CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO
PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức
Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới
GSTS, Trần Chung Ngọc, Hoa Kỳ
Ngày nay, thế giới đã nhận thức được chân giá trị của Phật Giáo. Phật Giáo là một Đạo [danh từ “tôn giáo” theo nghĩa của Tây phương không thích hợp với Phật Giáo] mà cốt tủy giáo lý về phương diện xã hội là về lòng từ bi và chủ trương hòa bình. Hơn gì hết, Phật Giáo lại là Đạo của trí tuệ. Trí tuệ là đặc tính quý báu nhất của con người. Cách đây hơn 2500, Đức Phật đã dạy chúng ta như vậy trong Kinh Kalama, Người khuyên chúng ta nên sử dụng trí tuệ thay vì vội tin. Phải chăng vì vậy mà ngày nay hiện tượng Phật Giáo nở rộ khắp nơi trên thế giới, nhất là trong phương trời Âu Mỹ, không còn xa lạ gì với chúng ta, và đã trở thành một sự kiện không ai có thể phủ nhận.
Là Phật tử, chúng ta ai cũng biết đến những khẳng định mà trong lịch sử nhân loại, chỉ có Đức Phật mới có nói lên được: “Tất cả mọi chúng sinh đều có Phật Tánh” và “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”. Nếu chúng ta đã chấp nhận Đức Phật là Giáo Chủ của Đạo Phật mà không hề thắc mắc, thì Đức Phật là vị Giáo Chủ duy nhất trên thế gian đã tôn trọng phẩm giá của con người đúng nghĩa là một con người. Người cư sĩ Phật Giáo nên cảm thấy mình hãnh diện khi được ở trong một Đạo giáo duy nhất trên thế giới tôn trọng bản chất bình đẳng của con người. Đạo Phật tôn trọng con người là con người chứ không hạ con người xuống hàng súc vật như con cừu, con chiên, con bò, con ngựa, để bị chăn dắt. Người cư sĩ Phật Giáo cũng nên cảm thấy mình đang ở trong một Đạo đúng nghĩa là một Đạo, một con đường tu tập, tự lực tự cường, tự tu tự chứng để tiến lên những cảnh giới cao hơn cảnh giới thông thường của đa số quần chúng.
Phải chăng cũng vì những sắc thái xã hội đượm màu từ bi và hòa bình của Phật Giáo, và cũng vì lịch sử truyền Đạo của Đạo Phật trên 2500 năm qua không hề vấy một giọt máu, mà Liên Hiệp Quốc đã tôn vinh ngày đản sinh của Đức Phật là ngày Đại Lễ Tôn Giáo của thế giới? Đại Lễ Phật Đản do Liên Hiệp Quốc vừa tổ chức rất huy hoàng ở Thái Lan trong tháng 5 vừa qua để kỷ niệm ngày đản sinh thứ 2550 của Đức Phật đã chứng minh hơn gì hết lý tưởng vị tha và hòa bình của Phật Giáo là những tiêu chuẩn đạo đức mà thế giới ngày nay rất cần đến. Và Đại Lễ Phật Đản năm nay được tổ chức tưng bừng ở nhiều nơi ở Việt Nam, từ Bắc vào Nam, đã cho mọi Phật Tử chúng ta thấy một sự kiện: Đạo Phật là nền tảng đạo đức và tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam.
Thật vậy, ảnh hưởng của Phật Giáo trên nền văn hóa dân tộc thực là sâu đậm, sâu đậm đến độ người ta không còn phân biệt được đâu là văn hóa Phật Giáo và đâu là văn hóa dân tộc. Đây là một sự kiện không ai có thể phủ bác. Sở dĩ như vậy là vì Phật Giáo đã đi vào dân tộc Việt Nam, không bằng con đường giáo điều khô cứng, không bằng con đường ru ngủ dân chúng (có tác dụng như thuốc phiện) với những hứa hẹn hão huyền, mà bằng con đường trí thức, con đường phát triển trí tuệ, tự lực tự cường, và nhất là không chống lại những truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với những giáo lý nhân bản và những triết thuyết cao siêu, phù hợp với tinh thần khoa học, Phật Giáo đã đáp ứng được những đòi hỏi suy luận trí thức của giới có học. Với bản chất hòa bình, bao dung, bình đẳng, và những giáo lý giản dị, Phật Giáo cũng đã đáp ứng được khao khát của giới bình dân, ít học. Từ đó, Phật Giáo đã đi vào dân gian, hội nhập trong dân gian, trên mọi giới, để tạo nên một tinh thần Phật Giáo dính liền với một tinh thần yêu nước cao độ của người Việt Nam.
Kể từ khi Phật Giáo du nhập vào Việt Nam đến nay đã ngót hai mươi thế kỷ, Phật Giáo chưa bao giờ phản bội dân tộc, liên kết với kẻ ngoại xâm, giết hại đồng bào. Phật Giáo Việt Nam chưa bao giờ nhận lệnh của bất cứ chức sắc ngoại quốc nào, lệ thuộc bất cứ một tổ chức chính trị hay tôn giáo quốc tế nào. Và cũng nhờ đó mà Việt Nam đã bao lần thành công trong việc đánh đuổi ngoại xâm, từ những thế kỷ đầu cho tới hạ bán thế kỷ 20. Với một lịch sử du nhập như vậy chúng ta hẳn không lấy làm lạ khi thấy tinh thần Phật Giáo thể hiện sâu đậm trong mọi bộ môn của nền văn hóa Việt Nam như văn chương, thi ca bác học cũng như bình dân, trong nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc v.v...
Trong một bài tham luận nho nhỏ cỡ này tôi chỉ xin tự giới hạn trong vài nét đại cương về chủ đề "Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam trong Thời Đại Mới.”, vì tôi tin rằng giới cư sĩ Phật Giáo sẽ phải giữ một vai trò và một địa vị xứng đáng, quan trọng trong xã hội Việt Nam, nhất là trong thời đại mà những tệ đoan xã hội theo nếp sống Tây phương đã phần nào làm suy yếu nền đạo đức tinh thần cổ truyền của xã hội Việt Nam. Những ý kiến sau đây chỉ là từ những suy tư cá nhân, và chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Tôi tin tưởng rằng nếu giới cư sĩ chúng ta chịu khó bắt tay vào làm việc, đóng góp ý kiến v..v.. về vị thế của Phật Giáo trong thời đại mới, thì Phật Giáo sẽ có nhiều cơ hội phát triển, và do đó sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho sự an sinh của quần chúng Việt Nam.
Đúng ra thì vai trò của người cư sĩ Phật Giáo Việt Nam khá nặng nề, hai vai gánh vác hai nhiệm vụ quan trọng trong vấn đề Hộ Pháp. Một mặt, người cư sĩ Phật Giáo phải tích cực trong vấn đề hoằng dương Đạo Pháp theo nghĩa vừa phải giúp các phương tiện, vật chất cũng như tinh thần, để quý Thầy an tâm tu theo Chánh Pháp, vừa phải tự thân học hỏi và tu tập Phật Pháp. Quý Thầy là những người đã theo một con đường mà tuyệt đại đa số chúng ta không theo được. Quý Thầy là những bậc xuất gia, còn chúng ta là những người tại gia. Là những người cư sĩ tại gia, chúng ta phải đối diện với tất cả những vấn đề gia đình, xã hội, cộng đồng v..v.. trong đó có những vấn đề cần phải đối phó. Một trong những vấn đề chính trong xã hội ngày nay cần phải đối phó là chúng ta phải có cái dũng để ngăn chặn ma quân, những kẻ xấu vì lòng cuồng tín tôn giáo, vì vô minh, vì tự ty trước Phật Giáo v..v.. nên thường xuyên ra công xuyên tạc đánh phá Phật Giáo. Trọng trách này đòi hỏi chúng ta phải vận dụng đến trí tuệ, đến sự hiểu biết, và nhất là đến tâm từ bi của Phật Giáo trong mục đích chuyển hóa.
Nhưng trước hết, để có thể thi hành hữu hiệu những nhiệm vụ trên, chúng ta cần phải biết chúng ta nên có một cuộc sống như thế nào trong xã hội thế tục. Đức Phật đã thấy rõ không phải ai cũng có thể sống một đời sống tu hành cho nên Người đã đưa ra những tiêu chỉ cho những Phật tử thông thường như chúng ta trong đời sống xã hội, thường ngày va chạm với những thực tế phũ phàng của cuộc sống. Trong Trường Bộ Kinh, Đức Phật đã vạch rõ cho chúng ta thấy sự nghèo khổ là nguồn gốc của vô luân và tội ác như trộm cướp, gian lận, bạo hành, sân hận, độc ác v.v... Đức Phật đề nghị rằng muốn giải quyết vấn đề tội ác, điều kiện kinh tế của dân chúng phải được tăng tiến. Người đã chỉ rõ cho Phật tử tầm quan trọng của sự cải tiến tình trạng kinh tế của con người. Nhưng điều này không có nghĩa là Đức Phật khuyên mọi người đi tích lũy của cải bằng bất cứ phương tiện nào để thỏa lòng tham và chấp vào vật chất vì đây là điều trái ngược với giáo lý căn bản của Người.
Đức Phật đã dạy một người dân thường tên là Dighajanu là có bốn điều kiện đưa hạnh phúc đến cho con người ở trên cõi đời: Thứ nhất: chăm chỉ, cố gắng đạt tới "nhất nghệ tinh nhất thân vinh"; Thứ nhì: phải bảo vệ tài sản kiếm dược một cách chính đáng bằng mồ hôi, nước mắt; Thứ ba: kết bạn với các thiện tri thức nghĩa là những người đạo đức, học rộng biết nhiều, phóng khoáng và thông minh, để giúp mình tiến bộ trên Chánh Đạo, xa lánh ác nghiệp; và Thứ tư: tiêu pha trong khả năng và dành một phần cho những việc thiện, không bần tiện mà cũng không hoang phí. Sau đó Đức Phật nêu ra 4 đức tính đưa đến hạnh phúc trong tương lai của con người, và đây mới là những mối "phúc thật" chính tông:
l: phải có lòng tin vào những giá trị đạo đức, tinh thần và trí thức (Saddha);
2: phải giữ năm giới căn bản của Phật tử (Sila);
3: Thực hành hạnh bố thí, lòng quảng đại, không bám chặt vào của cải (Caga);
4: Phát triển trí tuệ trên con đường diệt khổ, nhằm cứu cánh Niết Bàn (Panna).
Như vậy chúng ta thấy rằng giáo lý của Đức Phật nhằm tạo ra sự ổn định kinh tế gia đình và từ đó đưa đến sự ổn định và phát triển kinh tế quốc gia mang lại hạnh phúc cho dân chúng. Nếu giới cư sĩ Phật Giáo chúng ta được trang bị bằng một căn bản xã hội như trên thì chắc chắn chúng ta có thể đóng góp rất nhiều để mang phúc lợi đến cho dân tộc.
Phật Giáo không thể đứng ngoài dân tộc, do đó, ngoài trách nhiệm tinh thần đối với Phật Giáo, người cư sĩ Phật Giáo còn phải có bổn phận đối với quốc gia dân tộc, một bổn phận nặng nề hơn, vì sự tồn vinh của dân tộc cũng là sự tồn vinh của Phật Giáo. Nếu chúng ta không hiểu được điều này thì không bao giờ có thể hiểu được cái sinh lực Phật Giáo trong lòng dân tộc. Điều này chứng tỏ Phật Giáo đương nhiên là một thực thể trong mọi hoạt động xã hội của dân tộc. Muốn duy trì cái sinh lực Phật Giáo này trong lòng dân tộc, người cư sĩ Phật Giáo phải tích cực trong nhiệm vụ chung là xây dựng đất nước.
Đạo Phật là đạo cứu khổ. Khổ có mặt khắp mọi nơi trên đất nước. Cho nên, Phật Giáo Việt Nam cần phải đi vào xã hội nhiều hơn nữa để thể hiện tinh thần Đại Thừa. Phật Giáo Việt Nam cần phát triển mạnh những hoạt động từ thiện trong xã hội như mở các lớp học tình thương Phật Giáo, cô nhi viện Phật Giáo, viện dưỡng lão Phật Giáo, trạm y tế hay nếu có khả năng, nhà thương Phật Giáo v.v... ngoài những việc cứu trợ thiên tai có tính cách ngắn hạn. Chúng ta phải quan niệm những hoạt động từ thiện nói trên như là một con đường tu tập, thể hiện giáo lý từ bi của đạo Phật, chứ không phải là phương tiện truyền đạo, đi kiếm "linh hồn" cho Phật.
Trong thời đại mới, người cư sĩ Phật Giáo không có quyền chỉ biết đến tôn giáo của mình mà còn phải mở mang kiến thức trong những lãnh vực khác như khoa học, xã hội v..v.. và cả về các tôn giáo khác, từ đó mới có thể nhận thức đúng được giá trị của Phật Giáo, không những trong dân tộc mà còn cả trong cộng đồng thế giới. Để có thể thực hiện được điều này, chính sách giáo dục của Nhà Nước và chương trình giáo dục của Phật Giáo hiển nhiên giữ một vai trò quyết định. Mục đích của Giáo dục là giáo dục quần chúng, mở mang dân trí. Mở mang dân trí để Việt Nam có thể học những kinh nghiệm lịch sử, theo kịp những tiến bộ của nhân loại, và giáo dục quần chúng để duy trì tinh thần yêu nước, tạo nên căn bản dựng nước và giữ nước, và nhất là để gìn giữ và phát huy nền văn hóa cổ truyền dân tộc, coi đây như là một cách bảo tồn phẩm cách quốc gia. Giáo dục phải được đặt lên hàng ưu tiên trong những quốc sách. Tại các nước tân tiến, ngân sách quốc gia dành cho giáo dục bao giờ cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể.
Trong lịch sử Việt Nam, Phật Giáo đã giữ một vai trò quan trọng trong việc giáo dục quần chúng. Khi xưa, phần lớn công việc giáo dục quần chúng tại các làng mạc là do các Tăng, Ni đảm nhiệm. Chùa được coi như là một trung tâm giáo dục của mỗi địa phương. Với sự tiến bộ của nhân loại, vấn đề giáo dục không còn thu hẹp trong những chủ đề văn chương chữ nghĩa hay đạo đức, luân lý tôn giáo mà phải mở rộng ra nhiều bộ môn khác. Do đó trách nhiệm giáo dục quần chúng ngày nay nằm trong tay chính quyền. Điều này không có nghĩa là vai trò giáo dục quần chúng của Phật Giáo đã chấm dứt. Trái lại, sự đóng góp của Phật Giáo trong nền giáo dục đại chúng hiện nay cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi ảnh hưởng sa đọa của những nền văn hóa ngoại lai đang lợi dụng sự mở mang kinh tế của nước nhà để xâm nhập xã hội Việt Nam, gây ra tâm trạng tôn thờ vật chất, coi rẻ đạo đức, nguồn gốc của tham nhũng, vị kỷ, vô lương tâm.
Hiển nhiên là giáo dục học đường không không đủ, vì thời gian các con em học tại trường quá ít và thường là để hết thì giờ vào những môn học chung hay chuyên môn. Cho nên, giáo dục gia đình cũng là một phần bổ túc quan trọng trong vấn đề giáo dục toàn bộ con người. Trong lãnh vực này, giới cư sĩ có thể đóng góp rất nhiều. Đại cương thì các bậc cha mẹ, anh chị trong gia đình phải kiểm soát đời sống của các em nhỏ để kịp thời ngăn chặn những ảnh hưởng xấu do bọn người vô lương kiếm lợi bằng cách làm ô nhiễm đầu óc lớp trẻ qua sách báo, phim ảnh đồi trụy, hoặc đầu độc các em bằng ma túy, thuốc lá hay rượu. Phụ huynh học sinh cần đòi hỏi chính quyền ra những đạo luật nghiêm trị những kẻ phạm pháp trong lãnh vực đầu độc đầu óc và thân thể lớp trẻ này.
Phụ huynh học sinh cũng phải đòi hỏi chính quyền ra những đạo luật ngăn cấm trẻ em vị thành niên uống rượu, hút thuốc lá, lái xe hơi, xe gắn máy v.v... và đưa ra những chính sách lành mạnh hóa xã hội, cấm nhập cảng phim ảnh, sách báo mà nội dung có tính cách bạo tàn hay khiêu dâm. Người cư sĩ Phật Giáo sống trong xã hội phải có trách nhiệm trước những vấn nạn xã hội. Cho nên, người cư sĩ Phật Giáo trước hết phải tự mình làm gương cho con em qua một lối sống lành mạnh và đạo đức, khuyến khích con em học những ngành hữu dụng, gia nhập những đoàn thể để có những sinh hoạt tập thể lành mạnh như Hướng đạo, Gia Đình Phật Tử v.v... Phật Giáo cũng nên góp ý cùng chính quyền và đóng góp vào việc thành hình một chương trình giáo dục hợp lý. Chương trình giáo dục nàv phải phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, địa lý, kinh tế của đất nước.
Việt Nam có nhiều vấn nạn cần phải giải quyết. Bản Dự thảo chính trị cho Đại Hội X vừa qua đã công nhận Việt Nam còn những khuyết điểm và yếu kém trong nhiều mặt của xã hội. Việc giải quyết những khuyết điểm và yếu kém trong xã hội nằm trong tay Nhà Nước, vì Nhà Nước có đủ quyền lực và phương tiện để giải quyết, nếu thực tâm muốn giải quyết. Lẽ dĩ nhiên có nhiều khó khăn, nhưng không phải là không thể giải quyết nổi, hay ít ra cũng cải tiến để cho tình trạng trở nên tốt đẹp hơn. Trong đường lối giải quyết quan trọng này, giới cư sĩ Phật Giáo cũng nên tích cực góp phần với Nhà Nước, không nên phó mặc mọi trách nhiệm cho Nhà Nước.
Trên đây chỉ là vài ý kiến của tôi về vai trò của cư sĩ Phật Giáo Việt Nam trong thời đại mới. Đối với Phật Giáo Việt Nam, tôi chỉ có một hi vọng. Đó là, trong mục đích tìm ra một hướng đi đích thực cho Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ 21, Phật tử chúng ta, tăng cũng như tục, hãy tích cự học hỏi để thấu hiểu và hội nhập được những chân lý vô ngã, vô thường của Đức Phật, ngồi lại với nhau, xóa bỏ những khác biệt có tính cách cục bộ, lấp đi cái hố ngăn cách giữa những Giáo Hội Phật Giáo ở trong nước cũng như ở hải ngoại, để có thể định một đường hướng tương lai cho đạo Phật ở Việt Nam, một đường hướng có lợi cho dân tộc và Đạo Pháp. Tôi ước mong các vị tôn đức trong Phật Giáo hãy rút lấy những kinh nghiệm trong quá khứ, nhận rõ tình trạng Phật Giáo hiện nay, hướng dẫn giới cư sĩ chúng tôi, ngồi cùng với nhau để lái con thuyền Phật Giáo Việt Nam thuận buồm xuôi gió trên giòng chấn hưng và phát triển Phật Giáo ở Việt Nam. Tôi cũng hi vọng cuộc Hội Thảo Phật Giáo này sẽ là bước mở đầu quyết định cho tương lai Phật Giáo ở Việt Nam.