Trong trả lời thư của Lưu Di Dân, từ Bát-nhã không xuất hiện nhiều. Bậc Thánh được gọi là Chí nhân 至人 (Highest Being) hay Ngã 我 (Cosmic Person), vốn hiện hữu trong nhiều hiện tượng riêng biệt. Trong ngôn ngữ Trung Hoa, về mặt ngữ pháp Ngã 我 được dùng ở cả hai ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Do đó tôi dịch là 'He,’[1] đại danh từ viết hoa. Ngã siêu việt mọi vật hữu hình, do đó nó không thể được nhận biết (tri), không thể được giải thích (ứng hội). Thư trả lời, Tăng Triệu khuyến cáo đừng cố công định nghĩa cái Ngã đó.
‘Đạo siêu việt tên gọi, nhân đó gọi là không; do di động để hội ứng với vạn sự nên gọi là có. Nhân đó gọi là hữu, nên cho là chân hữu, cưỡng gọi như vậy. Thật ra, làm sao mà có thể như vậy được?'[2]
Cách liên lạc Thư từ này cũng thú vị trong nhiều khía cạnh khác. Đây là một dạng cực kỳ hiếm trong văn học Trung Quốc và phương Tây, khi người viết thư chân thành tìm hiểu tư tưởng của người tiếp thư và không ngần ngại bày tỏ tư tưởng riêng mình. Bởi vì cả hai thuyên giải thế giới từ hai cực đoan đối lập, nên dị biệt căn bản quan niệm của hai người không bao giờ lấp đầy được, nhưng do vì cả hai chân thành diễn đạt tư tưởng của mình nên cuối cùng lại trở thành tri kỷ, mặc dầu thật sự cả hai không hề gặp mặt nhau lần nào trong cuộc đời. Tình bạn của họ cho ta thấy phong thái văn nhã trong học giới Trung Hoa thời đó.
Những gì thực sự tăng chúng Lô sơn quán chiếu, chúng tôi không được biết đến. Tư tưởng của các luận sư Trung Hoa hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu; dữ liệu, được đánh giá là dữ kiện, vẫn thu hút hầu hết sự quan tâm của các nhà Hán học (sinologist).
Thế nào là thiền quán mà tăng chúng Lô sơn hành trì? Có phải thiền này xuất phát từ hình thức của Đạo gia? Hay đó là thiền đặc biệt của Huệ Viễn? Sự công chính mà các thế lực siêu nhiên bảo trì đã được biết đến từ thời đại nhà Châu hay sớm hơn. Thế thì ảnh hưởng Ấn Độ bắt đầu có từ bao giờ? Chắc chắn là ở nơi sự sùng tín thần quyền (chư Phật và Bồ-tát) vốn chưa được biết đến trước kia, chư Phật vốn từ bi nhưng đồng thời nghiêm khắc về luật nghi, vốn là những thần linh có thuộc tính xã hội mà ai cũng sẵn sàng đầu phục. Phải chăng ảnh hưởng Phật giáo đã tự tiêu mòn vào trong vai trò dẫn đạo nầy? Phải chăng Hồ Thích[3] đúng khi cho rằng người Hán chấp nhận truyền thống Phật giáo đơn giản là để phân tán và đồng hóa Phật giáo Ấn Độ vào truyền thống Trung Hoa? Họ đã phân hoá điều bất khả phân hoá. Nhưng, có thể nào mà các triết gia lặn lội khắp mọi nẻo đường, từ Lão Trang cho đến Phật, đến cái bất khả mệnh danh, đến bậc Chí nhân (transcendent One) vốn chỉ có thể trực nhận qua sự tịch lặng tự tâm (tự tâm phật自心佛) mà lại không hề bị ảnh hưởng bởi Long Thọ? Chắc chắn là không. Nếu thế, ảnh hưởng của Long Thọ như thế nào? Như sự phát triển hóa học-sinh học sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự kích thích của encyme, văn hóa Trung Hoa bấy giờ hầu như là đang lê bước vào tử lộ nếu không được tăng cường sinh khí bởi ảnh hưởng từ nước ngoài, một ảnh hưởng quả thật độc đáo dù hoàn toàn không mong đợi, và hoạt động mà không truyền thụ điều gì thuộc vật chất cả.
Lịch sử tư tưởng Phật giáo Trung Hoa là một ví dụ hiển nhiên về định luật chung này
[1] * Theo tác giả, Liebenthal. Trong đây dịch là Ngã.
[2] * 道超名外,因謂之無;動與事會,因謂之有。因謂之有者,應夫真,強謂之然耳。彼何然哉?Đạo siêu danh ngoại, nhân vị chi vô; động dữ sự hội, nhân vị chi hữu. Nhân vị chi hữu giả, ưng phù chân hữu, cưỡng vị chi nhiên nhĩ. Bỉ hà nhiên tai?
[3] *Hu Shih 胡適 (1891-1962), nhà ngoại giao, nhà văn tiểu luận và nhà triết học Trung Quốc. Ngày nay ông được công nhận rộng rãi là người có những góp to lớn cho chủ nghĩa tự do và cải cách ngôn ngữ ở Trung Quốc. Ông là người có ảnh hưởng trong phong trào Ngũ Tứ, là một trong những lãnh đạo của phong trào Tân Văn hóa và đồng thời cũng là chủ tịch đại học Bắc Kinh. Ông được đề cử giải Nobel Văn học năm 1939. Ông quan tâm đến rất nhiều lĩnh khác nhau như văn học, lịch sử, phê bình văn học và giáo dục học.