Theo thỉnh cầu của Rigpa London, Orgyen Tobgyal Rinpoche đã giảng về lời cầu nguyện nổi tiếng đến Guru Rinpoche được gọi là Barche Lamsel – Lời Cầu Nguyện Xua Tan Mọi Chướng Ngại Khỏi Con Đường. Ngài giảng trong hai thời khóa, một vào buổi sáng và một vào buổi chiều của ngày 01/10/2023.
Tôi muốn bắt đầu bằng cách gửi lời chúc Tashi Delek đến tất cả các bạn. Tôi được yêu cầu giảng về Barche Lamsel. Tôi được biết rằng nhiều người các bạn thường tụng lời cầu nguyện này; các bạn thấy rằng sẽ thật hữu ích khi biết nhiều thêm về lời cầu nguyện. Có nhiều lời cầu nguyện khác nhau để cầu khẩn Guru Rinpoche và Barche Lamsel là một trong những lời cầu nguyện quan trọng nhất.
Về Guru Rinpoche, một cách ngắn gọn, Ngài là hiện thân của trí tuệ, tình thương, sức mạnh, phẩm tính và hoạt động của tất cả chư Phật ba thời. Lòng bi mẫn và những lời nguyện của Ngài được cho là vô cùng oai hùng, đặc biệt là trong thời kỳ mà năm suy đồi đầy rẫy. “Vô cùng oai hùng” nghĩa là lòng bi mẫn và những nguyện thiêng của Ngài nhanh chóng hơn, vô lượng hơn và mạnh mẽ hơn bất kỳ vị giác ngộ nào khác. Đấy là kiểu đạo sư mà chúng ta đang nói đến ở đây.
Tôn giả Jamyang Khyentse Wangpo nói trong Lamrim Yeshe Nyingpo rằng hiện thân lòng bi mẫn của tất cả chư Phật là Quán Thế Âm; hiện thân trí tuệ của tất cả chư Phật là Văn Thù Sư Lợi trong khi hiện thân sức mạnh và năng lực của tất cả chư Phật là Kim Cương Thủ. Tương tự, Guru Rinpoche là hiện thân hoạt động giác ngộ của tất cả chư Phật – không phải chỉ của một vị, một trăm hay một nghìn vị Phật khác nhau, mà mỗi vị Phật trong tất cả vô số cõi Phật khắp mười phương và bốn thời, nhiều vô số kể hơn nhiều lần số hạt cát của Sông Hằng. Vì thế, như Tôn giả Jamyang Khyentse viết, Ngài là một với những đấng bảo hộ của ba gia đình (Tam Bộ), Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi và Kim Cương Thủ.
Chúng ta gần như chẳng thể nào tưởng tượng mọi điều mà Guru Rinpoche đã đạt được và thành tựu. Người ta nói rằng trong một tỷ vũ trụ khác nhau, có một tỷ Guru Rinpoche khác nhau xuất hiện trước hữu tình chúng sinh theo vô số cách thức. Ngay cả trong thế giới hạn hẹp này của chúng ta, Guru Rinpoche được cho là hóa hiện theo vô số cách thức khác nhau và tiến hành vô số hoạt động tùy theo nhận thức của chúng sinh. Để giúp người ta nghĩ về Ngài, Guru Rinpoche cũng nói rằng: “Vì những người tương lai với thệ nguyện (Samaya) thanh tịnh, Ta đã viết và chôn giấu một vạn chín trăm tiểu sử”.
Trong tất cả những hoạt động khác nhau này vì hữu tình chúng sinh, Ngài xuất hiện là đã chào đời. Đấng Bảo Hộ Vô Lượng Quang (A Di Đà) là tự tướng tự nhiên trí tuệ của tất cả chư Phật. Khi Ngài đang trụ trong cõi Phật Cực Lạc, để rèn luyện và điều phục hữu tình chúng sinh khác nhau của thế giới này, Ngài đã hóa hiện từ tim một chủng tự gốc HRIH màu đỏ, thứ đáp xuống một bông hoa sen bung nở trên hồ sữa phía Tây Nam của Dhanakosha trong vùng đất Oddiyana và từ đó, Guru Rinpoche sinh ra diệu kỳ. Đây là miêu tả thường được chấp nhận về cách mà Guru Rinpoche xuất hiện trên thế giới của chúng ta. Bậc thầy của chúng ta, Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ hoàn hảo, đã tiên đoán rằng trong tương lai, sau khi Ngài nhập diệt, một bậc giác ngộ sẽ xuất hiện, vị thậm chí còn vĩ đại hơn Ngài, vị sẽ truyền bá giáo lý Chân ngôn Bí mật thừa vô cùng rộng rãi và nhờ đó, làm lợi lạc hữu tình chúng sinh ở mức độ bao la. Có nhiều kiểu chúng sinh khác nhau: chúng sinh có thân vật lý như con người và Naga, cũng như chúng sinh không có thân vật lý, như chư thiên, tinh linh và chủ đất thuộc các kiểu khác nhau. Phật Thích Ca Mâu Ni đã có thể điều phục hữu tình chúng sinh với thân vật lý, tuy nhiên, để điều phục tám kiểu thiên – ma khác nhau, cần một kiểu hóa hiện khác, sự hóa hiện không bị ô nhiễm bởi chào đời từ tử cung. Và vì thế, Phật thứ nhì, Liên Hoa Sinh, diệu kỳ xuất hiện.
Sau sự chào đời diệu kỳ của Guru Rinpoche trên hòn đảo phía Tây Nam của Dhanakosha, Vua Indrabodhi phong Guru Rinpoche là vị kế thừa và trao cho Ngài vương quốc. Ban đầu, Guru Rinpoche cai quản vùng đất Oddiyana với tư cách là hoàng tử, nhưng sau đó, Ngài ra đi để thực hành ở tám nghĩa địa lớn cho đến khi đạt được các cấp độ Trì Minh. Dù thế nào, ở Ấn Độ, Oddiyana, Dramida, Zahor và v.v. Ngài đã có thể làm lợi lạc hữu tình chúng sinh ở mức độ bao la, chẳng thể nghĩ bàn – thậm chí còn vĩ đại hơn Đức Phật.
Chúng ta không có đủ thời gian để đi sâu vào toàn bộ tiểu sử của Guru Rinpoche ở đây, hôm nay, nhưng có nhiều tiểu sử mà bạn có thể đọc, điều đã dịch sang nhiều ngôn ngữ. Bạn có thể khám phá nhiều hơn về Ngài theo cách đó.
Guru Rinpoche du hành từ Ấn Độ đến Nepal và trong lúc ở đó, nhận được lời mời từ Vua Trisong Deutsen về việc viếng thăm Tây Tạng. Chính ở Tây Tạng mà những hoạt động giác ngộ của Ngài vì lợi lạc của hữu tình chúng sinh vươn đến tầm cao chẳng gì sánh bằng; tâm hạn hẹp của chúng ta chẳng thể nào hoàn toàn thăm dò đáy sâu và phạm vi của mọi chuyện mà Ngài hoàn thành ở đó. Người ta nói rằng Guru Rinpoche sống ở Tây Tạng trong 120 năm; tuy nhiên, một số người tranh cãi rằng điều này nghĩa là 60 năm bởi phong tục Ấn Độ cổ tính một năm là tương đương với sáu tháng. Việc Ngài đến Tây Tạng, các địa điểm Ngài viếng thăm và những hoạt động khác nhau mà Ngài tiến hành đều được ghi chép rõ ràng trong các tiểu sử của Ngài.
Guru Rinpoche là hiện thân của mọi cội nguồn quy y và là hóa hiện trí tuệ, tình thương và sức mạnh của tất cả chư Phật – vì thế, chúng ta cần tụng những lời cầu nguyện của Ngài và cầu khẩn Ngài càng nhiều càng tốt. Chúng ta cần làm thế bằng cách nào? Trước tiên, bằng cách đọc tiểu sử của Ngài và tìm hiểu về những phẩm tính phi phàm của Ngài, chúng ta có thể phát triển niềm tin và sự giao phó với Ngài. Dựa trên niềm tin và sự giao phó đó, một lòng sùng mộ chân chính và chân thành có thể sinh khởi trong tâm chúng ta. Với chính kiểu sùng mộ đó, chúng ta cần khơi dậy Guru Rinpoche nhờ những lời cầu nguyện.
Guru Rinpoche nói rằng nếu bạn cầu nguyện đến Ngài, lòng bi mẫn của Ngài sẽ đến với bạn nhanh chóng hơn bất kỳ vị Phật nào khác và gia trì của Ngài sẽ mạnh mẽ hơn. Lý do là bởi sức mạnh và năng lực bao la của những lời nguyện của Ngài.
Rõ ràng là Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Phật thứ tư của Hiền Kiếp này, là cội nguồn của giáo lý mà chúng ta đi theo. Sau Ngài, Văn Thù, Quán Thế Âm, Kim Cương Thủ và Thánh Độ Mẫu (Tara) là những vị Phật nổi tiếng nhất của truyền thống Đại thừa. Tuy nhiên, khi Guru Rinpoche đến Tây Tạng, Ngài dạy không chỉ giáo lý Đại thừa mà cả Kim Cương thừa và Đại Viên Mãn (Dzogchen).
Thực sự, Guru Rinpoche không chỉ du hành đến Tây Tạng – có nhiều địa điểm khác mà Ngài đã viếng thăm, nơi Ngài chuyển Pháp luân và thi triển vô số thần thông. Mặc dù miêu tả về những chuyến du hành này chắc chắn phải được ghi chép, chúng dường như không còn tồn tại cho đến ngày nay. Theo thời gian và vô vàn biến chuyển xảy ra ở những vùng đất khác nhau này, các ghi chép dường như đã bị mất.
Mặt khác, ở Tây Tạng, mỗi nơi Guru Rinpoche từng viếng thăm và mọi chuyện mà Ngài hoàn thành ở đó đều được chân thành ghi lại và giữ gìn cho đến ngày nay. Những ghi chép còn tồn tại về các địa điểm khác nhau mà Ngài gia trì và chuyện gì đã xảy ra ở đó, cho đến cả những miêu tả chi tiết về thung lũng hay núi non mà Ngài từng sống.
Có nhiều lời cầu nguyện khác nhau để khơi dậy Guru Rinpoche. Lời cầu nguyện, thứ thâu nhiếp tinh túy sâu xa trong vài từ và là chỉ dẫn cốt tủy vô cùng đặc biệt, là Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng. Hơn một trăm Terton vĩ đại xuất hiện ở Tây Tạng và bạn sẽ tìm thấy lời cầu nguyện này trong mỗi một phát lộ của chư vị. Do đó, nó được biết đến là vua của những lời cầu nguyện.
Bên cạnh Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, hai lời cầu nguyện nổi tiếng khác đến Guru Rinpoche là Barche Lamsel và Sampa Lhundrubma. Chúng được chính Guru Rinpoche dạy – chúng là những lời kim cương của Ngài và chứa đựng tất cả gia trì của Ngài.
Vì thế, hôm nay, trọng tâm của chúng ta là lời cầu nguyện Barche Lamsel.
BỐI CẢNH LỊCH SỬ NGẮN GỌN
Các đệ tử chính yếu của Guru Rinpoche – Vua Trisong Deutsen, con trai của vị này – Hoàng tử Murub Tsepo, Nubchen Sangye Yeshe, Gyalwa Chokyang, Vairotsana, Yeshe Tsogyal và v.v. – đã tập hợp trong Phòng Thờ Ngọc Lam Rực Rỡ trên tầng giữa của Tu viện Samye (Samye có ba tầng và nhiều phòng thờ ở tầng hai). Trong phòng thờ đó, chư vị cúng dường Tsok lớn cũng như Mandala được trang nghiêm bằng tất cả đá quý và kim loại mà chư vị sở hữu. Sau đó, chư vị hỏi Guru Rinpoche:
“Ngài nói rằng trong tương lai, hành giả chân chính của Giáo Pháp linh thiêng sẽ gặp phải nhiều chướng ngại trên con đường. Liệu Ngài có thể dạy chúng con điều mà tất cả những hành giả Giáo Pháp chân chính cần làm để xua tan chướng ngại đó?”.
Với lòng từ và bi lớn lao, Guru Rinpoche đáp rằng:
“Lành thay khi các con đã thỉnh cầu như vậy. Hành giả chân chính của Giáo Pháp thực sự sẽ gặp phải nhiều chướng ngại trên con đường. Dẫu vậy, có những cách mà chướng ngại có thể được loại bỏ hoàn toàn. Khi mọi chướng ngại đã được loại bỏ, thành tựu thù thắng, tức giác ngộ, sẽ đạt được. Ta chẳng thể trao cho các con giáo lý nào để xua tan chướng ngại cao hơn việc cầu nguyện đến đạo sư, phương pháp thù thắng. Điều này là vô cùng quan trọng”.
Các đệ tử của Ngài lại nói rằng:
“Đạo sư đã viếng thăm chúng con ở Tây Tạng, Xứ Tuyết này, là Ngài, Guru Rinpoche. Ngài đã đến đây và chia sẻ nhiều giáo lý và quán đỉnh với chúng con. Chúng con quán chiếu vô cùng cẩn thận và nghĩ rằng chưa từng có trong quá khứ, cũng chẳng có trong hiện tại và tương lai một đạo sư vĩ đại hơn Ngài. Vì thế, chúng con cung kính thỉnh cầu Ngài chia sẻ với chúng con một lời cầu nguyện, ngắn gọn về từ ngữ, sâu xa về ý nghĩa, chan chứa gia trì mà nhờ đó, chúng con có thể khơi dậy Ngài”.
Guru Rinpoche đáp rằng:
“Việc các con nhận ra điều này và dâng lên thỉnh cầu như vậy thực sự tốt lành. Ta, Guru Rinpoche, là hiện thân trí tuệ, tình thương và sức mạnh của tất cả chư Phật ba thời và hiện thân hoạt động giác ngộ của tất cả Thắng giả. Nếu con cầu nguyện đến Ta, mọi chướng ngại của con sẽ được tiêu trừ. Nếu con không cầu khẩn đối tượng bi mẫn của những lời cầu nguyện của con với niềm tin và lòng sùng mộ chân chính, mặt trời gia trì sẽ chẳng bao giờ chiếu tỏa. Vì thế, cầu nguyện đến đạo sư cực kỳ quan trọng”.
Về những từ ngữ của lời cầu nguyện, Guru Rinpoche chạm trán vào trán Vua Trisong Deutsen, đặt tay phải lên đầu Hoàng tử Murub Tsepo, tay trái lên đầu Yeshe Tsogyal và tụng lời cầu nguyện Barche Lamsel cho họ bằng khẩu kim cương của Ngài, sự dội vang tự nhiên của Pháp tính. Ngài kết thúc bằng cách nói rằng, “Hãy cầu nguyện đến Ta bằng những lời này”.
Lời cầu nguyện này sau đó được Terton Bakal Mukpo phát lộ như một Terma. Bạn sẽ tìm thấy phát lộ của Ngài trong Rinchen Terdzod [Kho Tàng Terma Quý Báu]. Terma này của Ngài Bakal Mukpo gần như giống hệt với điều sau đó được Tôn giả Chokgyur Lingpa phát lộ. Có thêm vài dòng trong Terma của Tôn giả Chokgyur Lingpa, nhưng ngoài điều đấy, chúng giống nhau.
Sau khi thọ nhận lời cầu nguyện Barche Lamsel từ Guru Rinpoche, các đệ tử của Ngài lại dâng cúng dường Tsok bao la và cầu khẩn Ngài thêm nữa, thỉnh cầu Ngài dạy họ nghi quỹ và hoạt động liên hệ.
Sau đó, Guru Rinpoche trao truyền cho họ những lời của Ngài, sự dội vang tự nhiên của Pháp tính kim cương, dưới dạng toàn bộ Zhaldam Nyingjang (Giáo Khoa Tinh Túy Chỉ Dẫn Truyền Miệng), bản văn gốc của pho Tukdrub Barche Kunsel, bao gồm tất cả hoạt động nhánh và chỉ dẫn liên quan.
Nó bao gồm điều gì? Thực hành chính yếu là nghi quỹ Tukdrub Barche Kunsel, điều tập trung vào Guru Rinpoche trong hình tướng Nangsi Zilnon (Đạo Sư Áp Đảo Tất Cả Xuất Hiện – Tồn Tại). Trên đầu Ngài là Báo thân Quán Thế Âm, đấng điều phục chúng sinh bốn tay, và trên đầu vị này là Pháp thân Vô Lượng Thọ. Chư vị là ba thân của đạo sư, “được quán tưởng theo kiểu các lớp” bởi chư vị xuất hiện là vị này ở trên vị kia[1]. Vây quanh Guru Rinpoche là bốn hóa hiện chính của Ngài, bắt đầu bằng Gyalwe Dungdzin, vị đứng trên bông sen bốn cánh. Tám hóa hiện thứ yếu của Ngài cũng vây quanh Ngài, đứng trên ngọc báu tám mặt. Tại bốn cửa, ở mỗi phương, là bốn Ging canh giữ cửa của đàn tràng. Guru Rinpoche đã hiển bày đàn tràng này trên bầu trời phía trước để bản thân họ có thể thấy rõ ràng. Cuối cùng, Ngài hóa tán chư Tôn đàn tràng quay trở về thân Ngài.
Bản văn gốc của giáo lý Terma này được gọi là Zhaldam Nyingjang, điều vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Tâm yếu của tất cả chỉ dẫn trong cuốn giáo khoa đó chính là lời cầu nguyện Barche Lamsel.
Các đệ tử của Guru Rinpoche sau đó hỏi rằng:
“Chúng con nên thực hành giáo lý này ngay bây giờ hay tốt hơn là chôn giấu chúng như một Terma vì những thế hệ tương lai?”.
Guru Rinpoche đáp rằng:
“Các con không cần truyền bá những giáo lý này ngay bởi Ta vẫn hiện diện bên các con và thời kỳ vẫn còn thuận lợi. Con cần thực hành chúng vì bản thân, nhưng mặt khác, hãy chôn giấu chúng như một Terma”.
Các giáo lý sau đó được Khandro Yeshe Tsogyal chôn giấu như một Terma tại nơi được gọi là Khala Rongo và hai địa điểm khác theo chỉ dẫn chính xác của Guru Rinpoche được ghi lại trong bản văn Terma. Tashi Tseringma được yêu cầu đóng vai trò là vị bảo vệ Terma. Guru Rinpoche tiên đoán rằng trong tương lai, vị tái sinh của Hoàng tử Murub Tsepo sẽ phát lộ Terma này vào thời điểm thích hợp. Vị tái sinh này chính là Tôn giả Chokgyur Lingpa.
Năm 20 tuổi, Tôn giả Chokgyur Lingpa phát lộ cuộn kinh vàng cho quyển Terma đặc biệt này tại Danyi Khala Rongo. Ngài giữ bí mật Terma trong tám năm cho đến khi, cùng với Tôn giả Jamyang Khyentse Wangpo, Ngài viết lại nội dung của cuộn kinh vàng tại Dzongsar Tashi Lhatse.
Những vị thọ nhận đầu tiên của giáo lý này là Tôn giả Jamyang Khyentse Wangpo – vị tái sinh của Vua Trisong Deutsen và Tôn giả Jamgon Kongtrul, hóa hiện của Vairotsana. Chư vị đảm bảo rằng những giáo lý này sau đó được truyền bá rộng khắp Tây Tạng. Cho đến ngày nay, những giáo lý này vẫn vô cùng nổi tiếng và phổ biến. Tôi nghĩ rằng đã khoảng 170 năm kể từ thời điểm đó.
TÓM LƯỢC
Bản thân lời cầu nguyện này có nhiều cấp độ ý nghĩa. Ở cấp độ bên ngoài, đó là lời cầu nguyện để cầu khẩn ba thân của đạo sư; ở cấp độ bên trong, nó liên hệ với kinh mạch, nội khí và năng lượng; và ở cấp độ bí mật, nó liên hệ với thực hành Đại Viên Mãn về Trekchod (thanh tịnh nguyên sơ của sự cắt đứt) và Lhundrub Togal (cách tiếp cận trực tiếp của tự nhiên hiện diện). Mọi cấp độ này của thực hành được nói đến trong Zhaldam Nyingjang.
Bản thân lời cầu nguyện nhắc đến những hoạt động chính mà Guru Rinpoche đã tiến hành trong lúc ở Tây Tạng; chúng ta nhớ về Guru Rinpoche bằng cách nhớ đến những hành động này và khơi dậy Ngài để thọ nhận gia trì và thành tựu của Ngài dưới dạng sự xoa dịu mọi chướng ngại bên ngoài, bên trong và bí mật.
Trong tất cả các thực hành, cầu nguyện đến đạo sư là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, nếu bạn chưa thọ nhận quán đỉnh này, thật khó để tôi chia sẻ một luận giải về lời cầu nguyện với các bạn. Nói chung, trao chỉ dẫn về một lời cầu nguyện mà không có quán đỉnh thì cũng được; tuy nhiên, với Barche Lamsel, đấy lại là chuyện khác bởi những cấp độ ý nghĩa riêng – bên ngoài, bên trong và bí mật. Đa số các bạn có lẽ không biết được điều này thậm chí nghĩa là gì. Khi bạn cầu nguyện đến một vị Tôn đặc biệt, điều đó giúp xoa dịu mọi chướng ngại bên ngoài, bên trong và bí mật của bạn, nhưng giải thích cách thức mà điều đấy vận hành một cách chi tiết thì khá phức tạp bởi bạn cần phải từng thọ quán đỉnh. Thế nhưng, hôm nay, tôi sẽ cố gắng hết sức giải thích cho các bạn. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách tụng lời cầu nguyện ba lần.
TRUYỀN THỪA
Nhìn chung, truyền thống Nyingma chia thành hai bộ giáo lý: Kama và Terma. So với giáo lý Kama, điều được trao truyền từ đạo sư này đến vị khác trong truyền thừa liên tục, bắt đầu từ Đức Phật, giáo lý Terma được cho là chứa đựng gia trì còn lớn hơn bởi truyền thừa của sự trao truyền ngắn hơn nhiều. Điều cực kỳ quan trọng là biết và chú ý đến truyền thừa của một giáo lý cụ thể, nếu không, bạn sẽ chẳng thể xác thực và truy nguyên trở về một nguồn xác thực.
Truyền thừa của sự trao truyền của Nyingma bao gồm (1) trao truyền tâm trực tiếp của chư Thắng giả, (2) trao truyền dấu hiệu của chư Trì Minh và (3) trao truyền truyền miệng của chư vị chứng ngộ. Bên cạnh đó, chúng ta nói đến trao truyền của gia trì bi mẫn, truyền thừa của sự kế thừa được tuyên bố mang tính tiên tri, ấn giao phó của Không Hành Nữ, truyền thừa được trao quyền bởi nguyện, truyền thừa từ ngữ của cuộn kinh vàng và truyền thừa chất thệ nguyện giải thoát nhờ nếm. Tựu trung, có chín truyền thừa trao truyền khác nhau, điều cần được tính đến, khi bạn nói về truyền thống Nyingma.
Về Terma, có nhiều kiểu khác nhau: Terma đất, Terma tâm, Terma tái khám phá, Terma nhớ lại, linh kiến thanh tịnh và v.v. Kiểu trao truyền mà Barche Lamsel được trao truyền là truyền thừa từ ngữ của cuộn kinh vàng.
Như tôi đã nói trước đó, Terma Barche Lamsel được Ngài Bakal Mukpo khám phá có thể được tìm thấy trong Rinchen Terdzod; truyền thừa trao truyền của bản văn này vẫn được giữ gìn theo cách đó. Không có quán đỉnh liên hệ với Terma này, chỉ có khẩu truyền cho lời cầu nguyện, điều vẫn còn được trao truyền cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, ở đây, chúng ta đang tuân theo truyền thừa trao truyền về pho Terma Tukdrub Barche Kunsel, điều bao gồm Barche Lamsel, của Tôn giả Chokgyur Dechen Lingpa. Tôn giả Chokgyur Lingpa đã có thể giải mã ký tự biểu tượng của cuộn kinh vàng và đọc nội dung cho Ngài Jamyang Khyentse Wangpo, vị thành tâm viết lại lời cầu nguyện ngắn này. Vì thế, truyền thừa trao truyền này truy nguyên về những từ ngữ của cuộn kinh vàng.
Tôn giả Chokgyur Lingpa trước tiên trao giáo lý này cho Ngài Jamgon Kongtrul, vị sau đó truyền lại cho những đạo sư khác, chư vị giờ đây được xem là mười vị chính yếu giữ truyền thừa trao truyền Tukdrub Barche Kunsel. Mười vị này thực sự thuộc về mười trường phái khác nhau của Phật giáo Tây Tạng và chính từ chư vị, lời cầu nguyện này lan tỏa rộng rãi hơn.
Trong thời kỳ gần đây, những đạo sư vĩ đại nhất đã trao truyền pho này là Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro và Dilgo Khyentse Rinpoche. Khi Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro ban trao truyền này cho Tartang Tulku, Ngài bảo rằng, “Nếu con tụng lời cầu nguyện này mỗi ngày, con sẽ không gặp chướng ngại nào vào hôm đó”. Dilgo Khyentse Rinpoche thường nói đúng như vậy. Tôi đã thọ trao truyền này nhiều lần từ Dilgo Khyentse Rinpoche và tôi cũng thọ từ Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Như vậy, đây là truyền thừa của lời cầu nguyện. Không có truyền thừa thì chẳng có Giáo Pháp.
Lời cầu nguyện Barche Lamsel là một phần của pho Tukdrub Barche Kunsel; nó được rút ra từ Zhaldam Nyingjang để chúng ta có thể thực hành dễ dàng mỗi ngày. Những người không thể thực hành nghi quỹ mỗi ngày, dù nghi quỹ dài, trung bình hay ngắn, ít nhất có thể dành thời gian để tụng lời nguyện này, đúng chứ?
SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN BARCHE LAMSEL
Tôi không biết về thời kỳ trước kia, nhưng trong một trăm năm vừa qua, những lời cầu nguyện Barche Lamsel, Sampa Lhundrubma và Hai Mươi Mốt Lời Tán Thán Độ Mẫu Tara đã trở thành trung tâm của thực hành hằng ngày với hầu hết người Tạng. Dù đó là đạo sư và tu sĩ, hay cư sĩ nam – nữ, đa số mọi người đều tụng ba lời cầu nguyện này mỗi ngày. Những lời cầu nguyện này chứa đựng gia trì lớn lao – bằng chứng là rất nhiều người vẫn thực hành chúng. Nếu lời cầu nguyện không chứa đựng gia trì như vậy, họ sẽ không làm thế, phải vậy không?
Với hành giả Nyingma chúng ta, những lời cầu nguyện mà chúng ta trân quý nhất là Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, Barche Lamsel và Sampa Lhundrubma. Khi chúng ta tụng những lời cầu nguyện này, ngay lập tức, trên đảo Tây Nam Oddiyana, Guru Rinpoche bị lay động và giống như đám mây bị gió cuốn đi, Ngài lập tức xuất hiện trước chúng ta. Làm sao chúng ta biết được điều đó? Bởi đây là lời thề của chính Guru Rinpoche. Guru Rinpoche không bị hạn chế bởi thân vật lý; Ngài là hóa hiện tự nhiên của trí nguyên sơ. Với Ngài, chẳng có hạn chế nào kiểu như đang ở một nơi rồi phải di chuyển đến nơi khác. Trong tâm trí tuệ của Ngài, Ngài có thể hiển bày ở bất kỳ đâu vào bất kỳ lúc nào. Như Ngài từng nói, “Ta sẽ đến nhanh như tia chớp, ban thành tựu và gia trì, và xua tan mọi chướng ngại”. Guru Rinpoche cũng nói rằng trong thời kỳ của năm suy đồi, mức độ nhanh chóng và sức mạnh của lòng bi mẫn và gia trì của Ngài thậm chí sẽ còn lớn hơn trước. Để thọ nhận gia trì từ lòng đại bi của những vị như Guru Rinpoche, chúng ta cần niềm tin và để khơi dậy và tăng cường niềm tin, chúng ta cần cầu nguyện.
Bất cứ khi nào Tôn giả Jamyang Khyentse Wangpo có chuyện gì đó quan trọng hay việc khó làm, Ngài lập tức khơi dậy Guru Rinpoche và tụng những từ kim cương của Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng. Sau một trăm biến, Guru Rinpoche chắc chắn sẽ xuất hiện trước Ngài. Làm sao chúng ta biết chuyện đấy? Bởi Tôn giả Jamgon Kongtrul đã nhắc đến điều này rõ ràng trong các trước tác. Lòng bi mẫn và gia trì của Guru Rinpoche mở rộng đến mọi chúng sinh – chúng dành cho tất cả chúng ta, không phải chỉ Ngài Jamyang Khyentse. Tuy nhiên, chúng ta bị những che chướng và tập khí liên hệ che lấp, do đó, chúng ta không thể thấy Guru Rinpoche trực tiếp phía trước. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp tục cầu nguyện đến Guru Rinpoche, dần dần, chúng ta sẽ có thể giảm che chướng của bản thân và cuối cùng, trong đời này, có thể diện kiến Guru Rinpoche. Không phải là như thể chúng ta hoàn toàn chẳng có cơ hội gặp Guru Rinpoche trong đời này. Không phải vậy – chúng ta có thể! Guru Rinpoche không cách xa chúng ta. Đấy là lý do chính Guru Rinpoche và tất cả chư đạo sư vĩ đại nói rằng chúng ta cần cầu nguyện đến Ngài.
Nếu bạn cầu nguyện đến Guru Rinpoche, điều đầu tiên xảy ra là bạn sẽ trải qua những dấu hiệu đặc biệt. Nếu bạn thực hành tinh tấn và với lòng sùng mộ chân thành, không phải chỉ là từ ngữ suông, sau một tuần, bạn sẽ có những dấu hiệu trong kinh nghiệm thiền định của mình. Chẳng có nghi ngờ gì về điều này. Kiểu kinh nghiệm mà chúng ta đang nói đến là cảm giác hỷ lạc, sự tăng trưởng niềm tin và lòng sùng mộ, sáng suốt và trí tuệ lớn lao hơn, v.v. Dựa trên những kinh nghiệm này, bất cứ khi nào bạn nghĩ về Guru Rinpoche, bạn sẽ nổi da gà và nước mắt tuôn rơi. Sau một thời gian, Guru Rinpoche sẽ xuất hiện trước bạn. Nếu bạn cầu nguyện đến Guru Rinpoche và trải qua những dấu hiệu như vậy, điều đó cho thấy rằng con đường của bạn đang đi đúng hướng và bạn đang thọ gia trì của đạo sư.
Đây là kiểu dấu hiệu về gia trì của Guru Rinpoche mà chúng ta có thể trải qua vào ban ngày. Ban đêm, chúng ta sẽ nằm mơ thấy Guru Rinpoche, tìm thấy những đại diện của thân, khẩu và ý giác ngộ, v.v. Ngoài ra, điều cũng có thể xảy ra là chúng ta trực tiếp diện kiến Guru Rinpoche và thọ nhận chỉ dẫn cũng như thọ ký từ Ngài.
Đây là những dấu hiệu thực hành có thể khởi lên. Chúng xảy ra đơn giản bởi che chướng của chúng ta đang được loại bỏ: chúng ta sẽ bắt đầu thấy Guru Rinpoche ở phía trước, dẫu cho Ngài vẫn luôn ở bên chúng ta mọi lúc.
Khi chúng ta gặp Guru Rinpoche, chúng ta sẽ trải qua các định của lạc, sáng suốt và vô niệm trong tâm; thân chúng ta sẽ trải qua sự ấm áp hỷ lạc của Tummo; chúng ta sẽ thốt ra những lời chân thật và có thể áp đảo và kiểm soát mọi thứ chúng ta nhìn nhận. Điều đó đã và vẫn đang xảy ra với hàng nghìn và thậm chí là hàng trăm nghìn hành giả. Bạn chỉ từng nghe người ta nói về gia trì mà họ thọ nhận từ Guru Rinpoche và Ngài oai hùng thế nào; bạn khó mà nghe nói ai đó bảo rằng cầu nguyện đến Ngài không hiệu quả với họ.
Hoàn toàn chẳng có khác biệt dù bạn đến từ đâu, nguồn gốc dân tộc của bạn là gì, bởi Phật tính bao trùm mọi hữu tình chúng sinh. Tất cả những gì bạn cần làm là trưởng dưỡng niềm tin. Nếu bạn có niềm tin, bạn sẽ có nhận thức thanh tịnh. Nếu bạn có cả niềm tin và nhận thức thanh tịnh, lòng sùng mộ sẽ khởi lên. Nói một cách hết sức đơn giản, theo ngôn ngữ đời thường, bạn cần yêu quý Guru Rinpoche. Chúng ta không thích hay yêu quý ai đó một cách đơn giản mà không có lý do. Càng tìm hiểu về Guru Rinpoche, cách mà Ngài là một đạo sư phi phàm đến đâu, bạn càng kết nối với Ngài và những cảm giác thân thiết và yêu quý với Ngài sẽ càng tăng. Trong ngôn ngữ Giáo Pháp, chúng ta gọi đó là việc có niềm tin lớn hơn. Một sự thực xuyên suốt lịch sử là bất kỳ ai có niềm tin với Guru Rinpoche đều thọ nhận gia trì của Ngài. Có vô số hành giả chứng minh cho điều này.
Có một số người nói rằng chúng ta không nên nói như vậy bởi chúng ta nghe có vẻ như tín đồ Cơ Đốc. Nhưng điều này khác! Bạn có thể tự mình kiểm tra. Hãy thử xem. Trong giáo lý của Ngài, Guru Rinpoche nói rằng nếu chúng ta cầu nguyện đến Ngài trong bảy ngày, Ngài chắc chắn sẽ giữ chúng ta trong lòng bi mẫn và chăm sóc chúng ta. Chúng ta cần làm thế trong bảy ngày. Điều đấy không khó, bất kỳ ai cũng có thể làm điều đó. Với bảy ngày, hãy cứ cầu nguyện đến Guru Rinpoche và xem chuyện gì xảy ra. Bạn không thể lừa dối bản thân – bạn biết điều gì đó là đúng hay không. Hãy thử và tự mình xem kết quả là gì.
Đấy là mục đích của một con đường – nó bắt đầu lúc đầu, trải qua các giai đoạn khác nhau và sau đó đạt đến kết thúc. Chúng ta phải bắt đầu ở đâu đó, làm điều gì đó. Nếu chúng ta không làm gì, nếu chúng ta cứ ngủ, nghe vài giáo lý và không tiến hành bất kỳ thực hành nào thì chắc chắn chẳng có gì xảy ra.
------
Cả Tôn giả Jamyang Khyentse Wangpo và Tôn giả Chokgyur Lingpa đều thọ nhận những phát lộ Terma theo Bảy Trao Truyền Có Căn Cứ (Kabab Dun). Không Terton nào khác nhận những trao truyền theo cách thức tương tự. Bảy trao truyền này bao gồm điều được biết đến là Bốn Tukdrub (Bốn Thực Hành Tâm Đạo Sư), điều chứa đựng thực hành bên ngoài Tukdrub Barche Kunsel (Xua Tan Mọi Chướng Ngại) – một Terma đất; thực hành bên trong Sampa Lhundrubma (Tự Nhiên Viên Thành Mọi Mong Ước), cũng là một Terma đất; thực hành bí mật Tsokye Nyingtik (Tâm Yếu Hồ Sinh), một Terma tâm; và thực hành bí mật nhất Guru Draktsal (Đạo Sư Sức Mạnh Phẫn Nộ), một Terma đất. Về Tukdrub Barche Kunsel, có năm bộ giáo lý gốc và nhánh. Bốn thực hành tâm là những Terma của Đức Jamyang Khyentse Wangpo và Ngài Chokgyur Lingpa – hai vị cùng khám phá chúng.
Ở đây, chúng ta đang thảo luận lời cầu nguyện Barche Lamsel, tinh túy của pho bên ngoài – Tukdrub Barche Kunsel. Đặc điểm chính yếu của pho này là nghi quỹ Guru Rinpoche trong hình tướng Nangsi Zilnon. Guru Rinpoche – Nangsi Zilnon được bao quanh bởi mười hai hóa hiện tương ứng với mười hai hoạt động vĩ đại mà Ngài tiến hành trong lúc ở Tây Tạng.
Pho Sampa Lhundrubma nói đến mười ba hóa hiện khác của Guru Rinpoche và nơi khác, bốn mươi hóa hiện được nói đến. Về cơ bản, Guru Rinpoche xuất hiện trong nhiều hình tướng khác nhau. Tuy nhiên, tất cả những hóa hiện khác nhau có thể được cô đọng trong tám hóa hiện của Guru Rinpoche. Những hóa hiện này đại diện cho cách thức khác nhau mà Guru Rinpoche xuất hiện trước hữu tình chúng sinh trong hoàn cảnh khác nhau để dẫn dắt và dạy họ.
Hôm nay, từ trong tất cả những cách thức khác nhau mà Guru Rinpoche đã hiển bày, chúng ta đang tuân theo cách tiếp cận của Barche Lamsel.
GIẢI THÍCH VỀ TỪ NGỮ CỦA LỜI CẦU NGUYỆN
Om ah hum vajra guru pema siddhi hum ༔
Lời cầu nguyện Barche Lamsel bắt đầu bằng Chân ngôn Đạo Sư Kim Cương, om ah hum vajra guru pema siddhi hum, điều thâu tóm tinh túy mọi lời cầu nguyện đến Guru Rinpoche. Chân ngôn này bao gồm toàn bộ mười hai nhánh giáo lý của Đức Phật trong mười hai chủng tự. Để rèn luyện hữu tình chúng sinh, Pháp thân khởi lên trong hình tướng Báo thân và Báo thân hiển bày trong hình tướng của Hóa thân – chư Tôn khởi lên từ năng lượng mãnh liệt của tính Không, cùng với các Chân ngôn là tinh túy của chư vị. Chư Tôn và Chân ngôn tinh túy có tiềm năng đem đến sự chứng ngộ trí tuệ nguyên sơ không quan niệm của tâm giác ngộ và sự thành tựu Phật quả.
Terton Karma Lingpa đã phát lộ một giải thích về ý nghĩa của Chân ngôn Đạo Sư Kim Cương mà Guru Rinpoche chia sẻ với Khandro Yeshe Tsogyal, đáp lại thỉnh cầu của Bà[2]. Sau đây là ý nghĩa ngắn gọn:
OM AH HUM đại diện cho ba thân (Pháp thân, Báo thân và Hóa thân) của Phật.
VAJRA (Dorje) nghĩa là không thể bị phá – bảy phẩm tính kim cương của việc không thể bị cắt, không thể bị phá hủy và v.v. Điều này về cơ bản nhắc đến tính Không, thứ không thể bị thay đổi theo bất kỳ cách nào.
GURU nghĩa là chẳng gì sánh bằng, thù thắng – chẳng có gì cao hơn hay vĩ đại hơn.
PADMA (Pema) nhắc đến sự thật rằng về tinh túy, Guru Rinpoche thuộc về Liên Hoa Bộ của chư Phật và là sự chói ngời tự nhiên của Diệu Quan Sát Trí.
SIDDHI nghĩa là mọi gia trì và thành tựu.
HUM giống như thỉnh cầu, ‘Xin hãy ban cho con gia trì của Ngài’.
Ngắn gọn, điều này nghĩa là: ‘Hiện thân của ba thân, đạo sư kim cương, Đức Liên Hoa Sinh, xin hãy ban cho con tất cả gia trì từ thân, khẩu và ý giác ngộ của Ngài’.
Chân ngôn này được cho là chứa đựng gia trì lớn lao. Bất kể thực hành Guru Rinpoche nào mà bạn tham gia, chẳng có Chân ngôn nào mà bạn có thể tụng vĩ đại hơn Chân ngôn Đạo Sư Kim Cương. Vì lý do đó, Chân ngôn này, tinh túy của tất cả những lời cầu nguyện đến Guru Rinpoche, được đặt ở đầu của lời cầu nguyện Barche Lamsel như một sự cầu khẩn.
Pháp thân Phật Vô Lượng Quang, con cầu nguyện đến Ngài! ༔
Sau đó, lời cầu nguyện khơi dậy Pháp thân Vô Lượng Quang, vị an trụ tại Tịnh độ Cực Lạc (Sukhavati), về phía Tây.
Đức Phật đã dạy các Kinh Vô Lượng Quang, trong đó, Ngài nói rằng kể từ khi giác ngộ, Phật Vô Lượng Quang đã trụ tại Tịnh độ Cực Lạc trong mười lăm ngày [của cõi] Cực Lạc[3]. Những phẩm tính của Phật Vô Lượng Quang chẳng thể nghĩ bàn, vượt khỏi bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng bằng tâm hạn hẹp của bản thân. Chính Đức Phật đã nói rằng nếu bạn muốn nói về Đấng Bảo Hộ Vô Lượng Quang – những danh hiệu khác nhau, phẩm tính, miêu tả về cõi Phật và v.v. – điều đó là có thể, nhưng cần rất nhiều thời gian. Tất cả những thành tựu này xuất hiện như là kết quả của những đại nguyện mà Phật Vô Lượng Quang đã phát vì tất cả hữu tình chúng sinh lúc còn rèn luyện như là Bồ Tát trên con đường đến giác ngộ. Một trong những nguyện này là bất kỳ ai nghe được danh hiệu của Ngài, ‘Vô Lượng Quang’ sẽ tái sinh bên Ngài trong cõi Tịnh độ Cực Lạc của Ngài. Trong Kinh Vô Lượng Quang, Đức Phật thuyết giảng mở rộng về những danh hiệu khác nhau của Vô Lượng Quang hay Vô Lượng Thọ – chư vị giống nhau, những nguyện mà Ngài đã phát, lòng bi mẫn bao la của Ngài, sự hiển bày cõi Phật của Ngài và v.v.
Nhìn chung, trong các Mật điển có nói rằng lòng từ phi phàm của Đức Phật là chuyển Pháp luân ở thế giới của chúng ta, nhưng thậm chí còn phi phàm hơn nhiều là món quà của Ngài – chia sẻ với chúng ta danh hiệu của Vô Lượng Quang, sự hiển bày cõi Phật (Cực Lạc), đà-ra-ni và Kinh điển về Ngài. Điều này cũng đúng với danh hiệu, Kinh điển và v.v. của Phật A Súc Bệ.
Như thế, Pháp thân Vô Lượng Quang xuất hiện đầu tiên trong lời cầu nguyện. Sau đó, lời cầu nguyện tiếp tục:
Báo thân Phật Đấng Đại Bi, con cầu nguyện đến Ngài! ༔
Đấng Đại Bi, Báo thân Quán Thế Âm, sở hữu lòng bi mẫn lớn lao: Dưới chân Phật Vô Lượng Quang, Ngài phát nguyện trưởng dưỡng Bồ đề tâm để giải thoát tất cả hữu tình chúng sinh khỏi vòng luân hồi bất tận và không bao giờ từ bỏ cho đến khi nó hoàn toàn trống rỗng.
Quán Thế Âm là hiện thân lòng bi mẫn của tất cả chư Phật ba thời. Ngài có lòng bi mẫn bao la. Trong các nghi quỹ về Ngài, chúng ta thấy rằng Ngài có thể hiển bày thành Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, trong hình tướng an bình hay hóa hiện phẫn nộ, với một mặt và hai tay, ba mặt và sáu tay, cho đến nghìn mặt nghìn tay. Về cơ bản, Ngài hiển bày trong bất cứ hình tướng nào cần thiết để điều phục hữu tình chúng sinh. Như kinh văn có đoạn:
Một nghìn tay của Ngài là nghìn vị Chuyển Luân Vương,
Một nghìn mắt của Ngài là nghìn vị Phật Hiền Kiếp,
Ngài giảng dạy mỗi một chúng sinh tùy theo nhu cầu,
Đức Quán Thế Âm tôn quý, con đỉnh lễ đến Ngài!
Về lòng bi mẫn và hoạt động giác ngộ, chẳng ai có thể sánh với Quán Thế Âm. Ngay cả khi Ngài phải ở trong cõi địa ngục trong hàng trăm nghìn kiếp để giúp đỡ chỉ một hữu tình nhỏ bé, Ngài sẽ làm vậy chút không do dự hay hối tiếc nhỏ nhất. Lòng bi mẫn và sức mạnh của Ngài phi phàm đến mức bất kỳ ai tụng hay nghe được danh hiệu của Ngài, hoặc thực hành Chân ngôn và nghi quỹ của Ngài, không nghi ngờ gì, sẽ được giải thoát. Trên thế giới nói chung và Tây Tạng nói riêng, nhiều đạo sư vĩ đại vẫn xuất hiện là những hóa hiện của Quán Thế Âm. Đức Dalai Lama, Ngài Karmapa, Drukchen Rinpoche toàn tri đều được cho là những hóa hiện của Quán Thế Âm. Cũng có những nơi – núi đá, cây cối và v.v. – được cho là hóa hiện tự nhiên của Quán Thế Âm, xuất hiện để giúp đỡ hữu tình chúng sinh. Về cơ bản, Quán Thế Âm hiển bày trong bất cứ hình tướng nào phù hợp để giải thoát hữu tình chúng sinh. Ở đây, trong Tukdrub Barche Kunsel, Quán Thế Âm hiển bày trong hình tướng Đấng Điều Phục Chúng Sinh Vĩ Đại bốn tay.
Hóa thân Phật Liên Hoa Sinh, con cầu nguyện đến Ngài! ༔
Nhờ sức mạnh diễn tả lòng bi mẫn của Pháp thân và Báo thân, Hóa thân Guru Rinpoche đã khởi lên. Bởi Hóa thân này, Guru Rinpoche, xuất hiện diệu kỳ từ hoa sen, Ngài được trao danh hiệu ‘Padmakara’ tức ‘Liên Hoa Sinh’. Ngài là nền tảng mà từ đó, mọi hóa hiện khác hiển bày.
Sau đấy, bản văn nói đến những hoạt động giải thoát của Guru Rinpoche:
Hóa thân tuyệt diệu, Ngài là đấng đạo sư của con, ༔
Mỗi người chúng ta đều có Bổn Sư của riêng mình, nhưng chư vị đều là hóa hiện của Guru Rinpoche. Guru Rinpoche được nhắc đến là ‘hóa hiện tuyệt diệu’ bởi Ngài không sinh ra trong luân hồi như một hữu tình chúng sinh bình phàm bởi nghiệp, mà thanh tịnh như là kết quả của những lời nguyện mà Ngài đã phát để giúp hữu tình chúng sinh. Cách Ngài hiển bày không hề tách biệt với hữu tình chúng sinh mà Ngài tìm cách giúp đỡ. Trái lại, chúng sinh có thể hoàn toàn liên hệ với những phương pháp này bằng mọi giác quan của họ – hình tướng, âm thanh, nếm, xúc chạm và ngửi. Ngài hiển bày theo vô vàn cách thức có thể liên hệ phù hợp với căn cơ và giác quan của họ. Nếu chư vị hóa hiện theo những cách thức hoàn toàn nằm ngoài phạm vi giác quan và căn cơ của họ, điều đấy sẽ chẳng hữu ích, sẽ chẳng có sự trao đổi.
Ở Ấn Độ, Ngài đã chào đời …
Guru Rinpoche hiển bày theo mọi cách thức để dẫn dắt hữu tình chúng sinh. Vì thế, chúng ta không thể đưa ra danh sách dứt khoát về mọi hóa hiện của Ngài. Mặc dù có nhiều hóa hiện của Guru Rinpoche, vị mà chúng ta đang thảo luận ở đây, hôm nay, là đạo sư chào đời ở Ấn Độ. Về sự chào đời của Ngài, chúng ta có thể nói nhiều điều, có nhiều miêu tả được viết lại về cách thức điều này xảy ra. Tuy nhiên, đây cũng là điều gì đó hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu của tâm hạn hẹp của chúng ta.
Sự chào đời của Ngài ở tâm của bông sen nở trên hồ sữa Dhanakosha về phía Tây Bắc là phiên bản thường được chấp nhận mà truyền thống Terma tuyên bố. Cùng lúc, truyền thống Kama nói rằng Guru Rinpoche đã chào đời từ tử cung. Và có nhiều phiên bản khác: một miêu tả nói rằng Ngài sinh ra từ tia chớp đánh vào Núi Thiên Thạch Rực Rỡ Malaya ở Sri Lanka; miêu tả khác thì Ngài là con trai của Vua Oddiyana; và một số bản văn Tây Tạng rất cổ nói rằng Ngài là con trai Vua Dharmasingha.
Nhìn chung, hoạt động giác ngộ của chư Phật, cuộc đời và sự giải thoát của chư vị, nằm ngoài khả năng hiểu của hữu tình chúng sinh bình phàm. Nếu bạn hỏi Guru Rinpoche, “Vậy thì phiên bản nào mới đúng? Ngài chào đời diệu kỳ hay sinh từ tử cung? Ngài có phải là con trai một vị vua của Ấn Độ? Ngài sinh ra từ tia chớp trên Núi Malaya? Phiên bản nào mới là đúng?”. Không nghi ngờ gì, Ngài sẽ bảo bạn rằng, “Ta vượt khỏi sinh, tử, hình tướng và v.v. Cách thức mà Ta xuất hiện trước con, đấy là phiên bản đúng. Nếu có một trăm hữu tình chúng sinh, có lẽ sẽ có một trăm nhận thức khác nhau. Ta chẳng là gì ngoài điều đấy”.
Nói chung, khi các pháp xuất hiện với hữu tình chúng sinh, có một trải nghiệm chung nhất định, điều mà đa số nhìn nhận, ‘phiên bản chính thức’. Trong trường hợp này, đó là sự chào đời diệu kỳ từ tâm của một bông sen. Những miêu tả về cuộc đời Ngài từ truyền thống Terma nói rằng:
Hai mươi bốn ‘năm’ sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt,
Phật Vô Lượng Quang đã mang hình tướng Bồ Tát,
Đấng Đại Bi, và từ tim Ngài,
Ngài đã hóa hiện diệu kỳ thành Ta, Đức Liên Hoa, như là chữ hrīḥ[4].
Đúng là Đạo Sư Liên Hoa Sinh, Đạo Sư Pema Totrengtsal, Đạo Sư Padmakara hay tám hóa hiện, tất cả đã xuất hiện vào những dịp khác nhau, trong hoàn cảnh khác nhau, trước những vị có mặt khi ấy.
… nghiên cứu, quán chiếu; ༔
Khi đã hiển bày, Guru Rinpoche sau đó lắng nghe giáo lý và quán chiếu về chúng trong lúc ở Ấn Độ. Ngài là một vị Phật; Ngài vốn đã giác ngộ; vì thế, liệu Ngài có cần thọ nhận giáo lý và quán chiếu hay không? Không! Nhưng bởi Ngài hiển bày để dẫn dắt hữu tình chúng sinh, Ngài xuất hiện là trải qua cử chỉ của những hoạt động khác nhau này, hoàn toàn để chỉ cho chúng ta cách thức.
Ngài đã thọ tất cả những giáo lý khác nhau, về mọi cấp độ, từ vô vàn đạo sư. Bậc thầy chính yếu của Ngài là vua của chư Trì Minh, Tôn giả Shri Singha. Tám Trì Minh là những đạo sư quan trọng của Guru Rinpoche. Đệ tử Thanh Văn vĩ đại của Phật Thích Ca Mâu Ni, Tôn giả A Nan, cũng là một trong những bậc thầy của Ngài.
Sau đấy, Ngài thiền định và đạt thành tựu, thực hành trong khi tựa lưng vào các bảo tháp của tám nghĩa địa lớn. Ngài cũng chuyển Pháp luân ở những thánh địa này cho tất cả Không Hành Nữ cư ngụ ở đó. Nhờ tất cả những nỗ lực này, Guru Rinpoche trở thành một đại thành tựu giả (Mahasiddha) hoàn toàn thành tựu. Mọi người đều đồng ý về điều này – không có tranh cãi nào. Ngài là một đại thành tựu giả bởi người ta chưa từng nghe nói đến một chúng sinh nào mà Ngài không thể điều phục nhờ sức mạnh giác ngộ, hay một chúng sinh nào có thể đánh bại Ngài.
Giữa Xứ Tạng, Ngài đến để điều phục ma kiêu ngạo; ༔
Là một đại thành tựu giả thành tựu, không ai biết chắc Ngài đã sống bao nhiêu năm ở Tây Tạng. Điều rõ ràng là vua của Tây Tạng, Trisong Deutsen, đã thỉnh mời Ngài ba lần đến Tây Tạng.
Như trong lời cầu nguyện có nói, hành động đầu tiên của Guru Rinpoche khi đến Tây Tạng là điều phục ma kiêu ngạo, những kẻ thống trị ở đó. Cách thức Ngài làm điều này được miêu tả rất cụ thể trong các tiểu sử. Chúng ta không có thời gian đi sâu vào mọi chi tiết ở đây – bạn có thể tham khảo những miêu tả lịch sử nếu muốn biết thêm. Nói ngắn gọn, trên Núi Hepori phía trên Samye, Ngài đã điều phục tất cả tinh linh như vua kiêu ngạo của Tây Tạng và trói buộc chúng bằng lời thề.
Lịch sử Tây Tạng là một chủ đề lớn và nhiều học giả vẫn đang viết về nó. Điều nhìn chung được chấp nhận là Guru Rinpoche đã dành khoảng 120 năm ở Tây Tạng. Những thành tựu của Ngài trong thời gian đó phi phàm đến mức cho đến ngày nay, dân chúng Tây Tạng vẫn được gia trì của Ngài bảo hộ. Người ta nói rằng thậm chí sau khi Vua Trisong Deutsen băng hà, Guru Rinpoche vẫn tiếp tục sống ở Tây Tạng thêm 30 năm nữa. Trong các tiểu sử khác nhau của Ngài, bạn có thể đọc về cách mà Ngài đến từng nơi ở Tây Tạng – không có một tấc đất nào mà Ngài chưa đặt chân đến và gia trì. Đặc biệt, Ngài gia trì 108 địa điểm thực hành, 25 thánh địa và v.v. Ngài cũng chôn giấu nhiều Terma, thứ sau đó được phát lộ bởi Terton vĩ đại, bắt đầu từ Sangye Lama, vị Terton ở Nepal. Từ thời của Guru Rinpoche cho đến nay, có một dòng Terton không gián đoạn, những vị xuất hiện liên tục và phát lộ giáo lý Terma, tất cả đều bắt nguồn từ Guru Rinpoche.
Xứ Orgyen, Ngài an trụ, hoàn thành lợi chúng sinh: ༔
Khi những hoàn cảnh cho sự hiện diện vật lý của Ngài ở Tây Tạng kết thúc, Guru Rinpoche rời đến xứ Camara[5]; ở đó, cho đến nay, Ngài vẫn làm lợi lạc hữu tình chúng sinh nhờ hoạt động chẳng thể nghĩ bàn.
Ngắn gọn, Guru Rinpoche là một đạo sư thực sự phi phàm, với sức mạnh và lòng bi mẫn vô biên. Chúng ta cầu nguyện đến chính vị đạo sư này. Như thế, chúng ta khẩn nài Ngài,
Với lòng bi mẫn, xin hãy ban gia trì! ༔
Như tôi đã nói trước đó, sức mạnh và gia trì của Guru Rinpoche cực kỳ nhanh chóng. Khi cầu nguyện đến Guru Rinpoche, chúng ta thỉnh cầu Ngài gia trì chúng ta và tất cả những kẻ xung quanh chúng ta – mọi chúng sinh. Khi chúng ta thọ gia trì của Ngài, thân, khẩu và ý bình phàm của chúng ta được chuyển hóa thành sự diễn tả tự nhiên của trí tuệ nguyên sơ – thân, khẩu và ý kim cương. Nhờ gia trì từ ý trí tuệ của Ngài, trí tuệ nguyên sơ vĩ đại, mọi hữu tình chúng sinh trong vòng tồn tại bất tịnh sẽ thức tỉnh và được giải thoát. Vì thế, chúng ta cầu nguyện,
Yêu thương dẫn dắt chúng con trên con đường! ༔
Với những người chúng ta không thể giải thoát trong đời này, trong các Bardo hay khi Bardo trở thành, thứ dẫn dắt chúng ta đến đời mới, khởi lên, nhờ sức mạnh lòng bi mẫn của Ngài, Guru Rinpoche và năm gia đình Không Hành Nữ sẽ dẫn dắt chúng ta, cùng với âm nhạc từ đàn vina và ống sáo từ bầu trời, đến những cõi Phật như Núi Màu Đồng. Chư vị có thể cầm tay và dẫn chúng ta đến đó, một cách hoàn hảo. Đấy là điều mà chúng ta tụng trong Lời Cầu Nguyện Tái Sinh Về Núi Màu Đồng:
Khi cái chết xảy đến với sức áp đảo của nó,
Các sứ giả của Đức Liên Hoa, chư Không Hành Nữ,
Yêu kiều nhảy múa, hãy thực sự nắm tay chúng con
Như đã làm với Kharchen Za, Guna Natha,
Và hãy tiếp dẫn chúng con về cõi Liên Hoa Quang![6]
Bằng chứng ngộ của Ngài, hãy ban thành tựu! ༔
Bởi ý trí tuệ của Guru Rinpoche giống như ngọc báu như ý, thứ có thể ban cho chúng ta bất kỳ thứ gì chúng ta muốn, chúng ta thỉnh cầu Ngài không nỗ lực trao cho chúng ta mọi thành tựu, cả thông thường và thù thắng.
Bằng sức mạnh, trừ chướng ngại của chúng con! ༔
Về việc thành tựu bốn hoạt động và xua tan chướng ngại, không có ai vĩ đại hay oai hùng hơn Guru Rinpoche. Vì vậy, chúng ta thỉnh cầu Ngài xua tan mọi chướng ngại cho bản thân và mọi hữu tình chúng sinh.
Xua tan chướng ngại bên ngoài ở bên ngoài, ༔
Về những chướng ngại chúng ta cần loại bỏ, lời cầu nguyện nhắc đến ba cấp độ: bên ngoài, bên trong và bí mật. Chướng ngại bên ngoài là chướng ngại do tứ đại gây ra, chẳng hạn động đất, hỏa hoạn và bão tố – tất cả những tai ương môi trường khác nhau có thể xảy ra. Như là kết quả của sự mất cân bằng tứ đại trong môi trường, bốn yếu tố cấu thành thân chúng ta cũng bị phiền nhiễu và chúng ta trải qua mọi kiểu bệnh tật. Những chướng ngại liên quan đến tứ đại là kết quả chính. Ví dụ, nếu toàn bộ gió trong không khí của trái đất đột nhiên ngừng lại, tất cả hữu tình chúng sinh sẽ chết trong vài giờ – nó mạnh mẽ đến vậy. Khi những chướng ngại như vậy xảy ra, ngoài cầu nguyện đến chư Phật và Bồ Tát hay những bậc giác ngộ như Guru Rinpoche và thỉnh cầu chư vị xua tan chướng ngại, chẳng có nhiều điều chúng ta có thể làm để đẩy lùi chúng. Ví dụ lũ lụt nghiêm trọng ở New York vài ngày trước – bạn không thể giải quyết vấn đề đó bằng cách phái quân đội hay thả một quả bom.
Xua tan chướng ngại bên trong ở bên trong, ༔
Chướng ngại bên trong là chướng ngại ngăn cản chúng ta thực hành Pháp. Về cơ bản, chúng là những ý nghĩ (Namtok), bất kể bạn miêu tả chúng thế nào: năm kiểu cảm xúc tiêu cực, ba độc hay đơn giản chỉ là vô minh. Khi chúng ta bị che lấp bởi vô minh, sự mê lầm tinh thần, thứ chẳng có bất kỳ trí tuệ hay thông tuệ nào, chúng ta không thể biết chúng ta nên có những bước đi tích cực nào và cuối cùng lại đưa ra mọi quyết định sai lầm. Những chướng ngại này cần được xua tan bên trong, ở trong bạn. Cách thức để xua tan chúng là nhờ biết cách thức mà vạn pháp là, nhưng điều đấy thì không dễ. Nếu bạn có trí tuệ và thông minh lớn, bạn sẽ hiểu điều này. Vì thế, để xua tan những chướng ngại này, bạn cần biết về năm cảm xúc tiêu cực và nhận ra rằng mọi khía cạnh của chúng cần bị từ bỏ. Bạn cần nhận ra và từ bỏ chúng. Người ta nói rằng mọi ý nghĩ là Pháp thân, đúng không? Với hành giả Đại Viên Mãn, họ thấy mọi ý nghĩ của bản thân chính là sự hiển bày mãnh liệt của giác tính Pháp thân. Bất kể bạn muốn giải thích những ý nghĩ thế nào, dù bạn nói rằng tinh túy của chúng là Pháp thân, về cơ bản, chúng là mê lầm. Khi bạn biết rằng mọi ý nghĩ, thứ chiếm hữu dòng tâm bạn, là mê lầm và cho phép chúng tan hòa trong cõi Pháp thân, giác tính Rigpa của bạn, chúng được tiêu trừ ở bên trong. Đây là điều gì đó bạn phải tự mình trải qua, bạn sẽ biết khi nào nó xảy ra.
Xua tan chướng ngại bí mật vào hư không! ༔
Về cơ bản, chướng ngại bí mật được cô đọng thành bám chấp nhị nguyên, nghĩ rằng có đối tượng bên ngoài và chủ thể bên trong, tức tâm. Mặc dù chủ thể và đối tượng đều không thực sự tồn tại, chúng ta phóng chiếu chúng tồn tại và bám chấp vào sự tồn tại không thật của chúng. Nếu chúng ta duy trì trong hư không căn bản của Pháp giới, hay tính Không, thoát khỏi mọi bám chấp, những phóng chiếu này (về đối tượng mà chúng ta xem là bên ngoài và chủ thể bên trong) sẽ tự nhiên tan biến.
Nhưng điều đấy không dễ! Nói thì dễ nhưng nếu bạn không thọ gia trì của đạo sư, cực kỳ khó để đưa vào thực hành. Đấy là lý do chúng ta cần cầu nguyện đến đạo sư. Điều tiếp theo là một vài trong số những cách mà chúng ta có thể cầu nguyện đến Guru Rinpoche:
Con sùng mộ đỉnh lễ và quy y Ngài! ༔
Ngập tràn sùng mộ, chúng ta đỉnh lễ và quy y với thân, khẩu và ý. Sau đó, chúng ta tụng Chân ngôn một lần nữa, điều chính là lời cầu khẩn thực sự đến Guru Rinpoche:
om ah hum vajra guru padma siddhi hum ༔
Lời cầu nguyện sau đó tập trung vào các hóa hiện khác nhau của Guru Rinpoche tương ứng với mười hai hành động chính trong cuộc đời Ngài. Chúng ta khơi dậy lần lượt từng vị và thỉnh cầu gia trì.
Gyalwe Dungdzin
Khi chúng con thấy thân tuyệt diệu của Ngài, ༔
Tay phải của Ngài bắt ấn cầm thanh kiếm, ༔
Còn tay trái đang trong thủ ấn câu triệu. ༔
Miệng há to, nhe răng, nhìn thẳng lên trời. ༔
Gyalwe Dungdzin, đấng bảo hộ chúng sinh: ༔
Hóa hiện đầu tiên giới thiệu Guru Rinpoche trong hình tướng kính ái và nhắc đến thời mà Ngài là hoàng tử, vị sẽ trở thành Pema Gyalpo[7]. Những từ ngữ của lời cầu nguyện khá dễ hiểu: Ngài cầm thanh kiếm trong tay phải và móc câu trong tay trái; miệng Ngài mở to, nhe răng khi Ngài nhìn chằm chằm lên trên. Cuối của mỗi phần, đoạn kệ cầu khẩn được lặp lại.
Mawe Senge
Khi nghe những Giáo Pháp linh thiêng quý báu, ༔
Thân Ngài tỏa ánh sáng rực rỡ chói ngời, ༔
Trong tay phải là những quyển kinh Tam Tạng, ༔
Còn tay trái là những bản văn Phổ Ba. ༔
Giáo Pháp sâu xa đã thấm nhuần tâm Ngài, ༔
Hỡi vị học giả từ vùng Yangleshö: ༔
Về miêu tả cho từng hóa hiện, tôi nghĩ rằng các bạn đơn giản xem bức Thangka thì dễ dàng hơn, thay vì tôi giải thích các chi tiết. Dẫu sao, bạn sẽ không thể nhớ tất cả những chi tiết này!
Trong hóa hiện này, Mawe Senge, Guru Rinpoche mang hình tướng của một học giả (Pandita) vĩ đại, vị là Đức Văn Thù, chúa tể về kiến thức. Mawe Senge là Guru Rinpoche bất khả phân với Văn Thù Sư Lợi và hóa hiện thành một Bổn tôn (Yidam) để giúp đệ tử tăng trưởng trí tuệ và kiến thức của họ. Thực hành về hóa hiện này vô cùng lợi lạc. Nó thực sự có sức mạnh giúp chúng sinh căn cơ thấp hơn phát triển sự thông tuệ và cải thiện việc nghiên cứu của họ.
Kyechok Tsulzang
Khi trói bảo vệ theo thệ bằng lời thề, ༔
Tại thắng địa vô cấu nhiễm, thật quyến rũ, ༔
Chính tại biên giới của Ấn Độ – Tây Tạng, ༔
Ngài ban gia trì và ngay khi Ngài đến, ༔
Hương thơm ngọt ngào phảng phất khắp ngọn núi, ༔
Ngay giữa mùa Đông mà hoa sen bung nở, ༔
Và xuất hiện dòng suối ‘Cam Lồ Giác Ngộ’. ༔
Tại thắng địa linh thiêng này, ngập tràn lạc, ༔
Đấng Kyechok Tsulzang, vị đắp Pháp y, ༔
Tay phải Ngài cầm chày kim cương chín chấu, ༔
Còn tay trái cầm một giỏ từ ngọc báu, ༔
Mà bên trong chứa đầy cam lồ Rakta. ༔
Trói Không Hành – vị theo thệ bằng lời thề, ༔
Ngài đạt được thành tựu diện kiến Bổn tôn: ༔
Hóa hiện này, Kyechok Tsulzang, là Guru Rinpoche xuất hiện trong hình tướng của một vị Tài Tôn. Nền tảng lạc thú của chư thiên và của cải của con người đều hoàn toàn đến từ chư Tài Tôn. Của cải quan trọng bởi nó khiến mọi chuyện trở nên khả thi; ngay cả vua Pháp và thí chủ vĩ đại nhất cũng chẳng thể hoàn thành điều gì nếu họ không có đủ phương tiện. Đức A Dục, vị vua vĩ đại của Ấn Độ, và vua Pháp vĩ đại của Tây Tạng, Trisong Deutsen đã có thể làm lợi lạc Giáo Pháp và truyền bá ở mức độ bao la như vậy hoàn toàn bởi của cải của chư vị. Ví dụ, Vua A Dục đã xoay xở để tập hợp năm trăm A La Hán trong giai đoạn của một mùa an cư để tổ chức Hội Nghị Kết Tập Giáo Pháp lần thứ ba. Tương tự, Vua Trisong Deutsen đã tập hợp 108 học giả vĩ đại và 108 dịch giả (Lotsawa) vĩ đại để chuyển dịch toàn bộ giáo lý Phật giáo ở Tây Tạng. Đây là những công việc to lớn. Nếu thực sự nghĩ về tầm vóc của những dự án này và điều đã được hoàn thành vào những thời kỳ này, bạn sẽ nhận ra đó là một thành tựu phi phàm ra sao. Những thành công này hoàn toàn thực hiện được nhờ của cải.
Dükyi Shechen
Khi Ngài thiết lập giáo lý của Thắng giả, ༔
Và thực hành trong khu rừng Núi Đá Phiến, ༔
‘Phổ Ba tiếp cận’ bay lên trời rộng mở, ༔
Cầm trong ấn kim cương, vần giữa hai tay ༔
Rồi Ngài ném mạnh vào Rừng Gỗ Chiên Đàn, ༔
Thứ phóng ra lửa, khiến hồ nước khô cạn. ༔
Lập tức, Ngài thiêu rụi vùng đất dị giáo ༔
Và nghiền nát những Dạ Xoa đen thành tro. ༔
Đấng Dükyi Shechen chẳng gì sánh bằng: ༔
Hóa hiện này của Guru Rinpoche bất khả phân với Bổn tôn Phổ Ba Kim Cương. Nhìn chung, chúng ta có thể nói rằng Guru Rinpoche đã thành tựu và trở nên bất phả phân với tất cả Bổn tôn, nhưng vị mà Ngài có kết nối đặc biệt là Phổ Ba Kim Cương. Sau khi thành tựu Bổn tôn Phổ Ba Kim Cương, Guru Rinpoche trở nên bất khả phân với vị này, do đó có hóa hiện Dukyi Shechen này. Các chỉ dẫn thực hành giải thích rằng chúng ta cần thấy Bổn tôn là bất khả phân với đạo sư của chúng ta – khi đạo sư và Bổn tôn bất khả phân, gia trì và thành tựu đến rất dễ dàng.
Dzamling Gyenchok
Khi trấn áp loài La Sát, Ngài xuất hiện ༔
Là vị trẻ trung trong y phục Hóa thân, ༔
Thân đẹp đẽ, tuyệt diệu, màu sắc đáng yêu, ༔
Răng hoàn hảo, tóc màu vàng, thật đẹp đẽ, ༔
Giống như vị trẻ trung ở tuổi mười sáu, ༔
Ngài đeo tất cả những trang sức ngọc báu; ༔
Tay phải của Ngài cầm Phổ Ba bằng đồng ༔
Để điều phục ma cũng như loài La Sát; ༔
Còn tay trái Ngài cầm Phổ Ba gỗ tếch, ༔
Ban bảo vệ cho những đứa con sùng mộ; ༔
Quanh cổ, Ngài đeo dao Phổ Ba bằng sắt – ༔
Ngài và vị Bổn tôn chẳng thể tách rời, ༔
Dzamling Gyenchok, hóa hiện của bất nhị: ༔
Hóa hiện này của Guru Rinpoche bất khả phân với Bổn tôn Yangdak Heruka. Để Guru Rinpoche đạt được thành tựu thù thắng của Trì Minh Đại Ấn, Ngài đầu tiên phải xua tan chướng ngại nhờ thực hành Phổ Ba Kim Cương trước khi có thể đạt thành tựu nhờ thực hành Yangdak. Do đó, chúng ta tìm thấy các nghi quỹ kết hợp Yangdak Heruka và Phổ Ba Kim Cương thành một thực hành. Ở đây, hóa hiện này của Guru Rinpoche bất khả phân với Yangdak Heruka, mà nhờ thực hành vị này, Guru Rinpoche đã đạt thành tựu thù thắng.
Pema Jungné
Khi Ngài lựa chọn đến ‘Vùng Đất Của Ma’, ༔
Mặt đất mà giàn thiêu rừng rực được đốt ༔
Biến thành hồ nước, rộng bằng tầm bắn tên, ༔
Trên bông sen nở, Ngài mát lành – rạng ngời, ༔
Trong bông sen, Ngài hiển bày sự chứng ngộ, ༔
Và mang danh hiệu là Pema Jungne, ༔
Xuất hiện là vị Phật chứng ngộ hoàn hảo – ༔
Hỡi đấng Hóa thân Phật tuyệt vời như Ngài: ༔
Đây là Guru Rinpoche trong hình tướng Pema Jungne tức Padmasambhava, ‘vị khởi lên từ hoa sen’. Điều này nhắc đến thời mà Guru Rinpoche du hành đến vùng đất Zahor; ở đó, đức vua, không nhận ra những phẩm tính của Ngài, đã cố gắng thiêu Ngài trên giàn thiêu củi rừng rực. Guru Rinpoche chuyển hóa đám lửa thành hồ nước và duy trì hoàn toàn chẳng bị làm hại.
Khyepar Pakpe Rigdzin
Khi soi sáng như mặt trời khắp Xứ Tạng, ༔
Dẫn dắt vinh quang cho kẻ có niềm tin, ༔
Hiển bày thân tùy theo kẻ cần điều phục. ༔
Phía trên ngọn đèo Khala ở vùng Tsang, ༔
Ngài trói Genyen Drala bằng lời thề; ༔
Còn phía dưới trong thung lũng Tsawarong, ༔
Chính là Genyen kiêu ngạo từ chư thiên, ༔
Hai mươi mốt vị, Ngài bắt thề trung thành. ༔
Rồi ở Mangyul, trong ngôi chùa ‘Từ Vân’, ༔
Ngài ban thành tựu cho bốn vị Tỳ Kheo. ༔
Đấng Khyepar Pakpe Rigdzin thù thắng: ༔
Hóa hiện này của Guru Rinpoche bất khả phân với Tôn giả Nyima Ozer [Nhật Quang], một trong tám hóa hiện. Đoạn này nhắc đến thời mà Guru Rinpoche lần đầu tiên đến Tây Tạng. Ngài được miêu tả trong tư thế sải bước, cầm chày kim cương trong tay phải và chĩa ba trong tay trái.
Dzutrul Thuchen
Trên đồng bằng vinh quang của Palmotang, ༔
Ngài trói mười hai Tenma bằng lời thề; ༔
Trên đèo Khala ở trung tâm Tây Tạng, ༔
Ngài trói Gangkar Shame bằng lời thề; ༔
Đầm lầy Damshö trước Núi Lhabu Nying, ༔
Bắt Thangla Yarshu hứa nguyện long trọng. ༔
Ở trên đỉnh Núi Hepori, Ngài trói ༔
Tất cả chư thiên – La Sát bằng lời thề: ༔
Trong tất cả chư thiên và ma lớn này, ༔
Một số cúng dường tinh túy của sinh lực, ༔
Một số trở thành vị bảo vệ giáo lý, ༔
Số khác thề sẽ làm đầy tớ của Ngài. ༔
Đấng Dzutrul Thuchen vô cùng oai hùng: ༔
Đây là Guru Rinpoche hiển bày thành Dorje Drolo, vị mà danh hiệu nghĩa là ‘vô cùng phẫn nộ hơn cả phẫn nộ’. Đôi lúc, Ngài cũng được nhắc đến là ‘Trowo Trogyal’, điều nghĩa là ‘Phẫn Nộ Vương Phẫn Nộ’ hay ‘Cholwe Trogyal’ – ‘Vua Phẫn Nộ Cuồng’, với nhận thức về ‘cuồng phẫn nộ’ – sự diễn tả hoàn toàn phẫn nộ của trí tuệ. Địa điểm linh thiêng liên hệ với hóa hiện phẫn nộ này là Paro Taktsang ở Bhutan, nơi Guru Rinpoche đã hóa hiện thành Dorje Drolo. Guru Rinpoche được vẽ là cưỡi hổ cái. Một số nguồn nói rằng hổ cái này là một Không Hành Nữ trong khi số khác nói rằng đó là một con hổ cái hoang dã, ăn thịt người mà Guru Rinpoche đã điều phục được.
Dorjé Drakpo Tsal
Khi Ngài truyền bá những Giáo Pháp linh thiêng, ༔
Như thể đang giương cao ngọn cờ chiến thắng, ༔
Samye tự nhiên hoàn thành, chẳng cần xây, ༔
Toàn bộ tầm nhìn của vua được viên thành! ༔
Ngài mang danh hiệu của ba vị thù thắng – ༔
Một danh hiệu là Đức Pema Jungne, ༔
Một là Tôn giả Padmasambhava, ༔
Và một là Tôn giả Hồ Sinh Kim Cương; ༔
Mật danh của Ngài – Dorje Drakpo Tsal: ༔
Hóa hiện này của Guru Rinpoche, Guru Drakpo, xuất hiện để điều phục ma Damsi[8] và Gyalgong[9] của Tây Tạng. Nếu cẩn thận quan sát, bạn sẽ thấy rằng hầu hết các Terton đều khám phá những Terma liên quan đến Dorje Drolo và Guru Drakpo vào lúc nào đó trong đời. Hình tướng của Guru Rinpoche được biết đến là Guru Drakpo được xem là vô cùng đặc biệt.
Kalden Drendzé
Khi Ngài thực hành tại Samye Chimpu, ༔
Đẩy lùi hoàn cảnh hại và ban thành tựu, ༔
Đưa vua – quan vào con đường đến giải thoát, ༔
Diệt giáo lý Bonpo thờ tinh linh ác, ༔
Và chỉ ra Pháp thân quý báu – vô cấu, ༔
Kalden Drendze, dẫn con đến Phật quả: ༔
Hóa hiện này giới thiệu Guru Rinpoche trong hình tướng Chemchok Heruka, một trong tám vị Tôn của đàn tràng Kagye. Khi Guru Rinpoche ở Ấn Độ, Zahor và những vùng khác, Ngài ban quán đỉnh và trao truyền cho Kagye Deshek Dupa. Ngài cũng ban quán đỉnh này ở Tây Tạng. Vị Tôn chính yếu của Kagye là Chemchok Heruka; vì thế, hóa hiện này là Guru Rinpoche bất khả phân với Chemchok Heruka.
Ở Tây Tạng, vẫn có một dòng tuần tự liên tục chư thành tựu giả thành tựu, những vị đạt đến thành tựu nhờ thực hành chư Tôn Kagye. Có một cách tiếp cận chung mà trong đó bạn thực hành toàn bộ chư Tôn Kagye cùng nhau và cách tiếp cận riêng, trong đó, bạn thực hành từng vị riêng biệt. Kagye là thực hành Bổn tôn chính yếu của hành giả Nyingma.
Raksha Totreng
Sau đấy, Ngài rời đến vùng đất Orgyen, ༔
Ở đó, giờ đây Ngài điều phục La Sát; ༔
Rất tuyệt vời – ưu việt hơn mọi con người, ༔
Rất tuyệt diệu – hành động giác ngộ phi phàm, ༔
Rất oai hùng – với mọi sức mạnh diệu kỳ: ༔
Điều này nhắc đến thời mà Guru Rinpoche, sau khi đã ban trao truyền và quán đỉnh Kagye Deshek Dupa và nhìn chung, đã hoàn thành công việc vì hữu tình chúng sinh ở Tây Tạng, rời đến Núi Màu Đồng, vùng đất của La Sát, ở phía Tây Nam. Để điều phục những La Sát này, Ngài hóa hiện thành Vua La Sát, Raksha Totreng. Ngài vẫn duy trì ở đó cho đến nay, xuất hiện trong hình tướng này, điều phục vô số hữu tình chúng sinh.
Làm sao chúng ta biết được vậy? Tất cả Terton của Tây Tạng cũng như hàng nghìn đạo sư vĩ đại khác thực sự từng đến Núi Màu Đồng và chứng kiến điều này. Chư vị viết về nó và cho đến nay, chư đạo sư và Terton vĩ đại vẫn tiếp tục đến Núi Màu Đồng và chứng kiến điều này, đúng chứ? Vì thế, đoạn kệ này nhắc đến Núi Màu Đồng, nơi Guru Rinpoche hiện đang an trụ, hóa hiện thành Vua La Sát.
Bạn cần biết cách mà từng vị trong mười một hóa hiện này liên hệ với những hành động chính yếu mà Guru Rinpoche tiến hành trong lúc ở Tây Tạng, như được kể chi tiết trong tiểu sử. Khi đọc những tiểu sử này, bạn có thể liên hệ ở cấp độ bên ngoài và cấp độ bên trong. Ở cấp độ bên trong, những hoạt động khác nhau chỉ ra cách mà Guru Rinpoche tiến bộ trên con đường và các địa bằng cách thành tựu bốn cấp độ Trì Minh: cấp độ hoàn toàn chín muồi, làm chủ mạng sống, Đại Ấn và tự nhiên hiện diện. Có một truyền thống giải thích cách mà Ngài thành tựu từng cấp độ liên hệ với các sự kiện được miêu tả trong tiểu sử. Truyền thống này đến từ Tôn giả Jamyang Khyentse Wangpo.
Để trở thành một đại thành tựu giả thành tựu, bạn cần tiến bộ qua từng cấp độ trong bốn cấp độ Trì Minh và đấy chính xác là điều mà Guru Rinpoche đã làm. Bạn cần phân biệt từng giai đoạn trong những giai đoạn này một cách rõ ràng, không phải theo kiểu mơ hồ, lưỡng lự. Dĩ nhiên, chúng ta có thể đơn giản nói rằng Guru Rinpoche thành tựu bốn cấp độ của một Trì Minh, nhưng tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta có thể nói vào thời điểm nào, Ngài đạt được cấp độ nào. Điều này cần phải rõ ràng để tuyên bố như vậy trở nên thực sự ý nghĩa.
Từ quan điểm Giáo Pháp, Guru Rinpoche là vị thù thắng nhất – về cơ bản, Ngài giải thoát từ nguyên sơ, nói cách khác, Ngài sinh ra đã giác ngộ. Tuy nhiên, vì chúng ta, Ngài chỉ ra cách mà người ta cần tiến bộ qua tất cả những giai đoạn khác nhau của con đường. Cách thức mà chúng ta phát triển và tiến bộ qua các giai đoạn khác nhau của con đường Kim Cương thừa là nhờ thành tựu lần lượt bốn cấp độ này của một Trì Minh. Như Guru Rinpoche chỉ ra cách mà Ngài thành tựu từng giai đoạn, Ngài cũng hiển bày những phẩm tính liên hệ với cấp độ đó. Đấy là điểm quan trọng.
Như Tôn giả Jigme Lingpa từng nói:
Hoàn thiện thực hành sinh khởi Mahayoga, nguyện […] du hành bốn cấp độ của Trì Minh, giống như trưởng tử của Phật – Đức Liên Hoa và Ngài Vô Cấu Hữu[10]!
Có điểm sâu xa cần hiểu ở đây. Và nếu có điều gì đó cần hiểu thì tức là có điều gì đó để suy ngẫm. Sự hiểu mà tôi nói đến ở đây rất khác với những ý nghĩ như “Ồ, Guru Rinpoche là vị vĩ đại như vậy, Ngài rạng ngời ngay từ đầu, chúng ta không thể nào bắt chước hay tiến gần đến Ngài”.
Guru Dechen Gyalpo
Đoạn kệ tiếp theo tóm lược tất cả.
Với thân, khẩu, ý giác ngộ, đấng dẫn dắt vinh quang ༔
Giải thoát bản thân khỏi che chướng, thấy rõ tam giới, ༔
Đạt thành tựu thù thắng, sở hữu thắng thân đại lạc; ༔
Hãy mãi mãi tiêu trừ mọi chướng ngại với giác ngộ! ༔
Hóa hiện này được cho là Guru Rinpoche bất khả phân với Thắng Lạc Luân (Chakrasamvara) và Yangdak Heruka.
Điều này hoàn mãn luận giải cực kỳ ngắn gọn về lời cầu nguyện Barche Lamsel, điều liên hệ những hóa hiện khác nhau của Guru Rinpoche với mười hai hành động chính yếu trong cuộc đời Ngài.
CÁCH TỤNG LỜI CẦU NGUYỆN BARCHE LAMSEL
Bạn cần tụng lời cầu nguyện Barche Lamsel như thế nào? Khi tụng lời cầu nguyện này, bạn cần quán tưởng rằng tất cả hữu tình chúng sinh, bao la như hư không, được tập hợp quanh bạn, giống như đám đông trong một khu chợ lớn.
Đối tượng của lời cầu nguyện là Guru Rinpoche trong hình tướng Nangsi Zilnon, vị bất khả phân với tâm của chính bạn. Chúng ta xem Guru Rinpoche là hiện thân của tất cả cội nguồn quy y. Thân của Guru Rinpoche về tinh túy là đạo sư; khẩu của Ngài là Bổn tôn và ý của Ngài là Không Hành Nữ. Điều này được giải thích rất chi tiết trong những luận giải về Ngondro. Chúng ta cần áp dụng sự hiểu này khi khơi dậy Guru Rinpoche như là hiện thân của mọi cội nguồn quy y. Chúng ta cũng cần nghĩ rằng Ngài giữ từng hữu tình chúng sinh với lòng bi mẫn, sức mạnh và tình thương lớn lao.
Khi chúng ta cầu nguyện đến Guru Rinpoche, chúng ta bày tỏ lòng sùng mộ nhờ thân bằng cách chắp tay ở tim; nhờ khẩu bằng cách tụng những đoạn kệ sâu xa từ lời cầu nguyện Barche Lamsel; và nhờ ý, đầy lòng sùng mộ, nhớ về càng nhiều càng tốt mọi biểu tượng và ý nghĩa của từ ngữ trong lời cầu nguyện.
Vì thế, ở đây, bạn có thể tuân theo truyền thống xem Guru Rinpoche là ngọc báu đại diện tất cả – bạn tập trung chỉ vào Ngài như là cội nguồn của mọi quy y. Nếu muốn thực hành tỉ mỉ hơn, bạn có thể quán tưởng Guru Rinpoche phía trước bạn và trên đầu Ngài, Báo thân Quán Thế Âm với bốn tay và trên đầu vị này, Pháp thân Vô Lượng Thọ. Xung quanh Ngài là mười hai hóa hiện và tại bốn cửa, chư Daka của bốn gia đình. Tất cả những vị Tôn này là hóa hiện của Guru Rinpoche, tự-diễn tả của Ngài, và bất khả phân với Ngài, như mặt trời và những tia sáng. Chư vị đơn giản là những hóa hiện xuất hiện tùy theo nhu cầu của hữu tình chúng sinh khác nhau. Về tinh túy, chư vị về cơ bản là một và giống nhau. Hãy cố gắng giữ điều đó trong tâm khi tụng lời cầu nguyện Barche Lamsel.
Bạn không nên chỉ thốt lên từ ngữ suông – bạn cần hiện thực hóa ý nghĩa của chúng và cầu nguyện từ đáy lòng. Bạn cần từ bỏ mọi xao lãng, dù chúng ở trong tâm bạn hay đến từ các giác quan.
Bạn có thể tụng lời cầu nguyện Barche Lamsel trong những thời khóa thực hành chính thức, cùng với Dusum Sangye và Chân ngôn Đạo Sư Kim Cương. Tốt nhất, bạn cần tụng lời cầu nguyện này mỗi ngày, nhưng ít nhất thì vào ngày 10 Guru Rinpoche và những dịp đặc biệt tương tự khác.
Bất cứ khi nào bạn nghĩ về đạo sư, bạn cần dâng những lời cầu nguyện vào lúc ấy.
Nếu bạn cầu nguyện như vậy, Guru Rinpoche sẽ giữ bạn trong lòng bi của Ngài. Chính Guru Rinpoche đã hứa với môn đồ, “Ta, Liên Hoa Sinh, sẽ luôn giữ con với lòng bi mẫn”. Nếu bạn cầu nguyện đến Guru Rinpoche, bạn sẽ thấy rõ ràng những dấu hiệu về lòng bi mẫn của Ngài.
Lời cầu nguyện này đến từ pho Tukdrub Barche Kunsel, một pho giáo lý rất lớn. Nó bao gồm nhiều Giáo Pháp khác nhau cùng với các nghi quỹ chính và phụ. Từng vị trong mười hai hóa hiện có thực hành và hoạt động riêng. Sẽ vô cùng lợi lạc nếu lúc nào đó bạn thọ nhận quán đỉnh về pho này, mặc dù tôi không nghĩ rằng bạn sẽ có thể hoàn thành toàn bộ thực hành. Dù thế nào, đấy là cách thực hành mười hai hóa hiện của Guru Rinpoche.
TRUYỀN THỪA
Hôm nay, tôi đã giải thích lời cầu nguyện Barche Lamsel và trao cho các bạn khẩu truyền. Tôi thọ nhận trao truyền này từ chính Jamyang Khyentse Chokyi Lodro Dorje Chang. Tôi cũng hoàn thành nhập thất Tukdrub Barche Kunsel vài lần và cử hành nhiều Drubchen dựa trên thực hành này. Tôi tụng nghi quỹ và lời cầu nguyện mỗi ngày. Chẳng có gì đặc biệt phi phàm về tất cả những điều này ngoại trừ sự thật là tôi đã thọ trao truyền từ Jamyang Khyentse Chokyi Lodro Dorje Chang và thệ nguyện của tôi với Ngài hoàn toàn thanh tịnh. Không có một khoảnh khắc nào mà tôi phá vỡ thệ nguyện với Ngài – tôi không bao giờ có dù chỉ một giây tà kiến với Ngài. Truyền thừa của sự trao truyền mà bạn vừa thọ nhận vì thế hoàn toàn thanh tịnh và vì lý do này, tôi tin rằng sẽ có chút lợi lạc. Kiểu lợi lạc nào? Sự tiêu trừ chướng ngại ngoài, trong, mật của bạn và những thành tựu được ban.
HỎI – ĐÁP
Có thể đảo ngược ‘thời suy đồi’ hay không, hay mọi chuyện đã đi quá xa?
Nhìn chung, rất khó để đảo ngược xu thế này bởi nó xảy đến như là kết quả của ác nghiệp chung của hữu tình chúng sinh[11]. Tuy nhiên, với tâm thanh tịnh và động cơ tốt lành, nếu bạn muốn làm gì đó về tình hình này, thực sự có những chuyện mà bạn có thể làm. Có nhiều giáo lý và tiên tri đề cập đến điều này. Không may thay, rất khó để tìm được hành giả, những vị có thể tập hợp lại và cử hành các thực hành cần thiết vào thời điểm mà tiên tri chỉ ra. Ngay cả khi những nhân và duyên này hội tụ, điều còn khó hơn là tìm được hành giả có sức mạnh cần thiết để khiến thực hành hiệu quả. Dưới thời trị vì của Đức Dalai Lama thứ Năm, Ngài Terdak Lingpa nói rằng không ai còn sống khi ấy có đủ sức mạnh để khiến thực hành có hiệu lực đầy đủ. Đấy là tình hình khi đó. Tôi không cho là có bất kỳ ai trong chúng ta hôm nay có thể tiến hành thực hành theo cách như vậy để chúng ta thấy được kết quả và tác động trọn vẹn.
Chúng con có thể dùng thực hành này để tăng cường thực hành Trekchod như thế nào?
Nếu bạn tụng lời cầu nguyện này nhiều lần, theo cách mà tôi vừa giải thích, nó sẽ xua tan chướng ngại bí mật của bạn và khi điều đấy xảy ra, bạn sẽ thấy cải thiện to lớn trong thực hành Trekchod. Giáo lý Đại Viên Mãn thường tuyên bố rằng thực hành tuyệt vời nhất mà bạn có thể làm là cầu nguyện đến đạo sư. Để tăng trưởng sức mạnh của thiền định, chẳng có thực hành nào tốt hơn cầu nguyện đến đạo sư. Thực sự, điều này đúng với mọi khía cạnh trong con đường Giáo Pháp của bạn. Khi chúng ta cầu nguyện đến đạo sư, kết quả là chúng ta thọ gia trì và điều này hiển bày như một trải nghiệm trực tiếp về bản tính của Trekchod. Dẫu vậy, nó không chỉ là về việc cầu nguyện – bạn cần khởi lên lòng sùng mộ chân chính trong tâm khi cầu nguyện. Nếu bạn có lòng sùng mộ, bạn sẽ thọ gia trì và thành tựu. Điểm này nằm ở trung tâm của giáo lý Nyingma.
Con hiện đang thực hành Riwo Sangchod [Cúng Dường Khói Núi] vào buổi sáng và Rigdzin Dupa [Tập Hội Trì Minh] vào buổi tối, cả hai đều là thực hành về Guru Rinpoche. Vậy con có thực sự cần thực hành điều này nữa không?
Tất nhiên! Bạn biết nếu bạn hỏi kiểu câu hỏi đấy, “Con có nên thực hành điều này, hay có ổn không nếu con không”, bạn sẽ luôn nhận được câu trả lời, “Ồ, con nên tiến hành nó!”. Không ai lại bảo bạn đừng thực hành điều gì đó!
Ngài nói rõ ràng rằng cầu nguyện đến đạo sư rất quan trọng. Xin Ngài cho biết liệu có ổn không nếu cứ tạo ra những lời cầu nguyện của riêng mình, một cách tự nhiên, khi chúng con nghĩ về đạo sư? Liệu điều đó có hiệu quả như những lời cầu nguyện đến từ các Terma, chẳng hạn Barche Lamsel?
Tôi không biết về kiểu lời cầu nguyện nào đã xuất hiện trong đầu bạn nhưng điều tôi thực sự biết là Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, Barche Lamsel và Sampa Lhundrubma là những từ ngữ kim cương của chính Guru Rinpoche. Vì thế, những lời cầu nguyện này được cho là vô cùng linh thiêng và oai hùng. Ở Tây Tạng, có nhiều người soạn mọi kiểu lời cầu nguyện. Nếu bạn đến chùa chính ở Lhasa, Jokhang, người ta xếp hàng bên ngoài để dâng những lời cầu nguyện của mình và nếu bạn để ý kỹ điều họ nói, bạn sẽ nghe được đủ mọi chuyện. Tôi đã làm thế, tôi cứ đi bộ chầm chậm dọc theo tuyến đường và nghe điều họ đang nói. Một số người nói bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm khi ấy, do chính họ soạn ra. Chuyện đó có xảy ra.
Con vẫn luôn vật lộn với chân lý tuyệt đối và tương đối và sự hợp nhất của chúng. Khi Ngài nói về xua tan chướng ngại, con vẫn luôn cầu nguyện đến Guru Rinpoche trong gần cả cuộc đời để xua tan chướng ngại và phát triển một chút sự hiểu, nhưng con vẫn có nhiều chướng ngại. Con cần hiểu sự hóa hiện liên tục này của những chướng ngại tương đối như thế nào?
Ở cấp độ tương đối, có những chướng ngại và ở cấp độ tương đối đó, chúng ta cầu nguyện để xua tan những chướng ngại này. Ở cấp độ tuyệt đối, không có ai cầu nguyện, không đối tượng của lời cầu nguyện và không chướng ngại … nó vượt khỏi tất cả những chuyện đó. Chúng ta tụng những lời cầu nguyện để có thể chứng ngộ chân lý tuyệt đối. Vậy thì chúng ta có cần dâng những lời cầu nguyện ở cấp độ tương đối? Có, dĩ nhiên chúng ta vẫn cần. Chúng ta vẫn chưa giác ngộ và vì thế, trải qua nhiều chướng ngại. Chừng nào dòng chảy ý nghĩ liên tục vẫn khởi lên trong tâm chúng ta, chúng ta sẽ có những chướng ngại. Cho đến khi đạt giác ngộ, chúng ta sẽ tiếp tục có chướng ngại.
Ở London, có nhiều người yêu thích các trung tâm Yoga. Nhiều người cố gắng thực hành tỉnh thức tại các công ty kinh doanh. Họ thấy rằng tiện nghi vật chất không thôi vẫn chưa thỏa mãn họ. Làm sao chúng con có thể khéo léo kết nối những người như vậy với một truyền thừa thực hành chân chính, mà không trông có vẻ như người truyền giáo?
Bạn đã tự trả lời câu hỏi của mình – bạn cần khéo léo. Bản thân tôi không biết cách làm điều này. Những cuộc gặp gỡ duy nhất mà tôi có với phương Tây là thông qua trung tâm Rigpa và ý định duy nhất của tôi khi đến đó là để hỗ trợ Sogyal Rinpoche. Tôi không phải là một đạo sư có đệ tử phương Tây, ở châu Âu, Hoa Kỳ và v.v. Vì thế, tôi thực sự không biết cách trả lời câu hỏi của bạn. Tôi không phải là người mà bạn nên hỏi. Tôi nghe nói ngày nay người ta đi theo giáo lý chỉ trên danh nghĩa. Điều bạn đang nói có lẽ đúng. Tôi nghĩ Kim Cương thừa, thừa xem kết quả là con đường, cực kỳ khó để truyền tải ở đây. Tôi nói vậy bởi dường như sức mạnh của những giáo lý này đang suy giảm. Bạn có thể sẽ hỏi rằng, “Chúng con có thể làm gì khi giáo lý suy giảm như vậy”. Không gì cả! Chính Đức Phật đã tiên đoán giáo lý sẽ suy giảm. Vì thế, thật vô ích khi những người như chúng ta đưa ra câu hỏi như vậy. Các đệ tử của Đức Phật hỏi Ngài rằng, “Chúng con nên làm gì khi giáo lý suy giảm?”. Đức Phật trả lời rằng điều này xảy ra bởi công đức của hữu tình chúng sinh đang cạn kiệt. Tôi có thể thấy cách mà giáo lý của Kim Cương thừa đã và đang suy giảm.
Chướng ngại hiển bày trong giấc mơ được xem là chướng ngại bên ngoài, bên trong hay bí mật?
Cả chướng ngại bên trong và bí mật đều có thể khởi lên trong những giấc mơ. Chướng ngại bên ngoài không hiển bày nhiều lắm trong những giấc mơ. Ví dụ, bạn có thể nằm mơ thấy một trận hỏa hoạn lớn, thứ phá hủy mọi thứ trên đường đi, nhưng thực sự, chẳng có gì bị thiêu. Lửa thật sự mới có thể thiêu rụi mọi thứ. Tiêu trừ kiểu chướng ngại bên ngoài thì dễ hơn. Chướng ngại bên trong khó tịnh hóa hơn và chướng ngại bí mật còn khó hơn nữa. Nếu bạn là một hành giả Giáo Pháp, chướng ngại bí mật là kiểu tồi tệ nhất.
Thưa Rinpoche, con có thể tụng lời cầu nguyện bằng tiếng Anh không, hay nếu làm vậy, nó sẽ mất đi sự chân chính và sức mạnh?
Vâng, có lẽ sẽ mất đi đôi chút gia trì nếu bạn tụng lời cầu nguyện bằng tiếng Anh. Điều đấy đúng. Cùng lúc, như trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện có nói:
‘Bằng ngôn ngữ của thiên, long, dạ-xoa,
Ngôn ngữ ma quỷ và cả loài người,
Bất kể bao nhiêu các loại tiếng nói,
Con sẽ thuyết Pháp bằng mọi ngôn ngữ!’
Khẩu giác ngộ có thể hiển bày bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Một số người nói rằng Phạn ngữ là ngôn ngữ tốt nhất, Tạng ngữ không tốt bằng và Anh ngữ thậm chí còn kém hơn; nhưng cá nhân tôi không đồng ý với quan điểm đó. Mỗi nền văn hóa có ngôn ngữ riêng, thứ mà họ dùng để giao tiếp và diễn tả ý nghĩa. Chừng nào mà ngôn ngữ còn diễn tả ý nghĩa, thì vẫn ổn. Tôn giả Jamyang Khyentse Wangpo nói rằng người Trung Quốc cần sử dụng tiếng Trung, người Tây Tạng sử dụng tiếng Tạng, người Ấn dùng Phạn ngữ và v.v. – điều đó giống nhau miễn là ý nghĩa được truyền tải. Trong Mật điển Guhyagarbha (Tinh Túy Bí Mật) có nói rất nhiều về điều này. Theo tôi biết, miễn là ý nghĩa được hiểu thì ngôn ngữ nào bạn dùng cũng chẳng thành vấn đề.
Câu hỏi của con là về quán tưởng kèm theo lời cầu nguyện. Ngài nói rằng Guru Rinpoche ở trung tâm và Vô Lượng Quang ở phía trên, nhưng trong các thực hành Kim Cương thừa khác, thường có những yếu tố quán tưởng bổ sung, ví dụ trong thực hành Riwo Sangchod, chúng con cần quán tưởng Kapala của Guru Rinpoche tuôn trào cam lồ và v.v. Xin Ngài nói thêm về cách chúng con quán tưởng Guru Rinpoche đang làm, khi tụng lời cầu nguyện?
Vậy là bạn không biết Guru Rinpoche – Nangsi Zilnon trông thế nào? Bạn có thể xem hình Ngài [Rinpoche chỉ vào bức hình ‘Trông Giống Ta’]. Chính Guru Rinpoche đã nói rằng hình này thực sự trông giống Ngài. Tôn tượng này vốn được thờ ở Samye, Tây Tạng. Tôn tượng do Tami Gonso làm; Tami nghĩa là người nước ngoài còn Gonso là tên ông ấy. Một số nói rằng ông ấy là người Nepal, số khác lại bảo ông ấy là người Ấn Độ. Bất kể đến từ đâu, theo những miêu tả lịch sử, ông ấy là người đã làm bức tượng này trong lúc nhìn Guru Rinpoche. Người ta nói rằng Guru Rinpoche sau đó phóng hào quang, thứ chạm vào bức tượng và khiến nó trông hoàn toàn giống Ngài.
Khi chư Terton vĩ đại đến chiêm bái, tôn tượng này thường nói chuyện với chư vị. Nếu bạn đọc tiểu sử của chư đạo sư vĩ đại, bạn có thể xác nhận điều đó. Bức hình này do Thái Hậu Sikkim chụp trong chuyến viếng thăm đến Tu viện Samye vào năm 1935. Đấy là bức hình duy nhất được chụp. Sau đó, bức tượng bị phá trong Cách mạng Văn hóa. Vì thế, đây là hình ảnh duy nhất mà chúng ta có. Đây là hình tướng của Guru Rinpoche được biết đến là Nangsi Zilnon; Guru Rinpoche cầm chày kim cương đưa ra phía trước. Hình tướng Guru Rinpoche cầm chày kim cương ở tim được gọi là Tsokye Dorje còn vị cầm Kapala bằng hai tay đặt trong lòng là Padmasambhava. Trong thực hành Riwo Sangchod, Guru Rinpoche xuất hiện trong hình tướng Tsokye Dorje, theo nghi quỹ do Tôn giả Lhatsun Namkha Jigme phát lộ trong pho giáo lý Rigdzin Sokdrub mà từ đó, Riwo Sangchod được rút ra. Guru Rinpoche có nhiều hình tướng khác nhau. Bức Thangka Tukdrub Barche Kunsel được chiếu trên màn hình được một trong những họa sỹ của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro vẽ. Đấy là bức hình mà các bạn nên tham khảo. Chẳng cần phải nói quá nhiều về nó.
Nguồn Anh ngữ: https://all-otr.org/vajrayana/77-barche-lamsel-the-prayer-which-removes-all-obstacles-from-the-path.
Gyurme Avertin chuyển dịch Tạng-Anh; Philip Philipou & David Rand hiệu đính.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ và hiệu đính.
[1] Cánh Cửa Lớn, một tuyển tập giáo lý về pho Tukdrub Barche Kunsel, giải thích những cách thức khác nhau để quán tưởng chư Tôn Tukdrub Barche Kunsel: “quán tưởng theo kiểu tập hội lớn”, “theo kiểu các lớp” và “theo kiểu ngọc báu đại diện tất cả”.
[3] Vào dịp khác, Rinpoche giải thích rằng “theo cách thức chúng ta đo lường thời gian, Đức Phật đã xuất hiện ở thế giới của chúng ta vào 2500 năm trước, nhưng khoảng thời gian tương đương ở Cực Lạc chỉ là mười lăm ngày. Đây là giải thích mà tôi từng nghe từ Dilgo Khyentse Rinpoche”.
[5] Theo Rigpawiki, cõi Ngayab Ling (Phạn: Camara hay Camaradvipa), đôi khi được gọi là Ngayab Langke Ling, theo vũ trụ quan Phật giáo, là một trong hai tiểu lục địa bao quanh cõi người này của chúng ta (Nam Thiệm Bộ Châu) và tọa lạc về phía Tây Nam. Đây là nơi loài La Sát cư ngụ và là địa điểm của Zangdok Palri, cõi thanh tịnh của Guru Rinpoche.
[6] Lời cầu nguyện này do Tôn giả Jigme Lingpa soạn.
[7] Pema Gyalpo là một trong tám hóa hiện của Guru Rinpoche. Mười hai hóa hiện trong Tukdrub Barche Kunsel được nhắc đến trong lời cầu nguyện Barche Lamsel tương ứng với những Bổn tôn và hóa hiện khác nhau của Guru Rinpoche.
[8] Damsi hay ma thệ nguyện là một trong nhiều kiểu Si (sri). Si được Trungpa Rinpoche dịch thành “tai ương tái diễn” bởi nó liên quan đến điều gì đó tiêu cực đã xảy ra và có xu hướng lặp lại. Điều này có thể hiển bày thành những tinh linh đầu động vật, thường được cho là có đầu lợn. Damsi đặc biệt cố gắng gây rắc rối cho chư hành giả, những vị giữ gìn thệ nguyện của Chân ngôn Bí mật. Chúng được nhìn nhận như là ảnh hưởng tiêu cực chính yếu lên hành giả, khiến họ phá vỡ thệ nguyện. Khi hành giả phạm một vi phạm thệ nguyện chính yếu, họ trở thành Damsi trong đời này khi vẫn là con người và sẽ tái sinh thành ma Damsi sau đó. Là hành giả, bởi họ đã tích lũy nhiều công đức trước khi chống lại Giáo Pháp, họ trở thành những kẻ thù mạnh mẽ của Giáo Pháp.
[9] Gyalgong (rgyal ‘gong) là những tinh linh gây ra chủ nghĩa bộ phái và nổi loạn. Người Tạng nói rằng hành vi phá hoại của Hồng Vệ Binh trong Cách mạng Văn hóa là bởi sự tấn công của Gyalgong. Một số người thờ phụng, nhưng nhiều người khác xem đó là ma quỷ. Người ta nói rằng những người cho rằng bậc thầy của họ thiếu lòng từ sẽ tái sinh làm Gyalgong.
[10] Trích từ Thâm Nhập Thành Trì Toàn Tri – Lời Nguyện Hiện Thực Hóa Chân Thật Ngữ.
[11] Giáo lý A Tỳ Đạt Ma giải thích cuộc đời trong luân hồi bắt nguồn từ hai kiểu nghiệp: những chốn cư ngụ được tạo ra bởi ‘cộng nghiệp của hình tướng’ trong khi thân thể, lạc thú và đau đớn cá nhân được tạo ra bởi ‘bất cộng nghiệp của trải nghiệm’. Về kiểu trước, tất cả những vị cùng tận hưởng một ý định, dù tốt hay xấu, chẳng hạn gây chiến tranh hay cứu dân cư khỏi bị đói, sẽ có cùng kết quả mặc dù chỉ có một người làm. Ở đây, Rinpoche nói rằng rất khó tác động đến cộng nghiệp của hình tướng.