TERCHEN ORGYEN CHOKGYUR LINGPA (1829–1870)
Terchen Orgyen Chokgyur Lingpa là một hóa hiện của Murub Tsepo[2], một trong những con trai của Vua Trisong Deutsen. Ngài sinh ở Nangchen, miền Đông Tây Tạng, phần thuộc của nơi được gọi là phía Nam. Cha Ngài là một đạo sư Mật thừa cư sĩ tên là Pema Wangchuk và mẹ Ngài là Tsering Yangtso. Con trai của họ sinh ra giữa những dấu hiệu tuyệt vời vào ngày Mười tháng Chuto năm Thổ Sửu[3]. Từ thuở nhỏ, cậu bé đã tự tại hiển bày các đặc tính nội tại của một vị tôn quý. Cậu được đặt tên là Norbu Tenzin.
Lần nọ, năm mười ba tuổi, Ngài Norbu Tenzin đang chơi trong vùng được biết đến là Manikha. Ở đó, Ngài thực sự diện kiến Guru Rinpoche, vị hỏi Ngài về địa điểm, tên Ngài và v.v. Cậu bé trả lời từng câu hỏi và Guru Rinpoche bảo rằng, “Con trai, những hoàn cảnh quanh con cực kỳ cát tường. Sự thật rằng nơi này được gọi là Manikha, rằng tên con là Norbu Tenzin và rằng thung lũng này được gọi là Arya Nang[4] nghĩa là con đã đến thế gian này như một vị vô cùng tôn quý”. Nói những lời này, Guru Rinpoche phai mờ trước nhận thức của Ngài Chokgyur Lingpa, giống như cầu vồng phai mờ trên bầu trời. Chính vào khoảng thời gian này, Ngài Chokgyur Lingpa xuất gia làm tu sĩ tập sự dưới sự chứng minh của Matrul Rinpoche từ trường phái Taklung Kagyu.
Ngài đã thọ nhận quán đỉnh mở rộng về Hợp Nhất Ý Định Chư Đạo Sư và các trao truyền khác từ Đức Pawo thứ tám – Tsuklak Chokyi Gyalpo; kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ được đánh thức. Vị đạo sư này đã chăm sóc Ngài với sự hài lòng lớn lao, giao phó cho Ngài truyền thừa rốt ráo của các Terma. Theo thời gian, Ngài Chokgyur Lingpa cũng nghiên cứu với Gyalwang Karmapa[5], Kyabgon Drukchen từ trường phái Drukpa Kagyu và nhiều vị giáo thọ khác, thọ nhận những quán đỉnh chín muồi, chỉ dẫn giải thoát và khẩu truyền hỗ trợ, cũng như rèn luyện về vũ điệu nghi lễ, thiết lập đàn tràng, trì tụng và âm nhạc. Ngài đã học hỏi tất cả không chút sai sót, tinh tấn dấn thân vào rèn luyện.
Hai mươi lăm tuổi, được khích lệ bằng những lời của Guru Rinpoche, Ngài Chokgyur Lingpa đến trụ xứ Tu viện Palpung ở Derge, miền Đông Tây Tạng. Ở đó, Ngài diện kiến Đức Tai Situ Pema Nyinje Wangpo. Ngài cúng dường vị này những món Terma, chẳng hạn dao Phổ Ba nghi lễ được biết đến là Wangchen Zhepa. Situ Rinpoche rất hài lòng, điều đã thiết lập những hoàn cảnh cát tường để cuộc đời Ngài được kéo dài. Vị này nói riêng với Ngài Chokgyur Lingpa rằng Ngài cần phải hoàn thành sứ mệnh bằng cách khai mở các dấu bí mật và phát lộ Terma.
Guru Rinpoche đã tiên đoán rằng hai đạo sư, Jamyang Khyentse Wangpo[6] và Jamgon Kongtrul Lodro Thaye[7], sẽ là đạo sư trong nhiều đời nhiều kiếp và là vị trông giữ căn bản những giáo lý của Ngài Chokgyur Lingpa; ba vị vốn đã kết nối với nhau trong đời trước khi là đức vua của Tây Tạng và các con trai[8]. Ngài Chokgyur Lingpa đến gặp cả hai vị đạo sư này, những vị chăm sóc Ngài bằng sự thích thú lớn lao và lòng từ phi phàm. Ngài thọ nhận vô vàn quán đỉnh, giáo lý và lời khuyên từ hai vị và tâm Ngài cùng với tâm hai vị hòa quyện, trở thành một. Đặc biệt là, từ Khyentse Rinpoche, Ngài thọ nhận quán đỉnh, được hệ thống lại bởi Đấng Chiến Thắng Longchenpa, cho Giọt Tâm Cực Mật Của Đạo Sư; khi ấy, Ngài có linh kiến thanh tịnh mà trong đó, Ngài thực sự diện kiến Tôn giả Vô Cấu Hữu và được trực tiếp giới thiệu với Đại Viên Mãn tự nhiên, giác tính bất tận là sự hợp nhất trần trụi của giác tính và tính Không. Khi “sự trao truyền sinh lực” cho chư vị Hộ Pháp được tiến hành, Ngài thấy Hộ Pháp Ekajati, vị nói với Ngài rằng, “Trong vòng ba năm, tôi sẽ ban cho Ngài thành tựu thù thắng”. (Điều này được hiểu là một ám chỉ về Ba Phần Đại Viên Mãn, Terma mà Ngài phát lộ.)
Hai mươi bảy tuổi, Ngài Chokgyur Lingpa thọ nhận quán đỉnh mở rộng cho đàn tràng Samyak chín vị Tôn; trong đó, đấng đạo sư của Ngài xuất hiện trước Ngài trong hình tướng của Heruka và tan vào trán Ngài. Điều này đã khai mở những nút thắt trong các kinh mạch vi tế của luân xa tim. Từ đó trở về sau, Ngài Chokgyur Lingpa có thể tự tại cất lên những bài ca kim cương và các Terma khởi lên trong tâm giác ngộ Ngài. Trước kia, Ngài vốn không thể ghi lại chữ viết biểu tượng của nghi quỹ tâm giác ngộ với tựa đề Xua Tan Mọi Chướng Ngại; giờ đây, nó đều khởi lên trong tâm Ngài, tự nhiên và thoải mái. Terma này và Terma được phát lộ bởi Đức Khyentse (nghi quỹ tâm giác ngộ với tựa đề Tập Hội Chư Thiện Thệ) không chỉ giống hệt về ý nghĩa mà rõ ràng giống cả về từ ngữ, được kết nối như mẹ và con. Cùng nhau, chư đạo sư đã dùng cả hai pho để tiến hành các nghi thức đảm bảo sự hệ thống hóa thành công của các Terma này. Như thế, nhiều hoàn cảnh cát tường đã khởi lên; ví dụ, chư vị có vô số linh kiến thanh tịnh và những ghi chép về vô số hộp Terma đến với chư vị. Bởi tâm của hai đạo sư này đã hòa quyện, trở thành một, một số quán đỉnh chín muồi và chỉ dẫn giải thoát trong giáo lý Tersar của Ngài Chokgyur Lingpa được cho là do Đức Khyentse Rinpoche phát lộ. Hai vị này đã trở thành những Terton vĩ đại với danh tiếng không thể phản bác, giống như mặt trời và mặt trăng.
Sau đấy, hoàn thành một tiên tri nhận được từ Guru Rinpoche, Ngài Chokgyur Lingpa đến trụ xứ của Đức Karmapa và ở lại ba năm với cam kết nghiêm ngặt rằng sẽ không rời khỏi vùng đó. Ngài tinh tấn theo đuổi sự hành trì tâm linh và đưa các giai đoạn phát triển và hoàn thiện cũng như sự tiếp cận Dzogchen đến viên mãn. Vô số dấu hiệu thành tựu hiển bày bởi Ngài đã đạt được cấp độ cao về sự làm chủ tâm linh. Hoàn toàn rõ ràng rằng Ngài, lấy ví dụ, đã làm chủ bốn kiểu hoạt động giác ngộ. Trong các tiên tri của Guru Rinpoche, chúng ta tìm được những đoạn kệ như sau:
“Có các truyền thừa Kama của giáo huấn truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Có các Terma là đối tượng vật lý và Terma của ý định giác ngộ.
Có các Terma được tái chôn giấu, thứ sau đó được phát lộ lại và Terma dựa trên sự hồi nhớ.
Có các trao truyền Daknang và nhĩ truyền.
Đây là bảy kiểu trao truyền,
Thứ đến với cha và con này như là phần phước báu của họ”.
Với điều này, Guru Rinpche tiên đoán rằng mỗi vị trong hai Terton vĩ đại, người trước kia là Vua Trisong Deutsen và con trai, sẽ đều là đạo sư của bảy kiểu trao truyền này (điều lại là những biến thể của ba dòng trao truyền Kama, Terma và Daknang).
Đúng theo tiên tri này, khi Đức Chokgyur Lingpa mười ba tuổi, Ngài phát lộ từ địa điểm chôn giấu ở Drakar Dzongchung vô số Terma, bao gồm hai mươi tư nghi quỹ, thứ tạo thành cốt lõi thực hành tâm linh của Hoàng tử Murub Tsepo và chày kim cương, cốc sọ cùng gương, thứ là những vật biểu tượng liên quan đến Hợp Nhất Ý Định Chư Đạo Sư. Năm hai mươi chín tuổi, Ngài rút ra vô số Terma, trong số đó có Bảy Pho Ngọc Báu Giáo Pháp Linh Thiêng, một tượng nhiếp chính của Guru Rinpoche và những trang sức của Senge Dradrok từ những ngọn đồi được gọi là Tsike Norbu Punsum; Bảy Pho Thực Hành Tâm Linh Sâu Xa từ địa điểm đằng sau Ogmin Tsurphu – trụ xứ của Đức Karmapa; Pháp Thiêng – Ba Phần Đại Viên Mãn từ động Pema Shelpuk ở Dzongsho; và một pho về Tám Mệnh Lệnh và Đại Viên Mãn Sâu Xa – Vàng Chảy từ một vùng về phía Nam của Yegyal. Trong mỗi trường hợp, hộp Terma đem đến những giáo lý, tôn tượng, chất thệ nguyện linh thiêng, Pháp khí biểu tượng và nhiều thứ khác, tạo thành một lượng kho tàng to lớn. Hầu hết những phát lộ này xảy ra trước đám đông; như thế, chẳng ai có thể nghi ngờ tính xác thực của điều mà mọi người, bất kể địa vị, đều chứng kiến. Theo cách tương tự, giống như tiên tri đã tuyên bố, từ hơn một trăm địa điểm, Ngài Chokgyur Lingpa đã phát lộ vô số Terma khác của thân, khẩu, ý, phẩm tính và hoạt động giác ngộ, chẳng hạn một trăm giáo lý Nyingtik và vô số chất thệ nguyện giải thoát nhờ nếm. Theo những cách như vậy, các hoạt động mà Ngài tiến hành kết nối với mỗi kiểu trong bảy kiểu trao truyền và lợi lạc mà chúng đem đến, thật chẳng thể nghĩ bàn.
Ngài Chokgyur Lingpa có những linh kiến về chư Tôn Tam Căn Bản và thọ nhận tiên tri từ chư vị. Chư vị bảo vệ thực sự tiến hành các hoạt động giác ngộ mà Ngài yêu cầu. Vào nhiều dịp, Ngài du hành đến Zangdok Palri ở cõi Chamara. Ngài có vô vàn kinh nghiệm tuyệt diệu. Bên cạnh đó, Ngài giám sát khoảng ba mươi nghi lễ mở rộng liên quan đến bốn giai đoạn tiếp cận và thành tựu[9]. Ngài cử hành các nghi lễ thánh hóa những thánh địa căn bản ở miền Trung Tây Tạng – chẳng hạn Đồi Hepo ở Samye và Chuwori – và ở miền Đông Tây Tạng – Karmo Taktsang ở Rongme, Deshek Dupa ở Dzongsho và v.v. Ngài ban những mệnh lệnh nghiêm khắc cho các tinh linh bản địa cư ngụ ở nhiều vùng. Với những hoạt động như vậy, Ngài Chokgyur Lingpa đẩy lui chiến tranh biên giới và các bất ổn khác – dấu hiệu của thời kỳ rắc rối[10] và đảm bảo an bình và thịnh vượng trong những vùng này. Ngài hoàn thành điều mà Guru Rinpoche nhắc đến trong các tiên tri, khiến lợi lạc mà Ngài đem đến cho chúng sinh bao la như bầu trời.
Các học trò và tâm tử của Ngài chủ yếu liên hệ với các nhánh của trường phái Kagyu (đặc biệt là Karma, Drukpa, Drikung và Taklung Kagyu) và những nhánh của trường phái Nyingma (Kathok, Palyul, Shechen, Dzogchen và nhiều Tu viện khác). Ngài cũng giảng dạy chư đạo sư của Sakya và các trường phái khác không chút thành kiến bộ phái, ban cho họ nhiều quán đỉnh chín muồi và chỉ dẫn giải thoát, chẳng hạn các Terma của chính Ngài. Những giáo lý này được truyền bá trong các cộng đồng của những đạo sư và Tulku này. Sức ảnh hưởng của Ngài Chokgyur Lingpa cũng được cảm nhận trên khắp Tây Tạng nhờ những món quà mà Ngài làm từ các chất giải thoát nhờ nếm.
Truyền thừa căn bản cho những giáo lý Terma của Ngài được truyền cho mười vị trông giữ chính yếu và nhờ các thuận duyên, đã lan tỏa khắp Tây Tạng; do đó, Đức Chokgyur Lingpa đảm bảo rằng tất cả những vị thấy, nghe, chạm hay nhớ về Ngài đều được đặt trên con đường thù thắng đến toàn tri và giác ngộ. Như thế, Ngài đã sống như là sự huy hoàng của giáo lý và chúng sinh trong khoảng bốn mươi hai năm. Vào một thời điểm nhất định, Ngài đã rời đến Tịnh độ Chamara. Vào một ngày Trăng Tròn trong năm mà Ngài viên tịch, Đức Khyentse đã diện kiến Terton vĩ đại trong linh kiến, vị xuất hiện trong hình tướng Bồ Tát Pema Nyugu ở Pema Khepar, cõi Tịnh độ về phía Tây – và thọ nhận trao truyền cho các nghi quỹ, quán đỉnh và lời khuyên từ Ngài. Khyentse Rinpche giữ điều này cực kỳ bí mật trong một tháng. Sau đó, Ngài hệ thống lại các trao truyền trong một lễ Ganachakra vào ngày Mười tháng Gyal – Mười hai, khi mà vùng đất bỗng nhiên ấm lên, hoa nở và vô số điềm và dấu hiệu cát tường khác hiển bày – ví dụ, băng tan và dòng sông lại tuôn chảy – cho thấy sự dồi dào về ân phước gia trì vô cùng đặc biệt trong những giáo lý này.
Các trụ xứ căn bản của Đức Chokgyur Lingpa là ở Karma Ri, nơi gặp nhau của ba thung lũng tại Tsike Norbu Punsum và rặng Neten Gang. Tại hai địa điểm sau, Ngài đã xây dựng chùa chiền và cung cấp nơi ở cho các cộng đồng Tăng đoàn lớn, cũng như những trung tâm để nghiên cứu và thực hành Kinh và Mật. Hai Tulku thù thắng của Ngài đã cư ngụ tại hai trụ xứ này và như thế, được biết đến là Tsike Chokling và Negang Chokling; cả hai đã làm lợi lạc giáo lý và chúng sinh một cách lớn lao.
Nguồn Anh ngữ: Nyoshul Khenpo Jamyang Dorje, A Marvelous Garland of Rare Gems – Biographies of Masters of Awareness in the Dzogchen Lineage [tạm dịch: Tràng Ngọc Báu Hiếm Có Tuyệt Diệu – Tiểu Sử Chư Đạo Sư Giác Tính Trong Truyền Thừa Dzogchen], Padma Publishing.
Richard Barron (Lama Chokyi Nyima) chuyển dịch Tạng-Anh.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Nyoshul Khen Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a35078/tieu-su-van-tat-nyoshul-khenpo-jamyang-dorje.
[2] Tức Murub Tsenpo. Theo Rigpawiki, Ngài là vị thứ hai trong ba con trai của Vua Trisong Deutsen. Mẹ Ngài là Hoàng hậu Tsepongza. Ngài đã tái sinh làm Terton mười ba lần và vị cuối cùng là Chokgyur Dechen Lingpa.
[3] Năm Thổ Sửu cái (đầu năm 1829 đến đầu năm 1830).
[4] Manikha nghĩa là “Lối Vào Ngọc Báu”; Norbu Tenzin nghĩa là “Bảo Châu Trì Giáo” và Arya Nang nghĩa là “Ưu Việt Tâm Linh Nội Tại”.
[5] Tức Đức Karmapa thứ 14 – Thekchok Dorje (1798-1868).
[6] Về Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a34299/2/tieu-su-van-tat-ton-gia-jamyang-khyentse-wangpo-1820-1892-.
[7] Về Đức Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a35061/tieu-su-van-tat-duc-jamgon-kongtrul-yonten-gyatso-lodro-thaye-1813-1899-1900-.
[8] Đức Jamyang Khyentse Wangpo được xem là hóa hiện của Vua Trisong Deutsen trong khi Ngài Jamgon Kongtrul và Chokgyur Lingpa là hóa hiện của hai trong số những con trai của Vua.
[9] Thực hành nghi quỹ cá nhân bao gồm hai giai đoạn tiếp cận và thành tựu. Cấu trúc tỉ mỉ hơn cho nghi lễ nhóm thường bao gồm bốn giai đoạn: tiếp cận, tiếp cận gần hơn, thành tựu và đại thành tựu.
[10] Điều này có lẽ ám chỉ các chiến dịch của Nyarong Gonpo Namgyal ở miền Đông Tây Tạng. Chư đạo sư Phật giáo Tây Tạng thường đóng vai trò hòa giải trong những xung đột hay chiến tranh.