Phần I: Về Thời Gian.-Vật Bất Thiên Luận.

09/02/20213:23 CH(Xem: 1870)
Phần I: Về Thời Gian.-Vật Bất Thiên Luận.
WALTER LIEBENTHAL
TRIỆU LUẬN
肇 論
HONG KONG UNIVERSITY PRESS 1968
THÍCH NHUẬN CHÂU dịch 2020
 
Phần I: VỀ THỜI GIAN
VẬT BẤT THIÊN LUẬN[1]

I.1

Sinh tử tương tục giao tiếp, lạnh nóng lần lượt đổi thay, vạn vật[2] luân chuyển, đó là quan niệm thường tình của con người. Tôi cho không phải như thế. Tại sao?

I.2

Kinh Phóng Quang[3] nói: “Pháp không khứ lai, không động chuyển”. Đi tìm nguyên nhân của sự bất động này, phải chăng ngưng cái động để có tịnh? Cần phải cầu tịnh nơi động, cầu tịnh nơi động thì dù động chừng nào cũng là thường tịnh,[4] chẳng từng lìa bỏ động (bên ngoài) để cầu tịnh, nên vật tuy (bên trong) luôn tịnh mà vẫn không lìa động.

 Như vậy, căn bản động tịnh vốn không khác, chỉ vì mê hoặc nên thấy không đồng. Đó là nguyên nhân khiến cho chân ngôn[5] trệ vào tranh biện, ý chỉ bị khuất tất sai biệt. Do vậy không phải dễ khi nói đến nghĩa cùng tột của động tịnh.[6] Vì sao?

Nói lời chân thật, ắt trái nghịch quan niệm thế gian, còn theo quan niệm thế gian tất phải xa lìa chân thật. Lìa chân nên mê lầm, không quay về tự tánh[7] được.

Nghịch với thế gian nên lời nói lạt lẽo vô vị.[8] Đó là nguyên nhân khiến hàng trung lưu không phân biệt được cái còn cái mất; kẻ hạ lưu thì vỗ tay cười chẳng để mắt đến.[9] Tuy gần mà không ai hiểu được. Đó là tánh của vật chăng?

Tuy nhiên, tôi không thể bỏ qua vấn đề này được, nên để tâm quan sát biên tế giữa động và tịnh, nào dám quyết đoán là thật đúng, chỉ thử xin luận bàn mà thôi.[10]

 

 

II.1

Kinh Đạo hành[11] nói: “Pháp vốn không từ nơi nào lại, cũng chẳng từ đâu đến”. Trung quán luận[12] nói: ‘Quán sát nơi chốn, biết người đi đã đi, thật ra người đi không có nơi để đến.[13] Cả kinh và luận này thông qua biến dịch của sự vật mà luận về tịnh. Thế nên ta biết sự vật không biến thiên.[14] Rõ ràng như vậy.

 

II.2

Điều người ta cho là động, do họ căn cứ vật ở thời quá khứ không đi đến hiện tại, nên cho là động mà không phải tịnh. Điều mà tôi gọi là tịnh cũng căn cứ nơi vật từ quá khứ không đi đến hiện tại, nên gọi là tịnh chứ không động. Cho là vật động không tịnh, vì (ông) cho rằng vật quá khứ không đi đến hiện tại. Nói vật tịnh không động là do (tôi) cho rằng vật hiện tại không đi vào quá khứ.

Tất nhiên sự kiện chưa từng sai khác, chỉ vì sở kiến mỗi người chưa từng giống nhau. Nghịch (với lý), nên gọi là bế tắc. Thuận (với lý), gọi là dung thông. Ví như người đắc đạo, còn làm ngưng trệ được sao!

 

II.3

Thật đáng thương cho nhân tình, bị mê lầm quá lâu. Tận mắt đối diện chân lý mà chẳng thấy được. Tuy biết vật xưa chẳng đến nay mà vẫn cho rằng vật ở hiện tại và có thể đi vào quá khứ. Vật đã đi qua vốn chẳng ở hiện tại, thì vật ở hiện tại làm sao để đi vào quá khứ?[15] Tại sao như vậy?

Chứng minh

Tìm vật đã đi qua trong quá khứ, thì trong quá khứ, vật chưa từng là không. Tìm vật đã đi qua nơi hiện tại, thì trong hiện tại, vật chưa từng có. Nơi hiện tại chưa từng có, nên rõ ràng vật không từ quá khứ đến hiện tại. Nơi quá khứ chưa từng không, cho nên biết rằng vật chẳng từ hiện tại đi vào quá khứ.

Nghiệm xét tìm ở hiện tại thì sự vật ở hiện tại cũng chẳng có đi qua. Do đó nên nói rằng, vật quá khứ tự tồn tại nơi quá khứ, không phải từ hiện tại đi vào quá khứ; vật hiện tại tự ở nơi hiện tại, không phải từ quá khứ đi đến hiện tại.

Cho nên Trọng Ni[16] nói: “Nhan Hồi, thấy ông tôi nghĩ rằng mới gặp, lát sau là hết rồi.” Như vậy, ắt vật không có tương tục đi đến; thật rõ như vậy. Đã không có dấu hiệu[17] vãng lai[18] (giữa quá khứ và hiện tại), thì có vật nào có thể di động?

Như vậy, gió lốc[19] quay cuồng trên đỉnh núi cao mà vẫn thường tịnh; nước sông[20] cuồn cuộn chảy mà không lưu chuyển, bụi trần [21] lăng xăng mà không lay động, trăng xế ngang trời mà chẳng đi. Có kỳ lạ không?[22]

 

 

II.4

 [Nạn vấn:] Thánh nhân[23] có lời: “Đời người qua đi không trở lại rất nhanh chóng, mau hơn nước chảy!” Thế nên hàng Thanh văn ngộ đạo do nhận ra lý vô thường. Hàng Duyên giác là duyên (nhận raduyên khởi) nên chứng đạt chân (đế). Nếu cho rằng vật di động mà chẳng biến hóa, thì cần gì phải quán sát sự chuyển hóa mới chứng Đạo?

(Đáp): Hãy nghiệm xét lời Thánh nhân, ẩn mật thâm diệu, khó đo lường được. Nếu động mà vẫn tịnh thì giống như đi qua mà vẫn lưu lại. Chỉ có thể dùng thánh trí mới lãnh hội[24] được điều này, chớ không thể y nơi sự kiện mà cầu tìm được.

Nên (kinh) nói (vật) ‘khứ’ không hẳn có nghĩa là ‘đi’, chỉ vì để ngăn ngừa ý tưởng chấp ‘thường’. Gọi “trụ” không hẳn có nghĩa là ‘ở lại’, vì để phá trừ người cho là thật ‘có đi.’ Đâu có nói “khứ” có nghĩa là biến thiên, “trụ” là lưu lại?[25]

Cho nên Kinh Thành cụ[26] nói: “Bồ-tát, ở nơi quan niệm thế gian thường hằng mà giảng dạy giáo lý vô thường.” Luận Đại thừa[27] nói: “Các pháp không lay động, không có nơi nào để đi, cũng không từ đâu đến”. Cả hai kinh luận này, vì để khai đường dẫn lối cho người thế tục thường tình mà thuyết như vậy, tuy hai lời mà chỉ một ý. Đâu có phải văn nghĩa sai khác mà nguyên lý bị phân tán?

Thế nên, nói “thường” mà không trụ, gọi “khứ” mà chẳng biến thiên. Không biến thiên nên tuy đã đi qua rồi mà vẫn bất động. Không trụ, nên tuy tịnh mà vẫn thường đi qua. Tuy tịnh mà thường đi qua nên tuy đi qua mà chẳng biến thiên. Tuy đi qua mà vẫn bất động, nên tuy tịnh mà không lưu lại.[28]

Đó là điều mà Trang Sinh[29] thí dụ ‘tàng sơn’ và Trọng Ni nói khi đứng bên bờ sông.[30] Cả hai đều cảm được điều khó lưu lại của sự đã đi qua. Há cho rằng vì xa lìa hiện tại mà vật có thể đi qua được đâu.[31] Do đó, quán chiếu Thánh tâm, biết rõ không giống cái nhìn của người thế tục.

Vì sao? Người đời cho rằng trẻ con và người lớn cùng một thể chất, đến trăm tuổi cũng cùng một thể chất; tuy biết năm tháng trôi qua, nhưng chẳng biết hình thể theo đó cũng tiều tuỵ. Do đó Phạm chí[32] xuất gia, đến khi đầu bạc trở về quê, người trong thôn gặp nói rằng: “Người xưa nay vẫn còn!” Phạm chí nói: “Tôi tuy giống người xưa mà chẳng phải người xưa”. Người trong làng ngạc nhiên không tin lời nói ấy. Đó là điều (Trang Tử)[33] nói người có sức mạnh vác núi chạy đi, kẻ ngu không hiểu tại sao như vậy. Có phải ý này chăng?

Do đó, Như Lai tùy thuận căn cơ trì trệ của chúng sinh mà phương tiện dùng trăm ngàn giả thuyết để tiêu trừ mê hoặc; quyền thừa ý chân tâm bất nhị mà hiển bày giáo lý sai khác chẳng ngoài cái Một. Mâu thuẫn mà không thể sai khác, đó chỉ có thể là Thánh ngôn thôi!

Nên khi nói về chân,[34] gọi đó là bất thiên; còn dẫn dắt ở tục đế,[35] thì có thuyết lưu động. Tuy đề xướng trăm ngàn đường lối khác nhau, rốt lại đều quy về chung một điểm.

Kẻ chấp trước văn tự khi nghe nhắc đến ‘bất thiên’ liền cho rằng vật quá khứ không đi đến hiện tại; nghe ‘lưu động’ liền cho rằng vật hiện tại phải đi vào quá khứ.[36] Đã gọi ‘xưa’, ‘nay’ sao lại còn muốn có dời đổi?

Do đó nói ‘vãng’[37] mà không hẳn là ‘đi qua’. Cổ kim thường tồn[38] vì nó bất động. Nói “khứ” không hẳn là ‘đi,’ gọi là chẳng từ kim mà đi vào cổ, vì không có đến. Không đến, nên không dong ruổi giữa cổ và kim. Bất động, nên mỗi tánh (tướng trẻ và tướng già) trụ ở một thời gian nhất định.[39]

Theo đó, từ lời văn khác biệt của Kinh, các thuyết sai biệt của Bách gia, nếu đã hội ngộ thì làm sao còn bị những lời văn sai biệt mê hoặc được?

 

II.5

Do đó, người đời cho là ‘lưu lại,’ tôi cho là ‘đi qua;’ họ gọi là ‘đi qua; tôi lại cho là “lưu lại”. Theo đó, ‘đi qua’ và ‘lưu lại’ tuy sai khác, nhưng vẫn đồng một ý vậy. Cho nên Kinh[40] nói: ‘Lời hay tợ như trái ngược. Ai là người sẽ tin?’ Lời dạy nầy ắt có lý do. Vì sao?

Con người luôn tìm cái ‘xưa’ trong cái ‘nay.’nên gọi đó là không lưu lại. Tìm hiện tại nơi quá khứ, nên biết rằng vật không đi qua. Nếu ‘nay’ mà đi vào ‘xưa’, thì ‘xưa’ ắt phải có ‘nay’. Nếu xưa đi đến nay, thì trong nay ắt phải có xưa. Hiện tại đã không bao quát quá khứ, nên biết rằng sự vật không từ quá khứ đến; quá khứ không bao quát hiện tại nên biết là vật không từ nay đi vào xưa. Nếu xưa không đi đến nay, nay cũng không đi vào xưa, đó gọi là các tánh trụ nơi mỗi thời của nó; vậy đâu còn vật gì để gọi đến đi?

Do đó bốn mùa dong ruổi, nhật nguyệt tinh sao vận hành, người ngộ lý vi ẩn, tuy triển chuyển nhanh chóng mà vẫn bất động.

 

II.6

Thế nên công đức[41] Như Lai lưu truyền vạn thế mà thường còn. Đạo pháp suốt thông trăm kiếp vẫn kiên cố. Núi mà thành được là nhờ từng sọt đất đầu tiên. Đường dài đi trọn là do bước chân khởi đầu.[42] Cho nên nói, công đức của Như Lai không thể tiêu mất. Công đức không tiêu mất, nên tuy ở quá khứ mà không chuyển hóa, không chuyển hóa nên không biến thiên, không biến thiên ắt trạm nhiên sáng suốt. Cho nên Kinh nói: “Tam tai[43] cùng khắp pháp giới mà hạnh nghiệp trạm nhiên.” Phải tin vào lời ấy.[44]

Vì sao? Quả không hiện hữu cùng lúc với nhân.[45] Do nơi nhân mà tạo nên quả. Do nhân tạo nên quả nên nhân không bị diệt ở thời quá khứ. Quả không hiện hữu cùng lúc với nhân, nên nhân không từ quá khứ đi đến hiện tại. Không diệt không đến, rõ ràng là không thiên chuyển. Còn có thể nào bị mê hoặc về ‘khứ’, ‘lưu’, còn phân vân về ‘động’, ‘tịnh’ nữa chăng?

Như thế, trời đất[46] đảo ngược vẫn không gọi đó là chẳng tịnh, nước có vượt trời vẫn không gọi đó là động. Cho nên, nếu ta khế nhập[47] lĩnh hội thực tại vật như nó đang là -thì chẳng xa với lý Không biến thiên này.



[1] Nghĩa đen: ‘Vạn vật không thể thay đổi (vị trí của chúng theo thứ tự thời gian)’.

Sự sống nối tiếp cái chết, hết hè sang đông. Điều này không thể thay đổi. Có một trật tự trong tự nhiên mà nó chẳng hề miễn trừ các quan điểm cố chấp khác nhau. Do đó, trong Phật giáo, các pháp được sắp xếp theo tiến trình ngắn gọn là sinh-thành-hoại-diệt hay nhân-quả, gọi là sự tương tục (santāna). Tính tương tục (santāna) toàn thể của thế giới, gọi là luân hồi (saṃsāra). Cái gì diễn bày trong thế giới? Câu trả lời là. Điều gì xảy ra trong bánh xe di chuyển lên xuống, lên và xuống? Chẳng có gì. Nhưng cá nhân con người bị ràng buộc vào bánh xe, trải nghiệm lên xuống, thăng trầm; anh ta hy vọng hoặc sợ hãi về những thay đổi mà không biết rằng bất cứ điều gì anh ta có thể làm,đều không gì có thể thay đổi được. Đối với anh ta, không có lối thoát nào miễn là anh ta còn bám vào hy vọng của mình, hoặc cách khác, miễn là anh ta thoả hiệp rằng mình là một bản ngã (ātman) riêng biệt.

Nếu thế, nếu trong cái ảo (māyā), tất cả đều được tạo ra bởi Ảo ảnh (Illusion), nếu trong Thực tế (Reality) không có gì xảy ra, chúng ta cũng có thể nói rằng thực sự chẳng có gì thiên chuyển, có nghĩa là không có pháp (dharma) nào có thể thiên chuyển theo ý muốn giữa các thời kỳ, chết hôm nay và hiện hữu ngày mai, hành động rồi mới tránh được quả báo.

Trong ngôn ngữ Tây phương, chữ’thời gian’ có nhiều nghĩa khác nhau. Ở đây nó chỉ cho thời gian trong khuôn khổ (milieu) kinh nghiệm của chúng ta, la petite durée; Tham khảo. Jeanne Hersch, 'Temps, tragique et liberté' (1961: 129). ‘Thời gian’ nầy có ba giai đoạn, nhưng trong phần đầu tiên của bộ luận, Tăng Triệu chỉ đề cập đến hai giai đoạn, là quá khứ và hiện tại. Không phải cho đến khi Tăng Triệu thay đổi thời gian sang lĩnh vực nghiệp, tương lai mới cho là quan trọng. Tăng Triệu cũng thay đổi các ẩn dụ về phép loại suy mà ngài lập luận: lúc đầu, đó là sự sống và cái chết (người chết không thể trở lại) chứng tỏ rằng trật tự của thời gian là không thể thay đổi, về sau, đó là quả báo nối tiếp nhau không thể thay đổi (bạn không thể dỡ bỏ chính những gì mình đã làm hôm nay rồi chuyển sang ngày mai). Ở đó, trong hệ luận sau cùng, Tăng Triệu chứng minh rằng tính toàn thể của tương tục (santāna) trong Thực tạibất động (niết-bàn; nirvāṇa) Đây là kết luận chung của phần này.

[2] Sở hữu chi pháp 所有之法 chứ không phải hữu pháp 有法(saddharma). Huệ Đạt, Triệu luận sớ 肇論疏.

[3] T VIII, 32c19, và T VIII, 203b8.- Phóng Quang Bát-nhã kinh, Tây Tấn Vô Xoa La dịch, q. 5. Diễn Dữ Không Đăng phẩm: “所言磨訶衍,亦不見來時,亦不見去時,亦不見住處。河以處?諸法不動遙故.

 Sở ngôn Ma ha diễn, diệc bất kiến lai thời, diệc bất kiến khứ thời, diệc bất kiến trụ xứ. Hà dĩ xứ? Chư pháp bất động dao cố.

[4] Nguyên văn: 豈釋動以求靜. 必求靜於諸動. Khởi thích động cầu tĩnh? Tất cầu tĩnh ư chư động

[5] 真言; e: true language (of the Śūtra). Giáo lý của Đức Phật (Nguyên Khang, p. 16 7a27).

[6]* Động tĩnh chẳng phải hai. Lý bất nhị nầy là điểm cùng cực. (Nguyên Khang, p. 16 7b1).

[7] *Nguyên Khang, p. 167b9, giải thích ' tính ; nature'pháp tánh 'dharma-nature.' Điều nầy rất đặc biệt. Tính có thể chỉ cho tự tánh (svabhāva, prakṛti), pháp tánh (dharmatā), Phật tánh (buddhatā, không chắc như vậy trong Triệu luận), hoặc bất kỳ nghĩa nào về tánh trong thời kỳ trước đạo Phật.

Nguyên Khang, p. 167b9, giải thích phản (return) với tự phản (return to oneself), và tự phản ngộ (return to oneself and awaken). Đó có thể là tĩnh lược của phản bổn 返本 (return to the Origin), hay phản chiếu (introspect and intuit).

元康疏

[8] Lão Tử, ch. 35: 仁德 Nhân đức ‘…道之出口、淡乎其無味。視之不足見。聽之不足聞。用之不可既。... Đạo chi xuất khẩu, đạm hồ kỳ vị. Thị chi bất túc kiến. Thính chi bất túc văn. Dụng chi bất khả ký.’

[9] Lão Tử, ch. 41: 上士聞道,求而行之。中士聞道,若存若忘。下士聞,大笑之. Thượng sĩ văn đạo, cầu nhi hành chi. Trung sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong. Hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi.

[10]Mặc dù nói chung không nên chứng minh giáo lý đạo Phật bằng sự hỗ trợ của phương thức đối chiếu hiện đại, nhưng có thể cho phép một ngoại lệ để tiết kiệm thời gian cho người đọc, và vì sự hạn chế, ở đây tôi không đề cập tư tưởng của Tăng Triệu. Nếu đếm số, chúng ta bắt đầu và kết thúcđâu đó, có nghĩa là chúng ta sử dụng thời gian để đi từ số này đến số sau. Nhưng khi làm như vậy, chúng ta đã không chuyển bất kỳ số nào khỏi vị trí của nó theo thứ tự các số. Giờ đây, bản thân chúng ta cũng là những con số trong một thế giới mà mỗi chuyển dịch đều là tiền định, trong một thế giới mà quy luật nhân quả tương tự như trong thế giới của nghiệp (karman), và trong khi chúng ta đi qua, về cơ bản, không có gì bị thay đổi.

[11] Phóng quang Bát-nhã T08-223-473c9 và Đạọ hành Bát-nhã T08-224- 475a19.

[12] Quán 觀,s; parikṣā, tên các phẩm trong Căn bản Trung quán luận tụng (Mūlamadhya-makakārikās).

[13] Tôi không tìm thấy câu nầy trong MK, nhưng ý dường như nằm trong Kệ tụng II,22: yasmān na gati pūrvo 'sti kaścid kiṃcid dhi gacchati? ‘ Vì không có (người đi) ở đó trước (khi người đi đi) người nào đi và đi đâu? Chuyển động theo Long Thụ, tác giả của Căn bản Trung quán luận tụng (Mūlamadhya-makakārikās), giả định có ba thời: khởi niệm đi, chuyển động thích hợp, khởi hành. Ở đây, vì pháp chỉ dừng trụ một khoảnh khắc, nên người đi khi đã đi rồi thì không còn ở chỗ đó nữa (ở đó như là người đi) trước khi anh ta khởi hành, và do vậy, người đang ở đó là, không phải là người đã di chuyển và đã đến. Như vậy, đúng là trong sự ‘di chuyển’ đó, chẳng có người di chuyển.

[14] Điều nầy giải thích nhan đề của thiên luận.

[15] Mỗi pháp hoàn toàn lấp đầy sát-na (kṣaṇa) hiện hữu của nó. Không còn chỗ trống cho pháp thứ hai. Trong tướng được trích dẫn tiếp sau được dùng, ‘một khi’ chỉ cho vị trí dừng lại của vật trong dòng tương tục thời gian. Chữ hướng 向 trong đoạn văn tiếp sau được Nguyên Khang giải thíchtạc nhật 昨日(ngày hôm qua), hiển nhiên rất đúng. Nhưng chữ hướng 向 thật ra không có cũng nghĩa như chữ 甞 thường, Như trong tiếng Anh, chữ ‘once, một khi’ chỉ cho khi ta nhìn vào, bất luận điều gì ở quá khứ hay tương lai. Tuổi già là ở tương lai đối với người trẻ nào muốn lớn, quá khứ là dành cho người bị lãng quên nhìn trở lại. Nhưng trong dòng tương thời gian tục, tuổi trẻ, già và chết có vị trí tuỳ thuộc vào chiều hướng mà người quan sát muốn nhìn.

[16] Khổng Tử. Tham khảo Trang Tử “吾終身與汝交一臂而失之。可不哀與. Ngô chung thân dữ nhữ giao nhất tí nhi thất chi. Khả bất ai dư?” Quách Tượng: 今交一臂而失之皆在冥中去矣,故向 者之我非復今我也.Kim giao nhất tý nhi thất chi giai tại minh trung khứ hỹ, cố hướng giả chi ngã phi phục kim ngã dã.

Phải chăng Quách Tượng đã biết giáo lý vô ngã (nairātmya) của Phật giáo?

[17]* trẫm 朕: triệu chứng, điềm (báo). Không có dấu hiệu, dù nhỏ nhất, của vật di chuyển từ thời điểm riêng của nó.

[18]物不相往來 (往返. Vật bất tướng vãng lai (vãng phản)

[19] s: vairambhaka: 旋嵐 tuyền lam: gió xoáy, gió mãnh liệt có thể lật đổ cả thế giới; e: raging storm.

[20] Luận ngữ 9.16, ch. Tử Hãn. Tử tại xuyên thượng viết: Thệ giả như phù! Bất xả trú dạ, 子在川上曰:逝者如斯夫!不舍晝夜.

[21] * Dã mã 野馬; e: wild horse: đám mây mỏng hoặc hơi nước di động. Sóng nắng, giữa sa mạc sức nóng khiến cho mắt nhìn như có hơi nước bốc lên từ xa... Dùng để ám chỉ ảo tượng. Trang Tử: “Dã mã dã, trần ai dã, sanh vật chi dĩ tức tương xuy dã” 野馬也, 塵埃也, 生物之以息相吹也 (Tiêu dao du 逍遙遊) Kìa hơi nước, kìa vẩn bụi, những vật sống lấy hơi mà thổi nhau.

[22] Cát Tạng trong chú giải về Trung quán luận, (Taishō 1824, XLII, đã trích dẫn đoạn văn nầy, và để minh hoạ cho ý tưởng đó, ngài đã dùng ẩn dụ giấc mộng. Ngài đã không nắm bắt được ý chính của nó.

[23] Tăng Triệu thường trích dẫn Khổng Tử gọi là Trọng Ni, không gọi là Thánh (Sage). Do vậy Nguyên Khang nghĩ rằng Tăng Triệu đã dẫn Kinh Niết-bàn (nirvāṇa-Śūtra). Nhưng kinh nầy Tăng Triệu chưa được biết đến, có lẽ đối với Khổng tử và những bậc Thánh Trung Hoa cũng chư được biết đến. Tham khảo Nguyên Khang, 9.16; 115f.

[24]可以神會,難以事求

[25] 豈曰去而可遣,住而可留也 Khởi viết khứ nhi khả di, trụ nhi khả lưu dã. Một số thuật ngữ nhất định được sử dụng theo nghĩa chuyên môn. Tăng Triệu phân biệt giữa chuyển động (dừng nghỉ) vì nó được quan niệm bởi những người thông thường nói về các chuyển động trong tự nhiên, và chuyển động là thuộc tính của thời gian, nghiệp hoặc các chuỗi khác. Chúng ta được biết rằng chuyển động (動) thực sự là dừng nghỉ (靜) bởi vì trong các chuỗi này không gì có thể thay đổi vị trí của nó. Trước đó thiên 遷 (去來khứ lai, 往去vãng khứ, 往返vãng phản, 化 hoá) đều được dùng cho nghĩa biến dịch theo nghĩa thông thường, bây giờ chữ di 遺 (bị di chuyển sang một nơi khác trong chuỗi) được dùng thay thế. Và chữ lưu 留(ở lại trong chuyển dịch nội tại của chuỗi) được dùng thay vì chữ trụ 住.

 Sự kiệnhiện tại (sinh) không thể tiến triển vượt qua vị trí của nó trong dòng tương tục (satanāna) sinh-già-chết và chết bỏ qua già; sự kiện quá khứ (chết) không thể dừng trụ đằng sau với cùng chuỗi tương tục (satanāna),

và sinh kế tiếp. Ta không thể đồng thời chết rồi được sinh ra. Thế nên hiển nhiên ta phân biệt rõ ràng hai nhóm thuật ngữ, đó là:

(i)               遷(遺)Thiên (di) và 往 (留) vãng (lưu) cho nghĩa chuyển động (tiến và lùi) hoặc dừng nghỉ của người quan sát từ bên ngoài, theo hệ quả của nghiệp:

Sinh<->Lão<->Tử<->-Sinh…

(ii)             動 Động và 靜Tịnh cho nghĩa chuyển động và dừng nghỉ đối với hệ quả của chính nó.

Sinh ->Lão->Tử->Sinh…

[26] Thành cụ quang minh định ý kinh, T XV, 451c25.13. Chi Diệu dịch đời Hán. 處計常之中而知無常之諦. Xử kế thường chi trung nhi tri vô thường chi đế.

[27] Đại trí độ luận (Mahāprajñāpāramito-padeśa), 428a12.

[28] Bởi Ngã (ātman), Tăng Triệu và những người đương thời hiểu đó như là một cá thể vật lý, hơi giống như linh hồn (soul), được hiểu là phần gìn giữ cho cá thể vật lý. Khó để nói lĩnh vực nào mà Tăng Triệu muốn đề cập ở đây và trong ý ‘từ bỏ ngày hôm nay và đi qua vào ngày mai. Từ bỏ điều gì? Không đơn giản là gian kỳ, nhưng đúng hơn là tầm quan trọng mà thời gian (la petite durée) bị ám ảnh bằng cách nào đó. Tôi ko dám giải thích tính đồng nhất của ‘nghiệp’; trong khi dòng sống tương tục (satanāna) lôi cuốn, chúng ta vẫn bị trôi theo nghiệp, nếu không phải là vật lý, thì giống hệt nhau. Tăng Triệu dường như đồng nhất ‘thời gian’ với luân hồi (saṃsāra) (mê cung hoặc các dòng sinh mạng nối liền nhau). Bây giờ, khi thoát khỏi luân hồi (saṃsāra) là nhận ra niết-bàn (nirvāṇa), trạng thái mà tất cả khổ đau đều không còn. Thế nên, nếu ta đi qua bằng với (with) thay vì trong (inluân hồi (saṃsāra), (Đạo gia gọi bằng từ ‘hoà đồng với tự nhiên’), chúng ta không còn là đối tượng của sinh tử nữa. Tôi mong độc giả hiểu rằng Tăng Triệu không nói dối mà đã nhìn ra vấn đề rất thực tế.

[29] * Tàng sơn 藏山. Trang Tử, Đại Tông Sư. 6, 3A.11a, 夫藏舟於壑,藏山於澤,謂之固矣!然而夜半有力者負之而走,昧

者不知也。Phù tàng chu ư hác, tàng sơn ư trạch, vị chi cố hỹ! Nhiên nhi dạ bán hữu lực giả phụ chi nhi tẩu, muội giả bất tri dã-Dấu thuyền trong hang, dấu núi trong đầm, cho là yên ổn. Nhưng nửa đêm người có sức mạnh vác đem đi, kẻ ngu chẳng biết được! ‘Người có sức mạnh’ ví như dòng biến thiên chuyển dịch đổi mới hằng ngày (Quách Tượng).

[30] Luận ngữ 9.16.

[31] Nguyên văn: 排今而可往 Bài kim nhi khả vãng. Có nghĩa là về nghiệp của mình phải tạo ngày hôm nay.

[32] S: Brahmacārin: người tu khổ hạnh thanh tịnh. Tsukamoto ghi brahman (?)

[33] Xem chú thích 204 trên.

[34] *Chân đế (paramārtha satya)

[35] *Thế đế (laukika satya)

[36] Xem mục II.a ở trên. Tôi đọc da 耶thay vì 也.

[37] Tôi đọc trụ 住 thay vì vãng 往. Với Huệ Đạt, HT, 444b vì vãng 往 và khứ 去 không trái nghĩa nhau.

[38] Tham khảo đoạn văn tương đương ở mục II.4 và chú thích 206.

[39] Nguyên văn: 各性住於一世 Các tánh trụ ư nhất thế. Cách dùng chữ thế 世 dường như gợi ý tam thế 三世 trong tâm Tăng Triệu. Ba dòng của một nghiệp duy nhất. đó là, xuất hiện, tồn tại, biến mất (upāda, sthiti, vyaya). Thường dịch là Tam thế (Three times), và trong ngữ cảnh tiếng Hán, thường đồng nhất với nhân quả 因果 (karman). Nhưng cổ  古(thay vì khứ去, quá khứ去過) không được dùng trong ngữ cảnh nầy. Do vậy, tôi nghĩ rằng nhân quả (karman) ở đây không phải là điển hình, mà tham khảo đoạn văn cuối cùng II.6.

[40] Lão Tử, Đạo đức kinh 78 (nửa câu đầu), Kinh Phổ diệu, T l86, III, 527c22.

[41]công đức (功德) dịch chữ guṇa (merit); công nghiệp 功業 dịch chữ karman, luật quả báo. Nhưng đối với Tăng Triệu, Như Lai (Tathāgata) là Đấng siêu việt có sự thành tựu chính là sự tự biểu hiện của ngài.

Trong phần III, nạn vấn 8, chúng ta sẽ nói thêm về điều nầy. Công là chiếu công, công hạnh thấm tràn pháp giới bằng Ánh sáng của đời sống, khiến cho nội dung tiềm ẩn của nó hiển bày. Hành động biểu hiện này giống hệt với việc thiết lập tiến trình của vũ trụ. Thật kỳ lạ, đoạn sau Tăng Triệu nỗ lực chứng minh hiệu quả lâu dài của thành tựu này bằng hai tam đoạn luận thấy trong Phẩm Quán nhân quả (Hetu-phāla-parīkṣā)(Kārikā XX) thuộc về một mô thức hoàn toàn khác và chỉ ở đó mới có thể có bất kỳ ý nghĩa nào. Vì ý định của Long Thụbác bỏ quan niệm các pháp (sự kiện riêng lẻ, sát-na; kṣaṇa) có thể được cho là có hoặc không. Ngài biết rõ rằng không có một động lực sáng tạo tự biểu hiện.

[42] Luận ngữ 9,18. Đạo đức kinh 64. Đọan kinh sau không tìm ra xuất xứ. Tham khảo Ts:95 n53.

[43]* Tam tai: ba nạn, lửa, nước và gió.

[44]* Đây có lẽ chỉ cho kinh Pháp hoa (Saddharmapuṇḍarīka) phẩm. 16, T 262, IX, 43c3-12. Jōron Kenkyū , p. 95, n. 53, nói đến phần ‘Tam tai’ trong kinh Trường Ā-hàm T I, 137 và Đại lâu thán kinh, T 23, I, 305a.

[45] Đây ắt có ý như một trích dẫn từ MK, Phẩm XX, kệ 5, 6, và 10. Vấn đề ‘nhân sinh ra quả’được cho là probani cause gồm ba giai đoạn: nguyên nhân-gây ra-kết quả. Vì nhân quả có nghĩa liên hợp cả ba phần nầy (và mỗi giai đoạn trong số đó phải 'chết' trước khi giai đoạn kia có thể 'sinh ra'), liên hợp là không thể và nhân quả bị bác bỏ. Rõ ràng Tăng Triệu đã hiểu lầm Long Thụ. Đối với triết gia Ấn Độ, điều mà nhà triết học Ấn Độ coi là điều phi lý, Tăng Triệu cho đó là điều có thể xác quyết. Trong khi Long Thụ kết luận từ tính bất biến của các nguyên nhân rằng chúng không thể tạo ra kết quả, Tăng Triệu tin rằng Long Thụ muốn chứng minh tính bất biến của chúng. Tăng Triệu thầm suy luận: nguyên nhânbất biến, do đó chưa hết, do đó vẫn còn hiệu nghiệm (sic!).

[46] * Nhận ra, tương ứng với Thần tức vật 神於即物 e: match your spirit to identity with things

[47] * Nhận ra, tương ứng với Thần tức vật 神於即物 e: match your spirit to identity with things

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.