Thư Viện Hoa Sen

124. Kinh Bạc-câu-la (Bakkula Sutta)

17/05/201012:00 SA(Xem: 28500)
124. Kinh Bạc-câu-la (Bakkula Sutta)
Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TRUNG BỘ

Majjhima Nikàya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

124. Kinh Bạc-câu-la
(Bakkula sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Bakkula trú ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các loài sóc (kalandakanivapa). 

Rồi lõa thể Kassapa, một người bạn trước kia của Tôn giả Bakkula khi còn là cư sĩ, đi đến Tôn giả Bakkula, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Bakkula những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, lõa thể Kassapa nói với Tôn giả Bakkula: 

-- Này Hiền giả Bakkula, Bạn xuất gia đã bao lâu?

-- Đã được tám mươi năm, này Hiền giả, từ khi tôi xuất gia.

-- Hiền giả Bakkula, trong tám mươi năm ấy, đã bao nhiêu lần, Hiền giả hành dâm dục?

-- Hiền giả Kassapa, chớ có hỏi tôi như vậy: "Hiền giả Kassapa, trong tám mươi năm ấy, đã bao nhiều lần Hiền giả hành dâm dục!" Hiền giả Kassapa, hãy hỏi tôi như sau: "Hiền giả Bakkula, trong tám mươi năm ấy, đã bao nhiêu lần Hiền giả khởi lên dục tưởng?"

-- Hiền giả Bakkula, trong tám mươi năm ấy, đã bao nhiêu lần, Hiền giả khởi lên dục tưởng?

-- Hiền giả Kassapa, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không bao giờ nhận thấy, có dục tưởng khởi lên.

-- Vì rằng Tôn giả Bakkula trong tám mươi năm không nhận thấydục tưởng khởi lên, chúng tôi thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không bao giờ nhận thấy có sân tưởng, có hại tưởng khởi lên.

-- Vì rằng Tôn giả Bakkula trong tám mươi năm không nhận thấy có sân tưởng, có hại tưởng khởi lên, chúng tôi thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không nhận thấy dục tầm nào khởi lên.

-- Vì rằng Tôn giả... một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không nhận thây sân tầm, hại tầm, nào khởi lên.

-- Vì rằng Tôn giả... một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không nhận thấy có thâu nhận y của cư sĩ.

-- Vì rằng Tôn giả.. một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không nhận thấy có cắt y với con dao.

-- Vì rằng Tôn giả... một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không nhận thấy có may y với cây kim.

-- Vì rằng Tôn giả.. một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm trừ khi tôi xuất gia, tôi không nhận thấy có nhuộm y với thuốc nhuộm

-- Vì rằng Tôn giả... một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không nhận thấy có may y kathina.

-- Vì rằng Tôn giả... một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không nhận thấy có may y cho các vị đồng Phạm hạnh... có nhận lời mời ăn... có khởi lên tâm như sau: "Mong rằng có người mời tôi ăn".

-- Vì rằng Tôn giả... một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không nhận thấy có ngồi trong nhà.. có ngồi ăn trong nhà... có ghi nhận chi tiết các tướng đặc biệt của nữ nhân... có thuyết pháp cho nữ nhân cho đến câu kệ bốn câu... có đi đến trú phòng Tỷ-kheo-ni... có thuyết pháp cho Tỷ-kheo-ni.... Tôi không nhận thấythuyết pháp cho học pháp nữ... Tôi không nhận thấythuyết pháp cho Sa-di-ni.

-- Vì rằng Tôn giả Bakkula trong tám mươi năm không nhận thấythuyết pháp cho Sa-di-ni, chúng tôi thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Này Hiền giả, trong tám mươi năm từ khi tôi xuất gia, tôi không bao giờ nhận thấyxuất gia (cho ai).. có thọ đại giới (cho ai).. có nhận làm y chỉ (cho ai)... tôi không bao giờ nhận thấy có Sa-di hầu hạ... có tắm trong nhà tắm... có tắm thoa bột Cunna.. có nhờ đồng Phạm hạnh xoa bóp chân tay.. tôi không bao giờ nhận thấy có bệnh khởi lên, dầu cho một chốc lát.. có mang theo y dược cho đến một miếng nhỏ từ cây a-li-lặc vàng (haritakikhanda)... nằm dựa vào tấm gỗ dựa... nằm dài xuống ngủ... đi an cư mùa mưa tại trú xứ gần làng.

-- Vì rằng Tôn giả Bakkula, trong tám mươi năm không nhận thấy có đi an cư mùa mưa tại trú xứ gần làng, chúng tôi thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

-- Vừa đúng trong bảy ngày, này Hiền giả, còn uế nhiễm, tôi đã ăn đồ ăn của nội địa, rồi đến ngày thứ tám, chánh trí khởi lên.

-- Vì rằng Tôn giả Bakkula vừa đúng trong bảy ngày, còn uế nhiễm, đã ăn đồ ăn của nội địa, rồi đến ngày thứ tám chánh trí khởi lên, chúng tôi thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula. Thưa Hiền giả Bakkula, hãy cho tôi xuất gia trong pháp luật này, hãy cho tôi thọ đại giới.

Rồi lõa thể Kassapa được xuất gia trong pháp và luật này, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Kassapa, an trú độc cư, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đắcan trú ngay trong hiện tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích ấy các Thiện nam tử chân chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Vị ấy biết "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì cần làm sẽ làm, không còn trở lại trạng thái này nữa". Và Tôn giả Kassapa trở thành một A-la-hán nữa.

Rồi Tôn giả Bakkula, sau một thời gian, cầm chìa khóa, đi từ trú xứ này đến trú xứ khác và nói như sau: 

-- Chư Tôn giả hãy đi ra! Chư Tôn giả hãy đi ra! Hôm nay tôi sẽ nhập Niết-bàn.

-- Vì rằng Tôn giả Bakkula cầm chìa khóa, đi từ trú xứ này đến trú xứ khác và nói như sau: "Chư Tôn giả hãy đi ra! Chư Tôn giả hãy đi ra! Hôm nay tôi sẽ nhập Niết-bàn"; chúng tôi thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

Rồi Tôn giả Bakkula ngồi giữa chúng Tỷ-kheo nhập Niết-bàn.

-- Vì rằng Tôn giả Bakkula ngồi giữa chúng Tỷ-kheo nhập Niết-bàn, chúng tôi thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Tôn giả Bakkula.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt





Tạo bài viết
10/08/2011(Xem: 45638)
18/04/2016(Xem: 28172)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: