- Chương I. CHÁNH KIẾN – Giới thiệu
- Chương II. RÈN LUYỆN CÁ NHÂN – Giới thiệu 63
- Chương III. ĐỐI TRỊ SÂN HẬN - Giới thiệu
- Chương IV. CHÁNH NGỮ
- Chương V. TÌNH BẠN TỐT ĐẸP – Giới thiệu
- Chương VI. LỢI LẠC CHO MÌNH và LỢI LẠC CHO NGƯỜI KHÁC - Giới thiệu
- Chương VII. CỘNG ĐỒNG THÀNH LẬP CÓ CHỦ ĐÍCH - Giới thiệu
- Chương VIII. TRANH CHẤP
- Chương IX. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
- Chương X. THIẾT LẬP MỘT XÃ HỘI CÔNG BẰNG
- LỜI KẾT
LỢI LẠC CHO NGƯỜI KHÁC
GIỚI THIỆU
Trong Chương VI, chúng ta bước qua giới hạn của tình bạn song phương để xem kinh điển của Phật Giáo Nguyên Thủy dạy như thế nào về những mối quan hệ giữa cá nhân và những người trong phạm vi có ảnh hưởng với họ. Vì Đức Phật trước tiên giảng dạy cho tăng chúng, các bài kinh cũng ưu tiên nói về những quan tâm của tăng chúng, nhưng ngay cả những bài kinh ấy cũng bao hàm ý nghĩa rộng lớn hơn. Trong bài tuyển chọn đầu tiên, Kinh Văn VI, 1, trình bày sự trái ngược giữa người ngu và người trí, khẳng định rằng người ngu – được phân biệt qua các hành động bất thiện về thân, khẩu và ý – là nguyên nhân của mọi tai họa và bất hạnh, trong lúc người trí – được phân biệt qua các hành động thiện lành về thân, khẩu và ý – không đem lại tai họa hay bất hạnh nào. Kinh Văn VI, 2, tiếp tục theo cùng một đường lối, nhưng lại phân biệt sự khác nhau giữa người ác và người thiện trên cơ sở của một số tiêu chuẩn rộng lớn hơn, đề cập rõ ràng những tác động của họ đối với người khác. Các tiêu chuẩn gồm có phẩm hạnh bẩm sinh ( có thể xem như cá tính), thầy giáo và bạn bè của họ, những quyết định của họ, phương cách họ khuyên bảo người khác, lời nói, hành động, quan điểm, và cung cách bố thí của họ.
Rất nhiều bài kinh trước đây đã nói về tham, sân và si như là gốc rễ của các hành động bất thiện, và vô tham, vô sân và vô si là gốc rễ của các hành động thiện lành. Kinh Văn VI, 3, trong một cuộc đối thoại với một người Bà-la-môn, Đức Phật đã nói về mối tương quan này một cách đặc thù hơn. Ngài giải thích rằng một người làm những hành động hại mình, hại người, và hại cả hai do bị tham sân si chi phối, và một lần nữa Ngài dạy rằng đó chính là động cơ nằm bên dưới các hành động bất thiện về thân, khẩu và ý. Hơn nữa, một người mà tâm bị chi phối bởi các tâm hành bất thiện ấy thậm chí không thể phân biệt được những gì là bất thiện và những gì là thiện, nên cũng không thể hành động đúng đắn. Tuy nhiên, khi tham sân si được diệt trừ, thì con người mới có thể thực hiện được những phân biệt đạo đức cần thiết và hành động vì lợi lạc cho chính mình và cho người khác.
Kinh Văn VI, 4,(1) phân biệt bốn hạng người dựa trên cơ sở những việc làm của họ (1) lợi mình nhưng không lợi người, (2) lợi người nhưng không lợi mình, (3) không lợi mình cũng không lợi người, (4)vừa lợi mình vừa lợi người. Đức Phật đã khen ngợi hạng người hành động vì lợi lạc cả hai như là “ hạng người dẫn đầu, tốt nhất, nổi bật nhất, tối cao và đức hạnh nhất trong bốn hạng người nêu trên.” Có vẻ lạ lùng khi Ngài xếp hạng người hành động lợi mình nhưng không lợi người đứng trên hạng người hành động lợi người nhưng không lợi mình, điều này có vẻ như trực tiếp trái ngược với cách diễn dịch của lý tưởng Bồ-tát.
Lý do của sự xếp hạng này xuất hiện trong Kinh Văn VI, 4 (2), và VI, 4 (3), trong đó mô tả chi tiết bốn hạng người này trong mối tương quan của họ với việc loại trừ tham dục, sân hận, si mê và việc giữ gìn năm giới. Kinh trình bày cho chúng ta thấy rằng hạng người không quan tâm đến lợi lạc của chính bản thân mình là hạng người không có nỗ lực diệt trừ tham sân si, và cũng không giữ gìn năm giới. Vì hạng người này sẽ tiếp tục hành động trong vòng ràng buộc của phiền não cấu uế và dấn thân vào các hành động bất thiện, cho dù họ có bộc lộ những ý định tốt đẹp, cuối cùng hành động của họ cũng sẽ đem lại tai hại cho người khác.
Hai phần tiếp theo trong Chương này, Kinh Văn VI, 5 và VI, 6 giải thích liên quan đến trường hợp Tỷ-kheo và cư sĩ , bằng cách nào vị Tỷ-kheo làm lợi lạc cho chính mình và lợi lạc cho người khác. Cả hai phần đều liên kết ý tưởng “làm lợi lạc cho người khác” với việc chỉ dạy và hướng dẫn người khác theo Chánh Pháp. Cuối cùng, trong Kinh Văn VI, 7 , Đức Phật tuyên bố rằng bậc đại trí tuệ là người nghĩ đến “ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, và lợi lạc cho toàn thế giới.” Những bài kinh như kiểu này chắc chắn chứng tỏ rằng quan điểm vị tha đã được thể nhập vào Phật Giáo Nguyên Thủy, và Phật giáo Đại Thừa chỉ nhấn mạnh nhiều hơn đối với thái độ vi tha này, có lẽ để phản ứng lại với các khuynh hướng thoái hóa xuất hiện trong một số trường phái được phát triển từ giáo lý của Đức Phật trong thời kỳ đầu tiên.