Rất lâu trước kia, vào thời kỳ của Guru Rinpoche, Giáo Pháp đã đến vùng đất Tây Tạng, lan tỏa và phát triển ở đó thật tuyệt vời. Sau đó, vua Langdarma xuất hiện và bởi sức mạnh của những ước nguyện tiêu cực trước kia của mình, ông ấy đã phá hủy Giáo Pháp trên khắp đất nước, đúng như ông ấy đã dự định. Tại sao ông ấy lại phát kiểu ước nguyện đó? Tại sao ông ấy lại giao phó bản thân cho ác nghiệp nặng nề đến vậy? Điều này là bởi trước kia, rất nhiều, rất nhiều đời trước khi ông ấy là Langdarma, ông ấy từng là con bò phục vụ ba anh em, những vị đã xây dựng đại bảo tháp Jarung Kashor[1] và sau này tái sinh thành Vua Trisong Detsen, Guru Rinpoche và Ngài Shantarakshita [Tịch Hộ]. Là con bò, ông ấy chở những tảng đá và được dùng cho đủ mọi công việc cần thiết lúc xây dựng. Khi mà công việc to lớn, thiện lành và oai hùng đó hoàn thành, ba anh em đang dâng những lời cầu nguyện, ước nguyện và hồi hướng và họ quên không thêm tên con bò vào những lời cầu nguyện của mình. Con bò rất tức giận – nó thực sự khó chịu – nó nói rằng, “Tôi đã làm việc, làm việc cho họ, xây dựng bảo tháp này và bây giờ, họ thậm chí còn chẳng cầu nguyện cho tôi. Vì thế, tôi cầu nguyện rằng bất cứ Giáo Pháp nào mà họ thiết lập trong tương lai, tôi đều sẽ phá hủy!”. Tuy nhiên, Guru Rinpoche đã thấy lời nguyện đó trong mắt của con bò và Ngài nói, “Khi ấy, cầu mong Ta tiêu diệt ngươi!”.
Như thế ở Tây Tạng, mọi chuyện đã diễn ra đúng như vậy. Vua Trisong Detsen đã thỉnh mời Guru Rinpoche và Khenpo Shantarakshita đến Tây Tạng; Giáo Pháp được thiết lập và phát triển ở đó. Sau đấy, vua Langdarma xuất hiện và phá hủy khá nhiều điều mà chư vị đã nỗ lực tạo ra. Nhưng lúc ấy, có một Yogi có khả năng giết Langdarma. Vị Yogi này là một hóa hiện của Guru Rinpoche, vị hiển bày để hoàn thành lời nguyện có thể tiêu diệt ác nghiệp mà Langdarma đem đến thế gian này. Dĩ nhiên, Ngài là một đạo sư vĩ đại và sau này, Ngài cũng tái sinh thành Terton. Ngài rất lén lút, rất ‘thủ đoạn’, rất khéo léo. Ví dụ, Ngài không những có thể giết Langdarma mà còn có thể trốn thoát! Đầu tiên, Ngài quét sơn đen cho con ngựa trắng của Ngài. Sau đó, trong lúc chạy trốn, Ngài rửa sạch tất cả sơn đen; vì thế, những kẻ đuổi theo nói rằng, “Đấy không thể là người đã giết Langdarma – hắn đang cưỡi con ngựa màu khác”. Như thế, Ngài đã trốn thoát.
Dẫu sao, bạn có thể đọc trong tiểu sử của những đạo sư này cách mà tất cả những điều này đều là thật. Đấy là sức mạnh của những lời nguyện. Đấy là ảnh hưởng của ý định tiêu cực và của cả ý định tích cực. Những câu chuyện như vậy minh chứng cách mà lời nguyện xấu và tốt có thể hiển bày rất mạnh mẽ, ảnh hưởng đến không chỉ các cá nhân tạo ra chúng mà còn là toàn bộ quốc gia. Chúng thậm chí có thể định hình cách thức Giáo Pháp lan tỏa hay suy giảm trên thế gian. Bạn có thể đọc đi đọc lại về cách mà chỉ ý định đơn thuần cũng có thể tạo ra thay đổi ở mức độ bao la.
Bạn có thể thấy rằng sức mạnh của Langdarma đến từ ý định ban đầu của ông ấy và bởi nó, ông ấy trở thành đại ma. Tuy nhiên, ý định của Guru Rinpoche thì lại có thể phá tan thậm chí cả ma ghê gớm như Langdarma. Bạn có thể đọc để biết Langdarma mạnh đến đâu và ác hạnh của ông ấy có tác động nhiều biết bao. Điều đó cũng tương tự như Mao – bạn có thể đọc về những thay đổi tồi tệ chẳng thể nói hết mà ông ấy đem đến thế gian này và đến vùng đất Tây Tạng và Trung Hoa nói riêng. Mao và Langdarma là những chúng sinh rất mạnh, nhưng không may thay, họ được thúc đẩy bởi ý định tiêu cực, khiến cho mọi thứ họ đem đến thế gian này vì thế cũng tiêu cực. Bạn có thể chắc chắn rằng bất kể kết quả nào mà họ có thể gặt hái từ việc sử dụng sức mạnh với ý định xấu cũng tiêu cực và bất kỳ kết quả tương lai nào cũng sẽ vậy. Theo cách này, chúng ta có thể xem những câu chuyện của chư đạo sư vĩ đại và tự thấy được sức mạnh của ý định.
~ Giáo lý sẽ tiếp tục trong Phần 3 …
Tài liệu [Anh ngữ] được phổ biến để tải miễn phí bởi Vimala Treasures. © 2012, 2023 Vimala
~ Shashi Reitz dịch [sang Anh ngữ] và hiệu đính ~
Nguồn Anh ngữ: https://vimala.org/portfolio-item/heart-advice-on-tsog-and-other-matters/.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Tức bảo tháp Boudha. Về lịch sử của bảo tháp này, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a29266/giai-thoat-nho-lang-nghe.