Thư Viện Hoa Sen

181. Kinh Đa Giới[1]

31/05/201112:00 SA(Xem: 40540)
181. Kinh Đa Giới[1]
Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ[2].”

Rồi Tôn giả A-nan vào lúc xế chiều, từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ”.

Thế Tôn nói rằng:

“Thật vậy, A-nan, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ. 

“Này A-nan, cũng như lửa dậy từ bụi lau, bụi cỏ, cháy luôn cả lầu các, điện đường. Này A-nan, cũng vậy, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong quá khứ, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời vị lai, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời hiện tại, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.“Này A-nan, đó gọi là, ngu sisợ hãi, trí tuệ không sợ hãi; ngu sivấp ngã, tai hoạn, ưu não; trí tuệ không có vướng tai hoạn, ưu não.

“Này A-nan, những ai có sợ hãi, vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng có thể tìm thấy nơi ngu si chứ không phải nơi trí tuệ

Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan buồn rầu, khóc lóc, nước mắt chảy, chấp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng: 

“Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo ngu si, không phải trí tuệ[3]?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào không biết giới, không biết xứ, không biết nhân duyên, không biết thị xứ phi xứ[4]. A-nan, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải trí tuệ.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải là trí tuệ. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo trí tuệ, không phải ngu si?”

Thế Tôn đáp rằng:

“A-nan, nếu Tỳ-kheo nào biết giới, biết xứ, biết nhân duyên, biết thị xứ phi xứ; A-nan, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết giới?”

Thế Tôn nói:

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về mười tám giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: dục giới, nhuế giới, hại giới, vô dục giới, vô nhuế giới, vô hại giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: lạc giới, khổ giới, hỷ giới, ưu giới, xả giới, vô minh giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này. 

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới: thọ giới, tưởng giới, hành giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới này. 

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này. 

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: sắc giới, vô sắc giới, diệt giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này. 

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: quá khứ giới, vị lai giới, hiện tại giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này. 

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: diệu giới, bất diệu giới, trung giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này. 

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: thiện giới, bất thiện giới, vô ký giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này. 

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: học giới, vô học giới, phi học vô học giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này. 

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về hai giới: hữu lậu giới, vô lậu giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này. 

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về: hữu vi giới, vô vi giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này. 

“Này A-nan, thấy và biết như thật về sáu mươi hai giới này. A-nan, Tỳ-kheo thấy và biết như thật về giới như vậy”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết giới như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết xứ?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về mười hai xứ: nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ, ý xứ, pháp xứ. A-nan, thấy và biết như thật về mười hai xứ này. Này A-nan, Tỳ-kheo biết xứ như vậy.

Tôn giả A-nan bạch rằng: 

“Tỳ-kheo biết xứ như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết nhân duyên[5]?”

Thế Tôn đáp: 

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về nhân duyên và pháp khởi từ nhân duyên, rằng ‘Nhân cái này có, cái kia có; cái này không, cái kia không. Cái này sanh, cái kia sanh; cái này diệt cho nên cái kia diệt’. Tức là duyên vô minh có hành..., cho đến duyên sanh có già, chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt. A-nan, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết thị xứ phi xứ[6]?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Này A-nan, nếu trong đời có hai vị Chuyển luân vương cùng cai trị, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu trong đời có một Chuyển luân vương cai trị, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu trong đời có hai Đức Như Lai, trường hợp này hoàn toàn không. Nếu trong đời này có một Đức Như Lai, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý[7] mà có ý sát hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật, làm Như Lai đổ máu, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật, làm Như Lai đổ máu, trường hợp này tất có xảy ra.

“A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà cố tình phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này tất có.

“Nếu có một người đã thấy đế lý mà xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà theo các Sa-môn, Phạm chí khác nói như vầy: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Phạm chí khác, nói rằng: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này tất có. 

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý mà còn tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý theo các Sa-môn, Phạm chí khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Phạm chí khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có. 

“A-nan, nếu ngườøi thấy đế lý mà phát sanh sự cực khổ, rất khổ, trọng đại khổ, không thể ái, không thể lạc, không thể tư, không thể niệm, cho đến đoạn mạng, bèn xả ly nội đạo này, cầu cứungoại đạo. Hoặc có Sa-môn, Phạm chí trì một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ mà nói là dứt khổ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này mà cầu cứu ngoại đạo, hoặc có Sa-môn, Phạm chí trì chú một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ, mà nói là dứt khổ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu người thấy đế lý mà tái sanh lần thứ tám, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu tái sanh lần thứ tám, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hànhthọ lạc báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ khổ báo, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ khổ báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hànhthọ lạc báo, trường hợp này tất có. 

“Này A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, mà tâm có thể an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kémtâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà muốn tu bảy giác chi, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà tu bảy giác ý, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý mà muốn chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý, không chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giácđạt đến khổ biên, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, đạt đến khổ biên, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, Tỳ-kheo biết thị xứ, phi xứ như vậy”.

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Đức Phật bạch: 

“Bạch Thế Tôn, kinh này tên gọi là gì? Nên phụng trì như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, hãy thọ trì pháp này, là đa giới, pháp giới, cam lộ giới, đa cổ, pháp cổ, cam lộ cổ, là pháp kính, là tứ phẩm[8]. Do đó kinh này được gọi là Đa Giới”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.



 
 

[1]Tương đương Pāli, M.115 Bahudhātuka-sutta. Đối chiếu Pháp Uẩn 10 (No.1537, Đại 26 trang 501b - 505a).

[2]Bản Hán này và Pháp Uẩn tương đương. Bản Pāli, đây là lời Phật nói với các Tỳ-kheo.

[3]Pháp Uẩn và Pāli giống nhau về câu hỏi này: đến mức độ nào để được liệt vào loại ngu phu?

[4]Thị xứ phi xứ: trường hợp đúng và trường hợp sai.

[5]Nhân duyên, đây chỉ duyên khởi. Pāli: paṭiccasamuppada.

[6]Xem cht.4 trên. Pāli: thānāthānakusala (xứ phi xứ thiện xảo).

[7]Kiến đế nhân, đây chỉ vị Tu-đà-hoàn.

[8]Tứ phẩm, Pháp Uẩn: tứ chuyển. Pāli: Catuparivatto.

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: