Tiểu Sử Vắn Tắt Nữ Hành Giả Konchok Paldron

05/01/20226:15 SA(Xem: 3737)
Tiểu Sử Vắn Tắt Nữ Hành Giả Konchok Paldron
TIỂU SỬ VẮN TẮT NỮ HÀNH GIẢ KONCHOK PALDRON
Alexander Gardner[1] soạn | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

 

Bà Konchok Paldron có lẽ sinh vào những năm 1850. Hồi ký Sự Huy Hoàng Rực Rỡ của Tulku Urgyen (1920-1996), cháu [nội] của Bà Konchok Paldron, tường thuật lại rằng Bà đã ngoài 80 tuổi khi qua đời vào những năm 1930. Anh trai của Bà, Ngài Wangchuk Dorje, có lẽ sinh ra trước khi cha của họ, Đức Chokgyur Lingpa (1829-1870)[2], đến Tu viện Palpung vào năm 1853 từ quê nhà ở Nangchen và bắt đầu hợp tác với Đức Jamgon Kongtrul (1813-1899)[3] và Đức Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892)[4]. Em trai [cùng cha khác mẹ] của họ, Ngài Tsewang Norbu, sinh ra với mẹ là cháu gái của Đức Khyentse Wangpo và vì thế, có lẽ không sinh ra sớm hơn cuối những năm 1850.

Mẹ của Bà Konchok Paldron là Dechen Chodron, thường được mọi người biết đến là Degah. Bà cụ là em gái của Ngài Barwai Dorje (1836-1920), học trò của Đức Chokgyur Lingpa và đã sống ít nhất cho đến năm 1874, khi Bà cụ thỉnh cầu Đức Kongtrul soạn Ánh Sáng Trí Tuệ, một luận giải cho Các Giai Đoạn Của Con Đường Tinh Túy Trí Tuệ [Lamrim Yeshe Nyingpo] của Đức Chokgyur Lingpa. Tulku Urgyen miêu tả Bà cụ là phẫn nộ và bướng bỉnh, một người phụ nữ quyền lực, có khả năng chống lại yêu cầu từ người chồng nổi tiếng của mình.

Theo Tulku Urgyen, Bà cụ kính trọng Đức Khyentse Wangpo, vị thường chào đón một cách chính thức và ban quán đỉnh cho Bà cụ.

Gia đình cho rằng Bà Konchok Paldron là một hóa hiện của Bồ Tát Kim Cương Thủ, trong khi hai em trai của Bà là [hóa hiện của] Quán Thế ÂmVăn Thù Sư Lợi. Bà Konchok Paldron đã dành khá nhiều thời gian với cha mẹ khi họ di chuyển quanh Kham và Bà đã chứng kiến sự phát lộ nhiều kho tàng của Ngài. Tulku Urgyen kể nhiều câu chuyện mà trong đó, bà của Ngài tương tác với các đệ tử của Đức Chokgyur Lingpa trong khung cảnh chung.

Bà Konchok Paldron đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn các phát lộ của cha, kết quả từ nỗ lực hợp tác của Đức Chokgyur Lingpa, Đức Kongtrul, Đức Khyentse và Ngài Karmapa thứ Mười bốn – Thekchok Dorje (1798-1868) cùng nhiều vị khác. Trong khi những người con trai của Bà thu thập nhiều bản văn nghi thức bị phân tán trong các đệ tửthỉnh cầu biên soạn nhiều bản văn khác, Bà Konchok Paldron được công nhận trong việc giữ gìn các khía cạnh nghi lễ của truyền thống. Bà học những cách tụng và giai điệu liên quan đến nghi thức của truyền thống, điều được phát lộ cho Đức Chokgyur Lingpa trong một linh kiến, và phương pháp chuẩn xác để thổi Gyaling, một Pháp khí nghi lễ Tây Tạng. Bà trao chúng lại cho các con trai và những vị trì giữ truyền thừa khác, đảm bảo sự tồn tại của chúng. Tulku Urgyen cũng công nhận Bà về kiến thức làm Torma, tức bánh nghi lễ, liên quan đến các phát lộ của cha Bà.

Bà cũng được cho là đã giữ gìn các yếu tố vật lý trong những phát lộ của cha Bà. Dilgo Khyentse Rinpoche kể cách mà Bà kế thừa một cuộn kho tàng mà Đức Chokgyur Lingpa đã phát lộ nhưng chưa viết lại. Bà trao nó cho Tulku Urgyen, vị lại trao cho chú, người lại yêu cầu Dilgo Khyentse Rinpoche rút ra bản văn.

Vào cuối những năm 1860, Bà Konchok Paldron cùng cha đến miền Trung Tây Tạng, nơi mà gia đình và các đệ tử đi hành hương khắp vùng đất. Tại Mindrolling, Bà rèn luyện về các thủ ấn của truyền thống Nyingma và phong cách vẽ tranh của vùng.

Trước sự hiện diện của cha, Bà gặp Patrul Rinpoche (1808-1887)[5]; Bà thường bắt chước giọng Golok nặng của Ngài và cũng thọ giáo lý từ Đức Ju Mipham Gyatso (1846-1912)[6], Đức Kongtrul và Đức Khyentse Wangpo.

Tulku Urgyen cũng miêu tả Bà là một nhà chiêm tinh và nhà thảo mộc thông thạo, người phát thuốc mỗi ngày.

Bà Konchok Paldron kết hôn với Ngài Orgyen Chophel, con trai của gia đình Tsangsar có tầm ảnh hưởng ở Nangchen. Cặp đôi sống ở điền trang gia đình của Ngài Orgyen Chophel và Bà dành nhiều năm tại Lhalam – Tu viện của chồng.

Bốn người con trai của Bà đều được công nhận là những vị tái sinh và tất cả đều trở thành những Lama và vị trì giữ truyền thừa xuất chúng về các phát lộ của Đức Chokgyur Lingpa: Samten Gyatso (qua đời năm 1940?), Lama Sangngak (1886-1949), Tersey Tulku (qua đời năm 1956) và Chime Dorje (1885-1948) – cha của Tulku Urgyen. Tersey Tulku là vị tái sinh được xác nhận của anh trai Bà – Ngài Wangchuk Dorje.

Mặc dù Bà sau đó tán dương những thành tựu tâm linh của các con trai, Bà không lập tức sẵn lòng trao họ cho các Tu viện thỉnh cầu họ. Trong Sự Huy Hoàng Rực Rỡ, Tulku Urgyen kể lại trận chiến đáng chú ý giữa Bà Konchok Paldron và một Lama từ Tsangsar Namgon, người yêu cầu con trai của Bà – Chime Dorje – là vị tái sinh của vị trì giữ ngai tòa của họ. Namgon là một trong ba Tu viện thuộc về gia đình Tsangsar; hai Tu viện kia là Lhalam và Lachab. Vị Lama đến đúng vào lúc cử hành lễ tang cho mẹ của Konchok Paldron và Bà báo với họ rằng đây không phải thời điểm thích hợp để họ đưa con trai Bà đến Tu viện của họ. Vị Lama từ chối rời đi mà không có đứa trẻ và sau một sự đối đầu ngày càng gia tăng, ông ấy chỉ rời đến cắm trại gần đó, tiến hành các chuẩn bị rõ ràng để bắt cóc cậu bé. Không lâu sau, Bà Konchok Paldron và gia đình du hành đến Tu viện Tsike. Trên đường, hai mươi lăm tu sĩ từ Tu viện phục kích họ và bắt cóc đứa trẻ ba tuổi.

Bà Konchok Paldron yêu cầu chồng đòi lại con trai nhưng không thành công. Ngài Orgyen Chophel rõ ràng đã đồng ý để con trai thứ hai được thiết lập tại một Tu viện Tsangsar, nhờ đó, tiếp tục ảnh hưởng của gia đình lên các học viện tâm linh trong vùng. Bà Konchok Paldron phẫn nộ và rời điền trang của chồng để đến Tu viện Tsike, trụ xứ của vị tái sinh của cha Bà – Tsike hay Kela Chokling. Vị Kela Chokling thứ hai – Konchok Gyurme (1871-1939) là bạn của Bà. Trong năm năm, Bà chờ các tu sĩ cho phép Bà gặp con trai và khi họ được đoàn tụ, Bà từ chối cho con trai bị đưa đi lần nữa, nương tựa sức mạnh của Tu viện Tsike để bảo vệ Bà và gia đình. Đức Tsike Chokling ủng hộ Bà tại Palpung và Ngài Chime Dorje ở cùng Bà đến khi trưởng thành, không bao giờ xuất gia hay chính thức chấp nhận sự công nhận là một đạo sư tái sinh.

Mặc dù bảo vệ gia đình một cách mãnh liệt, Bà không rụt rè trong việc bày tỏ quan điểm về danh tiếng của những người con trai nổi tiếng của mình hay thiên hướng rõ ràng của họ về việc chẳng để tâm đến mong muốn của Bà rằng họ phải sống gần nhà. Tulku Urgyen mở ra Sự Huy Hoàng Rực Rỡ với lời than phiền dài của Bà Konchok Paldron về con trai Tersey Tulku đã biến mất ở miền Trung Tây Tạng. Sau khi nhắc nhở thính chúng của Bà về danh tiếng của cha Bà, Bà tuyên bố, “Dẫu vậy, Ngài đã bỏ lại thân xác và tôi cùng với nó”. Rồi Bà than khóc rằng Bà bị bỏ lại một mình (bất chấp sự hiện diện của ba người con trai lớn bên cạnh) và chế nhạo danh tiếng của Tersey Tulku khi so sánh với cha Bà: “Đã chứng kiến sự vĩ đại đến vậy, làm sao tôi có thể bị ấn tưởng bởi điều gì khác hiện nay? Tôi đã nghe đủ mọi chuyện về các hành động được gọi là vĩ đại của Tersey Tulku, nhưng so với các hoạt động của ông [ngoại], chúng dường như bọt trên nước”. Bà Konchok Paldron sau đó tuyên bố ý định du hành đến miền Trung Tây Tạng, để tìm con trai và đưa trở về Kham. Ba người con trai lớn đã đồng hành cùng Bà.

Trái với việc thỉnh thoảng chế nhạo các con trai, Bà thực sự công nhận những thành tựu của họ. Theo Tulku Urgyen, Bà Konchok Paldron xem con trai Samten Gyatso là đạo sư chính yếu của Bà và Bà đã dành nhiều năm cùng Ngài nhập thất tại Dzonggo Ling, ẩn thất của gia đình.

Bà được cho là đã đạt được trạng thái chứng ngộ thiền định được gọi là “sự tan rã mọi hiện tượng” mà trong đó, giấc mơ ngừng lại và sự tỉnh thức tiếp tục trong lúc ngủ và lúc thức. Mặc dù các thành tựu của Bà trong thực hànhcử hành nghi lễ được biết đến rộng khắp, Bà từ chối vai trò là một đạo sư. Khi các Lama đến thọ nhận chỉ dẫn từ Bà, Bà từ chối gặp họ, khiến cho các con trai phải sắp xếp những cuộc gặp gỡ tình cờ giữa mẹ họ và các vị khác. Thế nhưng, Bà không hoàn toàn từ chối chăm sóc những vị có niềm tin với Bà. Ngài Orgyen Tobgyal miêu tả cách mà Bà gia trì hạt lúa mạch và phát chúng cho những người muốn đặt chúng vào Amulet.

Bà Konchok Paldron qua đời tại Tu viện Tsike. Vị Jamgon Kongtrul thứ hai – Palden Khyentse Ozer (1904-1952) đã có mặt trong tang lễ của Bà, cũng như Dzigar Kongtrul Lodro Rabphel (1901-khoảng 1958) và bốn con trai của Bà. Một bảo tháp được xây dựng ở đó để lưu giữ xá lợi của Bà.

 

Nguồn Anh ngữ: https://treasuryoflives.org/biographies/view/Konchok-Peldron/13692.

 

PHỤ LỤC:

LỜI KHUYÊN DÀNH CHO KONCHOK PALDRON
Từ Cam Lồ Trọng Yếu Của Ý Nghĩa Sâu Xa:
Các Chỉ Dẫn Khẩu TruyềnLời Khuyên Thực Tiễn
Được Ban Cho Những Môn Đồ May Mắn, Khai Thị Về Điều Cần Làm Và Cần Tránh
Chokgyur Lingpa soạn | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

 

Konchok Paldron[7], hãy an tọa trên chỗ ngồi hiếm có và thù thắng này!

Konchok Paldron, hãy nỗ lực trong sự điều phục tâm hiếm có và thù thắng!

Konchok Paldron, hãy rèn luyện bản thân trong Bồ đề tâm hiếm có và thù thắng!

Konchok Paldron, hãy chứng ngộ hai giai đoạn hiếm có và thù thắng[8]!

 

Nguồn Anh ngữ: https://lhaseylotsawa.org/library/advice-for-konchok-paldron-eng.



[1] Alexander Gardner đã hoàn thành tiến sỹ về các nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Michigan vào năm 2007 và hiện là người điều hànhbiên tập viên chính của Treasury of Lives [https://treasuryoflives.org/].

[2] Về Đức Chokgyur Lingpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a30774/cuoc-doi-duc-chokgyur-lingpa.

[4] Về Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a30571/cuoc-doi-duc-jamyang-khyentse-wangpo.

[7] Konchok Paldron (Đèn Vinh Quang Hiếm Có Và Thù Thắng) là con gái của Đức Chokgyur Lingpa.

[8] Tức là giai đoạn phát triểnhoàn thiện.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.