- Chương I. CHÁNH KIẾN – Giới thiệu
- Chương II. RÈN LUYỆN CÁ NHÂN – Giới thiệu 63
- Chương III. ĐỐI TRỊ SÂN HẬN - Giới thiệu
- Chương IV. CHÁNH NGỮ
- Chương V. TÌNH BẠN TỐT ĐẸP – Giới thiệu
- Chương VI. LỢI LẠC CHO MÌNH và LỢI LẠC CHO NGƯỜI KHÁC - Giới thiệu
- Chương VII. CỘNG ĐỒNG THÀNH LẬP CÓ CHỦ ĐÍCH - Giới thiệu
- Chương VIII. TRANH CHẤP
- Chương IX. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
- Chương X. THIẾT LẬP MỘT XÃ HỘI CÔNG BẰNG
- LỜI KẾT
2. GIẢI QUYẾT CÁC Ý KIẾN KHÁC BIỆT
Một thời, Thế Tôn đang trú tại Kusinara ( Câu-thi-na ), Ngài gọi các Tỷ-kheo và dạy rằng :
- Này các Tỷ-kheo, trong lúc các ông đang học tập trong tinh thần hòa hợp, với sự tôn trọng lẫn nhau, không tranh cãi, có thể có hai Tỷ-kheo đưa ra những nhận định khác nhau về Giáo pháp. (3)
- Giờ đây, các ông phải suy nghĩ như sau: ‘ Các Tôn giả này có ý kiến khác nhau về cả ý nghĩa lẫn lời văn,’ rồi các ông phải nghĩ xem vị nào có lý hơn thì nên đến gặp vị ấy và nói như thế này : ‘Các Tôn giả đã có ý kiến khác nhau về cả ý nghĩa lẫn lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự khác nhau về ý nghĩa và sự khác nhau về lời văn; đừng để cho việc này trở thành vấn đề tranh chấp.’ Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào phe đối lập thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘Các Tôn giả có ý kiến khác nhau về ý nghĩa và lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự khác nhau về ý nghĩa và sự khác nhau về lời văn; đừng để cho việc này trở thành vấn đề tranh chấp.’ Như vậy, những gì đã bị hiểu sai lầm cần phải ghi nhớ như là đã bị hiểu sai lầm. Sau khi đã ghi nhớ trong tâm những gì đã bị hiểu sai lầm như là đã bị hiểu sai lầm, thì những gì thuộc về Giáo pháp và Giới luật cần phải được giải thích đầy đủ.
- Giờ đây, các ông phải suy nghĩ như sau: ‘ Các Tôn giả này có ý kiến khác nhau về ý nghĩa nhưng có sự đồng nhất về lời văn,’ rồi các ông phải nghĩ xem vị nào có lý hơn thì nên đến gặp vị ấy và nói như thế này : ‘Các Tôn giả đã có ý kiến khác nhau về ý nghĩa nhưng có sự đồng nhất về lời văn . Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự khác nhau về ý nghĩa nhưng có sự đồng nhất về lời văn; đừng để cho việc này trở thành vấn đề tranh chấp.’ Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào phe đối lập thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘Các Tôn giả có ý kiến khác nhau về ý nghĩa nhưng có sự đồng nhất về lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự khác nhau về ý nghĩa nhưng có sự đồng nhất về lời văn; đừng để cho việc này trở thành vấn đề tranh chấp.’ Như vậy, những gì đã bị hiểu sai lầm cần phải ghi nhớ như là đã bị hiểu sai lầm và những gì đã được hiểu đúng đắn cần phải được ghi nhớ là đã được hiểu đúng đắn. Sau khi đã ghi nhớ trong tâm những gì đã bị hiểu sai lầm như là đã bị hiểu sai lầm, và những gì đã được hiểu đúng đắn là đã được hiểu đúng đắn, thì những gì thuộc về Giáo pháp và Giới luật cần phải được giải thích đầy đủ .
- Giờ đây, các ông phải suy nghĩ như sau: ‘ Các Tôn giả này có ý kiến đồng nhất về ý nghĩa nhưng có sự khác biệt về lời văn,’ rồi các ông phải nghĩ xem vị nào có lý hơn thì nên đến gặp vị ấy và nói như thế này : ‘Các Tôn giả đã có ý kiến đồng nhất về ý nghĩa nhưng có sự khác biệt về lời văn . Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự đồng nhất về ý nghĩa nhưng có sự khác biệt về lời văn. Nhưng lời văn chỉ là vấn đề nhỏ nhặt, các Tôn giả đừng rơi vào việc tranh chấp về một vấn đề nhỏ nhặt như thế.’ Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào phe đối lập thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘Các Tôn giả đã có ý kiến đồng nhất về ý nghĩa nhưng có sự khác biệt về lời văn . Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự đồng nhất về ý nghĩa nhưng có sự khác biệt về lời văn. Nhưng lời văn chỉ là vấn đề nhỏ nhặt, các Tôn giả đừng rơi vào việc tranh chấp về một vấn đề nhỏ nhặt như thế.’ Như vậy, những gì đã được hiểu đúng đắn cần phải được ghi nhớ là đã được hiểu đúng đắn, và những gì đã bị hiểu sai lầm cần phải ghi nhớ như là đã bị hiểu sai lầm . Sau khi đã ghi nhớ trong tâm những gì đã được hiểu đúng đắn là đã được hiểu đúng đắn, và những gì đã bị hiểu sai lầm như là đã bị hiểu sai lầm, thì những gì thuộc về Giáo pháp và Giới luật cần phải được giải thích đầy đủ.
- Giờ đây, các ông phải suy nghĩ như sau: ‘ Các Tôn giả này có ý kiến đồng nhất cả về ý nghĩa lẫn lời văn,’ rồi các ông phải nghĩ xem vị nào có lý hơn thì nên đến gặp vị ấy và nói như thế này : ‘Các Tôn giả đã có ý kiến đồng nhất cả về ý nghĩa lẫn lời văn . Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự đồng nhất cả về ý nghĩa lẫn lời văn; các Tôn giả đừng rơi vào việc tranh chấp.’ Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào phe đối lập thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘Các Tôn giả đã có ý kiến đồng nhất cả về ý nghĩa lẫn lời văn . Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự đồng nhất về cả ý nghĩa lẫn lời văn, các Tôn giả đừng rơi vào việc tranh chấp.’ Như vậy, những gì đã được hiểu đúng đắn cần phải được ghi nhớ là đã được hiểu đúng đắn. Sau khi đã ghi nhớ trong tâm những gì đã được hiểu đúng đắn là đã được hiểu đúng đắn, thì những gì thuộc về Giáo pháp và Giới luật cần phải được giải thích đầy đủ.
- “ Này các Tỷ-kheo, trong lúc các ông đang học tập trong tinh thần hòa hợp, với sự tôn trọng lẫn nhau, không tranh cãi, một Tỷ-kheo có thể phạm luật hay phạm giới nào đó. Này các Tỷ-kheo, giờ đây các ông không nên vội vã khiển trách vị ấy; thay vào đó, vị ấy cần được xem xét như thế này : ‘Ta sẽ không bị rắc rối và vị kia sẽ không bị tổn thương; vì nếu vị kia không giận dữ và bất mãn, thì vị ấy không dính mắc với quan điểm của mình quá mạnh và vị ấy có thể từ bỏ chúng dễ dàng, và ta có thể giúp vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’ Này các Tỷ-kheo, nếu các ông thấy điều này xảy ra như vậy, thì các ông nói lời khiển trách vị ấy là đúng.
- “ Này các Tỷ-kheo, rồi sau đó các ông có thể suy nghĩ như sau: ‘Ta sẽ không bị rắc rối nhưng vị kia sẽ bị tổn thương; vì vị kia giận dữ và bất mãn. Tuy nhiên, vị ấy không dính mắc với quan điểm của mình quá mạnh và vị ấy có thể từ bỏ chúng dễ dàng, và ta có thể giúp vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp. Chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt nếu vị kia có thể bị tổn thương , nhưng điều quan trọng hơn nhiều là ta có thể giúp cho vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’ Này các Tỷ-kheo, nếu các ông thấy điều này xảy ra như vậy, thì các ông nói lời khiển trách vị ấy là đúng.
- “ Này các Tỷ-kheo, rồi sau đó các ông có thể suy nghĩ như sau: ‘ Ta sẽ bị rắc rối nhưng vị kia sẽ không bị tổn thương; vì vị kia không giận dữ và bất mãn, mặc dù vị ấy dính mắc với quan điểm của mình quá mạnh và thật khó khăn để từ bỏ chúng ; tuy thế ta có thể giúp vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp. Chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt nếu ta có thể bị rắc rối, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là ta có thể giúp cho vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’ Này các Tỷ-kheo, nếu các ông thấy điều này xảy ra như vậy, thì các ông nói lời khiển trách vị ấy là đúng.
- “ Này các Tỷ-kheo, rồi sau đó các ông có thể suy nghĩ như sau: ‘ Ta sẽ bị rắc rối và vị kia sẽ bị tổn thương; vì vị kia giận dữ và bất mãn, và vị ấy dính mắc với quan điểm của mình quá mạnh và thật khó khăn để từ bỏ chúng ; tuy thế ta có thể giúp vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp. Chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt nếu ta có thể bị rắc rối và vị ấy có thể bị tổn thương, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là ta có thể giúp cho vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’ Này các Tỷ-kheo, nếu các ông thấy điều này xảy ra như vậy, thì các ông nói lời khiển trách vị ấy là đúng.
- “ Này các Tỷ-kheo, rồi sau đó các ông có thể suy nghĩ như sau: ‘ Ta sẽ bị rắc rối và vị kia sẽ bị tổn thương; vì vị kia giận dữ và bất mãn, và vị ấy dính mắc với quan điểm của mình quá mạnh và thật khó khăn để từ bỏ chúng ; và ta không thể giúp vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’Đối với một người như vậy, thì tốt hơn hết là nên có thái độ bình thản (xả) .
- “ Này các Tỷ-kheo, trong lúc các ông đang học tập trong tinh thần hòa hợp, với sự tôn trọng lẫn nhau, không tranh cãi, có thể khởi lên va chạm lẫn nhau trong lời nói, các quan điểm ngoan cố, tâm trạng bực tức, chua chát hay thất vọng. Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào một phe, thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘ Này hiền giả, trong lúc chúng ta đang học tập trong tinh thần hòa hợp, với sự tôn trọng lẫn nhau, không tranh cãi, có thể khởi lên va chạm lẫn nhau trong lời nói, các quan điểm ngoan cố, tâm trạng bực tức, chua chát hay thất vọng. Nếu vị Thầy biết được, Thầy có khiển trách không ?’ Để trả lời một cách đúng đắn, vị Tỷ-kheo này sẽ nói như sau : ‘ Nếu vị Thầy biết được, Thầy sẽ khiển trách.’
- “ Nhưng, này hiền giả, nếu không từ bỏ các điều ấy, có thể chứng được Niết bàn chăng ?”. Để trả lời một cách đúng đắn, vị Tỷ-kheo này sẽ nói như sau : ‘Này hiền giả, không từ bỏ các điều ấy, không thể chứng được Niết bàn.”
Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào phe đối lập, thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘ Này hiền giả, trong lúc chúng ta đang học tập trong tinh thần hòa hợp, với sự tôn trọng lẫn nhau, không tranh cãi, có thể khởi lên va chạm lẫn nhau trong lời nói, các quan điểm ngoan cố, tâm trạng bực tức, chua chát hay thất vọng. Nếu vị Thầy biết được, Thầy có khiển trách không ?’ Để trả lời một cách đúng đắn, vị Tỷ-kheo này sẽ nói như sau : ‘ Nếu vị Thầy biết được, Thầy sẽ khiển trách.’
- “ Nhưng, này hiền giả, nếu không từ bỏ các điều ấy, có thể chứng được Niết bàn chăng ?”. Để trả lời một cách đúng đắn, vị Tỷ-kheo này sẽ nói như sau : ‘Này hiền giả, không từ bỏ các điều ấy, không thể chứng được Niết bàn.”
“ Nếu các Tỷ-kheo khác hỏi vị Tỷ-kheo ấy như thế này : ‘Có phải chính hiền giả là người đã làm cho các Tỷ-kheo kia thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú vào các thiện pháp ?’ Để trả lời một cách đúng đắn, vị Tỷ-kheo này sẽ nói như sau : ‘ Ở đây, này hiền giả, tôi đã đi đến Thế Tôn. Thế Tôn đã giảng Pháp cho tôi. Sau khi nghe Pháp ấy, tôi đã nói lại cho các Tỷ kheo kia. Các Tỷ-kheo kia nghe Pháp xong, các vị đã thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’ Trả lời như vậy, vị Tỷ-kheo này không tự khen mình và cũng không chê người khác; vị ấy đã trả lời đúng Pháp theo một phương cách thiện xảo, không cung cấp một cơ sở nào để cho lời khẳng định của vị ấy có thể bị khiển trách một cách đúng luật .’
Thế Tôn đã thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
( Trung BK III, Kinh số 103, tr 56-63)