Thư Viện Hoa Sen

Chương 38: Người Hiểu Đạo

13/06/201012:00 SA(Xem: 13979)
Chương 38: Người Hiểu Đạo

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG 
Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG XXXVIII
NGƯỜI HIỂU ĐẠO

Thưa đại chúng,
Người Hiểu Đạo là chủ đề của chương ba mươi tám nầy.

A. CHÁNH VĂN.

Phật vấn Sa Môn: “Nhân mạng tại kỷ gian? Đối viết: Sổ nhật gian.” Phật ngôn: “Tử vị tri đạo.” Phục vấn nhất Sa Môn: “Nhân mạng tại kỷ gian? Đối viết: Phạn thực gian.” Phật ngôn: “Tử vị tri đạo.” Phục vấn nhất Sa Môn: “Nhân mạng tại kỷ gian? Đối viết: Hô hấp gian.” Phật ngôn: “Thiện tai. Tử tri đạo hỷ.”

Đức Phật hỏi: “Mạng sống con người được bao lâu? Vị Sa môn đáp: “Được vài ngày.” Đức Phật dạy: “Ông chưa hiểu Đạo”. Phật hỏi vị Sa môn khác: “Mạng người sống được bao lâu?” Thầy ấy đáp: “Trong một bữa ăn.” Phật bảo: “Ông cũng chưa biết Đạo.” Đức Thế Tôn lại hỏi một vị Sa môn khác nữa giống như vậy. Thầy nầy đáp: “Mạng sống con người trong một hơi thở.” Phật nói: “Hay thay, ông mới là người hiểu Đạo.”

B. ĐẠI Ý.

Đại ý của đoạn Kinh trên là nhận biết vô thường sống chánh niệm tỉnh giác từng hơi thở được Đức Thế Tôn cho là người hiểu Đạo.

Thưa đại chúng, để hiểu được Đạo không dễ, vì chúng ta thường có bệnh hay quên và nghĩ rằng chúng ta sống rất lâu. Do vậy, hiểu Đạo rất dễ mà cũng rất khó. Chúng ta nhận biết mình đang sống trong từng hơi thở là người hiểu Đạo, và nếu nghĩ rằng đời sống chúng ta dài hơn hơi thở là người chưa hiểu Đạo. Đó là điều rất gần mà cũng rất xa.

C. NỘI DUNG.

1. Phát sanh tuệ giác vô thường.

Chúng ta khởi phát được tuệ giác về vô thường là bước dẫn đầu vào con đường chứng quả. Trong thiền Phật giáo Nguyên Thủy thực tập khởi phát tuệ giác vô thường được gọi là chứng tầng tuệ đầu tiên. Điều đầu tiên của những người thực tập thiền là phải chứng được tầng tuệ này. Đây là tầng tuệ căn bản. Họ phân thành tầng tuệ đầu tiên là chứng nghiệm vô thường, hai là chứng nghiệm cận định và ba là chứng nghiệm được định. Do vậy, tầng tuệ đầu tiên này rất quan trọng.

Dĩ nhiên, hai chữ vô thường chỉ ở trên đầu lưỡi của chúng ta, nhưng ta chưa bao giờ thực sự cảm nghiệm được vô thường. Vì vậy, chứng nghiệm được vô thường không đơn giản, không phải từ nghe, từ hiểu hay suy tư mà phải được thể nghiệm bằng tự thân, bằng quán chiếu. Đôi khi chúng takinh nghiệm về điều này, rồi sau đó lại quên đi thì cũng chưa thể gọi là chứng nghiệm vô thường. Ví như khi chúng ta có người thân bị bệnh mất, hoặc chính bản thân chúng ta bị bệnh rất nặng cái chết đến bên mình, mình đã chạm tay vào nó nhưng may mắn mình vượt qua được và sống lại thì những ngày kề cận cái chết là giây phút hiếm hoi để ta chứng nghiệm vô thường.

Ta có thể nhìn đất trời, nhìn hình hài mình cảm nghiệm được vô thường nhưng rất nhạt nhòa. Có những trường hợp con người chìm vào nỗi bất hạnh, sắp chết nhưng hồi phục lại được. Tuy nhiên, họ không đủ duyên may gặp Phật pháp để giác ngộ nên khi sống cuộc sống mới họ bị chìm đắm, bị cuốn hút vào những lao xao, sầu khổ, lo lắng bất an. Trong trường hợp này họ đã chạm tay vào vô thường của cái chết, nhưng chưa cho họ kinh nghiệm được tầng tuệ vô thường. Đây chỉ là những biến cố đời sống tình cờ nó đến và có thể mở ra được một chút ý niệm tỉnh giác cho con người nhưng chưa phải là người chứng nghiệm tầng tuệ đầu tiên như Đức Phật dạy. Cho nên phát sanh tuệ giác vô thường không phải là dịp tình cờ đến với ta mà là công phu hành trì của sự thực tậpthiền quán.

Trong quá khứ, Đức Thế Tôn từng dạy cho Tỳ kheo Châu Lợi Bàn Đà chứng nghiệm được vô thường. Vị tỳ kheo này rất đần độn, học mãi một bài kệ bốn câu không thuộc, học trước quên sau. Qua nhiều năm như vậy anh của thầy là thầy Châu Lợi, đuổi về nhà. Châu Lợi Bàn Đà rất buồn đi ra ngoài rừng ngồi khóc. Lòng thì ham tu nhưng phải tội không có trí nhớ. Đức Thế Tôn thấy duyên để chứng nghiệm tuệ vô thường đã đến với Châu Lợi Bàn Đà nên dạy cho vị Tỳ Kheo chỉ một điều; Ngài đưa khăn cho ông và bảo: “Ông hãy lấy khăn này, lau tay rồi đưa lên nhìn xuyên qua ánh mặt trời. Ông chỉ làm chừng ấy việc thôi.” Châu Lợi Bàn Đà làm theo lời Đức Phật dạy, vì không cần phải học gì cả nên ông làm được. Và do vì phước của ông đã có từ rất nhiều đời nên ông giác ngộ liền: Khăn này rất trắng, mình lau xong đưa lên thấy đen. Đó là chứng nghiệm đầu tiên về sạch dơ của khăn. Khi đưa lên ánh sáng thì soi thấy rõ ràng. Ông chứng nghiệm thêm tầng tuệ chánh niệm nhận biết, và cứ thế từng lớp vô minh nghiệp thức vỡ ra, ánh sáng giác ngộ tràn về tâm ông bừng sáng.

Chúng ta có thể khảo chứng rất nhiều trường hợp các vị A La Hán thời Thế Tôn tại tiền chứng đạo thông qua tầng tuệ vô thường trong văn học A Hàm.

Dĩ nhiên đây chỉ là bước đầu rất căn bản để bước vào những tầng tuệ sâu hơn. Người tu tập truyền thống Thiền Vipassana là phải ý thức được hơi thở đi vào, đi ra và ý thức như thế nào để bắt đầu làm thêm một việc sâu hơn là ý thức được cảm thọ vui, buồn hiện ra trong tâm thức ta, rồi nó lại ra đi. Phải nhận diện rõ như vậy và nhận diện được một cách sâu sắc là chứng nghiệm tầng tuệ vô thường đầu tiên từ thân hành, từ hơi thở đến cảm thọ.

Thưa quý vị, ở cấp độ cạn chứng nghiệm được vô thường của cuộc đời cũng đã làm cho ta phát sinh tâm Bồ Đề. Và hạt giống giác ngộ này phải được nuôi từ chứng nghiệm nỗi khổ của nhân gian, của bản thân mọi sự sống. Như Đức Thế Tôn trước khi xuất gia đã nhìn thấy, đã cảm nghiệm được nỗi khổ của cuộc đời rất lớn, và từ nền tảng này Ngài phát “Đại Bi nguyện” vượt thoát.

Trong giáo lý đạo Phật, Tứ thánh đế Phật dạy Thánh đế đầu tiên chúng ta phải thể nghiệm là Khổ đế và trong Tam giải thoát môn quý vị phải đi ngang qua là Vô thường, Vô ngã, Niết bàn. Do vậy, từ tầng tuệ Vô thường chúng ta chứng nghiệm Vô ngã, sau đó mới thành tựu được Niết Bàn.

Nếu không đi vào cửa ngõ vô thường, chúng ta không thể thành tựu tuệ giác vô ngã để loại sạch hạt giống phiền não, khổ đau và chủng tử, nghiệp thức bao nhiêu đời để chứng nghiệm Niết Bàn. Bước đầu, chúng ta chưa chứng nghiệm được vô thường thì chưa thể khởi phát trong tâm thức ý niệm ham tu, không thể làm cho ý niệm tu hành vững chắc trong trái tim. Chứng nghiệm vô thường phạm vi nó rất rộng. Vô thường bên ngoài là khả năng tỉnh thức, nhận diện của mình về đời sống nhưng chưa đủ sâu. Phải chứng nghiệm vô thường trong hình hài này, những đến đi, mất còn, những suy hoại của thân, những khổ đau đày đọa của kiếp người chúng ta mới khởi phát được niềm tỉnh giác, và thắp lên ngọn lửa đam mê trong lòng để thực tập.

Chứng nghiệm được vô thường chúng ta mới loại trừ bệnh triển hạn của ta với thời gian. Chúng ta thường có bệnh hứa hẹn ngày mai, hay hứa hẹn chút xíu nữa. Chúng ta triển hạn tháng ngày, giờ giấc thực tập. Đối với một việc nhỏ mà chúng ta hứa hẹn chút xíu nữa là chúng ta đã thối lui, ngừng lại đời tu của chính mình, kiếp sau mới bắt đầu làm lại.

Cho nên trên con đường tu chúng ta lưu ý là chớ nên triển hạn thời gian mà hãy làm ngay tức khắc. Khi có yếu tố thời gian đi vào là có khả năng cho bản ngã triển khai con đường vui buồn, khổ lụy, tử sinh. Ta triển hạn thời gian, hứa hẹn đến hơi thở sau sẽ sống chánh niệm có nghĩa là ta hứa hẹn đánh mất một đời này chứ không phải chỉ mất một giờ. Và khi sự khất lần có mặt tức là chúng ta đang thả trôi cuộc sống của mình chìm nổi trong vô thường, chìm nổi trong luân hồi sáu nẻo.

2. Trú tâm tỉnh giác trong từng hơi thở.

Trong “Lâm gian lục của Thiền sư Huệ Hồng (1071-1128) thời Tống ghi câu chuyện của một vị Sư từ Ấn Độ sang Trung Hoa và tọa thiền trong một bọng cây. Vì cây càng ngày càng lớn nên bọng cây bị khép lại; ông chìm trong đó cho đến khi cây trở thành cổ thụ. Vào bảy trăm năm sau người ta phá rừng đem cây ra cưa thì thấy một vị sư còn nguyên vẹn với râu tóc, móng tay dài nhưng không biết làm sao đánh thức ông dậy. Một vị sư đến chỉ cách đem chuông thỉnh gần tai ông, thỉnh một hồi lâu ông mới tỉnh dậy. Hỏi ra thì được biết ông đã đến Trung Hoa vào thời tiền Tấn (351-385) của Nam Bắc triều. Sau đó ít lâu ông nhập Niết Bàn. Khi người địa phương đưa nhục thể ông thiêu xong thì thấy còn lại bộ xương dính vào nhau như vàng ròng, gõ vào tiếng kêu rất thanh.

Chuyện trên cho chúng ta biết về các tầng định cạn sâu của các bậc Thánh ngày xưa. Các Ngài có thể an trú trong định lâu dài hay ngắn hạn tùy sự tác ý xả định lúc đầu hoặc chờ người đánh thức.

Thông thường tâm được điều phục, khi tọa thiền hơi thở càng về sau càng nhẹ, như có như không. Vì thế, các vị thiền sư khi vào định hơi thở ở mũi dừng hẳn. Thiền sử ghi đã có những trường hợp bị hiểu lầm là sư đã nhập diệt như chuyện của Ngài Vô Căn được ghi trong “Thiền thoại.” Tuy nhiên điều chúng ta chia xẻ ở đây là mọi con đường thiền tập đều đi vào bằng cửa ngõ hơi thở. Người nào nắm được hơi thở thì dễ điều phục tâm.

Thưa đại chúng, để có thể an trú tâm tỉnh giác trong từng hơi thở chúng ta thử đi qua ba tầng thực tập sau đây: thứ nhất mang tâm về đặt ngay nơi hơi thở, thứ hai là nhận biết hơi thở, và cuối cùngnhận biết sự nhận biết hay an trú trong sự nhận biết.

– Trong bài Kinh chúng ta nhận thấy Đức Thế Tôn đặt nặng trọng tâm về hơi thở. Ngài dạy cho các Tỳ kheo là phải chú tâm vào hơi thở, căn cứ trên hơi thởthực tập.

Hơi thở là đặc trưng của niệm thân hành, trong mọi động tác đều đem ý thức về dừng lại trong thân nầy, dễ nhất là đem ý thức đặt vào hơi thở. Thông thường tâm chúng ta không bao giờ dừng lại, tâm chúng ta có khuynh hướng là đi tới, đi lui. Mỗi lần nó ra đi là đã tạo ra quãng cách của thời giankhông gian trong tâm thức chúng ta rồi. Tại sao như vậy? Khi một ý niệm sinh khởi nó luôn lui về quá khứ hoặc hướng đến tương lai; ấy là yếu tố thời gian đi vào. Và hai hướng đi nầy có mặt là mọi trạng thái tâm hành lo lắng, vui buồn, sầu khổ bất an... sinh khởi làm tràn đầy, chật chội tâm thức ta, ấy là yếu tố không gian có mặt.

Cho nên hơi thở mà vắng ý thức, tức là không có sự nhận biết của ý thứchơi thở không có chánh niệm. Chánh niệm đặt vào bất cứ sự vật nào là nơi đó phát sáng tuệ giác. Ví thử chúng ta đặt tay vào người thân mà không có chánh niệm là cái đặt tay ta rất hờ hững. Ngồi với người thân mà không có chánh niệm tức sự nhận biết mình không dừng lại, không có mặt ngay đây thì lúc ấy mình chỉ ngồi với cái xác mà hồn thì đang dạo chơi ở phương xa.

Đem tâm thức về đặt lại ngay nơi thân, làm cho tâm dừng lại nơi thân ở mức độ cạn nhất là đặt tâm vào ngay hơi thở. Chúng ta mãi là thiền sinh, là người đi học thiền mà không phải là Thiền sưchúng ta không thể làm được một điều là mang tâm về đặt lại trong thân bất cứ lúc nào, nơi nào.

Thiền sư hay Đức Thế Tôn cũng như chúng ta, cũng sinh hoạt như chúng ta nhưng gọi là Thiền sư hay Đức Thế Tôn vì từng phút, từng giây trong đời sống tâm của các Ngài luôn ở với thân mà không chạy chơi lang thang. Chúng ta phải thực tập cho được tầng rất cạn nầy và nếu thực tập được thì mọi việc làm của quí vị đều được ý thức soi sáng. Chỉ làm được chừng nầy thôi thì quí vị đủ là người thông minh rồi, không có gì vụng về, thất thố, quên lãng trong thân hành.

Thưa quí vị, làm được những điều rất cạn là làm được những gì rất sâu, làm được những gì rất nhỏ sẽ làm nên những gì rất lớn và những gì vô hình làm thành những cái hữu hình. Muôn ngàn vị Thánh cũng từ những cái bé nhỏ mà làm thành. Thánh nhân cũng là người bình thường như chúng ta thôi, nhưng lúc nào cũng làm chủ được thân hành của họ trong từng sát na.

Chúng ta đem tâm lang thang về được lại với thân, nhưng chúng ta phải làm thế nào khi tâm thức của mình vừa phóng đi mà chúng ta nhận biết ngay, đem nó về an trú trong từng pháp mình đang sinh hoạt như đi đứng, nói cười, ăn cơm, uống nước... đồng thời chúng ta phải làm cho sự có mặt của tâm luôn nhận biết hơi thở ra, hơi thở vào. Làm được điều nầy là chúng ta đã bắt đầu đi vào tầng sâu hơn trong sự thực tập.

Thực tập vào tầng thâm sâu hơn là ta không nhận biết hơi thở nữa mà luôn ý thức sự nhận biết. Nói cách khác là luôn an trú tâm ngay nơi sự nhận biết. Tức là nhận biết sự nhận biết cái gì. Lúc bấy giờ cái nhận biết hiện tiền rỗng lặng, tỏa chiếu bát ngát bao trùm; không phải là nhận biết đối tượng nữa (hơi thở), mà an trú ngay trong tự thân của chính nó. Ta gọi tầng nầy là tầng thâm sâu nhất trong pháp thực tập trú tâm tỉnh giác trong từng hơi thở.

3. Nhận biết được thường trong vô thường.

Điều nầy có thể hơi khó hiểu và trong đạo Phật có những từ trùng lập chồng lên nhau làm cho chúng ta không thông hiểu tường tận được. Như trong văn học Kinh điển Đại thừa hay nói: những điều gì rất lớn nằm trong cái nhỏ tí và cái nhỏ tí thì bao trùm chứa đựng cái rất lớn, làm khó hiểu cho chúng ta.

Người tu chúng ta thực tậpkhám phá cái thường trong thân vô thườngchúng ta dừng chân được trong cái thường thì mới cắt được dòng chảy khổ não tử sinh. Ví dụ trong thời gian trôi chảy vô tận nầy mà chúng ta dừng lại ngay cái điểm không trôi chảy. Dòng thời gian cuồn cuộn nhận chìm hết mọi thứ mà chúng ta dừng lại được trong sát na hiện tại thắp sáng hiện hữu, thắp sáng chánh niệm nhận biết hiện tiềnchúng ta khám phá được diện mục thường trong vô thường của đời sống sinh diệt.

Ngay bên trong hình hài vật lý nầy vô thường thể hiện rất rõ. Thời gian qua làm cho ta thay đổi, biến chúng ta từ trẻ thành già, bệnh chết... đó là vô thường của hình hài. Thế nhưng có cái thường trong hình hài vô thường nầy. Ở mức độ cạn chúng ta dễ cảm nhận nhất là cái nhìn, cái nghe, cái thấy... luôn thường có trong ta từ trẻ cho đến già không mất và nó có trong mắt, tai, mũi, lưỡi...

Sâu hơn nữa của tầng tâm thức chúng ta cũng nhận ra được những tầng thô và mịn của vô thường; là những cảm thọ vui buồn sầu khổ, là những suy nghĩ, đến đi liên tục. Nhưng có một cái không mất và luôn bất động đó là sự nhận biết của ta. Đây là chánh niệm tỉnh giác tỏa sáng nhận biết không có tiếng nói thì thầm. Nó chính là cái thường nhiên bất động, bất diệtvô sinh. Thông minh thì chính ngay trong thân thể vật lý nầy chúng ta nhận ra những tầng sâu của thường nằm trong vô thường.

Thưa. Càng đi vào sâu, chúng ta càng gần với Đạo. Chuyện tu hành, thực tập của chúng ta chỉ làm một điều là tìm cho ra thường trong vô thường, tìm cho ra cái không sinh diệt trong hình hài sinh diệt.

Chúng ta đều có ước mơ chung là cắt được khổ não của kiếp người, chấm dứt được sinh tử nối dài qua nhiều kiếp. Điều nầy không phải tìm kiếm bên ngoài mà chúng ta phải quay lại tìm ngay trong thân tâm của chính ta; nhận biết được cái thường tại bất động nơi mình, có niềm tin vững chắc và bắt đầu sống liên tục được với nó thì chúng ta chứng nghiệm được trạng thái Niết Bàn hiện đời.

Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 59335)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: