TÔN GIẢ RONGZOM CHOKYI ZANGPO
Ngài Chokyi Zangpo từ Rong, vị lừng danh là đại học giả [mahapandita] thù thắng [của Tây Tạng], vùng đất của những ngọn núi tuyết, sinh ra ở Narlung-rong, một vùng thuộc Rulak ở Hạ Tsang. [Để Ngài làm vậy,] nghi lễ năm giác ngộ của giai đoạn nhân ban đầu được cử hành bởi [cha Ngài, tức] Đức Rongben Rinchen Tsultrim, vị lại là con trai của Rongben Palgi Rinpoche. Kết quả là, [trong cuộc đời] Ngài hiển bày sự giác ngộ minh chứng cho năm sự xuất sắc: trí tuệ của Dignana, sự uyên bác của Vasubandhu, lối diễn tả của Candragomin, sự nhạy bén trong phân tích của Dharmakirti và sự biên soạn thi ca của đạo sư Aryasura.
Người ta nói rằng Đức Rongzompa là vị tái sinh trực tiếp của một học giả [pandita] gọi là đạo sư Smrtijnanakirti, người đã đến [Tây Tạng] vào cuối thời kỳ truyền bá giáo lý ban đầu. Ở quận Dokham, vị này đã chỉnh sửa các bản dịch của một số Mật điển và dịch các luận giải về cách thức của Chân ngôn Bí mật, bao gồm Luận Giải Về Trì Tụng Danh Hiệu Đức Văn Thù của Đức Thagana và nhiều phương tiện thành tựu [nghi quỹ], chẳng hạn Văn Thù Bí Mật. Ngài cũng soạn vài bộ luận về ngữ pháp. Sau đó, Ngài đã viên tịch [trong lúc vẫn ở Tây Tạng]. Nhưng trong truyền thừa của Tuyển Tập Kinh Điển, [một phần] của Kangyur, Ngài Rongzompa theo ngay sau Đức Smrtijnanakirti, một điểm cần xem xét [bởi ai đó là vị tái sinh trực tiếp của một vị khác là không thể nếu họ là đạo sư và đệ tử của nhau]. Nhưng nhiều vị khác vẫn cho rằng một học giả tên Acarya Trhalaringmo đã đến Kham và ở đó, Ngài chuyển dịch và giảng dạy Luận Giải Mở Rộng Về Mật Điển Mật Tập và v.v. Khi viên tịch, Ngài được cho là đã tái sinh [thành Đức Rongzompa].
Từ thời trẻ, Ngài Rongzompa tự nhiên sở hữu trí tuệ vĩ đại và vì thế, đã nghiên cứu với Đức Garton Tsultrim Zangpo ở Hạ Nyang. Lần nọ, khi cha Ngài đem nhu yếu phẩm đến, các bạn học của Ngài bảo rằng, “Con trai của ông thật phóng túng. Khi chúng tôi trở nên chán việc hắn cứ huyên thuyên ồn ào, tốt nhất là ông đưa hắn đi luôn bây giờ!”. Người cha đã hỏi đạo sư liệu rằng ông ấy có cần đưa cậu bé đi như họ đề xuất hay không, nhưng Đức Garton vĩ đại đáp, “Đừng nói về chuyện đó. Cậu bé vốn đã hiểu toàn bộ giáo lý!”.
Mười một tuổi, Ngài Rongzompa đã nghiên cứu triết học biện chứng. Giữa các thời giảng dạy, Ngài thường lặp lại mọi lời dạy của đạo sư ngay cả trên sân chơi của lũ trẻ. Bởi Ngài đã làm chủ mọi giáo lý sau khi nghe chúng chỉ một lần, không nhầm lẫn dù chỉ một từ, Ngài trở nên nổi tiếng là một hóa hiện của Văn Thù Sư Lợi. Mười ba tuổi, Ngài dường như đã hoàn thành các nghiên cứu và trở nên thoát khỏi vô minh về mọi điều có thể biết.
Chính Ngài đã từng nói rằng, “Sự nghiên cứu của Ta không phải tầm thường. Không có giáo lý nào mà Ta không nghiên cứu. Nhưng sự nghiên cứu của Ta cũng không phải vĩ đại, bởi Ta không cần xem lại bất cứ giáo lý nào hơn một lần”.
Trí tuệ của vị vĩ đại này nhạy bén mà cũng sâu xa. Người ta nói rằng bởi Ngài sở hữu sự thông tuệ bao la và vô cấu nhiễm, hoàn toàn tốt lành, Ngài đạt được trí nhớ không sai trệch, giữ trong tâm mọi từ ngữ và ý nghĩa về tất cả các bản văn Ấn Độ khó – Kinh, Mật và bộ luận – điều mà Ngài chưa từng thấy trước kia, sau khi đọc lướt chúng chỉ một hay hai lần. Ngay từ đầu và chẳng cần nỗ lực lớn lao, Ngài đã thoát khỏi vô minh về Phạn ngữ và nhiều ngôn ngữ khác. Và bởi sự thông tuệ của Ngài, vô ngại trong mọi khoa học và kinh văn nội – ngoại, như gai sắc, Ngài ưu việt hơn nhiều khi so với những vị khác trong việc chỉ ra những khác biệt vi tế, thậm chí trong Tạng ngữ, khi mà một từ nhất định có thể ứng với một sắc thái ý nghĩa nào đó.
Ngài Rongzompa biết được tầm quan trọng của nhiều hệ thống kinh văn mở rộng giảng dạy các ngành khoa học như những bộ luận lô-gic, các đoạn kệ cách ngôn, thi ca và v.v. mà không cần tham khảo đến bộ luận của Dandin [Chiếc Gương Thi Ca – tài liệu đáng tin cậy duy nhất, lấy ví dụ]. Thuở ấu thơ, Ngài thích thú trong việc đồng hành cùng mọi đạo sư Ấn Độ và hiểu được các tuyên bố của chư vị. Do đó, Ngài không gặp khó khăn nào khi học [đọc] một quyển bằng chữ Vivarta chỉ bằng cách liếc qua. Người ta nói rằng Ngài thậm chí đã học ngôn ngữ và âm thanh của những con vật. Ngài cũng biên soạn nhiều luận giải và bộ luận như [luận giải về] Cánh Cổng Đến Ngôn Ngữ. Bằng sức mạnh thông tuệ chẳng thể nghĩ bàn, Ngài được phú bẩm ý định sâu xa để phục sự tất thảy những vị sùng kính với giáo lý và tín đồ nói chung và đặc biệt, những vị đã bước vào thừa của sự thực chẳng thể phá hủy và mong mỏi có được những nghi thức và thành tựu của Chân ngôn Bí mật. Như thế, Ngài tha thiết khuyên họ bằng chỉ dẫn không sai và nhờ đó, phụng sự họ. Bởi Ngài sở hữu một vài sức mạnh thần thông, Ngài biết thời điểm và hoàn cảnh thích hợp để rèn luyện hữu tình chúng sinh và vì thế, thay đổi thái độ của đa số chúng sinh. Để giữ những vị đã bước vào giáo lý tránh xa các kẻ địch, những bộ luận có hệ thống và được chuẩn bị kỹ lưỡng tuôn chảy từ miệng như hoa sen của Ngài. Và Ngài chẳng bao giờ hối hận việc đã trao sự hỗ trợ này.
Chẳng còn lòng tham, Ngài Rongzompa từ bỏ các tài sản và khoan dung trước sự kém cỏi của chúng sinh bình phàm, những vị mà tâm chẳng hướng về giáo lý. Xem họ là những đối tượng của lòng bi, Ngài thiết lập họ trong hạnh phúc và an bình. Ngài trưởng dưỡng các vấn đề tâm linh và lòng quyết tâm thiền định như là ngọc báu như ý hay sinh lực trọng yếu; và Ngài truyền cảm hứng để những người khác cũng tùy duyên tuân theo.
Trong lúc biên soạn [các tác phẩm liên quan đến] giáo lý chân chính, Ngài Rongzompa không phải do dự để thu thập và nghiên cứu những bản văn gốc hay tiến hành những xem xét khác, bởi tám kho tàng vĩ đại của sự thông tuệ đã được giải phóng [trong Ngài], nhờ đó, Ngài có thể thấu suốt cả từ ngữ và ý nghĩa của giáo lý không chút ngăn ngại. Bởi mọi bộ luận của Ngài đều được trau chuốt về ý nghĩa, tinh luyện về từ ngữ và theo lối ý nghĩa trọn vẹn, chúng hài hòa với những điều huyền bí trong khẩu của Bậc Thầy, Đấng Mâu Ni vĩ đại. Vì lý do này, những vị nổi tiếng về sự uyên bác khác cũng chẳng thể phản bác Ngài. Người ta nói rằng các cá nhân trong truyền thừa của những vị đã nghiên cứu các chỉ dẫn bí mật của Ngài về cách thức của Chân ngôn Bí mật chắc chắn thọ nhận sự gia trì của Ngài bằng cách tuân theo [các bản văn] theo nghĩa đen, ngay cả khi họ vẫn chưa có được các trao truyền.
Khi gặp vị vĩ đại này, đạo sư Atisha tuyên bố Ngài là không sai lầm, nói rằng, “Thực sự, đạo sư này chính là đạo sư Krsna-carin quá cố của Ấn Độ. Làm sao tôi có thể thảo luận giáo lý với Ngài?”.
Nhìn chung, người ta nói [về Ngài] như sau:
Về Luật Tạng, Tsurton Yige uyên bác.
Về thực hành nghi lễ chuẩn xác, Yedrak thật khéo léo.
Rongpa uyên bác về ngữ pháp và lô-gic.
Nhưng chính cha Chodrak đã thu thập tất thảy[2].
Nhìn chung, trong khi tiếp tục những truyền thừa không gián đoạn của các truyền thống Kinh và Mật từ nhiều đạo sư, đặc biệt, [Ngài xuất hiện trong nhiều truyền thừa của] các pho giáo lý của thừa về sự thực chẳng thể phá hủy theo trường phái Cựu Dịch, ví dụ:
(i) Truyền thừa các chỉ dẫn của đạo sư Liên Hoa Sinh vĩ đại [được truyền từ vị đạo sư này qua]:
Nanam Dorje Dudjom;
Kharchen Palgi Wangchuk;
Tom Atsara Pal Metok;
Dra Dorje Zhonu;
Zhangzhang Yonten-tra;
Rongben Yonten; và
Rongben Tsultrim Rinpoche [cha của Ngài Rongzompa].
Ngài Rongzompa đã thọ nhận chúng từ vị cuối cùng trong truyền thừa này.
(ii) Truyền thừa các chỉ dẫn bí mật của Vairocana [được truyền từ vị đạo sư này qua]:
Yudra Nyingpo;
Lachen Gongpa Rapsel;
Trum Shinglakchen;
Nup Paten; và
Yazi Ponton.
Vị sau đã giải thích chúng cho Ngài Rongzompa toàn tri. Đây là một truyền thừa của Phần Tâm.
(iii) Cũng có một cá nhân thành tựu ở Longtang Drolma tên là Aro Yeshe Jungne. Vị này sở hữu cả chỉ dẫn của bảy đạo sư tuần tự ở Ấn Độ và chỉ dẫn của bảy đạo sư tuần tự ở Trung Quốc. [Từ vị này, truyền thừa được truyền qua:]
Chokro Zangkar Dzokur;
Yazi Ponton; đến
Rongzompa.
Đây được gọi là truyền thống Đại Viên Mãn của Kham.
(iv) Ngoài ra cũng có những chỉ dẫn bí mật mà Tôn giả Vô Cấu Hữu [Vimalamitra] trao cho Nyang Tingdzin Zangpo và các chỉ dẫn mà Ngài dạy cho Ma Rinchen Chok và Nyak Jnanakumara. Cả hai đều được trao truyền qua Khu Changchup-O đến Khyungpo Yik-O rồi dần dần truyền đến Ngài Rongzompa.
Như vậy, Ngài Rongzompa là đạo sư vô song của các giáo lý trường phái Cựu Dịch về Chân ngôn Bí mật, khiến Ngài trở thành một trong những cội nguồn của giáo lý.
Luận giải của vị đạo sư này về Mật điển Tinh Túy Bí Mật bắt đầu bằng:
Bản tính của Tam Bảo
Là tâm giác ngộ.
Vì lý do này, bản văn được gọi là Luận Giải Trân Bảo (Konchok Drel). Luận giải của Ngài Longchenpa vĩ đại, toàn tri với tựa đề Xua Tan Bóng Tối Khắp Mười Phương, giải thích rõ ràng [Tinh Túy Bí Mật], bình giảng theo truyền thống của [Atiyoga,] vua của các thừa. Mặt khác, luận giải này của Ngài Rongzompa toàn tri xuất hiện như chiếc hòm lớn được khóa chặt, bình giảng bao la về cõi giới [của sự thực]. Biết rằng hai [luận giải] này là các luận giải Tạng ngữ chính yếu [về Tinh Túy Bí Mật] cung cấp cho kẻ trí [tiềm năng] sức mạnh lớn lao.
Khi còn trẻ, trong lúc nghiên cứu các giáo lý của trường phái Cựu Dịch với một vị Doton Senge, Ngài Rongzompa từng nằm mơ rằng Ngài đang ăn cháo đặc mà Ngài chuẩn bị từ Tinh Túy Bí Mật với nước xuýt rau làm từ Buddhasamāyoga. Ngài bạch điều này với đạo sư, vị nói rằng, “Tuyệt vời thay! Đó là dấu hiệu con đã hoàn toàn lĩnh hội những giáo lý này. Con cần biên soạn một luận giải về từng [giáo lý]”.
Vì thế, để hoàn thành ý định của đạo sư, Ngài Rongzompa biên soạn ba chỉ dẫn bí mật dựa trên ba sự rèn luyện quý báu. Chúng gồm Kinh Mở Rộng Về Các Hứa Nguyện, điều diễn tả dứt khoát về sự rèn luyện về giới; Luận Giải Bốn Kiểu Và Mười Lăm Khía Cạnh, điều trình bày sự rèn luyện về định; và Luận giải về Buddhasamāyoga, điều bao gồm các chỉ dẫn bí mật về tri kiến và thiền định Đại Viên Mãn và giảng dạy sự rèn luyện về tuệ.
Tương tự, Ngài đã biên soạn nhiều luận giải và chỉ dẫn bí mật, chẳng hạn về Mật điển Tịnh Hóa Mọi Số Mệnh Xấu và về Mật điển Bhairava.
Trong số chúng có các bản văn vô cùng sâu xa và có ý nghĩa lớn lao, chẳng hạn Thâm Nhập Cách Thức Của Đại Thừa và v.v. Nói ngắn gọn, Ngài Rongzompa cư ngụ tại chốn toàn tri; bởi về các Kinh điển, Mật điển và bộ luận khác nhau, Ngài làm chủ tất cả những điều có thể biết. Ngài thậm chí còn biên soạn các bộ luận về những nghề nghiệp thế gian như nông nghiệp, chăn nuôi và sản xuất bơ sữa.
Vì thế, ban đầu khi tất cả học giả của bốn tỉnh Tây Tạng tập hợp lại với ý định tranh luận với Ngài, đấy là dịp để Ngài Rongzompa chặt bớt những cây leo của sự thông tuệ của họ và dát phẳng lòng kiêu ngạo như mang phình của rắn mang bành. Như thế, tất cả những học giả này, bao gồm Yangkye Lama từ Shap, Marpa Topa, Uyukpa Daton, Do Khyungpo Hūṃ-nying, Setrom Gyamtsobar, Tsamton Koca, Pangka Tarcung, Go Lhetse và Gya Gyaltsul đã nghĩ đến việc phản bác Ngài Rongzompa bằng cách chỉ trích các bộ luận của Ngài là sự sáng tạo đơn thuần của một người dân Tây Tạng. Nhưng khi trực tiếp diện kiến vị vĩ đại này, họ thấy rằng Ngài trung thành với tài liệu kinh văn đáng tin cậy, có thể chịu đựng sự kiểm tra về lô-gic và Ngài chẳng xung đột với bằng chứng về tam đoạn luận hay các giáo lý từ chư đạo sư của họ. Như vậy, Ngài đã bác bỏ họ nhờ sự thông tuệ rạng ngời, thứ thoát khỏi mọi lỗi lầm về từ ngữ và thực chất mà các đối thủ của Ngài khẳng định. Khi họ kiểm tra từng bộ luận của Ngài và nếm ý nghĩa, họ đều kinh ngạc; và mỗi người đều tôn vinh và xem Ngài là đạo sư của họ. Người ta đã nói như vậy.
Cũng có dịch giả từ Korup, một tu sĩ tên Choki Sherap, vị mang vỏ bọc của một người vô cùng uyên bác, ban đầu đã phỉ báng Ngài Rongzompa. Nhưng khi thấy quyển kinh văn với tựa đề Thâm Nhập Cách Thức Của Đại Thừa, điều mà Ngài Rongzompa đã soạn, ông ấy cảm thấy vô cùng kính trọng. Cuối cùng, ông ấy tôn vinh Ngài Rongzompa bằng nhiều món quà, sám hối lỗi lầm của mình và cầu nguyện được chấp nhận làm học trò. Sau đó, ông ấy đã nghiên cứu Mật Điển Bí Mật Văn Thù [Phẫn Nộ] và nhiều giáo lý khác.
Trong các bài giảng về Mật Điển Bí Mật này, học giả vĩ đại đã tuyên bố rằng, “Nếu chúng ta có bản văn Phạn ngữ, [Mật điển] sẽ đọc như vậy, nhưng bởi không có, giờ chúng ta không thể chỉnh sửa nó”.
Korup Lotsawa đã nhớ những lời của Ngài và sau này có được bản văn Phạn ngữ từ một học giả là Đấng Krsna và đã nghiên cứu với vị này. Ông ấy thấy rằng nó hòa hợp với những lời của Rongzom Pandita và cảm thấy vô cùng sùng mộ. Người ta nói rằng ông ấy đã cúng dường Ngài Rongzompa bản văn Phạn ngữ mà Đức Krsnapa đã cung cấp và học một lần nữa với Ngài Rongzompa. Theo cách tương tự, nhiều dịch giả như Marpa Choki Wangchuk và các bậc thông tuệ nổi tiếng về sự uyên bác đã đỉnh lễ dưới chân Ngài.
Ngài Rongzompa đã thân cận nhiều học giả, bao gồm các vị giới sư Ấn Độ Mañjuśrīvarman, Mañjuśrījñāna, Upāyaśrīmitra, Buddhākara-bhadra, Devākaracandra, Parameāvara và Amoghavajra. Ngài đóng vai trò là người thông dịch và đã dịch nhiều bản văn, bao gồm Mật điển Vajrabhairava, Mật điển Yamari Đen, Văn Thù Bí Mật và Mật Điển Gốc Thắng Lạc. Chúng là những bản dịch vô cùng xuất sắc và do đó, là hình mẫu xứng đáng của các trường phái Tân Dịch. Tất cả các học giả Ấn Độ của Ngài Rongzompa thường nói với Ngài rằng, “Này Dharmabhadra! Con cần biên soạn nhiều giáo lý và bảo vệ nhiều chúng sinh. Chưa kể đến các đặc tính khác của con, ở Ấn Độ, người ta biên soạn mà chẳng có nổi một phần ba kiến thức của con về ngữ pháp và lô-gic. Vì thế, sao con lại không biên soạn chứ?”.
Mặc dù sở hữu những đặc tính hoàn hảo như vậy, Ngài Rongzompa bền bỉ trong việc làm giảm kiêu ngạo và dập tắt ngạo mạn. Nếu chúng ta xem xét, các miêu tả về những thành tựu giải thoát của Ngài, lấy ví dụ, có nhiều điều liên quan đến cách mà Ngài vượt qua bề mặt như gương của một vách lớn nhờ năng lực diệu kỳ, hay cách Ngài cắt đá bằng dao Phổ Ba, bay lên trời và sở hữu sức mạnh thần thông phi phàm, nhờ đó, Ngài hiểu được phạm vi và hành vi của hầu hết các vị thần và ma quỷ Tây Tạng. Vị học giả vĩ đại này, hóa hiện không thể nghi ngờ, rõ ràng đã được tán thán và kính trọng bởi tất cả học giả cùng thời. Ngài đã sống một trăm mười chín năm và được cho là đã viên tịch mà không có bệnh tật nào về thân. Thậm chí Go Lotsawa [Zhonupal] vĩ đại cũng đã tán thán Ngài, “Ở Xứ Tuyết Tây Tạng này, chẳng có học giả nào sánh ngang với Ngài”. Điều này được đông đảo mọi người biết đến.
Trong những đệ tử nương tựa Ngài, có hai truyền thừa: truyền thừa từ các con trai của Ngài và truyền thừa từ các đệ tử của Ngài. Đầu tiên, truyền thừa từ hai con trai của Ngài – Zijibar và Bumbar, đã tồn tại trong thời gian dài và mọi vị xuất hiện trong đó đã đạt thành tựu nhờ thực hành Phổ Ba Kim Cương. Trong truyền thừa của các đệ tử, có mười bảy dịch giả vĩ đại bao gồm Korup Lotsawa, Marpa Topa và Go [Khukpa Lhetse]; ba mươi lăm đạo sư thành tựu vĩ đại bao gồm Yak Dorje Dzinpa; một trăm tám mươi thiền gia vĩ đại, những vị hành giả du già, bao gồm Đức Khurbupa, em trai của Machik Zhama và khoảng năm trăm vị khác, những vị nắm giữ ô giáo lý của Ngài, bao gồm Dorje Wangchuk, vị cư sĩ từ Yolcak và Yangkye Lama.
Nguồn Anh ngữ: Dudjom Rinpoche, The Nyingma School of Tibetan Buddhism – Its Fundamentals and History [Trường Phái Nyingma Của Phật Giáo Tây Tạng – Những Nguyên Tắc Cơ Bản & Lịch Sử], Wisdom Publications 1991.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Dudjom Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a35008/tieu-su-van-tat-dudjom-rinpoche-jigdral-yeshe-dorje-1904-1987-.
[2] Ngài Rongzompa chính là “cha Chodrak”.