CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO
PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức
Bàn thêm về phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1963
trong giáo trình "Lịch sử Việt Nam hiện đại" ở bậc Đại học và cao đẳng
Phó GSTS Lê Cung, Đại học Huế
So với chiều dài lịch sử dân tộc, khoảng thời gian non 21 năm
(21/7/1954–30/4/1975) thì quả hết sức ngắn ngũi, song chính trong khoảng thời gian này, đất nước Việt Nam đã có những chuyển mình hết sức diệu kỳ. Một dân tộc đất không rộng, người không đông, nhưng bằng nỗ lực vô song của mình, nhân dân Việt Nam đã làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, xoá sạch nhục mất nước, thu giang sơn về một mối, tạo dựng một “Dáng đứng Việt Nam” gây cảm phục trong lòng nhân loại tiến bộ khắp năm châu, bốn bể.
Trong thành quả vĩ đại đó, Tăng Ni và Phật tử miền Nam đã thực sự chung lưng, đấu cật cùng với cả dân tộc, trong đó “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” được xem như là sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất. Tuy nhiên, trong hầu hết các giáo trình “Lịch sử Việt Nam hiện đại” (chuyên ngành lịch sử) ở bậc đại học và cao đẳng, “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” vẫn chưa được đề cập một cách cụ thể hoặc nếu có thì cách thể hiện chưa ngang tầm với nội dung vốn có của nó. Nên cấu tạo như thế nào về sự kiên lịch sử này trong “Giáo trình lịch sử Việt Nam hiện đại”? Để có một lời giải nghiêm túc, thiết nghĩ cần phải nắm bắt được ý nghĩa lịch sử của sự kiện này.
1. Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 là một phong trào dân tộc có qui mô rộng lớn.
Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 tuy mang màu sắc tôn giáo, nhưng thực ra đây là sự vùng lên của cả một dân tộc nhằm xoá bỏ chế độ độc tài, giáo trị, gia đình trị Ngô Đình Diệm. Liền sau khi bùng nổ tại Huế, phong trào đã nhanh chóng lan vào Sài Gòn và rộng ra khắp miền Nam, từ thành thị đến nông thôn, có cả hàng triệu người không phân biệt xu hướng, chính kiến, các nhà tư sản dân tộc, các vị trí thức, sinh viên, học sinh, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, nhân dân lao động hưởng ứng và được sự ủng hộ của những tín đồ Thiên Chúa giáo cấp tiến. Ngay cả một số đông công chức, sĩ quan, binh sĩ trong bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm cũng tích cực tham gia đấu tranh.
Đỗ Mậu, vừa là người trong cuộc, vừa là chứng nhân lịch sử đã ghi lại trong hồi ký của mình như sau: “Biến cố Phật giáo vào mùa thu năm 1963 đã để lại những ấn tượng sâu xa trong tâm hồn tôi. Báo cáo của các Ty, Sở An ninh quân đội cả khắp bốn quân khu gởi về đều nhấn mạnh đến tình trạng suy sụp tinh thần quân nhân các cấp. Riêng Quân khu I, đa số sĩ quan đều trực tiếp hoặc gián tiếp yêm trợ cho phong trào đấu tranh của Phật giáo, chống đối chính phủ” . Điều cần nhấn mạnh là sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân không chỉ vì để ủng hộ Phật giáo mà chính là ý thức dân tộc: “Cuộc lay đổ chính quyền Ngô Đình Diệm 1963 đã động viên không những được ý thức bảo vệ Phật giáo, mà cả ý thức bảo vệ quốc gia nữa.
Nơi những người Phật tử, hai ý thức ấy hoà hợp với nhau không tách rời được. Chính rất nhiều phần tử không Phật giáo cũng tham dự cuộc vận động này, không phải vì để giúp đỡ Phật giáo, mà vì thấy cuộc vận động của Phật giáo phù hợp với nguyện vọng của dân tộc”. Trên thực tế, “phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam đã vượt khỏi ranh giới đơn thuần mà hình thành một phong trào yêu nước rộng rãi trong toàn dân” .
2. Với phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, phương pháp “bất bạo động” đã được sử dụng trong cuộc đấu tranh chống chế độ bạo quyền.
“Bất bạo động” (Satyagraha)? một phương pháp cốt lõi của Phật giáo được giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam chọn làm phương pháp chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo. Chọn “bất bạo động” làm phương pháp chỉ đạo cho cuộc đấu tranh chống lại chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm, Tăng Ni và Phật tử miền Nam biết trước là phải “chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ”, nhưng họ vẫn tin tưởng rằng sự hy sinh ấy sẽ làm “rung động đến tận lòng người, chứ không chỉ rung động chính sách mà thôi” . Chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành một chính sách đàn áp hết sức dã man và vô cùng quyết liệt, gây chết choc không biết bao nhiêu sinh mạng, làm bị thương hoặc bị tàn phế không biết bao nhiêu con người vô tội, nhưng Tăng Ni, Phật tử và đồng bào miền Nam quyết không chịu lùi bước.
Thực tế “bất bạo động” trong “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”, mà đỉnh cao là ngọn lửa của Hoà thượng Thích Quảng Đức, đã làm “rung động đến tận lòng người”, có sức hấp dẫn tuyệt vời khiến mọi nguời không phân biệt chính kiến kết khối vùng lên đạp đổ bạo quyền. Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Kết tinh trong một vị chân tu những nỗi căm hờn đối với một chế độ độc tài cá nhân gai đình trị, vô nhân đạo và bạo ngược, hành động dũng cảm của Hoà thượng Thích Quảng Đức là một bản án không gì bôi được với chế độ bù nhìn của Mỹ ở Sài Gòn, đồng thời là một lời kêu gọi đồng bào Phật tử đấu tranh chống phát-xít, dù chết không chịu lùi bước. Thật không phải thường có những cái chết kích động nhân tâm sâu sắc và rộng rãi như cái chết của Hoà thượng Thích Quảng Đức” .
“Bất bạo động” trong “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” đã trở thành sức mạnh góp phần cô lập cao độ chính quyền Ngô Đình Diệm, đẩy chính quyền này đi đến chỗ sụp đổ. Lần đầu tiên, lịch sử Việt Nam ghi nhận một phương pháp đấu tranh mới – phương pháp bất bạo động-mà kết quả đem lại thật là lớn lao, một chế độ độc tài, giáo trị, gia đình trị xây dựng trong 9 năm đã bị sụp đổ trong chớp mắt dù Diệm và tay chân cứ “đinh ninh rằng không một lực lượng nào dưới quyền thống trị của chúng có thể dám động đến” .
3. Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 tạo được tiếng vang rộng lớn trên bình diện quốc tế.
Trên bình diện quốc tế, “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” hầu như không bị cô lập đối với bất cứ ai. Khắp nơi trên thế giới, từ các cơ quan báo chí, các hãng thông tấn, các tổ chức chính trị, ... đến các nguyên thủ quốc gia và cả Liên hiệp quốc, với nhiều hình thức và biện pháp khác nhau đã vạch trần những tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm, đồng tình với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Tăng Ni và Phật tử miền Nam. Về vấn đề này, trong “The New Face of War”, Malcoln W. Brown viết: “Vụ Phật giáo năm 1963 đã làm chấn động các quốc gia ngoài châu Á kể từ khi xảy ra vụ tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Thuỵ sĩ, Bỉ, Úc, Đức... Tấm hình tự thiêu của Hoà thượng đã được phổ biến khắp nơi thế giới từ trên bàn giấy của Tổng thống Hoa Kỳ tới văn phòng các lãnh tụ Trung Cộng và chính nước cộng sản này đã cho in ra hàng triệu tấm hình ấy để phân phát đi khắp Á Phi với lời ghi chú: “Một tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tự thiêu trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ-Diệm” .
Chính nguồn tư liệu từ phía “Việt Nam cộng hoà” đã thú nhận điều này. Công văn số 43/DK/VP/M ngày 21-8-1963 của Toà đại sứ “Việt Nam cộng hoà” tại Tokyo gởi Bộ trưởng Ngoại giao chính quyền Ngô Đình Diệm tiết lộ “Dư luận Nhật Bản trở nên sôi nổi đối với vấn đề Phật giáo ở Việt Nam. Một số đoàn thể hoặc tư nhân có uy tín đã tiếp xúc thẳng với Thiểm toà để thăm dò tin tức và chất vấn về những biến cố đáng tiếc mới xảy ra; một số khác viết thư gởi điện tín đến Thiểm toà để phản kháng những hành động mà họ cho rằng có tính cách đàn áp Phật giáo ở Việt Nam” .
Ở Thái Lan, theo báo cáo của Toà đại sứ “Việt Nam cộng hoà” ngày 2-9-1963 thì “hôm 31-8-1963, một Đại hội đồng Phật giáo đã được triệu tập tại Băngkok để thảo luận về vụ Phật giáo tại Việt Nam. Tham dự phiên họp này có 800 Phật giáo đồ, thuộc các giới cựu bộ trưởng, dân biểu, luật sư, ký giả, đại diện Phật giáo tại Bangkok và 63 trong số 73 tỉnh của Thái Lan, hội Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai, và cả Hồi giáo cùng Bà La môn (Brah-man) cũng gởi đại diện đến dự họp... Cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí cực kỳ sôi nổi. Ngót hơn 5 tiếng đồng hồ, hơn 20 diễn giả luân phiên nhau lên diễn đàn bày tỏ quan điểm về vụ Phật giáo ở Việt Nam.... phần đông diễn giả đã dùng những lời lẽ chua cay để công kích chính phủ ta... Một số diễn giả, vì cảm tình với ta, đã lên tiếng bênh vực chánh phủ ta nhưng không không được cử toạ hoan nghênh” .
Ngay ở Mỹ, nhiều tờ báo, nhiều chính khách công khai đả kich, lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Tờ San Francisco Chinese World cho rằng: “Đã đến lúc chính quyền Hoa Kỳ phải từ giả ông Ngô Đình Diệm. The Chinese World khẩn thành kêu gọi tất cả mọi người Mỹ lên án ông Diệm, một kẻ độc tài của Sài Gòn” . Thượng Nghị sĩ Wayne L. Morse, bang Oregon, thì nói rằng “ông sẽ không đồng ý cho một đôla nào nữa để ủng hộ một chế độ độc ác tàn bạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam” . Dean Rusk, Ngoại trưởng Mỹ, trong cuộc họp báo ngày 16-6-1963, cho rằng Mỹ “không sung sướng gì trước những sự việc xảy ra ở miền Nam”, rằng Mỹ “rất buồn phiền về những sự chia rẽ đang xảy ra ở miền Nam”. Tờ New York Times (19-7-1963) dẫn lời Tổng thống Kennedy: “Sự động chạm giữa Tổng thống Ngô Đình Diệm với Phật giáo đồ rất có hại cho công cuộc chống Cộng tại Nam Việt Nam” .
Đặc biệt, “Vụ Phật giáo” đã được đưa ra thảo luận tại Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, và Ông Uthan, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã gửi đến Ngô Đình Diệm những lời lẽ đầy bức xúc trước chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm: “... Thúc dục bởi những ý tưởng nhân đạo mà toàn thể chúng tôi đều tôn trọng, nhân danh thành phần của đại gia đình nhân loại, tôi thấy có bổn phận gởi tới Ngài, cùng với những lời kêu gọi thiết tha của các nhân tôi”. Ngày 24-10-1963, Liên hiệp quốc đã cử một phái đoàn đến miền Nam để điều tra “Vụ Phật giáo”. Đây được xem như là điểm nút cuối cùng “buộc Mỹ gấp rút thủ tiêu bị cáo, tức chính quyền Ngô Đình Diệm, mà phải thủ tiêu trước lúc Liên hiệp quốc tái nhóm để xét về tờ trình của phái đoàn điều tra, khiến cho cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm nhanh chóng diễn ra” .
Rõ ràng, trên bình diện quốc tế, “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” có tác dụng gom mọi người dù khác chính kiến, khác màu da vào cùng một khối, kết tụ được tinh anh của những khối óc và trái tim vì tình thương mà quyết không chịu lùi bước trước bạo quyền. Ngay cả những nhà nước không cùng thể chế chính trị, thậm chí là đối địch nhau, song trước cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam họ đều cùng đứng chung một trận tuyến chống lại bạo quyền. Điều này làm cho qui mô phong trào vượt hẳn bất cứ phong trào nào đối lập hoặc độc lập với chính quyền Ngô Đình Diệm trước đó. Cũng chính vì vậy, mà trên phương diện học thuật, cho đến tận ngày nay, “pPong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”, tiêu biểu là sự hy sinh dũng cảm của Hoà thượng Thích Quảng Đức, vẫn là nguồn cảm hứng bbất tận đối với giới nghiên cứu Đông – Tây. Tiến sĩ Robert Topmiller (Mỹ) viết: “Ngày nay, “ngọn đuốc sống” của Ngài vẫn được nhiều người Mỹ quan tâm nghiên cứu. Đó là một đề tài bất tận đối với khoa học phương Tây” .
4. Phong trào Phật giáo miền Nam góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, bước đầu làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam phát triển.
Đối lịch sử dân tộc, “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” không chỉ làm riêng việc giải thoát cho sức sống, cho sự phát triển và trường tồn của Phật giáo Việt Nam vốn đã gắn bó máu thịt với dân tộc qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, mà hơn thế là góp phần phá bỏ cái thảm hoạ “chín năm máu dưới chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm” đã tròng lên đầu lên cổ “một nửa dân tộc” Việt Nam. Chính vì ý nghĩa lớn lao đó nên khi phong trào vừa mới diễn ra ở Huế, Xã luận báo Nhân Dân ngày 15-5-1963 đã lên tiếng ủng hộ và khẳng định về tính tất thắng của phong trào. Bài xã luận viết: “Cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật và các tầng lớp đồng bào khác ở Huế là một cuộc đấu tranh chính nghiã được nhân dân cả nước ủng hộ. Nhân dân miền Bắc vô cùng khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào Huế được sự ủng hộ rộng rãi ở miền Nam. Chúng ta tin chắc cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng của đồng bào Huế và ở toàn miền Nam mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng”.
Ngày 30-6-1963, tức hơn hai tuần sau khi Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, trong một bài giảng tại nhà thờ ở New York, Mục sư Donalds Harrington đã cho rằng cái chết của Thích Quảng Đức “đã cứu vớt bao nhiêu sinh linh đang chìm đắm trong khổ hận, kẻ đàn áp cũng như kẻ bị đàn áp đều bừng tỉnh. Ngài đã tô đậm nét vàng son và trang sử huy hoàng của Phật giáo và dân tộc” .
Khi phong trào vừa kết thúc, Báo cáo về tôn giáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội Mặt trận lần thứ II (1-1-1964) viết: “Trong phong trào chung của các tôn giáo chống chế độ độc tài phát-xít Mỹ-Diệm và đòi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, phong trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật vừa qua đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam” . Phong trào được xem như là “sự kiện mở đầu phong trào đô thị sau hơn 9 năm dưới chính quyền phát-xít Mỹ-Diệm .... được ghi nhận như là một sự kiện lịch sử của Mặt trận Dân tộc Thống nhất” .
Bàn về ý nghĩa của “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”, Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Cả trong thành thị cũng dấy lên những làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch, làm lung lay tận gốc chế độ bù nhìn. Hoang mang trước sự lớn mạnh và thế tiến công cách mạng, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi tay sai, phế bỏ Ngô Đình Diệm hòng cải thiện tình hình chính trị và quân sự để cứu vãn thất bại. Song Mỹ đã phạm phải sai lầm. Sau sự sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên môt bước mới” .
Đúng là “chiến tranh cách mạng đã phát triển lên môt bước mới” . Sau đảo chính, chính quyền Sài Gòn chẳng những không ổn định mà trái lại càng khủng hoảng trầm trọng: “Tình trạng Việt Nam cộng hoà còn tồi tệ hơn hồi chính quyền Diệm: Kinh tế suy sụp, vật giá leo thang, tiền sụt giá so với Mỹ kim, nạn thất nghiệp, đầu cơ trích trữ và tham nhũng gia tăng” . Đảo chính và phản đảo chính diễn ra liên tục. Theo thú nhận của chính quyền Sài Gòn: “Trong vòng ba tháng sau đảo chính, Việt Cộng nổi dậy khắp nơi. Tỉnh Kiến Hoà phải rút đi 51 đồn bót, mất 15 xã. Ở miền Trung từ Phan Thiết trở ra trong vòng hai tháng sau đảo chính, 2200 ấp chiến lược trong tổng số 2700 ấp chiến lược hoàn toàn bị tan tác.
Tổng số 4248 ấp chiến lược ở miền Nam thì có 3915 ấp bị phá hẳn. Trong phúc trình gửi Tổng thống Johnson ngày 16-3-1964, Mc. Mamara đưa ra một bức tranh bi thảm, hậu quả của cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm: “Trong số đất đai của 22 tỉnh (trong 44 tỉnh), Việt Cộng kiểm soát tới 50% hoặc nhiều hơn thế. Phước Tuy, Việt Cộng kiểm soát 80%; Bình Dương 90%; Hậu Nghĩa 90%; Long An 90%; Định Tường 90%; Kiến Hoà 90%; An Xuyên (Cà Mau) 85%. Quận Mõ Cày và các xã Định Thuỷ, Bình Khánh, Phước Hiệp, “đỏ 100%”; trên 900 xã như trong trường hợp ba xã này ... Sau đảo chính 1963, trong một thời gian ngắn, đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một “xa lộ thênh thang”, thực hiện chỉ thị của Đảng: “Lấy phương thức vận tải cơ giới làm chủ yếu, kết hợp với phương thức vận tải thô sơ, vận dụng linh hoạt phương châm “đánh, phòng, tránh”. Trước đây, đoàn vận tải ô tô chỉ vào Khe Hó đổ hàng rồi từ đây dùng voi hay sức người chuyển vào Palin Thừa Thiên. Đầu năm 1964, các đoàn ô tô đã có thể đi tới điểm trạm ngã ba biên giới Kontum, số lượng vận tải tăng 40 lần so với năm trước, tỉ trọng vận tải cơ giới là 51%” .
Từ trước tới nay, khi bàn về “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”, hầu hết các nhà nghiên cứu chỉ giới hạn ý nghĩa lớn lao của nó trong việc góp phần đánh đổ chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm. Trong thực tế, ý nghĩa của phong trào còn vượt xa hơn, trong đó vấn đề nổi trội nhất chính là ở chỗ phong trào bước đầu làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà cho phong trào cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Tình hình chính trường và chiến trường miền Nam trước và sau đảo chính (1-11-1963) chứng minh cho nhận định này.
Từ sự trình bày và phân tích trên đây, “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” nên được cấu tạo như thế nào trong giáo trình “Lịch sử Việt Nam hiện đại” (chuyên ngành lịch sử) ở bậc đại học và cao đẳng?
Trước hết phải khách quan mà nhận rằng trong hơn một thập kỷ trở lại đây, các “Giáo trình Lịch sử Việt Nam hiện đại” (chuyên ngành lịch sử) ở bậc đại học và cao đẳng đã dành mươi dòng trình bày về “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”. Gần đây, một số công trình nghiên cứu về phong trào này đã được công bố . Kết quả nghiên cứu đã được đưa vào chương trình giảng dạy dưới dạng chuyên đề ở Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Huế từ năm học 2001-2002. Đây là một việc làm rất đáng trân trọng của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế.
Tuy nhiên, so với ý nghĩa lịch sử của phong trào như đã đề cập thì chừng đó vẫn chưa đủ, cần phải đưa nó ra khỏi “tính địa phương”. Điều này có nghĩa là việc giảng dạy “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” phải được nhân rộng, không phải nhân rộng dưới dạng chuyên đề (điều này còn tuỳ thuộc đặc điểm của mỗi trường đại học), mà phải nhân rộng bằng cách đưa nội dung phong trào thành một mục trong “Giáo trình lịch sử Việt Nam hiện đại” dùng cho chuyên ngành lịch sử ở các trường đại học và cao đẳng với một dung lượng lớn hơn. Làm được như vậy, tức là “đổi mới tư duy lịch sử”, tạo điều kiện cho đội ngũ sinh viên sư phạm chuyên ngành lịch sử nắm bắt đúng đắn và trọn vẹn về “cái biện chứng của lịch sử” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), nhằm làm tốt nhiệm vụ của người giáo viên giảng dạy lịch sử sau khi ra trường, cũng có nghĩa là góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn về điều mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một” . Đạt được như vậy, tất sẽ tạo thêm được nguồn lực trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay và cả trong tương lai.