5. Địa Vị Xã Hội

14/03/20205:47 SA(Xem: 2692)
5. Địa Vị Xã Hội
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
LỜI PHẬT DẠY
VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI
HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PĀLI
The Buddha’s Teachings on Socialand Communal Harmony 
An Anthology of Discourses from the Pāli Canon
by
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications 2016
Việt dịch:
Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC


Chương X. THIẾT LẬP MỘT XÃ HỘI CÔNG BẰNG
  

 

5. ĐỊA VỊ XÃ HỘI

 

(1) Không có đặc quyền theo đẳng cấp cố định

 

Rồi người Bà-la-môn Esukārī đi đến Thế Tôn và bạch với Ngài rằng:

 

- Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn qui định bốn cấp bậc phục vụ. Họ qui định cấp bậc phục vụ cho Bà-la-môn, cấp bậc phục vụ cho Sát-đế-lỵ ( Khattiya), cấp bậc phục vụ cho Phệ-xá ( Vessa), cấp bậc phục vụ cho Thủ-đà ( Sudda). Các Bà-la-môn qui  định cấp bậc phục vụ như thế  này là cấp bậc phục vụ đối với Bà-la-môn: một Bà-la-môn có thể phục vụ một Bà-la-môn, một Sát-đế-lỵ có thể phục vụ một Bà-la-môn, một Phệ-xá có thể phục vụ một Bà-la-môn, một Thủ-đà có thể phục vụ một Bà-la-môn. Họ qui định cấp bậc phục vụ như thế  này là cấp bậc phục vụ đối với Sát-đế-lỵ: một Sát-đế-lỵ có thể  phục vụ một Sát-đế-lỵ, một Phệ-xá có thể phục vụ một Sát-đế-lỵ, một Thủ-đà có thể phục vụ một Sát-đế-lỵ. Họ qui định cấp bậc phục vụ như thế  này là cấp bậc phục vụ đối với một Phệ-xá: một Phệ-xá có thể phục vụ  một Phệ-xá, một Thủ-đà có thể phục vụ một Phệ-xá. Họ qui định cấp bậc phục vụ như thế  này là cấp bậc phục vụ đối với một Thủ-đà: chỉ có một Thủ-đà có thể phục vụ một Thủ-đà; vì còn ai khác nữa có thể phục vụ một Thủ-đà ? Tôn giả Gotama nói gì về vấn đề này ?

 

- Này Bà-la-môn, có phải tất cả thế giới ủy quyền cho các Bà-la-môn qui định bốn cấp bậc phục vụ này ?

 

- Thưa Tôn giả Gotama, không phải như vậy.

 

- Này Bà-la-môn, giả sử có một người nghèo túng, không có một xu dính túi, khốn khổ, bị họ ép buộc phải ăn một miếng thịt và nói rằng : ‘Này, ông bạn, ông phải ăn miếng thịt này và phải trả tiền’ ; cũng vậy, dù không được sự đồng ý của các Sa-môn và Bà-la-môn khác, các Bà-la-môn này vẫn qui định bốn cấp bậc phục vụ.

 

- Này Bà-la-môn, ta không nói rằng tất cả cần phải được phục vụ, ta cũng không nói rằng không có người nào cần được phục vụ. Bởi vì, nếu trong khi phục vụ một người nào, do sự phục vụ đó , người ấy trở nên xấu hơn và không tốt hơn, thì ta nói rằng người ấy không nên được phục vụ. Và nếu trong khi phục vụ  một người nào, do sự phục vụ đó, người ấy trở nên tốt hơn chứ  không phải trở nên xấu hơn thì ta nói rằng người ấy cần được phục vụ.

 

- Này Bà-la-môn, ta không nói rằng một người nào đó là tốt hơn vì người ấy xuất thân từ một gia đình quyền quý, ta cũng không nói rằng một người nào đó là xấu hơn bởi vì người đó xuất thân từ một gia đình quyền quý. Ta không nói rằng một người nào đó tốt hơn vì người ấy có nhan sắc xinh đẹp, ta cũng  không nói rằng một người nào đó xấu hơn vì người ấy có nhan sắc xinh đẹp. Ta không nói rằng một người nào đó là tốt hơn vì người ấy có nhiều tài sản, ta cũng  không nói rằng một người nào đó là xấu hơn vì người ấy có nhiều tài sản.Vì một người xuất thân từ gia đình quyền quý có thể phạm tội sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói lời chia rẽ, nói lời thô bạo, nói lời phù phiếm, tham lam, có tâm sân hận, và nắm giữ tà kiến. Vì vậy, ta không nói rằng một người nào đó là tốt hơn vì người ấy xuất thân từ một gia đình quyền quý. Nhưng một người  xuất thân từ gia đình quyền quý cũng có thể từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, nói lời chia rẽ, nói lời thô bạo, nói lời phù phiếm, và người ấy không tham lam, có tâm bao dung, và có chánh kiến. Vì vậy ta không nói rằng một người nào đó là xấu hơn bởi vì người đó xuât thân từ một gia đình quyền quý.

 

-  Này Bà-la-môn, ta không nói rằng tất cả cần phải được phục vụ, ta cũng không nói rằng không có người nào cần được phục vụ. Bởi vì, nếu trong khi phục vụ người nào đó, do sự phục vụ này  người ấy tăng trưởng lòng tin, tăng trưởng đức hạnh, học hỏi, bố thí, và trí tuệ, thì ta nói rằng người ấy cần được phục vụ.

 

Sau khi nghe như vậy,  người Bà-la-môn Esukārī bạch Thế Tôn :

 

- Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn qui định bốn loại tài sản : tài sản của người Bà-la-môn, tài sản của người Sát-đế-lỵ, tài sản của người Phệ-xá, tài sản của người Thủ-đà. Các Bà-la-môn qui định khất thựctài sản của Bà-la-môn; khi một Bà-la-môn khinh thường việc khất thực thì người ấy đã vi phạm bổn phận của mình, giống như một người canh gác đã lấy của không cho. Các Bà-la-môn qui định cung và tên là tài sản của người Sát-đế-lỵ; khi một người Sát-đế-lỵ khinh thường  cung và tên thì người ấy đã vi phạm bổn phận của mình, giống như một người canh gác đã lấy của không cho. Các Bà-la-môn qui định nghề nông và chăn nuôi là tài sản của người Phệ-xá; khi một người Phệ-xá khinh thường nghề nông và chăn nuôi thì người ấy đã vi phạm bổn phận của mình, giống như một người canh gác đã lấy của không cho. Các Bà-la-môn qui định lưỡi liềm và đòn gánh là tài sản của người Thủ-đà; khi một người Thủ-đà khinh thường lưỡi liềm và đòn gánh thì người ấy đã vi phạm bổn phận của mình, giống như một người canh gác đã lấy của không cho. Tôn giả Gotama nói gì về việc này ?

 

- Này Bà-la-môn, có phải tất cả thế giới ủy quyền cho các Bà-la-môn qui định bốn loại tài sản như vậy ?

 

- Thưa Tôn giả Gotama, không phải như vậy.

 

-  Này Bà-la-môn, giả sử có một người nghèo túng, không có một xu dính túi, khốn khổ, bị họ ép buộc phải ăn một miếng thịt và nói rằng : ‘Này, ông bạn, ông phải ăn miếng thịt này và phải trả tiền’ ; cũng vậy, dù không được sự đồng ý của các Sa-môn và Bà-la-môn khác, các Bà-la-môn này vẫn qui định bốn loại tài sản như vậy.

 

- Này Bà-la-môn, ta tuyên bố rằng Giáo Pháp cao thượng siêu phàmtài sản riêng của mỗi người. Nhưng khi nhớ lại quan hệ gia tộc bên mẹ và bên cha từ thời xa xưa, con người được công nhận như thế nào là tùy theo nơi người ấy sinh ra. Nếu người ấy sinh ra trong bộ tộc Sát-đế-lỵ, thì người ấy được xem như là một Sát-đế-lỵ; nếu người ấy sinh ra trong bộ tộc Bà-la-môn, thì người ấy được xem như là một Bà-la-môn; nếu người ấy sinh ra trong bộ tộc Phệ-xá, thì người ấy được xem như là một Phệ-xá; nếu người ấy sinh ra trong bộ tộc Thủ-đà, thì người ấy được xem như là một Thủ-đà. Cũng như lửa được gọi tên như thế nào là tùy thuộc vào điều kiện nào nó được đốt cháy – khi lửa được đốt cháy nhờ củi , thì nó được gọi là lửa củi ; khi lửa được đốt cháy nhờ cọng que, thì nó được gọi là lửa cọng que; khi lửa được đốt cháy nhờ cỏ, thì nó được gọi là lửa cỏ; khi lửa được đốt cháy nhờ phân bò, thì nó được gọi là lửa phân bò.  – cũng vậy, này Bà-la-môn, ta tuyên bố rằng Giáo Pháp cao thượng siêu phàmtài sản riêng của mỗi người. Nhưng khi nhớ lại quan hệ gia tộc bên mẹ và bên cha từ thời xa xưa, con người được công nhận như thế nào là tùy theo nơi người ấy sinh ra.

 

                             ( Trung BK II, Kinh số 96, tr 739 – 747 )

 

 

 (2) Giai cấp chỉ là ước lệ xã hội

 

 

Vua Avantiputta của xứ Maddhurā hỏi Tôn giả Mahākaccāna ( Đại-ca-chiên-diên) :

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, người Bà-la-môn nói như thế này: ‘Bà-la-môn là giai cấp cao nhất, các giai cấp khác đều thấp kém hơn; Bà-la-môn là giai cấp có màu da sáng sủa, các giai cấp khác đều có màu da đen tối; chỉ có Bà-la-môn là  thanh tịnh, các giai cấp khác đều không thanh tịnh; chỉ có Bà-la-môn là  con trai của Phạm thiên, là dòng giống của Phạm thiên, sinh ra từ miệng của Phạm thiên, sinh ra từ Phạm thiên, do Phạm thiên tạo tác, là những người  thừa tự của Phạm thiên.’ Tôn giả Kaccāna nói gì về vấn đề này ?

 

 -  Thưa đại vương, đây chỉ là một lời nói trong thiên hạ. Và có một cách để  hiểu câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ. Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Sát-đế-lỵ thịnh vượng với nhiều tài sản, phải chăng sẽ có người Sát-đế-lỵ khác dậy sớm thức khuya, sẵn sàng phục vụ ông ấy, làm vui lòng ông ấy, nói năng ngọt ngào với ông ấy, và phải chăng cũng sẽ có người Bà-la-môn, người Phệ-xá, người Thủ-đà cũng làm như vậy?

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, đúng như vậy.

 

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Bà-la-môn giàu sang với nhiều tài sản, phải chăng sẽ có người Bà-la-môn khác dậy sớm thức khuya, sẵn sàng phục vụ ông ấy, làm vui lòng ông ấy, nói năng ngọt ngào với ông ấy, và phải chăng cũng sẽ có người Phệ-xá, người Thủ-đà và  người Sát-đế-lỵ cũng làm như vậy?

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, đúng như vậy.

 

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Phệ-xá thịnh vượng với nhiều tài sản, phải chăng sẽ có người Phệ-xá khác dậy sớm thức khuya, sẵn sàng phục vụ ông ấy, làm vui lòng ông ấy, nói năng ngọt ngào với ông ấy, và phải chăng cũng sẽ có  người Thủ-đà, người Sát-đế-lỵ và người Bà-la-môn cũng làm như vậy?

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, đúng như vậy.

 

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Thủ-đà phát đạt với nhiều tài sản, phải chăng sẽ có người Thủ-đà khác dậy sớm thức khuya, sẵn sàng phục vụ ông ấy, làm vui lòng ông ấy, nói năng ngọt ngào với ông ấy, và phải chăng cũng sẽ có người Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn và người Phệ-xá cũng làm như vậy?

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, đúng như vậy.

 

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu sự tình là như vậy, thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, hay không giống nhau , hay là  ngài có ý kiến gì trong trường hợp này ?

 

-  Thưa Tôn giả Kaccāna, quả thật nếu sự tình là như vậy thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, tôi thấy không có gì khác nhau giữa những người này cả.

 

- Thưa đại vương, đó cũng là một cách để hiểu rằng câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ.

                                             

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Sát-đế-lỵ phạm tội sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói lời chia rẽ, nói lời thô bạo, nói lời phù phiếm, tham lam, có tâm sân hận, và nắm giữ tà kiến. Phải chăng vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ bị tái sinh  vào cảnh giới khốn khổ, bất hạnh,  đọa xứ, địa ngục , hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này ?

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, người ấy sẽ phải bị tái sanh vào cõi bất hạnh . Tôi nghĩ như vậy trong trường hợp này, và cũng là điều tôi đã nghe các bậc A-la-hán nói.

 

- Lành thay, lành thay, thưa đại vương! Thưa đại vương, những gì ngài nghĩ thật lành thay, và những gì ngài đã nghe từ các bậc A-la-hán thật lành thay. Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Bà-la-môn…, một người Phệ-xá…, một người Thủ-đà cũng làm như vậy ?

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, nếu một người Bà-la-môn…, một người Phệ-xá…, một người Thủ-đà cũng làm như vậy, thì người ấy sẽ bị tái sinh  vào cảnh giới khốn khổ, bất hạnh,  đọa xứ, địa ngục. Tôi nghĩ như vậy trong trường hợp này, và cũng là điều tôi đã nghe các bậc A-la-hán nói.

 

Lành thay, lành thay, thưa đại vương! Thưa đại vương, những gì ngài nghĩ thật lành thay, và những gì ngài đã nghe từ các bậc A-la-hán thật lành thay. Nếu sự tình là như vậy, thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, hay không giống nhau , hay là  ngài có ý kiến gì trong trường hợp này ?

 

-  Thưa Tôn giả Kaccāna, quả thật nếu sự tình là như vậy thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, tôi thấy không có gì khác nhau giữa những người này cả.

 

-  Thưa đại vương, đó cũng là một cách để hiểu rằng câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ.

                                             

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Sát-đế-lỵ từ bỏ  sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ  nói láo, từ bỏ nói lời chia rẽ, từ bỏ nói lời thô bạo, từ bỏ  nói lời phù phiếm, từ bỏ  tham lam, có tâm bao dung, và giữ vững chánh kiến . Phải chăng vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh  vào cảnh giới tốt đẹp, vào thiên giới, hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này ?

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, người ấy sẽ được tái sanh vào cõi thiện lành . Tôi nghĩ như vậy trong trường hợp này, và cũng là điều tôi đã nghe các bậc A-la-hán nói.

 

- Lành thay, lành thay, thưa đại vương! Thưa đại vương, những gì ngài nghĩ thật lành thay, và những gì ngài đã nghe từ các bậc A-la-hán thật lành thay. Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Bà-la-môn…, một người Phệ-xá…, một người Thủ-đà cũng từ bỏ sát sanh …và giữ vững chánh kiến . Phải chăng vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp, vào thiên giới, hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này ?

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, người ấy sẽ được tái sanh vào cõi thiện lành . Tôi nghĩ như vậy trong trường hợp này, và cũng là điều tôi đã nghe các bậc A-la-hán nói.

 

Lành thay, lành thay, thưa đại vương! Thưa đại vương, những gì ngài nghĩ thật lành thay, và những gì ngài đã nghe từ các bậc A-la-hán thật lành thay. Nếu sự tình là như vậy, thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, hay không giống nhau , hay là  ngài có ý kiến gì trong trường hợp này ?

 

-  Thưa Tôn giả Kaccāna, quả thật nếu sự tình là như vậy thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, tôi thấy không có gì khác nhau giữa những người này cả.

 

-  Thưa đại vương, đó cũng là một cách để hiểu rằng câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ.

 

- - Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Sát-đế-lỵ đột nhập vào nhà người khác, cướp đoạt tài sản, trộm cắp của cải, phục kích ở các xa lộ, hay quyến rũ vợ người khác, và nếu quân lính của ngài bắt được người ấy và dẫn đến trước đại vương, thưa rằng:’ Tâu đại vương, đây là kẻ trộm cướp, xin ngài hãy ra lệnh trừng phạt nó như ngài muốn,’ đại vương sẽ đối xử như thế nào với kẻ ấy ?

 

-   Thưa Tôn giả Kaccāna, tôi sẽ cho xử tử kẻ ấy, hoặc trừng phạt kẻ ấy, hoặc trục xuất kẻ ấy, hoặc sẽ áp dụng hình phạt tùy theo tội trạng của kẻ ấy. Vì sao vậy ? Bởi vì kẻ ấy đã đánh mất địa vị của một người Sát-đế-lỵ trước kia, và bây giờ chỉ được nhận diện như một kẻ trộm cướp.

 

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Bà-la-môn …, một người Phệ-xá…, một người Thủ-đà…, cũng làm như vậy và nếu quân lính của ngài bắt được người ấy và dẫn đến trước đại vương, thưa rằng:’ Tâu đại vương, đây là kẻ trộm cướp, xin ngài hãy ra lệnh trừng phạt nó như ngài muốn,’ đại vương sẽ đối xử như thế nào với kẻ ấy ?

 

-   Thưa Tôn giả Kaccāna, tôi sẽ cho xử tử kẻ ấy, hoặc trừng phạt kẻ ấy, hoặc trục xuất kẻ ấy, hoặc sẽ áp dụng hình phạt tùy theo tội trạng của kẻ ấy. Vì sao vậy ? Bởi vì kẻ ấy đã đánh mất địa vị của một người Bà-la-môn …, một người Phệ-xá…, một người Thủ-đà…và bây giờ chỉ được nhận diện như một kẻ trộm cướp.

 

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ?  Nếu sự tình là như vậy, thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, hay không giống nhau , hay là  ngài có ý kiến gì trong trường hợp này ?

-  Thưa Tôn giả Kaccāna, quả thật nếu sự tình là như vậy thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, tôi thấy không có gì khác nhau giữa những người này

 

 -  Thưa đại vương, đó cũng là một cách để hiểu rằng câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ.

 

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ?  Nếu có một người Sát-đế-lỵ, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho,  từ bỏ  nói láo. Không ăn vào buổi tối, chỉ ăn mỗi ngày một bữa, và sống độc thân, có đạo đức, tánh tình hiền thiện.  Ngài sẽ đối xử với người ấy như thế nào ?

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, tôi sẽ đảnh lễ vị ấy, hoặc tôi sẽ đứng dậy khi thấy vị ấy, hoặc tôi sẽ mời vị ấy ngồi; hoặc tôi sẽ mời vị ấy nhận các phẩm vật cúng dường như đồ ăn khất thực, nơi cư trú, thuốc men cần dùng; hoặc tôi sẽ sắp đặt  sự canh gác, che chở, bảo vệ  vị ấy đúng luật pháp. Vì sao vậy ? Bởi vì vị ấy đã mất địa vị của một người Sát-đế-lỵ trước đây, và chỉ được nhận diện như là một sa-môn.

 

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ? Nếu một người Bà-la-môn …, một người Phệ-xá…, một người Thủ-đà…, cũng làm như vậy. .  Ngài sẽ đối xử với người ấy như thế nào ?

 

- Thưa Tôn giả Kaccāna, tôi sẽ đảnh lễ vị ấy, hoặc tôi sẽ đứng dậy khi thấy vị ấy, hoặc tôi sẽ mời vị ấy ngồi; hoặc tôi sẽ mời vị ấy nhận các phẩm vật cúng dường như đồ ăn khất thực, nơi cư trú, thuốc men cần dùng; hoặc tôi sẽ sắp đặt  sự canh gác, che chở, bảo vệ  vị ấy đúng luật pháp. Vì sao vậy ? Bởi vì vị ấy đã mất địa vị của một người Bà-la-môn …, một người Phệ-xá…, một người Thủ-đà…trước đây, và chỉ được nhận diện như là một sa-môn.

 

- Thưa đại vương, ngài nghĩ thế nào ?  Nếu sự tình là như vậy, thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, hay không giống nhau , hay là  ngài có ý kiến gì trong trường hợp này ?

 

-  Thưa Tôn giả Kaccāna, quả thật nếu sự tình là như vậy thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, tôi thấy không có gì khác nhau giữa những người này.

 

-  Thưa đại vương, đó cũng là một cách để hiểu rằng câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ.

 

( Trung BK II, Kinh số 84, tr 550 – 562 )

(3) Địa vị được xác định bằng hành động

 

 

[ Đức Phật nói với thanh niên Bà-la-môn Vāsettha :]

 

 

          Trong nhiều loài hữu tình,

          Tướng phân biệt xác định,

          Do nguồn gốc sinh ra,

          Trong thế giới loài người,

          Không có tướng phân biệt,

          Do nguồn gốc thọ sanh.

 

          Không  do tóc hay đầu,

          Không bởi tai hay mắt,

          Không do miệng hay mũi,

          Không ở môi hay lông mày.

 

          Không ở cổ hay vai,

          Không bởi bụng hay lưng,

          Không do mông hay ngực,

          Cũng không ở hậu môn,

          Hay cơ quan sinh dục.

 

          Không do tay hay chân,

          Không ở ngón hay móng ,

          Không ở đầu gối hay chân,

          Không do màu sắc, tiếng nói:

          Nguồn thọ sinh không phải

          Là tướng để  phân biệt,

          Như các hữu tình khác.

 

          Trong loài người với thân,

          Không thấy sự khác nhau,

          Phân biệt giữa loài người,

          Được gọi bằng danh xưng.

 

          Giữa loài người, kẻ sống,

          Bằng nghề nông, chăn nuôi,

          Thì Vasettha nên biết,

          Đó là một  nông dân,

Không phải Bà-la-môn.

         

          Giữa loài người, kẻ sống,

          Bằng nhiều nghề thủ công,

          Thì Vasettha nên biết,

          Đó là một nghệ nhân,

          Không phải Bà-la-môn.

 

          Giữa loài người, kẻ sống,

          Bằng nghề mua bán buôn,

          Thì Vasettha nên biết,

          Đó là một thương nhân,

          Không phải Bà-la-môn.

 

          Giữa loài người, kẻ sống,

          Bằng nghề hầu hạ người,

          Thì Vasettha nên biết,

          Đó là một  nô bộc,

          Không phải Bà-la-môn.

 

          Giữa loài người, kẻ sống,

          Bằng nghề chuyên trộm cắp,

          Thì Vasettha nên biết,

          Đó là một kẻ trộm,

          Không phải Bà-la-môn.

         

          Giữa loài người, kẻ sống,

          Bằng nghề bắn cung tên,

          Thì Vasettha nên biết,

          Đó là một chiến binh,

          Không phải Bà-la-môn.

 

          Giữa loài người, kẻ sống,

          Bằng nghề làm tế lễ,

          Thì Vasettha nên biết,

          Đó là một thầy tu,

          Không phải Bà-la-môn.

 

 

          Giữa loài người, cai trị,

          Nhiều thôn làng, quốc độ,

          Thì Vasettha nên biết,

          Đó là một vị vua,

          Không phải Bà-la-môn.

 

          Ta không gọi Bà-la-môn,

          Theo gia tộc, mẫu hệ.

          Nếu người vẫn dính mắc sở hữu,

          Thì chỉ là kẻ phô trương.

          Người không còn sở hữu,

          Không chấp thủ vật gì :

          Đó chính là người,

          Ta gọi Bà-la-môn.

         

          Người đoạn tận kiết sử,

          Quả thật không dao động,

          Vượt qua mọi buộc ràng,

          Không còn gì dính mắc

          Đó chính là người,

          Ta gọi Bà-la-môn…

 

          Người  biết được đời trước,

          Thấy thiên giới, đọa xứ,

          Đã đạt đến vô sanh:

          Đó chính là người,

          Ta gọi Bà-la-môn.

 

          Tên, bộ tộc một người,

          Do thế giới định danh,

          Xuất phát từ ước lệ,

          Được ấn định đó đây.

         

          Ai không biết điều này,

          Do khuynh hướng tà kiến,

          Vì không biết nên nói:

          Bà-la-môn do thọ sanh’.

 

Không phải do thọ sanh,

          Thành người Bà-la-môn,

          Không phải Bà-la-môn,

          Cũng không do thọ sanh.

 

          Chính là do hành động,

          Được gọi Bà-la-môn.

          Không phải Bà-la-môn,

          Cũng chính do hành động.

 

          Một người là nông phu,

          Do hành động của họ.

          Một người là nghệ nhân,

          Do hành động của họ.

          Một người là thương nhân,

          Do hành động của họ.

          Một người là nô bộc,

          Do hành động của họ.

 

          Một người là kẻ trộm,

          Do hành động của họ.

          Một người là chiến binh,

          Do hành động của họ.

          Một người là thầy tu,

          Do hành động của họ.

          Một người là quốc vương,

          Do hành động của họ.

 

          Người trí nhìn thấy rõ,

          Hành động đúng như thật.

          Người thấy Lý duyên khởi,

          Thiện xảo trong hành động.

         

          Do nghiệp, đời luân chuyển,

          Do nghiệp, người luân hồi.

          Nghiệp trói buộc chúng sanh,

          Như trục bánh xe quay.

 

          Sống  khổ hạnh, phạm hạnh,

          Biết tự chế, điều phục -

          Chính danh Bà-la-môn,

          Bà-la-môn tối thượng.

( Trung BK II, Kinh số 98, tr 775 -791 )

 

 

(4) Hành động tạo ra kẻ bần cùng

 

Thế Tôn nói với người Bà-la-môn Aggibhāradvāja :

 

- Này Bà-la-môn, ông có biết thế nào kẻ bần cùng  và tính cách nào tạo ra người bần cùng ?

 

- Thưa Tôn giả Gotama, con không biết thế nào kẻ bần cùng  và tính cách nào tạo ra kẻ bần cùng  . Xin Tôn giả Gotama vui lòng dạy Giáo pháp để cho con có thể biết thế nào là kẻ bần cùng  và tính cách nào tạo ra người bần cùng .

 

- Này Bà-la-môn, vậy thì hãy chú tâm lắng nghe.Ta sẽ giảng.

 

- Dạ vâng, thưa Tôn giả. Bà-la-môn Aggibhāradvāja vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau :

 

          Người sân hận, thù nghịch,

          Kẻ phỉ báng độc ác,

          Nhiều tà kiến, giả dối,

          Ông phải biết đó là,

          Kẻ bần cùng  hạ liệt.

 

          Người tổn hại chúng sinh,

          Dù sanh một lần, hai lần,

          Không có chút bi mẫn,

          Đối với mọi chúng sanh:

          Ông phải biết đó là,

          Kẻ bần cùng  hạ liệt.

 

          Kẻ tâng bốc chính mình,

          Chê người khác hèn kém,

          Do bởi lòng ngã mạn,

          Ông phải biết đó là,

          Kẻ bần cùng  hạ liệt..

 

          Kẻ lạnh lùng, hà tiện,

          Đầy tham dục, keo kiệt,

          Và là kẻ lừa dối,

          Không hề biết hổ thẹn,

          Không biết sợ lỗi lầm,

          Ông phải biết đó là,

          Kẻ bần cùng  hạ liệt..

 

          Kẻ chê bai Đức Phật,

          Hoặc đệ tử của Ngài,

          Là du tăng, cư sĩ:

          Ông phải biết đó là,

          Kẻ bần cùng  hạ liệt..

 

          Người bần cùng  hạ liệt,

          Không phải do thọ sanh,

          Bà-la-môn cao quý,

          Cũng không do thọ sanh,

          Mà chính do hành động,

          Làm thành kẻ bần cùng,

          Cũng chính do hành động,

          Tạo nên Bà-la-môn.

 

 

                                      ( Suta Nipata, I, 7 )

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
09/09/2021(Xem: 20875)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.