Kệ ngôn 19 & 20: Nói Hay Không Bằng Làm Hay

17/12/20205:12 SA(Xem: 1781)
Kệ ngôn 19 & 20: Nói Hay Không Bằng Làm Hay
blank
Kệ ngôn 19 & 20:
Nói Hay Không Bằng Làm Hay
Giảng sư: TT. Thích Giác Đẳng

nói nhiều kinh điển
Phóng túng, không thực hành
Chẳng hưởng sa môn quả
Như mục đồng đếm bò.
Dù nói ít kinh điển
Nhưng sống thực hành pháp
Đoạn trừ tham sân si
Tỉnh giác, tâm giải thoát
Không chấp thủ mong cầu
Đời này hoặc đời sau
Ắt hưởng sa môn quả
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali
Bahumpi ce sahita.m bhaasamaano
Na takkaro hoti naro pamatto
Gopo-va gaavo ga.naya.m paresa.m
Na bhaagavaa saama~n~nassa hoti.
Appampi ce sahita.m bhaasamaano
Dhammassa hoti anudhammacaarii
Raaga~nca dosa~nca pahaaya moha.m
Sammappajaano suvimuttacitto
Anupaadiyaano idha vaa hura.m vaa
Sa bhaagavaa saama~n~nassa hoti.

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta sẽ thảo luận về hai kệ ngôn 19, 20 trong Phẩm Song Yếu. Hai kệ ngôn này đều nói lên một ý nghĩa, đề cập đến một sự việc trực tiếp đặc biệt quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hầu như ít người trong cuộc đời này có được thái độ vừa phải ở trong cách sống, cách nghĩ, cách ăn, cách uống. Cái gì mình thấy ăn ngon thì thường ăn nhiều hơn là những thứ khó ăn mặc dù những thứ khó ăn đó có lợi cho sức khỏe. Những gì mình nói, nhứt là những gì mình ưa thích thì mình nói nhiều hơn những gì phải làm. Trong khi đó sự thực hành lại gây khó khăn khổ sở cho chúng ta không ít. Chính vì thị hiếu, sở thích đó chúng ta đã mất đi nhiều quân bình. Như vậy đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta rằng phải tìm lại sự cân phân.

Chúng tôi có lần đến thăm gia đình một bà cụ. Bà có tất cả tám người con. Và bởi vì là chỗ thân thiết nên bà cụ nói với chúng tôi một điều rằng, coi vậy chứ làm mẹ thật là khó. Làm sao thương con để không đứa nào được quá thương và không đứa nào bị bỏ rơi. Thì cái đó là khó. Riêng con thì có những đứa làm cho mình thích, mình hài lòng nhiều, có đứa con làm cho mình hài lòng ít nhưng làm mẹ trong gia đình thì làm sao để mấy đứa con thấy rằng mình không nặng về một đứa nào, mà đối xử với mỗi đứa đều như nhau. Khi nói về thí dụ đó bỗng nhiên chúng tôi nhớ đến lời Phật dạy trong kinh điển cũng như bài kệ ngày hôm nay. Đức Phật nói đến hai hình ảnh:một người học nhiều kinh điển, nói nhiều kinh điển nhưng không thực hành nhiều và một người dù nói ít kinh điển nhưng có thực hành, có thực chứng, thực tu và người đó có thể hưởng được quả vị của sa môn.

 

Phải nói rằng trong một thời đại người ta biết rất ít đến Phật pháp hoặc giả ít ai quan tâm đến Phật pháp, thì chỉ nội chuyện người ta đến chùa để nghe pháp thì mình đã cảm kích lắm rồi. Hay một vị tu sĩ vào trong chùa cố gắng đọc kinh đọc sách, hết quyển kinh này qua quyển kinh khác, lúc nào cũng ham sách vở thì việc đó đã làm cho mình thương quí lắm rồi. Nhưng chúng ta còn phải đối diện với một thực tại khác nữa là sự học hỏi của mình lắm khi như là một nhu cầu cần thỏa mãn.

Đối với món ăn mình thích, quí vị thường ăn đi, ăn lại thật nhiều. Chẳng như ở Mỹ này người ta thường có bệnh ghiền chocolate. Chocolate là cái gì người ta ghiền và ăn rất nhiều. Có thể ăn hết một hộp chocolat trong một buổi được. Bấy giờ chocolate không còn là cái gì ngon và tốt cho sức khỏe nữa mà là một món ghiền. Mà món ghiền thì mình có ăn bao nhiêu đi nữa để thỏa mãn cái ghiền của mình thì lúc đó có cơ nguy hại.
.

Tương tự như vậy, kinh điển có nhiều điều hết sức thích thú kể cả việc học. Có thể nói đối với chư tăng bỏ ra cả một cuộc đời để tắm gội, bơi lội trong bể học mênh mông của Phật pháp thì chúng ta vẫn thấy có nhiều điều để học hỏi, để chiêm nghiệm. Và nếu như chúng ta không để ý thì dường như sự nghiệp đó sẽ tiếp tục ngày này sang ngày khác và tiếp tục ngụp lặn trong đó và không có làm gì khác hơn.

Chúng tôi nhớ là ở dưới mái chùa đời sống của một vị tăng sĩ có những việc đòi hỏi sự kiên trì, ví dụ như đi khất thực, tụng kinh. Có một số Phật tử cũng tụng kinh. Nhưng việc tụng kinh của chư tăng rất dồi dào, rất nhiều . Buổi sáng tụng kinh, buổi tối tụng kinh. Nhưng hằng ngày có những bữa ăn tụng kinh, có những đám cầu siêu tụng kinh. Có khi ở chùa một ngày tụng năm, sáu lần. Mà tụng kinh phải là điều hoan hỷ. Hoặc giả là một vị tăng sĩ có trách nhiệm để làm trụ trì hay chăm sóc một ngôi chùa thì có nhiều việc mình cũng không hoan hỷ. Một điều muốn đặt ra tại đây là cái mà chúng ta thích và cái mà chúng ta không thích có gì có lợi, cái gì không có lợi cho chúng ta. Nếu nhìn kỹ thì những điều mà mình thích là những điều có lợi ích thực sự hay là những điều đó không phải lúc nào cũng đi chung với nhau hết. Mặc dù mình làm chuyện gì mình hoan hỷ vẫn tốt hơn, nhưng trong thực tế phần đông là nhờ vào sự bắt buộc, nhờ vào hòan cảnh mà chúng ta trưởng thành, chúng ta lớn lên hơn là cái làm bản thân mình thỏa mãn, cái mình thích, cái mình muốn.

Phải nói rằng giữa thực hànhlý thuyết có nhiều thứ cản trở khiến cho chúng không thể song hành được. Lý thuyết nếu đạt đến chỗ thành thục thì người ta thích nói hơn, thích quảng diễn, thích bàn thảo. Trong khi đó sự thực hành thì có thực tế khe khắc hơn. Nhiều khi chỉ niệm hơi thở thôi, người ta phải mất vài ba năm công phu để hiểu được thế nào là theo dõi hơi thở của mình. Điểm này khiến cho pháp học luôn luôn vượt xa hơn pháp hành. Pháp học luôn luôn có sự hấp dẫn đặc biệt hơn pháp hành. Như vậy chính pháp hành, tức là sự áp dụng giáo pháp trong đời sống mới cho chúng ta những kết quả thực sự trong đời sống.

Khi đọc bài kệ này chúng ta cũng mang máng mường tượng ra một khoảng cách to lớn giữa người thực hành và người lý thuyết. Nhưng có sống dưới mái chùa, có sống trong tăng chúng thì mình mới biết chính hai điều đó đã tạo ra hai khuynh hướng vô vùng quan trọng, vô cùng khác biệt, duy trì hai cảnh giới khác nhau trong đời sống của một vị tu sĩ. Phải nói rằng về phương diện lý thuyết thì chúng ta đi từ bộ kinh này sang bộ chú giải khác. Đi từ quyển sách này cho đến những tư tưởng khác không bao giờ chấm dứt hết. Nó mênh mông, tràng giang đại hảichúng ta không biết đâu là bến bờ. Có khi học hành nhiều như vậy nhưng bản thân không bao giờ tìm thấy sự an lạc. Đó không phải là một mà vô số trường hợp như thế. Chúng ta không thể tự mình tìm đựơc sự hạnh phúc chân thật trong đời. Mà ngay cả những giờ sống một mình, sự yên lặng cũng là cái đe doạ to lớn đối với chúng ta. Riêng về vị có khả năng thực hành được thì vị này có thể tự mình sống an lạc dù sống một mình, một đời sống mà dưới mắt người thật là trống vắng. Giáo pháp đức Phật dạy cho chúng ta là một giáo pháp đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ tập chú vào khả năng ứng dụng. Trong nhiều năm người ta đã tìm đủ mọi cách áp dụng giáo pháp vào trong đời sống . Sự ứng dụng này đôi lúc không phải dễ dàng lãnh hội. Chính vì vậy nó tạo nên một hình ảnh đạo Phật đa dạng như ngày hôm nay.

Nếu chúng ta nhắm mắt lại tưởng tượng hình ảnh một tu sĩ hồi đức Phật còn tại thế thì đời sống tu sĩ ấy thực giản dị. Một người đi tìm được y, tìm được bát đến xin đức Phật đi vào đời sống tu tập, xin đức Phật cho phép thọ đại giới, tức là xuất gia làm một vị ty khưu trong đạo tràng của đức Phật. Sau khi thọ đại giới thì đức Phật thường dạy cho mỗi người một đề mục thiền địnhthường xuyên đi vào rừng sâu, đi vào những nơi thanh vắng một mình để tu tập thiền định. Rồi sau khi đức Phật viên tịch niết bàn, lúc bấy giờ Phật giáo đã trở nên rất hưng thạnh. Có những tu viện có hàng ngàn vị tu sĩ, có những tu viện có mươi ngàn vị tu sĩ. Trong con số những vị tu sĩ đông đảo đó thì không thể ai cũng có đề mục để tu tập. Và trong số hai ba trăm vị tu sĩ trong một ngôi chùa, có vị lãnh đạo, có vị lớn để chăm sóc cho đời sống tu tập của các vị tu sĩ. Những vị lãnh đạo đó chắc chắn là không có khả năng như đức Phật, nghĩa là cho đề mục tu tập. Có khi những vị này cũng cảm thấy hết sức lúng túng để đưa ra pháp môn tu cho thầy A, thầy B ở trong chùa của mình. Nếu quí vị nào có sống trong chùa chiền, có đến chùa chiền thì quí vị thấy rằng dễ dàng sinh ra trường hợp trống rỗng. Trống rỗng có nghĩa là ở trong chùa thì cơm nước đã có Phật tử lo. Chỗ ở thì không phải quan tâm nhiều. Cuối cùng thì giờ trống để làm gì? Nên có khuynh hướng đào sâu vào kinh điển: học kinh điển. Nghĩa là một tu sĩ không có làm gì khác hơn là ngoài những bổn phận chấp pháp đơn thuần hằng ngày thì vị đó sẽ tập chú vào kinh điển nhiều. Chính vì thế kinh sách đã ra đời nhiều và người Phật tử quá chú trọng vào việc học, việc quảng diễn kinh điển trong khi việc thực hành Phật pháp không còn nhiều như hồi đức Phật còn tại thế.

Bấy giờ người ta đưa ra biện pháp nửa học, nửa thực hành. Hành này không có tính cách chuyên chú. Ví dụ như thời khoá tụng niệm mỗi ngày. Hoặc giả là những nghi thức. Những nghi thức hay thời khoá tụng niệm này chỉ bổ sung cho một đời sống khả dĩ không thể thiền định được. Chúng ta nên thực hành thiền định. Nếu chúng ta có thể thường sống với thân tâm của mình, với những phương pháp quán niệm được đức Phật đề cập đến thì sự tụng niệm không quan trọng nhiều nữa. Nhưng một khi sự tụng niệm bắt đầu trở thành một cái gì rất quen thuộc. Sáng tụng niệm, trưa tụng niệm, chiều tụng niệm thì tụng niệm trở thành một cái nếp dễ làm hơn ngồi thiền định. Làm sao có thể bảo đảm cả chùa vào thời điểm đó mọi người đều tu tập thiền định hết. Chúng ta không bảo đảm được điều đó, nhứt là thiền định đòi hỏi cho cuộc sống riêng tư . Nhưng người ta có thể bảo đảm rằng tụng kinh giúp cho đại chúng đồng bộ một loạt, cùng nhau để tụng kinh, cùng nhau để lạy Phật. Cho nên sự tụng niệm càng lúc càng trở nên tiêu chuẩn, chuẩn mực trong thực hành.

Lúc bấy giờ khi người ta nói đến thực hành thì người ta nói đến tụng kinh, bái sám, công quả trong chùa, người ta nói đến chuyện phục vụ chứ người ta không nói đến thực hành như là giới, định, huệ. Thực ra việc áp dụng giới định huệ trong đời sống khiến cho một người nhìn từ bên ngòai không khác bao nhiêu với một vị không áp dụng La Hán hạnh. Chúng ta lấy một ví dụ như khi vào trong chùa thấy một vị tăng trấn định hay trầm mặc, ít nói và sống trong chùa và một vị tăng nữa tu giới định huệ thì không thể phân biệt được là vị nào có tu và vị nào không có tu. Có nhiều vị chọn đời sống trong chùa như một đời sống yên lặng, sống để hưởng nhàn. Chúng tôi kể điều này để quí vị thấy rằng khi chúng ta nói đến thực hành thì tất cả bao nhiêu khó khăn vì sự phát triển của chùa chiền, của sự phát triển của con số tăng ni tu sĩ. Và cũng nói một điều vì khả năng thực hành do năng lực riêng cho nên nghi lễ, sự tụng niệm bái sám được xem như cách thực hành chủ lực.

Bên cạnh đó sách vở được viết ra thật nhiều. Ngày hôm nay chúng ta thấy có vô số kinh điển. Những kinh điển này có quá nhiều cho Phật tử đọc chứ không phải thiếu thốn. Có một thời chúng tôi nhớ sau năm 1975, chúng tôi sống trong chùa không đủ kinh sách để đọc. Ngòai những kinh điển về Tam Tạng còn lại thì một số viết lách trong chùa không có điều kiện để thực hiện nữa. Lúc đó đi đâu gặp một quyển sách mới rất thích thú, rất hoan hỷ. Còn bây giờ thì chỉ cầm lên thư mục sách của một ngôi chùa đôi lúc cũng đã có nhiều sách để đọc rồi nói chi đến cả một cộng đồng lớn.

Sách vở cũng là một thứ giải trí của tri thức. Phải nói rằng khi chúng ta nói đến tri thức thì chúng ta muốn nói đến một nhu cầu cần được thỏa mãn về tâm linh của mình. Lúc ấy chúng ta không cần thực hành Phật pháp, chúng ta không cần biết Phật pháp là gì nhưng đến với Phật pháp để nghe, để nói, để lý luận, để bàn cãi thì thấy cũng sướng tai, sướng miệng. Vì sao? Vì những thứ đó có ít nhiều để mình có thể rong chơi từ khung trời này sang một cảnh giới khác rất tự tại rất thỏai mái. Do vậy con người thường thích thảo luận, thích nặng về lý thuyết. Thậm chí tương lai của đất nước Việt nam vẫn bế tắc vì phần đông chúng ta vẫn thiên về lý thuyết hơn khả năng có thể áp dụng cụ thể được những gì mình suy nghĩ. Sự liên quan Phật pháp cũng vậy. Kinh điển rất nhiều, nhưng trong những kinh điển được in ấn, chúng ta tìm thấy rất ít những quyển kinh nói lên được một thực tại quan trong làm sao để có được một hướng đi rõ ràng cho đạo Phật ngày mai này.

Thực hành là một cảnh giới khác hẳn lý thuyết. Ngay cả quí vị thấy trong room Diệu pháp đây, chúng ta đã đi qua bộ Kinh Pháp Cúchúng ta bắt đầu đi qua những môn học khác. Những chương trình như vậy thấy để duy trì, để tìm hiểu không đơn giản. Nhưng phải nói rằng nó dễ dàng hơn so với sự áp dụng những thứ đó vào trong đời sống của chúng ta.

Có một vài năm chúng tôi sống trong các trường thiền. Những buổi sáng rất yên lặng. Sáng sớm, ba giờ rưởi thức dậy, bốn giờ tụng kinh. Rồi sau đó dọn dẹp trong pháp xá, dọn dẹp trong chánh điện, rồi đi khất thực. Một buổi sáng thức dậy ngồi thiền và đi khất thực cho đến khi trưa về nghỉ một chút, thấy rằng không có ý nghĩa lớn, không có sinh thú, không làm cho mình có nhiều cảm hứng nhưng lại đòi hỏi nỗ lực vô cùng lớn lao. Nỗ lực phải thức dậy làm sao không dật dừ, làm sao có thể làm mọi việc đó một cách mỹ mãn, làm sao có thể làm những việc đó thông thuộc một cách dễ dàng. Sau khi làm xong thì mình tưởng như mọi việc tan biến vào trong hư không, nó không để lại một dấu vết nào hết. Bởi vì mình thuyết một bài pháp, mình viết một quyển sách nó còn có sự lắng mộ như là báu vật, có sự hồi đáp xa gần của người này, người khác. Nhưng riêng về một ngày tu tập thì nó đúng như câu thơ:

"Ráng tu hòai dẫu thiện địa vô không".

Khi người nói ráng tu hòai dẫu thiên địa vô không thì chúng ta tưởng như trong cuộc sống mình làm ít, làm nhiều không ai khen thưởng cho mình. Có phần thưởng động viên cho cuộc sống. Phần thưởng là kích thích tố, là chất xúc tác làm cho mình hăng hái lên.

Thí dụ trong đời sống có những người đàn ông rất giỏi trong công việc, một chủ nhà băng có tiếng nhưng lại phải sống tùy thuộc vào lời tán thưởng của bà vợ. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta làm một việc gì đó được người lớn khen thưởng thì mình cảm thấy sung sướng, thấy hăng hái thêm. Cuộc sống về pháp học thường có nhiều phần thưởng như vậy. Nếu chúng ta là một vị pháp sưđâu đó họ mời chúng ta đến thuyết một bài pháp. Một bài pháp người ta nghe thấy có ích trong đời sống của họ thì chúng ta thấy phần thưởng ngay lập tức. Nhưng riêng đời thực hành thì cuộc sống chắc chắn phải âm thầm. Tại sao âm thầm? Bởi vì phải làm một mình. Mình làm mình biết, mình làm mình rõ, chứ không có ai biết việc đó hơn mình.

Phần lớn những đoạn kinh Đức Phật dạy về thiền định thì trong những đọan kinh đó Đức Phật thường dùng câu mở đầu là “Này các vị tỳ kheo ở đây, vị tỳ khưu ở trong giáo pháp đến với khu rừng, ở dưới cội cây, hoặc ở trong nhà, trong viện ngồi xếp bằng kiết già lưng thẳng, an trú chánh niệm." Khi nói đến chuyện vào rừng, nơi thanh vắng hay trong nhà trống điều đó đã nói lên một sự việc là đời sống thực hành phải bắt đầu một mình, tự thân của mình hơn sự bắt đầu ồn ào, sự bắt đầu có người vỗ tay cổ võ cho chúng ta. Và cái một mình đó phải là kinh nghiệm dày dặn. Những phần thưởng cuộc đời cho chúng ta thường là sự hiểu biết bên ngòai. Mình làm chuyện gì đó được người ta gật gù tán thưởng thì người ta nói rằng làm cái đó hay quá, giỏi quá, tuyệt quá thì chúng ta sung sướng. Còn trong đời sống thực hành thì hầu như chúng ta không có được những thứ đó. Sự khuyến khích, vỗ tay để cổ võ rất ít.

Chúng ta thỉnh thỏang nghe được một vài bài thơ rất thấm, vài ý tưởng đáng cho chúng ta suy nghĩ. Có bài thơ nói về những chiến sĩ vô danh, những người đã hy sinh xương máu cho tổ quốc thật sự âm thầm. Họ có thể chiến đấu hết sức anh hùng ở ngòai trận mạc và đã ngả gục xuống không ai cho họ một vòng hoa hay một huy chương, không ai cho họ bằng tưởng lục. Tất cả chỉ chìm vào trong quên lảng. Những người đó rất nhiều chứ không phải là ít. Tại Hoa kỳ có bầu cử tổng thống. Chúng ta nghe rất nhiều những tràng pháo tay rộn rã của dân chúng để hoan nghênh cổ võ những ứng cử viên. Nhưng bên cạnh nhân vật đó có bao nhiêu người làm việc ngày đêm để đánh bóng hình ảnh cho ứng cử viên đó, phần nhiều những người này ít khi được biết đến và ít khi tìm thấy được sự tán thưởng của những người khác dù họ có công rất lớn. Chúng ta nói như vậy để thấy đặc biệt cuộc sống thực hành thường đòi hỏi chúng ta nhiều can đảm để chấp nhận thái độ thầm lặng. Không may sự thầm lặng đó không phải là điều phần đông chúng ta hoan hỷ.

Một con người để có thể làm việc thiện được, một con người để có thể trưởng thành trong thiền pháp được thì bài học đầu tiên là phải biết sống một mình, phải biết làm một mình, phải biết áp dụng Phật pháp, phải đối diện với sự thành bại, sự tiến bộ hay thóai bộ một mình. Bởi vì nếu chúng ta không làm được việc đó thì ai sẽ là người giúp ta làm được việc này. Một người con ở trong gia đình cha mẹ có thương, có lo từng chút. Nhưng cha mẹ cũng muốn người con đó phải đi vào cuộc đời không có bàn tay dẫn dắt của cha mẹ, phải biết lao vào cơn bão tố của cuộc đời một mình mình. Một mình mình đối mặt với mọi chướng ngại. Đó là giai đọan đầy chông gai thử thách. Đức Phật đã dạy rất rõ rồi. Những ai đi qua đọan đường đó người đó sẽ tìm thấy được những phần thưởng. Mà phần thưởng đó một lần nữa cũng không cần phải ai ban bố cho mình. Phần thưởng đó cũng không cần phải ai nói cho mình là mình được phần thưởng như vậy, chính mình tự hiểu lấy, tự biết lấy. Đức Phật dùng từ ở đây gọi là sa môn quả.

Sa môn quả là gì? Sa môn quả là một thành tựu như một quá trình tu luyện. Chính sa môn quả này mới là thành quả, mới là phần thưởng đáng kể, phần thưởng không thể ai cướp mất của mình, không tùy thuộc vào ai hết. Bao nhiêu năm tháng tu tập rèn luyện, học hỏi thì cái đó thuộc hẳn về chính mình. Một người như vậy mới là một người trượng phu. Một người như vậy mới là một người xứng đáng. Đức Phật cũng dùng một hình ảnh. Hình ảnh của một người mục đồng. Hình ảnh này đức Phật dùng rất nhiều. Ngài nói đến những người đi làm công cho người khác, những người đi chăn trâu cho người khác khi ra đồng, ra ruộng, khi lùa bò, lùa trâu, đếm bò, đếm trâu. Khi đếm như vậy là đếm bò, đếm trâu của chủ chứ mình không được cái gì hết. Tương tự như vậy trong Phật pháp chúng ta nói đến chuyện là người này hay kẻ kia dở đạo, quả vị này thấp quả vị kia cao, pháp môn này tốt, pháp môn kia không tốt v.v.Chúng ta có thể nói như vậy và để cả một trăm năm kiếp người để nói như vậy. Nhưng nếu ta không bắt tay vào công khóa, áp dụng thực sự vào trong đời sống của mình thì những việc chúng ta nói, chúng ta bàn thảo chỉ là công việc của một người chăn trâu, người mục đồng đếm bò của chủ, đếm cho đủ để lùa bò về mà trong đó không tìm thấy được cái gì là thành tựu của chính bản thân mình hết.

Chúng ta cũng hiểu rằng đó là khuynh hướng mang tính chất nội tâm của chúng ta chứ không phải sự lầm lẫn bình thường. Nếu lầm lẫn bình thường thì chỉ cần vài điều chỉnh nhỏ chúng ta có thể tiếp tục được. Nhưng bởi vì đó là một khuynh hướng cho nên chúng ta cần phải phấn đấu rất nhiều. Khuynh hướng ở đây là nặng về lý thuyết hơn thực hành. Khuynh hướng ở đây là chúng ta thích sống với đám đông hơn là sống một mình.

Thưa quí vị có một lần chúng tôi ngồi nói chuyện với ngài U Pandita là một thiền sư người Miến Điện, ngài là thiền nhân cũng là người thừa kế sự nghiệp giảng dạy Vipasana của ngài Mahāsi Sayādaw, một thiền sư danh tiếng thời cận đại ở Miến Điện. Lúc tôi ngồi bên cạnh ngài nhân có một người người Anh từ Bắc Ái Nhĩ Lan sang thăm viếng ngài U Pandita . Trong buổi nói chuyện đó thì ngài có đề cập đến ý nghĩa sống một mình. Ngài nói rằng đặc biệttu thiền định, người tu sĩ phải có bí quyết đầu tiên là sống một mình. Sống một mình và sống như thế nào để không cảm thấy cô đơn. Sống một mình như thế nào để không cảm thấy tủi thân. Sống một mình để không cần đến những phần thưởng người khác dành cho mình. Điều đó là cả một nghệ thuật lớn. Ngài đưa ra một ví dụ về đời sống trong rừng. Có những tháng ngày và buổi sáng đi khất thực, buổi trưa về thực hành thiền định. Mình có tu nhiều thì cũng không ai khen mà mình tu ít không ai chê. Lúc bấy giờ mình phải tự mình là người chăn dắt lấy mình, mình phải tự là người tự hướng dẫn chính mình chứ không phải là ai khác. Lúc đó chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm đặc biệt rất lớn lao. Mình có trách nhiệm với chính mình với tinh thần làm việc không cần có phần thưởng, không có những lời khen tặng. Khi nghe ngài U Pandita nói về việc sống một mình là một trong những khả năng quan trọng nhất của một thiền giả thì chúng tôi nhớ đến một câu nói quen thuộc trong kinh điển xưa nay, là người đi xuất gia phải hoan hỷ với đời sống độc thân, tức là đời sống một mình, bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình và đây là một lợi lạc rất lớn trong đời sống của chúng ta. Ai trong chúng ta không cảm thấy cần thiết của đời sống quây quần.

Chúng tôi kể một ví dụ khác, ngày xưa chúng tôi ở chùa bên Thái Lan, mỗi một năm người ta có hai tháng vào cuối năm. Vị nào sống vùng nhiệt đới và đặc biệt sống ở miền quê biết rằng vào cuối năm nước cạn hơn. Trong lúc nước cạn thời tiết cũng mát mẻ, không mưa nhiều và lúc bấy giờ không khí có lẽ dễ chịu nhất. Nếu quí vị vế Á châu vào dịp gần Tết Nguyên Đán là mùa mà quí vị cảm thấy thỏai mái. Lúc bấy giờ là mùa lúa chín đang thơm ngát cả đồng và quí vị có thể đi bộ ngang những ruộng lúa đất đã khô sẵn sàng để gặt, không còn lầy lội như lúc mới cấy trong mùa mưa. Đó là mùa rất lý tưởng cho các vị đi hạnh đầu đà bởi vì đi vào trong rừng mùa đó khô ráo, không như cảnh mưa dầm mùa hè. Các vị đi hạnh đầu đà bên đó như vầy. Chư tăng được Phật tử sử dụng những chiếc xe, có khi cả chục chiếc xe, mỗi chiếc xe cả chục vị và bên Thái lan họ dùng xe bus rất nhiều, ở đằng sau có hai băng dài. Lúc bấy giờ vị trưởng đòan thường là vị sư cả hay vị thiền sư hướng dẫn chư tăng đi vào một khu rừng đã chọn trước. Khi đến khu rừng xe dừng lại và chư tăng bắt đầu đi xuống. Đó là một nơi không quá xa làng mạc. Nếu ở xa làng quá thì không thể đi khất thực mà phải tự nấu ăn. Và nấu ăn là một điều không thể làm được trong lúc đó. Giới luật cấm không nấu ăn. Nên chi mỗi ngày như vậy phải vào làng khất thực. Ở Thái lan hay Miến Điện làng nào họ cũng có những xảla. Xảla là những phước xá. Những phước xá này giống như community halls dùng cho sinh hoạt cộng đồng. Những vị tu sĩ đi đầu đà đó mỗi ngày phải vào làng khất thựctrở về tập trung vào phước xá hay xảla đó để thọ trai và Phật tử trong làng cũng đến cúng dường. Như vậy vấn đề thực phẩm không phải vấn đề lớn. Sau khi được chỉ định phước xá chỗ nào và con đường nào đi khất thực , các tu sĩ được chỉ định đi vào trong rừng nhưng không đi quá xa. Thường thường xa lắm thì cũng chỉ năm, bảy cây số. Trong kinh điển có nêu cụm từ: "Không quá xa mà cũng không quá gần". Mỗi buổi sáng ước chừng hừng sáng mình có thể thấy đường đi được thì có thể rời lều của mình để đi vào làng. Nếu xa quá chúng ta đi vào trong làng mãi trưa mới đến. Cho nên khỏang tốt nhất là từ 2 đến 4 cây số, vừa phải. Và khi đi vào trong rừng có một cái luật gọi là viễn ly. Có nghĩa vào buổi trời tối đen như mực thì một cái am cốc này mà thắp lên một ngọn đuốc thì các am cốc kia không nhìn thấy thì gọi là viễn ly độc cư. Nếu chúng ta cấm một cái lều trong rừng mà mình vẫn còn thấy ở xa một ngọn đuốc của một vị nào đó thì chưa gọi là viễn ly độc cư được. Như vậy thường thường đó là một khỏang cách tương đối xa chứ không gần, hay là nó khuất như thế nào đó.Ở giưã rừng mà là rừng nguyên sinh, rừng già thì không khí hết sức là thâm u, một không khí lần đầu tiên khi đi chúng ta không thể nào quên được trong cuộc đời. Những cái gì gọi là che mưa che nắng thì tùy thuộc vào gọi là cái “Kợtch”, giống như cái dù của chúng ta vậy. Quí vị có thể tượng tượng đó là một cái dù. Cái dù đó thì che mưa, che nắng được và nó phủ lên đó một cái mùng và cái mùng bao chung quanh cái dù đó. Đó là cái lều. Đó là cái nơi để nghỉ ngơi và phải biết cách cắm lều. Có vài chi tiết nào đó mà mình cắm lều không bị gió lùa. Vì nếu căm lều ngay hướng gió lùa thì có thể bị bệnh. Người ta dạy nhiều cách phải nhớ như khi cắm lều thì mình phải xin ít tro ở trong làng. Tro mặn để rắc chung quanh lều để cho kiến đừng bò vaò. Ở trong rừng đôi khi có kiến đen hay những bầy kiến rất lớn mà nó bò vào thì rất phiền. Phải cắm lều chỗ nào tương đối thật khô ráo. Nhưng nói chung khi đặt chân vào trong rừng và cuộc sống một mình thì chúng ta phải đối diện với một sự việc đôi khi còn lạ với chúng ta. Lúc đó chúng ta mới hiểu tại sao đời sống con người tùy thuộc rất nhiều vào cộng đồng anh em. Lý do mình sống trong chùa thỏai mái, nhiều khi ý thích của ai người đó ở. Của riêng của ai người đó sống thôi. Sở dĩ chúng ta ra vào tự tại vì có vị này vị kia đi ra đi vào. Có vị lo quét dọn, có vị lo tiếp đón khách thì mình mới ở yên thân được. Bây giờ khi mình vào trong rừng thì mới thấy rằng mình bị tách rời ra khỏi đám đông, tách rời ra khỏi hội chúng và cuộc sống một mình đó có ảnh hưởng rất lớn. Một điều lớn nhứt có thể nói là ảnh hưởng một vị tu sĩ sống đầu đà rất nhiều. Đó là thời gian. Thời giờ trôi rất chậm. Chậm đến nỗi có lúc thời gian như lắng đọng. Buổi sáng thức dậy, vệ sinh cá nhân xong, rửa mặt xong rồi bưng bình bát vào trong rừng khất thực. Thọ thực xong trở về về nơi mình ở không quá 11 giờ. Từ 11 giờ đó cho đến 10 giờ tối gần 12 giờ đồng hồ. Làm gì với 12 giờ đồng hồ đó? Điều đó nói lên kinh nghiệm của bất cứ người nào đi đầu đà. Nghĩa là trong 12 tiếng đồng hồ còn lại đó. Không có sách vở, không có bạn hữu cho quí vị ngồi đó để suy nghĩ chỉ một hai ngày thôi. Và lúc đó vấn đề đặt ra là phải tìm cái gì đó để mà làm. Không thể trồng rau được, không thể xách nước được, không thể cuốc đất được, không thể quét dọn ngòai được vì không gian là một khu rừng nó không đòi hỏi những nhu cầu như vậy. Lúc đó tự mình phải biết có pháp nào để thực hành. Ngồi thiền như thế nào, theo dõi hơi thở như thế nào. Nên tìm một cách sống giữa lối sống tương đối trống trãi như vậy. Lựa giữa lối sốngthời gian hầu như đúng là như vậy.

Có vài vị kể cho chúng tôi nghe rằng trong những lần đầu tiên đi đầu đà thì chỉ hai buổi sáng, đến ngày thứ ba gặp lại anh em huynh đệ trong làng vào phước xá thì mừng lắm. Mặc dù bấy giờ phải giữ trang nghiêm không được nói chuyện nhiều, không được ồn ào nhưng gặp lại trong lòng rất vui bởi vì đã thiếu sự hiện diện của những con người xung quanh mình. Có vô số việc thách thức của một vị thực hành gọi là muốn thực hành đến nơi đến chốn thì không có con đường nào khác ngòai con đường độc cư. Khi tự mình trả lại với chính mình. Khi mình không còn tựa vào các tác nhân nào khác. Ví dụ một đứa bé hồi còn nhỏ không có khả năng sống một mình. Chúng ta thường xuyên nghe nó kêu bà ơi, mẹ ơi. Nó kêu hòai và thỉnh thỏang nó đến nắm tay nắm chân các vị đó. Thỉnh thỏang nó có những thái độ cho chúng ta thấy là nó rất cần sự chú ý của một người lớn có mặt ở chung quanh. Nó cần sự trìu mến. Bây giờ thì chúng ta phải rời khỏi chiếc nôi quen thuộc của mình. Chúng ta hãy rời bỏ những hình ảnh thân yêu đó để can đảm sống và sống một mình. Điều này không phải là chuyện dễ. Ngòai tất cả những thói quen hàng ngày đôi khi chúng ta xa rời những thứ gọi là thân thích để đối diện với chính mình. Và lúc đó giống như một vị triết gia nói rằng những khi mình có thể đối diện với chính mình thì thấy nó xa lạ làm sao. Mỗi ngày, cái này là tôi, cái này là của tôi, cái này là tự ngã của tôi, cái này là vì tôi, cái này để cho tôi. Những thứ ấy chúng ta nói đi nói lại rất nhiều. Mình tưởng đâu mình biết chính mình nhiều lắm. Nhưng thật ra chúng ta biết không nhiều . Khi mình đối diện với chính mình thì mình mới cảm thấy lúc đó cái mà mình gọi là tôi là ta, cái gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức nó mới mẻ làm sao, nó xa lạ làm sao và nó ngỡ ngàng làm sao với chính mình.

Vì vậy cuộc sống thực hành đầy rẫy những thử thách. Lý thuyết thì nó dễ. Lý thuyết thì chỉ cần một chút thông tuệ, sự trình bày tương đối tường tận và ai trong chúng ta cũng có khả năng thực hành, có khả năng lãnh hội dễ dàng. Nhưng về phương diện thực hành thì đòi hỏi nhiều nghị lực hơn và dù sao đi nữa chúng ta cũng nhớ lời dạy của đức Phật là người nào đã trải qua sự thực hành thì người đó mới hưởng được sa môn quả. Nếu chúng ta không tập chú vào điều này, chúng ta không xem nó là một ưu tiên, mà suốt cuộc đời của chúng ta, chúng ta ngụp lặn trong rừng của ngôn từ, trong biển của khái niệm thì rốt cuộc chúng ta cũng giống như người chăn bò, một người chăn trâu, chỉ đếm bò, đếm trâu cho chủ mà tự thân mình lại rỗng không, không có được gì hết. Đó là ý nghĩa của bài kệ.

Chúng ta đang thảo luận câu số 19 và câu số 20 . Chúng tôi xin kết thúc bài học hôm nay tại đây với lời câu nguyện hồi hướng công đức cho những nạn nhân bị khủng bố tại Madrid, Tây Ban Nha vừa qua với gần hai trăm người tử thương và trên 1.500 người bị thương. Phải nói rằng đó là một trong những tai nạn khủng bố lớn nhứt của Âu châu trong thời gian cận đại cũng là niềm đau cho cả thế giới. Khi chúng ta nhận thấy cuộc sống vừa bất an ở trong lòng vừa bất an ở bên ngòai. Tất cả đều là những bi kịch do hận thù gây nên. Mong rằng điều đó sẽ nung đúc ý chí của nhân lọai nhằm mưu cầu một nền hòa bình thực sự trên trái đất này.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


HẾT PHẨM 1 SONG YẾU

.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57139)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.