Nhân dịp Năm Mới 2020, Orgyen Tobgyal Rinpoche đã dẫn một nhóm lớn gồm chư Tăng và môn đồ hành hương đến một vài trong số những thánh địa Phật giáo quan trọng nhất của Ấn Độ. Tại mỗi điểm dừng chân dọc đường, Rinpoche ban một giáo lý giải thích tầm quan trọng của địa điểm cụ thể đó cũng như lời khuyên về cách thức thực hành khi hành hương. Những giáo lý này không được chuyển dịch khi ấy nhưng trong những tuần sắp tới, chúng tôi dự định sẽ phổ biến chúng trên trang web này[1].
Những thánh địa được viếng thăm trong chuyến hành hương gồm:
- Đỉnh Kê Túc (ngày nay thuộc Gurpa, Bihar)
- Động Mahakala tại Nghĩa Địa Hàn Lâm
- Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya)
- Nalanda
- Vương Xá (Rajgir)
- Tỳ Xá Ly (Vaishali)
- Câu Thi Na (Kushinagar)
- Xá Vệ (Shravasti)
- Lộc Uyển Sarnath)
Nếu chẳng biết gì về thánh địa mà bạn đang chiêm bái, bạn chẳng khác gì con chó cứ mù quáng chạy theo ai đó. Thật hữu ích khi biết về lịch sử của từng địa điểm bởi nó truyền cảm hứng cho chúng ta bằng niềm tin, nhận thức thanh tịnh, lòng sùng mộ, kính trọng và v.v. Khi những cảm giác này khởi lên trong chúng ta, giáo lý nói với chúng ta rằng, khi ấy, chúng ta có thể thọ nhận sự gia trì của thánh địa đó.
ĐỈNH KÊ TÚC TRONG KINH ĐIỂN
Địa điểm mà chúng ta viếng thăm hôm nay linh thiêng với cả Bậc Thầy của chúng ta, Đức Phật Thế Tôn, và với Guru Rinpoche. Tôi không cần phải kể cho các bạn tiểu sử của Phật giác ngộ viên mãn Thích Ca Mâu Ni. Đây là nơi mà đệ tử thù thắng của Ngài, vị Thanh Văn vĩ đại – Tôn giả Ca Diếp, đang chờ để trao lại y của Đức Phật cho Phật tương lai – Đức Di Lặc. Khi Bậc Thầy của chúng ta, Phật giác ngộ viên mãn nhập Niết Bàn, Ngài đã chọn Đại Thanh Văn Ca Diếp là vị nhiếp chính và trao cho vị này y Tăng Già Lê[2] của Ngài. Ngài bảo vị này sau đó giao trọng trách giáo lý cho Thanh Văn A Nan.
Đại Thanh Văn Ca Diếp đã chăm sóc giáo lý của Đức Phật trong nhiều năm và tổ chức Hội Nghị Kết Tập lần thứ nhất. Sau đó, Ngài trao lại trách nhiệm này cho Thanh Văn A Nan, vị sau đấy trở thành Nhị Tổ. Có bảy vị Tổ bắt đầu từ Tôn giả Ca Diếp và A Nan.
Khi đến thời điểm mà Ngài Ma Ha Ca Diếp sắp nhập Niết Bàn, Ngài yêu cầu được đưa đến Đỉnh Kê Túc gần Bồ Đề Đạo Tràng. Đỉnh này được gọi tên theo hình dạng – ba mỏm đá với một đỉnh duy nhất, trông giống như chân gà.
Ngài Ma Ha Ca Diếp là một A La Hán vĩ đại, vị đã làm chủ mười hai hạnh đầu đà; đấy là lý do Ngài có thể giữ gìn y của vị Phật thứ tư của Hiền Kiếp này, Phật Thích Ca Mâu Ni. Tại Đỉnh Kê Túc, Ngài yêu cầu Dạ Xoa và mọi tinh linh khác cùng bảo vệ y Pháp. Đức Phật đã tiên đoán về sự giác ngộ trong tương lai của Nhiếp Chính, Đấng Bảo Hộ Di Lặc, vị sẽ chuyển Pháp luân vì đệ tử. Đệ tử Tỳ Kheo của Đức Di Lặc sẽ có công đức lớn và kết quả là, cuộc đời họ sẽ bền lâu, thân họ cao và v.v. Thế nhưng vẫn thật khó để họ làm chủ mười hai hạnh đầu đà; do đó, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp được giao phó y Tăng Già Lê của Đức Thích Ca Mâu Ni và được yêu cầu trao lại cho Đức Di Lặc khi vị này xuất hiện.
Đức Phật nói rằng Ngài Di Lặc sẽ đến Đỉnh Kê Túc nhờ sức mạnh diệu kỳ. Sau đó, Ngài sẽ mở đỉnh ba mỏm, mà ở giữa có đặt Kudung của Đại Thanh Văn Ca Diếp. Ngài sẽ tuyên bố rằng, “Trong quá khứ, khi thọ mạng con người là một trăm năm, khi đấng dẫn dắt thứ tư của Hiền Kiếp xuất hiện trên thế giới và chuyển Pháp luân, Đại Thanh Văn Ca Diếp, vị làm chủ hạnh đầu đà của một vị Phật, đã nhập vào diệt và kể từ đó, vẫn luôn duy trì ở đây trong Kudung của Ngài. Tăng Già Lê mà Kudung đắp thuộc về Phật Thích Ca Mâu Ni’. Đại Thanh Văn Ca Diếp sau đó sẽ cho tất cả những vị xung quanh xem Tăng Già Lê; những vị này sẽ kinh ngạc trước kích thước nhỏ bé của y. Họ sẽ bảo rằng, “Tăng Già Lê này nhỏ thế. Đức Phật chắc hẳn thực sự rất nhỏ. Thân của Đại Thanh Văn Ca Diếp cũng nhỏ. Nếu những người như vậy có thể phát triển phẩm tính của sự rèn luyện, hiện thực hóa định bất tận và chứng quả A La Hán, thì chẳng có lý do gì mà những người như chúng ta, với sự trường thọ, sự oai nghiêm và cao lớn, lại không thể đạt được”. Được truyền cảm hứng như vậy, họ sẽ trưởng dưỡng những phẩm tính của sự rèn luyện khổ hạnh và chứng quả A La Hán.
Vì thế, như Đức Phật đã chỉ dạy, Đại Thanh Văn Ca Diếp đã để Kudung của Ngài ở đây, tại Đỉnh Kê Túc – ba mỏm nhô lên một đỉnh – chờ đợi nó được khai mở. Không có tranh cãi gì về điểm này – mọi người đều đồng ý như vậy. Đấng Bảo Hộ Di Lặc sẽ đặt Kudung của Ngài Ma Ha Ca Diếp trong lòng bàn tay và tất cả những Thanh Văn vĩ đại khác sẽ xem kỹ. Khi ấy, Ngài Ma Ha Ca Diếp sẽ khởi lên từ diệt, phần phía trên của thân Ngài sẽ biến thành nước, phần dưới thành lửa, một cơn mưa [xá lợi] Ringsel sẽ rơi xuống và Ngài sẽ nhập Niết Bàn. Đây là địa điểm của Kudung Ngài Ma Ha Ca Diếp, như được nhắc đến trong mọi Kinh điển, một điều được tất cả Phật tử khắp thế giới chấp nhận. Cũng có một Đỉnh Kê Túc ở Trung Quốc, nhưng có lẽ nó liên quan đến những vị vĩ đại khác và chắc không phải là nơi lưu giữ Kudung của Ngài Ca Diếp.
ĐỈNH KÊ TÚC TRONG MẬT ĐIỂN
Với chúng ta, hành giả Nyingma, Guru Rinpoche là Phật giác ngộ viên mãn và bậc thầy về Mật điển. Ngài chào đời trên Hồ Dhanakosha ở Pakistan và Vua Indrabodhi của Afghanistan đã nhận Ngài làm vị kế thừa. Guru Rinpoche sau đó từ bỏ quy tắc của vương quốc và thực hành khổ hạnh trong tám nghĩa địa lớn của Ấn Độ. Ngài thọ các trao truyền từ tám Trì Minh vĩ đại của Ấn Độ, khi chư vị chuyển Pháp luân. Ngài đến Cứu Cánh (Akanishtha) và những cõi Phật khác của chư Phật năm gia đình; ở đó, Ngài diện kiến tất cả chư Phật và phát triển sự hiểu hoàn hảo về Giáo Pháp. Ngài khi ấy được gọi là ‘Phật thứ nhì’.
Sau đó, Ngài trở về Kim Cương Tòa ở vùng đất trung tâm của Ma Kiệt Đà (Magadha) ở Ấn Độ. Bởi Ngài đang hiển bày cách thức để đi theo con đường ở các giai đoạn, Ngài đã xuất gia. Theo một số nguồn, Ngài thọ giới trước sự chứng minh của Đại Thanh Văn A Nan. Tuy nhiên, một số nguồn khác nói rằng Ngài xuất gia theo Đức Prabhahasti. Là hành giả Nyingma, chúng ta tuân theo Kathang, những biên niên sử về cuộc đời của Guru Rinpoche. Chúng đều nói rằng trong lúc Đức Prabhahasti sống trong hang động gần Đỉnh Kê Túc (hay ‘ngọn núi trông giống chân Kim Sí Điểu’), Guru Rinpoche đã đến gặp, thọ giới xuất gia và nhận danh hiệu Shakya Senge ‘Thích Ca Sư Tử’. Khi xuất gia, Ngài cần cạo đầu; tuy nhiên, chư Không Hành Nữ đã trộm con dao của Ngài và ngăn Ngài làm vậy. Ngài đã thọ vô số Giáo Pháp về ba Yoga (sinh khởi Mahayoga, hoàn thiện Anuyoga và Đại Viên Mãn Atiyoga) từ đạo sư kim cương Prabhahasti và nhiều thành tựu giả khác, nhờ đó, xua tan mọi sự hiểu sai lầm. Ngài đã sống trong thời gian dài trong Động Đá Đỏ Kim Sí Điểu[3] và thực hành ở đó. Sau đấy, Ngài đến Kim Cương Tòa. Được tấn phong là vị nhiếp chính của Đức Phật bởi năm trăm học giả, Ngài ở đó trong hai trăm năm. Đấy là ‘Phật thứ nhì’ Shakya Senge mà chúng ta tôn kính.
Nơi chúng ta đến hôm nay là địa điểm mà Guru Rinpoche, Phật thứ nhì, xuất gia và tiến hành nhập thất. Nó được gọi là Đá Chim Kim Sí Điểu, Đỉnh Kim Sí Điểu Túc hay Đá Đỏ Kim Sí Điểu. Mọi người đều đồng ý rằng đây chính là nơi đó. Dân địa phương có tên cho nơi này, điều tương ứng với Phạn ngữ mà khi được dịch thì chính xác nghĩa là Đá Chim Kim Sí Điểu. Vô số chuyên gia về Phạn ngữ cũng như nhiều sử gia đều đồng ý rằng đây là địa điểm đúng – không có nghi ngờ gì về điều này.
Các tiểu sử của Guru Rinpoche cần phải có thể liên hệ được bởi con người. Tại sao? Bởi Guru Rinpoche xuất hiện trong hình tướng con người để dẫn dắt con người, vì thế, cách thức mà Ngài hiển bày phải là cách mà con người có thể liên hệ được với vẻ ngoài và hành động của Ngài. Sẽ không hữu ích nếu điều này vượt khỏi tầm với của họ và họ nghĩ rằng Guru Rinpoche chỉ là huyền thoại, lấy ví dụ. Vì thế, địa điểm này rất quan trọng.
Mãi cho đến hôm nay, tôi mới đến được nơi này. Lo lắng rằng có thể sẽ khó khăn hơn nhiều trong tương lai khi tôi lớn tuổi hơn và sức khỏe suy giảm, tôi đã dồn hết sức lực và xoay xở để đến được núi thiêng này với sự giúp đỡ của những tu sĩ trẻ và chúng ta đang thực hành nghi quỹ Sampa Lhundrubma ở đây. Địa điểm này rất linh thiêng và sở hữu gia trì mạnh mẽ. Bởi Guru Rinpoche là vị đã đạt được thân trí tuệ, nhờ để tâm trí tuệ nghỉ ngơi không xao lãng và hướng gia trì, Ngài thánh hóa toàn bộ môi trường bên ngoài, nơi trở thành cõi thanh tịnh, trong khi sự thanh tịnh vĩ đại, thứ từ nguyên sơ là bản tính của mọi hữu tình chúng sinh – họ là Không Hành Nam và Không Hành Nữ – xuất hiện rõ ràng như nó là, chuyển hóa vùng này thành một chốn vô cùng linh thiêng.
Khi đến những thánh địa, nếu chúng ta cầu nguyện, phát khởi lòng sùng mộ và thọ gia trì trong bối cảnh của thực hành, chúng ta dứt khoát sẽ thọ nhận gia trì lớn. Ví dụ, khi bạn đến gần một hồ lớn, bạn tiếp cận với toàn bộ nước mà bạn cần để uống, nấu ăn hay làm bất cứ điều gì khác mà bạn cần đến nước. Khi bạn đến một thánh địa cũng tương tự vậy. Địa điểm thanh tịnh và được gia trì từ nguyên sơ và bởi bên cạnh đó, những vị vĩ đại, chẳng hạn Guru Rinpoche, vị đã chứng ngộ trí nguyên sơ, đã gia trì nó, gia trì và thành tựu chẳng bao giờ suy giảm hay biến mất.
Vì thế, khi những người thiện lành đến cầu nguyện, nhận ra sự thanh tịnh thực sự của một địa điểm và thỉnh cầu gia trì, họ thọ nhận chúng. Bạn có thể hỏi, “Chúng con thọ gia trì như thế nào?”. Bạn không nhận được những đồng ơ-rô, đô-la hay đô-la Singapore lấy ví dụ, mà là thành tựu thù thắng và thông thường. Thành tựu thù thắng là nếu bạn thiền định, tâm bạn sẽ trở thành một với tâm trí tuệ của Đức Phật, thoát khỏi quan niệm và bạn sẽ đạt đến thành tựu thù thắng của Đại Ấn tức Mahamudra. Bạn cũng sẽ thọ nhận những thành tựu thông thường tùy theo lời cầu nguyện và thực hành của bạn. Hơn thế nữa, trong đời này, mọi vấn đề và chướng ngại, kẻ thù và lực gây chướng sẽ được xoa dịu. Trong đời sau, bạn sẽ gặp được thiện tri thức, bậc thầy tâm linh, vị sẽ dẫn dắt bạn tiến bộ trên con đường đến Phật quả hoàn hảo. Nếu bạn nghĩ như vậy, mọi chuyện sẽ xảy ra đúng như bạn mong muốn. Đặc biệt bởi lòng bi mẫn và gia trì của Đạo Sư Liên Hoa Sinh vô cùng nhanh chóng và hiệu nghiệm:
“Trong tương lai, khi năm suy đồi đầy rẫy, sức mạnh và năng lực lòng bi mẫn của Ta sẽ chẳng gì sánh bằng. Sức mạnh sẽ oai hùng như lửa dữ dội lúc kết thúc một kiếp; nó sẽ thâm nhập khắp nơi với sự chói ngời như mặt trời – mặt trăng lớn lao”.
Đây là hứa nguyện phi phàm mà Guru Rinpoche đã phát. Bởi sức mạnh của hứa nguyện này hoàn toàn đáng tin cậy, chẳng cần vất vả và nỗ lực, “mọi mong ước nhanh chóng viên thành”, đúng như Sampa Nyurdrubma có nói.
Trong lễ cúng Tsok sắp tới, các bạn đều cần thiền định về thân là vị Tôn và khẩu là sự diễn tả Tsok, trong khi hiện thực hóa ý nghĩa bằng tâm và tụng đúng đắn, không bỏ sót từ ngữ hay chủng tự. Bởi chúng ta đã nỗ lực để đến được đây hôm nay, đừng uổng phí nó. Tôi nói với các bạn tất cả những điều này bởi tôi cho rằng đó là trách nhiệm của tôi, bởi vị trí của tôi – đa số các bạn ở đây đều là tu sĩ trong Tu viện của tôi và nương tựa tôi. Với những vị khác, chẳng có gì đặc biệt trong điều tôi vừa nói, nó đơn giản là sự thật. Tôi nghĩ rằng nếu nói sự thật thì cũng được thôi.
Nguồn Anh ngữ: https://all-otr.org/pilgrimage/76-cocks-foot-peak-kukkutapada.
Gyurme Avertin chuyển dịch Tạng-Anh; David Rand & Philip Philippou hiệu đính.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Tức https://all-otr.org/.
[2] Tăng Già Lê (Phạn: Sanghati; Tạng: Namjar) là một trong ba y của một vị Tăng. Y này là khăn choàng lớn, từ nhiều miếng vải chắp lại và chỉ dành cho những vị đã thọ giới Cụ Túc.
[3] Tên gọi khác của Đỉnh Kê Túc.