Thư Viện Hoa Sen

Phẩm 22-28

22/05/201012:00 SA(Xem: 12167)
Phẩm 22-28
 
Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TĂNG CHI BỘ 
Anguttara Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

 Chương Bốn Pháp
Phẩm 22-28
XXII. Phẩm Ô Uế

(I) (211) Chúng 

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn ô uế hội chúng này. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo ác giới, theo ác pháp, làm ô uế hội chúng; này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo-ni ác giới, theo ác pháp, làm ô uế hội chúng; này các Tỷ-kheo, có nam cư sĩ ác giới, theo ác pháp, làm ô uế hội chúng; này các Tỷ-kheo, có nữ cư sĩ ác giới, theo ác pháp, làm ô uế hội chúng!

Này các Tỷ-kheo, có bốn ô uế hội chúng này. 

2. Này các Tỷ-kheo, có bốn thanh tịnh hội chúng này. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo có giới, theo thiện pháp, làm thanh tịnh hội chúng; này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo-ni có giới, theo thiện pháp, làm thanh tịnh hội chúng; này các Tỷ-kheo, có nam cư sĩ có giới, theo thiện pháp, làm thanh tịnh hội chúng; này các Tỷ-kheo, có nữ cư sĩ có giới, theo thiện pháp, làm thanh tịnh hội chúng.

Này các Tỷ-kheo, có bốn thanh tịnh hội chúng này. 

(II) (212) Tà Kiến

1.- Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là bốn?

Với thân làm ác, với lời nói ác, với ý nghĩ ác, với tà kiến.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2. Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là bốn?

Thành tựu với thân làm thiện, với lời nói thiện, với ý nghĩ thiện, với chánh tri kiến.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

(III) (213) Không Biết Ơn

1.- Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là bốn?

Thành tựu với thân làm ác, với lời nói ác, với ý nghĩ ác, với không biết ơn, không biết trả ơn

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2. Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là bốn?

Thành tựu với thân làm thiện, với lời nói thiện, với ý nghĩ thiện, biết ơn, biết trả ơn

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời

(IV) (214) Sát Sanh 

(Như kinh 213, chỉ khác là bốn pháp khác: Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo; từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo). 
(V) (215) Con Đường (1)
(Như kinh 213, các pháp được đề cập đến là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp)
(VI) (216) Con Đường (2)
(Như kinh 213, các pháp được đề cập đến là tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, và chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định)
(VII) (217) Cách Thức Nói (1)
(Như kinh 213, các pháp được đề cập là không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không cảm giác nói có cảm giác, không thức tri nói có thức tri; không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không cảm giác nói không có cảm giác, không thức tri nói không có thức tri) 
(VIII) (218) Cách Thức Nói (2)
(Như kinh 213, các pháp được đề cập là thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, có cảm giác nói không có cảm giác, có thức tri nói không thức tri; thấy nói có thấy, nghe nói có nghe, có cảm giác nói có cảm giác, có thức tri nói có thức tri) 
(IX) (219) Không Xấu Hổ 

1.- Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là bốn?

Thành tựu với không có lòng tin, với ác giới, với không xấu hổ, với không sợ hãi.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2. Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là bốn?

Thành tựu với lòng tin, với có giới, với xấu hổ, với sợ hãi.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

(X) (220) Với Liệt Tuệ

(Như kinh trên, các pháp được đề cập như sau: không có lòng tin, ác giới, biếng nhác, liệt tuệ; có lòng tin, có giới, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ). 

XXIII. Phẩm Diệu Hạnh

(I) (221) Diệu Hạnh

1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn lời ác hành này. Thế nào là bốn? 

Nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm

Này các Tỷ-kheo, có bốn lời ác hành này. 

2. Này các Tỷ-kheo, có bốn lời thiện hành này. Thế nào là bốn? 

Nói thật, không nói hai lưỡi, nói lời nhu nhuyến, nói lời thông tuệ

Này các Tỷ-kheo, có bốn lời thiện hành này. 

(II) (222) Kiến

1. - Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si, không thông minh, không phải Chân nhân, tự mình xử sự như một kẻ mất gốc, không có sinh khí, có tội, bị các người trí quở trách, và tạo nhiều vô phước. Thế nào là với bốn? 

Với thân làm ác, với lời nói ác, với ý nghĩ ác, với tà kiến

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si, không thông minh, không phải Chân nhân, tự mình xử sự như một kẻ mất gốc, không có sinh khí, có tội, bị các người trí quở trách, và tạo nhiều vô phước.

2. Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, bậc Hiền trí thông minh, là bậc Chân nhân, tự mình xử sự không như một kẻ mất gốc, một kẻ có sinh khí, không có tội, không bị các người trí quở trách, và tạo nhiều phước đức. Thế nào là với bốn? 

Với thân làm thiện, với lời nói thiện, với ý nghĩ thiện, với chánh tri kiến

(III) (223) Vô Ơn 

(như kinh trên, các pháp được đề cập là thân làm ác, lời nói ác, ý nghĩ ác, không biết ơn, không trả ơn; thân làm thiện, lời nói thiện, ý nghĩ thiện, biết ơn, trả ơn). 
(IV) (224) Sát sanh 
(như kinh trên, các pháp được đề cập là: sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo; từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo).
(V) (225) Con Đường

tà kiến, có tà tư duy, có tà ngữ, có tà nghiệp; Có chánh kiến, có chánh tư duy, có chánh ngữ, có chánh nghiệp

tà mạng, có tà tinh tấn, có tà niệm, có tà định; Có chánh mạng, có chánh tinh tấn, có chánh niệm, có chánh định.

(VI) (226) Cách Thức Nói (1) 

... Không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không cảm giác nói có cảm giác, không tri thức nói có tri thức; không thấy nói không thấy.., không nghe nói không nghe.., không cảm giác nói không có cảm giác..., không tri thức nói không có tri thức.

(VII) (227) Cách Thức Nói (2)

Có thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, cảm giác nói không cảm giác, tri thức nói không tri thức; thấy nói có thấy.., nghe nói có nghe.., cảm giác nói có cảm giác..., tri thức nói có tri thức

(VIII) (228) Không Xấu Hổ 

... không có lòng tin, ... ác giới, không xấu hổ, và không sợ hãi ... có lòng tin, ... có giới, có xấu hổ, có sợ hãi ... 

(IX) (229) Liệt Tuệ

... không có lòng tin, ác giới, biếng nhác, liệt tuệ ... có lòng tin, có giới, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, bậc Hiền trí thông minh, là bậc Chân nhân, tự mình xử sự không như một kẻ mất gốc, có sinh khí, không có tội, không bị các người trí quở trách, và tạo nhiều phước đức.

(X) (230) Các Thi Sĩ 

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng thi sĩ này. Thế nào là bốn?

Thi nhân có tưởng tượng, thi nhân theo truyền thống, thi nhân có lý luận, thi nhân có biện tài

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng thi sĩ này. 
 
 

XXIV. Phẩm Nghiệp

(I) (231) Tóm Tắt

- Có bốn nghiệp này, này các Tỷ-kheo, đã được ta chứng ngộ với thắng trí và thuyết giảng. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ-kheo, có nghiệp đen quả đen; này các Tỷ-kheo, có nghiệp trắng quả trắng; này các Tỷ-kheo, có nghiệp đen trắng, quả đen trắng, này các Tỷ kheo, có nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt. Có bốn nghiệp này, này các Tỷ-kheo, đã được ta chứng ngộ với thắng trí và thuyết giảng.

(II) (232) Với Chi Tiết 

1. Có bốn nghiệp này, này các Tỷ-kheo, đã được ta chứng ngộ với thắng trí và thuyết giảng. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ-kheo, có nghiệp đen quả đen; này các , có nghiệp thắng quả trắng; có nghiệp đen trắng, quả đen trắng, có nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen quả đen?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân hànhtổn hại, làm khẩu hành có tổn hại, làm ý hành có tổn hại. Người ấy, do làm thân hànhtổn hại, do làm khẩu hành có tổn hại, do làm ý hành có tổn hại, sanh ra ở thế giớitổn hại. Do người ấy sanh ra ở thế giớitổn hại, các cảm xúctổn hại được cảm xúc. Người ấy được cảm xúc với những cảm xúctổn hại, nên cảm thọ những cảm thọtổn hại, thuần nhất khổ, như những chúng sanh trong địa ngục. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp đen quả đen. 

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp trắng quả trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân hành không có tổn hại, làm khẩu hành khôngtổn hại, làm ý hành khôngtổn hại. Người ấy, do làm thân hành không có tổn hại, do làm khẩu hành khôngtổn hại, do làm ý hành khôngtổn hại, sanh ra ở thế giới không có tổn hại. Do người ấy sanh ra ở thế giới không có tổn hại, các cảm xúc không có tổn hại được cảm xúc. Người ấy được cảm xúc với những cảm xúc không có tổn hại, nên cảm thọ những cảm thọ không có tổn hại, thuần nhất lạc, như chư ThiênBiến Tịnh Thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp trắng quả trắng. 

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen trắng quả đen trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân hànhtổn hại và không tổn hại, làm khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, làm ý hành có tổn hại và không tổn hại. Người ấy, do làm thân hànhtổn hại và không tổn hại, do làm khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, do làm ý hành có tổn hại và không tổn hại, sanh ra ở thế giớitổn hại và không tổn hại. Do người ấy sanh ra ở thế giớitổn hại và không tổn hại, các cảm xúctổn hại và không tổn hại được cảm xúc. Người ấy được cảm xúc với những cảm xúctổn hại và không tổn hại, nên cảm thọ những cảm thọtổn hại và không tổn hại, xen lẫn, pha trộn lạc và khổ. Ví như một số người và chư Thiên, một số chúng sanh ở các đọa xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp đen trắng quả đen trắng. 

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp không đen không trắng quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt?

Tại đấy, này các Tỷ-kheo, phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận nghiệp đen quả đen này; phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận nghiệp trắng quả trắng này; phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận nghiệp đen trắng quả đen trắng này; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nghiệp không đen không trắng quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, có bốn nghiệp này đã được Ta chứng ngộ với thắng trí và thuyết giảng

(III) (233) Sonakàyana

1. Rồi Bà-la-môn Sikha Moggallàna đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sikha Moggallàna thưa với Thế Tôn:

- Thưa Tôn giả Gotama, những ngày trước đây, trước đây nữa, thanh niên Sonakàyana có đến con, và sau khi đến nói với con như sau: "Sa-môn Gotama chủ trương tất cả nghiệp đều không có kết quả. Chủ trương tất cả nghiệp đều không có kết quả, vị ấy nói đến sự đoạn diệt của thế giới, nhưng thế giới này thiệt là có do nghiệp tác thành thế giới và được tồn tại do tác động của nghiệp". 

- Này Bà-la-môn, ta chưa từng thấy thanh niên Sonakàyana. Từ đâu lại có câu chuyện như vậy?

2. Này Bà-la-môn, có bốn nghiệp này đã được ta chứng ngộ với thắng trí và tuyên bố. Thế nào là bốn?

... (Hoàn toàn giống như kinh 232)

(IV) (234) Các Học Pháp

1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn nghiệp này, đã được ta chứng ngộ với thắng trí và tuyên bố. Thế nào là bốn? (Như kinh 231)

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen quả đen?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu. 

Này các Tỷ-kheo, đây là nghiệp đen quả đen. 

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp trắng quả trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. 

Này các Tỷ-kheo, đây là nghiệp trắng quả trắng. 

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen trắng quả đen trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân nghiệptổn hại và không tổn hại ... (như kinh 232.4).

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp đen trắng quả đen trắng. 

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp không đen trắng, quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt?

Tại đấy, này các Tỷ-kheo, phàm có nghiệp đen quả đen này ... (như kinh 232.5). Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp không đen trắng, quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiẹp đoạn diệt

Này các Tỷ-kheo, bốn nghiệp này đã được ta chứng ngộ với thắng trí và tuyên bố.

6. Có bốn nghiệp này, này các Tỷ-kheo, đã được ta chứng ngộ với thắng trí và tuyên bố. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ-kheo, có nghiệp đen quả đen; , có nghiệp thắng quả trắng; có nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt.

7. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen quả đen quả đen?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đoạt mạng sống của mẹ, đoạt mạng sống của cha, đoạt mạng sống của vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu, phá hòa hợp Tăng

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp đen quả đen. 

8. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen quả trắng quả trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham, từ bỏ sân, có chánh kiến

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp trắng quả trắng. 

9. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen trắng quả đen trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân nghiệptổn hại và không tổn hại ... (như kinh 232.4)

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp đen trắng quả đen trắng. 

10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp không đen trắng, quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt?

Tại đấy, này các Tỷ-kheo, phàm có nghiệp đen quả đen này ... (như kinh 232.5). Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp không đen trắng, quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt

Có bốn loại nghiệp này, này các Tỷ-kheo, đã được ta chứng ngộ với thắng trí và tuyên thuyết

(V) (235) Thánh Đạo 

- Này các Tỷ-kheo, có bốn nghiệp này được ta chứng ngộ với thắng trí và tuyên thuyết. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ-kheo, có nghiệp đen quả đen ... (như kinh 232).

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp không đen trắng, quả không đen trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt

Đây là chánh tri kiến ... chánh định

Này các Tỷ-kheo, đây là nghiệp không đen trắng, quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt

(VI) (236) Giác Chi 

1.- Có bốn nghiệp này ... (như kinh 232.1)

2. Này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen quả đen? (như kinh 232.2)

3. Này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp trắng quả trắng? (như kinh 232.3)

4. Này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen trắng quả đen trắng? (như kinh 232.4)

5. Này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp không đen trắng, quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt?

Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi

Này các Tỷ-kheo, đây là nghiệp không đen trắng, quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại nghiệp này, đã được ta chứng ngộ với thắng trí và tuyên thuyết

(VII) (237) Đáng Quở Trách

1.- Này các Tỷ-kheo, thành tựu với bốn pháp này, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là với bốn?

Với thân nghiệp có tội, với ngữ nghiệp có tội, với ý nghiệp có tội, với kiến có tội. 

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2. Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là với bốn?

Với thân nghiệp không có tội, với khẩu nghiệp không có tội, với ý nghiệp không có tội, với kiến không có tội. 

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

(VIII) (238) Có Hại 

1.- Này các Tỷ-kheo, thành tựu với bốn pháp này, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là với bốn?

Với thân nghiệptổn hại, với khẩu nghiệptổn hại, với ý nghiệptổn hại, với kiến có tổn hại

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2. Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là với bốn?

Với thân nghiệp không có tổn hại, với khẩu nghiệp không có tổn hại, với ý nghiệp không có tổn hại, với kiến không có tổn hại

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

(IX) (239) Vị Sa Môn

1.- Chỉ ở đây, này các Tỷ-kheo, có Sa-môn thứ nhất, có Sa-môn thứ hai, có Sa-môn thứ ba, có Sa-môn thứ tư, còn ngoại đạo khác không có Sa-môn. Như vậy, này các Tỷ kheo, các Thầy chơn chánh rống tiếng rống con sư tử

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn thứ nhất?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không bị rơi vào đọa xứ, chắc chắn hướng đến giác ngộ. Này các Tỷ-kheo, người này là Sa-môn thứ nhất. 

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn thứ hai?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Các Tỷ-kheo do đoạn diệt ba kiết sử, do làm cho nhẹ bớt tham và sân, là bậc Nhất Lai, còn đi lại thế giới này một lần nữa, rồi đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây là Sa-môn thứ hai. 

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn thứ ba?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh tại đấy, chứng Niết-bàn, không phải trở lui từ thế giới ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là Sa-môn thứ ba. 

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn thứ tư?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí ngay trong hiện tại, chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây là Sa-môn thứ tư. 

Chỉ ở đây, này các Tỷ-kheo, có Sa-môn thứ nhất, Ở đây có Sa-môn thứ hai, ở đây có Sa-môn thứ ba, ở đây có Sa-môn thứ tư, còn ngoại đạo khác không có Sa-môn. Như vậy, này các Tỷ kheo là chơn chánh rống tiếng rống con sư tử này. 

(X) (240) Các Lợi Ích Nhờ Bậc Chân Nhân

- Nhờ y tựa bậc chân nhân, này các Tỷ-kheo, chờ đợi là bốn lợi ích. Thế nào là bốn?

Lớn mạnh nhờ Thánh giới, lớn mạnh nhờ Thánh giới, lớn mạnh nhờ Thánh định, lớn mạnh nhờ Thánh trí tuệ, lớn mạnh nhờ Thánh giải thoát

Nhờ y tựa bậc chân nhân, này các Tỷ-kheo, chờ đợi là bốn lợi ích này. 
 
 

XXV. Phẩm Sợ Hãi Phạm Tội

(I) (241) Phạm Tội (1)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda đang ngồi xuống một bên:

- Này Ananda, sự tranh chấp ấy đã được chấm dứt chưa?

- Từ đâu, bạch Thế Tôn, sự tranh chấp ấy sẽ chấm dứt được? Bàhiya, vị đồng trú với Tôn giả Anuruddha hoàn toàn đứng về phía hòa hợp tăng. Do vậy, Tôn giả Anuruddha nghĩ rằng không nên nói một lời nào. 

- Này Ananda, có khi nào Anuruddha lại can thiệp vào những vấn đề tranh chấp giữa chúng Tăng? Phải chăng, này Ananda, khi nào có vấn đề tranh chấp gì khởi lên, chính hai Thầy Sàriputta và Moggallàna làm chấm dứt tất cả tranh chấp ấy?

2. Này Ananda, do thấy bốn lợi ích này, kẻ ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng. Thế nào là bốn?

Ở đây, này Ananda, kẻ ác Tỷ-kheo, do theo ác giới, theo ác pháp không trong sạch, sở hành đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, không phải Sa-môn nhưng tự xưng là Sa-môn, không hành Phạm hạnh nhưng tự xưng là hành Phạm hạnh, nội tâm mục nát, đầy ứ dục vọng, một đống rác dơ bẩn. Vị ấy nghĩ như sau: "Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết ta là ác giới, theo ác pháp, không thanh tịnh ... một đống rác dơ bẩn; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta". Này Ananda, do thấy lợi ích thứ nhất này, ác Tỷ-kheo thích thú với pháp hòa hợp Tăng

3. Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo có tà kiến, thành tựu với chấp thủ biên kiến, vị ấy nghĩ như sau: "Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết ta là có ác tri kiến, chấp thủ tri kiến; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta". Này Ananda, do thấy lợi ích thứ hai này, ác Tỷ-kheo thích thú với pháp hòa hợp Tăng

4. Lại nữa, này Ananda, ác Tỷ-kheo có tà mạng, nuôi sống mình với tà mạng. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết ta có tà mạng, nuôi sống mình với tà mạng; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta". Này Ananda, do thấy lợi ích thứ ba này, ác Tỷ-kheo thích thú với pháp hòa hợp Tăng

5. Lại nữa, này Ananda, ác Tỷ-kheo tham muốn lợi dưỡng, tham muốn cung kính, tham muốn không bị kinh miệt; Vị ấy suy nghĩ như sau: "Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết ta là tham muốn lợi dưỡng, tham muốn cung kính, tham muốn không bị kinh miệt; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta". Này Ananda, do thấy lợi ích thứ tư này, ác Tỷ-kheo thích thú với pháp hòa hợp Tăng

Do thấy bốn lợi ích này, này Ananda, kẻ ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.

(II) (242) Phạm Tội (2)

1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn sợ hãi phạm tội này. Thế nào là bốn?

2. Ví như, này các Tỷ-kheo, người ta bắt được một người ăn trộm, một người phạm tội, dắt đến cho nhà vua và thưa: "Thưa Đại vương, đây là người ăn trộm, đây là người phạm tội. Đại vương hãy gia phạt người ấy theo hình phạt nào Đại vương muốn". Vua ấy nói như sau: "Các ông hãy đem người này, lấy dây thật chắc trói cánh tay người này thật chặt lại về phía sau. Cạo đầu người ấy đi, dắt người ấy đi xung quanh với một cái trống, có tiếng chát tai, đi từ đường này đến đường khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cửa thành phía Nam, và hãy chặt đầu người ấy tại thành phía nam". Những người của vua, lấy dây thật chắc trói cánh tay nó thật chặt lại về phía sau, cạo trọc đầu, dắt nó đi xung quanh với một cái trống, có tiếng chát tai, đi từ đường này đến đường khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cửa thành phía Nam, và hãy chặt đầu người ấy tại thành phía Nam. Tại đấy, có một người đứng một bên suy nghĩ như sau: "Thật sự người này đã làm một điều ác đáng bị quở trách, đáng bị chém đầu. Vì rằng những người của vua lấy dây thật chắc trói cánh tay nó thật chặt lại về phía sau, cạo trọc đầu, dắt nó đi xung quanh với một cái trống, có tiếng chát tai, đi từ đường này đến đường khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cửa thành phía Nam, và hãy chặt đầu người ấy tại thành phía Nam. Chắc chắn ta chớ có làm nghiệp ác như vậy, đáng bị quở trách, đáng bị chém đầu". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, các tưởng sợ hãi sắc bén như vậy, được an trú, thời trong những pháp, tội ba-la-di được chờ đợi như sau về vị ấy: Nếu không phạm tội, thời không rơi vào tội ba-la-di; nếu đã phạm tội, thời sẽ như pháp sám hối pháp ba-la-di. 

2. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang áo vải đen, xả bối tóc xuống, mang trên vai một cái hèo và đi đến trước đại chúng và nói như sau: "Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị đánh hèo. Do vậy tôi xin đặt mình theo sở thích của quý vị". Rồi một người đứng một bên suy nghĩ như sau: "Thật sự, người này đã làm một điều ác đáng bị quở trách, đáng bị đánh hèo. Vì rằng, người ấy đã mang áo vải đen, xả bối tóc xuống, mang trên vai một cái hèo và đi đến trước đại chúng và nói như sau: "Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị đánh hèo. Do vậy tôi xin đặt mình theo sở thích của quý vị". Vậy chắc chắn ta chớ có làm nghiệp ác như vậy, đáng bị quở trách, đáng bị đánh hèo". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, các tưởng sợ hãi sắc bén như vậy, được an trú, thời trong những pháp tăng tàn, được chờ đợi như sau về vị ấy: "Nếu không phạm tội thời sẽ không rơi vào tội tăng tàn. Nếu đã phạm tội thời sẽ như pháp phát lộ tội tăng tàn". 

3. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang áo vải đen, xả bối tóc xuống, mang theo trên vai một bị đồ ăn và đi đến trước đại chúng và nói như sau: "Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị hình phạt. Do vậy tôi xin đặt mình theo sở thích của quý vị". Rồi một người đứng một bên suy nghĩ như sau: "Thật sự, người này đã làm một điều ác đáng bị quở trách, đáng bị hình phạt. Vì rằng người ấy đã mang áo vải đen, xả bối tóc xuống, mang theo trên vai một bị đồ ăn và đi đến trước đại chúng và nói như sau: "Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị hình phạt. Do vậy tôi xin đặt mình theo sở thích của quý vị". Vậy chắc chắn ta chớ có làm nghiệp ác như vậy, đáng bị quở trách, đáng bị hình phạt". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, các tưởng sợ hãi sắc bén như vậy, được an trú, thời trong những pháp pàcittiyà ba-dật-đề, được chờ đợi như sau về vị ấy: "Nếu không phạm tội thời sẽ không rơi vào tội pàcittiyà. Nếu phạm tội thời sẽ như pháp phát lộ tội pàcittiyà". 

4. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang áo vải đen, xả bối tóc xuống, đi đến trước đại chúng và nói như sau: "Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị phê bình. Do vậy tôi xin đặt mình theo sở thích của quý vị". Rồi một người đứng một bên suy nghĩ như sau: "Thật sự, người này đã làm một điều ác đáng bị quở trách, đáng bị phê bình. Vì rằng người này mang áo vải đen, xả bối tóc xuống, đi đến trước đại chúng và nói như sau: "Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị phê bình. Do vậy tôi xin đặt mình theo sở thích của quý vị". Vậy chắc chắn ta chớ có làm nghiệp ác như vậy, đáng bị quở trách, đáng bị phê bình". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, các tưởng sợ hãi sắc bén như vậy, được an trú, thời trong những pháp pàtidesaniya (cần phải phát lộ) được chờ đợi như sau: Nếu không phạm tội thời sẽ không rơi vào phạm tội pàtidesaniya. Nếu phạm tội thời sẽ như pháp sám hối, pháp pàtidesaniya. 

Này các Tỷ-kheo, có bốn sợ hãi phạm tội này. 

(III) (243) Lợi ích Học Tập 

1. - Phạm hạnh này được sống, được lợi ích trong học tập, được trí tuệ vô thượng, được giải thoát kiên cố, được niệm tăng thượng. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lợi ích học tập?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, các học pháp thắng hạnh được Ta đặt cho các đệ tử, để những ai ít lòng tin phát khởi lòng tin. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, các học pháp thắng hạnh được ta chế đặt cho các đệ tử, để những ai ít lòng tin phát khởi lòng tin, để những ai có lòng tin, được tăng trưởng lòng tin. Do vậy, một đệ tử sau khi chấp nhận và học tập trong các học pháp, đối với học pháp ấy là người sở hành không bị bể vụn, sở hành không cắt xén, sở hành không bị vết nhơ, sở hành không bị chấm đen. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các học pháp sở hành Phạm hạnh được Ta đặt cho các đệ tử, để chơn chánh đoạn diệt đau khổ một cách hoàn toàn. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, các học pháp sở hành Phạm hạnh được ta chế đặt cho các đệ tử, để chơn chánh đoạn diệt đau khổ một cách hoàn toàn. Do vậy, một đệ tử sau khi chấp nhận và học tập trong các học pháp, đối với học pháp ấy là người sở hành không bị bể vụn, sở hành không cắt xén, sở hành không bị vết nhơ, sở hành không bị chấm đen. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là lợi ích của học tập. 

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là trí tuệ vô thượng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, các pháp Ta thuyết giảng cho các đệ tử để chơn chánh đoạn diệt đau khổ một cách hoàn toàn. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, các pháp ta thuyết giảng cho các đệ tử để chơn chánh đoạn diệt đau khổ một cách hoàn toàn. Do vậy các pháp ấy được trí tuệ quán sát một cách đồng đẳng. 

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là trí tuệ vô thượng

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giải thoát kiên cố? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, các pháp được Ta thuyết giảng cho các đệ tử để chơn chánh đoạn diệt đau khổ một cách hoàn toàn. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, các pháp được Ta thuyết giảng cho các đệ tử để chơn chánh đoạn diệt đau khổ một cách hoàn toàn. Do vậy các pháp ấy được khéo cảm xúc với giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là giải thoát kiên cố

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm tăng thượng?

Với tư tưởng: "Ta sẽ là viên mãn học pháp thắng hạnh chưa được đầy đủ; hay nếu học pháp thắng hạnh chưa được đầy đủ, ta sẽ bổ sung thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ". Do vậy, niệm nội tâm được khéo an trú với tư tưởng: "Ta sẽ là viên mãn học pháp sở hành Phạm hạnh chưa được đầy đủ; hay nếu học pháp sở hành Phạm hạnh được đầy đủ, ta sẽ bổ sung thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ". Do vậy, niệm nội tâm được khéo an trú. Với tư tưởng: "Ta sẽ quán sát đồng đẳng với trí tuệ pháp chưa được đồng đẳng quán sát; hay nếu pháp đã được đồng đẳng quán sát, ta sẽ bổ sung thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ". Do vậy, niệm nội tâm được khéo an trú. Với tư tưởng: "Ta sẽ cảm xúc với giải thoát, pháp chưa được cảm xúc; hay nếu pháp đã được cảm xúc, ta sẽ bổ sung thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Do vậy, niệm nội tâm được khéo an trú". Như vậy này các Tỷ-kheo, là niệm tăng thượng. 

Phạm hạnh này được sống, này các Tỷ-kheo, để được lợi ích trong học tập, được trí tuệ vô thượng, được giải thoát kiên cố, được niệm tăng thượng. Như vậy được nói đến, do duyên này được nói đến như vậy. 

(IV) (244) Cách Nằm 

- Này các Tỷ-kheo, có bốn cách nằm này. Thế nào là bốn?

Cách nằm của ngạ quỷ, cách nằm của kẻ hưởng thọ dục vọng, cách nằm của con sư tử, cách nằm của Như Lai. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là cách nằm của ngạ quỷ?

Này các Tỷ-kheo, phần lớn các ngạ quỷ nằm ngửa. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là cách nằm của ngạ quỷ

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là cách nằm của người hưởng thọ các dục vọng?

Và này các Tỷ-kheo, phần lớn người hưởng thọ các dục vọng nằm phía bên trái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là cách nằm của kẻ hưởng thọ các dục vọng

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là cách nằm của con sư tử?

Này các Tỷ-kheo, con sư tử, vua các loài thú, nằm về phía hông bên mặt, hai chân gác lên nhau và cuộn cái đuôi vào giữa hai bắp vế; khi thức dậy, nó duỗi ra phía thân trước, rồi nó ngó lui ra phía thân sau. Này các Tỷ-kheo, nếu con sư tử, vua các loài thú, thấy thân phần nào đặt sai chỗ hay lộn xộn, thời này các Tỷ-kheo, con sư tử, vua các loài thú, không được hoan hỷ. Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu con sư tử, vua các loài thú, thấy thân phần nào không đặt sai chỗ hay lộn xộn, thời này các Tỷ-kheo, con sư tử, vua các loài thú, được hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, đây là cách nằm con sư tử

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là cách nằm của Như Lai?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Này các Tỷ-kheo, đây là cách nằm của Như Lai. Này các Tỷ-kheo, có bốn cách nằm này. 

(V) (245) Xứng Đáng Được Dựng Tháp

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này xứng được để được dựng tháp. Thế nào là bốn?

Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, xứng đáng được dựng tháp; vị Độc Giác Phật xứng đáng được dựng tháp; đệ tử của Như Lai xứng đáng được dựng tháp; Chuyển Luân Vương xứng đáng được dựng tháp. 

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, xứng đáng được dựng tháp. 

(VI) (246) Trí Tuệ Tăng Trưởng

1.- Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến trí tuệ tăng trưởng. Thế nào là bốn?

Thân cận bậc Chân nhân, nghe diệu pháp, như lý tác ý, thực hành pháp tùy pháp.

Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến trí tuệ tăng trưởng

2. Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, giúp ích nhiều cho vị sanh ra làm người. Thế nào là bốn? 

Thân cận bậc Chân nhân, nghe diệu pháp, như lý tác ý, thực hành pháp tùy pháp.

Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, giúp ích nhiều cho vị sanh ra làm người.

(VII) (247) Cách Thức Nói (1)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn ngôn thuyết phi Thánh này. Thế nào là bốn? 

- Không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không cảm giác nói cảm giác, không thức tri nói thức tri. 

Này các Tỷ-kheo, có bốn ngôn thuyết phi Thánh này.

(VIII) (248) Cách Thức Nói (2)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn ngôn thuyết bậc Thánh này. Thế nào là bốn? 

- Không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không cảm giác nói không cảm giác, không thức tri nói không thức tri. 

Này các Tỷ-kheo, có bốn ngôn thuyết bậc Thánh này.

(IX) (149) Cách Thức Nói (3)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn ngôn thuyết phi Thánh này. Thế nào là bốn? 

- Thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, cảm giác nói không cảm giác, tưởng tri nói không tưởng tri. 

Này các Tỷ-kheo, có bốn ngôn thuyết phi Thánh này.

(X) (250) Cách Thúc Nói (4)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn ngôn thuyết bậc Thánh này. Thế nào là bốn? 

- Thấy nói thấy, nghe nói nghe, cảm giác nói cảm giác, thức tri nói thức tri. 

Này các Tỷ-kheo, có bốn ngôn thuyết bậc Thánh này.
 
 

XXVI. Phẩm Thắng Trí

(I) (251) Thắng Trí

- Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này. Thế nào là bốn? 

Này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải liễu tri với thắng trí; này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải đoạn tận với thắng trí; này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải tu tập với thằng trí; này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải chứng ngộ với thắng trí. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải liễu tri với thắng trí? 

Năm thủ uẩn, này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải liễu tri với thắng trí. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải đoạn tận với thắng trí? 

Vô minhhữu ái, này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải đoạn tận với thắng trí. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải tu tập với thắng trí? 

Chỉ và quán, này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải tu tập với thắng trí. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải chứng ngộ với thắng trí? 

Minh và giải thoát, này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải chứng ngộ với thắng trí. 

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này. 

(II) (252) Tầm Cầu

- Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp phi Thánh cầu này. Thế nào là bốn? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị già, tầm cầu cái bị già; tự mình bị bệnh, tầm cầu cái bị bệnh; tự mình bị chết, tầm cầu cái bị chết; tự mình bị uế nhiễm, tầm cầu cái bị uế nhiễm. 

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp phi thánh cầu này. 

2. Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp thánh cầu này. Thế nào là bốn? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị già, sau khi biết sự nguy hại của bị già, tầm cầu cái không bị già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết sự nguy hại của bị bệnh, tầm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết sự nguy hại của bị chết, tầm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình uế nhiễm, sau khi biết sự nguy hại của uế nhiễm, tầm cầu cái không bị uế nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. 

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp Thánh cầu này. 

(III) (253) Nhiếp Pháp 

- Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp này. Thế nào là bốn?

- Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự

Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp pháp này. 

(IV) (254) Con của Màlunkyàputta

1. Rồi Tôn giả Màlunkyàputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Màlunkyàputta bạch Thế Tôn:

- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vằn tắt cho con; sau khi nghe thuyết pháp con sẽ sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần

- Nay ở đây, này Màlunkyàputta, Ta nói gì cho các Tỷ-kheo trẻ, trong khi Thầy đã già yếu, tuổi thọ cao, là bậc trưởng thượng, lại cầu Như Lai giáo giới một cách vắn tắt?

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con, chắc chắn con sẽ hiểu được ý nghĩa lời nói của Thế Tôn, chắc chắn con sẽ trở thành người thừa tự lời của Thế Tôn

2. Này Màlunkyàputta, có bốn ái sanh này, ở đây, ái được sanh cho Tỷ-kheo. Thế nào là bốn? 

Hoặc do nhân y, này Màlunkyàputta, có ái sanh, do ở đây, ái được sanh cho Tỷ-kheo. Hoặc do nhân đồ ăn khất thực ... hoặc do nhân sàng tọa ... hoặc do nhân sanh hữu này hay sanh hữu khác. Này Màlunkyàputta, có ái sanh, do đây ái được sanh cho vị Tỷ-kheo. 

Này Màlunkyàputta, có bốn ái sanh này, ở đây, ái sanh được sanh cho Tỷ-kheo.

Khi nào, này Màlunkyàputta, ái được đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Vị ấy, này Màlunkyàputta, được gọi là vị Tỷ-kheo đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, chơn chánh minh kiến kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau. 

3. Rồi Tôn giả Màlunkyàputta, sau khi nghe Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về phía Ngài rồi ra đi. 

Rồi Tôn giả Màlunkyàputta, sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, không bao lâu, do mục đích gì các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Rồi Tôn giả Màlunkyàputta trở thành một vị A-la-hán nữa. 

(V) (255) Lợi Ích Cho Gia Đình 

1.- Phàm những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, đạt đến sự lớn mạnh trong các tài sản, không được tồn tại lâu dài; tất cả đều do bốn sự kiện ấy hay là một trong những sự kiện này. Thế nào là bốn? 

Không tìm những gì đã mất; không sửa lại cái gì đã già yếu; ăn và uống quá độ; đặt ác giới nữ nhân, nam nhân trong địa vị tối thắng. Phàm những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, đạt đến sự lớn mạnh trong các tài sản, không được tồn tại lâu dài; tất cả đều do bốn sự kiện ấy hay là một trong những sự kiện này.

Phàm những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, đạt đến sự lớn mạnh trong các tài sản, được tồn tại lâu dài; tất cả đều do bốn sự kiện ấy hay là một trong những sự kiện này. Thế nào là bốn? 

2. Tìm những gì đã mất; sửa lại cái gì đã già yếu; ăn và uống không quá độ; đặt ác giới nữ nhân, nam nhân có giới trong địa vị tối thắng. Phàm những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, đạt đến sự lớn mạnh trong các tài sản, được tồn tại lâu dài; tất cả đều do bốn sự kiện ấy hay là một trong những sự kiện này.

(VI) (256) Con Ngựa Thuần Chủng (1)

1.- Đầy đủ với bốn đức tánh, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua, hiền thiện, thuần chủng, xứng đáng để vua dùng, thuộc quyền sở hữu của vua, được xem như một biểu tượng của vua. Thế nào là bốn? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua hiền thiện thuần chủng, đầy đủ với sắc đẹp, đầy đủ với sức mạnh, đầy đủ với tốc lực, đầy đủ với cân đối. Đầy đủ với bốn đức tánh này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua, hiền thiện, thuần chủng, xứng đáng để vua dùng, thuộc quyền sở hữu của vua, và được xem như một biểu tượng của vua. 

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đầy đủ với bốn pháp, môt Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bốn? 

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ sắc đẹp, đầy đủ với sức mạnh, đầy đủ với tốc lực, đầy đủ với cân đối. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ sắc đẹp?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống có giới luật, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ sắc đẹp. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ sức mạnh?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống thanh tịnh, tinh cần, tinh tấn, đoạn tận các pháp bất thiện, thành tựu đầy đủ các pháp thiện, nỗ lực, kiên trì, dõng mãnh, không từ bỏ trách nhiệm đối với các pháp thiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ sức mạnh. 

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như thật rõ biết: "Đây là khổ"; như thật rõ biết: "Đây là khổ tập"; như thật rõ biết: "Đây là khổ diệt"; như thật rõ biết: "Đây là con đường đưa đến khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ sự cân đối?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được thâu nhận các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. 

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ sự cân đối. Này các Tỷ-kheo, thành tựu với bốn pháp này, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(VII) (257) Con Ngựa Thuần Chủng (2)

(Giống như kinh trước, chỉ khác định nghĩa về tốc độ của Tỷ-kheo, có thể giải thích khác như sau)
... Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tốc độ vị Tỷ-kheo?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực. 

(các đức tánh khác như kinh trước) 
(VIII) (258) Lực

- Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này. Thế nào là bốn?

Tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này. 

(IX) (259) Sống Trong Rừng

1.- Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không đủ điều kiện để sống trong rừng, các ngôi rừng rậm rạp, các trú xứ xa vắng. Thế nào là với bốn?

Với dục tầm, với sân tầm, với hại tầm, liệt tuệ, đần độn, câm ngọng. 

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không đủ điều kiện để sống trong rừng, các ngôi rừng rậm rạp, các trú xứ xa vắng. 

2.- Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đủ điều kiện để sống trong rừng, các ngôi rừng rậm rạp, các trú xứ xa vắng. Thế nào là với bốn?

Với xuất ly tầm, với vô sân tầm, với bất hại tầm, không đần độn, không câm ngọng.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đủ điều kiện để sống trong rừng, các ngôi rừng rậm rạp, các trú xứ xa vắng.

(X) (260) Hành Động 

1. - Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si, không thông minh, không là bậc Chân nhân, tự mình xử sự như kẻ bị mất gốc, không sinh lực, có tội, bị người trí quở trách, tạo nhiều vô phước. Thế nào là bốn? 

Với thân nghiệp có tội, với khẩu nghiệp có tội, với ý nghiệp có tội, với tri kiến có tội. 

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si, không thông minh, không là bậc Chân nhân, tự mình xử sự như kẻ bị mất gốc, không sinh lực, có tội, bị người trí quở trách, tạo nhiều vô phước.

2. Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, bậc Hiền trí, thông minh, là bậc Chân nhân, tự mình xử sự không như người mất gốc, có sinh lực, không có tội, không bị người trí quở trách, và tạo nhiều phước đức. Thế nào là bốn? 

Với thân nghiệp không có tội, với ngữ nghiệp không có tội, với ý nghiệp không có tội, với tri kiến không có tội. 

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, bậc Hiền trí, thông minh, là bậc Chân nhân, tự mình xử sự không như người mất gốc, có sinh lực, không có tội, không bị người trí quở trách, tạo nhiều phước đức.
 
 

XXVII. Phẩm Nghiệp Đạo

(I) (261) Chấp Nhận (1)

1.- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là với bốn pháp? 

Tự mình sát sanh, khích lệ người khác sát sanh, chấp nhận sát sanhtán thán sát sanh

Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2.- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là với bốn pháp? 

Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh, chấp nhận từ bỏ sát sanhtán thán từ bỏ sát sanh

Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

(II) (262) Chấp Nhận (2)

(Như trên, pháp ở đây là "lấy của không cho và từ bỏ lấy của không cho"). 
(III) (263) Chấp Nhận (3)
(Như trên, pháp ở đây là "tà hạnh trong các dục và từ bỏ tà hạnh trong các dục").
(IV) (264) Chấp Nhận (4)
(Như trên, pháp ở đây là "nói láo và từ bỏ nói láo"). 
(V) (265) Chấp Nhận (5)
(Như trên, pháp ở đây là "tự mình nói hai lưỡi và từ bỏ nói hai lưỡi"). 
(VI) (266) Chấp Nhận (6)
(Như trên, pháp ở đây là "tự mình nói lời thô ác và từ bỏ nói lời thô ác"). 
(VII) (267) Chấp Nhận (7)
(Như trên, pháp ở đây là "tự mình nói lời phù phiếmtừ bỏ nói lời phù phiếm"). 
(VIII) (268) Chấp Nhận (8)
(Như trên, pháp ở đây là "tự mình tham dục và tự mình không tham dục"). 
(IX) (269) Chấp Nhận (9)
(Như trên, pháp ở đây là "tự mình có tâm sân hận và tự mình không có tâm sân hận"). 
(X) (270) Chấp Nhận (10)

1.- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là với bốn pháp? 

Tự mình có tà kiến, khích lệ người khác có tà kiến, chấp nhận tà kiếntán thán tà kiến

Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2.- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là với bốn pháp? 

Tự mình có chánh kiến, khích lệ người khác có chánh tri kiến, chấp nhận chánh tri kiếntán thán chánh tri kiến

Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.
 
 

XXVIII. Phẩm Tham

(I) (271) Tham

1. - Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, bốn pháp cần phải tu tập. Thế nào là bốn? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tùy quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; tùy quán thọ trên các cảm thọ ... tùy quán tâm trên tâm ... tùy quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. 

Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, bốn pháp cần phải tu tập.

2. - Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, bốn pháp cần phải tu tập. Thế nào là bốn? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn cố gắng; tinh tấn, sách tâm, trì tâm không cho sanh khởi; đối với các pháp ác bất thiện đã sanh, khởi lên ý muốn cố gắng; tinh tấn, sách tâm, trì tâm khiến chúng đoạn tận; đối với các pháp thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn cố gắng; tinh tấn, sách tâm, trì tâm khiến cho sanh khởi; đối với các pháp thiện đã sanh, khởi lên ý muốn cố gắng; tinh tấn, sách tâm, trì tâm khiến chúng được duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, bốn pháp này cần phải tu tập

3. Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, bốn pháp cần phải tu tập. Thế nào là bốn? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc, thành tựu với dục Thiền định tinh cần hành; tu tập như ý túc, thành tựu với tinh tấn Thiền định tinh cần hành; tu tập như ý túc, thành tựu với tâm Thiền định tinh cần hành; tu tập như ý túc, thành tựu với tư duy Thiền định tinh cần hành. 

Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, bốn pháp cần phải tu tập.

4. Để liễu tri, này các Tỷ-kheo, để đoạn diệt, đoạn tận, trừ diệt, tiêu diệt, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, xả bỏ tham, bốn pháp này cần phải tu tập.

Để liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận, trừ diệt, tiêu diệt, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, xả bỏ sân... si... phẫn nộ... hiềm hận... gièm pha... nhiệt não... tật đố... xan tham... man trá... xảo trá... ngoan cố... bồng bột... mạn... quá mạn... say mê... phóng dật, bốn pháp này cần phải tu tập.

-ooOoo-

Tạo bài viết
10/08/2011(Xem: 45638)
18/04/2016(Xem: 28172)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: