Khenchen Tsewang Gyatso Rinpoche sinh năm 1954 trong một ngôi làng gần Lhakhang Dzong ở vùng phía Nam của Tây Tạng, gần biên giới Bhutan, được gọi là Lhodrak. Từ khi Ngài chào đời, cha mẹ Ngài đã có cảm giác mạnh mẽ rằng họ cần gửi Ngài đến Tu viện gần đó của Tổ Nub Namkhai Nyingpo. Lama đứng đầu, Namkhai Nyingpo Rinpoche, là vị tái sinh của một trong hai mươi lăm đệ tử của Đạo Sư Liên Hoa Sinh. Dọc theo những thung lũng của Himalaya là nhiều hang động và địa điểm linh thiêng liên quan đến Đạo Sư Liên Hoa Sinh và nhiều vị Terton vĩ đại, những vị mà trong các thế hệ sau, đã phát lộ giáo lý của Ngài. Trong số đó có Guru Chowang[1], Terton Ratna Lingpa[2] và Terton Pema Lingpa.
Ngôi làng nằm trên tuyến đường giao thương chính từ Lhasa đến Bhutan và mọi người khá phát đạt. Năm 1962, Khenpo và gia đình của Ngài vượt núi và du hành qua Bhutan để đến Ấn Độ.
Sau khi đến Ấn Độ, Ngài và các chị em gái được gửi đến một trường nội trú của chính phủ dành cho người Tây Tạng ở Darjeeling, Tây Bengal. Ở đó, Ngài bắt đầu sự giáo dục chính thức. Chương trình bao gồm các môn tiểu học thông thường, cũng như tiếng Anh, tiếng Hindi và giáo lý Phật Pháp căn bản. Lên mười tuổi, Ngài thọ giới Sa Di. Ngài tiếp tục việc học cho đến lớp tám. Năm này qua năm khác, Ngài luôn luôn đứng đầu cả lớp.
Năm 1969, Ngài gia nhập Học Viện Trung Ương Về Những Nghiên Cứu Tây Tạng Cao Cấp ở Sarnath, gần Varanasi. Ở đó, Ngài theo đuổi chương trình chín năm về các nghiên cứu Phật giáo và giáo dục phổ thông dưới sự dẫn dắt của vị thầy căn bản của Ngài – Khenpo Palden Sherab và những đạo sư khác. Các môn học của Ngài gồm Phạn ngữ, Anh ngữ và những nghiên cứu mở rộng về các truyền thống của Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng. Ngài tốt nghiệp với bằng Acharya vào năm 1978, xếp thứ nhất trong tất cả bốn trường phái của Phật giáo Tây Tạng được đại diện ở Sarnath. Đức Dalai Lama đã vinh danh thành tựu của Ngài bằng một huy chương bạc. Sau khi tốt nghiệp, Ngài được mời đến giảng dạy ở Tu viện Palyul Namdroling thuộc khu định cư Tây Tạng ở Bylakuppe, gần Mysore miền Nam Ấn Độ. Trong nhiều năm, Ngài đã tham gia vào việc rèn luyện những tu sĩ trẻ và giảng dạy trong Phật học viện Ngagyur Nyingma (Shedra). Năm 1983, Ngài được Pema Norbu Rinpoche[3] tấn phong là một vị Khenpo. Trong truyền thống Nyingmapa, Khenpo là một giáo sư về các nghiên cứu Phật giáo.
Khenchen Tsewang Gyatso đã thọ nhận tất cả các quán đỉnh và trao truyền chính yếu của trường phái Nyingma, bao gồm Dudjom Tersar từ Kyabje Dudjom Rinpoche[4], Longchen Nyingthig Yabshi [Tâm Yếu Bốn Phần] và Nyingma Kama từ Dilgo Khyentse Rinpoche[5], Rinchen Terdzod và Namcho từ Pema Norbu Rinpoche. Ngài đã thực hành Dzogchen miên mật dưới sự dẫn dắt của Penor Rinpoche và nhiều đạo sư lỗi lạc khác, chẳng hạn Khenpo Jigme Phuntsok Rinpoche[6] và Nyoshul Khen Rinpoche[7]. Pema Norbu Rinpoche đã cho phép Ngài đại diện Tu viện và giảng dạy, trao truyền quán đỉnh và ban các chỉ dẫn cá nhân trong thực hành Phật giáo.
Ngài đã du hành và giảng dạy rộng khắp ở Hoa Kỳ, Đài Loan và trong các cộng đồng Trung Hoa hải ngoại ở Singapore, Hồng Kông và Philippines. Lối giảng dạy cởi mở, trực tiếp và tỉ mỉ của Ngài luôn luôn được đón nhận nồng nhiệt.
Nguồn Anh ngữ: https://www.palyulnyc.org/npdc/about/our-teachers/venerable-khenchen-tsewang-gyatso-rinpoche/.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Theo Rigpawiki, Guru Chokyi Wangchuk, tức Guru Chowang (1212-1270) – vị thứ hai trong năm Khai Mật Tạng Vương và là hóa hiện về khẩu của Vua Trisong Deutsen. Trong các phát lộ của Ngài có thực hành Lama Sangdu.
[2] Theo Rigpawiki, Ratna Lingpa (1403-1478) – một Terton Tây Tạng, người đã kết tập Nyingma Gyubum – Tuyển Tập Mật Điển Nyingma vào thế kỷ 15. Ngài cũng được biết đến với các danh hiệu Shikpo Lingpa và Drodul Lingpa, bởi trong một đời, Ngài đã phát lộ các Terma tiền định của ba đời khác nhau.
[3] Về Pema Norbu Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a33611/2/tieu-su-kyabje-pema-norbu-rinpoche-1932-2009-.
[4] Về Dudjom Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a35008/tieu-su-van-tat-dudjom-rinpoche-jigdral-yeshe-dorje-1904-1987-.
[5] Về Dilgo Khyentse Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a32138/2/tieu-su-dilgo-khyentse-rinpoche-1910-1991-.
[6] Về Jigme Phuntsok Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a27321/tieu-su-van-tat-duc-kyabje-jigme-phuntsok-rinpoche.
[7] Về Nyoshul Khen Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a35078/tieu-su-van-tat-nyoshul-khenpo-jamyang-dorje.