KINH TIỂU BỘ TẬP IV
Khuddhaka Nikàya
Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch Việt - Phật Lịch 2545- 2001
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (I) Jàtaka
PHẨM KULAVAKA
31. CHUYỆN TỔ CHIM CON (Tiền thân Kulàvaka)
Hãy để tổ chim con ...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo uống nước không lọc. Theo truyền thuyết, hai bạn trẻ Tỷ-kheo từ Xá-vệ đi về tỉnh, trú tại một địa điểm thoải mái cho đến thỏa thích, rồi từ đó ra đi, hướng về Kỳ Viên để yết kiến bậc Chánh Đẳng Giác.
Một Tỷ-kheo có trong tay một lọc nước và người kia không có. Hai người thường lọc nước chung để uống. Một hôm, họ cãi lộn nhau. Người chủ cái lọc nước không cho người kia dùng lọc nước, tự mình lọc riêng rồi uống nước. Người kia không có đồ lọc nước, và không thể nhịn khát, nên uống nước không lọc. Hai người ấy tuần tự đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Đạo Sư, và ngồi xuống.
Sau khi chào đón thân tình, bậc Đạo Sư liền hỏi:
- Các ông từ đâu đến?
- Bạch Thế Tôn, chúng con ở quốc độ Kossala, sống trong một làng, từ đấy ra đi để yết kiến Ngài.
- Nhưng các ông đi đường có hoà thuận không?
Người không có lọc nước nói:
- Bạch Thế Tôn, người này giữa đường cãi lộn với con, không cho con lọc nước.
Người kia nói:
- Bạch Thế Tôn, người này không lọc nước, tuy biết, vẫn uống nước có loài hữu tình.
- Này Tỷ-kheo có thật chăng, ông tuy biết, vẫn uống nước loài hữu tình?
- Thưa có vậy, bạch Thế Tôn, con uống nước không lọc.
Bậc Đạo Sư:
- Này Tỷ-kheo, trong thời quá khứ, các bậc Hiền trí trị vì thành phố chư Thiên, trong khi thua trận, chạy trốn trên mặt biển, quyết không vì vương quyền giết hại các hữu tình, nên đã từ bỏ danh vọng lớn để cứu mạng sống cho các loài chim con loài Kim-sí-điểu, và họ đã cho xe quay lui.
Nói vậy xong, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, trong nước Ma-kiệt-đà, tại thành Vương Xá, có một vị vua Ma-kiệt-đà trị vì. Cũng như nay, Đế Thích (Thiên chủ Sakka) trong một đời sống trước đã sanh ra trong làng Macala ở nước Ma-kiệt-đà. Thời đó, Bồ-tát được sanh làm con trai một đại gia đình quý tộc cùng ở trong làng Macala ấy. Vào ngày đặt tên, Bồ-tát được đặt tên là hoàng tử Magha; khi lớn lên có tên là Maghamanava (thanh niên Magha).
Cha mẹ, cưới cho Bồ-tát một người vợ từ một gia đình có môn đăng hộ đối. Bồ-tát cùng với con trai, con gái lớn lên, thường hay bố thí, và giữ gìn Năm giới, trong làng ấy có ba mươi gia đình. Và những người trong ba mươi gia đình ấy, một hôm, đứng ở giữa làng bạn bạc giải quyết những vấn đề ở trong làng.
Bồ-tát, tại chỗ mình đứng, dùng chân quét sạch bụi làm chỗ ấy trở thành tốt đẹp và đứng đó. Rồi một người khác đến, đứng thế chỗ ấy. Bồ-tát lại làm một chỗ khác, một chỗ khác, cho đến khi chỗ đứng cho tất cả mọi người trở thành tốt đẹp.
Trong một thời khác, Bồ-tát dựng một cái lều, sau đó dẹp lều, rồi dựng một phòng lớn, trong ấy có đặt ghế giường và ghè nước.
Trong một thời khác, ba mươi người ấy do Bồ-tát hướng dẫn trở thành dân tốt như mình. Bồ-tát thường cùng đi với họ làm các công đức như: sáng sớm thức dậy, với rìu nhỏ, búa, chùy cầm tay, đến ngã tư đường, họ đập với cái chùy, làm bật lên những hòn đá, đẩy đá qua một bên, dọn dẹp những cây va chạm vào trục xe, san bằng con đường gồ ghề, xây cầu, đào ao hồ, dựng phòng ốc, bố thí và giữ giới. Như vậy, phần lớn toàn dân trú trong làng vâng theo lời khuyên dạy của Bồ-tát, giữ gìn các giới.
Nguời thôn trưởng suy nghĩ về họ: "Trước đây, khi những người này uống rượu, sát sanh v.v..., ta lấy được nhiều tiền, nào tiền rượu, tiền phạt, tiền cúng. Nay thanh niên Magha khiến họ giữ giới, nên họ không còn sát sanh nữa, v.v... Nay ta sẽ làm cho họ từ bỏ Năm giới".
Kẻ ấy phẫn nộ đi đến hầu vua và thưa:
- Tâu Thiên tử, có một đoàn ăn cướp, đang phá xóm làng và làm nhiều tội ác!
Vua nghe kẻ ấy nói như vậy, liền bảo:
- Hãy đi và dẫn chúng đến!
Người thôn trưởng bắt họ trói lại, dẫn họ đến và báo với vua:
- Thưa Thiên tử, những người ăn cướp đã được dẫn đến.
Không điều tra việc làm của họ, vua nói:
- Hãy đem chúng cho voi chà!
Vua bắt tất cả những người ấy nằm xuống trên sân vua và đem voi lại.
Bồ-tát khuyên bảo họ:
- Các bạn hãy hành trì giới. Hãy khởi lòng từ đối với kẻ vu cáo, đối với vua, đối với con voi, đối với tự thân đều giống nhau.
Họ làm như lời khuyên ấy.
Các người của vua đem voi đến để chà họ chết. Con voi được dắt đến nhưng không lại gần, chỉ rống to rồi bỏ chạy. Họ lại đem con voi khác nữa. Tất cả đều bỏ chạy như vậy. Vua nghĩ: "Chắc trong tay họ có thuốc trường sanh!" và vua ra lệnh soát. Sau khi soát không thấy gì, họ thưa lên với vua:
- Vậy chắc họ có đọc bùa chú.
- Hãy hỏi họ.
Những người của vua hỏi, Bồ-tát trả lời:
- Có.
Họ thưa lại với vua.. Vua cho gọi tất cả bọn họ đến và bảo:
- Hãy đọc bài chú của các người.
Bồ-tát trả lời:
- Thưa Thiên tử, chúng tôi không biết bùa chú gì khác. Nhưng ba mươi người chúng tôi không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không nói láo, không uống rượu. Chúng tôi khởi lòng từ, chúng tôi bố thí, chúng tôi san bằng đường sá, chúng tôi đào ao hồ, chúng tôi xây phòng ốc. Đấy là bùa chú của chúng tôi, là sức mạnh của chúng tôi.
Vua rất bằng lòng với họ, liền cho họ tất cả gia sản của người vu cáo, bắt người vu cáo làm nô lệ cho họ, rồi cho họ cả đàn voi và ngôi làng. Từ đấy trở đi, họ làm các công đức theo sở thích của họ, họ gọi thợ mộc để xây dựng một phòng họp lớn tại ngã tư đường. Vì không còn ham muốn đối với nữ nhân, họ không cho nữ nhân tham gia vào công đức làm phòng họp ấy.
Lúc bấy giờ, tại nhà Bồ-tát có bốn nữ nhân tên là Thiện Pháp, Tư Duy, Hoan Hỷ, Thiện Sanh. Một trong bốn nữ nhân là Thiện Pháp tự mình đi tìm người thợ mộc, hối lộ cho người ấy và nói:
- Này anh, hãy cho tôi đóng góp phần chính trong việc làm phòng họp này.
Người thợ mộc chấp nhận lời yêu cầu, trước tiên cho phơi khô gỗ làm tháp nhọn, chặt đẽo, đục lỗ, làm xong cái tháp nhọn, rồi lấy vải cuốn lại và cất đi. Khi người thợ mộc làm xong phòng họp, đến thời đặt tháp nhọn, anh ta lại kêu than:
- Ôi, thưa các Tôn giả, có một vật chúng ta chưa làm.
- Cái gì vậy?
- Cần phải có một cái tháp nhọn.
- Được, chúng tôi sẽ đem đến.
- Nay không thể làm với cây mới chặt được. Chúng ta cần phải có một cái tháp nhọn với cây đã chặt trước phơi khô một thời gian, rồi cắt đẽo, và đục lỗ để dành.
- Vậy nay phải làm gì?
- Hãy tìm xem trong nhà của ai có cất một cái tháp nhọn đã làm xong và để bán.
Họ tìm kiếm, và thấy trong nhà của Thiện Pháp có cái tháp ấy, nhưng không mua được.
- Nếu các ông cho tôi dự phần công đức làm phòng họp, thì tôi sẽ biếu cái tháp nhọn.
- Không được, chúng tôi không cho nữ nhân dự phần công đức.
Người thợ mộc nói với họ:
- Sao các Tôn giả lại nói vậy? Chỉ trừ Phạm thiên giới, không một chỗ nào khác loại trừ nữ nhân! Hãy lấy tháp nhọn. Có như vậy công việc của chúng ta mới hoàn thành.
Họ bằng lòng lấy tháp nhọn, và làm xong phòng họp. Sau đó, họ cho sắp những ghế dài bằng gỗ, đặt những ghè đựng nước, cung cấp cháo và cơm. Họ xây một bức tường xung quanh phòng họp, gắn cửa ra vào, rải cát giữa những bức thành và ngoài bức thành trồng một dãy cây cọ dừa.
Còn nàng Tư Duy xây dựng một công viên tại chỗ ấy. Tại đó, không có một cây hoa nào, cây trái nào mà không có tên nàng. Nàng Hoan Hỷ đào một hồ nước đẹp đẽ, tràn đầy hoa sen năm sắc. Còn nàng Thiện Sanh không làm gì cả.
Bồ-tát làm đầy đủ bảy điều thệ nguyện: Hầu mẹ, hầu hạ cha, kính trọng anh cả, nói lời chân thật, không noí lời ác, không nói lời vu váo, nhiếp phục xan tham và tóm tắt trong bài kệ:
Người nuôi dưỡng mẹ cha,
Kính bậc trưởng gia đình,
Nói từ hòa, ái ngữ,
Từ bỏ lời vu cáo,
Nhiếp xan tham nói thật,
Phẫn nộ được chế ngự,
Chư Thiên Ba mươi ba
Gọi là bậc Chân nhân.
Bồ-tát đạt trạng thái đáng được tán thán nhu vậy, và khi mạng chung, được sanh làm Đế Thích Thiên Chủ ở cõi Trời ba mươi ba. Những người bạn của Bồ tát cũng sanh lên đó. Trong thời ấy, tại cõi trở Ba mươi ba, các Thần Asura (A-tu-la) cũng sống chung. Thiên Chủ Đế Thích nói:
- Tốt gì cho chúng ta khi một vương quốc phải ở chung với kẻ khác?
Rồi ngài cho các A-tu-la uống nước chư Thiên, khi chúng say, Thiên Chủ Đế Thích cầm chân chúng ném xuống vực núi Sineru (Tu-di). Chúng rơi vào lâu đài ở cảnh giới A-tu-la. Lâu đài của A-tu-la nằm ở tầng thấp nhất của núi Tu-di, rộng bằng cõi Trời ba mươi ba.
Tại đấy có mọc một cây giống như cây San hô của chư Thiên sống suốt một kiếp và được gọi là Cây bông kèn. Cây bông kèn nở hoa, cho chúng biết đây không phải là cõi trời của chúng vì cõi trời có nở hoa San hô. Chúng nói:
- Ông già Đế thích cho chúng ta uống say, rồi quăng chúng ta trên mặt biển lớn và chiếm thành chư Thiên của chúng ta. Chúng ta hãy tiến đánh lão ấy và lấy lại thành chư Thiên của chúng ta!
Rồi chúng leo lên sườn núi Tu-di như những con kiến leo lên cột. Đế Thích nghe các Thần A-tu-la đã leo lên, liền xông ra mặt biển giao tranh, bị chúng đánh bại, liền chạy trốn trên chiếc xe Vejeyanta dài một trăm năm mươi dặm, chạy trên những đầu ngọn sóng biển phía nam. Chiếc xe của Đế Thích chạy lướt trên mặt biển, đi đến ngôi rừng cây bông lụa. Trên đường đi của chiếc xe, rừng cây bông lụa bị chặt đứt như những cây cọ dừa và rơi trên mặt biển. Các con chim Kim-sí-điểu (Garula, thim thần cánh vàng) bay quanh trên mặt biển, kêu gào lớn tiếng. Đế Thích hỏi thần lái xe Màtali:
- Này bạn Màtali, tiếng kêu gì vậy? Nó kêu thật bi thương?
- Thưa Thiên đế, vì rừng cây bông lụa rơi xuống, do tốc độ cỗ xe ngài nghiền nát, các con chim Kim-sí-điểu sợ chết đồng thanh kêu gào như vậy.
Bậc Đạo Sĩ nói:
- Này bạn Màtali, chớ làm chúng mệt mỏi, vì chúng ta. Chúng ta không vì chủ quyền thiên giới mà sát sanh. Vì lợi ích của chúng, ta sẽ từ bỏ mạng sống và nộp mình cho loài A-tu-la! Hãy quay xe lại đi!
Nói vậy xong, Đế Thích đọc bài kệ:
Hãy để tổ chim con,
Hỡi này Mà-ta-li!
Trong rừng Sim-ba-li
Tránh miệng ác chủ tể,
Ta sẵn sàng nộp mạng
Cho các A-tu-la,
Chớ để các chim này
Bị xé nát khỏi tổ.
Thần đánh xe Màtali nghe lời Đế Thích, quay xe lại, đi về hướng thiên giới bằng con đường khác. Các thần A-tu-la thấy Đế Thích quay xe lại, tự nghĩ: "Chắc chắn các Đế Thích từ những thế giới khác đến, được sức mạnh tiếp viện, nên mới quay xe lại". Bị dao động vì sợ chết, chúng liền chạy trốn vào lâu đài A-tu-la.
Còn Đế Thích đi vào thành chư Thiên, đứng ở giữa thành, với Thiên chúng của hai thiên giới vây quanh. Trong thời khắc ấy, đất nứt ra, và lâu đài Vejayanta (Tối thắng) trồi lên cao một ngàn dặm. Vì nó trồi lên khi thắng trận, nên được gọi là lâu đài Vejayanta. Để ngăn chận các A-tu-la trở lại, Đế Thích ra lệnh cho bảo vệ năm chỗ, liên hệ vấn đề này, Đế Thích nói lên bài kệ:
Giữa hai thành bất thắng,
Đặt năm chỗ bảo vệ,
Bảo vệ bởi Rắn thần,
Bởi chim Kim-sí-điểu,
Kum-bhan-da, Dạ-xoa,
Và bởi bốn thiên vương.
Được năm chỗ bảo vệ này, Thiên chủ Đế Thích thọ hưởng những vinh quang thiên giới. Nàng Thiện Pháp, sau khi mạng chung, được sanh làm vương hậu một lần nữa. Do kết quả cúng dường cái tháp nhọn, đã khởi lên cho nàng một lâu đài tên là Thiện Pháp đình với thiên báu, cao đến năm trăm dặm. Tại đấy, dưới một chiếc lọng trắng của chư Thiên, Thiên chủ Đế Thích ngồi trên một tấm nệm bằng vàng rộng một dặm và làm những công việc cần phải làm cho chư Thiên và loài người. còn Tư Duy, sau khi mạng chung, cũng sanh làm vương hậu của Đế Thích; do kết quả xây dựng một công viên, đã khởi lên cho nàng một công viên tên là Cittalatavana (Tư Duy Viên). Hoan Hỷ, khi mạng chung, cũng sanh làm vương hậu của Đế Thích, do kết quả cúng dường cái hồ, đã khởi lên cho nàng một cái hồ tên là Nanda (Hoan hỷ). Còn Thiện Sanh, do không làm thiện nghiệp gì, được sanh làm con chim hạc ở một hang động trong rừng.
Không thấy bóng dáng Thiện Sanh ở đâu, muốn biết nàng tái sanh chỗ nào, Đế Thích hướng tâm xem xét và thấy nàng, liền đi đến chỗ ấy thăm nàng rồi đưa nàng lên thiên giới, chỉ cho thấy thành phố chư Thiên đẹp đẽ, lâu đài chư Thiên của Thiện Pháp, rừng cây leo của Tư Duy, cái hồ của Hoan Hỷ, Đế Thích nói:
- Những nàng này, vì có làm việc thiện nên được sanh làm vương hậu của ta. Còn nàng, không làm việc lành, phải sanh làm chim hạc. Bắt đầu từ nay, hãy giữ giới!
Sau khi khuyến giáo nàng và trao cho nàng Năm giới, Đế Thích đưa nàng về lại chỗ cũ và thả nàng ra. Từ đấy trở đi, nàng giữ giới. Sau một thời gian, muốn tìm hiểu nàng có giữ giới nữa không, Đế Thích đi đến hiện hình làm con cá nằm trước mặt nàng. Nghĩ rằng cá đã chết, hạc ngậm lấy đầu cá. Cá vẫy đuôi, hạc liền thả cá ra, và nói:
- Ôi nó còn sống!
Đế Thích nói:
- Lành thay, nàng có thể giữ giới được!
Rồi ngài ra đi. Con hạc, sau khi mạng chung, được sanh vào một gia đình làm đồ gốm ở Ba-la-nại. Đế Thích không biết nàng tái sanh ở đâu. Khi biết chỗ tái sanh của nàng, Đế Thích liền chở đầy một xe dưa chuột bằng vàng, giả dạng một ông già, ngồi giữa làng và la lớn:
- Hãy đến lấy dưa chuột! Hãy đến lấy dưa chuột!
Nhiều người tự lại nói:
- Này ông bạn thân, hãy cho chúng tôi!
- Ta chỉ cho những người nào giữ giới! Các chú có giữ giới không?
- Chúng tôi không biết giới. Chúng tôi sẽ trả tiền.
- Ta không cần tiền! Ta sẽ cho những ai giữ giới!
Các người ấy nói:
- Cụ già này thật lẩn thẩn.
Rồi họ bỏ đi.
Thiện Sanh nghe thấy, nghĩ rằng những trái dưa chuột này được mang đến cho nàng, liền đi đến và nói:
- Này ông bạn thân, hãy cho tôi!
- Nàng có giữ giới không?
- Thưa, tôi có giữ giới!
- Những trái dưa chuột này chính ta mang đến cho nàng!
Rồi Đế Thích để xe dưa chuột trước của nhà nàng và ra đi. Còn nàng giữ giới cho đến trọn đời. Từ đấy mạng chung, nàng sanh làm con gái của chúa thần A-tu-la là Vepacittiva, nhờ giữ giới nên nàng rất đẹp.
Đến tuổi trưởng thành, cha nàng cho họp các thần A-tu-la lại để cô con gái tự do chọn lựa chồng theo sở thích của nàng.
Lúc ấy, Đế Thích đang tìm xem Thiện sanh ở đâu, và biết được chỗ nàng tái sanh, tự nghĩ: "Nàng đang tìm chồng theo sở thích, chắc chắn nàng sẽ lấy ta!". Đế Thích liền hóa hiện ra một thần A-tu-la, và đi đến chỗ ấy. Nàng được trang sức và được đưa đến chỗ tụ họp để lựa chọn chồng theo ý muốn. Nàng nhìn Đế Thích, với tình yêu thưở trước, liền chọn ngay Đế Thích:
- Đây là chồng của tôi!
Đế Thích đưa nàng về thành chư Thiên, đặt nàng lên địa vị nữ vương cầm đầu hai mươi triệu vũ nữ. Nàng sống như vậy cho đến mạng chung rồi đi theo nghiệp mình.
*
Sau khi kể câu chuuyện, bậc Đạo Sư đã khiển trách vị Tỷ-kheo ấy và nói:
- Như vậy, này các Tỷ-kheo, thuở trước trong khi các bậc Hiền trí trị vì thiên quốc, dầu từ bỏ thân mạng của mình, cũng không sát sanh. Còn ông xuất gia trong Giáo pháp giải thoát như vậy, lại uống nước không lọc, có các loại hữu tình.
Sau khi khiển trách Tỷ-kheo ấy và kết hợp hai câu chuyện, bậc Đạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, thần đánh xe Matali là Ànanda, còn Đế Thích là Ta vậy.
-ooOoo-
32. CHUYỆN MÚA CA (Tiền thân Nacca)
Âm thanh ngươi êm dịu... ,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên bậc Đạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo có nhiều đồ vật. Giống như câu chuyện đã được nói đến trong Tiền thân Devadhamma (số 6), bậc Đạo Sư hỏi:
- Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông có nhiều đồ vật?
- Thưa phải, bạch Thế Tôn.
- Vì sao ông có nhiều đồ vật?
Nghe đến đây, Tỷ-kheo ấy phẫn nộ, quăng bỏ y trong, y choàng, đứng trần truồng trước mặt bậc Đạo Sư và nói:
- Nay tôi sẽ thoát y như thế này!
Mọi người đều nói:
- Ôi, xấu hổ thay!
Tỷ-kheo ấy bỏ chạy rồi hoàn tục. Các Tỷ-kheo ngồi tại Pháp đường, nói về thái độ bất nhã của Tỷ-kheo ấy đã làm trước mặt bậc Đạo Sư. Bậc Đạo Sư đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp tại đây bàn câu chuyện gì?
- Bạch Thế Tôn, chúng con đang nói về thái độ bất nhã của Tỷ-kheo ấy, trước mặt Thế Tôn và giữa bốn chúng, từ bỏ tàm quý đã đứng trần truồng như một đứa trẻ ở làng, bị quần chúng ghét bỏ, vị ấy đã hoàn tục, từ bỏ Giáo pháp!
Bậc Đại Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải nay Tỷ-kheo ấy mới không có tàm quý, từ bỏ Pháp bảo. Trong đời quá khứ, kẻ ấy đã từ bỏ vợ báu của mình.
Nói vậy xong, bậc Đạo Sư kể câu chuyện sau đây.
*
Thuở xưa, trong kiếp thứ nhất, các loài thú bốn chân tôn Sư Tử làm vua, các loài cá tôn cá thần Ànanda, và các loài chim tôn ngỗng trời Suvanna (Kim nga). Con gái vua ngỗng trời Suvanna, một ngỗng trời con rất đẹp, được vua ban cho một ước nguyện. Nàng ước nguyện được một tấm chồng theo sở thích của mình. Vua ngỗng trời làm theo ước nguyện của con, cho tập hợp tất cả loài chim tại núi Tuyết. Từng đàn chim đủ loại như ngỗng trời, chim công, v.v... lũ lượt bay tới tấp, tập hợp trên một cao nguyên bằng đá lớn. Vua ngỗng trời cho gọi con gái đến và nói:
- Con hãy lựa chọn chim chồng mà theo con thích ý!
Nàng nhìn đàn chim, thấy con chim công có cổ đẹp với màu sắc châu báu, có lông đuôi nhiều màu, liền chọn con chim ấy và nói:
- Con chim này sẽ là chồng con!
Đàn chim vậy quanh chim công nói:
- Này bạn chim công, công chúa này, giữa những đàn chim, đã chọn bạn làm chồng. Hãy vui sướng lên bạn!
Con chim công quá sung sướng nói lớn:
- Cho đến hôm nay, các ngươi chưa thấy sức mạnh của ta!
Rồi giữa các đàn chim, bỏ mất tàm quý, chim công xòe cánh ra. bắt đầu múa và khi múa nó không che thân. Vua ngỗng trời Suvanna xấu hổ nói:
- Con chim này không có tàm khởi lên từ nội tâm, không có lòng quý khởi lên từ bên ngoài, ta sẽ không gả con gái ta cho kẻ đã phá hoại tàm quý!
Rồi vua ngỗng trời nói lên bài kệ giữa đàn chim:
Âm thanh ngươi êm dịu,
Lưng người thật đẹp đẽ,
Cổ ngươi về màu sắc
Chẳng khác ngọc lưu ly,
Lông đuôi người xòe rộng,
Dài rộng đến một tầm,
Nhưng vì ngươi nhảy múa,
Ta không cho con gái.
Trước mặt đàn chim ấy, vua ngỗng trời gả công chúa cho ngỗng trời con. Còn con chim công mất công chúa ngỗng trời, xấu hổ, bay cao, và trốn mất. Vua ngỗng trời cũng đi về chỗ ở của mình.
*
Bậc Đạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo không phải nay Tỷ-kheo ấy mới bỏ mất tàm quý, từ bỏ Pháp bảo. Trong thời quá khứ, kẻ ấy đã làm mất vợ báu của mình.
Khi Ngài kể xong pháp thoại này, Ngài kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân như sau:
- Lúc ấy con chim công là người có nhiều đồ vật. Còn vua ngỗng trời là Ta vậy.
-ooOoo-
33. CHUYỆN SỐNG HÒA HỢP (Tiền thân Sammodamàna)
Khi chung sống hòa hợp...,
Câu chuyện này, khi ở tại Vườn Cây bàng gần Ca-tỳ-la-vệ, bậc Đạo Sư đã kể về việc tranh cãi nhau vì cái gối. Câu chuyện sẽ được trình bày trong Tiền thân Kunala (số 536).
Lúc bấy giờ, bậc Đạo Sư bảo các bà con:
- Này các Đại vương, các bà con không nên tranh cãi nhau. Trong thời quá khứ, các loài thú khi sống hòa hợp. đã chiến thắng được kẻ thù; còn khi sống bất hòa, đã bị nạn diệt vong lớn.
Theo yêu cầu của các hoàng tộc, bà con, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát sanh làm con chim cun cút đầu đàn, được vây quanh với hàng ngàn con chim cun cút, sống ở trong rừng. Lúc bấy giờ, một thợ săn chim đi đến vùng cun cút, nhờ bắt chước tiếng kêu của loài cun cút, kẻ ấy biết được chỗ tụ họp của đàn chim. Người thợ săn liền quăng lưới lên trên đàn chim, chận lại các đường viền, tóm tất cả đàn chim cút thành một mối, bỏ vào giỏ đi về nhà, đem bán và nuôi sống với số tiền ấy.
Một hôm, Bồ-tát nói với các con chim cun cút:
- Người thợ săn chim này giết hại nhiều bà con chúng ta; nay ta có một phương kế khiến kẻ ấy không thể bắt chúng ta được. Từ nay trở đi, khi kẻ ấy vừa quăng lưới trên đầu các ngươi, mỗi một chim cút chui đầu vào một lỗ của lưới, nhấc bổng lưới lên đến chỗ các ngươi muốn, và hạ xuống trên một bụi gai. Làm như vậy, chúng ta sẽ trốn thoát khỏi nhiều mẻ lưới!
Tất cả chúng đều vâng theo. Vào ngày hôm sau, khi lưới được quăng trên đàn chim, chúng liền nhấc bổng lưới lên như lời Bồ-tát dặn và thả xuống trên một bụi gai, rồi trốn thoát theo ngã dưới. Người thợ săn chim đang còn gỡ lưới khỏi bụi gai, thì trời đã xế chiều, nên đi về với tay không.
Nhiều ngày kế tiếp, các con chim cun cút đều làm như vậy. Người thợ sănchim cứ loay hoay cho đến khi mặt trời lặn, chỉ lo gỡ lưới, không bắt được gì và đi về nhà tay không.
Người vợ tức giận nói:
- Ngày lại ngày, ông về hai tay không. Tôi nghĩ rằng có lẽ ông có một chỗ nuôi dưỡng khác!
Thợ săn chim nói:
- Này bà, ta không có chỗ nuôi dưỡng nào khác. Nhưng các con chim cun cút sống hòa hợp với nhau. Chúng mang đi lưới ta quăng, và thả xuống một bụi gai rồi bỏ đi. Nhưng chúng sẽ luôn luôn không sống hòa thuận được. Bà chớ lo. Khi chúng tranh cãi nhau, lúc ấy, ta sẽ bắt gọn tất cả chúng, nụ cười sẽ trở lại trên môi bà!
Rồi kẻ ấy nói lên bài kệ với người vợ:
Khi chung sống hòa hợp,
Các chim mang lưới đi,
Khi chúng tranh cãi nhau,
Chúng rơi vào tay ta.
Vài ngày trôi qua, khi một con chim cun cút đậu xuống chỗ ăn, vô ý bước trên đầu một con chim khác. Chim ấy tức giận nói:
- Ai bước trên đầu ta?
- Chính tôi vô ý bước. Đừng giận tôi!
Tuy vậy, con chim ấy vẫn giận, tiếp tục nói:
- Ngươi nghĩ rằng chỉ một mình ngươi nhấc bổng lưới lên chăng?
Khi chúng tranh cãi nhau, Bồ-tát suy nghĩ: "Khi tranh cãi nhau thì không có an toàn. Nay bọn chim sẽ không nhấc bổng lưới lên nữa. Do vậy, bọn cun cút sẽ gặp nạn, người thợ săn sẽ nắm được cơ hội. Ta sẽ không sống ở chỗ này nữa!". Rồi Bồ-tát đem đàn chim của mình đi đến một chỗ khác. Người thợ săn chim lại đến, sau một vài ngày, bắt chước giọng chim cun cút, và quăng lưới lên chỗ chúng đang tụ họp. Một con chim cun cút nói:
- Nghe nói, khi ngươi nhấc bổng lưới lên, lông trên đầu rơi xuống. Vậy nay hãy nhấc bổng lên!
Một con chim khác nói:
- Nghe nói, khi ngươi nhấc bổng lưới lên, lông hai cánh của ngươi rơi xuống. vậy nay hãy nhấc bổng lên!
Như vậy, khi đàn chim cun cút đang tranh cãi nhau, người thợ săn chim nhấc bổng lưới lên, bắt tất cả đàn chim nhét đầy vào một cái giỏ, đem về nhà và hy vọng đem lại thật nhiều nụ cười cho bà vợ.
*
Bậc Đạo Sư nói:
- Như vậy, thưa Đại vương, các bà con không nên tranh cãi nhau. Tranh cãi là nguồn gốc diệt vong.
Thuyết pháp thoại này xong, bậc Đạo Sư kết hợp hai mẫu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, con chim cun cút vô trí là Đề-bà-đạt-đa, còn con chim cun cút có trí là Ta vậy.
-ooOoo-
34. CHUYỆN CON CÁ (Tiền thân Maccha)
Ta không vì nóng lạnh ...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo si mê bà vợ trước thời xuất gia. Lúc bấy giờ, Bậc Đạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy:
- Có thật chăng, này Tỷ-kheo, ông bị ái nhiễm?
- Thật vậy, bạch Thế Tôn!
- Bị ái nhiễm bởi ai?
- Bạch Thế Tôn, vợ trước của con rất êm dịu khi xúc chạm. Con không thể bỏ nàng được!
Bậc Đạo Sư nói với vị Tỷ-kheo ấy:
- Này Tỷ-kheo, chính nữ nhân ấy đã tạo nên bất hạnh cho ông. Trong thời trước, ông gần chết vì nữ nhân ấy. Nhờ có Ta đi đến, ông được thoát chết.
Nói vậy xong, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Trong thời quá khứ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm vị phụ trách về nghi lễ tôn giáo của vua.
Lúc bấy giờ, các ngươi đánh cá quăng lưới trên sông. Một con cá lớn đi theo chơi với con cá mái, vợ của nó một cách rất luyến ái. Con cá mái ấy đi trước, ngửi mùi hương của lưới, bơi quanh lưới rồi bỏ đi. Con cá trống bị mù quáng bởi lòng tham luyến, đi thẳng vào trong mắt lưới. Những người đánh cá biết được cá đã mắc vào lưới bèn kéo lên, bắt con cá nhưng chưa giết nó, lại quăng nó trên bãi cát. Họ nói:
- Chúng ta sẽ nướng con cá này trên than hừng để ăn.
Rồi họ chất một đống than và chuốt nhọn cây gậy. Con cá suy nghĩ: "Ta không than khóc vì bị nướng trên than hồng, hay bị đâm xuyên bởi gậy nhọn, hay sự đau khổ nào khác. Nhưng chỉ vì con cá mái, vợ ta sẽ buồn rầu, nghĩ rằng ta đã ra đi với con cá mái khác. Đó là điều làm ta đau đớn!".
Vừa than khóc cá nói lên bài kệ:
Ta không vì nóng lạnh,
Không vì bị mắc lưới,
Chỉ sợ vợ ta nghĩ,
Ta say mê nàng khác!
Lúc bấy giờ, vị phụ trách nghi lễ tôn giáo, cùng với đám nô tỳ vây quanh, đi đế bờ sông để tắm. Vị ấy biết tiếng mọi loài. Nghe con cá than, vị ấy suy nghĩ "Con cá này đang khóc tiếng khóc than ai oán. Bị chết trong trạng thái tâm bệnh như vậy, nó sẽ sanh xuống địa ngục. Ta sẽ là người giúp đỡ nó!". Vị ấy đi đến gần những người đánh cá và nói:
- Này các bạn, các bạn không bán cho chúng ta một con cá mỗi ngày để làm món cà ri đó sao?
Những người đánh cá nói:
- Thưa ngài, sao ngài nói vậy? Ngài có thể lấy đi mọi thứ cá ngài thích!
- Chúng tôi không cần con cá nào khác, trừ con cá này.
- Thưa ngài, ngài hãy lấy nó đi.
Bồ-tát, với hai tay bắt lấy con cá, ngồi trên bờ sông và khuyên:
- Này bạn cá, nếu hôm nay ta không thấy ngươi, thì ngươi đã chết. Nhưng từ nay trở đi, ngươi chớ nên đế ái tình chi phối!
Khuyên răn xong, Bồ-tát thả con cá xuống nước và trở về thành phố.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Đạo Sư thuyết các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo bị ái nhiễm chứng quả Dư lưu. Bậc Đạo Sư kết hợp hai mẫu chuyện, và nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, con cá mái là người vợ thời trước, con cá trống là Tỷ- kheo bị ái nhiễm, còn vị phụ trách lễ nghi tôn giáo là Ta vậy.
-ooOoo-
35.CHUYỆN CON CHIM CÚT (Tiền thân Vattaka)
Có cánh không bay được ...,
Câu chuyện này, khi đang du hành ở xứ Ma-kiệt-đà, bậc Đạo Sư đã kể về lửa rừng bị dập tắt.. Một thời Thế Tôn đang du hành trong xứ Ma-kiệt-đà. Khi đang đi khất thực trong một làng nhỏ ở Ma-kiệt-đà, sau bữa ăn, trên đường trở về với chúng Tỷ-kheo, Thế Tôn thấy một đám lửa lớn bùng lên. Phía trước và phía sau ngài có nhiều Tỷ-kheo. Ngọn lửa tràn đến, lan rộng, tạo thành một màn khói và một màn lửa. Một số Tỷ-kheo còn là phàm phu, vì sợ chết, liền nói:
- Chúng ta hãy tạo nên một đám lửa đối nghịch tại chỗ ngọn lửa đang cháy, ngọn lửa kia sẽ không cháy lan rộng.
Rồi với ý định này, họ lấy que làm lửa và đốm lửa được nhen lên. Một số Tỷ-kheo khác nói:
- Này Hiền hỉ, làm gì vậy? Các Hiền giả như những người không thấy mặt trăng đứng giữa hư không, hay vòng tròn mặt trời với ngàn tia sáng mọc lên từ thế giới phương Đông, hoặc đại dương mà chúng ta đang đứng trên bờ. Hoặc các Hiền giả không thấy núi Tu-di khi các Hiền Giả cùng đi với bậc Thượng nhân ở đời này và trên thiên giới. Các Hiền giả không nhìn đến bậc Chánh Đẳng Giác mà chỉ la: Chúng ta hãy tạo nên một ngọn lửa đối nghịch! Các Hiền giả không biết Phật lực. Chúng ta hãy đi lại gần bậc Đạo Sư.
Tất cả Tỷ-kheo từ phía trước phía sau đều đi đến gần bậc Đạo Sư, đứng thành một nhóm. Bậc Đạo Sư cùng với chúng Tỷ-kheo đứng trên một khoảng đất. Các ngọn lửa rừng ầm ầm lan đến như muốn nuốt sống tất cả, nhưng khi lan đến chỗ Như Lai đứng, chúng lan xung quanh, không đến gần hơn mười sáu tầm. Nó không có sức mạnh lan rộng một vùng rộng ba mươi hai tầm (1 tầm = 1,8 m).
Các Tỷ-kheo nói lên lời tán thán đức hạnh bậc Đạo Sư:
- Ôi đức hạnh của chư Phật! Ngọn lửa vô tri này không có thể cháy lan đến chỗ chư Phật đứng, mà bị dập tắt như bó đuốc cỏ trong nước. Ôi, uy lực của chư Phật thật là kỳ diệu!
Bậc Đạo Sư, nghe câu chuyện của họ, liền nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta có sức mạnh khiến ngọn lửa tắt đi, khi cháy đến chỗ đất này. Đây chính là sức mạnh của hạnh chân thật xưa kia Ta đã làm. Chính tại chỗ này, hoàn toàn trong suốt một kiếp, lửa sẽ không đốt cháy. Thần thông này tồn tại suốt một kiếp.
Rồi Tôn giả Ànanda xếp chiếc áo Tăng-già-lê làm bốn thành tấm nệm cho bậc Đạo Sư ngồi. Bậc Đạo Sư ngồi kiết già. Chúng Tỷ-kheo đảnh lễ Như Lai, bao vây xung quanh Ngài và ngồi xuống. Các Tỷ-kheo yêu cầu:
- Bạch Thế Tôn, chúng con chỉ biết hiện tại, còn quá khứ bị che kín. Mong Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề cho chúng con.
Theo lời yêu cầu của họ, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, ở nước Ma-kiệt-đà, tại chỗ này, Bồ-tát được tái sanh làm con chim cun cút. Từ cái trứng, con chim con tự mình mổ vỏ và thoát ra, thân hình to bằng trái banh. Cha mẹ đặt nó nằm trong tổ chim, chim mẹ tha đồ ăn về nuôi nó. Tự nó không có sức mạnh để xòe cánh bay giữa hư không, cũng không có sức mạnh giơ chân lên để đi trên đất liền.
Tại chỗ ấy, năm này qua năm khác, lửa rừng thường phát cháy. Trong thời gian này, lửa rừng đang đốt cháy với tiếng gầm thét to lớn. Các đàn chim từ trong tổ bay ra, sợ chết, kêu la, và bay trốn. Cha mẹ Bồ-tát sợ chết, bay trốn bỏ lại Bồ-tát. Bồ-tát nằm trong tổ, ngóc cổ vươn ra, thấy lửa đang cháy lan tới, liền suy nghĩ: "Nếu ta có sức mạnh xòe cánh bay lên hư không, và ta có thể đi đến một chỗ khác; hay nếu ta có sức mạnh giơ chân lên, ta có thể đi bằng chân đến một chỗ khác. Cha mẹ ta, vì sợ chết, đã bỏ ta một mình, đã bỏ chạy để cứu mình. Nay ta không có chỗ nương tựa nào khác. Tự mình không nơi nương tựa, ta phải làm gì đây!".
Ngài lại suy nghĩ: "Trong thế giới này, có công đức, thật sự có công đức. Có những vị trong quá khứ viên mãn thành tựu các hạnh Ba-la-mật, ngồi dưới gốc Bồ-đề, chứng Chánh Đẳng Giác, đầy đủ giới định tuệ, giải thoát, giải thóat tri kiến, thành tựu chân lý, lân mẫn từ bi, nhẫn nhục tụ tập lòng thân ái, bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, những vị Phật Nhất thiết trí. Có những công đức Pháp mà các vị ấy đã chứng đắc. Và ta có được một sự thật: Một tự tánh pháp hiện hữu. Do vậy, ta cần phải niệm các công đức đã được các đức Phật quá khứ chứng đắc, nắm giữ tự tánh pháp về sự thật hiện có nơi ta, làm một hạnh chân đẩy lui ngọn lửa, đem lại an toàn cho ta và cho các con chim còn lại". Do vậy, bài kệ này được nói lên:
Ở đời có giới đức,
Chân thật, tịnh, từ bi,
Chính với chân thật ấy
Ta sẽ làm một hạnh,
Hạnh chân thật vô thượng.
Hay hướng niệm Pháp lực,
Niệm chư Phật quá khứ,
Dựa sức mạnh chân thật,
Ta làm hạnh chân thật.
Rồi Bồ-tát niệm công đức chư Phật đã nhập Niết-bàn trong quá khứ, nhân danh tánh chân thật hiện có trên tự thân, làm một hạnh chân thật, và đọc bài kệ:
Có cánh không bay được,
Có chân không thể đi,
Cha mẹ đã bỏ ta,
Hỡi lửa, hãy đi lui!
Khi Bồ-tát nói sự thật ấy, ngọn lửa đi trở lui khoảng mười sáu tầm (1 tầm = 1,8 m). Khi trở lui như vậy, lửa không đốt cháy khu rừng nó đi ngang qua và được dập tắt tại chỗ ấy, như bó đuốc nhúng vào nước. Do vậy, bài kệ được nói như sau:
Ta làm hạnh chân thật,
Màn lửa lớn lửa ngọn.
Đi lui mười sáu tầm
Như ngọn đuốc gặp nước.
Trong suốt kiếp này, chỗ ấy không bị lửa đốt cháy, được gọi là thần thông tại trong một kiếp. Như vậy, Bồ-tát đã làm hạnh chân thật, và khi mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình.
Bậc Đạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta có sức mạnh không cho ngọn lửa cháy đến khu rừng này, mà thời xưa, khi làm chim cun cút con, Ta đã có sức mạnh của một hạnh chân thật.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Đạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, một số người chứng quả Dự lư, một số người chứng quả Bất Lai, một số người chứng quả A-la-hán. Bậc Đạo Sư, kết hợp hai mẩu chuyện, và nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, cha mẹ của ta hiện tại là cha mẹ ta trong quá khứ, còn vua loài cun cút là Ta vậy.
-ooOoo-
36. CHUYỆN CON CHIM (Tiền thân Sakuna)
Các chim sống ở đời ... ,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Đạo Sư kể về cái chòi lá bị cháy. Truyền thuyết nói một Tỷ-kheo lấy đề tài Thiền quán bậc Đạo Sư. Từ Kỳ Viên đi đến Kosala, vị ấy sống tại một trú xứ trong khu rừng, gần một làng ở biên địa. Trong tháng đầu, chòi lá vị ấy bị cháy. Vị ấy báo cho mọi người biết:
- Chòi lá tôi bị cháy. Tôi sống khó khăn.
Và các người được báo nói:
- Nay ruộng chúng tôi bị hạn, tát nước cho ruộng xong, chúng tôi sẽ làm.
Khi tát nước xong, họ gieo giống, gieo giống xong họ làm hàng rào; làm hàng rào xong, họ nhổ cỏ, họ gặt, họ đập lúa. Như vậy, họ đề cập việc này sang việc khác, cho đến lúc ba tháng đã trôi qua. Tỷ-kheo ấy trong ba tháng phải sống khổ sở ngoài trời, đã tăng trưởng đề tài Thiền quán, nhưng không đạt được như ý. Vì thế, lễ Tự tứ xong, Tỷ-kheo ấy đi đến bậc Đạo Sư, đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Sau khi chào đón thân tình, bậc Đạo Sư hỏi:
- Này Tỷ-kheo, ông an cư mùa mưa có thoải mái không, đề tài Thiền quán của ông có đạt kết quả không?
Tỷ-kheo ấy báo cáo sự việc lên, và nói:
- Vì con không được một trú xứ thích hợp, nên đề tài Thiền quán không có kết quả.
Bậc Đạo Sư nói:
- Trong thời trước này Tỷ-kheo, ngay các loài thú cũng biết trú xứ thích hợp với mình, làm sao ông không biết?
Nói vậy xong, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Barhmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con chim, với đàm chim vây quanh sống dựa trên một cây lớn, đầy đủ cành cây trong một khu rừng. Một ngày kia, khi các cành cây cọ xát nhau, bụi cây rơi xuống, khói khởi lên. Thấy vậy, Bồ-tát suy nghĩ: "Hai nhánh cây này cọ xát như vậy sẽ sanh lửa. Lửa rơi xuống sẽ đốt các lá cũ. Từ đấy, cây này sẽ bị cháy. Chúng ta không thể ở đây được. Ta phải bỏ đi đến một chỗ khác".
Rồi Bồ-tát nói bài kệ này với đàn chim
Các chim sống trên đời,
Dựa vào trú xứ nào,
Chỗ ấy sanh ra lửa,
Hỡi loài chim tránh xa,
Hãy đi các phương khác,
Nếu y tựa chỗ ấy,
Sợ hãi sẽ sanh ra.
Các con chim có trí nghe theo lời Bồ-tát, lập tức cùng với Bồ-tát bay lên hư không, đi tới chỗ khác. Các chim không có trí nói:
- Vị ấy như ếch ngồi đáy giếng.
Nên chúng không nghe theo lời Bồ-tát, vẫn sống ngay tại chỗ ấy.
Từ đấy không bao lâu, như Bồ-tát đã nghĩ trước, lửa sanh ra và đốt cháy cây ấy. Trong khi khói và lửa bốc lên, các con chim bị khói làm mù mắt không thể đi chỗ khác, đã rơi vào biển lửa, hết con này đến con khác và bị tiêu diệt.
Bậc Đạo Sư nói:
- Này Tỷ-kheo, trong thời trước; các con vật sống trên cây cao cũng biết được chỗ thích hợp cho mình, sao ông lại không biết?
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Đạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo ấy chứng quả Dự lưu. Bậc Đạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, các con chim làm theo lời Bồ-tát là hội chúng đức Phật, và con chim có trí là Ta vậy.
-ooOoo-
37. CHUYỆN CON CHIM TRĨ (Tiền thân Tittira)
Ai kính bậc lớn tuổi ... ,
Câu chuyện này, khi đi đến Xá-vệ, bậc Đạo Sư kể về trưởng lão Xá-lợi-phất đã bị tước đoạt trú xứ như thế nào. Khi ông Cấp-cô-độc đã làm xong ngôi tinh xá và gửi sứ giả báo tin, bậc Đạo Sư từ Vương Xá ra đi, đến Tỳ-xá-ly sống tại đấy cho thỏa thích rồi lên đường đi Xá-vệ. Lúc bấy giờ, các đệ tử của nhóm Sáu Tỷ-kheo đi phía trước; khi các trú xứ chưa được các Trưởng lão ở, họ giành lấy:
- Trú xứ này dành cho giáo thọ sư chúng tôi, trú xứ này dành cho sư trưởng chúng tôi, trú xứ này dành cho chúng tôi.
Các trưởng lão đến sau không được các trú xứ. Các đệ tử của Trưởng lão Xá-lợi-phất tìm trú xứ cho Trưởng lão, nhưng không được. Trưởng lão không được trú xứ, đã ngồi hay kinh hành dưới một gốc cây không xa trú xứ bậc Đạo Sư bao nhiêu.
Sáng sớm, bậc Đạo Sư đi ra, đằng hắng thành tiếng. Trưởng lão đằng hắng lại. Thế Tôn hỏi:
- Ai đó?
- Bạch Thế Tôn, con là Xá-lợi-phất.
- Này Xá-lợi-phất, vào giờ này, ông làm gì ở đây?
Trưởng lão kể lại sự việc ấy. Bậc Đạo Sư nghe câu chuyện, suy nghĩ: "Nay Ta còn sống, các Tỷ-kheo còn thiếu tôn trọng, kính nể lẫn nhau. Khi Ta diệt độ rồi, họ sẽ làm như thế nào nữa?". Nghĩ vậy, bậc Đạo Sư khởi lên sự lo âu vì Chánh pháp.
Khi trời vừa sáng, Ngài bảo tập hợp Đại chúng, và hỏi các Tỷ-kheo:
- Có thật chăng, này các Tỷ-kheo, các đệ tử nhóm Sáu Tỷ-kheo đi trước giành hết trú xứ của các Tỷ-kheo Trưởng lão?
- Thưa thật vậy, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn liền chỉ trích nhóm Sáu Tỷ-kheo. Ngài thuyết pháp, bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, ai xứng đáng được chỗ ngồi tốt nhất, được nước uống tốt nhất, được đồ ăn khất thực tốt nhất?
Có người nói:
- Vị xuất gia từ gia đình Sát-đế-lỵ.
Có người nói:
- Vị xuất gia từ gia đình Bà-la-môn, từ gia đình gia chủ.
Những người khác nói:
- Những vị trì luật, những vị thuyết pháp, những vị đã chứng Thiền thứ nhất, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư.
Những người khác nữa nói:
- Những vị Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán, những vị chứng Ba Minh, sáu Thắng trí.
Khi các Tỷ-kheo đã nói ý nghĩ của mình, bậc Đạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, trong Giáo pháp Ta, xứng đáng được chỗ ngồi tốt nhất, không phải vị xuất gia từ gia đình Sát-đế-lỵ, không phải vị xuất gia từ gia đình Bà-la-môn, từ gia đình gia chủ, không phải vị trì luật, không phải vị trì kinh, không phải vị trì luận, không phải những vị đã chứng sơ Thiền v.v... không phải những vị Dự lưu v.v... Nhưng này các Tỷ-kheo, trong Giáo pháp này, tùy theo tuổi lớn mà quyết định về sự đảnh lễ, nghênh tiếp, chắp tay, phục vụ, mà nhận được chỗ ngồi tốt nhất, nước tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Chính ở đây, tuổi lớn là mức đo lường. Do vậy, Tỷ-kheo tuổi lớn xứng đáng được những sự ấy. Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, Xá-lợi-phất đệ tử cao nhất của Ta, vị chuyển Bánh xe Tùy pháp, xứng đáng được trú xứ tiếp theo trú xứ của Ta, vị ấy lại không được trú xứ, đã trải qua đêm nay sống dưới gốc cây. Nếu nay các ông không tôn trọng, không kính nể lẫn nhau, thì với thời gian trôi qua, các ông sẽ xử sự như thế nào?
Với mục đích khuyến giáo các Tỷ-kheo, bậc Đạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, trong thời quá khứ, các loài thú cũng nghĩ: "Thật không thích đáng cho chúng tôi, nếu chúng tôi sống không tôn trọng, kính nể lẫn nhau, sống không tùy thuận nhau. Sau khi biết ai lớn tuổi nhất trong chúng tôi, chúng tôi sẽ đảnh lễ vị ấy".
Sau khi khéo tìm hiểu, biết được vị cao niên nhất, chúng đảnh lễ vị ấy, vì vậy khi mạng chung, chúng được sanh tràn đầy thiên giới.
Nói vậy xong, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, trên sườn Hy-mã-lạp-sơn có ba con vật sống gần một cây bàng lớn: con chim trĩ, con khỉ và con voi. Chúng sống không tôn trọng, không kính nể, không tùy thuận lẫn nhau. Rồi chúng suy nghĩ: "Thật không xứng đáng cho chúng ta sống như thế này. Ai cao niên nhất giữa chúng ta , chúng ta sẽ đảnh lễ vị ấy!". Trong khi chúng tìm hiểu vị cao niên nhất giữa chúng, thì một hôm, giữa chúng, khởi lên phương tiện này khi cả ba con ngồi dưới gốc cây bàng, chim trĩ và khỉ hỏi con voi:
- Này bạn voi, bạn có biết, khi bạn thấy cây bàng này lần đầu tiên, cây ấy to như thế nào?
Con voi nói:
- Này các bạn, khi tôi còn bé nhỏ, cây bàng chỉ là một bụi cây, tôi đi ngang qua nó đụng bắp vế tôi. Khi tôi đứng ngang cây ấy, cành cây cao nhất chỉ chạm đến lỗ rốn. Như vậy tôi biết cây này từ khi còn là một bụi cây.
Rồi hai con vật ấy lại hỏi con khỉ như rên. Con khỉ nói:
- Này các bạn, khi tôi còn là khỉ con, tôi ngồi trên đất, chỉ vươn cổ ra, có thể ăn được chồi cao nhất của cây bàng non này. Như vậy tôi biết cây này từ khi còn nhỏ.
Hai con vật kia lại hỏi con chim trĩ như trên. Con chim trĩ nói:
- Này các bạn, thuở trước, tại một chỗ nọ, có một cây bàng lớn. Tôi ăn trái cây, đi đại tiện ở chỗ này, từ đấy, cây này mọc lên. Như vậy, tôi biết cây này từ khi cây ấy chưa mọc. Do vậy, tôi cao niên hơn các bạn.
Được nghe nói như vậy, con khỉ và con voi nói với chim trĩ có trí:
- Này bạn, bạn cao niên hơn chúng tôi. Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường bạn. Chúng tôi sẽ đảnh lễ, nghênh tiếp, chắp tay, phục vụ nạn. Chúng tôi sẽ vâng theo lời khuyến giáo của bạn. Bắt đầu từ nay, bạn sẽ chỉ dạy khuyên bảo chúng tôi.
Từ hôm ấy trở đi, con chim trĩ khuyên bảo chúng, an trú chúng trong giới luật, và tự mình thọ trì giới luật. Cả ba con vật kính trọng, kính nể lẫn nhau, tùy thuận nhau, sống như vậy cho đến mạng chung, rồi đi lên thiên giới.
Bậc Đạo Sư nói:
- Mục đích của ba con vật này là sống Phạm hạnh nhờ con chim trĩ. Này các Tỷ-kheo, nếu những thú vật ấy sống tôn trọng, kính nể lẫn nhau, thì vì sao, các ông đã xuất gia trong Pháp Luật khéo giảng này, lại không thể sống tôn trọng, kính nể lẫn nhau? Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các ông, bắt đầu từ nay trở đi, tùy theo tuổi lớn, các ông hãy đảnh lễ, nghênh tiếp, chắp tay, phục vụ; tùy theo tuổi lớn, hãy dành chỗ ngồi tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất; bắt đầu từ nay trở đi, không bao giờ một vị lớn tuổi lại bị một vị trẻ tuổi tranh giành trú xứ. Ai tranh giành sẽ phạm tội.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Chánh Đẳng Giác đọc bài kệ:
Ai kính bậc lớn tuổi,
Là thiện xảo trong Pháp,
Đời này được tán thán,
Đời sau, sanh cõi lành.
*
Như vậy, bậc Đạo Sư nói lên lời tán thán hạnh kính lễ bậc lớn tuổi và kết hợp hai câu chuyện với nhau, rồi nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, con voi là Mục-kiền-liên, con khỉ là Xá-lợi-phất và con chim trĩ là Ta vậy.
-ooOoo-
38. CHUYỆN CON CÒ (Tiền thân Baka)
Kẻ có trí lường gạt ... ,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo làm thợ may y. Theo truyền thuyết, có một Tỷ-kheo trú ở Kỳ Viên, rất thiện xảo về công việc may y, như cắt, ráp, sắp xếp, và may lại v.v... Do thiện xảo này, vị ấy thường làm y và có tên là Thợ may y. Vị ấy làm gì? Từ những mảnh vải cũ mòn, với bàn tay khéo léo, vị ấy làm thành y mềm dịu vừa ý. Sau khi may xong, vị ấy nhuộm với nước bột, ủi bằng vỏ ốc, làm cho trơn y láng đẹp đẽ. Những Tỷ-kheo không biết làm y, đem vải mới đến Tỷ-kheo ấy và nói:
- Này Hiền giả, chúng tôi không biết làm y, hãy may giúp cho chúng tôi.
Tỷ-kheo ấy nói:
- Này Hiền giả, làm xong một y cần nhiều thời gian, nhưng nay có một y tôi mới làm xong. Hãy để vải này lại, lấy y ấy mà dùng.
Vị ấy đem y ra cho họ xem. Những Tỷ-kheo ấy chỉ thấy màu sắc y tươi đẹp mà không biết bề trong của y, tưởng rằng y ấy chắc chắn nên đưa cho Tỷ-kheo Thợ may xấp vải mới, đổi lấy y và ra đi. Khi y ấy hơi bị nhớp và được giặt trong nước nóng, thực chất của y hiện rõ. Đây đó, những chỗ cũ mòn được phơi bày. Họ hối tiếc việc trao đổi trước. Như vậy vị ấy lường gạt những ai đem vải đến may, và khắp mọi nơi đều biết chuyện ấy.
Giống như vị Tỷ-kheo lừa gạt ở Kỳ Viên, tại một làng nhỏ nọ, có một Tỷ-kheo khác may y cũng lừa dối thiên hạ. Những Tỷ-kheo bạn của vị ấy báo cho biết:
- Này Tôn giả, ở Kỳ Viên có một thợ may y lừa dối thiên hạ như Tôn giả vậy.
Vị ấy tự bảo: "Ta sẽ lường gạt thợ may ở thành thị này". Vị ấy làm một cái y với nhiều tấm vải cũ rất đẹp, nhuộm với màu vàng đậm và đắp y ấy đi đến Kỳ Viên. Thợ may kia thấy y ấy, khởi lòng tham và hỏi:
- Thưa Tôn giả, y này có phải Tôn giả đã may không?
- Này Hiền giả, phải, tôi đã làm.
- Này Tôn giả, hãy nhường cho tôi y này, Tôn giả sẽ lấy y khác.
- Này Hiền giả, chúng tôi là người ở làng, rất khó được các vật dụng. Nếu tôi cho Hiền giả y này, tôi sẽ đắp cái gì?
- Thưa Tôn giả, tôi có vải mới chưa may. Tôn giả đã nói như vậy, thì tôi từ chối gì được ? Thôi, Hiền giả hãy lấy đi.
Sau khi đưa cái y gồm nhiều tấm vải cũ, vị ấy lấy vải mới , lừa dối Tỷ-kheo ấy, rồi ra đi. Vị Tỷ-kheo ở Kỳ Viên, sau vài ngày đắp y ấy, giặt y ấy với nước nóng, thấy những miếng vải cũ mòn, và bị chê cười xấu hổ. Toàn thể chúng Tăng được biết rõ là người thợ may ở Kỳ Viên đã bị người thợ may ở làng nhỏ lường gạt.
Một hôm, tại Pháp đường, các Tỷ-kheo đang ngồi nói về câu chuyện ấy. Bậc Đạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn chuyện gì. Các Tỷ-kheo đang ngồi bàn chuyện gì. Các Tỷ-kheo trình bày câu chuyện, bậc Đạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay người thợ may ở Kỳ Viên mới lường gạt những người khác. Trong thời quá khứ, vị ấy cũng đã lường gạt rồi. Và người thợ may ở ngôi làng nhỏ, không phải chỉ nay mới lường gạt người thợ may ở Kỳ Viên. Trong thời quá khứ, vị ấy cũng đã lường gạt rồi
Nói vậy xong, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại một ngôi rừng, Bồ-tát sanh làm thần cây. Cây ấy mọc gần một hồ sen. Lúc bấy giờ, trong một hồ khác không lớn lắm, vào mùa hạn hán, nước thấp, nhưng tại đấy có cá rất nhiều. Một con cò thấy đàn cá, suy nghĩ cách lường gạt và ăn chúng. Cò đi đến hồ, ngồi bên bờ nước suy tư. Đàn cá thấy vậy liền hỏi cò:
- Ngài ngồi suy nghĩ gì vậy?
- Tôi ngồi suy nghĩ đến các bạn!
- Ngài suy nghĩ gì đến chúng tôi?
- Trong hồ này, nước cạn, đồ ăn ít, hạn hán lại lớn. Nay các bạn sẽ làm gì? Chính ta ngồi đây suy nghĩ như vầy.
- Vậy thưa ngài, chúng tôi sẽ phải làm gì?
- Này, nếu các bạn làm theo lời ta, ta sẽ ngậm từng bạn trong mỏ ta, đưa các bạn đến một hồ lớn tràn đầy hoa sen năm sắc, và thả các bạn ở đấy.
- Thưa ngài, từ thuở khai thiên lập địa đến nay, không bao giờ loài cò lại nghĩ đến loài cá. Ngài chỉ muốn ăn chúng tôi từng con một thôi.
- Ta sẽ không ăn các bạn khi các bạn có lòng tin ở ta. Nếu các bạn không tin lời ta là đằng kia có một cái hồ, hãy cử một con cá đi với ta để chính nó thấy cái hồ ấy.
Đàn cá tin con cò ấy, liền cử một con cá lớn, mù một mắt, nghĩ rằng nó có khả năng đối nghịch với cò dưới nước và trên cạn, và bảo con cò mang đi. Cò ngậm lấy cá ấy, mang đi, thả trong hồ, chỉ cho thấy toàn bộ cái hồ, rồi đưa nó về, thả nó lại với đàn cá trong hồ cũ. Cá này về tán thán sự quyến rũ của hồ mới cho chúng bạn nghe. Nghe nó tán thán, đàn cá đều muốn đi và nói với cò:
- Lành thay, ngài hãy mang chúng tôi đi.
Con cò trước hết mang con cá lớn một mắt ấy, đưa nó đến bờ hồ, chỉ cho nó thấy cái hồ, rồi đậu xuống cây Vanara mọc bên bờ hồ. Cò ném con cá vào giữa hai cành cây, lấy mỏ mổ con cá, giết chết nó và ăn thịt, thả xương xuống gốc cây, rồi trở về nói:
- Con cá ấy đã được ta thả rồi. Con khác hãy đi.
Với phương cách ấy, cò mang đi từng con cá một, ăn hết cả đàn cá, và cuối cùng, không tìm thấy con cá nào nữa. Tại đấy chỉ có con cua còn ở lại. Con cò muốn ăn nó nên nói:
- Này bạn cua, tất cả đàn cá ấy đã được ta mang đi, thả xuống hồ lớn đầy những bông sen, hãy đến đấy, ta sẽ mang bạn đi!
- Làm thế nào ngài mang tôi đi?
- Ngậm lấy bạn, ta sẽ mang đi.
- Ngậm tôi mang đi như vậy, ngài sẽ làm rơi tôi xuống. Tôi sẽ không đi với ngài đâu.
- Chớ sợ, ta sẽ ngậm bạn thật chặt và mang đi.
Con cua suy nghĩ: "Nó mang những con cá mà không thả cá vào trong hồ. Nếu nó thả ta vào trong hồ thì tốt. Nếu nó không thả, ta sẽ cắt đứt cổ của nó và giết nó".
Rồi cua nói với cò:
- Này bạn cò, bạn không thể ngậm tôi chắc chắn được. Chúng tôi loài cua đã kẹp thì kẹp chặt. Nếu tôi lấy cái càng kẹp cổ bạn, tôi sẽ kẹp chặt cổ bạn và sẽ đi với bạn.
Con cò không biết con cua muốn lường gạt mình bèn bằng lòng. Như với cái kềm của người thợ rèn, con cua với những cái càng của mình, kẹp rất chặt cổ cò và nói:
- Nào, chúng ta hãy đi!
Cò đưa cua đi, trước hết chỉ cho nó thấy cái hồ, rồi đi về phía cây Vanara. Cua nói:
- Này bạn, cái hồ ở phía này, sao bạn lại đưa tôi đi phía khác?
- Ừ, ta là bạn thân của người, và ngươi là bạn thân của ta. Ngươi tưởng ta là nô lệ của ngươi, nhấc bổng và đưa ngươi đi không sao? Hãy nhìn đống xương này dưới gốc cây Vanara! Và ta đã ăn tất cả con cá ấy, cũng vậy, nay ta sẽ ăn ngươi!
- Những con cá ấy vì ngu si nên bị ngươi ăn. Nhưng ta sẽ không để ngươi ăn ta đâu. Cua nói. Ta sẽ giết ngươi! Ngươi thật là ngu ngốc! Ngươi bị ta lừa mà không biết. Nếu chết, cả hai cùng chết! Ta sẽ cắt đứt đầu ngươi trước khi ta rơi xuống đất!
Nói xong, cua kẹp chặt cổ cò lại như gọng kềm. Với miệng há to, nước mắt từ từ chảy, quá kinh hãi vì sợ chết, cò nói:
- Thưa ngài, tôi sẽ không ăn ngài. Hãy cho tôi sống!
- Nếu ngươi hạ xuống và thả ta trong hồ.
Cò bay trở lui, hạ xuống hồ, thả cua trên mặt bùn bên bờ hồ. Nhưng con cua, trước khi đi xuống nước, cắt đứt cổ cò như con dao cắt một cọng sen.
Vị thần sống ở trên cây thấy sự lạ lùng này, đã làm cho toàn khu rừng vang dậy lời tán thán khi nói lên bài kệ này với âm thanh dịu ngọt:
Kẻ có trí lường gạt
Không may bị kẻ gạt,
Con cò có trí gạt
Đã bị cua gạt lại.
*
Bậc Đạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay người thợ may ở Kỳ Viên mới bị người thợ may ở làng lường gạt. Trong thời quá khứ, vị ấy cũng bị lường gạt rồi.
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Đạo Sư kết hợp hai mẩu chuyện và nhận diện Tiền thân:
- Lúc ấy, người thợ may ở Kỳ Viên là con cò, người thợ may ở làng là con cua, còn Ta là thần cây.
-ooOoo-
39. CHUYỆN NGƯỜI NÔ LỆ NANDA (Tiền thân Nanda)
Nghĩ rằng là chỗ chôn...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo Sư đã kể về một đệ tử của Trưởng lão Xá-lợi-phất. Tương truyền Tỷ-kheo ấy là người dễ bảo, kham nhẫn, thường nỗ lực hầu hạ Trưởng lão. Một thời, sau khi xin phép bậc Đạo Sư, Trưởng lão đã ra đi, bộ hành đến xứ Dakkhinagiri ở miền Nam Magadha (Ma-kiệt-đà), Tỷ kheo ấy, đến xứ nầy, trở thành kiêu ngạo, cứng đầu, không vâng lời Trưởng lão. Khi Trưởng lão bảo:
- Này Hiền giả, hãy làm điều này.
Vị ấy liền gây sự chống lại Trưởng lão.
Trưởng lão không biết tâm tánh vị ấy vì sao thay đổi như vậy. Sau khi bộ hành tại đấy, Trưởng lão lại đi về Kỳ Viên. Từ khi theo Trưởng lão về đến Kỳ Viên, tánh tình Tỷ-kheo ấy trở lại như cũ. Trưởng lão thưa với đức Như Lai:
- Bạch Thế Tôn, con có một đệ tử, tại một chỗ, xử sự như một nô lệ được mua với giá một trăm đồng tiền, nhưng tại một nơi khác, lại trở thành kiêu mạn, cứng đầu, bảo làm gì cũng gây sự chống đối.
Bậc Đạo sư nói:
- Này Xá-lợi-phất, Tỷ-kheo này không phải nay mới có tánh tình như vậy. Trước kia, khi đến chỗ nầy, kẻ ấy xử sự như một nô lệ được mua với giá một trăm đồng tiền, nhưng khi đi chỗ khác, thì gây sự, đối nghịch.
Nói vậy xong, theo lời Trưởng lão yêu cầu, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một địa chủ. Bạn của Bồ-tát cũng là một điạ chủ lớn tuổi hơn Bồ-tát, nhưng có một người vợ trẻ sanh được một con trai. Người địa chủ lớn tuổi suy nghĩ: "Vợ ta còn trẻ, khi ta chết đi, không biết sẽ lấy ai và tiêu phí tài sản này, thay vì giao cho con trai của ta? Vậy tốt hơn ta hãy chôn tài sản dưới đất".
Nghĩ vậy, người địa chủ đem theo một người nô lệ trong nhà tên Nanda, đi vào rừng, chôn tài sản ấy vào một chỗ và bảo:
- Này Nanda thân, sau khi ta chết, hãy báo cho con ta biết tài sản này. Chớ quên khu rừng.
Sau khi khuyên như vậy, người địa chủ già ấy mạng chung. Đứa con trai dần dần lớn lên, đến tuổi thành niên, mẹ nó nói:
- Này con thân, cha con đem theo nô lệ Nanda, đã chôn giấu tài sản. Hãy bảo nó mang về mà cai quản gia sản thừa tự.
Một hôm, người thanh niên nói với Nanda:
- Này cậu, có phải cha ta đã chôn tài sản?
- Thưa ông chủ, có!
- Chôn tài sản tại đâu?
- Thưa ông chủ, trong rừng.
- Vậy chúng ta hãy đi lấy.
Sau khi đem cuốc và thúng, đi đến chỗ chôn giấu, người thanh niên hỏi:
- Này cậu, tài sản ở đâu?
Nanda leo lên, đứng trên chỗ đã chôn tài sản, do vì tài sản ấy, nó khởi lòng kiêu mạn và mắng nhiếc chàng thanh niên chủ nó:
- Đi đi! Đứa con hư, đứa con nô lệ. Từ đâu ngươi có được tài sản này?
Nghe ác ngữ của nó, chàng thanh niên làm như không nghe gì, chỉ nói:
- Thôi chúng ta đi về.
Rồi hai người cùng về. Sau hai ba ngày, cả hai lại đi, nhưng Nanda lại mắng chửi như cũ. Chàng thanh niên không nói ác ngữ với nó, và suy đi nghĩ lại như sau: "Người nô lệ này, khi đi có ý định báo cho ta biết tài sản. Nhưng đến đó, lại mắng nhiếc ta, chẳng biết vì lý do gì? À, cha ta có người bạn địa chủ, hãy đến hỏi vị ấy".
Thanh niên ấy đi đến gặp Bồ-tát trình bày tất cả sự việc và hỏi:
- Thưa ngài, vì lý do gì mà tại chỗ Nanda đứng mắng nhiếc con là chỗ cha con chôn tài sản thừa tự?
- Này con, Khi Nanda mắng chửi con, con chỉ nên nói: Này người nô lệ, người mắng chửi ai vậy? Rồi kéo nó ra, lấy cuốc đào chỗ ấy, lấy tài sản thừa tự của gia đình, bảo người nô lệ nhấc lên và mang về nhà.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nghĩ rằng là chỗ chôn
Đống vàng và nữ trang,
Chỗ nô tỳ hạ sanh
Tên là Nan-da-ka
Đang đứng và la to
Những lời lẽ thô bạo.
Chàng thanh niên liền đảnh lễ Bồ-tát, về nhà, và đưa Nanda đi đến chỗ chôn giấu tài sản. Làm đúng theo lời khuyên bảo, Chàng thanh niên cũng vâng theo lời Bồ-tát khuyên, làm các công đức như bố thí...đến khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
Bậc Đạo Sư nói: - Trong thời quá khứ, tánh tình của kẻ ấy cũng như vậy.
*
Sau khi bậc Đạo Sư thuyết pháp thoại này, Ngài kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân.
- Lúc bấy giờ, Nanda là đệ tử của Xá-lợi-phất, và người địa chủ có trí là Ta vậy.
-ooOoo-
40. CHUYỆN HỐ THAN LỬA CÂY KEO (Tiền thân Khadirangara)
Ta thà rơi địa ngục...,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Đạo Sư đã kể về ông Cấp Cô Độc. Ông Cấp Cô Độc đã tiêu hết cho Giáo pháp đức Phật một số tiền là năm trăm bốn mươi triệu đồng để xây dựng tinh xá, và ông không nghĩ đến châu báu nào khác ngoài ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Trong khi bậc Đạo Sư còn ở Kỳ Viên, mỗi ngày vị triệu phú đi đến tinh xá ba lần để cúng dường: một vào buổi sáng, một vào buổi trưa, một vào buổi chiều. Ngoài ra, còn nhiều sự giúp đỡ khác.
Ông Cấp Cô Độc không bao giờ đi tay không, ngại các Sa-di hay Tỷ-kheo trẻ xem mình có đem gì trong tay không. Buổi sáng ông đem theo cháo, sau buổi ăn sáng đem theo bơ chín, bơ tươi, mật ong, đường mật. Buổi chiều ông đem theo hương liệu, vòng hoa, vải may y. Ngày này qua ngày khác, vị ấy tiêu dùng như vậy, không hạn chế.
Ngoài ra, nhiều người sống bằng nghề buôn bán tự tay trao phiếu nợ, mượn ông tài sản ước lượng một trăm triệu đồng và vị Đại triệu phú không đòi họ trả. Còn những tài sản khác trị giá một trăm tám mươi triệu đồng được chôn cất trên bờ sông. Khi bị gió bão, nước phá vỡ bờ sông, gia sản ấy đã trôi ra biển lớn. Chìm xuống lòng biển là các ghè chậu bằng đồng còn khoá chặt và đóng dấu nguyên xi.
Trong nhà vị triệu phú luôn luôn có phần cơm cho năm trăm Tỷ-kheo, nhà vị đại triệu phú giống như cái giếng trong xanh ở ngã tư đường cho chúng Tỷ-kheo, như ngôi nhà cha mẹ đối với tất cả đại chúng. Vì vậy, bậc Chánh Đẳng Giác thường đi đến nhà vị triệu phú. Tám mươi đại Trưởng lão cũng đi đến. Các Tỷ-kheo khác cũng đến và đi không thể kể xiết. Nhà vị đại triệu phú có đến bảy tầng lầu, được trang hoàng với bảy cửa gác. Tại cửa gác thứ tư của ngôi nhà ấy, một thần nữ có tà kiến thường trú. Khi bậc Chánh Đẳng Giác vào nhà, thần nữ ấy không ở được trong lầu của mình, đã đem theo mấy đứa con nhỏ xuống ở tại tầng cuối cùng. Khi tám mươi đại Trưởng lão và các Trưởng lão khác đến và đi, thần nữ ấy cũng phải làm như vậy. Nàng suy nghĩ: "Khi Sa-môn Gotama và các đệ tử vào nhà này, ta không được an lạc; ta không thể luôn luôn xuống tầng trệt được. Ta phải làm thế nào để những người ấy không đến nhà này nữa".
Một hôm, khi người tổng quản đã về phòng an nghỉ, thần nữ ấy đi đến, chói sáng hào quang và đứng lại. Được hỏi:
- Ai dó?
Nàng trả lời:
- Ta là thần nữ thường trú ở cửa gác thứ tư.
- Vì sao nàng đến đây?
- Ông không thấy việc phải làm của vị triệu phú, không nghĩ đến đời sau cho mình, tiêu phí tài sản, làm giàu cho Sa-môn Gotama, không lo buôn bán, không lo làm việc. Ông hãy khuyên vị triệu phú làm việc của mình, đừng để Sa-môn Gotama và các đệ tử vào nhà này nữa.
Người tổng quản ấy nói với thần nữ:
- Này thần nữ ngu si, nếu vị triệu phú dùng tài sản, vị ấy chỉ dùng cho Giáo pháp chư Phật đưa đến giải thoát. Dù vị triệu phú nắm búi tóc ta và bán ta làm nô lệ, ta vẫn sẽ không nói gì. Nàng hãy đi đi.
Hôm khác, thần nữ ấy đi đến người conn trai cả của vị triệu phú và khuyên giáo tương tự. Người con trai cả cũng mắng nàng như trước. Nhưng nàng không dám nói việc này với vị triệu phú.
Do bố thí không ngừng nghỉ, do không kinh doanh, tiền thâu vào ít dần, tài sản vị ấy đi đến khánh tận. Dần dần triệu phú rơi vào cảnh nghèo thiếu, gia sản, áo quần, sàng tọa, thực phẩm không còn được như xưa. Dầu ở trong tình trạng như vậy, ông Cấp Cô Độc vẫn cúng dường chúng Tăng, tuy rằng không thể cúng dường các món tốt đẹp.
Một hôm, sau khi ông Cấp Cô Độc đảnh lễ và ngồi xuống, Thế Tôn hỏi:
- Này Gia Chủ, tại nhà ông còn có vật bố thí không?
- Bạch Thế Tôn, thưa có vật bố thí. Đó là cháo tấm với bột chua để lại từ hôm qua.
Bậc Đạo Sư nói:
- Này Gia chủ, tâm đừng buồn phiền khi bố thí đồ vật thô xấu, khi tâm tốt đẹp thì đồ vật cúng dường chư Phật, Độc Giác Phật, đệ tử chư Phật cũng không trở thành thô xấu. Vì sao? Vì quả dị thục to lớn. Ai có thể làm tâm tốt đẹp, thì vật bố thí không thể thô xấu được. Như vậy ông cần phải hiểu biết.
Và đức Thế Tôn đọc bài kệ:
Khi tâm được tịnh tín,
Bố thí không gọi nhỏ,
Cho Như Lai, chư Phật,
Hay cho đệ tử Ngài,
Không có cúng dường nào
Được xem là bé nhỏ.
Thế Tôn lại nói thêm:
- Này Gia chủ, ông cúng dường món ăn thô xấu, nhưng cúng dường tám bậc Thánh nhân. Trong thời Velàma, Ta làm náo động cả Diêm-phù-đề với việc bố thí bảy thứ báu; trong khi đại bố thí, Ta làm chúng tuôn chảy như làm năm con sông trở thành một dòng thác. Nhưng Ta không tìm được ai thọ Ba quy y hay giữ Năm giới. Những người xứng đáng được cúng dường như vậy thật khó kiếm được. Do vậy, khi bố thí cho ta đồ ăn thô xấu, tâm ông chớ buồn phiền.
Sau đó, bậc Đạo Sư nói Kinh Velàmaka.
Bấy giờ thần nữ ấy không dám nói với người triệu phú khi vị ấy đang có uy quyền, lại suy nghĩ: "Nay vị triệu phú này gặp tình cảnh khó khăn, có thể nghe theo lời ta". Nghĩ vậy, nửa đêm, thần nữ vào phòng vị ấy chiếu sáng hào quang, đứng giữa hư không. Vị triệu phú thấy nàng, liền hỏi:
- Ngươi là ai?
- Này đại triệu phú, ta là thần nữ ở cửa gác thứ tư.
- Ngươi đến có việc gì?
- Ta muốn nói lời khuyên ông.
- Vậy hãy nói đi!
- Này đại triệu phú, ông không nghĩ đến thời sau, không nhìn đến con trai, con gái. Ông đã tiêu phí tài sản cho Giáo pháp của Sa-môn Gotama. Do ông đã phung phí tài sản lâu ngày, do không làm công việc mới, vì Sa-môn Gotama, ông trở thành nghèo thiếu. Sự việc đã như vậy, ông vẫn không từ bỏ Sa-môn Gotama. Hôm nay, các Sa-môn ấy vẫn đi vào nhà ông như trước. Những gì họ đã lấy đi từ ông, không thể đem về nhà được. Hãy tin chắc là như vậy. Nhưng bắt đâu từ nay trở đi, ông chớ tự mình đi đến Sa-môn Gotama. Chớ cho phép những đệ tử của Sa-môn vào nhà này nữa. Hãy xoay lưng, không nhìn Sa-môn Gotama nữa. Hãy tự mình kinh doanh buôn bán và xây dựng lại sản nghiệp.
Vị triệu phú nói với thần nữ:
- Có phải đấy là lời khuyến giáo ngươi cần nói với ta?
- Đúng như vậy.
Vị triệu phú nói:
- Bậc Đạo Sư đã làm cho ta không bị dao động bởi trăm, bởi ngàn, bởi trăm ngàn thần nữ như ngươi. Lòng tin của ta như núi Tu-di không dao động, được khéo an trú. Tài sản được ta tiêu dùng cho Pháp bảo đưa đến giải thoát. Lời ngươi nói không thích đáng, là một đòn do ngươi đánh vào Giáo pháp đức Phật, con quỷ đen thiếu lễ độ, theo ác giới, không có vấn đề ngươi sống chung trong nhà của ta. Hãy ra khỏi nhà ta mau, đi ở chỗ khác.
Thần nữ nghe lời nói của vị Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu, không thể ở lại được, bèn về chỗ ở của mình, tay bồng con ra đi, với ý nghĩa: "Nếu ta không tìm được chỗ khác, ta sẽ xin lỗi vị triệu phú và sẽ trú tại đấy". Nghĩ vậy, nàng đi đến vị Thiên tử hộ trì thành phố, đảnh lễ vị ấy rồi đứng dậy. Khi được hỏi:
- Nàng đến có chuyện gì?
Nàng trả lời:
- Thưa Thiên Tử, tôi vô ý nói chuyện với ông Cấp Cô Độc, nên vị triệu phú giận tôi, đuổi tôi ra khỏi nhà ở. Hãy đưa tôi đến vị triệu phú xin lỗi và xin cho tôi được trú tại nhà như cũ.
- Nhưng nàng đã nói với vị triệu phú những gì?
- Bắt đầu từ nay, chớ hộ trì Phật, chớ hộ trì chúng Tăng, chớ để Sa-môn Gotama vào nhà. Thưa Thiên tử, tôi đã nói như vậy!
- Lời nàng nói không chính đáng, là một đòn đánh vào Giáo pháp. Ta không thể đưa nàng đến gặp vị triệu phú được.
Không nhận được sự ủng hộ từ vị này, thần nữ đi đến bốn Đại thiên vương, cũng bị bốn vị ấy bác bỏ. Thần nữ đi đến Thiên chủ Đế Thích thuật câu chuyện ấy và yêu cầu giúp đỡ khẩn thiết hơn:
- Thưa Thiên chủ, con không được chỗ ở, phải bồng con trên tay, con lang thang không nơi trú ẩn. Với uy lực của ngài, hãy cho con một chỗ ở!
Thiên chủ trả lời:
- Ngươi làm điều không thích đáng, đã đánh một đòn vào Giáo pháp của bậc Chiến Thắng. Ta không thể nói với vị triệu phú dùm cho ngươi. Nhưng ta sẽ nói với ngươi một phương pháp làm vị triệu phú tha thứ ngươi.
- Thưa Thiên chủ, lành thay, xin nói lên.
- Có nhiều người đã mượn của vị đại triệu phú một số tài sản trị giá một trăm tám mươi triệu đồng... Ngươi hãy giả dạng người đại diện cho vị triệu phú mà không cho ai biết, cầm giấy mắc nợ ấy, với một số Dạ-xoa trẻ vây quanh, một tay cầm giấy nợ, một tay cầm biên lai, đi đến nhà họ, đứng ở giữa nhà, dọa nạt họ với uy lực Dạ-xoa của mình, và nói: "Đây là giấy nợ của các ngươi. Khi bậc triệu phú của chúng ta có uy lực, đã không đòi hỏi gì các ngươi. Nay ngài gặp cơn nghèo túng, hãy trả lại tiền các ngươi đã mượn".
Với uy lực Dạ-xoa của ngươi, ngươi sẽ lấy lại được tất cả một trăm tám mươi triệu đồng vàng ấy, đổ đầy kho bạc trống không của vị triệu phú. Vị triệu phú còn có tài sản khác chôn giấu ở bờ sông Aciravati, khi bờ sông bị lở, tài sản ấy bị trôi vào biển. Với uy lực của ngươi, hãy đem số tài sản ấy về, để đầy kho bạc. Lại còn có một tài sản khác nữa, trị giá một trăm tám mươi triệu đồng nằm chôn không chủ tại một chỗ nào đó, hãy lấy đem về đổ đầy kho bạc trống. Với năm trăm bốn mươi triệu đồng ấy, ngươi đổ đầy các kho bạc trống không, lấy đó để đền tội, rồi đến xin vị đại triệu phú tha tội cho.
Thần nữ đáp:
- Tốt lành thay, thưa thiên chủ.
Thần nữ chấp nhận lời Thiên chủ, mang lại tất cả tài sản như đã được nói.
Nửa đêm, thần nữ đi vào phòng rực rỡ của vị triệu phú, chiếu sáng hào quang, đứng giữa hư không. Được hỏi là ai, nàng đáp:
- Thưa bậc đại triệu phú, tôi là thần nữ mù quáng ngu si ở tại cửa gác thứ tư. Do tôi quá ngu si, không biết công đức đức Phật, đã nói với ngài những lời lỗi lầm trong những ngày trước. Hãy tha thứ lỗi ấy của tôi! Theo lời Thiên chủ Đế Thích, tôi đã đòi lại số tiền nợ một trăm tám mươi triệu đồng cho ngài, đã đem lại số tiền một trăm tám mươi triệu đồng bị trôi ra biển, và chôn giấu vô chủ tại một chỗ nọ. Như vậy tôi đã mang lại trăm năm bốn mươi triệu đồng đổ đầy các kho bạc trống rỗng của ngài để chuộc lại tội lỗi. Số tiền ngài đã tiêu dùng cho tinh xá Kỳ Viên, tất cả nay đã được thâu lại. Tôi vì không có trú xứ nên rất khổ sở. Chớ nghĩ đến những gì tôi đã làm do sự vô trí của tô. Hãy tha thứ cho tôi, thưa bậc đại triệu phú.
Ông Cấp Cô Độc nghe vậy, tự nghĩ: "Thần nữ này đang nói đã lập công chuộc tội và đã nhận tội của mình. Bậc Đạo Sư sẽ suy xét việc này, và sẽ cho nó biết những công đức của mình. Ta sẽ đem thần nữ đến gặp bậc Chánh Đẳng Giác". Vị triệu phú nói:
- Này thần nữ, nếu người muốn xin lỗi ta, hãy xin lỗi ta trước mặt bậc Đạo Sư.
- Lành thay, tôi sẽ làm như vậy. Hãy đưa tôi đến bậc Đạo Sư.
Vị triệu phú bằng lòng. Khi đêm đã tàn, vào buổi sáng, vị triệu phú đem thần nữ đến bậc Đạo Sư và báo cáo với đức Như Lai tất cả việc làm của thần nữ. Bậc Đạo Sư nghe xong liền nói:
- Ở đây, này Gia chủ, kẻ làm ác, khi điều ác chưa chín muồi, kẻ ấy thấy là thiện. Khi điều ác của kẻ ấy chín muồi, chỉ khi ấy kẻ ấy mới thấy là ác. Kẻ làm thiện, khi điều thiện chưa chín muồi, kẻ ấy thấy là ác, khi điều thiện của kẻ ấy chín muồi, chỉ khi ấy kẻ ấy thấy là thiện.
Sau đó, bậc Đạo Sư nói lên hai bài kệ này trong Pháp cú số 119 và 120
Người ác thấy là thiện
Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác nghiệp chín muồi,
Người ác mới thấy ác.
Người hiền thấy là ác,
Khi thiện chưa chín muồi,
Khi thiện được chín muồi,
Người hiền thấy là thiện".
Cuối bài kệ này, thần nữ chứng quả Dự lưu. Nàng đảnh lễ chân có tô điểm bánh xe của bậc Đạo Sư và nói:
- Bạch Thế Tôn, vì bị nhiễm tham ái, bị sân kích động, bị si mờ ám, bị vô minh bao phủ, con không biết những công đức của Thế Tôn, đã nói những lời ác, xin tha thứ cho con.
Rồi nàng được bậc Đạo Sư tha thứ, và được vị đại triệu phú tha thứ.
Lúc bấy giờ ông Cấp Cô Độc ở trước mặt bậc Đạo Sư, nói lên công đức của mình:
- Bạch Thế Tôn, thần nữ này đã cố ngăn chận con: Chớ cúng dường đức Phật v.v...! Nhưng không có thể ngăn chận con được. Nàng đã cố ngăn chận con: Chớ bố thí! Nhưng con vẫn bố thí. Bạch Thế Tôn, đấy là công đức của con.
Bậc Đạo Sư nói:
- Này Gia chủ, ông là Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu, có lòng tin bất động, có tri kiến thanh tịnh.
Thật không có gì kỳ diệu là ông đã không bị ngăn chận bởi thần nữ bất lực này. Nhưng có điều thật sự kỳ diệu là người Hiền trí thuở quá khứ, khi đức Phật chưa xuất hiện, khi trí tuệ chưa chín muồi, dầu ác ma, chủ cõi dục giới, đứng giữa hư không nói lớn: Nếu ngươi bố thí, ngươi sẽ bị thiêu sống trong địa ngục này, và chỉ rõ một hố đầy than hừng sâu đến tám mươi khuỷu tay, dầu bị ngăn: Chớ bố thí, người Hiền trí vẫn đứng giữa đoá sen bố thí như thường.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của ông Cấp Cô Độc, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một vị triệu phú ở Ba-la-nại, được nuôi dưỡng trong sự xa hoa như một hoàng tử. Khi đến tuổi trưởng thành, vừa mới mười sáu tuổi, Bồ-tát đã đạt đến điêu luyện trong tất cả kỹ thuật. Sau khi cha chết, được đặt lên địa vị triệu phú, Bồ-tát cho xây dựng sáu trường bố thí, bốn nhà tại cửa bốn thành, một nhà tại trung tâm thành, một nhà trước cửa trú xứ của mình, và tổ chức bố thí lớn, giữ giới, tuân giữ những ngày Bố-tát.
Một hôm, trong giờ điểm tâm, khi các món ăn hảo hạng được mang vào cho Bồ-tát, một vị Độc Giác Phật, sau bảy ngày thiền, vừa xuất định và nhận xét: "Đã đến giờ đi khuất thực, nay ta phải đến nhà của vị triệu phú Ba-la-nại". Sau khi chùi răng với que đánh răng bằng cọng trầu leo, rửa mặt tại hồ Anotatta, rồi đứng trên cao nguyên Manosila, vị Độc Giác Phật mang y dưới, cột dây lưng, đắp y ngoài lấy bình bát bằng đất do thần thông hóa hiện, đi ngang qua hư không và đứng trước cửa nhà, trong khi bữa điểm tâm được mang vào cho Bồ-tát. Bồ-tát thấy vị Độc Giác Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhìn người đứng hầu, chỉ rõ cần dâng cúng món ăn. Người hầu nói:
- Thưa ông chủ, con phải làm gì?
Bồ-tát nói:
- Hãy đem bình bát vị ấy lại đây.
Ngay trong thời khắc ấy, Ác ma lồng lộn hiện lên, tự nghĩ: "Vị Độc Giác Phật này chỉ được đồ ăn từ bảy ngày trước, nếu hôm nay không được ăn, vị ấy sẽ chết. Ta sẽ làm vị ấy chết và làm vị triệu phú chấm dứt việc bố thí".
Ngay lúc ấy, Ác ma đi đến, hóa hiện ở trong nhà một hố than lừng sâu tám mươi khuỷu tay (một khuỷu tay = 45 cm). Hồ ấy đầy những than rừng bằng cây keo cháy rực, cháy đỏ có ngọn, hiện ra như địa ngục. Sau khi tạo ra hố than hừng ấy, Ác ma tự mình đứng giữa hư không. Người hầu đi đến, định mang bình bát lại, thấy vậy, hoảng sợ quay lui. Bồ-tát hỏi:
- Này con thân, sao con trở lui?
Người ấy nói:
- Thưa ông chủ, trong nhà có một hố than hừng, cháy đỏ rực, cháy có ngọn.
Những người khác đi đến cũng hoảng sợ chạy trốn hết.
Bồ-tát suy nghĩ: "Hôm nay, Ác ma có uy lực, đang nỗ lực ngăn chận ta bố thí. Ta cần phải cho nó biết dù trăm Ma, ngàn Ma, trăm ngàn Ma cũng không làm cho ta dao động. Hôm nay chúng ta sẽ làm cho chúng thấy ai mạnh hơn ai, ai có uy lực hơn ai".
Bồ-tát tự mình cầm lấy bát cơm đã sẵn sàng, đi ra khỏi nhà, đứng ngay trên bờ hồ than hừng, nhìn lên trời, thấy Ác ma, liền hỏi:
- Ngươi là ai?
- Ta là Ác ma.
- Có phải ngươi hóa hiện hố than hừng này?
- Phải, chính ta hóa hiện.
- Vì mục đích gì?
- Vì mục đích ngăn chận ngươi bố thí, vì mục đích giết mạng sống của vị Độc Giác Phật.
Bồ-tát nói:
- Ta sẽ không cho ngươi ngăn chận ta bố thí. Ta cũng không cho ngươi giết mạng sống của vị Độc Giác Phật. Hôm nay, ta sẽ làm cho ngươi biết giữa ta và ngươi, ai có sức mạnh lớn hơn.
Vẫn đứng trên bờ hố than hừng, Bồ-tát nói:
- Bạch Thế Tôn, Độc Giác Phật, dầu con có rơi đầu lộn ngược vào hố than hừng này, con vẫn không trở lui. Mong Thế Tôn chấp nhận món ăn do con cúng dường.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:
Ta thà rơi địa ngục,
Chân trên, đầu phía dưới,
Ta sẽ làm việc Thánh,
Hãy nhận lấy món ăn.
Rồi với quyết tâm vững chắc, Bồ-tát cầm bát cơm bước lên mặt hố than hừng! Khi Bồ-tát làm như vậy, từ mặt hố than hừng sâu đến tám mươi khuỷu tay, mọc lên một hoa sen tuyệt đẹp đỡ lấy chân Bồ-tát. Từ hoa sen ấy, nhụy sen khoảng chừng một đấu lớn phun lên, rơi trên đầu bậc Đại Sĩ, phủ khắp toàn thân như rắc hột vàng. Bồ-tát đứng trên đóa hoa sen, đặt vào trong bát vị Độc Giác Phật những món ăn thượng vị khác nhau. Vị Độc Giác Phật nhận đồ ăn, nói lên lời tùy hỷ, rồi quăng bình bát lên trên hư không, và ngay trước mắt của đại chúng, tự mình bay lên hư không về phía Hy-mã-lạp Sơn, để lại một đường mây gồm nhiều hình thù kỳ diệu đặc biệt. Còn Ác ma bị thất bại và sầu muộn đi về trú xứ của mình. Bồ-tát vẫn đứng trên tòa sen, thuyết pháp cho đại chúng, tán thán bố thí, giới đức, và cùng với đại chúng vây quanh, bước vào trú xứ của mình. Bồ-tát trọn đời làm công đức, rồi khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Đạo Sư nói:
- Này gia chủ, việc này không có gì kỳ diệu khi một người đầy đủ tri kiến như ông không để cho thần nữ làm dao động. Thật sự kỳ diệu là những gì bậc Hiền trí đã làm trong thời quá khứ.
Thuyết pháp thoại này xong, bậc Đạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, vị Độc Giác Phật tại chỗ ấy nhập Niết-bàn, còn Ta chính là người triệu phú Ba-la-nại, sau khi đánh bại Ác-ma, đứng trên đóa sen, cúng dường thức ăn khất thực vào bát của vị Độc Giác Phật.