BÀI KINH VỀ PHÉP CHÚ TÂM DỰA VÀO HƠI THỞ
Anapanasati Sutta (MN 118, PTS M iii 78)
và những biến đổi trong Giáo Huấn
của Đức Phật qua dòng Lịch Sử
Hoang Phong chuyển ngữ
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ
Trong cuộc sống thường nhật chúng ta luôn bị bủa vây bởi những sự biến động của thế giới hiện tượng, nói một cách khác là bị thu hút và chi phối bởi bản chất vô thường của chính sự sống. Trong thế giới đó - gồm chung tâm thức và cả thân xác của chính mình - các hiện tượng liên tục hiện lên và biến mất. Những gì liên quan đến thân xác và ngoại cảnh thì nào là ốm đau, khỏe mạnh, người thân, kẻ thù, bạn hữu, lợi lộc, được thua, danh vọng, mất mát, công ăn việc làm, sinh hoạt xã hội, giải trí, tiệc tùng, đình đám, súng đạn, cướp bóc, khủng bố, tai ương, thảm họa, sát nhân, tín ngưỡng, chính trị, lễ lạc, cầu xin, ma chay, cưới hỏi, sinh đẻ, v.v... Bên trong tâm thức thì nào là lo buồn, sợ hãi, hy vọng, tiếc nuối, si mê, thương yêu, thất vọng, hạnh phúc, ghen tuông, khổ đau, hận thù, giận dữ, mưu mô, tính toán, v.v... Tất cả những thứ ấy thay phiên nhau diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, không buông tha chúng ta một giây phút nào cả.
Các thứ xúc cảm bấn loạn hiện ra trong tâm thức và những biến động không ngừng trong bối cảnh chung quanh là nguyên nhân sâu xa nhất mang lại mọi thứ lo buồn và khổ đau. Thế nhưng chúng ta thì lại cứ nghĩ rằng mình có thể thích ứng được với mọi cảnh huống, cải thiện được số phận mình, biến cải được cục diện bên ngoài, chủ động được các xúc cảm và tư duy trong nội tâm, hoạch định đúng đắn được mọi ý đồ, tìm được hạnh phúc và những thú giải khuây, những phút vui nhộn. Nghĩ cho cùng thì tất cả những cố gắng đó cũng chỉ là cách mà mình vật lộn với khổ đau mà thôi - ít nhất là theo quan điểm của Phật giáo. Chúng ta nào có khác gì con mồi của mọi thứ bất toại nguyện, phải sống trong một hoàn cảnh lúc nào cũng căng thẳng và lệ thuộc; những thoáng hạnh phúc hay vui sướng nếu có, thì cũng chỉ là hời hợt, giả tạo và tạm bợ mà thôi. Vậy phải làm thế nào để tìm một lối thoát tốt đẹp nhất cho mình trong bối cảnh biến động không ngừng đó của thế giới hiện tượng?
Vào một đêm trăng rằm cách nay hơn 2500 năm, một vị hoàng tử đã từ bỏ gia đình, danh vọngcùng những thứ hạnh phúc phù du, và Ngài đã tìm được một giải pháp giúp mình thoát ra khỏi cái thế giới trói buộc đó, mang lại cho mình một sự Tự Do đích thật và tuyệt đối. Thế nhưng Ngài quyết tâm không thụ hưởng sự Tự Do đó một mình mà đã hy sinh phần còn lại của kiếp nhân sinh cuối cùng của mình để hệ thống hóa sự khám phá đó, biến nó trở thành một Con Đường quang đãng, giúp mọi ngườibước theo vết chân mình hầu cùng nhau chia sẻ bầu không gian Tự Do đó.
Qua không biết bao nhiêu thế hệ, Con Đường ấy đã từng giúp không biết bao nhiêu người thoát khỏi những khổ đau của mình, và ngày nay chúng ta vẫn còn tiếp tục được thừa hưởng. Con Đường ấy thật nhẹ nhàng, sâu xa và hiệu nghiệm, nhất là bất cứ ai cũng có thể bước theo. Trên con đường đó, chúng ta không cần đến vũ khí để tự vệ, bởi vì kẻ thù nếu có thì không ai khác hơn là chính mình. Chúng ta cũng không cần đến một thứ chủ nghĩa hay thể chế chính trị nào khích động hay cổ vũ mình; cũng không cần phải ngoan ngoãn hay van xin một đấng thiêng liêng nào. Hành trang duy nhất mà mình mang theo trên Con Đường đó chỉ vỏn vẹn là sự ý thức sâu xa về những khổ đau của mình và kẻ khác, và nếu muốn bước đi nhanh hơn nữa thì cũng nên gói ghém mang theo với mình một tấm lòng từ bi vô biên, một ý chí sắt đá và một tinh thần phi-bạo-lực thật sâu xa và không hề lay chuyển.
Trên dòng lịch sử nhân loại, ngoài Đức Phật cũng từng có rất nhiều các vị thầy đã vạch ra những con đường khác. Thế nhưng dường như tất cả các con đường của các vị ấy đưa ra đều liên hệ và tương quan với thế giới hiện tượng, dù cho các con đường ấy có nhắm vào một cõi thật cao tận trên trờicũng vậy. Cái thế giới ấy chỉ là một cách nói lên sự yếu đuối, mong cầu và thèm khát, phản ảnh những sự thúc dục bản năng của con người. Dù các thế giới ấy, các con đường ấy thuộc bối cảnh bên ngoài hay bên trong tâm thức thì tất cả cũng chỉ là hiện tượng. Những đoàn người ra đi đã gặp nhau trên những nẻo đường đó, để rồi bất đồng chính kiến với nhau, sinh ra hận thù, mang lại không biết bao nhiêu đau thương và đổ vỡ. Thật vậy dấn thân vào những con đường trong thế giới hiện tượng - dù là bước theo hướng nào cũng vậy - đều sẽ đưa chúng ta vào những cuộc phiêu lưu đau thương bất tận không bao giờ chấm dứt.
Trái lại Con Đường mà Đức Phật vạch ra cho chúng ta trông thấy là một Con Đường ngược chiều với sự xoay vần và đảo điên của thế giới hiện tượng, đưa chúng ta trở về với chính mình. Con Đường đó nằm trong tâm thức mỗi con người và thuộc vào tầm tay của tất cả mọi người. Trong rất nhiều bài kinh, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy Con Đường đó và giải thích cho chúng ta hiểu là phải làm thế nào để đi trọn Con Đường đó. Trước khi tịch diệt, hơn một lần, Ngài cũng đã nhắc lại với chúng ta về Con Đường đó:
- "Hãy nương tựa vào chính mình, tự xem mình là ngọn đuốc soi đường cho mình, là nơi an trú cho mình"
- "Hãy tự xem mình là một hòn đảo, một nơi an trú cho mình, không bất cứ ai có thể làm nơi an trú cho mình được"
(Kinh Đại-bát Niết-bàn bằng tiếng Pa-li, Trung Bộ Kinh, DN 16, xin nhắc thêm là bản kinh này cũng có một phiên bản khác bằng tiếng Phạn trước tác về sau này vào thế kỷ thứ I)
Thật hết sức rõ ràng là Con Đường mà Đức Phật vạch ra cho chúng ta bước theo không ở một nơi nào cả trong vũ trụ, mà ở trong tâm thức của mỗi người chúng ta. Nếu đi tìm Con Đường ấy ở bên ngoài thì nó sẽ rất xa và cũng chỉ là một thứ ảo giác, phát sinh từ trí tưởng tượng và được nuôi dưỡngbởi các thứ bản năng sâu kín của mình mà thôi. Nếu Con Đường nằm trong tâm thức mình thì nó sẽ rất gần, bởi vì điểm khởi hành và mức đến cũng chỉ là một điểm duy nhất mà thôi.
Thế nhưng tâm thức thì cũng là cả một thế giới, tràn ngập bởi vô số các thứ tư duy, xúc cảm và tác ý: lo buồn, sợ hãi, yêu thương, hạnh phúc, ghen tuông, hy vọng, tính toán, v.v., như đã được nói đến trên đây. Các thứ xúc cảm đó che khuất tâm trí không cho chúng ta trông thấy Con Đường, vì thế nếu cứ đuổi bắt những thứ ấy, tức là những gì hiện lên và biến mất bên trong nội tâm mình, thì cũng chẳng khác gì chạy theo các sự biến động trong thế giới bên ngoài. Vậy phải làm thế nào để trông thấy được Con Đường bị che khuất phía sau những thứ xúc cảm luôn dấy lên trong tâm thức mình và bên ngoài là các hiện tượng trong thế giới luôn mê hoặc và tấn công mình từ mọi hướng?
"Bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở" (Trung Bộ Kinh, MN 118) được chuyển ngữ dưới đây là một trong số rất nhiều bài kinh mà Đức Phật đã trực tiếp nêu lên và thuyết giảng về Con Đường đó. Ngoài ra cũng có một bài kinh khác khá tương tự với bài kinh này là "Bài kinh về phép chú tâm tỉnh giác" còn gọi là "Kinh Niệm Xứ" hay "Kinh Tứ Niệm Xứ" (Trung Bộ Kinh, MN 10). Thật ra cả hai bài kinh này đều bổ sung cho nhau và cùng nói đến Con Đường trên đây với mục đích giúp mỗi người trong chúng ta trở về với chính mình, với tâm thức mình, để an trú nơi hòn đảo của chính mình.
Qua 2 500 năm đã có không biết bao nhiêu người thành công trong mục đích đó, tức là tự mình làm đuốc soi đường cho mình. Soi đường ở đây không có nghĩa là để bước đi đâu cả mà đơn giản chỉ là một cách giúp mình trông thấy (bodhi/giác ngộ) và ý thức được là phải dừng lại (nirodha/đình chỉ) đúng lúc và kịp thời, không lao mình vào thế giới hiện tượng nữa. Thế nhưng sau này người ta lại thường gọi lối thoát đơn giản đó bằng một thuật ngữ khá cầu kỳ và mới lạ là "thiền định" (jhana, dhyana, samadhi, Chan-na, Zen, Thiền, Thiền-na, meditation, v.v…) và đưa ra rất nhiều cách giải thích cũng như các phương pháp luyện tập thật đa dạng và khác biệt nhau. Vậy con đường luyện tập cụ thể và thiết thực đó mà ngày nay các tông phái và học phái Phật giáo gọi là "thiền định" thật sự là gì?
Thắc mắc này có vẻ rất quen thuộc nhưng cũng thật bất ngờ, bởi vì có một số người tự nhận mình là Phật tử nhưng lại không hề biết đến phép luyện tập này, và cũng không hề bận tâm tìm hiểu xem đấy là gì. Trong khi đó một số khác trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo kể cả ngày nay, thì lại cho rằng mình biết "rất nhiều", đứng ra giảng dạy, đề nghị nhiều phương pháp và đường hướng tu tập thật đa dạng, nhưng cũng hết sức phức tạp, đưa đến sự hình thành của nhiều học phái và chi phái khác nhau, gọi chung là "Thiền Tông".
Thật vậy, trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo nói chung có nhiều tông phái và học phái không xem thiền định là một kỹ thuật luyện tập chủ yếu và có xu hướng biến Giáo Huấn của Đức Phậttrở thành một tôn giáo với các nghi lễ đầy màu sắc. Trái lại một số các tông phái và học phái khác thì lại đề cao một cách quá đáng phương pháp luyện tập thiền định, khiến đôi khi có thể che lấp cả cứu cánh của nó chính là sự Giác Ngộ và Giải Thoát.
Có hai nguyên nhân chính yếu đưa đến tình trạng đa dạng và phức tạp trên đây. Nguyên nhân thứ nhất liên quan đến lãnh vực nội tâm: thiền định là một một phương pháp nội quán (introspection), dựa vào các kinh nghiệm cảm nhận trong tâm thức của mỗi cá thể, do đó thật hết sức khó để kiểm chứng và so sánh các kinh nghiệm và các sự cảm nhận mà mỗi cá nhân trải nghiệm qua. Vì thế thật khó hình dung ra một phương pháp duy nhất thích nghi và hiệu quả cho tất cả mọi người, và đó chính là lý do đã làm phát sinh ra không biết bao nhiêu thể loại thiền định.
Nguyên nhân thứ hai là sự chuyển động của môi trường bên ngoài: mọi hiện tượng trong thế giới đều biến đổi không ngừng qua không gian và thời gian. Giáo Huấn của Đức Phật là một hiện tượng, mà đã là hiện tượng thì không sao tránh khỏi được vô thường, nên cũng đã không ngừng tiến hóa hầu thích nghi với các nền tư tưởng và văn minh khác nhau cùng các trình độ tiến bộ xã hội khác nhau. Lấy một thí dụ điển hình là cách nay hơn mười thế kỷ, một đường hướng tu tập của Thiền Tông Trung Quốc gọi là "Nam Phái" chủ trương "trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật", trong khi đó thì một số các khoa học gia, bác sĩ và các nhà giáo dục Tây Phương ngày nay lại biến thiền định thành một phương pháp chữa trị bệnh tật, hoặc giúp trẻ em chú tâm hơn vào việc học hành.
Trước tình trạng đa dạng đó nếu muốn tìm hiểu những gì do Đức Phật giảng dạy thì không có cách nào khác hơn là phải trở về với các bài kinh nguyên thủy bằng tiếng Pa-li trong Kinh Tạng, và đấy cũng là chủ đích của bản dịch bài kinh Anapanasati Sutta/Bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở dưới đây. Nội dung của bài kinh trực tiếp nêu lên một trong các kỹ thuật luyện tập cụ thể và thiết thực nhất về thiền định, đó là sự chú tâm thật mạnh dựa vào hơi thở.
Bài kinh này được dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương với rất nhiều phiên bản khác nhau, trong khi đó các bản Việt dịch dường như khá hiếm hoi. Ngoài bản dịch "chính thức" của Hòa Thượng Thích Minh Châu trong Đại Tạng Kinh (tập III, tr. 249-264) với tựa là "Kinh Nhập tức, Xuất tức niệm", thì chỉ thấy một bản dịch khác đã được rút ngắn của thiền sư Thích Nhất Hạnh là "Kinh Quán Niệm Hơi Thở". Ngoài ra cũng thấy có một vài bản dịch khác nhưng thật ra cũng chỉ là bản dịch của Hòa ThượngThích Minh Châu với một vài hiệu đính nhỏ. Dầu sao tất cả các bản dịch này đều cho thấy ảnh hưởng nặng nề của Hán ngữ và dường như việc dịch thuật cũng đã được trực tiếp dựa vào các bản tiếng Hán (!). Mong rằng bản dịch dưới đây có thể đóng góp một chút gì mới mẻ hơn trong việc tìm hiểu một bài kinh thật căn bản và chủ yếu về phép luyện tập sự chú tâm dựa vào hơi thở.
Ngoài ra Bài kinh này còn nêu lên một số chi tiết đáng lưu ý về sự sinh hoạt của Đức Phật và Tăng Đoàn vào thời bấy giờ, các chi tiết này sẽ được trực tiếp giải thích và ghi chú trong bản dịch. Một số nhận xét quan trọng hơn sẽ được nêu lên trong phần ghi chú bên dưới bản dịch, nhằm nêu lên các sự chuyển hướng và một số các biến đổi quan trọng trong Giáo Huấn của Đức Phật xuyên qua không gian và thời gian, đưa đến sự hình thành của các tông phái và học phái khác nhau. Trên dòng phát triển đó, Giáo Huấn của Đức Phật đã từng thử thách cũng như hòa mình với không biết bao nhiêu nền văn hóa, tư tưởng và truyền thống xã hội rất khác biệt nhau. Dòng phát triển đó phản ảnh cả một cuộc "phiêu lưu" vô cùng ngoạn mục và kỳ thú.
Một vài nhận xét và ghi chú dưới đây là nhằm phác họa lại cuộc du hành đó hầu mang lại một tầm nhìn bao quát hơn về một Con Đường tâm linh đã từng vượt qua không biết bao nhiêu khúc quanh, thăng trầm và thử thách của lịch sử nhân loại suốt hơn 25 thế kỷ, và ngày nay đang đặt chân vào thế giới Tây Phương đầy hứa hẹn. Hơn nữa trong suốt cuộc phiêu lưu đó, Phật giáo hậu Giáo Huấn của Đức Phật cũng đã từng khám phá ra nhiều điều mới lạ mang lại một vài đổi mới, giúp cho Phật giáo thích ứng với mọi hoàn cảnh xã hội và các cấp bậc tiến hóa trong các lãnh vực tư tưởng, văn minh và xã hội con người.
Trước khi lật lại những trang sử, những kỷ niệm cũng như những khám phá kỳ thú trong cuộc phiêu lưu kéo dài hơn 2 500 năm trên đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu dưới đây một phương pháp biến cải tâm linh vô cùng thiết thực đã có từ ngàn năm mà ngay nay hàng triệu người trên khắp hành tinh này vẫn còn tiếp tục mang ra luyện tập.