Kệ ngôn 15: Kẻ Ác Bị Phiền Muộn

17/12/20205:09 SA(Xem: 1791)
Kệ ngôn 15: Kẻ Ác Bị Phiền Muộn
blank
Kệ ngôn 15:
Kẻ Ác Bị Phiền Muộn
Giảng sư: Thích Giác Đẳng
Kẻ ác bị phiền muộn
Nay sầu, đời sau sầu
Kẻ ác hai đời sầu
sầu khổ phiền muộn
Thấy nghiệp uế mình làm
Idha socati pecca socati paapakaarii ubhayattha socati
So socati so viha~n~nati disvaa kammakili.t.thamattano.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Khi nói đến nghiệp báo Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng mỗi một việc làm ở trong cuộc sống này: là việc làm của thân, hay lời nói của khẩu, hoặc suy tư của ý, nó để lại nhiều vết tích và những vết tích này chúng ta khó có thể nắm bắt được hết, khó có thể thấy rõ được. Tuy vậy trong một cái nhìn bằng trí tuệ cũng như trong cái nhìn bằng niềm tin vào nhân quả thì chúng ta cũng có thể thấy một phần, và chỉ một phần chúng ta thấy được thì cũng quá đủ để chúng ta tin vào lý nhân quả. Phải nói rằng có ít người trong cuộc đời này họ chuyên làm ác lại không thấy được quả báo nhãn tiền ít nhất là về phương diện tâm lý. Lịch sử của nhân loại dù rằng ở trong thời xưa hay ngày hôm nay, luôn luôn có những thí dụ rất cụ thể về điểm này.

Thưa quí vị trong bài kệ hôm nay, khi chúng ta nghe Đức Phật dạy về hình ảnh của một người sống trong cuộc đời này gọi là người ác, người ác ở đây chúng ta dùng có chữ paapakaarìi, có lẽ là một điều rất dễ định nghĩa, dễ định nghĩa nhất đó là một người sống trong cuộc đời này chuyên làm khổ chúng sanh khác bằng những hạnh nghiệp của mình, làm khổ đây có nghĩa là làm những gì như là sát sanh trộm cắp v.v...
.

Và nỗi đau khổ chúng ta nghe Đức Phật Ngài dậy ở đây

"Nay sầu, đời sau sầu.
Kẻ ác hai đời sầu.
sầu khổ phiền muộn.
Thấy nghiệp uế mình làm".

Nỗi ám ảnh về sự đau khổ mình làm, khi chúng ta hiểu Đức Phật Ngài dậy rằng: một con người làm ác thì họ phải làm bằng một tâm gì đó, mà tâm đó chúng ta gọi là tâm bất thiện, chứ không thể nào một người làm việc ác mà với tâm bình thường được. Bản chất của tâm bất thiện Đức Phật gọi là những thứ phiền não nung nấu con người của chúng ta.

Thật ra thì trong quan niệm cái nhìn của cuộc sống có đôi lúc con người không để ý và nghĩ rằng tâm tư chúng ta lúc nào cũng giống nhau, thật ra tâm tư không giống nhau, nhiều khi chúng ta không ý thức nhiều về cơ thể, mình cứ nghĩ rằng thực phẩm nào được đưa vào trong cơ thể những thực phẩm đó nó không có gi` khác biệt hết, nhất là khi chúng ta vừa mới lớn lên sống trong quốc gia thiếu thốn chẳng hạn, hễ có ăn là quí rồi, nên chi, dầu ăn ngọt, ăn mặn, đồ ăn ngon, ăn dở gì chúng ta thấy giống nhau. Nhưng một lúc khi bắt đầu cơ thể của chúng ta đã không còn có thời gian như vậy nữa, nó bắt đầu biết nhạy cảm với thực phẩm thì chúng ta sẽ thấy một sự phân biệt rất rõ. Có những thức ăn khi chúng ta đem vào cơ thể làm cho cơ thể khỏe hơn, có những thức ăn làm cho cơ thể không được thoải mái, và lúc đó chúng ta thấy rõ sự khác biệt lớn giữa các thức ăn trong đời sống.

Tâm tư con người cũng vậy, ở vào tuổi nào đó trong cuộc đời của chúng ta thì trạng thái của nội tâm không đáng để ý, chúng ta chỉ đuổi bắt theo những gì mà mình muốn thôi. Lấy ví dụ mình thích thì đi chùa, không thích thì thôi, mình thích thì đọc sách, bất cứ loại sách gì, dầu sách đó có tốt hay không tốt, dầu sách đó lành mạnh hay không lành mạnh mình cũng đọc. Nhưng đến một lúc chúng ta thật sự đáng ngại với đời sống nội tại, bấy giờ một điều dễ dàng nhận thấytrạng thái của nội tâm đó có một ảnh hưởng to lớn, ảnh hưởng đó có thể nói rằng hết sức dễ dàng để thấy.

Ví dụ như người xưa họ có câu nói rằng "kẻ sĩ mà ba ngày không đọc sách, xem gương thấy mặt xấu xí." Nếu đời sống của chúng ta trong một tuần lễ hay mươi ngày mà không nghe pháp, không đọc kinh, không đọc sách, không có những cuộc luận đàm một cách thú vị, mà cuộc sống trôi qua một cách tẻ nhạt, hay trôi qua một cách vô vị, thì tâm tư của chúng ta bấy giờ nó khác hẳn đi. Phải tinh tế, phải biết lắng nghe nội tại, phải biết lắng nghe đời sống nội tâm thì mới thấy đời sống khác biệt như vậy. Con người của chúng ta lúc nào mà bận rộn nhiều quá, bận rộn với công việc, chúng ta không có giờ phút để phản tỉnh, không có giờ phút để có thể lắng đọng tâm tư lại, để suy niệm những điều cao quí, chất liệu tâm linhgiảm thiểu đi, thì từ quan niệm này chúng ta có thể hiểu một cách rộng hơn là nó có những phiền não nội tại, mà phiền não nội tại thì nung nấu.

Ở đây có thể hiểu một điều như vậy là con người phần đông ai cũng có trạng thái phiền não như tham, sân và si. Tham là chúng ta ham muốn, chúng ta bị dính mắc, chúng ta cảm thấy rằng có một cái gì đó đặt biệt lôi cuốn mình và mình bị cột trói vào nó. Sân là trạng thái bất bình, không thoải mái, bực dọc khó chịu trước điều trái ý nghịch lòng. Và si được hiểu trạng thái mê mờ tán loạn phân vân v.v... Những trạng thái đó làm cho tâm tư của chúng ta trở lên muội lượt, trở lên thiếu sự bén nhạy. Những trạng thái đó rất thường tìm thấy trong cuộc sống của mỗi chúng sinh ở đời này, bởi vì chúng ta đối diện với những hoàn cảnh chung quanh, có cái thuận, có cái nghịch, có cái được, có cái không được. Tuy nhiên những thứ này nếu chúng ta không để ý thì có thể cái đạt tới cực điểm, trong cái cực điểm đó có thể tạo ra một thứ, đó là nó có thể trở thành một cái gì đó gây ra bao nhiêu thương tổn cho người khác, và dĩ nhiên không có nghĩa là gây thương tổn cho chính mình.

Phải nói rằng phiền não mà không để ý đến nó thì nó có thể phát ra trong nhiều cách. Một con người có tâm sân hay bất bình với hoàn cảnh, nó chỉ là một hiện tượng tâm lý bình thường, nhưng nếu không khéo để ý nó có thể đạt đến một mức độ tàn nhẫn và nó có thể đem lại bao nhiêu sự thương đau, bao nhiêu khổ lụy cho những người chung quanh, và lúc bấy giờ nó trở thành một vấn đềĐức Phật Ngài dùng chữ paapakaarii để chỉ cho chữ ác. Và phiền não mà càng mạnh càng được thể hiện bao nhiêu qua thân qua khẩu thì có một lúc nó ghi lại hai thứ: một là nó để lại quả dị thục ví dụ như đời sau sanh ra, kiếp sanh thức của chúng ta là những quả của thiện và bất thiệnchúng ta làm, và những nghiệp đó cũng để lại trong đời này bằng những dấu tích của tâm lý rất dễ hiểu.

Một quyển sách, một bản nhạc có những âm hưởng còn lại trong tâm tư của mình, những âm hưởng đó có thể là ảnh hưởng nhiều năm tháng. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể thấy được có những người một hành động họ làm ở một cực độ nào đó, nó có thể bám sát lấy họ trong năm dài tháng rộng mà họ sống đau khổ. Có nhiều người nghĩ rằng mình làm điều ác nhưng mình không thấy được đó là điều ác thì đâu có lý do gì phải hối hận, một người không hối hận như vậy thì họ có thể không đón nhận quả của nghiệp ác, nhưng mà thưa quí vị, khi làm việc bất thiện con người bị nhiều bất hạnh, một trong những bất hạnh lớn của con người khi làm việc bất thiện là họ không làm tăng trưởng được thiện pháp và có thể họ đào bứng tận gốc rễ của mình, những gốc rễ của thiện pháp.

Khi con người sống quá ác thường gây ra tổn thương cho chúng sanh khác, thì hạt giống thiện không thể trưởng dưỡng trong mảnh đất tâm linh của họ được, và như vậy nó để lại khoảng trống, cái gì là cái bù đắp vào khoảng trống đó, thì chắc chắn cái đó là cái không tốt. Do vậy đối với cái nhìn của Đức Phật thì chuyện nhân quả là một chuyện rất rõ ràng, chúng ta không cần phải dùng tới Phật nhãn, chúng ta không phải dùng thiên nhãn thông, túc mạng thông để có thể ghi nhận hiện tượng nhân quả để cụ thể rõ ràng, mà trái lại nếu chúng ta tinh tế một chút thì thấy rằng môi trường nào, điều kiện nào mà thiện pháp có thể phát triển được, và môi trường nào, điều kiện nào thiện pháp không phát triển được, môi trường nào, điều kiện nào mà bất thiện pháp nó luôn luôn sanh xôi nẩy nở nó đều là khuynh hướng của chúng ta hết. Phải nói rằng ở trong cuộc sống ngày hôm nay nó đã có rất nhiều thứ mà con người không để ý thấy điểm này.

Chúng tôi có nói chuyện với một số Phật tử cách đây ba tuần lễ, khi chúng tôi sang thăm Florida lúc đó thì Thầy trụ trì của chùa Phật Pháp đang ở trong tình trạng yếu lắm và chúng tôi cùng với Ngài Hòa Thượng qua đó để gặp Thầy trụ trì lần sau cùng, nhân lúc thăm viếng Sư thì chúng tôi có nghe một Phật tử trong chùa tâm sự rằng: " mặc dầutrụ trì sống ở trong chùa đời sống vất vả về chuyện Phật sự, nhưng nếu xét lại thì cuộc sống hạnh phúc hơn cuộc sống cư sĩ rất nhiều", chúng tôi yên lặng để lắng nghe tiếp tục lời nói của người Phật tử đó, người Phật tử đó tâm sự một việc, anh nói rằng cuộc sống bên ngoài ở tại Mỹ này, sự cạnh tranh là một cái gì rất bình thường, và trong sự cạnh tranh nhất là cạnh tranh trong công ăn việc làm đôi lúc nó trở lên rất tàn nhẫn, một người đồng sở với mình đôi lúc mình phải gạt người đó ra bên ngoài để mình chiếm lấy một địa vị nào đó, ở trong một xã hội kinh tế là chủ đạo, ở trong xã hội mà sự cạnh tranh là chuyện bình thường và ai cũng nghĩ rằng việc trù dập, chuyện đẩy người khác ra bên ngoài để mà mình chiếm đoạt một cách hợp pháp, hợp pháp nghĩa là không vi phạm luật lệ gì, chỉ là sự cạnh tranh hợp pháp thôi, nghĩa là một việc không có gì đáng để quan tâm hết, nhưng ngồi suy nghĩ lại thì mình tạo ra rất nhiều nghiệp trong suốt cả thời gian mình làm việc như vậy.

Ở bên này người ta thấy rằng một người đang làm việc, mình đuổi người nào nó không ảnh hưởng gi` hết, và anh cũng kể cho chúng tôi nghe một vài kỷ niệm trong cuộc đời, có đôi lúc ở trong địa vị của anh, anh đã đuổi những người ra khỏi sở, bởi vì lý do này, lý do khác nhưng rồi sau đó khi nghe nói rằng người đó thất nghiệp thiì ảnh hưởng đến gia đình của họ có thể bị tan nát rồi có thể bị thế này thế khác, và anh nói rằng suốt cả hai mươi mấy năm làm việc ở đây ngồi xét lại thì anh thấy rằng đồng tiền được làm nên mình phải đánh đổi bằng quá nhiều cái nghiệp mà vốn dĩ không có tránh khỏi.

Thì thưa quí vị, câu chuyện anh kể cho chúng tôi nghe, đã làm cho chúng tôi suy nghĩ một điều rằng ở trong một xã hội hay một nền văn hóa nào đó, có những việc làm chúng ta thấy hoàn toàn hợp pháp, nó không ảnh hưởng tới ai hết, nhưng rồi nếu một người Phật tử hiểu đạo suy tư thì bấy giờ chúng ta dễ dàng để nhận ra những thứ đó xã hội đã không cho chúng ta được ánh sáng của trí tuệ, xã hội đã không có những cảnh báo cần thiết cho chúng ta về nghiệp báo, đặc biệt là ở trong thời đại con người quá ưu tiên về kinh tế. Nếu chúng ta lớn lên ở tại miền duyên hải trong một làng chài, một làng đánh cá, chúng ta lớn lên từ nhỏ ở đó, chúng ta không bao giờ nghĩ nghiệp đánh cá là một nghiệp ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Thậm trí mình lớn lên ở một nước chiến tranh việc sử dụng súng đạn, việc giết người này, giết người kia là một việc người ta thấy nó không phải là một chuyện lớn.

Có những lần chúng tôi xem những đọan phim tại xứ Rwanda hay xứ Ethiopia ở tại Phi Châu, những trẻ em mười hai mười ba tuổi được trang bị súng đạn để trở thành một người lính, những trẻ em đó có thể có cái nghiệp bạo hành, có việc hết sức tàn nhẫn đối với những người khác, bởi vì trong tay mình cầm súng, nếu người kia là đối phương của mình, những người kia là những người khác bộ tộc của mình, thì mình có thể đánh, thậm trí có thể bắn ngay trước mặt ống kính của các ký giả. Văn hóa của loài người nó vốn đã không có đủ sự minh triết, không có đủ ánh sáng để cho con người thấy đâu là thiện, đâu là bất thiện, và chính vì vậy có thể chúng ta lớn lên trong nền văn hoá nào đó chúng ta sẽ bị mù lòa. Chữ mù lòa ở đây chúng tôi muốn nói nó tương tự như mình nói color blind tức là một số người họ không nhận ra được màu đỏ, có một số người họ không nhận ra được màu xanh, họ không thấy được một số màu sắc nào đó.

Chúng ta cũng bị mù lòa đối với một số khía cạnh nào đó của đời sống, tuy nhiên phản ứng của nội tâm, tâm lý của chúng ta, nếu một người nào có thể ngồi lại lắng đọng thường xuyên để suy nghĩ thì thấy rằng những việc mình làm nó có khi mang lại cho mình nhiều hạnh phúc và có những việc làm nó mang lại cho mình nhiều nỗi đau khổ. Và chúng ta càng tu tập thì khả năng bén nhạy về điều đó được càng nhiều, nhờ vào sự bén nhạy đó chúng ta khả dĩ có thể biết được trong một điều kiện nào chúng ta an lạcđiều kiện nào chúng ta không an lạc. Theo trong kinh điển thì chư vị Bồ Tát hoặc giả bất cứ ai trên con đường hướng cầu đạo quả giải thoát, một đức tính giúp cho người đó rất nhiều, đó là lòng đại bi hay sự bi mẫn hoặc sự bén nhạy với nỗi đau khổ của chúng sanh của người trong đời này, những ai thường xúc động trước nỗi khổ của tha nhân, thường trắc ẩn trước nỗi khổ của tha nhân thì người đó cũng là người có thể bén nhạy đối với nỗi khổ trong tâm tư của mình.

Một người thiếu lòng đại bi thì thường thường người đó không có được sự bén nhạy, người khổ mà mình không thấy được người khổ và mình không có sự cảm thông với người khác. Khi mình không có sự cảm thông với người khác, thì điều đó có nghĩa là rất ít khi mình thấy nỗi khổ ở trong tâm tư của mình, và vì ít có thấy được nỗi khổ trong tâm tư của mình thì chúng ta không thấy được ảnh hưởng của thiện và bất thiện ở trong cuộc sống của chúng ta.

Cách đây không lâu chúng tôi có xem một cuốn phim ở trên đường phi cơ bay về Đài Bắc, trên máy bay người ta có chiếu một cuốn phim, nếu chúng tôi nhớ không lầm có tựa đề là Musa đó là cuốn phim của Đại Hàn nói về tinh thần thượng võ của chiến sĩ: họ kể về một câu chuyện thật của lịch sửcâu chuyện đó đã được giàn dựng thành một cuốn phim đặt biệt hết sức công phu, trong cuốn phim này nói về một phái đoàn đi xứ từ Đại Hàn đi sang Trung Quốc, khi qua những cửa ải đầu tiên thì không may là những vị quan giữ ải này đã không nhận ra tư cách ngoại giao của phái đòan này, và họ đã có những việc làm hành hung khiến cho phái đoàn gặp bao nhiêu chao đảo, bao nhiêu khó khăn, rồi cuối cùng họ lại xen vào một cuộc khủng hoảng giữa người Đại Hàn với người Mông Cổ và quân đội của nhà Minh, tức là Trung Quốc bấy giờ. Một điểm mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy câu chuyện đó, tức là MuLăng vị tướng của phái bộ đó, vị tướng này xuất thân trong gia đình quyền hành, quyền bính gọi là cực kỳ tại Hán Thành. Vị tướng trẻ này nguyên là người thừa kế địa vị của cha mình, cha của vị tướng này ngày xưa cũng là chủ xoái, bây giờ vị tướng này cũng là vị tướng cầm đầu một phái bộ. Vì còn trẻ lại có sức mạnh và được huấn luyện trong binh nghiệp từ thời thơ ấu, nên vị tướng này trở nên một người hết sức giỏi về chiến trường, giỏi về đánh trận, nhưng phần lớn hữu dõng vô mưu, thiếu kinh nghiệm chiến trường, dầu có sức mạnh rất hơn người.

Tuy nhiên với một cách chúng ta có thể tìm thấy ở vị tướng trẻ này là một người chỉ biết ra lệnh và ra lệnh một cách độc đoán, ít có khi có được cảm nhận của người khác cho đến khi vị này thật sự đối diện với những đau khổ gọi là tan nát cõi lòng, và nhìn thấy được sự hy sinh, nhìn thấy sự can đảm của những người bấy lâu nay vị này nhìn bằng nửa con mắt thôi, tức là những người thuộc hạ, thậm trí một vị dân giả đi theo mình mà họ hết sức can đảm, lấy ví dụ như một người lính rất trẻ mà dám hy sinh để chạy ra khỏi bờ thành đi đến một giếng nước đang bị canh gác bởi quân đội nhà Nguyên để lấy nước về giúp cho một thiếu phụ đang sanh nở không có nước sôi để dùng. Thì thưa quí vị, những hành động như vậy đã làm cho tâm tư của vị tướng trẻ này hiểu được phần nào về con người và hiểu được chính mình, nhưng lúc đó không may là đã quá trễ rồi, nếu vị này có thể hiểu trước kia như vậy thì đã không có những quyết định sai lầm, và khi không có những quyết định sai lầm thì vị này đã có thể có những thành tựu lớn trong chuyến đi đó.

Câu chuyện của lịch sửcâu chuyện đã sang trang và là câu chuyện của phim ảnh, dĩ nhiên người ta cho nó nhiều kịch tính hơn, chuyện đó chúng ta không nói, tuy nhiên câu chuyện này cũng cho chúng ta thấy được một sự kiện rất rõ là nếu chúng ta có thể lắng nghe được cái vui cái khổ ở trong lòng mình, và đặc biệt chúng ta nhạy cảm với cái vui cái khổ của người khác. Chúng ta biết vui theo cái vui của người khác, và chúng ta biết trắc ẩn với cái khổ của người khác, thì chúng ta có một cơ may rất lớn ở trong đời sống, cơ may đó khiến cho chúng ta thấy được cái mặt mũi, thấy được ảnh hưởng của phiền não của tham sân si, và nhờ như vậy chúng ta có một nhân sinh quan khác hẳn đi.

Bài kệ này trong đó có một đề nghị của Đức Phật, đề nghị của Đức Phật về niềm vui và nỗi khổ, đôi lúc cái vui, cái khổ nó không phải là chuyện lớn trong đời sống này. Người Trung Hoa có nói một câu mà chúng ta nghe Đoàn Thị Điểm ghi lại ở trong Chinh Phụ Ngâm chính là "Dặm nghìn da ngựa, do thái sơn nặng tựa hồng mao", mạng sống của mình có khi nó nặng như thái sơn có khi nó nhẹ tựa lông hồng, cái niềm vui nỗi khổ trong người mình, trong lòng của chúng ta, đôi khi nó không phải là điều đáng nên để ý, có đôi khi thì cũng nên xem rất thường, nhưng đôi khi chúng ta cũng nên biết rõ. Biết rõ thì chúng ta có thể trở mình được, không phải lúc nào chúng ta cũng có một thái độ quá nghiêm trọng, nhưng nếu chúng ta khéo suy tư, thì chúng ta thấy được cảm thọảnh hưởng chúng ta như thế nào.

Có một bài kinh gọi là Đế Thích Sở Vấn, và bài kinh Đế Thích Sở Vấn trong đó Đức Phật Ngài nói một cách tinh tế về một con người mà lắng nghe lấy chính mình, ví dụ là khuynh hướng mà đạo Phật gọi là tầm, có những sự hướng tâm mang lại cho chúng ta vui, mang lại cho chúng ta khổ, mang lại cho chúng ta phiền não hay không phiền não, những thứ đó nếu chúng ta để ý thì chúng ta sẽ thấy nó khác, hoặc giả nếu chúng ta là một thiền sinh đi vào trong trường thiền, đôi lúc một niệm nhỏ khởi lên trong tâm và nó kéo sau cả cái vui, cái không vui, cái an lạc và cái khổ đau, cái đó chúng ta cũng có thể ghi nhận được rất rõ.

Chúng tôi nhớ một vị thiền Sư, Ngài Mahasi lúc Ngài còn sinh tiền, ngài nói rằng "Một hành giả trong bước chân đi kinh hành và nếu vị này để ý được ý muốn của mình, ý muốn ngừng lại, ý muốn quay lại, nếu dừng lại ý muốn đó bén nhạy thì người đó sẽ hiểu được cái gì là vui khổ do tâm tư của mình tạo nên, đơn giản thôi thưa quí vị, có những ý muốn mang lại cho chúng ta một áp lực, áp lực này không phải từ bên ngoài mà tự mình tạo lấy và có những ý muốn nó cho chúng ta trở về với sự thanh thản.

Thì nói chung nghiệp báo là một nguồn máy hết sức li chi phức tạp, nguồn máy đó có thể chúng ta không biết hết, quí vị có thể lái xe mà không cần phải là thợ máy chuyên nghiệp, quí vị không thể biết li chi từng chút một. Tuy nhiên nếu chúng ta biết được một số nguyên tắc về bộ máy hoạt động, thì có thể là một tài xế được, có thể lái xe được, chớ không cần phải biết nhiều. Thì nghiệp cũng vậy, không cần chúng ta phải có Phật nhãn hay chúng ta phải có thiên nhãn thông, để chúng ta thấy được đầu mối của nhân này và quả kia, kiếp này và kiếp khác, nhân quá khứ, quả hiện tại, nhân hiện tại quả vị lai, chúng ta không cần biết nhiều như vậy, nếu lúc đó chúng ta phải ghi nhận đâu là vui, đâu là buồn, đâu là trạng thái làm cho mình được an lạctrạng thái làm cho mình đau khổ, thì lúc bấy giờ chúng ta có thể hiểu được việc mình làm nó có thích đáng hay không, và việc đó có nên làm hay không.

Người Trung Hoa và Ấn Độ đều có được một số gởi gấm ở trong nền học thuật của họ liên quan đến kiếp người. Người Trung Hoa nói rằng nếu một người ở tuổi lão niên, tức là chúng ta nói trên 60 trở về sau này mà không học được chữ nhàn, chữ nhàn giống như trong Đạo Gia nói đến thì người đó có thể được xem như là người sống mà thiếu sự suy tư về cuộc sống của mình, có nghĩa là một con người mà đã uống cạn chung rượu đời, một con người đã đi gần đến nấm mộ để chôn mình mà người đó vẫn chưa ý thức được là mình vui hay khổ, thì điều đó là điều đáng tiếc lắm, rất là đáng tiếc.

Với người Phật tử trong hiện tại này chúng ta có thể nói một cách khẳng định rằng cho dù chúng ta có làm điều thiện đó nó có cực nhọc đến đâu, dù sự dấn thân của mình phải bắt buộc trả giá thế nào, thì chúng ta cũng đừng quên rằng, một việc làm mà có ý nghĩa thiện thật sự thì nó phải có những phần thưởng tinh thần, và trái lại nếu việc chúng ta làm chỉ mang lại cho chúng ta những phiền não thì chúng ta phải coi chừng, phải xét lại, đặc biệtchúng ta phải xét lại những gì mình làm có mang lại hạnh phúc cho những người ở chung quanh chúng ta hay không.

Đây là một đề tài hết sức thú vị của Đạo Phật, chúng ta nghe rất nhiều về Tứ Đế và trong đó Đức Phật dạy sự đau khổ là một tiền đề của chân lý, chúng ta có thể gặp đau khổ để từ đó hiểu được cái gì nên làm, cái gì mang tánh cách cấp thiết để phải giải quyết trong đời sống này, thì ở đây một lần nữa khổ đau do hạnh nghiệp bất thiện mang lại cũng là cả một đề tài. Bởi vậy chúng tôi nhớ cách đây khoảng chừng mươi năm, ở trong một tập sách mỏng như là một tập san, đó là một tập san có một bài viết của Hoà Thượng Minh Châu ở trong đó Hoà Thượng có nói về Đạo Phật bắt đầu bằng một cảm thọchấm dứt bằng cảm thọ, chữ cảm thọ ở đây, tức là chúng ta nói nên những cảm giác của khổ lạc ưu hỷ xả, và cái cảm thọ đó nếu chúng ta biết lắng nghe, biết ghi nhận thì chúng ta có thể thành tựu được những thiện pháptrong đời sống, những thăng tiến về mặt tâm linh và đây là đặc điểm rất quan trọng ở trong Phật Giáo.

Người Ky Tô Giáo thuờng nói đến một trạng thái là một con người biết lắng nghe thượng đế, lắng nghe thượng đế ở đây tức là người đó có thể hiểu được thói hư tật xấu của mình qua sự quan sát lắng nghe ở niềm vui nỗi khổ, ở trạng thái thăng hoa hoặc là đọa lạc ở trong cuộc sống này, thì thưa quí vị, người Phật tử nói rất đơn giản, nếu chúng ta có một tâm tư nhạy bén với nỗi khổ đau của đời sống, nỗi khổ đau cố hữu như là nỗi khổ đau được diễn tả trong Tứ Đế, hoặc những khổ đau sầu muộn vốn do hạnh nghiệp mang lại, thì chỉ chừng đó nó đủ là một ánh đuốt để soi đường cho mình đi, nên nếu chúng ta không có, trong trường hợp chúng ta sống hoàn toàn chỉ phản ứng thôi, có nghĩa là chúng ta chỉ dành lộn thôi, tức là khi mà chúng ta vui, chúng ta buồn, chúng ta chỉ biết phản ứng thì đó là một điều hết sức đáng tiếc.

Đôi lúc phải ngồi để nhìn lại tại sao mình buồn, có thể buồn bởi vì mình đã tạo một việc bất thiện trong đời sống, hoặc phiền não nó nung nấu mình, sự hối hận đã tràn ngập v.v...Thì lúc đó chúng ta thấy thiếu vắng thiện pháp. Hãy xem thiện và bất thiện như là những chất liệu của đời sống, có những chất liệu làm cho đời sống này được hoan hỷ, được an lạc và có những chất liệu như những độc tố, nó làm cho đời sống bị tăm tối mù loà, bị nung nấu, nói những điều này thì chúng ta phải nói rằng nó là cả một câu chuyện nhàm tai, và chúng ta nghe rất nhiều ở các tôn giáo, ở trong cuộc sống hàng ngày, tuy vậy nó cũng là một đề tài bị quên lãng nhiều nhất, bởi vì chúng ta không muốn suy nghĩ đến điều đó, mình chỉ muốn thoả mãn với cái vui, cái buồn của mình, chúng ta chỉ muốn chống trả mãnh liệt lại với những gì mà mình gọi là đau khổ, cái gì mà bất bình ở trong đó, chúng ta không chịu tìm ra cái nguyên nhân thật sự.

Nên chi giáo lý nhân quả cho chúng ta một nhân sinh quan khác, một nhân sinh quan sâu sắc khác khả dĩ cho chúng ta một ý thức, từ ý thức này mình mới có thể đi tới trên con đường giải thoát giác ngộ. Chúng tôi xin kết thúc bài pháp ngày hôm nay ở tại đây, xin hồi hướng công đức hôm nay đến tất cả chư thiên, thiện thần hộ pháp hộ trì cho Phật Pháp được trường tồn, chúng sanh được an lạc, và xin cho tất cả chúng ta luôn sống với ý thức giác ngộ giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật




.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57136)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.