Những điểm trọng yếu trong thực hành hàng ngày

24/09/20163:52 SA(Xem: 27716)
Những điểm trọng yếu trong thực hành hàng ngày

NHỮNG ĐIỂM TRỌNG YẾU
TRONG THỰC HÀNH HÀNG NGÀY

Khenpo Sodargye soạn | Bản dịch Việt ngữ của Pema Jyana

 

Khenpo SodargyeNhiều người trong số các bạn hiện đang thực hành các pháp tu sơ khởi bên ngoài hay phổ thông trong Lời Vàng Của Thầy Tôi – Một Chỉ Dẫn Về Các Pháp Tu Sơ Khởi Của Truyền Thống Tâm Yếu Đại Quảng Trí thuộc Đại Toàn Thiện. Trước khi các bạn bắt đầu thực hành thực sự, tôi muốn miêu tả ngắn gọn vài điểm quan trọng trong thực hành Phật Pháp.

Những điểm này áp dụng cho thực hành sơ khởi bên ngoài cũng như bên trong. Chúng là giáo lý cốt tủy của Patrul Rinpoche và Khenpo Ngawang Pelzang[1] và là kim chỉ nam của tôi trong nhiều năm qua. Tôi cũng hy vọng rằng, sau khi thọ nhận những giáo lý này, các bạn đều sẽ làm chủ sự thực hànhtiếp tục nương theo chúng trong suốt cuộc đời. Vài bài tập mà ngày nay người ta thực hành, chẳng hạn Yoga hay khí công, nhằm có được sức khỏe tốt hơn hay chữa lành bệnh tật, thì khác với điều mà chúng ta đang nói ở đây. Hãy cố gắng tránh xa chúng. Trong trường hợp của tôi, kể từ khi tôi được chăm sóc bởi vị thầy từ ái – Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche[2], tôi đã noi theo những chỉ dẫn này. Mong các bạn cũng sẽ phát nguyện thực hành như vậy.

Những điều sau đây định nghĩa rõ ràng các thực hành mà người ta làm trong khi nhập thất hàng ngày, tức là, điều mà họ làm từ sáng tới đêm liên quan đến thực hành Pháp, chính thức cũng như không chính thức. Tùy theo cấp độ riêng của mỗi hành giả, họ có thể chia thời gian thành hai, ba, bốn hay sáu thời công phu. Thậm chí nếu không thể có sáu thời chính thức, hãy cố gắng duy trì ít nhất một thời buổi sáng hay một thời buổi tối. Một người bạn cùng lớp mà tôi biết, người rất bận rộn, một quan chức cấp cao trong chính quyền, đã duy trì thực hành một thời vào buổi tối liên tục trong sáu hay bảy năm.

Chắc chắn các bạn cũng có thể sắp xếp được thời gian và địa điểm để thực hành Pháp, miễn là bạn thiết lập niềm tin với Giáo Pháp. Niềm tin rất quan trọng. Với niềm tin, ngay cả việc bị bỏ tù cũng không thể cản người ta đắc thân cầu vồng, điều mà nhiều hành giả vĩ đại trong quá khứ đã minh chứng. Ngày nay, chúng ta thường nghe thấy những lời than phiền rằng, “Bạn biết đấy, tôi chẳng có tự do để hành trì, gia đình tôi chẳng hợp tác”. Nhưng dù bạn chẳng có chút tự do nào, nó cũng chẳng thể tệ hơn một tù nhân. Nếu một tù nhân còn có thể thực hành Pháp, bạn cũng cần có thể. Vì thế, dù lịch trình bận rộn ra sao, hãy cố gắng hết sức để dành thời gian cho ít nhất một thời công phu; yêu cầu tối thiểu này cũng áp dụng cho các tình nguyện viên đang làm việc trong học viện của chúng ta. Nếu người ta không thể để ra ba mươi phút thực hành, họ có thể đã sinh về trong “Cõi giới không rảnh”.

Sau đây là một lời giới thiệu ngắn gọn về thực hành hàng ngày. Nhìn chung, truyền thừa Longchen Nyingtik (Tâm Yếu Đại Quảng Trí) nhấn mạnh vào thiền định chính thức, điều được thực hiện trong ba giai đoạn: buổi sáng, ban ngày và buổi tối.

THỰC HÀNH SÁNG SỚM

Buổi sáng, đầu tiên hãy quán tưởng rằng chư Phật, Bồ Tát cùng chư đạo sư truyền thừa đang chơi chuông kim cương và trống damaru, đánh thức bạn khỏi giấc ngủ của vô minh và ngu dốt.

Khi bạn thức dậy, lập tức hãy tụng “Lama Chenno, Lama Chenno”, kêu gọi lòng từ ái của thầy hướng tới bạn hoặc trì tụng Mật chú Trăm Âm hai mươi mốt lần. Sau đấy, ngồi trên giường và quán chiếu về những giấc mơ trong đêm qua: Chúng là thiện hay không? Nếu bạn thấy rằng mình đã có những giấc mơ bất thiện, hãy quở trách bản thân; nếu bạn đã có những mơ thiện lành, hãy hoan hỷhồi hướng công đức.

Sau khi thức dậy khỏi giường, lễ lạy ít nhất ba lần trước những lịch trình buổi sáng khác, chẳng hạn rửa mặt, đánh răng, vào nhà tắm hay tương tự. Kế đó, hãy lau dọn phòng thờ và cúng dường nước cũng như hương lên chư Phật.

THỜI KHÓA CHÍNH THỨC VÀO BAN NGÀY

Điều này bao gồm ba phần: thực hành sơ khởi, chính yếukết thúc.

I. Thực hành sơ khởi

Khi đã hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết, hãy đóng cửa lại và bắt đầu thực hành. Theo Dẫn Nhập Lời Vàng Của Thầy Tôi của Khenpo Pelzang, có ba điểm trọng yếu:

1. Điểm trọng yếu về thân:

Hãy ngồi trên một tấm nệm thích hợp, thả lỏng thân thểtâm thức và thư giãn. Ngồi trong tư thế bảy điểm Tỳ Lô Giá Na:

Hình 1. Ấn bình đẳng
Hình 1. Ấn bình đẳng

(1) Chân bắt chéo trong tư thế kiết già hoặc bán già. (2) Hai tay để trong ấn bình đẳng phía dưới rốn. Tay phải bên trên tay trái, hai ngón cái chạm nhau. (3) Xương sống thẳng, không nghiêng trái, phải hay trước, sau. Kinh điển nói rằng thân thẳng dẫn đến kinh mạch thẳng, kinh mạch thẳng dẫn đến tâm thức bình thản, và điều này khiến sự tỉnh thức khởi lên tự nhiên. (4) Cổ hơi cúi; không dựa vào phía sau, không nghiêng trái hay phải. (5) Vai thả lỏng, không ép chặt vào ngực. (6) Mắt hơi mở, không mở rộng quá, nhìn về phía chóp mũi. (7) Lưỡi chạm vào vòm miệng.

2. Điểm trọng yếu về khẩu:

Thông thường, thuật ngữ này liên quan đến việc tụng đọc hay trì tụng, nhưng ở đây không phải vậy. Điểm trọng yếu là về thở – trục xuất hơi thở cũ chín lần.

Để trục xuất hơi thở cũ, hãy nắm tay kim cương[3] với tay phải và ấn xuống kinh mạch vĩ đại trên đùi phải. Với tay trái kết ấn kim cương ba chấu, chặn lỗ mũi trái. Thở ra từ lỗ mũi phải, quán tưởng rằng mọi nghiệp liên quan đến sân hận mà bạn và hữu tình chúng sinh đã tích lũy từ vô thủy biến thành khói trắng, thứ bay ra ngoài[4].

Hình 2. Nắm tay kim cương
Hình 2. Nắm tay kim cương

Sau đó, hãy tạo nắm tay kim cương với tay trái và ấn xuống kinh mạch vĩ đại trên đùi trái. Với tay phải kết ấn kim cương ba chấu, chặn lỗ mũi phải. Hãy đẩy hơi thở cũ ra từ lỗ mũi trái, quán tưởng rằng mọi nghiệp liên quan đến tham lam mà bạn và mọi chúng sinh tích lũy từ vô thủy biến thành khói đỏ tràn khắp bên ngoài.

Hình 3. Ấn kim cương ba chấu
Hình 3. Ấn kim cương ba chấu

Cuối cùng, hãy tạo nắm tay kim cương bằng cả hai tay và ấn xuống kinh mạch vĩ đại trên hai đùi. Đẩy hơi thở cũ ra từ cả hai lỗ mũi, quán tưởng rằng mọi nghiệp liên quan đến vô minh mà bạn và mọi tha nhân đã tích lũy từ vô thủy biến thành khói đen tràn khắp bên ngoài.

Đó được gọi là pháp trục xuất hơi thở cũ chín lần[5]. Vài chỉ dẫn nói rằng tiếp theo là trì tụng nguyên âm, phụ âm Phạn ngữ[6]thần chú Duyên Sinh[7] hoặc nếu bạn gặp khó khăn trong việc trì tụng chúng, hãy tụng Om Ah Hung, để tịnh hóa khẩu nhờ sự ban phước tam kim cương[8] của chư Phật và Bồ Tát.

Trục xuất hơi thở cũ theo cách này dường như chẳng gì khác một bài tập du-già thông thường, nhưng thật sự, quá trình này cho phép chúng ta đẩy những cảm xúc tiêu cực của tham, sân và si khỏi tâm. Giống như chúng ta rửa bát sau khi ăn hay rửa thùng trước khi đổ nước sạch vào, chúng ta cũng súc rửa những chất bẩn khỏi tâm bằng cách trục xuất hơi thở cũ trước khi thiền định.

3. Điểm trọng yếu về ý:

Điều này bao gồm hai khía cạnh: thái độ đúng đắncầu nguyện đến vị thầy.

i) Thái độ đúng đắn

Điều quan trọng là quán xét thái độ hay động cơ của bạn trước khi thực hành Pháp.

Nếu thái độtrung lập, hãy biến nó thành thiện lành.

Nếu nó là bất thiện, hãy từ bỏ ngay lập tức và không cho nó khởi lên.

Có hai kiểu thái độ thiện lành – thế gianxuất thế gian. Thái độ thiện lành thế gian là những người tìm kiếm sự bảo vệ khỏi sợ hãi, với mong muốn xoa dịu bệnh tật hay nguy hại từ kẻ thù, và những người tìm cách cải thiện số phận, chẳng hạn muốn của cải, sức khỏe, vẻ đẹp và danh tiếng. Đây không phải là thái độ thích hợp để thực hành Phápcần phải từ bỏ. Thái độ thiện lành xuất thế gian bao gồm những vị ở các cấp độ Thanh Văn, Duyên Giác PhậtBồ Tát. Trong đó, thái độ của chư Thanh VănDuyên Giác Phật sẽ không được nương theo, bởi họ chỉ tìm kiếm giải thoát cá nhân nhờ đạt đến Niết bàn. Điều mà chúng ta nên hướng đến là thái độ của Bồ Tát – mong muốn làm lợi lạc vô số hữu tình chúng sinh để họ thoát khỏi khổ đau và các nguyên nhân của nó và cuối cùng đạt đến Phật quả viên mãn. Nói ngắn gọn, vun bồi một thái độ đúng đắn nghĩa là chúng ta khởi lên Bồ đề tâm chân chính, hoàn toàn từ bỏ những ý nghĩ gây hại và thậm chí là những thái độ thiện lành thế gian.

ii) Cầu nguyện đến vị thầy

Hãy quán tưởng trong bầu không gian trước mặt, khoảng ba mươi xen-ti-mét phía trên đầu bạn, ngai sư tửhoa sen nghìn cánh, nở rực rỡ, trên đó là vị thầy gốc vinh quang của bạn. Nếu bạn có niềm tin mạnh mẽ với ngài, hãy quán tưởng ngài như cách ngài xuất hiện, giống như sự quán tưởng về Đức Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche mà Đạo Sư Du Già Nhanh Chóng Ban Tặng Ân Phước miêu tả. Nếu không, hãy quán tưởng thầy bạn trong hình tướng một vị Bổn tôn như Quán Thế Âm, Phật Thích Ca Mâu Ni hay Liên Hoa Sinh.

Với lòng sùng mộ mãnh liệt, hãy nhất tâm cầu nguyện: “Bậc đạo sư vinh quang, hiện thân trí tuệ của chư Phật và Bồ Tát khắp mười phương, Như Ý Bảo Châu, con cầu nguyện đến ngài từ sâu thẳm trái tim. Xin hãy hướng về con với lòng bi mẫn của ngài, xin hãy ban phước gia trì cho con! Xin hãy gia trì để tâm thức con thấm nhuần Giáo Pháp! Xin hãy gia trì để mọi vô minh và che chướng của con được tiêu trừ! Nguyện cầu con thành tựu mọi mục tiêu và đạt giác ngộ tối thắng!”.

Đặc biệt, nếu bạn đang trong giai đoạn thiền định về thân người quý báu, hãy cầu nguyện: “Bậc thầy tôn quý, bất cứ điều gì ngài đã chứng ngộ về thân người quý báu, nguyện cầu sự chứng ngộ tương tự cũng khởi lên trong tâm con!”. Nếu bạn đang thiền định về lẽ vô thường, hãy cầu nguyện: “Bậc thầy tôn quý, bất cứ điều gì ngài đã chứng ngộ về vô thường, nguyện cầu sự chứng ngộ tương tự cũng khởi lên trong tâm con, ngay bây giờ và tại đây!”. Với sự kính trọng và sùng mộ sâu sắc nhất, hãy liên tục cầu khẩn và trì tụng lời cầu nguyện của bậc thầy bảy hay hai mươi mốt lần. Với thực hành hiện tại của chúng ta, tôi yêu cầu các bạn lễ lạy khi đang cầu cầu nguyện với niềm tin mãnh liệt.

Kết thúc phần cầu nguyện, hãy quán tưởng vị thầy tan thành ánh sáng và tan vào bạn, trí tuệ của ngài hoàn toàn hòa nhập với tâm bạn. Trong trạng thái này, hãy an trú trong sự bình thản càng lâu càng tốt, không chạy theo những ý niệm quá khứ, không nắm giữ những ý niệm hiện tại cũng không chào đón những ý niệm tương lai.

Phần miêu tả trên đã giới thiệu những điểm trọng yếu về thân, khẩu và ý cho các pháp tu sơ khởi; xin hãy thấu triệt và khắc ghi. (Trong điểm trọng yếu về ý, cầu nguyện đến vị thầy về bản chấtthực hành Đạo Sư Du Già.) Mặc dù Đạo Sư Du Già có thể được gọi là pháp tu sơ khởi, nó dứt khoát có thể được thực hành như một pháp tu chính yếu, trong đó chúng ta kết hợp lễ lạy với những lời cầu nguyện đến đạo sưkết thúc bằng lời hồi hướng. Nếu bạn thực hành Đạo Sư Du Già như một phần của các pháp tu sơ khởi, bạn sẽ bắt đầu thực hành chính yếu sau khi kết thúc phần Đạo Sư Du Già.

II. Thực hành chính yếu

Thực hành chính yếu là gì? Nó bao gồm sự quán chiếu về thân người quý báu, vô thường … Hãy thiền định về chúng, lần lượt từng điểm, nương theo các chỉ dẫn riêng biệt. Ví dụ, hôm qua các bạn đã quán chiếu về tám tự do thì hôm nay các bạn sẽ chuyển sang mười thuận duyên. Làm vậy, sự xác quyết sẽ khởi lên trong các bạn, rằng thật may mắn khi được sinh làm người, thoát khỏi khổ đau của địa ngục, ngạ quỷsúc sinh. Chúng ta cần hiến dâng cuộc đời cho việc thực hành Thánh Pháp không ngơi nghỉ cho tới khi đạt được giác ngộ viên mãn.

Đây là những chỉ dẫn cốt tủy của Khenpo Pelzang. Trong các bình giảng mà học trò của ngài, trong đó có Sangye Dorje – một hành giả tám mươi tuổi người Nepal, kết tập lại, ngài khuyên rằng hành giả cần dành ít nhất 146 ngày để thực hiện các thiền quán từ “Thân người quý báu”đến “Phát khởi Bồ đề tâm”. Nếu họ thực hành theo các pháp tu sơ khởi trong An Trú Trong Chân Tính [của Tổ Longchenpa], ít nhất 100 ngày là cần thiết để hoàn thành bốn pháp tu sơ khởi phổ thông, theo truyền thống của chư đạo sư truyền thừa. Lần này, tôi thúc giục các bạn thực hành các pháp tu sơ khởi; nó không phải chỉ là một ý tưởng chợt đến với tôi. Trong suốt cuộc đời, tôi luôn trân trọng An Trú Trong Chân TínhLời Vàng Của Thầy Tôi; vì thế, tôi đã ban các giáo lý về Chỉ Dẫn Ý Nghĩa Về Ba Thiện Hạnh Của An Trú Trong Chân TínhLời Vàng Của Thầy Tôi mười năm trước. Hôm nay, tôi vẫn cảm thấy y như vậy. Có nhiều người chuyển từ thực hành này sang thực hành khác – thay đổi các vị thầy hay thậm chí là đi theo các vị thầy ngoại đạo để học các pháp Yoga. Kết quả từ việc thực hành của họ chỉ là một mớ hỗn độn. Điều này thật đáng tiếc. Tôi thành tâm mong rằng các bạn sẽ thiết lập được thực hành căn bản, nương theo chúng bất kể ngày đêm. Bây giờ tôi đang chia sẻ với các bạn kinh nghiệm hành trì của bản thân; nó có thể hữu ích với vài người, nhưng với người khác thì không.

III. Kết thúc

Sau khi thiền định về một chỉ dẫn trong nửa giờ hoặc một đến hai giờ, bạn muốn hồi hướng cho chúng sinh mọi công đức từ sự hành trì. Hãy niêm phong sự hồi hướng bằng con dấu của trí tuệ không quan niệm. Nếu điều đó nằm ngoài khả năng của bạn, đơn giản nghĩ rằng:

“Chư Phật và Bồ Tát

Đã hoàn hảo hồi hướng công đức thế nào

Con nay xin hồi hướng công đức như vậy”.

Hãy tụng đọc toàn bộ Phổ Hiền Đại Nguyện nếu bạn có thời gian. Nếu không, hãy tụng đoạn kệ sau: 

 “Văn Thù Bồ Tát trí tuệ cao vời vợi,

Phổ Hiền Bồ Tát hạnh nguyện thật rộng sâu,

Noi theo gương sáng trí hạnh của hai ngài,

Bao nhiêu căn lành con đều xin hồi hướng”[9]. 

THỰC HÀNH LÚC ĐI NGỦ

Buổi tối, sau khi đã hoàn thành việc thực hành bốn hay sáu thời và bỏ các đồ cúng dường lên chư Hộ Pháp, bạn cần lạy ba lần trước khi nghỉ. Sau đó, ngồi trên giường và xem xét kỹ lưỡng lại thực hành của bản thân trong cả ngày. Nếu thấy rằng bạn đã làm tốt, hãy hoan hỷhồi hướng công đức cho mọi chúng sinh. Nếu phát hiện ra thiếu sót, hãy quở trách bản thân, nghĩ rằng, “Những người khác thực hành rất tốt mỗi ngày, tôi vẫn chưa làm tốt dù đã thọ nhận nhiều chỉ dẫn cốt tủy từ đạo sư. Tôi thật tệ!”. Hãy trừng phạt bản thân một cách nghiêm khắc, như Khenpo Pelzang từng nói, bằng cách véo mình cho tới khi bạn bị đau. Sau đấy, hãy đi ngủ.

Khi đi ngủ, hãy ngủ trong tư thế sư tử hoặc ngồi trong thế thiền định cả đêm như vài hành giả thường làm. Theo các chỉ dẫn từ chư đạo sư Longchen Nyingtik, chúng ta quán tưởng bông sen bốn cánh trong tim[10], phía trên, vị thầy của chúng ta tan thành ánh sáng; kế đó, chúng ta chìm vào giấc ngủ trong khi tận hưởng vô số ánh sáng từ bậc thầy. Hoặc quán tưởng ánh sáng chói ngời của đạo sư chiếu khắp thế gian, thứ tan vào chúng ta và sau đó, chúng ta tan vào vị thầy và vị thầy tan hòa vào Pháp giới. Trong trạng thái này, thoát khỏi các ý nghĩ quan niệm, hãy nhập vào tịnh quang giấc mộng. (Nếu bạn chưa thọ nhận các giáo lý Du già Mộng, hãy cứ chìm vào giấc ngủ trong sự không-bám chấp.) Nhiều hành giả thuộc thế hệ trước thường bắt đầu một ngày bằng cách trì tụng Mật chú Trăm Âm hay cầu nguyện đến chư đạo sư khi tỉnh dậy. Suốt cả ngày, trong mọi hoạt động – đi, đứng, nằm, ngồi – tâm thức không bao giờ không nhớ đến chư đạo sưTam Bảo. Đêm đến, các vị tiếp tục tụng: “Lama Chenno, Lama Chenno …”. Họ thiếp đi trong trạng thái hợp nhất với tâm trí tuệ của bậc thầy.

Ngày nay, các hành giả không như vậy. Họ chẳng để tâm đến việc thiền quán khi tỉnh dậy và dành cả ngày trong xao lãng. Khi đi ngủ, họ như hòn đá ném vào giường và lập tức ngáy to, như chú lợn béo. Nổi trôi vô phương hướng từ ngày này qua ngày khác, năm tháng trôi qua chỉ trong một cái nháy mắt; nó thực sự không phải là lối sống tốt nhất. Vì thế, hãy nỗ lực trở thành một hành giả chân chính, duy trì thực hành đều đặn cả đời.

Hãy không ngừng cầu nguyện đến vị thầy và Tam Bảo. Cầu nguyện rằng tâm bạn sẽ trở nên tốt hơn. Đấng Toàn Tri Longchenpa nói rằng, “Nếu người ta không thực sự hành trì, thậm chí nắm trong tay Tam Tạng cũng chẳng hữu ích lúc chết”. Vì vậy, khi nghiên cứu Giáo Pháp, chúng ta cần thực hành tinh tấn!

Phần Phụ Lục:

Lời khuyên của Khenpo Sodargye sau buổi giảng

Tôi vừa trao truyền cho các bạn những chỉ dẫn cốt tủy từ Khenpo Pelzang kết hợp giáo huấn của Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche cũng như bình giảng về Longchen Nyingtik. Tôi đã đi theo con đường này trong nhiều năm. Sau khi làm vậy, tôi chắc chắn bản thân sẽ tiếp tục duy trì trong phần sau của cuộc đời. Bản thân chẳng hề có thành tựu lớn lao nào, có lẽ tôi không nên nói nhiều. Nhưng bởi các bạn đã bắt đầu thực hành vào năm nay và có thể sẽ làm vậy trong tương lai, tôi cảm thấy mình cần chia sẻ vài kinh nghiệm. Tôi không xem đây là một bí mật, mà là chỉ dẫn thực tiễn cho sự tiến bộ tâm linh. Tôi không bao giờ tưởng tượng rằng khi thức dậy, tôi có bay đến đâu đó theo ý muốn và khi tôi đi ngủ, tôi có thể lập tức bước vào tịnh quang giấc mộng. Đây là vài điều không thực tiễn và chúng cũng sẽ không xảy ra.

Là người mới, đơn giản hãy thực hành theo trình tự này trong cả ngày. Bạn có thể thấy vài điểm khác biệt giữa các giáo lý, ví dụ tự hỏi tại sao màu sắc của hơi thở cũ bị trục xuất được miêu tả là đen trong một bản văn và nhiều màu ở bản văn khác. Chẳng cần phải lo lắng về những khác biệt nhỏ này. Mỗi vị thầy giải thích theo cách thức hơi khác biệt. Tôi nương theo các bình giảng Longchen Nyingtik và cũng kết hợp với những chỉ dẫn cốt tủy mà tôi thọ nhận từ Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche. Đừng lo lắng về những khác biệt.

Điều quan trọng là bắt đầu thiền định về bất kỳ chỉ dẫn nào bằng cách đầu tiên thực hành Đạo Sư Du Già. Chư đạo sư truyền thừa của chúng ta dạy rằng sự viên mãn của mọi thành tựu đến từ lòng sùng mộ trọn vẹnchí thành cầu nguyện đến bậc thầy. Nhờ Đạo Sư Du Già, chúng ta cầu khẩn ân phước gia trì từ đạo sư rằng dù thiền định về điều gì, ý nghĩa của nó cũng sẽ thâm nhập tâm thức chúng ta. Mặt khác, nếu bạn lao vào thiền định ngay lập tức sau khi trì tụng lời cầu nguyện quy y, bạn đang đi ngược lại truyền thống của truyền thừa Longchen Nyingtik.

Tôi không có nhiều chỉ dẫn liên quan đến thực hành của riêng bản thân để trao cho các bạn. Nhưng kể từ ngay đi theo Ân Sư hai mươi năm trước, tôi đã trung thành với thực hành này, chừng nào sức khỏe còn cho phép. Những thực hành sâu xa hay tối thắng trong các cuốn sách khác nhau không bao giờ khiến tôi sai lạc. Nhiều đạo sư truyền thừa, cũng như Ân Sư của tôi, luôn trung thành với một chỉ dẫn cốt tủy suốt cuộc đời. Tôi cũng đã làm như vậy. Tôi hy vọng các bạn cũng thế.

Các giáo lý được ban hôm nay rất, rất quan trọng. Hãy khắc cốt ghi tâm!

Nguyên tác: The Essential Points In Daily Meditation, Khenpo Sodargye.

Bản dịch Việt ngữ của Pema Jyana.
Mọi sai sót là lỗi của người dịch, xin thành tâm sám hối trước Tam Bảo, Tam Gốc.
Mọi công đức có được, xin hồi hướng hết thảy chúng sinh.



[1] Khenpo Ngawang Pelzang tức Khenpo Ngakchung (1879-1941) là một trong những vị đạoĐại Toàn Thiện quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhất trong thời đại gần đây. Ngài được xem là hóa thân của Tổ Vimalamitra, người tiên đoán rằng sẽ xuất hiện một trăm năm một lần.

[2] Khenpo Jigme Phuntsok Jungne (1933-2004) là vị tái sinh của Terton Sogyal Lerab Lingpa và hiện thân của Mipham Rinpoche. Ngài đã phát lộ rất nhiều Terma ở Tây Tạng, Bhutan, Trung Quốc, Nepal và Ấn Độ. Ngài đóng vai trò quan trọng trong việc chấn hưng Phật giáoTây Tạng sau thời Cách Mạng Văn Hóa. Trong phần sau của cuộc đời ngài, hơn 10000 học trò đã vân tập quanh ngài tại Larung Gar ở Sertar miền Đông Tây Tạng.

[3] Nắm tay kim cương: Ấn ngón cái vào gốc ngón áp út, tạo thành nắm tay với bốn ngón còn lại.

[4] Hãy tiến hành pháp thở tùy theo từng cá nhân, không có yêu cầu riêng biệt nào về độ dài.

[5] Cửu Tiết Phật Phong – ND.

[6] Nguyên âm Phạn ngữ: om a a i i u u ri ri li li e ai o au am ah.

Phụ âm Phạn ngữ: ka kha ga gha nga/ cha chha ja jha nya/ tra thra dra    dhra nra/ ta tha da dha na/ pa pha ba bha ma/ ya ra la wa/ sha shha sa ha ksha soha.

[7] Thần chú Duyên Sinh: om ye dharma haytu prabhava haytunte shan tatagato hyawadat teshan tsayo nirodha ewam wadi maha shramanaye soha.

[8] Tam kim cương: thân, khẩu và ý kim cương.

[9] Bản dịch của dịch giả Giới Định Tuệ trong Tuyển Tập Các Bài Trì Tụng Hàng Ngày.

[10] “Bông sen bốn cánh” được nhắc đến trong Giọt Tâm Yếu Bí Mật Nhất Của Đạo SưTâm Căn Bản.

Bài đọc thêm:
Lời Vàng Của Thầy Tôi (Patrul Rinpoche | Thanh Liên Việt dịch)









Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.