và mỗi tôn giáo lại xem giáo lý của mình là tốt nhất. Không có đủ nghiên cứu và kiến thức, người ta gần như không thể phân biệt học thuyết của các tôn giáo khác nhau. Thế nhưng, họ có thể tìm hiểu nhiều về một tôn giáo bằng cách quan sát vị sáng lập, bởi vị ấy là nhân vật quan trọng nhất trong tôn giáo đó. Một số tôn giáo được dẫn dắt bởi chư thiên, trong khi một số bởi con người. Một số vị sáng lập không truyền lại bất kỳ học thuyết nào trong khi một số thì có.
Vị sáng lập Phật giáo là Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta có thể kiểm tra những giáo lý của Ngài bằng ba kiểu điều tra nghiên cứu hay ba kiểu nhận thức xác thực, tức là nhận thức trực tiếp về hiện tượng hiển bày, sự suy ra về hiện tượng ẩn giấu và kinh văn xác thực cho các hiện tượng rất ẩn giấu, để xem liệu có bất kỳ sự phi lý mang tính lý thuyết nào trong những giáo lý hay không. Nếu qua những kiểm tra như vậy mà bạn vẫn thấy giáo lý của Đức Phật hợp lý và có thể chấp nhận, bạn có thể quy y Đức Phật, những giáo lý của Ngài – Giáo Pháp – và môn đồ của Ngài – Tăng đoàn. Đây là thái độ đúng đắn để đi theo tôn giáo. Nếu bạn đang theo Phật giáo chỉ bởi vì những người xung quanh làm vậy thì đó chỉ là niềm tin mù quáng.
Trong Cách mạng Văn hóa, nhiều người từ bỏ niềm tin Phật giáo trong khi số khác thì không. Những vị giữ gìn niềm tin trong thời kỳ khó khăn như vậy đã phát khởi sự xác quyết không dao động với Đức Phật nhờ nghiên cứu và thực hành kỹ lưỡng. Thế nhưng, những vị chưa phát triển được sự xác quyết như vậy sẽ dễ dàng từ bỏ niềm tin khi bị đe dọa. Có thể là họ chưa thực sự hiểu được những khác biệt giữa Phật Thích Ca Mâu Ni và Chúa bởi họ cảm thấy cả hai đều chẳng thể nghĩ bàn. Họ có lẽ chỉ làm theo người khác, những vị tuyên bố rằng, “Phật Thích Ca Mâu Ni thì tốt”, “Liên Hoa Sinh rất tốt”, “Văn Thù và Quan Âm đều tốt”.
Vì vậy, điều cốt yếu là chúng ta phát triển niềm tin có lý trí với Đức Phật và những giáo lý của Ngài bằng cách lắng nghe và quán chiếu. Ví dụ, nhờ học hỏi Luận Giải Về Nhận Thức Xác Thực, chúng ta có thể thấy rằng Đức Phật là vị toàn tri với nhận thức xác thực. Khi chúng ta bắt đầu tìm hiểu Phật giáo, bước đầu tiên là lắng nghe giáo lý từ một Pháp sư; sau đó, chúng ta cần ôn tập lại bản văn và quán chiếu về ý nghĩa. Chúng ta cần nghiên cứu giáo lý một cách nghiêm túc bằng sự kiểm tra mang tính khoa học, sự suy luận lý thuyết hay kinh nghiệm bản thân để xem liệu nó có đáng tin cậy hay không. Sau khi tự mình nghiên cứu giáo lý, chúng ta sau đấy có thể tự mình đi đến kết luận rằng Phật Thích Ca Mâu Ni thực sự vĩ đại và Ngài toàn tri cả về chân lý tương đối và tuyệt đối của mọi hiện tượng.
Nhìn chung, có hai kiểu chân lý liên quan đến mọi hiện tượng, chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Chân lý tương đối liên quan đến những đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và có thể hiểu nhờ nhận thức thông thường, trong khi chân lý tuyệt đối không phải là đối tượng của nhận thức thông thường mà vượt qua quan niệm nhị nguyên. Với nhiều nhà khoa học và học giả vĩ đại trên thế giới, chẳng hạn Einstein, Newton và Aristotle, họ chỉ tinh thông về những lĩnh vực kiến thức thế tục nhất định và phát lộ một phần của chân lý tương đối. Không ai trong số họ từng chứng ngộ nguyên tắc bao trùm của duyên khởi hay chân lý tuyệt đối của tính Không. Sự hiểu của họ về tính Không thậm chí còn chưa thể sánh với sự chứng ngộ của một A La Hán.
Nhờ kiểu phân tích này, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng ngoại trừ Đức Phật, không nhà khoa học hay lãnh đạo tôn giáo nào khác từng giảng về chân lý tuyệt đối của mọi hiện tượng. Nếu muốn chứng ngộ chân lý tuyệt đối, chúng ta phải nương tựa giáo lý của Đức Phật. Thậm chí nếu chúng ta có những nghi ngờ với Phật giáo, những nghi ngờ này có thể được xua tan nhờ quán sát triết học độc đáo và sâu xa về tính Không. Tứ Bách Kệ Tụng Trung Đạo nói rằng:
Bất kỳ ai nghi ngờ điều Đức Phật đã nói
Về điều ẩn giấu
Cần nương tựa tính Không
Và đạt được sự xác quyết với chỉ mình Ngài.
Điều này nghĩa là nếu ai đó có bất kỳ nghi ngờ nào về giáo lý sâu xa của Đức Phật, bao gồm cả sự tồn tại của đầu thai, luật nhân quả không sai trệch, công đức chẳng thể nghĩ bàn của bố thí, cũng như sự trì giới và nhẫn nhục vi tế, sự hiểu rõ ràng về tính Không sẽ giúp làm sáng tỏ nghi ngờ và trưởng dưỡng sự xác quyết.
ÁNH SÁNG VÀ ÂM THANH CỦA NHƯ LAI
Khi ấy, Như Lai mỉm cười và phóng hàng trăm nghìn vô vàn triệu mây ánh sáng lớn. Có mây ánh sáng đại viên mãn, mây ánh sáng đại từ – bi, mây ánh sáng đại trí tuệ, mây ánh sáng đại Bát Nhã, mây ánh sáng đại định, mây ánh sáng đại cát tường, mây ánh sáng đại phước đức, mây ánh sáng đại công đức, mây ánh sáng đại quy y và mây ánh sáng đại tán thán.
Lúc đó, Đức Phật mỉm cười và phóng ra vô số mây ánh sáng. Trong nhiều Kinh điển, Đức Phật được miêu tả là phóng đại hào quang từ nhục kế trên đầu, từ giữa lông mày, từ tim hay từ toàn bộ thân. Ở đây, không rõ ánh sáng bắt nguồn từ đâu. Tuy nhiên, bất kể Đức Phật làm gì, dù đó là mỉm cười hay bất cứ hành động nào khác, điều đó đều không phải vô nghĩa. Trong Tứ Bách Kệ Tụng Trung Đạo có nói:
Không một động tác nào của chư Phật
Là không có lý do; thậm chí việc chư vị thở
Cũng hoàn toàn là vì
Lợi lạc của hữu tình chúng sinh.
Từ “mây” trong bản văn có cùng ý nghĩa với cụm từ Mây Cúng Dường Phổ Hiền, chỉ ra số lượng nhiều hay quy mô lớn. Mây cúng dường nghĩa là vô vàn cúng dường bao trùm toàn bộ hư không, giống như những đám mây bao trùm toàn bộ bầu trời. Ở đây, mây ánh sáng lớn có thể được giải thích theo lối Mật thừa cũng như cách thức của thừa phổ thông. Trong Mật thừa, nó có thể được hiểu là tịnh quang chẳng thể nghĩ bàn của bản tính tâm trong khi theo thừa phổ thông, vô số mây ánh sáng lớn mà Đức Phật phóng ra có thể được hiểu là một cách để xua tan bóng tối vô minh trong tâm hữu tình chúng sinh.
Vì thế, mỗi mây ánh sáng có thể được giải thích từ những khía cạnh khác nhau. Ví dụ, “mây ánh sáng đại viên mãn” gợi ý rằng Đức Phật đã hoàn thiện hoạt động làm lợi lạc bản thân và chúng sinh khác. Tôi sẽ không giải thích lần lượt bởi nhiều Pháp Sư của Phật giáo Trung Hoa đã chú giải những ánh sáng này theo sự hiểu riêng của chư vị, chẳng hạn như đạo sư vĩ đại Ngẫu Ích Trí Húc dưới Triều Minh.
Một số đạo hữu nhấn mạnh tầm quan trọng của ánh sáng và thường thốt lên khi họ thấy cầu vồng hay thứ gì đó sáng chói. Nếu thực sự thích ánh sáng, bạn có thể tìm được mọi kiểu ánh sáng ở những thành phố lớn, nhưng không gì trong số chúng là ánh sáng được nhắc đến ở đây, trong bản văn này. Ở đây, những phẩm tính cao quý của Đức Phật, chẳng hạn lòng bi mẫn, trí tuệ, Bát Nhã và cát tường là thứ được hiển bày dưới dạng ánh sáng lớn.
Trong vài tình huống, ánh sáng của Đức Phật có thể được thấy trực tiếp. Ví dụ, khi bạn cảm thấy được gia trì từ việc hành hương đến một ngọn núi thiêng, rất có thể là bạn sẽ thấy vài dấu hiệu cát tường xuất hiện bên ngoài. Nhưng trong đa số trường hợp, ánh sáng của Đức Phật không thể được thấy trực tiếp. Ví dụ, khi sức mạnh của từ, bi, hỷ hay xả khởi lên trong tâm bạn, hay khi bạn đạt được một cấp độ trí tuệ và định nhất định, đó là ánh sáng của Đức Phật soi sáng tâm bạn, dẫu cho mắt trần không thể thấy. Dù thế nào, ánh sáng của Đức Phật soi sáng bình đẳng cho mỗi hữu tình chúng sinh mọi lúc.
Sau khi phóng ra [số lượng] chẳng thể diễn tả mây ánh sáng như vậy, Ngài lại phát ra những âm thanh cao quý, tuyệt diệu khác nhau. Có âm thanh bố thí ba la mật, âm thanh trì giới ba la mật, âm thanh nhẫn nhục ba la mật, âm thanh tinh tấn ba la mật, âm thanh thiền định ba la mật, âm thanh Bát Nhã ba la mật, âm thanh từ và bi, âm thanh hỷ và xả, âm thanh giải thoát, âm thanh vô lậu, âm thanh trí tuệ, âm thanh đại trí tuệ, âm thanh sư tử hống, âm thanh đại sư tử hống, âm thanh mây sấm và âm thanh mây sấm lớn.
Sau khi phóng ra vô số ánh sáng, Đức Phật lại phát ra những âm thanh dễ chịu, vi tế và tuyệt diệu khác nhau. Người ta có thể tưởng tượng khung cảnh như là một kiểu biểu diễn âm nhạc ánh sáng hiện đại. Khi Đức Phật sắp chuyển Pháp luân, Ngài trước tiên phóng đại hào quang và sau đó phát ra những âm thanh khác nhau. Những âm thanh như vậy có lẽ không nhất thiết phải là tiếng vỏ ốc hay tương tự mà chúng ta có thể nghe. Chúng có một dãy bao la, bao trùm sáu ba la mật, tứ vô lượng và sự chứng ngộ chân lý tuyệt đối, v.v. Những vị đủ may mắn được nghe có thể được gia trì bởi bất kỳ kiểu âm thanh nào trong số này, thứ sẽ khơi dậy phẩm tính tương ứng trong tâm họ. Ví dụ, khi Đức Phật phát ra âm thanh thiền định ba la mật hay âm thanh Bát Nhã ba la mật, thiền định hay trí tuệ sẽ tăng trưởng trong tâm người nghe. Đây là một phương pháp mà Đức Phật dùng để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh.
Khi một số người nghe kiểu âm thanh đặc biệt này, nó có thể tạo ra cả phẩm tính thế gian và xuất thế gian cao quý. Năm 1986, năm thứ hai sau khi tôi đến Larung Gar, Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche quyết định viếng thăm rất nhiều Tu viện, chủ yếu ở vùng Kham, với mục đích khuyến khích những vị muốn đi cùng Ngài hành hương về Ngũ Đài Sơn vào năm sau tụng 100 triệu biến Chân ngôn Văn Thù. Kyabje Rinpoche nói, bằng cách này, duyên khởi cát tường để hoằng dương Giáo Pháp có thể được tạo ra.
Những chiếc ô tô mà Kyabje Rinpoche dùng trong chuyến này không phải loại xa xỉ, đôi khi chỉ là xe tải và tốt nhất chỉ là một chiếc Jeep Bắc Kinh. Bất kể phương tiện nào, Ngài đều đặt loa phóng thanh bên trên, phát những bài ca của Đức Tsangyang Gyatso và nhiều Chân ngôn khác nhau, chẳng hạn Chân ngôn Guru Rinpoche và Chân ngôn Mani. Những âm thanh này tạo ra sự cát tường vô cùng lớn lao với chuyến đi.
Chúng tôi đã viếng thăm hơn 70 Tu viện quanh vùng và đi qua nhiều nơi như Drango, Garze, Dawu, Nyagrong, Dartsedo và Rongtrak. Bởi những hạn chế tôn giáo cũng có phần được nới lỏng khi đó, bất cứ khi nào đi qua một ngôi làng hay thị trấn, chúng tôi vặn âm thanh hết mức và âm thanh đã thu hút nhiều người. Đặc biệt khi chúng tôi đi qua những hạt nhỏ, hầu hết người dân gần đó đều ra ngoài khi nghe thấy âm thanh và đổ xuống phố. Tôi mới xuất gia khi ấy và rất tò mò cũng như phấn khích khi thấy những đám đông lớn tập hợp lại như vậy.
Tuy nhiên, phản ứng của mọi người với âm thanh cũng khác nhau. Đa số xúc động trước âm thanh Chân ngôn và chắp tay với niềm tin, họ ứa nước mắt. Số khác bị thu hút bởi âm thanh lớn vì tò mò nên đã ra ngoài xem chuyện gì xảy ra. Một số người thấy phiền trước tiếng động lớn và trở nên có phần không thân thiện với chúng tôi. Bất kể phản ứng của họ ra sao, mặc dù tôi không có manh mối nào lúc đó, Kyabje Rinpoche nói rằng gốc rễ thiện lành đã được gieo trong những vị nghe được âm thanh.
Bởi thiên hướng của hữu tình chúng sinh rất khác biệt – một số có thể cộng hưởng với âm thanh dễ dàng, một số với khung cảnh đẹp đẽ, chư Phật và Bồ Tát hiển bày trong những hình tướng khác nhau và sử dụng phương tiện thiện xảo để đưa hữu tình chúng sinh đến với con đường giải thoát. Chúng ta từng đánh trống, thổi vỏ ốc và chơi những Pháp khí khác trước và sau lớp học Pháp. Bây giờ, chúng ta chỉ thổi vỏ ốc và tụng Chân ngôn Guru Rinpoche. Đây là những điều cần thiết và là phương tiện thiện xảo để gieo trồng hạt giống thiện lành trong những chúng sinh nghe được âm thanh.
NHỮNG VỊ THAM DỰ PHÁP HỘI
Sau khi Ngài phát ra [số lượng] âm thanh chẳng thể diễn tả-chẳng thể diễn tả như vậy, từ Ta Bà thế giới và những cõi nước khác, vô số triệu chư thiên, long, quỷ và thần cũng hội họp trong cõi trời Tam Thập Tam. Chư vị đến từ trời Tứ Thiên Vương, trời Tam Thập Tam, trời Tu Diệm Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Đại Phạm, trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm, trời Thiểu Tịnh, trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh, trời Phước Sinh, trời Phước Ái, trời Quảng Quả, trời Vô Tưởng, trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt [từ phiền não], trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Sắc Cứu Cánh, trời Ma Hê Thủ La và v.v. cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Tất cả tập hội chư thiên, Long, quỷ và thần đều đến hội họp.
Sau khi Đức Phật hiển bày những điều diệu kỳ này, vô số chư thiên, Long, quỷ và thần từ cõi Ta Bà và những cõi nước khác đều tập hợp trong cung điện của trời Tam Thập Tam. Chư thiên cư ngụ tại những cõi trời khác nhau thuộc về Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Nếu bạn muốn nghiên cứu chi tiết hơn, tất cả những cõi trời này trong tam giới được giải thích mở rộng trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá, Kho Tàng Như Ý và Luận Du Già Sư Địa [Yogacarabhumi Shastra].
Về cơ bản, trong cõi Dục giới, có sáu cõi trời: (1) trời Tứ Thiên Vương, (2) trời Tam Thập Tam, (3) trời Tu Diệm Ma, (4) trời Đâu Suất, (5) trời Hóa Lạc và (6) trời Tha Hóa Tự Tại. Khá dễ dàng để chư thiên trong những cõi trời này đến trời Tam Thập Tam, tham dự Pháp hội.
Sắc giới có bốn cấp độ thiền và trong mỗi [cấp độ] thiền lại có những cõi trời khác nhau. Trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Đại Phạm được tìm thấy trong sơ thiền. Trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm được tìm thấy trong nhị thiền. Trời Thiểu Tịnh, trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh thuộc về tam thiền. Tứ thiền có tám cõi trời; ba cõi đầu tiên là chốn cho chư thiên bình phàm còn chư vị chứng ngộ cao quý sống ở năm cõi trời còn lại. Ba [cõi trời] đầu tiên là trời Phước Sinh, trời Phước Ái, trời Quảng Quả. Trời Vô Tưởng là một phần của trời Quảng Quả. Đó là nơi mà những người, thường là hành giả ngoại đạo, những vị liên tục thực hành thiền thế gian, sẽ tái sinh. Năm cõi trời tiếp theo, tức trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện và trời Sắc Cứu Cánh, là những cõi trời mà chư vị tôn quý sống. Trời Ma Hê Thủ La thuộc về trời Sắc Cứu Cánh và trong cõi trời này, Ma Hê Thủ La [Mahesvara], vua của cõi trời Sắc Cứu Cánh, sống.
Sau đó, có bốn cõi trời thuộc Vô Sắc giới. Chúng là trời Không Vô Biên Xứ, trời Thức Vô Biên Xứ, trời Vô Sở Hữu Xứ và trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ hay Đỉnh Tồn Tại là sự tồn tại cao nhất trong tam giới.
Địa điểm của bốn cõi trời thuộc Vô Sắc giới rất khác nhau tùy theo kinh văn khác nhau. Trong Kho Tàng Như Ý, Đấng Toàn Tri Longchenpa trích dẫn nhiều kinh văn và giảng giải mở rộng về chủ đề Vô Sắc giới. Theo phân tích của Ngài, chư thiên trong Vô Sắc giới thực sự vẫn có thân vi tế và chỉ bởi vì thân họ quá vi tế, họ được cho là Vô Sắc. Bởi sự thật này, như Đức Longchenpa giải thích, bốn cõi trời thuộc Vô Sắc giới tọa lạc ở phía trên Sắc giới. Tuy nhiên, trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá có nói rằng chúng sinh Vô Sắc giới không có hình tướng nào, vì thế, không có địa điểm cụ thể cho Vô Sắc giới. Bất cứ nơi nào có một vị đạt được định của Vô Sắc giới qua đời, vị ấy sẽ tái sinh trong Vô Sắc giới ở đó và sau đấy, sẽ nhập vào sự tập trung thiền định trong hàng vạn đại kiếp tại nơi ấy. Vì thế, địa điểm nơi vị ấy chết là vị trí của Vô Sắc giới.
Gần đây, tôi mải mê chuyển dịch Kho Tàng Như Ý và thấy rằng Đấng Toàn Tri Longchenpa thực sự uyên bác, có thể giới thiệu tri kiến Phật giáo bao quát về vũ trụ học trong khi cũng trình bày chi tiết về những quan điểm ngoại đạo. Tôi đã dành nhiều ngày để hiểu và dịch những quan điểm này và đôi lúc, tôi gần như tin rằng Ngài đang dạy những quan điểm ngoại đạo thay vì Phật giáo.
Bởi Ngài giới thiệu cả quan điểm Phật giáo và ngoại đạo theo cách thức mở rộng như vậy, chư đạo sư vĩ đại trong quá khứ rất nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ luận này. Mặc dù đã thọ khẩu truyền và đọc bản văn này một lần sau khi tôi vừa tới Larung Gar, tôi không bao giờ chính thức nghiên cứu. Sau này, tôi quyết định chuyển dịch Bảy Kho Tàng của Đức Longchenpa sang tiếng Trung và Kho Tàng Như Ý là một trong số chúng. Nó gồm hai quyển lớn và việc chuyển dịch quyển đầu tiên về cơ bản đã hoàn tất. Tôi đang chuyển dịch quyển thứ hai và giáo lý về Vô Sắc giới nằm ở quyển đầu tiên.
Hơn thế nữa, từ các cõi nước khác và thế giới Ta Ba, thần biển, thần sông, thần rạch, thần cây, thần núi, thần đất, thần sông chằm, thần lúa mạ, thần chủ ngày, thần chủ đêm, thần hư không, thần trên trời, thần chủ ăn uống, thần cỏ cây – những vị thần như vậy đều đến hội họp ở đó.
Trong Phật giáo, mọi kiểu quỷ và thần được miêu tả và giải thích rõ ràng. Ở biển có thần biển và ở sông có thần sông. Đấy là lý do bất cứ khi nào thần sông hay thần biển khó chịu, những tai nạn có thể xảy ra với người đi qua. Sông chằm đôi lúc liên quan đến hồ. Thần hư không sống trong hư không và thần trên trời sống ở thế giới trên trời. Thần chủ ăn uống là một kiểu thần lửa. Thần lò hay thần bếp thuộc về thần chủ ăn uống, những vị sẽ khó chịu nếu có mùi thối từ bếp lò.
Có nhiều chúng sinh trên thế giới này mà chúng ta không thể thấy bằng mắt hay nghe bằng tai nhưng không thể đơn giản phủ định sự tồn tại của họ. Bởi ảnh hưởng bao trùm của chủ nghĩa duy vật, nhiều người không tin vào sự tồn tại của quỷ và thần. Nhưng khi gặp phải, họ sẽ phải thừa nhận sự tồn tại. Tôi biết một viên chức, người từng không tin vào bất cứ điều gì siêu nhiên, nhưng sau khi ông ấy trải qua điều gì đó liên quan đến những thần xấu ác, ông ấy thừa nhận sự tồn tại của họ. Nhiều chính trị gia phương Tây cũng từng không tin vào hiện tượng siêu nhiên nhưng sau này họ thừa nhận trong tiểu sử của mình về sự tồn tại của quỷ và thần khi miêu tả trải nghiệm của bản thân.
Nhiều chuyện sẽ không ý nghĩa nếu chúng ta giải thích chúng chỉ bằng quan điểm của chủ nghĩa duy vật. Ví dụ, khi thần núi, thần đất hay thần đường không vui, họ sẽ trêu đùa con người và thậm chí có thể làm hại bất kỳ ai đi ngang qua, trong khi nếu chúng ta làm hài lòng họ bằng cách cúng hương, họ sẽ tạo ra sự thuận tiện cho chúng ta. Thực tế là, cúng hương cho quỷ và thần có thể đem đến cho họ những lợi lạc thực sự bởi một số ở trong hình tướng của ngạ quỷ, những vị thực sự thống khổ.
Hơn thế nữa, từ các cõi nước khác và thế giới Ta bà, những đại quỷ vương được biết đến là Quỷ Vương Ác Mục, Quỷ Vương Đạm Huyết, Quỷ Vương Đạm Tinh Khí, Quỷ Vương Đạm Thai Noãn, Quỷ Vương Hành Bệnh, Quỷ Vương Nhiếp Độc, Quỷ Vương Từ Tâm, Quỷ Vương Phước Lợi, Quỷ Vương Đại Ái Kính – những quỷ vương như vậy đều đến hội họp ở đó.
Chư thần và quỷ vương khác nhau, những vị đến tập hội đã được giới thiệu. Quỷ Vương Đạm Huyết thường hút máu của hữu tình chúng sinh còn Quỷ Vương Đạm Tinh Khí dùng tinh khí của hữu tình chúng sinh. Một số người luôn luôn trông xanh xao và thường xuyên đau ốm, điều có thể chỉ ra rằng tinh khí của họ đã bị kiểu quỷ này ăn mất. Quỷ Vương Đạm Thai Noãn sống bằng việc ăn thai và trứng và đôi lúc, cái chết của một đứa bé trong tử cung có thể do kiểu quỷ này gây ra. Những hành động tiêu cực từ con người cũng sẽ làm phiền lòng Quỷ Vương Hành Bệnh, vị vì thế sẽ lan truyền bệnh tật, chẳng hạn các loại bệnh cúm và bệnh dịch trên khắp thế giới. Đại dịch do vi-rút Corona hiện nay có thể do kiểu quỷ này.
Những người nghiện ma túy có lẽ bị Quỷ Vương Nhiếp Độc kiểm soát. Nhiều người trẻ sử dụng ma túy hợp pháp hoặc bất hợp pháp bị những kiểu quỷ này kiểm soát. Họ sẽ đau khổ vô cùng và dần dần mất tự do và tự chủ.
Quỷ Vương Từ Tâm có trái tim từ ái và luôn chăm sóc hữu tình chúng sinh bằng cách cung cấp những thứ mà họ tận hưởng; vì vậy, không phải tất cả quỷ đều ác. Đôi khi tôi cảm thấy một số A Tu La, La Sát và Dạ Xoa còn tốt hơn con người. Khi hiểu họ, bạn sẽ thấy họ từ ái và đầy bi mẫn. Tôi có nhiều bạn tốt trong số họ. (Thính chúng cười!).
Tựu trung lại, điều quan trọng là nhớ rằng bằng cách tụng danh hiệu của [Bồ Tát] Địa Tạng, tất cả những quỷ và thần này đều có thể bị điều phục và trở thành bạn của chúng ta.
[1] Một cubit bằng khoảng 45,72 xen-ti-mét.
HỒI HƯỚNG
Cầu mong công đức từ tác phẩm này có thể góp phần
cho sự trường thọ của tất cả đạo sư vĩ đại,
cho sự phát triển của Phật Pháp và cho sự an lành của mọi hữu tình chúng sinh
Ở mức độ lớn nhất có thể!
Nguồn Anh ngữ: https://khenposodargye.org/books/ebooks/original-vows-of-ksitigarbha-bodhisattva-sutra/.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.