CUỘC ĐỜI CỦA KYABJE KANGYUR RINPOCHE (1898 - 1975) Kyabje Kangyur Rinpoche, Longchen Yeshe Dorje, sinh tại miền Đông Tây Tạng năm Thổ Cẩu (1898), và bắt đầu nghiên cứu Phật pháp và thực hành từ thời thơ ấu. Vị Thầy gốc của ngài là Jedrung Rinpoche, Trinle Jampa Jungne, của tu viện Riwoche, lừng danh về cách tiếp cận bất bộ phái, cũng như những buổi lễ và lễ hội hàng năm trong đó ba học viện chính của nó, thuộc các truyền thống Nyingma, Sarma và Taklung Kagyü dra-tsang, thường thực hành cùng nhau. Ngài được coi là một hiện thân của Namkhai Nyingpo, một trong hai mươi lăm đệ tử thân thiết nhất của Guru Padmasambhava (Liên Hoa Sanh), và những giáo lý ngài đã thọ nhân trong đời trước thì bây giờ, khi còn nhỏ tuổi, ngài bắt đầu tái khám phá như những kho tàng (terma). Nói chung cuộc đời của Kyabje Kanggyur Rinpoche có hai giai đoạn. Nửa đời trước của ngài đáp ứng những ước nguyện của các vị Thầy, do đó ngài đã hiến mình cho việc nghiên cứu và thực hành. Sau khi nhận quán đảnh Văn Thù từ Mipham Rinpoche, ngài có thể nhớ lại bất kỳ bản văn nào sau khi đọc qua một lần. Sự tinh tấn của ngài trong việc nghiên cứu thật vô địch, và ngài đọc thật khuya, nguồn ánh sáng duy nhất của ngài là đầu một cây nhang cháy rực mà thỉnh thoảng ngài thổi vào đó để làm nó sáng hơn. Theo cách này, ngài đã trở thành một học giả phi thường, không chỉ trong toàn bộ phạm vi các chủ đề của mọi trường phái Phật giáo Tây Tạng, mà cả những chủ đề thực tiễn khác nhau và rộng lớn. Đồng thời, ngài đã kết hợp sự tuân thủ hoàn hảo kỷ luật tâm linh của ngài với một số những cuộc nhập thất dài hạn, theo cách đó, bổ túc kinh nghiệm thiền định và thành tựu sâu xa cho sự uyên bác bao la của ngài. Như thế ngài đã có thể cung cấp một mức độ không nhỏ cho mọi phương diện của cuộc sống tại tu viện Riwoche và cuối cùng giữ những chức vụ quan trọng nhất ở đó. Việc ngài không để ý đến thân thế của bất kỳ loại người nào dẫn ngài tới việc từ bỏ địa vị của mình trong tu viện và đảm đương cuộc đời của một ẩn sĩ lang thang. Ngài đã thăm viếng nhiều nơi khác nhau ở miền Đông Tây Tạng để thọ nhận các giáo lý từ những vị Thầy khác nhau. Mặc dù ngài không bao giờ ngừng nghiên cứu và thực hành, thời kỳ thứ hai này của cuộc đời ngài được ghi dấu bởi lòng nhân đạo phi thường và công việc giúp đỡ người khác của ngài, đặc biệt là bốn hoạt động ngài yêu thích nhất: chăm sóc bệnh nhân kinh niên (ngài là một bác sĩ có tài), trông nom người già yếu, chăm sóc trẻ mồ côi, và bảo tồn, truyền bá giáo lý. Kangyur Rinpoche đã ban những giáo lý và trao truyền chính yếu trong nhiều trường hợp. Ngài được gọi là Kangyur Rinpoche bởi đã ban sự truyền đọc Kangyur (một tuyển tập bao gồm hơn một trăm quyển sách) ít nhất là hai mươi bốn lần. Pema Wangyal Rinpoche, trưởng nam của Kangyur Rinpoche, đã du hành cùng ngài và thọ nhận hầu hết những truyền dạy đó. Kangyur Rinpoche cũng đã hiến mình cho công việc quan trọng là phục hồi các tu viện và bảo tháp. Đó là một ví dụ về tính khiêm tốn bao la của ngài mà trong những dự án này hay những dự án khác vai trò của ngài không bị hạn chế chút nào để tổ chức, tài trợ và mang lại sự hứng khởi, bởi ngài đã giữ một phần tích cực trong chúng và làm nhiều người kinh ngạc bằng cách phô diễn những năng lực bất ngờ, khi làm công việc của một thợ xây, chẳng hạn thế, như thể ngài đã sử dụng nghề nghiệp đặc biệt đó trong cả đời mình. Việc bảo tồn Giáo pháp đã trở thành mối quan tâm chính của Kyabje Kangyur Rinpoche trong hai mươi năm cuối đời của ngài, khi ngài đã nhận ra rằng tương lai của Phật giáo ở Tây Tạng đã bị đe dọa. Ngài và gia đình đã mang qua Ấn Độ nhiều pho sách quý hiếm, nếu không thì chúng có thể bị thất lạc, và tại Ấn Độ, ngài đã dùng mọi cơ hội để bảo đảm rằng giáo lý đạo Phật được trao truyền cho thế hệ mai sau, cuối cùng ngài đã thiết lập một tu viện ở Darjeeling, nơi trẻ em Tây Tạng có thể được ban tặng một nền giáo dục truyền thống ngay từ thời thơ ấu. Kyabje Kangyur Rinpoche thị tịch vào năm 1975 (năm Mão). Mặc dù ngài không có cơ hội viếng thăm Âu châu hay Mỹ châu, nhưng đối với ngài, Phật pháp đã được thiết lập ở Tây phương là điều vô cùng quan trọng. Ngài đã ban tặng rộng rãi thời giờ của mình cho những người Tây phương đến gặp ngài, và một số trong những người này đã trải qua nhiều tháng thực hành dưới sự dẫn dắt của ngài. Chính nhờ kết quả của những khẩn cầu riêng của ngài đối với những Đạo sư vĩ đại khác, trong số đó có Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche và Kyabje Dudjom Rinpoche, Jetsün Jampa Chökyi, và các con trai của ngài là Taklung Tsetrul Pema Wangyal Rinpoche, Jigme Khyentse Rinpoche và Rangdröl Rinpoche, cũng như hoạt động Giáo pháp của ba cô con gái là Rigdzin-la, Yangchen-la, và Chökyi-la, mà hiện nay nhiều người Tây phương đã có thể học tập và thực hành Giáo pháp, một số trong đó đang ở trong bối cảnh của khóa nhập thất ba năm. Jetsün Jampa Chökyi sinh ngày 30 tháng 12 Tây Tạng, năm 1922 (năm Tuất). Bà được sinh ra và nuôi nấng ở Nyemo, miền trung Tây Tạng. Thân phụ của bà là Sonam Tobgyal, thuộc gia đình Do-Gön, con cháu của Vua Trisong Detsen, và thân mẫu của bà là Deki Norzom, một hậu duệ của Zanri Sarpa, gia đình thứ 6, hay bộ tộc, của Tây Tạng qua dòng dõi Rin Pong Desid của cha bà. Từ thời thơ ấu, Jetsün Jampa Chökyi đã hiến mình cho thực hành tâm linh, và nổi danh vì thiện tâm và lòng bi mẫn khác thường. Bà có vài thầy trợ giáo dành cho sự giáo dục riêng, và đồng thời rất quan tâm đến việc thực hành và thiền định. Năm lên bảy, bà gặp vị Thầy gốc đầu tiên của bà là Drakshung Rinpoche và thọ nhận các giáo lý về tu tập tâm thức và thực hành chuẩn bị. Năm lên tám, bà vào ni viện Samten Yangtse ở Nyemo và trở nên nổi tiếng về thực hành thiền định và sự từ bỏ. Bất kỳ khi nào bà bất chợt nhìn thấy đau khổ của chúng sinh, dù là người hay thú vật, bà luôn luôn sẵn sàng cứu giúp bằng mọi giá. Bà hiến mình cho việc bảo vệ thú vật khỏi bị làm hại hay sát sinh và thường xuyên bố thí thực phẩm, quần áo, hay nơi trú ngụ cho tổ chức cứu tế những người gặp khó khăn. Bà thường trút hết kho ngũ cốc của mình để cung cấp cho người nghèo. Do bởi cha mẹ bà giữ những địa vị chính trị quan trọng nên khi còn trẻ, Jetsün Jampa Chökyi thường du hành tới miền nam và miền đông Tây Tạng. Kết quả là bà đã có cơ hội gặp nhiều vị Thầy vĩ đại và học với các ngài. Trước khi Drakshung Rinpoche thị tịch, ngài đã tiên tri rằng bà sẽ gặp vị Thầy gốc (bổn sư) của mình, bà đã từng nối kết với vị Thầy này trong nhiều đời. Năm 1936, khi 14 tuổi, bà đi hành hương, thăm viếng nhiều thánh địa ở miền nam Tây Tạng. Khi bà đến Samye Chimpu, một trong những vị khenpo từ tu viện Dzogchen, người đã trở thành thân phụ của Dzogchen Rinpoche thứ 6, nói với bà rằng một vị Thầy lỗi lạc tên là Kangyur Rinpoche sẽ trao truyền toàn bộ tuyển tập giáo lý Phật pháp (được gọi là Kangyur). Vị Khenpo khuyên Jetsün Jampa Chökyi tham dự những cuộc trao truyền vô cùng quý báu và hiếm khi được thọ nhận này. Khi nghe nói đến danh hiệu của Kangyur Rinpoche, tâm bà tràn ngập niềm vui và không khởi một niệm thứ hai, bà biết là mình phải gặp vị Thầy vĩ đại này. Vì thế bà gởi đi một vài thị giả và một trong những sư cô của bà trở về nước thu thập đầy đủ lương thực để tồn tại trong suốt những cuộc trao truyền. Theo lời khuyên của vị Khenpo và như sự chuẩn bị cho những trao truyền này, Jetsün Jampa Chökyi đã hoàn tất những thực hành chuẩn bị, và thiền định dựa trên sadhana Guru được gọi là Đại dương các Châu báu (Norbu Gyatso), theo truyền thống của Padma Lingpa. Trong khi thực hành tại thánh địa này của Guru Liên Hoa Sanh, bà có những kinh nghiệm, thị kiến và giấc mộng vô cùng tốt lành. Trong một giấc mơ, Guru Liên Hoa Sanh, Bổn Tôn chính trong sadhana Đại dương các Châu báu, đã biến thành vị Thầy gây ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ nhất. Khi thức dậy, bà cảm nhận rằng mình đã gặp vị Thầy này nhiều lần, nhưng không thể nói là khi nào. Khi bà nhìn thấy Kangyur Rinpoche đến Samye Chimpu, bà nhận ra rằng đây là người bà đã nhìn thấy trong giấc mơ. Bà có cảm tưởng là bà đã biết Kangyur Rinpoche trong nhiều đời. Bà đã được ngài cho phép tham dự những cuộc truyền dạy tuyển tập Kangyur. Trong thời gian đó, bà đã nhận nhiều lễ nhập môn quan trọng khác. Năm 1938, bà được tôn phong là getsülma (sa di ni) và theo sự dẫn dắt của Kangyur Rinpoche, bà đã thực hành những thiền định cao cấp ở những thánh địa khác nhau. Trong thời gian đó, bà cũng nghiên cứu những chủ đề khác cùng những gia sư riêng của mình, và đã trở nên thành tựu cao cấp trong thi ca, văn phạm, âm nhạc, vũ điệu, điêu khắc, và hội họa, tất cả những môn này bà đã tiếp tục nghiên cứu trong vài năm. Trong thời gian này, bà cũng phụng sự thân mẫu của Kangyur Rinpoche ở Nyemo. Năm 1941, thân mẫu của Kangyur Rinpoche qua đời. Xúc động vì ước nguyện đi hành hương không toại nguyện của mẹ, Kangyur Rinpoche quyết định lên đường tới các thánh địa của Ấn Độ và Nepal, theo sau là nhiều nhiều đệ tử, và Jetsün Jampa Chökyi được đặc ân lớn lao nên có mặt trong số đó. Họ đã du hành qua Sikkim, Kalimpong, Patna, Vaishali, Nalanda, Udhampur, Rajgir, Đỉnh Kên kên, Bodhgaya, Sarnath, Kushinagara, và sau đó đi Nepal, nơi họ đã viếng thăm Bodhnath (Bồ Đề Đạo Tràng), Swayambhunath, Namo Buddha và Lumbini, và trở về Ấn Độ theo đường Sravasti, Sankisa, Delhi, Sanchi, Ajanta, Allora, rồi tới Delhi một lần nữa và đi Amritsar, Baijnath, Simla, Mandi, và Tso Pema (Rewalsar). Tại Tso Pema, Kangyur Rinpoche nhập thất trong vài tháng. Chính tại đây ngài đã biên soạn sadhana Trận Mưa các Thành tựu. Từ Manali, cả nhóm trở về Tây Tạng, đi bộ tới Kailash và Shigatse và cuối cùng trở lại Nyemo. Cuộc du hành kéo dài một năm, trong thời gian đó Kangyur Rinpoche có nhiều linh kiến và đã khám phá một vài terma (những kho tàng ẩn dấu). Kangyur Rinpoche và Jetsün Jampa Chökyi thành hôn năm 1943 và có sáu người con. Bà đã tiếp tục phụng sự Kangyur Rinpoche và công việc của ngài cho đến ngày cuối cùng của mình. Bà thị tịch ở Bồ Đào Nha vào ngày 15 tháng 2, năm 2004 (ngày 25 tháng 11 theo lịch Tây Tạng) ở tuổi 84. Mặc dù vô cùng khiêm tốn, với trí tuệ và lòng bi mẫn không ngừng phóng chiếu từ bà, Jetsün Jampa Chökyi gây hứng khởi cho tất cả những ai gặp bà. Toàn bộ cuộc đời bà được hiến dâng cho việc nghiên cứu và thực hành. Nhiều Đạo sư cao cấp và tất cả những ai đã biết bà, đánh giá bà là một hành giả thực sự thành tựu. Đối với tất cả chúng ta là những người vô cùng may mắn được gặp bà, bà đã mãi mãi chuyển hóa cuộc đời ta bằng thiện tâm và sự chứng ngộ của bà. Mỗi năm, cộng đồng Chanteloube tụ hội vào ngày kỷ niệm để cử hành lễ tsok và tưởng niệm cuộc đời phi thường của bà. Nguyên tác: “Kyabje Kangyur Rinpoche (1898 - 1975)” www.anipalmo.org/Rinpoche.Parents.Bio.doc Thanh Liên dịch sang Việt ngữ |