- Dẫn Nhập
- Thế Giới Của Milarepa
- Hệ Thống Phật Giáo Về Giải Thoát
- Dòng Phái Kagyu Của Sự Thực Hành Phật Giáo
- Tính Cách Con Người Milarepa
- Những Bài Ca
- Về Những Bài Ca
- 1 Milarepa Kể Câu Chuyện Của Mình
- 2 Bài Ca Cho Các Thí Chủ Nghèo
- 3 Bài Ca Trong Mưa Của Mila
- 4 Mila Gặp Gỡ Một Thiền Giả
- 5 Những Biểu Tượng Cho Kinh Nghiệm Thiền
- 6 Bài Ca Về Những Người Hướng Dẫn Con Đường
- 7 Bài Ca Chứng Ngộ Trong Hang Tịnh Quang
- 8 Sự Bối Rối Của Rechungpa
- 9 Sự Gặp Gỡ Của Mila Với Dampa Sangye
- 10 Bài Ca Cây Gậy Sừng
- 11 Trừ Sạch Ham Muốn
- 12 Mila Thu Nhận Một Nữ Đệ Tử Trẻ Tại Buổi Tiệc Làng
- 13 Mila Giải Thoát Cho Một Bà Lão
- 14 Từ “Sáu Bài Ca Kim Cương”
- 15 Mila Thăm Viếng Một Trung Tâm Tôn Giáo
- 16 Đối Mặt Với Một Thầy Tu Đạo Bošn
- 17 Cuộc Du Hành Của Mila Do Một Giấc Mộng Gợi Ý
- 18 Milarepa Có Chết Không ?
- Bài Kệ Kết Thúc
- Chú Thích
- Thuật Ngữ
Hệ thống Phật giáo về Giải Thoát
Định nghĩa chính xác một hệ thống căn bản của thực hành Phật giáo là một điều bất khả vì số đông trường phái và kiểu cách cả ở Ấn Độ lẫn Tây Tạng. Tuy nhiên, có thể hình thành một bức tranh tổng quát của hệ thống Phật giáo Đại thừa như Milarepa đã giảng giải trong nhiều bài ca và câu chuyện của ngài. Biết rằng sự giải thích và nhấn mạnh của ngài thay đổi theo thính chúng, chúng ta có thể xây dựng lại một bản văn ngắn về “những giai đoạn của con đường” trong đó những yếu tố căn bản của các Thừa Tiểu, Đại và Mật được đặt vào phối cảnh trong một hệ thống nhất quán và hiệu quả. Điều này cho thấy rằng ngay trong giai đoạn sơ thời ở Tây Tạng đã có một khuynh hướng hội nhập ba thừa và những trường phái khác nhau của Phật giáo Ấn Độ vào một hệ thống thống nhất. Những đoạn trích ở sau là từ “Thiền định đầu tiên của Mila” và “Sự kiêu hãnh Đại Ấn của Rechungpa”, cả hai đều lấy từ đại hợp tuyển Những Câu Chuyện và Bài Ca từ Truyền Thống Khẩu Truyền của Jetsušn Milarepa, từ đây mà mọi chất liệu trong cuốn sách này được rút ra.
Bước đầu tiên là hiểu được sự rỗi rãnh và cơ hội may mắn cho giải thoát mà cuộc đời làm người có thể mang lại :
Thân thể máu thịt mong manh được phú bẩm với một tâm thức chủ quan có từ vòng xích mười hai duyên sanh – vô minh và vân vân. Nó là chiếc thuyền lớn của rảnh rỗi và cơ hội cho những ai được phú bẩm phước đức và lòng khát khao giải thoát. Tuy nhiên, với người xấu họ sẽ dùng nó để chất chồng thêm tội lỗi thì nó là một người dẫn đường đi đến những cõi thấp kém. Nó đứng giữa biên giới của phát triển và thoái hóa. Tôi đã chợt hiểu tình thế quyết định này, nó có thể dẫn đến sự tốt đẹp lâu dài hay hư hỏng lâu dài.
Mila giải thích thân phận tổng quát của sanh tử luân hồi trong cách này :
Chúng sanh trong sáu loài bị mê ám bởi vô minh và bám níu vào những hình tướng ảo huyễn đã lạc loài khắp sanh tử từ đời vô thủy. Họ cho tính vô ngã này là một cái ngã, cái không có ta là một cái ta, và cứ thế mà trôi dạt trong biển cả khổ đau của sanh tử qua sự bám níu say mê vào những dấu vết hằn in của nghiệp xấu.
Mỗi hành động, mỗi kinh nghiệm đều để dấu vết của chúng in vào tâm thức chúng ta theo hình thức những “hạt giống” cho sự tái hồi những kinh nghiệm ấy. Sự in dấu ban sơ là sự in dấu của vô minh, nó sanh ra thế giới quan sai lầm về hiện hữu của cái ngã trong con người và tự tánh trong sự vật như chúng xuất hiện với người bình thường. Trong dòng chảy của cảm giác bản năng sai lầm này về thực chất kinh nghiệm của chúng ta, những phiền não thích, ghét... bắt đầu vận hành trò chơi của chúng.
Bây giờ giải thích việc làm bên trong của điều ấy : chúng sanh lang thang trong sanh tử do vì sự hoạt động của mười hai móc xích nhân quả của duyên sanh. Trước tiên, vô minh – có nghĩa là “không biết”, “không hiểu”, “không thấu hiểu” (tình trạng thật sự của sự vật trong kinh nghiệm của chúng ta) – cung cấp điều kiện cho hoạt động tổng hợp (của những yếu tố của đời sống sanh tử). Tiến trình này tiếp nối cho đến những khổ cảnh không tránh được của sanh, lão, bệnh, tử lập đi lập lại.
Chuỗi xích duyên sanh này là tiến trình do đó chúng sanh sanh đi sanh lại trong hoàn cảnh sanh tử với sáu loại sống : địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thiên và a tu la. Tình trạng và hoàn cảnh của đời sống tái sanh của chúng sanh được xác định bởi những phản ứng (nghiệp) của chúng đối với những kinh nghiệm trong các đời trước.
Phần đông chúng sanh tái sanh vào cảnh giới thấp (như địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh) qua sức mạnh của hành động xấu. Những tình trạng thấp kém ấy thì khốn khổ, và ngay cả đời sống trong ba cảnh giới cao hơn cũng có bản chất là khổ.
Phương cách để sửa chữa hậu quả này là hiểu biết ngay từ lúc bắt đầu sự khó có được nhàn rỗi và cơ hội (của cuộc đời được làm người) – rằng sự rảnh rỗi và cơ hội dù chỉ có thể tìm được một lần trong cả trăm lần sanh ra thì cũng vô thường và rằng thời gian chết thì không chắc chắn. Bạn phải nghĩ đến sự kiện không thể nào biết được mình sẽ sanh chỗ nào sau khi chết, và bởi vì bạn bị sức mạnh của nghiệp đẩy đi không thể cưỡng, bạn phải xem xét mối tương quan nhân quả của hành động.
Như thế theo Mila, bước đầu tiên là phải có một hiểu biết tận gốc tình trạng sanh tử và những nguyên nhân của nó, tham thiền về khổ, chết và vô thường để đẩy mạnh sự thôi thúc giải thoát thành một nỗ lực mạnh mẽ và hiểu rằng sự hiện hữu hiện thời trong thân phận con người là cơ hội khả dĩ tốt nhất để lật đổ sự áp bức của vô minh và thành tựu giải thoát.
Được thúc đẩy bởi những hiểu biết này, bấy giờ người ta đi vào cánh cửa của thực hành thực sự đạo Phật :
Để được che chở khỏi sự tái sanh cõi thấp
Do sức mạnh của những hạnh nghiệp xấu xa,
Lama và Tam Bảo là nơi quy y duy nhất.
Trong mọi phái Phật giáo, người sơ cơ quy y Tam Bảo, gồm Phật, bậc có thể hướng dẫn người khác qua sự tự giải thoát khỏi sanh tử của mình, Pháp (giáo lý của ngài), và Tăng (cộng đồng những người thực hành Pháp). Sự quy y, nương tựa này không nhất thiết phải bao gồm một chối bỏ những theo đuổi thế gian mà là đặt chúng trong phối cảnh hài hòa với những tác nhân hướng đạo hiệu quả đi đến giải thoát này. Bởi vì ban đầu Tam Bảo không thể là một hiện diện sống động đối với chúng ta, vị lama (guru) chính là sống thực của Tam Bảo. Như thế ở Tây Tạng vị lama được đặt quan trọng hàng đầu hơn cả chư Phật, bởi vì chính qua vị này mà chúng ta mới sẽ gặp được chư Phật. Mila gọi sự hiểu biết về cam kết với một lama này là “chìa khóa đầu tiên tối hệ trọng”.
Sau đó, cần thiết phải dựa trên một nền tảng được lập nên bởi những lời nguyện tự giải thoát mình, với một thúc dục thoát khỏi sanh tử được thúc đẩy bởi tư duy về cái chết, vô thường, nhân quả của hành động, và sự khó tìm ra lại được sự rảnh rỗi và cơ hội (của kiếp sống làm người).
Sự cam kết với giải thoát cá nhân (pratimoksa) để chỉ những thệ nguyện của Tiểu thừa, nó được dùng như yếu tố hướng dẫn cho phép đạt đến Niết Bàn, sự giải thoát cho mình khỏi khổ đau. Từ đó mà có danh từ “Tiểu thừa” – người chỉ có thể chuyên chở chính mình. Cần phải mở rộng động lực này hơn nữa. Đại thừa bao trùm tất cả chúng sanh trong tầm nhìn của nó, bởi vì thật ra, mọi đời sống đều liên hệ chặt chẽ với nhau không thể tách lìa, và cuộc chiến đấu để giác ngộ phải được theo đuổi vì tất cả mọi người. Mila giải thích điều này như sau :
Tôi hiểu rằng định hướng như vậy đến sự an vui của riêng mình tạo nên Tiểu thừa, và Đại thừa bao gồm sự hồi hướng mọi hoạt động của mình cho lợi lạc của những người khác với lòng từ bi nhắm đến giác ngộ trong ước muốn giải thoát mọi chúng sanh khỏi sanh tử.
Sự nhấn mạnh này vào tâm nhắm đến giác ngộ (tâm Bồ đề) phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa. Thiết yếu phải nhờ vào sự thực hành Đại thừa, để cho trí huệ soi thấu mà nhờ nó cuối cùng chúng ta sẽ thấy tình trạng chân thật trống rỗng của mọi sự, được cân bằng với từ bi của tâm hướng đến giác ngộ, để tựu thành sự tự do hoàn hảo, không riêng biệt, khỏi sanh tử, tức là giác ngộ. Ngay trong Mật thừa, nó là sự tinh lọc trong phương pháp nhưng căn bản vẫn đồng với Đại thừa trong triết lý, thì tâm hướng đến giác ngộ là một tiền đề cần thiết cho sự thực hành. Từ Sanskrit của cái này, là tâm Bồ đề, có thể được định nghĩa như là tình trạng của tâm trong đó mọi hoạt động đều được tiến hành một cách tự nhiên vì lợi lạc cho tất cả. Chính từ một khao khát giải thoát cho chính mình mà người ta có khả năng hướng dẫn cho những người khác. Ngược lại, tâm Bồ đề tự nó không trực tiếp tạo ra giải thoát, vì trừ phi được tôi luyện bởi trí huệ, còn không nó chỉ ràng buộc hành giả chặt thêm vào sanh tử.
Những người đi một con đường làm phát sanh tâm hướng đến giác ngộ này qua những phương pháp mật thừa hay không phải mật thừa được gọi là những bồ tát, bodhisattva hay “những chiến sĩ cho giác ngộ” (Tiếng Sanskrit sattva nghĩa là “chúng sanh”, nhưng cũng có nghĩa thứ hai là anh hùng hay can đảm, và được dịch ra như vậy trong tiếng Tây Tạng). Mila tóm tắt theo cách này :
Nhận thức được sanh tử như một tù ngục, hiểu rằng mọi chúng sanh lạc lõng trong đó không ai khác hơn là cha mẹ chúng ta, những người đã cho chúng ta sự sanh ra đời suốt vô thủy kiếp. Với tình thương và bi mẫn đối với họ đang lạc lõng trong sanh tử luân hồi, làm phát khởi tâm nhắm đến giác ngộ tối thượng vì sự giải thoát cho họ.
Rồi cỡi lên những ngọn sóng lớn của sự thực hành nhắm đến giác ngộ : ba sự thực hành nền tảng của con đường, bốn phương tiện xã hội (bốn nhiếp pháp), và sáu cái siêu việt, như thế tích tập hai kho tàng và tịnh hóa hai chướng ngại.
Đoạn này tổng kết những thực hành chính yếu của Đại thừa. Ba thực hành nền tảng là giới nghĩa là thực hành về thái độ đối xử, định và huệ nghĩa là những thực hành về tâm thức. Bốn phương tiện xã hội – bố thí, tương giao thích đáng, tham dự vào sự phát triển của người khác, và phụng sự như là một gương mẫu cho người khác – là những thực hành được hướng chủ yếu đến sự lợi lạc của người khác. Sáu cái siêu việt – bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, định và trí huệ – được thực hành chủ yếu cho sự phát triển riêng mình, mặc dầu dĩ nhiên trong Đại thừa không có sự quan tâm cho riêng mình.
Những thực hành này có một hiệu quả đôi. Thứ nhất, chúng làm tăng thêm hai kho thần lực của mình – kho công đức đặt nền móng trên sự ứng xử đạo đức và cử hành nghi lễ, và kho trí huệ đặt nền móng trên sự khảo sát tình trạng của sanh tử và sự sửa chữa nó, từ những tin tức lượm lặt thông hiểu đầu tiên đến trí huệ siêu việt, siêu thế, vượt khỏi lời nói và tư tưởng. Thứ hai, chúng tiêu trừ hai thứ chướng ngại – phiền não chướng ngăn ngại sự thông tỏ Niết Bàn, và sở tri chướng, chướng ngại về đối tượng, nó che đậy thực tại của sự vật, và như thế ngăn ngại toàn giác của Phật tánh viên mãn.
Mila giải thích sáu siêu việt, đặc biệt là định và trí huệ, phải được phối hợp như thế nào trong một thực hành có hệ thống của con đường :
Bố thí, giữ giới và nhẫn nhục là những phương tiện để tích tập kho công đức. Định và huệ là những phương tiện để tích tập kho hiểu biết. Hãy nỗ lực thêm nữa cả thảy chúng. Cái hiểu biết cao nhất là tâm của Phật. Người nào muốn đạt được nó cần áp dụng những phương pháp khác nhau này.
Sự chú tâm đặc biệt là dùng để phát triển định và huệ. Thiền định căn bản có thể chia thành sự tập trung chuyên chú, hay làm bình lặng tâm thức, qua sự tập trung nhất tâm và tiến trình phân tích của trí huệ phát sanh qua nội quán siêu việt. Sự an định này, tiếng Sanskrit gọi là samatha, được gọi thế vì do tập trung nhất tâm mà hoạt động của tâm thức đứng lặng. Khi những tác động của tâm thức biến đổi, tâm thức đảm nhận những cách thức vận hành siêu bền khác nhau. Tám “cách thức khác nhau” này được gọi là cấp độ định (dhyana) và tương tự nhau trong vũ trụ luận về tâm thức của cả Phật giáo và Ấn giáo. Toàn bộ những cấp độ định ấy đều nằm trong sanh tử, dầu đa số có bản chất tinh lọc hơn ý thức bình thường, và là phạm vi của thiền định truyền thống. Bằng cách thực hành những trạng thái này, mọi thiền giả có được những thần lực và hỷ lạc.
Bởi vì lạc thú của tâm thức và thần lực siêu nhiên do chúng mang lại, những cấp độ định có thể được cho là một con đường đi đến giải thoát, nhưng không phải vậy. Phần nào, chúng chỉ là những căn cứ vững vàng để từ đó tâm thức siêu xuất vượt qua đến sự đối mặt trực tiếp với tánh Không qua đó trí huệ mới có thể hiển lộ. Bởi vì chúng phát triển và yên tĩnh hơn hoạt động tâm thức bình thường, chúng giống như cái bóng che gió bằng thủy tinh của ngọn đèn dầu, làm ổn cố ngọn lửa nhỏ của trí huệ khỏi những ngọn gió của tác động phiền não quấy nhiễu.
Trí huệ được phát triển bằng sự thực hành nội quán, một tiến trình khảo sát và phân tích của tri giác chúng ta, một sự thúc đẩy của trí năng đến những giới hạn chót của chúng cho đến khi tia chớp của kinh nghiệm trực tiếp về thực tại xảy ra. Đây là kinh nghiệm về vô ngã của con người và về tánh Không, hay vô tự tánh trong sự vật. Chỉ có trạng thái thiền định mới có thể tẩy sạch những dấu vết của kinh nghiệm sai lầm làm nảy sinh những trạng thái phiền não và những ảo tưởng về thực tại. Như thế thực hành quán chiếu vượt quá sự thực hành định chỉ, cái này chỉ có thể đàn áp những hình thức hoạt động của những trạng thái phiền não của tâm thức.
Thiền giả phải đi qua năm con đường đến giác ngộ. Tiến trình tích tập hai kho công đức và trí huệ là con đường Tích Tập, và sự áp dụng trong tham thiền hai kho này vào tri kiến trực tiếp tánh Không gọi là con đường Áp Dụng. Tri kiến trực tiếp tánh Không chính là con đường Thấy, và sự phát triển và áp dụng lập đi lập lại cái tri kiến trực tiếp ấy để tẩy sạch hoạt động ám ảnh của những sự in dấu vết được gọi là con đường Thiền Định. Sự trừ sạch mọi dấu vết của hai thứ chướng ngại là con đường Cứu Cánh, hay con đường vượt khỏi sự thực hành, tương đương với Phật tánh trọn vẹn hay Phật quả. Mila tóm tắt :
Tóm lại, nền tảng là niềm tin, người trợ giúp là nỗ lực, cái đối trị là sự thu thập (đức hạnh) và sám hối (tội lỗi), nguyên nhân trực tiếp là sự phối hợp của trí huệ và phương tiện (phương diện hoạt động của tâm hướng đến giác ngộ), nguyên nhân phụ trợ là sự thực hành con đường tích tập và con đường áp dụng. Khi con đường thấy nhờ vậy được đạt đến, đó là kinh nghiệm trực tiếp của trí huệ quán chiếu.
Với sự đạt đến con đường thấy, người chiến sĩ Bồ tát đứng trên cấp bậc thứ nhất của mười địa bồ tát, và sau đó lần lượt vượt qua để đến cấp bậc thứ mười một, cấp bậc của giác ngộ.