Phụ Lục 1
Bốn cấp bậc luyện tập về sự chú tâm dựa vào hơi thở
Cốt lõi của bài kinh trên đây là 16 giai đoạn luyện tập về sự chú tâm tỉnh giác mang lại cho mình sự giải thoát cuối cùng, do đó cũng xin mạn phép nhắc lại về 16 giai đoạn luyện tập này như dưới đây:
Cấp Bậc thứ I: tương đương với lãnh vực chú tâm thứ nhất hướng vào "thân xác" nêu lên trong Bài kinh về sự chú tâm tỉnh giác (Satipatthana Sutta/Tứ niệm xứ), đó là cách chú tâm vào hơi thở hầu làm lắng xuống các sự tạo tác trên thân thể:
1- khi hít vào dài và thở ra dài thì ý thức được là mình hít vào dài và thở ra dài.
2- khi hít vào ngắn và thở ra ngắn thì ý thức được là mình hít vào ngắn và thở ra ngắn.
3- tập nhận biết và theo dõi hơi thở qua các tác động của nó trên toàn thân thể: đầu mũi, ngực, phổi, bụng, v.v.
4- tập cảm nhận sự luân lưu của từng hơi thở vào và ra hầu làm lắng xuống các sự tạo tác trên thân thể(các sự cảm nhận liên quan đến thân xác).
Cấp Bậc thứ II: tương đương với lãnh vực chú tâm thứ hai hướng vào các "cảm giác" nêu lên trong Bài Kinh về sự chú tâm Tỉnh Giác (Satipatthana Sutta/Tứ niệm xứ), đó là cách chú tâm vào hơi thở hầu làm lắng xuống các sự tạo tác tâm thần dưới hình thức các cảm giác (thích thú, đau đớn, khó chịu, v.v.):
5- tập cảm nhận được sự hân hoan qua từng hơi thở vào và ra.
6- tập cảm nhận được sự thích thú qua từng hơi thở vào và ra.
7- tập cảm nhận được các sự tạo tác tâm thần (các cảm giác hiện lên trong tâm thức) qua từng hơi thởvào và ra.
8- tập cảm nhận sự luân lưu của từng hơi thở vào và ra nhằm làm lắng xuống các sự tạo tác tâm thần dưới hình thức các cảm giác.
Cấp Bậc thứ III: tương đương với lãnh vực chú tâm thứ ba hướng vào "tâm thức" nêu lên trong Bài kinh về sự Chú Tâm Tỉnh Giác (Satipatthana Sutta/Tứ niệm xứ), đó là cách chú tâm vào hơi thở hầu mang lại sự vững vàng và thăng bằng cho tâm thức (có nghĩa là làm cho sự vận hành của tâm thức lắng xuống hay giảm bớt, tâm thức không còn bị khuấy động, xao lãng hay bấn loạn):
9- cảm nhận được sự hiện hữu của tâm thức qua sự vận hành của nó, tức là sự hiển hiện của tư duy, xúc cảm và tác ý.
10- mượn sự luân lưu của hơi thở để mang lại sự hài hòa cho tâm thức.
11- mượn sự luân lưu của hơi thở để mang lại sự vững vàng (thăng bằng) cho tâm thức.
12- mượn sự luân lưu của hơi thở để buông xả tâm thức (giúp tâm thức không bám víu hầu mang lại cho nó một sự bình lặng và thăng bằng ).
Cấp Bậc thứ IV: tương đương với lãnh vực chú tâm thứ tư hướng vào các "hiện tượng tâm thần" nêu lên trong Bài Kinh về sự Chú Tâm Tỉnh Giác (Satipatthana Sutta/Tứ niệm xứ), đó là cách chú tâm vào hơi thở hầu giúp mình cảm nhận và quán thấy được vô thường của mọi hiện tượng nhằm mang lại cho mình sự thức tỉnh và buông bỏ:
13- qua từng hơi thở tập quán thấy bản chất vô thường (của thân xác, cảm giác, sự vận hành của tâm thức, các hiện tượng tâm thần).
14- qua từng hơi thở tập cảm nhận thật sâu xa về vô thường nhằm mang lại cho mình sự "tỉnh ngộ" (không còn chìm đắm trong đam mê và dục vọng).
15- qua từng hơi thở tập dồn tất cả sự chú tâm hướng vào sự đình chỉ (dừng lại, không đuổi bắt và bám víu vào các hiện tượng nữa).
16- qua từng hơi thở tập dồn mọi nỗ lực vào sự buông bỏ hay xả bỏ. Sự buông bỏ hay xả bỏ đó sẽ giúp mình kịp thởi dừng lại trước vô thường và khổ đau. Sự buông bỏ và dừng lại đó chính là Niết-bàn.
Xin lưu ý bốn cấp bậc luyện tập trên đây mang tính cách tuần tự, mỗi cấp bậc đòi hỏi một thời gian luyện tập dài hay ngắn tùy theo khả năng của mỗi người. Khi nào đã thực hiện được cả bốn cấp bậc thì khi đó mỗi khi hành thiền thì mới có thể lướt qua tất cả bốn cấp bậc cùng một lúc. Ngoài ra cũng xin nhắc lại một điều thật quan trọng khác là hơi thở không phải là đối tượng của sự chú tâm mà chỉ là một phương tiện chuyển tải sự chú tâm. Đối tượng trực tiếp của sự chú tâm là thân xác, cảm giác, tâm thức và những gì hiện lên bên trong tâm thức.
Bảng tóm lược 16 giai đoạn luyện tập về sự chú tâm tỉnh giác
|