Các nhà nghiên cứu về Tăng Triệu hình như là có tìm thấy mấy trang cuối cùng của thủ bản chân thật của luận này, rồi họ thêm vào một phần biện bác giữa Huệ Quán và Đạo Sinh, và sửa chữa lại theo văn thể của ông ta. Trong thủ bản chân thật, Tăng Triệu bàn đến Thánh nhân như là nhà sáng thế: “Phù thánh nhân không động vô tướng nhi vạn vật vô phi ngã tạo.” Ở Bát-nhã vô tri luận, Chí nhân được giải thích theo bản chất cố hữu của người: ngự trị thế giới, lo lắng cho chúng sinh và tri biết những gì xảy ra. Nói tắt, người là Tự nhiên được nhân cách hóa. Hơn thế nữa, người là ánh sáng của cuộc sống, thâm nhập và sinh động vũ trụ vốn là vũ trụ sinh động. Trong hành động sáng tạo đó, Huyền giám hàm chứa mỗi hình tướng và âm thanh của cuộc sống hàng ngày. Ở Bất chân không luận, người là Toàn Không, vốn đồng đẳng với sự viên mãn của thế giới. Theo đó, không có môi trường nào trống không để cho một nhà sáng tạo nhân cách hóa có thể chen vào.
Có thể Tăng Triệu, để chứng minh nhất thiết có Chí Nhân, nên đã sử dụng thuật ngữ tạo thay vì chiếu. Nhưng dầu tạo hay chiếu, sự sáng thế vẫn chỉ có một ý nghĩa duy nhất là ‘tự biểu hiện.’ Như ở Bất chân không luận, Tăng Triệu nói: “Công đức chiếu soi của Như Lai, chiếu công, thì bất khả hoại diệt.” Công đức đó, ở đây gọi là “sự sáng tạo”.