8. Khai Trừ Những Người Phạm Tội

09/04/20193:28 SA(Xem: 3399)
8. Khai Trừ Những Người Phạm Tội
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
LỜI PHẬT DẠY
VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI
HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PĀLI
The Buddha’s Teachings on Socialand Communal Harmony 
An Anthology of Discourses from the Pāli Canon
by
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications 2016
Việt dịch:
Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC


Chương IX. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP 
  

8. KHAI TRỪ NHỮNG NGƯỜI PHẠM TỘI

(1)Quét sạch rơm rạ!

Một thời, Thế Tôn đang trú tại Campā, bên bờ hồ sen Gaggārā. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo đang khiển trách một Tỷ-kheo phạm tội. Khi bị khiển trách, vị ấy trả lời tránh né vấn đề, lái vấn đề sang chuyện khác không liên quan, và biểu lộ sự phẫn nộ, sân hậnbất mãn. Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo :

-“ Này các Ty-kheo, hãy đuổi người này ra! Người này phải bị trục xuất. Tại sao để con trai người khác quấy nhiễu các thầy ?”(10)

- “ Ở đây, này các Tỷ-kheo, một người nào đó có phong cách bề ngoài giống  như một Tỷ-kheo hiền thiện, bao lâu mà các Tỷ-kheo khác không thấy được tội  lỗi  của người ấy. Tuy nhiên, khi các Tỷ-kheo khác thấy được tội của người này, họ biết người này là một sa-môn hư hỏng, chỉ là rơm rạ, là rác rến giữa chúng sa-môn. Họ trục xuất người này. Vì sao vậy ? Để cho người ấy không làm hư hỏng các Tỷ-kheo hiền thiện.

- “ Giả sử trong một cánh đồng lúa  mì đang mọc, có một vài cây lúa bị hư hỏng xuất hiện, đó chỉ là những rơm rạ rác rến giữa các cây lúa tốt. Bao lâu mà đầu lúa non chưa mọc ra, thì rễ của chúng trông cũng giống như những cây lúa tốt, cành của chúng trông cũng giống như những cây lúa tốt, lá của chúng trông cũng giống như những cây lúa tốt. Tuy nhiên, khi đầu lúa non mọc ra, người ta biết rằng đây là những cây lúa hư hỏng, đây chỉ là những rơm rạ rác rến giữa các cây lúa tốt. Sau đó, họ nhổ chúng đi từ gốc rễ và vứt chúng ra khỏi cánh đồng lúa mì. Vì sao vậy ? Để cho chúng không làm hỏng các cây lúa tốt.

“ Cũng vậy, một người nào đó có phong cách bề ngoài giống  như một Tỷ-kheo hiền thiện, bao lâu mà các Tỷ-kheo khác không thấy được tội  lỗi  của người ấy. Tuy nhiên, khi các Tỷ-kheo khác thấy được tội của người này, họ biết người này là một sa-môn hư hỏng, chỉ là rơm rạ, là rác rến giữa chúng sa-môn. Họ trục xuất người này. Vì sao vậy ? Để cho người ấy không làm hư hỏng các Tỷ-kheo hiền thiện.

                                Sống chung với ông ấy, biết ông ấy,

                   như là một người sân hận với nhiều dục vọng bất thiện,

                   một kẻ thường nói xấu, bướng bỉnh và xấc láo,

                   đố kỵ, keo kiệtdối trá.

 

                   Ông ấy nói với mọi người giống như một sa-môn,

                   [ nói với họ] bằng một giọng nhu hòa;

                   nhưng  làm việc bất thiện trong bí mật,

                   giữ quan điểm độc hại và thiếu kính trọng.

 

                   Dù ông ấy lừa bịp, nói lời dối trá,

                   các thầy phải biết ông ấy đúng như thật;

                   rồi các thầy phải đồng lòng họp lại,

                   và đuổi ông ấy đi.

                  

                   Hãy vứt bỏ thùng rác !

                   Loại bỏ kẻ xấu ác!

                   Quét sạch rơm rạ, những sa-môn giả mạo

                   làm ra vẻ sa-môn!

 

                   Trục xuất kẻ tham dục bất thiện,

                   với ác hạnh, ác pháp,

                   Sống trong hội chúng , luôn giữ chánh niệm,

                   Người thanh tịnh sống với người thanh tịnh,

                   trong hòa hợptỉnh giác,

                   Các thầy sẽ chấm dứt khổ đau.

 

                   ( Tăng Chi BK III, Ch VIII (I) :10, tr. 513-517 )

 

(2) Trục xuất bằng vũ lực

Một thời, Thế Tôn trú tại thành Xá-vệ (Sāvatthi) trong lâu đài Migāramatā ở Đông viên (Eastern Park). Lúc bấy giờ, vào ngày trai giới Bố-tát (Uposatha) Thế Tôn đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo bao quanh. Rồi khi đêm đã khuya, canh một đã qua, Tôn giả Ananda từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, cung kính đảnh lễ Thế Tôn và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, đêm đã khuya; canh một đã qua; chúng Tỷ-kheo đã ngồi đây rất lâu. Xin Thế Tôn hãy đọc giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ-kheo.’’ Khi nghe nói như vậy, Thế Tôn vẫn im lặng.

Khi đêm đã khuya hơn nữa, canh hai đã qua, Tôn giả Ananda từ chỗ ngồi đứng dậy lần thứ hai, đắp thượng y vào một bên vai, cung kính đảnh lễ Thế Tôn và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, đêm đã khuya lắm rồi; canh hai đã qua; chúng Tỷ-kheo đã ngồi đây rất lâu. Xin Thế Tôn hãy đọc giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ-kheo.’’ Lần thứ hai, Thế Tôn vẫn im lặng.

Khi đêm đã gần tàn, canh cuối cùng đã qua, bình minh đã ló dạng và áng mây hồng đã xuất hiện ở chân trời, Tôn giả Ananda từ chỗ ngồi đứng dậy lần thứ ba, đắp thượng y vào một bên vai, cung kính đảnh lễ Thế Tôn và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, đêm đã gần tàn, canh cuối cùng đã qua, bình minh đã ló dạng và áng mây hồng đã xuất hiện ở chân trời; chúng Tỷ-kheo đã ngồi đây rất lâu. Xin Thế Tôn hãy đọc giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ-kheo.’’

- “ Này Ananda, hội chúng này không được thanh tịnh.”

Rồi Tôn giả Mahāmoggallāna (Đại Mục-kiền-liên ) suy nghĩ như sau :’ “Thế Tôn đề cập đến người nào khi nói rằng: ‘ Hội chúng này không được thanh tịnh?’ ”. Rồi Tôn giả Mahāmoggallāna nhìn chăm chú và toàn thể đại chúng Tỷ-kheo, dùng tâm của mình bao trùm tâm của đại chúng Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả thấy người ấy đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo: một người vô đạo đức, ác hạnh, bất tịnh, có những hành vi mờ ám, có những hành động che đậy bí mật, không phải là sa-môn mặc dù tự xưng là sa-môn, không sống độc thân mặc dù tự xưng là sống độc thân, nội tâm thối nát, hư hỏng, độc ác.  Sau khi đã thấy người này, Tôn giả đứng dậy từ chỗ ngồi, đi đến người ấy và nói rằng: ‘Này ông bạn, hãy đứng dậy, Thế Tôn đã thấy ông. Ông không thể sống chung với chúng Tỷ-kheo.’ Khi nghe nói như vậy, người này vẫn ngồi im lặng.

Lần thứ hai… Lần thứ ba Tôn giả Mahāmoggallāna nói với người ấy rằng: ‘Này ông bạn, hãy đứng dậy, Thế Tôn đã thấy ông. Ông không thể sống chung với chúng Tỷ-kheo.’ Lần thứ ba người này vẫn ngồi im lặng.

Rồi Tôn giả Mahāmoggallāna nắm cánh tay người ấy, kéo ông ta ra khỏi cổng bên ngoài, và khóa cổng lại. Rồi Tôn giả đi đến Thế Tôn và bạch rằng : “Bạch Thế Tôn, con đã đuổi kẻ ấy rồi. Hội chúng đã thanh tịnh. Xin Thế Tôn hãy đọc giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ-kheo.’’

-“ Thật hy hữu và đáng kinh ngạc thay Moggallāna, kẻ ngu si kia đã đợi cho đến khi bị nắm tay kéo ra khỏi hội chúng mới chịu đi .” Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo : “Này các Tỷ-kheo, giờ đây các thầy phải tự  hành trì lễ Bố-tát Uposatha và tụng đọc giới bổn Pātimokkha. Kể từ hôm nay, ta sẽ không đọc giới bổn nữa. Không thể có và không thể quan niệm được rằng Như Lai có thể đọc giới bổn Pātimokkha trong một hội chúng không thanh tịnh.”

 

                   ( Tăng Chi BK III, Ch VIII (II) :20, tr. 565-568 )

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
09/09/2021(Xem: 20873)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.