Phẩm Iv - Đỏ Sẫm

27/05/201012:00 SA(Xem: 9266)
Phẩm Iv - Đỏ Sẫm

Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TIỂU BỘ TẬP II 
Khuddhaka Nikàya
GS. Trần Phương Lan dịch Việt - Phật Lịch 2543 - 1999

Chuyện Thiên Cung

Phẩm IV
Đỏ sẫm

1. (39) Chuyện thứ nhất - 
Lâu Đài Đỏ Sẫm (Manjetthaka-Vimàna)

Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Lúc Ngài đang được cúng dường thực phẩm theo cách được miêu tả trong Lâu đài trước, một nữ tỳ của nhà nọ đã lượm hoa từ cây Sàla đang nở rộ trong Hắc Lâm, xâu từng chuỗi thành những bó hoa nhỏ, rồi lượm rất nhiều hoa quý, những hoa đã rụng, và nàng đi vào thành.

Nàng thấy đức Thế Tôn đang an tọa trong ngôi đình, và với tín tâm, nàng trân trọng cúng dâng các bó hoa ấy đặt chung quanh tọa cụ của Ngài, rải thêm các hoa kia, rồi cung kính đảnh lễ Ngài, đi vòng quanh Ngài ba lần theo đúng nghi thức và ra đi.

Về sau nàng từ trần, và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Tại đây, một Lâu đài dành cho nàng được làm bằng pha lê đỏ, và trước đó là một rừng Sàla hùng vĩ với mặt đất được rải cát vàng. Khi Thiên nữ bước ra khỏi Lâu đài và đi vào rừng Sàla, các cây hoa rạp mình xuống và rắc hoa trên thân nàng.

Tôn giả Mahà Moggallàna đến gần nàng như đã tả ở trên, và hỏi nàng:

1. Đỏ sẫm lầu cao trải cát vàng,
Kìa nàng Thiên nữ thật vinh quang,
Nàng đang thưởng thức đàn hòa tấu,
Năm thứ âm thanh tuyệt dịu dàng.

2. Nàng bước xuống lầu lộng lẫy kia
Làm bằng châu ngọc trải kim sa,
Vào rừng song thọ Sà-la ấy,
Diễm lệ muôn đời nở rộ hoa.

3. Dưới từng gốc đại thọ Sà-la,
Nàng đứng dừng chân, Thiên nữ kia,
Hùng vĩ cây nghiêng mình cúi rạp
Trước nàng, rải rắc cả muôn hoa.

4. Mùi hương của đại thọ Sà-la,
Lay động theo làn gió nhẹ đưa,
Chim chóc dập dìu bay mọi hướng,
Khác nào cây mạn-thù-sa-ka.

5. Nàng thở làn hương thanh tịnh thay,
Nàng nhìn vẻ đẹp quý cao này,
Hỡi nàng Thiên nữ, khi nghe hỏi,
Hãy nói nghiệp gì tạo quả đây.

Khi được nghe Trưởng lão hỏi, nàng Thiên nữ ngâm các vần kệ đáp lời:

6. Thuở được làm người giữa thế nhân,
Con là nô lệ của nhà chồng,
Khi nhìn đức Phật đang an tọa,
Con rải Sa-la để cúng dâng.

7. Thời ấy tâm đầy đủ tín thành,
Con dâng lên với chính tay mình
Phật-đà một chiếc vòng hoa đẹp
Bằng đám Sà-la kết thật tinh.

8. Khi đã thực hành thiện nghiệp xong,
Nghiệp lành đức Phật tuyên dương,
Nay con thọ hưởng nhiều ân phước,
Vô bệnh, vô sầu, mãi lạc an.

2. (40) Chuyện thứ hai - 
Lâu Đài Sáng Chói (Pabhassara-Vimàna)

Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha. Thời ấy ở Ràjagaha có một đệ tử cư sĩ đầy tín thành đối với Trưởng lão Mahà-Moggallàna. Một trong hai cô con gái vị này là một tín nữlòng thành kính đối với bậc Trưởng lão ấy.

Một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna đi khất thực trong thành Ràjagaha, đến tận nhà ấy. Cô gái thấy Tôn giả, lòng đầy hoan hỷ, bảo sửa soạn chỗ ngồi, và khi Tôn giả đã an tọa tại đó, nàng cúng dường một tràng hoa lài và đổ đầy mật mía vào bình bát của Trưởng lão. Tôn giả vẫn ngồi yên vì muốn nói lời tùy hỷ công đức. Cô gái tỏ ý rằng nàng không có thì giờ để nghe Tôn giả vì đang bận nhiều công việc nhà, và nói:

- Con sẽ xin nghe Pháp vào một ngày khác.

Rồi nàng cung kính đảnh lễ vị Trưởng lão và giã từ, ngay hôm ấy nàng từ trần và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Tôn giả Mahà Moggallàna đến gần nàng và hỏi nàng qua các vần kệ này:

1. Thiên nữ dung nhan đẹp rỡ ràng,
Xiêm y lấp lánh tỏa hào quang,
Tứ chi bóng loáng chiên-đàn phấn,
Vĩ đại thay thần lực của nàng,
Thiên nữ là ai đầy diễm lệ,
Thấy ta, nàng đảnh lễ nghiêm trang?

2. Sàng tọa cao sang dát bảo châu,
Sáng ngời nàng ngự ở trên lầu,
Hào quang tỏa chiếu như Thiên chủ
Trong Hỷ lạc Viên chẳng khác đâu.

3. Ngày trước nàng tu thiện hạnh nào,
Nghiệp gì, nàng hưởng quả trời cao,
Hỡi nàng Thiên nữ, khi nghe hỏi,
Hãy nói quả này bởi cớ sao?

Được Trưởng lão hỏi như vầy, nàng Thiên nữ giải thích qua các vần kệ:

4. Tôn giả đi xin vật cúng dường,
Con dâng mật mía với hoa tràng,
Đây là kết quả hành vi ấy,
Con hưởng thọ thiên giới lạc an.

5. Song con ân hận mãi trong tâm,
Vì đã trót gây việc lỗi lầm,
Tôn giả, con không nghe Chánh pháp,
Pháp Vương khéo giảng ở trên trần.
6. Vậy con xin chúc: 'Phước phần ngài'.
Lân mẫn phần con, bất cứ ai
Khích lệ con vào trong đạo lý,
Pháp Vương khéo gỉảng ở trên đời.

7. Bất cứ ai đầy đủ tín tâm,
Tin vào đức Phật, Pháp, Tăng đoàn,
Đều hơn con hẳn về dung sắc,
Thọ mạng, hào quang, danh vọng vang,
Thiên chúng này hơn con các mặt
Hiển vinh thần lực đại huy hoàng.

3. (41) Chuyện thứ ba - 
Lâu Đài Trên Con Voi (Nàga-Vimàna)

Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ba-la-nại ở Isipatana (Trú xứ chư Tiên) trong Vườn Nai. Thời ấy một đệ tử tại gia, sống ở Ba-la-nại, là kẻ mộ đạo, đầy tín tâm, thực hành giới đức, nhờ người khác dệt một bộ y và giặt thật sạch để cúng dường đức Thế Tôn.

Bà đi đến đặt bộ y dưới chân Ngài và nói như vầy:

- Bạch Thế Tôn, mong đức Thế Tôn từ bi nhận bộ y này để con được hạnh phúc an lạc lâu dài.

Đức Thế Tôn nhận bộ y và nhìn thấy các đức tính đầy đủ của bà, bèn thuyết pháp cho bà. Lúc kết thúc, bà đắc quả Dự Lưu, cung kính đảnh lễ Thế Tôn, đi quanh Ngài một vòng đúng nghi thức, rồi về nhà.

Chẳng bao lâu sau, bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, và được Sakka Thiên chủ sủng ái, đặt danh hiệu Yasuttarà.

Do uy lực công đức của Thiên nữ này, một con voi cao quý xuất hiện được phủ trong tấm lưới bằng vàng: rồi một chiếc đình bằng bảo ngọc hiện ra trên lưng voi, bên trong có bảo tọa bằng ngọc trang hoàng lộng lẫy. Trong đôi ngà voi có hai hồ sen diễm lệ, rực rỡ với hoa sen, hoa súng, đồng thời hiện ra. Tại đó, trên các đài sen, các tiên nữ cầm năm loại nhạc cụ đàn ca múa hát.

Đức Thế Tôn, sau khi đã ở tại Ba-la-nại một thời gian như ý, liền khởi hành về phía Sàvatthi. Đến đó, Ngài trú trong Kỳ Viên. Bấy giờ Thiên nữ ấy suy ngẫm về cảnh cực lạc của nàng và duyên cớ việc kia, liền nhận thấy: 'Việc này là do nhân duyên cúng dường bậc Đạo Sư'.

Lòng đầy hoan hỷ, tín thành và cung kính đối với Ngài, nàng phi hành qua không gian trên lưng bảo tượng huy hoàng của nàng khi đêm đã về khuya, rồi giáng hạ từ lưng voi, đến đảnh lễ đức Thế Tôn, vươn đôi tay ra chắp lại và đứng gần đó.

Tôn giả Vangìsa được sự đồng ý của Thế Tôn, bèn hỏi nàng như vầy:

1. Ngự trên thiên tượng thật huy hoàng,
Bao phủ toàn châu báu ngọc vàng,
Đại tượng oai hùng kim võng phủ,
Cân đai đẹp lộng lẫy muôn phần,
Hỡi nàng Thiên nữ đầy trân bảo,
Đã đến đây qua giữa cõi không.

2. Phía trên của mỗi chiếc ngà voi
Xuất hiện hồ sen nở đẹp tươi,
Trong tựa pha lê, làn nước mát,
Từng đoàn nữ nhạc bước ra ngoài
Giữa hồ sen khiến lòng mê mẩn,
Tiên chúng này đang múa tuyệt vời.

3. Hỡi nàng Thiên nữ đại huy hoàng,
Nàng đã đạt bao đại lực thần,
Công đức gì xưa nàng đã tạo,
Khi tái sanh làm một thế nhân?
Vì sao thần lực nàng ngời sáng,
Dung quang chiếu tỏa khắp mười phương?

Được vị Trưởng lão hỏi như vậy, Thiên nữ đáp lại qua các vần kệ này:

4. Khi đến Ba-la-nại thuở xưa,
Con dâng đức Phật bộ cà-sa,
Bái chân Ngài, kế con ngồi xuống,
Hoan hỷ chấp tay lễ Phật-đà.

5. Đức Phật màu da sáng tựa vàng,
Dạy con Khổ, Tập, ấy vô thường,
Niết-bàn, Khổ diệttrường cửu,
Ngài dạy con dần biết đúng Đường.

6. Đời con ngắn ngủi vội lìa trần,
Từ đó mạng chung được hóa thân,
Uy danh ở giữa đoàn Thiên chúng
Tam thập tam thiên thật lẫy lừng,
Ái hậu Sak-ka cùng mỹ hiệu
Ya-sut-ta hiển hách mười phương.

4. (42) Chuyện thứ tư - 
Lâu Đài Alomà (Alomà-Vimàna)

Trong lúc đức Thế Tôn trú gần Ba-la-nại tại Isipatana (Trú xứ chư Tiên) trong Lộc Uyển, Ngài vào thành Ba-la-nại để khất thực. Tại đó một nữ nhân nghèo khó tên Alomà thấy Ngài, với tâm đầy thành tín, nhưng không có gì khác để cúng dường, bèn suy nghĩ: 'Một vật như thế này được cúng dường đức Thế Tôn sẽ có kết quả vĩ đại cho ta'.

Rồi bà đem dâng Ngài chiếc bánh kummàsa bằng bột gạo khô cứng, không có muối và bể vụn. Do việc cúng dường này, tâm bà cảm thấy hoan hỷ.

Đức Thế Tôn nhận bánh.

Về sau bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi nàng:

1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.

2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?

3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?

4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:

5. Ở Ba-la-nại ấy ngày xưa,
Con có lòng tin tưởng Phật-đà,
Thân tộc mặt trời đầy ánh sáng,
Tay con dâng bánh kum-mà-sa.

6. Hãy nhìn phước báo kum-mà-sa,
Miếng bánh không nêm muối cứng khô,
Ai chẳng thực hành nhiều thiện sự,
Khi nhìn hạnh phúc A-lo-mà?

7. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.

8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.

5. (43) Chuyện thứ năm - 
Lâu Đài Của Người Cúng Cháo Gạo (Kanjikadàyika-Vimàna)

Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Andhakavinda. Thời ấy một cơn bệnh do trúng gió phát sinh trong bụng Thế Tôn.

Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:

- Này Ananda, khi ông đi khất thực hãy đem về một ít cháo chua để làm thuốc trị bệnh cho Ta.

- Bạch Thế Tôn, con sẽ làm như vậy.

Tôn giả hứa xong, cầm bình bát do Tứ Đại Thiên vương tặng, đến đứng trước cửa nhà vị y sĩ cận sự của Tôn giả.

Bà vợ của y sĩ thấy Tôn giả, liền đảnh lễ, cầm bình bát và bảo vị Trưởng lão:

- Bạch Tôn giả, Tôn giả cần loại thuốc gì?

Ta thấy rõ bà ấy là người thông minh nên đã nhận ra: 'Trưởng lão này đến đây khi cần dược liệu, chứ không phải thực phẩm'.

Và khi Tôn giả bảo:

- Xin cho một ít cháo gạo.

suy nghĩ: 'Thuốc này không phải dành cho Sư phụ ta, quả thật chiếc bình bát này không phải của ai khác ngoài chiếc bình của đức Thế Tôn. Nào, ta hãy tìm cho được loại cháo gạo thích hợp với vị cứu nhân độ thế'.

Lòng tràn ngập hân hoan cung kính, bà nấu món cháo với nước trái táo, đổ đầy bình bát và để dùng chung với món cháo, bà sửa soạn thêm vài thực phẩm khác nữa.

Nhờ dùng món này, bệnh của đức Thế Tôn được thuyên giảm. Về sau, bà ấy từ trần, tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, thọ hưởng đại thiên lạc.

Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi bà như vầy:

1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.

2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?

3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?

4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:

5. Kiếp xưa con ở An-dha-ka,
Con cúng cháo dâng đức Phật-đà,
Đấng có hào quang dùng món cháo
Nấu cùng trái táo với dầu pha.

6. Trộn chút hồ tiêu, với tỏi ta,
Cho thêm vào ít nước là-ma,
Với lòng thành tín con dâng cúng
Lên đấng chánh nhân, đức Phật-đà.

7. Nữ hoàng chánh hậu Chuyển luân vương,
Khả ái toàn thân đẹp vẹn toàn, 
Yểu điệu dưới mắt nhìn Thánh chúa,
Cũng không có giá trị ngang bằng
Một phần mười sáu người thành tín
Đem món cháo hoa ấy cúng dường.

8. Một trăm con ngựa, trăm cân vàng,
Xa giá do la kéo, một trăm,
Kiều nữ trăm ngàn trang điểm ngọc,
Hoa tai, giá trị cũng không bằng
Một phần mười sáu người thành tín
Đem món cháo hoa ấy cúng dường.

9. Một trăm voi ở Tuyết Cao Sơn
Ngà giống càng xe, thật tráng cường,
Vương tượng oai hùng mang áo giáp,
Cân đai vàng ngọc cũng không bằng
Một phần mười sáu người thành tín
Đem món cháo hoa ấy cúng dường.

10. Dù người nắm giữ mọi quyền năng,
Khắp bốn đại châu cũng chẳng bằng
Chỉ một phần mười sáu lễ vật
Người đem món cháo ấy cung dâng.

6. (44) Câu chuyện thứ sáu - 
Lâu Đài Tịnh Xá (Vihàra-Vimàna)

Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên tinh xá. Thời ấy Visàkhà, vị đại đệ tử nữ cư sĩ, đã được các bạn hữu và người hầu cận thúc giục đi chơi một vòng trong hoa viên nhân một ngày lễ hội. Được tắm rửa và xoa dầu thơm cẩn thận, bà ăn một bữa thịnh soạn xong, tự trang điểm với 'bộ nữ trang đại quý giá', rồi được một đám bạn đồng hành năm trăm người hầu cận, bà rời nhà ra đi với đoàn người hộ tống linh đình.

Trong khi tiến về hoa viên, bà suy nghĩ: 'Cuộc vui chơi nhàn nhã như thuở còn thiếu nữ đối với ta giờ đây có nghĩa gì? Nào, ta hãy đi đến tinh xá, đảnh lễ đức Thế Tôn cùng chư Tôn giả làm phát khởi tín tâm, và ta sẽ nghe pháp'.

Bà liền đi đến tinh xá, dừng lại bên đường cởi bộ trang sức đại quý báu ấy ra, trao vào tay một nữ tỳ, kính lễ đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Bà nghe pháp xong, cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, đi vòng quanh Ngài theo đúng nghi thức, và rời tinh xá. Vừa đi một chặng đường ngắn, bà liền bảo nữ tỳ:

- Nào, ta muốn đeo bộ nữ trang.

Trước đây cô gái ấy đã buộc nó thành một gói, đặt trong tinh xá, rồi đi quanh quẩn một lúc, đến giờ ra về lại quên bẵng việc kia. Nàng thú nhận:

- Con quên mất, chắc nó còn ở đó. Con sẽ đi kiếm về đây.

Và nàng liền quay lại. Visàkhà lại bảo:

- Được rồi, nếu nó đã được cất trong tinh xá và quên mất, thì vì lợi ích của tinh xá, ta sẽ cúng dường bộ trang sức ấy.

Rồi bà trở lại tinh xá, đến gần đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Ngài, trình lên Ngài ý định của bà và thưa:

- Bạch Thế Tôn, con muốn xây một tinh xá, ước mong đức Thế Tôn từ bi cho phép con.

Đức Thế Tôn chấp thuận bằng cách im lặng.

Khi Visàkhà đã dâng lễ cúng dường bộ nữ trang đặc biệt ấy trị giá chín trăm triệu đồng tiền vàng, Tôn giả Trưởng lão Moggallàna giám sát công trình xây cất ấy.

Ngôi tinh xá được hoàn tất trong vòng chín tháng, dành cho đức Phật Thế TônTăng chúng một tòa Lâu đài thích hợp để an trú, trang bị đủ một ngàn phòng. Năm trăm phòng ở tầng dưới và năm trăm phòng ở tầng trên, tương truyền đó là một lâu đài như ở trên Thiên giới, sàn được xây như một bức tranh bằng châu báu cẩn hình những vòng hoa được phát họa tuyệt mỹ. Những bức tranh trên da thú, trát thạch cao trắng đẹp mắt, những đồ gỗ đánh bóng tinh xảo mỹ thuật và các phần nội thất cân xứng hài hòa như tường, cột, kèo, đòn tay, tấm trang trí góc tường, trụ cửa lớn, cửa sổ, cầu thang v.v... khéo thiết kế khả ái; và các gian nhà phụ, tư thất, mái đình, mái hiên, đại loại như thế, đều được dựng lên.

Khi tinh xá đã xong và bà sắp cử hành lễ cúng đường tặng vật trị giá chín trăm triệu đồng tiền vàng, bà nhìn thấy vẻ huy hoàng của Lâu đài trong lúc bà bước lên thượng lầu cùng năm trăm bạn đồng hànhhoan hỷ nói với họ:

- Bất cứ công đức gì ta nhận được nhờ xây cất Lâu đài này, xin chư vị đồng hưởng, ta xin phân phát đều công đức đến chư vị đã dự phần vào đây.

- Quả thật, mong được như vậy, quả thật.

Chư vị ấy đồng thanh nói với lòng tín thành và tất cả đều hoan hỷ.

Vào dịp ấy, có một tín nữ dự phần vào việc đồng hưởng công đức này với một tâm tư đặc biệt. Chẳng bao lâu sau đó, nàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Do uy lực công đức của nàng, một Lâu đài vĩ đại xuất hiện cho nàng, có thể du hành qua không gian, tráng lệ với nhiều nhà có nóc nhọn, hoa viên, hồ sen v.v... dài mười sáu do-tuần và rộng tám do-tuần, tỏa sáng một trăm do-tuần nhờ hào quang của chính nó. Khi Thiên nữ đi đâu, nàng cùng đi với Lâu đài ấy và một đoàn hộ tống gồm cả ngàn tiên nữ.

Về phần Visàkhà, nhờ công đức bố thí hào phóng và tín tâm cao độ, đã được tái sanh vào cõi trời Hóa Lạc, đạt đến ngôi vị chánh hậu của Sunimmita Thiên chủ.

Bấy giờ Tôn giả Anuruddha, trong lúc du hành lên thiên giới, thấy bạn của Visàkhà đã được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, bèn hỏi nàng như vầy:

1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.

2. Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Âm nhạc thiên đình vang vọng đến
Bên tai nghe quả thật du dương.

3. Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Nhè nhẹ hương trời lan tỏa rộng,
Làn hương dịu ngọt tạo hân hoan.

4. Đang lúc nàng di chuyển dáng hình,
Trâm cài bím tóc kết bên mình,
Âm vang như tiếng tơ hòa tấu
Năm thứ đàn huyền diệu hợp thành.

5. Vòng tai được gió thổi ngang qua,
Lay động theo làn gió nhẹ đưa,
Âm hưởng các vòng vàng ngọc ấy
Khác nào năm tiếng nhạc đồng hòa.

6. Và hương thơm của các tràng hoa
Khả ái, dịu dàng cứ tỏa ra
Từ đỉnh đầu nàng bay mọi hướng
Giống như cây Mạn-thù-sa-ka.

7. Nàng thở làn hương dịu ngọt sao,
Nàng nhìn vẻ đẹp thật thanh cao,
Hỡi nàng Thiên nữ khi nghe hỏi,
Hãy nói quả đây của nghiệp nào.
Nàng Thiên nữ đáp lại như vầy:

8. Tôn giả, ở thành Xá-vệ xưa,
Bạn xây tinh xá cúng Tăng-già,
Với tâm thành tín, con hoan hỷ
Khi thấy tòa nhà đẹp mắt ta.

9. Do hoan hỷ tịnh lạc như vầy,
Con được Lâu đài tuyệt diệu đây,
Mười sáu do-tuần trong mọi phía,
Nhờ thần lực nhẹ lướt trời mây.

10. Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Cân xứng, được quy hoạch mọi phần,
Ánh sáng tỏa tràn lan rực rỡ
Chung quanh khắp cả trăm do-tuần.

11. Con có hồ sen ở chốn này,
Cá pu-thu lội lượn lờ đây,
Nước trong lấp lánh đôi bờ mép
Viền với cát vàng ánh đẹp thay.

12. Mặt hồ đầy đủ loại hoa sen,
Hoa súng trắng ngần mọc phủ lên,
Làm đắm say lòng, cơn gió nhẹ
Đưa làn hương dịu tỏa khắp miền.

13. Các khu rừng mọc khóm hồng đào,
Cùng với dừa, cau, mít, cọ dầu,
Bao loại cây không trồng vẫn mọc
Ở bên trong của cả lầu cao.

14. Vang lên bao tiếng nhạc êm đềm,
Văng vẳng tiếng cười nói của tiên,
Nếu kẻ nào mơ nhìn cảnh ấy,
Cũng thành người hạnh phúc vô biên!

15. Lâu đài được tạo dựng như vầy,
Nhìn ngắm thật là tuyệt diệu thay,
Chiếu sáng khắp nơi nhờ thiện nghiệp,
Ta cần tạo phước đức đời này.

Sau đó vị Trưởng lão muốn nàng nói đến nơi tái sanh của Visàkhà, bèn ngâm kệ:

16. Rõ ràng nhờ tịnh lạc hân hoan
Nàng được Lâu đài tuyệt mỹ quan,
Còn nữ nhân kia dâng tặng vật,
Đâu là sanh thú hóa thân nàng?

Để giải thích vấn đề được vị trưởng lão hỏi, nàng đáp:

17. Tôn giả, nàng kia chính bạn hiền,
Nàng xây tinh xá đại trang nghiêm,
Cúng dường Tăng chúng, am tường pháp,
Nên đã tái sanh Hóa Lạc thiên.

18. Su-nim-ta Chánh hậu là nàng,
Phước quả nghiệp kia khó nghĩ bàn,
Tôn giả, những điều ngài muốn hỏi,
Con đã giải thích thật tinh tường.

19. Bởi vậy, nên khuyên nhủ thế nhân
Hân hoan bố thí đến chư Tăng,
Lắng tai nghe pháp, tâm thành tín,
Sinh được làm người thật khó khăn.

20. Ngài, bậc Đạo Sư dạy bước Đường,
Giọng Ngài như giọng Phạm Thiên vương,
Làn da trông giống như vàng ánh,
Hãy cúng dường hoan hỷ chúng Tăng,
Thí vật dâng lên đầy tín ngưỡng 
Sẽ đem phước quả lớn vô lường.

21. Tám người được bậc trí tuyên dương,
Bốn cặp xứng danh đáng cúng dường
Là các môn đồ Ngài Thiện Thệ,
Lễ dâng chư vị quả vô lường.

22. Bốn vị đi trên Đạo thực hành,
Bốn người được trú quả an lành,
Chư Tăng chánh hạnhchuyên chú
Giữ giới luật nhằm đạt trí minh.

23. Với mọi hữu tình, các thế nhân
Cúng dường mong phước báo cầu ân,
Lễ dâng hào phóng lên Tăng chúng
Đem phước tái sanh quả bội phần.

24. Vì Tăng chúng rộng lớn mênh mang,
Vô lượng vô biên tựa đại dương,
Đệ tử bậc Anh hùng dưới thế,
Là người tối thắng giữa phàm nhân,
Nơi nào Tăng chúng đi truyền pháp,
Chư vị đều mang đến ánh quang.

25. Những người đem lễ cúng chư Tăng,
Lễ vật cúng dường thật chánh chân,
Bố thí, hiến dâng theo Chánh pháp,
Lễ kia đem quả lớn vô ngần, 
Cúng dường lễ vật lên Tăng chúng
Được các Phật-đà tán thán luôn.

26. Tích đức này đây chính phước điền,
Những người kia tiến bước đi lên
Giữa đời, tâm ngập tràn hoan hỷ,
Khi đã diệt ô nhiễm thấp hèn
Của thói tham xan cho tận gốc,
Không còn lầm lỗi, sẽ sanh Thiên.

Tôn giả Anurudha từ đây trở về nhân giới, trình lên bậc Đạo Sư vấn đề này đúng như Tôn giả đã nghe từ vị Thiên nữ kia. Đức Thế Tôn lấy việc này làm cơ hội để thuyết pháp.

Phẩm Thứ Hai Để Phúng Tụng

7. (45) Chuyện thứ bảy - 
Lâu Đài Bốn Nữ Nhân (Caturitthi-Vimàna)

Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành thiên giới như đã kể trên, đến cõi trời Ba mươi ba. Tại đó trong bốn Lâu đài liên tiếp, Tôn giả thấy bốn Thiên nữ thọ hưởng thiên lạc, mỗi nàng có một đoàn hộ tống cả ngàn tiên nữ.

Tôn giả lần lượt hỏi các thiện nghiệpthuở trước các nàng đã tạo:

1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.

2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?

3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?

Và ngay khi được Tôn giả hỏi, các Thiên nữ lần lượt đáp lời. Vần kệ này được ngâm để diễn tả sự kiện trên:

4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng.

Tương truyền rằng vào thời đức Thế Tôn Kassapa, các nữ nhân này được tái sanh vào một gia đình lương thiện thành Pannakata, tại quốc độ có tên Esikà. Khi đến tuổi trưởng thành, các nàng về nhà chồng và sống đời hòa hợp.

Một nàng trong đám ấy thấy một Tỷ-kheo đi khất thực, bèn cúng dường một bó hoa súng xanh với tâm thành kính, một nàng cúng một bó hoa sen xanh cho một Tỷ-kheo khác, một nàng nữa cúng một bó sen đỏ, và một nàng nữa cúng các nụ hoa lài.

Sau đó từ trần, các nàng được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Mỗi nàng có một đoàn hộ tống gồm cả ngàn tiên nữ. Sau khi thọ hưởng thiên lạc ở đó đến tròn thọ mạng, các nàng từ giã cõi ấy và nhờ phước phần còn lại của nghiệp quả xưa, đã được tái sanh vào thời đức Phật Gotama ở cùng cõi trời này và được Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi theo cách đã được mô tả như trên.

Một nàng kể cho Trưởng lão nghe về hạnh nghiệp kiếp xưa nàng đã tạo:

5. Con đã cúng dường bó súng xanh
Một Tỳ-kheo khất thực trong thành,
E-si-kà quốc, cao hùng vĩ,
Rực rỡ Pan-na-kat đẹp xinh.

6. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Mến chuộng, tức thì xuất hiện ngay.

7. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.

Tôn giả hỏi lại một nàng khác:

8. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.

9. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?

10. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?

11. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:

12. Đem bó sen xanh đến cúng dường
Một Tỳ-kheo khất thực trên đường,
E-si-kà quốc, cao hùng vĩ,
Rực rỡ Pan-na-kat vẻ vang.

13. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Mến chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
14. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.

Tôn giả lại hỏi một nàng khác:

15. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.

16. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?

17. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?

18. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:

19. Trắng ngần là củ, cánh sen xanh,
Mọc nước hồ, con hái mấy cành,
Dâng cúng Tỷ-kheo đi khất thực,
E-si-kà quốc, ở kinh thành
Huy hoàng tên gọi Pan-na-kat,
Diễm lệ cao vời vợi nổi danh.

20. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Mến chuộng, tức thì xuất hiện ngay.

21. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.

Tôn giả lại hỏi một nàng khác nữa:

22. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm,
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.

23. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?

24. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?

25. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:

Nàng ấy đáp lại:

26. Con là tín nữ Su-ma-nà,
Hái nụ lài dâng, sắc trắng ngà
Đến một người tâm đầy hỷ lạc,
Tỷ-kheo khất thực ở thành xưa,
E-si-ka quốc, cao hùng vĩ,
Diễm lệ huy hoàng Pan-kat-ta.

27. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Mến chuộng, tức thì xuất hiện ngay.

28. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.

8. (46) Chuyện thứ tám - 
Lâu Đài Vườn Xoài (Amba-Vimàna)

Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Thời ấy một tín nữ tại đó nghe nói về kết quả vĩ đại và lợi ích vĩ đại do cúng dường tinh xá, nên lòng đầy nhiệt thành, nàng cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn và nói như vầy:

- Bạch đức Thế Tôn, con muốn nhờ người xây một tinh xá. Con cầu mong đức Thế Tôn chỉ cho con một nơi thích hợp.

Đức Thế Tôn đưa huấn thị đến chư Tăng. Chư vị chỉ cho bà một nơi thích hợp. Sau đó bà sai người xây một tinh xá, chung quanh có trồng xoài. Tinh xá được những hàng cây xoài bao bọc đầy đủ bóng mát và nước ngọt, đất màu trắng rải rác cát vàng như những chuỗi ngọc trai, thật hoàn hảo tráng lệ làm say lòng người.

Tín nữ ấy lại trang hoàng tinh xá với thảm đủ màu và tràng hoa, hương liệu chẳng khác kinh thành thiên giới; bà thắp đèn dầu và phủ lên các cây xoài một lớp khăn vải mới, rồi cúng dường tinh xá lên chư Tăng.

Về sau bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.

Tại đấy xuất hiện cho Thiên nữ một Lâu đài vĩ đại có vườn xoài bao bọc. Nàng được đoàn tiên nữ vây quanh hộ tống và hưởng thọ thiên lạc.

Tôn giả Mahà-Moggallàna đến gần nàng và hỏi:

1. Nàng có vườn xoài giống cảnh tiên,
Mê hồn, cung điện thật trang nghiêm,
Ngân vang bao tiếng đàn hòa tấu,
Tiên chúng reo ca văng vẳng lên.

2. Một cây đèn vĩ đại vàng ròng
Mãi mãi chiếu lan tỏa ánh hồng,
Bao bọc chung quanh, cây cối mọc
Với khăn che phủ trái bên trong.

3. Vì sao nàng được cảnh vườn xoài,
Cung điện uy nghi đẹp tuyệt vời,
Vì cớ nào dung sắc diễm lệ,
Tại sao nàng hiển hách trên trời,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Yêu chuộng, liền xuất hiện tức thời?

4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?

5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:

6. Kiếp trước sinh làm một thế nhân,
cõi người trong chốn phàm trần,
Con xây tinh xá, xoài bao bọc,
Đem cúng dường lên cả chúng Tăng.

7. Khi ngôi tinh xá ấy vừa xong,
Con sẵn sàng làm lễ cúng dâng,
Bao phủ vườn xoài bằng vải mới
Để nâng đỡ trái ở bên trong.

8. Khi đã thắp cao một ngọn đèn,
Tự tay con thực phẩm đưa lên
Chư Tăng của Phật-đà vô thượng,
Thành tín, con dâng cúng Thánh hiền.

9. Vì thế vườn con đẹp tuyệt vời,
Lâu đài tráng lệ thật hùng oai,
Ngân nga bao tiếng đàn hòa tấu,
Tiên chúng ca vang vọng khắp nơi.

10. Một cây đèn vĩ đại vàng ròng
Mãi mãi chiếu lan tỏa ánh hồng,
Bao bọc chung quanh, cây cối mọc
Với khăn che phủ trái bên trong.

11. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.

12. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.

9. (47) Chuyện thứ chín - 
Lâu Đài Hoàng Kim (Pìta-Vimàna)

Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, và khi Đại vương Ajàtasattu (A-xà-thế) đã dựng đại Tháp ở Ràjagaha để thờ phần xá-lợi của đức Thế Tôncử hành lễ cúng dường xong, một tín nữ đem bốn đóa hoa leo kosàtakì đến dâng bảo Tháp, bất kể các mối hiểm nguy dọc đường.

Ngay lúc ấy, một con bò cái cùng với một con bê con hung hăng xông tới tấn công bà bằng đôi sừng, giết bà tại chỗ. Bà được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, xuất hiện ngay khi Sakka Thiên chủ đang ngự trên thiên xa đến du ngoạn vườn thiên lạc, ngài bèn ngâm kệ hỏi:

1. Nàng Thiên nữ sắc phục kim hoàng,
Trang điểm bao châu báu ngọc vàng,
Thoa phấn chiên-đàn vàng óng ả,
Hoa sen vàng rực rỡ từng tràng.

2. Lâu đài nàng cũng sắc kim hoàng,
Thực phẩm, kim đôn lẫn tọa sàng,
Cùng chiếc lọng che vàng óng ánh,
Quạt, xe, bầy ngựa thảy bằng vàng.

3. Hạnh nghiệp gì nàng tạo trước đây,
Thuở nàng sinh ở cõi người vầy?
Hỡi nàng Thiên nữ khi nghe hỏi,
Hãy nói nghiệp xưa kết quả này.
Nàng giải thích qua các vần kệ:

4. Tấu trình Thiên đế, có cây kia,
Vị đắng, tên là Ko-sát-ta,
Con hái bốn hoa từ nhánh ấy,
Đem dâng bảo Tháp đức Tôn Sư.

5. Con đủ tín thành tâm hướng lên
Đạo Sư bảo tích, Tháp linh thiêng,
Trí con chuyên chú vào điều ấy,
Con chẳng quan tâm để ý nhìn.

6. Vì thế bò kia đã giết con,
Ước mong con chẳng được vuông tròn,
Nếu con tích đức nhiều như ý,
Kết quả ắt là phải lớn hơn.

7. Như vậy là do nghiệp ở đời,
Tấu Mà-gha, chúa tể trên trời,
Khi con bỏ xác thân phàm tục,
Con được lên đây phụng sự ngài.

8. Nghe vậy Thiên vương Mà-gha-va,
Ngọc hoàng của cõi Ba mươi ba,
Muốn làm hoan hỷ toàn thiên giới,
Liền bảo Mà-ta-li quản xa:

9. Này xem đây, hỡi Mà-ta-li,
Kết quả diệu kỳ, vĩ đại kia,
Dầu vật nhỏ dâng người đức độ,
Vẫn đem công đức lớn nhiều bề.

10. Khi thành tâm cúng vật tầm thường
Lên đức Như Lai, đấng Pháp Vương,
Bậc Giác Ngộ hay chư đệ tử,
Vật kia có giá trị khôn lường.

11. Mà-ta-li, vậy hãy nhanh chân,
Thiên chúng hãy tôn kính cúng dường,
Công đức tăng nhiều là phước lạc,
Như Lai bảo Tháp ấy mang phần.

12. Dầu Phật ở đời hoặc xả thân,
Quả đều bình đẳng với an tâm,
Vì do kết quả tâm kiên định,
Thiện thú dành cho các thiện nhân.

13. Chính đức Như Lai hiện giữa đời
vì lợi ích của muôn loài,
Sau khi phục vụ người hành thiện,
Bố thí đi lên đến cõi trời.

Khi đã nói xong lời này, Sakka Thiên chủ liền rời Hỷ lạc Viên và đến đảnh lễ cúng dường bảo tháp Cùlàmani suốt bảy ngày. Một thời gian sau, khi Tôn giả Nàrada du hành lên thiên giới, Thiên chủ ngâm kệ trình bày sự kiện trên với Tôn giả. Vị Trưởng lão thuật lại với chư vị kết tập Kinh điển nên chư vị này đưa chuyện ấy vào Đại Tạng Kinh.

10. (48) Chuyện thứ mười - 
Lâu Đài Do Cúng Mía (Ucchu-Vimàna)

Chuyện này cũng giống như chuyện Lâu đài của người dâng mía trước đây (số 30). Nhưng ở đây, bà mẹ chồng dùng hòn đất ném chết con dâu. Vì điểm này, hai câu chuyện đã được truyền tụng riêng biệt.

1. Quả đất cùng chung các vị thần
Được làm rạng rỡ thật vinh quang,
Như vầng nhật nguyệt, nàng soi sáng
Với ánh huy hoàng, vẻ mỹ quan,
Như Phạm Thiên siêu quần bạt chúng
Giữa trời Đao lợi với Thiên hoàng.

2. Hỡi nàng mang các chuỗi thanh liên,
Cùng chuỗi bảo châu ở trán trên,
Da tựa vàng ròng, trang điểm đẹp,
Xiêm y tuyệt mỹ của thần tiên,
Nàng là ai đó, này Thiên nữ,
Đảnh lễ ta rồi đứng một bên?

3. Nghiệp gì nàng đã tạo trên đời,
Kiếp trước sinh ra ở cõi người?
Bố thí vẹn toàn hay giữ giới?
Nhờ đâu vinh hiển được lên trời?
Hỡi nàng Thiên nữ, khi ta hỏi,
Nghiệp quả gì đây, hãy trả lời.
Sau đó vị Thiên nữ giải thích:

Các kệ từ 4-11 cũng giống như kệ 4-11 ở chuyện 30, chỉ trừ chữ 'chiếc ghế' được thay bằng 'hòn đất'.

11. (49) Chuyện thứ mười một -
Lâu Đài Do Sự Đảnh Lễ (Vandana-Vimàna)

Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Thời ấy nhiều Tỷ-kheo, sau khi đã an cư mùa mưa ở một tinh xá trong làng kia và đã làm lễ. Tự tứ vào lúc bế mạc xong, liền du hành qua một làng khác, trên đường đi đến Sàvatthi để đảnh lễ đức Thế Tôn. Tại đó một vị nữ nhân đến đảnh lễ chư Tăng với tâm đầy thành tín, kính cẩn và thiện ý. Về sau nàng từ trần được tái sanh vào cõi trời Ba mươi baTôn giả Mahà-Moggallàna hỏi nàng:

1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.

2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây, 
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?

3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?

4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn, 
Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:

5. Khi được làm người giữa thế nhân,
Gặp Tỳ-kheo giới hạnh chuyên cần,
Với tâm thành tín và hoan hỷ
Con chắp hai tay lễ dưới chân.

6.Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.

7. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.

12. (50) Chuyện thứ mười hai - 
Lâu Đài Của Rajjumàlà (Rajjumàlà-Vimàna)

Thời ấy, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên tinh xá. Bấy giờ ở một ngôi làng nhỏ vùng Gayà có một Bà-la-môn gả con gái cho con trai một Bà-la-môn khác. Nàng dâu về nắm quyền hành trong nhà ấy, ngay từ đầu đã sinh lòng ác cảm với con gái của một nữ tỳ, nên thường đánh mắng nhục mạ cô bé.

Khi cô bé lớn dần, nàng dâu lại đối xử tàn tệ hơn nữa (tục truyền rằng vào thời đức Phật Kassapa, hai nàng này đã có mối liên hệ ngược với hiện tại).

Để đề phòng việc cô chủ kéo tóc mình mỗi khi đánh đập, cô bé nữ tỳ đến tiệm cắt tóc nhờ cạo trọc đầu. Sau đó cô chủ đang cơn giận dữ bảo rằng cô bé kia chẳng có thể thoát khỏi tay mình bằng cách cạo đầu, liền buộc một sợi dây quanh cổ cô bé và kéo cô ngã xuống, rồi lại không chịu để cô bé tháo dây ra, từ đó cô bé có tên Rajjumàlà: Vòng dây đeo cổ.

Bấy giờ một ngày kia, bậc Đạo Sư vừa xuất định Đại bi, thấy Rajjumàlà có đầy đủ khả năng đạt quả Dự Lưu, bèn đến ngồi dưới một gốc cây tỏa hào quang rực rỡ.

Lúc ấy cô bé Rajjumàlà khốn khổ kia chỉ muốn chết, cầm chiếc ghè đi ra đường giả vờ lấy nước và tìm một cây để treo cổ. Khi thấy đức Phật, với tâm hướng về Ngài, cô suy nghĩ: 'Ví thử đức Thế Tôn thuyết pháp cho những người như ta thì sao? Ta có thể được giải thoát khỏi cuộc đời khốn cùng này'.

Đức Phật xem xét kỹ, liền gọi cô:

- Rajjumàlà!

Cô bé như được tắm nước cam lồ, vội đến gần đảnh lễ Ngài. Ngài dạy cô Tứ Đế và cô đắc quả Dự Lưu. Kế đó Ngài đi vào làng và ngồi dưới gốc cây khác.

Bấy giờ cô bé không thể tự hủy hoại mình nữa, bèn suy nghĩ với lòng nhẫn nhục, thân thiệntừ ái: 'Thôi cứ để mặc cho bà chủ Bà-la-môn này đánh đập, làm tổn thương ta thế nào tùy ý'. Rồi cô trở về lấy nước vào ghè.

Ông chủ nhà đứng ở cửa bảo:

- Cô đã đi lấy nước thật lâu và mặt lại rạng rỡ thế kia. Ta thấy cô có vẻ hoàn toàn khác hẳn, có việc gì vậy?

Cô bé kể chuyện cho chủ, ông hài lòng và bước vào bảo cô dâu:

- Thôi con đừng làm gì Rajjumàlà nữa.

Rồi ông vội vàng đi đến yết kiến bậc Đạo Sưcung kính mời Ngài thọ thực. Sau đó, cả ông cùng dâu con trong nhà đi vào ngồi cạnh bậc Đạo Sư. Ngài kể cho họ việc xảy ra kiếp trước giữa cô dâu và Rajjumàlà, cùng với một bài thuyết pháp thích hợp. Sau đó Ngài trở về Sàvatthi, còn vị Bà-la-môn nhận Rajjumàlà làm con nuôi và từ đó nàng dâu ông đối xử với cô rất tốt đẹp.

Khi nàng từ trần, Rajjumàlà được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và cũng được Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi:

1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang múa theo âm nhạc nhịp nhàng,
Toàn thể tứ chi nàng uyển chuyển
Thiên hình vạn trạng giữa không gian.

2. Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Âm nhạc Thiên đình vang vọng đến
Bên tai nghe quả thật du dương.

3. Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Nhè nhẹ hương trời lan tỏa rộng,
Làn hương dịu ngọt tạo hân hoan.

4. Đang lúc nàng di chuyển dáng hình,
Trâm cài bím tóc kết bên mình,
Âm vang như tiếng tơ hòa tấu
Năm thứ đàn huyền diệu hợp thành.

5. Vòng tai được gió thổi ngang qua,
Lay động theo làn gió nhẹ đưa,
Âm hưởng các vòng vàng ngọc ấy
Khác nào năm tiéng nhạc đồng hòa.

6. Và hương thơm của các tràng hoa
Khả ái, dịu dàng cứ tỏa ra
Từ đỉnh đầu nàng bay mọi hướng
Giống như cây Mạn-thù-sa-ka.

7. Nàng thở làn hương dịu ngọt sao,
Nàng nhìn vẻ đẹp thật thanh cao,
Hỡi nàng Thiên nữ khi nghe hỏi,
Hãy nói quả đây của nghiệp nào?

Khi được vị Trưởng lão hỏi như vậy, nàng ngâm các vần kệ giải thích, bắt đầu bằng câu chuyện tiền thân của nàng:

8. Kiếp trước làm nô lệ một nhà
Bà-la-môn ở tại Gàya,
Raj-ju-mà chính tên con đó,
Đức mỏng, phận hèn mọn xấu xa.

9. Bị mắng nhiếc đau khổ ngập tràn,
Cùng đe dọa, đánh đập hung tàn,
Con cầm ghè lớn đi tìm nước,
Và định đi luôn để thoát nàn.

10. Vứt chiếc ghè ra khỏi mặt đường,
Con đi vào tận chốn rừng hoang,
Nghĩ rằng đây chính nơi con chết,
Ích lợiđời sống của con?

11. Khi đã làm thòng lọng vững vàng,
Buộc dây vào cổ thụ bên đường,
Con nhìn quanh quẩnsuy nghĩ:
Ai đó đang cư trú giữa rừng?

12. Con thấy Phật-đà, bậc trí nhân,
Từ bi đối với cõi trần gian,
Đang ngồi tĩnh tọa, tâm thiền định,
Vô úy, Ngài không sợ tứ phương.

13. Bỗng nhiên con rúng động tâm can,
Kinh ngạc, lòng con thấy lạ thường,
Ai ở trong rừng này đấy nhỉ,
Thiên thần hay chỉ một người phàm?

14. Thanh thản, và làm khởi tín tâm,
Ngài từ rừng ái đạt ly tham,
Cảnh con thấy khiến tâm an tịnh,
Đây chẳng ai ngoài Tối Thượng nhân.

15. Tất cả các căn khéo hộ phòng,
Hân hoan thiền định, trí tinh thông,
Ngồi đây ắt hẳn Ngài Viên Giác
Từ ái hướng tâm đến cõi trần.

16. Như sư tử trú ẩn hang rừng,
Khơi dậy niềm lo sợ hãi hùng,
Vô địch, không loài nào đánh phá,
Cơ may thật hiếm thấy hoa sung.

17. Với những lời thân ái dịu dàng,
Đức Như Lai dạy bảo cùng con:
'Raj-ju, hãy đến nơi an trú
Quy ngưỡng Như Lai, đức Thế Tôn'.

18. Khi được nghe âm điệu của Ngài
Nhẹ nhàng, đầy ý nghĩa, êm tai,
Ngọt ngào, hiền dịu và thân ái
Xua hết bao sầu não ở đời.

19. Như Lai từ mẫn khắp trần gian,
Biết rõ tâm con đã sẵn sàng,
Đầy đủ tín thành và sáng suốt,
Ngài liền cất tiếng dạy con rằng:

20. Đây là Khổ Thánh đế, Ngài khuyên,
Khổ Tập là nguồn gốc khởi lên,
Khổ Diệt là đây, Tam Thánh đế,
Đường vào Bất tử, Đạo bình yên.

21. Cương quyết theo lời khuyến dụ kia
Của Ngài thuần thiện, đấng Từ bi,
Con liền đạt đến tâm an tịnh,
Bất tử, Niết-bàn, không thoái suy.

22. Tâm con kiên định ngập tình thương,
Tin tưởng vào Tam Bảo vững vàng,
Bất động trong con niềm chánh kiến,
Con là đích nữ bậc Y Vương.

23. Nay con hưởng lạc thú, vui chơi,
Hoan hỷ, vô ưu, khắp cõi trời,
Con đội tràng hoa Thiên nữ đẹp,
Cam lồ con uống tạo niềm vui.

24. Sáu mươi ngàn nhạc cụ đàn tơ
Thức tỉnh con từ giấc ngủ mơ:
Alamba, Gaggara, Bhìma,
Sàdhuvadin và Samsaya.

25. Pokkhara và Suphassa,
Vìnàmokkhà cùng các nàng kia,
Nandà cũng như Sunandà,
Sonadinà và Sucimhità.

26. Alambusà, Missakesi,
Cùng nàng tiên ác Pundarikà,
Eniphassà, Suphassà,
Subhaddà và Muduvàdinì.

27. Các nàng Thiên nữ diễm kiều này
Đánh thức thần tiên lúc ngủ say,
Buổi sáng các nàng thường đến bảo:
'Chúng em múa hát giúp vui đây'.

28. Nan-da-na, Hỷ lạc Viên này,
Không phải để dành cho những ai
Chẳng tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Mà dành riêng biệt để cho người
Đã hoàn thành được nhiều công đức,
Đại Lâm viên của cõi trời
Tam thập tam thiên đầy lạc thú,
Không gì phiền não, mãi vui chơi.

29. Chẳng đời này hoặc ở đời sau,
Cựu lạc dành cho những kẻ nào
Không tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Song đời này lẫn cõi đời sau
Để dành cực lạc cho bao kẻ
Làm các thiện hành, phước nghiệp cao.

30. Với những ai mong chúng bạn hiền,
Phải làm thiện nghiệp thật tinh chuyên,
Vì người tạo được nhiều công đức,
Hưởng lạc thú nhiều ở cõi thiên.

31. Như Lai xuất hiện ở trên đời
Là chính vì an lạc mọi loài,
Xứng đáng cho người dâng lễ vật,
Phước điền vô thượng của bao người,
Sau khi dâng lễ, tâm thành kính,
Các thí chủ vui hưởng cõi trời.
 
 

Tổng Kết

Lâu đài đỏ sẩm, Lâu đài sáng chói, Lâu đài trên con voi, Lâu đài Alomà, Lâu đài của người cúng cháo gạo, Lâu đài tinh xá, Lâu đài Bốn nữ nhân, Lâu đài vườn xoài, Lâu đài hoàng kim, Lâu đài do cúng mía, Lâu đài do sự đảnh lễ, Lâu đài Rajjumàlà.

Phẩm này được biết qua các chuyện trên.



 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/08/2011(Xem: 45418)
18/04/2016(Xem: 27112)
02/04/2016(Xem: 10193)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.