Trong một trăm vị phát lộ kho tàng (Terton) chính và một nghìn vị phụ của quá khứ và tương lai, những nhiếp chính của Đại Sư Liên Hoa Sinh Padmasambhava, hiện thân của tất cả Đấng Chiến Thắng khắp ba thời, vị được gọi là Chokgyur Dechen Zhikpo Lingpa Trinle Drodul Tsal đã nói như vậy với tất cả những đệ tử đang sống trong vương quốc bao la này:
“Từ ban đầu, giác tính tự nhiên thanh tịnh là hư không căn bản của tất thảy. Trong đó, tất cả các hiện tượng thanh tịnh và bất tịnh có bản chất là không-khởi lên. Cùng lúc, chúng cũng tự-khởi lên nhờ tiềm năng của sự hiển bày không ngăn ngại. Trong tất thảy, tất cả những gì tốt đẹp và lợi ích với thế giới – bình chứa xuất hiện cùng với những nội dung đang sống, [tức] mọi hữu tình chúng sinh – khởi lên từ trí tuệ và đại bi bất khả phân, thứ là hoạt động trí tuệ của chư Phật hoàn hảo. Và hoạt động chính yếu, nền tảng nằm ở chỗ hoằng dương những Giáo Pháp. Như Tôn giả Tịch Thiên (Shantideva) từng nói:
Nguyện chúng con gặp gỡ và phụng sự giáo lý –
sự chữa lành duy nhất cho khổ đau của chúng sinh
và cội nguồn của tất cả hạnh phúc –
và nguyện giáo lý như thế tồn tại mãi mãi![2]
Theo đó, chính nhờ lòng từ của những vị vua Pháp, các dịch giả và học giả mà giáo lý quý báu của Đấng Chiến Thắng, cội nguồn của mọi lợi lạc và hạnh phúc, đã có thể lan rộng và phát triển trên thế giới này nói chung và ở những ngọn núi tuyết của Tây Tạng nói riêng. Như thế, Giới Sư Tịch Hộ (Shantarakshita) vĩ đại đã truyền giới cho ‘bảy người đàn ông được thử thách’[3] và truyền bá sâu rộng những giáo lý của Luật Tạng (Vinaya), gốc rễ của giáo lý. Đạo Sư Liên Hoa Sinh đã điều phục chư thiên và tinh linh của Tây Tạng, trói buộc chúng bằng ấn mạnh mẽ[4] và Ngài soi sáng những giáo lý trọng yếu, Mật điển kết quả, như mặt trời. Ngài cũng chỉ ra những điều khác nhau cần phải làm để thiết lập kết nối cát tường cho sự trường thọ của đức vua và sự hoằng dương giáo lý của Đấng Chiến Thắng, chẳng hạn biến một thung lũng cát thành một đồng cỏ. Tuy nhiên, khi ấy, có những thượng thư xấu xa đứng về phía đen tối. Họ đã gây chia rẽ phỉ báng giữa đạo sư và đức vua và kết quả là, đức vua không thỉnh cầu đạo sư thiết lập những kết nối cát tường này. Như vậy, ví dụ, các mệnh lệnh cần thiết không được trao cho mười hai thiên nữ Tenma[5] để ngăn sự xuất hiện của những kẻ cực đoan ở Tây Tạng. Đạo sư vì thế tiên đoán rằng bởi sự thất bại trong việc tạo ra các hoàn cảnh cát tường thích hợp, trong tương lai, bất đồng sẽ khởi lên trong những giáo lý Phật Đà. Tiên tri này giờ đây đã xảy ra.
Bởi mục đích của giảng dạy và nghiên cứu là thực hành, sẽ là không đúng nếu tách biệt sự nghiên cứu khỏi những nỗ lực thực hành. Thế nhưng ngày nay, những vị tham gia vào nghiên cứu và những vị tham gia vào thực hành thì tách biệt. Các học giả gọi hành giả là ‘những thiền gia ngu dốt’, nói rằng bây giờ không phải là lúc để thực hành và v.v. Họ xem những thiền gia vĩ đại hết lòng tập trung vào thực hành là ngang bướng và chỉ trích liên miên. Giống như vậy, những hành giả khinh thường các học giả, miêu tả những hoạt động nghiên cứu và quán chiếu, giảng dạy và lắng nghe miệt mài là vô nghĩa. Với họ, đây chẳng khác gì con vẹt tụng lại Giáo Pháp.
Ngày nay, đơn thuần có một vị giới sư và Tu viện khác thì giống như thuộc về một nhánh hay truyền thừa khác biệt. Mọi người bộ phái, thiên vị với các Tu viện của bản thân, vùng miền của bản thân. Họ yêu thích chư đạo sư và giới sư thuộc cộng đồng bản địa, trong khi chất chồng vô số chỉ trích lên những vị khác và giáo lý khác – tất cả đều tranh giành lợi lộc, danh dự, của cải và danh tiếng. Cuối cùng, họ cầm vũ khí và giết hại lẫn nhau và mọi chuyện tiếp diễn như thế. Thậm chí những vị tuân theo cùng các bản văn và lời dạy của cùng đạo sư cũng chia tách, bị cuốn đi riêng rẽ bởi cơn gió nhẹ.
Những hành giả cũng bắt đầu xem các đạo sư và Tu viện khác nhau là ‘những truyền thừa khác nhau’. Họ quan sát đầy đố kỵ nơi ở, học trò và danh tiếng của nhau. Họ chạy khắp nơi, chẳng hài lòng với các ẩn thất trên núi hay nơi hẻo lánh. Những người chẳng có sự xấu hổ hay tôn giáo này mang danh là ‘khất sĩ chứng ngộ’ và những vị chẳng biết gì thì lại được gọi bằng những từ như ‘đấng thấu suốt, chư vị thông tuệ về tất thảy’. Hành động của họ thì phóng đãng, hành vi bất cẩn và họ vô cùng lười biếng. Họ tuyên bố rằng những nỗi thống khổ về tham và sân của họ là ‘bản tính của thiền định’ và rằng họ là những ‘thành tựu giả phá huyễn’ và v.v. Thế nhưng, nếu xem xét một cách cẩn thận, Ta chẳng thấy bất kỳ tri kiến hay trường phái tư tưởng nào siêu việt hơn hay thậm chí đặc biệt khác biệt.
Có những khác biệt nhỏ trong cách thức mà các tu sĩ trẻ tranh luận về màu đỏ và trắng[6] và các Mantrika đặt chày và chuông. Những thiền gia vĩ đại cũng khác biệt chút ít trong sự hiểu và nhận thức về các kinh nghiệm của chư vị, nhưng mục tiêu và đích đến rốt ráo của họ là giống nhau – ý định cuối cùng duy nhất của những Đấng Chiến Thắng, của tất cả Kinh điển và Mật điển, các bản văn và luận giải.
Tuy nhiên, điều này vẫn là chưa đủ để đề cập đến mọi sự khác biệt nhỏ trong tư duy của các cá nhân. Vì thế, điều được gọi là ‘Trường phái Cũ’ (Nyingma) và ‘Trường phái Mới’ (Sarma) lần lượt vạch rõ sự truyền bá giáo lý trước và sau và mặt khác, không khác biệt về tri kiến hay thực hành. Dẫu vậy, chúng ta gọi như thế để xác định lối giảng dạy khác nhau của chúng. Tương tự, Kadampa, Sakyapa, bốn lớn và tám nhỏ của Kagyupa[7], Jonang, Zhalu, Bodongpa, Gadenpa và v.v. đều có thể giữ các truyền thừa khác nhau với những quy ước khác biệt, nhưng tri kiến và thành tựu rốt ráo của chúng thì giống nhau. Vì vậy, bởi mọi học thuyết hòa quyện lại và không một giáo lý nào đứng riêng rẽ, thật vô ích khi nói về các Tu viện và dòng trao truyền khác biệt; rốt ráo, tất cả những khác biệt này là sự mê lầm hoàn toàn. Thế nhưng, những giáo lý ngày nay bị phiền nhiễu bởi các thế lực hiểm ác và bị xé nát bởi chính lòng đố kỵ, cạnh tranh, tham lam và thù ghét đang phiền nhiễu các truyền thống thế tục.
Hướng dẫn tiên tri về một trong các Kho Tàng (Terma) của Ta, Tự Nhiên Viên Thành Ước Nguyện (Sampa Lhundrup) nói rằng:
Nói vì sự thích và không thích của bản thân,
Họ ngụy trang cả núi quan niệm thành ‘những lời của Đức Uddiyana’.
Dựa trên các tiên đoán được đưa ra trong những tiên tri giả,
Lớn tiếng tán thán bản thân trong khi phỉ báng người khác,
Cộng đồng Giáo Pháp duy nhất bị chia thành nhiều phần.
Trong những tình cảnh này, nghiên cứu và thực hành bị chia tách.
Bởi nghiệp không thể chuộc lại của việc từ bỏ Giáo Pháp,
Tổn hại to lớn sẽ đến với bản thân, chúng sinh khác, giáo lý cũng như chúng sinh.
Vì thế, đừng đi theo những lang băm này: đó là lời khuyên chân thành của Ta.
Chúng ta cần thực hành như vậy.
Kinh Dệt Tất Cả[8] nói rằng:
Văn Thù Sư Lợi, hãy xem xét nghiệp chướng của việc từ bỏ Giáo Pháp thù thắng. Này Văn Thù Sư Lợi, những vị xem một số giáo lý của Như Lai là tốt và số khác thì xấu, đang từ bỏ Giáo Pháp. Khi họ nói rằng, ‘Điều này đúng’ và ‘Điều này không đúng’, họ đang từ bỏ Giáo Pháp thù thắng. Bản thân Ta chưa bao giờ giảng dạy các Giáo Pháp khác nhau vì lợi ích của Thanh Văn thừa, Độc Giác thừa hay thực sự Đại thừa. Tuy nhiên, những kẻ ngu xuẩn phân biệt các giáo lý của Ta, bảo rằng, ‘Điều này được giảng dạy cho chư Thanh Văn; điều này dành cho chư Độc Giác’. Bởi nhận thức về sự khác biệt này, họ từ bỏ Giáo Pháp thù thắng hoàn toàn. Nói về việc liệu một đạo sư nào đó có tài hùng biện hay không là từ bỏ Giáo Pháp. Nói rằng ông ấy giảng dạy Giáo Pháp một cách không đúng đắn là từ bỏ Giáo Pháp.
Như thế, những vị muốn tốt đẹp cần ân hận và sám hối bất kỳ nghiệp nào bởi từ bỏ Giáo Pháp như vậy. Họ cần thề rằng, từ nay trở đi, họ sẽ đề phòng và từ bỏ nó dù phải đánh đổi mạng sống. Mặc dù một cách tạm thời, tùy theo cấp độ tinh thần của các đệ tử, tri kiến và thực hành của những thừa khác nhau có thể xuất hiện là khác biệt, rốt ráo chúng là một. Với những vị Terton chúng tôi, chúng tôi không có bất kỳ ‘tôn giáo Terton’ đặc biệt nào, ngoại trừ việc duy trì không thiên vị và không thành kiến với vùng miền, cộng đồng, đệ tử, nhánh và giáo lý. Sự hợp nhất của Kinh và Mật được chư Phật giảng dạy là điều tạo thành những giáo lý của chư Terton.
Vì vậy, những vị đã thâm nhập các giáo lý của Đấng Chiến Thắng cần bước vào cánh cửa của Giáo Pháp với mong ước thoát khỏi luân hồi. Hơn thế nữa, họ không nên chỉ nghĩ về an bình và hạnh phúc của bản thân, mà cần có quyết tâm mãnh liệt về việc giác ngộ vì lợi ích của chúng sinh khác. Sau đó, điều vô cùng quan trọng là họ cần nghiêm túc giữ gìn các quy tắc của ba kiểu giới luật. Như học giả thù thắng, Đức Thế Thân [Vasubandhu] từng nói:
Bằng sự nghiên cứu và quán chiếu kỷ luật,
Người ta khéo léo chuẩn bị cho thiền định.
Điều này cần phải được hiểu. Như Đức Gampopa nổi tiếng khắp thế gian từng nói:
Những người mới bắt đầu cần nỗ lực lắng nghe, quán chiếu và thiền định,
Và khi đã trở nên ổn định, họ cần bền bỉ thực hành.
Theo cách này, một trong các đệ tử của Ta – một vị trì Luật trong thời đại suy đồi, Karma Sangye Chophel tức Pema Drime Lodro Zhenpen Chokyi Nangwa[9] – đã viếng thăm tất cả những trung tâm Giáo Pháp và ẩn thất trên núi xa xôi của các học giả và hành giả xuất sắc. Ngài đi khắp các học viện tu sĩ để tham gia vào nghiên cứu và quán chiếu và sống tại trung tâm nhập thất để tăng cường sự hành trì các điểm trọng yếu của Kinh và Mật. Bởi phụng sự Giáo Pháp với lòng vị tha thanh tịnh, thiện lành tạo thành một phần của bảy sự tích lũy công đức từ các nguyên nhân vật chất[10], tất cả những người tử tế – cao, thấp và trung bình – cần tìm kiếm Ngài! Không những vậy, trong thời kỳ khi mà người ta chỉ chăm chăm vào vẻ bề ngoài, sự bám chấp duy nhất của vị đạo sư từ Ewam Chogar này là với những phẩm tính lợi lạc của vị học giả ổn định. Vì thế, dù con đến từ đâu – bất kể người thường, Sa Di hay tập sự-Sa Di hoặc một Tỳ Kheo – nếu con yêu thích Luật Tạng của Giáo Pháp thù thắng, con cần biết rằng Ngài có địa vị không thể phủ nhận của một vị Khenpo! Thực sự, trong bốn phần của các bản văn Luật Tạng có nói: ‘Này các tu sĩ, cần làm bao nhiêu việc để chúng ta có thể nói rằng Giáo Pháp thù thắng sẽ tồn tại? Chừng nào mà các tu sĩ nỗ lực và hoàn thành nhiệm vụ của họ, Giáo Pháp sẽ tồn tại’”.
Trong năm Hỏa Mão của chu kỳ [sáu mươi năm] thứ mười lăm (1867-68), nguyện những lời này lan rộng từ Orgyen Samten Choling ở Rặng Tuyết Rudam, thánh địa chính yếu về phẩm tính trí tuệ và cầu mong chúng đem đến sự tốt lành!
Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/chokgyur-dechen-lingpa/nonsectarianism-advice.
Lhasey Lotsawa Translations (Oriane Sherap Lhamo & Laura Dainty dịch; Libby Hogg hiệu đính) dịch [sang Anh ngữ], chân thành cảm ơn James Genry vì đã từ bi đề xuất và làm sáng tỏ nhiều điểm.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
Mọi công đức có được, xin hồi hướng cầu nguyện Kyabje Tsikey Chokling Rinpoche (1953-2020) nhanh chóng thị hiện tái sinh trong thân người, tiếp tục các hoạt động dẫn dắt chúng sinh cho đến luân hồi trống rỗng!
[1] Về Đức Chokgyur Dechen Lingpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a33955/3/nhat-quang-choi-ngoi-tu-nhung-giao-ly-cua-dang-chien-thang.
[2] Từ chương Hồi Hướng trong Nhập Bồ Tát Hạnh của Tổ Tịch Thiên.
[3] Bảy người đàn ông bị thử thách (sad mi mi bdun) là bảy người đàn ông đầu tiên xuất gia làm tu sĩ Phật giáo ở Tây Tạng. Họ được xem là những đối tượng kiểm nghiệm, để thiết lập xem liệu Vinaya (các quy tắc của tu sĩ) có thể được giữ gìn ở Tây Tạng hay không.
[4] Ấn (phyag rgya) là từ phổ biến trong các bản văn Mật thừa, điều có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ở đây, nó có thể được hiểu là đang nhắc đến quyền lực của Guru Rinpoche hay rộng hơn là những hứa nguyện hay lời thề được áp lên những tinh linh của Tây Tạng khi Guru Rinpoche biến họ thành những vị bảo vệ Giáo Pháp.
[5] Thiên nữ Tenma (brtan ma) là mười hai chị em bảo vệ liên quan đến mười hai ngọn núi và hồ khác nhau ở Tây Tạng.
[6] Điều này liên quan đến những phép biện chứng được nghiên cứu trong Phật học viện.
[7] Bốn nhánh lớn của Kagyu gồm Barom, Phakdru, Kamtsang và Tselpa Kagyu; và tám nhánh nhỏ gồm Drikung, Taklung, Trophu, Lingre, Martsang, Yelpa và Yazang Kagyu.
[8] Tạng: ‘phags pa rnam par ‘thag pa thams cad bsdus pa zhes bya ba theg pa chen po’i mdo; Phạn: Ārya-sarvavaidalya-saṃgraha-
[9] Karma Sangye Chophel hay Padma Drime Lodro Zhenphen Chokyi Nangwa là một trong những học trò thân thiết nhất của Đức Chokgyur Lingpa, thường được biết đến là Karme Khenpo Rinchen Dargye.
[10] Jamgon Kongtrul trích dẫn bảy công đức từ những thứ vật chất như sau, theo Sự Trao Truyền Giới Tu Sĩ: “[Xây dựng] già lam (ārāma), / [Xây dựng] chùa lớn (vihāra), / [Làm] nệm, / Kéo dài thọ mạng, / Chăm sóc những vị bất ngờ bị bệnh, / Từ thiện được tiến hành ở những địa điểm và thời kỳ túng thiếu: / Đây được gọi là “bảy công đức từ những thứ vật chất”.